#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 144
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm lẻ tám.
(Sao) Kim giả tứ nghĩa, nhất sắc vô biến, nhị thể vô cấu, tam chuyển tác vô ngã, tứ năng linh nhân phú.
(鈔) 金者四義,一色無變,二體無垢,三轉作無我,四能令人富。
(Sao:Vàng có bốn ý nghĩa: Một là màu sắc chẳng biến đổi, hai là Thể chẳng nhơ, ba là tuy lần lượt được chế biến thành các thứ khác nhau, vàng vẫn vô ngã, bốn là có thể khiến cho con người giàu có).
Bảy báu đều chú trọng sự biểu thị pháp. “Vô biến” có nghĩa là Thường. Kinh thường nói Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Vàng biểu thị ý nghĩa này. Màu sắc của vàng chẳng thay đổi, có ý nghĩa Thường (thường hằng). “Vô cấu” là ý nghĩa thanh tịnh, trong sạch. “Chuyển tác vô ngã” là ý nghĩa Ngã trong Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. “Năng linh nhân phú” (có thể làm con người giàu có) là ý nghĩa Lạc. Do vậy, nó bao hàm bốn ý nghĩa Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
(Sao) Ngân tứ nghĩa đồng, nhi công sảo liệt.
(鈔) 銀四義同,而功稍劣。
(Sao: Bạc có bốn nghĩa giống như vậy, nhưng công năng hơi kém hơn).
Bạc cũng có bốn ý nghĩa ấy, nhưng nói theo mặt thể chất, bạc chẳng bằng vàng!
(Sao) Lưu Ly thanh sắc, thị kỳ chánh dịch.
(鈔) 琉璃青色,是其正譯。
(Sao: Lưu Ly màu xanh, nên [tiếng Hán dịch là Thanh Sắc Bảo] là chính xác).
Đây là cách giải thích thông thường trong hiện thời.
(Sao) Hựu danh Bất Viễn giả. Bất Viễn, sơn danh, sơn xuất thử bảo, dĩ cận Ba La Nại thành cố.
(鈔) 又名不遠者,不遠,山名,山出此寶,以近波羅奈城故。
(Sao: Lại còn có tên là Bất Viễn. Bất Viễn là tên núi. Núi này sanh ra thứ báu ấy, do núi ấy gần thành Ba La Nại).
Nó còn có tên gọi là Bất Viễn. Quả núi có quặng Lưu Ly chẳng xa thành Ba La Nại (Vārāṇasī, Benares) cho mấy. Chỗ chẳng xa [kinh thành Ba La Nại] bèn có [thứ báu ấy, nên gọi chất báu ấy là Bất Viễn] là do ý nghĩa này.
(Sao) Thủy ngọc giả, kim thủy tinh dã.
(鈔) 水玉者,今水晶也。
(Sao: Thủy ngọc nay được gọi là thủy tinh).
“Kim” là cận đại, “cận đại” ở đây chính là những năm cuối đời Minh. Vì Liên Trì đại sư sống vào cuối đời Minh, Ngài nói “kim” là nói về thời đó, thời ấy đã gọi [pha lê] là “thủy tinh”.
(Sao) Xa cừ ngôn đại bối giả.
(鈔) 硨磲言大貝者。
(Sao: “Xa cừ” là một loại sò lớn).
Tức là vỏ sò, [xa cừ là] vỏ của một loại sò lớn.
(Sao) Bối vi hải trung giới trùng, đại giả danh bảo, nhất vân phi Phạn ngữ, dĩ kỳ tự xa chi cừ. Cừ giả, võng dã.
(鈔)貝為海中介蟲,大者名寶,一云非梵語,以其似車之渠。渠者,輞也。
(Sao: Sò là một loài trùng có vỏ trong biển cả. Thứ to được gọi là Bảo. Có thuyết nói [xa cừ] không phải là tiếng Phạn, mà là do [vỏ của] nó giống như “vành bánh xe”. “Cừ” là cái vành bánh xe).
“Võng” là bánh xe, ở đây là nói tới đường vằn trên vỏ sò, giống như bánh xe.
(Sao) Xích châu giả, Phật Địa Luận vân: “Xích trùng sở xuất. Hữu thiên xích châu, danh Nhân Đà La, phi thế sở hữu”. Đại Luận: “Chân châu hoặc xuất ngư phúc, hoặc xuất xà não, hoặc xuất bạng thai, hoặc sanh trúc trung, tắc sắc phi định xích”. Cố dĩ tiền dịch vi chánh.
(鈔) 赤珠者,佛地論云:赤蟲所出,有天赤珠,名因陀羅,非世所有。大論,真珠或出魚腹,或出蛇腦,或出蚌胎,或生竹中,則色非定赤,故以前譯為正。
(Sao: “Xích châu”, Phật Địa Luận nói: “[Xích châu] do loài xích trùng sanh ra. Có loài xích châu cõi trời tên là Nhân Đà La, trong cõi đời chẳng có”. Theo Đại Luận, chân châu sanh từ bụng cá, hoặc sanh từ óc rắn, hoặc xuất phát từ thai sò, hoặc sanh trong tre, nên màu sắc không nhất định là đỏ. Do vậy, [xích châu hiểu] theo cách dịch trước (tức cách giải thích trong Phật Địa Luận) thì đúng hơn).
“Xích châu” do loài xích trùng sanh ra. Thứ này rất hiếm, nên rất quý báu, nổi tiếng, là một trong bảy thứ báu. Đại Trí Độ Luận giảng xích châu là một loại chân châu (真珠), nhưng thông thường, trân châu (珍珠) sanh từ trai sò, cũng có loại kết tinh trong bụng cá, hoặc óc rắn, còn có loại sanh trưởng từ cây trúc, nên màu sắc không nhất định là đỏ. Vì thế, giảng [chữ “xích châu”] theo cách trước (thuyết của Phật Địa Luận) sẽ đúng hơn.
(Sao) Mã não giả, hoặc vân Đan Khâu chi dã, quỷ huyết sở hóa.
(鈔) 瑪瑙者,或云丹丘之野,鬼血所化。
(Sao: Mã não, có người nói là do máu của loài quỷ ở chốn đồng nội Đan Khâu[1] hóa thành).
Đây là cách nói của cổ nhân, nay chúng ta biết nó là một loại hóa thạch.
(Sao) Nhất vân như mã não cố.
(鈔) 一云如馬腦故。
(Sao: Có thuyết nói nó trông giống như óc ngựa).
“Mã não”: Các loài ngựa khác nhau, óc của chúng có màu đỏ, vàng xanh, đen, trắng v.v… phân biệt, mười phần trân quý.
(Sao) Trang nghiêm giả, hữu chỉnh tề nghĩa. Hiệu sức giả, hữu văn thái nghĩa. Dĩ tư nghiêm sức, tắc như tiền, hoặc dĩ nhất bảo, nhị bảo, nãi chí thất bảo chi loại, thị dã.
(鈔) 莊嚴者,有整齊義。較飾者,有文彩義。以斯嚴飾,則如前或以一寶二寶,乃至七寶之類是也。
(Sao: “Trang nghiêm” có nghĩa là chỉnh tề. “Hiệu sức” có nghĩa là rực rỡ. Có nghĩa là dùng những thứ ấy để trang hoàng tôn nghiêm, rực rỡ, tức là giống như trong phần trên [đã nói], dùng một thứ báu, hai thứ báu, cho đến bảy thứ báu vân vân).
“Trang nghiêm”: “Mỹ lệ” như phàm nhân chúng ta thường nói chính là ý nghĩa “trang nghiêm” trong Phật pháp. Đẹp thì nhất định phải chỉnh tề, rối ren sẽ chẳng thể đẹp được! “Hiệu sức” là rực rỡ, lộng lẫy, “hiệu” là cân nhắc, “sức” là trang hoàng. Đã trang hoàng lại còn cân nhắc, tức là thiết kế tỉ mỉ. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng cần người tỉ mỉ thiết kế, nó tự nhiên đẹp đẽ như vậy. “Dĩ tư nghiêm sức” là dùng bảy báu để trang nghiêm, tô chuốt.
(Sao) Hựu thử thất bảo, cô thủ danh đồng thử phương, thật tắc bất loại.
(鈔) 又此七寶,姑取名同此方,實則不類。
(Sao: Lại nữa, bảy thứ báu này chỉ là gọi tên giống như trong thế giới này, chứ thật ra chúng chẳng tương đồng).
“Bảy báu” nói trong kinh là lấy những thứ hiếm có, được chúng ta coi là trân bảo trong thế gian này để nói so sánh đó thôi! Trên thực tế, thế gian chúng ta chẳng có những vật chất như trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nói cách nào thì chúng ta cũng chẳng cách nào thật sự liễu giải! Chưa từng thấy, mà cũng chưa từng nghe nói. Nói đến bảy báu trong thế gian này thì chúng ta đã từng thấy, tưởng tượng hình trạng đại khái. Thật ra, hình trạng [của các thứ báu trong cõi Cực Lạc] khác hẳn. Khác biệt ở chỗ nào? Ở đây nói:
(Sao) Như thiên kim, thiên ngân, dĩ phi nhân thế sở hữu, hà huống bỉ độ!
(鈔) 如天金天銀,已非人世所有,何況彼土。
(Sao: Như vàng bạc cõi trời, trong cõi người đã chẳng có, huống gì [các thứ báu] trong cõi kia!)
Đây là nói đến cõi trời. Dục Giới Thiên cũng có vàng, bạc, nhưng
vàng, bạc của họ có mức độ tinh thuần chắc chắn chẳng giống như trong thế gian này, vàng bạc của chúng ta chẳng thể sánh bằng, huống gì [những chất báu] trong thế giới Cực Lạc. Kinh Vô Lượng Thọ nói vật chất trong Tây Phương Cực Lạc phong phú, trang nghiêm, trân bảo của Lục Dục Thiên (Tha Hóa Tự Tại Thiên) so với Tây Phương Cực Lạc thế giới khác biệt ngàn vạn ức lần, chẳng có cách nào so sánh. Chúng ta phải biết điều này.
(Sớ) Hựu thất bảo giả, thường dụ thủ quý trọng nghĩa, như Phạm Võng trung thuyết.
(疏) 又七寶者,常喻取貴重義,如梵網中說。
(Sớ: Lại nữa, bảy báu là thường dùng để tỷ dụ ý nghĩa quý trọng, như trong kinh Phạm Võng có nói).
Kinh Phật thường nói bảy báu là dựa theo ý nghĩa “quý trọng”, kinh Phạm Võng nói điều này.
(Sao) Quý trọng giả, Phạm Võng kinh Bồ Tát Tâm Địa phẩm, ngôn “khí xả Đại Thừa kinh luật bất học, nhi học ngoại đạo, Nhị Thừa, tà kiến đẳng giả, như xả thất bảo, phản thủ ngõa lịch”. Đối ngõa lịch ngôn, cố tri Bảo giả, thủ “quý trọng” nghĩa.
(鈔) 貴重者,梵網經菩薩心地品,言棄捨大乘經律不學,而學外道二乘邪見等者,如捨七寶,反取瓦礫,對瓦礫言,故知寶者取貴重義。
(Sao: “Quý trọng”, phẩm Bồ Tát Tâm Địa trong kinh Phạm Võng có nói: “Vứt bỏ kinh luật Đại Thừa để học ngoại đạo, Nhị Thừa, tà kiến v.v… giống như bỏ bảy báu để ngược ngạo giữ lấy ngói sạn”. Do so với ngói sạn để nói, nên biết [kinh nói] “bảo” theo ý nghĩa “quý trọng”).
Nêu rõ [lý do] vì sao kinh Phật thường nói “bảy báu”, dụng ý tuyệt đối chẳng phải là khiến cho chúng ta tham cầu hưởng thụ vật chất, mà trong ấy có ý nghĩa rất sâu. Ở đây, [lời Sao] đã giảng rõ: Đây là nói hết thảy chúng sanh, nếu quý vị chẳng gặp duyên này, tức là quý vị chẳng có phước báo! Nếu gặp được duyên này, quý vị là người có phước báo. Người có phước báo gặp duyên, nay chúng ta gọi duyên là “cơ hội”, quý vị gặp cơ hội mà không thể nắm giữ, chẳng thể nắm vững cơ hội, bỏ lỡ cơ hội, thật sự quá đáng tiếc. Có thể thật sự nắm vững cơ hội, đó là ý nghĩa bảy báu, là quý trọng. Quý vị gặp gỡ Phật pháp, chẳng học pháp Đại Thừa, mà học ngoại đạo! Hiện thời, kẻ học theo ngoại đạo rất nhiều! Hoặc là quý vị học Tiểu Thừa, hai thừa Thanh Văn và Duyên Giác là Tiểu Thừa. Ngoại đạo và Tiểu Thừa đều gọi là tà kiến, vì tri kiến đều chẳng chánh. Điều này giống như bỏ bảy báu để lấy ngói sạn. “Ngõa lịch” (瓦礫) là miếng gạch, mảnh ngói, làm sao có thể sánh bằng bảy báu? Điều này giống như kẻ chẳng biết giá trị, chẳng biết sang, hèn, dùng điều này để so sánh. Nói trở lại, nay chúng ta gặp được Đại Thừa, chư vị có thật sự giữ lấy Đại Thừa hay không? Tôi cảm thấy chẳng hề! Tuy quý vị chẳng học theo ngoại đạo, chẳng học theo Tiểu Thừa, nhưng hiện thời quý vị vẫn y như cũ, do tà kiến mà học Đại Thừa, nên quý vị vẫn chưa học được Đại Thừa! Con người hiện thời nhận giả, chẳng nhận thật! Quý vị nói chuyện giả với họ, họ hoan hỷ! Quý vị nói lời thật với họ, họ bèn cự tuyệt, ngược ngạo chẳng cần, rất tệ hại! Tuy Đại Thừa phổ biến như vậy, họ chẳng thể học!
Học Phật phải có điều kiện học Phật, cổ nhân gọi [người thỏa mãn các điều kiện ấy] là “pháp khí”. Quý vị có phải là pháp khí hay không? Nếu quý vị chẳng phải là pháp khí, ban pháp ấy cho quý vị vô ích! Thí dụ như chúng ta muốn có nước, hỏi quý vị: “Có dụng cụ để đựng nước hay không?” “Tôi có một cái chén”. Cái chén ấy chính là pháp khí, ta có thể đựng nước. Quý vị đem cái bát lớn đến, tôi cho quý vị đựng được nhiều nước hơn một chút. Quý vị đem cái chén nhỏ đến, tôi cho quý vị ít nước một tí, mỗi người tương xứng với khả năng nhận lãnh. Quý vị nói: “Tôi chẳng có dụng cụ đựng nước”, vậy thì tôi cho quý vị nước, quý vị chẳng lấy được! Do vậy, quý vị phải là pháp khí thì mới có tư cách học Phật pháp. Pháp khí là gì? Tức là quý vị có điều kiện, có năng lực để nhận lãnh Phật pháp thì mới có thể thành tựu. Cổ đức thích nhất hai loại người: Một là loại người thượng trí, hai là hạng hạ ngu. Thiện tri thức chân chánh coi hai loại người này như bảo bối, vì sao? Họ là pháp khí, rất có thể thành tựu. Người thượng trí vừa nói liền thông suốt, chẳng hoài nghi, liền hiểu rõ, có thể y giáo phụng hành. Kẻ hạ ngu biết chính mình chẳng có trí huệ, biết chính mình chẳng bằng người khác, nên người ấy cũng rất khiêm hư, rất thật thà, dạy kẻ ấy làm như thế nào, kẻ ấy làm như thế ấy, rất ngoan ngoãn chịu nghe lời, kẻ ấy ham học. Hạng căn tánh nửa vời sẽ phiền lắm, tự cậy chính mình thông minh, tục ngữ gọi họ là “cao chẳng với tới, thấp chẳng bén gót”. Quý vị nói với họ, họ cũng có thể hiểu, nhưng bảo họ làm, họ có quá nhiều ý kiến! Người như vậy đâm ra chẳng thể thành tựu, tục ngữ nói: “Thông minh đâm ra bị lầm lẫn bởi thông minh”, Thế Trí Biện Thông đấy mà!
Trong thời đại hiện tại, Thế Trí Biện Thông quá nhiều. Từ bé, trẻ nhỏ xem TV mỗi ngày, đầu óc đầy ứ tà tri tà kiến, làm sao nó có thể học Phật pháp? Chẳng có [bẩm tánh] thiên chân như người thời cổ. Cổ nhân chẳng có nhiều thông tin như thế. Nếu sống ở nông thôn, mặt trời mọc bèn ra đồng làm lụng, mặt trời lặn bèn nghỉ ngơi, trừ chuyện ấy ra, chuyện gì cũng chẳng biết, đầu óc đơn thuần, học điều gì cũng đều dễ dàng. Con người hiện thời đầu óc rất phức tạp, trở thành đại chướng ngại trong việc học Phật pháp. Trong xã hội đơn thuần như trước kia, thông thường vẫn phải chịu huấn luyện năm năm. Vừa mới vào Phật môn, bất luận xuất gia hay tại gia đều phải chịu huấn luyện năm năm, trong Phật môn thường nói là “năm năm học giới”. Giới ở đây chẳng phải là giới luật trong kinh điển, mà là tuân giữ lời răn dạy của thầy, tu phước, tu huệ.
Phật là đấng Phước Huệ Nhị Túc Tôn, tức là đấng phước và huệ đều viên mãn, phước viên mãn, huệ cũng viên mãn. Học Phật là học phước, học huệ, học phước huệ như thế nào? Phải tu! Phải nghiêm túc tu phước, tu huệ. Phật pháp từ đầu tới cuối đòi hỏi chúng ta tu phước, tu huệ. Huệ học từ chỗ nào? Học từ Căn Bản Trí. Căn Bản Trí là gì? Căn Bản Trí là vô tri; kinh Đại Bát Nhã nói “Bát Nhã vô tri”, trước tiên hãy học từ đây. Nay chúng ta điên đảo, hiện thời đang học “hữu tri”, chỉ sợ chính mình chẳng biết, [luôn mong mỏi] thứ gì cũng đều phải biết, sai mất rồi! Đó chẳng phải là trí huệ chân thật, mà là gì? Vọng tưởng! Hiện thời chẳng phải là cầu trí huệ trong Phật pháp, mà là cầu vọng tưởng. Suốt ngày từ sáng đến tối dấy vọng tưởng, vẫn sợ chưa đủ vọng tưởng, dốc hết tánh mạng để học vọng tưởng, hỏng bét! Tu phước thì phải phục vụ đại chúng, phục vụ xã hội, phục vụ hết thảy chúng sanh; tu phước từ chỗ này, tối thiểu phải dùng thời gian năm năm để tu học. Tu phước thì hai mươi bốn môn oai nghi trong Sa Di Luật Nghi đều là tu phước. Tuy đức Phật nói hai mươi bốn môn oai nghi với người xuất gia, người tại gia có thể tu học giống hệt như vậy.
Đối với việc tu Căn Bản Trí, cũng có thể nói là trước hết, quý vị phải định cái tâm, khiến cho cái tâm đạt đến thanh tịnh rồi mới dùng tâm thanh tịnh để nghe pháp, đọc kinh, quý vị sẽ có thể khai ngộ. Nếu quý vị chẳng có tâm thanh tịnh, quý vị nghe kinh suốt đời, niệm kinh suốt đời, chẳng thể nào khai ngộ! Ngộ là từ trong tâm thanh tịnh phát ra, chư vị nhất định phải biết điều này. Nếu chúng ta từ đọc tụng mà đạt được trí huệ, kinh Phật gọi đó là Thế Trí Biện Thông. Người thế gian đọc sách rất nhiều, ghi nhớ rất nhiều, nói đến nỗi hoa trời rơi tán loạn, trước tác đồ sộ, trong Phật pháp gọi điều đó là Thế Trí Biện Thông, chẳng phải là trí huệ chân thật. Vì sao? Đầu óc kẻ ấy hằng ngày [bận bịu] suy tưởng, hằng ngày tư duy. Nói cách khác, tất cả sự thông minh, trí huệ của kẻ ấy đều lưu lộ từ tâm ý thức, cũng tức là từ phân biệt, chấp trước, vọng tưởng sanh ra, đó chẳng phải là trí huệ được nói trong nhà Phật! Trí huệ như trong nhà Phật đã nói lưu lộ từ Chân Như bổn tánh, sanh từ tâm thanh tịnh, lìa hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; đó là trí huệ. Hoàn toàn khác hẳn! Pháp thế gian và Phật pháp khác nhau ở chỗ này. Do đó, quyết định chẳng thể dùng phương pháp thế gian để tu học Phật pháp.
Làm thế nào mới có thể đạt đến tâm thanh tịnh? Tức là [làm thế nào] để đạt được Căn Bản Trí? Phương pháp hết sức nhiều. Các tông phái Phật giáo dùng các phương pháp khác nhau, nhưng nguyên lý giống nhau, mục tiêu như nhau! Phương pháp được dùng trong Giáo Hạ là đọc thuộc lòng kinh điển, không giảng ý nghĩa. Vì sao? Hễ giảng ý nghĩa, quý vị lại có phân biệt, chấp trước. Chẳng giảng ý nghĩa mà bảo quý vị niệm, niệm để làm gì? Niệm cho cái tâm đắc định. Niệm cho hết sạch tất cả hết thảy phân biệt, vọng tưởng, chấp trước, dùng phương pháp niệm kinh [để đạt mục đích ấy]. Vì lẽ đó, phương pháp niệm kinh là tu định, tu tâm thanh tịnh. Quý vị vừa niệm kinh vừa nghĩ tưởng ý nghĩa trong kinh, tâm quý vị chẳng thanh tịnh. Vì thế, quý vị niệm một giờ là tu một giờ, niệm hai giờ bèn tu hai giờ, mọi người phải hiểu đạo lý này. Niệm kinh là tu hành. Trong các buổi giảng, chúng tôi đã nói với chư vị quá nhiều, niệm kinh là hoàn thành Tam Học Giới – Định – Huệ cùng một lúc. Không chỉ là tu Định, mà còn có Giới ở trong ấy, Huệ cũng ở trong ấy, có thể thấy niệm kinh trọng yếu lắm!
Phương pháp của Thiền Tông là chẳng dùng niệm kinh, mà dùng đả tọa (tĩnh tọa), tham cứu, hoặc dùng quán tâm, tham thoại đầu, dùng các phương pháp ấy, mục đích như nhau, cũng là khiến cho quý vị bỏ sạch phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Mật Tông dùng trì chú, thậm chí Tịnh Độ Tông dùng niệm A Di Đà Phật, phương pháp khác nhau, nhưng mục đích hoàn toàn như nhau. Mật Tông vừa nhập môn vẫn chưa trì chú, mà bảo quý vị lễ mười vạn lạy trong ba tháng, dập đầu mười vạn lần. Nếu trong ba tháng, quý vị không thể lễ mười vạn lạy, vậy thì khỏi cần học, chẳng dạy nữa! Những phương pháp này đều nhằm làm cho quý vị vứt sạch hết thảy phân biệt, vọng tưởng, chấp trước, khiến cho tâm quý vị chuyên chú. Lễ mười vạn lạy phải đếm số, khi quý vị đếm số, trong tâm chẳng thể nghĩ tới chuyện gì khác. Nghĩ tới chuyện khác sẽ đếm trật. Đếm trật bèn chẳng tính, làm lại từ đầu! Vì thế, chuyện này rất phiền, nhất định phải tập trung tinh thần để tính đếm, để khỏi bị đếm trật. Đều là dùng các phương pháp ấy để chúng ta đạt được cái tâm thanh tịnh.
Đối với Giáo Hạ, thông thường là niệm ba ngàn lần các bộ kinh có phân lượng kha khá như kinh Pháp Hoa, kinh Lăng Nghiêm, mỗi ngày niệm một bộ. Niệm một bộ, niệm thuần thục, nhanh nhất phải mất bốn giờ. Nếu chưa thuần thục, có thể mất đến tám tiếng. Sau khi niệm như vậy, tâm quý vị mới có nền tảng, nghe kinh có thể khai ngộ. Tôi giảng kinh ở thành phố Đài Bắc đến năm nay là ba mươi năm, chưa thấy một ai khai ngộ! Vì sao chẳng có người nào khai ngộ? Là vì chẳng có người nào tâm thanh tịnh, trong tâm đều rất loạn! Không chỉ là pháp thế gian đã khiến cho quý vị loạn, mà Phật pháp cũng khiến cho quý vị loạn! Hôm nay nghe kinh này, ngày mai nghe kinh khác; hôm nay nghe vị pháp sư này giảng, ngày mai nghe vị đại đức kia giảng, đầu óc loạn tùng phèo! Tâm chẳng thanh tịnh thì đọc kinh, nghe giảng đều là tăng trưởng tà kiến. Như vậy thì chẳng thể coi là đọc kinh, mà là nghiên cứu kinh. Nghiên cứu kinh là tăng trưởng tà kiến.
Tâm thanh tịnh đọc kinh, nghe giảng, bèn tăng trưởng trí huệ. Lục Tổ đại sư thưa với Ngũ Tổ: “Trong tâm đệ tử thường sanh trí huệ”. Vì sao thường sanh trí huệ? Tâm Ngài thanh tịnh. Vì sao chúng ta thường sanh phiền não? Tâm chẳng thanh tịnh, mấu chốt ở ngay chỗ này. Trọn chẳng phải là Ngài có sở trường đặc biệt gì, mà chúng ta chẳng có! [Nếu nghĩ như vậy] thì chẳng hợp lý! Ngài có, chúng ta cũng có, chúng ta có cái tâm giống hệt, nhưng tâm Ngài thanh tịnh, tâm chúng ta chẳng thanh tịnh. Chúng ta vứt bỏ hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tâm chúng ta cũng thanh tịnh. Ngài có thể thường sanh trí huệ, thì chúng ta cũng giống vậy, “thường sanh trí huệ”, chẳng có sai biệt! Bởi lẽ đó, tâm thanh tịnh là trọng yếu.
Đương nhiên, hiện thời chúng ta chẳng phải là kẻ mới học, nay đã là từ tuổi trung niên trở lên, chẳng thể làm học trò Tiểu Học nữa, nhưng chúng ta đã bỏ lỡ giai đoạn cầu học, nay bắt đầu làm lại. Nếu hiện thời bắt đầu làm lại thì cũng phải nghĩ đến chuyện “mất dê mới lo sửa chuồng”. Một mặt nghe kinh ở đây, một mặt phải tu từ căn bản, tu căn bản chính là phải tu tâm thanh tịnh. Nghe kinh, nghiên cứu giáo, nhà Phật có một nguyên tắc: “Nghe hiểu thì rất tốt; nghe không hiểu bèn chẳng nghiên cứu, chẳng suy lường”. Vì sao? Nghe không hiểu, nếu quý vị mong hiểu kinh, càng nghĩ càng xa, càng nghĩ càng sai bét, vì sao? Quý vị đã hiểu, tức là quý vị dùng trực tâm để trực tiếp thấu hiểu; hễ rớt vào trong phân biệt liền rơi vào ý thức. Rơi vào ý thức sẽ biến thành tà tri, tà kiến. Do vậy, chớ nên suy nghĩ, chớ nên tư duy, chớ nên nghiên cứu những thứ ấy! Không chỉ là Thiền Tông lìa tâm ý thức, mà Giáo Hạ cũng phải lìa tâm ý thức giống hệt. Tâm là vọng niệm, ý là chấp trước, thức là phân biệt. Lìa tâm ý thức; nói cách khác, quý vị chớ nên phân biệt, chớ nên chấp trước, chớ nên dấy vọng tưởng, như vậy thì quý vị mới có thể đạt được nghĩa chân thật của Như Lai. Bài kệ Khai Kinh có câu: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, quý vị mới có thể thật sự hiểu được. Quý vị dùng tư duy, suy tưởng, dùng phân biệt, chấp trước, chắc chắn là tà tri tà kiến.
Do điều này biết, người học Phật đáng quý ở chỗ trong mười hai thời (suốt ngày từ sáng đến tối) gìn giữ cái tâm thanh tịnh. Ta muốn gìn giữ, nhưng giữ chẳng được, vọng niệm tự nhiên sanh khởi. Chúng ta dùng phương pháp niệm Phật, Mật Tông dùng phương pháp trì chú, Thiền Tông dùng phương pháp tham cứu, Giáo Hạ dùng phương pháp đọc kinh, dùng những phương pháp ấy để khắc phục vọng niệm của chính mình, khiến cho cái tâm của chính mình có thể đạt tới thanh tịnh; đó gọi là “pháp môn bình đẳng, chẳng hai, chẳng khác”, đạo lý như vậy. Pháp môn thật sự bình đẳng, quý vị dùng phương pháp khác nhau, nhưng đạt tới mục đích hoàn toàn giống nhau. Còn như chọn lựa phương pháp nào thì căn tánh mỗi người mỗi khác, mỗi người có sở thích khác nhau, quý vị thích dùng phương pháp nào, bèn dùng phương pháp ấy, phương pháp chẳng có nhất định. Nhưng quý vị dùng phương pháp nào thì phải dùng đến cùng, chớ nên thường xuyên thay đổi. Thường xuyên thay đổi, công phu chẳng dễ gì đắc lực! Dùng một phương pháp đến cùng thì mới có thể đắc lực, mới có thể sanh ra tác dụng. Tác dụng là khiến cho phân biệt, vọng tưởng, chấp trước của quý vị ngày càng ít đi, trí huệ ngày càng tăng trưởng. Chư vị nhất định phải hiểu đạo lý này. Công phu tu hành chân chánh là ở chỗ nào? Ở ngay trong huấn luyện cái tâm thanh tịnh. Trong pháp môn này gọi là “huấn luyện nhất tâm bất loạn”, đây là công phu chân chánh. Công phu thuận tiện nhất là Phật hiệu, [tức là] chấp trì danh hiệu! Vọng niệm mới vừa sanh khởi, [bèn dùng danh hiệu] A Di Đà Phật để đè nén; trừ một niệm A Di Đà Phật ra, chẳng có niệm thứ hai, quý vị đạt tới nhất tâm bất loạn, đó là công phu chân chánh.
Đương nhiên đối với người sơ học rất khó khăn, vì sao khó khăn? Thành kiến của quý vị rất sâu, ý kiến quá nhiều, chẳng chịu thật thà thực hiện! Vừa mới bảo quý vị niệm kinh thì niệm kinh nhằm mục đích nào? Hai mục đích: Một là nhằm đạt tới mục đích huấn luyện cho cái tâm thanh tịnh, mục đích kia là khiến cho quý vị hiểu biết lý luận, phương pháp và cảnh giới, sau đấy quý vị mới khăng khăng một mực niệm Phật. Niệm kinh nhằm đạt tới hai mục đích trọng yếu ấy. Niệm Phật là “đơn đao trực nhập”, một mục tiêu, một phương hướng, như vậy thì mới có thể niệm thành công, niệm đến công phu thành phiến, niệm đến nhất tâm bất loạn.
Chúng ta đọc đến đoạn kinh văn này, thật sự hết sức cảm khái! Hiện thời, phương pháp học Phật sai lầm, cho nên tu học nhọc nhằn, vất vả, tu thật lâu mà chẳng đạt được kết quả, hết sức đáng tiếc. Nếu hiểu phương pháp, nương theo phương pháp ấy để hành, thưa quý vị, ba tháng sẽ hữu hiệu. Huấn luyện trong ba tháng ấy, tâm của quý vị thanh tịnh rất nhiều. Sáu tháng, quý vị nhất định sanh pháp hỷ, ba năm bèn có thành tựu, khác hẳn! Ba năm, nhân sinh quan và vũ trụ quan của quý vị khác hẳn, khí chất con người biến đổi. Nếu quý vị chẳng chịu làm như vậy, học ba mươi năm vẫn y như cũ, chẳng có biến hóa gì!
Nếu chư vị muốn thật sự thành tựu, chớ nên không chú tâm thấu hiểu lời này; đây là nói lời thật cùng quý vị. Ấn Quang đại sư suốt đời chẳng lừa ai, luôn chân thật. Theo học với Ngài, Ngài khai thị cho quý vị một lượt, bảo quý vị trở về nhà thật thà tu tập suốt một đời. Ngài quyết định chẳng bảo quý vị đến chùa miếu khắp các nơi, hoặc đi khắp nơi nghe kinh, hoặc đến khắp nơi nghiên cứu kinh điển. Ngài bảo quý vị về nhà niệm một quyển kinh, niệm A Di Đà Phật, thật thà tu tập suốt một đời. Nếu quý vị thừa dịp rảnh rỗi đến thăm lão pháp sư, quý vị đọc Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao [sẽ thấy] khi học trò đến gặp Ngài, Ngài quở kẻ đó: “Ngươi chẳng ở nhà thật thà niệm Phật, đến đây để làm gì?” Học trò thưa: “Con đến gặp sư phụ”. [Ngài mắng]: “Sư phụ đã gặp rồi, còn có gì hay ho để xem nữa?” Quở mắng, đuổi về! Khởi lên một niệm đến gặp thầy là suy nghĩ tán loạn. Không ở nhà thật thà niệm Phật, mà lãng phí thời gian, lãng phí tinh lực, lãng phí tiền tài!
Do vậy, mọi người tôn kính pháp sư Ấn Quang, nhưng chẳng có ai
đề xướng. Vì sao? Đề xướng thì chùa miếu chẳng có tín đồ, ai nấy đều về nhà thật thà niệm Phật, dẫu làm pháp hội cũng chẳng có ai đến. Chùa miếu hiện thời phải cậy vào tín đồ cúng dường, nên mọi người “kính nhi viễn chi” pháp sư Ấn Quang, chẳng nhắc đến Ngài. Ngài là người nói lời chân thật, chẳng lừa người. Lôi kéo quý vị thường đến chùa tụ họp, đó là lừa người, chẳng thể có thành tựu, đó là tu một chút phước báo nhân thiên hữu lậu, làm chuyện này mà thôi, chẳng có mảy may liên quan đến Phật pháp, đến “liễu sanh tử, thoát tam giới”, đến vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới! Chư vị nhất định phải nhớ kỹ chuyện này. Nếu quý vị mong trong tương lai sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới thì những lời tôi nói ở đây rất hữu dụng!
(Sao) Chánh minh nhị độ tịnh uế bất đồng, linh hân yếm cố.
(鈔) 正明二土淨穢不同,令忻厭故。
(Sao: Nêu rõ hai cõi tịnh uế khác nhau, khiến [người nghe] ưa thích và chán nhàm).
Ở đây, Ngài nêu ra ý nghĩa này. Hai thế giới hoàn toàn khác nhau, chỗ khác biệt lớn nhất, thưa quý vị, là người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới vô lượng thọ. Thọ mạng của hết thảy chúng sanh trong mười phương các cõi Phật đều có hạn lượng, dẫu dài cách mấy thì vẫn là có hạn lượng. Thọ mạng của chư thiên trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng trong thế giới Sa Bà là tám vạn đại kiếp, vẫn là thọ lượng hữu hạn. Kinh Vô Lượng Thọ nói: Thuở ấy, Thế Tự Tại Vương Như Lai trụ thế bốn mươi hai kiếp, vẫn là thọ lượng hữu hạn. Chỉ riêng nhân dân trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là vô lượng thọ, thật sự vô lượng. Chẳng cần nói tới những chuyện khác, nếu quý vị thật sự hiểu rõ điều này, đương nhiên giữ lấy Tây Phương Cực Lạc thế giới. Ai muốn sanh tử luân hồi? Sanh tử luân hồi vô cùng khổ sở! Quý vị phải thấy rành rẽ hiện tượng luân hồi! Trẻ thơ được sanh ra, đứa bé ấy đến đầu thai là đến [thế giới này]. Khi chết, lại ra đi, [dẫu đến hay đi] đều ở trong luân hồi. Sống sống chết chết, chết chết sống sống, khổ khôn kể xiết, phải giác ngộ điều này!
Quý vị nói quý vị là một người sống rất sung sướng trong thế gian này, quý vị biết mình sung sướng lúc nào? Khi nào quý vị nhận biết sự sung sướng ấy đã qua đi? Thời gian rất ngắn. Coi như thọ mạng của quý vị khá lắm, có thể sống tới tám mươi tuổi, hai mươi năm đầu lo học hành, chẳng có thành tựu gì để nói tới. Hai mươi năm cuối già nua, mắt cũng hoa, tai cũng điếc, răng cũng rụng, chuyện gì cũng đều bất tiện, ngày càng khổ hơn. Tính ra trong bốn mươi năm thuộc khoảng giữa, tối ngủ mất một nửa, còn lại hai mươi năm. Hai mươi năm, quý vị mỗi ngày ăn cơm, làm lụng, nên lại phải trừ đi một nửa, trừ mất mười năm, thọ mạng của quý vị thật sự chỉ có mười năm. Nếu mười năm mà nghiêm túc làm việc thì chỉ sợ lại phải khấu trừ một nửa, quý vị chỉ còn có năm năm. Thời gian để quý vị có thể thật sự dụng công trong một đời, trên thực tế chỉ có năm năm. Coi như quý vị sống đến tám mươi tuổi, trừ qua, bớt lại, cuối cùng chỉ còn năm năm, quý vị phải giác ngộ! Vui ở chỗ nào? Đời người chẳng vui, chỉ có khổ, chẳng có vui sướng gì! Vì ăn, mặc, ở, đi lại mà bươn chải, đối với những gì quý vị đạt được, phải trả một cái giá to lớn cỡ nào thì mới được no ấm?
Quay đầu nhìn lại Tây Phương Cực Lạc thế giới, nếu muốn nhận biết và liễu giải Tây Phương Cực Lạc thế giới, ít nhất quý vị phải đọc Tịnh Độ Ngũ Kinh Độc Bổn từ đầu đến cuối ba lần. Trong tâm quý vị có sự hiểu biết đại khái về Tây Phương Cực Lạc thế giới, mới hiểu chỗ tốt đẹp trong thế giới ấy, chẳng giống như trong thế giới này. Thế giới ấy chẳng có ưu lự, chẳng có vướng mắc, chẳng có phiền não, ăn, mặc, ở, đi lại tự nhiên, không cần phải sắp đặt, lo liệu, không cần quan tâm, tâm quý vị mới có thể vĩnh viễn giữ được sự thanh tịnh quang minh. Người trong thế giới ấy thần thông quảng đại, Thiên Nhãn thấy thấu suốt, Thiên Nhĩ nghe thấu triệt, năng lực của họ do đâu mà có? Vì họ chẳng có phiền não, tâm họ thanh tịnh. Nói thật ra, chúng ta cũng có năng lực ấy, nhưng đã đánh mất. Vì sao đánh mất? Mỗi ngày lo ăn, lo mặc, mỗi ngày bụng dạ đều vướng mắc, chuyện này phiền lắm, khiến cho cái tâm thanh tịnh của chúng ta bị khuấy trộn nháo nhào, khuấy trộn đến nỗi mê hoặc, điên đảo, nên toàn bộ bản năng (năng lực sẵn có) của chính mình bị mất đi!
Nếu quý vị nói thế giới Cực Lạc tốt đẹp, nói thật ra thì là hoàn cảnh sống của họ tốt đẹp. Chúng ta ở trong thế giới này, có khi cuộc sống khổ sở, vẫn phải nghĩ trọn hết phương pháp để di dân, hòng tìm một nơi có cuộc sống tốt đẹp hơn, công việc tốt đẹp hơn, đãi ngộ cao hơn, nghĩ trọn hết mọi phương pháp để đến đó. Sao quý vị chẳng nghĩ tới chuyện về Tây Phương Cực Lạc thế giới? Di dân đến thế giới Cực Lạc mới là người thông minh nhất. Trong thế giới này, chuyển tới đâu đều chẳng sai khác cho lắm, do cộng nghiệp cảm vời mà! Thế giới này chẳng có chỗ tốt đẹp, chỗ tốt đẹp thật sự là ở Tây Phương Cực Lạc thế giới.
“Nhị độ” là thế giới Sa Bà và thế giới Cực Lạc, một là Tịnh Độ, một là uế độ. Nói thật ra, cõi nước chẳng có tịnh hay uế, mà do lòng người có tịnh hay uế. Tâm thanh tịnh cảm vời Tịnh Độ, tâm xấu ác cảm vời uế độ. “Cõi nước” là y báo, y báo chuyển theo chánh báo. Mỗi người trong thế giới Tây Phương đều là tu tâm thanh tịnh vãng sanh, cho nên cõi ấy là thuần tịnh vô uế, chẳng giống các thế giới của mười phương chư Phật do nhiễm nghiệp của chúng sanh cảm vời, là những cõi cảm vời bởi uế nhiễm.
Đối với chúng sanh trong thế giới này, quý vị bảo mọi người tu tâm thanh tịnh, có làm được hay không? Là chuyện chẳng làm được! Mọi người không chịu tu, chúng ta chỉ đành phải di dân. Trừ di dân ra, chẳng có cách nào tốt đẹp để thực hiện, chẳng có biện pháp! Ta mong thanh tịnh, họ không muốn! Ở trong đại vũ trụ này, chỉ có một thế giới vô cùng đặc thù như thế, người tu tâm thanh tịnh trong mười phương thế giới chư Phật đều đến đó. Vì vậy, chúng ta nhất định phải hiểu sự thật chân tướng này. Tiếp theo đây, đại sư nêu ra một sự so sánh nhằm tháo gỡ mối nghi hoặc có thể phát sanh.
(Sao) Vấn: Nghiêu xử mão từ, Cơ gián tượng ngọc, thế gian vương thần, thả sùng tố phác, Tịnh Độ Bồ Tát, hà quý bảo nghiêm?
(鈔) 問:堯處茆茨,箕諫象玉,世間王臣,且崇素樸,淨土菩薩,何貴寶嚴。
(Sao: Hỏi: Vua Nghiêu sống trong lều tranh, Cơ Tử can gián [vua Trụ] đừng dùng chén đĩa bằng ngà, bằng ngọc. Vua tôi trong thế gian còn chuộng đơn giản, chất phác, sao Bồ Tát trong cõi Tịnh Độ lại chuộng những thứ trân bảo trang nghiêm?)
Lời hỏi này rất hay! Vì chúng ta nhìn vào Tây Phương Cực Lạc thế giới, dường như cuộc sống bên ấy quá choáng lộn, quá xa xỉ, quá phú quý. Chúng ta thấy thánh nhân trong thế giới này đều tôn trọng cuộc sống đơn giản, thuần phác, trọn chẳng chú trọng hưởng thụ cuộc sống vật chất, mà chú trọng hưởng thụ cuộc sống tinh thần. Vì thế, nêu ra câu hỏi này hay lắm.
“Nghiêu” là vua Nghiêu. Thuở vua Nghiêu tại thế, suốt đời sống trong lều tranh, đắp đất làm tường, phía trên lợp cỏ tranh. Cung điện của vua Nghiêu lợp bằng cỏ tranh, nên gọi là Mão Từ (茆茨). “Cơ” là Cơ Tử[2], là đại thần của Trụ Vương nhà Ân. Ân Trụ Vương quá chuộng hưởng thụ, chén rượu đều làm bằng vàng, ngọc, ngà voi, hết sức tìm tòi sao cho hoa mỹ, tinh xảo. Cơ Tử can gián, chê hoàng đế quá xa xỉ. Ân Trụ Vương không nghe lời, đuổi Cơ Tử ra khỏi nước. Cơ Tử trốn tới Hàn Quốc, nghe nói người Đại Hàn chính là hậu duệ của Cơ Tử. Do vậy, trong thế gian này, Nghiêu là vua, Cơ Tử là đại thần, vua tôi trong thế gian đều tôn trọng chất phác, đơn sơ. Dường như Phật, Bồ Tát trong Tịnh Độ chẳng bằng các vị vua chúa, đại thần trong thế gian, họ sống cuộc đời lộng lẫy, hoa lệ, xa xỉ như vậy, dường như chẳng phải lẽ! “Hà quý bảo nghiêm” [nghĩa là] sao lại coi trọng những thứ trân bảo trang nghiêm ấy? Liên Trì đại sư giải thích:
(Sao) Đáp: Thử hữu nhị nghĩa.
(鈔) 答:此有二義。
(Sao: Đáp: Ở đây có hai nghĩa).
Trong lời đáp có hai ý nghĩa, một ý nghĩa là…
(Sao) Nhất giả, thượng trí chi sĩ, tri tâm tịnh tắc độ tự tịnh, chánh thắng tắc y tất cường, lý cố hữu nhiên, tâm thật vô trước.
(鈔) 一者,上智之士,知心淨則土自淨,正勝則依必強,理固有然,心實無著。
(Sao: Một là bậc thượng trí, biết tâm tịnh ắt cõi nước tự tịnh, chánh báo thù thắng, ắt y báo mạnh mẽ là lẽ đương nhiên, tâm thật sự chẳng chấp trước).
Trong tâm quyết định chẳng có chấp trước. Đây là nói theo người có trí huệ cao nhất, “thượng trí”, người ấy đã thông đạt, đã hiểu rõ. Tâm đã tịnh, cõi nước nhất định thanh tịnh, y báo quyết định chuyển theo chánh báo. “Chánh thắng” là chánh báo thù thắng, “y tất cường” [nghĩa là] y báo nhất định cũng thù thắng. “Lý cố hữu” [nghĩa là]: Đây là đạo lý đương nhiên! Những sự trang nghiêm bằng bảy báu trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng phải do toan tính. Nói thật thà, vua Nghiêu thuở ấy muốn cất một cái lều tranh vẫn phải trù tính, vẫn phải có sắp đặt, tính toán để thực hiện như thế nào. Tây Phương Cực Lạc thế giới không cần! Chẳng cần thiết! Hết thảy là tự nhiên. Chúng ta ở nơi đây tôn trọng y báo, cảm thấy đó là phú quý khôn sánh. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có ý niệm ấy, phải biết điều này!
“Tâm thật vô trước”, quyết định chẳng có chấp trước. [Sách Diễn Nghĩa giảng]: “Thượng trí chi sĩ, ngộ cảnh duy tâm, tâm bất kiến tâm, vô tướng khả đắc” (Bậc thượng trí ngộ cảnh là duy tâm, tâm chẳng thấy tâm, nên không có tướng gì để đạt được). Vì vậy, trong quan niệm của họ, hết thảy trân bảo trang nghiêm hoàn toàn giống như huyễn hóa. Thật ra, nói thật sự thì cũng là huyễn hóa, vì sao? Hết thảy sự thụ dụng của họ là tùy thuận lòng ưa muốn; ta trụ trong cung điện này, muốn to một chút, nó bèn to hơn một chút; muốn nó nhỏ hơn một chút, nó bèn nhỏ đi một chút, chẳng phải là giống như huyễn hóa ư? Ta nghĩ là màu vàng ròng, sẽ thấy toàn thể biến thành màu vàng ròng. Ta không thích sắc vàng ròng; ta muốn là màu bạc, toàn bộ biến thành màu bạc, chẳng cần phải bận tâm tí nào, chẳng cần phải ra tay! Tâm tưởng gì biến ra đó, đúng là huyễn hóa tạo thành, thuận theo lòng muốn, họ chẳng có chấp trước. Họ cũng chẳng có cách nghĩ hay ý niệm quý, hèn, vì sao? Mỗi người đều thuận theo tâm nguyện của chính mình mà biến hóa thành tựu. Nhưng phàm phu chúng ta chẳng như vậy, những điều được giảng trong kinh là do Thích Ca Mâu Ni Phật vì bọn phàm phu chúng ta mà nói. Phàm phu có phân biệt, có chấp trước, chẳng biết hết thảy các pháp “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, chẳng biết y báo chuyển theo chánh báo, họ chẳng biết! Vì vậy, họ chỗ nào cũng chấp trước! Chấp tướng? Được rồi! Đối với hai tướng ấy, [phàm phu] bèn có phân biệt, liền chọn lựa, như vậy thì để cho họ hoan hỷ lìa bỏ thế giới Sa Bà, cầu lấy thế giới Cực Lạc. Đây là dụng ý thuyết pháp của đức Phật, chẳng phải nói với người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, mà là để nói với chúng ta!
(Sao) Dụ như Thuấn tại khuyển mẫu, cung hà lê sừ, nhất thừa
Nghiêu thiện, cảnh tất miện lưu, bất kỳ tự biện, Thuấn hà nhạo yên?
(鈔) 喻如舜在畎畝,躬荷犁鋤,一承堯禪,警蹕冕旒,不期自辦,舜何樂焉。
(Sao: Ví như vua Thuấn ở chốn rẫy bái, khiêng vác cày cuốc, một khi được vua Nghiêu nhường ngôi, ra vào có kẻ canh gác, dẹp đường, đội mũ miện rủ tua ngọc, chẳng mong tự đạt được, vua Thuấn há có ham thích gì!)
Lão nhân gia nêu ra so sánh cũng vô cùng hay! Vua Nghiêu tuổi đã già, muốn truyền lại ngôi vua phải tìm một người tốt đẹp, tìm một người thật sự hiền năng. Đến đâu để tìm? Đi thăm dò khắp nơi! Thời cổ tìm hiền nhân là tìm người như thế nào? Tìm người hiếu thuận, chẳng cần xét gì khác, người ấy có thể hiếu thuận thì nhất định là người tốt. Tại Trung Quốc, từ đời Hán trở về sau; nói thật ra, cũng thực hành chuyện tuyển cử. Từ xưa đến nay, coi trọng tuyển cử, nhưng tuyển cử không nhất định là do dân chúng tuyển cử, mà do quốc vương, đại thần đi khắp nơi thăm dò để tuyển chọn, đề bạt người hiền, gọi là “cử hiếu liêm”. Cử (舉) là tuyển cử, tiến cử kẻ ấy. Người như thế nào? Hiếu liêm, liêm (廉) là liêm khiết. Người liêm khiết tuyệt đối chẳng tham ô, dẫu cuộc sống khổ sở, cũng chẳng đòi hỏi người khác một đồng nào! Người như vậy thay dân chúng làm việc mới là công chánh, nghiêm minh. Tuyển cử người như vậy.
Quan lại địa phương trước đây là tri huyện, tri phủ, giống như hiện thời chúng ta gọi là huyện thị trưởng, điều thứ nhất trong thành tích chánh trường của ông ta là vì quốc gia tiến cử, đề cử nhân tài. Tuyển chọn, đề bạt nhân tài, quốc gia có ban thưởng, [điều ấy được gọi là] “tiến hiền thọ thượng thưởng” (đề cử người hiền tưởng thưởng trọng hậu). Vinh dự cao nhất của đất nước ban thưởng cho ai? Thưởng cho người thay quốc gia đề bạt nhân tài. Người làm huyện thị trưởng, thường ra ngoài thăm dò, con cái nhà nào hiếu thuận, bèn chọn lấy, dùng kinh phí của quốc gia để lo cho nó học hành, vun bồi nó. Nếu gia cảnh nó thanh bần, quốc gia sẽ bù đắp. Cổ nhân thường nói: “Trung thần xuất thân từ hiếu tử”. Người có thể hiếu thuận cha mẹ, sẽ chẳng làm chuyện xấu. Làm chuyện xấu sợ có lỗi với cha mẹ. Vì thế, trong nền giáo dục xưa kia, mọi người có quan niệm “vinh tông diệu tổ” (rạng mày nở mặt tổ tiên), hành vi của ta trong suốt một đời luôn có thể làm cho cha mẹ, tổ tiên tăng thêm vinh dự, chẳng khiến cho tổ tiên, cha mẹ mất mặt. Hễ nghe nói kẻ nào đó làm chuyện xấu, hắn là con cái của người nào đó, cha mẹ kẻ ấy lắm nỗi sượng sùng! Vì thế, con cái ở bên ngoài quyết định chẳng dám làm sai, làm quấy. Quốc gia tuyển cử lấy điều này làm tiêu chuẩn; hiện thời, tiêu chuẩn tuyển cử chẳng còn nữa.
Vua Thuấn là bậc đại hiếu. Người Hoa hễ nói đến hiếu đạo, nhất định là nói đến vua Thuấn. Quý vị đọc Sử Ký thấy có ghi chép [tiểu truyện của vua Thuấn]. Thiên thứ nhất trong bộ Lịch Sử Cảm Ứng Thống Ký là truyện vua Thuấn. Ông ta là người thật sự hiếu thuận, đã thật sự thực hiện được chữ “thuận”. Ông ta sống trong hoàn cảnh gia đình hết sức khổ sở. Mẹ ruột ông ta mất rất sớm. Cha cưới dì ghẻ, dì ghẻ ngược đãi vua Thuấn. Cha vua Thuấn lại nghe lời dì ghẻ, điều này rất khó chịu đựng. Dì ghẻ lại sanh con trai, đương nhiên yêu thương con đẻ, coi con vợ trước như đầy tớ, dùng đủ mọi cách ngược đãi vua Thuấn. Ngược đãi vẫn chưa đủ, còn toan nghĩ cách hại chết ông ta. Vua Thuấn rất thông minh, biết họ dùng kế gì. Dì ghẻ muốn đẩy ông ta xuống giếng để dìm cho chết, vua Thuấn đã sớm khoét một cái ngách bên giếng, khoét lối thông ra ngoài. Quả nhiên, có một hôm họ đẩy ông ta xuống giếng, ông ta theo lối ngách thoát ra. Do ông ta đã sắp đặt dự phòng trước, nên giữ được tánh mạng. Cha, mẹ, anh em ngược đãi như vậy, nhưng ông ta chưa hề nói xấu họ một lời nào, luôn nói họ tốt đẹp, luôn bảo chính mình sai trái, [luôn tự vấn] vì sao chính mình chẳng thể khiến cho cha mẹ vui lòng, luôn luôn quay lại tự trách chính mình. Đến cuối cùng, cha mẹ ông ta bị cảm động, cả một nhà bị ông ta cảm động.
Vua Nghiêu nghe kể chuyện người ấy, tuyệt quá! Nếu người ấy làm vua, dân chúng cả nước sẽ đều được ông ta cảm hóa. Do vậy, vua Nghiêu cho vời ông Thuấn đến, gả hai cô con gái cho. Ông Thuấn cũng chẳng ngờ từ một kẻ bình dân, là một nông phu ở chốn ruộng nương, bỗng nhiên làm hoàng đế, nghĩ cách nào cũng chẳng nghĩ ra được. Đang vác cuốc trên đồng, vừa được vua Nghiêu nhường ngôi vua, “cảnh tất, miện lưu” (ra vào có kẻ canh gác, dẹp đường, đội mũ miện rủ tua ngọc)[3] là nói đến sự tôn nghiêm của đế vương. “Bất kỳ tự biện” [nghĩa là] chẳng phải do chính ông ta mong mỏi đạt được, mà là chuyện tự xảy đến, chẳng phải là điều ông ta mong cầu, chẳng có ý niệm ấy! “Thuấn hà nhạo yên?”: Vua Thuấn có ưa thích hay không? Vua Thuấn chẳng ham! Vì sao chẳng ham? Biết trách nhiệm quá to lớn, nặng nề, ông ta phải trọn hết sức làm tốt công việc, há còn tâm tình gì để hưởng lạc? Chẳng có! Niệm niệm suy tưởng làm thế nào để cai trị đất nước cho tốt đẹp, làm thế nào để dân chúng sống tốt đẹp. Đúng là hy sinh, dâng hiến, há có gì để hưởng lạc ư?
Thời cổ, những vị quan tham chánh trong đất nước, từ trưởng quan địa phương cho đến nguyên thủ quốc gia mang tâm thái gì? Thật sự vì dân chúng phục vụ, mang tâm thái ấy. Thường nói là “học nhi ưu tắc sĩ”, [nghĩa là] học vấn và đạo đức đều đã thành tựu rồi mới ra làm quan. Làm quan có phải là chính mình muốn ra làm hay không? Chẳng phải, nhất định là do người khác mời quý vị ra. [Do họ] thành tâm thành ý mời, nên nể tình, chẳng thể không ra. Gia Cát Lượng cũng là một người làm ruộng, đọc sách, Lưu Bị ba lượt đến thỉnh, thấy tâm ông ta rất chân thành, nên nể tình phải ra. Quý vị đọc Tam Quốc Chí, thấy khi Gia Cát Lượng sắp ra đi, bảo em trai: “Ta đi giúp Lưu tướng quân đôi chút, em hãy trông nom nhà cửa cẩn thận, ta sẽ trở về rất nhanh”. Lòng người ta đâu muốn làm quan! Đi giúp họ Lưu, khi giúp xong liền vội vã trở về, chẳng muốn làm nữa, từ chức! Tuyệt đối chẳng giống như hiện thời, “ta ngon lành cỡ nào, các ngươi phải chọn ta làm quan chức này nọ!” [Xưa kia] chẳng có, chẳng thể nào có chuyện ấy, dẫu được thỉnh vẫn bất động! Vì sao? Không làm quan thật là sung sướng! Hưởng an vui là dân chúng hưởng an vui, người giữ chức vị khổ sở phục vụ nhọc nhằn để chúng ta hưởng thụ, họ tạo phước, dân chúng hưởng phước! Đó là chuyện xưa kia, đương nhiên cũng có lúc hủ hóa, nhưng vẫn có chừng hạn… Chính mình bỏ mất những thứ tốt đẹp của Trung Quốc, học lấy những thứ trời ơi đất hỡi của ngoại quốc, nên chúng ta mới chịu tội, mới bị khổ sở!
Trước kia, tôi theo tiên sinh Phương Đông Mỹ, thầy Phương thường hết sức ca ngợi chế độ nhà Châu. Hiến pháp nhà Châu gọi là Châu Quan, còn gọi là Châu Lễ. Châu Lễ do Châu Công soạn ra, tức là lý tưởng trị quốc (cai trị đất nước) của ông ta. Thầy Phương nói nếu con cháu đời sau của nhà Châu đều có thể làm theo pháp điển ấy, chỉ sợ cho tới hiện thời [vương triều cai trị Trung Hoa] vẫn là nhà Châu, chẳng bị vong quốc! Cụ nói bộ pháp điển ấy, hiến pháp của bất luận quốc gia hay dân tộc nào trên cả thế giới đều chẳng có cách nào sánh bằng! Lúc ấy, thầy bảo tôi xem, tôi mua một bộ nhưng chưa đọc. Sau này học Phật, căn bản là chẳng xem tới sách ấy. Khi tôi theo thầy, tôi còn chưa học Phật, thầy khuyên tôi đọc sách ấy, bảo sách ấy vô cùng hay. Thầy hết sức tán thán, nói lời ấy với tôi tối thiểu mười mấy lượt. Thầy hết sức tôn sùng chế độ nhà Châu, coi đó là một pháp điển tốt nhất thế giới, là nguyên lý và nguyên tắc để trị quốc, bình thiên hạ. Từ đời Hán trở đi, tuyển cử ở Trung Quốc là chức trách của quan lại địa phương, nên điều trọng yếu nhất trong thành tích chánh trị của quan lại địa phương là tuyển cử, đề bạt nhân tài cho quốc gia. Điều này được thực hiện mãi cho đến đời Mãn Thanh, quý vị thấy nó có sức ảnh hưởng to lắm! Gần như [kéo dài] đến hai ngàn năm!
(Sao) Cố viết hữu thiên hạ nhi bất dữ dã.
(鈔) 故曰有天下而不與也。
(Sao: Vì thế nói: “Có thiên hạ mà chẳng màng”).
Cho nên mới có một câu nói như thế! “Có” tức là tại vị, đang ở địa vị làm vua một nước, đó là “có thiên hạ”, nói theo cách hiện thời là “có chánh quyền”. Có chánh quyền bèn giống như người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, tâm thật sự chẳng chấp trước! Tâm địa người ấy thanh tịnh, trọn chẳng coi đó là chuyện nở mày nở mặt, trọn chẳng coi đó là điều để hưởng thụ. Người ấy ở vị trí đó, biết mưu cầu hạnh phúc cho hết thảy chúng sanh. Do vậy, Phật, Bồ Tát ở địa vị Phật, Bồ Tát, trách nhiệm của các Ngài là phải phổ độ hết thảy chúng sanh, hy vọng hết thảy chúng sanh đều khai ngộ, ai nấy đều thành Phật. Vì Phật pháp là sư đạo; Phật, Bồ Tát có thân phận là thầy, đã là thân phận thầy thì phải dạy học. Do vậy, chẳng có một vị Phật, Bồ Tát nào chẳng giảng kinh, hoằng pháp; chẳng có! Tìm không ra! A La Hán có vị chẳng giảng kinh, thuyết pháp, nhưng Bồ Tát chẳng vậy, nhất định là giảng kinh, hoằng pháp. Dẫu chẳng chánh thức giảng kinh, hoằng pháp, Ngài cũng hộ trì đạo tràng giảng kinh, hoằng pháp. Giống như trong một trường học, lên lớp trong nhà trường là giáo viên, không lên lớp là các nhân viên, [những nhân viên ấy] cũng chẳng thể khuyết thiếu! Chẳng có các nhân viên, ai lo công chuyện? Bởi lẽ, cần có người lo liệu công việc!
Quý vị ai nấy đều làm giáo viên, có khi Bồ Tát cũng làm nhân viên. Xưa kia, chùa Quốc Thanh núi Thiên Thai, mọi người đều dốc hết tánh mạng dụng công tu học, rốt cuộc là chân học hay giả học, chẳng biết! Cho dù là giả vờ học, vẫn khiến cho A Di Đà Phật, Văn Thù Bồ Tát, và Phổ Hiền Bồ Tát đến làm lụng trong chùa. A Di Đà Phật ở hậu viện giã gạo cúng dường đại chúng, làm việc lao dịch. Văn Thù và Phổ Hiền nấu cơm trong nhà bếp. Văn Thù, Phổ Hiền là Hàn Sơn, Thập Đắc, A Di Đà Phật là hòa thượng Phong Can. Chân tướng cũng do chính các Ngài bộc lộ. Quan đứng đầu địa phương là Lư Thứ Sử đến nhận chức, nửa đường bị bệnh nặng, rất nhiều thầy thuốc đều bó tay, ngài Phong Can đến chữa bệnh cho ông ta. Sau khi chữa khỏi, ông Lư hỏi Sư: “Pháp sư, thầy ở nơi đâu?” Sư đáp: “Tôi ở chùa Quốc Thanh núi Thiên Thai”, ông Lư nói: “Đó là nơi ta cai trị”. Ông ta là trưởng quan của địa phương, quản hạt khu vực ấy, liền thỉnh giáo Sư: “Trong chùa của thầy có cao tăng hay không?” “Có! Hàn Sơn là Văn Thù Bồ Tát, Thập Đắc là Phổ Hiền Bồ Tát”.
Ông ta vừa đến nhiệm sở, ngày hôm sau liền vội vã đến chùa Quốc Thanh bái phỏng hai vị Bồ Tát. Đến chùa Quốc Thanh liền hỏi Văn Thù và Phổ Hiền, mọi người chẳng biết Văn Thù và Phổ Hiền là ai? Lại hỏi đến Hàn Sơn và Thập Đắc, họ nghĩ cả nửa ngày [cũng không biết là ai]! Có hai người điên điên, khùng khùng nhóm lửa trong nhà bếp, một gã là Hàn Sơn, gã kia tên là Thập Đắc. Ông ta đến đó, vừa gặp mặt liền sụp lạy. Hai người ấy chẳng màng đến ông ta, vội vã bỏ chạy ngay, ông ta đuổi theo sau. Đuổi tới một quả núi, núi ấy liền tách ra, hai người bọn họ bước vào đó, quay lại nói: “Di Đà lắm mồm”. “Lắm mồm” tức là đã nói toạc bí mật của bọn họ. Ông Lư mới biết Phong Can là A Di Đà Phật. Bọn họ vừa bước vào, núi bèn khép lại, chẳng thấy người đâu nữa! Sau đó, [ông Lư] đi tìm Phong Can, nhưng Phong Can cũng không thấy. Vì thế mới biết A Di Đà Phật, Văn Thù, Phổ Hiền làm việc nặng phục vụ mọi người, chuyện người ta không muốn làm, Phật, Bồ Tát bèn đến làm. Do vậy, Phật, Bồ Tát chẳng giảng kinh, thuyết pháp, bèn làm việc nặng nề hòng cúng dường đại chúng, đều là làm khuôn mẫu, nêu gương cho chúng ta thấy. Chúng ta thấy những chuyện ấy chẳng muốn làm, Phật, Bồ Tát chịu làm. Đó là giải thích mười phần cụ thể câu “có thiên hạ mà chẳng màng”.
Đây là ý nghĩa thứ nhất, nêu rõ bọn họ đạt được tự nhiên, quyết định chẳng có tâm [mong cầu, toan tính], quyết định chẳng hưởng lạc, hễ có vui sướng thì trật mất rồi. Hai bên khổ và lạc đều bỏ, tâm người ấy là thanh tịnh, tâm chẳng mê, tâm đầy ắp trí huệ, chúng ta phải hiểu điều này. Ý nghĩa thứ hai là “khúc vị độn căn phàm phu” (chiều theo phàm phu độn căn), tức là vì chúng ta mà nói. Hôm nay đã hết thời gian rồi,
chúng tôi giảng tới đây.
[1] Đan Khâu là một địa phương trong truyền thuyết, là nơi thần tiên ở, thường sáng bừng, chẳng bao giờ tối tăm. Danh xưng này xuất hiện lần đầu tiên trong bài Viễn Du của bộ Sở Từ: “Nhưng vũ nhân ư Đan Khâu hề, lưu bất tử chi cựu hương” (người mặc áo lông (thần tiên) ở chốn Đan Khâu, ở chốn quê nhà bất tử).
[2] Cơ Tử, họ Tử, tên Tư Dư, thuộc hoàng tộc nhà Ân Thương, là con của Văn Đinh, em trai của Đế Ất, tức là chú của Trụ Vương (vua Trụ có thụy hiệu là Đế Tân, tên là Tử Thọ. Trụ Vương là thụy hiệu do nhà Châu đặt cho ông sau khi diệt nhà Ân). Cơ Tử giữ chức Thái Sư, được phong ở đất Cơ (nay là huyện Thái Cốc và Du Xã, tỉnh Sơn Tây), nên sử sách thường gọi ông là Cơ Tử. Theo Sử Ký, khi can gián, ông từng bị Trụ Vương giam giữ mãi cho đến khi Châu Văn Vương diệt Trụ mới được thả. Ông cùng với Vi Tử và Tỷ Can được người đời xưng tụng là Ân Đại Tam Nhân (ba vị nhân từ đời Ân), nhưng dã sử thường chép ông bị đuổi khỏi nước, bèn sang đất Cổ Triều Tiên (nay là vùng Mãn Châu và bờ Nam sông Áp Lục), trở thành thủy tổ của cổ vương quốc Cao Cú Ly. Người Đại Hàn cũng tin như vậy, nhưng điều này vẫn còn đang trong vòng tranh luận, vì Triều Tiên thời cổ không bao gồm địa bàn của Hàn Quốc hiện thời.
[3] “Cảnh tất” nói đầy đủ là “xuất cảnh, nhập tất” (出警入蹕). Đây là một thành ngữ diễn tả sự phòng vệ và tỏ rõ sự tôn nghiêm của hoàng đế khi ra vào. “Cảnh” là trước khi vua đến cũng như trong khi vua đi đường, các thị vệ phải lục soát, cảnh giới nghiêm ngặt chung quanh để ngăn ngừa thích khách. “Tất” là dẹp đường hòng ngăn xa giá khỏi bị ngăn trở, dân chúng hoặc những kẻ vô phận sự phải nép vào bên lề.