Tập 197/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 197

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm chín mươi chín:

          (Diễn) Kiến Hoặc hữu bát thập bát Sử, dĩ Ngũ Độn Ngũ Lợi Thập Sử, lịch tam giới Tứ Đế hạ, tăng giảm bất đồng, thành bát thập bát. Tư Hoặc hữu bát thập nhất phẩm, vị tam giới phân vi cửu địa, Dục Giới hợp vi nhất địa, Tứ Thiền, Tứ Không vi bát, cộng vi cửu địa. Dục Giới nhất địa trung, hữu cửu phẩm tham, sân, si, mạn, thượng bát địa các hữu cửu phẩm, trừ Sân Sử, cố thành bát thập nhất dã. Thượng lai Kiến Tư bất đồng, tổng thị Tạng Giáo, thật hữu Tập Đế.

()見惑有八十八使,以五鈍五利十使,歷三界四諦下,增減不同,成八十八;思惑有八十一品,謂三界分為九地,欲界合為一地,四禪四空為八,共為九地。欲界一地中,有九品貪瞋痴慢,上八地各有九品,除瞋使,故成八十一也。上來見思不同,總是藏教,實有集諦。

(Diễn: Kiến Hoặc có tám mươi tám Sử, do mười Sử gồm Ngũ Độn và Ngũ Lợi trải khắp Tứ Đế trong tam giới, do tăng giảm khác nhau mà thành tám mươi tám phẩm. Tư Hoặc có tám mươi mốt phẩm, tức là tam giới chia thành chín địa: Dục Giới hợp thành một địa, Tứ Thiền Thiên và Tứ Không Thiên là tám địa, cộng thành chín địa. Trong một địa của Dục Giới có chín phẩm tham, sân, si, mạn. Đối với tám địa trên đó (tám địa của Tứ Không Thiên và Tứ Thiền Thiên), mỗi địa có chín phẩm, ngoại trừ Sân Sử, nên thành tám mươi mốt phẩm. Kiến Tư [được phân định] sai khác như trên đây nói chung là Tạng Giáo, [theo cách nhìn của họ] thật sự có Tập Đế).

Những điều giải thích ở chỗ này đều dựa theo Tạng Giáo, chúng ta cũng thường nói là Tiểu Thừa. Phần trước nói về Khổ Đế của Tạng Giáo, đoạn này giảng về Tập Đế của Tạng Giáo. Trong lần trước, tôi đã giảng đại lược ý nghĩa.

          (Diễn) Tam, Diệt Đế giả.

          ()三、滅諦者。

(Diễn: Ba, Diệt Đế là…).

          “Tập” (集) là nói đến cái nhân. Đã tạo nhân, bèn có quả báo, bèn có lục đạo luân hồi. Hai Đế sau nói tới pháp xuất thế gian. Pháp xuất thế gian Tiểu Thừa cũng là nói quả trước rồi mới nói tới nhân. Trước hết là nói về Diệt Đế:

          (Diễn) Diệt tiền Khổ Tập.

          ()滅前苦集。

          (Diễn: Diệt Khổ và Tập trước đó).

          Diệt gì? Diệt sanh tử, diệt luân hồi, diệt phiền não.

          (Diễn) Hiển Thiên Chân lý, nhân Diệt hội Chân, Diệt phi Chân Đế.

          ()顯偏真理,因滅會真,滅非真諦。

          (Diễn: Hiển lộ lý Thiên Chân, do Diệt mà thấu hiểu Chân, Diệt [trong Tạng Giáo] chưa phải là Chân Đế).

          Đây là Thiên Chân Niết Bàn do hàng Tiểu Thừa chứng đắc. Chân (真) là chẳng sai lầm. Vì sao gọi là Thiên Chân? Thiên (偏: lệch lạc) là chẳng viên, tức là chẳng viên mãn, lệch về một bên. Phàm phu lệch về Hữu, Tiểu Thừa lệch về Không, tức Chân Không; Hữu là huyễn hữu. Luôn chấp trước, ngỡ [điều mình thiên chấp] là chân thật, nên gọi là Thiên. Do sự thiên chấp này, phàm phu chịu khổ rất lớn, ngỡ huyễn hữu là chân hữu; do đó, tạo thành lục đạo luân hồi, khổ khôn kể xiết! Hàng Tiểu Thừa cũng ngỡ Không là chân thật, nhưng bị hại nhẹ hơn chúng ta nhiều, họ bị hại là “bản tánh bị chướng ngại”. Vì lẽ đó, hàng Tiểu Thừa chẳng thể kiến tánh là do họ chấp trước Chân Không, tưởng cái Không ấy là thật, [cứ ngỡ là] thật sự có chuyện như vậy. Vì hai thứ chấp trước ấy nên đều chẳng thể kiến tánh. “Diệt” còn gọi là Niết Bàn, cũng gọi là Viên Tịch, có rất nhiều tên gọi khác nhau, nhưng thực tế đều là nói đến một chuyện. Nói là Viên Tịch thì Viên (圓) là nói đến sự viên mãn, Tịch (寂) là tịch diệt. Các danh xưng Niết Bàn và Viên Tịch đều dùng chung cho cả Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa. Tứ Đế và Diệt Đế cũng được sử dụng chung cho cả Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa; ở đây là nói đến Diệt Đế của Tạng Giáo. Quả báo đang được nói đến ở đây đương nhiên là điều mong cầu, hy vọng đạt được của mỗi người học Phật chúng ta. Hy vọng liễu sanh tử, hy vọng vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, vượt thoát tam giới, phải như thế nào thì mới có thể thực hiện được? Dưới đây bèn nói tới phương pháp, tức là nói tới Đạo.

          (Diễn) Tứ, Đạo Đế giả, lược tắc Giới, Định, Huệ, quảng tắc tam thập thất Đạo Phẩm.

()四、道諦者,略則戒定慧,廣則三十七道品。

(Diễn: Bốn là Đạo Đế, đại lược thì là Giới, Định, Huệ, nói rộng thì là ba mươi bảy Đạo Phẩm).

          Ba mươi bảy Đạo Phẩm sẽ được nói đến trong kinh này.

          (Diễn) Thử tam thập thất hợp vi thất khoa.

          ()此三十七合為七科。

          (Diễn: Ba mươi bảy phẩm ấy hợp thành bảy khoa).

           “Khoa” là khoa loại (科類: chia thành từng loại tổng quát), ba mươi bảy phẩm có thể chia thành bảy loại lớn. Bảy loại lớn [chính là]…

          (Diễn) Nhất, Tứ Niệm Xứ, nhị, Tứ Chánh Cần, tam, Tứ Như Ý Túc, tứ, Ngũ Căn, ngũ, Ngũ Lực, lục, Thất Giác Chi, thất, Bát Chánh Đạo.

          ()一、四念處,二、四正勤,三、四如意足,四、五根,五、五力,六、七覺支,七、八正道。

          (Diễn: Một là Tứ Niệm Xứ, hai là Tứ Chánh Cần, ba là Tứ Như Ý Túc, bốn là Ngũ Căn, năm là Ngũ Lực, sáu là Thất Giác Chi, bảy là Bát Chánh Đạo).

          Tới phần sau sẽ nói cặn kẽ, trong kinh văn có nói.

          (Diễn) Dĩ thượng thất khoa, tức thị Tạng Giáo Sanh Diệt Đạo Đế, nhiên Tứ Đế chi trung, phân thế xuất thế.

          ()已上七科,即是藏教生滅道諦,然四諦之中分世出世。

(Diễn: Bảy khoa trên đây, chính là Sanh Diệt Đạo Đế của Tạng Giáo, nhưng trong Tứ Đế có chia thành thế gian và xuất thế gian).

          “Thế” là thế gian, “xuất thế” là xuất thế gian.

          (Diễn) Tiền nhị Đế vi thế gian nhân quả.

          ()前二諦為世間因果。

(Diễn: Hai Đế trước là nhân quả thế gian).

          Tức là Khổ và Tập.

          (Diễn) Hậu nhị Đế vi xuất thế gian nhân quả, giai tiền quả hậu nhân giả, linh tri Khổ, đoạn Tập, mộ Diệt, tu Đạo dã.

()後二諦為出世間因果。皆前果後因者,令知苦斷集慕滅修道也。

(Diễn: Hai Đế sau là nhân quả xuất thế gian, đều là quả trước, nhân sau, ngõ hầu [người nghe] sẽ biết Khổ, đoạn Tập, hâm mộ Diệt, tu Đạo).

          Đây là sự thiện xảo trong cách thuyết pháp của đức Phật, đều là nói đến cái quả trước, nói cái nhân sau, khiến cho chúng ta thật sự biết khổ, biết tam giới khổ sở thì mới chịu đoạn phiền não. Người thế gian, kẻ bình phàm thì chẳng nói, chứ nói về phía kẻ tu đạo, đặc biệt là kẻ học Phật đạo, cớ sao kẻ đã học Phật đạo chẳng chịu đoạn phiền não? Nói thật ra, [nguyên nhân là vì kẻ ấy] vẫn chưa nhận biết rõ ràng nỗi khổ trong thế gian! Thật sự nhận biết nỗi khổ trong thế gian, đạo tâm của người ấy sẽ khác hẳn. Phàm là những kẻ chẳng phát đạo tâm là do chẳng nhận thức rõ ràng nỗi khổ trong thế gian, sống trong sự khổ sở mà chẳng biết khổ. Chúng ta thường nói là “chai lì, bất nhân”, chẳng biết thế gian khổ sở, chẳng biết luân hồi đáng sợ. Cõi trời và cõi người còn hơi tốt đẹp một chút, chứ ba ác đạo đáng kinh hãi lắm! Trong ba ác đạo, địa ngục đạo và ngạ quỷ đạo thì chúng ta chẳng thấy, chứ súc sanh đạo thì thường xuyên trông thấy. Nghĩ tới tình cảnh của súc sanh, chúng ta có bằng lòng làm súc sanh hay chăng? Quỷ đạo còn thua súc sanh, địa ngục đạo còn chẳng bằng ngạ quỷ đạo. Trong lục đạo, khổ nhất là địa ngục đạo. Chúng ta mong làm súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ ư? Đương nhiên là chẳng có ai muốn làm! Tuy chẳng muốn làm, nhưng hằng ngày chúng ta đang tạo cái nhân, vậy thì chẳng được rồi! Nếu quý vị đã tạo nhân, lẽ đâu chẳng hứng chịu quả báo? Đoạn này vừa mở đầu liền nói: Quý vị phải biết khổ, biết khổ thì mới chịu đoạn phiền não. Thật sự nhận biết, thật sự lý giải Phật đạo thì mới có thể sanh tâm ngưỡng mộ, mới chịu nghiêm túc tu đạo.

          “Đạo” là gì? “Lược tắc Giới, Định, Huệ” nghĩa là nói đơn giản: Đạo là Tam Vô Lậu Học Giới, Định, Huệ, trì Giới, tu Định, khai Huệ. Tam Học Giới, Định, Huệ là tổng cương lãnh của Phật pháp, thực hiện từ chỗ nào? Tiểu Thừa giáo (Thanh Văn giáo) thực hiện từ Tứ Niệm Xứ và Tứ Chánh Cần. Tứ Niệm Xứ là Quán Huệ, là trí huệ, là giác ngộ. Điều thứ nhất là “quán thân bất tịnh”, thân là cội khổ. Không chỉ là Phật, Bồ Tát biết, mà người thế gian chúng ta cũng hiểu. Lão Tử nói: “Ta có nỗi họa hoạn to lớn là do ta có thân”; đó là khi Phật pháp chưa truyền đến Trung Hoa, Đạo gia đã giác ngộ cái thân là cội khổ! Hàng phàm phu bậc cao trong lục đạo chẳng cần đến thân thể, họ sanh trong Vô Sắc Giới. Sắc Giới tuy đã đoạn Ngũ Dục, vẫn còn có thân thể. Vì thế, hàng phàm phu thông minh nhất bèn chẳng cần thân thể nữa, đó là hạng phàm phu bậc cao. Đó là trí huệ! Có trí huệ quan sát, thật sự giác ngộ thì mới chịu nghiêm túc tu học. Tu học bắt đầu từ chỗ nào? Từ Tứ Chánh Cần. Tứ Chánh Cần thì một đằng là thiện, một đằng là ác. Ác thì phải nghiêm túc đoạn, thiện thì phải phát tâm tu tập.

          Đề mục của ba mươi bảy phẩm như nhau, nhưng ý nghĩa trong Đại Thừa và Tiểu Thừa khác nhau. Đối với Tam Học và ba mươi bảy Đạo Phẩm, tông Thiên Thai nói có Tạng, Thông, Biệt, Viên. Những điều được nói ở đây thuộc về Tạng Giáo, thuộc về Tiểu Thừa, chỉ là vượt thoát sự luân hồi trong tam giới mà thôi. Đấy là bậc A La Hán trong Tiểu Thừa. Kinh nói trong các đệ tử đức Phật, có nhiều vị là A La Hán.

          (Diễn) A La Hán giản phi tiền tam giả.

          ()阿羅漢揀非前三者。

          (Diễn: [Nói] A La Hán nhằm chỉ rõ: Chẳng thuộc về ba quả vị trước).

          Ba địa vị trước đó là Tu Đà Hoàn (Srotāpanna), Tư Đà Hàm (Sakridāgāmi), và A Na Hàm (Anāgāmi), đều là quả vị Tiểu Thừa, chúng ta gọi [các quả vị ấy] là Sơ Quả, Nhị Quả, và Tam Quả. Kinh nói đến Tứ Quả, tức là A La Hán (Arhat), chẳng phải là ba loại trước.

          (Diễn) Nhất, Tu Đà Hoàn, thử vân Dự Lưu.

          ()一、須陀洹,此云預流。

          (Diễn: Một là Tu Đà Hoàn, cõi này dịch là Dự Lưu).

           Dự Lưu (預流) là nhập lưu (入流), tức là dự vào hàng thánh nhân, vì Ngài đã chứng đắc Vị Bất Thoái. Vị Bất Thoái sẽ tuyệt đối chẳng lui sụt xuống phàm phu, tuyệt đối chẳng đọa trong ba ác đạo. Ngài có tiến, có lùi, bảy phen sanh tử trong nhân gian hay cõi trời. Tuy có tiến, lùi như vậy, Ngài vẫn thuộc vào hàng thánh nhân, cho nên Ngài thoái chuyển có chừng hạn. Nếu chẳng chứng đắc Tu Đà Hoàn, trước khi đạt đến Tứ Gia Hạnh[1] thì mới có thể lui sụt xuống địa ngục, mức độ thấp nhất là A Tỳ địa ngục. Chứng đắc Tiểu Thừa Sơ Quả, ngằn hạn [lui sụt đến mức] thấp nhất sẽ là Sơ Quả, chẳng thể lùi xuống phàm phu, lại càng chẳng thể đọa lạc ba ác đạo. Nhất định phải hiểu điều này! Đối với sự tiến, lùi, chúng ta thường nói “Thất Địa Bồ Tát còn có thoái chuyển”, Thất Địa Bồ Tát lui sụt đến chỗ nào? Chúng ta nói theo Viên Giáo thì Ngài sẽ lui sụt đến Sơ Trụ. Sơ Trụ là phá một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh, tiến tiến lùi lùi đến mức độ thấp nhất là Sơ Trụ Bồ Tát của Viên Giáo, chẳng lui sụt đến Tiểu Thừa, chẳng thể lui sụt đến A La Hán, Bích Chi Phật, mà cũng chẳng thể lui sụt đến Quyền Giáo Bồ Tát. Vì thế, mỗi lần lui sụt, Ngài đều có chừng hạn. Đạt đến Bát Địa, sẽ là Bất Thoái. Bát Địa thật sự viên mãn ba thứ Bất Thoái.

          (Diễn) Thử vị.

          ()此位。

          (Diễn: Địa vị này).

          Địa vị này là Tu Đà Hoàn, tức Tiểu Thừa Sơ Quả.

          (Diễn) Đoạn tam giới bát thập bát Sử Kiến Hoặc, kiến Chân Đế, cố danh vi Kiến Đạo.

          ()斷三界八十八使見惑,見真諦,故名為見道。

(Diễn: Đoạn tám mươi tám Sử thuộc Kiến Hoặc trong tam giới, thấy Chân Đế, nên gọi là Kiến Đạo).

          Đây là Kiến Đạo trong Tiểu Thừa: Đoạn sạch tám mươi tám Sử thuộc Kiến Hoặc, chứng đắc Tiểu Thừa Sơ Quả. Nếu người ấy là căn tánh viên đốn thì phải là hàng Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Tín trong Viên Giáo. Sơ Tín của Viên Giáo bằng với Sơ Quả của Tiểu Thừa. Nói theo phương diện đoạn chứng, sẽ bằng với Tu Đà Hoàn của Tiểu Thừa, đều là đoạn tám mươi tám Sử; nhưng nói theo phương diện trí huệ và công đức, A La Hán chẳng sánh bằng. Do vậy có thể biết, căn cơ viên đốn đáng quý.

          (Diễn) Nhị, Tư Đà Hàm, thử vân Nhất Lai.

          ()二、斯陀含,此云一來。

          (Diễn: Hai là Tư Đà Hàm, cõi này dịch là Nhất Lai).

          Đây là Nhị Quả trong Tiểu Thừa, Nhất Lai nghĩa là gì? Ngài còn phải sanh trong nhân gian một lần, sau đấy có thể chẳng cần sanh trong nhân gian nữa.

          (Diễn) Thử vị đoạn Dục Giới cửu phẩm Tư trung, đoạn tiền lục phẩm tận, hậu tam phẩm do tại, cố cánh nhất lai.

()此位斷欲界九品思中,斷前六品盡,後三品猶在,故更一來。

(Diễn: Địa vị này đã đoạn sáu phẩm trước trong chín phẩm Tư Hoặc thuộc Dục Giới, do hãy còn ba phẩm sau [chưa đoạn] nên phải trở lại lần nữa).

          Dục Giới có tất cả chín phẩm Tư Hoặc, Ngài đã đoạn sạch sáu phẩm trước, còn sót lại ba phẩm, nên vẫn phải trở lại một lần nữa; do đó gọi là Nhất Lai quả. Nhị Quả còn phải sanh trong nhân gian một lần, Tam Quả chẳng tái sanh nữa.

          (Diễn) Tam, A Na Hàm, thử vân Bất Lai.

          ()三、阿那含,此云不來。

          (Diễn: Ba là A Na Hàm, cõi này dịch là Bất Lai).

          A là Vô, Na Hàm là Lai. Vô Lai chính là Bất Lai, [ý nói] chẳng đến (chẳng sanh trong) Dục Giới nữa!

          (Diễn) Thử vị đoạn dục tàn Tư tận.

          ()此位斷欲殘思盡。

          (Diễn: Địa vị này đoạn sạch mọi Tư Hoặc còn sót lại trong Dục Giới).

          “Tàn” (殘) là tàn dư. Ngài đoạn sạch ba phẩm còn thừa sót, chẳng trở lại [nhân gian] nữa. Trong chín địa của tam giới, Dục Giới là một địa, trong mỗi địa có chín phẩm, Ngài đã đoạn hết chín phẩm Hoặc. Ngài đến nơi đâu để tu hành? Ngài tiến tiến lùi lùi trong Sắc Giới từ Sơ Thiền cho đến Tứ Thiền, nếu đọa lạc thì cũng bất quá đọa xuống Sơ Thiền [là hết mức], chẳng thể đọa xuống các cõi thấp hơn cõi Sơ Thiền. Tiến lên trên là Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, tiến tiến lùi lùi trong các chỗ ấy, chẳng thể đọa xuống Dục Giới. Vì thế, gọi là Bất Lai, còn gọi là Bất Hoàn Quả.

          (Diễn) Tấn đoạn thượng bát địa Tư.

          ()進斷上八地思。

          (Diễn: Tiến cao hơn là đoạn Tư Hoặc trong tám địa phía trên).

          “Tư” là Tư Hoặc. Phía trên đó còn tám địa, tức là [các phẩm Tư Hoặc] thuộc về Tứ Thiền Thiên và Tứ Không Thiên.

          (Diễn) Tứ, A La Hán, thử vân Vô Học.

          ()四、阿羅漢,此云無學。

          (Diễn: Bốn là A La Hán, cõi này dịch là Vô Học).

          A La Hán là Vô Học. A là Vô, La Hán là Học. Vô Học là đã tốt nghiệp.

          (Diễn) Hựu vân Vô Sanh.

()又云無生。

          (Diễn: Lại dịch là Vô Sanh).

          Vô Sanh là gì? Ngài chẳng còn đến thọ sanh trong tam giới lục đạo, đã thoát khỏi tam giới.

          (Diễn) Hựu vân Sát Tặc.

          ()又云殺賊。

          (Diễn: Lại còn dịch là Sát Tặc).

           Có rất nhiều người chẳng hiểu rõ Phật giáo cho lắm, thấy A La Hán còn gọi là Sát Tặc, [bèn dè bỉu]: “Nhà Phật chẳng sát sanh! Quý vị thấy [La Hán] còn giết giặc, đã khai sát giới rồi!” Đó là hiểu lầm! Chữ “tặc” (賊) chỉ Kiến Tư phiền não. Đoạn sạch Kiến Tư phiền não, giống như đã giết sạch giặc Kiến Tư phiền não, có ý nghĩa này, chẳng phải là thật sự sát sanh, mà nhằm tỷ dụ sự đoạn trừ phiền não. Ở đây là giặc phiền não, chẳng phải là giặc nào khác!

          (Diễn) Hựu vân Ứng Cúng.

          ()又云應供。

          (Diễn: Còn dịch là Ứng Cúng).

          A La Hán có công đức chân thật, đoạn sạch Kiến Tư phiền não là công đức chân chánh. Trời, người cúng dường A La Hán, phước báo ấy rất lớn. Ngài xứng đáng tiếp nhận sự cúng dường của trời, người, nên được gọi là bậc Ứng Cúng.

          (Diễn) Thử vị đoạn Kiến Tư câu tận.

          ()此位斷見思俱盡。

          (Diễn: Địa vị này, Kiến Hoặc và Tư Hoặc đều đoạn hết sạch).

          Tám mươi tám sử Kiến Hoặc và tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc thảy đều đoạn sạch.

          (Diễn) Tử phược dĩ đoạn, quả phược do tồn, danh Hữu Dư Niết Bàn.

()子縛已斷,果縛猶存,名有餘涅槃。

(Diễn: Triền phược thô đã đoạn, triền phược vi tế hãy còn, nên gọi là Hữu Dư Niết Bàn).

          “Tử phược” (子縛) là phiền não thô. Đoạn sạch phiền não thô, hãy còn phiền não vi tế chưa đoạn. Phiền não vi tế là Quả Phược, Phược (縛) là trói buộc. Ba loại phiền não lớn là Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não, và Vô Minh phiền não. A La Hán chỉ đoạn Kiến Tư, chứ Trần Sa và Vô Minh đều chưa đoạn, nên Niết Bàn do Ngài đã chứng được gọi là Hữu Dư Niết Bàn (Sa-upādisesa-nibbānadhātu), vì còn thừa sót Trần Sa, còn sót lại Vô Minh. Hai loại này vẫn còn, nhưng Ngài đã thoát khỏi tam giới. Trần Sa Hoặc và Vô Minh Hoặc sẽ đoạn sau khi thoát khỏi tam giới. Đấy là giải thích về A La Hán.

          (Sao) Văn Tứ Đế giả, Thế Tôn vị Kiều Trần Như đẳng ngũ nhân, chuyển Khổ, Tập, Diệt, Đạo pháp luân, sơ thị, nhị khuyến, chí tam tắc chứng. Chư lậu dĩ tận, thành A La Hán. Nhân văn thanh giáo dĩ đắc khai minh, cố danh Thanh Văn. Thanh Văn chi hiệu, thông tiền tam quả, kim Tứ Quả dã.

()聞四諦者,世尊為憍陳如等五人,轉苦集滅道法輪,初示、二勸,至三則證。諸漏已盡,成阿羅漢。因聞聲教以得開明,故名聲聞。聲聞之號,通前三果,今四果也。

(Sao: “Nghe Tứ Đế”: Đức Thế Tôn vì nhóm năm người của ngài Kiều Trần Như chuyển pháp luân Khổ Tập Diệt Đạo, đầu tiên là chỉ bày, hai là khuyên lơn, cho đến điều thứ ba là chứng nhập. Các lậu đã hết, thành A La Hán. Do nghe thanh giáo bèn được khai minh, nên gọi là Thanh Văn. Danh hiệu Thanh Văn bao gồm cả ba quả trước, ở đây là Tứ Quả).

           Thanh Văn (Śrāvaka) là hiệu chung của Tiểu Thừa. Từ Sơ Quả đến Tứ Quả A La Hán đều gọi là Thanh Văn. Các Ngài do nghe đức Phật thuyết pháp mà ngộ đạo, nên được gọi là Thanh Văn. Chúng ta xem phần chú giải dưới đây.

          (Diễn) Thế Tôn vị Kiều Trần Như đẳng ngũ nhân giả.

          ()世尊為憍陳如等五人者。

          (Diễn: Đức Thế Tôn vì nhóm năm người Kiều Trần Như).

          Đây là nói đến một đoạn nhân duyên Phật thuyết pháp độ chúng sanh đầu tiên. Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện trong thế gian này, sau khi thành đạo, trong mười bốn ngày tuyên nói kinh Hoa Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm được đức Phật giảng trong Định. Đức Phật ngồi dưới cội Bồ Đề, ban đêm thấy sao Hôm, bèn hoát nhiên đại ngộ. Sau khi đã ngộ, Ngài vẫn ngồi dưới cội Bồ Đề. Lũ phàm phu chúng ta thấy Phật tĩnh tọa tại đó, chẳng biết Ngài đang giảng kinh Hoa Nghiêm trong Định. Pháp hội náo nhiệt dường ấy, nhưng bọn phàm phu chúng ta đâu có biết! Chờ đến sau khi Ngài xuất Định, gặp năm người ấy tại Lộc Dã Uyển, vì năm người ấy thuyết pháp, năm người ấy khai ngộ. Lũ phàm phu chúng ta thấy thoạt tiên Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp gì? Thuyết pháp Tứ Đế, thuyết cho năm người ấy. Vì lẽ đó, người Tiểu Thừa chẳng thừa nhận kinh Hoa Nghiêm do đức Phật nói. Vì sao? Chẳng thấy! Hiện tại, người phương Tây nói đến khảo cứu, nói đến lịch sử, cũng chẳng thừa nhận Đại Thừa, cho rằng kinh Hoa Nghiêm đại khái do chính Long Thọ Bồ Tát (Nāgārjuna) tự soạn, mạo danh Thích Ca Mâu Ni Phật. Đây chính là dùng tâm lượng phàm phu để suy lường thánh nhân! Nhưng người Hoa có cách nhìn chẳng giống như vậy, người Hoa thừa nhận [kinh Hoa Nghiêm và Đại Thừa]. Đây là chỗ khác biệt giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa. Hiện thời nói đến Phật giáo nguyên thủy là nói tới Tứ A Hàm, tức là những pháp do Thích Ca Mâu Ni Phật giảng cho các vị thuộc nhóm Kiều Trần Như. Chúng ta cũng phải hiểu chuyện này, nhưng quyết định đừng bị mê hoặc bởi các luận thuyết rối ren! [Hễ bị mê hoặc] thì là sai lầm mất rồi! Trong pháp Đại Thừa có nói “đức Phật không có pháp nhất định để có thể nói”, đức Phật chẳng có pháp nào để có thể nói. Đức Phật lại chưa hề nói một câu pháp nào! Năm người ấy do đâu mà có? Ở đây, [sách Diễn Nghĩa] giới thiệu đơn giản.

          (Diễn) Phật sơ xuất gia nhập sơn tu đạo, phụ vương tư niệm, mạng Trần Như, Mã Thắng đẳng ngũ nhân tùy thị.

()佛初出家入山修道,父王思念,命陳如馬勝等五人隨侍。

(Diễn: Lúc đức Phật mới xuất gia, vào núi tu đạo, phụ vương lo nghĩ, bèn sai nhóm năm người như Trần Như, Mã Thắng v.v… theo hầu).

          Năm người ấy[2] vốn là do phụ thân của Thích Ca Mâu Ni Phật sai đến chăm sóc Ngài. Đức Phật vào núi tu đạo, cha Ngài chẳng an lòng, sai năm người đi theo chăm sóc Ngài. [Sở dĩ] có năm người ấy là như vậy đó.

(Diễn) Ngũ nhân bất thắng kỳ khổ, thoái cư Lộc Uyển.

()五人不勝其苦,退居鹿苑。

          (Diễn: Năm người không chịu khổ nổi, bèn lui về ở trong Lộc Uyển). 

          Năm người ấy cũng rất có đạo tâm, nhưng họ thật sự chẳng kham nổi sự khổ hạnh của Thích Ca Mâu Ni Phật, thật sự chịu không nổi, bèn bỏ đi, chẳng ở cùng một chỗ với Ngài. Năm người ấy đến Lộc Dã Uyển, là một nơi nuôi nai, đến ở chỗ đó để tự tu hành.

          (Diễn) Phật thành đạo dĩ, quán ngũ nhân nghi tối tiên đắc độ, cố Phật chí Lộc Uyển, thuyết pháp độ chi.

()佛成道已,觀五人宜最先得度,故佛至鹿苑,說法度之。

(Diễn: Đức Phật đã thành đạo, quán thấy năm người ấy đáng nên đắc độ trước tiên, nên đức Phật đến Lộc Uyển thuyết pháp độ họ).

          Thích Ca Mâu Ni thị hiện thành đạo, quán xem người nào khế cơ nhất, người nào đắc độ đầu tiên? Đến Lộc Dã Uyển, Ngài nhìn thấy năm người ấy, thấy Kiều Trần Như cơ duyên đã chín muồi, liền thuyết pháp cho các vị ấy. Vừa thuyết pháp, tôn giả Kiều Trần Như khai ngộ đầu tiên, chứng quả A La Hán, nên Ngài là đệ tử thứ nhất. Chúng ta đọc kinh Vô Lượng Thọ, thấy Ngài được nêu tên đầu tiên, vì Ngài là người đầu tiên đắc độ khi Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành Phật độ chúng sanh. Kinh Kim Cang nói: Đời trước, vị này chính là vua Ca Lợi (Kaliṅga-rāja), còn Thích Ca Mâu Ni Phật là tiên nhân Nhẫn Nhục (Kṣānti-ṛṣi). Đời trước các Ngài có sự hiểu lầm rất lớn. Tiên nhân Nhẫn Nhục bị vua Ca Lợi cắt chặt thân thể, trọn chẳng sanh tâm sân khuể, lại còn phát nguyện trong tương lai thành Phật, sẽ độ nhà vua đầu tiên. Vì thế, Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật, quả nhiên người được độ đầu tiên là tôn giả.

Do vậy có thể biết, đức Phật độ hết thảy chúng sanh đều có nhân duyên rất sâu. Chẳng có nhân duyên, chẳng thể đắc độ. Giống như nay chúng ta ở trong thời kỳ Mạt Pháp của đức Phật, có nhân duyên nghe bộ kinh điển này, từ bộ kinh điển này sanh khởi tín tâm, phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, thật thà niệm Phật, đó cũng là có nhân duyên rất sâu. Nếu chẳng có duyên với A Di Đà Phật, chẳng có duyên với Thích Ca Mâu Ni Phật, suốt một đời này, quý vị chẳng nghe pháp môn này, dẫu có nghe cũng chẳng tin tưởng. Vì thế, phàm là người có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ giống như nhóm các vị Kiều Trần Như, thiện căn, phước đức, nhân duyên đã gieo trong nhiều đời nhiều kiếp đến lúc ấy bèn chín muồi đó thôi!

          Khi Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành Phật, [nhân duyên của] nhóm người Kiều Trần Như đã chín muồi, bèn đắc độ đầu tiên. Đức Phật giảng cho các Ngài nghe pháp Khổ Tập Diệt Đạo. Phương pháp giảng giải của đức Phật gồm có chỉ dạy, khuyên lơn, làm chứng; đó gọi là “tam chuyển pháp luân”, là kỹ xảo thuyết pháp. Chúng ta xem chú giải.

          (Diễn) Tam chuyển pháp luân giả, nhất, thị tướng chuyển.

          ()三轉法輪者,一、示相轉。

          (Diễn: Tam chuyển pháp luân: Một là chuyển bằng cách chỉ bày các tướng).

          Dưới đây là nêu ra ví dụ để nói.

          (Diễn) Thử thị khổ, bức bách tánh.

          ()此是苦,逼迫性。

          (Diễn: Đây là khổ vì có tánh chất bức bách).

          Phạm vi của chữ “thử” (này) hết sức rộng rãi, bảo quý vị: Đây là khổ! Sanh là khổ, già cũng khổ, bệnh cũng khổ, chết cũng khổ, cầu chẳng được cũng khổ, yêu thương phải chia lìa cũng khổ, oán ghét mà cứ phải gặp gỡ cũng khổ. Thường nói là ba khổ hoặc tám khổ, những điều ấy là khổ. Đó gọi là “thị tướng chuyển”. Vì sao khổ? “Bức bách tánh”, [nghĩa là] chúng nó có tánh chất bức ép khiến cho quý vị thân tâm chẳng thể yên ổn, đó là khổ! Khổ đang ép bức quý vị, nên dạy con người hãy giác ngộ các nỗi khổ trong thế gian. Đối với Khổ Đế, nêu lên một thí dụ để nói. Tiếp theo đây là nói tới Tập Đế, [nhằm giải thích] Khổ do đâu mà có?

          (Diễn) Thử thị Tập, chiêu cảm tánh.

          ()此是集,招感性。

          (Diễn: Đây là Tập, có tánh chất chiêu cảm).

          Nếu quý vị hỏi những sự khổ ấy do đâu mà có ư? Khổ do chính quý vị chuốc lấy, chiêu tập nó. Nếu quý vị chẳng tìm kiếm nó, lấy đâu ra khổ? Chẳng có khổ! Chèo kéo khổ bằng cách nào? Khởi Hoặc, tạo nghiệp! Cái nhân là mê hoặc, chẳng hiểu rõ chân tướng sự thật, mê mất rồi! Duyên là tạo nghiệp, tạo đủ thứ nghiệp. Vì sao tạo nghiệp? Vì mê hoặc. Do mê hoặc tạo nghiệp nên mới chịu báo. Quả báo là Khổ, [là kết quả của] những điều trước; nên nói là Hoặc, Nghiệp, Khổ. Đó là Tập, Tập là “chiêu cảm tánh”. Tạo nghiệp: Tạo thiện nghiệp sẽ thọ báo trong ba thiện đạo. Tạo ác nghiệp, thọ báo trong ba ác đạo. Lục đạo phàm phu chẳng có ai không tạo nghiệp. Luân hồi: Chúng ta tạo nghiệp rất nhiều, có thể nói là mỗi cá nhân đều đang tạo nghiệp trong mười pháp giới. Tạo nghiệp phức tạp như vậy, sẽ thọ báo của nghiệp nhân nào trước? Tùy thuộc nghiệp lực nào lớn mạnh, nghiệp lực nào mạnh mẽ! Nghiệp mạnh sẽ lôi trước, lôi đi trước thì sẽ “ưu tiên” thọ báo [của nghiệp ấy]. Hiểu sự thật này, chúng ta sẽ giác ngộ. Suốt ngày từ sáng đến tối, vọng niệm nào của chúng ta có sức mạnh lớn nhất, phải giác ngộ điều này! Nếu ý niệm tham ái mạnh nhất, chắc chắn sẽ vào ngạ quỷ đạo, đời sau làm quỷ. Tham là tham gì? Tham danh, tham lợi, tham tài, tham sắc, tham Phật pháp, đều là tham. Tham Phật pháp cũng phải đi vào ngạ quỷ đạo, vì quý vị chịu báo do cái tâm tham, chẳng cần biết quý vị tham điều gì! Nếu đoạn sạch tâm tham, chẳng tham ái hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, quý vị sẽ chẳng đọa làm ngạ quỷ.

          Lại thưa cùng quý vị, ngoại lệ duy nhất là quý vị có thể yêu mến A Di Đà Phật, điều này chẳng sao hết! [Do yêu mến A Di Đà Phật], sẽ đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, chứ [tham ái những điều khác] chẳng được đâu nhé! [Tham ái] những điều khác thì đều vào trong ngạ quỷ đạo! Nói thật thà, quý vị yêu mến Thích Ca Mâu Ni Phật cũng không được, vẫn phải vào trong ngạ quỷ đạo, chẳng có cách nào thành tựu. Niệm A Di Đà Phật là một pháp môn đặc biệt, quý vị chỉ cần đặt A Di Đà Phật trong tâm, sẽ thành công, những điều khác đều buông xuống hết, như vậy thì mới có thể vãng sanh! Do đó, một mực chuyên niệm A Di Đà Phật. Nếu quý vị hỏi “do nguyên nhân nào” ư? Kinh này và kinh Vô Lượng Thọ đã nói rành mạch, vì sao niệm đức Phật khác không được, nhưng niệm Ngài (A Di Đà Phật) thì được? Niệm Ngài là đới nghiệp vãng sanh. Mang theo nghiệp gì vậy? [Chính là] nghiệp yêu mến A Di Đà Phật, có thể mang theo nghiệp ấy vãng sanh, [mang theo] những nghiệp khác thì không được. Trong hết thảy các Tịnh Độ khác của chư Phật, chẳng có đới nghiệp vãng sanh, chỉ riêng pháp môn này là có thể đới nghiệp vãng sanh.

          Trong mỗi niệm đều là nóng giận, ganh ghét, nhất định phải đọa địa ngục, chúng ta thường có cái tâm ấy hay không? Có ý niệm ấy hay không? Ngạo mạn, kiêu căng, ngã mạn là A Tu La. Thị phi, thiện ác chẳng hiểu rõ ràng, mê hoặc, điên đảo, sẽ là súc sanh đạo. Nói thật thà, chúng ta mỗi ngày tạo nghiệp gì? Tạo ba ác đạo, quá đáng sợ, thật sự là khổ! Khởi Hoặc, tạo nghiệp, đấy là Tập Đế. Hai câu trên đây nói về nhân quả thế gian; hai câu sau sẽ nói đến nhân quả xuất thế gian.

          (Diễn) Thử thị Diệt, khả chứng tánh.

          ()此是滅,可證性。

          (Diễn: Đây là Diệt, tánh có thể chứng).

          Tánh chất của nó là có thể chứng đắc. Diệt là diệt hết thảy khổ, diệt hết thảy mê hoặc tạo tác, có thể diệt những điều ấy. Nói cách khác, nó có thể diệt sanh tử, có thể diệt luân hồi, có thể diệt phiền não; những thứ ấy hư vọng, chẳng chân thật, quyết định có thể diệt trừ. Cách diệt như thế nào? Phải nói đến Đạo.

          (Diễn) Thử thị Đạo, khả tu tánh.

          ()此是道,可修性。

          (Diễn: Đây là Đạo, tánh có thể tu).

          Có thể tu học. Đối với Đạo, Tiểu Thừa nói ba mươi bảy Đạo Phẩm, còn đối với Đại Thừa sẽ là lục độ vạn hạnh. Lục độ vạn hạnh cũng chẳng ra ngoài ba mươi bảy Đạo Phẩm. Ba mươi bảy khoa mục ấy quy nạp lại sẽ là Tam Học Giới, Định, Huệ. Vô lượng vô biên pháp môn đều chẳng lìa khỏi Tam Học, dùng Tam Học sẽ bao gồm toàn bộ.

          Nói theo kiểu này, Thị Tướng chính là khai thị. Nói theo phía người căn cơ nhạy bén, hễ vừa nói, họ liền giác ngộ. Căn tánh con người có ba hạng, đối với người bậc thượng, đức Phật chỉ cần nêu ra, chỉ bày, họ liền giác ngộ, quay đầu. Đối với người căn tánh bậc trung, tuy chỉ bày, họ vẫn luôn cảm thấy chẳng liên quan gì tới mình cho lắm, chẳng thấu hiểu sâu đậm như vậy. Đức Phật lại dùng phương pháp khuyên dạy, “khuyên” là trực tiếp nói với quý vị.

          (Diễn) Nhị, khuyến tu chuyển. Thử thị Khổ nhữ ưng tri, thử thị Tập nhữ ưng đoạn, thử thị Diệt nhữ ưng chứng, thử thị Đạo nhữ ưng tu.

()二、勸修轉。此是苦汝應知,此是集汝應斷,此是滅汝應證,此是道汝應修。

(Diễn: Hai là khuyến tu chuyển. Đây là Khổ ngươi nên biết. Đây là Tập ngươi nên đoạn. Đây là Diệt ngươi nên chứng. Đây là Đạo ngươi nên tu).

          Đây là nói thẳng, chỉ dạy quý vị, còn trong trường hợp trước, chẳng chỉ dạy quý vị trực tiếp, mà nói với đại chúng. Quý vị hãy nên thấu hiểu, đây là chỉ dạy thẳng thừng, quý vị hãy nên biết điều này! “Khuyến” [có nghĩa là] quý vị phải nên làm theo cách nào! Sau khi đã được khuyên, căn tánh bậc trung sẽ giác ngộ. Kẻ căn tánh bậc hạ sau khi được khuyên vẫn chưa tin tưởng: “Quý vị nói những lời này là thật ư?” Nửa tin nửa ngờ! Bất đắc dĩ, lại làm chứng cho kẻ đó. Nói theo cách hiện thời là phải “nêu ra chứng cớ”. Đức Phật lấy ngay chính mình làm thí dụ.

          (Diễn) Tam, tác chứng chuyển, thử thị Khổ, ngã dĩ tri.

          ()三、作證轉,此是苦我已知。

(Diễn: Ba là tác chứng chuyển, đây là Khổ, ta đã biết).

          Ta có thể chứng minh cho quý vị, ta đã biết.

          (Diễn) Thử thị Tập, ngã dĩ đoạn.

          ()此是集我已斷。

          (Diễn: Đây là Tập, ta đã đoạn).

Quý vị có mê hoặc, có tạo nghiệp, ta chẳng mê hoặc, cũng chẳng tạo nghiệp. Ta chẳng mê hoặc, tức là duyên đã đoạn. Ta chẳng tạo nghiệp, nhân đã đoạn. Nhân và duyên đều đã đoạn, đương nhiên quả báo sẽ đoạn.

          (Diễn) Thử thị Diệt, ngã dĩ chứng. Thử thị Đạo, ngã dĩ tu.

          ()此是滅我已證,此是道我已修。

          (Diễn: Đây là Diệt, ta đã chứng. Đây là Đạo, ta đã tu).

          “Tôi nói với quý vị, câu nào cũng đều là lời chân thật”, đây là đức Phật hiện thân thuyết pháp, vì mọi người làm chứng. Đó gọi là Tác Chứng Chuyển. Đấy là Tam Chuyển Pháp Luân. Câu văn Tam Chuyển Pháp Luân này giống như công thức toán học, chúng ta hãy nên học tập điều này. Nhất là hoằng pháp, luôn luôn chẳng rời khỏi nguyên tắc này, bất luận ở chỗ nào, gặp kẻ nào hỏi pháp, quý vị giữ vững nguyên tắc này, chắc chắn sẽ không phạm sai lầm. Thị chuyển, khuyến chuyển, tác chứng chuyển! Lại xem đoạn kế tiếp:

(Sao) Duyên Giác nhiếp giả.

()緣覺攝者。

          (Sao: [Nói Thanh Văn] là đã bao gồm Duyên Giác).

          Kinh này chẳng nhắc tới Duyên Giác, Duyên Giác được bao gồm trong Thanh Văn, tỉnh lược!

          (Sao) Duyên Giác quán Thập Nhị Nhân Duyên nhi đắc khai ngộ, tuy thập nhị chi, nhi thúc chi bất xuất Tứ Đế.

          ()緣覺觀十二因緣而得開悟,雖十二支,而束之不出四諦。

(Sao:  Duyên Giác quán Thập Nhị Nhân Duyên nên khai ngộ.  Tuy

gồm mười hai chi, nhưng tóm lại, chẳng ra ngoài Tứ Đế).

          “Thập nhị chi” cũng là mười hai khoa mục. “Thúc” (束) là quy nạp. Quy nạp lại thì [Thập Nhị Nhân Duyên] cũng chẳng ra ngoài Tứ Đế. Vì thế, trong pháp Tiểu Thừa, Tứ Đế được gọi là căn bản pháp luân. Thập Nhị Nhân Duyên bất quá là triển khai Tứ Đế để nói tỉ mỉ, rõ ràng mà thôi!

          (Sao) Tuy hữu lợi sanh chi tâm, nhi diệc vị quảng, cố nhiếp Thanh Văn trung dã.

()雖有利生之心,而亦未廣,故攝聲聞中也。

(Sao: Tuy có tâm lợi sanh, nhưng cũng chưa rộng, nên gom vào hàng Thanh Văn).

          Tiếng Phạn là Bích Chi Phật (Pratyeka-buddha), dịch sang tiếng Hán là Duyên Giác; Ngài từ Thập Nhị Nhân Duyên (Dvādaśāga-pratītya Samutpāda Aṅga) mà khai ngộ. Hạng người này tuy cũng độ chúng sanh, nhưng không chủ động, giống như A La Hán. Quý vị đến tìm Ngài, Ngài thấy quý vị rất có duyên phận với Ngài trong đời quá khứ, bèn độ quý vị. Ngài có thể nhập Định quán sát, [nếu thấy] trong đời quá khứ chẳng có duyên với chính Ngài, bèn chẳng độ quý vị, vì sao? Nói ra, quý vị sẽ không tin tưởng, mà cũng chẳng bằng lòng nghe. Ta cũng đỡ tốn công nói, mà quý vị cũng ít phiền não. Ngài bảo quý vị hãy đi đi. Bồ Tát tâm từ bi sâu nặng, chủ động giáo hóa chúng sanh; A La Hán và Bích Chi Phật chẳng chủ động dạy người khác; vì thế, các Ngài thuộc về Tiểu Thừa. Lời chú giải đơn giản dưới đây giảng rõ Thập Nhị Nhân Duyên là gì. Điều này cũng là thường thức trong Phật học.

           (Diễn) Duyên Giác quán Thập Nhị Nhân Duyên giả, nhất Vô Minh, vị Phiền Não Chướng, Phiền Não Đạo.

          ()緣覺觀十二因緣者,一、無明,謂煩惱障煩惱道。

          (Diễn: Duyên Giác quán Thập Nhị Nhân Duyên: Một là Vô Minh, nghĩa là Phiền Não Chướng, Phiền Não Đạo).

          Vô Minh đang nói ở đây chính là Chi Mạt Vô Minh, chẳng phải là Căn Bản Vô Minh (Mūlāvidyā). Phá một phẩm Căn Bản Vô Minh sẽ là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, là Pháp Thân đại sĩ. A La Hán và Bích Chi Phật cũng phá vô minh, nhưng phá Chi Mạt Vô Minh. Chi Mạt Vô Minh là gì? Là Kiến Tư phiền não. Trong Tứ Đế, nó được gọi là Kiến Tư phiền não, còn trong Thập Nhị Nhân Duyên thì là Vô Minh (Vidyā), Vô Minh là Kiến Tư phiền não, là mê hoặc, “Phiền Não Chướng, Phiền Não Đạo” là như thế đó. Phiền Não Chướng là Kiến Hoặc, Phiền Não Đạo là Tư Hoặc, đó gọi là Kiến Tư phiền não, đấy là vô minh.

          (Diễn) Nhị, Hành.

          ()二、行。

          (Diễn: Hai là Hành).

          Quý vị có Phiền Não Chướng, có Phiền Não Đạo, tức là quý vị có Kiến Tư Vô Minh, nhất định sẽ vọng động. Hành (Saṅkhāra) là tạo nghiệp.

          (Diễn) Nghiệp chướng, nghiệp đạo.

          ()業障業道。

          (Diễn: Nghiệp chướng, nghiệp đạo).

           Đây là tạo tác. Vô Minh là duyên, Hành là nhân. Vô Minh xa hơn, nghiệp thì gần hơn. Nếu lấy quan hệ ông cháu ba đời để nói thì Vô Minh là ông nội, Hành là cha, sanh ra con là Thức trong phần kế tiếp. Thức là quả báo, năm điều tiếp theo đây đều là quả báo. Quan hệ hơi xa so với quả thì gọi là duyên, quan hệ mật thiết thì là nhân. Do đó, Vô Minh là duyên, Hành là nhân; có nhân, có duyên, sau đó là kết quả. Đó là “nghiệp chướng, nghiệp đạo”, nay chúng ta thảy đều đang tạo tác.

          (Diễn) Thử nhị chi thuộc quá khứ.

          ()此二支屬過去。

(Diễn: Hai chi này thuộc về quá khứ).

          Hai điều này đều nói về quá khứ, vì trong đời quá khứ, quý vị mê hoặc, điên đảo, tạo nghiệp, một đời này thọ báo, trở thành quả báo của quý vị. Cách thức thọ báo như thế nào? Trước hết là đến đầu thai. Trong lục đạo, chúng ta nói đến nhân đạo, tuy nói một đường này, nhưng năm đường kia đều chẳng ra ngoài lệ ấy, đều giống như nhau.

          (Diễn) Tam, Thức, thác thai nhất phần khí tức.

          ()三、識,托胎一分氣息。

(Diễn: Ba là Thức, tức là một phần khí tức nương gá nơi thai)

          “Thức” (Vijñāna) là thần thức, tục ngữ gọi nó là “linh hồn”. Linh hồn đến đầu thai. Thần thức có tốc độ vô cùng lớn, vượt thoát thời gian và không gian. Tuy Khổng lão phu tử chẳng nói rõ, nhưng từ văn chương của Ngài cũng thấu lộ đôi chút tin tức. Trong phần Hệ Từ Truyện của kinh Dịch, Ngài nói: “Du hồn vi biến” (Cái hồn phiêu du biến hóa); thần thức chính là “du hồn” (遊魂), Khổng lão phu tử gọi nó là “du hồn”. Nói là “du hồn” thì tuyệt đối chánh xác. Vì sao? Tốc độ chuyển động của nó quá nhanh.

“Du hồn vi biến, tinh khí vi vật” (Cái hồn phiêu du biến hóa, tinh khí hóa thành vật), hai câu này hoàn toàn giống với vũ trụ quan và nhân sinh quan trong Phật pháp. “Vật” (物) là vật chất, vật chất từ đâu mà có? Do Tinh Khí biến thành vật. Có thể thấy Khổng lão phu tử hoàn toàn chẳng thừa nhận thật sự có vật chất tồn tại, vật chất là tinh khí mà thôi! Các khoa học gia hiện thời chẳng thừa nhận có vật chất, [họ nói] vật chất là chấn động, là huyễn tướng do ánh sáng chấn động, chẳng phải là thật sự có vật chất. Kinh Dịch từ hai ngàn năm trăm năm trước của Khổng lão phu tử có thể tương ứng với khoa học hiện đại. Các khoa học gia chẳng đọc sách của Khổng Tử. Họ đọc sách của Khổng Tử sẽ càng thông minh hơn, trong Phật pháp càng nói cặn kẽ hơn nữa. Tinh Khí như Khổng lão phu tử đã nói chính là gì? Trong Duy Thức gọi chúng là Kiến Phần. Vật là gì? Vật là Tướng Phần. Kiến Phần và Tướng Phần có cùng cội nguồn, Kiến Phần và Tướng Phần chẳng hai! Phật pháp nói như vậy đó!

          Có rất nhiều người kết hôn nhưng suốt đời chẳng có con, vì sao? Chẳng có duyên! Con cái phải có duyên với quý vị thì chúng mới đầu thai vào nhà quý vị. Chúng nó chẳng có duyên với quý vị, sẽ chẳng đầu thai vào nhà quý vị. Nói cách khác, chúng nó đi đầu thai, phải tìm đối tượng. Quý vị mong cầu chúng nó, chưa chắc chúng nó đã để ý tới quý vị! Tìm đối tượng nào? Có mối quan hệ trong đời quá khứ. Trong kinh, đức Phật đã nói bốn loại nhân duyên:

1) Loại thứ nhất là báo ân. Trong đời quá khứ, đôi bên có ân huệ với nhau, lần này chúng nó lại thấy quý vị, bèn đầu thai vào nhà quý vị, sẽ trở thành con hiếu, cháu hiền, đến để báo ân.

2) Loại thứ hai là báo oán. Trong đời quá khứ, quý vị kết cừu hận với họ. Gặp gỡ lần này, họ đến làm con cái quý vị, mai sau lớn lên sẽ thành đứa con khiến cho gia đình suy bại, khiến cho quý vị nhà tan, người chết, nó đến để báo thù quý vị! Vì thế, chớ nên kết oán cừu cùng kẻ khác. Kẻ oán cừu bên ngoài có thể đề phòng, chứ họ đến đầu thai trong nhà quý vị, làm cách nào đây? Quý vị hại chết kẻ đó, thần thức kẻ ấy sẽ đến làm con cháu trong nhà quý vị. Đó gọi là “con cháu ngỗ nghịch” khiến cho nhà tan, người chết!

3) Loại thứ ba là đòi nợ. Đời quá khứ, cha mẹ thiếu nợ chúng nó, chúng nó đến đòi nợ. Nếu thiếu nợ ít, nuôi hai, ba năm, con bèn chết. Nếu thiếu nợ nhiều, đại khái là nuôi đến khi tốt nghiệp đại học, sắp có thể làm việc bèn chết mất. Nợ đã đòi xong, nó bèn ra đi.

4) Loại thứ tư là trả nợ. Con cái thiếu nợ cha mẹ, đời này gặp gỡ, nó phải trả nợ. Nó phải nỗ lực làm lụng để nuôi nấng cha mẹ. Nếu nó thiếu nợ cha mẹ rất nhiều, nó cung phụng cha mẹ vật chất rất trọng hậu. Nếu thiếu nợ rất ít, nó lo cho cuộc sống cha mẹ rất tệ bạc, miễn sao quý vị chẳng chết đói là được rồi. Hạng người này tuy có thể phụng dưỡng cha mẹ, nhưng thiếu lòng cung kính, chẳng có tâm hiếu thuận. Báo ân bèn có tâm hiếu thuận, chứ trả nợ chẳng có tâm hiếu thuận. Thậm chí trong lòng chúng nó còn ghét bỏ, chán ngán cha mẹ, nhưng vẫn cho quý vị tiền để sống, nhiều hay ít là do xưa kia chúng nó thiếu quý vị nhiều hay ít.

          Đức Phật dạy rõ chân tướng sự thật, người một nhà là do bốn loại quan hệ ấy mà tụ hợp. Gia đình là như thế, mà người trong một họ cũng là như thế. Ân, oán, nợ nần nhiều, bèn biến thành cha con, anh em một nhà. Ân, oán, nợ nần ít hơn thì biến thành thân thích, bầu bạn. Do đó, giữa người và người với nhau đều có duyên phận. Quý vị đi đường, một kẻ xa lạ gật đầu mỉm cười với quý vị cũng là do duyên phận xưa kia. Thấy một kẻ xa lạ, vừa thấy kẻ ấy liền cảm thấy gai mắt cũng là do duyên phận trong quá khứ.

          Phải hiểu rõ chân tướng sự thật, chúng ta khởi tâm động niệm chớ nên không cẩn thận, ngàn muôn phần đừng kết oán cừu với hết thảy chúng sanh, đừng nên có quan hệ nợ nần với hết thảy chúng sanh. Thiếu nợ phải trả cho sạch nợ, để đời sau khỏi phải đền trả nữa. Chuyện này rất phiền toái! Giáo huấn của thánh hiền Nho và Phật đều dạy chúng ta phải hóa giải ân, oán. [Hóa giải] sẽ là phương pháp tốt lành nhất và viên mãn nhất. Chỉ có Nho và Phật mới có thể làm được, những thứ giáo dục khác trong thế gian chẳng thể thực hiện được! Điều này nhằm nói rõ đầu thai chẳng phải là tùy tiện bèn trở thành người một nhà, chẳng phải như vậy, mà là đã có quan hệ trong đời quá khứ .

          Khi vừa đầu thai thì lúc đó bèn gọi là Thức, do chẳng thể đặt tên gọi cho nó, nó mới vừa đầu thai mà! Mẹ hoài thai, tức là thần thức đến đầu thai.

          (Diễn) Tứ, Danh Sắc.

          ()四、名色。

          (Diễn: Bốn là Danh Sắc).

          Danh Sắc (Nāmarūpa) là thai nhi còn chưa phát triển thành hình dạng [con người], đại khái là trong mười bốn ngày, chưa phát triển thành hình thể rõ rệt, thứ gì cũng chẳng nhận ra được, chỉ là một khối thịt, nhưng trong khối thịt ấy có thần thức, nên gọi là Danh Sắc. Danh là tâm, sống động, chẳng chết cứng, Sắc là vật chất. [Vì thế], gọi [gộp chung] là Danh Sắc.

          (Diễn) Ngũ, Lục Nhập.

          ()五、六入。

(Diễn: Năm là Lục Nhập).

          Lục Nhập (Ṣaḍāyatana) là thai nhi thành hình, mang dáng vẻ con người, sáu căn đã mọc ra, khi đó sẽ gọi là Lục Nhập. Khi sáu căn chưa lộ ra thì gọi là Danh Sắc.

          (Diễn) Lục căn thành, thử thai trung.

          ()六根成,此胎中。

          (Diễn: Sáu căn hình thành, những giai đoạn này đều ở trong thai).

          Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, ba chi này đều ở trong thai.

          (Diễn) Lục, Xúc.

          ()六、觸。

          (Diễn: Sáu là Xúc).

          Xúc (Sparśa) là  xuất  thai, tiếp  xúc  cảnh  giới  bên  ngoài, tức  là

được sanh ra. Có thể nói là từ sanh ra cho đến khi già, chết, luôn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài. Vì thế, sau khi rời khỏi thân mẹ đều gọi là Xúc, thời gian này hết sức dài. Vì sao xếp nó vào chỗ này? Xếp nó vào [chỗ này] là có đạo lý. Ví như đứa trẻ vừa mới được sanh ra, tuy tiếp xúc [cảnh giới] bên ngoài, nó vẫn chưa có cảm nhận, vẫn chưa thể phân biệt.

          (Diễn) Thất, Thọ, lãnh nạp tiền cảnh hảo ác đẳng sự.

          ()七、受,領納前境好惡等事。

          (Diễn: Bảy là Thọ, lãnh nhận những chuyện ưa ghét thuộc tiền cảnh).

           Trẻ thơ [chưa đầy năm] vẫn chưa có yêu ghét, chẳng có gì ham thích, chẳng có gì chán ghét, mà cũng chẳng sợ hãi, ngay cả phân của chính nó, nó cũng ăn. Lúc đó, nó điều gì cũng chưa hiểu, tức là có Xúc, nhưng chẳng có Thọ (Vedanā). Đợi cho nó dần dần lớn lên, bèn có tâm yêu ghét. Trước khi có Thọ, người Hoa thường nói là “thiên chân” (ngây thơ, ngờ nghệch). Trong tâm nó thanh tịnh, hết sức vui sướng, chẳng lo lắng, chẳng ưa ghét. Người thuở trước, thời gian ngây thơ rất lâu, thông thường là từ mười tuổi trở đi mới biết đến ưa ghét, có ưa thích, có chán ghét, trước khi mười tuổi thì chẳng biết. Tuổi thơ hạnh phúc quá! Trẻ nhỏ hiện thời đáng thương lắm, một hai tuổi đã có ưa, ghét, thời gian thơ ngây bị rút ngắn! Nó phải chịu khổ, chịu vui trước tuổi, cớ sao biết trước tuổi? Hằng ngày xem TV, TV dạy nó mỗi ngày! Vì thế, trẻ hai ba tuổi đã biết nhìn sắc mặt, nhận biết giọng điệu, biết người lớn đang vui thích hay chán ghét, trong tâm nó bèn toan tính, vận dụng tâm cơ! Trước kia, trong xã hội nông thôn, trẻ mười một, mười hai tuổi, chuyện gì cũng không biết, trừ chơi đùa ra, nó chẳng hiểu chuyện, thời gian ngây thơ dài lâu, hiện thời đã bị rút ngắn.

          Đừng sanh làm người hiện thời! Đến đầu thai làm người, tôi không làm! Con người quá khổ! Chẳng sung sướng như người thuở trước, người hiện thời khổ hơn tiền nhân. Tuy hiện thời khoa học kỹ thuật phát triển, thật ra chẳng có ý vị như xưa kia. Ví dụ như đèn điện soi rất sáng, rất nhanh chóng, tiện lợi, bất quá chẳng có thi vị và tình điệu như đèn nến. Hiện thời, chúng ta đến Mỹ, ngồi máy bay khoảnh khắc bèn đến. Trước kia, ngồi thuyền buồm, phải mất mấy tháng, hoặc nửa năm, ý vị cũng khác hẳn! Cuộc sống của người xưa quả thật là tình thơ ý họa, hiện thời chẳng còn nữa. Người hiện thời sống như một cỗ máy, hết sức đáng thương! Ý vị làm người chẳng có, ý nghĩa giá trị con người bị chôn vùi. Tôi thấy nhân gian hiện thời chẳng thể coi là thiện đạo, mà A Tu La cũng chẳng thể coi là thiện đạo. Vì lẽ đó, Thọ là lãnh nạp cảnh giới ưa hay ghét.

          Năm loại quả báo này là quả báo trong đời này, Vô Minh và Hành trong kiếp trước là duyên, là nhân. Có nhân duyên ấy thì mới có quả báo trong một đời này. Nếu chư vị thật sự hiểu đạo lý trong Phật pháp, nói “hiểu đạo lý trong Phật pháp” nghĩa là nhận thức chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Đời này chúng ta chịu khổ, hưởng vui, chớ nên oán trời hờn người. Vì sao? Tự làm, tự chịu. Khổ nạn chẳng phải do người khác ban cho chúng ta, mà do chính mình tạo tác! Làm sao có thể trách móc kẻ khác cho được? Có thể nào oán trách ông trời chẳng công bằng? Chẳng thể! Dấy lên ý niệm ấy chính là lại tạo tội, tạo tội càng nặng hơn! Phát tài hay trúng số đều do mạng. Chẳng có vận mạng ấy, bèn hủy phá tượng Bồ Tát, quỷ, thần, tạo tội nghiệp càng lớn hơn nữa. Tôi nghe nói có kẻ chơi vé số Lục Hợp Thái[3], lạy lục Phật, Bồ Tát, cầu các Ngài phù hộ họ trúng số. Không trúng số, hôm sau bèn chặt đầu tượng Phật, Bồ Tát, đốt rụi, đó là tạo nghiệp! Tội nghiệp oán trời hờn người càng nặng! Thọ là có nhân quả. Ba điều tiếp theo lại là sự tạo tác trong đời hiện tại.

          (Diễn) Bát, Ái.

          ()八、愛。

          (Diễn: Tám là Ái).

          Ái (Tṛṣṇā) là tham ái.

          (Diễn) Ái nam, nữ, kim, ngân đẳng sự.

          ()愛男女金銀等事。

          (Diễn: Yêu mến những thứ như nam, nữ, vàng, bạc v.v…).

          Phạm vi của Ái quá nhiều, có chữ Đẳng (vân vân) là đủ  [diễn tả ý

quá nhiều]. Ái là vô minh, là mê hoặc. Đã ái, kẻ ấy còn có hành động, tạo tác; sau khi đã có tạo tác bèn Thủ.

          (Diễn) Cửu, Thủ, phàm kiến nhất thiết cảnh giới sanh thủ trước tâm.

          ()九、取,凡見一切境界生取著心。

(Diễn: Chín là Thủ, hễ trông thấy hết thảy cảnh giới bèn sanh tâm chấp giữ).

          Tự mình yêu thích, đó là Ái. Muốn chiếm hữu nó, đó là Thủ (Upādāna). Không ưa thích nó, muốn lìa khỏi nó, cũng là Thủ, đều là chấp giữ, là tạo nghiệp, tạo tác. Khởi tâm động niệm tạo tác đều bao gồm trong chữ [Thủ] này. Sau tạo tác bèn Hữu.

          (Diễn) Thử nhị vị lai nhân, giai thuộc phiền não, như quá khứ vô minh.

          ()此二未來因,皆屬煩惱,如過去無明。

(Diễn: Hai điều này đều là cái nhân của vị lai, đều thuộc về phiền não, giống như vô minh trong quá khứ).

          Đây là mê hoặc, mê hoặc tạo nghiệp! Còn có nghiệp tập chủng tử.

          (Diễn) Thập, Hữu. Nghiệp dĩ thành tựu, thị vị lai nhân thuộc nghiệp đạo, như quá khứ Hành.

          ()十、有。業已成就,是未來因屬業道,如過去行。

(Diễn: Mười là Hữu, nghiệp đã thành tựu, là cái nhân của vị lai, thuộc về nghiệp đạo, giống như Hành trong quá khứ).

          Hữu (Bhava) là gieo chủng tử thiện ác trong A Lại Da Thức. Hữu là có chủng tử. Có chủng tử thì đời sau lại phải thọ báo. Sự tạo tác của chúng ta trong đời này là Ái, Thủ, Hữu.

          (Diễn) Thập nhất, Sanh, vị lai thọ sanh sự.

          ()十一、生,未來受生事。

          (Diễn: Mười một là Sanh, tức là chuyện thọ sanh trong tương lai).

          Đời sau còn phải luân hồi, phải đi đầu thai.

          (Diễn) Thập nhị, lão tử.

          ()十二、老死。

(Diễn: Mười hai là già chết).

          Sau khi đầu thai, lại phải làm những chuyện này, vĩnh viễn luân chuyển, đó là luân hồi. Vì sao có luân hồi? Hiện tượng luân hồi là gì? Thập Nhị Nhân Duyên đã giải đáp vấn đề này cho quý vị. Luân hồi do chính mình tạo ra! Hiện tượng luân hồi đáng sợ dường ấy, chúng ta phải giác ngộ điều này. Sau khi giác ngộ, phải như thế nào thì mới có thể lìa khỏi luân hồi? Lìa khỏi luân hồi, chẳng thể lìa khỏi [luân hồi từ nơi] quả báo được! Có người sống rất đau khổ, cảm thấy cuộc đời chẳng có ý nghĩa gì, bèn tự sát. Tự sát có thể giải quyết vấn đề hay chăng? Chẳng thể giải quyết vấn đề, [vì] chẳng thể giải quyết vấn đề nơi quả báo! Để giải quyết vấn đề thì phải giải quyết từ nhân và duyên, đoạn sạch nhân và duyên. Chúng ta biết Ái là duyên, quý vị có thể chẳng yêu thích hết thảy, sanh tử luân hồi sẽ bị đoạn. Đó là một phương pháp rất thông minh. Nếu chưa thể, [hãy thực hiện] từ Thủ, đoạn sạch Thủ cũng được, cũng lìa thoát luân hồi. Từ Quyền Giáo trở xuống, tức là Quyền Giáo Bồ Tát, Duyên Giác, và Thanh Văn đều thực hiện đoạn trừ [luân hồi] từ hai điều này. Hàng Bồ Tát lợi căn, Đại Thừa Bồ Tát, Thật Giáo Bồ Tát thực hiện từ Hữu, đó là công phu thật sự. Hữu là gì? Các Ngài chẳng đoạn Ái và Thủ, nhưng trong tâm chẳng giữ ấn tượng, đó là cao minh nhất. Mật Tông đoạn từ chỗ này, chúng ta có bản lãnh ấy hay chăng? Ái và Thủ chẳng đoạn, tâm địa thanh tịnh chẳng giữ lại ấn tượng, kẻ bình phàm sẽ chẳng thể làm được chuyện ấy! Đối với kẻ bình phàm, hai chữ trước sẽ dễ dàng, chữ sau hết sức khó khăn! Vì lẽ đó, [người đoạn trừ được Hữu] sẽ là Đại Thừa Bồ Tát. Hễ làm được, bèn dạo chơi trong nhân gian, thật sự đắc đại tự tại. Người có Ái và Thủ, nhưng chẳng có Hữu, sẽ chẳng đọa lạc luân hồi.

          Chúng ta chẳng làm được, chỉ đành niệm A Di Đà Phật. Niệm A Di Đà Phật, chúng ta cũng có Hữu. Ái, Thủ và Hữu đều có, chúng ta ái A Di Đà Phật, thủ A Di Đà Phật, trong tâm có A Di Đà Phật, như vậy là đới nghiệp vãng sanh. Vì trong lục đạo luân hồi chẳng tìm thấy A Di Đà Phật, trong ba ác đạo chẳng có A Di Đà Phật, trong Tu La cũng chẳng có A Di Đà Phật, trong cõi người cũng chẳng có A Di Đà Phật, trong cõi trời cũng chẳng có A Di Đà Phật. Vì thế, quý vị ái, thủ, hữu A Di Đà Phật, sẽ chẳng có cách nào thọ báo trong lục đạo, đành phải đến Tây Phương Cực Lạc thế giới để thọ báo, tuyệt diệu thay! Do vậy, tám vạn bốn ngàn pháp môn, chẳng có pháp môn nào diệu bằng pháp môn này! Nay chúng ta đối với ba thứ Ái, Thủ, Hữu đều chẳng đoạn trừ, chỉ có cách thay đổi ý niệm, đổi thành A Di Đà Phật. Vì vậy, tôi bảo các vị đồng tu hằng ngày hãy nhìn ngắm tượng Phật, mỗi ngày niệm A Di Đà Phật, mỗi ngày niệm kinh Vô Lượng Thọ, niệm kinh A Di Đà, chớ nên gián đoạn ngày nào, thật sự phải làm được “phát Bồ Đề tâm, một mực chuyên niệm”, như vậy là tốt đẹp!

          (Diễn) Thử tức thị Tứ Đế, sở dĩ trùng khai giả.

          ()此即是四諦,所以重開者。

          (Diễn: Đấy chính là Tứ Đế được mở rộng ra).

           Đây chính là triển khai Tứ Đế thành Thập Nhị Nhân Duyên.

          (Diễn) Dĩ Duyên Giác chi nhân, tiên quán Tập Đế.

          ()以緣覺之人,先觀集諦。

          (Diễn: Vì hàng Duyên Giác trước là quán Tập Đế).

           Họ chẳng giống Thanh Văn. Thanh Văn tu tập từ Khổ Đế, còn Duyên Giác tu tập từ Tập Đế.

(Diễn) Sở vị Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, nãi chí Sanh duyên Lão Tử, thử tắc sanh khởi.

()所謂無明緣行,行緣識,乃至生緣老死,此則生起。

(Diễn: Thường nói là Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, cho đến Sanh duyên Lão Tử. Đấy chính là sanh khởi).

          Tùy thuận Thập Nhị Nhân Duyên là sanh tử luân hồi. Nếu muốn vượt thoát lục đạo luân hồi, đi ngược lại Thập Nhị Nhân Duyên là được.

          (Diễn) Nhược Diệt quán giả, Vô Minh diệt, tắc Hành diệt, nãi chí Sanh diệt, tắc Lão Tử diệt.

()若滅觀者,無明滅,則行滅,乃至生滅,則老死滅。

(Diễn: Nếu quán Diệt thì Vô Minh diệt ắt Hành diệt, cho đến Sanh

diệt thì Lão và Tử đều diệt).

          Quý vị xem ngược trở lại thì chính là trí huệ, sẽ thấy thấu suốt vũ trụ và nhân sinh.

          (Diễn) Nhân quán Thập Nhị Nhân Duyên, giác Chân Đế lý, cố ngôn Duyên Giác. Thử nhân đoạn tam giới Kiến Tư, dữ Thanh Văn đồng.

     ()因觀十二因緣,覺真諦理,故言緣覺。此人斷三界見思,與聲聞同。

          (Diễn: Do quán Thập Nhị Nhân Duyên, giác ngộ lý Chân Đế; vì thế nói là Duyên Giác. Người này đoạn Kiến Tư Hoặc trong tam giới, giống như Thanh Văn).

          Đoạn chứng của Duyên Giác giống như Thanh Văn, nhưng thông minh hơn Thanh Văn.

          (Diễn) Cánh xâm tập khí, cố cư Thanh Văn thượng.

          ()更侵習氣,故居聲聞上。

          (Diễn: Do đã đoạn trừ tập khí, nên cao hơn Thanh Văn).

          Thanh Văn đoạn Kiến Tư phiền não, chẳng đoạn tập khí, còn Duyên Giác tập khí đoạn sạch, nên công phu cao hơn A La Hán. Tập khí là gì? Kinh Phật có một tỷ dụ: Ví như bình rượu dùng để đựng rượu, nay quý vị đổ sạch rượu đi, trong ấy xác thực là chẳng có rượu nữa. Quý vị lại dùng khăn khô lau chùi sạch sẽ, nhưng vẫn ngửi thấy mùi rượu, đó gọi là tập khí. Trong các vị đệ tử của đức Phật, có rất nhiều vị là con em nhà phú quý theo Phật xuất gia. Người phú quý luôn có tập khí ngạo mạn, các Ngài đã chứng quả A La Hán, xác thực đã đoạn trừ ngạo mạn, thật sự chẳng có nữa, nhưng đôi khi vẫn còn thái độ cao ngạo, đó là tập khí. Có phải là thật sự có hay chăng? Thật sự chẳng có, các Ngài cung kính người khác, nhưng tập khí hãy còn! Phiền não đoạn dễ dàng, tập khí khó trừ! Tập khí thường khiến cho kẻ khác hiểu lầm, chẳng chướng ngại sự tu hành của chính mình, nhưng gây trở ngại cho việc giáo hóa chúng sanh; do đó, phải đặc biệt chú ý tập khí. Làm người nhất định phải học khiêm hư, cung kính, lễ độ, nhường nhịn, học tập đoạn trừ những tập khí ấy. Hôm nay, chúng tôi giảng tới chỗ này.

[1] Theo Thành Duy Thức Luận, Tứ Gia Hạnh gồm bốn pháp là Noãn Pháp, Đảnh Pháp, Ấn Thuận Nhẫn Pháp và Thế Đệ Nhất Pháp.

[2] Năm vị ấy thường gọi là Ngũ Tỳ Kheo (Pancaka Bhadravargiya, Ngũ Hiền Giả) chính là Kiều Trần Như (Ājñātakauṇḍinya, dịch nghĩa là Liễu Bổn Tế), Bạt Đề (Bhaddiya, dịch nghĩa là Tiểu Hiền), Bạt Ba (Vappa, dịch nghĩa là Bá Chủng), Ma Ha Nam (Mahānāma, dịch nghĩa là Đại Danh), A Thuyết Thị (Assaji, dịch nghĩa là Mã Thắng). Tùy theo cách phiên âm sai khác mà danh hiệu các Ngài được ghi hơi khác nhau trong các kinh luận, như kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả ghi là Kiều Trần Như, Bạt Đà La Xà, Ma Ha Na Ma, Bạt Ba, A Xá Bà Xà; luật Tứ Phần ghi là Kiều Trần Như, Bạt Đề, Ma Ha Na Nam, Bà Phu, A Thấp Tỵ v.v… Ngài Kiều Trần Như thuộc chủng tánh Bà La Môn, tinh thông Phạn điển ngay từ khi còn rất trẻ, nên được bổ làm quan cố vấn của Tịnh Phạn Vương. Tôn giả Phú Lâu Na là cháu gọi ngài Kiều Trần Như bằng cậu.

[3] Lục Hợp Thái là một loại vé số lưu hành tại Hương Cảng, thường được biết dưới tên tiếng Anh là Mark Six, do Hương Cảng Tưởng Khoán Quản Lý Cục (Cục quản lý xổ số của Hương Cảng) phát hành, do Hương Cảng Trại Mã Hội (hội đua ngựa Hương Cảng) chịu trách nhiệm phân phối chính. Vé được xổ vào chín giờ ba mươi tối hằng tuần, thường là thứ Ba, thứ Năm và Chủ Nhật. Người chơi đoán sáu số từ 1 đến 49.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *