Tập 70/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 70

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm lẻ hai:

          (Sớ) Ngũ Giáo giả, nhất, Tiểu Thừa Giáo, sở thuyết duy thị Nhân Không, túng thiểu thuyết Pháp Không, diệc bất minh hiển, dĩ y Lục Thức, Tam Độc, kiến lập nhiễm tịnh căn bản, vị tận pháp nguyên cố.

          () 五教者 ,一、小乘教 ,所說唯是人空 縱少說

法空,亦不明顯,以依六識三毒,建立染淨根本,未盡法源故。

          (Sớ: Ngũ Giáo: Một là Tiểu Thừa Giáo, chỉ nói về Nhân Không. Dẫu có nói đôi chút về Pháp Không, nhưng cũng chưa rõ ràng, bởi pháp này dựa trên Lục Thức và Tam Độc để xây dựng [kiến giải về] căn bản nhiễm và tịnh, chưa trọn hết nguồn pháp).

          Vượt thoát lục đạo sanh tử luân hồi, [Tiểu Giáo] lấy điều này làm chánh yếu. Muốn vượt thoát sanh tử luân hồi, đoạn Kiến Tư phiền não, chứng Nhân Không thì [tu tập Tiểu Giáo] sẽ có thể [thực hiện được], có thể đạt được mục đích này. A La Hán và Bích Chi Phật trong Tiểu Thừa đều thuộc vào cảnh giới này. Cao hơn một tầng là Đại Thừa Thỉ Giáo, Thỉ (始) là bắt đầu, từ Tiểu Thừa vừa mới bước vào Đại Thừa. Căn tánh của chúng sanh khác nhau; vì thế, sự tu học trong Phật pháp có thứ tự, mà cũng có khi chẳng tuân theo thứ tự. Giống như trong giới giáo dục hiện thời [tình trạng] cũng là như vậy: Tuân theo thứ tự là như Tiểu Học, Trung Học, Đại Học, nghiên cứu sinh, học theo trình tự như vậy, theo thứ tự học cao dần lên; nhưng cũng có bậc thiên tài, chẳng cần phải theo thứ tự ấy, thậm chí còn chưa tốt nghiệp Tiểu Học mà có thể học Đại Học, chẳng cần phải học Trung Học, đương nhiên rất ít người như vậy.

          Trong Phật pháp, quả thật căn tánh của chúng sanh khác nhau, tuy từ Đại Thừa nhập đạo, vừa bắt đầu liền học Đại Thừa, ít nhiều gì thì cũng cần có một chút cơ sở Tiểu Thừa? Nếu hoàn toàn không có cơ sở Tiểu Thừa, [học ngay vào Đại Thừa mà thành tựu], thì thật sự phải là bậc thiên tài hoặc bậc tái lai, kẻ tầm thường sẽ chẳng thể làm được! Giống như Lục Tổ đại sư của Thiền Tông, đúng là thiên tài! Trước thời Lục Tổ, chúng ta chẳng thấy có ai có căn tánh như Lục Tổ, mà sau Lục Tổ mãi cho đến hiện tại đã hơn một ngàn ba trăm năm, cũng chẳng thấy một ai. Vì thế, chúng ta chẳng thể học theo căn tánh ấy. Trong Ngũ Giáo, Lục Tổ thuộc vào Đốn Giáo, Viên Giáo, Ngài nhập đạo từ ngay nơi ấy, chúng ta chẳng thể làm được!

          Chúng ta tu học tuy là vừa vào cửa Phật bèn học pháp Đại Thừa, nhưng Đại Thừa của chúng ta hiện thời vẫn chưa phải là Thỉ Giáo, chúng ta từ Chung Giáo, Đốn Giáo và Viên Giáo của Đại Thừa mà nhập môn. Do vậy, có nhiều đồng tu học Phật đổ hết tinh thần, siêng năng tu tập suốt đời, chẳng những chưa thể nhập môn, mà ngay cả tin tức cũng không có. Đó là sự thật. Học đến già, quý vị hỏi họ: “Trong Phật pháp, ông có tâm đắc gì hay chăng?” Người ấy không nói được! Dẫu học Thiền, vẫn chưa đắc Thiền Định; học Giáo, chưa đại khai viên giải. Niệm Phật chẳng đắc nhất tâm bất loạn. Dụng công cả đời, chẳng có thành tựu gì! Chúng ta thấy rất nhiều người gặp phải tình cảnh ấy, đấy là vì họ không hiểu giáo nghĩa, chẳng biết căn tánh của chính mình. Nếu chính mình chẳng phải là bậc thượng căn lợi trí, chúng ta cứ cầu học theo thứ tự, sẽ nhất định có thành tựu.

          Phật pháp khác với pháp thế gian.  Tu học pháp thế gian dùng một

thời gian rất dài để tiến dần theo trình tự, cầu tiến bộ dần dần. Trong Phật pháp, tất cả các căn cơ được chia thành hai loại lớn: Một là hạng thiện căn sâu dầy, hai là kẻ phước đức sâu dầy. Đương nhiên hễ có thiện căn, nhất định có phước đức. Thiện căn sâu dầy, phước đức kém một chút, tình hình này rất nhiều. Có người phước đức sâu dầy, nhưng thiện căn kém một chút. Hai loại người này đều có thể theo pháp Đại Thừa. Thiện căn là gì? Thiện căn là nói đến tín giải. Người ấy nghe xong liền tin tưởng, Tín là thiện căn. Vừa nghe liền lý giải, đó gọi là “nhất văn thiên ngộ” (nghe một, ngộ cả ngàn), “cử nhất phản tam, văn nhất tri thập” (nêu lên một góc, suy ra ba góc kia, nghe một biết mười). Đấy là thiện căn sâu dầy. Phước đức kém một chút là người ấy coi nhẹ mặt Hành, thật sự nói đến đoạn phiền não thì người ấy chưa đủ công phu. Tín giải thì có, nhưng mặt Hành còn kém mấy phần!

          Người phước đức nhiều, thiện căn ít, có thể tin, nhưng giải thì kém, sẽ không có năng lực ấy. Giảng cho họ cách nào, họ cũng chẳng thể thấu hiểu, cũng chẳng hiểu rõ ràng, nhưng người ấy có phước báo, phước báo là gì? Chịu hành. Chẳng hạn như quý vị bảo người ấy tham Thiền, người ấy hằng ngày tịnh tọa; bảo người ấy niệm Phật, người ấy một câu A Di Đà Phật suốt ngày từ sáng đến tối chẳng rời miệng, người ấy có thể hành, phước báo to lớn. Hai loại người này đều có thành tựu. Vì thế, kinh Di Đà bảo: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc” (Chẳng thể do chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh vào cõi ấy); đủ thấy chỉ cần có thiện căn, có phước đức, nhất định có thể thành tựu. Nếu hai loại này (thiện căn và phước đức) đều nhiều, quá tốt đẹp! Đấy là bậc thượng căn lợi trí. Trong hai loại này, ai có loại này nhiều, loại kia ít, sẽ đều nhất định có thành tựu, chẳng thể nào không thành tựu. Sợ nhất là cả hai loại đều chẳng có, đối với Phật pháp nửa tin nửa ngờ, lại chẳng thể lý giải, đương nhiên càng chẳng chịu thực hành, loại người này chẳng thể thành tựu được!

                   (Sớ) Nhị, Đại Thừa Thỉ Giáo.

          () 二、大乘始教。

          (Sớ: Hai là Đại Thừa Thỉ Giáo).

          Thỉ Giáo là bắt đầu của Đại Thừa, trước là thông với Tiểu Thừa, [tức là trong giáo nghĩa của Thỉ Giáo] bao hàm những giáo nghĩa của Tiểu Thừa, sau là thông với Đại Thừa. Vì thế, theo cách phán giáo của tông Thiên Thai, Thỉ Giáo được gọi là Thông Giáo, thông với giáo trước và giáo sau. Trong cách phán giáo của tông Hiền Thủ, giáo này được gọi là Thỉ Giáo, tức Đại Thừa Thỉ Giáo.

          (Sớ) Diêu đệ nhị thời, đản minh ư Không. Đệ tam thời định thuyết Tam Thừa, bất hứa định tánh, Xiển Đề thành Phật, vị tận Đại Thừa chí cực chi thuyết, cố danh vi Thỉ. Hữu thành Phật, hữu bất thành Phật, phục danh Phần Giáo. Sở thuyết tắc quảng đàm pháp tướng, thiểu cập pháp tánh. Kỳ sở vân Tánh, diệc thị Tướng số, dĩ y sanh diệt bát thức, kiến lập sanh tử cập Niết Bàn nhân chư nghĩa loại cố.

          () 繇第二時 ,但明於空 第三時定說三乘 ,不許

定性闡提成佛,未盡大乘至極之說,故名為始。有成佛有不成佛,復名分教。所說則廣談法相,少及法性。其所云性,亦是相數,以依生滅八識,建立生死及涅槃因諸義類故。

          (Sớ: Ấy là vì thời thứ hai chỉ giảng về Không, thời thứ ba lập ra Tam Thừa, chẳng hứa khả hàng định tánh Thanh Văn và Xiển Đề có khả năng thành Phật, chưa nói tột cùng giáo nghĩa Đại Thừa, nên gọi là Thỉ. [Do trong giáo nghĩa của Thỉ Giáo], có kẻ thành Phật, có kẻ chẳng thành Phật, nên [Thỉ Giáo] lại gọi là Phần Giáo. Giáo này nói rộng về pháp tướng, giảng đôi chút về pháp tánh. Cái được gọi là “tánh” [trong Thỉ Giáo] cũng chỉ là một danh từ pháp tướng vì nó dựa trên tám thức sanh diệt để kiến lập các nghĩa lý như nhân duyên của sanh tử và Niết Bàn).

          Giới thiệu đơn giản giáo nghĩa của Đại Thừa Thỉ Giáo. “Đệ nhị thời” nói Không, “đản minh ư Không” (chỉ giảng về Không). Nói theo Pháp Tướng Tông, khi Thích Ca Mâu Ni xuất hiện lần đầu tiên tại Lộc Dã Uyển thuyết pháp cho năm vị tỳ-kheo, Ngài nói pháp Tứ Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Nói các pháp đều dựa trên pháp tướng để nói, tướng là Có, đó là “đệ nhất thời”. Trong thời thứ hai, dựa vào Biến Kế Sở Chấp, nói hết thảy các pháp đều Không. Nói theo cách bây giờ, Biến Kế Sở Chấp là khái niệm trừu tượng, chẳng chân thật, chỉ là một khái niệm trừu tượng mà thôi, chẳng có sự thật. Vì thế, nó là giả, chẳng thật. Đây là một phần Không nghĩa trong Bát Nhã. Đó là thời thứ hai, nói các pháp đều là Không.

          Thời thứ ba, nói Biến Kế Tánh Không (tánh của Biến Kế Sở Chấp là Không). Trong Duy Thức, có ba loại tánh: Y Tha Khởi Tánh, Viên Thành Thật Tánh (tánh là tánh chất) [và Biến Kế Sở Chấp Tánh]. Y Tha Khởi: Tha (他) là bên ngoài; có nhiều điều kiện thì mới có thể hiện thành một hiện tượng, Phật môn gọi điều này là “duyên khởi”. Hết thảy các pháp đều do nhân duyên tụ hợp hiện thành hiện tượng ấy, nó có tự thể hay không? Không có! Đức Phật dạy: Con người do các thứ duyên như Tứ Đại và Ngũ Uẩn (Tứ Đại và Ngũ Uẩn là duyên) tụ tập mà hiện ra tướng. Nếu Tứ Đại và Ngũ Uẩn phân tán, tướng ấy chẳng còn nữa. Chúng ta hãy nghĩ xem: Con người có hay không? Con người không có, Tứ Đại và Ngũ Uẩn thì có. Nếu từ chỗ này, quý vị hoảng nhiên đại ngộ thì con người chúng ta sẽ không có sanh tử! Cái gọi là “sanh” chẳng qua là tướng được hiện bởi Tứ Đại và Ngũ Uẩn tụ hợp; cái gọi là “tử” chỉ là Tứ Đại phân tán mà thôi!

          Tứ Đại tụ là nó, mà tán cũng là nó, nó chẳng có sanh diệt. Các khoa học gia hiện thời nói vật chất chẳng diệt, có cùng một đạo lý như Phật pháp đã nói. Vì thế, chẳng có sanh diệt. Do điều này, “phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Tướng là [các nhân duyên] tụ hội, khi tụ bèn hiện ra tướng. Khi [các nhân duyên ấy] tán, tướng bị diệt mất. Do vậy, tướng có, tướng không, những điều này là sự thật. Nếu nói sanh và diệt, đấy chẳng phải là sự thật. Sự thật là [các nhân duyên] tụ hay tán mà thôi. Trong tụ và tán, chẳng tìm được ý nghĩa sanh diệt. Vì thế, nói “sanh tử” là giả, chẳng thật. Phật môn nói “liễu sanh tử”, liễu (了) là hiểu rõ; triệt để hiểu rõ sanh tử rốt ráo là chuyện như thế nào, hiểu rõ ràng! Thật sự hiểu rõ ràng thì đối với sanh, quý vị sẽ chẳng tham sống, mà cũng chẳng sợ chết. Biết sanh tử chẳng chân thật, chỉ do cách nhìn sai lầm, nhận biết lầm lẫn [mà chấp trước sanh tử]. Đối với chân tướng nhân sinh và vũ trụ, nẩy sanh hiểu lầm, trong sự nhận biết lầm lẫn bèn có sanh tử. Đấy là nói về Y Tha Khởi Tánh.

          Viên Thành Thật Tánh: Viên Thành Thật là thành tựu viên mãn. Nói “thành tựu viên mãn” có nghĩa là chẳng có thứ gì trước mắt chẳng chân thật, vì sao? Tánh là chân thật, cho nên những tướng ấy cũng chân thật. Cổ nhân nêu tỷ dụ: “Dùng vàng chế đồ vật, món nào cũng đều là vàng”. Đem vàng sánh với thật, đồ vật ví với giả. Ta có một khối vàng, hôm nay ta cao hứng đúc thành tượng Phật, tượng Phật bằng vàng! Ngày mai ta không thích tượng Phật nữa, đúc thành hình con mèo bé, con cún, tướng khác nhau, vàng có tồn tại hay không? Vẫn tồn tại! Hiện tướng tượng Phật thì vẫn là vàng, hiện tướng con cún, con mèo bé vẫn là vàng, chẳng biến đổi, thứ gì cũng đều chân thật. Vì thế, trong Phật môn nói minh tâm kiến tánh, “minh” (明) là trong tâm không mê, phá mê khai ngộ; ngộ (悟) là quang minh. Quý vị thấy hết thảy vạn sự vạn pháp không gì chẳng phải là Chân Như bổn tánh. Minh tâm bèn kiến tánh, tánh ở chỗ nào? Chẳng có pháp nào không phải là tánh, hoàn toàn do tự tánh biến hiện. Giống như vàng và các món đồ là một, quý vị hoảng nhiên đại ngộ, có món đồ nào chẳng phải là vàng? Quý vị thấy các món đồ bằng vàng trong tiệm kim hoàn, thứ nào cũng đều là vàng, chẳng có thứ nào không phải. Sâm la vạn tượng, vũ trụ, nhân sinh đều là vật được biến hiện bởi tự tánh, chẳng có pháp nào không phải là tự tánh. Đó gọi là “pháp nào cũng là đạo, đâu đâu cũng gặp nguồn”; cảnh giới ấy được gọi là Viên Thành Thật Tánh. Những điều này đều là nói về giáo nghĩa Đại Thừa.

          “Đệ tam thời định thuyết tam thừa” (Thời thứ ba lập ra ba thừa), ba thừa là Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa và Bồ Tát Thừa, “bất hứa định tánh Xiển Đề thành Phật” (chẳng hứa khả định tánh Thanh Văn và Xiển Đề có thể thành Phật): Giáo nghĩa này chẳng tán thành [ý kiến hàng định tánh Thanh Văn và Nhất Xiển Đề vẫn có khả năng thành Phật]. Xiển Đề (Icchantika) là tiếng Ấn Độ, dịch sang nghĩa tiếng Hán là “kẻ không có thiện căn”, hay “kẻ đoạn diệt thiện căn”, hạng người này chẳng thể thành Phật. Thật ra, người chẳng có thiện căn có phải là do tự tánh biến hiện ra hay chăng? Đương nhiên là có! Ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm, chẳng hề nói ngoài tâm còn có thể kiến lập một pháp, đấy là chuyện chẳng thể nào có được! Nhưng trong giai đoạn này, đức Phật chưa nói rốt ráo, vì sao? Căn tánh và trình độ của chúng sanh còn chưa đạt tới mức, nói ra sẽ khiến họ hoài nghi, chẳng thể tiếp nhận, chẳng thể tin tưởng. Do vậy, trong giai đoạn này, giáo nghĩa chỉ nói đến đây bèn thôi. Tới hội Pháp Hoa “khai Quyền hiển Thật”, đức Phật nói lời thật, Nhất Xiển Đề cũng có thể thành Phật! Đấy mới là rốt ráo viên mãn. Đại Thừa Thỉ Giáo chẳng nói đến vấn đề này, do vậy, [sách Sớ Sao] phê phán [Thỉ Giáo] “vị tận Đại Thừa chí cực chi thuyết” (chưa nói đến giáo nghĩa Đại Thừa tột cùng). Đó gọi là Thỉ, tức là bắt đầu của Đại Thừa. Đồng thời, trong giai đoạn này, đức Phật nói có kẻ thành Phật, có kẻ chưa thể thành Phật, do nói những điều đó nên gọi là Phần Giáo. Phần Giáo là có phân biệt, [Thỉ Giáo] được gọi là Đại Thừa Phần Giáo.

          “Sở thuyết tắc quảng đàm pháp tướng” (nói rộng về pháp tướng). Chẳng hạn như Bách Pháp Minh Môn nói tâm pháp gồm tám món, tức tám Tâm Vương (tám thức) và Tâm Sở Hữu Pháp. Nay chúng ta gọi năm mươi mốt Tâm Sở Pháp (Tâm Sở Hữu Pháp) là tác dụng tâm lý. Hai mươi bốn món Bất Tương Ứng Hành Pháp cũng thuộc vào tác dụng tâm lý, nhưng là tác dụng gián tiếp, chẳng phải là tác dụng trực tiếp. Nói theo ngôn ngữ hiện thời, những loại tác dụng gián tiếp này hoàn toàn là khái niệm trừu tượng, quyết định chẳng phải là chân thật. Tâm Sở Hữu Pháp là Y Tha Khởi, tức là nương vào Tâm Vương mà khởi. Hai mươi bốn món Bất Tương Ứng chẳng thể tìm ra chúng nương vào đâu mà khởi lên, thậm chí sở y (chỗ nương tựa) của chúng rất nhiều, nhưng chẳng thể nói quyết định là thuộc vào một loại pháp nào, chúng là những khái niệm sai lầm sanh ra từ rất nhiều pháp. Cho nên, về Sự thì có, mà về Lý thì không. Ví như thời gian, chúng ta nói mấy phút, mấy giây, dường như là có chuyện này, chúng tôi hẹn quý vị mấy giờ sẽ đến đây, nay chúng tôi giảng kinh là từ bảy giờ rưỡi đến chín giờ. Về mặt Sự thì có, nhưng trên Lý quả thật chẳng có! Quan niệm thời gian do quả đất xoay quanh chính nó một vòng mà có, chia thành hai mươi bốn giờ, một giờ chia thành sáu mươi phút, chia ra như vậy. Trên địa cầu, thời gian địa cầu tự xoay quanh nó một vòng dài ngắn khác nhau [tùy thuộc các vị trí khác nhau]. Nếu quý vị tới Nam Cực hay Bắc Cực, cứ coi địa cầu xoay quanh nó một ngày thì [ở nơi đó] sáu tháng là ban ngày, sáu tháng là ban đêm, chia ra hai mươi bốn giờ bằng cách nào? Không có cách nào chia được! Quý vị ngồi trong phi thuyền, bay lên không trung rời khỏi trái đất, quan niệm thời gian trên địa cầu không còn nữa! Do đây, có thể biết: Thời gian là một khái niệm trừu tượng, chẳng phải là sự thật.

          Không gian cũng giống như thế! Chúng ta nói bốn phương, bốn phương bàng, trên, dưới, Đông, Tây, Nam, Bắc. Nay ta biết địa cầu tròn xoe, chúng ta đi sang phương Đông, đi theo phương Đông, khi trở về [chỗ cũ] sẽ là trở về từ phương Tây! Do vậy, phương vị cũng chẳng thật. Chúng ta ở Đài Bắc, Cơ Long ở phía Bắc của chúng ta, Tân Trúc nằm ở phương Nam. Nếu chúng ta sang Nhật Bản thì Cơ Long cũng thuộc phương Nam, chẳng còn là phương Bắc của chúng ta nữa, rốt cuộc xác định phương vị như thế nào? Chẳng có! Chẳng hề có phương vị! Những điều này đều nhằm thuận tiện cho cuộc sống mà giả lập, trên thực tế chẳng có, đều là một loại khái niệm trừu tượng. Trên mặt Sự thì có, nhưng theo Lý thì không! Chúng ta phải giác ngộ. Giác ngộ rồi cũng chẳng hoại pháp thế gian, vì sao? Thuận tiện cho mọi người sử dụng, chúng ta ước chừng mấy giờ đến chỗ này, đến giờ mọi người đều đến. Tuy là những thứ giả, nhưng chúng có ích, quý vị chớ nên chấp trước. Nếu quý vị chấp trước “nhất định là có”, sẽ thành sai lầm. Trong Bách Pháp, những pháp giống như thời gian và không gian đều thuộc về Bất Tương Ứng Hành Pháp. Sắc pháp là vật chất, chia thành năm căn và sáu trần, gồm mười một loại. Trong sáu căn có Ý Căn, đó là tâm pháp, không phải sắc pháp. Do vậy, Ý Căn được xếp vào tám Tâm Vương. Do đó, sắc pháp chỉ gồm mười một loại, tâm pháp có tám loại. Những điều này đều là “quảng đàm pháp tướng” (giảng rộng về pháp tướng), chúng tôi chỉ nêu ra một thí dụ để nói.

          “Thiểu cập pháp tánh” (nói đôi chút về pháp tánh): Rất ít bàn đến pháp tánh. Dẫu nói đến pháp tánh, ý nghĩa vẫn bao hàm trong pháp tướng. Nói cách khác, từ pháp tướng mà nói kèm thêm một chút pháp tánh. Giống như Bách Pháp [là một thí dụ] vô cùng rõ rệt: Trong một trăm pháp, có chín mươi bốn pháp nói về pháp tướng, sáu pháp sau cùng đều là pháp vô vi, đều thuộc về pháp tánh. Nói đến pháp tánh chỉ chiếm sáu phần trăm, nói đến pháp tướng chiếm hết chín mươi bốn phần trăm. Rất hiển nhiên [Bách Pháp] thuộc Đại Thừa Thỉ Giáo. “Kỳ sở vân tánh, diệc thị tướng số” (Nói đến tánh thì cũng thuộc vào danh số của pháp tướng), vừa nói đến điều này! “Dĩ y sanh diệt bát thức, kiến lập sanh tử cập Niết Bàn nhân chư nghĩa loại cố” (do dựa trên tám thức sanh diệt để kiến lập các nghĩa lý giống nhân duyên của sanh tử và Niết Bàn). Nói đến sanh tử và Niết Bàn đều là dựa trên tám thức sanh diệt để nói, cách nói này chẳng viên dung. Pháp Tướng Tông nói Chân Như là ngưng lặng, bất động, chẳng giống như Viên Giáo! Viên Giáo nói Chân Như hoạt bát sống động, bất biến nhưng tùy duyên, tùy duyên nhưng bất biến. Giáo nghĩa của Thỉ Giáo nói Chân Như là thanh tịnh, bất động, chẳng tùy duyên, đó là vì dựa trên tám thức sanh diệt. Theo cách nói của tông Thiên Thai, tám thức có bốn loại: Sanh Diệt Bát Thức, Vô Sanh Bát Thức, Vô Lượng Bát Thức và Vô Tác Bát Thức; có thể thấy là đối với một danh từ, có nhiều cách nói. Tiểu Giáo có cách nói của Tiểu Giáo, Thỉ Giáo có cách nói của Thỉ Giáo. Chung Giáo, Đốn Giáo, Viên Giáo, mỗi giáo có cách nói riêng, ý nghĩa khác nhau, mức độ sai biệt sâu hay cạn rất lớn.

          Do vậy, Thỉ Giáo giảng sanh tử và Niết Bàn: Từ vô thỉ đến nay, hết thảy các pháp do có lục đạo luân hồi, do có mười pháp giới, cho nên mới có chứng đắc Niết Bàn. Giới (界) là nhân, thật ra, nếu nói chân thật thì kinh Hoa Nghiêm giảng về Niết Bàn viên mãn nhất: Niết Bàn vốn sẵn có. Niết Bàn (Nirvāna) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là “bất sanh, bất diệt”. Bất sanh bất diệt vốn sẵn có, nay chúng ta tuy là phàm phu, nhưng Niết Bàn sẵn có của chúng ta chẳng hề mất đi. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã nói rất rõ ràng: Căn tánh của sáu căn là bất sanh, bất diệt, sáu thức có sanh diệt. Giáo nghĩa [Thỉ Giáo] được kiến lập trên cơ sở này. Do kiến lập trên tám thức sanh diệt nên mới có “Có Niết Bàn để có thể chứng, có sanh tử để có thể liễu”, đó là Đại Thừa Thỉ Giáo. Lên một tầng cao hơn, sẽ chẳng có sanh tử, mà cũng chẳng có Niết Bàn. “Sanh tử Niết Bàn đẳng không hoa” (sanh tử và Niết Bàn như hoa đốm trên hư không), đấy là bình đẳng. Ở đây, nói về giáo nghĩa của Thỉ Giáo, giáo nghĩa của Chung Giáo cao hơn.

          (Sớ) Tam, Đại Thừa Chung Giáo, diêu xuất Trung Đạo Diệu Hữu, định tánh Xiển Đề giai đương tác Phật, phương tận Đại Thừa chí cực chi thuyết, cố danh vi Chung. Xứng Thật Lý cố, phục danh Thật Giáo.

          () 、大乘終教 ,繇出中道妙有 ,定性闡提 ,皆

當作佛,方盡大乘至極之說,故名為終。稱實理故,復名實教。

          (Sớ: Ba là Đại Thừa Chung Giáo, do xuất phát từ Diệu Hữu của Trung Đạo, định tánh Thanh Văn và Xiển Đề đều có thể thành Phật. Như vậy thì mới nói trọn hết giáo nghĩa tột cùng của Đại Thừa, cho nên gọi là Chung. Do xứng hợp Thật Lý, nên lại gọi là Thật Giáo).

                   Đây là giáo nghĩa tối hậu của Đại Thừa, mà cũng là cách nói tối cao. Ở đây vừa nói đến “định tánh”, chữ “định tánh” chỉ bậc A La Hán, “Xiển Đề” là kẻ chẳng có thiện căn. Những người này đều có thể thành Phật, giáo nghĩa mới viên mãn rốt ráo. Đức Phật thuyết pháp quả thật đã lao tâm khổ tứ đến tột cùng, bởi lẽ, tướng chân thật của hết thảy các pháp vốn chẳng thể nói ra được, những gì có thể nói ra đều là chẳng thật. Nếu quý vị tìm kiếm chân tánh của quý vị từ những ngôn ngữ văn tự đã được nói ra ấy, muốn truy tìm chân tướng của vũ trụ và nhân sinh, chắc chắn sẽ chẳng tìm được! Vì sao? Quý vị mê nơi văn tự, ngôn ngữ, chẳng đạt được chân tướng. Nếu muốn đạt được chân tướng thì ngôn ngữ văn tự giống như những cột mốc chỉ đường, quý vị [dựa theo chúng] để tìm phương hướng, nhưng phải lìa bỏ ngôn ngữ, văn tự! Có như vậy thì mới có thể ngộ nhập Thật Tướng. Đấy là phương pháp chánh đáng và là chỗ chân thật dụng tâm trong sự giáo học của Phật pháp.

          Nếu  cầu  tìm [chân  nghĩa] từ  ngôn  ngữ văn tự thì cao nhất là chỉ

dừng ở Đại Thừa Thỉ Giáo mà thôi! Giáo nghĩa Chung Giáo phải ngộ nhập, phải tách lìa ngôn ngữ, văn tự, nhưng cũng chẳng thể không cần đến ngôn ngữ, văn tự! Giống như chúng ta đi đường, biển chỉ đường rất quan trọng, chẳng thể không cần đến; nhưng tấm biển chỉ đường chẳng phải là nơi chốn. Chúng ta từ các huyện thị bên ngoài đến Đài Bắc, đến ranh giới Đài Bắc, thấy biển đề “thành phố Đài Bắc”, tự cho là chính mình đã đến Đài Bắc rồi, tấm biển ấy có phải là Đài Bắc hay không? Chẳng phải! Nếu [hiểu tấm biển ấy là Đài Bắc thì] đem tấm biển ấy cắm tại nơi khác, Đài Bắc ở nơi đó rồi. Đâu phải vậy, nhưng nó có thể chỉ dẫn chúng ta đến được mục đích. Ngôn ngữ, văn tự của Phật và kinh điển cũng giống như vậy, quý vị phải hiểu tánh chất của chúng. Vì thế, kinh Kim Cang dạy: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (Pháp còn nên xả, huống là phi pháp), “pháp” là Phật pháp, cũng chớ nên chấp trước Phật pháp thì mới có thể tìm được Chân Như bổn tánh.

          “Trung Đạo Diệu Hữu”: Chân Không và Diệu Hữu là một, không hai, chớ nên coi chúng là hai chuyện. Tâm Kinh văn tự tuy ít, ý nghĩa hết sức sâu sắc, giảng đạo lý này hết sức thấu triệt. Chẳng hạn như kinh nói: “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”. Sắc là nói đến pháp tướng, Không là nói đến pháp tánh. Điều này cho thấy pháp tánh và pháp tướng là cùng một chuyện, chẳng phải hai chuyện. Nếu quý vị thấy tánh thì thấy ở chỗ nào? Thấy nơi tướng; lìa khỏi tướng, tánh ở đâu ra? Ví như vàng, vàng ví như tánh, những món đồ bằng vàng ví như tướng. Ta muốn vàng, quý vị cầm lấy tượng Phật, [nhưng do chấp tướng bèn nói]: “Ta không muốn tượng Phật, ta muốn vàng!” Quý vị đổi sang một viên ngói bằng vàng, [vẫn cứ khăng khăng]: “Ta không muốn ngói, ta muốn vàng!” Cầm lấy một đống vòng vàng: “Ta không muốn vòng, ta muốn vàng!” Quý vị lấy vàng từ nơi đâu? Chắc chắn chẳng tìm được, bởi những tướng ấy vốn là vàng. Quý vị hiểu rõ chuyện này, thứ gì ta cũng đều lấy được. Tượng Phật cũng được, ngói cũng được, vòng xuyến cũng được, thứ gì cũng đều được, vì sao? Thảy đều là vàng!

          Đối với người kiến tánh, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần đều là pháp tánh, đều là tự tánh, nên gọi là minh tâm kiến tánh. Nếu ai đạt đến cảnh giới này, tâm họ sẽ tự nhiên bình đẳng trong hết thảy vạn pháp, vì sao? Toàn là tự tánh, một tánh, chẳng hai tánh. Chúng sanh và Phật bình đẳng, chính mình và chư Phật bình đẳng, bình đẳng với hết thảy chúng sanh. Tâm địa thanh tịnh, vì sao thanh tịnh? Trong hết thảy các pháp, người ấy không có lấy hay bỏ, biết chúng đều do tự tánh biến, chẳng có lấy hay bỏ, nên tâm thanh tịnh. Đối với hết thảy chúng sanh, sanh tâm đại từ đại bi, tâm đồng thể từ bi, biết hết thảy vạn pháp đều do tự tánh biến hiện, hết thảy vạn pháp do tự tánh kiến lập, lẽ nào người ấy chẳng từ bi? Do vậy, nói là “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”, hết thảy vạn pháp và chính mình có cùng một bổn tánh. Vì vậy, tâm từ bi tự nhiên lưu lộ, chẳng có bất cứ điều kiện nào, đó là kiến tánh, kiến tánh bèn thành Phật. Chúng ta gọi người đã thấy tánh là Phật, đó là nghĩa chân thật trong Phật pháp.

          “Định tánh, Xiển Đề”: [“Định tánh”] là định tánh Thanh Văn. Định tánh A La Hán cũng có thể hồi Tiểu hướng Đại, cũng có thể làm Phật, làm Tổ. Xiển Đề là kẻ không có thiện căn. Người không có thiện căn vì chưa gặp duyên; hễ gặp duyên, thiện căn cũng có thể hiển phát, cũng có thể thành Phật. Đây là giáo nghĩa tột cùng trong Đại Thừa Phật pháp. “Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh”, “hết thảy chúng sanh đều sẽ thành Phật”. Huống chi trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã nói: “Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật”, nói như vậy càng viên mãn, càng rốt ráo hơn. “Cố danh vi Chung” (nên gọi là Chung Giáo), đây là giáo nghĩa chung cực của Đại Thừa, “xứng Thật Lý cố” (vì xứng hợp với Thật Lý), giảng giải chân thật, quả thật là Lý Thể.

          (Sớ) Sở thuyết tắc đa đàm pháp tánh, thiểu cập pháp tướng.

          () 所說則多談法性,少及法相。

(Sớ: Những điều được nói [trong Chung Giáo] đa số luận về pháp tánh, và luận đôi chút về pháp tướng).

          Đây là giáo nghĩa của Đại Thừa Chung Giáo: Đối với pháp tánh nói rất nhiều, thảo luận nhiều, ít nói đến pháp tướng. Tướng là giả, tánh là thật.

          (Sớ) Kỳ sở vân tướng, diệc hội quy tánh.

          () 其所云相,亦會歸性。

          (Sớ: Nói đến tướng thì cũng quy vào tánh).

          Dù có nói đến pháp tướng, chẳng hạn như nói ba đời, Ngũ Ấm, thế gian, xuất thế gian, những thứ ấy đều là giả danh. Lại nói: “Hữu tránh thuyết sanh tử, vô tránh tức Niết Bàn, sanh tử cập Niết Bàn, nhị câu bất khả đắc” (Hễ có tranh chấp thì là sanh tử, không tranh chấp chính là Niết Bàn, sanh tử và Niết Bàn, hai thứ ấy đều chẳng thể được). Đó là giáo nghĩa trong giai đoạn này.

           (Sớ) Dĩ y Như Lai Tạng bát thức, tùy duyên thành lập chư nghĩa loại cố.

() 以依如來藏八識,隨緣成立諸義類故。

(Sớ: Do dựa trên tám thức và Như Lai Tạng, mà tùy duyên thành lập các nghĩa lý).

Như Lai Tạng (Tathāgatagarbha) là tự tánh thanh tịnh tâm, “bát thức” là bản thể của A Lại Da Thức. “Y Như Lai Tạng bát thức” là như kinh Lăng Nghiêm đã nói: Kinh Lăng Nghiêm là Đại Thừa Chung Giáo, giảng về Như Lai Tạng tánh, giảng về thức thứ tám. Bản thể của thức thứ tám là Như Lai Tạng, tác dụng của Như Lai Tạng là tám thức. Thể và Dụng là một, không hai. Nói theo phương diện tác dụng là tám thức, nói theo phía bản thể là Như Lai Tạng. Do vậy, sanh diệt và chẳng sanh diệt hòa hợp. Thể là chẳng sanh diệt, tám thức là sanh diệt. Chuyển tám thức thành bốn trí, bốn trí chẳng sanh diệt. Sanh diệt và chẳng sanh diệt là một, không hai! Trong sanh diệt có chẳng sanh diệt. Trong chẳng sanh diệt, có sanh diệt, đấy là trong Thể có tác dụng, trong tác dụng có Thể. Giống như chúng ta soi gương, bản thể của gương là chẳng sanh diệt, tướng (hình bóng) được chiếu trong gương có sanh diệt. Người Trung Quốc soi vào bèn hiện hình ảnh người Trung Quốc, người ngoại quốc soi gương bèn hiện bóng người ngoại quốc. Tướng được hiện có sanh, có diệt, nó biến hóa. Gương là Thể, chẳng sanh diệt. Sanh diệt và chẳng sanh diệt là một, không hai!

Cái thể tánh có thể biến (năng biến) ra vạn pháp trong nhân sinh và vũ trụ là Như Lai Tạng, nó là thật. Cái được biến (sở biến) là huyễn tướng, tướng ấy Giả Hữu, còn gọi là Diệu Hữu. Chẳng thể nói là nó không có, nó có! Đã có, vì sao nói là Giả Hữu? Vì cái Hữu ấy thường xuyên biến hóa, chẳng vĩnh viễn bất biến. Vĩnh viễn bất biến sẽ là Chân Hữu. Như Lai Tạng tánh là Chân Hữu, vĩnh viễn bất biến. Hết thảy các tướng bị biến, những tướng ấy tạm thời có rồi không, thiên biến vạn hóa. Kinh dạy: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Hư vọng, nhưng là có, chẳng phải là không có. Nó chẳng thể vĩnh viễn tồn tại; đó là sự thật. Phàm những gì có tướng đều biến hóa trong từng sát-na, chẳng thể ngưng nghỉ! Sau khi quý vị đã hiểu rõ chân tướng này, trong hết thảy cảnh giới Giả Hữu hay Diệu Hữu, quý vị đều có thể thụ dụng.

Ví như hiện thời chúng ta có cái thân này, thân tướng này là Giả Hữu. Chúng ta biết nó biến hóa trong từng sát-na, con người tuyệt đối chẳng phải là mỗi năm một suy lão, chẳng phải vậy, mà là già đi trong từng sát-na. Bất quá, chính quý vị chẳng nhận biết, đến khi quý vị bảy mươi, tám mươi mới [than vãn]: “Úi chà! Sao mà ta già khọm thế này?” Thật ra, chẳng phải là lúc đó mới già. Già đi từng giờ một, già đi từng phút một, già đi từng giây một, già đi trong từng sát-na! Nói xuyên suốt thì con người chẳng có ý nghĩa gì hết, từ lúc sanh ra, con người đã đi theo một mục tiêu, một phương hướng, một đường lối. Đi đâu vậy? Đi đến mộ phần, chẳng chịu ngừng phút nào, đó thật sự gọi là tinh tấn! Làm chuyện gì khác, người ta cũng ngưng lại không làm, chứ chuyện này vĩnh viễn chẳng ngừng! Nếu quý vị thật sự thấy xuyên suốt con người chẳng có ý nghĩa gì cả, đó là giác ngộ. Giác ngộ chân tướng sự thật, trong thế gian này, bất luận nghèo, giàu, sang, hèn, đều đi theo một con đường, sanh ra liền đi theo con đường tử vong này, mỗi ngày một gần hơn, mỗi phút một gần hơn, là chuyện như thế đó! Do vậy, đức Phật dạy chúng ta phải liễu sanh tử, “liễu” là hiểu rõ. Sau khi hiểu rõ, phải thoát sanh tử, thoát sanh tử là tách lìa, cao lắm! Liễu thoát sanh tử là hai chuyện: Liễu là học vấn, Thoát là công phu. Thoát là tháo gỡ, là buông bỏ. Đó là công phu. Liễu là học vấn, hiểu rõ chân tướng sự thật. Liễu mà chẳng thoát thì không được, nhất định phải thoát. Phật pháp nhằm dạy chúng ta liễu thoát sanh tử, nhận thức chân tướng của nhân sinh và vũ trụ. Do vậy, biết chính mình tuy có sanh diệt, nhưng chính mình cũng có cái chẳng sanh diệt. Chúng ta có thể thoát khỏi sanh diệt, tu cái bất sanh diệt, quý vị bèn thành công.

Cách tu như thế nào? Cái gọi là “tu” chính là ứng dụng. Phật, Bồ Tát chẳng khác gì chúng ta. Chúng ta từ sáng đến tối đãi người, tiếp vật, dùng cái tâm gì? Dùng tâm sanh diệt, ý niệm này khởi, ý niệm kia diệt, dùng cái tâm này! Chúng ta dùng cái tâm sanh diệt, nên có sanh tử, có lục đạo luân hồi, cho nên có khổ! Phật, Bồ Tát cũng ăn cơm, mặc áo, đãi người, tiếp vật y hệt, nhưng các Ngài chẳng dùng tâm sanh diệt, mà dùng tâm gì? Dùng cái tâm chẳng sanh diệt. Do vậy, các Ngài chẳng chết, có thể liễu thoát. Tâm chẳng sanh diệt và tâm sanh diệt hòa hợp làm một. Kinh Lăng Nghiêm đã giảng rất cặn kẽ: “Thường trụ chân tâm, tánh tịnh minh thể”, dùng cái tâm này, chúng ta thường gọi nó là “chân tâm”. Trong chân tâm không có niệm, chân tâm ly niệm! Có niệm là vọng tâm. Tám thức có niệm, còn Chân Như bổn tánh, Như Lai Tạng không có niệm.

Vì thế, đức Phật dạy chúng ta đãi người, tiếp vật phải dùng cái tâm nào? Dùng chân tâm. Trong hết thảy các pháp, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, đấy là chân tâm. Trong ấy chẳng có sanh diệt. Quý vị nói: Chẳng có sanh diệt, nhưng con mắt tôi vẫn có thể thấy, làm sao chẳng thể thấy? Lúc mở mắt nhìn một vật gì, khi thấy nó, quý vị chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, thử hỏi quý vị còn thấy hay là không? Thấy! Khi ấy, cái thấy của quý vị là Chân Kiến, tức là thấy bằng chân tâm, thấy bằng tánh Thấy. Đối với cảnh giới, vừa khởi lên phân biệt, chấp trước, khởi tâm động niệm, đó là thấy bằng tám thức. Trong khi quý vị chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, hết thảy các cảnh giới chắc chắn bình đẳng. Vừa mới phân chia tốt, xấu; tốt, xấu là gì? Trong tám thức mới có! Trong vọng tâm mới có! Trong chân tâm chẳng có. Vì sao? Trong chân tâm chẳng có phân biệt, chấp trước. Hễ có phân biệt, chấp trước, sẽ biết [là tốt, xấu], chân tâm mất đi; [phàm phu] dùng vọng tâm, dùng cái tâm sanh diệt.

Vì thế, Phật, Bồ Tát thấy sắc, nghe tiếng chẳng sử dụng cùng một cái tâm như chúng ta. Chúng ta dùng Nhãn Thức để thấy, dùng Nhĩ Thức để nghe, dùng thức thứ sáu, tức Ý Thức, để nghe, toàn bộ lọt vào trong Ý Thức. Thứ thứ sáu, tức Ý Thức, phân biệt, thức thứ bảy chấp trước, thức thứ tám giữ lại ấn tượng, khởi vọng tưởng. Phật, Bồ Tát chẳng dùng tâm ý thức, chẳng dùng thức thứ sáu nên chẳng phân biệt, chẳng dùng thức thứ bảy nên không chấp trước, chẳng dùng thức thứ tám nên không lưu lại ấn tượng. Vì thế, tâm của các Ngài được gọi là tâm thanh tịnh, bản lãnh của các Ngài chính là ở chỗ này! Nói theo tướng thì chẳng khác gì, chúng ta ăn cơm, mặc áo, Phật, Bồ Tát cũng mặc áo, ăn cơm, chúng ta có thù tạc, Phật, Bồ Tát cũng có thù tạc, chẳng khác gì cuộc sống hiện thực của chúng ta.

Nếu quý vị xem lại phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện[1] trong kinh Hoa Nghiêm, quý vị sẽ thấy Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần, năm mươi ba vị thiện tri thức đều là Bồ Tát. Các Ngài biểu hiện các ngành, các nghề, nam, nữ, già, trẻ, có khác gì xã hội hiện thực của chúng ta hay chăng? Hoàn toàn giống hệt, chẳng khác gì cả. Chỗ khác nhau là dụng tâm không giống nhau. Các Ngài đãi người, tiếp vật, thậm chí buôn bán chẳng dùng tâm ý thức, mà dùng Chân Như bổn tánh. Dùng tâm ý thức chẳng kiếm được nhiều tiền, dùng Chân Như bổn tánh sẽ kiếm tiền vô lượng vô biên. Vì sao? Phước báo xứng tánh hiện tiền, trí huệ, phước đức vốn sẵn có trong chân tánh hiện tiền. Tạng báu ấy vô lượng vô biên! Do vậy, dùng chân tâm thù thắng hơn dùng vọng tâm rất nhiều. Dùng vọng tâm chẳng thể liễu thoát sanh tử luân hồi; dùng chân tâm liền liễu thoát sanh tử luân hồi.

Pháp môn Niệm Phật nhằm dạy chúng ta phương pháp sử dụng chân tâm. Sử dụng theo cách nào? Chỉ cần quý vị khởi tâm động niệm, hễ vọng tâm vừa phát tác, ngay lập tức chuyển nó thành A Di Đà Phật. Thưa quý vị, một câu A Di Đà Phật này nửa chân, nửa vọng. A Di Đà Phật chẳng phải là thuần chân, vì sao? Nếu thuần chân thì trong Chân Như bổn tánh không có A Di Đà Phật. Hễ có một câu A Di Đà Phật, vẫn chưa phải là thuần chân. Chẳng phải là thuần chân, vì sao cần đến nó? Dùng một niệm này để dứt hết thảy vọng niệm. Dùng phương pháp này! Nói theo lý luận, phương pháp này chẳng khác quán tâm hay tham thoại đầu của Thiền gia. Vì sao chúng ta chẳng dùng tới tham thoại đầu, chẳng dùng quán tâm? Ở đây lại có một đạo lý, có một sự thật: Dùng quán tâm hay tham thoại đầu phải hoàn toàn cậy vào chính mình, chính mình chưa thể kiến tánh! Nói cách khác, quý vị chẳng thoát khỏi luân hồi, vẫn luân hồi sanh tử, vẫn mê hoặc, điên đảo. Dùng phương pháp niệm A Di Đà Phật thì sao? Công phu của chúng ta chưa đạt đến mức ấy (chưa thể kiến tánh), nhưng khi lâm chung, A Di Đà Phật tiếp dẫn ta sang thế giới Tây Phương, tối thiểu là ta có thể thoát khỏi luân hồi lục đạo trong thế giới Sa Bà. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng có lục đạo, chỉ có hai đường trời và người, chẳng có A Tu La, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, tốt hơn nơi đây nhiều lắm! Ở nơi đây, chúng ta luân hồi trong lục đạo, bên kia là luân chuyển trong hai đường! Huống chi lại có thể thường thân cận chư Phật, Bồ Tát, tu hành thuận tiện rất lớn. Niệm A Di Đà Phật dễ hơn, hay hơn tham thoại đầu ở chỗ này!

Kinh này thuộc về Đốn Giáo, trong ấy có kèm thêm Chung Giáo và Viên Giáo. Trong Ngũ Giáo, kinh Di Đà thuộc ba giáo Chung, Đốn và Viên.

 

(Sớ) Tứ, Đốn Giáo, tổng bất thuyết pháp tướng, duy thuyết chân tánh.

() 四、頓教,總不說法相,唯說真性。

(Sớ: Bốn là Đốn Giáo, nói chung chẳng nói đến pháp tướng, chỉ nói về chân tánh).

“Đốn” là đốn siêu (nhanh chóng vượt thoát). Trong Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát bảo chúng ta: Hết thảy các pháp chỉ do vọng niệm mà có sai khác. Lìa hết thảy vọng niệm, sẽ không có hết thảy pháp để được. Đấy chính là ý nghĩa Đốn Giáo.

(Sớ) Nhất niệm bất sanh, tức danh vi Phật, vô tiệm thứ cố.

() 一念不生,即名為佛,無漸次故。

(Sớ: Vì một niệm chẳng sanh bèn gọi là Phật, chẳng có thứ tự tiến tu dần dần). Không có thứ tự! Có tâm là phàm phu, vô tâm là Phật. Nếu quý vị hiểu lầm ý nghĩa “vô tâm”: Từ nay trở đi, cái gì cũng chẳng suy nghĩ, cái gì cũng chẳng nghĩ tới, như vậy sẽ trở thành Vô Tưởng Định! Vô Tưởng Định có được hay không? Không được! Quả báo của Vô Tưởng Định là Tứ Thiền Thiên, vẫn luân hồi trong lục đạo. Vô tâm là không có vọng tâm, chứ chẳng phải là không có chân tâm! Thích Ca Mâu Ni Phật trụ thế giáo hóa chúng ta, suốt bốn mươi chín năm hằng ngày giảng kinh, thuyết pháp, chúng ta hỏi Ngài có tâm hay chăng? Nếu Ngài chẳng có tâm, vậy thì Phật pháp, những đạo lý, những phương pháp từ đâu mà nói ra? Từ Chân Như bổn tánh lưu xuất, từ chân tâm tự nhiên lưu lộ, chẳng có vọng tâm. Vọng tâm là gì? Phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Vô tâm là chẳng có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, không có những cái tâm ấy, hoàn toàn khác Vô Tưởng Định. Thật sự có thể ở trong hết thảy vạn pháp mà chẳng có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, người ấy sẽ là Phật.

Tâm Phật bình đẳng, tâm phàm phu chẳng bình đẳng. Phàm phu có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng; do vậy, tâm họ chẳng bình đẳng. Trong hết thảy vạn pháp, họ có [quan niệm] tốt, xấu, có ưa thích, có chán ghét, đó là tâm phàm phu. Phật không có phân biệt, chấp trước, cho nên trong hết thảy vạn pháp, tâm Phật bình đẳng. Đức Phật thấy người cung kính, tán thán Ngài, giống hệt như người hủy báng, lăng nhục Ngài, thậm chí đối với kẻ sát hại Ngài, Phật thấy hai người ấy quyết định bình đẳng. Chớ nên nói “kẻ này xử tốt với ta, kẻ kia chẳng tốt”. Khởi ý niệm ấy thì là phàm phu, chẳng phải là Phật. Tu hành: “Hành” là hành vi sai lầm, tư tưởng cũng là hành vi, tức hành vi tâm lý. Hành vi tâm lý sai lầm, sửa đổi nó thì gọi là “tu hành”. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thấy ưa thích cái này, chán ghét cái kia, chỉ cần có ý niệm ấy sanh khởi, phải lập tức giác ngộ: “Ta sai rồi! Đấy là hành vi sai lầm, ta phải sửa đổi cho đúng”.

Sửa đổi cho đúng như thế nào? Trong hết thảy cảnh giới, ta đối xử bằng cái tâm bình đẳng, tâm thanh tịnh. Làm không được ư? Thấy điều gì ưa thích, A Di Đà Phật! Thấy điều gì chán ghét, A Di Đà Phật! Mọi người đều là A Di Đà Phật, A Di Đà Phật là bình đẳng. Chẳng khác gì nhau, đều là A Di Đà Phật. Như vậy thì mới tốt đẹp, dùng phương pháp ấy để tu. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, niệm A Di Đà Phật là phương pháp xảo diệu nhất. Đọc kinh văn trong phần sau, quý vị sẽ biết cách này mầu nhiệm không thể diễn tả được! Trong khi quý vị phân biệt, chấp trước, vọng tưởng dấy lên, đều dùng A Di Đà Phật để thay thế, đó là tu hành. Sửa đổi cho đúng những hành vi, tư tưởng sai lầm, lại có thể phát nguyện vãng sanh, công đức ấy vô lượng vô biên, đúng là thành Phật trong một đời. Vì thế, trong Đốn Giáo chắc chắn không có thứ tự.

Kinh Di Đà không chỉ là Đốn Giáo, mà còn là bậc nhất trong Đốn Giáo. Lời này do Khuy Cơ đại sư nói ra. Ngài Khuy Cơ là tổ sư đời thứ nhất của Pháp Tướng Duy Thức Tông Trung Quốc. Bản chú giải kinh Di Đà của Ngài có tên là A Di Đà Kinh Thông Tán Sớ, vừa mở đầu, trong phần phán giáo, Ngài phán định kinh A Di Đà là Đốn Giáo, lại còn là tột bậc trong Đốn Giáo, “chí viên, chí đốn”, vì sao? Từ một ngày đến bảy ngày có thể thành tựu. Quý vị nghĩ xem: Có pháp môn nào có thể thành công trong bảy ngày? Chỉ có pháp môn này là bảy ngày thành công. Sự thành công ấy như sau: Tu học pháp môn này, trong bảy ngày có thể chứng đắc nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn là minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Nói cách khác, dùng phương pháp này, bảy ngày có thể thành Phật; chẳng nói vãng sanh mà nói là “bảy ngày thành Phật”. Pháp môn này so với bất cứ pháp môn nào cũng đều nhanh hơn, nhưng có nhiều người chẳng hiểu, chẳng liễu giải.

Trong bảy ngày có thể thành Phật, lẽ nào trong bảy ngày chẳng thể vãng sanh ư? Vãng sanh dễ hơn thành Phật rất nhiều. Thành Phật nhất định phải là Lý nhất tâm bất loạn, vãng sanh chỉ cần công phu thành phiến là được rồi! Chỉ cần một câu Phật hiệu có thể đè nén phân biệt, chấp trước, vọng tưởng là được rồi. Có công phu như vậy, sẽ có thể vãng sanh; nhưng thành Phật thì chưa được, với công phu ấy chưa thể thành Phật! Thành Phật, nhất định phải là tiến hơn nữa, đạt đến Sự nhất tâm bất loạn, đạt đến Lý nhất tâm bất loạn. Sự nhất tâm bất loạn là đắc Định, gọi là Niệm Phật tam-muội. Lý nhất tâm bất loạn là từ trong Định mà khai ngộ, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn, thật sự có thể cứu độ hết thảy chúng sanh, thật sự cứu chính mình, cứu chúng sanh. Nếu chúng ta đầy đủ nhiều thiện căn, lắm phước đức, hãy nên phát đại tâm, cả đời chuyên tu pháp môn này, chuyên môn hoằng dương pháp môn này, hy vọng phổ biến pháp môn này trên toàn thế giới, khiến cho ai nấy đều có cơ hội được nghe.

Trên thế giới có bao nhiêu người muốn tu, nhưng không có cơ hội, chẳng được tiếp xúc. Người ngoại quốc chẳng biết chữ Hán, không có ai giới thiệu pháp môn này với họ, họ chẳng biết. Nếu phá được rào cản ngôn ngữ, giới thiệu pháp môn Di Đà cho người ngoại quốc, tôi tin rằng người ngoại quốc sẽ ưa thích pháp môn này nhất, vì nó đơn giản, dễ dàng. Thiền và Mật hấp dẫn người ngoại quốc nhất vì người ngoại quốc thích những thứ kỳ lạ, thoạt đầu họ kéo đến như ong vỡ tổ. Tu tập hai ba tháng, cảm thấy quý vị thật sự chẳng có gì cho họ học, họ lại ngã lòng. Nói thật ra, chẳng bằng đem pháp môn Niệm Phật dạy họ cặn kẽ. Họ bằng lòng học thì một bộ A Di Đà Kinh Sớ Sao giảng chi tiết từ đầu đến cuối một lượt, mỗi ngày giảng một tiếng rưỡi sẽ mất hai năm để học xong. Sau khi đã giảng hai năm xong một lượt, lại giảng từ đầu một lần nữa. Nếu chúng ta mỗi ngày giảng kinh này hai tiếng, giảng một lượt mất một năm, giảng năm mươi lượt là năm mươi năm, họ quyết định thành tựu. Cảnh giới của kẻ nói và người nghe sẽ khác hẳn. Lần thứ nhất là cảnh giới của lần thứ nhất, nghe lần thứ hai sẽ có cảnh giới của lần thứ hai. Người giảng nhận thấy mỗi biến mỗi khác, người nghe đối với mỗi biến đều có ngộ xứ, làm sao người ấy chẳng hoan hỷ? Đương nhiên là pháp hỷ sung mãn. Đây là Đốn Giáo. Thiền chẳng lẹ như vậy, mà Mật cũng chẳng nhanh như vậy! Muốn thành tựu nhanh chóng, hãy thật thà niệm Phật, bảo đảm một bộ kinh Di Đà là đủ rồi!

(Sớ) Ngũ, Viên Giáo, thống cai tiền tứ, viên mãn cụ túc.

() 五、圓教,統該前四,圓滿具足。

(Sớ: Năm là Viên Giáo, gồm trọn viên mãn, đầy đủ bốn giáo trước).

Loại thứ năm là Viên Giáo, Viên là viên mãn. Toàn bộ giáo nghĩa của bốn giáo trước đều được bao gồm trong giáo này, chẳng sót một điều gì! “Thống cai tiền tứ” (gồm trọn bốn giáo trước), bốn giáo trước là từ cạn đến sâu, nhưng các giáo ấy chẳng thể dung nhiếp lẫn nhau. Vì thế, chẳng viên mãn. Viên Giáo là viên mãn, dung hội, xuyên suốt bốn giáo trước, chúng đều được bao gồm trong giáo này, trong cạn có sâu, trong sâu có cạn, vô cùng huyền diệu. Vừa có thứ tự, lại vừa có viên dung; viên dung chẳng trở ngại thứ tự, thứ tự chẳng trở ngại viên dung. Đấy chính là giáo nghĩa của Viên Giáo.

(Sớ) Sở thuyết duy thị vô tận pháp giới, tánh hải viên dung, duyên khởi vô ngại, tương tức, tương nhập, đế võng trùng trùng, chủ bạn giao tham, vô tận vô tận cố.

() 所說唯是無盡法界 性海圓融 ,緣起無礙 ,相

即相入,帝網重重,主伴交參,無盡無盡故。

(Sớ: Những điều được nói [trong Viên Giáo] chỉ là pháp giới vô tận, tánh hải viên dung, duyên khởi vô ngại, các pháp chính là lẫn nhau, nhập vào lẫn nhau, lưới Thiên Đế trùng trùng, chủ và bạn xen lẫn vào nhau, vô tận, vô tận).

“Sở thuyết duy thị vô tận pháp giới”: Đây là giáo nghĩa của Hoa Nghiêm, đem hết thảy các pháp quy nạp vào Nhất Chân pháp giới. Pháp giới chỉ có một, pháp giới chỉ có chân thật, chẳng có hư vọng. Do vậy gọi là Nhất Chân. Một là chân, hai là hư vọng. Vì thế, Hoa Nghiêm nói Nhất Chân. Kinh này nói đến nhất tâm bất loạn, cũng là nói đến nhất, nhất tâm là năng nhập, Nhất Chân là sở nhập. Như thế nào thì mới có thể nhập Nhất Chân pháp giới? Nhất tâm có thể nhập, nhị tâm chắc chắn chẳng thể nhập. Nhìn từ chỗ này, quý vị mới thấy mối quan hệ giữa hai bộ kinh. Kinh Hoa Nghiêm giảng về Nhất Chân pháp giới, kinh Di Đà giảng nhất tâm bất loạn. Do vậy, chứng đắc nhất tâm bất loạn là chứng đắc thế giới Hoa Tạng, là nhập Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm và kinh Di Đà là một, không hai. Năng Sở chẳng hai, năng nhập và sở nhập không hai. Năng nhập là nhất tâm, sở nhập là Nhất Chân, quả thật là một, không hai. [Sách Diễn Nghĩa nhận định]:“Vô tận pháp giới, thống duy Nhất Chân pháp giới, phân vị Sự Lý đẳng tứ pháp giới” (vô tận pháp giới đều chỉ là Nhất Chân pháp giới, chia thành bốn pháp giới như Sự, Lý v.v…), Thanh Lương đại sư chia thành bốn loại: Sự pháp giới, hoàn toàn nói về sự tướng; Lý pháp giới, có Sự đương nhiên sẽ có Lý; Lý Sự vô ngại pháp giới và Sự Sự vô ngại pháp giới. Sự Sự vô ngại là đại tự tại. Nay chúng ta nơi nào cũng có chướng ngại, vì sao? Chưa thể viên dung, chẳng biết chân tướng sự thật; cho nên chỗ nào cũng đều có chướng ngại. Thật sự viên dung tự tại sẽ thật sự là Sự Sự vô ngại.

“Tánh hải viên dung”: Viên dung chẳng ngại duyên khởi, pháp tướng chính là pháp tánh, các pháp chính là nhau, hòa nhập lẫn nhau. Đó là cảnh giới Sự Sự vô ngại và Lý Sự vô ngại. “Đế võng trùng trùng, chủ bạn giao tham”: Đây là tỷ dụ. “Đế võng” là nói [tới cái lưới kết bằng châu báu] của Thiên Đế Thích. Người Hoa gọi Đế Thích là Ngọc Hoàng Thượng Đế, tức là chúa tể cõi trời Đao Lợi. Đao Lợi thiên cung được trang sức bằng mành lưới, mỗi mắt lưới buộc một viên minh châu, viên minh châu nào cũng đều phóng quang, ánh sáng chiếu rọi lẫn nhau. Chúng ta không có phước báo lớn như trong cung trời Đao Lợi, nhưng do khoa học kỹ thuật hiện thời cũng rất khá: Ngàn vạn ngọn đèn ánh sáng chiếu rọi lẫn nhau cũng hết sức trang nghiêm, có ý nghĩa mường tượng [ý nghĩa lưới báu của Thiên Đế]. “Vô tận vô tận”: Đây kia chiếu lẫn nhau, cảnh giới ấy hiển thị chẳng cùng tận!

(Sớ) Dĩ thượng tường như Hoa Nghiêm Huyền Đàm trung.

() 以上詳如華嚴玄談中。

(Sớ: Những điều trên đây được giảng cặn kẽ trong sách Hoa Nghiêm Huyền Đàm).

“Tánh hải” là nói đến Lý pháp giới, “duyên khởi” là nói đến Sự pháp giới. “Viên dung vô ngại” là nói đến Lý Sự vô ngại pháp giới, “tương tức, tương nhập, đế võng trùng trùng” là nói Sự Sự vô ngại pháp giới. Những điều này được thuyết minh chi tiết trong bộ sách Huyền Đàm[2], tức chú giải của kinh Hoa Nghiêm.

(Sớ) Khủng phiền bất tự.

() 恐煩不敘。

(Sớ: Sợ rườm rà nên chẳng trình bày).

Nếu nói đến ý nghĩa này của kinh Hoa Nghiêm sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, ở đây không nói nhiều! Nếu quý vị muốn liễu giải nhiều hơn, có thể tham khảo kinh Hoa Nghiêm, Hoa Nghiêm Kinh Sớ Luận Toản Yếu. Đây là sách tiết yếu (trích lục những ý tưởng quan trọng) của bộ Sớ Sao và Hợp Luận, là kinh sách nhập môn của tông Hoa Nghiêm.

(Sớ) Ngôn Đốn giáo nhiếp giả, như hậu nghĩa lý trung biện.

() 言頓教攝者,如後義理中辯。

(Sớ: Nói [kinh Di Đà] thuộc về Đốn Giáo thì sẽ biện định trong phần nghĩa lý ở phía sau).

Kinh này thuộc về Đốn Giáo, trong phần nghĩa lý ở phía sau sẽ thảo luận chi tiết.

(Sớ) Diệc thông tiền hậu giả, thông tiền Chung Giáo, dĩ nhất thiết chúng sanh niệm Phật, định đương thành Phật, tức định tánh, Xiển Đề giai tác Phật cố. Thông hậu Viên Giáo giả, diệc nghĩa lý trung biện.

() 亦通前後者 通前終教 ,以一切眾生念佛 ,定

當成佛,即定性闡提皆作佛故。通後圓教者,亦義理中辯。

(Sớ: “Cũng thông với giáo trước và giáo sau”: Thông với Chung Giáo trong phần trước vì hết thảy chúng sanh niệm Phật, nhất định sẽ thành Phật, tức là hàng định tánh Thanh Văn và Xiển Đề sẽ đều thành Phật. Thông với Viên Giáo trong phần sau cũng sẽ được biện định trong phần bàn luận nghĩa lý).

 Định tánh Thanh Văn và chúng sanh chẳng có thiện căn, chỉ cần họ nhất niệm hồi tâm sẽ có thể vãng sanh. Đấy là giáo nghĩa của Đại Thừa Chung Giáo. Trong Vãng Sanh Truyện, chúng ta thấy ông Trương Thiện Hòa đúng là Nhất Xiển Đề, suốt đời chẳng tin nhân quả, chẳng tin Phật pháp, sống bằng nghề giết trâu, hằng ngày sát sanh! Khi lâm chung, thấy rất nhiều người đầu trâu, tức là những kẻ thân người mà đầu trâu, đến đòi mạng. Đấy là tướng địa ngục hiện tiền. Khi ấy, ông ta mới thật sự biết có nhân quả báo ứng, những kẻ đầu trâu ấy đều là những con trâu bị ông ta giết hại trong một đời đến đòi mạng. Khi ông ta hét lên xin cứu mạng, khéo sao có một vị xuất gia đi qua cửa nhà ông ta, hỏi: “Vì sao ông kêu cứu mạng?” Ông ta thưa: “Nhiều kẻ đầu trâu đến đòi mạng!” Vị xuất gia ấy thắp mấy nén hương bảo ông ta cầm, lớn tiếng niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Ông ta dốc hết tánh mạng lớn tiếng niệm, niệm được mấy câu bèn bảo người nhà: Người đầu trâu chẳng còn nữa, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn ông ta vãng sanh. Lâm chung mười niệm, niệm Phật vãng sanh. Nhất Xiển Đề là kẻ chẳng có thiện căn, khi lâm chung hồi tâm chuyển ý cũng có thể vãng sanh. Trước hết, nói bộ kinh này thành tựu con người ổn thỏa, thích đáng, nhanh chóng, chẳng có pháp môn nào nhanh chóng bằng. Hôm nay chúng ta giảng đến chỗ này.

[1] Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện nói ở đây chính là phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện trong Tứ Thập Hoa Nghiêm, tức là phẩm Nhập Pháp Giới trong Bát Thập Hoa Nghiêm.

[2] Tác phẩm này gọi đủ là Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao Huyền Đàm do tổ Thanh Lương Trừng Quán biên soạn, gồm tám quyển. Thật ra, đây chỉ là tác phẩm trích yếu phần Huyền Nghĩa trong hai bộ Hoa Nghiêm Kinh Sớ và Hoa Nghiêm Kinh Tùy Sớ Diễn Nghĩa Sao. Do tác phẩm này quá cô đọng, uyên áo, về sau lại có hai tác phẩm chú giải bộ sách này là Hoa Nghiêm Huyền Đàm Quyết Trạch do ngài Tiên Diễn biên soạn và Huyền Đàm Hội Huyền Ký do ngài Phổ Thụy biên soạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *