Tập 113/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 113

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm ba mươi tám:

          Nhị, tổng kết

          (Kinh) Như thị đẳng chư đại đệ tử.

          (Sớ) Như thị giả, kết thượng. Đẳng giả, lệ dư. Đại giả, thâu tiền Đại nghĩa.

          二、總結。

() 如是等諸大弟子。

() 如是者,結上。等者,例餘。大者,收前大義。

          (Hai, tổng kết.

          Kinh: Các vị đại đệ tử như thế.

          Sớ: “Như thị” nhằm kết lại phần trên. “Đẳng” là nói đến những vị khác. “Đại” gồm thâu ý nghĩa của chữ Đại trong phần trên).

           Câu này nhằm tổng kết tất cả mười sáu vị tôn giả đã được nêu ra trong phần trước. Trong kinh Phật, các con số mang ý nghĩa biểu thị pháp, như trong kinh này, chúng ta thấy dùng “thất” nhiều nhất, chẳng hạn như “thất trùng hàng thụ”, “thất trùng lan thuẫn”, “thất bảo trì”, dùng chữ Thất để biểu thị sự viên mãn. Thất có nghĩa là Đông, Nam, Tây, Bắc, trên, dưới, chính giữa, mang ý nghĩa ấy. Kinh Hoa Nghiêm thường dùng Thập để biểu thị pháp. Thập là con số, từ một đến mười là con số viên mãn; vì vậy, nó mang ý nghĩa biểu thị pháp. Thập Lục cũng nhằm biểu thị pháp, trong Mật Tông, nó biểu thị ý nghĩa đại viên mãn. Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy “Hiền Hộ đẳng thập lục Chánh Sĩ” (mười sáu vị Chánh Sĩ như Hiền Hộ v.v…), ở đây cũng dùng “thập lục” nhằm biểu thị ý nghĩa nói rõ “Thiền – Tịnh bất nhị, Mật – Tịnh bất nhị”. Cư sĩ Hạ Liên Cư lão nhân gia thường nói: “Tịnh Độ là hiển thuyết của Mật Tông”. Ngài khẳng định Tịnh và Mật là một, không hai; nhất là Phổ Hiền Bồ Tát đại diện cho pháp môn này. Trong Mật Tông, tổ sư Kim Cang Tát Đỏa (Kim Cang Thủ Bồ Tát) là hóa thân của Phổ Hiền Bồ Tát. Vì thế, biết rằng: Thiền trở về Tịnh Độ, mà Mật vẫn trở về Tịnh Độ. Chẳng trở về Tịnh Độ, sẽ chẳng thể viên mãn rốt ráo! Do đó, ta biết: Hiển, Mật, Tông, Giáo đến cuối cùng thảy đều quy vào Tịnh Độ, đấy mới là rốt ráo viên mãn. Con số này nhằm biểu thị ý nghĩa ấy. Bộ kinh này bao gồm toàn bộ Phật pháp trong ấy; vì thế, pháp môn này thù thắng chẳng thể nghĩ bàn.

          (Sớ) Đệ tử giả.

          () 弟子者。

          (Sớ: Đệ tử).

          Những vị ấy đều là Đại Thừa Bồ Tát thị hiện làm Thanh Văn, tuyệt đối chẳng phải là tỳ-kheo thật sự, mà là Đại Bồ Tát thị hiện.

          (Sớ) Học tại sư hậu viết Đệ.

          () 學在師後曰弟。

          (Sớ: Học sau thầy nên gọi là Đệ).

            Có ý nghĩa này, thầy tuổi lớn hơn trò.

          (Sớ) Giải tùng sư sanh viết Tử.

          () 解從師生曰子。

          (Sớ: Sự hiểu biết do thầy mà sanh ra nên gọi là Tử).

          Quý vị khai ngộ là do thầy giúp đỡ, quý vị khai ngộ dưới tay thầy, nên có ý nghĩa Sanh, [tức là] sanh trí huệ. Pháp Thân huệ mạng do thầy mà sanh; vì thế, chữ Đệ Tử do đó mà có!

          (Sớ) Như tư thắng hội, khả vị “nan đệ, nan huynh, thiện tác, thiện thuật”.

          () 如斯勝會,可謂難弟難兄,善作善述。

          (Sớ: Hội thù thắng như thế, có thể nói “em khó có, mà anh cũng khó có, khéo làm, khéo thuật”).

          “Nan đệ, nan huynh” có điển cố, trong phần sau sẽ nói tới.

          (Sao) “Kết thượng, lệ dư” giả, tiền kết thập lục tôn giả, hậu lệ thiên nhị bách nhân dã.

            () 結上例餘者,前結十六尊者,後例千二百人也。

          (Sao: “Kết phần trước, nói đến những người khác” là tiểu kết [phần kinh văn nói về] mười sáu vị tôn giả trong phần trước, sau đó nhắc tới một ngàn hai trăm vị [Thường Tùy Chúng]).

          Mười sáu vị ấy là đại biểu, trên thực tế, một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị dự hội đều được bao gồm trong ấy.

          (Sao) “Thâu tiền Đại nghĩa” giả, thử đại đệ tử, tức tiền đại tỳ-kheo, đại A La Hán, dĩ nhất Đại tự nhiếp tiền nhị dã.

            ()收前大義者,此大弟子,即前大比丘大阿羅漢,以一大字攝前二也。

          (Sao: “Gồm thâu ý nghĩa chữ Đại trong phần trên”: Các vị đại đệ tử ấy, chính là đại tỳ-kheo, đại A La Hán trong phần trước, dùng một chữ Đại để gồm trọn hai ý nghĩa được nói trong phần trên).

          Ý nghĩa này dễ hiểu.

          (Sao) “Học tại sư hậu” giả, tiên giác, hậu giác, như huynh tiên đệ hậu cố. “Giải tùng sư sanh” giả, khải phát, dục dưỡng, nhi thành pháp khí, sở vị: “Tùng Phật khẩu sanh, đương thiệu Phật chủng”, như phụ mẫu sanh tử cố.

          ()學在師後者,先覺後覺,如兄先弟後故。解從師生者,啟發育養,而成法器,所謂從佛口生,當紹佛種,如父母生子故。

          (Sao: “Học sau thầy” là tiên giác và hậu giác, như anh trước, em sau. “Sự hiểu biết do thầy mà sanh” là khơi gợi, phát khởi, vun bồi, biến thành pháp khí, nên gọi là “sanh từ miệng Phật, sẽ nối tiếp dòng giống Phật”, giống như cha mẹ sanh ra con cái).

          Ý nghĩa này rất dễ hiểu.

          (Sao) “Nan đệ, nan huynh” giả, cổ xưng Nguyên Phương nan vi huynh, Quý Phương nan vi đệ, ngôn huynh hào đệ tuấn, vô khả ưu liệt.

          ()難弟難兄者古稱元方難為兄,季方難為弟,言兄豪弟俊,無可優劣。

          (Sao: “Em khó có mà anh cũng khó có”, cổ nhân nói Nguyên Phương khó thể làm anh, Quý Phương khó thể làm em, ý nói anh em đều tài trí, chẳng thể nói ai hơn, ai kém).

          Đây là một điển cố của Trung Quốc. Thời Đông Hán, huyện trưởng huyện Thái Khâu là Trần Thật[1] sanh được hai người con, đứa lớn là Nguyên Phương, đứa nhỏ là Quý Phương, hai đứa con ấy đều xuất chúng phi thường, tài hoa chẳng thể phân hơn kém. Vì thế, cổ nhân khen hai anh em đều giỏi, xưng tụng là “nan đệ, nan huynh”, do đó mà có điển cố. Ở đây, đại sư nói rất rõ ràng:

          (Sao) Kim bất thủ bỉ ý, lược dụ Phật vi huynh, chư A La Hán vi đệ.

            () 今不取彼意,略喻佛為兄,諸阿羅漢為弟。

          (Sao: Ở đây không dùng ý nghĩa ấy, chỉ tạm sánh ví Phật là anh, các A La Hán là em).

          Dẫn tỷ dụ này để dùng trong Phật pháp.

          (Sao) Nhị câu nan đắc cố.

            () 二俱難得故。

          (Sao: Vì cả hai đều khó có).

          Thầy khó có, trò cũng khó có; như thế mới là “sư tư đạo hợp” (thầy trò hợp đạo), mới có thể có thành tựu, quả thật chẳng dễ dàng. Một vị thầy tốt mà chẳng có học trò giỏi, cũng chẳng thể làm gì được! Đạo của thầy chẳng truyền được! Có học trò giỏi, thiếu thầy giỏi, học trò cũng đáng tiếc, có thiên bẩm tốt đẹp, nhưng cả đời chẳng gặp thiện tri thức, cũng luống uổng! Thầy giỏi, trò hay kết hợp, đấy là nhân duyên hết sức khó có, chẳng phải là chuyện dễ dàng, chúng ta phải biết điều này! Nói thật ra, đây là “bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ” (trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ), chẳng phải chuyện dễ dàng! Thầy giỏi là gì? Nói theo Phật môn, đức Phật là vị thầy giỏi nhất, là vị thầy chứng đắc quả vị rốt ráo, chẳng còn phải bàn cãi! Bồ Tát, Thanh Văn là thầy giỏi, là người chứng quả, tri kiến của các Ngài chắc chắn chẳng sai lầm. Kẻ chưa chứng đắc quả vị, ít nhiều vẫn có vấn đề, chưa chắc đã hoàn toàn chính xác. Đã chứng quả sẽ chính xác, giống như A La Hán đã thành Chánh Giác, chẳng có vấn đề gì. Bồ Tát là Chánh Đẳng Chánh Giác, Phật là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ở đây, thầy là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, trò là Chánh Giác, nhân duyên này quá thù thắng!

          Chúng ta tu học pháp môn này, nói thật ra, nếu thật sự tu học, một trăm phần trăm thuận theo, y giáo phụng hành, quý vị sẽ giống như A La Hán, bằng với Chánh Giác. Nếu thật sự một trăm phần trăm y giáo phụng hành, không chỉ là bằng với Chánh Giác, mà trên thực tế, có thể nói quý vị bằng với Chánh Đẳng Chánh Giác, điều này chẳng thể nghĩ bàn, pháp môn này khó có! Chúng ta nương theo phương pháp này để tu hành, nhất định phải dùng ba bộ kinh ấy. Đối với kinh Di Đà, chúng ta chọn hai bản chú giải quan trọng nhất là Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa và Di Đà Kinh Yếu Giải. Thứ hai là kinh Vô Lượng Thọ, thứ ba là Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh. Phải biến ba kinh này thành tư tưởng, kiến giải, và hành vi của bản thân chúng ta, một trăm phần trăm vâng thuận! Nói cách khác, quý vị niệm Phật trong một đời này, chắc chắn là Thượng Phẩm Thượng Sanh. Quý vị có thể làm được chín mươi phần trăm sẽ là Thượng Phẩm Trung Sanh; làm được tám mươi phần trăm sẽ là Thượng Phẩm Hạ Sanh. Làm được bảy mươi phần trăm, sẽ là Trung Phẩm Thượng Sanh; tùy thuộc quý vị làm được mấy phần! Làm được hai mươi phần trăm, quý vị là Hạ Phẩm Hạ Sanh! Hoàn toàn chẳng làm, vậy là đừng trông mong gì! Tuy quý vị niệm Phật hằng ngày, vẫn chẳng chắc ăn, [vãng sanh hay không] vẫn là một ẩn số. Có thể làm được từ hai mươi phần trăm trở lên, nói cách khác, người ấy quyết định vãng sanh, sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Nếu quý vị làm được từ tám mươi phần trăm trở lên, thưa cùng quý vị, quý vị vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới quyết định là cõi Thật Báo Trang Nghiêm, tùy thuộc chính quý vị.

Trong giảng đường này của chúng ta, ba kinh được giảng không ngừng; bản thân tôi có cảm xúc vô cùng rõ rệt, mỗi lần thù thắng hơn! Cảnh giới của chính tôi cũng khác hẳn, mỗi lần đều khác nhau; vì thế, tràn ngập lòng tin! Điều này rất ư khó có! Ngày nay, đức Phật là thầy của chúng ta, Thích Ca, Di Đà là thầy của chúng ta, các đại đức chú sớ là người dẫn đường, tiếp dẫn chúng ta! Liên Trì đại sư chú giải, các vị như Liên Trì và Ngẫu Ích là người dẫn đường cho chúng ta. Nếu chúng ta có thể thật sự y giáo phụng hành, đấy cũng là “nan đệ, nan huynh”, rất khó có, hết sức chẳng dễ dàng! Mắt thấy quý vị sẽ đến Tây Phương Cực Lạc thế giới làm Phật trong một đời này, nhân duyên này thù thắng dường ấy! Đó là nói “nhị câu nan đắc” (cả hai đều khó có).

          (Sao) “Thiện tác, thiện thuật” giả, cổ xưng Văn Vương dĩ Vương Quý vi phụ,  phụ tác ư tiền,  dĩ Vũ Vương vi tử, tử thuật ư hậu.

Kim diệc bất thủ bỉ ý.

          ()善作善述者,古稱文王以王季為父,父作於前,以武王為子,子述於後。今亦不取彼意。

          (Sao: “Khéo làm, khéo thuật” là cổ nhân nói tới Văn Vương, do cha Văn Vương là Vương Quý[2] đã làm từ trước (sáng lập công nghiệp), con Văn Vương là Vũ Vương kế tục công nghiệp; nay cũng chẳng dùng ý nghĩa này).

          “Thiện tác, thiện thuật” là khen ba thế hệ của nhà Châu, hiện thời trích dẫn điển cố này, nhưng không dùng theo ý nghĩa đó.

          (Sao) Lược dụ Phật vi phụ, chư A La Hán vi tử, sư tư đạo hợp cố.

          () 略喻佛為父,諸阿羅漢為子,師資道協故。

          (Sao: Nhằm sánh ví đại lược, Phật là cha, các vị A La Hán là con, do thầy trò hợp đạo vậy).

          “Sư tư đạo hợp” mới có thành tựu thù thắng, pháp hội thù thắng dường ấy, phổ độ mười phương thế giới hết thảy chúng sanh. Tiếp theo đây là phần giảng về Xứng Lý, đoạn văn này khá dài, Lý ở đây cũng khá sâu!

          (Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh vương số dung thông, thị Phật dữ đệ tử câu nghĩa.

          () 稱理,則自性王數融通,是佛與弟子俱義。

          (Sớ: Xứng Lý thì tâm vương, tâm số trong tự tánh dung thông chính là ý nghĩa Phật và đệ tử cùng tụ hội).

           “Vương số dung thông”: Vương là tâm vương, Số là tâm sở. Tám thức là tâm vương, năm mươi mốt tâm sở là Số. Tám thức ví như Phật, năm mươi mốt tâm sở ví như đệ tử. “Vương số dung thông” là nói xứng tánh. “Vương ngoại vô số, số ngoại vô vương”: Ngoài tâm vương không có tâm sở, ngoài tâm sở chẳng có tâm vương, mang ý nghĩa này!

          (Sao) Thai giáo vân.

          () 台教云。

          (Sao: Theo giáo nghĩa của tông Thiên Thai).

          Thiên Thai đại sư nói…

          (Sao) Tâm vương Như Lai, tâm số đệ tử. Kim thích vị vương giả, bát thức dã.

            () 心王如來,心數弟子。今釋謂王者,八識也。

          (Sao: Tâm vương là Như Lai, tâm số là đệ tử. Nay giải thích, nói đến Vương là nói tới tám thức).

          Ví tám thức như Vương.

          (Sao) Thử bát thức giả, thiện ác luân chuyển, diêu chi chủ tể, như vương ngự thần, như sư suất đệ tử cố. Số giả, ngũ thập nhất tâm sở dã. Thử ngũ thập nhất, nhất tắc hằng y tâm khởi, nhị tắc dữ tâm tương ứng, tam tắc hệ thuộc ư tâm, kỳ ư bát thức, như thần hướng quân, như đệ tử phụng sư cố.

          ()此八識者,善惡輪轉,繇之主宰,如王御臣,如師率弟子故。數者,五十一心所也。此五十一,一則恆依心起,二則與心相應,三則係屬於心,其於八識,如臣向君,如弟子奉師故。

          (Sao: Tám thức ấy làm chủ tể sự luân chuyển trong đường thiện, nẻo ác, như vua cai trị bầy tôi, như thầy dẫn dắt trò. “Số” là năm mươi mốt tâm sở. Năm mươi mốt món ấy, một là luôn nương vào tâm để sanh khởi, hai là tương ứng với tâm, ba là phụ thuộc vào tâm. Đối với tám thức, các tâm sở giống như bầy tôi hướng về vua, như đệ tử thờ thầy).

          Đoạn này, nói thật ra, nhằm giảng rõ nguyên lý sanh tử luân hồi trong lục đạo, vì sao có lục đạo? Vì sao có luân hồi? Nguyên lý ở ngay trong câu này. “Thiện ác luân chuyển” là nhân, sự sướng, khổ trong lục đạo là quả báo. Tạo nhân gì như thế nào sẽ đắc quả báo như thế ấy, nhưng chủ nhân của sự “tạo nhân, chịu báo” là A Lại Da thức. Duy Thức Luận thường nói: “Lai tiên, khứ hậu, tác chủ công” (đến trước, đi sau, làm ông chủ). Trong Bát Thức Quy Củ Tụng, Huyền Trang đại sư đã giảng rõ ràng, cái gì đến đầu thai trong lục đạo? A Lại Da thức đến đầu thai, đến lãnh chịu quả báo. Khi chết, cái nào rời đi cuối cùng? A Lại Da thức rời đi cuối cùng. Như vậy là nó đến trước tiên, rời đi cuối cùng, nó là chủ, tức là chủ nhân của việc xoay vần trong lục đạo, tạo nghiệp, hứng chịu quả báo. Phàm phu chúng ta chẳng liễu giải, coi nó là linh hồn, người Hoa gọi là linh hồn, trong Phật giáo gọi là A Lại Da thức, còn gọi là “thần thức”. Ngoại đạo Ấn Độ cũng chẳng liễu giải tình hình này, họ gọi nó là Thần Ngã (Ātman). Danh xưng bất đồng, nhưng nói về cùng một chuyện.

          “Thiện ác luân chuyển, diêu chi chủ tể” (là chủ tể của sự luân chuyển trong đường thiện, nẻo ác), đây là nói “tiền lục thức thông thiện, ác, vô ký, tam tánh” (sáu thức trước thuộc về ba tánh thiện, ác, không thiện, không ác). Nói cách khác, làm lành là nó, mà tạo ác cũng là nó, tạo tác chuyện chẳng thiện chẳng ác, thường gọi là “vô ký tánh”, cũng do nó. Quý vị tạo tác thiện, nhất định có thiện báo; tạo ác, nhất định có ác báo; tánh vô ký sẽ có một loại quả báo chẳng thiện chẳng ác, mỗi thứ đều có quả báo. Chư vị phải biết: Trong sáu thức trước (từ Nhãn Thức đến Ý Thức), thức có năng lực mạnh nhất là thức thứ sáu, tức Ý Thức. Ý Thức là gì? Là ý niệm suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ lung tung của chúng ta, đó là tâm vọng tưởng. Quý vị có thể nghĩ tới quá khứ, nghĩ tới hiện tại, nghĩ tới vị lai, thảy đều do thức thứ sáu, tức Ý Thức, nó nghĩ đến điều lành lẫn điều ác. Chư vị chớ nên coi nhẹ vọng tưởng. Một niệm quý vị vừa tưởng, sẽ gieo một chủng tử vào A Lại Da thức, chủng tử ấy gặp duyên sẽ phải nhận lãnh quả báo. Quý vị nghĩ tới điều lành là một chủng tử thiện, quý vị nghĩ tới điều ác là một chủng tử ác, chẳng cần đợi quý vị tạo ác! Nghĩ tới một điều ác, quý vị đã tạo ác nghiệp. “Ta chưa làm”, không làm, nhưng trong A Lại Da thức cũng có. Nếu quý vị còn làm, sức mạnh của chủng tử ác nghiệp ấy sẽ lớn mạnh. Quý vị chỉ nghĩ, chưa làm, thì sức mạnh của nó yếu hơn một chút, nhưng đều là chủng tử Kim Cang bất hoại giống như nhau! Vì thế, ý niệm quan trọng lắm! Trong kinh, đức Phật thường nói: “Bồ Tát úy nhân, chúng sanh úy quả” (Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả). Đến khi quả báo [ứng hiện], chúng sanh sợ hãi. Khi quả báo xảy đến, Bồ Tát chẳng sợ, Ngài biết có sợ cũng vô dụng, cảnh nghịch xảy đến bèn vâng chịu. Bồ Tát sợ gì? Sợ tạo nhân ác, sợ có ác niệm, các Ngài sợ những điều ấy. Vì thế nói: Tu hành nơi khởi tâm động niệm!

          Do vậy, chúng ta hãy tự suy nghĩ, chúng ta có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới hay không? Chuyện này chớ nên hỏi ai khác, chính mình suy nghĩ sẽ biết. Từ sáng đến tối, ta có niệm nào nhiều nhất? Niệm nào có sức mạnh mẽ nhất? Tương lai sẽ theo niệm ấy mà đi! Nếu ta suốt ngày từ sáng đến tối, tham niệm mạnh mẽ, tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, thứ gì ta cũng đều muốn, niệm ấy rất mạnh, nói cách khác, đời sau quý vị nhất định vào tam đồ! Sức mạnh của tham là nghiệp nhân trong ngạ quỷ đạo, đời sau nhất định thành quỷ. Con người đã chết, không nhất định trở thành quỷ, luân hồi trong lục đạo thì quỷ đạo chỉ là một trong sáu phần! Vì sao nói “người đã chết đều thành quỷ”? Quý vị hãy nghĩ xem có lý hay là không? Người nào chẳng tham? Tâm tham nặng nề, trong tương lai sẽ đều thành quỷ. Kẻ ấy hiện thời hằng ngày đều tạo nghiệp tham, nên sau khi chết đi, gần như là tám mươi phần trăm đều vào ngạ quỷ đạo! Vì thế nói “người ta chết đi đều thành quỷ”, lời ấy cũng nói có lý lắm, cũng chẳng thể bảo là hoàn toàn thiếu đạo lý.

          Nếu chúng ta muốn vãng sanh thế giới Cực Lạc, nói thật thà thì chúng ta niệm niệm đều là A Di Đà Phật, tâm tâm đều là A Di Đà Phật, chúng ta tạo nghiệp là A Di Đà Phật nghiệp. Tạo A Di Đà Phật nghiệp, chẳng thọ quả báo trong lục đạo, quý vị coi thử trong lục đạo có đường nào là A Di Đà Phật? Không có, chỉ có Tây Phương Cực Lạc thế giới là quả báo của A Di Đà Phật. Vì thế, quý vị tạo nghiệp nhân ấy, quả báo trong tương lai nhất định là sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì vậy, người muốn đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, từ sáng đến tối đừng dấy vọng tưởng, hết thảy niệm tốt lẫn niệm xấu thảy đều chẳng cần đến. Chúng ta chỉ có một niệm A Di Đà Phật, miệng niệm Phật, tâm tưởng Phật, niệm kinh bèn tưởng cảnh giới trong kinh, cảnh giới trong kinh là cảnh giới của A Di Đà Phật. “Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật”, đạo lý là như vậy đó. Do vậy, nó là chủ tể, tạo nghiệp ở nơi đây, sau này nhất định phải hứng chịu quả báo.

          Thức thứ bảy là ngã chấp kiên cố.  Trong Duy Thức  Luận thường

nói: “Tứ đại phiền não thường tương tùy”, nghĩa là [bốn đại phiền não] thường sẵn có kể từ lúc mới sanh, bốn điều gì vậy?

  1. Ngã Si, [tức là] ngu si đấy! Do ngu si, nên kẻ ấy mới chấp trước thân này là ta. Ngã kiến, ngã chấp do ngu si sanh ra, vô cùng kiên cố, chẳng dễ gì phá trừ!
  2. Ngã Ái là thứ bẩm sinh.
  3. Ngã Kiến, nay chúng ta gọi ngã kiến là thành kiến. Thành kiến rất sâu.
  4. Ngã Mạn, nói chung luôn cảm thấy ta mạnh hơn người khác, luôn thấy kẻ khác chẳng bằng ta. Ngạo mạn cũng là bẩm sinh.

Bốn đại phiền não này, thưa quý vị, chướng đạo, chúng là chướng ngại căn bản. Nếu chúng ta đã muốn niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị phải biết chư thượng thiện nhân trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có bốn thứ phiền não này. Nói cách khác, chúng ta phải nỗ lực nhạt bớt si, kiến, ái, mạn. Quý vị có thể nhạt bớt một phần, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, phẩm vị sẽ tăng cao một phần. Cả bốn thứ này đều chẳng có, quý vị sẽ vãng sanh trong ba phẩm thượng. Nếu quý vị chẳng đoạn những món này một chút nào, nói cách khác, nếu thật sự rất may mắn, quý vị sẽ vãng sanh trong ba phẩm hạ, chứ chẳng thể đạt được trung phẩm, quý vị là hạ phẩm vãng sanh!

          Có thể thấy đoạn những thứ ấy chẳng dễ dàng, vô cùng khó đoạn; nhưng trong hết thảy các pháp môn, nói thật ra, phương pháp Niệm Phật rất dễ đoạn phiền não, vì sao? Người niệm Phật chẳng cần đoạn phiền não mà phiền não tự nhiên chẳng còn, vì sao? Quý vị suốt ngày từ sáng đến tối chỉ niệm A Di Đà Phật, ý niệm nào khác đều chẳng có, chẳng đoạn mà đoạn, cách này khéo tuyệt vời! Thật sự nói đến đoạn phiền não, nói thật ra, chúng ta dốc hết tánh mạng cả một đời, sợ vẫn chẳng thể đoạn một phẩm Kiến Hoặc. Nói cách khác, nếu chẳng tu pháp môn này, tu bất luận pháp môn nào mà mong thành tựu trong một đời này đều chẳng dễ dàng, rất khó làm được! Sau đó, chúng ta mới biết pháp môn này thù thắng. Pháp môn này từ hạ hạ phẩm cho đến thượng thượng phẩm, đúng như Thiện Đạo đại sư đã nói: “Ngộ duyên bất đồng nhi hữu sai biệt” (do gặp duyên khác nhau mà khác biệt). Ngày nay chúng ta gặp duyên quá thù thắng, thù thắng khôn sánh! Có thể nói từ thời Dân Quốc tới nay, duyên phận thù thắng giống như chúng ta, đạo tràng thù thắng như vậy, chưa hề có! Trong quá khứ, đạo tràng của thầy Lý ở Đài Trung, mỗi tuần chỉ giảng kinh một lần, còn chúng ta mỗi tuần bốn lần. Hơn nữa, Ngài giảng kinh thì rất nhiều kinh Đại Thừa đều giảng, chẳng phải chuyên giảng kinh Tịnh Độ! Nay chúng ta duyên thù thắng, vượt trội quá nhiều, vượt trội những đạo tràng tại Đại Lục vào đầu thời Dân Quốc, có thể nói hiện thời nhân duyên của chúng ta thù thắng khôn sánh, mọi người đúng là đang hưởng phước mà chẳng biết chính mình có phước! Vì thế, chỉ cần chính mình có thể giác ngộ, sám hối, y giáo phụng hành, ai nấy đều nắm chắc vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới!

          Năm mươi mốt tâm sở là như trong Duy Thức Luận thường giảng: Biến Hành có năm tâm sở, Biệt Cảnh có năm tâm sở, Thiện có mười một tâm sở, Căn Bản Phiền Não có sáu tâm sở, Tùy Phiền Não có hai mươi tâm sở, Bất Định có bốn tâm sở. Trong Bách Pháp Minh Môn Luận đã giảng rất rõ ràng. Từ năm mươi mốt tâm sở, chúng ta rất dễ thấy thiện tâm sở ít, chỉ gồm mười một thứ, ác tâm sở nhiều, có hai mươi sáu thứ, tức sáu Căn Bản Phiền Não và hai mươi Tùy Phiền Não, số lượng ác nhiều, thiện ít! Nói theo sức mạnh thì cũng là thế lực ác mạnh mẽ, thế lực thiện yếu ớt! Vì thế, một người đi theo phương diện xấu thì dễ, hướng theo phương diện tốt sẽ khó khăn! Nguyên nhân căn bản là tâm sở nhiều hay ít, yếu hay mạnh đã được phơi bày rất rõ rệt ở trong ấy. Do vậy, một người có thể đoạn ác, tu thiện, có thể thật thà niệm Phật, chính là đại thiện căn, đại phước đức, đại nhân duyên, chẳng phải là chuyện ngẫu nhiên. Đúng như cổ đức đã nói: “Một ngày hiếm có, khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay”. Một ngày ấy là gì vậy? Cả ba thứ thiện căn, phước đức, nhân duyên đều hiện tiền, nhân duyên ấy khó có! Không chỉ là trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ. Ngày nay, ba nhân duyên ấy tụ hội, chúng ta gặp gỡ pháp môn này là “nhân duyên”, bản thân chúng ta có “thiện căn”, thiện căn là quý vị có thể tin tưởng, có thể lý giải; quý vị có “phước đức”, có phước đức chính là quý vị thật sự chịu phát nguyện, thật sự chịu y giáo tu hành, đấy là phước! Phước đức chẳng phải là nói quý vị hiện thời có địa vị trong xã hội, có tiền của, chẳng phải vậy. Phước báo ấy cũng như không, sau khi chết chẳng mang theo được gì! Đúng như trong phẩm Hạnh Nguyện đã nói: “Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân” (Muôn thứ không mang được, chỉ có nghiệp theo thân). Thứ gì cũng chẳng mang theo được! Vì thế, quý vị có thể tín giải, phát nguyện niệm Phật, đấy là phước báo lớn nhất, vì những điều này quý vị có thể mang theo được!    

          Năm mươi mốt tâm sở, vì sao được gọi là tâm sở pháp? Vì chúng “hằng y tâm khởi” (luôn nương vào tâm mà sanh khởi). Nói thật ra, năm mươi mốt loại tâm sở pháp là tác dụng tâm lý, đó gọi là “tám thức làm Thể”. Năm mươi mốt thứ ấy là tác dụng do tám thức dấy khởi. Dụng chẳng lìa Thể, vì thế, nó nương vào tâm mà sanh khởi. Lìa tâm, há có tâm sở? Chẳng có tâm sở. Lìa Thể, sẽ chẳng có tác dụng. Đấy là nói theo mặt khởi tác dụng. Thứ hai là “dữ tâm tương ứng” (tương ứng với tâm), Dụng chẳng lìa Thể, Thể chẳng lìa Dụng, nhất định là tương ứng. Vì thế, “hằng dữ tâm vương tương ứng, nhi bất ly” (thường tương ứng với tâm vương, chẳng lìa tâm vương). “Hệ thuộc ư tâm” (phụ thuộc vào tâm), chúng phụ thuộc tâm vương. Chẳng hạn như trong tám thức, A Lại Da thức có năm tâm sở, tức năm món Biến Hành. Thức thứ bảy có mười tám tâm sở, năm thức trước có ba mươi bốn tâm sở. Ý Thức, tức thức thứ sáu, có nhiều nhất, năm mươi mốt món tâm sở nó hoàn toàn trọn đủ. Vì thế, thức thứ sáu (Ý Thức) có công năng lớn nhất, Duy Thức Luận gọi nó là “tội khôi họa thủ” (đầu sỏ gây tội họa), lục đạo luân hồi do nó tạo tác, nhưng thành Phật, làm Tổ, nó cũng là đệ nhất đại công thần! Nay chúng ta niệm Phật, dùng tâm gì để niệm Phật? Đương nhiên là thức thứ sáu, tức Ý Thức niệm Phật, công của nó to lớn. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thành Phật, làm tổ cũng do thức thứ sáu (Ý Thức). Nói cách khác, nay bản thân chúng ta phải hiểu rõ ràng chân tướng sự thật này, chúng ta vận dụng thức thứ sáu (Ý Thức) ra sao, dùng nó để tạo nghiệp? Hay là dùng nó để niệm Phật? Nếu quý vị dùng nó thích đáng, sẽ thành Phật, thành Bồ Tát. Nếu dùng chẳng thích đáng, quả báo là tam đồ, tùy thuộc quý vị sử dụng nó như thế nào!

           (Sao) Hựu Trí Giác vân: “Thập đại Thanh Văn, giai thị tự tâm thập thiện pháp số”. Tỳ Đàm kệ vân: “Dục, tưởng, cánh nhạo, huệ, niệm, tư, cập giải thoát, tác ý ư cảnh giới, tam-ma-đề dĩ thống”.

          ()又智覺云:十大聲聞,皆是自心十善法數。毗曇偈云:欲想更樂慧,念思及解脫,作意於境界,三摩提以痛。

          (Sao: Lại nữa, ngài Trí Giác dạy: “Mười vị đại Thanh Văn đều là pháp số thập thiện trong tự tâm”. A Tỳ Đàm Luận có bài kệ: “Dục, tưởng, cánh nhạo, huệ; niệm, tư và giải thoát; tác ý nơi cảnh giới; tam-ma-đề và thọ”).

          Đây là một bài kệ trong A Tỳ Đàm Luận. Trí Giác là Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư, là tổ sư đời thứ sáu của Tịnh Độ Tông chúng ta, là A Di Đà Phật tái lai. Quý vị đọc bộ Di Đà Kinh Yếu Giải Thân Văn Ký của pháp sư Bảo Tĩnh, trong ấy đã trích dẫn câu chuyện này rất rõ ràng, nhưng trong cuốn [Di Đà Kinh Yếu Giải] Giảng Nghĩa, pháp sư Viên Anh không nhắc tới. Trong lời giảng giải, pháp sư Bảo Tĩnh nói rõ ngài Vĩnh Minh Diên Thọ là A Di Đà Phật tái lai, chuyện này là thật. Lão nhân gia nói “thập đại Thanh Văn” tức mười vị đại đệ tử của Thích Ca Mâu Ni Phật biểu thị pháp, các Ngài biểu thị điều gì? Tượng trưng cho mười thiện pháp trong tự tâm, tức là Thập Thiện trong tự tâm.        

“Dục, tưởng, cánh nhạo, huệ”:  Dục chính là Dục (欲) trong Biệt

Cảnh tâm sở[3], nói theo cách bây giờ, Dục là dục vọng. Trong cảnh giới ham thích, sanh khởi một điều mong mỏi, tức là nói đến Sở Duyên Duyên trong bốn duyên của sự sanh khởi niềm mong ấy. “Cần y vi nghiệp dụng” (siêng năng là tác dụng của nghiệp), Cần (勤) là siêng năng, nó khởi tác dụng. Tác dụng là phải nỗ lực theo đuổi, mong muốn đạt được; trong bốn duyên, nó chính là Vô Gián Duyên, vì tâm sở pháp thông với hết thảy các pháp. Như chúng ta hiện thời, có Dục hay không? Có! Chúng ta có dục vọng. Dục vọng của chúng ta là gì? Mong mỏi sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, mong thấy A Di Đà Phật, đó là dục vọng của chúng ta, là Sở Duyên Duyên của người niệm Phật chúng ta. Chúng ta đã có dục vọng ấy, phải nỗ lực theo đuổi, nhớ Phật, niệm Phật, chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, đó là tinh tấn, là siêng năng! Nhất định phải làm theo cách như vậy thì mới có thể thành công. Không chỉ duyên thế gian phải buông xuống, mà còn đừng nghĩ tới chúng, đừng nhớ tới chúng, vì quý vị nghĩ tưởng tới chúng, nghiệp báo sẽ là trong lục đạo, mỗi ngày đều tạo nghiệp lục đạo. Quyết định chẳng nghĩ tới, quyết định chẳng bận tâm tới chúng, niệm niệm chỉ nghĩ tới A Di Đà Phật, niệm niệm chỉ nghĩ tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, như vậy là được.

          Hiện thời, tôi trừ niệm Phật ra, có thể là tôi niệm Phật chẳng nhiều như quý vị, nhưng tôi xem kinh rất nhiều, tôi chuyên đọc ba kinh Tịnh Độ, mục đích nhằm mong giảng các kinh ấy hay hơn, có sức thuyết phục hơn, khiến cho mọi người nghe xong đều có thể tiếp nhận, trong tương lai mọi người đều vãng sanh, đó là chuyện tốt đẹp! Tôi nằm mơ cũng thấy đang giảng kinh, dưỡng thành một thói quen. Giảng kinh, hết thảy mệt nhọc đều chẳng có. Mỗi ngày trên tòa giảng tôi giảng tám tiếng, có bữa giảng chín tiếng, càng giảng càng hào hứng. Chẳng giảng thì chẳng có tinh thần! Đương nhiên là do Tam Bảo gia trì. Nhớ Phật, niệm Phật trọng yếu vô cùng! Đọc kinh cũng là tưởng Phật, tuy miệng chẳng niệm, trong tâm nghĩ tới Phật, tưởng cảnh giới của thế giới Cực Lạc. Đó là “dục, tưởng, cánh nhạo, huệ”.

          Tưởng là một Biến Hành tâm sở[4]. [Sách Diễn Nghĩa giảng] “ư cảnh thủ tướng vi tánh, thi thiết chủng chủng danh ngôn vi tha đích nghiệp dụng” (tánh của Tưởng là đối với cảnh bèn chấp tướng, nghiệp dụng của nó là [do chấp trước] bèn đặt ra các thứ danh từ [hình dung những gì nội tâm cảm nhận từ quá trình Xúc, Tác Ý và Thọ]). Nay chúng ta tưởng Tây Phương Cực Lạc thế giới, tưởng A Di Đà Phật cũng giống như vậy. Thế giới Cực Lạc là một danh hiệu, A Di Đà Phật cũng là một danh hiệu. Từ danh hiệu sẽ nghĩ đến cảnh giới trong thực tế. “Cánh nhạo” là Xúc trong Biến Hành tâm sở, [sách Diễn Nghĩa giảng] “Thọ, Tưởng, Tư đẳng sở y vi tha đích nghiệp dụng” (Nghiệp dụng của nó là chỗ để Thọ, Tưởng, Tư v.v… nương vào). Tâm và tâm sở cần phải tiếp xúc cảnh giới. Nói cách khác, chúng ta vận dụng vào pháp môn này, niệm niệm chẳng xả. Huệ chính là Huệ trong Biệt Cảnh. Ở đây, Huệ có nghĩa là chọn lựa, phân biệt, tức là quý vị có năng lực phán đoán, có năng lực chọn lấy hay bỏ đi. Nay trong hết thảy các pháp, chúng ta chọn lấy Tây Phương Cực Lạc thế giới, chọn cách trì danh niệm Phật, trong ngàn kinh vạn luận chỉ lấy ba kinh Tịnh Độ; đấy là trí huệ vô thượng.

          Vì thế, tôi khuyên các đồng tu, nếu quý vị có thể thật sự buông xuống, sẽ là một trăm phần trăm chân tu, tu Thượng Phẩm Thượng Sanh, buông xuống một trăm phần trăm. Không chỉ là buông pháp thế gian xuống, ngay cả Phật pháp cũng đều buông xuống, tôi niệm một quyển kinh. Vì thế, tôi khuyên mọi người niệm kinh Vô Lượng Thọ. Trước hết, quý vị niệm kinh Vô Lượng Thọ ba ngàn biến, những thứ khác đều buông xuống hết. Niệm xong ba ngàn biến, tâm quý vị định, đạt được Niệm Phật tam-muội, khai trí huệ. Nếu quý vị mỗi ngày niệm hai biến, trong thời gian năm năm sẽ hoàn thành, quý vị dùng thời gian năm năm có thể tu được Thượng Phẩm Thượng Sanh. Sau năm năm, quý vị biện tài vô ngại, đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian hễ lục căn tiếp xúc đều thông đạt; tuyệt đối chẳng giống như hiện thời chúng ta hôm nay đọc kinh này, ngày mai nghiên cứu kinh khác. Kẻ khác nghiên cứu sáu mươi năm chắc chắn chẳng bằng quý vị năm năm công phu, vì sao? Quý vị năm năm chuyên ròng, tương ứng với Chân Như bổn tánh. Kẻ kia nghiên cứu cả đời, luôn suy tưởng lung tung, vọng niệm tơi bời, Định, Huệ hoàn toàn chẳng có, vô tác dụng!

          Chúng ta thấy các vị cổ đức dạy học, thường là người học thân cận một vị thiện tri thức. Thiện tri thức bảo người ấy làm những việc nặng trong chùa miếu, trước nay cũng chẳng hề dạy cho người ấy điều gì. Người ấy làm ba năm hay năm năm, quả thật không thể nhịn được nữa, tìm gặp lão hòa thượng: “Con đến đây cầu pháp, đã làm nhiều năm như thế, Ngài chẳng dạy con điều gì”. Lão hòa thượng cười bảo người ấy, người ấy bèn khai ngộ, vì sao? Trong cuộc sống, lão hòa thượng hoàn toàn sống trong Giới, Định, Huệ, dạy quý vị điều gì? Thể nghiệm, rèn luyện trong cuộc sống, rèn luyện sao cho tất cả tập khí, khuyết điểm đều sạch sành sanh, tâm thanh tịnh, huệ bèn sanh. Huệ vừa sanh, hễ tiếp xúc Phật pháp bèn thông suốt. Cần phải giảng giải nữa chăng? Chẳng cần! Hễ tiếp xúc bèn thông đạt. Vì thế, mọi người chẳng cầu trí huệ chân thật, mà cầu gì? Cầu Thế Trí Biện Thông, lầm lẫn quá đỗi!

          Chúng ta muốn hoằng pháp, chuyện hoằng pháp tuyệt đối chẳng thể thực hiện bằng Thế Trí Biện Thông. Hoằng pháp bằng Thế Trí Biện Thông sẽ chẳng tránh khỏi phạm sai lầm, quý vị giảng kinh sẽ trật, hiểu sai ý nghĩa. Quý vị nhất tâm niệm bộ kinh này, nhất tâm hoằng dương bộ kinh này, chắc chắn tốt đẹp, sẽ được Tam Bảo gia trì. Khi quý vị đọc, sẽ khai trí huệ, có ngộ xứ. Khi quý vị giảng cho người khác nghe, cũng có ngộ xứ. Một mặt, ngộ xứ ấy do từ tâm quý vị đã định mà có, từ tam-muội do bản thân quý vị đã tu. Mặt khác là do A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí gia trì quý vị. Bởi lẽ, khi quý vị giảng không chuẩn bị, hoặc là đã chuẩn bị, nhưng lên đài giảng sẽ nói hoàn toàn khác với những gì đã chuẩn bị. Trên giảng đài, chẳng biết vì sao nói được như thế! Đó là: Trong là tam-muội, ngoài được Tam Bảo gia trì, nên xuất hiện sức mạnh ấy. Tuyệt đối chẳng phải là Thế Trí Biện Thông mà hòng làm được! Vì thế, tôi dạy quý vị, đây là một phương pháp và phương hướng chính xác, nếu quý vị không tin, tức là chính quý vị thiếu phước báo, tự mình có chướng ngại. Do đó, mọi người muốn niệm đến nhất tâm bất loạn, muốn thành tựu Niệm Phật tam-muội, muốn đắc huệ giải, muốn lợi ích hết thảy chúng sanh, nhất định phải thâm nhập một môn! Quý vị có thể buông hết thảy xuống, đấy là Định, mỗi ngày niệm kinh, niệm từ đầu đến cuối chẳng bỏ sót một chữ nào, chẳng niệm đảo lộn câu nào, chẳng đọc sai chữ nào, đó là trí huệ. Vì thế, niệm kinh là hoàn thành Tam Học Giới – Định – Huệ một lượt, tôi đã nói câu này rất nhiều lần. Cớ sao chẳng niệm kinh?

          Tu hành cần thân thể rất khỏe mạnh, thân chẳng khỏe mạnh sẽ không xong! Thân thể khỏe mạnh cũng do chính mình tu được. Năm ngoái, tôi từ Tân Gia Ba trở về, lão hòa thượng Tùng Niên dạy tôi một phương pháp, tôi nhớ đã kể với mọi người trong giảng đường, chẳng biết quý vị có làm hay không! Có một lần, đồng tu Tân Gia Ba mời tôi dùng cơm, pháp sư Diễn Bồi tiếp đãi. Pháp sư tuổi đã cao, bảy mươi hai tuổi, thân thể rất yếu, rất nhiều bệnh. Lão hòa thượng Tùng Niên tám mươi mấy tuổi, tóc bạc, mặt trẻ, đầu tóc trắng phau, da dẻ giống như da trẻ nhỏ. Ngài duỗi cánh tay ra: “Quý vị thấy da tôi mịn màng hay không?” Rồi Ngài dạy pháp sư Diễn Bồi: “Tôi dạy thầy một phương pháp, thầy về nhà học trong ba tháng, bảo đảm hữu hiệu, bệnh gì cũng chẳng có! Phương pháp rất đơn giản, là một chén nước sôi. Buổi tối lúc sắp đi ngủ, chuẩn bị sẵn một chén nước nóng, đến sáng hôm sau thức dậy, đừng rửa mặt, đừng súc miệng, vừa thức dậy, bước xuống giường bèn uống chén nước đó. Đứng vững vàng ở nơi đó, mặt hướng về phía Đông hoặc phía Đông Nam, tức là phương hướng mặt trời mọc, hướng về phương hướng đó, cầm vững chén nước trên tay, uống ba trăm ngụm, chớ nên nhiều hơn, mà cũng chớ nên ít hơn, mỗi một ngụm đều phải nuốt xuống”. Sư nói: “Chỉ cần thầy uống như vậy suốt ba tháng, bệnh tật gì cũng đều chẳng còn”. Trăm bệnh chẳng sanh! Người không bệnh tật sẽ tăng tuổi thọ!

          Ngài nói chính Ngài thọ một trăm ba mươi năm hay một trăm năm mươi năm chẳng có vấn đề gì, chính Ngài nắm chắc điều đó, thật dễ dàng! Nhưng phải có lòng kiên trì, vì sao? Uống xong một chén nước ấy, tôi thí nghiệm một phen, ba trăm ngụm phải mất bốn mươi lăm phút. Trong khi uống, hết thảy ý niệm đều phải buông xuống, một niệm cũng chẳng có! Nói thật ra, cách của Ngài là tu Định, cầm vững chén nước trên tay, đứng bất động nơi đó suốt bốn mươi lăm phút, đó là tu Định! Uống mỗi ngụm một chút, vì nếu quý vị uống một ngụm lớn, mấy ngụm đã hết sạch rồi! Nhất định phải uống ba trăm ngụm, chẳng thể nhiều hơn hay ít hơn, mỗi ngụm đều phải nuốt xuống. Do vậy, tôi nghĩ điều thứ nhất, trong tâm Ngài một niệm chẳng sanh, đấy là tu Định. Ba trăm ngụm, mỗi ngụm phải nhớ rõ ràng, trên thực tế là cách tu Sổ Tức Quán trong Thiền Tông. Ngụm thứ nhất, ngụm thứ hai, ngụm thứ ba đều là tu Sổ Tức. Đồng thời khiến cho nội tạng vận động, vì quý vị nuốt xuống mỗi ngụm, nội tạng lại vận động, nước thanh tẩy nội tạng. Thanh tẩy nội tạng, nội tạng vận động, lại còn có công phu định lực, lẽ nào chẳng có hiệu quả? Hôm nay, tôi đem phương pháp này truyền dạy quý vị lần nữa, sẽ tăng tuổi thọ, trăm bệnh chẳng sanh.

          Nhớ Phật, niệm Phật, chúng ta đều là thượng thượng phẩm vãng sanh; bởi lẽ, chúng ta mong cầu thượng thượng phẩm. Trước đây, do chúng ta chẳng thấu triệt giáo lý, chỉ cần hạ hạ phẩm vãng sanh là được rồi. Hiện thời, chúng ta liễu giải, chẳng làm chuyện ngốc nghếch nữa, phải cầu thượng thượng phẩm, vì sao? Chúng ta ai nấy đều có phần đối với cơ duyên Thượng Thượng Phẩm! Thập Địa Bồ Tát tới Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng lìa niệm Phật, Ngài là tín nguyện trì danh vãng sanh. Tuy chúng ta hiện thời là phàm phu sát đất, nhưng cũng là tín nguyện trì danh, dùng phương pháp giống như Thập Địa Bồ Tát. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, nếu chúng ta bị đãi ngộ chẳng bình đẳng sẽ là chuyện không thể có được! [Nếu có thì hóa ra là] chúng ta đến Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng phải bãi công, vẫn phải thỉnh nguyện! Không thể nào có chuyện ấy, phương pháp giống như nhau mà! Do thế giới ấy là thế giới bình đẳng, phàm ai vãng sanh tới đó đều viên chứng ba món Bất Thoái, đạo lý ở chỗ này! Mong mọi người hãy nỗ lực, đừng xem thường chính mình, chớ nên khinh rẻ chính mình, nhưng cũng đừng nên ngạo mạn, hiểu hết thảy các pháp là pháp bình đẳng, nghiêm túc tu Phổ Hiền thập nguyện. Chúng tôi vừa mới nói, kinh Vô Lượng Thọ vừa mở đầu [đã nói] các vị Bồ Tát ấy tu gì? Thảy đều tuân tu “Phổ Hiền đại sĩ chi đức”, nói cách khác, không vị nào chẳng tu mười đại nguyện vương. Vì thế, chúng ta phải nhấn mạnh mười đại nguyện vương, phải nỗ lực nghiêm túc thực hiện. Đó là Huệ như đang nói ở đây, tức là trí huệ đoạn nghi sanh tín, chọn lựa bằng trí huệ.

          “Niệm” là Niệm trong Biệt Cảnh, chúng ta dùng tâm sở này để niệm Phật, chúng ta niệm Phật hiệu, sáu chữ hay bốn chữ cũng thế, niệm từng chữ phân minh. Chúng ta tưởng A Di Đà Phật, tưởng Tây Phương Cực Lạc thế giới, cảnh giới ấy rõ ràng, rành rẽ. Nếu muốn cảnh giới rõ ràng, kinh chẳng thể không thuộc! Hiện thời, đại đa số mọi người đều thuộc kinh Di Đà, bước thứ hai là chúng ta phải thuộc kinh Vô Lượng Thọ. Sau khi niệm ba ngàn biến kinh Vô Lượng Thọ, lại niệm kinh Quán Vô Lượng Thọ. Quý vị chỉ cần hiểu rõ phương pháp và nhân quả được giảng trong kinh Quán Vô Lượng Thọ là được rồi. Trong tương lai, có thời gian, chúng tôi sẽ giảng Quán Kinh kỹ càng một lượt, giảng kỹ sẽ được lợi ích lớn nhất.

          Tư là Tư tâm sở trong Biến Hành. Năm Biến Hành là Tác Ý, Xúc,

Thọ, Tưởng, Tư. Nói thật ra, Tư là tạo tác. Văn tự Trung Quốc là một loại phù hiệu trí huệ. Quý vị thấy Tư là gì? Trong tâm dấy lên phân biệt, có giới hạn. [Trong chữ Tư (思)], phía trên chữ Tâm (心) là chữ Điền (田), tức là có giới hạn. Trong tâm có phân biệt, có giới hạn là Tư! Tư là tạo nghiệp, Tưởng chẳng tạo nghiệp. Tưởng (想) là trong tâm có tướng (相), quý vị vẫn chưa phân biệt, chẳng tạo nghiệp; Tư tạo nghiệp, Tư là có phân biệt. Chúng ta chẳng tạo nghiệp luân hồi trong lục đạo, mà tạo tịnh nghiệp, tạo tịnh nghiệp vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chúng ta tư tưởng (nghĩ nhớ) A Di Đà Phật, nghĩ tới cảnh giới Tây Phương Cực Lạc thế giới.

          Giải Thoát có nghĩa là tự tại; nay chúng ta gọi Tác Ý là chú ý, đây là tâm sở thứ nhất trong năm Biến Hành. Nói thật ra, nó có nghĩa là cảnh giác. Trong Tông Môn thường nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Giác là tác ý. Nay chúng ta thời thời khắc khắc đề cao tâm cảnh giác, tâm cảnh giác khiến cho chúng ta niệm Phật sẽ chẳng quên mất Phật hiệu. Do vậy, nói thật ra, bí quyết niệm Phật là chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, hai điểm này đều chẳng dễ dàng làm được; đặc biệt là chẳng xen tạp, khó thực hiện nhất! Chẳng hạn như người niệm Phật lại muốn nghiên cứu kinh luận khác, tu tập pháp môn khác, đó gọi là xen tạp, Thiện Đạo đại sư nói như vậy. Còn có Tây Phương Xác Chỉ do Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát giảng, người niệm Phật lại xem kinh, niệm chú, bái sám, làm pháp hội, lại còn nói chuyện gẫu chẳng khẩn yếu; đấy đều là xen tạp.

          Người tu hành xen tạp, trong một vạn người, khó có dăm ba người vãng sanh! Họ chẳng chuyên tu! Người chuyên tu quyết định vãng sanh, vạn người tu, vạn người về, chẳng sót một ai! Vì vậy, tạp tu chẳng bằng chuyên tu! Ngàn muôn phần chớ nên hiểu lầm những người đó là đại thông gia, học rộng, nghe nhiều, lầm rồi! Đến cuối cùng, những người đó tu gì cũng chẳng thành, vẫn luân hồi trong lục đạo. Nếu quý vị tâm độ chúng sanh thiết tha, hãy chuyên tu pháp môn Niệm Phật, sẽ độ vô lượng vô biên chúng sanh. Dẫu chẳng nói một câu nào, vẫn độ vô lượng vô biên chúng sanh, vì sao? Thân giáo! Quý vị nêu khuôn mẫu cho người khác nhìn vào! Đấy mới đúng là người thật sự giác ngộ! Khi quý vị ra đi tự tại, biết trước lúc mất, biểu diễn một chút, lúc tất yếu sẽ mở đại hội vãng sanh.

          Hà Đông tước sĩ phu nhân[5] ở Hương Cảng là mẹ ông Hà Thế Lễ, lúc mất đã mở đại hội vãng sanh. Bà cụ niệm Phật, con trai lẫn con dâu đều là tín đồ Cơ Đốc giáo ngoan đạo. Lúc còn sống bà cụ chẳng hề can thiệp, vì tự do tín ngưỡng mà! Khi lâm chung, biểu diễn cho họ xem, báo tin cho thân thích, bằng hữu khi nào sẽ đến nhà cụ để đưa cụ đi vãng sanh. Lúc cuối cùng, cụ gọi người nhà: “Các con suốt đời tin đạo, tín ngưỡng tự do, mẹ trọn chẳng xen vào, ngày hôm nay mẹ sang Tây Phương Cực Lạc thế giới, các con hãy niệm vài câu Phật hiệu đưa tiễn, chắc là được chứ?” Cả đời cụ chẳng đòi hỏi gì, yêu cầu nhỏ nhoi ấy, người nhà chẳng bàn cãi gì, cũng cung kính niệm Phật, niệm chưa đầy mười lăm phút cụ đã ra đi. Vì thế, người nhà từ Cơ Đốc giáo chuyển sang niệm Phật, vì sao? Chính mắt trông thấy, nên đã độ bọn họ từ Cơ Đốc giáo quay về, đều niệm Phật.

          Cụ mở đại hội biểu diễn vãng sanh thật cao minh! Đấy là hoằng pháp, chúng tôi suốt đời giảng pháp nát cái lưỡi, chẳng lợi hại bằng một chiêu của cụ! Quý vị thấy một chiêu ấy, TV, radio, báo chí chỗ nào cũng đều đăng tải, hiệu quả rộng lắm! Kẻ chẳng tin, trông thấy cũng tin tưởng, quý vị nói xem hiệu quả có lớn lắm hay không? Vì thế, hoằng pháp lợi sanh khuyên người chẳng phải là ra rả mỗi ngày, thật sự có hiệu quả, một chiêu bèn cảm hóa họ, khiến họ quay đầu. Bà cụ Hà Đông có thể làm được, nhưng nói thật ra, mỗi cá nhân đều có thể làm được, nhưng quý vị có muốn làm hay không mà thôi! Bằng lòng làm, ai nấy đều làm được! Nếu ở Đài Loan, mỗi năm đều có mấy người đến thời tiết nhân duyên, mỗi năm có đến mấy lượt mở đại hội vãng sanh, pháp môn Tịnh Độ sẽ được đề cao ngay lập tức! Vì thế, bình thường phải cảnh giác, chính mình phải chuyên, chẳng xen tạp, chẳng gián đoạn.

          “Tam-ma-đề dĩ thống”, Tam-ma-đề (Samādhi) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Định, [sách Diễn Nghĩa giảng] “ư sở quán cảnh, linh tâm chuyên chú bất tán vi tánh” (tánh của nó là đối với cảnh được quán, giữ cho tâm chuyên chú chẳng tán loạn), Định lấy khai trí huệ làm nghiệp dụng. Định là chuyên nhất, chúng ta quyết định chọn lấy pháp môn này, cả đời này quyết định chẳng thay đổi, tu một môn này đến cùng, đấy là Định. Chẳng xen tạp, chẳng gián đoạn là biểu hiện của Định. Quý vị tạp tu, sẽ chẳng có Định. “Thống” (痛) có nghĩa là Thọ trong năm Biến Hành; dùng chữ này để biểu thị, [nói lên ý nghĩa] tiếp nhận, lãnh nạp hết thảy cảnh giới. Trong cuộc sống, trong một đời, chúng ta có thuận cảnh và nghịch cảnh. Cảnh giới thuận hay nghịch hiện tiền, chúng ta đều phải tiếp nhận. Khi chúng ta tiếp nhận, đừng nẩy sanh mừng, giận, buồn, vui, đó là trí huệ. Trong thuận cảnh, đừng dấy tâm hoan hỷ, trong nghịch cảnh chớ nên sanh phiền não, vì sao? Dấy lên mừng, giận, buồn, vui nơi cảnh giới, Phật hiệu sẽ niệm chẳng thành, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng chẳng thành. Mục đích của chúng ta là Tây Phương Cực Lạc thế giới. Thuận cảnh nơi này dẫu tốt đẹp, ta chẳng tham ái, chúng chẳng giữ được chúng ta, chúng ta vẫn đến Tây Phương. Trong nghịch cảnh, chúng ta chẳng dấy phiền não, chẳng khởi sân hận, chúng ta biết hoàn cảnh dẫu xấu đến mấy, cũng bất quá là ngắn ngủi mấy năm hay mấy chục năm sẽ qua đi, hoàn cảnh sau đấy sẽ rất tốt đẹp! Ngàn vạn phần chớ nên bị nghịch cảnh ngắn ngủi tạo thành chướng ngại, như vậy mới là có trí huệ.

          (Sao) Thị tri Đại Ca Diếp giả, tâm Dục số, dĩ chí tồn xuất yếu,

thiện dục tâm phát, xả thế ác dục cố. Phú Lâu Na giả, tâm Tưởng số, dĩ tưởng tắc phân biệt, biện tài vô ngại cố.

          ()是知大迦葉者,心欲數,以志存出要,善欲心發,捨世惡欲故。富樓那者,心想數,以想則分別,辯才無礙故。

          (Sao: Do vậy biết ngài Đại Ca Diếp chính là Dục tâm sở, bởi tâm chuyên chú xuất thế, tâm ham muốn điều lành dấy lên, bỏ ác dục thế gian. Ngài Phú Lâu Na là Tưởng tâm sở, do tưởng nên phân biệt, biện tài vô ngại).

          Đây là nêu lên mười vị đại đệ tử để chứng minh các Ngài biểu thị mười pháp số Thập Thiện trong tự tâm, kể ra mấy thí dụ. Tôn giả Ca Diếp “tâm dục số” là nói Ngài tu khổ hạnh, chỉ có một mục đích là mong muốn vượt thoát sanh tử luân hồi trong lục đạo, mong muốn chứng đắc quả báo Đại Niết Bàn. Vì thế, Ngài có thể vứt bỏ ngũ dục lục trần trong thế gian, có thể buông xuống.

          Tôn giả Phú Lâu Na, “tâm tưởng số”, Ngài coi trọng Tưởng tâm sở. Tôn giả Phú Lâu Na thuyết pháp đệ nhất, tôn giả Ca Diếp Đầu Đà đệ nhất, khổ hạnh đệ nhất, thanh tâm quả dục (tâm thanh tịnh, ít ham muốn). Ngài cũng tượng trưng cho căn bản tu hành trong Phật pháp, tức là thanh tâm quả dục. Dục vọng ít, nhu cầu sẽ ít, nên cuộc sống đơn giản, “ư nhân vô tranh, ư thế vô cầu” (chẳng tranh với người, chẳng cầu mong đối với thế gian). Vì thế, xếp Ngài vào hàng đầu rất có lý. Tôn giả Phú Lâu Na “diễn thuyết Khổ, Không, Vô Thường, thâm đàm Thật Tướng” (diễn nói Khổ, Không, Vô Thường, bàn Thật Tướng sâu xa), bởi lẽ, trong tâm, Tưởng tâm sở đứng đầu, Tưởng tâm sở khởi tác dụng. Do tưởng, Ngài mới có thể “quán cơ thuyết pháp” (xét theo căn cơ để thuyết pháp), thành tựu biện tài vô ngại.

          (Sao) Ca Chiên Diên giả, cánh nhạo số, dĩ vấn đáp vãng phục, cánh tương thiệp nhập, luận nghị bất cùng cố.

            ()迦旃延者,更樂數,以問答往復,更相涉入,論議不窮故。

          (Sao: Ca Chiên Diên là Xúc tâm sở, do hỏi đáp qua lại, càng thêm thâm nhập, luận nghị chẳng cùng tận).

          Tôn giả Ca Chiên Diên là vị nghị luận bậc nhất trong mười vị đại

đệ tử, nay chúng ta nói [“vấn đáp”] là “biện luận”, Ngài biện luận bậc nhất. Vì trong khi biện luận, mỗi câu hỏi đáp, Ngài hỏi rất hay, mà đáp cũng rất khéo! Đấy là tùy cơ ứng biến, không như diễn thuyết. Diễn thuyết có thể chuẩn bị sẵn bài diễn giảng, có chuẩn bị. Biện luận chẳng có cách nào chuẩn bị, chẳng biết người khác hỏi vấn đề nào, chẳng biết người ta lấy chuyện gì để biện luận. Vì vậy, trí huệ chân chánh thì mới có thể hùng biện, tùy cơ ứng biến. Do vậy, Ngài đạt được pháp lạc.

          (Sao) Nãi chí huệ Xá Lợi Phất, niệm Ưu Ba Ly.

            () 乃至慧舍利弗,念優波離。

          (Sao: Cho đến Xá Lợi Phất là huệ, Ưu Ba Ly là niệm).

           Ngài Xá Lợi Phất trí huệ đệ nhất, Ngài “đắc vô nghi giải thoát”, nói cách khác, do đâu mà ngài Xá Lợi Phất có trí huệ? Ngài đoạn sạch hết thảy nghi lự, chẳng còn nghi. Không còn nghi, chỉ có chánh tín, đấy là bí quyết tu hành của ngài Xá Lợi Phất. Nay chúng ta đối với pháp môn này, tin sâu, chẳng nghi, mảy may hoài nghi đều không có, quyết định chọn lựa pháp môn này, tu học pháp môn này. Chúng ta nhất loạt tán thán, ca ngợi các pháp môn khác, nhưng chẳng học. Người nào học, chúng ta đều tán thán, đều hoan hỷ, nhưng chúng ta chẳng học. Bất luận ai khen pháp môn khác hay khéo ra sao, chúng ta chẳng động tâm. Chúng ta cũng đồng ý với lời họ nói, nhưng tuyệt đối chẳng dấy lên ý niệm mong tu học; đó là Chánh Tín, là trí huệ. “Niệm Ưu Ba Ly”, tôn giả Ưu Ba Ly trì giới đệ nhất, vì Ngài thọ trì giới luật, chánh niệm phân minh, cho nên gọi là “niệm đệ nhất”. Ngài có thể ước thúc thân tâm, chẳng phạm giới luật.

 

          (Sao) Tư La Hầu La, giải thoát Thiện Cát, tác ý Na Luật, tam-ma Mục Liên, thống A Nan đẳng. Thống giả, thọ dã, lãnh nạp ý dã.

          ()思羅睺羅,解脫善吉,作意那律,三摩目連,痛阿難等。痛者,受也,領納意也。

          (Sao: La Hầu La là tư, Thiện Cát là giải thoát, A Na Luật là tác ý, Mục Liên là Tam-ma-đề, A Nan là thống. Thống mang ý nghĩa nhận lãnh, lãnh nạp).

 

          “Tư La Hầu La”, tôn giả La Hầu La suốt ngày từ sáng đến tối vui chơi, nhưng đức Phật biết công phu tu hành của Ngài, người khác chẳng hiểu, Ngài là mật hạnh bậc nhất. Ngài tu hành chẳng coi trọng bề ngoài; vì thế, quý vị nhìn từ bề ngoài sẽ chẳng thấy, Ngài hoàn toàn dùng công phu bên trong, trong chơi đùa, đã thật sự dụng công, mật hạnh bậc nhất. Vì thế, nói là “tư La Hầu La”. Vì sao? Nếu chẳng phải là chánh tư duy, Ngài chẳng thể thành tựu. Vì thế, chánh tư duy trong khi giỡn hớt, chơi đùa. “Giải thoát Thiện Cát”, Thiện Cát là tôn giả Tu Bồ Đề, giải Không đệ nhất. Vì thế, trong kinh Bát Nhã có Ngài. Kinh Kim Cang là do đức Phật giảng cho tôn giả Tu Bồ Đề. “Tác ý Na Luật”, tôn giả A Na Luật là Thiên Nhãn đệ nhất. Vì tác ý nên mới có thể hiển hiện thần thông. Chẳng tác ý, Ngài sẽ chẳng có năng lực ấy. Tác Ý là chú ý. Hễ Ngài chú ý, năng lực ấy hiện tiền. Chẳng chú ý, chính là như thường nói: “Nhìn mà chẳng thấy, nghe tai nọ lọt qua tai kia”, thiếu chú ý! Khi ngài A Nậu Lâu Đà chú ý, năng lực Thiên Nhãn của Ngài có thể thấy tam thiên đại thiên thế giới.

          “Tam Ma Mục Liên”, ngài Mục Liên thần thông đệ nhất, thần thông do Định mà có. Nói cách khác, tôn giả Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất, cũng có nghĩa là Ngài Thiền Định đệ nhất, trong Định mới có thể hiện thần thông. “Thống A Nan”, Thống là Thọ. Ngài A Nan đa văn đệ nhất, Ngài đắc “văn tự tổng trì, lãnh thọ bất vong” (văn tự tổng trì, nhận lãnh chẳng quên), có thể tiếp nhận. Đức Phật giảng một lần, Ngài bèn ghi nhớ rõ ràng, rành rẽ, vĩnh viễn chẳng quên mất. Ở đây, Thống có nghĩa là Thọ, mang ý nghĩa “lãnh nạp”, tức là tiếp nhận.

 

          (Sao) Vương tất cụ số, số tất quy vương, thử nhị tương phù, nhi thủ khai ngộ. Nhược vương, nhược số, bất xuất tự tâm, đản đắc nhất tâm, vương số câu tận.

          ()王必具數,數必歸王,此二相扶,而取開悟。若王若數,不出自心,但得一心,王數俱盡。

          (Sao: Tâm vương ắt có tâm sở, tâm sở ắt quy vào tâm vương. Hai thứ ấy phù hợp với nhau sẽ đạt được khai ngộ. Dù tâm vương hay tâm sở đều chẳng ra ngoài tự tâm, chỉ cần đắc nhất tâm thì tâm vương lẫn tâm sở đều mất).

          Tâm vương và tâm sở đều được gộp trong nhất tâm. Bốn câu này là tổng kết, bắt đầu từ nhất niệm vô minh, mê mất chân tánh của chính mình, biến thành tám thức, từ tám thức lại sanh ra năm mươi mốt tâm sở, giống như trên không sanh ra mây mù, trên biển nổi sóng gió. Nay chúng ta khéo vận dụng tâm (tâm vương) và tâm sở, nhất định có thể khai ngộ, khói tiêu, mây tan! Đến cuối cùng, chỉ còn lại có mỗi mình chân tâm, “duy nhất chân tâm”, trong kinh này gọi nó là nhất tâm bất loạn. Do vậy, ta biết ý nghĩa đại chúng tụ hội, nói theo phương diện xứng tánh, cũng có thể quy kết vào nhất tâm bất loạn. Ngày hôm nay chúng tôi giảng tới chỗ này.

[1] Trần Thật (104-185), tự là Trọng Cung, người đất Hứa, Dĩnh Châu (nay là huyện Hứa Xương, tỉnh Hà Nam), làm huyện lệnh Thái Khâu thời Hán Hoàn Đế. Ông là người điềm tĩnh, đạo đức, cai trị rất tốt, phán quyết công minh, dân chúng vô cùng kính phục. Khi ông mất, có tới ba vạn người đến điếu tang. Trần Thật có nhiều con: Trần Kỷ, Trần Quỳ, Trần Hiệp, Trần Thầm, Trần Hưu và Trần Quang, nhưng chỉ có Trần Kỷ và Trần Thầm là lỗi lạc. Trần Thật, Trần Kỷ và Trầm Thầm được xưng là Tam Quân thời ấy. Trần Kỷ, tự Nguyên Phương, được tôn xưng là bậc danh đức đương thời. Do thấy triều đình rối ren, không ra làm quan, ở nhà dạy học và trước tác bộ Trần Thư nổi tiếng, mãi cho đến khi Đổng Trác lấn hiếp vua, ép ông ra làm quan, mới bất đắc dĩ nhận chức Ngũ Quan Trung Lang Tướng. Đổng Trác có ý muốn thiên đô từ Lạc Dương về Trường An, trăm quan bợ đỡ, chỉ riêng Trần Kỷ dám phản đối. Đổng Trác rất tức giận, nhưng do kính sợ tài đức của ông nên phải nuốt giận. Nhân khi được bổ sang làm Tướng Quốc nước Bình Nguyên (một nước chư hầu của nhà Hán thời ấy, thuộc địa phận tỉnh Sơn Đông hiện thời), Trần Kỷ liền thu xếp hành trang rời khỏi Lạc Dương ngay. Về sau, Trần Kỷ làm quan đến chức Đại Hồng Lô. Trần Thầm tự là Quý Phương, đạo đức, phẩm hạnh chẳng kém anh. Trần Thầm từng làm quan đến chức Tư Không Duyện (tương đương thứ trưởng bộ Công Nghiệp hiện thời), tuy mất sớm, nhưng con cháu của Trần Thầm lại nổi trội và được ghi danh trong lịch sử nhiều hơn Trần Kỷ.

[2] Vương Quý tên thật là Cơ Quý Lịch, là con thứ ba của Châu Thái Vương (Cơ Đàn Phụ). Do Châu Thái Vương thấy con của Vương Quý là Cơ Xương (Châu Văn Vương) sẽ làm rạng rỡ công nghiệp nhà Châu nên muốn truyền ngôi cho Vương Quý. Hai anh của Vương Quý là Thái Bá và Trọng Ung liền giả vờ lên núi hái thuốc rồi trốn đi, để Quý Lịch làm vua. Thái Bá và Trọng Ung cắt tóc, xâm mình, giống như người ở phương Nam, vượt sông Trường Giang, lập ra nước Ngô. Vương Quý đánh phạt giặc Nhung Dư Vô, Thỉ Hô và cầm tù ba đại phu của giặc Nhung, oai danh lừng lẫy, biến tiểu quốc Châu thành cường thịnh, mở rộng lãnh thổ nhà Châu, khiến vua nhà Thương là Văn Đinh (tên thật là Tử Thác, ông nội của Trụ Vương), nghi kỵ, lấy cớ thưởng công, triệu về kinh, rồi kiếm cớ bắt giam, khiến Vương Quý chết đói trong ngục. Cả ba đời Vương Quý, Văn Vương, Vũ Vương (Cơ Phát) đều làm nước Châu từ một nước nhỏ bé ở Tây Kỳ trở thành một chư hầu hùng mạnh của nhà Thương, nên người ta thường khen ngợi ba vị này là “thiện tác, thiện thuật” ý nói Vương Quý khéo khai sáng công nghiệp, Văn Vương và Vũ Vương khéo kế thừa.

[3] Biệt Cảnh: Các tâm sở do duyên theo từng cảnh riêng biệt mà phát sanh tác dụng tâm lý, gồm Dục (Chanda), thắng giải (Adhimoksa), niệm (Smrti), định (Samādhi), huệ (Prajñā).

[4] Biến Hành (Sarvatraga) là một loại tâm sở, đối ứng với Biệt Cảnh. Khi bất cứ sự nhận thức nào sanh khởi, nó đều là hoạt động tâm lý, mang tánh chất phổ biến, nên gọi là Biến Hành. Đại Thừa Quảng Ngũ Uẩn Luận giảng: “Loại này chung khắp cho hết thảy các tâm thiện, ác, vô ký, nên gọi là Biến Hành”. Biến Hành bao gồm:

  1. Xúc (Sparsha) chỉ tác dụng tinh thần phát sanh khi Căn, Thức, và Cảnh hòa hợp, Xúc cũng dùng để chỉ các cảm giác khách quan khi Căn tiếp xúc Trần.
  2. Tác Ý (Manasi-kara), tác dụng tinh thần do chú ý nhận biết đối với một tâm cảnh nào đó.
  3. Thọ (Vedana), tác dụng tiếp nhận của nội tâm sau khi đã có Xúc.
  4. Tưởng (Samjna): Tác dụng chuyển biến, tiếp nhận hình ảnh của cảnh vào trong nội tâm, có thể tạm hiểu là tri giác biểu tượng trong tâm lý học hiện đại.
  5. Tư (Cetana), tức là sự tạo tác trong nội tâm, nẩy sanh phân biệt, quan điểm, thành kiến, sau khi Tưởng xuất hiện trong nội tâm.

[5] Hà Đông tước sĩ phu nhân chính là bà Trương Tịnh Dung, bình thê của Hà Đông tước sĩ (Sir Robert Hotung, 1862-1956). Ông này là một doanh gia thành công và là một nhà từ thiện nổi tiếng, cha là người Hòa Lan gốc Do Thái (Charles Henri Maurice Bosman), lấy tên Trung Hoa là Hà Sĩ Văn, mẹ họ Thí, không rõ tên, quê ở huyện Bảo An, tỉnh Quảng Đông. Hà Đông tước sĩ là một trong những người Trung Hoa được phong tước Hiệp Sĩ (Knight, người Hoa dịch là Tước Sĩ) đầu tiên. Hotung rất được chính quyền Anh tại Hương Cảng nể trọng, từng bí mật tài trợ kinh phí cho Tôn Dật Tiên tiến hành chuẩn bị cách mạng Tân Hợi. Lúc gần mất, ông đột ngột rửa tội theo đạo Tin Lành, nên con cái phần nhiều theo đạo Cơ Đốc. Trước khi mất, ông đã dành ra năm mươi vạn tiền Hương Cảng để lập quỹ từ thiện, tức Hà Đông Tước Sĩ Từ Thiện Cơ Kim. Ông có hai vợ, nguyên phối là Mạch Tú Anh (chỉ có một con trai là Hà Thế Vinh), bình thê (đây là người vợ thứ hai, nhưng có quyền hạn ngang hàng với vợ chính theo chế độ đa thê thời ấy), tức bà Trương Tịnh Dung đang được hòa thượng Tịnh Không nhắc đến ở đây. Bà Trương Tịnh Dung thường được biết dưới hiệu Trương Liên Giác, là em họ bên ngoại của bà Mạch Tú Anh. Bà Tịnh Dung có mười người con, trong đó có ba người con trai, tướng quân Hà Thế Lễ (Robbie Hotung) là con trai thứ ba, nhưng đứng thứ bảy trong mười anh chị em. Tướng quân Hà Thế Lễ (1906-1998) là một thương gia thành công đồng thời là thượng tướng bậc hai của quân đội Trung Hoa Dân Quốc, từng tốt nghiệp từ học viện Quân Sự Woolrich của Anh và trường pháo binh Fontainebleau của Pháp. Ông Hà Thế Lễ từng giữ chức thứ trưởng bộ Quốc Phòng Đài Loan, và là ủy viên Trung Ương Đảng của Quốc Dân Đảng Đài Loan. Một người con gái khác của cụ Trương Tịnh Dung là Hà Ngải Linh (Hà Kỳ Tư), thường được biết đến dưới tên gọi Dr. Irene Cheng (do chồng bà là ông Trịnh Tương Tiên) từng dạy triết học tại nhiều đại học và tích cực bảo tồn Khổng Học. Bà Irene Cheng có viết một tác phẩm nhan đề Hà Đông Tước Sĩ Phu Nhân Trương Liên Giác Cư Sĩ Truyện (nhan đề tiếng Anh là “Clara Ho Tung: A Hong Kong Lady, Her family and her times”, do Hương Cảng Đại Học Xuất Bản Xã ấn hành năm 1976) để kể về hành trạng của mẹ.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *