Tập 139/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 139

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm lẻ một:

          (Sớ) Bát công đức giả, Đường dịch vân: Nhất trừng tịnh, nhị thanh lãnh, tam cam mỹ, tứ khinh nhuyễn, ngũ nhuận trạch, lục an hòa, thất trừ cơ khát, bát trưởng dưỡng chư căn. Cụ bát chủng công đức, lợi ích chúng sanh dã.

       () 八功德者,唐譯云:一澄淨,二清冷,三甘美,四輕軟,五潤澤,六安和,七除肌渴,八長養諸根,具八種功德,利益眾生也。

          (Sớ: “Tám công đức”, bản dịch đời Đường nói: Một là trong lặng, hai là mát lạnh, ba là ngọt ngào, bốn là mềm nhẹ, năm là nhuần thấm, sáu là an hòa, bảy là trừ đói khát, tám trưởng dưỡng các căn. Đủ tám thứ công đức, lợi ích chúng sanh).

          Lời Sớ đã đem “tám thứ công đức” nêu ra từng chuyện một. Ở đây, [Liên Trì] đại sư trích dẫn bản “Đường dịch”, “Đường dịch” là bản dịch [kinh A Di Đà] của Huyền Trang đại sư. Chúng ta biết kinh A Di Đà có hai bản dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán, bản hiện thời chúng ta đang đọc do Cưu Ma La Thập đại sư phiên dịch, bản này được dịch vào đời Hậu Tần thuộc thời Đông Tấn. Đời Đường, Huyền Trang đại sư từ Ấn Độ trở về, cũng đem theo kinh A Di Đà bản tiếng Phạn, lão nhân gia cũng dịch bộ kinh này sang tiếng Hán, nhưng bản này chẳng được lưu thông đơn độc, rất ít người đọc đến. Nay chúng tôi đưa bản ấy vào Tịnh Độ Ngũ Kinh Độc Bổn, nên chư vị thấy trong Ngũ Kinh Độc Bổn có bản Đường dịch này. Cận đại, lão cư sĩ Hạ Liên Cư đã kết hợp hai bản dịch của La Thập đại sư và Huyền Trang đại sư thành một bản, tức là bản hội tập. Bản ấy cũng có trong Ngũ Kinh Độc Bổn. Do vậy, Ngũ Kinh Độc Bổn là một điển tịch vô cùng hoàn bị của Tịnh Độ Tông. Hiện thời, mọi người đều đọc tụng bản của ngài La Thập, Ngài dịch hết sức hay!

          Cận đại, đúng như đức Phật đã nói trong kinh Lăng Nghiêm: Thời kỳ Mạt Pháp, “tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”, chúng ta phải đặc biệt lưu ý điều này, vì sao? Do tấm lòng tốt lành, phát tâm học Phật, nếu gặp phải một gã tà sư, quý vị không chỉ chẳng thể thành tựu Phật pháp, mà còn học trúng ma pháp, đi vào ma đạo, rất oan uổng! Vì sao tôi nói những lời này? Xưa kia, khoảng độ mười mấy năm trước, có một lần tôi đến Phật Quang Sơn, có những học trò tại Phật Quang Sơn hỏi tôi một vấn đề, vấn đề gì vậy? Họ nói có một pháp sư dạy học tại chỗ họ, bảo bọn họ Tây Phương Cực Lạc thế giới là chuyện chẳng có, cái gọi là “A Di Đà Phật” chính là thần mặt trời! Họ hỏi tôi: “Chuyện ấy xuất phát từ kinh nào?” Tôi đáp: “Tôi không biết! Thuở trước, tôi có xem qua Đại Tạng Kinh, nhưng chẳng có ấn tượng về chuyện ấy. Nếu quý vị hỏi chuyện này phát xuất từ bộ kinh nào, hãy đi hỏi vị pháp sư nói chuyện ấy”. Những chuyện này đều là bịa đặt, đồn thổi, hủy báng chánh pháp, tội lỗi khôn cùng! Người nói những lời lẽ đó chẳng phải chỉ có một gã ấy! Tôi ở Mỹ cũng từng nghe có kẻ nói kinh A Di Đà là ngụy tạo, chẳng thật.

          May mắn là Huyền Trang đại sư từng đến Ấn Độ, Ngài cũng đem kinh này về. Huyền Trang đại sư có thể chứng minh cho chúng ta thấy: Kinh này là thật, chắc chắn chẳng phải là ngụy tạo. Nếu [bản dịch] kinh này của La Thập đại sư là ngụy tạo, nhất định là thuở ấy Huyền Trang đại sư đã phê phán rồi. Nói thật thà, động cơ (motivation) khiến cho Huyền Trang đại sư sang Ấn Độ cầu học là do hoài nghi những kinh điển đã phiên dịch [tại Trung Hoa vào thời ấy] chưa đủ chân thật, có thể là có những chỗ dịch chẳng đúng cho lắm, chẳng thể [diễn tả] trọn hết ý nghĩa của người giảng, nên Ngài mới qua Ấn Độ. Sau khi trở về nước, đối với những kinh điển do cổ đức đã phiên dịch, Ngài chẳng phê phán một câu nào. Nói cách khác, thảy đều thừa nhận những bản dịch của cổ đại đức chẳng sai lầm!

          Khó có hơn nữa, một đại đồ đệ đắc ý của Ngài là Khuy Cơ đại sư. Khuy Cơ đại sư là tổ sư khai sơn của Pháp Tướng Duy Thức Tông của Trung Quốc. Pháp Tướng Duy Thức do Huyền Trang đại sư mang từ Ấn Độ về, truyền cho Trung Quốc, nhưng thành lập tông phái tại Trung Quốc là do công của đồ đệ Ngài. Khuy Cơ đại sư soạn chú giải cho kinh Di Đà, nhưng điều rất lạ lùng là Ngài chẳng dùng bản dịch của thầy, mà ngược lại, dùng bản dịch của Cưu Ma La Thập đại sư, điều này rất kỳ quặc! Người hiện thời vừa nhìn thấy điều này, [ắt sẽ phê phán] “học trò chẳng tôn kính thầy một tí nào!” Bản dịch của thầy tuyệt đối chẳng thể thua kém bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập. Nếu dịch kém hơn ngài Cưu Ma La Thập, sẽ chẳng cần phải dịch [thêm] bản [mới] này. Đương nhiên là dịch rất hay, nên bản ấy mới cùng tồn tại trong cõi đời! Thầy trò hai Ngài vẫn là vô cùng tôn trọng cổ đại đức, vẫn y như cũ dùng bản dịch của cổ đức đã được lưu thông. Thế hệ hiện thời chẳng làm được điều này. Từ điều này, ta có thể thấy đức hạnh của thầy trò Ngài. Người ta đúng là tự khiêm, tôn trọng người khác. Vì thế, bản chú giải kinh Di Đà của Khuy Cơ đại sư được lưu truyền cho tới ngày nay. Chúng ta trông thấy bản chú giải ấy, những lời bịa đặt kia chẳng cần phải đả phá mà tự sụp đổ!

           [A Di Đà Kinh] Thông Tán Sớ do Khuy Cơ đại sư soạn, phát xuất từ chính tay của vị tổ sư Pháp Tướng Duy Thức. Cách dịch của Huyền Trang đại sư là trực dịch, cặn kẽ hơn so với bản chúng ta đang đọc hiện thời. Chẳng hạn như trong bản dịch của La Thập đại sư chỉ nói “bát công đức thủy”, trọn chẳng nói là tám thứ gì, nhưng trong bản dịch của Huyền Trang đại sư đã nêu rõ danh xưng của tám điều ấy. Vì vậy, có sự giản lược [hay chi tiết] khác nhau! Bởi lẽ đó, hai bản dịch đích xác là có thể dùng để tham khảo lẫn nhau.

            (Sớ) Quán Kinh Sớ khai bát đức, dữ thử tiểu dị. Trì để kim sa giả, kim sa vi để, vô nê chỉ dã

          () 觀經疏開八德,與此小異,池底金沙者,金沙為底,無泥滓也。

          (Sớ: Quán Kinh Sớ nói tám đức hơi khác với ở đây. “Trì để kim sa” là cát bằng vàng trải đáy, chẳng có bùn lầy, chất cặn).

          Chẳng có bùn cát.

          (Sao) Nhất, trừng tịnh giả, vị trừng đình, khiết tịnh, ly ô trược cố.

          () 一澄淨者,謂澄渟潔淨,離汙濁故。

          (Sao: Một là lắng trong, tức là lắng trong, tinh khiết, sạch sẽ, chẳng ô trược).

          Nước ở chỗ chúng ta cũng lắng trong, nhưng chẳng nhiều lắm. Chỉ có ở trong núi, như trong dòng suối nhỏ, nước suối lắng trong, chứ nước trong sông ngòi đều đục ngầu. Nước Hoàng Hà vàng quạch, nước Trường Giang cũng vàng khè. Đó là do chất nước chẳng sạch, xen tạp phù sa. Nước trong Tây Phương Cực Lạc thế giới lắng trong, nước trong thế giới chúng ta tuyệt đối chẳng thể nào sánh bằng, vì sao? Trong phần trước, tôi đã thưa cùng quý vị, nước ở chỗ chúng ta do hydrogen và oxygen kết hợp. Nói cách khác, chính ngay bản chất đã chẳng thanh tịnh. Nước trong Tây Phương Cực Lạc do bảy báu hóa hợp, chúng ta rất khó lý giải điều này. Vì sao? Do trong thế giới này chẳng có [tình hình ấy], thế giới của chúng ta há có bảy báu kết hợp thành nước? Chẳng có, mà cũng chưa hề nghe nói tới! Chỉ ở trong kinh Phật mới có cách nói này, nên chúng ta chẳng có cách nào tưởng tượng được. Chỉ có thể dùng nước của chúng ta để sánh ví, sự sánh ví luôn là mường tượng, chẳng có cách nào sánh ví khít khao! Đó là điều tốt đẹp thứ nhất. Điều thứ hai…

          (Sao) Nhị, thanh lãnh giả.

          () 二清冷者。

          (Sao: Hai là trong mát).

          Mát mẻ, nước ấy mát mẻ.

          (Sao) Vị thanh trạm lương lãnh, vô phiền nhiệt cố.

          () 謂清湛涼冷,無煩熱故。

          (Sao: Tức là trong lặng, mát lạnh, chẳng nóng bức).

          Không giống như nước bên này. Nước ở đây mùa Đông rất lạnh, mùa Hè hễ bị mặt trời nung nấu, nước bèn nóng hôi hổi. Nước bên Tây Phương Cực Lạc thế giới vĩnh viễn giữ được sự mát mẻ, chẳng quá lạnh, mà cũng chẳng quá nóng. Lại nữa, hết thảy đều có thể thuận theo lòng mong muốn, điều này vô cùng khó có!

          Lần này, ấn hành Ngũ Kinh Độc Bổn, tôi khuyên chư vị đồng tu, đối với chín bản dịch gốc và các bản hội tập ấy, tôi mong mỏi mọi người hãy đọc một lần. Sau khi đã đọc một lần, rất nhiều nghi vấn sẽ chẳng còn nữa. Chẳng hạn như hôm trước có một vị đồng tu dẫn theo hai đứa con, ngay cả đứa nhỏ đã học Đại Học từ phía Nam tới. Họ học Thiền, mong minh tâm kiến tánh, tôi khuyên họ niệm Phật. Họ chẳng có hứng thú gì đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới, thưa: “Trong tương lai, A Di Đà Phật cũng phải nhập Niết Bàn, có thể thấy vô lượng thọ trong Tây Phương chẳng phải là vô lượng thọ thật sự!” Những người này đối với pháp môn Tịnh Độ chẳng biết mảy may gì, toàn là nghe kẻ khác nói lại, chẳng có căn cứ, nẩy sanh khá nhiều hiểu lầm. Đại Kinh đã nói rất rõ ràng, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, thọ mạng đúng là vô lượng, vô lượng thật sự, mầu nhiệm ở chỗ nào? Mầu nhiệm ở chỗ tùy ý, đó là tự tại! Người ấy nói “ta thích thọ mạng là một kiếp” bèn thọ một kiếp, thích [thọ mạng] hai kiếp bèn thọ hai kiếp, thích [thọ mạng] một ngàn kiếp, một vạn kiếp, một ức kiếp, mong mỏi vô lượng vĩnh viễn chân thật, chẳng có điều gì quý vị không thể đạt được! Có thể thấy người trong Tây Phương thế giới thọ mạng tự tại! A Di Đà Phật xác thực là vô lượng chân thật, tuyệt đối chẳng phải là vô lượng trong hữu lượng, mọi người đọc kinh bổn nhiều một chút đều hiểu rõ điều này! Sự thù thắng trang nghiêm ấy chúng ta tuyệt đối chẳng thể tưởng tượng được! Thứ ba…

          (Sao) Tam, cam mỹ giả, vị cam chỉ mỹ diệu, cụ chí vị cố.

            () 三甘美者,謂甘旨美妙,具至味故

          (Sao: Ba là ngon ngọt, tức là ngọt ngào, ngon lành, trọn đủ vị tuyệt diệu).

          Đây là nói về vị của nước. Nước trong thế gian này thì nước biển mặn, thô rít, các thứ nước thông thường thì nhạt nhẽo. Cũng có loại ngọt ngào, nhưng vô cùng hiếm. Nước suối ngọt cực ít, quý vị nếm thấy ngọt là chuyện rất hy hữu. Nước trong Tây Phương Cực Lạc thế giới thảy đều ngọt ngon. Sau khi quý vị uống nước đó, sẽ hết đói khát, các căn được tăng trưởng, có công đức như vậy. Thứ tư là…

          (Sao) Tứ, khinh nhuyễn giả, khinh dương, nhu nhuyễn, khả thượng hạ cố.

          () 四輕軟者,輕揚柔軟,可上下故。

          (Sao: Bốn là “khinh nhuyễn” tức là nhẹ nhàng, mềm mại, có thể chảy lên hay xuống [tùy ý]).

          Nước trong thế giới này chẳng có đặc tánh này, ba điều trước còn tương tự đôi chút. Nước trong cõi chúng ta nặng nề, nên chỉ có thể chảy xuống, chẳng thể chảy ngược lên trên. Nước trong Tây Phương Cực Lạc thế giới mềm mại, nhẹ nhàng, không chỉ có thể chảy xuống, mà còn có thể chảy ngược lên trên, điều này rất thú vị. Thứ năm…

          (Sao) Ngũ, nhuận trạch giả, vị tân nhuận, hoạt trạch, bất khô sáp cố.

          () 五潤澤者,謂津潤滑澤,不枯澀故。

          (Sao: Năm là nhuận trạch, tức là tươi nhuận, trơn láng, chẳng khô rít).

          Nước trong thế gian này cũng chẳng có những đặc tánh ấy. Nước ở nơi đây, nếu rửa mặt, tắm gội quá nhiều, có thể khiến cho da dẻ bị tổn thương, vì sao? Vì nó khô rít, có tác dụng ăn mòn. Nước trong Tây Phương Cực Lạc thế giới tươi nhuận, giống như những mỹ phẩm chúng ta dùng để chăm sóc da hiện thời. Vì thế, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, mỹ phẩm gì cũng đều hoàn toàn chẳng dùng tới, vì sao? Nước tốt đẹp, nước là thứ dưỡng da tốt nhất. Thứ sáu…

          (Sao) Lục, an hòa giả, vị an tĩnh, hòa hoãn, tuyệt tấn phiếm cố.

            () 六安和者,謂安靜和緩,絕迅汎故。

          (Sao: Sáu là an hòa, tức là an tĩnh, hòa hoãn, trọn chẳng chảy xiết, dâng tràn). 

          “An hòa”: Nước trong thế gian cũng không có đặc tính này. “Tấn” (迅) là dòng nước chảy xiết. Nước chảy xiết rất nguy hiểm, thế giới Tây Phương chẳng có. “Phiếm”phiếm lạm” (汎濫: dâng tràn), trở thành thủy tai. Thế giới Tây Phương cũng chẳng có chuyện này, quyết định chẳng có hiện tượng này. Đây là ưu điểm của nước. Hai điều sau đây đích xác là công đức chân thật của nước.

          (Sao) Thất, trừ cơ khát giả, vị thủy cẩn chỉ khát, kim kiêm liệu cơ, hữu thắng lực cố.

          () 七除飢渴者,謂水僅止渴,今兼療飢,有勝力故。

          (Sao: Bảy là trừ đói khát, tức là nước chỉ trừ khát, nay kiêm thêm chữa đói, do có sức thù thắng).

          Từ Đại Kinh, chúng ta thấy người trong thế giới Tây Phương muốn ăn gì, thứ ấy đều có. Nếu chẳng muốn ăn, có thể chẳng cần ăn gì. Nay chúng ta chẳng muốn ăn gì thì không ăn bèn không xong! Không ăn sẽ đói. Người trong thế giới Tây Phương có thể khỏi ăn gì hết! Chúng ta hãy suy nghĩ, vì sao họ có thể chẳng ăn gì? Nước tám đức trong ao bảy báu dùng chẳng hết. Nước không chỉ có thể trừ khát, mà còn có thể no bụng. Huống chi nước ấy có vị vô cùng ngon ngọt, thanh lương, cho nên nó có chất dinh dưỡng dồi dào.

          Chúng ta biết người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng từ bé dần dần trưởng thành, họ là “thanh hư chi thân, vô cực chi thể” (cái thân thanh hư, cái thể vô cực), thân thể vĩnh viễn bất hoại, há cần đến ăn uống! Cớ sao ở đây nói đến chuyện đói khát? Câu kế tiếp có hai chữ cần phải chú ý, “hữu thắng lực cố” (do có sức thù thắng), đấy là nước giúp đỡ quý vị tăng trưởng thể lực. Do thể lực ấy, bèn có thể phi hành mười phương, trên cúng chư Phật, dưới hóa độ chúng sanh, có thể tăng trưởng sức mạnh ấy. Thứ tám…

          (Sao) Bát, trưởng dưỡng chư căn giả, vị tăng trưởng dưỡng dục thân tâm nội ngoại cố.

          () 八長養諸根者,謂增長養育身心內外故。

          (Sao: Tám là “trưởng dưỡng các căn”, tức là tăng trưởng, nuôi nấng thân tâm, trong, ngoài).

          “Trưởng” (長) là tăng trưởng, “dưỡng” (養) ở đây là dinh dưỡng, giống như thân thể chúng ta hiện thời phải hấp thụ chất dinh dưỡng. “Chư căn” là sáu căn. Chư vị phải hiểu “trưởng dưỡng chư căn” ở chỗ này, nhìn bề ngoài, dường như là nói về sắc thân, trên thực tế chẳng phải là nói đến sắc thân, vì sao? Căn thân của họ chẳng có nhu cầu ấy (tức là nhu cầu được bù đắp chất dinh dưỡng bị hao hụt do các hoạt động). “Trưởng dưỡng chư căn” là tăng trưởng năng lực nơi căn tánh của sáu căn, nói như vậy thì mới thông suốt! Vì quý vị đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, nay chúng ta đều hiểu rõ ràng, minh bạch: Hễ sanh về nơi ấy, địa vị thấp nhất là Sơ Phát Tâm Bồ Tát, là Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Tín, từ địa vị Sơ Tín cho đến Đẳng Giác là năm mươi mốt tầng cấp. Do chúng ta đới nghiệp vãng sanh, nên công đức của nước nơi ấy có thể giúp chúng ta đoạn phiền não, phá vô minh, khai phát công đức trong tự tánh. “Trưởng dưỡng chư căn” có ý nghĩa như vậy!

          (Sao) Quán Sớ bát đức giả.

          () 觀疏八德者。

          (Sao: “Bát đức” theo Quán Kinh).

          “Quán” là Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, “Sớ” là Sớ Sao, tức là bộ Diệu Tông Sao. Sớ do Trí Giả đại sư viết, Sao là chú giải của Sớ, do Tứ Minh tôn giả soạn. Trong lời Sớ, Ngài giải thích chữ “bát đức” hơi khác với cách Huyền Trang đại sư đã nêu trong kinh Di Đà.

          (Sao) Nhất khinh, nhị thanh, tam lãnh, tứ nhuyễn, ngũ mỹ, lục bất xú, thất ẩm thời điều thích, bát ẩm dĩ vô hoạn, dữ thượng đại đồng tiểu dị.

            () 一輕,二清,三冷,四軟,五美,六不臭,七飲時調適,八飲已無患,與上大同小異。

          (Sao: Một là nhẹ, hai là trong, ba là lạnh, bốn là mềm, năm là đẹp, sáu là chẳng hôi thối, bảy là khi uống cảm thấy vừa phải, thích hợp, tám là uống rồi chẳng bị bệnh tật, hơi sai khác đôi chút so với phần trên).

                   Những điều này hơi sai khác với [tám công đức được nói] trong phần trước.

          (Sao) Thử hợp khinh nhuyễn, bỉ phân vi nhị.

          () 此合輕軟,彼分為二。

          (Sao: Kinh này gộp “nhẹ nhàng” và “mềm mại” thành một, sách kia tách thành hai).

          Chữ “thử” chỉ bản dịch của Huyền Trang đại sư mà chúng ta đang dùng ở đây, còn “bỉ” là chú giải kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật của Trí Giả đại sư, trong ấy có tách ra hay gộp vào sai khác. Kinh Vô Lượng Thọ nói hoàn toàn giống như trong bản kinh này (bản dịch của Huyền Trang đại sư).

          (Sao) Thử vô bất xú, bỉ khuyết nhuận trạch, cập dữ an hòa, nhiên nghĩa tắc hỗ kiến.

          () 此無不臭,彼缺潤澤,及與安和,然義則互見。

          (Sao: Bản này thiếu “chẳng hôi thối”, bản kia thiếu “nhuận trạch” và “an hòa”, nên hai bản có thể dùng để tham chiếu ý nghĩa lẫn nhau).

          Ở đây có tách ra hay gộp vào, có [những chỗ] khác nhau và giống nhau, nhưng ý nghĩa đều trọn đủ. Chúng ta xem lời giải thích tiếp theo sẽ biết.

          (Sao) Dĩ trừng tịnh, thanh lãnh, tất vô xú ác.

            () 以澄淨清冷,必無臭惡。

          (Sao: Bởi lẽ, lắng sạch, trong mát, ắt chẳng hôi thối, tởm lợm).

           Đây là đạo lý nhất định.

          (Sao) Ký khinh thả nhuyễn, khởi bất an hòa, lược thiểu nhuận trạch, cố vân “tiểu dị”.

            () 既輕且軟,豈不安和,略少潤澤,故云小異。

          (Sao: Đã nhẹ lại mềm, há chẳng an hòa? Chỉ thiếu “nhuận trạch”, nên nói “khác biệt đôi chút”).

          Ngoại trừ “nhuận trạch”, những ý nghĩa khác của nước đều trọn đủ.

          (Sao) Hựu bỉ phối Lục Nhập.

          () 又彼配六入。

          (Sao: Sách ấy, lại phối hợp [tám công đức] với Lục Nhập).

          Lục Nhập là sáu căn.

          (Sao) Thử tắc trừng tịnh Sắc Nhập, cam mỹ Vị nhập. Chí vân “trưởng dưỡng chư căn”, tắc Nhĩ, Tỵ, Thân, Ý, giai nhiếp chi hĩ.

            () 此則澄淨色入,甘美味入。至云長養諸根,則耳鼻身意,皆攝之矣。

          (Sao: So với kinh này thì “lắng sạch” ứng với Sắc, “ngon ngọt” ứng với Vị, cho đến “trưởng dưỡng các căn”, tức là tai, mũi, thân, ý đều được nhiếp vậy!)

          Có nghĩa là: “Thanh” (trong trẻo) là do mắt thấy, thấy nước ấy lắng trong. “Chẳng hôi thối” là do mũi ngửi. “Ngon ngọt” là do lưỡi nếm. Trong trẻo, mát lạnh, mềm mại là do thân thể tiếp xúc bèn cảm nhận. “Điều thích”: Điều (調) là trong tâm cảm thấy sướng khoái, thuộc về Ý Căn. Giống như trong phần trước đã nói, gió nhẹ thổi đến, nước hơi gợn sóng, nó cũng vang ra âm thanh, cũng có thể thuyết pháp, tức là có Thanh Nhập, tai cũng có thể nghe thấy. Vì thế, cảnh giới này vô cùng vi diệu chẳng thể nghĩ bàn. Nước trong thế gian này tuy có những điểm tương tự, nhưng chẳng thể trọn đủ công đức chân thật nhiều như vậy.

          (Sao) Hựu Đại Bổn vân.

            () 又大本云。

          (Sao: Lại nữa, kinh Đại Bổn nói).

           “Đại Bổn” là kinh Vô Lượng Thọ. Kinh văn của kinh Vô Lượng Thọ được trích trong bộ chú giải này quá nửa từ bản Hội Tập của ông Vương Long Thư.

          (Sao) Đại hà chi hạ, kim sa bố địa, hữu chư thiên hương, thế vô năng dụ, tùy thủy tán phức, tạp thủy lưu phương, giai hương nhập chi chứng dã.

          () 大河之下,金沙布地,有諸天香,世無能喻,隨水散馥,雜水流芳,皆香入之證也。

          (Sao: “Dưới sông lớn, cát bằng vàng trải đáy, có các mùi hương trời, thế gian chẳng thể sánh ví được, theo nước chảy mà tỏa mùi thơm ngát, hòa lẫn cùng nước lan tỏa mùi thơm”, [những điều vừa nói này] đều là bằng chứng về Hương Nhập vậy).

          Dẫn kinh văn của kinh Đại Bổn để chứng minh. Trong nước ấy có mùi thơm, chắc chắn nhân gian chúng ta chẳng có hương vị ấy. Kinh Đại Bổn nói rất tỉ mỉ: Nhân gian không có, mà cõi trời cũng không, nên gọi là “bảo hương”. Hơn nữa, mùi hương ấy theo nước chảy, gió thổi, mà lan tỏa trọn khắp thế giới Cực Lạc, cho đến chúng sanh hữu duyên trong mười phương đều có thể ngửi thấy. Nghe mùi hương lạ là “thụy ứng” (瑞應: điềm ứng hiện tốt lành), một người tu học chân thành có thể gặp được cảnh giới ấy, nhưng cảnh giới ấy chẳng phải là cầu được. Nếu trong tâm quý vị thường mong tưởng: “Cớ sao ta vẫn chưa ngửi thấy mùi hương ấy?” Khi đó, quý vị cũng sẽ thường ngửi thấy, nhưng sợ rằng mùi hương do quý vị hữu tâm cầu mong ấy chẳng phải là thật! Vì sao? Do quý vị có cầu, nếu yêu ma quỷ quái nhận biết, chúng có thể bỡn cợt, lừa gạt quý vị. Chúng nó cũng có thể đốt hương cho quý vị ngửi thấy, [hương ấy] chẳng phải là từ Tây Phương Cực Lạc thế giới. Quý vị vô tâm mà ngửi thấy, sẽ thường là thật, là cảm ứng đạo giao.

          Nhưng chư vị phải ghi nhớ, cảm ứng thụy tướng (tướng tốt lành) chẳng thể nhiều, trong mấy năm mới có một hai lần, đó là hảo cảnh giới. Nếu thường xuyên có, tức là bị ma dựa rồi, chúng ta phải hiểu chuyện này. Phật và ma khác biệt ở chỗ này. Trong cách dạy của đức Phật, hết thảy đều là bình thường, cách dạy của ma là phi thường, toàn là chuyện lạ lùng, kỳ quái, nhằm dụ dỗ, mê hoặc quý vị tham, sân, si, mạn. Nói cách khác, Ma dạy quý vị tăng trưởng tham, sân, si, mạn, còn cách dạy của Phật, Bồ Tát nhằm dạy quý vị tăng trưởng Giới, Định, Huệ, chẳng phải là [tăng trưởng] tham, sân, si, mạn. Vì thế, người học Phật chân chánh, dẫu trông thấy tượng Phật, ngửi được mùi hương lạ, cũng giống như chẳng hề có những chuyện ấy! Giống như trong kinh Kim Cang đã nói: “Phàm những gì có hình tướng, đều là hư vọng”, đó là đúng.

          Thông thường, khi sự cảm ứng ấy hiện tiền, quá nửa là thuộc vào ba thời kỳ:

          1) Thời kỳ thứ nhất là khi quý vị mới học, [thụy tướng] giúp cho quý vị dấy lòng tin tưởng. Quý vị chẳng tin tưởng cho lắm, bèn giúp cho quý vị sanh lòng tin. Sau khi đã thật sự tin tưởng, [những thụy tướng ấy] từ đó trở đi chẳng còn nữa! Vì thế, có những người, hình như năm ngoái còn có một đồng tu hỏi tôi: Lúc mới học, ông ta thường ngửi thấy mùi thơm, nay đã qua nhiều năm ngần ấy, trước nay chẳng ngửi thấy lần nào nữa, có phải là lui sụt hay không? Tôi bảo người đó: “Chẳng phải là thụt lùi! Nếu ông thường ngửi thấy là hỏng bét. Coi như thôi rồi, ông đã bị ma dựa lâu rồi!”

          2) Thời kỳ thứ hai, có thể có hiện tượng như thế  là  lúc  công  phu

của quý vị đạt đến một mức độ nào đó, giống như đi thi, giống như học trò nhập học, nhập học bèn có trắc nghiệm, học đến một giai đoạn nào đó bèn thi cử. Đó là Phật đến sát hạch.

          3) Lần thứ ba là lúc lâm chung vãng sanh, khi ấy, nhất định quý vị thấy thụy tướng, nhất định ngửi thấy mùi thơm. Từ kinh Đại Bổn, chúng ta thấy rất rõ ràng là như vậy. Có những người tâm địa thanh tịnh, công phu thành thục, bèn có thể cho biết: “Phật đến tiếp dẫn tôi, tôi trông thấy”. Thậm chí có khi những người đang hiện diện cũng đồng thời đều trông thấy và ngửi thấy, thụy tướng cảm ứng đặc biệt mạnh mẽ, chắc chắn là Thượng Phẩm Thượng Sanh. Đại khái, người trung hạ phẩm vãng sanh, nhất là hạ bối vãng sanh, tức là người vãng sanh trong ba phẩm hạ, khi lâm chung thấy Phật, cũng ngửi thấy mùi hương, nhưng chẳng thể nói, vì sao? Đã chẳng còn có sức lực, muốn nói năng, đại khái chỉ đành mấp máy môi, chẳng có âm thanh, nói không nên lời, nhưng những người như thế cũng vãng sanh.

          Điều trọng yếu nhất để vãng sanh là ý niệm phải kiên quyết, quyết định cầu sanh Tịnh Độ, có tín tâm kiên định, tin Phật quyết định chẳng dối gạt chúng ta, phải có tín tâm như vậy, mảy may hoài nghi đều chẳng có. Lúc bình thường, phải nhất tâm chuyên niệm A Di Đà Phật; hễ niệm mệt, bèn nghỉ ngơi. Nghỉ khỏe khoắn xong, bèn niệm tiếp. Nếu quý vị có việc gì [cần phải làm], hãy buông Phật hiệu xuống, chuyên tâm làm việc ấy. Làm xong việc, lại niệm tiếp, đó là đúng. Ngàn vạn phần chớ nên vừa làm việc vừa niệm Phật, đó là sai mất rồi, đó là xen tạp! Niệm Phật [kiểu ấy] chẳng tốt đẹp, vừa niệm Phật vừa nghĩ đến công chuyện, xen tạp công chuyện [vào Phật hiệu], niệm Phật chẳng trọn vẹn, mà công chuyện cũng chẳng làm tốt đẹp, hai đằng đều lỡ làng! Vì thế, phải chú ý điều này. Khi làm việc, buông Phật hiệu xuống, chuyên tâm làm việc, nên công việc cũng được thực hiện tốt đẹp. Làm việc xong xuôi, lại khởi Phật hiệu lên. Niệm Phật cũng tốt đẹp luôn, đó mới là đúng! Những điều này là thường thức cơ bản trong sự tu học của chúng ta, nhất định phải biết.

          (Sao) Hạ văn thuyết pháp, thị Thanh Nhập dữ Pháp Nhập chứng dã.

          () 下文說法,是聲入與法入證也。

          (Sao: Phần kinh văn kế tiếp nói tới thuyết pháp, đó là chứng cớ của Thanh Nhập và Pháp Nhập).

          “Thanh” cũng nhập vào nước, “Pháp” cũng nhập trong nước. Nói tới nước thì kể cả âm thanh thuyết pháp cũng thuộc trong đó. Dưới đây, đại sư giả định một đoạn vấn đáp nhằm giải trừ nghi hoặc.

          (Sao) Vấn: Cam mỹ khinh nhuyễn, trừ cơ, trưởng căn, thử phương sở vô, tắc thành nhiên hĩ.

            () 問:甘美輕軟,除飢長根,此方所無,則誠然矣。

          (Sao: Hỏi: Ngọt ngào, nhẹ, mềm, trừ đói, tăng trưởng các căn, cõi này chẳng có [những đặc tánh ấy], đúng là như vậy).

          Nước trong thế gian này chẳng có mấy đặc tánh ấy.

          (Sao) Phàm thủy tất giai thanh lãnh, tất giai nhuận trạch, hà bỉ thủy dĩ nhị độc xưng công đức?

          () 凡水悉皆清冷,悉皆潤澤,何彼水以二獨稱功德。

          (Sao: Hễ là nước thảy đều trong, mát, thảy đều nhuần thấm, tươi tốt, cớ sao đối với nước trong cõi ấy lại gọi riêng hai tánh chất ấy là công đức?)

          Nước ở chỗ chúng ta cũng mát mẻ, cũng có [đặc tánh] nhuần thấm, cớ sao nước bên này chẳng được gọi là “công đức”, phải gọi nước trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là “công đức”? Đại sư giải thích:

          (Sao) Thử thủy tuy diệc thanh lãnh, phùng nhật tắc viêm, ngộ hỏa tắc phí.

          () 此水雖亦清冷,逢日則炎,遇火則沸。

          (Sao: Nước trong cõi này tuy cũng trong mát, nhưng bị mặt trời chiếu vào bèn nóng bừng, gặp lửa nung bèn sôi sùng sục).

           Nước trong cõi này có thể biến hóa. Bị mặt trời chiếu rọi bèn nóng lên. Chúng ta đun nó trên lửa, nó sẽ bị đun sôi, sôi sùng sục. So ra chẳng bằng nước trong Tây Phương Cực Lạc thế giới; điều này chẳng sánh bằng nước trong Tây Phương Cực Lạc thế giới luôn trong mát y hệt như vậy.

          (Sao) Bỉ túng Kiếp Hỏa lâm chi, thanh lãnh tự như, chung bất viêm phí cố.

          () 彼縱劫火臨之,清冷自如,終不炎沸故。

          (Sao: Nước trong cõi kia dẫu gặp Kiếp Hỏa vẫn trong mát như cũ, trọn chẳng nóng bừng, sôi trào).

          Nước trong Tây Phương dẫu bị mặt trời nung rọi vẫn mát mẻ; đặt trên lửa, bất luận đun với độ nóng tăng lên bao nhiêu đi nữa, nó vẫn mát mẻ. Những điều này [nước trong cõi Sa Bà] chẳng thể sánh bằng! Kiếp Hỏa là lửa to nhất, có thể thiêu rụi thế giới này. Lửa to như thế, nước trong Tây Phương Cực Lạc thế giới vẫn mát mẻ. Vì thế, được gọi là “công đức”! Lại trả lời câu hỏi thứ hai.

          (Sao) Thử thủy tuy diệc nhuận trạch, nhật sái tắc can.

          () 此水雖亦潤澤,日曬則乾。

            (Sao: Nước trong cõi này tuy cũng nhuần thấm, nhưng phơi dưới ánh nắng mặt trời sẽ bị khô cạn).

          Mặt trời nung rọi, nước bèn cạn khô.

          (Sao) Hỏa bức tắc hạc.

          () 火逼則涸。

          (Sao: Bị lửa nung bèn khô queo).

          Đến gần lửa, nước biến thành hơi nước, ngay lập tức bốc hơi.

          (Sao) Bỉ túng Kiếp Hỏa lâm chi, nhuận trạch tự như, chung bất can hạc cố.

          () 彼縱劫火臨之,潤澤自如,終不乾涸故。

          (Sao: Nước trong cõi kia dẫu gặp Kiếp Hỏa, vẫn nhuần thấm y như cũ, trọn chẳng khô cạn).

          Đây là đặc biệt nói rõ, nước trong ao bảy báu trọn đủ tám thứ công đức.

          (Sao) Kim sa giả, Quán Kinh vân: “Chân kim vi cừ”.

            () 金沙者,觀經云:真金為渠。

          (Sao: “Cát vàng”, Quán Kinh nói: “Vàng ròng làm thân”).

                   “Cừ” là cái thân, tức là cuống hoa sen.

          (Sao) Cừ hạ giai tạp sắc kim cang nhi vi để sa.

       () 渠下皆雜色金剛而為底沙。

          (Sao: Dưới cọng hoa sen[1] là kim cang nhiều màu dùng làm cát lót đáy [ao thất bảo]).

          Đúng là ao báu. Đáy những hồ nước ở bên chúng ta đều là bùn cát, còn ao của người ta cát bằng vàng phủ đất!

          (Sao) Đại Bổn vân: Thuần nhất bảo trì, để sa diệc dĩ nhất bảo.

       () 大本云:純一寶池,底沙亦以一寶。

          (Sao: Kinh Đại Bổn nói: “Ao thuần bằng một chất báu thì đáy ao cũng dùng [thuần] một chất báu [làm cát trải]”).

          Cát bằng vàng phủ đất là nêu ra một thí dụ. Ao bảy báu ấy có thể tùy theo ý nguyện của con người, trong tâm quý vị muốn ao này bằng chất báu nào, ao này sẽ biến thành chất báu như thế ấy, thuận theo lòng muốn, có thể thường xuyên biến hóa. Hết thảy vạn vật đều là do biến hóa mà thành, chẳng cần phải toan tính, chẳng cần phải làm lụng, trong tâm nghĩ thứ gì bèn biến ra thứ ấy. Vì vậy, không có gì chẳng thỏa lòng xứng ý! Nếu muốn ao thuần là vàng, bờ ao ấy sẽ thuần là vàng, đáy cũng là vàng. Quý vị thích thuần là bạc, tất cả đều biến thành màu bạc. Thích vàng bạc xen lẫn, ao bèn trở thành [vàng bạc] xen lẫn.

          (Sao) Nãi chí thất bảo, diệc phục như thị, kim chỉ kim sa, văn tỉnh tiện cố.

          () 乃至七寶,亦復如是,今止金沙,文省便故。

          (Sao: Cho đến bảy báu, cũng đều như thế, nay chỉ nói cát vàng là vì kinh văn nói rút gọn cho tiện vậy).

          Nói cặn kẽ trong kinh Vô Lượng Thọ, cát bằng vàng phủ đất là nêu một thí dụ.

          (Sớ) Hựu, Đại Bổn tự bảo trì thủy tất, phục khai tam chủng thù thắng diệu dụng.

          () 又大本敘寶池水畢,復開三種殊勝妙用。

          (Sớ: Lại nữa, sau khi tường thuật về nước trong ao báu xong, kinh Đại Bổn lại nêu ra ba thứ diệu dụng thù thắng).

          Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ. Sau khi giảng về ao bảy báu và nước tám công đức xong, lại đặc biệt nói rõ đức dụng của nước ao, nêu ra ba chuyện.

          (Sớ) Nhất, thủy năng tùy ý; nhị, thủy năng thuyết pháp; tam, dục tất tấn nghiệp.   

          () 一水能隨意,二水能說法,三浴畢進業。

          (Sớ: Một là nước có thể tùy ý, hai là nước có thể thuyết pháp, ba là tắm [nước ấy], ắt tăng tấn đạo nghiệp).

          Sau khi quý vị tắm rửa trong ấy, thật sự gột sạch phiền não, trí huệ mở mang, rất nhiệm mầu! Vì thế, đến nơi ấy tu hành, thường tắm gội trong ao bảy báu là được rồi. Nước có thể khiến cho Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não và Vô Minh phiền não của quý vị thảy đều gột sạch, chứng đắc Pháp Thân, Bát Nhã, và Giải Thoát, quý vị thấy đó, dễ dàng lắm! Chẳng giống như trong thế gian này, chúng ta tu hành khổ sở trong thế gian này, nói thật sự thì đa số toàn là “tu mù, luyện đui”, quý vị đã từng thấy mấy ai tu thành công? Do điều này, ta biết tu hành chẳng dễ dàng! Tuy thông đạt kinh luận, hiểu rõ Lý, phương pháp cũng thông hiểu, cũng tu đúng như vậy, thật ra, có thành tích hay không? Có thể nói là chẳng có mảy may thành tích nào! Vì sao nói là chẳng có mảy may thành tích nào? Một phẩm tập khí phiền não vẫn chưa đoạn! Vọng tưởng, chấp trước không chỉ là chẳng ít đi, mà mỗi ngày còn tăng trưởng! Vậy thì có tác dụng gì đâu! Do vậy, cổ nhân đã nói một câu, lời ấy càng nghĩ càng thấy có lý: “Địa ngục môn tiền, tăng đạo đa” (trước cửa địa ngục, tăng sĩ và đạo sĩ đông đúc). Họ chẳng nói tới người tại gia mà nói là tăng và đạo đông lúc nhúc, điều này chẳng phải là giả!

          Đọc những truyện ký trong kinh Phật, thấy chùa Quốc Thanh ở núi Thiên Thai là một đạo tràng hết sức nổi tiếng. Trước đây, ba vị Hàn Sơn, Thập Đắc, và Phong Can làm tạp vụ trong chùa Quốc Thanh, không ai coi trọng họ. Hàn Sơn và Thập Đắc làm việc nặng, đốt lò trong nhà bếp, hòa thượng Phong Can giã gạo. Thuở ấy, có một vị Thứ Sử họ Lư được chánh quyền phái đến đứng đầu nơi ấy, tương đương với chức Thị Trưởng hiện thời. Ông ta ngã bệnh trên đường đi. Bị bệnh rất khổ, tìm rất nhiều thầy lang nhưng vẫn chẳng có cách nào, họ đều bó tay chịu thua. Lúc ấy, có một người xuất gia tìm đến, vị xuất gia ấy chính là ngài Phong Can. Khi Ngài đến nơi, là một người xuất gia ăn mặc rách nát, tả tơi, muốn gặp Thứ Sử, người nhà ngăn cản. Sư nói: “Ông ta bị bệnh, ta đến chữa bệnh”. Vừa nghe nói là chữa bệnh, ngay lập tức mời Sư vào, Sư chữa khỏi bệnh. Trị lành bệnh rồi, hỏi Sư: “Pháp sư từ đâu đến?” Ngài nói: “Tôi từ núi Thiên Thai đến”. Thứ Sử nói: “Đúng là nơi tôi sẽ đến”. Đó là nơi ông ta quản trị, khu vực quản hạt; ông ta hỏi: “Xin hỏi trên núi có cao tăng đại đức hay không?” Sư đáp: “Có chứ! Hai vị đại Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền đang ở nơi ấy”. Thứ Sử hỏi: “Tôi tìm họ bằng cách nào?” Sư bảo: “Ông hãy tìm Hàn Sơn và Thập Đắc là được!”

          Năm ngày sau khi đến nơi trấn nhậm, Thứ Sử lên núi, bái phỏng hai vị cao tăng ấy. Hỏi dò trong chùa, [thì ra] Hàn Sơn và Thập Đắc là hai vị hòa thượng điên điên khùng khùng chuyên nhóm lò. Ông ta chẳng màng giải thích lôi thôi, vội vã đến nhà bếp, gặp họ liền sì sụp đảnh lễ. Hai người dở điên dở khùng ấy cũng chẳng quan tâm tới ông ta, hỏi: “Ngài lạy tôi để làm chi?” Thân phận vừa bị bộc lộ như vậy, biết họ là Văn Thù và Phổ Hiền. Từ miệng Hàn Sơn và Thập Đắc, [người ta] mới biết Phong Can là A Di Đà Phật tái lai. Phật, Bồ Tát làm việc nặng trong đạo tràng để hầu hạ người khác. Điều này được ghi trong Sơn Chí của Thiên Thai Sơn. Nếu triều bái núi Thiên Thai, quý vị sẽ thấy di tích ấy. Thuở đó, trên núi có một khu vườn phóng sanh, chuyên dành cho người ta phóng sanh. Trong vườn phóng sanh có nuôi một bầy ngỗng, Hàn Sơn và Thập Đắc thường đến cho chúng ăn, gọi ngỗng bằng tên, hễ gọi tên con nào, con ấy kêu lên một tiếng đáp lời. Những tên được gọi toàn là tên của những người xuất gia trong chùa Quốc Thanh đã khuất trước kia. Họ gọi tên con nào, con đó bèn chạy tới!

          Vì thế, tu hành thì phải thật sự tu. Tu sửa hết mọi vọng tưởng, tật xấu, phiền não, tập khí của chính mình, đó mới là tu hành. “Hành” là hành vi. Ý niệm sai lầm, suy nghĩ sai lầm là hành vi trong tâm. Cử chỉ, động tác sai lầm, ăn nói sai lầm là hành vi nơi thân và miệng. Phải sửa đổi, uốn nắn những hành vi sai quấy nơi thân, miệng, ý, đó mới là tu hành. Vì thế, có thể biết chuyện này chẳng liên can gì đến niệm kinh và bái Phật. Dẫu quý vị niệm kinh nhiều cách mấy, mỗi ngày niệm tám tiếng đồng hồ, lạy Phật dẫu nhiều đến mấy, mỗi ngày lễ mười vạn lạy, nhưng nếu hành vi nơi tam nghiệp thân, miệng, ý của quý vị vẫn y hệt như cũ thì chẳng có chút hữu dụng nào! Hàn Sơn và Thập Đắc đã chê cười người khác, họ cười kẻ niệm Phật: “Gào toạc cổ họng vẫn uổng công”, vì sao? Miệng có, tâm không! Thật sự biết chính mình sai quấy, đó là khai ngộ, đã thật sự khai ngộ. Mê là gì? Mê là chẳng biết chính mình có sai lầm. Chẳng biết chính mình có lỗi thì quý vị nghĩ xem: Làm sao sửa lỗi cho được? Vĩnh viễn chẳng thể sửa đổi! Do đó, trong Phật môn, khai ngộ là gì? Biết chính mình có lỗi lầm, bèn là khai ngộ, người ấy đã giác ngộ! Đó gọi là “ngộ hậu khởi tu”, [nghĩa là] sau khi đã ngộ, quý vị có thể sửa; sửa là tu, tức là tu hành.

          Vì vậy, đọc kinh có hai ý nghĩa:

          1) Ý nghĩa thứ nhất là tu Giới, Định, Huệ. Ta mở quyển kinh này ra, niệm một giờ mới xong thì một giờ ấy là tu Giới, Định, Huệ.

          2) Ý nghĩa thứ hai là kiểm điểm lỗi lầm của chính mình, vì chẳng biết lỗi lầm của chính mình, mà cũng chẳng có ai đến bảo cho ta biết. Do vậy, cổ đại đức, hễ có người bảo cho các Ngài biết khuyết điểm, đều dập dầu đảnh lễ cảm tạ! Chính mình chẳng biết, người ta bảo cho mới biết. Ai bằng lòng nói cho quý vị biết lỗi? Chẳng ai nói! Thời cổ, có ba hạng người chịu kể lỗi quý vị: Một là cha mẹ, hai là thầy. Lại còn một loại nữa là các đồng tham đạo hữu tốt nhất của quý vị. Nếu không, ai bằng lòng nói cho quý vị biết lỗi? Không biết chính mình có khuyết điểm, làm cách nào? Đọc kinh! Đọc kinh là kiểm nghiệm lỗi lầm của chính mình. Do vậy, lần này chúng tôi in kinh Vô Lượng Thọ, khắc kèm hai bài Thái Thượng Cảm Ứng Thiên và Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn vào phía sau, hy vọng mọi người đọc đến sẽ kiểm điểm lỗi lầm của chính mình. Mỗi người một ngày có thể sửa một điều sai trái, thưa cùng quý vị, nếu quý vị sửa ba năm, quý vị là Phật, Bồ Tát, đúng vậy, chẳng giả tí nào!

          Sửa đổi thì phải là: Sau đấy chẳng còn làm nữa. A! Hôm nay ta sửa đổi, ngày mai vẫn làm như cũ thì có tác dụng gì chăng? Chẳng có tác dụng gì hết! Vì thế, điều quan trọng trong sửa lỗi là sau này chẳng tái phạm. Trong Phật môn, chúng ta sám hối, tinh thần sám hối thật sự là “sau này chẳng còn tái phạm”. Sau này vẫn còn phạm lỗi lầm giống hệt thì chẳng thể nào tha thứ được! Quý vị phạm lỗi chỉ có một lần, chẳng thể có lần thứ hai, đó mới là thật sự tu hành. Vì thế, người thật sự tu hành ít ỏi! Kẻ tu hành giả dối đông lúc nhúc! Làm bộ vờ vĩnh, lừa mình, dối người, nhiều nhan nhản! Người thật sự tu hành chẳng có mấy! Người khác [tu hành] thật hay giả chẳng dính dáng gì đến chúng ta, chẳng ăn nhằm gì đến chúng ta! Điều khẩn yếu là hãy tự vấn, bản thân ta rốt cuộc là đang chân tu hay giả tu? Điều này có quan hệ quá lớn đối với tương lai của chính mình.

          (Sao) Tùy ý giả, Đại Bổn vân: “Chư thượng thiện nhân nhập thất bảo trì, tháo tuyết thân thể.

          () 隨意者,大本云:諸上善人入七寶池,澡雪身體。

          (Sao: “Tùy ý”: Kinh Đại Bổn nói: “Các vị thượng thiện nhân vào ao bảy báu gột sạch thân thể”).

                   Đây là tắm rửa trong ao báu.

          (Sao) Ý dục linh thủy một túc, thủy tức một túc, dục linh chí tất, thủy tức chí tất, dục linh chí yêu, chí dịch, chí cảnh, cập quán kỳ thân, tất như kỳ ý, dục linh hoàn phục, thủy tức hoàn phục.

            () 意欲令水沒足,水即沒足,欲令至膝,水即至膝,欲令至腰、至腋、至頸,及灌其身,悉如其意,欲令還復,水即還復。

          (Sao: Ý muốn nước ngập chân, nước liền ngập chân. Muốn ngập tới gối, nước liền ngập tới gối. Muốn tới eo, tới nách, tới cổ, và rưới trên thân, thảy đều như ý. Muốn nước trở lại như cũ, nước bèn trở lại).

          Nước ấy cạn hay sâu như ý. Quý vị tắm rửa trong ao bảy báu, muốn nước ấy sâu bao nhiêu, nó bèn sâu bấy nhiêu. Mong nước nông một chút, chỉ ngập đến bàn chân, nước bèn dâng ngập bàn chân. Lại sâu hơn một chút, ngập tới gối, nước dâng tới đầu gối. Nó rất nghe lời. Quý vị còn chẳng phải nói ra, nghĩ nước dâng đến đâu, nước ấy tự nhiên thuận theo ý nghĩ của quý vị mà chuyển. Đó là cạn sâu như ý!

          (Sao) Điều hòa lãnh noãn, vô bất thuận thích.

          () 調和冷暖,無不順適。

          (Sao: Điều hòa, lạnh, ấm, không gì chẳng vừa ý, thích hợp).

          Đây là lạnh, ấm như ý. Quý vị muốn nước ấy ấm một chút, nó bèn

ấm một chút. Muốn nó mát một chút, nó bèn mát một chút.

          (Sao) Khai thần duyệt thể, địch đãng tình lự, thanh minh, trừng khiết, tịnh nhược vô hình.

          () 開神悅體,滌蕩情慮,清明澄潔,淨若無形。

          (Sao: Tinh thần sáng suốt, thân thể thoải mái, gột sạch những mối tình chấp ưu lự, trong sáng, lắng, sạch, thanh tịnh dường như vô hình).

          Đây là ưu điểm nơi chất nước. “Thần” là tinh thần, “thể” là thân thể. Tắm rửa trong ao bảy báu, không chỉ có thể gột tẩy thân thể rất sạch, tôi vừa mới nói, tập khí phiền não cũng có thể diệt trừ, Thiền Định và trí huệ có thể hiện tiền. Chất nước “tịnh nhược vô hình”, đó là nói nó nhẹ nhàng, mềm mại, chẳng ô trược, nặng nề như nước ở cõi này.

          (Sao) Thị thủy bổn vô tâm, năng tùy nhân tâm ý sở dục dã.

          () 是水本無心,能隨人心意所欲也。

          (Sao: Nước ấy vốn vô tâm mà có thể tùy thuận ý muốn trong lòng người).

          So sánh thế giới Cực Lạc và thế giới này của chúng ta thì chúng sanh trong thế giới này mê chẳng ngộ, nên chúng ta bị cảnh giới chuyển, rất đáng thương! Vì sao cảnh giới trong Tây Phương Cực Lạc thế giới cảnh giới luôn có thể thuận theo lòng mong muốn? Tâm họ thanh tịnh. Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: “Tịnh cực quang thông đạt”, lại nói: “Nếu có thể chuyển cảnh, ắt giống như Như Lai”. Chúng ta lại thấy trong kinh Đại Bổn, phần bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật có nói: Chúng sanh trong mười phương thế giới, trên đến Bồ Tát, dưới đến ác đạo, hễ sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là Bồ Tát, có thân tướng giống như A Di Đà Phật. Nói cách khác, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, tuy chẳng phải là Như Lai, mà cũng chẳng khác Như Lai cho mấy! Nơi ấy, ai nấy đều có thể chuyển cảnh giới; do đó, hết thảy vạn vật không gì chẳng thuận theo tâm ý của chính mình.

          Đúng như Ngẫu Ích đại sư đã nói, trong hết thảy các kinh chẳng có cách nói này, mà trong hết thảy các cõi Phật cũng chẳng có chuyện này. Vì thế, pháp môn này được gọi là “pháp khó tin”. Vì sao có thể thù thắng ngần ấy? Nói thật ra, cảnh giới này do vô lượng vô biên công đức thành tựu! Nếu chẳng phải là người tích lũy công đức, làm sao có thể [tùy tâm sở dục] cho được? Làm sao có đại phước báo dường ấy? Phải hiểu, nay chúng ta thật thà niệm câu A Di Đà Phật, đó chính là vô lượng công đức! Trong các kinh sớ đều nói: Chuyển biến công đức của A Di Đà Phật thành công đức của chính chúng ta, nhất tâm chuyên niệm, đó là Tự Lực. Thần lực của Phật Di Đà gia trì là Tha Lực. Pháp môn này gọi là “nhị lực pháp môn”.

          Vì thế, đối với bản thân chúng ta, điều khẩn yếu là nhất tâm chuyên niệm! Nhất tâm là tâm thanh tịnh, nhất tâm là rời khỏi hết thảy tâm phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, chúng ta dùng tâm niệm ấy thì mới có thể cảm ứng. Trong kinh, đức Phật đã giảng rõ ràng, rành mạch, nhưng chính chúng ta hiểu sai ý nghĩa! Hiểu sai ý nghĩa, quý vị niệm Phật suốt một đời, tương lai thậm chí đọa trong tam ác đạo, quý vị nói “kinh Phật chẳng linh, Phật lừa dối quý vị”, như vậy là quý vị tội càng thêm tội. Về căn bản, quý vị đã hiểu sai ý Phật, lại còn nói Phật dối gạt quý vị. Có thể thấy câu Phật hiệu chẳng đơn giản! Chẳng phải là ai cũng biết niệm. Ai nấy đều có thể học, học rất giống, âm thanh [niệm Phật] rất giống, nhưng ý nghĩa khác nhau! Vì sao người ta niệm một tiếng Phật hiệu bèn có thể diệt trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử? [Vậy mà] chúng ta niệm một câu Phật hiệu, nghiệp chướng bé tí vẫn chẳng tiêu được! Đó là do quý vị biết niệm hay không? Quý vị dùng tâm gì để niệm? Quý vị căn cứ trên lý luận ra sao để niệm? Những điều này có quan hệ to lớn! Vì thế, quý vị chẳng thông đạt thì làm cách nào được?

          Chúng ta xem lại bộ Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao do pháp sư Quán Đảnh soạn. Ngài Quán Đảnh là một vị đại sư rất lỗi lạc, sống vào thời Càn Long nhà Thanh, trước tác rất nhiều. Cuối bộ [Viên Thông Chương] Sớ Sao đã nói rõ, cùng niệm A Di Đà Phật như nhau, nhưng có một trăm thứ quả báo bất đồng. Quả báo thứ nhất là địa ngục A Tỳ. Niệm Phật đi vào địa ngục A Tỳ, oan uổng quá! Thuở ấy, tôi vừa mới học Phật, xem sách ấy, nghi hoặc dấy lên, tôi nói: “Nếu niệm Phật chẳng tốt đẹp, vẫn không thể đọa ngục!” Tôi đem vấn đề này hỏi thầy Lý. Thầy Lý nghe câu hỏi ấy, bảo: “Đây là một vấn đề lớn, tôi không nói riêng với anh. Khi tôi giảng kinh, sẽ tuyên bố cùng mọi người”. Trọng yếu đấy nhé! Miệng niệm A Di Đà Phật, tâm hạnh hủy báng Phật pháp, đoạn diệt Pháp Thân huệ mạng của chúng sanh, lẽ nào kẻ ấy chẳng đọa địa ngục? Đương nhiên đọa địa ngục! Đó là miệng niệm, nhưng trong tâm lại là chuyện khác, đó là “miệng đúng, tâm sai”. Chư vị hãy đọc, nghiên cứu Viên  Thông  Chương  Sớ  Sao  của  pháp sư

Quán Đảnh, sẽ liễu giải!

          Cuối kinh Vô Lượng Thọ có một đoạn kinh văn rất dài giảng về Ngũ Ác, Ngũ Thống, Ngũ Thiêu. Ngũ Ác là mê hoặc, Ngũ Thống là tạo nghiệp, Ngũ Thiêu là quả báo, nên người niệm Phật chẳng thể không tin tưởng nhân quả báo ứng, thiện có thiện báo, ác có ác báo, chẳng sai sót mảy may! Thật sự tham thấu, chúng ta mới có thể thật sự giác ngộ, thật sự quay đầu. Không chỉ là chẳng dám làm chuyện xấu, mà kể cả một niệm xấu cũng chẳng dám dấy lên. Sau khi thật sự giác ngộ, mới biết chính mình chẳng bằng kẻ khác, mỗi người đều có sở trường, chính mình thật sự thừa nhận “ta chẳng bằng kẻ khác”. Quý vị xem năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài Đồng Tử trong kinh Hoa Nghiêm, quý vị thấy năm mươi ba vị thiện tri thức ăn nói, chính mình khiêm hư cũng là Thật Đức, tức là đức hạnh chân thật. Chính mình thừa nhận: “Trong hết thảy các pháp môn, ta chỉ biết một pháp; ta chẳng bằng các vị thiện tri thức khác! Trí huệ lẫn đức hạnh của họ đều cao hơn ta”. Tự hạ mình, tôn người khác lên. Người hiện thời hoàn toàn trái ngược, hiện thời là tự đại, khinh người, chẳng để người khác vào mắt, nghĩ mình già dặn, ghê gớm lắm, cuồng vọng mà! Lẽ nào chẳng đọa lạc? Lẽ đâu có thể thành tựu cho được? Nhất là kinh Vô Lượng Thọ vừa mở đầu bèn dạy chúng ta “đều tuân tu đức của Phổ Hiền đại sĩ”. Tu đức hạnh của Phổ Hiền đại sĩ thì khuôn mẫu tốt nhất chính là năm mươi ba vị thiện tri thức, họ là khuôn mẫu và điển hình cho sự tu tập mười đại nguyện vương.

          Trong giảng đường này, tôi đã nói rất nhiều lần, chúng ta mỗi ngày đều niệm: “Nhất giả, lễ kính chư Phật. Nhị giả, xưng tán Như Lai”, niệm những câu ấy giống như ca hát, chứ có làm được hay không? Hoàn toàn chẳng làm được! Chư vị nghĩ xem, nhất là người xuất gia, quý vị có thể làm được một phần vạn [những điều ấy] hay chăng? Một phần vạn vạn cũng chẳng làm được! Đối với hết thảy chúng sanh, chúng ta thật sự có tâm cung kính hay không? Kinh Hoa Nghiêm dạy “lễ kính chư Phật” bao gồm hữu tình lẫn vô tình. Vô tình là hết thảy vật chất, đối với chúng nó, chúng ta có tâm cung kính hay không? Tôi ngồi ở trên bục giảng này, thấy trên cái bàn nơi bục giảng có một vũng nước to, đó là chẳng cung kính! Lư hương, giá nến, tượng Phật chẳng bày ngay ngắn, đều là chẳng cung kính! Giữ cho hết thảy mọi vật chỉnh tề, thanh khiết, đó là lễ kính. Nếu đến liêu phòng của quý vị, sẽ chẳng thể nhìn nổi! Tu lễ kính chư Phật sao được? Vì thế, mỗi ngày khóa sáng xướng [mười đại nguyện vương] một lần,  khóa tối xướng một lần.  Hàn Sơn, Thập Đắc bảo: “Hét

toạc cổ họng vẫn uổng công!”, chẳng làm mà!

          Cổ nhân Trung Quốc nói rất hay: “Nhất thất chi bất trị, hà dĩ quốc gia thiên hạ vi” (chẳng thể giữ yên một nhà, làm sao cai quản quốc gia, thiên hạ). “Thất” (室) là căn phòng của quý vị. Phòng của quý vị lộn xộn, còn nói gì được nữa? Điều gì cũng chẳng cần phải bàn nữa! Quý vị tu lễ kính thì nhìn từ chỗ nào? Đến phòng quý vị xem sẽ biết công phu lễ kính của quý vị làm được mấy phần. Nói theo Phật pháp, Bồ Tát đạo, nói thật ra, khiến cho kẻ khác hết sức kính phục, là chỉ tu chính mình, chẳng màng xét đoán kẻ khác. Chúng ta cùng ở chung với nhau, kẻ khác chẳng làm, vì sao ta phải làm? Kẻ khác xuống địa ngục, vì sao ta chẳng theo họ xuống địa ngục? Mang ý nghĩa này! Kẻ khác chẳng làm, sẽ đọa địa ngục, ta sanh lên thiên đường của ta, chúng ta ai nấy chẳng liên quan! Nói thật thà, chính quý vị chân tu, đạo tràng có thần hộ pháp, người thật sự có đạo hạnh đang tu trì, kẻ thiếu đạo sẽ chẳng thể ở nơi ấy được! Ai xua đuổi hắn? Thần hộ pháp xua đuổi hắn! Thứ nhất là đuổi kẻ ấy vào đâu? Trước hết là xua kẻ ấy vào bệnh viện, khiến cho kẻ ấy ngã bệnh, chỉ đành nằm bệnh viện. Rồi đến bước thứ hai là từ bệnh viện, đẩy kẻ ấy vào địa ngục. Đúng là như thế! Hoặc là nghiệp chướng của kẻ đó hiện tiền, chính kẻ ấy bỏ đi. Đó là trường hợp nhẹ. Nặng thì sẽ rất phiền phức. Đạo tràng của quý vị phải có đạo! Không có đạo, tức là chỉ có “tràng”, chẳng thể gọi là “đạo tràng”. Những điều này chúng ta đều phải biết.

          Cho nên đối với pháp môn này, nương theo phương pháp này để tu, quý vị phải hiểu lý luận, hiểu phương pháp, phải biết cảnh giới. Nhất là từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy phương pháp rõ ràng dường ấy, mới thật sự hiểu kinh này và kinh Hoa Nghiêm chẳng khác nhau! Cổ nhân gọi kinh này là Tiểu Bổn Hoa Nghiêm, nói chẳng sai! Tám mươi quyển Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh là Đại Bổn Hoa Nghiêm, kinh Vô Lượng Thọ là Trung Bổn Hoa Nghiêm, kinh A Di Đà là Tiểu Bổn Hoa Nghiêm, đó là cảnh giới Hoa Nghiêm! Vì thế, giới luật trong Phật pháp là để răn dạy chính mình, chẳng nhằm răn dạy người khác. Tu như vậy thì chính mình mới có thể đắc Định, mới có thể khai huệ, mới có thể thành tựu. Nếu trì giới mà [coi] giới luật [như một công cụ] nhằm răn đe kẻ khác, thấy kẻ này phá giới, kẻ kia phạm giới, dẫu quý vị trì giới tốt đẹp đến mấy, chẳng thể đắc Định, tâm quý vị đã loạn! Lục Tổ nói rất hay: “Nếu người thật tu đạo, chẳng thấy lỗi người khác”. Tâm chính mình vĩnh viễn thanh tịnh, nên quý vị nhất định có thể thành tựu. Quý vị thấy người này cũng chẳng đúng, kẻ khác cũng có lỗi, tối đa là quý vị tu điều lành trong Phật môn mà thôi, chẳng có cách nào thành tựu công đức! Tu học trong Phật môn, cả đời nhọc nhằn phục vụ, chỉ tu được một chút phước báo hữu lậu. Đến đâu để hưởng phước báo ấy thì vẫn chưa nhất định, còn phải xét công phu của quý vị. Công phu bất hảo thì cũng có khi hưởng phước trong tam ác đạo!

          Do vậy, tu hành, đích xác chẳng phải là chuyện dễ dàng. Chẳng thấu triệt kinh luận, chẳng đặt vững cơ sở căn bản, tu từ chỗ nào? Rốt cuộc tu theo cách nào? Do vậy, chúng tôi mới đề ra, chúng ta căn cứ theo giáo huấn của Thích Ca Mâu Ni Phật, tu pháp môn Tịnh Độ. Từ lời lão nhân gia dạy phu nhân Vy Đề Hy về ba phương tiện trước khi tu niệm Phật, tức là Tam Phước, phải từ “hiếu dưỡng phụ mẫu, tôn kính sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu mười thiện nghiệp”, tu tập từ chỗ này. “Thọ trì Tam Quy, trọn đủ các giới, chẳng phạm oai nghi, phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”. Đó là phu nhân Vy Đề Hy do mong cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, đã hỏi Thích Ca Mâu Ni Phật cách tu như thế nào. Trước hết, đức Phật dạy bà ta ba thứ phương tiện này, tức là Tam Phước, lập cơ sở từ chỗ này, sau đấy mới là Tam Học, Lục Độ, mười đại nguyện vương, nhất tâm xưng niệm thì mới đảm bảo quý vị vãng sanh, trọn chẳng luống uổng! Nay chúng ta đã hiểu rõ đường lối, cho nên phải thật sự dốc công sức [nơi đường lối ấy].

          Pháp hội này của chúng ta cũng chẳng dễ dàng, đây cũng là do nhân duyên từ vô lượng kiếp nên chúng ta mới có thể cùng nhau tụ hội. Nhất là tụ hội để nghiên cứu bộ đại kinh này, đây là nhân duyên thù thắng khôn sánh, hy vọng mọi người trong một đời này đều có thể nắm chắc, đều có thể vãng sanh Tịnh Độ, mới chẳng cô phụ một hội này. Nhất là duyên của chúng ta trong hiện thời thù thắng hơn quá khứ, kinh sách hoàn bị! Từ xưa tới nay, lịch đại chư tổ sư đại đức đều chẳng thấy kinh điển hoàn bị dường ấy. Vì lẽ đó, thành tựu của chúng ta sẽ tuyệt đối chẳng kém cổ nhân, chỉ sợ bản thân quý vị không dụng công. Nhân duyên đầy đủ chính là thiện căn và phước đức của chính mình. Hôm nay, chúng tôi giảng tới chỗ này.

[1] Ở đây, chúng tôi dịch theo cách giải thích chữ Cừ (渠) của Hòa Thượng. Thông thường, Cừ có nghĩa là cái ngòi, mương, lạch, kênh, máng v.v…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *