#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 183
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm tám mươi hai.
(Kinh) Xá Lợi Phất! Ư nhữ ý vân hà? Bỉ Phật hà cố hiệu A Di Đà?
(Sớ) Thượng minh y báo chi thắng, nhi y tùng chánh sanh, cố thứ minh chánh báo.
(經)舍利弗。於汝意云何。彼佛何故號阿彌陀。
(疏)上明依報之勝,而依從正生,故次明正報。
(Kinh: Này Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao? Đức Phật ấy vì sao hiệu là A Di Đà?
Sớ: Những phần trên đã nói về sự thù thắng nơi y báo, nhưng y báo sanh từ chánh báo, nên tiếp theo đây sẽ nói về chánh báo).
Trong đoạn lớn phía trước, đức Thế Tôn đã giới thiệu hoàn cảnh vật chất của Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Y báo” là hoàn cảnh sống của chúng ta, trong kinh gọi [hoàn cảnh ấy] là “y báo”. “Chánh báo” là thân thể chúng ta, nhưng y báo sanh từ chánh báo, câu này rất khó hiểu, sách Diễn Nghĩa có chú giải như sau:
(Diễn) Y tùng chánh sanh giả, nhược cứ ngoại giáo, tắc tùng Thái Cực sanh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ Tượng sanh Bát Quái, thanh trược điện vị, Tam Tài triệu phân, tắc chánh tùng y sanh.
(演)依從正生者,若據外教,則從太極生兩儀,兩儀生四象,四象生八卦,清濁奠位,三才肇分,則正從依生。
(Diễn: “Y báo sanh từ chánh báo”: Nếu xét theo ngoại giáo, ắt từ Thái Cực sanh ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ Tượng sanh Bát Quái, thanh và trược đã được đặt vững vị trí, Tam Tài[1] mới tách biệt, [hiểu theo cách như vậy] thì chánh báo sanh từ y báo).
Ngài nêu ra ngoại giáo, tức là cách nói của Nho gia. Những điều được nói trong Nho gia có mấy phần tương ứng với Phật pháp, nhưng chẳng nói cặn kẽ, rõ rệt như Phật pháp. Tuy vậy, xét theo nguyên tắc, đúng là hết sức gần gũi. Nhất là trong phần Hệ Từ Truyện của kinh Dịch, Khổng lão phu tử đã nói: “Tinh khí vi vật, du hồn vi biến” (Tinh và Khí hợp lại thành vật, cái hồn vật vờ biến hóa)[2]. Nói thật ra, cách nhìn này rất gần với Phật pháp. Vật là y báo, Biến là chánh báo, là nói tới sự luân hồi trong lục đạo, “du hồn vi biến” (cái hồn lang thang, phiêu diêu bất định biến hóa). Khổng lão phu tử không nói “linh hồn”, người thế tục nói con người sau khi đã chết bèn có linh hồn, chư vị hãy nghĩ xem: Nếu cái hồn ấy linh, tuyệt đối sẽ chẳng đầu thai trong ba ác đạo, biến thành lợn, biến thành dê. Dẫu đến đầu thai trong loài người, nhất định hồn sẽ chọn gia đình đại phú, đại quý, cả đời làm thiếu gia, hay tiểu thư, chẳng muốn chịu khổ, lẽ đâu sanh vào nhà bần cùng? Do vậy có thể biết, hồn ấy chẳng linh, là mê hồn thì mới đúng! [Gọi nó là] “linh hồn” là sai lầm!
Khổng lão phu tử chẳng nói linh, mà cũng chẳng nói mê, Ngài nói là “du hồn”, cách nói này rất có lý. Trong kinh, đức Phật đã dạy, tốc độ của linh hồn hết sức nhanh chóng. Chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng phải là thân thể đến đó, mà là linh hồn đầu thai đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Kinh nói Tây Phương Cực Lạc thế giới cách chúng ta “mười vạn ức cõi Phật”. Nói thông thường, một cõi Phật (Phật quốc độ) là một hệ Ngân Hà, vậy thì từ địa cầu này tới tinh cầu của Tây Phương Cực Lạc thế giới cách nhau mười vạn ức hệ Ngân Hà, quý vị nghĩ xem: Khoảng cách ấy xa lắm! Nhưng phải mất bao nhiêu thời gian để có thể đến đó? Đức Phật nói [thời gian ấy] bằng một cái khảy ngón tay, trong một sát-na bèn đến đó. Do đó mới biết tốc độ của linh hồn đích xác là vô cùng nhanh chóng. Làn sóng điện hoặc ánh sáng trong thế gian còn chậm hơn tốc độ của linh hồn quá nhiều. Do đó, Khổng lão phu tử nói “du hồn” hết sức chánh xác. “Du hồn vi biến”, biến gì? Biến ra lục đạo, quý vị đến đầu thai trong đường nào bèn biến thành thân tướng trong đường ấy, xác thực là “du hồn vi biến”!
“Tinh khí vi vật”: Ngài nói câu này đúng là chẳng thể nghĩ bàn, vì “du hồn vi biến” (cái hồn trôi nổi biến hóa), nói thật ra, vẫn chưa khó! Ngoại đạo tại Ấn Độ vào thời cổ đều có thần thông, như các tu sĩ Bà La Môn, Số Luận[3] Du Già (Yoga) đều có năng lực sanh lên Tứ Thiền Thiên (Sắc Giới Thiên), nên họ hết sức liễu giải tình huống trong lục đạo, thấy rõ ràng, rành rẽ, nhưng bọn họ vẫn chưa nói “tinh khí vi vật”. Vật chất do đâu mà có? Chỉ có đức Phật đã nói trong kinh luận rằng thế giới vật chất là Tướng Phần của A Lại Da Thức, còn linh hồn là Kiến Phần của A Lại Da Thức. Trong quá trình phát triển, Kiến Phần có trước rồi mới có Tướng Phần, nên y báo sanh từ chánh báo. Nguyên lý thật sự là y báo chuyển theo chánh báo, cũng có nghĩa là thế giới vật chất và hiện tượng tự nhiên chuyển biến theo lòng người. Đó là chánh lý, quyết định là chánh xác. Khổng lão phu tử nói “tinh khí vi vật” hết sức gần với [cách nói trong kinh Phật], vì sao Ngài biết? Do đó, Khổng phu tử tuyệt đối chẳng phải là phàm nhân. Cổ nhân nói Khổng Tử, Lão Tử, và Trang Tử đều là Phật, Bồ Tát ứng hóa tại Trung Hoa, nói theo lý luận thì điều này xuôi tai, nhưng trên sự thật thì chẳng có chứng cớ. Nho gia nói “chánh báo sanh từ y báo” chính là cách nhìn sai lầm.
(Diễn) Kim nội giáo tắc y tùng chánh sanh.
(演)今內教則依從正生。
(Diễn: Nay xét theo nội giáo thì y báo sanh từ chánh báo).
“Nội giáo” là Phật pháp, ngoài Phật pháp thì là ngoại giáo. Phật pháp: Phật có nghĩa là giác, giác là Phật, mê là ngoại đạo. Một đằng là giác, một đằng là bất giác, nội và ngoại được phân chia như vậy. Vàn muôn phần đừng nghĩ chúng ta học Phật thì chẳng phải là ngoại đạo. Nói không chừng, quý vị chính là ngoại đạo, vì sao? Quý vị vẫn bất giác, vẫn mê hoặc, điên đảo, đó là ngoại đạo. Thuật ngữ trong nhà Phật gọi hạng người này là “môn nội ngoại” (ngoại đạo trong nhà Phật). Quý vị đã học Phật, cũng đã thọ Tam Quy, thậm chí còn thọ giới, còn xuất gia, nhưng vẫn là cầu pháp ngoài tâm, vẫn kể như là ngoại đạo, được gọi là “môn nội ngoại”. Tiêu chuẩn nội ngoại trong kinh Lăng Nghiêm càng nghiêm ngặt hơn! Kiến tánh Bồ Tát mới gọi là nội giáo, chưa kiến tánh đều là ngoại đạo; vì thế, [xét theo tiêu chuẩn ấy], A La Hán, Bích Chi Phật, Quyền Giáo Bồ Tát đều là ngoại đạo. Nói cách khác, ắt phải phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân thì mới là Giác. Thông thường, chúng ta coi A La Hán và Bích Chi Phật đều là Chánh Giác, nhưng xét theo tiêu chuẩn trong kinh Lăng Nghiêm, giác ấy vẫn là tà giác, vẫn chẳng phải là chánh. Theo tiêu chuẩn của Lăng Nghiêm, Chánh Đẳng Chánh Giác mới được coi là Chân Giác, vì quý vị giác bằng Phật. Phật là kiến tánh, là kiến tánh viên mãn. Tuy quý vị chưa viên mãn, nói chung là đã thấy một đôi phần, nhưng cái được thấy là chân tánh, nên quý vị bằng Phật, đó mới thật sự gọi là Giác.
A La Hán vẫn chẳng giác bằng Phật, vì sao? Ngài chưa kiến tánh. A La Hán, Bích Chi Phật, và Quyền Giáo Bồ Tát đều chưa kiến tánh, nhưng so với lục đạo, tư tưởng và kiến giải của các Ngài còn thuần chánh hơn nhiều, chúng ta gọi các Ngài là Chánh Giác, không thể gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác. Bản thân chúng ta học Phật thì trong tâm phải hiểu biết và tự tin. Nói như vậy thì khi nào chúng ta mới có thể đạt tới Chánh Đẳng Chánh Giác? Thưa cùng chư vị, chỉ sợ cả một đời này chẳng có hy vọng gì, nói thật đấy! Không chỉ là chẳng mong thành Chánh Đẳng Chánh Giác, mà chứng quả A La Hán cũng sợ chẳng trông mong được! Không chỉ là chứng quả A La Hán, mà Tiểu Thừa Sơ Quả Tu Đà Hoàn cũng khá khó chứng đắc. Vì sao? Tu Đà Hoàn phải đoạn tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới, ai có năng lực làm được?
Năm Dân Quốc 52 (1963), sau khi tôi xuất gia, thọ giới chưa được bao lâu, tôi gặp một đồng tu là một Phật tử rất kiền thành, rất khẳng định nói với tôi: Ông ta đã chứng quả A La Hán. Tôi biết ngay là ông ta hiểu lầm, nhưng ông ta chẳng nói dối. Chẳng chứng A La Hán, mà cứ ngỡ chính mình đã chứng quả A La Hán. Thật ra, ông ta trọn chẳng hiểu đạo lý nhà Phật nhiều nhõi gì! Nếu hiểu nhiều, sẽ chẳng hiểu lầm. Do chính mình niệm Phật, tâm địa thanh lương một chút, phiền não ít đi, bèn tự cho là chính mình đã chứng quả! Chúng tôi ngồi nói chuyện trong phòng khách. Tôi nói: “A La Hán có Lục Thông, ngoài tường là đường cái, ông có thể thấy rõ ràng hay không?” Người ấy đáp: “Tôi chẳng nhìn thấy”. Tôi nói: “A La Hán có Tha Tâm Thông, hiện thời trong tâm tôi đang suy nghĩ gì, ông có biết hay chăng?” “Không biết”. “Vậy là chẳng thật!” Như vậy thì ông ta mới chịu phục, mới hiểu chính mình chưa chứng đắc. Không chỉ là chưa chứng đắc A La Hán! Quả Tu Đà Hoàn còn có Thiên Nhãn, Thiên Nhĩ, Túc Mạng, ba thứ thần thông. Nhị Quả và Tam Quả có năm món thần thông, chứng đến Đệ Tứ Quả mới có Lậu Tận Thông. Người chưa chứng đắc mà nói với người khác [chính mình đã] chứng đắc, đó là đại vọng ngữ, theo giới luật là tội địa ngục. Nếu chẳng phải là vọng ngữ, mà là hiểu lầm, thì kinh Phật gọi là Tăng Thượng Mạn, cũng là một thứ phiền não. Vì thế, người ấy chẳng phải là vọng ngữ, mà là Tăng Thượng Mạn. Chúng ta phải nhận biết điều này, tận hết sức tránh đừng cho chính mình nẩy sanh sai lầm.
Học các pháp môn khác, chẳng có hy vọng đạt được Chánh Giác và Chánh Đẳng Chánh Giác trong một đời này. Tu pháp môn Tịnh Độ, hễ ra sức tu tập bèn là Chánh Đẳng Chánh Giác, chẳng thể nghĩ bàn! Do đó, trong hết thảy các pháp môn, pháp môn này là pháp môn bậc nhất. Nếu chư vị thật sự chú tâm xem đọc các kinh điển Đại Thừa, như Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Lăng Già, Pháp Hoa, quý vị mới thật sự nhận biết pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn. Hàng Bất Thoái Bồ Tát từ vô lượng vô biên các cõi Phật trong mười phương, là những vị đã chứng đắc quả vị từ Viên Giáo Sơ Trụ trở lên, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có cách nào tính toán số lượng, kinh đã nói rất rõ ràng! Tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới đều thành A La Hán, thần thông đều như ngài Mục Kiền Liên, thọ mạng kể như ngàn ức năm, chung sức cùng nhau tính toán, tính chẳng ra số lượng người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là bao nhiêu; kinh đã nói chuyện này rất rõ ràng. Quý vị biết pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn, hàng Đẳng Giác Bồ Tát trong mười phương thế giới đều phải cầu sanh Tịnh Độ.
Vãng sanh như thế nào? Ba điều kiện Tín, Nguyện, Hạnh. Nay chúng ta vừa tu tập liền chọn lấy ba điều kiện Tín, Nguyện, Hạnh, [tức là] chúng ta tu cái nhân giống như mười phương Bất Thoái Bồ Tát, nên đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, quả báo cũng giống như các Ngài. Các Ngài tu vô lượng kiếp mới tu tới đó, chúng ta vừa bắt đầu liền học được ngay. Tôi bảo quý vị: Tôi quyết định chẳng phải là vọng ngữ, quý vị tu pháp môn này là Chánh Đẳng Chánh Giác. Trong vô lượng vô biên pháp môn, vì sao quý vị chẳng chọn lựa [những pháp môn khác] mà chọn lựa pháp môn này? Pháp môn này được hết thảy các vị Bất Thoái Bồ Tát chọn lựa, vì sao quý vị cũng chọn lựa? Chẳng dễ dàng đâu nhé! Chọn lựa pháp môn này, quý vị chẳng khác Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền! Do đó, điều này đáng để an ủi chúng ta. Quý vị tu những pháp môn khác, chẳng có cách nói “đới nghiệp vãng sanh” như vậy, nhất định là quý vị phải đoạn Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não, Vô Minh phiền não thì mới có thể thành tựu. Pháp môn này thì một phẩm phiền não cũng chẳng phải đoạn, đều mang đến Tây Phương Cực Lạc thế giới; sau khi đã đến bên kia, gặp A Di Đà Phật, sẽ dần dần đoạn. Đối với pháp môn này, chỉ cần quý vị tin tưởng, phát nguyện, sẽ là Chánh Đẳng Chánh Giác, điều này chẳng thể nghĩ bàn!
Pháp môn này tu học dễ dàng, được gọi là “dị hành đạo” (đạo dễ hành), hành rất dễ dàng, tin tưởng rất khó, phát nguyện cũng rất khó, khó tin, khó nguyện! Làm như thế nào để khiến cho bản thân chúng ta thật sự tin tưởng, thật sự phát nguyện, khăng khăng một mực tu học pháp môn này? [Để đạt được điều ấy], chẳng thể không biết lý luận của pháp môn này. Nếu muốn hiểu rõ lý luận, hiểu rõ thấu triệt, thì phải là như thầy Lý đã nói xưa kia: “Nếu không nghiêm túc nghiên cứu, xem đọc nửa bộ Đại Tạng Kinh, quý vị sẽ chẳng thể hiểu”, sẽ gặp khó khăn, chẳng phải là chuyện dễ dàng! Đọc nửa bộ Đại Tạng Kinh là chuyện khổ lắm; nhưng cổ đức đã tạo phương tiện: Các Ngài đã trích lục tinh hoa của nửa bộ Đại Tạng Kinh, không cần chúng ta phải tìm tòi, [thực hiện] chuyện phiền phức ấy. Đó là gì vậy? Chính là bộ Sớ Sao Diễn Nghĩa đang bày ra trước mặt mọi người trong hiện thời! Nội dung của bộ Sớ Sao Diễn Nghĩa này, nói thật ra, chính là cô đọng của cả bộ Đại Tạng Kinh. Ngẫu Ích đại sư tán thán [bộ sách này] là “bác đại tinh thâm” (rộng lớn, tinh vi, sâu xa), chẳng sai tí nào! Do vậy, Sớ Sao Diễn Nghĩa hết sức quan trọng. Nhưng Sớ Sao Diễn Nghĩa có phân lượng quá lớn, chúng tôi giảng một lượt, giảng lần thứ nhất chẳng giữ lại băng thâu âm. Giảng lần thứ hai, thâu âm thành ba trăm ba mươi lăm băng, mỗi cuốn băng là chín mươi phút. Giảng lần này là lần thứ ba, phân lượng rất nặng, còn tỉ mỉ hơn [giảng] kinh Vô Lượng Thọ. Yếu Giải là tinh yếu, bao gồm những điểm chủ yếu. Nếu quý vị mong thâm nhập trong một thời gian ngắn, hãy đọc Yếu Giải. Nếu quý vị có thời gian, mong nhận thức, liễu giải nhiều hơn, hãy dốc sức tìm tòi nơi Sớ Sao Diễn Nghĩa. Thật sự nhận biết rõ ràng Tây Phương Cực Lạc thế giới, tín tâm được kiến lập, nguyện mới tha thiết, quyết định chẳng bị dao động, lại còn thật sự nắm chắc vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ai nấy đều nắm chắc. Chúng ta chọn lựa pháp môn này, nương theo pháp môn này để học, đích xác là đã nhập nội giáo, thật sự là đăng đường nhập thất. Hoa Nghiêm và Pháp Hoa, tuy đăng đường, vẫn chưa nhập thất, còn pháp môn này là nhập thất; vì Hoa Nghiêm và Pháp Hoa đến cuối cùng đều dẫn về Cực Lạc.
Cách nói của nội giáo khác ngoại giáo. Nội giáo nói “y tùng chánh sanh” (y báo sanh từ chánh báo). Chuyển hoàn cảnh vật chất bên ngoài từ chỗ nào? Chuyển từ trong tâm. Đó gọi là “cảnh tùy tâm chuyển”. “Tâm sanh tắc pháp sanh, tâm diệt tắc pháp diệt” (Tâm sanh ắt pháp sanh; tâm diệt ắt pháp diệt). Chúng ta thật sự hiểu rõ, khẳng định đạo lý này, cảnh giới chuyển theo tâm. Thân thể của ta là cảnh giới, nên thân thể này cũng có thể chuyển theo tâm chúng ta. Ví như tướng mạo, tục ngữ thường nói: “Lòng mỗi người khác nhau bày rõ ra mặt”. Vì sao tướng mạo của quý vị trở thành khác nhau? Tâm chẳng giống nhau, cách nhìn và cách nghĩ của quý vị đối với hết thảy sự vật khác nhau, nên diện mạo chẳng giống nhau. Kinh văn nói: Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, tướng mạo đều giống hệt nhau, vì sao? Vì tâm mọi người giống nhau, vì mọi người điều gì cũng đều chẳng tưởng. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, tất cả những người vãng sanh đều có tướng mạo hoàn toàn giống như A Di Đà Phật. Dẫu là phàm phu vãng sanh còn có tưởng, [thế nhưng họ] tưởng gì vậy? Tưởng A Di Đà Phật! Họ chẳng nghĩ gì khác, tưởng A Di Đà Phật, liền biến thành A Di Đà Phật, tướng mạo giống nhau. Hiểu đạo lý này, chúng ta thường hy vọng tướng mạo của chính mình có thể tốt lành hơn, đẹp đẽ hơn, vậy thì tâm quý vị cũng tốt lành hơn, đẹp đẽ hơn, tướng mạo tự nhiên tốt đẹp. Tâm địa thanh tịnh, tự nhiên khỏe mạnh, sống lâu, đó là đạo lý nhất định. Suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn cào cào, mà mong chính mình khỏe mạnh, sống lâu, xinh đẹp, lầm lẫn quá đỗi, chẳng có lẽ ấy!
Bởi lẽ, hết thảy các pháp sanh từ tâm. Người học Phật, nói thật thà là có thể chẳng sanh bệnh. Quý vị thật sự hiểu đạo lý này, biết bí quyết tu hành, xác thực là chẳng sanh bệnh. Người học Phật còn bị bệnh tật thì chính mình phải giác ngộ, bệnh tật là gì? Nghiệp chướng hiện tiền. Nghiệp chướng hiện tiền thì phải nhanh chóng sám trừ nghiệp chướng. Nghiệp chướng đã sám trừ, chẳng còn, bệnh sẽ lành, chẳng còn có chuyện gì nữa! Người thật sự tin tưởng chẳng mấy, kẻ chẳng tin quá ư là nhiều. Đối với kinh luận Đại Thừa, phải đọc rộng, thâm nhập kha khá thì mới hiểu đạo lý này, mới có thể mở rộng và sáng tạo vận mạng của chính mình, quyết định chẳng còn bị túc mạng bó buộc. Cư sĩ Viên Liễu Phàm hiểu đạo lý này, tuy vẫn chưa hiểu triệt để, nếu thật sự triệt để, cách nghĩ và cách làm của ông ta sẽ khác hẳn, ông ta biết vài phần mà đã có thể có thể sửa đổi vận mạng. Nếu triệt để hiểu rõ, trong kinh giáo Đại Thừa, nhất là trong kinh luận Nhất Thừa viên đốn, Tịnh Độ Ngũ Kinh đều là Nhất Thừa viên đốn, mỗi ngày có thể đọc tụng, có thể xem đọc, mỗi lần [đọc tụng] là đem kinh luận in vào trong A Lại Da Thức của chính mình, chắc chắn sẽ có chỗ lợi lạc. “Kim nội giáo tắc y tùng chánh sanh” (Nay theo nội giáo thì y báo sanh từ chánh báo), hoàn cảnh do tâm chúng ta biến hiện.
(Diễn) Nhất niệm vô minh, dẫn sanh tam tế.
(演) 一念無明,引生三細。
(Diễn: Một niệm vô minh dẫn khởi sanh ra ba tế tướng).
Đây chính là như Duy Thức đã nói: “Một niệm bất giác là vô minh”. Vô minh là mê, bản tánh vốn là minh. Câu này rất có ý nghĩa, mà cũng hết sức sâu xa, uyên áo. Như thế nào là minh? Chẳng có một niệm là minh. Hễ có một niệm, minh bị mất đi, minh chẳng còn nữa. Có thể thấy: Hễ có một niệm là hỏng, một niệm liền mê, một niệm sẽ chẳng giác. Chuyện này rất phiền phức! Được rồi, nay chúng ta thấy đức Phật nói kiểu ấy, từ nay trở đi, chúng ta liền một niệm chẳng sanh, ý niệm gì cũng chẳng nghĩ tới; đó có phải là minh hay không? Chỉ sợ vẫn là vô minh! Cớ sao vẫn là vô minh? Vì quý vị vẫn còn nghĩ tưởng “một niệm chẳng sanh”, vẫn rơi vào một niệm. Chẳng rơi vào hữu niệm, bèn rớt trong vô niệm. Tu kiểu ấy, càng tu càng hỏng bét, biến thành tu Vô Tưởng Định. Thật sự tu thành công Vô Tưởng Định cũng chẳng dễ dàng, quả báo là Vô Tưởng Thiên trong Tứ Thiền Thiên, đó là ngoại đạo.
Phật pháp nói “một niệm chẳng sanh”, ngay cả [ý niệm] “một niệm chẳng sanh” cũng chẳng sanh, chẳng có cách nào nói được! Nói “ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt” đều là dây cà, dây muống, vẫn rớt trong dấu tích. Cảnh giới ấy chỉ có tự mình thấu hiểu, chẳng có cách nào nói ra được. Nói thật ra, không chỉ là chẳng thốt nên lời, mà cũng chẳng thể suy tưởng, vì quý vị hễ có tưởng sẽ còn có niệm, dẫu có suy nghĩ cũng chẳng thể được! Vì thế, gọi là chẳng thể nghĩ bàn. “Tư” (思) là suy nghĩ, chẳng thể suy nghĩ được; “nghị” (議) là bàn luận, nói năng, thốt chẳng nên lời, chẳng thể nghĩ bàn. Thật sự chẳng thể nghĩ bàn, đó là giác. Hễ rớt vào trong nghĩ bàn thì là vô minh. Vô minh còn tồn tại trước cả ba tế tướng. Ba tế tướng là Nghiệp Tướng, Kiến Tướng (Chuyển Tướng) và Cảnh Giới Tướng của A Lại Da Thức. Kiến Phần biến hiện Tướng Phần, Tướng Phần là Cảnh Giới Tướng.
(Diễn) Cảnh giới vi duyên, dẫn khởi lục thô.
(演)境界為緣,引起六粗。
(Diễn: Cảnh giới làm duyên, dẫn khởi sáu thô tướng[4]).
Thứ tự phát triển như vậy, rất giống như kinh Dịch đã nói: “Thái Cực sanh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ Tượng sanh Bát Quái, Bát Quái sanh vạn vật”. Vì thế, Phật pháp nói về quá trình phát triển rất gần với cách quan sát và diễn tả của tổ tiên người Hoa.
(Diễn) Sơn hà đại địa, nhân vô minh nhi hữu, vọng tưởng nhi thành, y tùng chánh sanh dã.
(演)山河大地,因無明而有,妄想而成,依從正生也。
(Diễn: Núi, sông, đại địa, do vô minh mà có, do vọng tưởng mà thành, [tức là] y báo sanh từ chánh báo).
Đây là một câu khẳng định. Toàn thể thế giới vật chất xác thực là cảnh giới do tâm chúng ta biến hiện; vì vậy, cảnh giới chẳng chân thật. Kinh Kim Cang nói rất hay: “Hết thảy các pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Pháp hữu vi là như trong Duy Thức đã nói về Bách Pháp, Bách Pháp là hết thảy các pháp. Di Lặc Bồ Tát tạo Du Già Sư Địa Luận, đã quy nạp hết thảy các pháp thành sáu trăm sáu mươi pháp. Thiên Thân Bồ Tát sợ kẻ sơ học chẳng dễ tiếp nhận, nên quy nạp sáu trăm sáu mươi pháp thành một trăm pháp. Do đó, Bách Pháp là hết thảy vạn pháp được quy nạp thành một trăm cương lãnh. Trong một trăm pháp ấy, pháp hữu vi là pháp sanh diệt, có biến hóa, có sanh diệt, tổng cộng có chín mươi bốn loại. Trong chín mươi bốn loại ấy, trước hết là Tâm Pháp gồm tám thứ, tức là tám pháp về tâm thức. Chư vị biết tâm là pháp hữu vi, ngay cả A Lại Da Thức cũng chẳng ra ngoài lệ ấy. A Lại Da Thức cũng là pháp hữu vi. Đã là pháp hữu vi thì [sẽ như] kinh Kim Cang đã nói “như mộng, huyễn, bọt, bóng”, A Lại Da Thức như mộng, huyễn, bọt, bóng, huống hồ những thứ khác! Tâm Sở Hữu Pháp gồm năm mươi mốt loại lớn. Nói thật ra, nay chúng ta gọi Tâm Sở Hữu Pháp là “tác dụng tâm lý”. Tám thức là Thể; có Thể thì đương nhiên sẽ có tác dụng, tác dụng gồm năm mươi mốt loại lớn. Sắc Pháp có mười một loại. [Trong đó], Ngũ Căn gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân là Sắc Pháp, Sắc Pháp là vật chất; Lục Trần bên ngoài, lục căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, những thứ ấy thuộc loại Sắc Pháp. Ngũ Căn và Lục Trần hợp thành mười một loại lớn [thuộc về Sắc Pháp]. Những thứ này đều là pháp hữu vi. Còn có hai mươi bốn Bất Tương Ứng Hành Pháp. Nói theo cách hiện thời, chúng là khái niệm trừu tượng, chẳng phải là Tâm Pháp, chẳng phải là Tâm Sở Hữu Pháp, mà cũng chẳng phải là Sắc Pháp, nhưng chúng nẩy sanh từ ba loại pháp ấy, sanh ra một loại khái niệm. Khái niệm ấy là trừu tượng, gồm có hai mươi bốn loại. Chẳng hạn như thời gian và không gian là những khái niệm rất trừu tượng, những thứ ấy (Bất Tương Ứng Hành Pháp) chẳng phải là Sắc, mà cũng chẳng phải là Tâm. Tất cả những pháp ấy (Sắc pháp, Tâm Pháp (Tâm Vương), Tâm Sở Hữu Pháp, Bất Tương Ứng Hành Pháp) gộp chung thành chín mươi bốn loại [pháp hữu vi].
Sáu thứ sau cùng gọi là vô vi pháp, vô vi pháp là gì? Chẳng phải là pháp sanh diệt. Trong sáu pháp vô vi, năm pháp trước là tương tự vô vi, vẫn chẳng phải là vô vi thật sự, chỉ có Chân Như vô vi là thật. Chân Như vô vi là gì? Là Chân Như bản tánh, là chân tâm của chính chúng ta. Chín mươi bốn loại pháp hữu vi đều là vật được biến hiện bởi chân tâm. Cái có thể biến là chính mình, đối với cái được biến lại ngược ngạo chẳng nhận biết, coi nó là vật ngoài thân, sai lầm mất rồi! Khi nào thật sự triệt để hiểu rõ, năng biến (có thể biến) là tự tánh, sở biến (cái được biến) cũng đều là chính mình, vậy là tốt rồi, chúc mừng quý vị, quý vị đã chứng đắc thanh tịnh Pháp Thân. Do đó, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều là vật được biến hiện bởi tự tâm. Tâm là năng biến, hết thảy quả báo nơi y báo và chánh báo đều là sở biến. Năng và Sở chẳng hai, Tánh và Tướng như nhau! Đó là cảnh giới chân thật. Câu này có quan hệ rất lớn đối với sự tu học của chúng ta, mà cũng có quan hệ mật thiết với sự hạnh phúc của bản thân chúng ta. Trong các phần trước đã nói về hoàn cảnh nơi Tây Phương Cực Lạc thế giới, nay sẽ giới thiệu chánh báo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, tức là hết thảy các nhân vật, “cố thứ minh chánh báo” (vì thế, kế tiếp là nói về chánh báo).
(Sớ) Ư ý vân hà? Thẩm kỳ giải phủ dã.
(疏)於意云何,審其解否也。
(Sớ: “Ý ông nghĩ sao?” Xét coi ngài Xá Lợi Phất có hiểu hay không?)
Đức Thế Tôn gọi ngài Xá Lợi Phất, hỏi Ngài: “Ư ý vân hà?”, [nghĩa là] ý ông nghĩ ra sao? Câu này nhằm hỏi Ngài, hỏi ngài Xá Lợi Phất có thể lý giải sự thật ấy hay không? Có biết danh hiệu của đức Phật bên cõi ấy là A Di Đà hay chăng?
(Sớ) Dĩ tri bỉ Phật hiệu A Di Đà, vị tri kỳ nghĩa.
(疏)已知彼佛號阿彌陀,未知其義。
(Sớ: Đã biết đức Phật ấy hiệu là A Di Đà, nhưng chưa biết ý nghĩa).
A Di Đà nghĩa là gì? Chúng ta hằng ngày niệm câu Nam-mô A Di Đà Phật, sáu chữ ấy có nghĩa là gì? Nếu chẳng hiểu rõ ràng, đó là mê. Vì thế, có rất nhiều người niệm Phật, sau khi đã niệm được mấy năm bèn chẳng niệm nữa, càng niệm càng cảm thấy chẳng có ý vị gì! Có người dự mấy Phật Thất, niệm Phật rất vất vả, lần sau chẳng đến dự nữa. Vất vả là thật, mà chẳng đạt được lợi ích, đương nhiên lần sau người ta không đến nữa. Có thể niệm Phật sao cho hễ niệm sẽ sanh tâm hoan hỷ, càng niệm càng hoan hỷ, người ta sẽ chẳng bỏ đi. Chứ càng niệm càng khổ sở, càng niệm càng mê hoặc, đương nhiên người ta sẽ bỏ đi. Do vậy có thể biết, tuy pháp môn này dễ tu, thế nhưng hằng tâm nghị lực cũng chẳng dễ dàng! Hằng tâm nghị lực do đâu mà có? Do hiểu rõ lý mà có. Quý vị thật sự thấu hiểu lý, tâm sẽ kiên cố, vĩnh viễn chẳng thoái chuyển. Chúng tôi chọn bộ Sớ Sao có phân lượng to lớn để giảng cặn kẽ là do đạo lý này. Nói thật ra, trong thế gian này, hiện thời, Đài Loan thật sự có phước báo. Những nơi khác người ta mời tôi đến giảng bộ này, tôi rất thích giảng, nhưng chẳng có ai nghe, họ chẳng có thời gian dài như thế, cũng chẳng có ai kiên nhẫn như vậy để đến nghe bộ kinh lớn này. Kinh A Di Đà ngắn, nhưng Sớ Sao là một bộ [sách chú giải] kinh to lớn, phân lượng chẳng kém Pháp Hoa, chẳng thua Lăng Nghiêm, xác thực là một bộ đại kinh. Vì thế, chẳng có phước báo, sẽ chẳng có cách nào khai giảng Sớ Sao, huống chi chúng tôi còn [giảng kèm] thêm sách Diễn Nghĩa.
Niệm một câu Phật hiệu, sáu chữ ấy nghĩa là gì, nhất định phải hiểu rõ ràng thì niệm mới tương ứng. Giống như chúng ta đánh điện báo đến Phật, gởi điện báo đi, có hồi đáp thì mới có thú vị. Đánh chán chê, sau khi đã gởi đi, chẳng thấy hồi đáp gì, về sau sẽ bỏ mất tín tâm. Quý vị thật sự hiểu rõ thì từng tiếng [niệm Phật] đều có cảm ứng, có cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn!
(Sớ) Dĩ bỉ Phật nãi nhất kinh chánh chủ, cố tu thẩm vấn.
(疏)以彼佛乃一經正主,故須審問。
(Sớ: Do đức Phật ấy là nhân vật chủ yếu của một bộ kinh, nên cần phải xét hỏi).
A Di Đà Phật là “chánh chủ” của kinh này. “Chủ” là chủ nhân. Người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới rất nhiều, ai nấy đều là chủ nhân. Mỗi người đều là chủ nhân, chẳng sai! Nhưng A Di Đà Phật là vị chủ nhân chánh yếu bậc nhất vì thế giới ấy do Ngài tạo ra, tất cả hết thảy chúng sanh đều do Ngài tiếp dẫn, do Ngài giáo hóa. Ngài là vị chủ nhân thứ nhất. Chúng ta niệm Ngài, phải nên nhận biết, phải nên liễu giải Ngài.
Vì lẽ đó, ở đây, đức Phật hỏi tôn giả Xá Lợi Phất, tôn giả Xá Lợi Phất cũng đại diện cho mọi người chúng ta, hỏi ngài Xá Lợi Phất chẳng khác gì hỏi chúng ta.
(Sao) Chánh chủ giả, báo hữu y chánh, Phật cư kỳ chánh cố. Chánh hữu chủ bạn, Phật vi kỳ chủ cố.
(鈔)正主者,報有依正,佛居其正故;正有主伴,佛為其主故。
(Sao: “Chánh chủ”: Do báo có y và chánh, Phật thuộc về chánh. Trong chánh báo lại có chủ và bạn, Phật là chủ).
Nói rõ ý nghĩa của hai chữ Chánh và Chủ. Báo là quả báo; có nhân, ắt có quả. Trong lúc tu nhân, A Di Đà Phật đã phát nguyện, tu hành. Chúng ta đã đọc thấy sự phát nguyện của Ngài trong kinh Vô Lượng Thọ. Trong kinh đã trần thuật Ngài năm kiếp tu hành, kết thành đại nguyện, tạo thành Tây Phương Cực Lạc thế giới, nên đó là “có nhân, có quả”. Trong cái quả ấy, còn có y báo và chánh báo, nên “Phật cư kỳ chánh” (Phật thuộc về chánh báo). Phần trước là y báo, hoàn cảnh vật chất đã nói xong, nay giới thiệu A Di Đà Phật, là chánh báo trong quả báo. Chánh báo rất nhiều, phàm những ai sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới đều thuộc loại chánh báo. Nói theo cách hiện thời, người thế gian bình phàm chúng ta chia hết thảy vạn pháp thành ba loại là động vật, thực vật, và khoáng vật. Trong nhà Phật chỉ chia thành hai loại là chánh báo và y báo. Nay chúng ta gọi chánh báo là động vật, y báo nay được gọi là thực vật và khoáng vật, tức hoàn cảnh vật chất. Chánh báo là hữu tình chúng sanh, y báo là vô tình chúng sanh. Chánh báo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng rất nhiều, chẳng có cách nào tính toán. Trong chúng sanh đông đảo ngần ấy, A Di Đà Phật là chủ, Ngài là thầy, Ngài là giáo chủ. Giáo chủ là vị thầy chịu trách nhiệm chánh yếu trong sự giáo học, có ý nghĩa này.
(Sao) Nghĩa tu thẩm giả.
(鈔)義須審者。
(Sao: Cần phải xét rõ ý nghĩa).
Phải suy xét rõ ràng ý nghĩa này.
(Sao) Dĩ Di Đà vạn đức chi hiệu, kỳ nghĩa thâm quảng, ưng vi khai xiển, sử nhân hiểu liễu, sanh hướng mộ cố.
(鈔) 以彌陀萬德之號,其義深廣,應為開闡 ,使人曉
了,生向慕故。
(Sao: Do danh hiệu Di Đà vạn đức, ý nghĩa sâu rộng, hãy nên khai thị, xiển dương, khiến cho người khác hiểu rõ, sanh lòng ngưỡng mộ, hướng về).
Danh hiệu Di Đà có ý nghĩa vô cùng sâu rộng, nên phải khai thị, phải nói rõ ràng, minh bạch, khiến cho chúng sanh trong mười phương thế giới nẩy sanh tâm ngưỡng mộ, thì họ mới phát tâm niệm A Di Đà Phật, mong thấy A Di Đà Phật, mong đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Danh hiệu được giải thích trong phần kinh văn phía sau.
(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh chánh tư duy, thị “ư ý vân hà” nghĩa.
(疏)稱理,則自性正思惟,是於意云何義。
(Sớ: Xứng Lý thì tự tánh chánh tư duy là ý nghĩa của câu “ý ông nghĩ sao”).
Đoạn văn kế tiếp là tiêu quy tự tánh, cũng là nói xứng tánh. “Tự tánh chánh tư duy” có ý nghĩa rất sâu. Người bình phàm nói đến tư duy thì đó là thức thứ sáu, tức ý thức khởi tác dụng. Công năng của thức thứ sáu, tức ý thức, hết sức rộng rãi. Hướng ra ngoài, nó có thể phan duyên tận hư không khắp pháp giới; hướng vào trong, nó có thể duyên đến A Lại Da Thức, nhưng chẳng thể duyên bản tánh. Vì vậy, sử dụng thức thứ sáu, tức ý thức, để cầu minh tâm kiến tánh sẽ chẳng thể thực hiện được. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã nói rất rõ ràng, dùng thức thứ sáu, tức tâm ý thức tu hành mà mong thành Phật, khác nào “chưng sa tác phạn”, [nghĩa là] mong nấu cát thành cơm, chẳng thể nào! Nấu hết kiếp cũng chẳng thành cơm. Vì sao? Nhân khác nhau. Tu hành thì tâm tu nhân và sự giác ngộ nơi quả nhất định phải tương ứng.
Do vậy có thể biết, Tiểu Thừa nói có Bát Chánh Đạo, có Chánh Tư Duy. Đại Thừa cũng có Bát Chánh Đạo, có Chánh Tư Duy. Chánh Tư Duy của Đại Thừa khác Tiểu Thừa ở chỗ nào? Chánh Tư Duy của Tiểu Thừa dùng tám thức, nói thật ra, họ vẫn chưa biết dùng tám thức, mà dùng thức thứ sáu, tức ý thức. Đại Thừa nói tám thức, Tiểu Thừa nói sáu thức, họ sử dụng ý thức. Chánh Tư Duy của Đại Thừa dùng Chân Như bản tánh, tự tánh khởi tác dụng; đó là Chánh Tư Duy của Đại Thừa. Vậy thì họ chẳng có Tư hay sao? Nói thật ra, chẳng có Tư. Tư duy là một phù hiệu tượng trưng, tượng trưng cho hết thảy đều hiểu rõ, hết thảy thông đạt. Phàm phu chúng ta đối với mỗi chuyện đều phải suy nghĩ thì mới hiểu rõ; chẳng nghĩ, sẽ không biết. Bồ Tát đã minh tâm kiến tánh có phải tưởng hay không? Ngài chẳng cần tưởng, vì hễ suy tưởng liền rơi vào thức thứ sáu, tức ý thức. Chẳng cần suy nghĩ, mắt vừa thấy liền hiểu rõ, vừa nghe liền hiểu rõ. Các Ngài là trực giác, không thông qua tâm ý thức, nên gọi là Chánh Tư Duy.
Câu “ư ý vân hà” được nói trong kinh có ý nghĩa rất sâu! Chúng ta vốn đọc kinh Di Đà, thấy kinh Di Đà rất cạn, dường như rất dễ hiểu. Liên Trì đại sư giải thích, chú giải, càng giải càng sâu! Thật ra, có phải là Ngài chú giải quá sâu hay không? Chẳng phải vậy! Ý nghĩa trong kinh vốn sâu, đó là chỗ mầu nhiệm của kinh. Người nông cạn thấy rất nông cạn, người sâu xa thấy rất sâu, nên đọc trăm lượt chẳng chán. Người nông cạn niệm kinh, rất hoan hỷ, vì họ niệm bèn hiểu. Người trình độ sâu niệm kinh cũng rất hoan hỷ, vì sao? Họ hiểu thâm ý. Kinh này từ sơ phát tâm mãi cho đến khi thành Phật đều niệm không chán, đạo lý ở ngay chỗ này. Liên Trì đại sư chú giải cho chúng ta, nói thật ra, vẫn là chú giải rất nông cạn, dễ hiểu; chỉ vì nếu chú giải sâu xa, chúng ta sẽ chẳng có cách nào tiếp nhận. Chúng ta lại xem đoạn kế tiếp giải thích chữ Ý. “Ư ý vân hà” thì Ý là gì?
(Sao) Trù lượng danh Ý. Thế nhân khởi ư ý thức, niệm niệm trục ngoại trù lượng, thị tà tư duy dã.
(鈔)籌量名意,世人起於意識,念念逐外籌量,是邪思惟也。
(Sao: Trù tính, suy lường gọi là Ý. Người đời khởi ý thức, niệm niệm trù tính, suy lường bên ngoài, đó là tà tư duy).
Đó chẳng phải là Chánh Tư Duy, nói đến người thế gian. Người thế gian sử dụng thức thứ sáu, tức ý thức, cũng chính là “cái tâm” như người bình phàm thường nói. Trong tâm quý vị tưởng gì? Tâm ấy là thức thứ sáu, tức tâm ý thức. Trong tâm quý vị suy nghĩ điều gì thì chính là thức thứ sáu, tức tâm ý thức đang suy nghĩ. Chân tâm chẳng suy nghĩ, chân tâm là thanh tịnh. Chân tâm ly niệm, tức là một niệm chẳng sanh; chỉ trong vọng tâm thì mới có suy nghĩ. Vì thế, suy nghĩ được gọi là vọng tưởng, là suy nghĩ loạn xạ. Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối đều suy nghĩ, thảy đều là suy nghĩ loạn xạ. Quý vị suy nghĩ chánh pháp, suy nghĩ Phật pháp, suy nghĩ gì thì cũng đều là suy nghĩ loạn xạ, nghĩ đến Phật cũng được coi là suy nghĩ loạn xạ. Do đó, bảo quý vị niệm kinh, quý vị liền thật thà ngoan ngoãn niệm, nhưng vừa niệm vừa nghĩ ngợi ý nghĩa trong ấy, đó vẫn gọi là suy nghĩ loạn xạ. Vì sao gọi là suy nghĩ loạn xạ? Vì kinh do chân tâm lưu lộ. Chân tâm chẳng có ý niệm, chẳng có ý nghĩa, lưu lộ cũng là vô ý, cũng chẳng có ý nghĩa. Chỉ cần quý vị thật thà niệm, sẽ có thể dẫn xuất tự tánh, có thể minh tâm kiến tánh. Nếu vừa niệm kinh, vừa nghiên cứu nó có ý nghĩa gì, thôi rồi, vì sao? Toàn bộ đều rơi vào trong ý thức, chẳng thể khai ngộ! Dẫu cho quý vị nghiên cứu thấu triệt, giảng đến nỗi hoa trời rơi tán loạn, nói thật thà thì là tà tri, tà kiến, chẳng chân thật! Quý vị chỉ một mực niệm, một niệm chẳng sanh. Người ta mời quý vị giảng, quý vị thấy người ấy trình độ sâu bèn giảng sâu, thấy trình độ nông cạn bèn giảng nông cạn, lời giảng có thể sâu, cạn, dài, ngắn, hoàn toàn chẳng thông qua ý thức. Đó là tự tánh của quý vị lưu lộ, là trí huệ Bát Nhã. Vì vậy, chớ nên nghiên cứu kinh, cứ thật thà niệm là được rồi.
Bản chú giải này của Liên Trì đại sư cũng từ tự tánh lưu lộ, nên chú giải của Ngài có thể sâu, cạn, dài, ngắn. Chư vị hãy đối chiếu với ba trăm ba mươi lăm băng giảng trong lần thứ hai của tôi với lần này, [sẽ thấy] chẳng giống! Tôi giảng lại từ đầu một lần nữa, ý nghĩa sẽ lại khác với lần này. Bởi lẽ, kinh này càng giảng càng hoan hỷ. Nếu ý nghĩa luôn như nhau, tôi giảng cũng chẳng có hứng thú gì! Giống như thầy giáo dạy học trong nhà trường xưa kia, mỗi năm dạy một lớp, dạy suốt một đời chỉ có một quyển sách, một quyển bút ký, có thể dùng cả đời, càng dạy càng tẻ nhạt, chẳng có ý vị gì! Kinh có ý vị, mỗi lần có ý nghĩa khác nhau! Quý vị thật sự tu học, pháp hỷ sung mãn, đúng là sự hưởng thụ cao nhất trong một đời người. Trước kia, tiên sinh Phương Đông Mỹ đã truyền cho tôi, cụ bảo: “Phật pháp là sự hưởng thụ cao nhất trong đời người”.
(Diễn) Trù lượng danh Ý giả, Tướng Tông vân: “Tập khởi danh Tâm, tập chư chủng tử, khởi chư hiện hành cố. Trù lượng danh Ý, trù lự tư lượng, tự phần cảnh giới cố. Liễu biệt danh Thức, chiếu liễu phân biệt tiền cảnh giới cố”.
(演)籌量名意者,相宗云:集起名心,集諸種子,起諸現行故;籌量名意,籌慮思量,自分境界故;了別名識,照了分別前境界故。
(Diễn: “Trù lượng gọi là Ý”: Tướng Tông nói: “Tập khởi thì gọi là Tâm, vì [tâm] gom góp các chủng tử, khởi lên các hiện hành. Trù tính suy lường gọi là Ý, do nó suy tính, lo toan, cân nhắc, thuộc về cảnh giới của chính mình. Thấu hiểu phân biệt rõ ràng thì gọi là Thức, vì nó soi tỏ, phân biệt rõ ràng cảnh giới bên ngoài”).
Tâm là gì? Ý là gì? Thức là gì? Tướng Tông đã định nghĩa, Tâm có ý nghĩa “tập khởi”. “Tập” (集) là gì? Tập là gom góp chủng tử. Tập là thâu thập, giống như một cái kho, ta đều thâu thập, đó là ý nghĩa của chữ Tập. “Khởi” (起) là gì? “Khởi” là dấy lên hiện hành. Tiếp đó nói: “Khởi chư hiện hành”. Chủng tử gặp duyên bèn sanh trưởng. Tâm ấy là gì? Tâm ấy là A Lại Da Thức. A Lại Da Thức là cái kho, thu thập hết thảy chủng tử cất trong kho để gìn giữ, giống như “phòng lưu trữ hồ sơ” hiện thời. Tất cả hết thảy tạo tác của chúng ta đều có “hồ sơ”. Chỉ cần quý vị tạo tác, hồ sơ đều được bảo tồn, đó là ý nghĩa của Tập. Do đó, tạo tác không chỉ là thân thể tạo tác, ngôn ngữ tạo tác, [mà còn là] khởi tâm động niệm. Quý vị vừa động một niệm, trong A Lại Da Thức liền lưu ấn tượng. Trong kinh, đức Phật khuyên, dạy chúng ta, chớ nên hối hận chuyện đã qua. Quá khứ đã tạo tác rất nhiều tội nghiệp, thường nghĩ một lần, hừm! Nghĩ một lần là lại tạo nghiệp một lần, nghĩ thêm lần nữa là lại tạo lần nữa. Thôi rồi! Tội nghiệp trong A Lại Da Thức ngày càng nhiều hơn. Đừng nghĩ tới quá khứ, chủng tử đã có, chúng ta chẳng cần tăng thêm lần nữa, hãy giữ nguyên trạng, đừng tăng thêm. Chuyện vị lai còn chưa đến, chớ nên suy nghĩ lung tung. Quý vị nghĩ đến vị lai cũng là tạo nghiệp trong đó, mới biết là đáng sợ! Đầu óc chúng sanh suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn xạ, tưởng quá khứ, tưởng hiện tại, tưởng vị lai, tưởng đến nỗi chẳng biết trong A Lại Da Thức có bao nhiêu chủng tử! Trong kinh, đức Phật đã nói, nếu những chủng tử ấy có thể tích, dẫu thể tích nhỏ đến mấy đi nữa, giống như vi trần, đức Phật dạy, từ vô lượng kiếp cho đến hiện thời, chủng tử nghiệp tập của chúng ta tận hư không khắp pháp giới chẳng thể dung nạp được! May là các chủng tử chẳng có hình tướng!
Ý nghĩa thứ hai là “Hiện Hành”, Hiện Hành là gì? Hễ gặp duyên, chủng tử bèn xuất hiện, nó liền khởi tác dụng. Do đó, Hiện Hành cũng là tâm. Chúng tôi nêu một tỷ dụ, từ tỷ dụ này, quý vị sẽ thấu hiểu, liễu giải Hiện Hành là gì? Hiện Hành là chủng tử khởi tác dụng. Chủng tử chẳng gặp duyên, sẽ chẳng khởi tác dụng. Ví như hạt dưa hấu đem cất giữ trong bình, nó vĩnh viễn chẳng mọc thành dưa, vì sao? Chẳng có duyên! Nếu chúng ta muốn nó kết thành trái dưa, chỉ cần thêm duyên là được. Duyên của nó cần phải có đất màu, phân bón, ánh sáng, nước. Nếu nhiều điều kiện như vậy đều rất viên mãn thì hạt giống nhất định sẽ nẩy mầm, sẽ có thể đơm hoa, kết quả, sẽ sanh ra quả dưa rất ngon lành, đó gọi là Hiện Hành. Vì thế, Hiện Hành là nhân của chủng tử, chủng tử lại là cái nhân của Hiện Hành. Dưa là quả, hạt dưa là nhân; dưa là nhân, hạt dưa lại là quả. Vì thế, dưa và hạt dưa đều là tâm. Chư vị hãy chú ý nơi đây sẽ thấu hiểu: Đó là chủng tử và Hiện Hành. Sanh trưởng, trổ hoa, kết thành trái dưa là Hiện Hành; nhưng trong dưa lại sanh ra chủng tử. Những điều này đều gọi là tâm. Quý vị hiểu đạo lý này, [sẽ biết] nhân và quả toàn là tác dụng của tâm. Điều này mở rộng ra, sẽ là tận hư không khắp pháp giới. Trong kinh nhà Phật thường nói y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới do đâu mà khởi? Từ trong tâm của chính chúng ta biến hiện.
Hiểu đạo lý này, chúng ta vừa vui, vừa sợ. Sợ là vì lục đạo luân hồi tam ác đạo do chính mình biến hiện, vui là vì Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật cũng do chính mình biến hiện. Chủng tử của mười pháp giới thảy đều có trong A Lại Da Thức của chúng ta, ai nấy đều có, tuyệt đối chẳng có người nào khiếm khuyết. Nay quý vị muốn cho chủng tử nào dấy lên hiện hành là do chính mình nắm quyền thao túng, không do người khác khống chế. Giống như trong cái chén trà này, các loại hạt dưa đều có, đều đựng trong đó. Ta muốn ăn dưa hấu, bèn lấy hạt dưa hấu đem trồng. Ta muốn ăn đậu, lấy hạt đậu đem trồng. Quyền thao túng nơi tay ta, chẳng ở trong tay người khác.
Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, quý vị muốn thành Phật, quyết định có thể thành Phật, toàn là nằm trong tay của chính mình. Chúng ta có chủng tử thành Phật, chỉ cần kết hợp đúng duyên bèn đạt được. Đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới, chúng ta có chủng tử “duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà”, đó là nói theo chủng tử. Chúng ta chỉ cần thêm vào Tín, Nguyện, Hạnh, đó là duyên, giống như dưa cần đất, phân, nước, thêm những thứ ấy vào là được, tự nhiên sẽ kết quả. Vì lẽ đó, muốn thành Phật bèn thành Phật, muốn làm Bồ Tát liền làm Bồ Tát, muốn đời sau được làm thân người bèn làm thân người, muốn làm quỷ, sẽ làm quỷ. Quỷ là duyên gì? Duyên nhiều nhất làm quỷ là do tâm tham nặng nề. Quý vị nghĩ xem chúng ta có tâm tham hay không? Cái này cũng tham, cái kia cũng tham, đó là duyên chủng tử của ngạ quỷ hằng ngày tăng trưởng; mai sau, quả báo tự nhiên liền biến thành ngạ quỷ. Địa ngục là sân khuể, súc sanh là ngu si. Nếu mọi người hiểu duyên của mười pháp giới, chính mình sẽ có thể khống chế. Chẳng hạn như bất luận gặp chuyện gì chẳng thuận tâm, ta tuyệt đối chẳng nổi giận, vì sao? Đối với cái nhân địa ngục, ta chẳng tạo duyên cho nó, ta đoạn trừ nó, chắc chắn chẳng đọa địa ngục. Đối với thuận cảnh như thế nào, ta chẳng có tâm tham, không tham ái, duyên trong ngạ quỷ đạo cũng đoạn mất. Trong hết thảy cảnh giới, ta hiểu rõ, không mơ hồ, duyên súc sanh đạo bị đoạn mất.
Đức Phật giảng những pháp ấy, chúng ta thật sự tâm phục, khẩu phục. Vì vậy, thành Phật, thành Bồ Tát, chẳng phải là do các Ngài giúp đỡ chúng ta, các Ngài chẳng giúp được! Nếu các Ngài giúp được, Phật, Bồ Tát đại từ đại bi, chúng ta cần gì phải tự mình tu hành? Bản thân chúng ta phải tu hành nhọc nhằn như thế mới thành tựu, Phật, Bồ Tát từ bi ở chỗ nào? Chư vị phải hiểu: “Hết thảy chỉ do tâm tạo”, hết thảy do chính mình tạo, chẳng liên quan gì đến người khác. Trong kinh Kim Cang, đức Phật đã dạy rất thẳng thừng: “Phật chẳng độ chúng sanh”, chúng sanh độ bằng cách nào? Chính mình độ chính mình. Phật cũng là một Tăng Thượng Duyên cho bản thân chúng ta, là một trong khá nhiều điều kiện. Cũng có nghĩa là Ngài bảo cho chúng ta biết chân tướng sự thật này, chúng ta mới hoảng nhiên đại ngộ, mới biết làm thế nào để khống chế duyên ấy. Vì thêm duyên vào thì mới kết thành quả, chỉ cần cái nhân mà chẳng có duyên thì sẽ không kết thành quả. Nhân chẳng thể thay đổi, không có cách nào khống chế, nhưng duyên do chính chúng ta nắm quyền thao túng; do đó, Phật pháp nói “duyên sanh”. Chúng ta hiểu chân tướng sự thật này, hãy khéo khống chế duyên, duyên của chín pháp giới đều bỏ đi, nhất định chẳng vun bồi chúng, chuyên vun bồi cái duyên thành Phật, như vậy là tốt lắm. Duyên thành Phật thù thắng nhất, dễ dàng nhất, đáng tin cậy nhất, ổn thỏa, thích đáng nhất, không gì hơn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Pháp môn này xác thực là có căn cứ lý luận, chẳng phải là nói tùy tiện. Chẳng có lý luận khá đáng tin cậy, làm sao chúng ta có thể tin sâu cho được?
Do đó, đối với “tập khởi”, hiểu Tập là gì? Khởi là gì? Đó là tâm. Vì thế, tâm quá ư to lớn. Tận hư không khắp pháp giới là một tâm, là một A Lại Da Thức. Nếu quý vị hỏi, tâm ở chỗ nào? Kinh Lăng Nghiêm vừa khởi đầu, Thích Ca Mâu Ni Phật hỏi ngài A Nan, nói thật ra, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng chẳng nói rõ ràng, cũng chẳng nói là chân tâm hay vọng tâm, bất luận là chân tâm hay là vọng tâm: Ông nói “có tâm”, vậy tâm ở chỗ nào? Ông hãy nói cho tôi nghe xem. Trước tiên, ngài A Nan nói tâm ở bên trong, đức Phật không đồng ý. Nói ở bên ngoài, cũng không đồng ý, ở giữa cũng chẳng đồng ý. Nói ra bảy chỗ, đức Phật đều chẳng chấp thuận. Rốt cuộc tâm ở chỗ nào? Cuối cùng, ngài A Nan cũng chẳng có cách nào. Thưa cùng chư vị, tận hư không khắp pháp giới là một tâm của chúng ta, điều này rất chẳng dễ hiểu, rất khó hiểu. Tôi dùng chuyện nằm mộng để tỷ dụ để mọi người dễ hiểu. Mỗi ngày, quý vị đều nằm mơ, trong mộng có núi, sông, đại địa, có chính mình, và cũng có rất nhiều nhân vật, chẳng khác gì chúng ta đã thấy lúc ban ngày. Mộng do đâu mà có? Chúng ta biết mộng là do cái tâm của chính mình biến hiện. Khi tâm đang biến hiện mộng cảnh, khi ấy, nếu hỏi quý vị, tâm giống như gì? Toàn thể mộng cảnh là tâm, toàn thể tâm là mộng, toàn thể tâm thành mộng, toàn thể mộng chính là tâm. Ngoài tâm chẳng có mộng, ngoài mộng chẳng có tâm. Từ chỗ này, quý vị lại hiểu thêm một chút, hiện tại, tận hư không khắp pháp giới là một A Lại Da Thức. A Lại Da Thức là hư không pháp giới, pháp giới là A Lại Da Thức.
Trong hội Lăng Nghiêm, ngài A Nan chẳng hiểu điều này, nên bị đức Phật bắt bí. Nếu quý vị thật sự nhận biết, nhà Thiền có một câu: “Nhược nhân thức đắc tâm, đại địa vô thốn thổ” (Nếu người hiểu biết tâm, đại địa không tấc đất). Cớ sao nói đại địa không có tấc đất? Vì đều là tự tâm, ngoài tự tâm ra, chẳng có một vật nào. Kinh Hoa Nghiêm đã dạy: “Ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” (Nên quán tánh pháp giới, hết thảy do tâm tạo). Tánh là bản thể, Triết Học nói là “bản thể của vạn hữu trong vũ trụ”. Vạn hữu trong vũ trụ có bản thể là gì? Kinh Hoa Nghiêm nói là tâm, tâm ấy còn gọi là A Lại Da Thức. Kinh điển y cứ của Pháp Tướng Tông gồm có sáu bộ kinh và mười một bộ luận. Kinh Hoa Nghiêm là một trong sáu bộ kinh ấy. Đó là tâm. Điều khẩn yếu là quý vị phải hiểu rõ Tập là gì, Khởi là gì, phải hiểu rõ ràng hai chữ này. Nói thật ra, hai chữ ấy rất khó hiểu.
“Trù lượng danh Ý”, Trù (籌) là trù tính, Lượng (量) là so lường, đó là Ý. Ý là gì? Là Tư (suy nghĩ), chúng đang suy xét, dự tính, đó là Ý. “Trù lự tư lượng, tự phần cảnh giới cố” (Vì trù tính, lo toan, cân nhắc, thuộc về cảnh giới của chính mình). “Liễu biệt danh Thức”: Liễu (了) là hiểu rõ, Biệt (別) là phân biệt, do định nghĩa này, chúng ta bèn gọi nó là Thức, “chiếu liễu phân biệt tiền cảnh giới cố” (do soi tỏ, phân biệt cảnh giới bên ngoài). Do vậy có thể biết: Đối tượng của Ý là đối với chính mình, đối nội, chẳng đối ngoại, còn Thức là trong lẫn ngoài đều có. Trong lẫn ngoài đều là đối tượng của nó, đối tượng của nó rộng lớn. Thức thứ tám, thức thứ bảy, thức thứ sáu và năm thức trước, tám thức ấy đều có tác dụng tập khởi, nên đều được gọi là Tâm. Chúng ta gọi chúng là Tám Tâm Vương, tâm thật nhiều! Chẳng phải chỉ có một tâm. Phàm phu có rất nhiều tâm, có tám tâm. Phật, Bồ Tát chỉ có một tâm, chỉ có chân tâm; phàm phu chúng ta có tám tâm, nên tâm rất nhiều! Tám tâm ấy đều có ý nghĩa “tập khởi”, cũng đều có ý nghĩa “trù lượng”. Do đó, tám thứ ấy cũng gọi là Ý. Tám thứ ấy đều có công năng phân biệt, nên cũng gọi là tám thức. Tám thứ ấy, quý vị có thể gọi chúng là tám tâm, mà cũng có thể gọi là tám ý, mà cũng có thể gọi là tám thức. Vì sao? Các ý nghĩa ấy đều có!
Nếu chúng ta lại thâm nhập phân tích, tuy mỗi thức đều có ba loại công năng ấy, nhưng mỗi thức có thiên trọng, có sức mạnh hay yếu. Có sức tập khởi mạnh mẽ nhất là thức thứ tám, là A Lại Da Thức. Do đó, nếu chúng ta tách ra để nói, tâm ý thức, thức thứ tám là A Lại Da Thức [được gọi] là Tâm. Nó có công năng tập khởi lớn nhất, bảy thức kia chẳng thể sánh bằng. Thức thứ bảy là Mạt Na Thức, Mạt Na Thức có công năng trù tính, so lường đặc biệt thù thắng, bảy thức khác đều chẳng sánh bằng, chúng ta thường nói là “chấp trước”. Mạt Na Thức chấp trước nhất, chấp trước kiên cố nhất. Những thức khác cũng có, nhưng rất mỏng, chẳng kiên cố như Mạt Na Thức. Vì thế, Mạt Na Thức là Ý. Trong sáu thức trước, năng lực phân biệt mạnh nhất là thức thứ sáu, tức ý thức, nên thức thứ sáu là Thức. Trong Tướng Tông, nếu tách “tâm ý thức” ra để nói thì Tâm là thức thứ tám A Lại Da, ý là thức thứ bảy Mạt Na, thức là thức thứ sáu, tức ý thức. Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi giảng tới chỗ này!
[1] Thái Cực (太極) là từ ngữ để chỉ trạng thái nguyên thủy tối sơ của vũ trụ, còn được hiểu là thời kỳ sau lúc Âm Dương hỗn độn chưa phân (thường gọi là Vô Cực: 無極), nhưng trước khi vũ trụ hình thành. Lưỡng Nghi là Âm và Dương, nhằm biểu thị sự đối lập trong vũ trụ, như ngày là Dương, đêm là Âm, trời là Dương, đất là Âm v.v… Tứ Tượng chính là Thái Âm, Thái Dương, Thiếu Âm, Thiếu Dương. Bát Quái là Càn, Khôn, Chấn, Cấn, Ly, Khảm, Đoài, Tốn. Mỗi Quái (thường gọi nôm na là Quẻ) gồm có ba vạch nối liền hay đứt ở giữa, mỗi vạch ấy gọi là một Hào (爻). Có thể hiểu thô thiển là Bát Quái tượng trưng cho mối quan hệ sinh thành giữa Âm và Dương mà tạo thành tám loại hình thể và cấu trúc tổng quát của vạn vật trong vũ trụ. Từ đó, họ mở rộng ra và gán mọi vật trong vũ trụ đều thuộc về một trong Bát Quái. Chẳng hạn quẻ Càn tượng trưng cho trời, có tánh chất mạnh mẽ, biểu thị người cha trong gia đình, là biểu trưng của loài ngựa, là cái đầu trong thân thể, là não trong các nội tạng, thuộc về phương Nam, là Kim trong Ngũ Hành, là Thuần Dương. Quẻ Chấn là sấm, có tánh chất chấn động, là trưởng nam trong gia đình, là rồng trong loài vật, là chân trong thân thể, là tim trong nội tạng, thuộc phương Đông Bắc, là Mộc trong Ngũ Hành v.v… Để dễ nhớ hình tượng của Bát Quái, trong sách Châu Dịch Bổn Nghĩa, Châu Hy đã viết: “Càn tam liên, Khôn lục đoạn, Chấn ngưỡng vu, Cấn phúc oản, Ly trung hư, Khảm trung mãn, Đoài thượng khuyết, Tốn hạ đoạn” (Càn ba liền, Khôn sáu đứt, Chấn chén ngửa, Cấn bát úp, Ly giữa rỗng, Khảm giữa đầy, Đoài trên khuyết, Tốn dưới đứt), có nghĩa là: Quẻ Càn gồm ba vạch nối liền, Khôn là ba vạch đều đứt (nên tạo thành sáu vạch nhỏ), Chấn thì hai vạch trên cùng đứt, vạch dưới nối liền, trông như cái chén lật ngửa, Cấn thì vạch trên nối liền, hai vạch dưới đứt, giống như cái bát úp xuống. Quẻ Ly vạch chính giữa đứt, hai vạch trên và dưới liền. Quẻ Khảm thì vạch chính giữa liền, vạch trên và dưới đứt. Quẻ Đoài thì vạch trên đứt, hai vạch dưới liền. Quẻ Tốn thì hai vạch trên đều liền, vạch dưới cùng đứt đoạn. Tam Tài là Thiên, Địa, Nhân.
[2] Chúng tôi dịch câu này theo cách diễn giải trong sách Châu Tử Ngữ Loại: “Tinh Khí vi vật, thị hợp Tinh dữ Khí nhi thành vật. Tinh phách nhi Khí hồn dã. Biến tắc thị hồn phách tương ly. Tuy độc thuyết Du Hồn, nhi bất ngôn phách, nhi ly phách chi ý tự khả kiến hỹ… Lâm An Khanh vấn ‘Tinh Khí vi vật, du hồn vi biến’, viết: Thử thị lưỡng cá hợp, nhất cá ly. Tinh Khí hợp, tắc hồn phách ngưng kết nhi vi Vật. Ly tắc Dương dĩ tán nhi Âm vô sở quy, cố vi Biến. Tinh, Âm dã. Khí, Dương dã. Nhân giả kiến chi vị chi nhân, trí giả kiến chi vị chi trí. Nhân, Dương dã. Trí, Âm dã” (Tạm dịch: “Tinh Khí vi vật” là hợp Tinh và Khí thành vật. Tinh là phách, Khí là hồn. Biến là hồn và phách tách rời. Tuy chỉ nói đến Du Hồn, chẳng nói đến phách, nhưng ý nghĩa “lìa phách” có thể tự thấy được… Lâm An Khanh hỏi về chuyện “tinh khí vi vật, du hồn vi biến”, bèn nói: “Đó là hai thứ hợp lại, một thứ tách lìa. Tinh và Khí hợp lại, hồn phách bèn ngưng kết thành vật. Hễ lìa thì Dương đã phiêu tán, Âm không có chỗ nào để trở về, nên là Biến. [Trong câu] “Tinh Khí vi vật”, Tinh là Âm, Khí là Dương. Người nhân thấy là nhân, người trí thấy là trí, Nhân là Dương, Trí là Âm).
[3] Số Luận (Sāṃkhya) là một trong sáu học phái được coi là chính thống của Ấn Độ Giáo, đồng thời là một trường phái triết học xa xưa của Ấn Độ. Học phái này được coi là do Kapila lập ra. Trường phái này nhấn mạnh quan niệm nhị nguyên. Họ cho rằng vũ trụ bao gồm hai thực thể Bốc Lô Sa (Puruṣa, tinh thần tối cao, thần ngã) và Nguyên Chất (Prakriti, vật chất nguyên thủy). Từ đó phát sanh hai mươi lăm Tát Đỏa (Tattvas, chân lý).
[4] Sáu thô tướng là:
1) Trí Tướng: Chẳng thể hiểu rõ cảnh giới được hiện bởi thức chính là huyễn ảnh của tự thức, lầm lạc phát sanh “trí huệ” phân biệt các pháp. Đây là Pháp Chấp bẩm sinh.
2) Tương Tục Tướng: Do trí tướng phân biệt, đối với cảnh yêu thích, sanh cảm giác vui sướng. Đối với cảnh không yêu thích, sanh cảm giác khổ sở, dẫn khởi đủ thứ mê vọng tiếp nối chẳng ngừng.
3) Chấp Thủ Tướng: Chẳng hiểu rõ những cảnh khổ, lạc v.v… là hư vọng, chẳng thật, thường duyên niệm những cảnh giới ấy, nắm níu khổ, vui, sanh tâm chấp trước.
4) Kế Danh Tự Tướng: Do những nỗi điên đảo trên đây, bèn gán ghép tên gọi cho những cảnh giới mà chính mình đã chấp trước, so đo, phân biệt.
5) Khởi Nghiệp Tướng: Chấp trước tên gọi, so đo rồi dấy động các nghiệp thiện ác nơi thân, khẩu, ý.
6) Nghiệp Hệ Khổ Tướng: Do nghiệp thiện ác mà cảm lấy khổ quả sanh tử, chẳng được tự tại.