#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 200
Chư vị đồng tu, chúng ta mở xem trang giấy in lại [chương kinh có tựa đề] là Bồ Tát Công Đức Phần Đệ Tam Thập Tứ trong bản hội tập kinh Đại Bổn của ông Vương Long Thư. Liên Trì đại sư trích dẫn hai mươi ba tỷ dụ trong chương kinh này; lần trước, chúng tôi đã giảng tám tỷ dụ, hôm nay bắt đầu từ tỷ dụ thứ chín:
Như lôi âm chấn hưởng xuất pháp âm cố.
如雷音震響出法音故。
(Thốt ra pháp âm như tiếng sấm vang rền).
Tiếng sấm nghe vang xa, tỷ dụ âm thanh thuyết pháp của đức Phật như sấm dội vào tai, mang ý nghĩa này. Sấm có thể khiến cho vạn vật kinh động, cũng nhằm tỷ dụ âm thanh thuyết pháp của đức Phật có thể chấn động những kẻ đang hôn mê, thường nói là “phá mê, khai ngộ”, có thể kinh động, đánh thức hết thảy chúng sanh trong đêm dài vô minh. Tỷ dụ thứ mười là…
Như vân ái đãi, giáng pháp vũ cố.
如雲靉靆降法雨故。
(Như mây đen dầy, tuôn xuống mưa pháp).
Tỷ dụ đức Phật thuyết pháp như tuôn mưa móc, nhuần thấm hết thảy chúng sanh. Đổ mưa thì chúng ta biết nhất định là có mây rất dầy, chứa rất nhiều hơi nước thì mới có thể tuôn mưa lai láng. Đức Phật dùng chuyện này để tỷ dụ việc thuyết pháp.
Như phong động thụ, trưởng Bồ Đề nha cố.
如風動樹長菩提芽故。
(Như gió lay cây, tăng trưởng mầm Bồ Đề).
Đối với gió, chúng ta thường nói tới gió Xuân. Đến mùa Xuân, tất cả thực vật đều nẩy mầm, có ý nghĩa này. “Như phong động thụ”, “phong” là nói tới Xuân phong hoặc gió nhẹ thổi hây hẩy. Khi ấy, vạn vật bắt đầu sanh trưởng, tỷ dụ đức Phật thuyết pháp giống như gió nhẹ thổi hây hẩy, đó gọi là “như mộc xuân phong” (如沐春風: như được tưới gội bởi gió Xuân). Trước kia, để ca ngợi thầy, [bèn nói] học trò dưới tòa của thầy “như mộc xuân phong”, tăng trưởng trí huệ, có ý nghĩa này.
Như ngưu vương thanh dị chúng ngưu cố.
如牛王聲異眾牛故。
(Như tiếng trâu chúa, chẳng giống tiếng của các con trâu khác).
Hiện thời, tạp âm quá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình cảm trong cuộc sống của con người. Trước kia, hoàn cảnh rất yên tĩnh, vì sao? Những thứ máy móc chưa được phát minh. Tạp âm lớn nhất là tiếng trâu kêu, vì trong gia đình luôn nuôi các loài gia súc. Trong các loài gia súc, tiếng trâu kêu to nhất. Xưa kia, người xuất gia tu hành trụ tại A Lan Nhã (Araṇya). A Lan Nhã là tiếng Ấn Độ, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Tịch Tĩnh Chi Xứ Sở (nơi chốn vắng lặng). A là Vô, Lan Nhã là âm thanh. Nơi ấy rất an tĩnh, chẳng nghe âm thanh ồn ào. Lấy gì làm tiêu chuẩn? Chẳng nghe thấy tiếng trâu kêu bên ngoài, nơi ấy rất an tĩnh. Hiện thời, tiếng xe cộ còn nghiêm trọng hơn tiếng trâu kêu rất nhiều, hiện nay tìm một hoàn cảnh an tĩnh chẳng dễ dàng. Đây là tỷ dụ âm thanh lớn nhất, “dị chúng ngưu cố” (chẳng giống các con trâu khác), vua của loài trâu mà!
Như long tượng oai nan khả trắc cố.
如龍象威難可測故。
(Như long tượng oai thế khó thể suy lường).
“Long tượng” có oai đức. Chúng ta chưa thấy rồng, nhưng đã thấy voi. Quý vị thấy voi dáng dấp rất an tường, giống như nó luôn ở trong Định, tỏ lộ oai đức của nó. Trong kinh, đức Phật thường dùng điều này để tỷ dụ Thiền Định, như câu nói: “Na Già thường nhập Định, không lúc nào chẳng định”. Thiền Định thật sự là đi, đứng, nằm, ngồi đều ở trong Định. Na Già là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là “long tượng”. Chúng ta nhất định phải giống như voi, không lúc nào, không chỗ nào, đi, đứng, nằm, ngồi mà chẳng an tường, chẳng an định, có ý nghĩa này. “Nan khả trắc cố” (Khó thể suy lường): Như Lai và các vị đại Bồ Tát nhập Thiền Định rất sâu, xác thực là chúng ta chẳng thể tưởng tượng được!
Như lương mã hành thừa vô thất cố.
如良馬行乘無失故。
(Như ngựa giỏi kéo xe chẳng sai sót).
Thời cổ, phương tiện giao thông tốt nhất là xe ngựa. Ngựa giỏi kéo xe có thể khiến cho quý vị đến mục tiêu bình yên, an ổn. Vì thế, coi chuyện đức Phật thuyết pháp hướng dẫn hết thảy chúng sanh hướng đến đại đạo Vô Thượng Bồ Đề giống như ngựa giỏi. So với các pháp môn khác, pháp môn Tịnh Tông thù thắng nhất. Nương theo môn này tu học thì mới có thể viên mãn Bồ Đề trong một đời.
Như sư tử tòa ly bố úy cố.
如師子座離怖畏故。
(Như tòa sư tử, lìa sợ hãi).
Đây cũng là tỷ dụ đức Phật thuyết pháp. Kinh thường tỷ dụ đức Phật như sư tử rống. Sư tử rống là tỷ dụ pháp âm, “sư tử tòa” là tỷ dụ oai đức của Phật. Sư tử là vua của trăm loài thú, hết thảy các dã thú đều sợ sư tử, nhưng sư tử chẳng sợ hãi gì cả! Sư tử chẳng sợ điều gì, nên nói là “ly bố úy” (lìa sự sợ hãi). Thân cận chư Phật, Bồ Tát tu học Phật pháp có thể lìa hết thảy sợ hãi. Nỗi sợ hãi lớn nhất là sanh tử. Có thể liễu sanh tử, thoát tam giới, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, nói thật ra, Phật pháp là đường lối duy nhất.
Pháp môn trong Phật pháp tuy nhiều, mỗi pháp môn đều có thể đạt đến mục tiêu này; vì thế nói: “Pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp”. Pháp môn tuy nhiều, căn tánh của chúng sanh khác nhau, có những pháp môn chúng ta có thể tu, có các pháp môn chúng ta tu học sẽ cảm thấy khó khăn. Người khéo học phải thuận theo căn tánh của chính mình, đối với hết thảy các pháp môn có sự lấy hoặc bỏ thích đáng. Lấy hoặc bỏ thích đáng thì có thể nói là tu học rất nhiều thuận tiện, trong một thời gian ngắn có thể thu được hiệu quả thù thắng. Nếu lấy bỏ chẳng thích đáng, tất nhiên là tốn công mà đạt được hiệu quả ít ỏi. Làm nhiều mà hiệu quả ít ỏi thì hãy còn may, sợ là đi lạc lối, hậu quả chẳng thể nào tưởng tượng được!
Đặc biệt là trong thời đại này, giống như kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”. Phân biệt và lấy bỏ như thế nào, thật sự chẳng phải là chuyện dễ! Trong khi chúng ta chẳng có trí huệ phân biệt, chẳng có năng lực lấy bỏ, thì niệm A Di Đà Phật là ổn thỏa, thích đáng nhất. Pháp môn này được gọi là “thích hợp khắp ba căn, thâu tóm trọn vẹn phàm lẫn thánh”, chỉ có lợi lạc, chẳng có tác dụng phản diện. Như Thiền và Mật rất dễ bị ma dựa, Giáo Hạ dễ tăng trưởng Sở Tri Chướng, chỉ riêng pháp môn Niệm Phật ổn định, thỏa đáng. Thật thà niệm một câu Phật hiệu, niệm tới khi công phu đắc lực, tự nhiên đoạn phiền não, phá vô minh. Trong hết thảy các pháp môn, nói đến tánh chất ổn thỏa, thích đáng thì chẳng có pháp môn nào trỗi vượt pháp môn Tịnh Độ. Pháp môn này xác thực có thể khiến cho chúng ta lìa hết thảy sợ hãi.
Như Ni Câu Đà thụ phú ấm đại chúng cố.
如尼拘陀樹覆蔭大眾故。
(Như cây Ni Câu Đà che rợp đại chúng).
Cây Ni Câu Đà (Nyagrodha) là một loài thực vật của Ấn Độ, dịch nghĩa là Vô Tiết Thụ (cây không có lóng đốt). Lá cây ấy rất to rộng, bóng râm rất lớn, rất mát mẻ. Vào mùa Hè, tất cả mọi người đều thích đến hóng mát dưới cây này.
Như Ưu Đàm Bát hoa nan trị ngộ cố.
如優曇缽花難值遇故。
(Như hoa Ưu Đàm Bát khó gặp gỡ).
Tại Đài Loan, chúng ta gọi hoa Ưu Đàm Bát (Uḍumbara) là Đàm Hoa. Hoa này chỉ nơi vùng á nhiệt đới[1] mới có. Thời gian nở hoa lại rất ngắn, thường nói là “hoa Đàm thoáng hiện”. Từ khi hoa nở đến lúc hoa tàn chỉ hơn một tiếng đồng hồ, nên hết sức khó thấy. Tại Đại Lục chẳng có loài hoa này. Trong quá khứ, chúng tôi chỉ nghe nói “hoa Đàm thoáng hiện”, đến Đài Loan mới thấy. Lại còn phải ngắm vào nửa đêm. Hoa nở vào lúc nửa đêm, sáng ra hoa đã tàn rụng. Dùng chuyện này để tỷ dụ Phật pháp “nan trị ngộ cố” (khó thể gặp gỡ), giống như hoa Đàm không dễ gì gặp được. Đấy chính là như câu nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Chúng ta phải quý tiếc nhân duyên vô cùng thù thắng này!
Như Kim Cang Xử phá tà sơn cố.
如金剛杵破邪山故。
(Như chày Kim Cang[2] đập nát núi tà).
Trong các thứ binh khí thời cổ, chày Kim Cang sắc bén nhất. Các binh khí khác đụng phải nó, nó sẽ cắt đứt rời những món binh khí khác, mà chính nó chẳng bị đứt gãy. Đó là nói tới loại vũ khí kiên cố và sắc bén nhất. “Phá tà sơn”, tà sơn là núi cao tà kiến. Kinh Phật thường dùng Kim Cang để tỷ dụ trí huệ. Trong kinh Bát Nhã, có kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật (Vájracchedikā-prajñā-pāramitā-sūtra), dùng chày Kim Cang làm tỷ dụ, nhằm sánh ví trí huệ dũng mãnh có thể trừ dẹp tà tri, tà kiến. Núi cao tà kiến chỉ có mình Phật pháp là có thể dẹp trừ.
Như Phạm Vương thân sanh Phạm chúng cố.
如梵王身生梵眾故。
(Như thân Phạm Vương sanh ra các thiên chúng trong cõi Phạm Thiên).
“Phạm” (梵) có nghĩa là thanh tịnh. Ở đây, dùng Đại Phạm Thiên Vương làm tỷ dụ. Thế giới của Đại Phạm Thiên là một thế giới hết sức thanh tịnh. “Năng sanh Phạm chúng” (Có thể sanh ra Phạm chúng) là tỷ dụ Phật pháp có thể tịnh hóa lòng người, có thể tịnh hóa cõi nước. Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng là một thế giới thanh tịnh.
Như kim xí điểu thắng độc long cố.
如金翅鳥勝毒龍故。
(Như chim cánh vàng chiến thắng rồng độc).
“Độc long” tỷ dụ ba độc tham, sân, si. Khắc tinh của rồng là Kim Xí Điểu (Garuḍa). Kim Xí Điểu ăn rồng, nên rồng sợ Kim Xí Điểu nhất. Chúng ta chưa thấy Kim Xí Điểu, nhưng thấy trong kinh Phật có nói: Loài chim này rất to, cánh giang ra rộng đến mấy ngàn dặm, mấy vạn dặm. Trong kinh, đức Phật nói như vậy, chúng ta cũng chẳng cần phải khảo chứng, mà cũng chớ nên hoài nghi, nhưng giảng kinh phải có phương tiện thiện xảo. Đối với người hiện thời, khi nói đến Kim Xí Điểu, chớ nên dùng cách hình dung tỉ mỉ dường ấy như trong chú giải của cổ nhân kẻo khiến cho đại chúng nghe rồi dấy lên cảm giác khó chịu. Nói chung, hiện thời chẳng có rồng, mà cũng chẳng có Kim Xí Điểu, chỉ có sách cổ ghi chép. Ý nghĩa thật sự là đức Phật dùng Kim Xí Điểu để tỷ dụ Định Huệ có thể đoạn phiền não.
Như không trung cầm vô trụ tích cố.
如空中禽無住跡故。
(Như chim chẳng lưu lại dấu vết trong hư không).
Câu này nói về tâm hạnh của Phật, Bồ Tát, cũng là nói tới Thiền Định rất sâu: “Ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm”. Kinh Kim Cang dạy: “Hãy nên chẳng trụ vào đâu để sanh tâm”. Câu này chính là “Ưng vô sở trụ” (Chẳng nên trụ vào đâu), tâm quý vị mới có thể thanh tịnh. Vô trụ vô niệm là cảnh giới của Bát Địa Bồ Tát trở lên, thánh nhân còn khó thể làm được, huống hồ bọn phàm phu chúng ta? Nhưng chúng ta phải biết: Chỗ thù thắng trong tông này chính là chỉ phương lập tướng, chẳng phải là “vô trụ tích cố” (chẳng có dấu vết). Tông này là có trụ, tâm trụ nơi A Di Đà Phật, tu dễ dàng! Vì thế, câu này là cảnh giới trong kinh Kim Cang, mức độ thấp nhất là Sơ Trụ trong Viên Giáo. Các vị Bồ Tát phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân thì mới là cảnh giới này. Do lẽ đó, chúng ta phải tinh tấn hướng đến mục tiêu này. Nói cách khác, quý vị có thể buông pháp thế gian và xuất thế gian xuống càng nhiều càng hay, phải buông chúng xuống, chớ nên chấp trước, đừng ghim trong lòng, cũng có nghĩa là phải học đến mức tâm không vương vấn. Tâm không vương vấn, sẽ chẳng trụ vào đâu! Vì thế, “trụ” là trong tâm quý vị còn có vướng mắc thì trong tâm còn có trụ; trong tâm chẳng có vướng mắc, tâm sẽ chẳng trụ vào đâu. Chẳng trụ vào đâu để sanh tâm, sanh cái tâm gì vậy? Sanh cái tâm phổ độ chúng sanh, đó là đúng.
Như Tuyết Sơn chiếu công đức tịnh cố.
如雪山照功德淨故。
(Như núi Tuyết chiếu công đức thanh tịnh).
Trong kinh, đức Phật thường dùng Tuyết Sơn làm tỷ dụ, vì thuở ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện tại Nê Bạc Nhĩ (Nepal) hiện thời, rất gần núi Tuyết. Tuyết Sơn nay là núi Hỷ Mã Lạp Nhã, quanh năm tuyết đọng chẳng tan chảy, tuyết có màu trắng, thấy rất thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. Đức Phật thường dùng Tuyết Sơn để tỷ dụ thân tâm thanh tịnh. Thân tâm thanh tịnh thì gọi là công đức, chư vị phải ghi nhớ điều này. Công đức và phước đức khác nhau. Trong công đức, nhất định có phước đức, vì sao có phước đức? Vì công đức là kiến tánh, vốn trọn đủ trong chân tánh. Phước đức cũng là vốn trọn đủ. Do đó, trong công đức có phước đức; trong phước đức chẳng nhất định có công đức. Có thể nói là trong phước đức chẳng có công đức! Một người tu phước báo rất lớn, tâm chẳng thanh tịnh, còn có mê hoặc, điên đảo. Do đó, đức Phật dạy chúng ta phải tu công tích đức, chớ nên chấp tướng tu phước. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư đã nói rất hay: “Chấp tướng tu phước, đến khi lâm chung, phước chẳng cứu được”. Phước chẳng có cách nào cứu quý vị vượt thoát luân hồi. Công đức có thể giúp quý vị vượt thoát luân hồi, phước đức chẳng được. Vì thế, phải biết tu tập, tích lũy công đức đáng quý! Cách tu như thế nào? Tựa đề Đại Kinh nói “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác ngộ, những điều ấy đều là công đức.
Như Từ Thị quán pháp giới đẳng cố.
如慈氏觀法界等故。
(Như ngài Từ Thị quán pháp giới bình đẳng).
“Từ Thị” là Di Lặc Bồ Tát. Di Lặc Bồ Tát từ bi bình đẳng. “Di Lặc” (Maitreya)[3] là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Từ Bi, dịch ý bèn gọi là Từ Thị, tiếng Phạn là Di Lặc. Người Hoa tạo tượng Di Lặc Bồ Tát toàn là tạo tượng Bố Đại hòa thượng. Bố Đại hòa thượng xuất hiện tại Trung Quốc vào triều đại Nam Tống, nên tượng Di Lặc Bồ Tát tại Trung Hoa chẳng giống tượng ở Ấn Độ và Tây Tạng. Tượng Di Lặc Bồ Tát của Tây Tạng hơi giống như tượng Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, chẳng mập mạp, mà dong dỏng. Người Hoa tạo tượng [Di Lặc Bồ Tát là tượng] Bố Đại hòa thượng. Khi Bố Đại hòa thượng viên tịch, tự mình nói ra thân phận, Ngài bảo với mọi người Ngài là Di Lặc Bồ Tát tái lai. Nói xong liền viên tịch, đó là thật. Hiện thời, có rất nhiều kẻ nói họ là Phật, Bồ Tát chi đó tái lai, nói xong vẫn chẳng tịch. Nếu nói ra bèn tịch, chúng ta sẽ tin tưởng là thật. Nói rồi vẫn sống nhăn, chẳng đáng tin cậy! Các đại đức vào thời cổ tại Trung Hoa, đích xác là có không ít vị là Phật, Bồ Tát tái lai, hễ thân phân bộc lộ, chỉ cần có người khác biết đến, các Ngài chắc chắn chẳng trụ thế mà liền đi ngay. Đó là quy củ trong Phật môn. Nói xong, chẳng ra đi, chẳng thể được! Chúng ta tạc tượng Ngài với ý nghĩa từ bi, bình đẳng. Đó gọi là “sanh bình đẳng tâm, thành hỷ duyệt tướng” (sanh tâm bình đẳng, tạo thành tướng vui vẻ). Di Lặc Bồ Tát biểu thị pháp môn này. “Pháp giới đẳng cố”, “đẳng” (等) là bình đẳng, Di Lặc Bồ Tát thật sự đại từ đại bi. Ngài thấy mười pháp giới đều là bình đẳng.
Đến chỗ này, đã nói xong hai mươi ba tỷ dụ. Hai mươi ba tỷ dụ đều nhằm tán thán công đức thù thắng của tất cả hết thảy các vị Bồ Tát trong thế giới Tây Phương, có thể nói là viên mãn trọn đủ. Chúng ta cũng đọc luôn đoạn kinh văn kế tiếp.
Chuyên nhạo cầu pháp tâm vô yếm túc, thường dục quảng thuyết chí vô bì quyện.
專樂求法心無厭足,常欲廣說志無疲倦。
(Chuyên thích cầu pháp, tâm chẳng chán nhàm; thường muốn rộng nói, chí chẳng mệt mỏi).
Câu trước là hạnh tự lợi của Bồ Tát, câu sau là hạnh lợi tha, tự lợi lợi tha. Nhưng chư vị nhất định phải biết, nếu muốn lợi tha, nhất định phải tự lợi trước. Chính mình chẳng đạt được lợi ích chân thật, làm thế nào để có thể giúp đỡ người khác? Chính mình tâm chẳng thanh tịnh, làm sao có thể giúp người khác đạt tới thanh tịnh cho được? Chính mình chẳng thể liễu sanh tử, thoát tam giới, cũng chẳng có cách nào giúp người khác liễu sanh tử, thoát tam giới. Đó là đạo lý nhất định. Vì thế, phát Bồ Đề tâm, nhất định phải là tu chính mình trước. Hai câu này rất quan trọng!
“Chuyên nhạo cầu pháp”, nhạo (樂) là ưa thích, tâm chẳng chán nhàm. Phải cầu pháp từ chỗ nào? Chư vị nhất định phải ghi nhớ, pháp tuyệt đối chẳng phải là ở trong Tam Tạng kinh điển. Trong Tam Tạng kinh điển chẳng có pháp; nhưng pháp cũng chẳng lìa khỏi Tam Tạng kinh điển. Nếu quý vị thật sự cầu pháp, phải thâm nhập một môn. Nói rõ “trong Tam Tạng kinh điển chẳng có pháp” nhằm bảo quý vị đừng nên mê tín kinh điển, chớ nên thứ gì cũng đều học. [Thứ gì cũng học] thì hỏng bét, bảo đảm quý vị suốt một đời này, cầu gì cũng đều chẳng cầu được! Vì thế nói là “chẳng có pháp!” Nếu quý vị chọn lấy một bộ kinh trong Tam Tạng kinh điển để thâm nhập thì pháp ở ngay trong kinh điển. Nếu quý vị học nhiều thì trong sự học nhiều ấy chẳng có pháp! Học một thứ thì trong thứ ấy có pháp. Điều này rất lạ lùng, mọi người hãy khéo suy nghĩ, thật đấy, chẳng giả đâu! Chỉ có một môn thì mới có thể thành tựu “thanh tịnh, bình đẳng, giác”. Học nhiều sẽ chẳng thể thành tựu, [mà là] tăng trưởng tà tri, tà kiến.
“Thường dục quảng thuyết chí vô bì quyện” (Thường muốn rộng nói, chí chẳng mệt mỏi). Đây là nói đến chuyện giúp đỡ hết thảy chúng sanh, chính là như nhà Phật có nói: “Trong cửa nhà Phật, chẳng bỏ một ai”. Một người phát khởi đạo ý chân thật, Bồ Tát có phải đến dạy người ấy hay không? Phải đến! Bồ Tát thuyết pháp, giáo học, tuyệt đối chẳng chú trọng thính chúng phải đông đúc. Đông nhiều thì thuyết pháp rất hoan hỷ, số người nghe ít ỏi bèn thuyết pháp ỉu xìu, sai mất rồi! Đó là tâm chẳng thanh tịnh, tâm bất bình đẳng. Thuyết pháp nhằm mục đích dạy họ khai ngộ, dạy họ thành tựu. Một người có thể ngộ, một người có thể vãng sanh, tuyệt diệu thay! Một đại pháp hội, mấy ngàn người nghe hoặc mấy vạn người nghe; nghe xong chẳng có người nào khai ngộ, chẳng có một ai vãng sanh, tức là nói phí công, chẳng có ý nghĩa gì cả! Vì lẽ đó, thuyết pháp phải chú trọng thành quả, có mấy người khai ngộ? Có mấy người y giáo tu hành thật sự vãng sanh? Nhìn vào thành quả ở chỗ này, chẳng phải là coi xem thính chúng bao nhiêu, cũng chẳng phải là xét coi cúng dường bao nhiêu! Những thứ đó đều vô dụng, giả trất! Vì thế, thuyết pháp chẳng mệt mỏi, chẳng ngăn ngại, chẳng bỏ một ai!
Kích pháp cổ, kiến pháp tràng.
擊法鼓建法幢。
(Đánh trống pháp, dựng pháp tràng).
“Kích pháp cổ” là tỷ dụ tuyên truyền. Hiện thời nói là “tuyên truyền”. Trong quá khứ, Phật môn có thuật ngữ là “chủng thiện căn”, tiếp dẫn chúng sanh, vì hết thảy chúng sanh mà gieo thiện căn. “Kiến pháp tràng” là thành lập đạo tràng, tức đạo tràng giảng kinh, thuyết pháp. Đạo tràng có hữu hình, và vô hình. Hữu hình là thành lập tự, viện, am, đường. Chư vị phải ghi nhớ: Miếu là nơi thờ phụng thần thánh của Đạo Giáo. Nơi quỷ thần hoặc thiên thần trụ là miếu. Chư Phật, Bồ Tát chẳng có trụ miếu. Miếu và đền thờ đều là nơi thờ phụng quỷ thần. Đó là kiến lập đạo tràng hữu hình. Vô hình là pháp hội giảng kinh. Một ngày cũng là đạo tràng, hai ngày cũng là đạo tràng; một giờ cũng là đạo tràng, nửa giờ vẫn là đạo tràng. Tùy thời, tùy chốn, quý vị giảng Phật pháp cho người khác, khuyên kẻ khác niệm Phật. Đó là đạo tràng vô hình, đều gọi là “kiến pháp tràng”.
Diệu huệ nhật trừ si ám.
曜慧日除痴暗。
(Mặt trời trí huệ rạng rỡ trừ tối tăm ngu si).
Đây là nói về hoằng pháp, vì người khác thuyết pháp. Phật pháp là trí huệ, bất luận dùng phương thức nào. Đó là nói tới phương tiện thiện xảo. Vô lượng pháp môn, ý nghĩa chỉ có một, đều nhằm giúp người khác phá mê khai ngộ. “Diệu huệ nhật” (Mặt trời trí huệ rực rỡ), huệ ấy chính là tự tánh trí huệ của mỗi người. “Trừ si ám”, si ám là vô minh. Tạo tăng thượng duyên, giúp họ phá trừ vô minh, khơi mở trí huệ, tông chỉ thuyết pháp là ở chỗ này. Sau khi phá mê khai ngộ, tiếp đó là phải tu hành, tu hành là tu gì? Phá trừ tập khí. Cổ đức thường nói: “Lý có thể đốn ngộ, Sự cần phải trừ dần dần”. “Đốn ngộ” là hoảng nhiên khai ngộ, hiểu rõ. Sau khi đã hiểu rõ, chẳng trừ hết tập khí, tập khí khó trừ, cho nên:
Tu Lục Hòa Kính.
修六和敬。
(Tu Lục Hòa Kính).
“Lục Hòa Kính” là pháp căn bản trong Phật pháp, nhất định phải tu học. Đối với người tu Tịnh Tông chúng ta, điều thứ nhất trong Lục Hòa Kính là Kiến Hòa Đồng Giải. Kiến giải của chúng ta nhất định phải dựa trên kinh Vô Lượng Thọ, hoặc là dựa trên Tịnh Độ Ngũ Kinh. Mọi người đều dùng kiến giải trong kinh, tức là lấy cách nghĩ, cách làm [được dạy trong kinh] làm cách nghĩ, cách nhìn của chính mình, tư tưởng và kiến giải liền nhất trí, liền giống nhau. Giới luật cũng ở trong kinh Vô Lượng Thọ. Từ chương ba mươi ba đến chương ba mươi bảy trong bản hội tập của Hạ lão cư sĩ chính là giới luật, Giới Hòa Đồng Tu.
Thường vi đạo sư.
常為導師。
(Thường làm đạo sư).
“Ðạo sư” là thân phận Phật, trên thế gian chỉ có đức Phật được mọi người tôn xưng là Ðạo Sư, hoặc gọi là Đại Sư. Ở đây, kinh tán thán chư Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc đến các thế giới ở phương khác giúp đỡ chúng sanh, đáng nên dùng thân Phật để độ bèn thị hiện thân Phật để xuất hiện. Thường dùng thân phận Phật để xuất hiện trong hết thảy các thế giới.
Vi thế đăng minh tối thắng phước điền.
為世燈明最勝福田。
(Làm đèn soi sáng và ruộng phước tối thắng cho thế gian).
“Đăng minh” giống như tháp hải đăng giữa biển trong hàng hải vào ban đêm, chỉ cho hết thảy chúng sanh đang mê hoặc một con đường sáng sủa. Phật, Bồ Tát muốn làm mắt sáng cho hết thảy chúng sanh, và cũng là ruộng phước chân thật của hết thảy chúng sanh. Nếu chúng sanh muốn tu phước, nói thật ra, phước báo thù thắng nhất là nơi Tam Bảo. Vì vậy, cúng dường Tam Bảo là vô thượng phước điền. Chỉ tu phước, chẳng thể giải quyết vấn đề. Do đó, gieo phước, chúng ta nói là phước điền. So sánh giữa các phước điền, phước điền thù thắng nhất theo như phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm đã dạy, chính là pháp bố thí. Pháp bố thí vượt trỗi tài bố thí! Trong pháp bố thí, thù thắng nhất là “y giáo tu hành bố thí”. Chúng ta có thể thật sự y giáo tu hành, không chỉ là phước điền trọn đủ, mà công đức cũng trọn đủ. Do vậy, đây là phước điền tối thắng.
Phải biết cách tu như thế nào? Kinh Vô Lượng Thọ đã dạy chúng ta rất rõ ràng: “Giả linh cúng dường Hằng sa thánh” (Giả sử cúng dường các vị thánh nhân nhiều như cát sông Hằng), “thánh” là thánh nhân, chư Phật, Bồ Tát, cúng dường bao nhiêu? Nhiều đến Hằng hà sa số, đức Phật bảo: “Bất như kiên dũng cầu Chánh Giác” (Chẳng bằng dũng mãnh, kiên cố cầu Chánh Giác). Cầu Chánh Giác là y giáo tu hành cúng dường. Trước đó là tài cúng dường, cúng dường các vị thánh nhân số nhiều như cát sông Hằng đều chẳng bằng y giáo tu hành cúng dường. Do vậy, tu phước điền tối thắng, chẳng cần đến tiền! Có những kẻ nói: “Nhà tôi rất nghèo, chẳng có tiền! Tôi thấy kinh dạy phải tu phước điền tối thắng, tôi thấy vậy chỉ đành hâm mộ, chính mình chẳng có cách nào tu”. Trọn chẳng biết phước điền tối thắng chẳng phải tốn tiền, ai nấy đều có thể tu. Người có tiền có thể còn bị chướng ngại, chẳng thể tu phước điền này, họ chỉ có thể tu một chút phước vụn vặt, đến cúng dường thánh chúng số nhiều như cát sông Hằng đó thôi [vẫn là phước báo chẳng đáng kể]!
Bạt chư dục thích, dĩ an quần sanh.
拔諸欲刺以安群生。
(Dẹp các gai dục để an ổn quần sanh).
Câu này nói đến công đức trì giới, vô úy bố thí. “Dục” là dục vọng, là căn bản của phiền não, nhất định phải giác ngộ, phải trừ dẹp nó tận gốc. Cổ thánh tiên hiền cũng biết điều này, bảo là “vô dục tắc cương” (không có lòng ham muốn, chí khí sẽ cứng cỏi), “hữu dung nãi đại” (có lòng bao dung thì mới thành tựu việc lớn). Những điều này đều do người Hoa đã nói trước khi Phật pháp truyền đến Trung Hoa. Chữ Dục là căn bản của sanh tử luân hồi. Nếu chúng ta chẳng muốn sanh tử luân hồi trong đời sau, đích xác là phải trừ dẹp nó. Quý vị chẳng dẹp trừ, chắc chắn chẳng thể vượt thoát luân hồi. Dẫu tu hành Phật pháp tốt đẹp cách mấy, đời sau vẫn phải luân hồi, biến sự tu học của chính mình thành phước báo trong cõi trời, người, nói theo cổ nhân thì chính là “độc dược”. Chúng ta học Phật, Phật pháp là đề-hồ. Trong cái bát còn có một tí độc dược, sau khi đề-hồ được rót vào, cả thảy đều biến thành độc dược. Đây chính là nói rõ, chúng ta có tham, sân, si, mạn, có dục, hễ còn có [những phiền não ấy] tồn tại tí ti, vô lượng công đức đã tu tập, tích lũy đều biến thành phước báo hữu lậu nhân thiên, bị biến chất, hết sức đáng tiếc!
Do đó, thứ tự tu hành trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện đã xếp đặt rất rõ ràng, nhất định là trước hết đoạn phiền não, sau đấy là học pháp môn. Sự tu học trong pháp môn chính là trí huệ chân thật. Chẳng đoạn sạch phiền não, vô lượng vô biên pháp môn đã tu đến cuối cùng đều biến thành phước báo trời, người, chẳng phải là trí huệ chân thật.
Công đức thù thắng mạc bất tôn trọng.
功德殊勝莫不尊重。
(Công đức thù thắng, không ai chẳng tôn trọng).
Đây là tán thán các vị Bồ Tát ấy, công đức thù thắng như đã nói trong hai mươi ba tỷ dụ trên đây. Các vị Bồ Tát ấy ở trong thế giới Cực Lạc, trong các thế giới phương khác, trên là từ chư Phật, dưới là đến hết thảy chúng sanh, chẳng có ai không tôn trọng các vị Bồ Tát ấy. Giống như trong thế gian này, chẳng có ai không tôn trọng Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Thế Chí.
Cung kính cúng dường vô lượng chư Phật, thường vị chư Phật sở cộng tán thán.
恭敬供養無量諸佛,常為諸佛所共讚歎。
(Cung kính cúng dường vô lượng chư Phật, thường được chư Phật cùng tán thán).
Bồ Tát hằng ngày tự tu, hằng ngày giáo hóa chúng sanh, giúp chư Phật tiếp dẫn hết thảy chúng sanh vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Tâm hạnh của các Ngài chính là bổn nguyện của hết thảy chư Phật; vì vậy, có vị Phật nào chẳng tán thán. Tiếp dẫn hết thảy chúng sanh vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là bổn nguyện của A Di Đà Phật, là bổn nguyện của Thích Ca Mâu Ni Phật, mà cũng là bổn nguyện của mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai. Hết thảy các pháp môn khác chẳng phải là bổn nguyện của chư Phật, vì bổn nguyện của chư Phật là hy vọng quý vị thành Phật trong một đời này. Kết quả là quý vị chẳng thành Phật, mà thành Bồ Tát, hoặc thành A La Hán, được lắm, cũng là khá lắm, nhưng chẳng phải là bổn nguyện của các Ngài! Bổn nguyện là dạy quý vị thành Phật, chúng sanh trong chín pháp giới chỉ có niệm Phật vãng sanh thì mới thành Phật trong một đời. Vì vậy, đấy là bổn nguyện của Như Lai. Chúng ta tu học pháp môn này, dùng pháp môn này để khuyên người khác tu học, đều là phù hợp bổn nguyện của Như Lai, người như vậy nhất định được hết thảy chư Phật cùng tán thán. Ở đây, chúng ta đã được chứng minh, được ấn chứng. Quý vị học pháp môn khác, khuyên người khác tu học, chẳng được chư Phật tán thán.
Cứu cánh Bồ Tát chư Ba La Mật.
究竟菩薩諸波羅蜜。
(Rốt ráo các Ba La Mật của hàng Bồ Tát).
Câu này nêu rõ lý do vì sao chư Phật tán thán. Vì sao Phật tán thán?
Vì những gì quý vị tu, đã truyền, đã dạy cho người khác đều là thực hiện rốt ráo các Ba La Mật của hàng Bồ Tát. Câu này xác thực nói lên điều gì? Thưa cùng chư vị, xác thực là nói về một câu Nam-mô A Di Đà Phật, sáu chữ hồng danh. Sáu chữ hồng danh chính là “rốt ráo Bồ Tát chư Ba La Mật”. Ba La Mật (Pāramitā) là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Đáo Bỉ Ngạn (đến bờ bên kia). Đấy là dịch sát theo văn tự, ý nghĩa thật sự là “rốt ráo viên mãn”. Bồ Tát hạnh rốt ráo viên mãn, rốt ráo viên mãn là Vô Thượng Bồ Đề, mà cũng là một câu sáu chữ hồng danh Nam-mô A Di Đà Phật.
Tu không, vô tướng, vô nguyện tam-muội, cập bất sanh, bất diệt chư tam-muội môn.
修空無相無願三昧,及不生不滅諸三昧門。
(Tu không, vô tướng, vô nguyện tam-muội, và các môn tam-muội bất sanh bất diệt).
Tiếp đó, lại tán công đức chân thật của các vị Bồ Tát. Câu trước là tổng thuyết (nói tổng quát), còn câu tiếp theo này là biệt thuyết (nói riêng biệt, nói chi tiết về một khía cạnh nào đó). “Không” là nói Chân Như bản tánh. Tánh là không tịch. Bản tánh là chân tâm, chân tâm không tịch. “Vô tướng” là chẳng chấp tướng. Tướng là Có, nhưng tướng là Giả Hữu, là Tương Tục Hữu, chẳng phải là Chân Hữu. Vì thế, đối với hết thảy các tướng đều chẳng chấp trước. “Không” là tâm địa thanh tịnh, vốn chẳng có một vật; đối với tướng của hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng chấp trước. “Vô nguyện” là chẳng có vọng tưởng, chẳng có chấp giữ. Đó là Vô Nguyện. Những vị Bồ Tát này trụ nơi tâm địa thanh tịnh, chẳng chấp tướng, chẳng có vọng tưởng, chấp trước, đó là Vô Nguyện. Tam-muội là Chánh Thọ, tức là sự hưởng thụ bình thường, chúng ta phải học tập điều này.
Nay chúng ta tu hành, nói thật ra, chướng ngại quá nhiều, nghiệp chướng sâu nặng! “Không, vô tướng, vô nguyện”, năm chữ ấy chính là linh đơn để tiêu trừ hết thảy nghiệp chướng, trong Phật môn cái được gọi là Đại Tam Không tam-muội chính là một câu này. Nay chúng ta hoàn toàn tương phản với năm chữ ấy. Thứ nhất, trong tâm chúng ta là có, chẳng thể “không” được! Không chỉ là có, mà còn có quá nhiều, vô lượng vô biên, có tính đếm cũng chẳng thể tính đếm rõ ràng được, có vô số điều vướng mắc. Đó là Có, chẳng phải là Không! Đối với bên ngoài bèn chấp tướng. Trong hết thảy muôn hình tượng, [luôn cảm thấy] có cái ưa thích, có cái đáng ghét, chấp trước đấy nhé! Do trái nghịch điều này (Không), nên có nguyện, có cầu [tức là trái nghịch Vô Tướng, Vô Nguyện]. Hoàn toàn trái nghịch năm chữ ấy nên khổ sở!
Chư Phật, Bồ Tát hoàn toàn tương phản với chúng ta. Tâm địa các Ngài thanh tịnh, chẳng có vướng mắc, đối với tướng của hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng chấp trước. Các Ngài cũng chẳng có nguyện, mà cũng chẳng có cầu. Độ chúng sanh chẳng phải là có mong cầu độ chúng sanh, tưởng độ chúng sanh, [nếu có mong cầu, nghĩ tưởng] thì sai mất rồi! Có thể độ chúng sanh bằng cách nào? Cảm ứng đạo giao! Ví như thân chúng ta có chỗ nào bị đau, bị ngứa, tay liền sờ gãi ngay, tay có thường nghĩ “ta phải giúp nó” hay không? Chẳng hề nghĩ! Khi có chút đau ngứa thì mới sờ. Chúng sanh có cảm, Phật tự nhiên có ứng. Phật có nguyện hay không? Chẳng có! Phật có tưởng hay không? Chẳng có. Chỉ có vô nguyện, vô cầu thì mới có thể cảm ứng đạo giao, chẳng sót một chúng sanh nào. Hai tay chúng ta đối với bất cứ bộ phận nào trên thân thể đều chẳng có tưởng, chẳng có nguyện, chẳng có cầu, hễ bộ phận nào ngứa thì nó bèn gãi, giúp đỡ một chút, có cùng một đạo lý như vậy. Lỗi lầm đặc biệt to lớn của chúng ta hiện thời là nghĩ phải phổ độ chúng sanh! Các khuyết điểm đều nẩy sanh từ chỗ này. Quý vị nói: “Ta vô nguyện, vô cầu”, kẻ khác nhất định sẽ nói: “Ngươi là kẻ thật sự tiêu cực, một tí tâm từ bi cũng chẳng có!” Nói thật ra, [kẻ nói như vậy] hoàn toàn chẳng hiểu nghĩa do đức Như Lai đã nói, chẳng lãnh hội được! Đích xác là phải rất lắng lòng suy tưởng, chú tâm thấu hiểu điều này.
Vì sao kinh thường nói tới pháp môn Đại Tam Không tam-muội “không, vô tướng, vô nguyện”? Nói thật ra, nếu muốn khế nhập Thật Tướng, chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn, minh tâm kiến tánh thì phải có đầy đủ ba điều kiện này. Ba điều kiện của Tịnh Độ Tông thấp hơn ba điều kiện này rất nhiều, ba điều kiện trong Tịnh Độ Tông là Tín, Nguyện, Hạnh bảo đảm quý vị vãng sanh, còn ba điều kiện này (không, vô tướng, vô nguyện) bảo đảm quý vị đắc Lý nhất tâm bất loạn, bảo đảm quý vị minh tâm kiến tánh. Vì thế, khó lắm! Tuy khó, nhưng phải biết công đức và lợi ích của chúng, phải phát tâm nghiêm túc tu học. Muốn đạt tới mức có thể không vướng mắc, hãy nên buông xuống. Còn người nào chẳng thể không vướng mắc, chư vị đồng tu xem bộ Ảnh Trần Hồi Ức Lục của pháp sư Đàm Hư, hãy khéo thấu hiểu. Khi đó, pháp sư Đàm Hư vượt qua cửa ải ấy cũng khó khăn lắm, cũng phải mất rất nhiều năm. Cuối cùng, Sư nghĩ: “Vợ con, gia đình, lỡ ta chết đi, chẳng phải là họ vẫn phải sống ư?” Sau khi nghĩ tới lúc [chính mình] phải chết, mới hạ quyết tâm xuất gia. Vốn là [tính] xuất gia mà vẫn còn bị vướng mắc [chuyện vợ con], bèn nghĩ: “Coi như ta đã chết”. Sau khi Sư xuất gia, vợ con đều xuất gia, lại còn đều có thành tựu. Đây là một vị pháp sư hiếm có trong các vị cao tăng cận đại. Nếu quý vị nghĩ đến cái chết, còn có gì chẳng thể không buông xuống? Không buông xuống được cũng phải buông, [vì] không buông xuống thì cũng chẳng thể đem theo! Nếu lại thâm nhập, quan sát, không buông xuống sẽ có “sanh, già, chết” trong đời sau, vẫn phải noi theo khuôn khổ đó. Nếu hết thảy đều buông xuống, Hữu trong Thập Nhị Nhân Duyên chẳng còn nữa. Trong Thập Nhị Nhân Duyên, có thể ra sức đoạn trừ là Ái, Thủ và Hữu. Có thể đoạn Hữu thì Thập Nhị Nhân Duyên bèn đoạn, vượt thoát lục đạo luân hồi. Đó là công phu thật sự.
Bồ Tát chẳng giống lũ phàm phu chúng ta. Có lúc, Bồ Tát thị hiện giống như phàm phu chúng ta, hòa quang đồng trần, chúng ta chẳng nhìn ra. Điểm thật sự khác biệt là chúng ta có vướng mắc, các Ngài chẳng có vướng mắc. Nói cách khác, chúng ta hữu tình, Bồ Tát vô tình, các Ngài đã biến tình cảm thành trí huệ. Các Ngài là lý trí, chúng ta là phàm phu dấy động cảm tình. Phàm phu chuyển biến lý trí thành cảm tình, lý trí đã mê bèn gọi là cảm tình. Cảm tình sau khi giác ngộ sẽ là trí huệ. Trong kinh Đại Thừa, đức Phật thường nói “phiền não chính là Bồ Đề”, nó là một, không hai, là mê và ngộ. Ngộ thì cảm tình phiền não bèn biến thành Bồ Đề; mê thì Bồ Đề liền biến thành phiền não, biến thành cảm tình, là do một niệm giác hay mê. Một niệm giác sẽ vượt thoát lục đạo luân hồi; một niệm mê, chỉ sợ là phải nhiều đời nhiều kiếp đọa lạc trong tam đồ. Sự lợi hại, được mất quá to!
Chúng ta phải nhớ kỹ năm chữ này trong tâm. Đối với Phật pháp, người học Phật ở trong thế gian này, hết thảy tùy duyên, đừng phan duyên, ngàn muôn phần phải ghi nhớ, xuất gia hay tại gia đều như nhau, vì mục tiêu của chúng ta đều nhất trí là cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Tâm không thanh tịnh, chấp tướng, có nguyện, có cầu, đều chướng ngại quý vị vãng sanh, chướng ngại cái tâm thanh tịnh. Nói cách khác, vì sao công phu niệm Phật chẳng thể thành phiến? Vì sao chẳng thể đắc nhất tâm? Quý vị truy tìm nguyên nhân thì nguyên nhân chẳng ngoài “không, vô tướng, vô nguyện”. Quý vị hiểu tầm quan trọng của năm chữ này, cho nên phải dốc trọn hết thảy khả năng để thực hiện.
Có thể nghiêm túc tu học như vậy, sẽ đạt được quả báo [nói] kế đó: “Cập bất sanh, bất diệt chư tam-muội môn” (Và các môn tam-muội bất sanh, bất diệt). Thọ dụng bất sanh, bất diệt là từ không, vô nguyện, vô tướng mà có. Ở đây, tôi báo cáo cụ thể cùng các đồng tu, bất sanh, bất diệt là nói về một niệm, một vọng niệm cũng chẳng sanh. Do chẳng sanh, nên chẳng có diệt. Kinh luận đã dạy: “Tâm sanh thì đủ mọi pháp sanh, tâm diệt ắt đủ mọi pháp diệt”. Cái tâm quý vị cũng chẳng sanh, mà pháp cũng chẳng diệt, vạn tướng đều như như, đó là cảnh giới gì? Là Nhất Chân pháp giới. Nói thật ra, Nhất Chân pháp giới ở ngay trong hiện tiền! Chẳng có một pháp nào không chân thật. Phàm tất cả tướng đều là Thật Tướng, đó gọi là “bất sanh, bất diệt chư tam-muội môn”, là đắc đại tự tại. Tâm Kinh nói “Quán Tự Tại Bồ Tát”, cảnh giới này giống như Quán Tự Tại Bồ Tát, chẳng khác gì nhau!
Viễn ly Thanh Văn, Duyên Giác chi địa.
遠離聲聞緣覺之地。
(Xa lìa các địa vị Thanh Văn, Duyên Giác).
Thanh Văn và Duyên Giác là Nhị Thừa. Nhị Thừa là “tự liễu hán” (自了漢: kẻ chỉ lo giải thoát cho riêng mình), còn có bệnh thái rất nghiêm trọng, nên các Ngài chẳng độ chúng sanh. Tuy các Ngài đã thấu hiểu phần nào Tánh Không, vẫn chấp tướng, còn có chấp giữ, nên Thanh Văn và Duyên Giác đoạn Kiến Tư phiền não, chưa phá Trần Sa và Vô Minh. Trong ba đức, tức là Pháp Thân, Bát Nhã và Giải Thoát, các Ngài chỉ đạt được ít phần Giải Thoát, chẳng có Bát Nhã, mà cũng chẳng chứng đắc Pháp Thân, chẳng thể sánh bằng Bồ Tát. Những vị Bồ Tát này vượt xa Thanh Văn và Duyên Giác, Thanh Văn và Duyên Giác chẳng thể nào sánh bằng! Đoạn cuối cùng là tổng kết. Đức Phật gọi ngài A Nan, bảo:
A Nan, bỉ chư Bồ Tát, thành tựu như thị vô lượng công đức.
阿難,彼諸菩薩,成就如是無量功德。
(Này A Nan! Các vị Bồ Tát ấy thành tựu vô lượng công đức như thế).
Chữ “như thị” chỉ những điều đã nói trên đây, “bỉ” là Tây Phương Cực Lạc thế giới. Câu này cũng hết sức quan trọng, quyết định chớ nên coi thường xem lướt qua. Vì sao? Bản thân chúng ta có một phần trong ấy. Trong phần trên đã nói các vị Bồ Tát có công đức nhiều ngần ấy, quý vị có mong [chính mình cũng được] trọn đủ [giống như vậy] hay không? Nếu quý vị mong trọn đủ, hãy niệm Phật cầu sanh Tây Phương, sẽ thảy đều trọn đủ. Rất mong được trọn đủ, mà lại chẳng chịu niệm Phật vãng sanh Tây Phương thì có muốn cũng như không, vẫn là vọng tưởng, chính mình chẳng có phần!
“Bỉ chư Bồ Tát” (Các vị Bồ Tát ấy) thuộc trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nếu chúng ta thật sự phát tâm, nhất tâm nhất ý mong mỏi Tây Phương, tuy nay chúng ta còn chưa đến, những công đức ẩn mật ấy chúng ta cũng trọn đủ. Tuy dường như chưa thấy công đức ấy, nhưng đối với khí phận của những công đức ấy chúng ta đã rất nồng đậm, còn chưa thấy lửa, đã tiếp xúc với hơi ấm, đúng là như thế đó. Tín nguyện chẳng mạnh mẽ, sẽ chẳng có khí phận này, chẳng có cảm xúc này. Nếu tín tâm kiên cố, nguyện thiết tha, mỗi lần quý vị đọc đoạn kinh văn này, sẽ có niềm cảm xúc ấy, giống như mỗi điều đều rất gần gũi với chính mình, dần dần tiến nhập cảnh giới này. Bất quá, đức Phật nói đại lược mấy thứ mà thôi; nói thật ra, nếu nói chi tiết, mỗi thứ đều là vô lượng vô biên.
Ngã đản vị nhữ cử yếu ngôn chi.
我但為汝舉要言之。
(Ta chỉ vì ông nói những điều trọng yếu).
Thích Ca Mâu Ni Phật nói những điều đã được nêu trên đây bất quá là trần thuật đại lược mấy điều trọng yếu đó thôi!
Nhược quảng thuyết giả, tuy lịch nhất kiếp bất năng cùng tận.
若廣說者雖歷一劫不能窮盡。
(Nếu nói rộng thì dẫu trải cả một kiếp cũng chẳng thể nói cùng tận).
“Quảng thuyết” là nói cặn kẽ. Nếu nói tỉ mỉ trọn đủ công đức của các vị Bồ Tát trong thế giới Tây Phương, nói hết một kiếp cũng nói không hết. Những kẻ chẳng liễu giải Phật pháp thấy những lời này, sẽ chẳng cho là đúng, sẽ nghĩ Thích Ca Mâu Ni Phật thổi phồng sự thật quá đáng. Lúc tôi mới học Phật, có quen một vị giáo sư đại học ở Đài Loan. Ông ta xem một số kinh Phật, bèn nói: “Trên thế giới này, người bốc phét nhất, khoác lác nhất chính là Thích Ca Mâu Ni Phật”. Ông ta nói những câu mà ngay cả chúng tôi bình thường cũng chẳng nghĩ tới. Đó là hàng học giả xem kinh Phật, đích xác là khó thể hiểu ý nghĩa do Như Lai đã nói. Kinh Kim Cang thịnh hành tại Trung Hoa như vậy, ông ta nói chính mình đã từng xem. Tôi nói: “Ông thấy như thế nào?” “Giống như hai cái thùng nước đổ qua, đổ lại, chẳng có ý nghĩa gì cả”. Học giả là học giả, hễ khác nghề bèn giống như cách nhau cả một quả núi! Ông ta nghĩ kinh Kim Cang trùng lặp quá nhiều. Thật ra, kinh Kim Cang từ đầu đến cuối chẳng có một câu nào trùng lặp, ông ta đâu có thấy! Chư vị đọc bộ Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của cư sĩ Giang Vị Nông, sẽ biết mỗi một chữ, tuy chữ trước và sau giống nhau, câu văn giống nhau, nhưng trong ấy có một chữ khác nhau, ý nghĩa sẽ hoàn toàn khác hẳn. Đúng như kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Phật pháp không có người nói, dẫu có trí vẫn chẳng thể hiểu”. Người thế gian dẫu thông minh, dẫu có trí huệ đến mấy đi nữa, nếu chẳng có ai giảng kinh cho người ấy, người ấy cũng chẳng hiểu, cậy sức chính mình để xem thì dẫu có xem vẫn chẳng hiểu!
Phật pháp cần phải do hạng người nào nói? Có tu, có chứng. Nếu chư vị hiểu rõ ý nghĩa của câu này, quý vị sẽ biết: Nếu chúng ta cậy vào chú giải kinh luận để nghiên cứu thì kết quả của sự nghiên cứu ấy sẽ giống như ông giáo sư nọ, hiểu sai bét ý nghĩa! Vì thế, người nói Phật pháp phải là không, vô tướng, vô nguyện, mức độ thấp nhất là phiền não nhẹ, trí huệ tăng trưởng. Do đó, điều thứ nhất là phải đoạn phiền não, phải phá Ngã và Ngã Sở, sau đấy tri kiến mới chánh đáng, hễ tiếp xúc Phật pháp, liễu giải sẽ là chánh tri chánh kiến, là ý nghĩa chân thật của Như Lai. Nay chúng ta có Ngã, Ngã Sở, có tham, sân, si, mạn, tà tri, tà kiến, chúng ta nghe, đọc, nghiên cứu đều chẳng phải là nghĩa chân thật của Như Lai. Chính mình nhất định phải biết, phải giác ngộ điều này. Đừng coi những điều chúng ta suy nghĩ lung tung là nghĩa chân thật của Như Lai, [dùng ý mình để ức đoán nghĩa chân thật của Phật] chính là báng Phật, báng pháp, lỗi lầm to lớn!
Giảng đến đoạn kinh văn này, do đại sư trích dẫn hai mươi ba tỷ dụ, chúng tôi bèn giới thiệu chương này trong bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ của cư sĩ Vương Long Thư. Nhân duyên này cũng hết sức hiếm có. Nếu không, chúng tôi chẳng thể giảng bản hội tập của ông Long Thư. Qua chương này, chúng ta cũng có được rất nhiều điều khơi gợi, chỉ dạy.
Hôm nay chúng tôi giảng đến chỗ này!
[1] Á nhiệt đới (Subtropics), còn gọi là phó nhiệt đới, là vùng giáp ranh giữa ôn đới và nhiệt đới (thường ở vào khoảng từ hai mươi ba độ rưỡi đến bốn mươi độ thuộc vĩ độ Bắc hoặc Nam). Mùa Hạ tại vùng á nhiệt đới giống như mùa Hạ tại vùng nhiệt đới, có khi còn nóng hơn, mùa Đông lạnh lẽo chẳng kém vùng ôn đới. Nói chung, khí hậu á nhiệt đới lại chia làm bốn tiểu loại. Chẳng hạn Á Nhiệt Đới Quý Phong có đặc điểm là mưa nhiều, mùa Hè rất nóng (vùng Quan Đông của Nhật Bản, miền Trung Đài Loan, cực Nam của bán đảo Đại Hàn v.v…), á nhiệt đới khô nóng (loại hình Địa Trung Hải) như các vùng Địa Trung Hải, bờ biển Hắc Hải, Nam California, vùng phía Nam Adelaide của Úc, đặc trưng là mùa Hè khô cằn, mùa Đông mưa dầm…
[2] Kim Cang Xử (Vájra), đôi khi còn được phiên âm là Bạt Chiết La, Phạt Chiết La, Phạt Xà La, dịch nghĩa là Giáng Ma Xử, Bảo Xử v.v… Đây là thứ vũ khí của Đế Thích Thiên, tượng trưng cho sấm sét (vì thế, có sách dịch Kim Cang Xử là “lưỡi tầm sét”), làm bằng chất Kim Cang, không phải là kim cương (diamond) vì Kim Cang không gì có thể phá hoại được, có thể phá hoại mọi thứ, trong khi kim cương có thể bị đốt cháy. Trong Phật giáo, đây là vũ khí được cầm bởi các vị hộ pháp như Mật Tích Lực Sĩ nhằm biểu thị tính cách diệt trừ vô minh mạnh mẽ nhất của trí huệ. Trong Mật giáo, Kim Cang Xử biểu thị Bồ Đề tâm, biểu thị lực dụng mạnh mẽ của đại trí huệ. Vì lẽ đó, phần lớn các vị tôn thánh trong Mật giáo cầm Kim Cang Xử, hoặc những vật dụng liên quan đến Kim Cang như Kim Cang kiếm, Kim Cang trượng, Kim Cang bổng, Kim Cang chùy, Kim Cang câu, Kim Cang cung, Kim Cang tiễn v.v… Hành nhân tu Mật giáo cũng cầm Kim Cang Xử trong khi tác pháp (thực hành nghi quỹ) để nhắc nhở chính mình phải vận dụng trí huệ đối trị ngu si, phiền não. Kim Cang Xử trong Mật Tông có thể làm bằng vàng, bạc, đồng, đá, pha lê, hợp kim, sắt, gỗ quý, và có nhiều loại: Hai nhánh, ba nhánh, bốn nhánh, năm nhánh, chín nhánh (nhằm biểu pháp khác nhau, chẳng hạn chày năm nhánh biểu thị Ngũ Trí Như Lai. Do chày năm nhánh có hai đầu, nên biểu thị từ Ngũ Trí Như Lai thể hiện thành Quyền Trí và Thật Trí, tạo thành Thập Ba La Mật). Nhưng các loại một nhánh, ba nhánh và năm nhánh phổ biến nhất, đặc biệt là Mật Giáo Tây Tạng còn có loại song Kim Cang Xử, gồm hai chày Kim Cang đúc liền khối giống như hình chữ thập, bốn đầu, mỗi đầu có năm nhánh.
[3] Theo một số nhà nghiên cứu, trước thời ngài Huyền Trang, kinh Phật được các vị dịch sư mang đến từ Tây Vực, có khá nhiều vị sử dụng tiếng Tocharian là một ngôn ngữ thông dụng tại các quốc gia Tây Vực thời ấy. Trong tiếng Tocharian, danh xưng Maitreya được đọc trại thành Metrak, nên khi phiên âm sang tiếng Hán đã trở thành Di Lặc, bởi lẽ, phát âm tiếng Hán trước thời Đường – Tống còn có nhiều phụ âm tắc họng ở cuối chữ, điều này có thể thấy rõ qua cách phát âm chữ Di Lặc trong tiếng Nhật (Miroku), tiếng Đại Hàn (Mireuk), tiếng Quảng Đông (Mei Lak), hoặc tiếng Phước Kiến (Mî-le̍k).