#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 163
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm năm mươi mốt:
(Sao) Tấn Căn giả, ký tín thử lý, cần cầu bất tức, thị danh vi Tấn.
(鈔) 進根者,既信此理,勤求不息,是名為進。
(Sao: Tấn Căn là đã tin lý này, siêng cầu chẳng dứt, bèn gọi là Tấn).
“Tấn” (進) nghĩa là cầu tiến bộ, chẳng thoái chuyển. Lời chú giải căn cứ trên những điều được nói trong Duy Thức Luận.
(Diễn) Tấn giả, ư thiện ác phẩm tu đoạn sự trung, dũng hãn vi
tánh, đối trị giải đãi, mãn thiện vi nghiệp.
(演) 進者,於善惡品修斷事中勇悍為性,對治懈怠,
滿善為業。
(Diễn: Tấn là trong các sự tu tập nhằm đoạn các thứ thiện ác, dùng sự mạnh mẽ, can đảm làm tánh để đối trị giải đãi, chú trọng viên mãn các điều thiện).
Chúng ta có thể thấy Tấn được định nghĩa rất rõ rệt: Tấn là đối nghịch với giải đãi. Chẳng cầu tiến bộ, sẽ bị thoái chuyển, sẽ giải đãi, biếng nhác. Đối với Tín đã giảng trong phần trước, nếu có thể thật sự tin tưởng chuyện này, người ấy sẽ tự nhiên dũng mãnh, tinh tấn.
Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần, nói chung là Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm chính là cương lãnh tu học của toàn thể Đại Thừa Phật pháp, đều có thể áp dụng cho bất cứ pháp môn nào. Thí dụ như Ba Mươi Bảy Phẩm được dùng trong nhà Thiền có cách giảng hoàn toàn khác với Tịnh Độ. Giáo Hạ như Thiên Thai, Hiền Thủ, Tam Luận, Pháp Tướng, mỗi tông đều có cách giải thích riêng, danh xưng hoàn toàn giống nhau, nhưng giải thích khác nhau. Ba Mươi Bảy Phẩm giống như một công thức được ứng dụng vô cùng sống động. Vận dụng vào Tịnh Độ, Ba Mươi Bảy Phẩm chẳng dùng cách nói ấy, [cách giảng giải được sử dụng] trong lời chú giải là cách nói của tông Pháp Tướng. Áp dụng vào Tịnh Độ Tông, Tín là điều thứ nhất trong ba tư lương, nhất định phải tin sâu chẳng nghi y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Tịnh Độ. Quý vị có thể thật sự tin sâu, tự nhiên sẽ nỗ lực niệm Phật, sẽ có thể tinh tấn.
Tinh tấn sanh từ nơi đâu? Sanh từ Tín Căn. Cư sĩ Châu Quảng Đại ở Washington DC vãng sanh, người ta niệm Phật ba ngày liền thấy Tây Phương Tam Thánh đến tiếp dẫn. Vài hôm trước, còn có một đồng tu kể cho tôi nghe một chuyện, ông ta nói: Có một phạm nhân lãnh án tử hình, tự biết mình đã bị phán tội tử hình, bèn ở trong tù chuyên niệm A Di Đà Phật, cũng chẳng biết đã niệm bao lâu. Trước khi bị đưa đi xử bắn, lão nhân gia bèn tọa hóa, ngồi xếp bằng vãng sanh trong ngục. Đấy là tâm sanh tử thiết tha, chẳng còn có hy vọng nào khác, chẳng hy vọng điều gì khác, chỉ có niềm hy vọng này, khẩn thiết niệm Phật, chẳng có ai không thành công. Chuyện này đích xác là có thể xảy ra. Chúng ta thấy Vãng Sanh Truyện có chép pháp sư Oánh Kha đời Tống niệm Phật ba ngày ba đêm bèn cảm A Di Đà Phật hiện đến. A Di Đà Phật ước hẹn ba ngày sau sẽ đến tiếp dẫn Sư vãng sanh, quả nhiên chẳng sai. Sư ra đi, cũng chẳng ngã bệnh. Vấn đề tùy thuộc bản thân chúng ta có tin tưởng hay không!
Lũ phàm nhân chúng ta niệm Phật hiệu chẳng chuyên cần, nói thật ra là do tham luyến thế gian này, nên chẳng niệm tốt đẹp. Chúng ta thấy những người ấy tự tại vãng sanh dường ấy, thậm chí kẻ lãnh án tử hình cũng tự tại vãng sanh, chẳng có nguyên nhân nào khác: Tâm sanh tử thiết tha, chẳng lưu luyến thế gian này! Cư sĩ Châu Quảng Đại [niệm Phật] ba ngày vãng sanh cũng là như thế, tuy ông ta biết chính mình bệnh rất nặng, cũng chẳng thể cứu chữa, trọn chẳng mong cầu phép lạ xuất hiện, cũng chẳng mong lành bệnh, mà cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc. Một niệm ấy thúc đẩy ông ta chuyên ròng niệm Phật, đó là Tín Căn. Không chỉ là Tín Căn, mà lòng tin ấy còn sanh ra sức mạnh rất lớn. Từ Ngũ Căn cho đến Ngũ Lực, ông ta có sức mạnh ấy, nên có thụy tướng tốt đẹp ngần ấy. Niệm Căn là trong tâm niệm niệm chẳng quên chuyện ấy.
(Sao) Ký cầu thử lý, niệm tư tại tư, minh ký bất vong, thị danh vi Niệm.
(鈔) 既求此理,念茲在玆,明記不忘,是名為念。
(Sao: Đã cầu lý ấy, niệm tại đâu, nghĩ tại đó, nhớ rõ chẳng quên, bèn gọi là Niệm).
Chúng ta sống trong thế gian này, rốt cuộc vì lẽ gì? Rốt cuộc, cả đời này có ý nghĩa gì? Có giá trị gì? Điều này rất đáng khiến cho chúng ta phản tỉnh. Qua kinh điển, đức Phật dạy chúng ta, nhân sinh là chuyện như thế nào? Kinh Phật nói một câu chẳng dễ nghe là “nhân sanh thù nghiệp” (đời người nhằm đền trả nghiệp), “thù” là “báo thù” (報酬: đền đáp, báo đáp). Trong quá khứ, quý vị đã tạo nghiệp, hiện tại đáng nên thọ báo. Nói cách khác, một đời người để làm gì? Đến chịu đựng báo ứng! Trong quá khứ, quý vị tạo thiện nhân, đời này báo ứng tốt đẹp, nên mới hưởng sự báo ứng tốt đẹp. Trong đời quá khứ làm điều bất thiện, bèn hứng chịu quả báo chẳng tốt lành! Con người sanh trong thế gian chẳng có gì khác! Nhằm chịu báo! Mấy ai có thể giác ngộ?
Chẳng gặp Phật pháp, nhất là chẳng gặp pháp môn này, xác thực là đời người nhằm đền trả nghiệp, chẳng có một tí biện pháp nào! Mạng của mỗi người đều đã được định sẵn, ai cũng đều chẳng thể trốn tránh vận mạng. Chư vị xem Liễu Phàm Tứ Huấn, số mạng suốt đời của Viên Liễu Phàm đã được định sẵn, số mạng một đời của mỗi người chúng ta cũng đều đã định sẵn, đó gọi là “một miếng ăn, một hớp uống, không gì chẳng được định trước”, đều đã được định sẵn, chẳng có ai là ngoại lệ. Nếu quý vị gặp một thầy bói thật sự cao minh, ông ta cũng biết rõ ràng. Nếu không hiểu đạo lý Phật pháp, sẽ chẳng có cách nào sửa đổi vận mạng. Được rồi! Ta hiểu đạo lý Phật pháp đôi chút, đoạn ác, tu thiện, sửa đổi vận mạng của chính mình, bất quá là lại tạo một chút nhân lành, khiến cho vận mạng lại chuyển thành tốt hơn một chút, quả báo lại tốt đẹp hơn một chút. Nói cách khác, vẫn chẳng thoát khỏi nhân duyên quả báo! Câu nói “nhân sanh thù nghiệp” của Phật đã định sẵn cho quý vị. Nếu chúng ta thật sự liễu giải ý nghĩa bao hàm trong ấy, đích xác là một sự cảnh tỉnh to lớn: Đời người chẳng có ý nghĩa, chẳng có giá trị! Vì vậy, tổ sư bảo chúng ta phải nhàm lìa Sa Bà, [vì] sanh trong Sa Bà là để đền trả nghiệp! Sau khi quý vị đã giác ngộ, hãy nên nhàm lìa thế giới Sa Bà. Nếu có thể buông bỏ, hãy nhất tâm nhất ý cầu sanh Tịnh Độ, đó là người thật sự thông minh, triệt để giác ngộ.
Tạm thời vẫn chưa muốn ra đi, nói thật ra là do hai nguyên nhân. Thứ nhất là do công phu chưa thành tựu, nên chẳng đi được. Đó là chuyện không thể làm gì khác được, phải nỗ lực, phải nghiêm túc tu học. Một loại khác là đã tu thành, có thể đi, nhưng chẳng đi, đây là đại từ đại bi thả chiếc bè Từ. Người ấy có năng lực ra đi, nhưng chẳng đi, vẫn trụ thêm mấy năm, do nguyên nhân nào? Chẳng phải là do tham luyến thế gian này, mà là hy vọng giới thiệu pháp môn này với mấy người nữa, giúp thêm mấy người cùng vãng sanh. Đó là Bồ Tát phát tâm, chẳng cần chờ đến sau khi ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ trở lại độ chúng sanh, không cần! Ta có thể ra đi, nhưng không đi, đó là “thả chiếc bè Từ”, [cuộc sống của người ấy] có giá trị, có ý nghĩa. Trừ những trường hợp ấy ra, tôi thật sự nghĩ đời người chẳng có giá trị hay ý nghĩa gì! Do đó, đối với những đạo lý, những sự thật được nói trong kinh điển, y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới, những vị đại đức thuộc nhiều thế hệ đã nương theo pháp môn này tu học, quý vị thấy đó: Ai nấy đều thành tựu. Chúng ta phải lưu tâm chuyện này; trừ điều này ra, chẳng có gì liên quan đến chúng ta.
Sáng nay có mấy vị pháp sư từ núi Sư Đầu[1] đến thăm, hỏi tôi mấy chuyện ngoài chuyện niệm Phật, họ hỏi: “Thưa pháp sư! Đối với cách nói của những vị pháp sư nào đó, thầy có cách nhìn như thế nào?” Tôi chắp tay: “A Di Đà Phật, tôi chẳng có cách nhìn chi hết!” Vì sao? Chẳng liên quan gì đến tôi! Chúng ta vẫn phải chia trí quan tâm pháp sư này, pháp sư nọ, phương pháp tu hành này, phương pháp tu hành nọ, thì nói thật thà, chúng ta chẳng khéo niệm Phật, trong tâm vẫn còn xen tạp những thứ lộn xộn, tâm chúng ta làm sao có thể thanh tịnh cho được? Điều quan trọng nhất trong pháp môn này là không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, há có tâm tư quan tâm tới chuyện của kẻ khác? Những chuyện ấy về căn bản là chẳng dính líu gì đến chúng ta, nên tôi khuyên họ hãy thật thà niệm Phật. Niệm y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới; đó là chánh niệm. Niệm những chuyện khác đều là vọng niệm, đều là tạp niệm, gây chướng ngại rất lớn cho người tu Tịnh nghiệp chúng ta.
(Sao) Định Căn giả, ký niệm thử lý, hệ duyên nhất cảnh, tương ứng bất tán, thị danh vi Định.
(鈔) 定根者,既念此理,繫緣一境,相應不散,是名為定。
(Sao: Định Căn là đã niệm lý ấy, duyên chắc chắn nơi một cảnh, tương ứng chẳng tán loạn thì gọi là Định).
Chúng ta quy nạp toàn bộ vào Tịnh Độ để nói thì tâm định nơi A Di Đà Phật, định nơi Tây Phương Cực Lạc thế giới, suốt đời quyết định tu học pháp môn này. Ngoài pháp môn do chính mình chuyên tu ra, đối với hết thảy các pháp môn do đức Phật đã nói, chúng ta cung kính, tán thán; đó là đúng. Đối với hết thảy các pháp môn “bất văn, bất thính”, “bất văn” là ta không nghe. Những kinh điển thuộc các pháp môn khác ta chẳng xem, mà cũng chẳng nghe, cũng chẳng hỏi tới. Ta chẳng có câu hỏi gì. Ta niệm A Di Đà Phật, há còn có thắc mắc gì? Chẳng có thắc mắc gì, thái độ ấy là đúng. Tâm chúng ta thanh tịnh. Đức Phật nói vô lượng vô biên pháp môn, chúng ta thảy đều nên cung kính, ai thích tu pháp môn nào cũng đều được cả! Chẳng có thứ gì không tốt đẹp! Tuyệt đối chớ nên nói: “Quý vị chẳng tu pháp môn Tịnh Độ, chẳng tốt”! Chớ nên dấy lên ý niệm ấy, ai nấy có nhân duyên riêng.
Chúng ta biết pháp môn này tốt đẹp, nhưng còn có rất nhiều kẻ coi thường pháp môn này, đó là chuyện của họ, chẳng liên quan gì đến chúng ta! Chúng ta tu học pháp môn này, đừng nói là trước kia, ngay trong thời cận đại, chúng ta đã thấy bao nhiêu người thật sự nương theo pháp môn này vãng sanh, có thụy tướng rất tốt lành, biết trước lúc mất, có người đứng vãng sanh, có người nằm vãng sanh, chẳng bị bệnh khổ, biết chính mình sẽ vãng sanh lúc nào, những trường hợp như vậy đều là chứng cớ rành rành. Những pháp môn khác tuy hay, hay đến mức độ nào, chúng ta cũng không biết, cũng chẳng hỏi tới, mà cũng chẳng nghiên cứu; nhưng tối thiểu là những gương thành tựu của họ chẳng nhiều, chẳng phổ biến bằng pháp môn này! Chúng ta biết học pháp môn này là thích hợp, tu những pháp môn khác có thể sẽ chẳng thể thành tựu trong một đời này. Cổ đức thường nói các pháp môn khác là “đạo khó hành”, pháp môn này là “đạo dễ hành”.
Ngày hôm qua, tôi có nói với các vị đồng tu, tôi nói về Quán Âm Tam Kinh của Quán Thế Âm Bồ Tát, chẳng đơn giản đâu nhé! Trong kinh Hoa Nghiêm, Quán Thế Âm Bồ Tát đại diện các vị Bồ Tát thuộc địa vị Đệ Thất Hồi Hướng trong Viên Giáo. Căn cơ đối ứng với kinh Hoa Nghiêm, tức đối tượng giáo học [của bộ kinh ấy] là bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại Sĩ, chúng ta chẳng có phần! Trong chương Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm, quý vị thấy “phản văn, văn tự tánh” (xoay cái nghe để nghe tự tánh), cách xoay lại là như thế nào? Xoay lại từ chỗ nào? Thật vậy! Dẫu kinh ấy giảng rõ ràng cách mấy, tôi thấy vẫn chẳng tìm được cửa để vào, chẳng có cách nào, chẳng dễ dàng! Phẩm Phổ Môn lại càng chẳng cần phải nói nữa! Phẩm Phổ Môn là Quán Âm Bồ Tát đã thành tựu, đại từ đại bi giáo hóa chúng sanh. Quý vị bèn hiểu đối tượng giáo học của những bộ Đại Kinh rất nhỏ hẹp, đích xác là bậc thượng căn lợi trí mới có phần, kẻ bình phàm chẳng có phần!
Chỉ riêng pháp môn này nhiếp thọ căn cơ rộng lớn, đáng gọi là “thích hợp khắp ba căn, lợi căn lẫn độn căn đều hoàn toàn thâu nhiếp”. Dẫu tạo Ngũ Nghịch, Thập Ác, chỉ cần quý vị giác ngộ, chịu quay đầu, vẫn được vãng sanh y hệt! Quý vị chớ nên nghĩ “ta tạo nghiệp rất nặng, chắc là phẩm vị vãng sanh rất thấp, chỉ sợ là hạ hạ phẩm hạ sanh”, chưa chắc! Quý vị thấy phạm nhân can án tử hình luôn tạo tội nghiệp, bị phán án tử hình, do niệm Phật bèn có thể ngồi vãng sanh tự tại trong ngục, chẳng ngã bệnh, cũng là biết trước lúc mất. Vãng sanh như vậy thì tuyệt đối chẳng phải là hạ phẩm hạ sanh, từ kinh luận Tịnh Tông, chúng ta có thể thấy điều này!
Vãng sanh là hai thứ công đức:
1) Một là tích công lũy đức vãng sanh, giống như chúng ta nay đang niệm Phật; tu tập, tích lũy công đức mỗi ngày, vãng sanh như thế đó.
2) Loại kia là kẻ có tội, tội nghiệp rất nặng, lâm chung sám hối vãng sanh. Như pháp sư Oánh Kha là sám hối vãng sanh, bản thân Sư biết chính mình tội nghiệp rất nặng. Trong các kinh điển, chúng ta thấy A Xà Thế Vương Kinh, nhà vua cũng là sám hối vãng sanh. Trong chú giải kinh Vô Lượng Thọ, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có đề cập, vua A Xà Thế khi lâm chung mới sám hối, biết chính mình sai trái, tâm sám hối vô cùng dũng mãnh. Nhà vua vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là thượng phẩm trung sanh. Vì vậy, phẩm vị cao hay thấp thường chẳng phải là bọn phàm phu chúng ta có thể tưởng tượng được. Một niệm hồi tâm dũng mãnh đúng là người bậc thượng trong loài người.
Vì thế, tâm nhất định phải định nơi pháp môn này, quyết định chẳng còn thay đổi nữa. Cho dù Thích Ca Mâu Ni Phật đích thân đến bảo chúng ta: “Ta còn có một pháp môn dễ dàng và thỏa đáng hơn pháp này”, quý vị bèn thưa: “Tạ ơn Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, con tu pháp môn này là đủ rồi. Dẫu pháp môn ấy tốt đẹp đến mấy, con cũng không cần, con vẫn khăng khăng quyết chí tu pháp môn này”. Như vậy thì mới được, tâm của quý vị mới thật sự định. Đó là yếu tố thành công, quyết định chớ nên sửa đổi, quyết định chớ nên biến cải!
(Sao) Huệ Căn giả, ký định tâm tại đạo, phục chánh quán phân minh, quyết trạch thị phi, thị danh vi Huệ.
(鈔) 慧根者,既定心在道,復正觀分明,決擇是非,是名為慧。
(Sao: Huệ Căn là tâm đã định nơi đạo, lại còn chánh quán phân minh, quyết trạch đúng sai, bèn gọi là Huệ).
Huệ do đâu mà có? Huệ do Định mà có. Tâm đã thật sự định, thật sự thanh tịnh, liền sanh trí huệ. Khi ấy, quý vị không chỉ có thể thông đạt, hiểu rõ hết thảy Phật pháp, ngay cả hết thảy các pháp thế gian cũng đều hiểu rõ, cũng đều thông đạt. Đương nhiên lý này rất sâu, nhưng cũng chẳng khó lãnh hội. Người thế gian thường nói: “Đương cục giả mê, bàng quan giả thanh” (Người trong cuộc thì quáng, người ngoài cuộc thì sáng). Tâm thật sự định, sẽ có chủ tể. Nói cách khác, tuy chúng ta vẫn ở trong thế gian này, vẫn chưa đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhưng chúng ta đã buông xuống hết thảy sự việc thế tục trong thế gian này. Chẳng buông xuống nơi Sự, mà là tâm buông xuống, tâm không dính nhiễm. Nói cách khác, chẳng còn quan tâm những chuyện thế tục của thế gian này, đối với hết thảy Phật pháp Đại Thừa hay Tiểu Thừa đều không quan tâm. Không quan tâm là vượt thoát, là người ngoài cuộc. Người ngoài cuộc có cái nhìn khác với kẻ trong cuộc! Vì thế, quý vị quay đầu nhìn người thế gian, sẽ thấy họ mỗi ngày từ sáng đến tối bận bịu, mê hoặc, điên đảo, chúng ta không mê hoặc. Quý vị lại nhìn người học Phật dốc hết tánh mạng dùi mài, nghiên cứu nơi Đại Thừa hay Tiểu Thừa, chúng ta ở ngoài cuộc thấy rất rõ ràng. Tôi nghĩ chư vị có thể lãnh hội ý nghĩa này. Chúng ta chẳng phải là kẻ trong cuộc, đã từ trong cuộc thoát ra, nên Huệ ở đây là thật, chẳng giả tí nào! Quý vị càng có thể buông pháp thế gian và xuất thế gian xuống, trí huệ của quý vị càng tăng trưởng, tâm quý vị càng thanh tịnh, trí huệ rộng lớn, nhất định thông đạt, hiểu rõ pháp thế gian và xuất thế gian, nhưng chính mình xử sự đãi người, tiếp vật nhất định là khiêm cung, lễ độ, chẳng sanh tâm ngạo mạn, vì đã thấy rõ ràng chân tướng của hết thảy sự thật.
(Sao) Năng sanh thánh đạo giả.
(鈔) 能生聖道者。
(Sao: Có thể sanh thánh đạo).
Đây là nói Ngũ Căn có thể sanh ra thánh đạo.
(Sao) Dĩ thử ngũ pháp, điều trị kỳ tâm, thí như âm dương hòa thích, nhất thiết chủng tử giai đắc phát sanh cố.
(鈔) 以此五法,調治其心,譬如陰陽和適,一切種子皆得發生故。
(Sao: Do năm pháp ấy điều hòa, đối trị cái tâm, ví như Âm và Dương hòa hợp, khiến cho hết thảy hạt giống đều được sanh thành).
Đây là dùng tỷ dụ. Ngũ Pháp là Tín, Tấn, Niệm, Định, và Huệ.
Tôi vừa mới nói [năm pháp] ấy là một công thức, áp dụng thích hợp cho hết thảy các pháp. Không chỉ là phù hợp Niệm Phật, mà còn phù hợp các pháp thế gian trong cuộc sống hằng ngày của quý vị. Đối với bất cứ chuyện gì thuộc về pháp thế gian, chẳng hạn như chúng ta nấu nướng trong bếp, nếu quý vị có đầy đủ năm điều kiện ấy, thức ăn do quý vị nấu nhất định là sắc, hương, vị đều vô cùng ngon lành, đẹp đẽ, vì sao? Do có Huệ, có Định. Định là toàn bộ tinh thần dốc hết vào đó để làm, nhất định sẽ làm hết sức tốt đẹp. Quý vị liền biết năm pháp ấy chung cho hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Thứ nhất là chính mình có tín tâm, nấu thức ăn ta bèn có tín tâm, ta sẽ nấu rất ngon lành. Có thể thấy phạm vi của năm pháp ấy hết sức rộng lớn.
Nếu áp dụng năm pháp ấy vào tu đạo, đạo nghiệp nhất định thành tựu. Vận dụng năm pháp ấy vào bất cứ chuyện gì, [chuyện ấy] chắc chắn thành tựu. Quý vị dùng năm pháp ấy trong buôn bán, nhất định kiếm lời, nhất định phát tài. Nói thật ra, Phật pháp hết sức thực dụng, đáng tiếc là nhiều kẻ trong thế gian này chẳng biết; đích xác là mấu chốt và bí quyết để thành công trong hết thảy sự nghiệp thế gian và xuất thế gian. Phật pháp là tâm pháp, sở cầu của Phật pháp là minh tâm kiến tánh; đó là tông chỉ của pháp Đại Thừa. bất luận tông nào hay pháp môn nào, đều lấy “minh tâm kiến tánh” làm mục tiêu. Ở đây cũng là nói lên ý nghĩa tổng quát, dùng năm pháp ấy để điều trị cái tâm. Cách nói của tôi như trong phần trước hoàn toàn là nói theo [quan điểm của] Tịnh Tông, nói theo pháp môn Niệm Phật. Tôi vừa mới nói, mỗi tông có cách giảng riêng, có cách tu tập riêng, nhưng danh xưng đều giống như nhau.
Kế đó, dùng một tỷ dụ để nói: “Thí như âm dương hòa thích, nhất thiết chủng tử giai đắc phát sanh cố” (Ví như âm dương hòa hợp, hết thảy các hạt giống đều được sanh thành), tỷ dụ về thực vật. Thực vật sanh trưởng, đối với kiến thức thông thường này, chúng ta đều hiểu kha khá, thực vật cần thổ nhưỡng[2], nước, không khí, ánh sáng mặt trời, phân bón; ở đây, những điều ấy được gọi là “âm dương hòa thích”. Trong các duyên ấy, có âm tánh và dương tánh; chẳng hạn như mặt trời thuộc loại dương tánh, nước thuộc loại âm tánh, sức người vun quén thuộc loại dương tánh. Nói “âm dương” là nói theo ý nghĩa này.
(Sao) Câu Xá tam nghĩa giả, Câu Xá Luận minh tối thắng tự tại quang hiển vi Căn. Tối thắng giả, căn thể thắng cố. Tự tại giả, căn dụng thắng cố. Quang hiển giả, Thể Dụng song chương cố. Ư trung khai nhị thập nhị căn, hữu Tín đẳng ngũ căn.
(鈔) 俱舍三義者,俱舍論明最勝自在光顯為根。最勝者,根體勝故;自在者,根用勝故;光顯者,體用雙彰故。於中開二十二根,有信等五根。
(Sao: “Câu Xá nêu ra ba nghĩa”: Câu Xá Luận nói Căn có nghĩa là tối thắng, tự tại và quang hiển. Tối thắng là vì Thể của Căn thù thắng. Tự tại là Dụng của Căn thù thắng. Quang hiển là Thể và Dụng cùng phô bày. Luận ấy lập ra hai mươi hai Căn, trong số đó có Ngũ Căn như Tín v.v…)
“Câu Xá tam nghĩa” là ba ý nghĩa tối thắng, tự tại, và quang hiển. Câu Xá Luận giải thích Căn có ba ý nghĩa: Ý nghĩa thứ nhất là Tối Thắng, tức là thù thắng nhất, vì nó là Thân Nhân Duyên[3] của hết thảy các pháp.
(Diễn) Tối thắng giả, tức thượng trì kỳ sở dĩ đắc, nhi tự phần bất thất dã.
(演) 最勝者,即上持其所已得,而自分不失也。
(Diễn: “Tối thắng” là như trong phần trên (trong lời Sao giải thích về chữ Căn) [đã nói] “giữ gìn những gì đã đắc, chẳng đánh mất chính mình”).
Giống như hạt giống, nó có thể gìn giữ, chẳng để mất công năng. Đó là Tối Thắng.
(Diễn) Tự tại giả, tức thượng sanh kỳ sở vị đắc, nhi thắng tấn thượng cầu dã.
(演) 自在者,即上生其所未得,而勝進上求也。
(Diễn: “Tự tại” là trong phần trên (trong lời Sao giải thích về chữ Căn) [đã nói] “có thể sanh những điều chưa đạt được, lại còn tiến lên cầu cao hơn”).
Nó có Sở Duyên Duyên[4]. Chỉ cần gặp được duyên, duyên phận đầy đủ, sẽ quyết định sanh trưởng. Ví như một hạt giống, hạt giống là Thân Nhân Duyên, là tối thắng. Tối thắng mà nếu chẳng có duyên, [chẳng hạn như] đặt hạt giống ấy trong chén trà, để đó cả trăm năm, nó vẫn chẳng thể mọc thành cây cối. [Tức là] hạt giống tuy tối thắng, nhưng thiếu Tăng Thượng Duyên. Vì thế, hễ có Tăng Thượng Duyên[5], nó nhất định có thể sanh trưởng, có thể đơm hoa, kết quả. Đó là ý nghĩa Tự Tại. Ý nghĩa thứ ba là “quang hiển”:
(Diễn) Quang hiển Thể Dụng song chương giả, tức thượng “tức Thể khởi Dụng, tức Dụng hiển Thể”.
(演) 光顯體用雙彰者,即上即體起用,即用顯體。
(Diễn: “Quang hiển là Thể và Dụng cùng phô bày” chính là như trong phần trên đã nói: “Từ ngay nơi Thể mà khởi Dụng, từ ngay nơi Dụng mà hiển lộ Thể”).
Trong Câu Xá Luận, đức Phật nói chủng tử có ba ý nghĩa ấy. Phần đầu của hai mươi hai Căn [được nhắc đến trong Câu Xá Luận] chính là Ngũ Căn. Hai mươi hai Căn[6] là Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ, Ưu, Hỷ, Khổ, Lạc, Xả v.v… Dưới đây, chúng ta lại xét đến Ngũ Lực:
(Sớ) Ngũ Lực giả, tức tiền Ngũ Căn tăng trưởng, cụ hữu đại lực, cố danh vi Lực.
(疏) 五力者,即前五根增長,具有大力,故名為力。
(Sớ: Ngũ Lực là năm căn trên đây tăng trưởng, có sức mạnh to lớn, nên gọi là Lực).
Điều thù thắng của Căn là nó có thể tăng trưởng, nhưng sức mạnh của nó khá yếu. Giống như một hạt giống, có thể sanh trưởng, nhưng lúc mới mọc chỉ là một cây non mà thôi, chẳng phải là một cội đại thụ. Cây non gặp phải gió to, liền bị thổi trốc rễ, vì nó chẳng có sức. Nó ắt phải tăng trưởng không ngừng, sau khi trưởng thành, nó sẽ có sức, vững bền, chẳng bị bật trốc. Ngũ Lực là Ngũ Căn tăng trưởng; khi ấy, nó thật sự có tác dụng.
(Sao) Lực hữu nhị nghĩa: Nhất giả bất vị tha phục, nhị giả hựu năng phục tha.
(鈔) 力有二義:一者不為他伏,二者又能伏他。
(Sao: Lực có hai nghĩa: Một là chẳng bị kẻ khác khuất phục, hai là lại có thể khuất phục kẻ khác).
“Phục” (伏) có nghĩa là hàng phục (降伏). Người thật sự có lực, sẽ chẳng bị kẻ khác hàng phục. Nếu sức quý vị càng thù thắng, sẽ còn có thể hàng phục đối phương. Sức mạnh ấy càng lớn hơn nữa.
(Sao) Như Du Già Luận, thử Ngũ Lực giả, năng ư hậu hậu sở chứng xuất thế gian pháp, sanh thâm thắng giải, nan chế phục cố. Hựu cụ đại oai thế, tồi phục nhất thiết chư ma quân cố.
(鈔) 如瑜伽論,此五力者,能於後後所證出世間法,生深勝解,難制伏故。又具大威勢,摧伏一切諸魔軍故。
(Sao: Như luận Du Già đã nói: Năm lực ấy có thể khiến cho [hành nhân] sanh khởi sự lý giải thù thắng sâu xa, khó thể chế phục đối với các pháp xuất thế gian được chứng sau này (như Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần v.v…). Lại còn [do năm lực ấy mà] trọn đủ oai thế, dẹp tan hết thảy ma quân).
Theo Du Già Sư Địa Luận, đây là một bộ luận Đại Thừa, Câu Xá Luận là luận Tiểu Thừa. Du Già Luận là một bộ đại luận căn bản trọng yếu nhất trong tông Duy Thức. Tông Duy Thức căn cứ trên sáu kinh và mười một luận. Trong sáu kinh, bộ kinh điển quan trọng nhất, thuần túy giảng về lý luận Duy Thức là kinh Giải Thâm Mật. Trong mười một luận, hai bộ Du Già Luận và Thành Duy Thức Luận là luận căn bản của tông Duy Thức. Du Già Sư Địa Luận được gọi là đại luận, có tất cả một trăm cuốn, là căn bản đại luận. Bộ sách này giải thích pháp tướng hết sức cặn kẽ, chi tiết, tỉ mỉ. Bộ luận này do Di Lặc Bồ Tát soạn.
“Năng ư hậu hậu sở chứng xuất thế gian pháp”, “hậu” là phía sau. Sau Ngũ Căn và Ngũ Lực là Thất Bồ Đề Phần và Bát Chánh Đạo Phần. Sách Diễn Nghĩa chú giải: “Hậu chi sở chứng xuất thế pháp, tức Giác Chi chánh đạo (Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo), Trụ, Hạnh, Hướng, Địa đẳng pháp” (Các pháp xuất thế sẽ chứng sau này chính là các pháp Giác Chi chánh đạo (Thất Giác Chi và Bát Chánh Đạo), Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa v.v…). Đó là các pháp do hàng Đại Thừa Bồ Tát tu tập như Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, những pháp ấy đều được giảng rất tỉ mỉ trong kinh Hoa Nghiêm. Do đó, kinh Hoa Nghiêm cũng là một trong sáu kinh của Pháp Tướng Duy Thức Tông. Có thể nói các pháp môn đều hoàn toàn kiến lập trên cơ sở Ngũ Lực. Nói thật ra, Ngũ Căn và Ngũ Lực giống như nền tảng của cao ốc, chúng là cơ sở. Rời khỏi Căn và Lực, pháp môn nào cũng đều chẳng thể thành tựu, vì sao? Quý vị chẳng có Căn. Chẳng có Căn sẽ giống như bèo trôi giạt trên mặt nước, chẳng thể thành công. Pháp thế gian và xuất thế gian đều phải có Căn. Nói thật ra, Căn là ý niệm, là tín niệm của quý vị. Do đó, Tín Căn đứng đầu [trong Ngũ Căn], Tín Lực đứng đầu trong các Lực. Quý vị có tín tâm chân thành, sau đấy Căn và Lực mới có thể sanh khởi. Vì thế, người ấy có năng lực “sanh thâm thắng giải”, “thắng” là thù thắng, “giải” là lý giải. Sự lý giải ấy chẳng nông cạn, mà là “thâm giải” (lý giải sâu xa), chẳng phải là lý giải thông thường, mà là lý giải hết sức thù thắng, cũng là thật sự thấu triệt, là lý giải thâm nhập, lý giải chân thật. Người ấy lý giải chẳng sai lầm, vì có lý giải rất sâu như vậy. Đó chính là cơ sở Tín Căn. Vì sao người ấy có thể tin tưởng? Trong ấy có đạo lý, do thật sự hiểu rõ đạo lý ấy, nên người ấy thật sự tin tưởng.
Vì sao nói Tịnh Độ Tông là pháp khó tin? Đúng là khó tin! Vì sao? Vì chẳng hiểu rõ Sự và Lý trong đó. Chẳng hiểu rõ mà bảo quý vị tin tưởng, chuyện ấy rất khó! Do đó, hết thảy chư Phật đều nói pháp môn này là pháp khó tin. Muốn sanh khởi lý giải thù thắng đối với Tịnh Tông, hãy giống như trước kia tôi theo thầy Lý ở Đài Trung học Di Đà Kinh Yếu Giải, thầy Lý hạn định ba tháng phải đệ trình báo cáo. Đương nhiên, tôi vẫn phải đọc chú giải, tức các bộ Giảng Nghĩa của pháp sư Viên Anh và Thân Văn Lục của pháp sư Bảo Tĩnh, thật sự dốc sức đọc tụng, nghiên cứu. Ba tháng sau, tôi nộp báo cáo cho thầy, tôi thưa với thầy: “Con hoàn toàn chẳng hiểu rõ trọn vẹn”. Thầy nghe tôi nói câu ấy, rất vừa lòng, bảo: “Đích xác là chẳng dễ dàng. Nếu anh muốn liễu giải bộ Di Đà Kinh Yếu Giải, tối thiểu phải đọc hơn nửa Đại Tạng Kinh thì anh mới có thể hiểu thấu ý nghĩa”. Vì vậy, sanh lý giải thù thắng sâu xa khó
lắm!
Để có thể sanh khởi tín tâm đối với Tịnh Tông, Tín Căn và Tín Lực có thể sanh khởi, tôi phải mất ba mươi năm! Trong ba mươi năm ấy, giảng bao nhiêu kinh luận Đại Thừa, đặc biệt đắc lực nơi Hoa Nghiêm. Đổ công sức giảng kinh Hoa Nghiêm mười mấy năm rồi mới tin tưởng, sanh thâm thắng giải. Do đó, quyết định chẳng bị dao động, chẳng dễ dàng! Còn có nhiều người tốn thời gian nhiều hơn tôi, mà vẫn chưa thể thấu hiểu Giáo Hạ, người như vậy nhiều lắm! Nguyên nhân là đâu? Chẳng phải là họ không dụng công, chẳng phải là họ không tinh tấn, nói thật ra là do thiếu một vị cao nhân ở bên cạnh chỉ bảo. Quý vị thấy điều này có quan hệ trọng yếu lắm! Chính mình mò mẫm sai lầm trên con đường ấy, nhưng chính mình chẳng biết. Nói cách khác, đi theo con đường ấy rất oan uổng, uổng phí thời gian.
Vì lẽ đó, tu học pháp thế gian hay xuất thế gian đều giống nhau, then chốt thành hay bại là phải có bậc thầy thật sự cao minh ở bên cạnh giám sát, hễ quý vị hơi đi chệch đường, thầy có thể giúp đỡ uốn nắn quý vị, như vậy thì quý vị mới chẳng bị lạc lối oan uổng. Trong kinh A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung, vừa mở đầu, đức Phật liền dạy, một điều kiện quan trọng nhất trong tu học là phải cầu “minh sư”. [Tôi nói] minh sư, chẳng phải là chữ “danh” trong danh nhân, mà là chữ “minh” trong quang minh[7]. Tiếng tăm lẫy lừng vô dụng! Nay chúng ta nói là “người rất nổi tiếng”, chưa chắc đã là bậc thầy thật sự tốt đẹp, bậc thầy thật sự tốt đẹp chưa chắc đã có người biết đến! [Minh sư là] người thật sự hữu tu hữu học, đương nhiên tốt nhất là người có chứng đắc, quý vị gặp được người như vậy, nghe lời vị ấy, nương theo lời vị ấy dạy bảo, sẽ hết sức ổn thỏa, thích đáng. Chẳng gặp bậc cao minh, chính mình mò mẫm tìm lối sai lầm, rất uổng phí đời này! Vì thế, “sanh thâm thắng giải” rất khó đạt được!
Hiện thời, có các đồng tu muốn tôi dạy họ phương pháp, tôi bèn dạy họ xếp hết thảy kinh luận lại, chuyên niệm một bộ kinh. Niệm bao lâu? Trước đây, cổ nhân lập kỳ hạn năm năm, hiện thời, sợ năm năm quá dài quý vị chịu không nổi, nên tôi rút ngắn kỳ hạn thành ba năm. Nếu cảm thấy ba năm còn quá dài, chẳng có cách nào cả! Không thể ít hơn ba năm. Ít hơn ba năm sẽ vô dụng, cũng có nghĩa là Căn của quý vị quá mỏng yếu! Trước kia, dùng thời gian năm năm để vun bồi Căn. Hơn nữa, thuở ấy, lòng người thuần hậu, phong tục trong xã hội thiện lương, mà vẫn cần tốn thời gian năm năm để vun bồi. Thế giới hiện tại phồn hoa, quá nhiều vọng niệm, nói thật thà, năm năm chẳng đủ! Vẫn phải kéo dài hơn! Hiện nay, [con người cứ than van] thời gian năm năm quá dài, phải rút ngắn, làm thế nào được nữa! Chẳng có cách nào cả! Phải dốc sức ba năm để tu Căn Bản Trí, tu thanh tịnh tâm, chỉ có thân tâm thanh tịnh thì mới có thể tiếp nhận thánh giáo của Như Lai. Vì Phật pháp lưu lộ từ tâm thanh tịnh của Phật, Bồ Tát, tâm quý vị chẳng thanh tịnh, có học một trăm năm cũng chẳng thể tiến nhập. Vì sao? Pháp và quý vị chẳng tương ứng, những gì quý vị đã học là văn tự, là bề ngoài, quyết định chẳng thể tiến nhập. Vì vậy, nhất định phải dốc sức từ tâm thanh tịnh.
Đến khi nào lại học rộng nghe nhiều? Sau khi học rộng nghe nhiều thì mới có thể “sanh thâm thắng giải”. Đó là tu học có từng giai đoạn, chẳng phải là đạt được ngay lập tức. Học rộng nghe nhiều sau khi đã xuất sư, nói theo lối thông tục của người Hoa là “xuất sư”, còn người hiện thời nói là “tốt nghiệp”, rời khỏi trường, rời khỏi thầy. Rời khỏi trường, rời khỏi thầy để làm gì? Khi đó gọi là “tham học”. Tham học là học rộng nghe nhiều, vì sao? Hoàn toàn rời khỏi thầy, chẳng còn bị thầy ràng buộc, cơ sở Định Huệ của chính mình đã được kiến lập. Cơ sở Định Huệ lấy gì làm tiêu chuẩn? Lấy [những điều đang được bàn luận] ở đây để nói, sẽ là Ngũ Căn, Ngũ Lực, Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ của quý vị hữu lực, thầy cho quý vị ra ngoài, có thể đi tham học, có thể học rộng nghe nhiều. Quý vị chẳng có Ngũ Căn, Ngũ Lực, sẽ là phường bèo giạt, có tư cách gì để tham học? Hễ tham học, sẽ nguy to, vì sao? Nghe nói pháp sư này đường lối khá lắm, nghe nói vị kia đường lối cũng hay lắm! Nghe hai vị thầy giảng là hai con đường, ba vị thầy là ngã ba, bốn vị thầy bèn thành ngã tư, chẳng biết chọn đường nào mới nên! Bản thân chẳng có chủ ý, chẳng có Căn, chẳng có Lực, chạy theo kẻ khác, chẳng thể hàng phục người ta, luôn bị người ta hàng phục. Vì thế, người như vậy chẳng thể đi tham học. Từ kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy Thiện Tài đồng tử là học trò của Văn Thù Bồ Tát. Trong hội Văn Thù Bồ Tát, Ngài đạt được Căn, Lực, Ngũ Căn, Ngũ Lực thành tựu, Văn Thù Bồ Tát mới cho phép Ngài đi ra ngoài, mới tham học năm mươi ba lượt. Tham học năm mươi ba lượt rồi mới sanh sự lý giải thù thắng sâu xa! Chư vị đồng tu nhất định phải biết điều này!
Thứ tự và quá trình tu học trong Phật pháp là như vậy, chớ nên điên đảo, chẳng thể vượt ngoài thứ tự! Con người hiện thời tu học, nói thật ra, chẳng tuân theo phương pháp này! Vừa mở đầu liền học rộng nghe nhiều, vừa xuất gia, thậm chí [có kẻ] chưa xuất gia đã đến học trước tại Phật Học Viện. Khóa trình trong Phật Học Viện là học rộng nghe nhiều; nhiều thầy, sắp xếp nhiều khóa trình, kết quả là tốt nghiệp xong học được những thứ gì? Nói khó nghe một chút là tà tri tà kiến! Tâm quý vị chẳng tương ứng với đạo, tâm chẳng tương ứng với “giác, chánh, tịnh”, hết thảy Đại Thừa Phật pháp do quý vị đã học [sẽ là] “tăng trưởng tà kiến”, Thanh Lương đại sư đã nói như vậy đó! Chư vị hãy suy nghĩ cặn kẽ, rất có lý, đúng là tăng trưởng tà kiến! Vì những ý nghĩa trong kinh điển do quý vị lý giải chẳng phải là ý nghĩa của Phật, mà toàn là do chính quý vị dấy vọng tưởng, đó là ý nghĩa của quý vị. Trong bài kệ Khai Kinh có câu: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, quý vị suy tưởng nghĩa chân thật của Như Lai ở chỗ nào? Chính mình phải thật sự đạt tới giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ chẳng nhiễm thì tâm mới có thể thấu hiểu nghĩa chân thật của Như Lai. Chúng ta mê hoặc, điên đảo, tà tri tà kiến, phiền não trùng trùng, làm sao có thể lý giải nghĩa chân thật của Phật cho được? Làm sao có thể tham học cho được?
Nói thật thà, Phật Học Viện trong hiện thời là tham học. Có thể đến học tại Phật Học Viện, nhưng loại người nào đến học thì mới có lợi ích? Phải đã trải qua huấn luyện cơ bản, thành tựu Ngũ Căn, Ngũ Lực rồi mới đến học tại Phật Học Viện thì được. Vì sao? Có thể viên mãn Hậu Đắc Trí. Nhưng quý vị phải có Căn Bản Trí! Chẳng có Căn Bản Trí, lấy đâu ra Hậu Đắc Trí? Vì lẽ đó, Phật Học Viện là năm mươi ba lần tham học, kẻ bình phàm chẳng thể đến học! Thiện Tài đồng tử mới có tư cách đến học. Nếu chẳng có Căn Bản Trí, mà quý vị đi tham học, nói thật ra, không chỉ chẳng đạt được lợi ích, xác thực là hủy diệt tiền đồ của chính mình. Chúng ta phải hiểu đích xác, phải cảnh giác thật sâu chuyện này!
Chúng ta chẳng đến học tại Phật Học Viện, Đại Tạng Kinh nhiều ngần ấy, trong ngoài nước rất nhiều cao tăng đại đức và các vị đại cư sĩ tại gia, chúng ta có nên tham học hay không? Không nên! Nếu là đại thiện tri thức chân chánh, quý vị muốn đến hỏi han, thỉnh giáo Ngài, Ngài sẽ đuổi quý vị đi. Trong Cao Tăng Truyện có chép chuyện ấy, quý vị đến tham học, Ngài bèn đuổi quý vị đi. Đó là thật sự yêu thương quý vị, vì sao? Tu học pháp môn khác nhau, quý vị hãy nên thâm nhập một môn. Ắt phải là sau khi Căn Bản Trí của chính mình đã thành tựu, khi ấy mới có tư cách tham học, nói thông tục là “đã xuất sư”, có thể rời khỏi thầy, vì Căn đã hữu lực. “Hữu lực” là có thể độc lập; khi chưa có Lực, chẳng thể độc lập, cần có thầy nâng đỡ. Hiện thời, trong Phật môn, người hiểu đạo lý này chẳng nhiều, người nương theo phương pháp này để tu học lại càng ít ỏi.
Do đó, [tuy] niệm Phật là đạo dễ hành, nhưng niệm câu Phật hiệu chẳng tốt đẹp, trọn chẳng thể tương ứng, sẽ chẳng thể vãng sanh, học những thứ khác khỏi cần phải nói nữa! Vì vậy, tôi nói rõ cùng quý vị một câu “sanh thâm thắng giải” này chẳng phải là trong một thời gian rất ngắn một sớm một chiều mà hòng đạt được. Mọi người nhất định phải có lòng kiên nhẫn, tâm thường hằng, tâm tu học dài lâu. Hơn nữa, phải đặt trọng điểm tu học nơi tâm thanh tịnh, không cần phải mong ta biết rất nhiều thứ, chẳng cần thiết, mà phải mong cầu tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh sanh trí huệ; sau khi trí huệ khai, pháp thế gian và xuất thế gian, quý vị chỉ tiếp xúc bèn thông đạt.
Quán thông hoàn toàn một bộ Đại Tạng Kinh phải mất bao lâu? Thưa cùng quý vị, nửa năm là đủ rồi. Quý vị đã khai trí huệ, thường là chẳng cần xem một bộ kinh đến hết. Như Lục Tổ đại sư đã khai trí huệ, Ngài chưa từng xem kinh Pháp Hoa, mà cũng chưa hề niệm, cũng như chưa hề nghe, bảo sư Pháp Đạt niệm kinh. Sư niệm đến phẩm Phương Tiện, Lục Tổ nói: “Chẳng cần niệm nữa! Kinh này ta đã biết toàn bộ”. Hai mươi tám phẩm Sư chỉ niệm hai phẩm, Tổ liền biết toàn bộ, chẳng cần niệm tiếp, liền khai thị [cho sư Pháp Đạt]. Giảng xong, sư Pháp Đạt liền khai ngộ. Quý vị mới biết cách học các thứ như thế nào! Cứ học từng bộ kinh một, mệt chết luôn! Đó chính là như Thiền Tông nói “tầm chi trích diệp” (tìm cành vặt lá), tu nơi từng cành, từng lá một, rất khổ! Thời gian quá dài, lại còn chắc chắn chẳng thể học thành công.
Biết học, sẽ tu từ căn bản, căn bản là gì? Nói theo Tịnh Tông sẽ là tâm thanh tịnh. Tâm địa thanh tịnh là được rồi. Tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh, đảm bảo vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Tâm thanh tịnh lại sanh trí huệ, có thể cầu thắng giải. Khi ấy, quý vị có tư cách đọc Đại Tạng Kinh. Lật Đại Tạng Kinh ra, xem mấy trang đầu đã thông đạt toàn bộ; đã tốt nghiệp khoa mục ấy, lại lật sơ qua kinh khác bèn tốt nghiệp. Vì thế, tối đa là hơn nửa năm, một bộ Đại Tạng Kinh liền tốt nghiệp. Đây là tôi dạy quý vị phương pháp. Nếu không, đừng nói là thông đạt, trong một đời đọc hết Đại Tạng Kinh một lần, quý vị cũng chẳng có cách nào, làm không được! Vì thế, trong Phật pháp có bí quyết. Khi quý vị biết bí quyết ấy, đích xác chẳng phải là chuyện khó. Do đó, phải biết tu học như thế nào, con đường ấy hết sức trọng yếu.
Quý vị triệt để thấu hiểu vấn đề này, triệt để hiểu rõ, đương nhiên sẽ chẳng bị kẻ khác lay động. Vì sao? Vừa nghe, quý vị liền biết người ấy còn chưa hiểu rõ chuyện này, chỉ hiểu biết nửa vời, làm sao người ấy có thể lay động quý vị cho được? Quý vị lại nói cho người ấy nghe, người ấy sẽ nói: “Có lý! Tôi chẳng hiểu biết bằng quý vị”. Người ấy đã bị quý vị hàng phục. “Nan chế phục” là quý vị chẳng bị kẻ khác hàng phục, mà có năng lực hàng phục kẻ khác. “Tồi phục nhất thiết chư ma quân” (Dẹp tan, hàng phục hết thảy các ma quân), “quân” (軍) là quân đội, [từ ngữ này] nhằm tỷ dụ ý nghĩa đông đảo, ma quá đông! Hằng ngày từ sáng đến tối, chúng ta đều gặp các ma quân ấy. Quý vị có gặp kẻ này nói “Niệm Phật làm quái gì! Thiền hay hơn”, kẻ khác “Mật hay hơn!”, kẻ nọ lại nói “Kinh này hay lắm!”, hay không? Toàn là ma quân, vì sao? Họ mong sao quý vị bỏ qua pháp môn Niệm Phật, học theo họ. Thời thời khắc khắc chúng ta gặp phải những kẻ ấy.
(Sao) Tín Lực giả.
(鈔) 信力者。
(Sao: Tín Lực).
Đây là Tín Căn có sức mạnh.
(Sao) Thâm tín Đế Lý, chuyển cánh tăng trưởng.
(鈔) 深信諦理,轉更增長。
(Sao: Tin sâu Đế Lý, càng thêm tăng trưởng).
Tín có Căn chính là câu đã nói trong phần trước: “Thâm tín Đế Lý”, nhưng nó vẫn chưa tăng trưởng. Chỉ là tin sâu, vẫn chưa thể phát sanh sức mạnh. Lúc này bèn có sức mạnh, đó [chính là] “chuyển cánh tăng trưởng”.
(Sao) Năng giá nghi hoặc, bất vị động dao.
(鈔) 能遮疑惑,不為動搖。
(Sao: Có thể ngăn che nghi hoặc, chẳng bị dao động).
Đây là ý nghĩa “nan chế phục”. Tín Lực, có hai loại nguồn gốc:
1) Một là sanh từ thâm giải, [tức là] thật sự lý giải chân tướng sự thật. Lòng tin ấy sanh ra sức mạnh.
2) Sức mạnh thứ hai là thiện căn trong đời quá khứ. Tuy chẳng liễu giải sự thật ấy, nhưng kẻ ấy tin tưởng, tin được! Cũng có không ít người như vậy. Quý vị hỏi họ đạo lý gì, họ cũng không hiểu, nhưng họ tin tưởng, chẳng bị lay động. Đó chính là thiện căn trong đời quá khứ, hết sức khó có! Người thiện căn sâu dầy, sẽ tin tưởng thầy, tin tưởng Phật, Bồ Tát. Đối với chân tướng sự thật và cơ sở lý luận tuy trọn chẳng biết gì, nhưng [những điều đó] do Phật nói, họ chẳng hoài nghi. Trường hợp này thuộc về thiện căn.
Loại thứ hai cần phải được thầy răn dạy, phân tích, giảng rõ ràng những chân tướng sự thật, cảnh giới luân lý, kẻ ấy nghe xong tâm phục, khẩu phục. Tín tâm sanh trưởng từ đó, sẽ sanh ra Tín Lực. Xét theo căn tánh, hết thảy chúng sanh có hai loại lớn như vậy. Vì thế, trong giáo học, đối với căn tánh thuộc loại nào thì phải dùng phương pháp nào để giúp đỡ, khiến cho kẻ ấy “giá nghi hoặc” (ngăn che nghi hoặc). “Giá” (遮) là ngăn chặn, đoạn dứt; chúng ta thường nói “đoạn nghi sanh tín”, người ấy chẳng nghi hoặc, chẳng bị dao động!
Thí dụ như đối với sự tu học trong Tịnh Tông, những năm trước kia, lão cư sĩ Trần Kiện Dân[8] đề xuất “tiêu nghiệp vãng sanh”, bảo đới nghiệp không thể vãng sanh. Chuyện này khiến những người tu học Tịnh Tông trên cả thế giới bị rúng động mạnh mẽ, rất nhiều lão cư sĩ và lão pháp sư đều hoài nghi. Đó là gì? Tín của họ tuy có Căn, nhưng thiếu Lực, nên nghe xong đều hoài nghi, kể cả lão cư sĩ Châu Tuyên Đức. Tôi đến Lạc Sam Cơ (Los Angeles), cụ Châu đến đón tôi ở phi trường, câu đầu tiên là nói: “Thưa pháp sư! Làm thế nào đây? Tôi niệm Phật nhiều năm như thế, đới nghiệp không thể vãng sanh, chẳng phải là công phu hoàn toàn uổng phí ư?” Cụ hỏi câu ấy, chứng tỏ Tín của cụ chưa có Lực. Chẳng có Lực thì điều thứ nhất là thiện căn chưa đủ sâu dầy, chưa thể tin sâu lời Phật, Bồ Tát, chẳng nghi ngờ. Thứ hai, nghiên cứu lý luận Tịnh Tông quá ít, chưa hiểu rõ ràng! [Do đó], mới nêu ra câu hỏi ấy.
Cụ nói: “Cách nói đới nghiệp vãng sanh đích xác là chẳng tìm thấy trong kinh Phật, chẳng có những chữ ấy!” Những thứ chẳng viết ra nhiều lắm. Đức Phật thuyết pháp bốn mươi chín năm, rất nhiều thứ chẳng nói. Tuy ngôn ngữ chẳng nói như thế, nhưng [xét theo] ý nghĩa thì đã nói rồi. Tôi liền hỏi ngược lại cụ: “Trong kinh điển có nói bốn cõi, ba bậc, chín phẩm hay không?” Cụ đáp: “Có!” Tôi nói: “Nếu chẳng đới nghiệp, há có bốn cõi, ba bậc, chín phẩm? Bốn cõi, ba bậc, chín phẩm vẫn chẳng phải là do quý vị đới nghiệp nhiều hay ít mà phân ra sai khác đó ư? Quý vị mang theo nhiều, phẩm vị thấp hơn một chút. Mang theo ít, phẩm vị cao hơn một chút. Đó chẳng phải là rất hiển nhiên ý nghĩa đới nghiệp đã được bao gồm trong ấy ư?” Cụ suy nghĩ, [cảm thấy] có lý!
Tôi lại thưa với cụ: “Nếu chẳng đới nghiệp, Tây Phương Cực Lạc thế giới trơ trọi, lạnh tanh, vắng vẻ, chỉ có mình A Di Đà Phật”. Cụ hỏi: “Vì sao?” Tôi nói: “Vì Đẳng Giác Bồ Tát hãy còn kèm theo một phẩm sanh tướng vô minh, đó chẳng phải là nghiệp ư?” Cụ suy nghĩ: “Đúng vậy!” Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Văn Thù, Phổ Hiền đều mang theo một phẩm sanh tướng vô minh, đều là đới nghiệp. Không đới nghiệp thì chỉ còn sót lại một mình A Di Đà Phật trơ trọi, Tịnh Độ thù thắng ở chỗ nào? Tôi nói như vậy, cụ bèn hiểu rõ. Đó là “tồi phục nhất thiết” (dẹp tan, hàng phục hết thảy), tâm cụ đã định. Chẳng hiểu rõ Lý Sự, người ta nói sơ sơ mấy câu, tâm liền dao động, hoảng hốt, hỏng bét! Đó là Tín của người ấy có Căn, nhưng chẳng có Lực. Tín có Lực thì Tín Căn càng tăng trưởng, có sức mạnh, có thể đoạn nghi. “Bất vị động dao” (Chẳng bị lay động), tín tâm tuyệt đối chẳng bị dao động bởi những tri kiến, chẳng thể nào xảy ra!
(Sao) Năng cự tà ngoại.
(鈔) 能拒邪外。
(Sao: Có thể chống lại tà thuyết, ngoại đạo).
Người ấy có năng lực chống lại, đả phá những tà thuyết, tri kiến của ngoại đạo.
(Sao) Bất vị mê loạn.
(鈔) 不為迷亂。
(Sao: Chẳng bị mê loạn).
Chẳng bị người khác mê hoặc, cũng chẳng bị người ta nói dăm ba câu, tâm chính mình liền bị loạn, chẳng thể nào! Tâm người ấy vĩnh viễn thanh tịnh, vĩnh viễn định, vĩnh viễn quang minh. Căn ấy bèn sanh ra sức mạnh.
(Sao) Năng phá phiền não, bất vị xâm hại cố.
(鈔) 能破煩惱,不為侵害故。
(Sao: Có thể phá phiền não, chẳng bị xâm hại).
Người có tín tâm, nói thật thà, chẳng sanh phiền não. Hễ còn sanh phiền não, tức là Tín vẫn chưa có Lực. Người có Tín Lực, chẳng sanh phiền não, vì sao? Tâm người ấy có chủ tể, có sự chuyên chú. Chẳng hạn như người niệm Phật, nếu Tín sanh ra sức mạnh, người ấy niệm niệm chỉ có Tây Phương Cực Lạc thế giới, còn có phiền não chi nữa? Bất quá ở tạm trong thế giới này vài ngày mà thôi, [thế giới này là] quán trọ, nghỉ ngơi ở đây một chút, quý vị tốt đẹp cũng thế, mà chẳng tốt đẹp cũng thế, vì sao? Chẳng liên quan gì đến ta. Hai hôm sau ta sẽ đi, ta chẳng so đo với quý vị, phiền não gì cũng đều chẳng có. Vì sao người ta sanh phiền não? Do coi thế gian này như quê nhà, đối với người, đối với sự, thứ gì cũng đều so đo, phiền não chẳng xong! Thật sự sanh tín tâm đối với Tịnh Tông, nhất định là thân, tâm, thế giới hết thảy đều buông xuống, đó là “có thể phá phiền não”. Phương pháp đúng là tuyệt diệu, Phiền Não Chướng chẳng đoạn mà tự nhiên chẳng còn, cao minh lắm! Vì vậy, pháp môn được gọi là “diệu pháp”, rất có lý. Chẳng cần đoạn, mà chính mình chẳng có [phiền não]. “Bất vị xâm hại” (Chẳng bị xâm hại), phiền não quyết định chẳng thể tổn hại quý vị, không thể phá hoại tín tâm của quý vị.
(Sao) Nhất tổng dư thừa, như thượng Căn lệ.
(鈔) 一總餘承,如上根例。
(Sao: Điều thứ nhất là chung, những điều còn lại do nó sanh ra, giống như trong phần luận định về Căn ở phía trên).
Ngũ Căn lấy Tín Căn làm tổng quát, bốn Căn còn lại đều do Tín Căn sanh ra. Ngũ Lực cũng chẳng ra ngoài lệ ấy. Ngũ Lực vẫn lấy Tín Lực làm tổng quát. Hễ Tín đã có sức mạnh thì những điều sau đó như Tấn, Niệm, Định, và Huệ thảy đều có Lực. Tín chẳng có Lực, bốn điều sau đó cũng chẳng có Lực. Có thể thấy mối quan hệ này hết sức chặt chẽ.
Do vậy có thể biết, vun bồi Tín tâm vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong pháp môn Tịnh Tông. Tín là điều kiện thứ nhất trong ba tư lương (ba điều kiện vãng sanh), là điều kiện cơ bản nhất. Chư vị hãy suy ngẫm, chẳng có Tín thì làm sao quý vị có thể phát nguyện cho được? Làm sao quý vị niệm Phật cho được? Vì có chân tín thì mới có thể sanh khởi nguyện, nguyện sanh từ Tín. Đã có nguyện thì mới bằng lòng niệm. Chẳng nghĩ tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, người ấy niệm Phật để làm chi? Sẽ chẳng niệm! Do đó có thể biết: Tín là căn bản của căn bản, đích xác là điều kiện cơ bản.
Chúng ta tu học, theo nhất định một vị thầy cũng là [vì cùng một lý do] như thế. Nếu chẳng có tín tâm đối với thầy, dẫu quý vị theo thầy lâu đến mấy, phương pháp của thầy xảo diệu đến mấy, chỉ dạy quý vị, quý vị cũng chẳng đạt được gì cả! Vì sao? Chẳng tin tưởng thầy. Chẳng có tín tâm, tất nhiên khinh mạn thầy! Vì thế, một người tôn kính thầy, vì sao người ấy tôn kính? Người ấy tin tưởng. Càng có tín tâm đối với thầy, càng cung kính thầy, biểu hiện ra ngoài là tôn sư. Thầy thấy quý vị tôn kính dường ấy, biết quý vị rất tin tưởng thầy, lời thầy nói ra quý vị có thể y giáo phụng hành, nên thầy sẽ nghiêm túc dạy. Thầy dạy dỗ, mà quý vị bề ngoài vâng nhận, trong lòng chống trái, chỉ cung kính bề ngoài, chẳng có tác dụng gì hết, giả trất! Thầy chẳng thể dạy quý vị. Vì sao? Dạy quý vị, quý vị cũng học chẳng hiểu, uổng phí tinh thần, uổng phí thời gian, thầy chẳng làm chuyện ngốc nghếch ấy. Thật sự cung kính là y giáo phụng hành, tuyệt đối không phải là hình thức, chúng ta phải hiểu điều này. Hình thức, quá nửa là làm cho người khác xem, nhằm tạo ảnh hưởng đến đại chúng. Mọi người chẳng biết đến học vấn và đạo đức của vị thầy ấy, cho nên ta dùng phương pháp ấy nhằm khơi gợi người khác, đó là thật sự từ bi. Cung kính thầy khiến cho người khác nhìn vào, [sẽ tự hỏi] vì sao người ấy cung kính vị thầy ấy như vậy, nghe ngóng “vị ấy thật sự có học vấn, đạo đức”, bèn khởi tâm kính ngưỡng, thậm chí theo vị thầy ấy tu học, dụng ý ở chỗ này. Đó là gì? Biểu diễn. Biểu diễn trên sân khấu, một phen khổ tâm như vậy. Tuyệt đối chẳng phải là thầy đòi hỏi học sinh lễ phép bề ngoài hoặc chỉ có hình thức, không phải vậy!
Cung kính nhất là y giáo phụng hành. Thật sự cúng dường cũng là y giáo tu hành để cúng dường, thầy đối với trò có một niềm kỳ vọng như thế mà thôi! “Tín vi đạo nguyên, công đức mẫu” (Tín là nguồn đạo, mẹ công đức). Kinh Hoa Nghiêm nói đến cội nguồn nhập đạo, hết thảy công đức đều sanh trưởng từ tín tâm. Trong Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm, trong Ngũ Căn, Ngũ Lực, Tín xếp hàng đầu. Trong ba tư lương của Tịnh Tông, Tín cũng được xếp đứng đầu. Trong mười một món thiện pháp, thiện pháp đầu tiên là Tín. Trong kinh điển Đại Thừa và Tiểu Thừa của nhà Phật, sắp theo thứ tự thuận thì đầu tiên là Tín. Chẳng tin, hết thảy sẽ chẳng thể thành tựu. Do đó, mở kinh điển ra, “như thị ngã văn” là Tín Thành Tựu, tức món đầu tiên trong sáu món thành tựu. Do đó, chúng ta phải hết sức coi trọng điều này.
Kiến lập tín tâm có hai nguồn cội: Một là thiện căn trong đời quá khứ, tự nhiên sanh lòng kính tín đối với Tam Bảo và đối với thầy. Loại thứ hai là đối với lý luận Phật pháp sẽ dần dần hiểu rõ, tín tâm tăng trưởng. Hôm nay chúng tôi giảng tới đây.
[1] Sư Đầu là một quả núi rất nổi tiếng ở Đài Loan, nằm giữa hai làng Tam Loan và Nam Trang thuộc huyện Miêu Lật. Núi này được coi là đạo tràng Phật giáo và Đạo giáo lớn nhất Đài Loan. Từ năm 1895, đã có tăng lữ kết am tu hành trong hang động tự nhiên trên núi, đặt tên là Sư Nham Động (về sau là chùa Nguyên Quang). Các chùa miếu nổi tiếng là Khuyến Hóa Đường, Phạm Âm Tự, Phụ Thiên Cung, Khai Thiện Tự v.v…
[2] Thổ nhưỡng: Cấu tạo đặc trưng của một vùng đất do các lớp đất khác nhau tạo thành. Nói thông thường, thổ nhưỡng được phân loại chủ yếu do cấu tạo khoáng chất, vật chất hữu cơ và hóa học cũng như kết cấu của các hạt đất.
[3] Thân Nhân Duyên là một trong bốn duyên. Đây là duyên chánh yếu khiến cho một quả được kết thành. Chẳng hạn Thân Nhân Duyên của cây táo chính là hạt táo.
[4] Sở Duyên Duyên nghĩa là cái duyên có thể phan duyên, có thể bị duyên (tác động đến, ảnh hưởng đến). Chẳng hạn như tâm thức là Năng Duyên, còn cảnh giới là Sở Duyên. Như vậy cảnh giới được gọi là Sở Duyên Duyên của tâm thức.
[5] Tăng Thượng Duyên là duyên giúp cho Lực Dụng của Thân Nhân Duyên hiện hành.
[6] Nói đầy đủ, hai mươi hai Căn gồm Lục Căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), Nam Căn, Nữ Căn, Mạng Căn (căn nguyên của sanh mạng), Ngũ Thọ Căn (Khổ, Lạc, Ưu, Hỷ, Xả), Ngũ Căn (Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ) và Tam Vô Lậu Căn (Vị Tri Đương Tri Căn, Dĩ Tri Căn và Cụ Tri Căn).
[7] Do Danh và Minh cùng phát âm là Míng (trong âm Quan Thoại), nên hòa thượng phải nhấn mạnh như vậy.
[8] Trong nguyên văn, người ghi lại lời giảng đã ghi sai tên ông này thành Trần Kiến Minh. Trần Kiện Dân (陳健民, 1906-1987), thường được gọi là Yogi C.M. Chen, không rõ quê quán. Theo các học trò, ông ta từng tu Mật Tông tại vùng Tây Khang năm năm, nhưng có người nói ông ta ẩn tu tại Kalimpong (Ấn Độ) năm năm, trước khi chuyển đến Hoa Kỳ. Theo lạt-ma Ole Nydahl, ông Trần thuở trẻ tu tiên, cầu trường sanh, về sau, đổi sang tu Phật giáo, sang Tây Tạng học Mật, sống nhiều năm trong hang. Có người nói ông ta đã thọ pháp với nhiều vị lạt-ma nổi tiếng và có hai đệ tử người Anh nổi tiếng là tỳ-kheo Sangharakshita (người sáng lập dòng tu Tây Phương Phật Hữu, FWBO) và Khantipalo (ông này là một trong các vị tỳ-kheo theo truyền thống Nam Tông hai mươi năm, sáng lập tự viện Nam Tông tại Úc như Wat Buddhadharma và trung tâm Phật giáo Bodhicitta. Về sau, hoàn tục, lập gia đình để học Mật Tông Tây Tạng theo truyền thống Dzogchen. Năm 2010, ông lại xin thọ giới sa-di theo truyền thống Đại Thừa Việt Nam với pháp danh Minh An, rồi phải vào viện dưỡng lão vì bệnh Alzheimers). Tác phẩm Buddhist Meditation, Systematic and Practical được coi là biên bản ghi chép cuộc đối thoại về Thiền Định giữa ba thầy trò, nhưng người khiến cho ông Trần Kiện Dân nổi tiếng trong cộng đồng người Hoa là tiến sĩ Lâm Ngọc Đường. Ông Lâm được coi là học trò đắc pháp của Trần Kiện Dân, tích cực truyền bá tư tưởng của ông Trần, và xuất bản bộ Khúc Quăng Trai Toàn Tập (曲肱齋全集, toàn tập các trước tác của Trần Kiện Dân). Có lẽ chỉ có ông Trần Kiện Dân chủ trương thuyết này nhằm lật đổ quan niệm “đới nghiệp vãng sanh”. Các vị hành giả đại đức thông thạo Mật Tông Trung Hoa như lão hòa thượng Mộng Tham, Nguyên Âm lão nhân và giáo sư Nam Hoài Cẩn đều lên tiếng phủ định quan điểm của ông Trần.