#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 82
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm ba mươi ba:
(Sớ) Tam, duy ảnh vô bổn, tức Chung Giáo. Dĩ ly chúng sanh tâm, cánh vô hữu Phật, duy đại bi đại trí vi tăng thượng duyên, linh bỉ căn thục chúng sanh, tâm trung hiện Phật thuyết pháp. Thị cố Phật giáo toàn thị chúng sanh tâm trung ảnh tượng.
(疏) 三、 唯影無本 ,即終教 。以離眾生心 ,更無有
佛,唯大悲大智為增上緣,令彼根熟眾生,心中現佛說法,是故佛教全是眾生心中影像。
(Sớ: Ba là chỉ có Ảnh không có Bổn, chính là Chung Giáo. Bởi lẽ, lìa tâm chúng sanh, sẽ trọn chẳng có Phật. Chỉ có đại bi đại trí làm tăng thượng duyên, khiến cho trong tâm những chúng sanh căn cơ chín muồi hiện ra đức Phật thuyết pháp. Vì thế, Phật giáo hoàn toàn là bóng dáng trong tâm của chúng sanh).
Đây là câu thứ ba trong bốn câu nói về Bổn và Ảnh. Hai đoạn trước là “duy Bổn vô Ảnh” (chỉ có Bổn, không có Ảnh) và “diệc Bổn diệc Ảnh” (vừa có Bổn vừa có Ảnh), [giáo nghĩa] trong đó có mức độ khá sâu. Trong phần trước đã giảng về Tiểu Thừa Giáo và Đại Thừa Thỉ Giáo, tức là mới bắt đầu bước vào Đại Thừa. Đoạn này lại cao hơn đoạn trước một tầng nữa, nói đến Đại Thừa Chung Giáo. Nói “Chung” (終) có nghĩa đây là sự giáo học cao nhất trong pháp Đại Thừa, càng ngày càng chân thật, chỉ có Ảnh không có Bổn. Vì sao nói “chỉ có Ảnh, không có Bổn”? Tiếp đó là lời giải thích: “Ly chúng sanh tâm, cánh vô hữu Phật” (lìa tâm chúng sanh, sẽ trọn chẳng có Phật). Do đây, có thể biết: Phật do đâu mà có? Phật từ tâm chúng sanh biến hiện ra. Trong Tịnh Độ thường nói: “Duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà”. Lìa khỏi tự tánh, đâu có A Di Đà Phật! Phật Di Đà do đâu mà có? Do tự tánh biến hiện ra. Bổn là gì? Bổn là tự tánh. Tây Phương quả thật có thế giới Cực Lạc, quả thật có A Di Đà Phật. Thế giới và Phật đều là vật do chân tánh của chính mình biến hiện. Đây chính là “duy thức” như các nhà Duy Thức thường nói; trong vạn pháp chỉ có thức, thức có thể biến, vạn pháp là cái được biến (sở biến).
“Duy đại bi đại trí vi tăng thượng duyên” (chỉ có đại bi đại trí làm tăng thượng duyên): “Tăng thượng” có nghĩa là giúp đỡ. Đại bi và đại trí đều là những thứ vốn có sẵn trong tự tánh của chúng ta. Vì thế, đức Phật thuyết pháp cho chúng ta, chúng sanh thuyết pháp cho chúng ta. Trong kinh Đại Thừa cũng thường nói: “Chúng sanh có cảm, Phật bèn có ứng”, cảm ứng đạo giao. Chúng ta có cảm, Phật bèn có ứng, Phật có hữu tâm ứng hay chăng? Không! Nếu Phật hữu tâm ứng, thì là “có Bổn” rồi; đấy chính là giáo nghĩa thuộc phần trước. “Có Bổn mà cũng có Ảnh” là nói đến sự dạy học khởi đầu trong Đại Thừa Thỉ Giáo. Nói sâu hơn một tầng thì không có [Bổn]. Phật chắc chắn chẳng có tâm, Phật chẳng khởi tâm, chẳng động niệm. Thường có một tỷ dụ: Giống như chúng ta gõ khánh, quý vị vừa gõ liền vang ra tiếng. Gõ là cảm, tiếng vang là ứng. Vì thế, “đại khấu tắc đại minh, tiểu khấu tắc tiểu minh” (gõ mạnh kêu to, gõ nhẹ kêu bé). Khi chúng ta gõ khánh, cái khánh ấy có động niệm: “Hắn gõ mình, mình có nên ngân lên hay không?” Chẳng thể nào, nó không có tâm, không có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Chư Phật, Bồ Tát ứng với [sự cảm của] chúng sanh giống như thế, tự nhiên mà ứng. Do đây có thể biết: Chúng ta và chư Phật, Bồ Tát cảm ứng đạo giao hoàn toàn do tự mình chủ động; đây là nói lời chân thật với quý vị!
Hiện thời, yêu ma, quỷ quái trong thế gian rất nhiều, đúng là “pháp nhược, ma cường” (pháp yếu, ma mạnh). Quý vị thấy rất nhiều kẻ bị ma dựa, không chỉ ở trong nước mà ở ngoại quốc cũng như thế, tình hình này hết sức phổ biến. Người ngoại quốc cũng bị ma dựa, vì sao ma xuất hiện? Do đạo lý như thế này: Tâm chúng sanh chỉ nghĩ đến ma, cho nên niệm ma, ma bèn tới, cũng là cảm ứng đạo giao! Quý vị nghĩ đến Phật, Phật bèn tới; nghĩ tới Bồ Tát, Bồ Tát bèn đến; nghĩ tới ma, ma bèn tới. Chuyện là như vậy đó! Sao lại nghĩ đến ma? Hiện thời, người ta thích chuyện kỳ quái, nhất là ham chuộng thần thông. Ai có thể biến hóa thần thông? Ma! Ma có thể biến hiện thần thông. Hễ quý vị nghĩ đến thần thông, ma bèn tới. Vì thế, kẻ ham kỳ chuộng lạ đông đảo, kẻ ưa thích quái dị đông đúc, người thật sự am hiểu chánh pháp chẳng nhiều. Vì thế, quý vị thấy các đạo tràng trên toàn thế giới, đạo tràng nào giảng kinh theo quy củ, thính chúng chẳng đông; nếu đặc biệt giở trò màu mè thì người ta xúm đen xúm đỏ! Đều là ham thích kỳ quái, bị ma dựa!
Thưa quý vị, niệm Phật cũng chẳng ra ngoài lệ ấy. Nếu quý vị niệm Phật chẳng hiểu phương pháp, chẳng thông lý luận, niệm Phật cũng có thể bị ma dựa! Chẳng qua, nếu so sánh, niệm Phật ít bị ma dựa, nhưng quý vị dụng công chẳng đúng pháp có thể bị ma dựa! Vì thế, phải thông đạt lý luận, phải hiểu rõ phương pháp và cảnh giới thì trong quá trình tu hành chúng ta mới giảm bớt những thứ ma sự, điều này rất khẩn yếu. Ở đây, tôi đặc biệt phải nói rõ với các đồng tu niệm Phật, điều quý nhất là như cổ đức đã nói: “Thật thà niệm Phật”. Khi chúng ta niệm Phật, tâm rất thanh tịnh, kiền thành, điều gì cũng chẳng cầu. Nếu quý vị cầu thấy Phật, mong thấy tướng lành, đấy chính là ý niệm dẫn đến ma dựa. Thậm chí “ta cầu nhất tâm bất loạn” cũng là một ý niệm dẫn đến ma dựa. Nhất tâm bất loạn có phải cầu hay không? Phải! Nhất định có nguyện ấy, nhưng chớ nên có cái tâm ấy, [nghĩa là đừng băn khoăn]: Ta niệm Phật niệm suốt ngày, cớ sao vẫn chưa đắc nhất tâm bất loạn? [Nghĩ như vậy thì] trong sự niệm Phật của ta đã hỗn tạp, xen tạp rồi, xen tạp [ý niệm mong cầu] nhất tâm bất loạn, làm sao đạt nhất tâm cho được? Chẳng thể nào!
Vì thế, niệm Phật quý ở chỗ thật thà niệm, chẳng xen tạp, chẳng
gián đoạn. Chẳng gián đoạn thì phải rất tự nhiên mới gọi là “chẳng gián đoạn”; chẳng phải là miễn cưỡng. Hễ miễn cưỡng, quý vị sẽ chẳng đạt được, phải rất tự nhiên! Tức là trong khi làm việc, dốc toàn bộ tinh thần vào công việc, ta làm tốt công việc. Sau khi buông công tác xuống, Phật hiệu liền khởi lên, như thế là “chẳng gián đoạn”. Nếu không, quý vị chẳng niệm Phật tốt đẹp, mà công việc cũng chẳng làm tốt, hai đằng đều hỏng bét. Vì thế, nếu quý vị biết dụng tâm, chuyện gì cũng đều viên mãn, chuyện gì cũng được thực hiện tốt đẹp. Quý vị nhất định phải hiểu rõ đạo lý này. Dù có nói đả Phật Thất, chúng ta khéo dụng công niệm Phật suốt ngày, phải hiểu điều đó chẳng phải là ngẫu nhiên, không phải ai cũng đều có thể làm được. Vì thế, kinh dạy: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên” (Chẳng thể do một ít thiện căn, phước đức, nhân duyên), đó là phước báo! Có thể khéo niệm Phật suốt một ngày thì cũng là do sẵn có phước báo được niệm Phật trong suốt ngày hôm đó. Không có phước báo ấy, chẳng thể miễn cưỡng; pháp thế gian lẫn xuất thế gian đều chẳng thể miễn cưỡng!
Đoạn văn này đã bảo rõ với chúng ta: Không có chúng sanh, thử hỏi Phật thuyết pháp như thế nào? Phật thuyết pháp cho ai? Phật thuyết pháp cho chúng sanh. Vì thế, tách khỏi chúng sanh, Phật chẳng có pháp nào để thuyết, mà cũng chẳng thành Phật. Vì sao gọi Ngài là Phật? Là vì có chúng sanh. So với chúng sanh mà thấy rõ có một vị Phật, tức là một đằng mê, một đằng ngộ. Không có mê, làm sao thấy rõ ngộ? Vì thế, đây là kiến lập tương đối. Có Phật bèn có chúng sanh, có chúng sanh bèn có Phật. Không có chúng sanh, chẳng có Phật; mà không có Phật, cũng chẳng có chúng sanh. Vì thế, chúng sanh là tăng thượng duyên của Phật. Nếu không có Phật thuyết pháp cho chúng sanh, chúng sanh cũng chẳng thể tự mình biến ra Phật pháp để chính mình tu học. Phật làm tăng thượng duyên cho chúng sanh, chúng sanh cũng làm tăng thượng duyên cho Phật, làm tăng thượng duyên lẫn nhau, nên mới nói: “Phật giáo toàn thị chúng sanh tâm trung ảnh tượng” (Phật giáo hoàn toàn là bóng dáng trong tâm chúng sanh).
(Sớ) Tứ, phi Bổn phi Ảnh, tức Đốn Giáo.
(疏) 四、非本非影,即頓教。
(Sớ: Bốn, “chẳng phải Bổn, chẳng phải Ảnh” là Đốn Giáo).
Đây là giáo nghĩa của Đốn Giáo.
(Sớ) Phi duy tâm ngoại vô Phật, chúng sanh tâm trung ảnh tượng diệc Không, dĩ tánh bổn tuyệt ngôn, tức bất giáo chi giáo. Sở vị “tôn giả vô thuyết, ngã nãi vô văn”, thuyết thính giai vô, duy thức nhi dĩ. Thị dĩ thức vi giáo thể dã.
(疏) 非唯心外無佛 , 眾生心中影像亦空 , 以性本絕
言,即不教之教,所謂尊者無說,我乃無聞,說聽皆無,唯識而已,是以識為教體也。
(Sớ: Không chỉ là ngoài tâm không có Phật, mà bóng dáng trong tâm chúng sanh cũng là Không, vì tánh vốn dứt bặt ngôn ngữ, tức là không dạy mà dạy như [trong kinh Bát Nhã, Đế Thích đã thưa cùng tôn giả Tu Bồ Đề]: “Tôn giả chẳng nói, tôi bèn chẳng nghe”. Nói và nghe đều không, chỉ có Thức mà thôi! Do vậy, lấy Thức làm giáo thể).
Đây là ý nghĩa rốt ráo nhất được nói trong Duy Thức. Nói theo Đốn Giáo, chẳng những “ngoài tâm không có Phật” mà tất cả những “ảnh tượng” (bóng dáng) trong tâm chúng sanh cũng chẳng phải là chân thật. Đây chính là như kinh Bát Nhã đã nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, đạo lý này rất sâu. Câu nói “phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng” này không chỉ áp dụng vào y báo và chánh báo trang nghiêm, sâm la vạn tượng trong thế gian này, mà các cõi nước thanh tịnh của chư Phật cũng chẳng phải là ngoại lệ; nhưng quý vị nhất định phải nhớ: Tuyệt đối chẳng phải là phủ định tất cả hoàn cảnh hiện thực đang hiện hữu, chẳng có ý nghĩa ấy! Về Tướng thì có, về Thể thì không! Gọi là “ảnh tượng” vì giống như chúng ta coi phim ảnh, chẳng thể nói trên màn bạc không có hình tượng, nhưng những hình tượng ấy là Không, chẳng thể được. Chúng ta hiểu rõ tình hình này. Vì thế, “ảnh tượng” (hình ảnh, bóng dáng của các pháp in trong tâm thức của chúng sanh) cũng là Không. Núi, sông, đại địa, sâm la vạn tượng đều là những “ảnh tượng” do tự tánh của chúng ta biến hiện, giống như những hình ảnh xuất hiện trên màn bạc trong điện ảnh. Chúng có hay là không? Có! Có thể đạt được hay không? Chẳng thể đạt được! Không chỉ vật chất, hình tướng trong thế gian quý vị chẳng đạt được, quả thật chẳng thể đạt được, thật đấy, chẳng giả tí nào, quả thật chẳng thể đạt được, mà tất cả những cảm thọ trong tâm quý vị cũng chẳng thể đạt được, cũng là giả. Thật sự hiểu thấu triệt thì quý vị mới biết tất cả các pháp trong thế gian này đều thật sự là Không, vạn pháp đều là Không.
Nay chúng ta nói chúng ta có tiền của, quý vị có được tiền bạc ở
chỗ nào? Có phải là quý vị đem tiền bạc nhét vào thân hay chăng? Nhét chẳng được, nói chung là ở ngoài thân, nó là vật ngoài thân. Lại nói đến thân thì thân cũng chẳng đạt được! Các tế bào trong thân thể của chúng ta sanh diệt trong từng sát-na, tế bào cũ chết đi, tế bào mới sanh ra, cái mới thay cho cái cũ. Mỗi chu kỳ bảy năm, các tế bào cũ trên thân thể hoàn toàn chẳng còn nữa, hoàn toàn đổi thành tế bào mới, chẳng thể tìm được tế bào thân thể nào thuộc bảy năm trước, hoàn toàn chẳng còn nữa! Nói như thế thì thân cũng chẳng đạt được, huống gì vật ngoài thân? Đó là nói cảnh giới vật chất là Không, chẳng thật sự tồn tại. Nói “mê” tức là coi thân thể của chính mình là thật, những vật ngoài thân cũng coi là thật, lo được, lo mất, cho nên khổ sở! Thật ra, nỗi khổ ấy chẳng đáng, vì chẳng có được hay mất! Nếu thật sự có được hay mất, nỗi khổ ấy mới có giá trị. Sự cảm thọ trong tâm càng hư vọng, cảm thọ trong tâm là gì vậy? Khởi vọng tưởng. Nghĩ đến quá khứ, nghĩ đến vị lai, nghĩ đến người nhà, quyến thuộc, toàn là vọng tưởng, cũng chẳng chân thật!
“Dĩ tánh bổn tuyệt ngôn, tức bất giáo chi giáo” (Do tánh vốn dứt bặt nói năng, tức là chẳng dạy mà dạy). Phật xuất hiện vì thuận theo tâm chúng sanh. Kinh Lăng Nghiêm nói “tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng” (thuận theo tâm chúng sanh, ứng với khả năng nhận biết của họ). Trong bổn tánh cái gì cũng chẳng có, nó là không tịch. Tuy là không tịch, nhưng có thể hiện tướng; do vậy, nó lại có ý nghĩa “bất không”. Chúng ta nói đến Như Lai Tạng: Không Như Lai Tạng, Bất Không Như Lai Tạng; Bất Không là Có. Không Như Lai Tạng là nói về Chân, Bất Không Như Lai Tạng là nói nó có thể hiện tướng. Tuy hiện tướng, tướng ấy chẳng thật. Giống như chúng ta nằm mộng, cái có thể hiện ra giấc mộng là tâm, mọi người đều biết: Tâm có thể tạo ra giấc mộng, tâm là Không, chẳng có tướng, nhưng khi nằm mộng, nó có thể hiện ra tướng. Khi hiện tướng, chúng ta ví von nó là Bất Không Như Lai Tạng. Tuy hiện tướng, tướng ấy chẳng thể được; nhưng trong khi nằm mộng, quý vị chẳng biết, mê rồi. Quý vị vẫn cho là thật sự có cái để đạt được, đến khi tỉnh giấc mới hoảng nhiên đại ngộ, vốn là chẳng thể được! Chúng ta sống trong thế gian này mấy chục mùa nóng lạnh, chẳng qua là nằm mộng dài hơn một chút mà thôi. Nằm ngủ trên giường, giấc mộng ngắn ngủi, còn nay [thì cuộc sống trên thế gian là] giấc mộng dài hơn một chút mà thôi, đều trọn chẳng thể được! Vì thế, đức Phật bảo chúng ta: “Muôn thứ không đem được, chỉ có nghiệp theo thân”. Tạo nghiệp mà! Hiểu rõ đạo lý này, cớ gì cứ phải tạo nghiệp?
Như vậy, tu hành là tu gì? Học Phật chẳng khó! Học Phật dễ hơn
học bất cứ thứ gì khác, chẳng khó! Quý vị nhất định phải nắm chắc cương lãnh. Học Phật là học chẳng mê, sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài, ta chẳng mê, giác chứ không mê. Giác là gì? Ta hiểu hết thảy vạn pháp đều chẳng thể được. Đó là giác. Hiểu là “chẳng thể được”, quý vị bèn tùy duyên, bèn tự tại. Vì sao? Ý niệm được – mất không còn! Quý vị hãy suy nghĩ cặn kẽ: Vô lượng vô biên phiền não đều từ được – mất mà có! Lo được, lo mất, chẳng có lúc nào không nghĩ đủ mọi phương pháp để mong đạt được. Đã đạt được rồi lại sợ mất đi, khổ lắm! Phiền não đều từ đấy mà ra. Nếu một cá nhân không có tâm được – mất, người ấy thật sự tự tại. Vì sao người ấy không có tâm được – mất? Thấy thấu suốt rồi, thấy chân tướng rõ ràng; trong hết thảy pháp, quả thật chẳng có được hay mất. Có người hỏi: “Nếu tôi hằng ngày chẳng dốc hết tánh mạng truy cầu, làm sao tôi sống được?” Quý vị chẳng cầu vẫn sống được. Truy cầu sẽ sống, mà không truy cầu vẫn sống. Quý vị không tin, chẳng cầu, thử xem có phải là vẫn sống mỗi ngày y hệt như vậy hay không? Đó là định luật nhân quả. Trong mạng quý vị đã có, “mạng trung hữu thời chung tu hữu” (lúc trong mạng đã có, rốt cuộc sẽ phải có), “mạng lý vô thời mạc cưỡng cầu” (lúc trong mạng chẳng có, đừng cưỡng cầu). Cầu chẳng được! Sách Liễu Phàm Tứ Huấn nói thật thấu triệt, rõ ràng dường ấy! Do vậy, người học Phật trước hết phải nghiêm túc đọc Liễu Phàm Tứ Huấn một lượt, sau đấy mới làm người thật sự tâm bình khí hòa, thật sự có thể tùy duyên, chứ không phan duyên; như vậy thì mới có thể đạt được đôi chút tự tại. Vì thế, tu hành là tu chẳng mê.
Tam Quy Y nhằm trao cho chúng ta ba cương lãnh lớn: “Giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ không nhiễm”, tức là tu Giác – Chánh – Tịnh, tu những điều này, đó là ba đại cương lãnh. Trong xử sự, đãi người, tiếp vật, chúng ta dụng công tu hành ở chỗ này. Phật tách rời chúng sanh, sẽ chẳng thể thành Phật. Chúng ta muốn học Phật, tách rời chúng sanh, sẽ học chẳng thành, đến đâu để học? Phật do ứng với chúng sanh mà có, chúng ta tu hành cũng nên vì chúng sanh mà tu. Không có chúng sanh, chúng ta đến đâu để tu? Không có chỗ nào để tu cả! Hữu tình chúng sanh chia làm hai loại lớn: Thiện nhân và ác nhân. Hết thảy cảnh giới cũng chia thành hai loại lớn: Thuận cảnh và nghịch cảnh, tức là hoàn cảnh tốt và hoàn cảnh xấu. Tu điều gì trong hai loại này? Tu cái tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi của chính mình, đó gọi là Bồ Đề tâm. Vì thế, Bồ Đề tâm cũng chẳng thể tách rời chúng sanh, chẳng thể tách rời xã hội! Tách rời chúng sanh và xã hội, Bồ Đề tâm sanh từ chỗ nào? Chẳng sanh ra được! Vì thế, hàng Tiểu Thừa không có Bồ Đề tâm. Quý vị thấy hết thảy các kinh đều nói người Tiểu Thừa không có Bồ Đề tâm, vì sao? Vì hàng Tiểu Thừa thoát ly nhân quần, xã hội, họ tìm một nơi không có dấu chân người để yên vui cho riêng mình. Do vậy, họ thiếu Bồ Đề tâm. Chỉ có Đại Thừa Bồ Tát mới có Bồ Đề tâm. Chúng ta tu điều gì? Quý vị phải biết: Tu điều này! Đây là nói về các pháp môn theo đường lối thông thường; chỉ cần là Phật pháp, bất luận pháp môn nào đều phải tu thanh tịnh, bình đẳng, từ bi trong hoàn cảnh nhân sự (quan hệ giữa con người với nhau). Người niệm Phật còn có một điều đặc biệt nữa, đấy là Tín – Nguyện – Hạnh. Ta tu Tín – Nguyện – Hạnh cũng chẳng thể tách rời nhân quần, chẳng thể tách khỏi xã hội. Càng tuyệt diệu hơn là người ấy dùng một câu A Di Đà Phật để tu Giác – Chánh – Tịnh, để tu Bồ Đề tâm, để tu Tín – Nguyện – Hạnh, mầu nhiệm chẳng thể diễn nói được! Quý vị chỉ cần nắm được cương lãnh, sẽ biết cách tu ra sao. Như vậy thì mới có thể thật sự thành công.
“Bất giáo chi giáo” là cách dạy học ở mức độ cao nhất. Những người như Văn Thù Bồ Tát lễ thỉnh cư sĩ Duy Ma thăng tòa thuyết pháp. Cư sĩ Duy Ma thăng tòa, thăng tòa xong, bèn như thế nào? Một câu cũng chẳng nói! Văn Thù Bồ Tát liền gõ kiền chùy, bảo mọi người: “Đúng là pháp môn Bất Nhị”. Thỉnh cư sĩ Duy Ma giảng pháp môn Bất Nhị là như thế nào? Cư sĩ Duy Ma thăng tòa chẳng nói câu nào, đó là pháp môn Bất Nhị chân chánh. Có thể nói sẽ là hai, mở miệng bèn thành hai, ba! Pháp môn Bất Nhị chẳng nói một câu nào! Văn Thù Bồ Tát lập tức hiểu rõ, đó là “bất giáo chi giáo”, là cách giáo học ở mức độ cao nhất. Nhưng cách giáo học ở mức cao nhất đòi hỏi căn tánh của học sinh là tối cao mới hòng thụ dụng, phải như Văn Thù Bồ Tát mới nghe hiểu. Nếu cư sĩ Duy Ma nói với chúng ta như vậy, chúng ta bỏ chạy: “Chúng tôi thỉnh ông thuyết pháp; ông thăng tòa chẳng nói câu nào, ai trong chúng tôi dám đến nghe ông [giảng nữa]!” Đủ thấy: Nếu cư sĩ Duy Ma gặp chúng ta, Ngài nhất định giảng nói cặn kẽ, chi tiết. Nếu không, chúng ta đều bỏ chạy. Gặp Văn Thù Bồ Tát là người như thế đó, Ngài có thể chẳng cần nói câu nào. Do vậy, thuyết pháp phải phù hợp căn cơ, phải đúng với căn cơ. Trong kinh Kim Cang, chúng ta cũng thấy chuyện như vậy: Kinh Kim Cang vừa mở đầu, Thích Ca Mâu Ni Phật đến khất thực tại đại thành Xá Vệ, trở về, ăn cơm xong, rửa chân, trải tòa ngồi, cũng chẳng nói một câu nào. Tôn giả Tu Bồ Đề (Subhūti) lãnh hội, Ngài vừa thấy động tác của Thích Ca Mâu Ni Phật liền khai ngộ. Do vậy, tán thán: “Hy hữu Thế Tôn!” Đấy cũng là gì vậy? “Bất giáo chi giáo”. Vì thế, kinh dạy: “Pháp tánh bổn không tịch, vô thủ, diệc vô kiến, tánh Không tức thị Phật, bất khả đắc tư lượng” (Pháp tánh vốn không tịch, không lấy, cũng chẳng thấy. Tánh Không chính là Phật, chẳng thể nghĩ lường được). Chẳng thể nghĩ lường, chẳng thể nghĩ bàn!
“Sở vị tôn giả vô thuyết, ngã nãi vô văn” (Đó là nói: “Tôn giả chẳng nói, tôi bèn chẳng nghe”). Đây là một câu chuyện về tôn giả Tu Bồ Đề. Tôn giả Tu Bồ Đề có một hôm ngồi tịnh tọa trên tảng đá; khi ấy, nhằm lúc Đế Thích thiên vương (người Trung Quốc gọi vị này là Ngọc Hoàng Đại Đế) đi qua, thấy tôn giả bèn hết sức hoan hỷ, rất cung kính rải hoa cúng dường. Khi rải hoa, cúng dường, tôn giả Tu Bồ Đề trông thấy bèn hỏi: “Người rải hoa là ai?” Đế Thích đáp: “Tôi là Đế Thích thiên vương (Đao Lợi thiên chúa)”. Tôn giả Tu Bồ Đề bèn hỏi ông ta: “Tôi ngồi ở nơi đây, vì sao phải rải hoa cúng dường?” Đế Thích thiên vương thưa: “Tôn giả khéo nói Bát Nhã”. Tu Bồ Đề nói: “Ta ngồi đây nửa ngày, một câu cũng chưa nói”. Trời Đế Thích đáp: “Tôn giả không nói, con bèn không nghe”. Đó là thật sự nói Bát Nhã. Đây cũng là “bất giáo chi giáo”. Do điều này biết Đế Thích thiên vương cũng chẳng phải là kẻ tầm thường, ông ta có thể thấu hiểu nghĩa thú của pháp môn Bất Nhị, đó là Phật pháp cao nhất trong Phật pháp mà Đao Lợi thiên chúa cảm nhận được. Vì thế, ông ta tán thán tôn giả thật sự nói Bát Nhã.
Những điều này đều là “thuyết thính giai vô, duy Thức nhi dĩ” (nói và nghe đều không, chỉ là Thức mà thôi). Chẳng nói, chẳng nghe là thật sự nói, thật sự nghe. “Thị dĩ Thức vi giáo thể” (do vậy, dùng Thức làm giáo thể), nói đến Phật pháp tối cao, hoàn toàn là do quý vị thể hội, hiểu tâm rồi giác ngộ, thuần túy do Duy Thức khởi tác dụng.
(Sớ) Kim thử kinh giả.
(疏) 今此經者。
(Sớ: Nay kinh này).
“Kinh này” là A Di Đà Kinh.
(Sớ) Thả ước Chung Đốn nhị giáo.
(疏) 且約終頓二教。
(Sớ: Lại thuộc vào Chung Giáo và Đốn Giáo).
Phần trên đã nói tới Tứ Giáo, kinh này thuộc về giáo nào? Thuộc vào hai loại sau. Nói cách khác, thuộc vào mức độ cao, chẳng phải là tầm thường, mà thuộc vào Chung Giáo, tức Đại Thừa Chung Giáo, và thuộc vào Đại Thừa Đốn Giáo. Ở đây, Liên Trì đại sư nói giáo này là Đốn Giáo; trong bộ Thông Tán Sớ, Khuy Cơ đại sư cũng nói giáo này là Đốn Giáo. Đủ thấy giáo nghĩa Chung Đốn [trong kinh này] đã được các vị đại đức từ xưa đến nay công nhận. Nếu thật sự đúng lý, đúng pháp tu học pháp môn này, sẽ có thể thành công trong bảy ngày; nhưng quý vị phải nhớ: “Đúng lý, đúng pháp”, tôi nói rất rõ ràng, rất minh bạch lời này! Nếu quý vị không hiểu rõ, cứ liều mạng thực hiện, niệm suốt bảy ngày, cũng có thể là niệm Phật bảy ngày xong, niệm suốt bảy ngày bảy đêm, chẳng thể vãng sanh, mà ở luôn trong bệnh viện thần kinh. Phiền phức lớn lắm, tẩu hỏa nhập ma rồi! Vì sao biến thành nông nỗi ấy? Kẻ ấy chẳng đúng pháp, nóng vội quá mức!
Người ta niệm Phật là tâm bình khí hòa mà niệm, chẳng có hết thảy dục niệm mà niệm, niệm như thế thì mới hòng thành công. Quý vị có dục vọng, có ý niệm, quý vị niệm như thế, rất dễ bị ma dựa! Do quý vị có hy vọng trong ấy, ma bèn ban cho quý vị một niềm hy vọng. Nói cách khác, quý vị đã đưa chuôi cho người ta nắm, “tôi hy vọng gì cũng không có”, ma đối với quý vị chẳng có cách nào cả! Ví dụ như: “Ngươi muốn có tiền”. [Ma bèn tự nhủ]: “Ta có rất nhiều tiền bèn dụ dỗ, mê hoặc hắn, hắn sẽ mắc lừa. Ngươi muốn có danh, ta ban cho ngươi danh nghĩa rồi sẽ khống chế ngươi”. Quý vị chẳng có mong mỏi gì, hắn sẽ chẳng có một tí biện pháp nào để thao túng quý vị, chẳng biết làm sao! Do vậy, người niệm Phật tâm phải thanh tịnh, thật sự niệm Phật chẳng cầu vãng sanh, chẳng cầu nhất tâm bất loạn, chẳng cầu công phu thành phiến, thứ gì cũng chẳng cầu, ta cứ một câu A Di Đà Phật niệm đến tột cùng. Niệm mấy ngày, tự nhiên đắc nhất tâm, tự nhiên thấy Phật vãng sanh. Đó là tự nhiên, nước chảy mãi thành suối. Quý vị phải hiểu đạo lý này!
Vì thế, người niệm Phật điều gì cũng đừng nên cầu, hễ cầu bèn có vọng niệm. Nếu còn có cái tâm mong cầu hiếu thắng, càng dễ bị ma dựa. Đó là đã kết duyên với ma. Cái tâm hiếu thắng [mong tưởng] bữa nay ta thành công, ta phải hơn người khác, không được rồi! Tây Phương Cực Lạc thế giới đâu có kẻ hiếu thắng, vàn muôn phần chớ có cái tâm ấy. Vì thế, trong khi đả Phật Thất mà có lòng hiếu thắng, quý vị lạy một ngàn lạy, tôi lạy một ngàn hai trăm lạy, tôi giỏi hơn quý vị, quý vị không bằng tôi, tâm hạnh ấy là tâm hạnh gì? Quý vị mỗi ngày niệm Phật một vạn tiếng, tôi niệm hai vạn tiếng, ganh đua! Phải giành vị trí thứ nhất, ý niệm ấy sai bét! Vì thế, ý niệm ấy chỉ chuốc lấy ma dựa, chẳng thể đạt kết quả tốt. Do vậy, niệm Phật nhất định phải tâm bình khí hòa, chuyện gì cũng đều chẳng cầu!
Niệm một câu Phật hiệu đương nhiên là vì nhất tâm bất loạn, là vì vãng sanh Tịnh Độ. Vì thế, chẳng cần phải khởi tâm động niệm, chỉ cần niệm tốt đẹp một câu Phật hiệu, như thường nói: Không gián đoạn, chẳng xen tạp, không hoài nghi. Bảy ngày niệm chưa thành công, thì lại thêm bảy ngày nữa. Thời gian dài lâu chẳng sao hết! Đó là gì? Nghiệp chướng nặng nề. Chúng ta thấy nhiều người, đại đa số là niệm ba năm thành công, chúng ta nghĩ mình cũng nghiệp chướng sâu nặng, chắc là cũng phải ba năm. Chẳng đòi hỏi ba ngày hay bảy ngày thành tựu. Điều đó rất nguy hiểm, đâu phải là trò đùa!
(Sớ) Tắc chúng sanh tâm nhạo xuất ly, tự ư tâm trung, kiến Phật vị thuyết Cực Lạc y chánh, tín nguyện vãng sanh.
(疏)則眾生心樂出離,自於心中見佛為說極樂依正,信願往生。
(Sớ: Tức là chúng sanh trong tâm ưa thích xuất ly, trong tự tâm thấy Phật vì mình mà nói y báo và chánh báo cõi Cực Lạc, tín nguyện vãng sanh).
Đây là nói về bộ kinh này. “Chúng sanh tâm nhạo”, “nhạo” (樂) là ưa thích. Trong tâm ưa thích xuất ly biển khổ sanh tử, đương nhiên là đối với người đã giác ngộ, chứ vẫn có rất nhiều người mê trong thế gian này, vẫn chẳng mong tách khỏi, chẳng mong thoát lìa, đó là mê. Người giác ngộ muốn ly khai thế gian này, nhất là trong thế gian hiện thời, đúng là thiên hạ đại loạn. Chẳng kiếm được một chỗ nào yên ổn trong thế giới này. Thiên hạ đại loạn, chẳng đáng để lưu luyến. Người thật sự giác ngộ, ai chẳng mong xuất ly? Quý vị chỉ cần khởi lên cái tâm ấy, động ý niệm ấy, Phật sẽ có cảm ứng. Do vậy, nói “tự ư tâm trung kiến Phật” (tự thấy Phật trong tâm) thuyết pháp, giảng về y báo và chánh báo trang nghiêm của thế giới Cực Lạc, tín nguyện vãng sanh. Phật giảng cho chúng ta. Bởi thế, Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện trong thế gian này là vì thuở ấy, những chúng sanh có tâm cầu xuất ly rất khẩn thiết, cảm động Phật xuất hiện, ứng hóa trong thế gian này, chính là vì chúng sanh có cảm, Phật bèn ứng.
Lại thưa với quý vị, người Trung Quốc thấy thấu suốt thế gian này đông đảo, người cầu xuất ly đông đảo. Vì thế, có rất nhiều vị Phật và Bồ Tát ứng hóa tại Trung Quốc, từ lịch sử chúng ta có thể thấy được điều này. Phật pháp tại Tây Tạng tuy rất hưng thịnh, vẫn chẳng bằng Trung Quốc, vì sao? Người Tây Tạng không mong xuất ly, họ muốn chuyển thế. Tâm lượng người Trung Quốc rất lớn, mười phương chư Phật, Bồ Tát đều ứng hóa hoằng pháp lợi sanh, chẳng cần chuyển thế. Nói thật ra, sức ô nhiễm của ngũ dục, lục trần trong thế gian này rất to, cho nên có khi chuyển thế đời sau chẳng bằng đời trước! Do thật sự mong xuất ly, nên tại Trung Quốc, pháp môn Tịnh Độ thịnh hành nhất. Kể từ đời Đông Tấn, Huệ Viễn đại sư kiến lập liên xã đầu tiên, phong khí niệm Phật tại Trung Quốc vô cùng phổ biến, chiếu theo pháp môn này để xuất ly sanh tử, xuất ly luân hồi, chẳng biết có bao nhiêu người! Thiền rất khó xuất ly. Lão pháp sư Đàm Hư nói: “Thiền thật sự có thành tựu là đắc Thiền Định; trong tương lai người ấy cũng chẳng qua là sanh lên trời Tứ Thiền mà thôi, tùy thuộc công phu của người ấy sâu hay cạn, [mà sanh vào] Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, hay Tứ Thiền, vẫn là ở trong tam giới, chẳng thể vượt thoát! Thật sự vượt thoát, chỉ có con đường niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ!”
(Sớ) Nhi thật vô thuyết, vô thính, cố Thức vi giáo thể.
(疏) 而實無說無聽,故識為教體。
(Sớ: Nhưng thật ra không có kẻ nói, chẳng có người nghe, nên Thức là giáo thể).
Đoạn này cũng là nói “duy Ảnh vô Bổn”, nói “thật vô thuyết vô thính”, câu này là ảnh “phi Ảnh, phi Bổn”, đủ thấy giáo nghĩa quả thật chẳng tách rời hai câu này. Văn nghĩa của kinh này là “duy thức sở biến”; vì thế, trong lời kết luận mới nói “Thức vi giáo thể” (Thức là giáo thể), toàn là duy thức sở biến (chỉ do thức biến). Chỉ do thức của ai biến? Chỉ do thức của chính quý vị biến. Vì thế, đoạn này có ý nghĩa hết sức trọng yếu, quý vị có duyên, đó là quý vị có đại phước báo. Vì chỉ do thức của chính mình biến, lẽ nào bản thân ta chẳng có phần nơi Tây Phương Tịnh Độ? Nếu quý vị nói chỉ do thức của A Di Đà Phật biến ra, chúng ta chẳng có phần, tín tâm vẫn thật sự khó sanh khởi. Nay bảo rõ ràng cùng quý vị: Tây Phương Tịnh Độ A Di Đà Phật chỉ do thức của chính mình biến. Do điều này có thể biết: Tây Phương Cực Lạc thế giới và chính mình có mối quan hệ mật thiết như thế nào. Nói cách khác, Tây Phương Cực Lạc thế giới vốn là nhà của chính mình, đúng là quê hương của chính mình. Nay ta quay về nhà, còn có khó khăn gì nữa ư? Còn có chướng ngại gì nữa ư? Không có! A Di Đà Phật là người thân thiết nhất của mình, do chính mình biến hiện, chỉ do thức biến, lẽ nào ta chẳng thấy Ngài? Quả thật đã tăng trưởng tín tâm cho chúng ta, chúng ta cũng hiểu rõ đạo lý và căn cứ lý luận của bộ kinh này. Đây là nói đến kinh thể (bản thể của bộ kinh), duy thức là giáo thể.
Tam, quy Tánh.
三、歸性
(Ba, gom về tánh).
Đoạn thứ ba giảng về “quy Tánh”; phần trên là những điều được nói theo Tướng Tông, đoạn này luận theo Tánh Tông.
(Huyền Nghĩa) Quy Tánh giả, tiền dĩ sở biến chi vạn cảnh, nhiếp quy năng biến chi bát thức.
(玄義) 歸性者,前以所變之萬境,攝歸能變之八識。
(Huyền Nghĩa: Quy Tánh là trong phần trước, đã đem muôn cảnh được biến gom về tám thức là chủ thể có khả năng biến hóa).
Mấy câu này nhằm giải thích đoạn trên.
(Huyền Nghĩa) Kim dĩ sở hiện chi bát thức, phục nhiếp quy năng hiện chi nhất tâm, tắc Tánh vi giáo thể.
(玄義) 今以所現之八識 , 復攝歸能現之一心 , 則性
為教體。
(Huyền Nghĩa: Trong phần này, lại nhiếp tám thức đã được hiện ấy về nhất tâm là cái có thể hiện thì Tánh là giáo thể).
Ý nghĩa này lại càng sâu hơn phần trước, hết sức chân thật so với ý nghĩa trong phần trước, càng nói càng thân mật hơn! Thức do Tánh biến ra, Tánh là Thể, Thức là Dụng. Nay nói đến bản thể của cái Thức có thể biến (Năng Biến Thức), tức là nói đến Quy Tánh (trở về Tánh). Tánh là Chân Như bổn tánh. Đối với Chân Như bổn tánh, kinh luận thường nói: Một niệm vô minh khiến tự tánh bị mê. Tự tánh đã bị mê thì tác dụng do nó khởi lên sẽ được gọi là “tám thức”. Vì thế, tám thức và tự tánh là một, không hai. Khi mê thì gọi là tám thức, khi ngộ thì gọi là tự tánh, thay đổi danh xưng mà thôi! Trên thực tế là cùng một chuyện, chẳng phải là hai chuyện, mà là mê hay ngộ khác nhau. “Thức vi giáo thể” (Thức là giáo thể), đây là nói trên vị trí mê. “Tánh vi giáo thể” (Tánh là giáo thể), đây là nói trên vị trí ngộ, nói theo giác ngộ. Vì thế, giác ngộ đương nhiên chân thật hơn mê. Hiện thời, giống như chúng ta truy tìm đầu mối, tìm đến tận căn cội, từ tám thức truy ngược lại từng bước, mới phát hiện nó vốn là Chân Như bổn tánh, đó gọi là “phản vọng quy chân” (bỏ vọng, quay về chân).
Tám thức là cái tâm sanh diệt. Kinh thường nói: Bất sanh bất diệt và sanh diệt hòa hợp, chẳng một, chẳng khác. Đó gọi là A Lại Da Thức. Trong quá khứ, tôi giảng kinh Lăng Nghiêm đã tốn rất nhiều thời gian để nói rõ chân tướng sự thật này: Bất sanh bất diệt là Tánh, là chân tánh. Quý vị giác ngộ thì bất sanh bất diệt, nếu mê thì có sanh diệt. Đang ở trong mê nên mới sanh ra tướng sanh diệt. Quý vị giác ngộ rồi sẽ là bất sanh bất diệt. Bất sanh bất diệt là thật, sanh diệt là giả, sanh diệt là huyễn tướng, chẳng chân thật. Chân thật là bất sanh bất diệt. A Lại Da Thức là chân vọng hòa hợp; nói cách khác, nó nửa chân, nửa vọng, trọn chẳng phải là cái tâm một nửa mê, một nửa ngộ, chẳng phải vậy. Tuy nó đang mê, nhưng trong ấy có chân tánh chẳng mê, mang ý nghĩa này. Vì sao quý vị có thể khai ngộ? Vì trong A Lại Da Thức thật sự có chân tánh chẳng mê. Quý vị tương ứng với tánh sẽ chẳng mê, tương ứng với thức bèn mê, đạo lý là như vậy đó! Nay chúng ta nói là lý trí và cảm tình. Quý vị tương ứng với Lý Trí bèn chẳng mê, tương ứng với cảm tình bèn mê, chuyện là như vậy đó! Lý trí là bất sanh bất diệt, cảm tình là sanh diệt, A Lại Da Thức có tình hình như thế đấy.
Do vậy, A Lại Da Thức có hai ý nghĩa giác và bất giác. Trong Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát nói rất cặn kẽ. Nay chúng tôi cần phải nói tới ý nghĩa bất giác trong hai nghĩa giác và bất giác ấy. Do vì bất giác, bất giác gọi là vô minh “vô minh bất giác sanh tam tế, cảnh giới làm duyên tăng trưởng lục thô”, biến thành tám thức. Từ tám thức lại phát triển thành thế giới hiện tại của chúng ta, Phật pháp nói như vậy. Cách nói này của Phật pháp rất gần gũi kinh Dịch của Trung Quốc. Kinh Dịch giảng về căn nguyên của vũ trụ và nhân sinh, dùng Bát Quái để giảng: “Thái Cực sanh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ Tượng sanh Bát Quái, Bát Quái sanh vạn vật”. “Sanh” chính là biến, tức biến hiện ra. Kinh Dịch là học thuật cổ xưa của Trung Quốc, khi ấy Phật pháp chưa truyền đến Trung Hoa, tổ tiên người Hoa đã hiểu được quá trình phát triển của vũ vụ và nhân sinh. Phật pháp giảng “vô minh bất giác sanh tam tế, cảnh giới làm duyên tăng trưởng lục thô”. Vũ trụ và nhân sinh phát triển như thế, cũng nói đến Biến, biến hiện ra, nó có tầng lớp, có trình tự, rạch ròi, chẳng rối rắm. Vì thế, các tinh cầu trong vũ trụ vận hành đều có quy củ, chẳng rối loạn vì chúng được biến hiện có trình tự. Trong thế gian, có những kẻ chẳng hiểu đạo lý này, cho rằng vũ trụ có trật tự như thế, nhất định phải có thần làm chủ tể; thật ra, không phải vậy! Nó phát triển có trật tự, có trình tự, chẳng loạn. Kinh Dịch nói rất gần với những điều đã giảng trong Phật pháp.
Tiếp theo đây là một điều quan trọng, nói đến chủ đề trong khoa này là “phục nhiếp quy năng hiện chi nhất tâm” (lại gom về nhất tâm có thể hiện). Nhất tâm là chân tâm, bổn tánh của chúng ta. Pháp môn Niệm Phật này trực tiếp khôi phục chân tâm, bổn tánh của chúng ta, Thiền gia thường nói: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Do đây có thể biết: Quý vị niệm Phật đến nhất tâm sẽ thành Phật, đấy là Phật thật, chẳng giả. Trong nhất tâm có Sự nhất tâm và Lý nhất tâm. Niệm đến thành Phật là Lý nhất tâm, tông Thiên Thai gọi đó là Phần Chứng Tức Phật, vị Phật ấy là thật, chẳng giả, hoàn toàn có cùng một cảnh giới với “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật” của nhà Thiền. Do Lý nhất tâm bất loạn là kiến tánh, phá một phẩm vô minh, thấy một phần bổn tánh, đó là Phật thật sự. Nếu là Sự nhất tâm thì tông Thiên Thai gọi là Tương Tự Tức Phật, chẳng thật, mà thuộc địa vị tương tự, chẳng phải là địa vị chân thật. Tông Thiên Thai gọi công phu thành phiến là Quán Hạnh Tức Phật. Do vậy, dùng phương pháp này niệm đến nhất tâm bất loạn sẽ thành Phật, chẳng cần phải dùng phương pháp khác, đơn giản và dễ dàng hơn bất cứ pháp nào mà cũng ổn thỏa, thích đáng hơn bất cứ pháp môn nào! Vì thế, người thật sự niệm Phật dạy người khác chẳng cần phải đi đường vòng, mà dạy người ta niệm một câu A Di Đà Phật là được rồi, đem chỗ hay đẹp của niệm Phật dạy cho người ta, có thể giảng bao nhiêu bèn giảng bấy nhiêu. Nói chung, khuyên người khác niệm Phật. Trong tất cả các pháp môn của Phật pháp, đây là pháp rốt ráo nhất, pháp chân thật, là phương pháp quyết định có thể trông cậy trong một đời, nhất định thành tựu. Chúng ta phải đem pháp môn này giới thiệu với người khác, đừng đi đường vòng, đừng lãng phí thời gian. Nếu người ấy tin tưởng, hướng dẫn người ấy niệm Phật là tốt rồi.
Trong kinh luận, đức Phật thường dạy chúng ta: Tâm có thể nhiếp hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian; kinh Hoa Nghiêm nói rất hay: “Ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” (nên quán tánh pháp giới, hết thảy do tâm tạo). Tâm ấy chính là nhất tâm đang nói đến ở đây, vì thế, nói: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Cái có thể hiện vạn pháp và y báo, chánh báo trang nghiêm trong vũ trụ chính là chân tâm, bổn tánh của chúng ta. Cảnh giới được hiện, tức y báo và chánh báo trang nghiêm, biến thành mười pháp giới, đó là do Thức biến. Nếu chỉ có Tánh mà không có Thức, quý vị sẽ chẳng mê. Nói cách khác, không có mười pháp giới! Mười pháp giới do Thức biến. Ta chỉ có Tánh, Tánh có thể hiện, hiện ra pháp giới, pháp giới ấy là pháp giới nào vậy? Kinh Hoa Nghiêm gọi nó là Nhất Chân pháp giới. Cái tâm có thể hiện là thật, pháp giới được hiện cũng là thật, Nhất Chân pháp giới, chẳng có mười pháp giới. Vì vậy, đức Phật nói: “Duy hữu Nhất Thừa pháp, vô nhị, diệc vô tam” (Chỉ có pháp Nhất Thừa, không hai, cũng chẳng ba). Hai hay ba là do đức Phật nói phương tiện, còn ở đây là nói thật! Làm thế nào để chứng đắc Nhất Chân pháp giới? Nhất tâm! Nhất tâm có thể nhập, Nhất Chân là sở nhập. Năng và Sở bất nhị, Tánh Tướng hệt như một, đây chính là Phật pháp giới thật sự. Vì thế, Thể của chân tâm là “vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần” như Lục Tổ đại sư đã nói, hai câu này hình dung chân tâm.
Kinh luận nói trong nhất tâm cũng có hai môn là Chân Như và sanh diệt. Hai môn này là nói theo Thể và Dụng. Bản thể của nhất tâm bất sanh bất diệt, đó là Chân Như môn. Thể có thể hiện tướng, tướng được hiện bởi nó sẽ có sanh diệt. Tướng sanh diệt trong từng sát-na, đó là Thật Tướng, là chân tướng. Nói sát-na thì vẫn chưa khít khao với sự thật cho lắm! Trong kinh, đức Phật đã dạy: Một khảy ngón tay có sáu mươi sát-na, tức là một phần sáu mươi của khảy ngón tay là một sát-na. Trong một sát-na, có chín trăm lần sanh diệt. Vì thế, tướng là huyễn tướng. Có là Diệu Hữu, Không là Chân Không. “Nhất tâm” là nói tới bổn tánh, là Chân Không; nó có thể hiện tướng, nên gọi là Diệu Hữu. Thời gian hiện những tướng ấy hết sức ngắn ngủi, tạm bợ, tướng mà chúng ta thấy chính là một tướng “tương tục” (tiếp nối, liên tục). Tướng trước diệt mất, tướng sau lại sanh, nhưng tướng trước và tướng sau rất giống nhau, quý vị chẳng thể nhận ra chúng là hai tướng!
Giống như chúng ta xem phim, ống kính của máy chiếu phim đóng mở. Đó là sanh diệt, đóng lại bèn diệt, mở ra là sanh. Đấy là sanh diệt. Trong một giây, đóng mở hai mươi bốn lần, nói cách khác là hai mươi bốn lần sanh diệt. Chúng ta thấy [hình ảnh trên] màn bạc dường như là thật. Hiện thời, trong thực tế, tướng trước mắt chúng ta nếu dùng tỷ dụ trong nhà Phật để nói thì một khảy ngón tay, trong một giây có thể khảy ngón tay bốn lần, bốn nhân với sáu mươi [sát-na] rồi nhân với chín trăm [lần sanh diệt] thì trong một giây có hai mươi mốt vạn sáu ngàn lần sanh diệt. Một giây sanh diệt hai mươi bốn lần mà chúng ta đã bị gạt, ngỡ phim ảnh là thật, nay một giây có đến hai mươi mốt vạn sáu ngàn lần [sanh diệt], làm sao chúng ta nhận biết được? Không nhận ra.
Vì thế, chúng ta thấy hết thảy vạn tướng, nhưng thật sự chẳng thấy chân tướng. Nếu quý vị thấy chân tướng, vọng niệm gì cũng chẳng còn. Chân tướng vốn là như thế! Đấy là như Tâm Kinh đã dạy: “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc chính là Không, Không chính là Sắc”. Vọng niệm gì cũng chẳng có, vì sao? Quý vị thấy chân tướng của vũ trụ và nhân sinh, kinh Kim Cang gọi chân tướng ấy là “Thật Tướng của các pháp”. Vì thế, kinh Kim Cang giải thích hai chữ Như Lai rất hay, tuyệt diệu: “Như Lai giả, chư pháp như nghĩa” (Như Lai là nghĩa Như của các pháp). Nghĩa Như của các pháp phải giảng như thế nào? Tâm Kinh nói “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc; Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”. Bốn câu này là lời chú giải hay nhất của “nghĩa Như của các pháp”, chú giải hết sức viên mãn!
Quý vị thật sự hiểu cảnh giới này thì gọi là đại triệt đại ngộ, đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều có thể buông xuống, tâm địa thật sự thanh tịnh. Vì sao? Triệt để hiểu rõ hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian chẳng có một pháp nào để được. Không có một pháp nào để được, quý vị còn có điều gì trong thế gian này để cầu nữa? Không có! Chẳng cầu! Quý vị cũng chẳng có dục vọng thì thứ gì cũng đều chẳng có! Đấy là vị Phật rốt ráo viên mãn, là đại triệt đại ngộ thật sự. Đây là nói tới cái tâm Năng Hiện, “tắc Tánh vi giáo thể” (thì Tánh là giáo thể), càng chân thật viên mãn hơn phần trước.
(Sớ) Nhất tâm giả, tức Chân Như tự thể dã.
(疏) 一心者,即真如自體也。
(Sớ: Nhất tâm là tự thể của Chân Như).
Câu này nói hết sức minh bạch, hết sức rõ ràng!
(Sớ) Tùng thử Chân Như, lưu xuất giáo pháp, cố hội Tướng quy Tánh.
(疏) 從此真如,流出教法,故會相歸性。
(Sớ: Giáo pháp lưu xuất từ Chân Như này, nên gom Tướng về Tánh).
Câu này có nghĩa là từ Chân Như sanh khởi Căn Bản Trí, cái gọi
là Căn Bản Trí chính là Vô Phân Biệt Trí. Quý vị phải hiểu, đây là bản năng (năng lực sẵn có) của Chân Như bổn tánh, Căn Bản Trí ở nơi đâu? Ngay trong hiện tại. Chúng ta mắt có thể thấy, tai có thể nghe, mũi có thể ngửi, lưỡi có thể nếm, đó là bổn tánh, là Căn Bản Trí. Đấy là lúc với ý niệm thứ nhất, chúng ta thấy, mở banh mắt thấy rất rõ ràng, trong ý niệm thứ nhất, chúng ta thấy cảnh giới bên ngoài, còn chưa khởi tâm động niệm, chẳng có phân biệt, chấp trước, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, thấy rất rõ ràng, đó là Căn Bản Trí. Nhưng tới niệm thứ hai lại mê, niệm thứ hai khởi lên phân biệt, Căn Bản Trí chẳng còn nữa. Niệm thứ hai có phân biệt, chấp trước; vì thế, niệm thứ hai biến thành Thức. Niệm thứ nhất là Tánh, là thấy Sắc bằng tánh Thấy, nghe tiếng bằng tánh Nghe. Niệm thứ hai rớt vào tám thức, tánh Thấy biến thành Nhãn Thức, tánh Nghe biến thành Nhĩ Thức, lại phân biệt mất rồi! Đây là thêm thức thứ sáu vào, rồi bèn chấp trước, thức thứ bảy cũng được thêm vào! Thế là phiền phức rồi, hỏng bét rồi!
Phật, Bồ Tát và chúng ta có gì khác nhau? Thưa quý vị, chỗ khác nhau là chỗ này! Các Ngài có thể vĩnh viễn giữ được niệm thứ nhất, chẳng rớt vào niệm thứ hai, cao minh ở chỗ này, cho nên, các Ngài minh tâm kiến tánh. Nói cách khác, Phật, Bồ Tát thấy sắc, nghe tiếng chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng ghi lại ấn tượng, bản lãnh của các Ngài ở chỗ này. Chúng ta học theo, làm được thì gọi là Phật, Bồ Tát, chẳng gọi là phàm phu. Chúng sanh mê hoặc, điên đảo, Phật, Bồ Tát giúp chúng ta phá mê khai ngộ, nói các thứ pháp, đó gọi là “từ Căn Bản Trí lưu xuất Hậu Đắc Trí”. Không có Căn Bản Trí, làm sao có Hậu Đắc Trí? Chúng ta tuy có Căn Bản Trí, nhưng ý niệm thứ hai liền mê, biến thành gì? Từ Căn Bản Trí khởi tác dụng, biến thành Thế Trí Biện Thông, biến thành thứ này! Chư Phật, Bồ Tát có thể khiến cho Căn Bản Trí khởi tác dụng, biến thành Hậu Đắc Trí, từ Hậu Đắc Trí lưu lộ tâm đại bi, từ tâm đại bi lưu lộ hết thảy ngôn giáo, tất cả hết thảy kinh điển. Nay chúng ta truy tìm đến tận nguồn cội, cho nên nói nó từ Chân Như lưu xuất; đó chính là câu nói ở đây: “Tùng Chân Như lưu xuất giáo pháp” (từ Chân Như lưu xuất giáo pháp). Các pháp do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm là do từ đâu mà nói ra? Từ trong Căn Bản Trí lưu xuất Hậu Đắc Trí, từ tâm đại từ bi lưu xuất. Vì thế, kinh điển nhà Phật khác với sách vở và học thuyết thế gian. Những sách vở và học thuyết thế gian đều từ phân biệt, tưởng tượng lưu xuất, chẳng lưu lộ từ chân tánh.
Chính vì điều này, chúng ta đọc kinh Phật phải dùng gì? Phải
dùng cái tâm vô phân biệt để đọc thì mới tương ứng, mới có thể khai trí huệ, mới có thể lãnh hội ý nghĩa trong kinh Phật. Nếu chúng ta dùng sự phân biệt, chấp trước thì nói cách khác, ta đã dùng cách nghĩ, cách nhìn, cách đọc sách vở thế gian để đọc kinh Phật. Thưa quý vị, chắc chắn chẳng thể đọc thông suốt được. Vì sao? Quý vị đã biến Phật pháp thành pháp thế gian, đã biến Căn Bản Trí của Phật thành Thế Trí Biện Thông của thế gian, cũng có nghĩa là Phật pháp đã bị tám thức của quý vị biến đổi tánh chất. Biến như thế nào? Biến đổi trong tâm của chính quý vị, chứ không phải là biến đổi ở bên ngoài, [mà là trong] tự tâm, đấy chính là nói “vạn pháp duy thức”, chẳng sai một tí nào! Thức tâm của quý vị đã biến pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật thành pháp thế gian, biến thành thông minh, tài trí thế gian, làm sao quý vị thụ dụng nơi Phật pháp cho được? Đấy chính là nguyên nhân khiến cho quý vị chẳng đạt được. Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi giảng đến chỗ này.