#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 01-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 254
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm lẻ hai:
(Sao) Hựu Hoa Nghiêm Thập Địa liên hoa văn vân: “Lưu ly vi hành, chiên đàn vi đài, mã não vi tu, Diêm Phù Đàn kim vi diệp”, tịnh xưng hành, đài, tu, diệp. Nhi Niết Bàn diệc vân: “Thí như hành, diệp, tu, đài, hợp vi liên hoa”. Thử sở vị đài, giai phòng đài dã.
(鈔)又華嚴十地蓮華文云:琉璃為莖,栴檀為臺,瑪瑙為鬚,閻浮檀金為葉。並稱莖臺鬚葉。而涅槃亦云:譬如莖葉鬚臺,合為蓮華。此所謂臺,皆房臺也。
(Sao:Lại nữa, phần nói về hoa sen trong phẩm Thập Địa của kinh Hoa Nghiêm có nói: “Lưu ly làm cuống, chiên đàn làm đài, mã não làm tua (nhị sen), vàng Diêm Phù Đàn làm cánh hoa”, cùng nói đến cuống, gương, tua, cánh. Mà kinh Niết Bàn cũng nói: “Ví như cuống, cánh, tua, đài hợp thành hoa sen”. Đài được nói [trong các đoạn kinh văn ấy] đều là gương sen vậy).
Đại sư trích dẫn kinh văn từ kinh Hoa Nghiêm và Niết Bàn để chứng minh. Đức Phật nói tới “liên đài” rất nhiều, trong các kinh đều có nói. Đối với “đài” được nói ở đây, ta gọi là “gương sen” hoặc “đài sen”; chữ “phòng đài” [trong Sớ Sao] có ý nghĩa ấy.
(Sao) Tức Pháp Hoa “Chân Thúc Ca bảo dĩ vi kỳ đài” chi ý dã.
(鈔)即法華甄叔迦寶以為其臺之意也。
(Sao: Chính là ý nghĩa của [chữ Đài] trong câu “dùng báu Chân Thúc Ca để làm đài” trong kinh Pháp Hoa).
Trích từ kinh Pháp Hoa. “Chân Thúc Ca (Kiṃśuka) bảo” là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là “hồng bảo thạch”.
(Sao) Quán thị, tắc tri Quán Kinh hoa tòa quán trung, tiên ngôn
tác liên hoa tưởng, thứ vân Thích Ca Tỳ Lăng Già bảo dĩ vi kỳ đài, tắc hoa nội chi đài dã.
(鈔)觀是,則知觀經華座觀中,先言作蓮華想,次云釋迦毗楞伽寶以為其臺,則華內之臺也。
(Sao: Xem đó bèn biết trong phần Hoa Tòa Quán của Quán Kinh, trước hết nói quán tưởng hoa sen, kế đó nói “báu Thích Ca Tỳ Lăng Già để làm đài” chính là [nói tới] cái đài ở bên trong hoa vậy).
Những điều được nói trong các kinh đủ để chứng minh kim cang đài hay tử kim đài đều nhằm chỉ gương sen trong hoa sen. “Thích Ca Tỳ Lăng Già bảo” (Śakrābhilagna-maṇi-ratna) là danh xưng của một loại bảo châu, cũng là tiếng Phạn, có nghĩa là Năng Thắng. Loại bảo châu này vô cùng trân quý, hết sức hiếm có, thù thắng.
(Sao) Hựu vân: “Nhất nhất kim sắc, xứ xứ biến hóa, hoặc tác kim cang đài, hoặc tác trân châu võng đẳng”, tắc hoa hạ chi đài dã.
(鈔)又云:一一金色,處處變化,或作金剛臺,或作珍珠網等,則華下之臺也。
(Sao: Lại nói: “Mỗi một sắc vàng, biến hóa khắp nơi, hoặc biến ra đài kim cang, hoặc là lưới trân châu v.v…” chính là [nói tới] cái đài ở dưới hoa vậy).
Hoa ở trên đài, trong hoa cũng có đài.
(Sao) Cố thượng phẩm trung sanh, tiên ngôn tử kim đài, thứ vân túc hạ diệc hữu thất bảo liên hoa, tắc tử kim đài tại hoa hạ, minh hỹ.
(鈔)故上品中生,先言紫金臺,次云足下亦有七寶蓮華,則紫金臺在華下明矣。
(Sao: Vì thế, trong phần thượng phẩm trung sanh [của Quán Kinh], trước hết nói đến đài tử kim, sau đó nói “dưới chân cũng có hoa sen bảy báu”, rõ ràng là nói tới đài vàng ở dưới hoa).
Nói theo kiểu này là nói tới cái đài [nâng đỡ] ở phía dưới hoa.
(Sao) Hoa tất hữu đài, đài tất hữu hoa, ngôn kim cang đài, bất
ngôn hoa, dữ ngôn hoa bất ngôn đài, văn tiền hậu hỗ hiển nhĩ.
(鈔)華必有臺,臺必有華,言金剛臺,不言華,與言華不言臺,文前後互顯耳。
(Sao: Hoa ắt có đài, có đài ắt phải có hoa. Nói “đài kim cang, chẳng nói hoa”, và “nói hoa, chẳng nói đài”, kinh văn trước sau soi tỏ lẫn nhau vậy).
Chúng ta đọc kinh Phật hãy nên biết điều này. Đức Phật thuyết pháp, rồi người đời sau kết tập, ghi chép thành văn tự. Trong văn tự, chẳng tránh khỏi có chuyện tu từ[1], tức là tại Trung Hoa, vào thuở phiên dịch, sau khi hoàn thành một bộ kinh, vẫn phải tìm những bậc đại văn học gia làm công tác tu từ, [tức là] giữ cho ý nghĩa chẳng thay đổi, nhưng [điểm xuyết] từ ngữ, câu văn cho đẹp. Người Hoa làm công tác này. Chúng tôi nghĩ: Khi tôn giả A Nan kết tập, thoạt ban sơ cũng phải nên có công tác tô điểm này. Vì thế, văn tự có chỗ nói rõ hoặc tỉnh lược lẫn nhau: Ở nơi đây đã nói rất rõ rệt thì ở chỗ kia bèn nói đơn giản, ở chỗ kia nói rất rõ rệt thì ở nơi đây bèn nói đơn giản. Vì thế, phải gộp lại để xem thì mới có thể thấy ý nghĩa hoàn chỉnh!
(Sao) Đản thượng thượng phẩm nhất sanh liên trung, tức thời hoa khai, tức thời kiến Phật, tức thời chứng đạo. Kỳ dư tắc hoa khai tiệm vãn, kiến Phật tiệm trì, chứng đạo tiệm viễn. Dĩ thị phân biệt, tri thượng thượng độc thắng, phi vị vô liên dã!
(鈔) 但上上品一生蓮中 ,即時華開,即時見佛,即時
證道;其餘則華開漸晚,見佛漸遲,證道漸遠。以是分別,知上上獨勝,非為無蓮也。
(Sao: Chỉ cần sanh vào hoa sen thuộc thượng thượng phẩm, ngay lập tức hoa nở, ngay lập tức thấy Phật, ngay lập tức chứng đạo. Trong những phẩm khác thì hoa nở chậm dần, thấy Phật trễ dần, chứng đạo xa dần, dùng những điều ấy để phân biệt bèn biết thượng phẩm thượng sanh thù thắng độc đáo, chứ không phải là do chẳng có hoa sen vậy).
Đây là đại sư nói rõ sự sai biệt hơn kém trong chín phẩm. Trong chín phẩm, chỉ có thượng thượng phẩm vãng sanh về nơi ấy, hoa liền nở, thấy Phật. Trong bài kệ Hồi Hướng chúng ta thường niệm [có câu]: “Hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh”. “Ngộ Vô Sanh” là chứng đạo. Quả vị Vô Sanh Pháp Nhẫn cũng có cạn hay sâu khác biệt. Theo như kinh Nhân Vương đã nói, sở chứng của Thất Địa Bồ Tát là hạ phẩm Vô Sanh Pháp Nhẫn, Bát Địa là trung phẩm, Cửu Địa là thượng phẩm. Nếu chúng ta nới lỏng tiêu chuẩn một chút, Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo cũng có thể nói là “hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh”. Sử dụng cách nói theo Lục Tức Phật của tông Thiên Thai thì Vô Sanh thuộc về Phần Chứng, tức là chứng đắc vài phần, chẳng chứng đắc viên mãn. Tông Thiên Thai nói Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo là Phần Chứng Phật. Đó là nói về sự chứng đạo. Chúng ta phải hiểu: Cùng là thượng thượng phẩm vãng sanh như nhau, nhưng địa vị trong ấy vẫn có bất đồng, vẫn là có phân chia cao thấp. Bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ, chia nhỏ sẽ thành bốn mươi mốt giai cấp, đều là thật sự chứng quả. Bồ Tát thuộc các địa vị ấy, dẫu chẳng cần bổn nguyện và oai thần A Di Đà Phật gia trì, vị ấy cũng có năng lực và cũng có thần thông đến mười phương thế giới hóa độ chúng sanh, đáng nên dùng thân Phật để đắc độ, Ngài bèn có thể hiện thân Phật để thuyết pháp. Trong khá nhiều kinh Đại Thừa, đức Phật đã nói chuyện này. Đấy là Pháp Thân đại sĩ, thượng thượng phẩm vãng sanh. Nếu là phàm phu vãng sanh, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, phàm phu có phần trong thượng thượng phẩm hay không? Cũng có! Thiện Đạo đại sư nói chúng ta gặp duyên bất đồng. Nếu gặp duyên thù thắng, xác thực là cũng có thể đạt đến thượng thượng phẩm vãng sanh. Dẫu phẩm vị vãng sanh của chúng ta chẳng cao như vậy, nghiệp chướng tập khí của chúng ta rất nặng, đới nghiệp vãng sanh, sanh về Tây Phương thế giới, vãng sanh trong ba phẩm hạ. Sau khi đã tới thế giới Cực Lạc, chúng ta có năng lực gần giống như thượng thượng phẩm, tức là: Hạ hạ phẩm vãng sanh hễ đã tới thế giới Tây Phương, cũng có thể tùy loại hóa thân đến phổ độ chúng sanh trong các thế giới phương khác. Do đâu mà có năng lực ấy? Năng lực ấy chẳng phải là của chính mình! Chính mình chưa kiến tánh, chẳng phá vô minh, chẳng thấy Pháp Thân. Năng lực ấy do A Di Đà Phật gia trì. Chư vị phải ghi nhớ: Trong các thế giới phương khác chẳng có [chuyện kỳ đặc này], chỉ riêng Tây Phương Cực Lạc thế giới là có, tức là người trong thế giới Cực Lạc chẳng phá vô minh, chẳng chứng đắc Pháp Thân, cũng giống như Pháp Thân đại sĩ ứng hóa trong mười phương các cõi Phật. Tây Phương được gọi là thù thắng bậc nhất là do chỗ này.
“Kỳ dư” là nói những phẩm vị khác kể từ thượng trung phẩm trở xuống, thời gian hoa nở chậm hơn. “Kiến Phật”: Thấy Phật ở đây là thấy Báo Thân Phật. Nếu nói tới Ứng Hóa Phật thì gặp mặt mỗi ngày. Chư vị phải biết: Ba ngàn năm trước, Thích Ca Mâu Ni Phật giáng sanh trong thế giới này, từng vì chúng sanh thuyết pháp bốn mươi chín năm, tám mươi tuổi mới nhập Bát Niết Bàn. Thân tướng của vị Phật này được gọi là Ứng Thân Phật, chẳng phải là Báo Thân. Nếu Báo Thân Phật có đến [thế giới này], chúng ta cũng chẳng trông thấy. Đầu của Báo Thân Phật đại khái còn to hơn địa cầu, làm sao quý vị có thể thấy được? Chúng ta chẳng thấy Báo Thân Phật! Trong thế giới Tây Phương, “hoa khai kiến Phật” là thấy Báo Thân Phật. Trong bài kệ Tán Phật mà chúng ta hay niệm, thân tướng của Báo Thân Phật rất lớn: “Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di” (Lông trắng giữa hai chân mày cuộn tròn to bằng năm quả núi Tu Di); đó là cổ đại đức ca ngợi Phật. Tu Di (Sumeru) nghĩa là Diệu Cao, [hiểu theo nghĩa rộng sẽ] là một quả núi cao nhất trong khu vực của chúng ta, đấy chính là núi Tu Di ở nơi đây. Núi cao nhất trên địa cầu là núi Hỷ Mã Lạp Nhã (Himālaya)[2], Thích Ca Mâu Ni Phật sanh đúng ngay phía Nam núi Hỷ Mã Lạp Nhã, nay là xứ Nê Bạc Nhĩ (Nepal), là một tiểu quốc, bèn lấy núi Hỷ Mã Lạp Nhã làm thí dụ [để nói về Diệu Cao]. Giữa hai chân mày của đức Phật có hai sợi bạch hào[3], hai sợi bạch hào ấy cuộn tròn to cỡ nào? To bằng năm rặng núi Hỷ Mã Lạp Nhã. Quý vị hãy tưởng tượng xem, đầu đức Phật há chẳng phải là to như quả địa cầu, làm sao chúng ta có thể thấy được? Chẳng nhìn thấy! Chúng ta có thể thấy, có thể tiếp xúc, đều là Ứng Thân hoặc Hóa Thân của Phật. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, Ứng Hóa Phật trong Tây Phương Cực Lạc thế giới hết sức nhiều, thời thời khắc khắc, nơi nơi chốn chốn đều trông thấy, hầu như Phật chẳng hề lìa khỏi chúng ta. Suốt ngày từ sáng đến tối đều ở chung một chỗ với Phật; đó là Ứng Hóa Phật. Chúng ta hiểu rõ sự thật này, nói thật ra, đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới, phẩm vị vãng sanh chẳng quan trọng cho lắm. Thấy Báo Thân sớm hay trễ chẳng khẩn yếu. Ứng Hóa Phật cũng là chân Phật, chẳng giả, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới gặp mặt hằng ngày. Huống hồ lại được bổn nguyện và oai thần của Phật gia trì mỗi ngày, trí huệ, thần thông, đạo lực gần như chẳng khác bậc Đẳng Giác Bồ Tát, thế mà vẫn chưa thỏa mãn ư? Hãy nên khăng khăng một mực thật thà niệm Phật, đó là đúng.
“Dĩ thị phân biệt, tri thượng thượng độc thắng, phi vị vô liên dã” (Dùng những điều ấy để phân biệt bèn biết thượng phẩm thượng sanh thù thắng độc đáo, chứ không phải là do chẳng có hoa sen vậy). Phần thượng phẩm thượng sanh trong Quán Kinh chỉ nói kim cang đài, chẳng nhắc tới hoa sen. Từ kinh văn nhiều ngần ấy, chúng ta có thể suy đoán: Thượng phẩm thượng sanh nhất định là cũng có hoa sen, kinh văn nói tỉnh lược đó thôi!
(Sao) Nhược dĩ vô liên vi thắng, hữu liên vi liệt, thị bạc liên dã, hà thủ ư liên bang?
(鈔)若以無蓮為勝,有蓮為劣,是薄蓮也,何取於蓮邦。
(Sao: Nếu nghĩ “chẳng có hoa sen là thù thắng, có hoa sen là kém cỏi”, tức là khinh thường hoa sen, sao còn cầu sanh Liên Bang?)
Nếu nói “chẳng có hoa sen là thù thắng nhất, có hoa sen đâm ra thua kém một bậc”, “thị bạc liên dã” [nghĩa là] chúng ta khinh thường hoa sen!
(Sao) Nhi hoa tòa quán, minh Phật tọa liên hoa, tắc Phật diệc liệt hỹ, lý vân hà thông?
(鈔)而華座觀,明佛坐蓮華,則佛亦劣矣,理云何通?
(Sao: Nhưng trong phần Hoa Tòa Quán, kinh nói Phật ngồi trên hoa sen, vậy thì Phật cũng kém cỏi, lý ấy nói sao cho suông?)
Trong mười sáu phép Quán, phép Quán thứ bảy là Hoa Tòa Quán, quán tòa hoa sen của Phật, quán hoa sen, Phật ngự trên hoa sen. [Nếu hiểu] là trong phần thượng phẩm thượng sanh chẳng có hoa sen, chỉ ngồi trên đài kim cang, chẳng có hoa sen là thù thắng, vậy thì Phật cũng chẳng sánh bằng người [vãng sanh] ấy, há có lẽ đó? Nói theo Lý chẳng suông! Những lời này không gì chẳng nhằm phá trừ nỗi nghi hoặc của chúng ta, chỉ rõ chín phẩm đều có hoa sen, chín phẩm đều có gương sen, đều có đài [nâng đỡ tòa sen].
(Diễn) Đản thượng thượng phẩm hạ.
(演)但上上品下。
(Diễn: Từ câu “chỉ là thượng thượng phẩm” trở đi).
Chỉ đoạn văn [trong phần Sao] trên đây.
(Diễn) Thị minh thượng phẩm thù thắng chi nghĩa.
(演)是明上品殊勝之義。
(Diễn: Nói rõ ý nghĩa thù thắng của thượng phẩm).
“Minh” là nói rõ, chỉ rõ thượng phẩm thượng sanh thù thắng khôn
sánh.
(Diễn) Hoa khai tiệm vãn nhị cú.
(演)華開漸晚二句。
(Diễn: Hai câu từ “hoa nở chậm dần” [trở đi]).
Chỉ phần kế tiếp. Chúng ta xem phần kế tiếp.
(Diễn) Thượng phẩm trung sanh, kinh túc hoa khai, tức đắc kiến Phật.
(演)上品中生,經宿花開,即得見佛。
(Diễn: Thượng phẩm trung sanh, qua một đêm hoa nở, liền được thấy Phật).
Thượng phẩm thượng sanh, tới nơi đó hoa liền nở. Thượng phẩm trung sanh, qua một đêm hoa nở, cách một đêm hoa sẽ nở. Hoa nở bèn thấy Phật. Một đêm ấy chính là một đêm trong thế giới này của chúng ta. Thế giới Tây Phương chẳng có ngày, đêm, chẳng có năm, tháng, ngày, giờ. Nói cách khác, chậm hơn thượng phẩm thượng sanh mười hai tiếng đồng hồ mà thôi!
(Diễn) Thượng phẩm hạ sanh, kinh nhất nhật nhất dạ, liên hoa nãi khai.
(演)上品下生,經一日一夜,蓮華乃開。
(Diễn: Thượng phẩm hạ sanh, trải qua một ngày một đêm, hoa sen bèn nở).
Thượng phẩm hạ sanh mới là hai mươi bốn tiếng đồng hồ, hoa mới nở. Hoa nở vẫn chưa thấy Phật, khi nào sẽ thấy Phật?
(Diễn) Thất nhật chi trung, nãi đắc kiến Phật.
(演)七日之中,乃得見佛。
(Diễn: Trong bảy ngày bèn được thấy Phật).
Một ngày một đêm hoa nở, hoa nở [trong vòng] bảy ngày sẽ thấy Phật, thấy Báo Thân của Phật.
(Diễn) Nãi chí hạ phẩm thượng sanh, kinh thất thất nhật, hoa khai kiến Phật.
(演)乃至下品上生,經七七日,花開見佛。
(Diễn: Cho đến hạ phẩm thượng sanh, trải qua bốn mươi chín ngày, hoa nở thấy Phật).
Hạ phẩm thượng sanh là chúng sanh tạo tác ác nghiệp, bất quá tạo ác chẳng quá nặng nề. Qua bảy lần bảy bốn mươi chín ngày, hoa nở thấy Phật.
(Diễn) Hạ phẩm trung sanh, kinh ư lục kiếp, hoa khai kiến Phật.
(演)下品中生,經於六劫,花開見佛。
(Diễn: Hạ phẩm trung sanh, qua sáu kiếp, hoa nở, thấy Phật).
Thời gian thật dài.
(Diễn) Hạ phẩm hạ sanh, kinh thập nhị đại kiếp, hoa khai kiến Phật.
(演)下品下生,經十二大劫,花開見佛。
(Diễn: Hạ phẩm hạ sanh, trải mười hai đại kiếp, hoa nở, thấy Phật).
Hoa nở chậm dần.
(Diễn) Chứng đạo tiệm viễn giả, thượng trung, kinh nhất tiểu kiếp.
(演)證道漸遠者,上中,經一小劫。
(Diễn: “Chứng đạo chậm dần”: Thượng phẩm trung sanh trải qua một tiểu kiếp).
“Chứng đạo” ở đây là đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. “Hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh” là ba giai đoạn, chẳng phải là cùng lúc. Hoàn thành cùng lúc chỉ có thượng phẩm thượng sanh. Hoa nở và thấy Phật đồng thời, chứng quả chẳng đồng thời, thời gian có sai biệt; thượng phẩm trung sanh trải qua một tiểu kiếp.
(Diễn) Thượng hạ, kinh tam tiểu kiếp, đắc Vô Sanh Nhẫn, trụ
Hoan Hỷ Địa. Nãi chí hạ thượng, kinh thập tiểu kiếp, đắc nhập Sơ Địa.
(演)上下,經三小劫,得無生忍,住歡喜地。乃至下上,經十小劫,得入初地。
(Diễn: Thượng phẩm hạ sanh trải qua ba tiểu kiếp, đắc Vô Sanh Nhẫn, trụ Hoan Hỷ Địa. Cho đến hạ phẩm thượng sanh, trải qua mười tiểu kiếp, được nhập Sơ Địa).
Đắc Vô Sanh Nhẫn, trụ Hoan Hỷ Địa, chỉ rõ tiêu chuẩn Vô Sanh Nhẫn chính là Sơ Địa Bồ Tát trong Viên Giáo. Quả thật địa vị này rất cao, chứng Vô Sanh Nhẫn.
(Diễn) Hạ trung, kinh ư lục kiếp, phát vô thượng đạo tâm.
(演)下中,經於六劫,發無上道心。
(Diễn: Hạ phẩm trung sanh, trải qua sáu kiếp, phát vô thượng đạo tâm).
Sáu kiếp hoa nở, thấy Phật, phát vô thượng đạo tâm.
(Diễn) Hạ hạ, thập nhị đại kiếp, phát Bồ Đề chi tâm.
(演)下下,十二大劫,發菩提之心。
(Diễn: Hạ phẩm hạ sanh, qua mười hai đại kiếp, phát Bồ Đề tâm).
Vô Thượng Đạo Tâm có cùng một ý nghĩa với Bồ Đề tâm, đều là nói tới địa vị Sơ Trụ trong Viên Giáo, trong Biệt Giáo là Sơ Địa. Cũng có nghĩa là phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, chính là địa vị ấy. Nói theo Biệt Giáo [trong các thế giới khác], địa vị ấy đã tu trọn một A-tăng-kỳ kiếp, đến A-tăng-kỳ kiếp thứ hai mới chứng đắc quả vị này. Người hạ hạ phẩm vãng sanh trong thế giới Tây Phương chỉ cần mười hai đại kiếp, trong các thế giới phương khác phải tu một A-tăng-kỳ kiếp, chẳng thể sánh bằng! Đây cũng là nói rõ: Vì sao hết thảy chư Phật, Bồ Tát khuyên chúng ta cầu sanh Tịnh Độ? Đạo lý ở chỗ này.
Nhưng nếu chư vị đọc cẩn thận kinh văn này, sẽ có một nghi vấn: Vì sao hạ phẩm thượng sanh trong bảy lần bảy bốn mươi chín ngày bèn hoa nở thấy Phật, thành tựu vượt trỗi trung bối vãng sanh? “Trung bối” ở đây là trung phẩm thượng sanh, chứ trung phẩm trung sanh và trung phẩm hạ sanh [kinh văn] chẳng nói tới. Nhưng chúng ta hiểu rất rõ: Trong trung bối vãng sanh, hai loại trước (trung phẩm thượng sanh và trung phẩm trung sanh) là người Tiểu Thừa trì giới, hồi Tiểu hướng Đại cầu sanh Tịnh Độ. Trung phẩm hạ sanh là thiện nhân trong thế gian, hạ phẩm thượng sanh là kẻ làm ác. Vì sao họ vãng sanh thời gian còn ngắn hơn, thành tựu còn rất nhanh chóng? Ở đây, nhất định phải hiểu: Làm ác là một chuyện, căn tánh lại là một chuyện khác! Kẻ tạo ác bụng dạ rộng rãi, rất có nghĩa khí, bằng lòng giúp đỡ kẻ khác; nói theo phương diện này, kẻ Tiểu Thừa chẳng bằng họ. Kẻ Tiểu Thừa bảo vệ chính mình. Giang hồ hào kiệt có thể bỏ mình vì người, thấy người khác gặp nguy nan bèn chịu rút đao tương trợ, họ có khí phách hào sảng ấy. Vì thế, hễ họ quay đầu sanh về Tịnh Độ, sẽ thường có thành tựu nhanh chóng hơn kẻ khác, đạo lý là như thế đó. Hạ phẩm trung sanh thì không được. Kinh đã nói rất rõ ràng: Quá nửa đều là người xuất gia chẳng tuân thủ giới luật. Đó cũng là do thiện căn trong đời trước, họ còn có thể niệm Phật, tu tập, tích lũy công đức, cho nên được vãng sanh. Hạ phẩm hạ sanh là kẻ tạo Ngũ Nghịch, Thập Ác, có thể nói là kẻ tội to cực ác, cũng cậy vào thiện căn trong đời quá khứ, vãng sanh giống như vậy. Do vậy có thể biết: Chín phẩm chẳng phải do Phật, Bồ Tát kiến lập, mà hoàn toàn là do chúng ta tự mình sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, do công phu tu hành của chúng ta cạn hay sâu bèn cảm vời, hiển hiện những quả vị ấy. Trong phần trước, tôi đã từng thưa trình: Chúng ta thấy các quả vị ấy rất rõ ràng, nhưng người trong thế giới Tây Phương chưa hề khởi tâm động niệm đối với chuyện này. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ chân tướng sự thật, vì các tướng trạng được trông thấy trong Tây Phương Cực Lạc thế giới hoàn toàn bình đẳng. Ở đây, chúng ta mới liễu giải “hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh” là do Tánh Đức của chính mình lưu lộ. Chẳng thấy Phật, chẳng ngộ Vô Sanh, những gì người ấy được hưởng thụ là do bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì. Do vậy, nhìn từ bên ngoài, quý vị chẳng thấy có cao hay thấp, hoàn toàn bình đẳng. Vì lẽ đó, thế giới Tây Phương là một thế giới bình đẳng. Thế giới bình đẳng ấy cũng khiến cho chúng ta hoài nghi, cũng khiến cho chúng ta khó thể lý giải. Chúng sanh tạo tác nghiệp lực bất bình đẳng, công phu tu hành bất bình đẳng, vì sao hết thảy thần thông, đạo lực, và thọ dụng đều bình đẳng? Phần nào quý vị bất bình đẳng, A Di Đà Phật bèn giúp đỡ, ban thêm cho quý vị. Do vậy, quý vị thảy đều là bình đẳng, có ý nghĩa như vậy đó! Thế giới Tây Phương thật sự bình đẳng!
Dưới đây, Liên Trì đại sư lại giả lập một đoạn vấn đáp, đúng là sợ quý vị có nghi hoặc, nghi có thể chướng đạo! Nếu chẳng trừ nghi hoặc, dẫu niệm Phật vãng sanh, cũng sanh về Nghi Thành, Biên Địa. Đây là lòng từ bi chân thật của đại sư, giúp chúng ta đoạn nghi sanh tín.
(Sao) Vấn: Cực Lạc cửu phẩm, bát tùng liên sanh, Tứ Minh hà vi hữu thị ngôn hồ?
(鈔)問:極樂九品,八從蓮生,四明何為有是言乎。
(Sao: Hỏi: “Cực Lạc có chín phẩm, tám phẩm sanh từ trong hoa sen”. Cớ sao ngài Tứ Minh nói lời ấy?)
Tứ Minh tôn giả[4] có tác phẩm chú giải là Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ Diệu Tông Sao. Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ do Trí Giả đại sư soạn. Trong lời Sao, Tứ Minh tôn giả đã viết: “Cực Lạc cửu phẩm, bát tùng liên sanh” (Chín phẩm của Cực Lạc, tám phẩm sanh từ hoa sen). Câu ấy do Ngài nói. Ngài là một vị tổ sư của tông Thiên Thai, chẳng lẽ còn phạm sai lầm ư? Do vậy, nay chúng tôi chọn lựa chú giải cho bộ Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, bèn chọn tác phẩm của ngài Thiện Đạo, chẳng chọn từ tông Thiên Thai. Quý vị hãy quan sát kỹ càng, [sẽ thấy] lời giải thích của ngài Thiện Đạo viên mãn, giảng giải hay hơn bộ Diệu Tông Sao của tông Thiên Thai. Tông Thiên Thai, nói thật ra, vẫn chẳng lìa khỏi học thuyết chủ trương của họ. Nếu nói theo Phật pháp, họ có thành kiến, chấp trước, tức là [để giải thích bất cứ điều gì đều gò vào cái khuôn] Tam Chỉ Tam Quán. Đối với mười sáu phép Quán, họ giải thích bằng cách vận dụng Nhất Tâm Tam Quán của tông Thiên Thai, dùng phương pháp ấy để tu Quán. Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh xác thực là chẳng có ý nghĩa ấy, họ cứ khăng khăng áp dụng khuôn mẫu phương pháp của Thiên Thai vào chỗ này, như vậy thì sẽ càng thêm khó khăn, chẳng giảng giải đơn giản, dễ hiểu như Thiện Đạo đại sư. Chúng ta hãy xem cách nói của Liên Trì đại sư.
(Sao) Đáp: Tứ Minh chỉ thuyết bát tùng liên sanh, vị thuyết bất liên vi thị hà phẩm. Dĩ trung hạ phẩm diệc vô liên hoa cố, nhược quả thượng thượng bất liên, đương tất hữu thuyết, nhi nãi đồ khai kỳ đoan, bất cánh kỳ thuyết giả, hà dã?
(鈔)答:四明只說八從蓮生,未說不蓮為是何品。以中下品亦無蓮華故,若果上上不蓮,當必有說,而乃徒開其端,不竟其說者,何也。
(Sao: Đáp: Ngài Tứ Minh chỉ nói tám phẩm sanh từ hoa sen, chẳng nói phẩm nào chẳng sanh từ hoa sen. Bởi lẽ, trung phẩm hạ sanh cũng chẳng nhắc tới hoa sen. Nếu thượng phẩm thượng sanh thật sự chẳng có hoa sen, ắt Ngài phải nói, nhưng Ngài chỉ khơi ra đầu mối ấy, rốt cuộc chẳng nói rõ vì sao?)
“Bát tùng liên sanh” (Tám phẩm sanh từ hoa sen), rốt cuộc là phẩm nào chẳng có hoa sen? Chẳng nói minh bạch! Trong chín phẩm ấy, có phẩm nói đến đài sen, có phẩm nói đến hoa sen, có phẩm cùng nói đài sen và hoa sen, mà chẳng nói tới hoa sen thì cũng hoàn toàn chẳng phải chỉ riêng thượng phẩm thượng sanh, rốt cuộc là nói đến loại nào? Ngài Tứ Minh “đồ khai kỳ đoan, bất cánh kỳ thuyết” (chỉ khơi ra đầu mối ấy, rốt cuộc chẳng nói), chẳng nói rõ ràng!
(Sao) Hoặc thử bát tự truyền tả chi ngộ, an tri bất thị Cực Lạc cửu phẩm, tất tùng liên sanh, sĩ cao minh cánh biện chi!
(鈔)或此八字傳寫之誤,安知不是極樂九品,必從蓮生,俟高明更辨之。
(Sao: Chữ “bát” ấy có thể là do sao chép sai lầm, không chừng nó chính là chín phẩm trong cõi Cực Lạc đều sanh từ hoa sen, xin chờ bậc cao minh biện định).
Liên Trì đại sư nói lời này rất viên mãn. Có lẽ là do người đời sau biên chép sai lệch. “Bát” (八) cũng có thể là chữ “tất” (必: đều cùng) không chừng!
(Diễn) Vấn Cực Lạc cửu phẩm hạ, thị thích minh Diệu Tông Sao hoặc hữu sai ngộ.
(演)問極樂九品下,是釋明妙宗鈔或有差誤。
(Diễn: Từ câu “Hỏi: Chín phẩm trong Cực Lạc” trở đi nhằm giải thích rõ bộ Diệu Tông Sao có thể là sai lầm).
Do vậy mới khiến cho người đời sau sanh khởi lắm nỗi nghi hoặc ngần ấy.
(Sớ) Vấn: Hạ phẩm dĩ ngoại, phục hữu thai sanh, vị thật hữu phủ?
(疏)問:下品之外,復有胎生,為實有否。
(Sớ: Ngoài hạ phẩm lại có thai sanh, có thật như vậy hay chăng?)
Kinh Vô Lượng Thọ nói như vậy. Câu hỏi này rất hay, ngoài hạ hạ phẩm vãng sanh ra, có phải là đúng như kinh nói, thật sự có thai sanh?
(Sớ) Đáp: Biểu Tín Lực bất kiên cố, thật vô thai sanh.
(疏)答:表信力不堅故,實無胎生。
(Sớ: Đáp: Biểu thị Tín Lực chẳng kiên cố, thật sự chẳng có thai sanh).
Liên Trì đại sư nói câu này hết sức khẳng định, Tây Phương Cực Lạc thế giới xác thực là chẳng có thai sanh! Có Biên Địa, nhưng vẫn là hóa sanh trong hoa sen, bất quá trong năm trăm năm họ không thấy Phật, không nghe pháp, khổ là khổ ở chỗ ấy. Chẳng thấy Phật, chẳng nghe pháp, đương nhiên là [chẳng thấy] Ứng Hóa Thân Phật, chẳng phải là Báo Thân Phật. Trong năm trăm năm chẳng thấy Ứng Hóa Thân Phật. Năm trăm năm ấy cũng dùng đơn vị thời gian trong nhân gian chúng ta để tính toán.
(Sao) Phi thai sanh giả, Đại Bổn vân: “Phật cáo Di Lặc: Nhược
hữu chúng sanh, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ sát, bất liễu Phật trí, chí ý do dự, lâm mạng chung thời, phương hối kỷ quá. Dĩ thị sanh bỉ, tài nhập Biên Địa, kiến thất bảo thành, tức tiện chỉ trụ, ư liên hoa sanh, diệc hữu tự nhiên khoái lạc, như Đao Lợi Thiên. Duy ư thành trung, kinh ngũ bách tuế, bất đắc kiến Phật, bất văn kinh pháp, dĩ thử vi khổ”. Cố danh Thai Sanh, phi thật thai dục như nhân gian dã.
(鈔)非胎生者,大本云:佛告彌勒,若有眾生,修諸功德,願生彼剎,不了佛智,志意猶豫,臨命終時,方悔己過,以是生彼,纔入邊地,見七寶城,即便止住,於蓮華生,亦有自然快樂,如忉利天,惟於城中經五百歲,不得見佛,不聞經法,以此為苦,故名胎生。非實胎育如人間也。
(Sao: “Chẳng phải là thai sanh”: Kinh Đại Bổn nói: “Phật bảo Di Lặc: Nếu có chúng sanh tu các công đức, nguyện sanh về cõi kia, chẳng hiểu rõ Phật trí, chí ý do dự, khi mạng sắp chấm dứt, mới hối lỗi mình. Do vậy sanh về cõi kia, mới đến Biên Địa, thấy thành bảy báu, liền ngưng nghỉ ở đó, sanh trong hoa sen, cũng có sự sung sướng tự nhiên như trong cõi trời Đao Lợi. Chỉ là trong năm trăm năm, ở trong thành ấy, chẳng được thấy Phật, chẳng nghe kinh pháp, coi đó là khổ”. Cho nên gọi là Thai Sanh, chẳng phải là thật sự có sanh nở bằng bào thai như trong nhân gian).
Vì sao bị đọa nơi Biên Địa Nghi Thành? Kinh Vô Lượng Thọ đã nói rất minh bạch. Nói chung, quy nạp lại thì có hai nhân tố: Một là hoài nghi trí huệ viên mãn rốt ráo của Phật; hai là dấy lòng hoài nghi thiện căn của chính mình. Nhưng người ấy vẫn tín nguyện trì danh. Nếu chẳng có tín nguyện trì danh, căn bản là chẳng thể sanh về đó. Có tín nguyện trì danh, nhưng trong tâm có niềm nghi hoặc, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng thể “nhập phẩm” (入品: dự vào phẩm vị vãng sanh), đọa trong Biên Địa, có ý nghĩa như thế. Chư vị phải hiểu: Biên Địa trọn chẳng phải là một nơi thật sự cách xa khu vực trung tâm, chẳng phải vậy! Đó là tỷ dụ. Biên Địa là gì? Quý vị sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, ở trong hoa sen, chẳng thấy Phật, chẳng nghe pháp, bèn gọi là Biên Địa. Nhưng ở trong ấy, sung sướng giống như trời Đao Lợi, hoặc như Dạ Ma Thiên; ở trong ấy, xác thực là tự tại, vui sướng. Chẳng thấy Phật, chẳng nghe pháp, coi đó là khổ, gọi là Biên Địa. Cũng không chừng hoa sen của quý vị ở ngay bên cạnh A Di Đà Phật, trọn chẳng rất xa, nhưng vì quý vị có nghi hoặc, cho nên chẳng thể cảm ứng Ứng Hóa Thân của Phật. Có thể thấy là đức Phật công bình đối với hết thảy chúng sanh, chẳng có giới hạn, [mọi nỗi chướng ngại] là vì chính quý vị có chướng ngại. Đại Kinh nói: “Nghi là chướng nạn lớn nhất của Bồ Tát”. Có nỗi nghi hoặc ấy, khiến cho chính mình chẳng thấy Phật, chẳng nghe pháp. Những lời chú thích đều xuất phát từ kinh Vô Lượng Thọ.
(Sao) Hựu vân: Như Sát-đế-lợi, kỳ tử phạm pháp, u chi nội cung.
(鈔)又云:如剎帝利,其子犯法,幽之內宮。
(Sao: Lại nói: Như Sát-đế-lợi[5], đứa con ông ta phạm pháp, bị giam cầm trong nội cung).
“U” (幽) có nghĩa là giam cầm. [Vương tử] phạm pháp, bị giam, ngồi tù.
(Sao) Xử dĩ hoa quán.
(鈔)處以華觀。
(Sao: Ở trong cung điện tráng lệ).
“Hoa quán” (華觀) là cung điện hoa mỹ, tráng lệ. Bị giam cầm ở trong ấy, chẳng được phép tự do ra vào!
(Sao) Tằng lâu, ỷ điện, hảo sức kỳ trân, bảo trướng, kim sàng, phục ngự sở tư, tất giai phong bị.
(鈔)層樓綺殿,好飾奇珍,寶帳金床,服御所資,悉皆豐備。
(Sao: Lầu nhiều tầng, điện sơn vẽ rực rỡ, trang hoàng đẹp đẽ bằng nhiều chất báu quý lạ, trướng báu, giường vàng, quần áo, xe cộ, đồ vật cần dùng thảy đều dư dật, đầy đủ).
Ý nói cuộc sống hết sức hào nhoáng, hết thảy hưởng thụ vật chất đều chẳng thiếu khuyết, thứ gì cũng đầy đủ. Anh ta là vương tử, vương tử phạm pháp bị giam cầm chẳng giống kẻ bình phàm, giam cầm trong thâm cung.
(Sao) Nhi dĩ Diêm Phù kim tỏa hệ kỳ lưỡng túc, bất đắc tự tại, tức Thai Sanh dụ dã.
(鈔)而以閻浮金鎖繫其兩足,不得自在,即胎生喻也。
(Sao: Nhưng dùng xích bằng vàng Diêm Phù trói chặt hai chân, chẳng được tự tại, nên dùng Thai Sanh để sánh ví).
Đây là ý nghĩa của tỷ dụ Thai Sanh. Người ấy chẳng thể tự tại, chẳng thể thấy Phật, chẳng thể nghe pháp. Dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh, kẻ ấy đắc tự tại, hằng ngày có thể đến mười phương thế giới cúng dường chư Phật, nghe Phật thuyết pháp. Có khi gặp gỡ chúng sanh hữu duyên, kẻ ấy tiện dịp cũng có thể dùng các thứ thân để hóa độ chúng sanh, kẻ ấy tự do tự tại. Sanh trong Biên Địa Nghi Thành trong suốt năm trăm năm chẳng được tự tại. Đó là tỷ dụ Thai Sanh, Thai (胎) có nghĩa là “chẳng được tự tại”.
(Sao) Hựu vân: “Nhược thức kỳ bổn tội, thâm tự hối trách, cầu ly bổn xứ, tức đắc vãng nghệ Vô Lượng Thọ Phật sở.
(鈔)又云:若識其本罪,深自悔責,求離本處,即得往詣無量壽佛所。
(Sao: Lại nói: “Nếu biết tội của mình, tự hối hận, tự trách sâu xa, cầu lìa khỏi chỗ ấy, liền được đến chỗ Vô Lượng Thọ Phật”).
Nói cách khác, phàm là người vãng sanh thuộc loại này, năm trăm năm là cực hạn của người ấy. Cũng có nghĩa là: Tối đa là sau năm trăm năm, người ấy sẽ hối hận, biết sám hối, có thể đoạn trừ nỗi nghi hoặc ấy. Đương nhiên còn có người rất nhanh chóng, đến chỗ ấy một năm hoặc hai năm bèn sám hối. Hễ sám hối, liền lìa khỏi, Phật liền hiện tiền, có thể thấy Phật, nghe pháp. Đây cũng là nói rõ: Thời gian đọa trong Biên Địa chẳng phải là rất dài. Dài nhất bất quá là năm trăm năm mà thôi, dùng [đơn vị thời gian trong] thế gian này để tính toán.
(Sao) Hựu Bồ Tát Xử Thai kinh vân: “Tây Phương khứ thử Diêm Phù Đề thập nhị ức na-do-tha, hữu Giải Mạn Giới, quốc độ thất bảo, kỳ lạc vô tỷ. Phát ý dục sanh Di Đà Phật quốc, nhi nhiễm trước ư thử, bất năng tiền tấn, diệc Nghi Thành Biên Địa loại dã”. Như thị giai diêu tín bất thiết cố.
(鈔)又菩薩處胎經云:西方去此閻浮提十二億那由他,有懈慢界,國土七寶,其樂無比,發意欲生彌陀佛國,而染著於此,不能前進,亦疑城邊地類也。如是皆繇信不切故。
(Sao: Kinh Bồ Tát Xử Thai lại nói: “Về phương Tây, cách Diêm Phù Đề mười hai ức na-do-tha [thế giới], có cõi Giải Mạn là cõi nước bằng bảy báu, vui sướng khôn sánh. Kẻ phát khởi tâm ý muốn sanh về cõi nước của Phật Di Đà, nhưng nhiễm đắm cõi ấy, chẳng thể tiến lên, đó cũng là chỗ thuộc loại Nghi Thành Biên Địa”. Như thế đều là do lòng tin chẳng thiết tha vậy).
Trong kinh Bồ Tát Xử Thai[6], đức Thế Tôn có nói như vậy. Theo như đoạn kinh ấy nói, người niệm Phật có kẻ đọa trong nước Giải Mạn. Giải (懈) là giải đãi (懈怠), Mạn (慢) là ngã mạn. Người niệm Phật chẳng sửa đổi khuyết điểm, tập khí, trong tương lai cầu sanh Tịnh Độ sẽ tìm sai chỗ! Ngỡ nước Giải Mạn là thế giới Cực Lạc, sai mất rồi! Cõi Giải Mạn khá gần thế giới Sa Bà, ở giữa Sa Bà và Cực Lạc. Còn chưa đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, thấy nơi ấy khá quá, cứ ngỡ chắc là Tây Phương Cực Lạc thế giới, bèn trụ trong đó, chẳng đi nữa, sai mất rồi! Người thật sự niệm Phật, nói thật ra, chẳng dễ gì đến chỗ đó, vì sao? A Di Đà Phật đến tiếp dẫn quý vị, cứ khăng khít theo A Di Đà Phật, lấy đâu ra sai lầm? Kẻ [chẳng thật lòng niệm Phật, nửa tin, nửa ngờ] theo A Di Đà Phật nửa chừng bèn chẳng theo nữa, sẽ có thể đến nơi ấy (cõi Giải Mạn), phiền phức to lớn! Vì thế, hãy theo chắc A Di Đà Phật. Huống chi thật sự vãng sanh thì thời gian từ thế giới này đến Tây Phương Cực Lạc thế giới hết sức ngắn ngủi, trong khoảng khảy ngón tay đã đến nơi, làm sao có thể đọa lạc vào nơi đó cho được! Chẳng thể nào! Điều này khiến cho chúng ta an tâm rất lớn, chỉ là biết có một nơi chốn như vậy!
(Sớ) Vấn: Ký vân thất nhật, bỉ lâm chung thập niệm, đặc nga khoảnh nhĩ, hà đắc vãng sanh?
(疏)問:既云七日,彼臨終十念,特俄頃耳,何得往生?
(Sớ: Hỏi: Đã nói là bảy ngày, kẻ ấy lâm chung mười niệm chỉ là trong khoảnh khắc, vì sao được vãng sanh?)
“Ký vân thất nhật” (Đã nói là bảy ngày), chính là kinh Di Đà nói: “Hoặc một ngày, hoặc hai ngày, cho đến hoặc bảy ngày”. Đã nói là “bảy ngày” thì kẻ lâm chung mười niệm chẳng có công phu bảy ngày! Xác thực là có người như vậy, giống như Trương Thiện Hòa đời Đường suốt một đời chẳng tiếp xúc Phật pháp, mà cũng chưa hề niệm Phật; khi lâm chung, thật sự là mười niệm vãng sanh. Lâm chung mười niệm thì chỉ là trong một sát-na, thời gian hết sức ngắn ngủi, tạm bợ, vì sao cũng có thể vãng sanh? Những câu hỏi này đều hết sức hay.
(Sớ) Đáp: Chánh dĩ nhất tâm cố, như Trí Luận trung thuyết, hựu tự lực, tha lực, như Na Tiên trung thuyết.
(疏)答:正以一心故,如智論中說。又自力他力,如那先中說。
(Sớ: Đáp: Chính là vì nhất tâm như trong Trí Độ Luận nói, lại do tự lực và tha lực như trong kinh Na Tiên đã nói).
Kinh nói “hoặc một ngày, cho đến hoặc bảy ngày”, mục đích là khiến cho chúng ta niệm đến nhất tâm bất loạn, “nhất tâm” bèn có thể vãng sanh. Đối với cương lãnh trọng yếu trong việc niệm Phật, Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói rất hay: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”, đó thật sự là “một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”. Nếu chẳng phải là tịnh niệm thì là tạp niệm, xen tạp vọng tưởng! Vừa niệm Phật vừa dấy vọng tưởng, mỗi ngày niệm mười vạn tiếng cũng vô dụng. Tuy niệm nhiều, công phu nông cạn. Trong mười niệm của người ta chẳng có vọng tưởng; tuy niệm Phật hiệu ít, công phu sâu. Ngẫu Ích đại sư nói: “Niệm Phật chú trọng công phu sâu hay cạn”, chẳng nói “niệm Phật hiệu nhiều hay ít”, chẳng nói chuyện ấy. Về sau, các vị đại đức muốn chúng ta ấn định công khóa, mỗi ngày niệm một vạn, ba vạn, năm vạn [câu Phật hiệu]. Vì sao buộc chúng ta phải niệm như vậy? Đó là để nói với lũ chúng ta là những kẻ chẳng khéo dụng tâm. Chúng ta chẳng niệm Phật bèn dấy vọng tưởng; nói chung, niệm Phật tốt hơn dấy vọng tưởng, tức là loạn tâm niệm Phật tốt hơn chẳng niệm, có ý nghĩa như thế đó. Nhưng thật sự mong cầu nâng cao phẩm vị vãng sanh của chính mình, quý vị nhất định phải hiểu công phu cạn hay sâu là gì, phải hiểu đạo lý này. Vì thế, phải nhất tâm xưng niệm. Phải hiểu ý nghĩa thật sự được bao hàm trong chữ “Niệm”. Niệm là trong tâm thật sự có, đó là Niệm, chẳng nhất định là trong miệng có. Tuy trong miệng chẳng niệm, trong tâm thật sự là nhớ nghĩ. Người Hoa thường nói là “điếm ký” (惦記: ghi nhớ, ghi tâm tạc dạ), trong tâm thật sự nghĩ nhớ, thời thời khắc khắc chẳng quên.
Trong Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương có một tỷ dụ rất hay, “như mẹ nhớ con”, ghi lòng tạc dạ, trong tâm mẹ nhớ tới con, thời thời khắc khắc không quên. Mẹ trọn chẳng phải là miệng niệm, trong tâm mẹ thật sự có [ý niệm nghĩ nhớ con]. Bất luận khi nào, bất luận nơi chốn nào, hễ khởi tâm động niệm thì ý niệm thứ nhất bèn nghĩ tới, đó là “chân niệm”, đấy là công phu sâu. Do vậy, chẳng do miệng niệm Phật hiệu nhiều hay ít, mà là trong tâm quý vị thật sự có Phật hay không? Có thật sự mong đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, thật sự mong thấy Phật hay không? Có cái tâm ấy thì gọi là niệm Phật. Tâm càng tinh, càng thuần, những ý niệm khác đều chẳng có, đều buông xuống, chỉ có một niệm này, công phu bèn sâu. Đại kinh dạy chúng ta “nhất hướng chuyên niệm” (một mực chuyên niệm), chính là ý nghĩa này.
(Sao) Trí Luận vân: “Lâm tử thiểu hứa thời tâm, hà năng thắng chung thân hạnh lực”.
(鈔)智論云:臨死少許時心,何能勝終身行力。
(Sao: Trí Độ Luận nói: “[Hỏi]: Lúc sắp chết, cái tâm [niệm Phật] trong một thời gian rất ít, làm sao có thể vượt trỗi hạnh lực suốt đời”).
Đây là nêu ra câu hỏi giả thiết: Khi lâm chung thời gian rất ngắn, dụng tâm khi ấy làm sao có thể so với người đã niệm Phật suốt một đời? Làm sao có thể sánh bằng?
(Sao) Đáp viết: Tuy thời khoảnh thiểu, tâm lực mãnh lợi.
(鈔)答曰:雖時頃少,心力猛利。
(Sao: Đáp: Tuy thời gian ít ỏi, nhưng tâm lực mạnh mẽ, nhạy bén).
Tuy thời gian ngắn ngủi, nhưng người ấy dụng tâm hết sức mạnh mẽ, nhạy bén. Nói cách khác, có thể vượt trỗi người bình thường niệm Phật suốt một đời. Trong một khoảng thời gian rất ngắn, công lực của người [lâm chung niệm Phật] ấy có thể vượt trỗi người kia (người suốt đời niệm Phật).
(Sao) Thị tối hậu tâm, danh vi đại tâm.
(鈔)是最後心,名為大心。
(Sao: Cái tâm vào lúc cuối cùng ấy được gọi là đại tâm).
Quý vị hỏi vì sao ư? Nói thật ra, chúng ta thấy khá nhiều người niệm Phật, niệm suốt mấy chục năm, niệm suốt một đời, chưa chắc đã vãng sanh. Người niệm Phật đông đảo, kẻ vãng sanh ít ỏi. Tôi ở Tân Gia Ba, thấy ông Lý Mộc Nguyên đến hóa độ tử tù. Ở Tân Gia Ba, hễ bắt được kẻ buôn bán ma túy thì [án phạt] duy nhất là tử hình. Tử hình bằng hình thức chết treo, [tức là] xử tử bằng cách treo cổ. Sau khi những phạm nhân tội tử hình ấy bị bắt, tự mình biết ngày nào sẽ chết, ai nấy đều biết trước lúc chết! Cư sĩ Lý Mộc Nguyên phát tâm rất tuyệt diệu, đến nơi đó khuyên họ niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, họ tiếp nhận. Tử tù tiếp nhận pháp niệm Phật, gần như ai nấy đều vãng sanh! Khi hỏa thiêu, xá-lợi vừa đẹp vừa xinh. Chúng ta rất ít thấy! Họ [niệm Phật] thời gian chẳng dài, vì sao ai nấy có thể vãng sanh? Người ta là “tối hậu tâm”, đúng là thứ gì cũng đều buông xuống! Chúng ta niệm Phật suốt đời, chuyện vướng mắc trong dạ quá nhiều, thứ gì cũng đều không buông xuống được! Vì thế, chẳng có được công phu như người ta! Họ ngồi ở trong tù, hết thảy hưởng thụ đều chẳng đạt được; vì thế, khăng khăng một mực niệm Phật, họ thật sự vãng sanh! Do vậy, ông Lý Mộc Nguyên có công đức rất lớn, đã đưa chẳng ít người về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì thế, tôi cảm thấy nhà giam tử tù của Tân Gia Ba là một Niệm Phật Đường thật sự, rất tuyệt diệu! Tân Gia Ba có nhiều người làm Phật như vậy, nơi ấy có công đức rất lớn, rất chẳng thể nghĩ bàn! Vì thế, người ta khi lâm chung, buông xuống muôn duyên, biết hết thảy đều chẳng mang theo được; khi ấy, bỗng dưng giác ngộ, hết thảy đã chẳng thể mang theo được thì buông xuống hết thảy, nhất tâm niệm Phật, sức mạnh ấy liền dũng mãnh. Vì thế, họ có thể vãng sanh, có thể giành được phẩm vị rất cao! Đạo lý ở ngay chỗ này. Do đó, [cái tâm tối hậu] được gọi là “đại tâm”.
(Sao) Đương tri tức thị nhất tâm bất loạn cố.
(鈔)當知即是一心不亂故。
(Sao: Hãy nên biết đấy chính là nhất tâm bất loạn).
Người ấy nhất tâm niệm Phật, chẳng có tạp niệm. Chúng ta xem lời chú giải dưới đây, giải thích về tâm tối hậu và đại tâm.
(Diễn) Tối hậu tâm giả, thử tâm chi hậu, cánh vô dư tâm cố.
(演)最後心者,此心之後,更無餘心故。
(Diễn: “Tâm tối hậu” là sau cái tâm ấy, chẳng còn tâm nào khác).
Đó gọi là “tâm tối hậu”. Người ấy sắp chết, [đã đến lúc] cuối cùng, thời gian [chỉ còn lại] hoặc là mấy tiếng đồng hồ, hoặc là mấy phút, chẳng còn thời gian nữa. Đó là tâm tối hậu.
(Diễn) Danh vi đại tâm giả, dĩ thùy tử chi nhân, tất tri bất miễn, đế tâm quyết đoán, thắng bách niên nguyện lực, thị tâm danh vi đại tâm.
(演)名為大心者,以垂死之人,必知不免,諦心決斷,勝百年願力,是心名為大心。
(Diễn: Gọi là “đại tâm” là do người sắp chết, ắt biết là chẳng thể tránh khỏi, tâm quyết đoán chắc chắn, trỗi vượt nguyện lực cả trăm năm, tâm ấy được gọi là “đại tâm”).
Người sắp chết biết chính mình nhất định phải chết. “Đế tâm quyết đoán”: “Đế” (諦) là chân tâm, tức cái tâm chân thật. Tâm thật sự hạ quyết tâm, bỏ sạch và đoạn trừ hết thảy vọng niệm, nhất tâm niệm Phật, [tâm nguyện ấy sẽ] trỗi vượt nguyện lực [của người niệm Phật suốt] một trăm năm [mà tâm không tha thiết, dũng mãnh phát nguyện cầu vãng sanh]. Người bình thường niệm suốt một trăm năm, tâm người ấy hoàn toàn chẳng kiện toàn, cái này cũng chẳng buông xuống được, cái kia cũng chẳng buông xuống được, thời gian [niệm Phật] tuy dài, Ngẫu Ích đại sư bảo là “công phu nông cạn”. Còn người ấy (người sắp chết tinh tấn niệm Phật), tuy thời gian ngắn ngủi, nhưng công phu sâu đậm, tâm người ấy thật sự chuyên nhất, vọng niệm gì cũng đều chẳng có. Tâm ấy gọi là đại tâm.
(Diễn) Dĩ xả thân sự cấp cố, như nhân nhập trận, bất tích thân mạng, danh vi “kiện nhân” dã.
(演)以捨身事急故,如人入陣,不惜身命,名為健人也。
(Diễn: Do xả thân là chuyện cấp bách, như người vào trận, chẳng tiếc thân mạng, nên gọi là “kẻ mạnh mẽ”).
Xả thân là chuyện cấp bách, đã tới lúc khẩn yếu, lúc bức thiết một mất một còn, người ấy điều gì cũng chẳng so đo. “Như nhân nhập trận, bất tích thân mạng, danh vi kiện nhân” (Như người vào trận, chẳng tiếc thân mạng, gọi là “kẻ mạnh mẽ”). Giống như đánh giặc, ở trên chiến trường, quên bẵng sanh tử thì mới có thể xung phong hãm trận. Nếu có lo ngại, sợ hãi, chân sẽ mềm nhũn, chẳng thể xung phong, đã bị hạ gục từ lâu! Đây là nói tỷ dụ.
(Diễn) Hựu phục đại tâm, diệc khả tức thị Bồ Đề tâm.
(演)又復大心,亦可即是菩提心。
(Diễn: Đại tâm lại cũng có thể chính là Bồ Đề tâm).
Người đã phát đại tâm ấy, Bồ Đề là giác ngộ thật sự, giác ngộ triệt để, [nhận rõ] trừ A Di Đà Phật ra, chẳng có ai cứu được. Vì thế, phải nắm thật chặt danh hiệu A Di Đà Phật, chẳng bỏ lỡ phút giây nào! Đó là đại tâm.
(Diễn) Dĩ thử tâm chi hậu, cánh vô dư tâm, tắc thị đốn nhập Vô Tâm tam-muội, tức thị đốn ly niệm tướng, khởi bất vi đại, khởi bất tức thị Bồ Đề tâm?
(演)以此心之後,更無餘心,則是頓入無心三昧,即是頓離念相,豈不為大,豈不即是菩提心。
(Diễn: Do sau khi đã có cái tâm ấy, chẳng còn tâm nào khác,
chính là nhanh chóng nhập Vô Tâm tam-muội, chính là nhanh chóng lìa niệm tướng, há chẳng phải là đại, há chẳng phải chính là Bồ Đề tâm ư?)
Nói kiểu này hết sức hay!
(Diễn) Cái dĩ cửu phẩm hạnh nhân, hạnh hạnh thông hồ cửu phẩm.
(演)蓋以九品行因,行行通乎九品。
(Diễn: Ấy là vì hạnh nhân [của mỗi phẩm] trong chín phẩm, hạnh nào cũng thông khắp chín phẩm).
Đây là lý luận, mà cũng là sự thật.
(Diễn) Như Ngũ Nghịch tội, lâm chung thập niệm vi năng tiêu công, thuộc hạ hạ phẩm.
(演)如五逆罪,臨終十念為能消功,屬下下品。
(Diễn: Như đối với kẻ phạm tội Ngũ Nghịch, mười niệm lúc lâm chung có công năng tiêu tội, thuộc về hạ hạ phẩm).
“Công” (功) là công phu. Mười niệm lúc lâm chung có thể tiêu sạch tội Ngũ Nghịch, người ấy có thể vãng sanh. Vãng sanh loại này thuộc về hạ hạ phẩm.
(Diễn) Nhược năng phục Hoặc, tức trung phẩm.
(演)若能伏惑,即中品。
(Diễn: Nếu có thể chế ngự phiền não thì là trung phẩm).
Lâm chung mười niệm mà có thể chế ngự phiền não, người ấy sẽ vãng sanh trong trung phẩm.
(Diễn) Nhược căn khí đại lợi, đốn năng đoạn Hoặc.
(演)若根器大利,頓能斷惑。
(Diễn: Nếu căn khí hết sức nhạy bén, sẽ có thể nhanh chóng đoạn Hoặc).
Người ấy là thượng phẩm. Cùng là mười niệm như nhau mà có
mười niệm tiêu nghiệp chướng, có mười niệm chế phục Hoặc, có mười niệm đoạn Hoặc, đều là mười niệm, phẩm vị của người ấy là hạ bối vãng sanh, trung bối vãng sanh, hoặc thượng bối vãng sanh, khác nhau! Ở đây nêu ra một thí dụ:
(Diễn) Như Xà vương trọng hối, đắc vô căn tín, tức thị thượng tam sở nhiếp.
(演)如闍王重悔,得無根信,即是上三所攝。
(Diễn: Như vua A Xà Thế tha thiết sám hối, đắc Vô Căn Tín, vãng sanh thuộc vào ba phẩm thượng).
Theo Quán Kinh, vua A Xà Thế giết cha, giam mẹ. Giết hại cha mẹ, phá hòa hợp tăng, đúng là không điều ác nào chẳng làm, tạo tội địa ngục! Khi lâm chung, vua mới hối lỗi, mới thật sự sám hối. Vua do sám hối bèn đoạn Hoặc, vị này căn tánh rất nhạy bén; do vậy, nhà vua vãng sanh thuộc vào thượng phẩm trung sanh. Cả một đời tạo tội nghiệp to tát dường ấy, phẩm vị vãng sanh cao dường ấy, đấy cũng là nhằm bảo chúng ta: Phật môn thật sự rộng lớn, thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới có hai loại người:
1) Một loại người là tích công lũy đức, vãng sanh như vậy đó.
2) Một loại khác là tạo tác hết thảy tội nghiệp, sám hối vãng sanh.
Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, biết chân tướng sự thật này, cũng chẳng dám khinh dễ kẻ làm ác. Vì sao? Nói không chừng, người lâm chung sám hối niệm Phật vãng sanh có phẩm vị cao hơn ta, ta còn chẳng bằng kẻ đó. Đúng là có thể như vậy. Đã hiểu rõ chân tướng sự thật, mới biết Phổ Hiền Bồ Tát dạy chúng ta “lễ kính chư Phật” rất có lý. Chớ nên phân chia kẻ khác là người tốt, kẻ xấu, thiện nhân, ác nhân, chẳng cần phải phân biệt! Phải dùng cái tâm chân thành cung kính để đối đãi hết thảy mọi người. Đối với Phật, Bồ Tát, ta cung kính như thế nào, thì đối với người tốt cũng cung kính giống hệt như thế đó, mà đối với người ác, vẫn là cái tâm cung kính ấy. Ta chí thành cung kính, tuyệt đối chẳng khác, chẳng có sai biệt; đó là đúng. Quý vị làm như vậy sẽ là hoàn toàn chánh xác.
(Diễn) Khởi phi Ngũ Nghịch tùy ư sám công, tự phân cửu phẩm dã.
(演)豈非五逆隨於懺功,自分九品也。
(Diễn: Đấy chẳng phải là tội Ngũ Nghịch do tùy thuộc công phu sám hối mà tự chia thành chín phẩm đó ư?)
Lời này chẳng sai tí nào! Đó là kẻ lâm chung sám hối vãng sanh, cũng có chín phẩm, tuyệt đối chẳng phải là người ấy chỉ thuộc về hạ hạ phẩm vãng sanh, chẳng phải vậy! Tùy thuộc cái tâm hối lỗi của người ấy, tâm ấy thật sự dũng mãnh, chân thành, khẩn thiết, phẩm vị sẽ ngay lập tức nâng cao!
(Diễn) Thả thập niệm đắc sanh, giai thị túc hữu linh căn giả.
(演)且十念得生,皆是夙有靈根者。
(Diễn: Hơn nữa, người do mười niệm mà được vãng sanh đều là có linh căn từ trước).
Nhất định phải biết điều này. Do vậy, chẳng thể là may mắn được! [Cứ tưởng bở] “lâm chung sám hối vẫn có thể vãng sanh, nay tạo tội nghiệp nhiều một chút chẳng sao, khi mạng chung vẫn còn kịp mà!” Nếu quý vị nghĩ kiểu đó, sẽ là lầm lẫn quá đỗi! Vì sao? Khi lâm chung phải có đủ ba điều kiện. Quý vị ngẫm xem, trong tương lai, khi quý vị lâm chung, có thể hội đủ cả ba điều kiện ấy hay không?
1) Điều kiện thứ nhất là tâm phải sáng suốt, tỉnh táo, chẳng mê hoặc, chẳng điên đảo. Quý vị ngẫm xem, điều này có dễ làm được hay chăng? Rất khó! Chúng ta thấy rất nhiều người khi sắp mất đều ngã bệnh, bệnh đến nỗi bất tỉnh nhân sự, ngay cả người nhà quyến thuộc cũng chẳng nhận ra. Thôi rồi, chẳng cứu được! Lâm chung tỉnh táo, sáng suốt, chư vị phải hiểu: Một người tạo tội nghiệp đầy thân, lâm chung vẫn còn sáng suốt, còn tỉnh táo, quý vị biết người ấy đời trước phước báo to nhiều. Khi ấy, thiện căn và phước đức trong đời quá khứ hiện tiền, thần trí tỉnh táo, trọn chẳng mê hoặc.
2) Điều kiện thứ hai là gặp thiện hữu nhắc nhở, khuyên người ấy niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.
3) Điều kiện thứ ba là khi ấy, vừa nghe bèn lập tức tiếp nhận, ngay lập tức sám hối, niệm ngay! Mười niệm hoặc một niệm bèn có thể vãng sanh.
Quý vị ngẫm xem, ba điều kiện ấy khó lắm, suốt một đời người khác khuyên kẻ đó niệm Phật, kẻ đó chẳng tin tưởng, lâm chung vừa khuyên, ngay lập tức tin tưởng, ngay lập tức tiếp nhận, khá là khó khăn! Vì vậy, chuyện này vàn muôn phần chẳng thể nào cầu may! Chúng ta vẫn cứ thật thà niệm Phật, tích lũy công đức, đi theo con đường này sẽ ổn thỏa, thích đáng hơn, ngàn muôn phần chớ nên cầu may!
(Diễn) Thập Nghi Luận vân: “Lâm chung ngộ thiện tri thức, thập niệm thành tựu giả, tịnh thị túc thiện nghiệp cường, thỉ ngộ tri thức đẳng”.
(演)十疑論云:臨終遇善知識,十念成就者,並是宿善業強,始遇知識等。
(Diễn: Thập Nghi Luận nói: “Lâm chung gặp thiện tri thức, mười niệm thành tựu, toàn là do thiện nghiệp quá khứ mạnh mẽ, cho nên mới gặp thiện tri thức v.v…”)
Thập Nghi Luận do Trí Giả đại sư soạn, đã giải thích hết sức rõ ràng, dạy chúng ta chớ nên cầu may, chỉ biết đó là sự thật: Người ấy trong đời quá khứ đã có đại thiện căn, đại phước đức, đời này chẳng gặp duyên tốt đẹp, hoàn toàn tương ứng với lời dạy của Thiện Đạo đại sư (tức là “chín phẩm vãng sanh sai biệt là do gặp duyên khác nhau”). Trong đời này, gặp ác duyên, chẳng gặp thiện duyên, lúc lâm chung mới gặp thiện duyên. Vì thế, hạng người như vậy được gọi là Bất Định Tánh. Tục ngữ có câu: “Gần son thì đỏ, gần mực thì đen”. Người ấy bị hoàn cảnh bên ngoài vây bủa, gặp thiện tri thức, người ấy hành thiện; gặp phải ác tri thức, người ấy tạo ác. Người ấy thuộc tánh chất như thế đó.
(Diễn) Diệu Tông Sao vân: Thử tuy tạo ác, dĩ tằng tu Quán.
(演)妙宗鈔云:此雖造惡,已曾修觀。
(Diễn: Sách Diệu Tông Sao nói: “Người ấy tuy làm ác, nhưng đã từng tu Quán”).
Đã từng tu Quán là trong đời quá khứ, chẳng phải đời này. Trong đời quá khứ, người ấy đã tu tập tích lũy rất dầy; đời này rất bất hạnh, do gặp phải ác duyên cho nên mê muội, chuyện là như vậy đó.
(Diễn) Cố sử lâm chung, thiện hữu khuyến xưng thập niệm, định tâm tắc thành.
(演)故使臨終,善友勸稱十念,定心則成。
(Diễn: Nên khiến cho khi lâm chung, bạn lành khuyên xưng danh mười niệm, do Định tâm bèn thành tựu).
Người ấy lâm chung mới gặp thiện tri thức thật sự. Khi ấy, vừa được khuyên dạy, người ấy lập tức tin tưởng, lập tức phát nguyện. Đó là thiện căn trong đời quá khứ thành tựu, chẳng phải là phàm nhân.
(Diễn) Diệc thị pháp hành.
(演)亦是法行。
(Diễn: Cũng là một hạnh môn).
“Pháp” là pháp môn, “hành” là tu hành. Đấy cũng là một hạnh môn trong vô lượng hạnh môn.
(Diễn) Thừa cấp giới hoãn nhân dã.
(演)乘急戒緩人也。
(Diễn: Thuộc hạng người thích nghiên cứu giáo pháp, nhưng không nghiêm túc tu tập).
Thuộc loại người nào? “Thừa cấp”: “Thừa” (乘) là Phật pháp, người ấy thích nghiên cứu, suy xét Phật pháp, thích làm chuyện này. “Hành” (行) là thật sự tu hành, Hành là Giới, Định, Huệ. Coi nhẹ Giới, Định, Huệ, chẳng chịu nghiêm túc tu hành, thích nghiên cứu kinh luận. Đó gọi là kẻ “thừa cấp giới hoãn”. Nay chúng ta gọi “thừa” là học thuật, “giới” là thật sự tu tập. Đối với việc thật sự tu tập, kẻ ấy sai sót; đối với Phật học bèn thật sự đổ công dốc sức nghiên cứu, suy luận; là hạng người như vậy đó!
(Diễn) Do thừa cấp cố, đắc trị thiện hữu.
(演)由乘急故,得值善友。
(Diễn: Do sốt sắng nghiên cứu giáo pháp, nên được gặp bạn lành).
Thông đạt giáo lý, thích nghiên cứu kinh giáo, cũng thích giảng kinh, thuyết pháp, kết duyên cùng đại chúng khá nhiều, và cũng kết thiện duyên chẳng ít, lâm chung gặp gỡ thiện hữu.
(Diễn) Túng hiện thế bất tu tam-muội, diệc thị túc chủng kim thục, cố đắc vãng sanh.
(演)縱現世不修三昧,亦是宿種今熟,故得往生。
(Diễn: Dẫu cho đời hiện tại chẳng tu tam-muội, thì cũng là do [nhân duyên] đã gieo từ đời trước, nay đã chín muồi, cho nên được vãng sanh).
Đời này chẳng tu hành, nhưng phải hiểu người ta đời trước thật sự tu, đời này chẳng tu! Vì thế, khi lâm chung, hễ người ấy sám hối, buông xuống thì chính là tu. Có thể thấy là có mối quan hệ hết sức mật thiết với sự tu trì trong đời quá khứ.
(Diễn) Cố kim đại tâm, thuyết tức thị Bồ Đề đại tâm, diệc vô bất khả.
(演)故今大心,說即是菩提大心,亦無不可。
(Diễn: Vì thế, nay nói đại tâm chính là Bồ Đề đại tâm cũng chẳng phải là không được).
Gộp chung thiện căn, phước đức và nhân duyên trong đời quá khứ để nói, người ấy một niệm hồi tâm thì có thể nói là đại Bồ Đề tâm.
(Diễn) Huống bổn Sao văn, đương tri tức thị nhất tâm bất loạn, nhược Sự nhất tâm, do vị vi đại.
(演)況本鈔文,當知即是一心不亂,若事一心,猶未為大。
(Diễn: Huống chi đối với những điều được nói trong lời Sao, hãy nên biết đó chính là nhất tâm bất loạn. Nếu là Sự nhất tâm, vẫn chưa phải là “Đại”).
Vẫn chưa được coi là lớn.
(Diễn) Nhược Lý nhất tâm, khởi bất tức thị Bồ Đề tâm. Thị cố danh vi đại tâm.
(演)若理一心,豈不即是菩提心。是故名為大心。
(Diễn: Nếu là Lý nhất tâm, há chẳng phải chính là Bồ Đề tâm ư? Vì thế, gọi là đại tâm).
Vì vậy, nhất tâm là có thể “đốn chứng”, [tức là] vừa nghe bèn lập tức chứng đắc Lý nhất tâm, đấy là người căn tánh nhạy bén nhất. Nói cách khác, cũng là do công phu tu trì vô lượng kiếp của người ấy đến lúc đó đã chín muồi viên mãn; cho nên trong một đời bèn chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn. Trong đời này có tiệm chứng và đốn chứng. Ở đây, thuộc loại đốn chứng, cho nên thật sự là đại Bồ Đề tâm. Dẫu là Sự nhất tâm, nói thật ra, vẫn thuộc về Bồ Đề tâm, Bồ Đề là giác ngộ, người ấy đã thật sự giác ngộ, thật sự hiểu rõ. Hôm nay, chúng tôi nói đến chỗ này.
[1] Tu từ (修辭) hoặc nói đầy đủ là “tu sức văn từ” (修飾文辭: sửa chữa, gọt giũa sao cho văn chương bóng bẩy, đẹp đẽ), tức là các biện pháp mỹ hóa văn chương nhằm tăng cường tác dụng truyền đạt, nhấn mạnh những điều muốn biểu đạt, tăng cường mỹ cảm hòng tạo ấn tượng sâu đậm cho người đọc, gây ấn tượng lôi cuốn, thu hút người đọc. Các biện pháp tu từ thường sử dụng nhất là tỷ dụ, ẩn dụ, chuyển hóa (tức là nhân cách hóa sự vật hoặc hình tượng hóa một vấn đề), khoa sức (nói khoa trương), phúng thích (châm biếm), chiết tự, đối ngẫu. Thể loại đối ngẫu tạo ấn tượng rất mạnh, như trong Bình Ngô Đại Cáo có những cặp đối ngẫu thật hùng hồn như: “Dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có… Nướng dân đen trên lửa hung tàn, vùi con đỏ dưới hầm tai vạ. Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”, “voi uống nước, nước sông phải cạn; gươm mài đá, đá núi cũng mòn… ngẫm thù lớn, há đội trời chung; căm giặc nước, thề không cùng sống…”
[2] Tên gọi này ghép từ hai chữ Hima (tuyết) và Ālaya (chỗ trú ẩn), có nghĩa là “vùng tuyết đọng”. Đỉnh cao nhất trong rặng núi là đỉnh Everest (tên gọi vinh danh nhà quan trắc địa chất George Everest của Anh, nhưng công trình đo đạc thật sự được tiến hành dưới sự hướng dẫn của Andrew Waugh). Andrew Waugh đã đề nghị chọn tên này vì có quá nhiều tên gọi địa phương đối với đỉnh núi này như Chomolungma (thánh mẫu) trong tiếng Tây Tạng, người Nepal gọi là Deodungha hoặc Sagarmāthā.
[3] Bạch Hào gọi đầy đủ là Mi Gian Bạch Hào Tướng (Ūrna-lakṣana) là sợi lông trắng, cuộn tròn, trong suốt, tỏa sáng như viên ngọc nằm giữa hai chân mày đức Phật, ngay phía trên sống mũi. Khi kéo thẳng ra, Bạch Hào dài đến tám thước (có thuyết nói lúc sơ sanh, Bạch Hào dài năm thước, đến khi thành đạo, dài một trượng năm thước). Do vậy, để biểu thị tướng này, người ta thường cẩn một viên ngọc tròn hoặc thủy tinh lóng lánh vào giữa hai chân mày các tượng Phật. Kinh Ưu Bà Tắc Giới cho biết: “Lúc còn là Bồ Tát, Ngài đã từng trong vô lượng đời tuyên thuyết chánh pháp, thuyết pháp chân thật bất hư, nên có được tướng bạch hào”. Mỗi khi thuyết đại pháp, đức Phật thường phóng quang từ tướng Bạch Hào, kinh chép là “phóng bạch hào quang”, nên chúng ta thường lẫn lộn “hào quang” với “viên quang” (vầng quang minh bao quanh đầu đức Phật).
[4] Tứ Minh tôn giả (960-1028), tức là ngài Tri Lễ. Vị này quê quán ở huyện Tứ Minh (nay là huyện Cẩn, tỉnh Chiết Giang), là một vị tổ sư trong tông Thiên Thai. Do Sư thường trụ tích tại Bảo Ân Viện núi Tứ Minh tu lễ sám bốn mươi mấy năm nên người đương thời gọi Ngài là Tứ Minh tôn giả hoặc Tứ Minh đại sư. Cùng với ngài Tuân Thức, Sư được coi là nhân vật chủ chốt lãnh đạo phái Sơn Gia, thường bút chiến với các vị thuộc hệ thống Sơn Ngoại như pháp sư Ngộ Ân, Hồng Mẫn, Nguyên Thanh, Trí Viên, Khánh Chiêu v.v… xoay quanh những ý kiến bất đồng về những luận điểm trong tác phẩm Kim Quang Minh Huyền Nghĩa Phát Huy Ký của ngài Ngộ Ân (vì trong tác phẩm ấy, ngài Ngộ Ân chủ trương bộ Kim Quang Minh Huyền Nghĩa Quảng Bổn tuy ghi tác giả là ngài Trí Khải, nhưng là một tác phẩm mạo danh tổ sư. Đồng thời chủ trương chân tâm quán, coi cảnh được quán là chân tâm, tức Chân Như). Ngài Tri Lễ bèn viết Phù Tông Thích Nạn để đả phá luận thuyết ấy. Danh từ Sơn Gia có ngụ ý những người theo quan điểm của ngài Tri Lễ và Tuân Thức mới là Thiên Thai Chánh Tông, còn những kẻ theo quan điểm của ngài Ngộ Ân bị biếm nhẽ là Sơn Ngoại, tức những kẻ còn ở ngoài cửa, chưa thâm nhập giáo nghĩa Thiên Thai.
[5] Sát Đế Lợi (Kṣatriya) là một trong bốn chủng tánh (Varna) tại Ấn Độ, có nghĩa là cai trị, đặc quyền, thống lãnh, bao gồm những người cai trị và tướng lãnh quân sự, về sau được dùng với nghĩa rộng để chỉ giai cấp quý tộc. Sát Đế Lợi ở đây có nghĩa là một vị vua. Chữ Vương (Rājā) vốn là danh xưng của tù trưởng cai trị bộ tộc thời tiền Veda.
[6] Bồ Tát Xử Thai Kinh, có tên gọi đầy đủ là Bồ Tát Tùng Đâu Suất Thiên Giáng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ Kinh, gồm ba mươi tám phẩm, do ngài Trúc Phật Niệm dịch trong niên hiệu Hoằng Thỉ nhà Diêu Tần. Kinh dạy về cảnh giới của Nhất Sanh Bổ Xứ Đẳng Giác Bồ Tát khi từ cung trời Đâu Suất giáng sanh vào thai mẹ, đồng thời bao gồm rất nhiều giáo nghĩa và phương pháp tu chứng của Bồ Tát.