Tập 142/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 142

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm lẻ năm:

(Sao) Bị chư công đức giả, tự tánh vô nhiễm, tức trừng tịnh đức. Tự tánh vô phiền, tức thanh lương đức. Tự tánh vô ác, tức cam mỹ đức. Tự tánh vô ngã, tức khinh nhuyễn đức. Tự tánh vô kiệt, tức nhuận trạch đức. Tự tánh vô bạo, tức an hòa đức. Tự tánh vô phạp, tức trừ cơ khát đức. Tự tánh xuất sanh nhất thiết vạn thiện, tức trưởng dưỡng đức.

          () 備諸功德者,自性無染,即澄淨德;自性無煩,即清涼德;自性無惡,即甘美德;自性無我,即輕軟德:自性無竭,即潤澤德;自性無暴,即安和德;自性無乏,即除飢渴德;自性出生一切萬善,即長養德。

            (Sao: “Trọn đủ các công đức”: Tự tánh vô nhiễm là phẩm đức “lắng sạch”. Tự tánh vô phiền là phẩm đức “trong mát”. Tự tánh vô ác, tức là phẩm đức ngon ngọt. Tự tánh vô ngã, tức phẩm đức mềm, nhẹ. Tự tánh chẳng cạn kiệt, tức là phẩm đức nhuận trạch. Tự tánh chẳng bạo liệt, tức là phẩm đức an hòa. Tự tánh chẳng thiếu, tức là phẩm đức trừ đói khát. Tự tánh sanh ra hết thảy vạn thiện, tức là phẩm đức trưởng dưỡng).

          Đoạn văn này giải thích câu “bị chư công đức” trong lời Sớ. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư khi khai ngộ, đã trần thuật kiến địa như Ngài đã thấy: “Nào ngờ tự tánh, vốn sẵn trọn đủ”, đó chính là ý nghĩa của đoạn kinh văn ở đây. Tám công đức đều sẵn có trong tự tánh, “bị” (備) là vốn sẵn trọn đủ. Nói thật ra, công đức trong tự tánh vô lượng vô biên, ở đây, nêu đại lược tám thứ mà thôi. Do vậy, ta có thể biết: Sáu trần thuyết pháp trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều nhằm khai hiển công đức trong tự tánh của chúng ta; vì vậy, thế giới ấy mới là thế giới viên mãn trang nghiêm rốt ráo.

          Trong tám thứ ấy, trước hết nói đến “tự tánh vô nhiễm”. Trong bộ [chú giải] kinh này, Liên Trì đại sư đã giảng rất tỉ mỉ, tu hành tuyệt đối không phải là chúng ta niệm câu Phật hiệu này, hoặc niệm quyển kinh Di Đà này bèn có thể thành công. Người nương theo phương pháp này tu tập rất nhiều, vì sao những người đó không vãng sanh? Thường nói là “trong một vạn người niệm Phật, chỉ có mấy người vãng sanh”, vì sao không phải là ai nấy đều vãng sanh? Nguyên nhân là do họ chẳng hiểu rõ giáo lý. Nói cách khác, “miệng có, tâm không”. Niệm tám công đức ấy, niệm tám công đức chẳng sai lầm, nhưng công đức trong nội tâm của chính mình chẳng hiển lộ, chẳng tương ứng với tám thứ công đức ấy. Vì vậy, khi niệm thì phải tương ứng. Cổ đức thường nói: “Một niệm tương ứng một niệm Phật”, một niệm ấy của quý vị chẳng tương ứng thì chẳng phải là Phật, mà cũng chẳng thể vãng sanh! Do vậy, niệm phải tương ứng. Niệm một câu “nước tám công đức” bèn tương ứng với tám đức trong tự tánh thì mới hữu dụng! Do vậy, kinh là một tấm gương, đọc kinh là soi gương, dùng kinh đối chiếu với tâm hạnh của bản thân chúng ta, mang ý nghĩa ấy! Cách nghĩ và cách nhìn của chúng ta giống hệt như kinh đã dạy thì gọi là “tương ứng”. Cách nghĩ và cách làm của chúng ta chẳng giống như kinh đã dạy bèn là chẳng tương ứng. Chẳng tương ứng thì dù có niệm nhiều cách mấy vẫn uổng công, cổ nhân bảo: “Gào toạc cổ họng vẫn uổng công”!

          Do điều này, có thể biết tương ứng là trọng yếu! Tương ứng là chuyển biến cảnh giới của chính mình. Muốn chuyển biến cảnh giới của chính mình, đương nhiên, trước hết là phải biết chính mình đã lầm lỗi. Kẻ chẳng chịu nhận lỗi thì hạng người như thế chắc chắn chẳng thể thành tựu, Phật cũng chẳng thể giúp kẻ ấy được! Người nào thành tựu nhanh nhất? Người nào thành tựu thù thắng nhất? Người mạnh mẽ nhận lỗi. Vì thế, nói đến tín tâm thì cơ bản nhất là nói tới hai chuyện:

          – Thứ nhất, phải tin tưởng sâu xa chính mình tội nghiệp sâu nặng. Từ vô thỉ cho đến đời này, mỗi ngày đều tạo tội nghiệp, tội nghiệp sâu nặng! Quý vị thừa nhận điều này thì mới có thể sửa lỗi.

          – Thứ hai, phải tin tưởng nguyện lực, trí huệ, và công đức của A Di Đà Phật chẳng thể nghĩ bàn, Ngài quyết định có thể cứu bạt chúng ta. Tin tưởng Phật lực có thể giúp đỡ chúng ta. Người như vậy thì mới có thể vãng sanh, người như vậy thì tự tánh mới có thể hiển lộ.

          Tám câu ấy rất trọng yếu, chớ nên coi nhẹ lướt qua, [tám câu ấy] đều nói về tự tánh. Tự tánh vốn chẳng bị nhiễm ô, hiện thời có bị nhiễm ô hay không? Hiện thời vẫn chẳng bị nhiễm ô! Nếu tự tánh bị nhiễm ô, sẽ chẳng thể gọi là “chân tánh”. Trong kinh Phật thường nói tới nhiễm ô, sự nhiễm ô ấy “chẳng nhiễm mà nhiễm”, thứ gì bị nhiễm? Mê! Mê nên bèn nhiễm. Giác bèn khai ngộ, giác là phá mê! Phá mê, quý vị bèn kiến tánh. Khi quý vị mê bèn chẳng kiến tánh; do đó, hoàn toàn chẳng biết tới trí huệ và đức năng trong tánh. Khi mê, Tánh Đức bị chuyển biến thành phiền não. Nghiệp chướng là gì? Phiền não là nghiệp chướng, phiền não là chướng ngại. Nay chỉ cần quý vị có phiền não, chắc chắn là mê; đã giác ngộ bèn chuyển phiền não thành Tánh Đức. Bồ Đề là Tánh Đức, nói thật ra, Tánh Đức chẳng biến đổi, mà là mê hay ngộ. Do mê hay ngộ bèn khởi tác dụng khác nhau; khi ngộ, phiền não là Bồ Đề, trọn đủ vô lượng vô biên đức dụng. Khi mê, Bồ Đề biến thành phiền não, nếu tạo tội nghiệp nhiều thì phải thọ báo, tạo tác lục đạo luân hồi. Mê và ngộ có mối quan hệ to tát dường ấy!

          Chư vị còn phải hiểu, mê hay ngộ là do chính mình, chẳng do ai khác, chẳng ở bên ngoài, mà là ở bên trong. Phật pháp đặc biệt được gọi là Nội Học, chẳng phải là bên ngoài. Cảnh giới bên ngoài chẳng có mê hay ngộ. Cảnh giới bao gồm cảnh giới nhân sự và cảnh giới vật chất, giống như chúng ta nằm mộng, mê hay ngộ trong mộng cũng đều là chính mình, tất cả hết thảy người và vật trong mộng đều chẳng có mê hay ngộ, mê hay ngộ là một mình ta, chư vị dễ dàng thấu hiểu điều này. Quý vị hãy chú tâm lãnh hội, lại lắng lòng quan sát cảnh giới trước mắt chúng ta, cảnh giới trước mắt là mê hay ngộ vẫn là một mình ta, chẳng dính dáng gì đến ngoại cảnh! Do chẳng liên quan đến ngoại cảnh, nên đối với cõi Phàm Thánh Đồng Cư trong thế gian này, phàm phu ở nơi đây thấy [cõi này] là uế độ, nhưng thánh nhân ở trong thế giới này lại thấy là Tịnh Độ, hai người hai cách nhìn khác nhau, khác nhau như thế nào? Một người tự tánh thanh tịnh, người kia tự tánh chẳng thanh tịnh; do vậy, cách nhìn khác nhau. Do vậy, có thể biết: Tu hành là tu tự tâm, chẳng phải là tu cho người khác!

          Vì sao phàm phu chúng ta tu hành khó  khăn  dường  ấy? Nói  thật

thà, đó gọi là “tâm chuyển theo cảnh”. Cảnh giới vốn chẳng xoay chuyển quý vị, mà chính quý vị cam tâm vâng chịu để cho nó xoay chuyển, quý vị nói xem có cách gì hay không? Cảnh chẳng mê người, mà người tự mê, chẳng có cách nào, chính quý vị chấp mê, nó chẳng đến làm mê quý vị, đây là chỗ chúng ta phải tỉnh ngộ. Có người khai ngộ thì ngộ từ chỗ nào? Ngộ từ chỗ này. Người ngộ chẳng bị cảnh giới chuyển, kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: “Nếu có thể chuyển cảnh, ắt giống như Như Lai”, giống như Phật! Phật có bản lãnh gì? Phật là chẳng bị ngoại cảnh xoay chuyển. Không bị ngoại cảnh xoay chuyển, quý vị sẽ tự tại trong cảnh giới. Bị ngoại cảnh chuyển thì quý vị chẳng tự tại, chẳng tự tại thì sao? Phiền não trói buộc, chẳng được tự tại! Những chỗ giống như thế này là chỗ để chúng ta thật sự dốc sức dụng công tu hành.

          Tự tánh vô nhiễm, vô nhiễm là “trừng tịnh”; vì vậy, tự tánh có phẩm đức trừng tịnh. Phải biết trừng tịnh là chân thật, là vĩnh hằng chẳng thay đổi. Nhiễm ô là giả, vì sao? Khi mê mới có, khi giác bèn chẳng có, nên có thể thấy được nhiễm ô chẳng phải là thật. Do đó, phiền não là giả, Bồ Đề là chân thật. Người học Phật phải trừ bỏ giả, phải dùng chân thật. Có lẽ, sẽ có kẻ nói: “Chúng ta hết thảy đều dùng chân thật thì sẽ bị thua thiệt, bị lường gạt trong xã hội”. Quý vị hãy nghĩ xem, kẻ ấy nói lời ấy đúng hay sai? Kẻ nói lời ấy đang mê, vì sao? Kẻ ấy còn có bị lừa, còn bị thua thiệt, còn có sợ hãi, quý vị nói xem có hỏng bét hay là không? Vì sao sợ bị thua thiệt, bị lừa dối? Kẻ ấy ngỡ hết thảy cảnh giới trước mắt là thật, đó là mê! Kẻ ấy chẳng hiểu “phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”.

          Phát khởi ý viên thành, công đức viên mãn, đừng nói là quý vị làm, quý vị chẳng làm, nhưng phát khởi một tâm niệm ấy, công đức đã viên mãn. Sự phát tâm ấy hễ có điều còn phải kiêng dè, sẽ chẳng có công đức, vì sao? Vì công đức là tâm thanh tịnh, tuy làm chuyện tốt, nhưng tâm chẳng thanh tịnh, bèn chẳng phải là công đức, mà là phước đức, quý vị tu phước đức chứ chẳng phải là công đức. Chư vị phải biết: Công đức là tu tâm thanh tịnh, đó là công đức. Bồ Tát tu các công đức, trong cảnh giới thuận hay nghịch đều có thể thành tựu viên mãn. Ngài tu công đức trong thuận cảnh, mà trong nghịch cảnh vẫn tu công đức, vì sao? Tâm Ngài thanh tịnh, thuận hay nghịch đều chẳng nhiễm ô, thuận lẫn nghịch đều không mê! Không mê, bất nhiễm, tự tánh hiện tiền, đó chẳng gọi là công đức thì gọi là gì? Do vậy, kẻ mê dẫu làm việc thiện to tát đến mấy, vẫn là phước đức, chẳng có công đức.       

          Kinh Phật chỗ nào cũng đều nói tới chuyện hồi hướng công đức, hồi hướng có tác dụng hay không? Nếu hồi hướng chẳng có tác dụng thì trong kinh luận, Phật, Bồ Tát sẽ chẳng đặc biệt nhấn mạnh chuyện hồi hướng. Điều cuối cùng trong mười đại nguyện vương của kinh Hoa Nghiêm là “phổ giai hồi hướng”, có thể thấy hồi hướng rất trọng yếu! Phải hồi hướng như thế nào? Niệm bài văn hồi hướng một lượt chẳng phải là hồi hướng, như thế thì hồi chẳng được, mà hướng không xong! Thưa cùng quý vị, hồi hướng là chẳng chấp tướng; tâm chẳng chấp tướng mới thanh tịnh! Hồi hướng có nghĩa là “làm mà chẳng làm”, ta làm những chuyện ấy vô tâm, tức là coi giống như chẳng làm. Nếu ta làm chuyện tốt, thường nghĩ ta đã làm bao nhiêu chuyện tốt đẹp, thế thì công đức lại chẳng còn nữa, lại mê rồi, mê càng sâu hơn, chẳng giác ngộ! Hồi hướng nhằm giúp quý vị giác ngộ, hết thảy các công đức đã làm đều không cần tới, thảy đều quên sạch. Hồi hướng Thật Tế, Thật Tế là Chân Như bổn tánh. Chân Như bổn tánh chẳng lập một pháp, thanh tịnh vô vi. Hồi hướng Bồ Đề, Bồ Đề là giác, hồi hướng Bồ Đề là không mê; hồi hướng chúng sanh là chẳng nhiễm! Phước báo thiện hạnh là của hết thảy chúng sanh, chẳng phải là của ta, quên mất ta, đó là hồi hướng. Tuyệt đối chẳng phải là nói hiện thời chúng ta niệm kinh, đối với người đã chết, chúng ta mới hồi hướng cho họ, chẳng cần hồi hướng cho người sống, vậy thì quý vị nay đang còn sống nhăn, mỗi ngày niệm kinh đều chẳng cần hồi hướng ư?

          Đối với pháp môn Niệm Phật này, trong kinh còn gọi nó là “pháp môn chẳng hồi hướng”, trong quá khứ, thầy Lý thường bảo chúng tôi điều này. Vì sao gọi là “pháp môn không hồi hướng”? Trong chú giải kinh Vô Lượng Thọ, Hoàng lão cư sĩ đã giảng đoạn này rất cặn kẽ, chư vị hãy tự xem. Không hồi hướng là đại hồi hướng, không hồi hướng là hồi hướng khôn sánh. Vì người niệm Phật chỉ có một mục tiêu, ta niệm câu Phật hiệu này để làm gì? Nhằm cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ! Nói cách khác, tuy người ấy chẳng hồi hướng, niệm niệm đều là hồi hướng. Ta vì điều này mà niệm, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ.

          Nhưng chư vị nhất định phải ghi nhớ, niệm Phật nhằm mục đích cầu sanh Tịnh Độ, vì sao niệm Phật có thể sanh về Tịnh Độ? Trong ấy là nhị lực pháp môn, một là Phật có nguyện lực, khuyên bảo chúng ta, chúng ta niệm Phật, lão nhân gia đến tiếp dẫn chúng ta. Nếu quý vị chỉ có một kiến giải đơn giản như thế, vậy thì tôi hỏi quý vị, tất cả người niệm Phật lẽ ra đều nên vãng sanh, người cả đời chỉ niệm Phật hiệu một tiếng cũng phải vãng sanh, vì kinh đã dạy: “Một niệm hay mười niệm, nhất định vãng sanh”. Người ấy khi còn sống đã niệm mười câu hoặc một câu Phật hiệu, đáng lẽ nên vãng sanh, cớ sao chẳng vãng sanh? Nhất định là đoạn kinh văn ấy còn có ý nghĩa sâu xa trong đó. Chúng ta nhìn vào văn tự suy đoán ý nghĩa, chẳng phải là đức Phật nói sai, mà là chúng ta nghe lời Phật dạy bèn hiểu sai. Đức Phật chẳng giảng sai! Lỗi ở nơi bản thân chúng ta.

          Câu Phật hiệu phải dùng nhất tâm để niệm, nhất tâm xưng niệm, nhất tâm là tâm gì? Tâm thanh tịnh. Nhất tâm là chẳng có nhị niệm, chẳng có tạp niệm. Tâm chẳng có tạp niệm là gì? Là tự tánh. Vì vậy, chớ nên dùng loạn tâm để niệm, chẳng phải là dùng tâm vọng tưởng để niệm, chẳng phải là dùng tâm thức thứ sáu là ý thức để niệm, vì sao? Dùng tâm thức thứ sáu tức là tâm ý thức để niệm Phật, chẳng thể đoạn phiền não. Nhất tâm xưng niệm, có thể đoạn phiền não, có thể phá vô minh. Trong chú giải, Liên Trì đại sư đã giảng rất tỉ mỉ, đến phần sau, trong chương “nhất tâm bất loạn”, lão nhân gia đã chú giải bốn chữ “nhất tâm bất loạn” rất nhiều. Sớ Sao có tổng cộng bốn quyển, [phần giảng giải] một câu ấy chiếm hết nửa cuốn. Nói cách khác, nó chiếm đến một phần tám cả bộ chú giải, phần ấy giảng về “nhất tâm bất loạn” rất đặc sắc.

          Đối với cách niệm, nhất niệm là nhất tâm niệm. Nhất tâm [ở đây] là loại nhất tâm như thế nào? Liên Trì đại sư đặc biệt nhấn mạnh “Lý nhất tâm”, loại nhất tâm này hoàn toàn tương ứng với tự tánh. Vì thế, đích xác là chẳng còn bàn cãi gì nữa, thật sự là “một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”. Lão nhân gia dẫn lời kinh Đại Bổn: “Niệm một tiếng A Di Đà Phật, diệt trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử”, cách niệm là như thế đó! Không phải là như chúng ta nay đang ca xướng ngoài miệng, ca xướng đôi chút bèn diệt trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử! Chẳng có đạo lý ấy! Có lúc, không chỉ là khi niệm chẳng thể diệt tội, mà ngược lại còn tăng trưởng tội nghiệp! Đó là vì chẳng biết niệm, chưa hiểu rõ! Do vậy, ta biết: Niệm Phật chẳng thể không biết giáo nghĩa cơ bản. “Giáo nghĩa cơ bản” chỉ tam kinh, nay chúng ta nói là năm kinh. Bởi vậy, quý vị nhất định phải đọc bộ Ngũ Kinh Độc Bổn do chúng tôi mới biên tập cho nhiều thì mới có thể thật sự hiểu rõ.

          Vì vậy, phải hiểu ý nghĩa của hồi hướng ở chỗ nào! Tại Trung Quốc lẫn ngoại quốc, người cầu tiêu tai, miễn nạn, tiêu trừ nghiệp chướng rất nhiều; tâm cầu nguyện rất khẩn thiết, nhưng tai nạn và nghiệp chướng của họ đều chẳng thể tiêu tan! Ở chỗ này, tôi đặc biệt nhắc nhở các đồng tu, quý vị ít phiền não thì nghiệp chướng sẽ ít. Quý vị ít tri kiến thì chướng ngại sẽ ít. Quý vị lắm phiền não, phiền não nặng nề, tri kiến quá nhiều, nghiệp chướng và tai nạn của quý vị chẳng có cách gì tiêu trừ! Vì sao đọc kinh, niệm Phật có thể tiêu tan nghiệp chướng? Vì lúc quý vị niệm kinh, niệm Phật, tâm thanh tịnh, trong tâm thanh tịnh chẳng có nghiệp chướng. Nếu quý vị thường gìn giữ tâm thanh tịnh, nghiệp chướng tự nhiên tiêu trừ, đạo lý là như vậy đó! Vì thế, niệm kinh, niệm Phật, tham Thiền, trì chú đều có thể tiêu tan nghiệp chướng. Phương pháp nào tiêu trừ nghiệp chướng tốt nhất? Chẳng nhất định. Phương pháp nào có thể khiến cho tâm quý vị thanh tịnh, đó là phương pháp tốt nhất.

          Người chuyên tu pháp môn Niệm Phật không nói tới hồi hướng, chỉ sợ là chúng ta vẫn chưa thể làm được [chuyện ấy], vì sao? Chúng ta niệm kinh, niệm Phật vẫn chưa thể mười phần tương ứng với chân tánh. Không chỉ chẳng thể mười phần tương ứng, mà sợ rằng một hai phần tương ứng vẫn chưa làm được. Vậy thì làm cách nào? Nhất định phải tu thêm pháp môn hồi hướng, phải hồi hướng. Chúng ta hồi hướng thay cho người khác cũng được, người nhà của tôi ở Đại Lục, tôi ở đây niệm kinh, niệm Phật hồi hướng cho họ, có hiệu quả hay không? Chắc chắn có hiệu quả; hiệu quả do Tu Đức của chính mình, từ chỗ này mà cảm quả. Nếu chính mình chẳng có Tu Đức, dẫu mỗi ngày quý vị niệm nhiều đến mấy đi nữa, đều chẳng được, cổ nhân bảo: “Gào toạc cổ họng cũng uổng công”. Bản thân quý vị thật sự tu, hằng năm, hằng tháng cảnh giới đều khác nhau, mỗi ngày tiếp cận Phật, Bồ Tát, hồi hướng bèn có sức mạnh này. Hồi hướng hết thảy chúng sanh, tự nhiên có thể xoay chuyển kiếp vận. Chư vị nghĩ xem, kiếp vận cũng có thể xoay chuyển thì có việc nhỏ nhặt nào mà chẳng thể chuyển được?

          Ở đây, tôi kể cho quý vị nghe một câu chuyện cũ. Thuở ấy, tôi đang học trong nhà trường, lúc đó tôi mười mấy tuổi, trong thời Kháng Chiến, học tại trường Trung Học Quốc Lập thứ ba, hiệu trưởng là tiên sinh Châu Bang Đạo. Chúng tôi gọi vợ ông ta là Châu sư mẫu. Nhà ông ta ở ngay sau trường, trường ấy thu nhận toàn là học sinh lưu vong, đều chẳng có nhà để về, nên chánh phủ thu nhận, lập ra trường học ấy. Vì thế, học trò trong trường ấy đều được chánh phủ trợ cấp, cơm áo và chỗ ở đều do quốc gia [đài thọ], giống như quân đội, cấp phát lương thực và tiền tiêu vặt cho chúng tôi. Con gái ông ta cũng học trong trường chúng tôi, người con thứ tư của ông ta là bạn học cùng lớp với tôi. Phàm có những thứ gì cần phải chia cho học sinh, [chẳng hạn như] cái ăn, cái mặc thì những đứa con trong nhà ông ta [đang theo học trong trường ấy] được xếp cuối cùng, học trò được ưu tiên hàng đầu. Chia cho học trò xong, hễ còn thừa thì họ (con ông ta) mới được nhận. Tâm địa đại công vô tư, khiến cho mỗi đứa học trò chúng tôi đều cảm động, ông chăm nom học sinh còn hơn con ruột của chính mình. Vì thế, chúng tôi thật sự cảm ơn đội đức vị thầy ấy, coi trọng ông ta hơn cha mẹ, ông ta thật sự chiếu cố chúng tôi.

          Từng có một bạn học ngã bệnh, bệnh rất nặng, bác sĩ ở nơi ấy khám xong đều nói chẳng thể cứu được; nhưng đứa nhỏ ấy là con một, trong nhà nó, [cha nó] có đến mấy vợ mà chỉ có một đứa con trai như vậy. Khi đó, Châu sư mẫu còn chưa học Phật, bà ta nói: “Đứa nhỏ này chẳng thể chết, nó chết thì nhà nó tuyệt hậu. Mấy bà mẹ mà chỉ có một đứa con!” Khi chẳng thể cứu, bà ta miếu nào cũng đến lễ, miếu nào cũng tới hứa nguyện. Bà nói: “Tôi thà chết thay cho nó, chứ chẳng để cho nó chết”. Phát tâm như thế đó! Tâm ấy là tâm chân thành. Đến cuối cùng, bệnh viện chẳng nhận nữa, bà đem đứa học trò ấy đến miếu Quan Đế, phát trọng thệ ở đó: “Tôi bằng lòng chết thay cho nó”. Một hai ngày sau, đứa học trò ấy tỉnh lại, bà ta phi thường hoan hỷ! Nó kể lại: Giống như nó gặp ác mộng, bị người ta nhốt trong một căn nhà nho nhỏ, tối đen, chẳng có một tia sáng nào, chỉ nghe Châu sư mẫu gọi nó, nó nghe âm thanh ấy, sau đấy, thấy một chút ánh sáng, bèn chạy ra khỏi đó. Thưa quý vị, đó là hồi hướng! Đúng là thọ mạng của nó đã hết rồi, bà ta dùng sức mạnh tinh thần của chính mình để kéo nó lại, kéo dài thọ mạng cho nó, chẳng dễ dàng! Vì vậy, bọn học sinh chúng tôi thấy tấm gương ấy, [nhận biết] sư mẫu có thể bỏ mình để cứu đứa học trò ấy.

          Bà ta đến Đài Loan mới học Phật. Sau khi đã học Phật, bà niệm chú Đại Bi vô cùng có cảm ứng, nước Đại Bi của bà hết sức linh, quả thật có thể trị bệnh, cậy vào đâu? Tâm từ bi chân thật! Tâm chân thành, tâm đại từ đại bi lưu lộ nên có sức mạnh như vậy. Nếu quý vị đọc Liễu Phàm Tứ Huấn nhiều lượt, sẽ hiểu, trong Phật pháp đã nói: Tuy thọ mạng của con người là nhất định, [thọ mạng dài hay ngắn là kết quả của nghiệp] do quý vị đã tu trong đời trước, nhưng nếu trong kiếp này, chính quý vị chịu tu, sẽ có thể kéo dài thọ mạng. Nếu quý vị tạo ác nhiều, thọ mạng cũng có thể bị rút ngắn. Vì thế, nhà Phật nói đến vận mạng, chẳng nói theo kiểu “định mạng luận” (số mạng nhất định), [mà nói] vận mạng

do chính mình điều khiển, nhất định phải biết điều này!

          “Tự tánh vô phiền”, Phiền (煩) là phiền não. Nói đại lược thì phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi, đó là năm món Tư Hoặc nặng nhất. “Nghi” ở đây là hoài nghi giáo huấn của Phật, Bồ Tát, cũng có nghĩa là đối với kinh luận và giáo huấn của Phật, quý vị không tin, chẳng thể tin nhận, vâng hành. Tổn thất ấy quá lớn, vì sao? Vì giáo huấn của Phật là cơ hội để chúng ta đắc độ trong một đời này, hễ quý vị hoài nghi bèn bỏ sót cơ hội này, quá đáng tiếc! Bỏ lỡ lần này, lần sau gặp lại chẳng biết là đời nào, kiếp nào? Tuyệt đối chẳng phải là đời sau ta vẫn có thể gặp gỡ! Đời sau quý vị có được làm thân người hay không? Vô cùng khó khăn! Được làm thân người rất khó, mất thân người hết sức dễ dàng! Trong kinh Phật có rất nhiều khai thị và tỷ dụ, giảng rõ thân người khó được, dễ mất, được làm thân người lần nữa chẳng dễ dàng! Được làm thân người lại còn có thể nghe Phật pháp, càng khó khăn hơn!

          Trong thế gian này, lúc có Phật pháp ít ỏi lắm! Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện trên thế gian thì thế gian này mới có Phật pháp. Huống chi Phật pháp còn có kỳ hạn nhất định, Chánh Pháp, Tượng Pháp, Mạt Pháp, tổng cộng một vạn hai ngàn năm. Sau một vạn hai ngàn năm, Phật pháp chẳng còn nữa, sau đấy phải sống rất lâu thì vị Phật kế tiếp mới lại xuất hiện trong thế gian này. Trong kinh Phật có nói, tính theo năm tháng trên địa cầu này, sau năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm, Di Lặc Phật xuất thế, thế gian này lại có Phật pháp. Quý vị thấy thời gian chẳng có Phật pháp trong khoảng giữa [sự xuất hiện của hai vị Phật] dài bao nhiêu? Năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm, [thời gian] có Phật pháp chỉ là một vạn hai ngàn năm. Quý vị được làm thân người là chuyện phù hợp khéo léo dường ấy, chẳng phải là chuyện dễ dàng! Chúng ta lần này có thể được làm thân người, sanh nhằm thời Mạt Pháp của đức Phật, đích xác là chẳng dễ dàng! Giống như tỷ dụ trong kinh Phật: “Manh quy đại hải thân đầu” (con rùa mù vươn đầu trong biển cả), con rùa đen mù mắt, trong biển cả chỉ có một khối gỗ, con rùa đen vừa vươn cổ khéo sao liền chui lọt vào bộng rỗng trong khối gỗ ấy, cơ hội ấy quá khó có! Nay chúng ta được làm thân người, gặp gỡ Phật pháp giống như cơ hội ấy, đúng là chẳng dễ gì đạt được! Nếu quý vị bỏ lỡ, quá đáng tiếc! Vì thế, phải biết: Gặp được [Phật pháp, nhất là pháp môn Tịnh Độ] rất khó khăn. Do vậy, đã gặp thì phải trân quý, quyết định chớ nên hoài nghi Phật pháp!

          Phải nghiêm túc phản tỉnh, đoạn trừ Tam Độc phiền não, nói thông tục là “sửa lỗi, đổi mới”. Nghiệp chướng là gì? Tam Độc là nghiệp chướng, là căn bản to lớn của sự tạo nghiệp chướng ngại, tham, sân, si, mạn. Trong kinh, đức Phật dạy những phiền não ấy là “dữ sanh câu lai” (sanh ra đã có), chẳng phải là học [những thứ ấy] trong đời này, quý vị đời đời kiếp kiếp tích lũy, ai nấy đều có. Nếu quý vị chẳng có, sẽ chẳng đến nhân gian. Nếu quý vị chẳng có, chẳng thể nào luân hồi trong lục đạo, mà đã sớm thoát khỏi tam giới. Chẳng thoát khỏi tam giới; nói cách khác, quý vị nhất định có những phiền não này. Chúng ta phải thừa nhận chuyện này, phải giác ngộ, phải sửa đổi. Do vậy, Bồ Tát tu Lục Độ, độ gì? Độ Tam Độc phiền não, Bố Thí độ xan tham, độ tham phiền não, Nhẫn Nhục độ sân khuể, Bát Nhã độ ngu si, ngạo mạn cũng thuộc trong sân khuể. Do vậy, phiền não được quy nạp lại bèn gọi là Tam Độc.

          Trong Tam Độc, đặc biệt nêu ra ngạo mạn, điều này rất có lý, vì sao? Con người chỉ cần có kiêu căng, ngã mạn thì điều gì cũng đều học chẳng thành. Nếu quý vị muốn học thành công pháp thế gian lẫn xuất xuất thế gian, đều phải khiêm hư, đều phải cung kính! Do vậy, điều thứ nhất trong mười đại nguyện vương là “lễ kính chư Phật”, câu đầu tiên trong sách Lễ Ký của Nho gia là: “Khúc Lễ viết, vô bất kính” (Khúc Lễ nói: “Không gì chẳng kính trọng”). Giáo học pháp thế gian và xuất thế gian thì điều thứ nhất là dạy gì? Điều thứ nhất dạy về kính, Kính là gì? Là đoạn ngã mạn. Trước hết là phá trừ ngã mạn, quý vị mới có thể trở thành pháp khí, mới có thể học thứ này, thứ nọ. Chỉ cần có ngã mạn tồn tại, dẫu Phật, Bồ Tát làm thầy quý vị, quý vị vẫn chẳng thể thành tựu một điều gì, chẳng thể học được gì, [nguyên nhân là vì] tự cho mình là đúng, chẳng để ai vào mắt! Hạng người như vậy ai có thể dạy dỗ được? Vì vậy, đây là đại chướng ngại trong sự cầu học thế gian và xuất thế gian. Vì thế, khi dạy học, trước hết, phải phá ngã mạn, rồi phá tham, sân, si. Do vậy, Lục Độ nhằm độ phiền não! Trì giới nhằm độ ác nghiệp, Tinh Tấn nhằm độ giải đãi, Thiền Định nhằm độ tán loạn.

          Do lẽ đó, quý vị tu những pháp môn này, quý vị nói xem rốt cuộc chính mình có thành tựu hay không? Quý vị có thể kiểm thảo từ thành quả. Ta tu bố thí đã nhiều năm ngần ấy, còn có tâm tham hay chăng? Nếu chẳng có tâm tham, quý vị đã tu Bố Thí Độ rất thành công. Có kẻ chẳng biết tu, càng tu, tâm tham càng tăng trưởng, vì lẽ gì mà kẻ ấy tu bố thí? Vì tham mà tu bố thí. Vì sao nói “vì tham mà tu bố thí”? Nghe trong Phật môn dạy “xả nhất, đắc vạn báo” (bỏ một, được quả báo cả vạn), [bèn hớn hở, nghĩ bố thí đúng là] “một vốn, vạn lời”, nên kẻ ấy mới bố thí. Bố thí là gì? Giống như ta làm kinh doanh, đầu cơ, ta bỏ ra một món tiền vốn, sẽ tóm về một món tiền lớn. Mục đích của kẻ ấy là tâm tham, cho nên không chỉ chẳng thể đoạn tâm tham, mà tâm tham còn tăng trưởng, hỏng bét! Phật, Bồ Tát thấy tình cảnh ấy đều phải ứa lệ, kêu oan! Hoàn toàn hiểu lầm ý nghĩa. Bố thí là bỏ tâm tham, trì giới là bỏ ác nghiệp, “đừng làm các việc ác, vâng làm các điều lành”, đó là Giới.

          Nhẫn Nhục độ sân khuể, quả báo của sân khuể là địa ngục, hết sức đáng sợ! Tuy kinh Kim Cang nói đến Lục Độ, chỉ có Bố Thí và Nhẫn Nhục là được giảng nhiều nhất, những Độ khác chỉ nói sơ lược, có thể thấy trong Lục Độ, hai Độ này vô cùng trọng yếu, nhằm độ tham sân. Nhất định phải học nhẫn nhục! Huống chi kinh còn dạy: “Nhất thiết pháp đắc thành ư Nhẫn” (hết thảy các pháp do Nhẫn mà thành tựu), nếu quý vị muốn thành tựu hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian thì làm thế nào mới có thể thành tựu? Nhẫn bèn có thể thành tựu. Cổ đại đức của Phật giáo Trung Quốc giáo học, quý vị đọc bộ Thiền Lâm Bảo Huấn sẽ hiểu rõ. Trong Thiền Lâm Bảo Huấn có rất nhiều vị chuyên môn dạy học trò tu nhẫn nhục, chứ chẳng dạy gì khác! Quý vị theo vị sư phụ ấy mười năm hay tám năm, đúng là chẳng dạy gì hết, mỗi ngày vị sư phụ ấy kiếm chuyện, vô duyên vô cớ đánh chửi quý vị, luôn chường ra bản mặt hầm hừ. Đó là gì? Đó là giáo học, là lên lớp. Dạy điều gì? Nhẫn! Dạy quý vị nhẫn nại, cảnh giới gì cũng đều có thể nhẫn! Mười năm hay tám năm sau, người ấy học Nhẫn Nhục Ba La Mật thành công, đắc Định, trí huệ tự nhiên khai. Lão hòa thượng truyền pháp bèn truyền cho người ấy, cử hành nghi thức, trao y bát cho người ấy: “Ông làm Đương Gia hoặc Trụ Trì chùa này”, giao phó như thế. Sư huấn luyện người ta chẳng có gì khác, chuyên môn huấn luyện sự nhẫn nại. Điều này rất có lý!

          Thường có kẻ thưa: “Bạch lão hòa thượng! Con theo học với thầy đã lâu năm ngần ấy, thứ gì con cũng đều chẳng học thành”. Lão hòa thượng cười cợt: “Ông còn chưa học thành ư?” Đã học thành, nhưng chính người ấy chẳng biết. “Ở [trong chùa này] lâu năm ngần ấy, ông có thể chịu đựng được, vẫn chưa bỏ đi, đó là thành công!” Vừa chỉ điểm như vậy, người ấy liền nghĩ, quả nhiên chẳng sai, hoát nhiên đại ngộ, lúc bình thường [thầy] vui, giận, mắng nhiếc vốn là đang dạy bảo [học trò]. Cách dạy dỗ vốn là như vậy đó! Đặc biệt là trong Thiền Tông Trung Quốc, Giáo Hạ đương nhiên là phải giảng kinh, chẳng rời khỏi sách vở, biện pháp của Thiền Tông rất đặc thù, thường dùng phương pháp này để thành tựu Giới, Định, Huệ cho học trò. Do vậy, phiền não chẳng còn, đức thanh lương của tự tánh bèn hiển lộ.

          “Tự tánh vô ác, tức cam mỹ đức” (tự tánh chẳng ác, tức là phẩm đức ngon ngọt). Ác, chẳng phải chỉ là nói tới ác nghiệp hay ác hạnh, mà còn vi tế hơn một chút là nói tới ác ý, ác niệm, những thứ này đều chẳng có. Do vậy, chân chánh tu hành thì phải dốc sức ở chỗ này. Chúng ta tu Bồ Đề tâm, chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi của chính mình, tu như vậy, quý vị sẽ đi theo Bồ Tát đạo. Bất luận làm chuyện gì, đều phải dùng tâm chân thành để làm. Các đồng tu trong đạo tràng nghe kinh đã nhiều, có thể nói là trong toàn bộ thế giới hiện thời, đã có trình độ rất cao, trình độ khá, nguyên nhân là do được huân tập trong một thời gian dài. Tuy là như vậy, người thật sự thành tựu vẫn rất ít, nguyên nhân ở chỗ nào? Tuy hiểu rõ Lý, vừa nói liền hiểu ngay, nhưng không chuyển cảnh giới được! Hễ gặp cảnh giới lại mê, đó là do những ác tập khí trong quá khứ quá sâu, chẳng thể chuyển được, đó gọi là “biến hóa khí chất”, [tức là] biến đổi một phần, vẫn chưa thể biến đổi triệt để, nên vẫn còn mang theo tập khí. Tập khí ấy là phiền não, chướng ngại của quý vị. Nay quý vị hiện tại tu hành vẫn có phiền não, vẫn có chướng ngại. Tuy so với quá khứ thì tốt hơn một tí, nhưng vẫn có. Điều này nói rõ: Chúng ta vô ác, [có nghĩa là] không chỉ chẳng có ác hạnh và ác ý, mà ác ý và ác niệm cũng chẳng có. Đó là phẩm đức “ngon ngọt” trong tự tánh.

          “Tự tánh vô ngã”, lần này chúng ta đọc Đại Kinh mới biết thế giới vô ngã là như thế nào. Tây Phương Cực Lạc thế giới là thế giới vô ngã, người đông như thế, nhưng đều chẳng có tên, chẳng có họ, đúng là vô ngã, đích xác là coi hết thảy đều như nhau. Bên cõi ấy, thân thể cũng giống nhau, tướng mạo cũng như nhau, thật sự là một thế giới chẳng thể nghĩ bàn. Thế giới của hết thảy chư Phật trong mười phương đều chẳng có tình hình này! Thành Phật mới hoàn toàn giống nhau, Phật Phật đạo đồng, nên diện mạo của mỗi vị Phật đều giống nhau. Nào ngờ trong Tây Phương Cực Lạc thế giới ai nấy đều giống nhau. Nói cách khác, ai nấy trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều thành Phật! Đây là nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật, nên mười phương chư Phật tán thán là có lý! Tự tánh vô ngã là phẩm đức “khinh nhuyễn”.

          “Tự tánh vô kiệt” là như trong năm câu do Lục Tổ đại sư thốt ra khi khai ngộ đã có những ý nghĩa này: “Nào ngờ tự tánh vốn trọn đủ”, “nào ngờ tự tánh có thể sanh ra vạn pháp”, câu cuối cùng là “xuất sanh hết thảy muôn điều thiện”, đó là phẩm đức có thể sanh ra vạn pháp. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới vốn trọn đủ trong tự tánh. Trí huệ, đức năng, và tài nghệ của người ấy (người đã khai ngộ) vĩnh viễn dùng chẳng hết, đó là nói về Tánh Đức! Thật sự là vô lượng trong vô lượng, vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, vô lượng tài nghệ. Chính vì như vậy, trong Phật pháp, bất luận tu học pháp môn nào, đều nhằm mục đích mong cầu kiến tánh. Đối với pháp môn Niệm Phật, Lý nhất tâm bất loạn là kiến tánh. Chỉ có kiến tánh mới thật sự là viên mãn công đức, mới thật sự chẳng có tơ hào khiếm khuyết trong cuộc sống, thật sự đạt đến rốt ráo viên mãn. Nếu quý vị chẳng kiến tánh, sẽ luôn có khuyết hãm, nói chung là chẳng viên mãn. Điều này đúng là giống như phẩm đức “nhuận trạch” của nước.

          “Tự tánh vô bạo, tức an hòa đức” (tự tánh chẳng bạo ác, chính là phẩm đức an hòa). “Bạo” (暴) là tánh tình hung bạo, dữ dằn, trong tự tánh chẳng có [khuyết điểm ấy]. Tự tánh thanh tịnh, bình đẳng, bạo ác ở chỗ nào? Chẳng có! Vì thế, tự nhiên là an và hòa. An hòa được pháp thế gian lẫn xuất thế gian cùng coi trọng, hiện thời chánh phủ cũng đề xướng “an hòa, lợi lạc”. Nhưng nếu tâm bất an, sẽ chẳng thể hòa. An là nhân, Hòa là quả; Hòa là nhân, Lạc là quả; Lạc là nhân, lợi ích là quả. An hòa, Lạc và lợi ích làm nhân và quả lẫn nhau. Như thế nào thì mới có thể an? Quý vị thấy trước chữ An có chữ Bình, bình an! Kẻ nào tâm bất bình thì làm sao có thể an cho được? Tâm con người như thế nào thì mới có thể bình? Chuyện này phiền phức khá lớn!

          Chư vị phải hiểu giáo học trong Phật pháp và Nho gia nhắm đến mục đích nào? Mục đích là cầu Bình, tức là cầu bình an, hòa lạc (hòa thuận, vui vẻ), cầu điều này. Như thế nào thì mới đạt đến mục tiêu giáo học ấy? Thưa cùng quý vị, pháp thế gian và xuất thế gian đều giảng về nhân quả, quý vị thật sự hiểu rõ nhân quả, tâm bèn bình. Đó gọi là “phú quý yên vui phú quý, nghèo hèn an phận nghèo hèn”, đã hiểu rõ Lý. Trong Phật pháp nói “quả báo ba đời”. Đời này, ta được phú quý là do đời trước đã tu, nên đời này phải nên đạt được. Đời này ta nghèo hèn là do đời quá khứ chẳng tu, nay bị nghèo hèn là đúng rồi! Vì vậy, đối với kẻ phú quý cũng chẳng hâm mộ, mà cũng chẳng ganh ghét, chẳng oán hận. Chúng ta thường nói là “tâm an, lý đắc”, tâm vì sao an? Đã hiểu rõ đạo lý, tâm ta bèn an. Vì thế, đọc sách nhằm hiểu rõ Lý.

          Báo chí hai bữa nay đăng cả nửa trang báo, đăng tải về Tài Thần Pháp[1] của Mật Tông, chuyên nhấn mạnh chuyện cầu phát tài. Nếu [người theo] Mật Tông hễ tu pháp Tài Thần bèn phát tài, quốc gia nên thỉnh họ làm Bộ Trưởng Tài Chánh, nhân dân cả nước chẳng cần phải làm việc, hễ tu liền có tiền bạc đưa đến, còn phải làm lụng chi nữa? Khoa trương rùm beng! Vì thế báo chí đăng tải những bài quảng cáo ấy đều mắc tội lỗi, vì sao? Đề xướng mê tín, mê hoặc lòng người, phá hoại sự an định và hòa bình trong xã hội, tội ấy rất nặng! Báo chí nhận lệ phí đăng quảng cáo ấy phải gánh trách nhiệm nhân quả!

          Đồng tiền xưa kia, ở giữa có lỗ thủng, gọi là “tiền nhãn” (mắt tiền), nay tôi thấy mọi người đều mê, luôn dốc sức nơi tiền nhãn, đổ công sức vào đó vĩnh viễn chẳng thoát ra được, chỉ có đường chết! Đấy chẳng phải là sanh lộ, mà là tử lộ! Dồn sức nơi đó, đúng là đáng thương! Chư vị phải hiểu: Giảng giải Mật Tông theo kiểu đó (cầu tài, cầu lộc, cầu quan vị, cầu phú quý, vinh hoa, trường thọ v.v…) là giả, chẳng phải là thật! Mật Tông là Phật pháp, Phật pháp dạy chúng ta buông xuống, Phật pháp dạy chúng ta cầu thanh lương tự tại. Phật pháp chẳng dạy chúng ta mỗi ngày cầu phát tài. Tôi nghe nói: Khi cầu chẳng được, [kẻ hành pháp ấy do tức tối] bèn bửa đầu [tượng] Bồ Tát, chặt thây, đều quăng bỏ. Nếu họ thật sự phát tài bèn cúng dường, còn có những kẻ cầu mà chẳng phát tài bèn muốn đến trả đũa, oán hận càng sâu! Xã hội này đầy ắp tham, sân, si, mạn, toàn là làm những chuyện ấy! Vì thế, chư vị phải biết là xã hội hiện thời đang xuống dốc, chẳng bằng mấy năm trước. Điều này đúng là đáng cho chúng ta kiêng dè!

          Vì vậy, chúng ta phải hiểu những mối quan hệ nhân quả, làm thế nào để được bình. Để được bình thì nhất định phải hiểu lý, phải hiểu rõ nhân quả, phải thông hiểu Phật pháp. Nếu hiểu rõ ý nghĩa tinh hoa trong Phật pháp, chúng ta thật sự đạt được cơ sở của sự bình đẳng. Tự tánh của chúng ta là bình đẳng, mức độ mê hay ngộ là bất bình đẳng, nhưng tự tánh là bình đẳng. Do vậy, Lý Tức Phật trong thuyết Lục Tức Phật của tông Thiên Thai là hoàn toàn nói theo tự tánh, chúng sanh và Phật chẳng hai, vạn pháp nhất như. Đó là nói theo lý luận, quyết định là bình đẳng. Xét theo sự tướng bèn là bất bình đẳng. Xét theo sự tướng, do chúng sanh đang mê, nên họ có tướng bất bình đẳng, tác dụng bất bình đẳng; nhưng xét theo thể tánh, quyết định là bình đẳng. Vì sao Phật tôn trọng hết thảy chúng sanh dường ấy? Phật chẳng thấy tướng, chẳng nhìn vào tác dụng, chẳng chấp tướng, Phật thấy tánh, thấy hết thảy chúng sanh xét theo bổn tánh đều là Phật, nên Phật đối với hết thảy chúng sanh chẳng có một ai là không cung kính. Chỉ có kẻ mê hoặc, điên đảo thì mới chẳng cung kính. Người thật sự giác ngộ chẳng hề không cung kính người, kính sự, kính vật, quyết định là cung kính. Thế gian lấy Khổng lão phu tử làm đại biểu. Quý vị đọc các sách của Khổng lão phu tử [sẽ thấy] suốt đời, Khổng lão phu tử xử sự, đãi người, tiếp vật, có bao giờ chẳng cung kính một ai hay không? Từ sách vở, chúng ta chẳng tìm được [chứng cớ nào chứng tỏ Ngài chẳng cung kính], đối với trẻ nhỏ, Ngài cũng cung kính.

          Quý vị lại nhìn đức Phật, đọc Thích Ca Phương Chí, Thích Ca Phổ, đó là những bộ truyện ký về Thích Ca Mâu Ni Phật chép từ kinh điển. Quý vị thấy: Thuở tại thế, đức Phật đối với bất cứ một người nào đều chẳng hề không cung kính. Không chỉ đối với người thông thường, mà đối với ngoại đạo Ngài cũng đều cung kính. Lý do cung kính là nhìn từ tự tánh, họ là bình đẳng, hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh, nên đều coi như Phật. Nay họ là một vị Phật mê hoặc, điên đảo, họ mê, ta chẳng mê; họ bất kính, ta phải kính trọng họ. Nếu họ bất kính ta, ta cũng chẳng cần phải kính trọng họ, vậy là họ mê mà ta cũng mê luôn, lầm mất rồi! Vì thế nói: Kẻ khác mê, ta không mê. Kẻ khác bất kính ta là chuyện đương nhiên! Nếu kẻ ấy kính trọng ta, chẳng phải là kẻ ấy đã thành Phật ư? Họ là phàm phu, chẳng kính trọng ta là đúng rồi! Mười phần chính xác, chẳng sai tí nào! Ta cũng chẳng kính trọng họ thì trật rồi, chẳng phải là ta cũng mê ư? Phật kính trọng chúng sanh là đúng, chúng sanh chẳng kính trọng Phật cũng đúng, chẳng sai! Hai đằng đều chẳng sai, tâm bèn bình. Vì thế, phải hiểu rõ chân tướng sự thật.

          “Tự tánh vô phạp”: Phạp (乏) là khuyết thiếu, tự tánh chẳng khuyết thiếu, đúng là giống như “trừ cơ khát đức” (phẩm đức trừ đói khát), không thiếu khuyết là no đủ. Do vậy, tám câu này hiển thị [lý do] vì sao chúng ta nhất định phải cầu minh tâm kiến tánh, không minh tâm kiến tánh có được hay không? Quý vị mới biết điều tốt đẹp do minh tâm kiến tánh, mới biết chẳng thể không cầu những điều này. Mục đích giáo học Phật pháp nhắm ngay chỗ này, tức là dạy chúng ta minh tâm kiến tánh, dạy chúng ta khai phát Tánh Đức. Tánh Đức là cái quý vị vốn sẵn có. Vốn sẵn có thì lẽ đâu chẳng thể khai phát? Mê nhiễm vốn là Không. Do vốn là Không, nên chắc chắn có thể lìa khỏi, vốn có thì quyết định có thể đạt được. Nhưng công cụ để khai phát, trong các buổi giảng, chúng tôi thường nhắc tới, chính là hiếu kính, đó là công cụ để khai phát. Chẳng có hai chữ ấy, Tánh Đức của quý vị vĩnh viễn chẳng thấu lộ. Do đó, tu học Phật pháp khởi đầu bằng kinh Địa Tạng, Địa là đại địa, tức là tự tánh, Tạng là kho báu, tức là trí huệ và đức năng trong tự tánh, giống như đại địa ẩn tàng nhiều khoáng sản, chúng ta dùng phương pháp nào để khai thác? Công cụ là hiếu kính. Kinh Địa Tạng là Hiếu Kinh của Phật môn, hiếu thảo cha mẹ, tôn trọng thầy thì Tánh Đức mới có thể khai phát.

          Cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng xếp hai chữ “hiếu kính” hàng đầu. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật giảng về phương pháp, lý luận, và nhân quả tu Tịnh Độ, giảng ba chuyện ấy. Vừa mở đầu Tịnh Nghiệp Tam Phước bèn dạy chúng ta: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp”. Hiếu thân tôn sư được xếp hàng đầu. Không đổ công sức từ chỗ này, làm sao có thể khai phát tự tánh cho được? Cũng có nghĩa là quý vị mong nhất tâm bất loạn, mong minh tâm kiến tánh, mà chẳng đổ công sức nơi đây, sẽ vĩnh viễn chẳng đạt được. Trong quá khứ, có người hỏi pháp sư Ấn Quang, trong Văn Sao có [chép lời hỏi đáp này], người ấy hỏi: “Học Phật có bí quyết gì hay không, có thể dạy chúng con được hay không?” Ấn Quang đại sư nói: Có, đó là hai chữ Thành Kính. “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. Quý vị chẳng có thành kính thì điều gì cũng chẳng đạt được. Ngài nói hai chữ Thành Kính là “bí thược” (chìa khóa bí mật) để nhập Phật môn. Nếu quý vị thật sự làm được, sẽ có được cái chìa khóa ấy. Quý vị nhìn vào hiện thời, xem lại quá khứ, đọc lịch sử, có người nào thành tựu mà chẳng tán thán thầy, chẳng hoài niệm thầy? Thầy đã mất, người ấy vẫn tán thán, vẫn hoài niệm, ta có thể suy ra khi thầy còn sống, sẽ có thái độ [tôn kính, luyến mộ thầy] như thế nào. Điều này có ý nghĩa rất sâu, hiếu thảo cha mẹ, kính trọng thầy là cửa ngõ để nhập đức. Vì thế, tự tánh hiển hiện, đấy mới là đại viên mãn (Mật Tông nói là “đại viên mãn”), còn ở đây nói là “trừ cơ khát đức”.

          “Tự tánh xuất sanh nhất thiết vạn thiện, tức trưởng dưỡng đức” (tự tánh sanh ra hết thảy muôn điều thiện chính là phẩm đức trưởng dưỡng). Trưởng dưỡng chư căn, chính là như Lục Tổ đã nói: “Nào ngờ tự tánh, có thể sanh ra vạn pháp”, hết thảy các pháp đều do tự tánh biến hiện. Nay chúng ta bị khuyết thiếu, hãy cầu ở nơi đâu? Cầu nơi tự tánh, đừng cầu từ bên ngoài, cầu bên ngoài chẳng đạt được. Nhà Phật thường nói: “Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng”. Có thể cầu của cải hay không? Có thể. Cầu của cải ở nơi đâu? Cầu từ trong tâm, chẳng phải cầu từ bên ngoài. Hễ là cầu pháp ngoài tâm bèn là ngoại đạo. Phật pháp gọi là Nội Học, chúng ta muốn cầu của cải, đức Phật dạy chúng ta, đoạn tâm tham thì của cải trong tự tánh sẽ lưu lộ. Hiện tại của cải trong tự tánh của quý vị chẳng tỏ lộ vì quý vị có tâm tham ngăn lấp, nên của cải trong tự tánh chẳng thể lưu xuất. Những gì quý vị thụ dụng là bên ngoài, là làm việc vặt vãnh tạm thời, hôm nay ta làm việc kiếm một chút tiền mỗi ngày, rất khổ! Chẳng phải là vật báu trong nhà chính mình. Vật báu trong nhà lấy ra chẳng hết, dùng chẳng cạn, nhưng kẻ ấy chẳng biết! Đóng lấp rồi, chẳng lấy được, chỉ đành làm việc vặt vãnh bên ngoài, khổ chẳng thể nói nổi!

          Do vậy, đức Phật dạy chúng ta khai phát bảo tạng trong tự tánh. Đối với tài, xả tài thì của cải tự nhiên hiển lộ viên mãn, chúng thuộc về tự tánh, chẳng đến từ bên ngoài. [Để cầu] trí huệ thì tu pháp bố thí, chẳng tiếc pháp, những gì ta biết đều rất hoan hỷ chỉ dạy người khác, chẳng giấu nghề. Sợ người khác trong tương lai vượt trội ta, quý vị có ý niệm ấy thì pháp quý vị đã học cũng là pháp tạm thời học ở bên ngoài, chẳng phải là pháp trong tự tánh, pháp bảo trong tự tánh chẳng thấu lộ. Xác thực là “trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng”, câu này nói chẳng sai tí nào! Nếu quý vị cầu đúng lý, đúng pháp, chẳng có gì không ứng. Nếu quý vị trái nghịch lý luận, dùng sai phương pháp, chắc chắn là chẳng cầu được! Do vậy, phải thật sự thâm nhập Kinh Tạng, thông đạt sự lý, tu học đúng giáo, đúng lý, một đời này quý vị nhất định hạnh phúc vô cùng mỹ mãn, đời sau viên thành Phật đạo, quý vị xem như vậy sẽ tự tại biết bao! Hôm nay chúng tôi giảng tới chỗ này!

[1] Đây là pháp tu chuyên trì tụng mật chú, quán tưởng, cúng dường Hoàng Tài Thần (Dzambala, Jamabala) của Mật Tông Tây Tạng. Jamabala là tên gọi bằng tiếng Tây Tạng của Bắc Phương Tỳ Sa Môn thiên vương (Vaiśravana, Đa Văn Thiên Vương). Mật Tông Tây Tạng quan niệm có năm vị Tài Thần (tương ứng với Ngũ Bộ Phật), nhưng Hoàng Tài Thần được tôn sùng nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *