Tập 192/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 192

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm chín mươi hai:

          (Diễn) Phật bổn bất di, cơ tự dị giả, Pháp Thân khởi dụng, như không cốc truyền thanh, minh kính tả ảnh, tùy thanh cao hạ, tùy tướng nghiên xi, động nhược hành vân, chỉ do cốc thần, vân vân tự bỉ, ư ngã hà vi da?

()佛本不移,機自異者,法身起用,如空谷傳聲,明鏡寫影,隨聲高下,隨相妍媸,動若行雲,止猶谷神,紜紜自彼,於我何為耶。

(Diễn: Phật vốn chẳng đổi dời, do căn cơ mà tự thấy sai khác. Pháp Thân khởi tác dụng như hang trống dội lại tiếng vọng, như gương sáng in hình ảnh, tùy theo âm thanh cao hay thấp, tùy theo hình tướng đẹp hay xấu, động thì như mây bay, ngưng lặng thì giống như chính giữa hang núi, lăng xăng tự nó, can dự gì đến ta?)

Đoạn này tổng kết thân tướng do Phật đã hiện, thân tướng xác thực là có khác biệt, nhưng sở dĩ Phật hiện tướng là vì chúng sanh có cảm, Phật tự nhiên ứng hiện Tướng Phần. Hoàn toàn chẳng phải là Phật cố ý muốn hiện các thứ tướng, mà thật ra là do chúng sanh có các thứ tâm, nên Phật tự nhiên hiện các thứ tướng. Tuy ở đây nói đến Phật Thích Ca và Phật Di Đà để làm thí dụ; thật ra, Tướng Phần do mỗi người chúng ta đã hiện cũng là do cảm ứng đạo giao. Chúng ta đọc kinh, ắt cần phải chú ý điều này, vì những điều được nói trong kinh chính là cảnh giới hiện tiền của bản thân chúng ta, mà cũng là chuyện thuộc về bổn phận của chính mình. Nói tới Phật là nói đến tự tánh, nói tới Pháp Thân, nói tới bản thể, chúng sanh và Phật chẳng hai! Mười pháp giới hiện tướng khác nhau, đó là vì bản tánh tùy duyên khác nhau, chúng ta gọi duyên ấy là “cơ duyên”.

          “Phật bổn bất di” (Phật vốn chẳng đổi dời), câu này nói về Chân Như bản tánh. Chúng sanh và Phật chẳng khác, nói tới Phật Thích Ca, nói đến Phật Di Đà, hay nói đến chư Phật là nói về chính mình. “Cơ tự dị giả” (Do căn cơ mà tự sai khác), cơ cảm không giống nhau. Cũng có lẽ chúng ta lý giải chuyện “trong tâm chúng sanh có cảm, Phật tự nhiên có ứng” khá dễ dàng; còn đối với Chân Như bản tánh của chính chúng ta, làm sao chính mình có thể cảm ứng đạo giao cùng chính mình? Nói thật ra, chính mình cảm ứng chân tánh bằng ý niệm. Chúng ta một niệm niệm Phật bèn tương ứng với Phật, một niệm niệm Bồ Tát bèn tương ứng với Bồ Tát. Chúng ta từ sáng đến tối khởi tâm động niệm chẳng giống nhau, tướng được biến hiện sẽ khác nhau. Tương đối dễ nhận biết là ví như hôm nay có chuyện rất vui vẻ, quý vị sẽ hiện tướng vui sướng, ngày hôm nay gặp chuyện trái ý, quý vị sẽ hiện tướng rất khó coi. Chẳng phải là tướng biến đổi theo tâm ư? Trọn chẳng khó hiểu! Thầy bói xem tướng nói: “Tướng chuyển theo tâm”, tâm ấy là khởi tâm động niệm, khởi tâm động niệm là cơ cảm. Hiện các thứ tướng bất đồng, đó là Phật ứng, Phật ở đây là Tự Tánh Phật. Nếu hiểu rõ đạo lý này, quý vị sẽ biết chúng sanh thành Phật chẳng khó, khẩn yếu là quý vị niệm niệm trong tâm nghĩ tới Phật, tâm giống như tâm Phật, đương nhiên [tướng sẽ] giống như tướng Phật. Đó là đạo lý nhất định.

          Cổ nhân nói: Sau bốn mươi tuổi, tướng mạo phải do chính mình chịu trách nhiệm, từ bốn mươi tuổi trở về trước là tướng có được khi thần thức đầu thai. Vì sao con cái giống cha mẹ? Chúng nhìn thấy tướng của cha mẹ, ưa thích tướng ấy, bèn biến thành tướng tương tự như họ. Chuyện này chẳng phải là di truyền, mà trong một sát-na đầu thai đã giữ lấy tướng đó. Giữ lấy tướng đó chính là tiên thiên, nhưng tướng mạo hậu thiên[1] sẽ biến đổi theo tâm hạnh của quý vị trong một đời. Nếu suốt đời tâm địa hết sức thiện lương, đối xử trung hậu với người khác, sau khi đã thành niên, ba mươi, bốn mươi, người ấy bèn có tướng trung hậu, lão thành, tướng mạo đã biến đổi. Lúc bốn mươi tuổi, tướng mạo định hình, chẳng dễ gì biến đổi, khi ấy, chính mình phải chịu trách nhiệm về tướng mạo.

          “Pháp Thân khởi dụng”, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều do Pháp Thân khởi tác dụng. Trước mắt chúng ta, chánh báo là thân thể của chúng ta, y báo là hoàn cảnh sống, thảy đều là Pháp Thân khởi tác dụng. Mười pháp giới chẳng có ngoại lệ, toàn là Pháp Thân khởi tác dụng, Pháp Thân là chính mình. Khởi tác dụng là gì? “Không cốc truyền thanh, minh kính tả ảnh” (Hang trống dội lại tiếng vọng, gương sáng soi hình ảnh), “không cốc” (空谷) là hang núi. Chúng ta ở trong hang núi hú dài, sẽ có tiếng vang dội lại, [thân Phật ứng hiện theo căn cơ cảm ứng của chúng sanh] giống như tiếng vọng. “Minh kính” (明鏡) là một tấm gương sạch làu làu, soi rõ rệt hiện tượng bên ngoài, đó gọi là “tả ảnh” (寫影). Pháp Thân khởi tác dụng xác thực là như vậy. Vì thế, kinh Kim Cang có nói: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, cũng như chớp, hãy nên quán như thế”. Đúng là như vậy. Kinh Hoa Nghiêm nói Lý Sự vô ngại, Lý là Pháp Thân, Sự là khởi tác dụng, vô ngại. Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại. Quý vị thật sự hiểu thấu triệt đạo lý này, sẽ vô ngại. Vì sao vô ngại? Vì chẳng chấp trước; không chấp trước bèn chẳng có ngăn ngại. Bọn phàm phu chúng ta hiện thời vì sao có ngăn ngại? Trong vô ngại, sanh khởi chướng ngại. Nẩy sanh chướng ngại là vì chỗ nào cũng chấp trước, chỗ nào cũng phân biệt, coi giả là thật. Còn những gì là thật, họ chẳng nhận biết!

Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”: Hang trống dội lại tiếng vọng, chúng ta biết là hư vọng. Chúng ta biết hình bóng trong gương là hư vọng, nhưng chẳng biết thân thể này và thế giới trước mắt là hư vọng. Trong kinh Đại Thừa, đức Phật đã đôi ba lượt bảo chúng ta: Cảnh giới hiện tại sanh diệt trong từng sát-na. Kinh Lăng Nghiêm giảng thấu triệt, cảnh giới “sanh ra từ nơi đâu sẽ diệt mất từ nơi đó”, “thuận theo tâm chúng sanh mà ứng với khả năng tiếp nhận của họ”, ứng theo tâm lượng. Chúng ta đọc những câu kinh văn ấy, ứng theo tâm lượng, “thuận theo tâm chúng sanh, Phật, Bồ Tát ứng theo khả năng nhận biết của họ”. Nếu quý vị hiểu như vậy, đó chỉ là hiểu Phật pháp ở mức nông cạn. Chân Như bản tánh thuận theo vọng niệm của chúng ta mà hiện tướng, điều đó gọi là “tùy tâm ứng lượng”. Hết thảy các kinh do đức Phật đã giảng có quan hệ rất mật thiết với chúng ta, hết thảy các kinh luận vốn là chuyện của chính bản thân ta. Lìa khỏi bản thân chúng ta, nói thật ra, chẳng có một pháp nào để có thể đạt được. Đã là chẳng có một pháp nào để có thể đạt được, còn có pháp gì để có thể nói hay chăng? Phật là bản tánh của chính mình. Bồ Tát cũng là bản tánh của chính mình. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới vẫn là bản tánh của chính mình. Thiền Tông nói rất hay: “Nếu người hiểu biết tâm, đại địa không tấc đất”. Tâm [trong câu nói trên đây] chính là chân tâm. Nếu quý vị nhận biết chân tâm, đại địa chẳng có tấc đất nào, vì sao? Hết thảy toàn là Tướng Phần của tự tâm. Tánh, Tướng như nhau, Lý, Sự chẳng hai, mới biết hoàn toàn là chính mình.

Do hang trống dội lại tiếng vọng, cho nên có “tùy thanh cao thấp”, [nghĩa là] âm thanh của quý vị cao, tiếng vọng cũng cao. Âm thanh của quý vị dài, tiếng vọng cũng kéo dài. Gương sáng chiếu cảnh giới bên ngoài, chẳng hạn như soi người ta thì cổ nhân thường nói: “Hồ lai hiện Hồ, Hán lai hiện Hán” (người Hồ đến soi, gương bèn hiện bóng người Hồ. Người Hán đến soi, gương bèn hiện bóng người Hán). Người Hán soi gương, trong gương hiện người Hán. Người Hồ là người ngoại quốc, người ngoại quốc soi gương, trong gương hiện hình người ngoại quốc, “tùy tướng nghiên xi” (tùy theo tướng mà hiện hình bóng xấu đẹp). Nay chúng ta thường tự trách tướng mạo của chính mình chẳng đẹp, tướng mạo đức Phật đẹp nhất, mảy may khuyết hãm đều chẳng có. Kinh thường tán thán mặt Phật như “mãn nguyệt” (trăng tròn), vầng trăng ngày Rằm. Nếu chúng ta hiểu lầm ý nghĩa, [cứ ngỡ] “mãn nguyệt” là tròn xoe, đầu Phật tròn quay, cũng rất khó coi! “Mãn nguyệt” là chẳng có chỗ nào khuyết hãm, mang ý nghĩa này. Ba mươi hai tướng và tám mươi thứ hảo, quý vị chẳng tìm thấy chỗ khuyết hãm nào trên thân tướng đức Phật, quá đẹp đẽ! Vì sao có hảo tướng như vậy? Kinh Đại Thừa đã nói rất rõ ràng: Tướng thuộc về quả báo, mỗi tướng đều có tu nhân (cái nhân để tu tập). Chẳng có thiện nhân, lấy đâu ra thiện quả? Đối với ba mươi hai tướng và tám mươi thứ hảo của đức Phật, trong Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa, cư sĩ Giang Vị Nông đã trích lục nhân quả rất rõ ràng. Nếu quý vị muốn tu tướng hảo, hãy nên tu từ nơi nhân, quả sẽ tự nhiên chuyển biến. Đó gọi là “tướng tùy tâm chuyển” (tướng chuyển theo tâm). Do điều này có thể biết, tướng Phật trang nghiêm như vậy [là do] tâm Phật quá tốt đẹp! Tâm tốt lành là nhân, tướng hảo là quả, phải biết điều này!

          “Động nhược hành vân” (Động thì như mây bay): Trong kinh Phật, chữ Vân được dùng rất nhiều, nhất là kinh Hoa Nghiêm. Dùng chữ này với ý nghĩa gì? “Chẳng phải có, chẳng phải không”. Chúng ta thấy áng mây thật sự là có, nhưng đến gần thì chẳng có. Đức Phật nói: Chúng ta đều hãy nên quán hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian như thế, chớ nên chấp trước có, mà cũng đừng chấp trước không! Quý vị nói nó không có, nó có! Quý vị nói nó là có, thật sự nó là không. Đó mới là chân tướng sự thật. Trước mắt chúng ta cũng là như thế, thân thể chúng ta cũng là chẳng phải có, chẳng phải không, giống như mây trôi. “Động” là nói nó khởi tác dụng, Pháp Thân khởi tác dụng, hiển hiện y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, chẳng phải có, chẳng phải không. Vì thế, chớ nên chấp trước những thứ ấy. Phàm phu chấp trước, cho nó là có. Hàng Nhị Thừa tưởng nó là không. Phàm phu chấp trước có, Nhị Thừa chấp trước không, đều là sai lầm. Bồ Tát bất đắc dĩ, cưỡng gọi chuyện này là Trung Đạo. Trung Đạo là chẳng chấp trước có, mà cũng chẳng chấp trước không. Quý vị nói “ta là Trung Đạo”, lại sai bét mất rồi! Quý vị lại có chấp trước! Nói tóm lại, quyết định chớ nên chấp trước, quý vị bèn tự tại. Có chấp trước tức là bệnh. Hết thảy đều chẳng chấp trước sẽ tự tại.

          “Chỉ do cốc thần” (Ngưng lặng thì như hang núi), Lão Tử nói: “Cốc thần bất tử”, chính giữa hang núi gọi là “cốc thần” (谷神). Chính giữa sơn cốc là vô hình, vô ảnh. Cả quả núi, sơn cốc thấp nhất, tỷ dụ sự thấp hèn, hình dung sự an tĩnh, bất động. Lão Tử dùng ý nghĩa này để dạy người. Xử thế, đãi người, trong xã hội phải hạ mình, khiêm hư, an tĩnh, chẳng mê. Dùng chỗ chính giữa nơi đáy hang núi để làm tỷ dụ nhằm sánh ví sự nhiệm mầu của đạo. Nói thật ra, Đạo do Nho gia nói, Đạo của Đạo gia nói và Đạo do Phật gia nói đều hết sức gần gũi, đều là nói về tâm. Dụng tâm phải khiêm hư, phải hạ mình, phải an tĩnh. Phật môn gọi “an tĩnh” là Thiền Định, là “như như bất động”! Tâm bất động sẽ chẳng khởi bất cứ tác dụng gì, nên là bất tử. Phật pháp gọi “bất tử” là bất sanh bất diệt, có ý nghĩa này! Cổ đại đức Trung Quốc nói cảnh giới của Lão Trang là từ Thất Địa trở lên. [Cảnh giới của] Nho và Đạo, nói thật ra, xác thực là cảnh giới Bồ Tát trong Phật pháp. Họ có phải là Phật, Bồ Tát hóa thân đến Trung Quốc nhằm giáo hóa chúng sanh hay chăng? Nói theo Lý thì thông suốt, nhưng xét theo Sự bèn chẳng có dấu tích. “Chỉ do cốc thần” (Ngưng lặng thì giống như đáy hang núi), đó là đại định. Tự tánh vốn định, mang ý nghĩa này.

          “Vân vân tự bỉ, ư ngã hà vi da” (Lăng xăng tự nó, can dự gì đến ta), hai câu này nói đến sâm la vạn tượng. Trong xã hội hiện thời xao động bất an, cả thế giới nguy cơ ẩn nấp bốn bề, giống như quả bom đã cài giờ sẵn, chẳng biết sẽ nổ tung lúc nào. Kinh nói là “ngũ trược ác thế”, thật đấy, chẳng giả! Nếu bản thân chúng ta có thể thật sự khế nhập cảnh giới Như Lai, sự động loạn ấy chẳng dính dáng gì đến ta! Chính mình ở trong cảnh giới ấy vẫn là động tĩnh như nhau, chẳng hề dính dáng! Họ động, chúng ta bất động. Người bất động sẽ thấy rõ ràng, rành rẽ cảnh giới đang động. Tục ngữ thường nói “kẻ trong thì quáng, người ngoài bèn sáng”. Kẻ bàng quan do chẳng có lợi hay có hại gì đối với họ, cho nên họ nhìn thấy rất rành rẽ. Hiện thời, thế giới này động loạn, vì sao mọi người chẳng thấy rõ ràng? Vì tâm chính mình đang bị động, chính mình rất sợ chết, trong tâm có [nỗi sợ] sanh tử!

          Đoạn kinh văn này đã nói: “Động nhược hành vân, chỉ do cốc thần”, đó là bất sanh bất diệt. Dùng cái tâm bất sanh bất diệt để thấy cảnh giới được hiện bởi cái tâm sanh diệt trong thế gian này, [sẽ thấy] khác hẳn! Đó là chỗ  khác biệt, chúng ta phải học điều này, mong cầu đạt được. Học Phật nhập môn từ chỗ nào? Nhập môn từ tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là “cốc thần”, tuyệt chẳng phải do niệm kinh điển bao nhiêu, nghiên cứu bao nhiêu, hoặc là phải biết cỡ nào! Chẳng phải do những điều ấy. Nói thật thà, tâm địa thanh tịnh đến tột bậc thì mới có tư cách xem kinh, mới có tư cách đọc sách, mới có tư cách nhìn vào thế giới này, nhìn vào nhân sinh. Vì sao? Chính quý vị đã vượt thoát, đã thấy rõ ràng, rành rẽ, mới biết khi nào, nhà Phật thường nói là “thời tiết, nhân duyên”, đối với người nào thì phải nên dùng phương pháp gì để giúp họ. Đó gọi là “quán cơ thí giáo” (xem xét thời cơ, để ban bố giáo pháp), giáo hóa chúng sanh, cơ cảm tương ứng.

          Nếu tâm chính mình vẫn chưa thanh tịnh, càng đọc, tri kiến càng nhiều, quan sát xã hội càng nhiều, phiền não càng lắm. Sách Phật pháp hay sách thế gian càng đọc nhiều, tà kiến càng nhiều. Vì sao người ấy chẳng thể biến thành đại thánh đại hiền? Do chẳng trừ bỏ phiền não. Chẳng trừ bỏ phiền não thì trong Phật môn, quý vị nghiên cứu kinh luận ít sẽ tạo nghiệp cũng ít, chẳng có năng lực tạo nghiệp. Đọc kinh sách càng nhiều, tạo nghiệp cũng lớn! Quý vị có thể giảng, biết lắm thứ, đó là cái học do hỏi han ghi nhớ, hết sức rộng rãi, có thể nói đến nỗi hoa trời rơi tán loạn, có thể lừa hết thảy chúng sanh, tạo tội nghiệp to đùng! Tăng trưởng vô lượng tà tri, tà kiến, làm thế nào được nữa! Đó chẳng phải là hưng thịnh Phật pháp, mà là hủy diệt Phật pháp. Do vậy, cổ đức giáo học thì trước hết là khởi sự bằng đoạn phiền não. Trước hết, chẳng bảo quý vị đọc kinh, không cho phép quý vị xem kinh sách, chỉ là chỉ định một quyển bảo quý vị đọc tụng, chẳng giảng giải, [nhằm vào mục đích] định cái tâm! Tu tâm thanh tịnh. Đến khi tâm địa đã khá thanh tịnh, thầy chấp nhận, khi ấy, mới có thể nghiên cứu kinh điển, đọc rộng rãi các kinh, mới có tư cách [làm chuyện đó]. Khi đó, quý vị biết càng nhiều càng hay. Quý vị có trí huệ, trong tương lai có thể giúp đỡ hết thảy chúng sanh, thành tựu vô lượng công đức. Tu học trong hiện thời, căn bệnh to lớn là điên đảo thứ tự. Vì thế, đoạn kinh văn này có ý nghĩa hết sức sâu xa!

          (Sớ) Cập kỳ nhân dân giả, xảo dụng đảo ngữ cố. Ngôn nhân dân giả, Phật như vương cố. A-tăng-kỳ, thử vân Vô Số, bội chi danh Vô Lượng, Vô Biên. Nhân thọ hữu nhị: Nhất Phật bổn nguyện lực cố, nhị tự công đức lực cố.

()及其人民者,巧用倒語故。言人民者,佛如王故。阿僧祇,此云無數,倍之名無量無邊。人壽有二:一佛本願力故,二自功德力故。

(Sớ: “Cùng với nhân dân”: Khéo sử dụng đảo ngữ. Nói “nhân dân” là vì Phật giống như vua. Cõi này dịch A-tăng-kỳ là Vô Số. Những bội số của nó là Vô Lượng và Vô Biên. Tuổi thọ của con người [trong cõi Cực Lạc] có hai [yếu tố]: Một là do bổn nguyện lực của Phật, hai là do sức công đức của chính mình).

          Đoạn này nhằm giải thích câu kinh văn “cập kỳ nhân dân vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp”.

          (Sao) Đảo ngữ giả, chánh ngữ đương vân “Phật cập nhân dân, thọ mạng vô lượng”.

          ()倒語者,正語當云佛及人民,壽命無量。

          (Sao: “Đảo ngữ”: Nói thuận theo cú pháp thì phải là “Phật và nhân dân, thọ mạng vô lượng”).

          Đây là nói theo ngữ pháp tiếng Hán, ngữ pháp tiếng Phạn có sai khác đôi chút. Họ nói là “bỉ Phật thọ mạng, cập kỳ nhân dân”, theo cách nói của người Hoa sẽ là “bỉ Phật cập kỳ nhân dân, thọ mạng vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp”, nói theo cách đó. Kinh văn nói đảo ngược, nên gọi là “đảo ngữ”.

          “Phật như vương cố” (Do Phật giống như vua), vãng sanh có nhân dân. Đây là tỷ dụ. Chư vị phải hiểu, Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có vua, mà cũng chẳng có nhân dân. Vì sao? Thế giới ấy bình đẳng. Người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có họ tên. Nhà cửa họ ở chẳng có tên đường, mà cũng chẳng có số nhà. Tây Phương Cực Lạc thế giới là một thế giới như vậy đó. Hình dáng của mọi người lại đều giống hệt như nhau, hoàn cảnh sống đều giống nhau, thế giới bình đẳng mà! Chúng ta vừa nghe lời này, ắt sẽ kinh hãi, đến đó, Trương Tam hay Lý Tứ đều chẳng nhận biết, vị nào là Phật, vị nào là Bồ Tát, chúng ta cũng chẳng phân biệt rõ ràng! Kinh dạy: Sau khi đã đến bên đó, thần thông và đạo lực của chúng ta thảy đều khôi phục, chắc chắn chẳng nhận lầm bất cứ một ai. Quý vị vừa thấy người đó, không chỉ biết hiện thời người ấy là ai, mà chuyện trong đời đời kiếp kiếp quá khứ của người đó quý vị đều biết. Người trong thế giới Tây Phương trọn đủ sáu loại thần thông, gần như chẳng khác A Di Đà Phật cho mấy. Thiên Nhãn thấy thấu suốt, Thiên Nhĩ nghe thông suốt, Tha Tâm biết trọn khắp, trong tình hình ấy, chẳng cần đến danh tự! Vì thế, bên ấy chẳng có vua, mà cũng chẳng có nhân dân. Cách thuyết pháp bên ấy chắc chắn chẳng giống cách thuyết pháp ở nơi đây, vì trong cõi này, phải dùng ngôn ngữ, phải dùng phân biệt, chấp trước để thuyết pháp, ở bên kia thảy đều chẳng cần, chẳng có những thứ ấy!

          (Sao) Như Ba La Mật, vân Bỉ Ngạn Đáo, đương thị Đáo Bỉ Ngạn nhĩ.

          ()如波羅密,云彼岸到,當是到彼岸耳。

(Sao: Như Ba La Mật, nghĩa là Bờ Kia Đến, [hiểu theo cách hành văn theo thứ tự thuận] phải là Đến Bờ Kia).

          Đây là nêu một thí dụ. Ngữ pháp tiếng Ấn Độ tương phản ngữ pháp tiếng Hán, như Ba La Mật (Pāramitā) là tiếng Phạn, dịch thẳng [từng chữ] sang tiếng Hán sẽ là Bỉ Ngạn Đáo, nhưng theo ngữ pháp tiếng Hán thì phải là Đáo Bỉ Ngạn.

          (Sao) Dĩ ý hội chi, vô dĩ từ hại.

          ()以意會之,無以辭害。

          (Sao: Phải hiểu theo ý nghĩa, chớ vì từ mà hại ý).

          Dạy chúng ta phải hiểu ý nghĩa, chớ nên chấp trước danh tướng, chính là “y nghĩa, bất y ngữ” trong Tứ Y Pháp. Hiểu rõ ý nghĩa là được rồi!

          (Sao) Phật như vương giả.

          ()佛如王者。

          (Sao: “Phật như vua”).

                   Đây là tỷ dụ.

          (Sao) Bỉ quốc tuy vô quân thần phụ tử.

          ()彼國雖無君臣父子。

          (Sao: Tuy cõi ấy chẳng có vua, tôi, cha, con).

          Phàm là đi vãng sanh đều là liên hoa hóa sanh. Do đó, Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có quan hệ cha con, chẳng có quan hệ vua tôi.

          (Sao) Nhiên Phật vi pháp vương, hữu quân chủ nghĩa.

          ()然佛為法王,有君主義。

          (Sao: Nhưng Phật là pháp vương, nên có ý nghĩa quân chủ).

          Nhưng xác thực là có A  Di  Đà  Phật  ở trong thế giới ấy giáo hóa

chúng sanh, địa vị của đức Phật là thầy. Vì thế, trong Tây Phương Cực Lạc thế giới có quan hệ thầy trò. Phật là thầy, hết thảy Bồ Tát đều là học trò.

          (Sao) Sanh bỉ quốc giả, y Phật, học Phật, hữu nhân dân nghĩa.

          ()生彼國者,依佛學佛,有人民義。

          (Sao: Người sanh về cõi ấy nương theo Phật, học Phật, nên có ý nghĩa nhân dân).

          Dùng theo ý nghĩa này, có ý nghĩa này.

          (Sao) Phi như thử độ, bản tịch sở thống, thật biên manh dã.

          ()非如此土,版籍所統,實編氓也。

          (Sao: Chẳng giống như cõi này, có sổ bộ, hộ tịch thống kê, biên chép dân chúng).

          Thế gian này là xã hội Ngũ Luân, thật sự có tổ chức, có sự thống hạt (cai quản, kiểm soát, quản chế). Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có chuyện ấy. [Chỉ có một mối quan hệ] là thầy trò. Nói thật ra là một trường học, thầy và học trò địa vị bình đẳng.

(Sao) Tăng Kỳ giả, nhập thập đại số chi thủ.

()僧祇者,入十大數之首。

          (Sao: Tăng Kỳ thuộc con số đầu tiên trong mười con số lớn).

          Những chữ số của Ấn Độ tính từ những số cơ bản là đơn vị, mười, trăm, ngàn, đại khái có một trăm năm mươi mấy chữ số. A Tăng Kỳ (Asaṅkhya) là số đầu tiên trong mười con số lớn cuối cùng[2].

          (Sao) Tùng bách Lạc Xoa, bội bội tích lũy nhi sanh.

          ()從百洛叉,倍倍積累而生。

(Sao: Từ một trăm Lạc Xoa[3] tính gấp bội dần mà có những số đó).

          Cơ số của Ấn Độ được tính theo cách tăng gấp mười, nhưng đến những con số lớn chẳng tính theo cách tăng gấp mười, mà là bội số của chính nó nhân lên, nên những con số ấy hết sức to lớn.

          (Sao) Hựu Tăng Kỳ Tăng Kỳ vi nhất Vô Lượng.

          ()又僧祇僧祇為一無量。

          (Sao: Lại nữa, Tăng Kỳ lần Tăng Kỳ là một Vô Lượng).

           A-tăng-kỳ lần A-tăng-kỳ là một Vô Lượng.

          (Sao) Vô Lượng Vô Lượng vi nhất Vô Biên.

          ()無量無量為一無邊。

          (Sao: Vô Lượng lần Vô Lượng là một Vô Biên).

          Vô Lượng lần Vô Lượng là một Vô Biên.

          (Sao) Kim hợp ngôn giả, tự hữu nhị nghĩa.

          ()今合言者,自有二義。

          (Sao: Nay nói gộp lại, là có hai ý nghĩa).

          Nay trong kinh văn nói là “vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp”, ở đây có hai ý nghĩa.

          (Sao) Nhất thị thật minh kỳ số, dĩ tăng kiếp kế chi, hữu vô lượng vô biên Tăng Kỳ dã.

          ()一是實明其數,以僧劫計之,有無量無邊僧祇也。

          (Sao: Một là thật sự nói đến con số ấy, dùng A Tăng Kỳ kiếp để tính toán bèn có Vô Lượng Vô Biên Tăng Kỳ).

          Nói đến một con số thật sự.

          (Sao) Nhị thị cực tán kỳ đa, vô phục biên lượng, vô phục cùng tận chi Tăng Kỳ dã.

()二是極讚其多,無復邊量,無復窮盡之僧祇也。

(Sao: Hai là tán thán số ấy nhiều đến tột bậc, lại còn là chẳng có bờ mé, số lượng, chẳng có cùng tận A Tăng Kỳ vậy).

          Chúng ta đọc kinh Vô Lượng Thọ, biết trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, thọ mạng của Phật và chúng sanh dài lâu đương nhiên [phải hiểu] theo ý nghĩa thứ hai, tuyệt đối chẳng phải là ý nghĩa thứ nhất, vì sao? Theo ý nghĩa thứ nhất, Vô Lượng Vô Biên A-tăng-kỳ kiếp có thể tính toán được. Vì thế, từ ngữ này (vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp) thật sự là từ ngữ hình dung, chẳng phải là một con số, vì Đại Kinh đã nói rất rõ ràng: “Giả sử chúng sanh trong mười phương thế giới đều chứng đắc quả Bích Chi Phật, thần thông đều như Mục Kiền Liên, cùng nhau tính toán thọ mạng của A Di Đà Phật, trọn hết tuổi thọ của họ để tính toán, đều chẳng có cách nào tính toán được!” Vậy thì đương nhiên chẳng phải là vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp [hiểu theo nghĩa một con số cụ thể]. Nếu thật sự là [một con số] vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp, một mình tôn giả Mục Kiền Liên đã tính ra, cần gì phải có lắm người ngần ấy? Vì vậy, ý nghĩa thứ hai là chánh xác.

(Sao) Phật lực giả, Đại Bổn Pháp Tạng nguyện vân: “Ngã tác Phật thời, ngã sát trung nhân, thọ mạng giai vô ương số kiếp, vô hữu năng kế kỳ số giả”, thị thừa Phật nguyện lực, hữu thử thọ cố.

()佛力者,大本法藏願云:我作佛時,我剎中人,壽命皆無央數劫,無有能計其數者,是承佛願力,有此壽故。

(Sao: Phật lực: Trong kinh Đại Bổn, ngài Pháp Tạng nguyện rằng: “Khi tôi thành Phật, người trong cõi tôi thọ mạng đều là vô ương số kiếp, chẳng người nào có thể tính được số ấy”. Đó là nhờ vào nguyện lực của Phật mà có tuổi thọ ấy).

          Giải thích vì sao người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới thọ mạng dài như thế. Trong lời Sớ, đã nêu ra hai nguyên nhân, thứ nhất là Phật lực, do sức bổn nguyện của Phật gia trì. Vì Phật đã từng phát ra bốn mươi tám nguyện. Nếu người sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có thọ mạng dài như thế, đức Phật đã trái nghịch bổn nguyện, chẳng thể thành Phật. Vì lẽ đó, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhất định là thọ mạng dài lâu như đức Phật đã phát nguyện. Đây là nêu nguyên văn trong bốn mươi tám nguyện để nói. Pháp Tạng là tiền thân của A Di Đà Phật, Pháp Tạng chính là pháp danh của A Di Đà Phật khi Ngài còn tu nhân. “Ngã tác Phật thời” (Khi ta thành Phật), nay Ngài đã thành Phật, kinh Đại Bổn và Tiểu Bổn đều nói rất rõ ràng, Ngài thành Phật trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đến nay đã là mười kiếp. “Ngã sát trung nhân” (Người trong cõi ta), [tức là] người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, “thọ mạng giai vô ương số kiếp” (thọ mạng đều là vô ương số kiếp), Vô Ương[4] là một con số lớn, “vô hữu năng kế kỳ số giả” nghĩa là chẳng có ai có thể tính toán con số ấy, đó là “thừa Phật nguyện lực” (nương vào nguyện lực của Phật), nên người vãng sanh có thọ mạng dài như vậy, thọ mạng giống như Phật. Nguyên nhân thứ hai là:

          (Sao) Tự lực giả.

          ()自力者

          (Sao: Sức của chính mình).

          Là sức công đức của chính mình, cũng chớ nên coi nhẹ!

          (Sao) Nhất tâm niệm Phật, tâm thanh tịnh cố.

          ()一心念佛,心清淨故。

          (Sao: Do nhất tâm niệm Phật, nên tâm thanh tịnh).

Hai câu này nói đến tự lực, hai câu này hết sức quan trọng. Vì sao? Chẳng có tự lực, Phật lực chẳng thể gia trì được! Do vậy có thể biết, chúng ta tu học pháp môn này, quan trọng nhất là nhất tâm niệm Phật, niệm cho đạt đến tâm thanh tịnh. Tâm còn có thị phi, nhân ngã, còn có tham, sân, si, mạn, tâm ấy chẳng thanh tịnh. Xưa kia, các vị đại đức đã nói: Nếu muốn nhập Phật môn, phải thấy thấu suốt, phải buông xuống. Thấy thấu suốt là giác ngộ, buông xuống là công phu. Nay vì sao tâm chúng ta chẳng thanh tịnh? Không buông xuống được! Vì sao không buông xuống được? Chẳng thấy thấu suốt! Những gì đức Phật dạy, chúng ta đều có thể ghi nhớ, chính mình cũng có thể nói “phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Đều là hư vọng, vì sao quý vị không buông xuống? Vì sao phải chấp trước tướng hư vọng ấy? Chấp trước những tướng hư vọng ấy sẽ tạo vô biên tội nghiệp, phải tạo tác lục đạo luân hồi, vẫn phải tạo nghiệp, chịu báo trong ấy, chẳng thể nào giải quyết xong, khổ chẳng thể nói! Vì thế, Phật, Bồ Tát, tổ sư đại đức rát miệng buốt lòng khuyên dạy chúng ta: “Phải thấy thấu suốt, phải buông xuống!” Nếu những hiện tướng là thật, mà Phật, Bồ Tát dạy chúng ta “thấy thấu suốt, buông xuống” thì trật mất rồi! Do tất cả hết thảy huyễn tướng đều là giả, chẳng có gì là thật, nên bảo quý vị thấy thấu suốt và buông xuống là tuyệt đối chánh xác. Chỉ cần quý vị có thể thấy thấu suốt, buông xuống, mới đắc đại tự tại trong hết thảy cảnh giới. Vì lẽ đó, tâm thanh tịnh trọng yếu hơn bất cứ gì khác.

          Sở dĩ pháp môn này thù thắng, có thể vượt trỗi hết thảy các pháp môn, là do nó đơn giản, dễ dàng, ổn thỏa, thích đáng, tức là nhất tâm niệm Phật, trong tâm chỉ có mình A Di Đà Phật. Trừ A Di Đà Phật ra, thứ gì cũng chẳng có. Giống như Liên Trì đại sư đã nói: “Tam Tạng mười hai bộ, để dạy người khác ngộ”, tuyệt đối chẳng phải để dạy chính mình. Dạy chính mình thì một câu Nam-mô A Di Đà Phật cũng đủ rồi, ngay cả kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ đều là quá thừa, huống gì những thứ khác! Còn cần đến những kinh điển ấy vì chúng là công cụ để tiếp dẫn chúng sanh, tuyệt đối chẳng phải là để chính mình thọ dụng, mà nhằm dành cho người khác thọ dụng. Quý vị có thể hiểu rõ giới tuyến ở chỗ này, sẽ không trở ngại sự. Hóa độ người khác, chẳng trở ngại tâm chính mình thanh tịnh; tự tâm thanh tịnh cũng chẳng trở ngại giảng kinh, thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh, vô ngại! Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, nhất định phải hiểu rõ ràng. Nhưng đối với tự lợi, lợi tha, nhất định lấy tự lợi làm chủ, [bởi lẽ] chính mình chẳng thật sự đạt được lợi ích, sẽ chẳng thể lợi tha. Lợi tha thì phải tự lợi trước. Tự lợi được nói như thế nào? Chính mình phải đạt được cái tâm thanh tịnh trước đã, đó là tự lợi.

          (Sao) Liên hoa hóa sanh, thanh hư chi thân, bất đồng chất ngại nhục thân, hữu lão bệnh tử. Thị tự tinh tấn lực, hữu thử thọ cố.

()蓮華化生,清虛之身,不同質礙肉身,有老病死,是自精進力,有此壽故。

(Sao: “Liên hoa hóa sanh”: Cái thân thanh hư, chẳng giống như nhục thân vật chất ngăn ngại, có già, bệnh, chết. Đó là do sức tinh tấn của chính mình mà có thọ lượng ấy).

          Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới là “liên hoa hóa sanh”. Nói cách khác, thân thể chẳng giống thân thể loài người chúng ta trong thế giới này! Nếu nói là khác nhau, thì vẫn rất khó nói, vì sao? Nói theo lý luận thì như nhau, chẳng khác gì cả! Các nhà khoa học đã phân tích thân thể này, tách thành nguyên tử, điện tử, hạt cơ bản. Hoa sen phân tích ra cũng là những thứ đó, há có khác gì? Hết thảy vạn pháp, pháp thế gian và xuất thế gian phân tích đến cuối cùng, vật chất cơ bản đều như nhau. Nếu nói là khác nhau thì là do sự tổ hợp khác nhau, công thức cấu tạo khác nhau. Rốt cuộc là do ai sắp đặt? Ai tổ hợp chúng? Thưa cùng chư vị, người sắp đặt và tổ hợp chẳng phải là A Di Đà Phật, chẳng phải là Phật, Bồ Tát. Nếu Phật, Bồ Tát có năng lực tổ hợp, sắp đặt, chúng ta còn phải tu chi nữa! Các Ngài giúp chúng ta tổ hợp là được rồi! Hiện thời nói là “biến đổi thể chất”. Nếu Phật, Bồ Tát có năng lực giúp chúng ta biến đổi thể chất, các Ngài đại từ đại bi đều giúp chúng ta biến đổi, chúng ta chẳng cần tu hành! Chư vị nhất định phải biết, trong sự tổ hợp, sắp xếp ấy, ai làm chủ tể? Ý niệm làm chủ tể, niệm lực chẳng thể nghĩ bàn! Trong kinh Phật thường nói: “Tâm, Phật, chúng sanh, ba thứ chẳng sai biệt”. Bản năng của tâm, năng lực của Phật, và năng lực nghiệp duyên của chúng sanh, ba sức mạnh ấy đều chẳng thể nghĩ bàn!

          Thân người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới do tâm thanh tịnh tổ hợp, tâm thanh tịnh tạo thành công thức cấu tạo, chúng ta gọi [thân tâm ấy] là Vô Lậu Ngũ Ấm. Ngũ Ấm như nhau, Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, nhưng chúng là vô lậu. Vô lậu là tâm thanh tịnh, hữu lậu là tâm phiền não. Chúng ta do tâm phiền não sắp đặt, tổ hợp, nên biến thành hữu lậu Ngũ Ấm, khác hẳn, bất đồng ở chỗ này. “Liên hoa hóa sanh, thanh hư chi thân”, do tâm thanh tịnh sắp đặt, tổ hợp; lại còn được Phật lực gia trì, nên thân của họ là thân Kim Cang bất hoại. “Thanh hư chi thân, vô cực chi thể” (Thân thanh hư, thể vô cực), do đó, thọ mạng dài lâu, chẳng có già, bệnh, chết! Trong thế gian này, chúng ta là thân hữu lậu Ngũ Uẩn. Hữu lậu là do tâm phiền não sắp đặt, tổ hợp thể chất, nên có chướng ngại. Vì thế, có già, có bệnh, có chết.

          Thân người trong thế giới Tây Phương và thân người chúng ta khác nhau, điều này đáng để chúng ta chú ý. Ví như vàng y và chén trà, vật chất cơ bản hoàn toàn như nhau, nhưng công thức cấu tạo khác nhau, một đằng là có thể gìn giữ lâu dài, một đằng chẳng thể gìn giữ lâu dài. Ai sắp xếp? Do tâm niệm sắp xếp. Trong tâm chẳng có vọng niệm, sắp xếp, sẽ hoàn toàn phù hợp tự nhiên, tự nhiên là bất sanh bất diệt. Do khởi tâm động niệm sắp xếp, sẽ chẳng thể thuận theo tự nhiên, bèn trở thành hữu sanh, hữu diệt. Hiện thời đạo lý này đã được khoa học chứng thực. Vì thế, chúng ta mong trường thọ, mong được trẻ trung mãi mãi, quý vị phải biết then chốt ở chỗ nào? Then chốt là tâm thanh tịnh. Tuyệt đối chẳng phải do thuốc men, chẳng do cầu thần, cầu quỷ, chẳng do sửa sắc đẹp mà có thể đạt được, mà là do trong tâm của chính quý vị biến đổi thể chất của chính mình. Hiện thời có người đề ra uống thuốc gì đó, dùng phương pháp gì đó để biến đổi, toàn là gạt người! Đó là trị đằng ngọn, chẳng phải là trị tận gốc. Quan trọng nhất để có thể biến đổi thể chất là tâm niệm. Hiểu đạo lý này, chúng ta mới chẳng bị kẻ khác lường gạt!

          “Thị tự tinh tấn lực” (Do sức tinh tấn của chính mình), Tinh (精) là thuần chứ chẳng tạp. Nhất tâm là Tinh, niệm niệm tiếp nối là Tấn (進). Nay chúng ta có sức tinh tấn, thọ mạng trong thế gian hiện thời cũng có thể lâu dài, cũng chẳng phải là hạn lượng cố định, mà có thể vượt khỏi hạn lượng đã định sẵn. Nếu bản thân chúng ta chẳng biết tu học, xác thực là thọ mạng có hạn lượng nhất định. Như trong Liễu Phàm Tứ Huấn đã nói, thọ mạng có [hạn lượng] nhất định. Thọ mạng kéo dài hay rút ngắn do sự tu học của chính quý vị. Quý vị tu tốt đẹp, sẽ chẳng phải là hạn lượng cố định, thọ mạng có thể kéo dài. Quý vị tạo nên oan nghiệt, tạo tội quá nhiều, vốn là trường thọ mà thọ mạng có thể bị rút ngắn. Do đó, tuy có thọ mạng, nó cũng chẳng là một con số nhất định, dài hay ngắn vẫn là do duyên, tùy thuộc bản thân chúng ta thực hiện như thế nào. Trong đoạn kế tiếp, đại sư đã giả lập một đoạn vấn đáp:

          (Sớ) Vấn vân: Thử vô lượng diệc khả tức vô lượng chi vô lượng giả, hoàn hữu chứng phủ?

          ()問云:此無量亦可即無量之無量者,還有證否?

          (Sớ: Hỏi: “Vô lượng” ở đây cũng có thể hiểu là vô lượng trong vô lượng, còn có chứng cớ gì chăng?)

          Kinh nói là “vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp”, ở đây, Liên Trì đại sư nêu ra hai ý nghĩa: Một là hữu lượng vô lượng, hai là vô lượng vô lượng. Chúng ta chọn thuyết sau. Chọn thuyết sau do ý nghĩa viên mãn, nhưng có những kẻ sẽ hoài nghi: “Quý vị nói kiểu ấy có căn cứ hay không?” Kinh Vô Lượng Thọ là căn cứ, chúng ta thật sự niệm kinh Vô Lượng Thọ rất thuần thục, nên chẳng thấy có vấn đề gì! Ở đây là giả thiết, thời Liên Trì đại sư, kinh Vô Lượng Thọ lưu thông chẳng rộng. Người tu Tịnh Độ quá nửa thọ trì kinh A Di Đà, người niệm kinh Vô Lượng Thọ chẳng có mấy ai, nhưng người niệm kinh Hoa Nghiêm đông đảo, nên lão nhân gia chỗ nào gặp phải khó khăn đều dẫn kinh Hoa Nghiêm để chứng minh, giải thích.

          (Sớ) Đáp: Lệ như Hoa Nghiêm trung thuyết.

          ()答:例如華嚴中說。

          (Sớ: Đáp: Theo như trong kinh Hoa Nghiêm có nói).

           Kinh Hoa Nghiêm nói gì? Trong phần chú giải, lão nhân gia đã nêu cặn kẽ:

(Sao) Thượng dẫn Quán Sớ vân: “Thử vô lượng thị hữu lượng chi vô lượng, nhi ngôn diệc khả tức vô lượng chi vô lượng giả”, dĩ kim văn chánh tự Hoa Nghiêm cố.

()上引觀疏云:此無量是有量之無量,而言亦可即無量之無量者,以今文正似華嚴故。

          (Sao: Trong phần trước đã trích dẫn Quán Kinh Sớ: “Vô lượng ở đây là vô lượng trong hữu lượng, mà cũng có thể nói là vô lượng trong vô lượng”, nay phần kinh văn này giống như kinh Hoa Nghiêm).

          “Hữu lượng chi vô lượng” là căn cứ theo kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, là điều được nói trong Thập Lục Quán Kinh. Nói nó là “vô lượng trong vô lượng”, tức là nói theo kinh Vô Lượng Thọ. Trong các kinh Hoa Nghiêm và Pháp Hoa cũng có nói. Cổ đức gọi kinh Vô Lượng Thọ là Trung Bổn Hoa Nghiêm, gọi kinh A Di Đà là Tiểu Bổn Hoa Nghiêm, nói thật ra là có lý, vì sao? Ý nghĩa hết sức giống kinh Hoa Nghiêm. Ở đây, Ngài bèn trích dẫn:

          (Sao) Bỉ kinh Thập Hồi Hướng văn vân: “Vô lượng A-tăng-kỳ”. Thích vân: “Thử phi số trung chi nhất, đản thị vô số chi ngôn. Nhược định thị số, tiện đương cục hạn”.

()彼經十回向文云,無量阿僧祇,釋云:此非數中之一,但是無數之言,若定是數,便當局限。

(Sao: Trong phần kinh văn giảng về Thập Hồi Hướng có nói: “Vô lượng A-tăng-kỳ”. [Ngài Thanh Lương] giải thích: “Đây chẳng phải là một con số, chỉ là do không thể tính đếm bèn nói như vậy. Nếu nhất định coi nó là một con số, sẽ trở thành có giới hạn”).

Chú giải phẩm Thập Hồi Hướng của kinh Hoa Nghiêm, Thanh Lương đại sư đã nói theo kiểu này.

          (Sao) Kim kinh diệc vân “vô lượng vô biên A-tăng-kỳ”.

          ()今經亦云無量無邊阿僧祇。

          (Sao: Nay kinh này cũng nói “vô lượng vô biên A-tăng-kỳ”).

          Rất giống câu “vô lượng A-tăng-kỳ kiếp” được nói trong kinh Hoa Nghiêm. Nếu “vô lượng A-tăng-kỳ kiếp” trong kinh Hoa Nghiêm đã được Thanh Lương đại sư giải thích chẳng phải là một con số, mà là một từ ngữ để hình dung, đương nhiên ở đây cũng có thể giải thích [vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp] chẳng phải là một con số, mà là từ ngữ để hình dung, nhằm hình dung thời gian lâu dài tột bậc! Nói theo ý nghĩa trong Hoa Nghiêm, đây chẳng phải là một con số hạn cuộc!

          (Sao) Nhị kinh văn thế, ý cực tương loại.

          ()二經文勢,意極相類。

          (Sao: Ngữ mạch của lời văn trong hai kinh có ý nghĩa hết sức giống nhau).

          Câu kinh Hoa Nghiêm và câu văn trong kinh này hết sức tương tự.

          (Sao) Cố ngôn bỉ Phật thọ mạng, diệc khả tức thị cánh vô hạn lượng chi vô lượng dã.

          ()故言彼佛壽命,亦可即是更無限量之無量也。

          (Sao: Nên nói “thọ mạng của đức Phật ấy cũng có thể hiểu là vô lượng theo nghĩa chẳng có hạn lượng”).

          Chúng ta dùng lời nguyện trong phần bốn mươi tám nguyện của kinh Vô Lượng Thọ và lời khai thị của đức Thế Tôn thì đều có thể chứng minh lời giải thích của Liên Trì đại sư là chánh xác.

          (Sao) Vấn: Hoa Nghiêm Thọ Lượng phẩm, vị Sa Bà thế giới nhất kiếp vi Cực Lạc thế giới nhất trú dạ. Cực Lạc thế giới nhất kiếp vi Ca Sa Tràng thế giới nhất trú dạ, triển chuyển kiếp nhật tương đối, nãi chí bách vạn A-tăng-kỳ thế giới, cực ư Thắng Liên Hoa, tắc Cực Lạc cẩn thắng Sa Bà, liệt hậu thù thậm, an đắc vi cánh vô hạn lượng chi vô lượng hồ?

          ()問:華嚴壽量品,謂娑婆世界一劫,為極樂世界一晝夜,極樂世界一劫,為袈裟幢世界一晝夜,輾轉劫日相對,乃至百萬阿僧祇世界,極於勝蓮華,則極樂僅勝娑婆,劣後殊甚,安得為更無限量之無量乎。

            (Sao: Hỏi: Phẩm Thọ Lượng trong kinh Hoa Nghiêm nói một kiếp trong thế giới Sa Bà là một ngày đêm trong thế giới Cực Lạc. Một kiếp trong thế giới Cực Lạc là một ngày đêm trong thế giới Ca Sa Tràng. Lần lượt so sánh giữa kiếp và ngày như vậy, cho đến trăm vạn A-tăng-kỳ thế giới, tột bậc là thế giới Thắng Liên Hoa. Như vậy thì Cực Lạc chỉ trỗi hơn Sa Bà, thua kém quá mức, lẽ nào là vô lượng theo ý nghĩa chẳng có số lượng cho được?)

          Lời hỏi này hay lắm! Kinh Hoa Nghiêm thật sự có một đoạn kinh văn như vậy. Vì thế, quý vị niệm kinh Hoa Nghiêm đến đoạn này, [ắt sẽ nghĩ] thế giới Cực Lạc trọn chẳng có gì là tuyệt diệu, bất quá tốt đẹp hơn thế giới Sa Bà một chút, còn kém xa những thế giới ở phương khác! Gặp phải câu hỏi này, làm như thế nào đây? Vẫn phải dùng giáo nghĩa Hoa Nghiêm để giải thích:

          (Sao) Đáp: Bỉ sao thích vân, tam thân ký dung, tam thọ vô ngại.

          ()答:彼鈔釋云,三身既融,三壽無礙。

          (Sao: Đáp: Trong lời Sao cho kinh ấy, [ngài Thanh Lương] đã giải thích: “Ba thân đã dung thông thì ba loại thọ mạng chẳng ngăn ngại”).

          Lời Sớ và Sao của kinh Hoa Nghiêm đều do Thanh Lương đại sư soạn. Thanh Lương đại sư đã vì chúng ta giải thích vấn đề này, Ngài nói rất hay: “Tam thân ký dung” (Ba thân đã dung thông), ba thân là Pháp Thân, Báo Thân, và Ứng Thân. Kinh Hoa Nghiêm nói ba thân thì một chính là ba, ba chính là một. Nói thật ra, nhục thân hiện tại của chúng ta xác thực là tương dung, tương tức cùng hư không pháp giới. Nếu chẳng dung thông, làm sao mắt chúng ta có thể thấy được? Nếu nói thân chỉ có to đôi chút như thế, vì sao mắt quý vị có thể nhìn xa ngần ấy? Mắt quý vị có thể nhìn thấy là vì thân lượng đạt tới. Phạm vi tai có thể nghe cũng là do thân lượng đạt đến. Nhưng nay chúng ta mê mất tự tánh, năng lực của sáu căn rất hữu hạn.

Thật sự giác ngộ, sẽ giống như kinh Lăng Nghiêm nói “sáu căn dùng lẫn cho nhau”. Kinh Vô Lượng Thọ nói Thiên Nhãn thấy thấu suốt, tận hư không khắp pháp giới đều có thể thấy rõ ràng. Chúng ta ngồi ở nơi đây, bất động, thấy Tây Phương Cực Lạc thế giới giống như ở ngay trước mặt. Thân của chúng ta há chẳng phải là hợp làm một với toàn thể hư không pháp giới? Đó là Pháp Thân và nhục thân của chúng ta dung thông, to như nhau, chẳng có lớn hay nhỏ! Khi ấy, mới giống như kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Phá một vi trần, lấy ra quyển kinh to bằng đại thiên thế giới”, hoặc “ngồi trong vi trần, chuyển đại pháp luân”, là cảnh giới ấy. Nói thật ra, cảnh giới này ở ngay trước mắt chúng ta, nhưng chúng ta tự mình mê muội, bất giác, chính mình ràng buộc chính mình! Do tâm lượng của chúng ta nhỏ nhoi như thế, nên thân nhỏ nhoi ngần ấy, chính mình đã hạn cuộc chính mình!

          Phải biết: Ba thân của Phật dung thông lẫn nhau, mà ba thân của chúng ta vẫn dung thông. Tuyệt đối chẳng phải là đến khi thành Phật thì ba thân mới dung thông, chẳng phải vậy. Hết thảy chư Phật lúc thành Phật, chẳng tăng, chẳng giảm. Thành Phật chẳng hề tăng thêm chút nào, mà tại địa vị phàm phu, chẳng hề giảm bớt chút nào, chỉ là giác và mê khác biệt! Phật là giác ngộ, đã phát sanh sự giác ngộ: Thân tâm và pháp giới xác thực hợp thành một. Khi mê, chẳng biết chính mình và pháp giới hợp nhất. Thật ra, [vẫn là] hợp thành một, khi mê bèn bất giác, khi giác sẽ không mê, then chốt ở ngay chỗ này. Nếu ba thân dung thông, ba thọ liền vô ngại. Chúng ta nói vô lượng trong vô lượng, tức là Pháp Thân thọ. Nói vô lượng trong hữu lượng thì là Ứng Thân thọ. Nói kiểu nào cũng đều suông, đều chẳng bị chướng ngại.

          (Sao) Tức trường năng đoản, tức đoản hằng trường, vô trường, vô đoản, trường đoản tồn yên!

          ()即長能短,即短恆長,無長無短,長短存焉。

          (Sao: Tức là dài mà có thể rút ngắn, chính là ngắn mà luôn dài, chẳng dài, chẳng ngắn, dài ngắn cùng tồn tại vậy).

          Nói dài hay ngắn là do phàm phu phân biệt, chấp trước. Chư vị hãy suy nghĩ: Nếu thật sự niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, nhất tâm là chẳng có vọng tưởng. Chẳng có vọng tưởng thì lấy đâu ra dài hay ngắn? Nói dài là vọng tưởng; nói ngắn, vẫn là vọng tưởng, đều biến thành vọng tưởng. Chỉ cần đạt đến nhất tâm, tâm thanh tịnh hiện tiền, dài lẫn ngắn đều chẳng có. Khi đạt đến nhất tâm bất loạn, mới bảo quý vị: Các vị xem Tam Tạng mười hai bộ, nghe Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết pháp cho chúng sanh, quý vị ở bên cạnh nghe, [sẽ thấy] Thích Ca Mâu Ni Phật đang gạt gẫm trẻ nít, dỗ dành trẻ nít! Sẽ cảm thấy quả thật Ngài đang dỗ dành trẻ nhỏ, lá vàng dỗ trẻ thôi khóc! Hết thảy các pháp đã nói đều chẳng có thật nghĩa! Có ý nghĩa thật sự hay không? Chẳng có. Vì sao? Ý nghĩa thật sự chẳng thể nói được! Ý nghĩa thật sự chẳng thể suy tưởng được. Ý nghĩa thật sự là “ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt”. Đức Phật nói lời thật cùng chúng ta: Phàm những gì được nói ra đều chẳng có thật nghĩa. Chính quý vị phải ngộ thật nghĩa, chẳng thể diễn tả được. Thật nghĩa thật sự có, vô lượng vô biên, là chân thật, chẳng thể nói được, mà cũng chẳng thể tưởng tượng. Khi nào tâm quý vị thanh tịnh, Thật Tướng ở ngay trước mặt. Quý vị có thể thấu hiểu thật nghĩa, sẽ có thể thấy Thật Tướng, quý vị bèn thành Phật, tối thiểu cũng là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát trở lên, thuộc địa vị Phần Chứng Phật. Đó là điều đức Phật kỳ vọng nơi chúng ta. Chúng ta cứ khăng khăng tìm tòi trong ngôn ngữ, kinh điển, đó là chuyện rất oan uổng. Đấy gọi là “y theo kinh văn để hiểu nghĩa, ba đời Phật đều oan uổng”. Ba đời chư Phật, quá khứ, hiện tại, vị lai, hết thảy chư Phật đều kêu oan uổng! Coi chuyện dỗ dành trẻ nít là chân thật, oan uổng quá! Vì lẽ đó, thọ mạng dài hay ngắn tự tại chính là thuận theo niệm mà hiện tướng.

          (Sao) Nhất nhất viên dung, ngôn tư tư tuyệt.

          ()一一圓融,言思斯絕。

          (Sao: Mỗi mỗi đều viên dung, ngôn ngữ lẫn tư duy đều dứt bặt).

Đây là nói chân thật cùng quý vị. “Nhất nhất viên dung” là pháp nào cũng đều viên dung, chẳng có một pháp nào không viên dung. Vì thế, pháp giới là Nhất Chân pháp giới. Mê thì gọi là mười pháp giới, “mười” chẳng phải là một con số cố định, mà nhằm biểu thị sự vô lượng. Mê, Nhất Chân bèn biến thành vô lượng pháp giới; ngộ, vô lượng pháp giới là Nhất Chân pháp giới. Một là thật, hai là vọng, chẳng thật. Một thì chứng từ nơi đâu? Tâm! Nhất tâm là chân, nhị tâm là hư vọng. Chúng ta dùng nhất tâm, tận hư không khắp pháp giới sẽ là chân thật. Chúng ta dùng nhị tâm, thảy đều là hư vọng, quý vị quyết định chẳng thấy chân thật. Nay tâm chúng ta không chỉ là nhị tâm, chẳng biết là có bao nhiêu tâm, làm sao quý vị có thể thấy Nhất Chân pháp giới?

          (Sao) Kỳ nghĩa tự minh, bất lao cánh biện.

          ()其義自明,不勞更辯。

          (Sao: Nghĩa này tự rõ, chẳng cần nhọc sức biện định).

          Liễu giải ý nghĩa này, chẳng cần biện luận nữa!

          (Diễn) Tức trường năng đoản, tức Báo tức Ứng dã.

          ()即長能短,即報即應也。

          (Diễn: Tức là dài mà có thể rút ngắn, Báo Thân chính là Ứng Thân).

           Nói đến Báo Thân và Ứng Thân.

          (Diễn) Tức đoản hằng trường, tức Ứng tức Báo dã.

          ()即短恆長,即應即報也。

          (Diễn: Chính là ngắn mà luôn dài, Ứng Thân chính là Báo Thân vậy).

          Ứng Thân là Báo Thân, Ứng Thân ngắn ngủi, Báo Thân dài. Ứng Thân và Báo Thân là một, đương nhiên dài ngắn đều tự tại.

          (Diễn) Vô trường, vô đoản, Báo, Ứng tức Pháp dã.

          ()無長無短,報應即法也。

          (Diễn: Chẳng dài, chẳng ngắn, Báo Thân và Ứng Thân chính là Pháp Thân).

          Báo Thân và Ứng Thân đều do Pháp Thân biến hiện.

          (Diễn) Trường đoản tồn yên, Pháp tức Báo, Ứng dã.

          ()長短存焉,法即報應也。

          (Diễn: Dài ngắn cùng tồn tại thì Pháp Thân chính là Báo Thân và Ứng Thân).

          Pháp Thân là Báo Thân và Ứng Thân, tuy một mà ba, tuy ba mà một.

          (Diễn) Nhất nhất viên dung, ngôn tư tư tuyệt giả, tức trường năng đoản, bất khả dĩ Báo ngôn.

          ()一一圓融,言思斯絕者,即長能短,不可以報言。

          (Diễn: Mỗi mỗi viên dung, ngôn ngữ lẫn tư duy đều dứt bặt: Chính là dài mà có thể rút ngắn thì chẳng thể nói là Báo Thân).

          “Bất khả dĩ Báo ngôn” nghĩa là chẳng thể chấp trước có Báo Thân. Nói là Báo Thân, Pháp Thân hay Ứng Thân đều là “thuận theo tâm chúng sanh, ứng với sự nhận biết của họ”. Trong tâm Phật thanh tịnh, chẳng có ba chữ ấy. Nếu trong tâm Phật còn có Pháp Thân, Báo Thân, và Ứng Thân, tâm Phật bị nhiễm bẩn. Lục Tổ nói “vốn chẳng có một vật”, Ngài chẳng có một vật như thế nào? Ngài còn có Báo Thân, còn có Pháp Thân thì sẽ có chẳng ít vật trong ấy. Vốn chẳng có một vật là tâm thanh tịnh! Tuy nói với quý vị nhiều ngần ấy, một câu đức Phật cũng chẳng nói! Tâm Phật vĩnh viễn thanh tịnh, Ngài nói là thuận theo ý niệm của chúng sanh mà nói, chẳng phải là theo phía Ngài, [thuận theo phía Ngài], Ngài sẽ chẳng nói chi hết! Thuận theo chúng sanh bèn có nói, tùy thuận chính mình, chẳng nói! “Nói mà chẳng nói”, đối với người khác bèn có nói, chính mình chẳng nói, “chẳng nói mà nói”. Ý nghĩa này sâu xa, chúng ta làm sao hiểu được? Chúng ta tưởng Phật giống như chúng ta, nói là có nói, không nói là không nói, há có biết Phật, Bồ Tát hoàn toàn khác chúng ta.

          Chúng ta phải học chỗ này, cũng phải học “nói mà không nói, không nói mà nói”, đó là tu hành, cho đến thân thể chúng ta “làm mà không làm, không làm mà làm”, khi ăn cơm bèn “ăn mà chẳng ăn, chẳng ăn mà ăn”. Trong cuộc sống, mặc quần áo, ăn cơm, xử sự, đãi người, tiếp vật, chẳng có chuyện gì không phải là tu hành. Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần là tu như thế đó, đó gọi là “trải qua sự việc để luyện tâm”. Trải qua sự việc là Hữu, luyện tâm, tâm thanh tịnh, bất luận chuyện gì đều chẳng lìa tâm thanh tịnh. Trong hết thảy sự, rèn luyện tâm càng thanh tịnh, người ấy bèn thành tựu. Nhất tâm bất loạn, tu từ chỗ nào? Thành tựu từ năm mươi ba lần tham học. Lìa khỏi hết thảy cảnh duyên, làm sao quý vị biết chính mình đã đắc nhất tâm bất loạn? Chẳng trải qua khảo nghiệm! [Tu luyện trong ấy] bèn gọi là công phu chân chánh, hy vọng mọi người phải lưu ý, ý nghĩa này hết sức sâu xa!

          (Diễn) Tức đoản hằng trường, bất khả dĩ Ứng ngôn, nãi chí trường đoản tồn yên, bất khả dĩ Pháp ngôn. Dĩ ngôn lệ tư, diệc phục như thị.

          ()即短恆長,不可以應言,乃至長短存焉,不可以法言,以言例思,亦復如是。

          (Diễn: Chính là ngắn mà luôn dài, chẳng thể nói là Ứng Thân. Cho đến dài và ngắn cùng tồn tại, chẳng thể nói là Pháp Thân. Dựa theo cách giải thích về “nói năng” mà có thể suy ra ý nghĩa của Tư (suy nghĩ) cũng giống như thế).

          Chỗ này dễ hiểu. Đoạn này đã giới thiệu thọ mạng xong, phần tiếp theo lại nói về quang minh, vì Ngài là vô lượng thọ, vô lượng quang. Hôm nay chúng tôi giảng tới chỗ này!

[1] Khái niệm tiên thiên và hậu thiên khá phức tạp, nhưng có thể tạm hiểu thô thiển như sau: Tiên Thiên là bẩm sanh, là những gì được thừa hưởng từ cha mẹ, hình thành từ ngay lúc thụ thai cho đến khi lọt lòng, còn Hậu Thiên là những gì do nuôi nấng, chăm sóc, bồi bổ, huấn luyện, giáo dục, cũng như do sự tự rèn luyện hoặc tàn phá thân thể của chính cá nhân ấy.

[2] Mười con số lớn cuối cùng là 1) A Tăng Kỳ, 2) Vô Lượng, 3) Vô Biên, 4) Vô Đẳng, 5) Bất Khả Số, 6) Bất Khả Xưng, 7) Bất Khả Tư, 8) Bất Khả Lượng, 9) Bất Khả Thuyết, 10) Bất Khả Thuyết Bất Khả Thuyết.

[3] Lạc Xoa (Lakṣá) là một trăm ngàn.

[4] Vô Ương là dịch nghĩa của chữ A Tăng Kỳ. Ở đây, xin chú ý là Hòa Thượng không nói thẳng là A Tăng Kỳ (vì A Tăng Kỳ tuy lớn, vẫn là hữu hạn. Một A Tăng Kỳ là mười lũy thừa 140, tức là sau số một có một trăm bốn mươi con số không, tuy lớn, vẫn là tính đếm được). Vô Ương được dùng theo nghĩa phiếm chỉ là không có hạn lượng, chẳng thể tính toán được.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *