Tập 68/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 01-003-0289

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 68/289

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang chín mươi lăm:

          (Sớ) Bất tật bất hành giả, Dịch Hệ Từ viết:  “Dịch vô tư dã, vô vi

dã, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố, phi thiên hạ chi chí thần, kỳ thục năng dữ ư thử”.

          (疏) 不疾不行者 繫詞曰 :易無思也 ,無為也,

寂然不動,感而遂通天下之故。非天下之至神,其孰能與於此。

          (Sớ: “Chẳng nhanh, chẳng đi” là như phần Hệ Từ trong kinh Dịch đã viết: “Dịch là không suy nghĩ, không làm, lặng lẽ, bất động, hễ cảm bèn thông thấu thiên hạ, chẳng phải là thần diệu đến tột bậc trong thiên hạ thì còn điều gì khác có thể được như thế”).

           Đại sư trích mấy câu từ kinh Dịch. Phàm phu đều là hữu niệm. “Tư” là hữu niệm, cũng có thể nói: Phàm là hữu tâm, sẽ nhất định là hữu tư. Cái tâm ấy gọi là vọng tâm, chẳng phải là chân tâm. Trong hết thảy các kinh điển, đức Phật thường dạy chúng ta “chân tâm ly niệm”. Chân tâm không có niệm, vọng tâm mới có niệm. Vọng tâm là nói tới tám thức. Phải đến khi nào mới không có niệm? Nói nghiêm ngặt sẽ là Bát Địa Bồ Tát. Bát Địa gọi là Bất Động Địa, chuyển tám thức thành bốn trí. Khi ấy sẽ thật sự ly niệm, không có vọng niệm. Do điều này, có thể biết: Từ Thất Địa trở xuống đều là hữu tư, hữu niệm. Vì thế, cảnh giới này vô cùng cao. Kinh Dịch nói “vô tư”“vô vi”, đấy là cảnh giới của Bát Địa Bồ Tát trong Viên Giáo, đủ thấy Nho gia quả thật cũng chẳng đơn giản; còn như Lão Tử, Trang Tử, cổ nhân cho rằng họ thuộc cảnh giới từ Thất Địa trở lên. Tuy Phật giáo chưa truyền tới Trung Quốc, cảnh giới của họ quả thật đã đạt đến mức độ cao như vậy. Khổng Tử đương nhiên cũng chẳng ra ngoài lệ ấy, Ngài là đại thánh nhân của Trung Quốc.

          “Tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố” (Vắng lặng chẳng động, hễ cảm bèn thông thấu thiên hạ): Chúng ta phải đặc biệt chú trọng câu này. Không chỉ nhất tâm bất loạn của pháp môn Tịnh Độ thuộc về cảnh giới giống như thế, mà minh tâm kiến tánh trong nhà Thiền, đại khai viên giải trong Giáo Hạ, công phu đều phải đạt đến tầng cấp này. Đấy là bất luận trước thuận cảnh, nghịch cảnh, hay cảnh giới phi thuận phi nghịch (chẳng phải thuận cảnh, mà cũng chẳng phải nghịch cảnh), chúng ta đều phải có công phu đạt đến tiêu chuẩn này, tức là “tịch nhiên bất động”. Nếu nói theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, câu này chính là nói về Lăng Nghiêm Đại Định. Định ấy là Tánh Định, tức là Đại Định vốn sẵn có trong tự tánh, chứ chẳng phải do tu rồi có được từ bên ngoài!

          Câu tiếp theo chính là Đại Định khởi tác dụng.  Kinh Bát Nhã nói:

“Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết”. “Vô tri” là tịch nhiên bất động, tức là “vô tư, vô vi” như đã nói trong phần trên, tịch nhiên bất động, đấy là Lăng Nghiêm Đại Định. “Cảm nhi toại thông” (hễ cảm bèn thông) là khởi tác dụng, không gì chẳng biết, không gì chẳng làm. “Vô vi” là không gì chẳng làm; “vô tư” là không gì chẳng nghĩ. Phàm phu chúng ta tách chúng thành hai; chẳng hạn như [cho rằng] vô tư và hữu tư là hai chuyện, vô vi và hữu vi cũng là hai chuyện. Như vậy thì sẽ vĩnh viễn chẳng thể nhập cảnh giới của Phật, vĩnh viễn chẳng có biện pháp nào đạt đến nhất tâm bất loạn. Đức Phật và thánh nhân Trung Quốc dạy chúng ta: Vô vi và hữu vi là một, vô tư và hữu tư cũng là một. Nói như vậy thì càng nói càng huyền diệu, chúng ta rất khó lãnh hội. Thật ra, trong các buổi giảng chúng tôi cũng thường nhắc tới đạo lý này; tuy thường nhắc tới, chúng ta nghe đã nhàm tai, nghe quá nhiều lần rồi, gần như cũng biết có chuyện này, nhưng thật ra, rời khỏi giảng đường bèn quên tuốt, cho nên, nó chẳng khởi tác dụng, chẳng thể vận dụng đắc lực trong tu hành. Điều này chỉ trách chính mình tâm ý thô tháp, hời hợt, chẳng thể thật sự dốc sức vận dụng nó trong cuộc sống, trong khởi tâm động niệm.

          Vô niệm là nói về chính mình. Hữu niệm là đối với người khác. Đối với người khác bèn vì người khác mà phân biệt hết thảy các pháp tướng, chứ trong tâm của chính mình, quả thật chẳng có phân biệt, chẳng có ý niệm. Vì thế, phân biệt là hữu niệm, hữu niệm sanh khởi từ vô niệm, lấy vô niệm làm gốc, lấy vô niệm làm Thể. Vì thế, “niệm tức vô niệm, vô niệm tức niệm”, thật sự là một, chẳng phải hai. Hiểu rõ đạo lý này, hữu vi và vô vi chẳng khó hiểu. Trong cảnh giới phàm phu, hễ vì người khác phân biệt pháp tướng thì trong tâm mình thật sự dùng cái tâm phân biệt. Nói cách khác, chúng ta vì người khác phân biệt pháp tướng thì cái tâm được sử dụng ấy là tâm ý thức, tức là sử dụng thức thứ sáu, thức thứ bảy, dùng phân biệt, dùng chấp trước, nên gọi là phàm phu, chẳng có cách nào thấu hiểu “nhất hiệp tướng”, “pháp môn Bất Nhị” như trong Phật pháp đã nói và “nhất tâm bất loạn” được nói trong kinh này. Những điều ấy đều thuộc về cảnh giới này.

          Câu tiếp theo là tán thán: “Phi thiên hạ chi chí thần, kỳ thục năng dữ ư thử” (chẳng phải là thần diệu tột bậc trong thiên hạ thì còn điều nào khác có thể được như thế). “Thần” cũng có nghĩa là chẳng thể nghĩ bàn, dựa theo kiến thức thông thường, chúng ta sẽ chẳng thể tưởng tượng được. Chúng ta chẳng thể suy nghĩ hay diễn nói cảnh giới này được!

          (Sớ) Duy thần dã, bất tật nhi tốc, bất hành nhi chí.

          (疏) 唯神也,不疾而速,不行而至。

          (Sớ: “Chỉ có mình nó là thần diệu”: Chẳng nhanh mà lẹ, chẳng đi mà đến).

                     Áp dụng điều này để tán thán pháp môn Tịnh Độ, đúng là mầu nhiệm đến tột bậc. Hai câu này cũng giống như U Khê đại sư đã viết trong cuốn Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận: “Sanh tắc quyết định sanh, khứ tắc thật vô khứ” (Sanh thì quyết định sanh, mà đi thì thật sự chẳng đi). Nghe mấy câu trước, chúng ta rất hớn hở, nghe xong câu này, chúng ta bèn ỉu xìu! Chẳng đi thì không phải là chẳng sanh ư? Đâu có biết [sanh và chẳng sanh] là cùng một chuyện. Phàm phu chúng ta chấp trước có sanh và có bất sanh, nghĩ đó là hai chuyện, đi và chẳng đi cũng là hai chuyện, chẳng biết trong Nhất Chân pháp giới, trong nhất tâm bất loạn, sanh và vô sanh là một, đi và không đi cũng là một. Chỉ cần quý vị đạt đến nhất tâm bất loạn, sẽ là “bất tật nhi tốc, bất hành nhi chí” (chẳng nhanh mà lẹ, chẳng đi mà đến). Tuy Tây Phương Cực Lạc thế giới cách xa thế giới Sa Bà mười vạn ức cõi Phật như thế, người vãng sanh đến bên đó mất bao nhiêu thời gian? Cổ nhân nói “trong khoảng khảy ngón tay bèn đến nơi”. Thời gian khảy ngón tay chưa đến một giây, trong một giây có thể khảy ngón tay mấy lần, quý vị nghĩ xem: Nhanh ngần ấy! Chính người ấy có cảm giác tốc độ của chính mình rất nhanh hay chăng? Không có cảm giác! Trong khi không cảm giác mà đã đến nơi rồi! Điều này chẳng thể nghĩ bàn, đúng là thần diệu tột bậc trong khắp thiên hạ!

          (Sớ) Ý vị tật nhi hậu tốc, hành nhi hậu chí giả, vật chi thường dã.

(疏) 意謂疾而後速,行而後至者,物之常也。

          (Sớ: Ý nói “nhanh mà kém lẹ, đi mà tới sau” là lẽ thường của muôn vật).

          Trong nhận thức thông thường của hết thảy phàm phu, tốc độ rất nhanh, có đi mà vẫn tới sau, đấy là đạo lý nhất định, là khái niệm của lũ phàm phu chúng ta. Tiếp đó, [kinh Dịch] giảng về quẻ, tức [giảng giải ý nghĩa của] một quẻ trong sáu mươi tư quẻ.

          (Sớ) Thi quái chi thể, tịch vô tư vi, nhi hữu cảm tức thông, thị bất tật nhi tốc, bất hành nhi chí, diệu vạn vật nhi vị chi thần dã. Dẫn thử dĩ minh chư môn Niệm Phật, tuy đồng viết vãng sanh, nhi vi lực sảo nan, vi thời sảo cửu, thị tu hành tu tập, nãi chí nãi tốc dã.

          (疏) 蓍卦之體 ,寂無思為 ,而有感即通 是不疾而

速,不行而至,妙萬物而謂之神也。引此以明諸門念佛,雖同曰往生,而為力稍難,為時稍久,是須行須疾,乃至乃速也。

          (Sớ: Xét về Thể của việc xủ quẻ bằng cỏ Thi là lặng lẽ, không suy nghĩ, hành động, nhưng hễ có cảm bèn thông, đấy là chẳng nhanh mà lẹ, chẳng đi mà đến, mầu nhiệm hơn vạn vật nên gọi là “thần”. Dẫn điều này để chỉ rõ các môn Niệm Phật tuy đều nói là [do hành trì các môn ấy bèn được] vãng sanh, nhưng công sức tu tập khá khó khăn, thời gian tu tập khá lâu dài, còn tu tập theo cách tu hành này sẽ nhanh chóng đạt đến).

          Đoạn này nêu ra dụng ý vì sao đại sư nêu lên thí dụ này. “Thi” là [bói bằng cỏ Thi để có được] một trong sáu mươi tư quẻ[1]. Thể của nó là “tịch vô tư vi”, tức là không suy nghĩ, không hành động, còn tác dụng thì sao? Chính là “hữu cảm tức thông” (hễ có cảm liền thông), “thông” là thông đạt, “cảm” là cảm ứng, giống như trong Phật pháp: Chúng sanh có cảm, Phật bèn có ứng. Cảm ứng trong vòng một niệm, niệm phải thanh tịnh. Vì thế, Phật pháp nói “trang nghiêm đạo tràng”, thanh tịnh, nghiêm túc là “trang nghiêm”. Nếu chúng ta muốn thật sự trang nghiêm cõi Phật, phải thường giữ cho tâm và hạnh của chính mình thanh tịnh, đấy mới là trang nghiêm cõi nước của chư Phật, là cung kính. Tâm cung kính là thanh tịnh, tâm cung kính là vô phân biệt; lễ kính chư Phật phải đặc biệt thấu hiểu điều này. Nếu không, tâm chẳng thanh tịnh, vẫn suy nghĩ loạn xạ, vẫn là “họ Trương giỏi, họ Lý dở”, náo nhiệt, ồn ào, dẫu suốt ngày từ sáng đến tối dập đầu lễ sát đất, mỗi ngày dập đầu lễ mười vạn lạy, nứt toác cả đầu cũng uổng công, mà cũng chẳng cung kính! Vì thế, cung kính thì phải nghiêm túc trang nghiêm, pháp thế gian và xuất thế gian đều nói rõ đạo lý này!

          Khi tâm địa của chúng ta thật sự thanh tịnh, sẽ khởi cảm ứng, cảm ứng chư Phật, Bồ Tát, cảm ứng quỷ thần trong lục đạo, đó là “bất tật nhi tốc” (chẳng nhanh mà lẹ). Hễ tâm thanh tịnh, đã định rồi, sẽ lập tức cảm ứng đạo giao. A Di Đà Phật cách xa chúng ta dường ấy, tâm chúng ta vừa thanh tịnh sẽ ngay lập tức có cảm ứng. Vì thế, trước khi niệm Phật, vì sao phải đọc một biến kinh Di Đà? Trong Văn Sao, Ấn Quang đại sư đã giảng rất hay: Niệm một biến kinh Di Đà để định tâm, tâm chúng ta tán loạn, lúc nghĩ Đông, khi tưởng Tây, niệm một biến kinh, tâm sẽ định lại, vọng niệm chẳng còn. Sau đó, niệm Phật, từng câu Phật hiệu đều có thể cảm ứng đạo giao với Phật. Tâm chẳng thanh tịnh, dẫu niệm Phật hiệu cho nhiều, vẫn chẳng khởi cảm ứng! Nhất định phải dùng tâm thanh tịnh để niệm Phật thì mới có cảm ứng. Nếu tâm quý vị rất thanh tịnh, có thể chẳng cần niệm kinh. Có nhiều vị tổ sư đại đức mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, cũng chẳng niệm kinh, mà cũng chẳng niệm chú, thứ gì cũng chẳng cần!

          Vừa rồi có một đồng tu đến hỏi: Ông ta muốn niệm chú Lăng Nghiêm, chú Đại Bi, nói những chú ấy tiêu nghiệp chướng rất nhanh. Quý vị hãy thử xem nhé! Hãy xem khi quý vị niệm những chú ấy, có thể tiêu nghiệp chướng hay chăng? Trong Trúc Song Tùy Bút, Liên Trì đại sư đã viết rất rõ ràng: Đã từng có người hướng về Ngài thỉnh giáo pháp môn Niệm Phật, hỏi rằng: “Sư dạy người khác niệm Phật ra sao?” Sư đáp: “Tôi dạy người ta niệm Nam-mô A Di Đà Phật, niệm sáu chữ”. Người khác bèn hỏi Sư: “Bản thân lão nhân gia niệm như thế nào?” “A Di Đà Phật”, bốn chữ! Dạy người khác niệm sáu chữ, còn chính mình niệm bốn chữ, người ta hỏi Sư: “Vì sao?” Trong ấy có đạo lý, Sư giảng: “Bản thân tôi quyết tâm muốn sanh về Tịnh Độ trong một đời này. Kinh dạy chúng ta tu hành chấp trì danh hiệu, danh hiệu chỉ có bốn chữ, tôi y giáo phụng hành”. Hai chữ Nam-mô có nghĩa là “quy y” hay “cung kính”, là lời khách sáo; vì thế, chẳng cần phải dùng phương cách khách sáo, chẳng dùng đến lối nói khách sáo. Dạy người khác, vì sao phải dạy niệm sáu chữ? Người khác chưa chắc đã hạ quyết tâm trong một đời này phải sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới; vì thế, phải thêm vào lời khách sáo để kết duyên với A Di Đà Phật mà thôi! Người ấy chưa chắc đã phát tâm.

          Chúng ta hãy thấu hiểu sâu xa câu nói này, thật sự nói đến “công phu đắc lực, tiêu nghiệp chướng, tiêu tai miễn nạn” thì càng đơn giản, càng đắc lực; càng phiền phức, càng khó đắc lực! Quý vị hãy xem nhé: Chú Lăng Nghiêm chẳng đắc lực bằng chú Đại Bi vì chú Đại Bi đơn giản hơn. Chú Đại Bi, nói thật ra, chẳng đắc lực bằng chú Vãng Sanh, vì chú Vãng Sanh ngắn hơn chú Đại Bi. Chú Vãng Sanh lại chẳng bằng chú Lục Tự Đại Minh “Om, mani padme hum”. Nói thật ra, chú Lục Tự Đại Minh chẳng bằng A Di Đà Phật. Nếu quý vị hiểu, là người thật sự đọc thông suốt Tam Tạng mười hai bộ loại, không một ai chẳng niệm Phật! Thật sự tiêu nghiệp chướng, có sức mạnh lớn nhất, mạnh mẽ nhất, không gì hơn một câu niệm Phật. Nếu dùng cái tâm thanh tịnh để niệm câu Phật hiệu này thì mới có thể tiêu nghiệp chướng. Dùng cái tâm vọng niệm, dùng cái tâm phân biệt để niệm sẽ không được, chẳng có hiệu quả! Vì thế, trước khi niệm Phật, phải tụng một biến kinh Di Đà để định tâm, hoặc là niệm ba biến chú Vãng Sanh rồi mới niệm Phật hiệu. Phật hiệu ấy câu nào cũng đều là “hữu cảm tức thông, bất tật nhi tốc, bất hành nhi chí” (hễ có cảm liền thông, chẳng nhanh mà chóng, chẳng đi mà đến).

          “Diệu vạn vật nhi vị chi thần dã” (mầu nhiệm hơn muôn vật, nên gọi là Thần): Diệu là “chẳng phải Có, chẳng phải Không”. Dùng chữ này để hình dung ý nghĩa “thần kỳ chẳng thể nghĩ bàn”. Trích dẫn những lời này không gì chẳng nhằm nói rõ: Phương pháp Niệm Phật rất nhiều, tuy mục đích đều là cầu vãng sanh, nhưng trong ấy có dễ và khó. “Vi lực sảo nan” (Sức lực để thực hiện khá khó khăn), tức là chẳng dễ dàng cho lắm, vẫn phải tu, phải nỗ lực tu hành mới hòng đạt được. “Vi thời sảo cửu” (thời gian thực hiện hơi lâu), nói cách khác, thời gian khá dài, chẳng thể đạt được rất nhanh chóng. Quán Tưởng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật, ngay cả trong Trì Danh Niệm Phật cũng có rất nhiều phương pháp niệm Phật. Phật hiệu có rất nhiều cách niệm, phải chọn lựa như thế nào? Tiêu chuẩn do chính mình ấn định, vì căn tánh của mỗi cá nhân khác nhau, tập khí phiền não dày hay mỏng khác nhau; dùng tiêu chuẩn nào để chọn lựa? Cách niệm Phật hiệu nào khiến cho tâm của chính mình thanh tịnh, có thể chế phục tập khí phiền não của chính mình, có lợi nhất đối với mình, chúng ta chọn lựa cách ấy. Niệm lâu ngày sẽ vun bồi thành thói quen, có thể giữ vững, sốt sắng dụng công. Nếu xoang điệu niệm Phật khiến mình nghe cảm thấy rất phiền não, tâm chẳng định được, thì chúng ta chẳng cần phải học cách ấy, nhưng cũng chớ nên hủy báng, vì sao? Có người ưa thích [cách ấy], họ dùng phương thức ấy có thể đối trị phiền não của chính họ, nhưng phương pháp chẳng thích hợp cho ta dùng. Vì thế, phương pháp nào cũng đều hay, mỗi người tự mình lựa chọn. Chúng ta nên dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng để suy xét, như vậy thì sẽ tốt đẹp.

                   (Sớ) Kim tắc bất kê tuế nguyệt, bất giả tác vi, thất nhật nhất tâm, tức sanh bỉ quốc, hà kỳ thần diệu nhất chí thị dã.

          (疏) 今則不稽歲月 ,不假作為 ,七日一心 即生彼

國,何其神妙一至是也。

          (Sớ: Nay chẳng kể đến năm tháng, chẳng cần phải thực hiện [những Phật hạnh nào khác], bảy ngày nhất tâm, bèn sanh về cõi ấy, có pháp nào khác thần diệu đến mức như vậy hay chăng?)

          Đây là nói về chấp trì danh hiệu, là pháp được đề xướng và chủ trương bởi Tiểu Bổn Di Đà Kinh, tức là bốn chữ sau đây: “Tín nguyện trì danh”. Bốn chữ danh hiệu này sanh khởi từ tín tâm thanh tịnh và kiên định, phát sanh từ đại nguyện viên mãn, từ ý nguyện sanh về Tịnh Độ. Do vậy, Phật hiệu câu nào cũng trọn đủ ba điều kiện Tín – Nguyện – Hạnh. Chẳng những trọn đủ Tín – Nguyện – Hạnh, mà còn trọn đủ Giới – Định – Huệ, mỗi tiếng đều là Giới – Định – Huệ, mỗi tiếng đều là Văn – Tư – Tu. Phật hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn!

          “Bất kê tuế nguyệt” (chẳng tính kể năm tháng), nhanh chóng đến cùng cực. “Bất giả tác vi” (chẳng cần phải thực hiện [những Phật hạnh nào khác]), quá đơn giản, quá dễ dàng! Chẳng đi mà đến, làm sao biết? Kinh đã dạy chúng ta: “Nhược nhất nhật đáo nhược thất nhật” (hoặc một ngày, cho đến bảy ngày). Đó là nói bậc thượng căn một ngày liền thành công; kẻ hạ căn nghiệp chướng sâu nặng, bảy ngày cũng có thể thành công! Còn có pháp môn nào khác nhanh bằng? Bảy ngày có thể vãng sanh, thấy Phật, quý vị hãy nghĩ xem: Có nghiệp chướng nào chẳng tiêu? Kinh dạy chúng ta: Chúng sanh trong địa ngục A Tỳ là kẻ tội chướng nặng nhất mà bảy ngày cũng có thể vãng sanh. Vì thế, trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, trong vô lượng pháp môn, tìm chẳng ra một pháp môn nào khác giống như vậy, tìm ở đâu ra! Mười phương chư Phật chẳng dùng pháp môn này, sẽ chẳng có cách nào độ chúng sanh. Chúng sanh trọn khắp pháp giới chẳng dùng phương pháp này, sẽ chẳng thể viên thành Phật đạo trong một đời. Pháp môn này quả thật hết sức đơn giản, dễ dàng, nhưng thật sự khó tin. Nói chung, chúng sanh ưa kỳ chuộng quái. [Nếu pháp nào] rất khó tu, rất khó học, nói chung [họ sẽ nghĩ] pháp môn ấy phi phàm. Thấy pháp môn này quá dễ dàng, họ thường ngỡ là vô giá trị, đâu biết dễ dàng thì mới có thể thành tựu đại đạo! Quá phức tạp, quá rắc rối, thường dễ đi lạc đường, dễ vướng phải ma chướng. Bản thân chúng ta chớ nên không cảnh giác điều này!

                   (Sớ) Cố Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm Sao vân.

          (疏) 故普賢行願品鈔云。

          (Sớ: Vì thế, sách Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm Sao viết…)

           Đây là cuốn Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm Sớ Sao, lời Sớ do Thanh Lương đại sư viết, Sao là chú giải lời Sớ, do Tông Mật đại sư viết. Tông Mật là học trò của Thanh Lương, là tổ sư đời thứ năm của tông Hoa Nghiêm. Thanh Lương quốc sư là tổ sư đời thứ tư.

           (Sớ) Đại Tạng trung sổ bách dư bổn, hoặc kinh, hoặc luận, thuyết tu bỉ nhân, nhiên giai cần tích, nãi đắc vãng sanh.

          (疏) 大藏中數百餘本 ,或經或論 說修彼因 然皆

勤積,乃得往生。

          (Sớ: Trong Đại Tạng Kinh có hơn mấy trăm cuốn kinh hoặc luận nói đến chuyện tu cái nhân ấy, nhưng đều phải siêng năng dài lâu thì mới được vãng sanh).

          Đây là lời của ngài Thanh Lương và Tông Mật. Trong Đại Tạng Kinh, có đến hơn một trăm bộ kinh sách giảng về phương pháp vãng sanh Tịnh Độ, có kinh, có luận, có Hiển Giáo, có Mật Tông, giảng về pháp tu Tây Phương Tịnh Độ, nhưng đều chẳng dễ dàng, đều phải tốn thời gian, đều khó tu hơn mới hòng vãng sanh. Nói cách khác, chúng ta sử dụng những phương pháp ấy, có thể vãng sanh trong một đời này hay không vẫn là một ẩn số! Chẳng thể dám chắc sẽ vãng sanh! Nếu tu hành chiếu theo bộ kinh này, quý vị chắc chắn sẽ nắm chắc vãng sanh ngay trong một đời này!

          (Sớ) Kim đản xưng danh, tiện đăng Bất Thoái, khởi phi kính nhi phục kính giả tai?

          (疏) 今但稱名,便登不退,豈非徑而復徑者哉。

          (Sớ: Nay chỉ xưng danh liền lên địa vị Bất Thoái, há chẳng phải là đường đã tắt lại còn tắt hơn nữa đó ư?)

          Đây là con đường tắt hơn con đường tắt nhất trong các đường tắt, là con đường gần nhất để thành Phật đạo, chẳng có con đường nào gần hơn được nữa, chẳng có gì nhanh chóng bằng! Trong một đời này, chúng ta được gặp pháp môn này thì phải nên trân quý, ngàn vạn phần đừng bỏ lỡ. Hễ bỏ lỡ, thật sự quá đáng tiếc! Trong tương lai, sợ là phải trăm kiếp ngàn đời mới có cơ duyên được gặp lần nữa. Cơ duyên này rất khó gặp gỡ, bài kệ Khai Kinh có câu: “Trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ”. Trong đời này, chúng ta được gặp gỡ, rất nên vui mừng [trân quý] sự may mắn này!

          (Huyền Nghĩa) Nhị giả, Vô Lượng Thọ Kinh, quảng trần y chánh, bị tải tu trì. Kim thử kinh giả, sùng giản, khử phiền, cử ước, cai bác, cánh vô tha thuyết, đơn chỉ trì danh, đản đắc nhất tâm, tiện sanh bỉ quốc, khả vị dũ giản, dũ ước, dũ diệu, dũ huyền, kính trung kính hỹ.

          (玄義)二者,無量壽經,廣陳依正,備載修持。今此經者,崇簡去繁,舉約該博,更無他說,單指持名,但得一心,便生彼國,可謂愈簡愈約,愈妙愈玄,徑中徑矣

          (Huyền Nghĩa: Hai là kinh Vô Lượng Thọ trần thuật chi tiết y báo và chánh báo, chép cặn kẽ cách thức tu trì. Nay kinh này chuộng đơn giản, bỏ rườm rà, nêu bày những điều giản ước, nhưng bao hàm nghĩa lý rộng rãi, chẳng nói tới những điều khác, chỉ dạy [diệu hạnh] trì danh, chỉ cần đắc nhất tâm, liền sanh vào cõi ấy, có thể nói càng đơn giản, càng sơ lược, càng diệu, càng huyền nhiệm, là đường tắt nhất trong các con đường tắt vậy).

            Vô Lượng Thọ Kinh được gọi là Đại Bổn trong ba kinh Tịnh Độ, có kích thước khá lớn, đương nhiên giảng khá tường tận. “Quảng trần y chánh”: “trần” (陳) là trần thuật, “y” (依) là y báo, “chánh” (正) là chánh báo. Kinh giảng tình huống trong Tây Phương Cực Lạc thế giới hết sức cặn kẽ. Chẳng hạn, kinh này nói “thất bảo trì, bát công đức thủy”, chỉ nói là ao bảy báu, nước trọn đủ tám công đức, nhưng trong kinh Vô Lượng Thọ nói ao đó to cỡ nào, nói nước ấy có bao nhiêu điều tốt đẹp, nói rất tỉ mỉ. Kinh này nói đến học trò của A Di Đà Phật, chỉ nói đệ tử Thanh Văn vô lượng vô biên, giới thiệu rất đơn giản, mơ hồ; kinh Vô Lượng Thọ nói rất cặn kẽ tình hình của đệ tử ở bên đó, có người giảng kinh, có người nghe kinh, có người tọa Thiền, có người kinh hành, viết rất nhiều, rất cặn kẽ về cuộc sống thường ngày của các vị thượng thiện nhân.

          Nói đến tu hành, bản kinh này rất đơn giản, chỉ nói “chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn”; trong kinh Vô Lượng Thọ giảng rất nhiều, giảng phải “xả gia ly tục”. “Xả gia” chẳng phải là bảo quý vị xuống tóc xuất gia. Nếu quý vị đọc kinh văn thấy từ ngữ này, [bèn tự nhủ] ta hãy cạo đầu xuất gia làm hòa thượng, quý vị đã hiểu lầm ý nghĩa mất rồi! Chữ “gia” này chỉ phiền não, là gông cùm. Quý vị phải lìa bỏ gông cùm, phiền não là nhà, tam giới lục đạo là nhà, quý vị phải lìa bỏ những thứ ấy. Chữ “tục” chỉ tập khí phiền não, phải bỏ những thứ ấy xuống, thoát trần, thoát tục, phải bỏ thất tình ngũ dục, khôi phục sự thanh tịnh nơi thân tâm của chính mình. Kinh nói “xả gia ly tục” phải hiểu theo ý nghĩa ấy. Thời Đông Tấn, Viễn công đại sư kiến lập liên xã đầu tiên của Trung Quốc, một trăm hai mươi ba người cùng nhau niệm Phật, trong số ấy, chỉ có vài vị xuất gia, bảy đến tám phần mười là cư sĩ tại gia, bọn họ ai nấy đều thành tựu. Vì thế, phải hiểu rõ, “xả gia ly tục” là xả sanh tử gia, phiền não gia, tam giới gia, phải xả những cái nhà ấy. Nói đến “thoát tục”, chúng tôi nói đơn giản, rõ ràng hơn một chút thì nhất tâm là thoát tục, nhị tâm là “tại tục” (ở trong cõi tục); tam tâm nhị ý, phân biệt, chấp trước chính là Tục. Khi nào có thể đạt đến nhất tâm bất loạn, tâm bình đẳng hiện tiền, tâm thanh tịnh hiện tiền, đấy chính là “thoát tục”.

          Trong Đại Bổn nói đến tu phước, tu ba thứ phước. Tu phước phải nói đến cúng dường, nói rất nhiều thứ, chẳng đơn giản; kinh này nói hết sức đơn giản. “Kim thử kinh giả, sùng giản, khử phiền” (nay kinh này chuộng đơn giản, bỏ rườm rà), “giản”“phiền” là xét theo kinh văn để nói, [kinh Di Đà] đơn giản hơn kinh Vô Lượng Thọ rất nhiều. “Cử ước, cai bác” (nêu những điều đại lược, bao gồm mọi ý nghĩa rộng lớn) là nói theo phương diện hành môn. “Ước” (約) là giản ước, tức là trì danh, nhất tâm bất loạn, “bác” (博: rộng) là những pháp môn được nói trong kinh Vô Lượng Thọ đều được hoàn toàn bao gồm trong ấy. Ngẫu Ích đại sư đã giảng giải rất thấu triệt Sự Lý này, Ngài đã khai thị về phép Niệm Phật như sau: “Nhất cú Phật hiệu, viên nhiếp ngũ tông, cai la bát giáo” (một câu Phật hiệu nhiếp trọn năm tông, gồm khắp tám giáo). Một câu A Di Đà Phật bao gồm trọn khắp toàn bộ Phật giáo, chẳng sót một pháp nào! Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa, Bồ Tát Thừa, Hiển Giáo, Mật Giáo, một câu A Di Đà Phật thảy đều gồm trọn, quý vị mới hiểu một câu Phật hiệu này chẳng thể nghĩ bàn! Ít ai thật sự hiểu rõ, thật sự ít ỏi. Sau khi đã hiểu rõ, không ai chẳng nghiêm túc niệm Phật.

          “Cánh vô tha thuyết, đơn chỉ trì danh, đản đắc nhất tâm, tiện sanh bỉ quốc” (chẳng nói tới những điều khác, chỉ dạy [diệu hạnh] trì danh, chỉ cần đắc nhất tâm liền sanh vào cõi ấy): Đây chính là “cử ước, cai bác” (nêu lên chỗ giản ước mà bao gồm những ý nghĩa rộng rãi). Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng những quý vị đắc hết thảy các pháp, mà còn có thể nói là đều thành tựu viên mãn [các pháp ấy]. “Khả vị dũ giản, dũ ước” (có thể nói là càng đơn giản, càng sơ lược), giản ước đến mức chẳng thể nào giản ước hơn nữa, giản ước nhất, cốt yếu nhất. “Dũ diệu, dũ huyền” (càng diệu, càng huyền), trong hết thảy các pháp, không có pháp nào diệu hơn, trong hết thảy huyền môn, không có pháp nào huyền hơn, đấy mới chính là đường tắt nhất trong các đường tắt.

          (Sớ) Vô Lượng Thọ Kinh, tường kiến bộ loại dịch thích nhị môn.

          (疏) 無量壽經,詳見部類譯釋二門。

          (Sớ: Đối với kinh Vô Lượng Thọ, xem chi tiết trong hai môn “đồng bộ, đồng loại” và “phiên dịch, chú giải”).

          Điều này chúng ta còn chưa đọc tới, còn thuộc phần sau, trong phần sau sẽ giới thiệu, giải thích cặn kẽ.

          (Sớ) Dĩ đối kim kinh.

          (疏) 以對今經。

          (Sớ: Do so với bản kinh này).

           Đem kinh ấy so sánh với bản kinh chúng ta đang đọc ở đây.

          (Sớ) Thế xưng Đại Bổn, cái bộ đồng, nhi quảng lược dị dã.

          (疏) 世稱大本,蓋部同而廣略異也。

          (Sớ: Cõi đời gọi kinh Vô Lượng Thọ là Đại Bổn, bởi lẽ, kinh này và kinh ấy thuộc cùng một bộ, chỉ khác nhau ở chỗ nói chi tiết hay đại lược).

          Cùng thuộc về một bộ (cùng giảng về một hạnh môn trong một pháp môn),  tánh chất của hai kinh hoàn toàn tương đồng,  chỉ là kinh kia

nói cặn kẽ, kinh này nói đơn giản.

          (Sớ) Bỉ vị nhạo quảng giả thuyết, thử vị nhạo lược giả thuyết.

          (疏) 彼為樂廣者說,此為樂略者

          (Sớ: Kinh kia vì kẻ thích chi tiết mà nói, kinh này vì người thích ước lược mà nói).

          Căn tánh của mỗi người khác nhau, có người thích chi tiết, có người thích đơn giản. Quý vị muốn chi tiết thì có kinh Vô Lượng Thọ và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, sợ phiền phức thì có kinh đơn giản là Tiểu Bổn Di Đà Kinh, tùy quý vị tự chọn lựa. Nói thật ra, đức Phật đúng là từ bi đến cùng cực, giống như thầy thuốc trị bệnh, cho thuốc đúng với căn bệnh, chẳng có phương cách nhất định. Quý vị thích gì, bèn ban cho quý vị thứ đó, đức Phật thuận theo căn cơ của chúng sanh có thể tiếp nhận như thế nào mà thuyết pháp như thế ấy.

          (Sớ) Nhiên từ giản nhi lý ích minh.

       (疏) 然辭簡而理益明。

          (Sớ: Thế nhưng, [kinh Tiểu Bổn Di Đà] tuy văn từ đơn giản mà lý càng sáng tỏ).

          Điều này hết sức khó có. Văn tự ít, đơn giản, dễ hiểu, những đạo lý trong ấy hết sức rõ ràng, minh bạch.

          (Sớ) Sự ước nhi công bội thắng.

          (疏) 事約而功倍勝。

          (Sớ: Về mặt Sự thì đơn giản, mà hiệu quả thù thắng bội phần).

           Sự thì giản ước, nhưng công đức chẳng thể nghĩ bàn! Đây là nói về phương diện tu hành, niệm một câu A Di Đà Phật, xét về mặt công sức phải bỏ ra để thực hiện thì vừa nhẹ nhàng lại vừa dễ làm, nhưng thâu hoạch là chứng trọn vẹn ba thứ Bất Thoái.

          (Sớ) Như Đại Bổn quảng đàm chư phước.

          (疏) 如大本廣談諸福

          (Sớ: Như kinh Đại Bổn nói rộng về các thứ phước).

           Đại Bổn Vô Lượng Thọ Kinh chia tỉ mỉ thành ba bậc, chín phẩm, giảng rất nhiều!

          (Sớ) Nhi thử kinh vị đản trì danh hiệu, tức vi đa phước, đa thiện.

          (疏) 而此經謂但持名號,即為多福多善。

          (Sớ: Nhưng kinh này nói: Chỉ trì danh hiệu thì chính là lắm phước, nhiều thiện).

          So với Đại Bổn, kinh Di Đà đơn giản hơn rất nhiều. Kinh nói “bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc” (chẳng thể do một chút thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh vào cõi ấy). Nói cách khác, muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, phải có nhiều thiện căn, nhiều phước đức, lại còn phải có nhiều nhân duyên. Chúng ta nhất định chớ nên coi thường những điều này. “Thiện căn” là tín và giải. Chúng ta gặp được kinh này, gặp A Di Đà Phật, ta tin tưởng, ta có thể lý giải, đó là thiện căn. Chẳng lý giải, mà vẫn tin tưởng, quyết định chẳng hoài nghi, đó vẫn là thiện căn sâu dầy. Vì thế, chỉ cần tin là được! “Phước đức” là nguyện vãng sanh, nguyện sanh về Tây Phương Tịnh Độ, người ấy có đại phước đức. Những nơi khác ta đừng mong đến, ta muốn đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó là đại phước đức. “Nhân duyên”: Quý vị có cơ hội gặp Phật pháp, gặp kinh điển này, có cơ hội nghe pháp sư đại đức giảng kinh Di Đà, đó là quý vị hữu duyên, nhiều nhân duyên.

          Cái “nhiều nhân duyên” này cũng chẳng thể có nhiều được! Quý vị hãy nghe ngóng xem, đừng nói là Đài Loan, trên cả thế giới có mấy đạo tràng giảng Di Đà Kinh Sớ Sao? Tôi thưa cùng quý vị, là chính chúng ta, trừ chúng ta, tôi chưa từng nghe nói có nơi nào ở Đài Loan giảng Di Đà Kinh Sớ Sao. Đài Loan không có, những nơi khác trên cả thế giới càng không có. Quý vị mới biết nhân duyên này chẳng dễ dàng! Giảng kinh Hoa Nghiêm, có Đài Trung Liên Xã và Đài Bắc Hoa Nghiêm Liên Xã. Giảng Di Đà Kinh Sớ Sao chỉ có một nơi này, không có chi nhánh nào khác! Quý vị có thể đến nơi đây nghe giảng bộ kinh này, nhân duyên ấy quả thật chẳng dễ dàng! Quý vị có thể gặp gỡ là nhiều nhân duyên. Quý vị có thể thỉnh một cuốn Di Đà Kinh Sớ Sao về nhà, thường xuyên đọc, thường xuyên niệm, có câu hỏi, có chỗ nào không hiểu, quý vị có thể đến nghe, chắc chắn sẽ giúp quý vị kiến lập tín tâm, khích phát đại nguyện, sẽ thành Phật trong một đời này. Vì thế, nhất định phải trân quý nhân duyên này, đó là nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên.

                   (Sớ) Đại Bổn do phân tam bối.

          (疏) 大本猶分三輩。

          (Sớ: Kinh Đại Bổn còn chia [hành giả vãng sanh] thành ba bậc).

           Kinh Vô Lượng Thọ chia thành ba bậc, chín phẩm, nói rộng những sự tướng; kinh Di Đà chỉ nói “đản sanh bỉ quốc” (chỉ sanh về cõi ấy), đơn giản dường ấy! 

          (Sớ) Nhi thử kinh vị đản sanh bỉ quốc, câu đắc Bất Thoái Bồ Đề, thị tắc bất độc vi chủng chủng Niệm Phật môn trung chi yếu.

          (疏) 而此經謂但生彼國 俱得不退菩提 是則不獨

為種種念佛門中之要。

          (Sớ: Nhưng kinh này nói “chỉ cần sanh về cõi ấy, đều đắc Bất Thoái Bồ Đề”, như vậy chẳng phải chỉ có nó là môn trọng yếu trong các môn Niệm Phật ư?)

          “Yếu” (要) là trọng yếu.

          (Sớ) Hựu ư bổn bộ trung chuyển cánh vi yếu, khả vị diệu trung chi diệu, huyền trung chi huyền, kính nhi phục kính giả hỹ.

          (疏) 又於本部中轉更為要 可謂妙中之妙 玄中之

玄,徑而復徑者矣。

          (Sớ: Lại nữa, trong các kinh đồng bộ, kinh Di Đà càng trọng yếu hơn nữa. Có thể nói là diệu nhất trong các điều diệu, huyền nhất trong các điều huyền, càng là đường tắt nhất trong các đường tắt).

          Đây là một con đường lớn tắt nhất trong các con đường lớn để viên thành Phật đạo. Trong hiện tại, thế gian này quả thật chẳng khác gì kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”, chánh pháp khó gặp, chẳng dễ gì gặp gỡ! Gặp chánh pháp, tín tâm thanh tịnh, thật sự có thể buông xuống hết thảy vạn duyên thế gian và xuất thế gian, chuyên niệm Di Đà, phước báo của người ấy vô lượng vô biên, đấy là sự thật, chư Phật, Bồ Tát cũng tán thán bất tận. Vì thế, hãy nên buông xuống, phải xả. Chẳng những buông xuống thế duyên (duyên cõi đời), mà những thứ tạp nhạp trong Phật pháp đều phải buông xuống. Những vị đại đức xưa kia có vị suốt đời giảng kinh Di Đà mấy trăm lượt. Trừ kinh này ra, kinh gì khác các Ngài cũng đều chẳng niệm. Trừ kinh này ra, kinh gì cũng chẳng giảng.

           (Huyền Nghĩa) Như thượng biệt trung thập nghĩa.

          (玄義) 如上別中十義。

          (Huyền Nghĩa: Như mười nghĩa đã nói trong phần Biệt Nhân Duyên trên đây).

                   Đây tức là mười điều trong phần Biệt Nhân Duyên thuộc đoạn Giáo Khởi Nhân Duyên của bộ kinh này.

          (Huyền Nghĩa) Phục dĩ tiền cửu vi thông, hậu nhất vi biệt.

          (玄義) 復以前九為通,後一為別。

          (Huyền Nghĩa: Lại lấy chín điều đầu làm thông, một điều cuối làm biệt).

          Mười nghĩa trong phần trước đều là biệt nghĩa, trong Biệt Nghĩa lại có thông và biệt: Chín môn trước là thông, một môn cuối cùng là biệt. Thông và biệt nên giảng như thế nào? Đối với Thông và Biệt Nhân Duyên được nói trong phần trên, Thông là nhân duyên chung cho hết thảy các giáo pháp, là nhân duyên chung của [toàn bộ] giáo pháp trong suốt một đời Thích Ca Mâu Ni Phật. Biệt là nhân duyên của pháp môn Tịnh Độ. Chín thứ trước [trong phần Biệt Nhân Duyên] là nhân duyên chung của bốn loại niệm Phật: Thật Tướng Niệm Phật, Quán Tưởng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật và Trì Danh Niệm Phật, chín nhân duyên này đều [có thể nói là nhân duyên của bốn loại Niệm Phật] rất hợp lý. Điều nhân duyên cuối cùng chuyên nói về Trì Danh Niệm Phật, chẳng thông với Thật Tướng, Quán Tưởng và Quán Tượng. Vì thế, nói “đường tắt nhất trong các đường tắt” là vì ý nghĩa này.

          (Huyền Nghĩa) Kiêm tiền tổng nghĩa, vi thử kinh giáo khởi chi sở nhân cố.

          (玄義) 兼前總義,為此經教起之所因故。

          (Huyền Nghĩa: Hợp với tổng nghĩa (ý  nghĩa  chung)  trong  phần

trước trở thành nhân duyên khiến cho giáo pháp này được phát khởi).

          Nói cho chúng ta biết trọn vẹn nhân duyên khiến cho đức Phật giảng kinh này.         

          (Sớ) Thông giả, thông minh Tịnh Độ chư kinh, giai đồng thử nhân cố.

          (疏) 通者,通明淨土諸經,皆同此因故。

          (Sớ: “Thông” là nêu rõ toàn bộ các kinh Tịnh Độ đều có cùng nhân duyên này).

          Ba kinh một luận của Tịnh Độ đều “thông”, tức là chín nhân duyên đầu đem áp dụng vào Vô Lượng Thọ Kinh hay Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh đều thích hợp, đều chẳng có vấn đề gì! Nhưng điều cuối cùng là điều thứ mười thì không được, áp dụng nhân duyên này vào hai bộ kinh trên sẽ nói chẳng xuôi, chỉ chuyên áp dụng cho bộ Tiểu Bổn Di Đà Kinh này.

          (Sớ) Biệt giả, biệt minh thử kinh chuyên trọng trì danh, dĩ trì danh vi nhân cố.

          (疏) 別者,別明此經專重持名,以持名為因故。

          (Sớ: Biệt là riêng nêu kinh này chuyên chú trọng trì danh, vì lấy trì danh làm nhân).

          Thông hay Biệt là do ý nghĩa này!

          (Sớ) Tổng giả, tức tiền tổng minh nhất thiết chư kinh, giai nhất đại sự dĩ vi nhân cố.

          (疏) 總者,即前總明一切諸經,皆一大事以為因故。

          (Sớ: Tổng chính là như trong phần trước đã nói tổng quát: Hết thảy các kinh đều lấy một đại sự làm nhân).

          Vì sao Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện trong thế gian này? Vì sao Ngài giảng giải cho chúng ta hết thảy Phật pháp? Đấy là tổng nhân duyên. Kinh Pháp Hoa nói: Đức Phật vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trong cõi đời. Đại sự ấy chính là đại sự liễu sanh tử, là đại sự viên thành Phật đạo; đó là đại sự thật sự của chúng ta.

          (Sớ) Ngôn Phật thuyết thử kinh, vị giáo chúng sanh niệm Phật, vị giáo chúng sanh trì danh niệm Phật, vị giáo chúng sanh trì danh niệm Phật nhi nhập Phật tri kiến, dĩ liễu thử nhất tâm đại sự nhi dĩ.

          (疏) 言佛說此經 為教眾生念佛 為教眾生持名

佛,為教眾生持名念佛而入佛知見,以了此一心大事而已

          (Sớ: Nêu ra: Đức Phật nói kinh này là vì dạy chúng sanh niệm Phật, vì dạy chúng sanh trì danh niệm Phật, vì dạy chúng sanh dùng trì danh niệm Phật để nhập tri kiến của Phật, nhằm liễu giải đại sự nhất tâm này mà thôi!)

          Ba câu này đặc biệt quan trọng. Qua ba câu này, chúng ta thấy được bi tâm triệt để của Thích Ca Mâu Ni Phật, lòng yêu thương, che chở chúng sanh của Ngài đúng là không còn gì có thể hơn được! Chúng ta hãy nên nhớ kỹ: Không chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật là như thế, chúng ta thấy trong phần sau của kinh này, sáu phương chư Phật ca ngợi, bèn hoảng nhiên đại ngộ: Mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai và Thích Ca Mâu Ni Phật có cùng một tâm, cùng một nguyện vọng, “vì dạy chúng sanh niệm Phật”. Nói cách khác, chẳng dạy chúng sanh tu các pháp môn khác, mà dạy quý vị tu pháp môn Niệm Phật. Nếu quý vị thật sự nghe theo, sẽ là đệ tử bậc nhất của chư Phật. Câu này vẫn là nói chung cho cả bốn loại niệm Phật, bốn loại niệm Phật đều được bao gồm trong ấy. “Vì dạy chúng sanh trì danh niệm Phật” là chuyên nói về bộ kinh này. Nói cách khác, chẳng dạy quý vị Quán Tượng, Quán Tưởng, hay Thật Tướng Niệm Phật, chẳng dạy quý vị những môn ấy, mà dạy quý vị trì danh, tín nguyện trì danh, suốt ngày từ sáng đến tối niệm bốn chữ này: A Di Đà Phật!

          Bí quyết niệm Phật là có thể chế phục phiền não, khi sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài, trong tâm đương nhiên sẽ khởi tâm động niệm, thuận với ý nghĩ của chính mình bèn dấy lòng hoan hỷ, khởi tâm tham ái; chẳng hợp ý mình bèn sanh tâm sân khuể, bèn khởi tâm động niệm. Khởi tâm động niệm đều gọi là phiền não. Không chỉ sân khuể là phiền não, tham ái cũng là phiền não. Nói chung, tâm thanh tịnh mà chỉ cần có một ý niệm sanh khởi bèn gọi là phiền não. Phiền não cũng là nghiệp chướng, nó chướng ngại quý vị, chướng ngại nhất tâm bất loạn, chướng ngại quý vị minh tâm kiến tánh. Đức Phật dạy chúng ta một phương pháp: Đổi những ý niệm ấy thành A Di Đà Phật. Niệm vừa mới dấy lên, cổ nhân nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ biết chậm”. Ý niệm dấy lên chẳng sợ, sợ là sợ quý vị chẳng giác ngộ nhanh chóng. Giác ngộ là gì? A Di Đà Phật là giác ngộ. Ý niệm mới khởi lên, ngay lập tức đổi nó thành A Di Đà Phật. Quý vị cũng chẳng quan tâm ý niệm vừa mới khởi lên ấy là thiện niệm hay ác niệm; nhất loạt chẳng đoái hoài, chỉ cần ý niệm dấy lên, ngay lập tức đổi nó thành A Di Đà Phật. Đổi cho nhanh, càng nhanh càng hay, chớ để cho ý niệm ấy tiếp tục tăng trưởng, đó là bí quyết niệm Phật.

          Quý vị có thể niệm Phật như thế, dụng công như thế, dụng công suốt một tháng sẽ tự nhận thấy quý vị khác hẳn, tâm thanh tịnh, phiền não bớt đi. Dụng công ba tháng, sẽ cảm thấy mình đang đi vào khuôn khổ rất trọn vẹn, công phu đắc lực. Có công phu ấy hai, ba năm, dẫu chưa thể đắc nhất tâm, nhất định đạt được công phu thành phiến! Công phu thành phiến là tương tự nhất tâm, chưa thật sự là nhất tâm. Thật sự nhất tâm là phiền não dẹp tận gốc, không còn nữa! Khi ấy (tức là lúc đã đạt công phu thành phiến), tuy cội rễ phiền não vẫn còn, chưa dẹp trừ, nhưng chắc chắn phiền não chẳng khởi tác dụng, chẳng khởi hiện hành, có công phu như thế, chắc chắn vãng sanh. Đối với ba phẩm Thượng của công phu thành phiến, sanh tử tự tại, thích về Tây Phương Cực Lạc thế giới lúc nào, bèn đi lúc ấy, thích ở lại mấy năm cũng chẳng trở ngại gì, quý vị đắc đại tự tại. Sanh tử tự tại chẳng phải là công phu rất cao, loại công phu này chúng ta ai nấy đều có thể hành được. Trung phẩm vãng sanh liền biết trước lúc mất, nói chung là biết trước từ một tháng đến ba tháng. Hạ phẩm là nói chung khi lâm chung thấy Phật mới biết, đều là chắc chắn vãng sanh. Vì thế, niệm Phật nhất định phải chế phục phiền não; chưa thể chế phục phiền não, sẽ chẳng gọi là công phu, niệm dẫu nhiều vẫn vô ích. Vì thế, kinh dạy chúng ta trì danh niệm Phật.

          Lại xem câu cuối cùng, “vì dạy chúng sanh trì danh niệm Phật để nhập tri kiến của Phật”. Chẳng phải là dạy chúng sanh niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ là xong, chẳng mang ý nghĩa đó! “Nhập Phật tri kiến” là thành Phật, dạy quý vị niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ để sang bên đó thành Phật, đấy mới là viên mãn rốt ráo, viên mãn như Hoa Nghiêm, viên mãn như Pháp Hoa, chẳng hai, chẳng khác. Câu này có thể nói là toàn bộ Phật pháp đều được bao gồm trong ấy. Trong ba câu này, câu thứ nhất bao gồm bốn loại Niệm Phật, câu thứ hai chuyên nói về Trì Danh Niệm Phật, câu thứ ba bao gồm hết thảy Phật pháp. Trì danh vãng sanh Tịnh Độ thì mới thật sự viên mãn rốt ráo.

          “Dĩ liễu thử nhất  tâm  đại  sự  nhi  dĩ” (nhằm liễu giải đại sự nhất

tâm này mà thôi): “Liễu” là hiểu rõ, mà cũng là chứng ngộ. Thiền gia nói đại triệt đại ngộ, ở đây dùng chữ “liễu”; Giáo Hạ nói “đại khai viên giải”, đều là chữ “liễu” này. “Nhất tâm đại sự”: Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh dùng ba chữ Đại Phương Quảng để hình dung Thể – Tướng – Dụng. Đại là bản thể của nhất tâm. Phương là tướng của nhất tâm. Quảng là đức dụng của nhất tâm. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều do nhất tâm của chính chúng ta biến hiện. Hết thảy các pháp, nói chung, chẳng ra ngoài nhất tâm. Không riêng gì Phật pháp, mà các pháp thế gian thảy đều bao gồm trong ấy.

          (Sớ) Hợp chi vi thử kinh giáo khởi chi sở nhân dã.

          (疏) 合之為此經教起之所因也。

          (Sớ: Hợp những điều này lại thì chính là nhân duyên phát khởi giáo pháp này vậy).

          “Hợp” là quy nạp toàn bộ lại, Thích Ca Mâu Ni Phật phát khởi pháp hội Di Đà, giảng cho chúng ta nhân duyên thật sự của pháp môn này. Từ đoạn Giáo Khởi Sở Nhân này, nếu chúng ta thật sự hiểu rõ, thấu hiểu, đương nhiên quý vị sẽ thấu hiểu bi tâm triệt để của đức Thế Tôn, chúng ta mới thật sự sanh khởi cái tâm cảm ơn đội đức, mong phát tâm sốt sắng tu học pháp môn này, trong một đời này phải quyết định thành tựu thì mới chẳng cô phụ Bổn Sư Thích Ca, chẳng cô phụ mười phương chư Phật. Chúng ta lại xem đoạn lớn thứ hai. Đoạn lớn thứ hai là…

          Nhị, Tạng Giáo đẳng nhiếp.

          二、教藏等攝。

          (Hai, kinh này thuộc về Tạng nào và Giáo nào).

          Đoạn này lại được chia thành ba đoạn nhỏ.  

          Sơ, Tạng nhiếp. Nhị, Giáo nhiếp. Tam, Phần nhiếp.

          初、藏攝。二、教攝。三、分攝。

          (Một là thuộc về Tạng nào, hai là thuộc về Giáo nào, ba là thuộc về Phần nào).

          “Tạng” là Tam Tạng, nói rõ bộ kinh này thuộc loại nào trong Đại Tạng Kinh.

          (Huyền Nghĩa) Dĩ tri Phật thuyết thử kinh, hữu như thị nhân.

          (玄義) 已知佛說此經,有如是因

          (Huyền Nghĩa: Đã biết Phật nói kinh này do có các nhân như thế).

           Trong phần trên đã nói, do có nhiều nhân duyên như thế nên đức Phật mới nói bộ kinh này.

(Huyền Nghĩa) Vị tri thử kinh Tạng Giáo Phần trung, các hà nhiếp thuộc?

(玄義) 未知此經藏教分中,各何攝屬。

          (Huyền Nghĩa: Chưa biết trong Tạng, Giáo và Phần, kinh này thuộc về đâu?)

          Ở đây có ba sự kiện: Một là Tạng, hai là Giáo, ba là Phần. Tạng có ý nghĩa “hàm nhiếp” (chứa đựng, thâu tóm), đây là nói tới chuyện hàm nhiếp những nghĩa lý đáng nên biết. Kinh Phật được gọi là Đại Tạng Kinh, còn gọi là Tam Tạng Kinh Điển. Tạng là giống như một cái kho, hết thảy các pháp, hết thảy đạo lý đều chứa đựng, tàng trữ trong đấy, đợi chúng ta khám phá. Giáo là giáo học, giáo học có ý nghĩa khai thị. Tạng là cái kho chứa, trong ấy chứa không ít món. Giáo là mở cửa. Cửa đã mở rồi, quý vị mới biết những thứ được cất giữ trong ấy. Không có Thích Ca Mâu Ni Phật dạy học, tuy bảo tạng trong tự tánh của chúng ta có vô lượng trí huệ, vô lượng công đức pháp tài, nhưng đều mê mất, chẳng biết gì cả, đó là chuyện rất đáng tiếc. Nhất định phải đợi Phật giúp chúng ta mở toang kho báu trong tự tánh, đó gọi là “khai thị ngộ nhập”. Đức Phật khai thị rồi chúng ta mới có thể ngộ nhập, nhập chánh tri chánh kiến của Phật, đó là “nhập Phật tri kiến”.

          “Phần” là nói tới phân chia theo loại, giống như trong kho chứa đầy ắp đồ, quý vị phải phân loại. Lấy kho sách của chúng ta để nói, chúng ta đặt thứ gì trong đó cũng phải phân loại, chỗ này xếp kinh sách Phật, chỗ kia xếp giới luật, chỗ kia xếp tác phẩm của bá gia chư tử, xếp các tài liệu về khoa học kỹ thuật hiện đại, phân môn, chia loại để xếp đặt. “Phần” mang ý nghĩa sau đây: Chia môn phân loại, khiến cho nó có đầu mối, trật tự, chỉnh tề, chẳng rối loạn, có ý nghĩa như thế.

          Đối với ba thứ này, kinh này thuộc về loại nào? Đây là nêu ra câu hỏi, “các hà nhiếp thuộc” (đối với mỗi thứ, thuộc về đâu). Mỗi một đoạn kế tiếp đều nhằm giải thích cho chúng ta. Đoạn đầu tiên giải thích chữ Tạng, Tạng bao gồm những gì.

          (Huyền Nghĩa) Ngôn Tạng hữu nhị.

          (玄義) 言藏有二。

          (Huyền Nghĩa: Nói đến Tạng thì có hai loại).

           Tạng có hai loại: Một loại là Tam Tạng, loại kia là Nhị Tạng. Tam Tạng là gì? Nhị Tạng là gì? Dưới đây sẽ giải thích.

          (Huyền Nghĩa) Thả sơ Tam Tạng giả.

          (玄義) 且初三藏者。

          (Huyền Nghĩa: Trước hết, Tam Tạng là).

          Trước hết, giảng về Tam Tạng.

          (Huyền Nghĩa) Nhất, Tu Đa La Tạng.

          (玄義) 一、脩多羅藏。

          (Huyền Nghĩa: Một là Tu Đa La Tạng).

           Tu Đa La (Sūtra) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là “kinh điển”, tức là Kinh Tạng. Bộ phận này hoàn toàn là kinh Phật.

          (Huyền Nghĩa) Nhị, Tỳ Nại Da Tạng.

(玄義) 二、毗奈耶藏

          (Huyền Nghĩa: Hai là Tỳ Nại Da Tạng).

           Tỳ Nại Da (Vinaya) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là “giới luật”. Bộ phận này hoàn toàn giảng về giới luật, phân lượng cũng hết sức nhiều, có đến mấy ngàn quyển.

          (Huyền Nghĩa) Tam, A Tỳ Đạt Ma Tạng.

(玄義) 三、阿毗達磨藏

(Huyền Nghĩa: Ba là A Tỳ Đạt Ma Tạng).

          A  Tỳ  Đạt  Ma  (Abhidharma) dịch thành “luận”, nghĩa gốc của từ

ngữ này là Đối Trị Pháp. Du Già Sư Địa Luận, Đại Trí Độ Luận, Trung Quán Luận, những bộ luận ấy đều thuộc vào Luận Tạng.

          (Huyền Nghĩa) Kim thử kinh giả, thị Tu Đa La nhiếp.

          (玄義) 今此經者,是脩多羅攝。

          (Huyền Nghĩa: Nay kinh này thuộc vào Tu Đa La).

           Trong Tam Tạng, kinh Di Đà thuộc vào Kinh Tạng, chẳng phải là giới luật, mà cũng chẳng phải là luận điển.

          (Huyền Nghĩa) Chư kinh diệc hữu hỗ tương nhiếp giả, kim phi bỉ cố.

          (玄義) 諸經亦有互相攝者,今非彼故。

          (Huyền Nghĩa: Trong các kinh, cũng có những kinh thuộc về các tạng khác nhau, nay kinh này chẳng giống các kinh ấy).

          Có những bộ kinh bên trong có giới luật, có luận; trong rất nhiều bộ kinh lớn thường thấy tình hình này. Ví như kinh Hoa Nghiêm, phẩm Tịnh Hạnh và phẩm Phạm Hạnh là giới luật. Trong kinh Lăng Nghiêm, ba thứ tánh chất Kinh, Luật, Luận đều có. Chương Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh Hối (bốn loại giáo huấn thanh tịnh sáng suốt) là giới luật, trong ấy có rất nhiều phần vấn đáp, thảo luận, đích xác là thuộc về Luận Tạng. Nếu [Kinh, Luật, Luận] đều có thì phân loại bản kinh ấy như thế nào? Tùy thuộc phần nào chiếm tỷ lệ lớn nhất. Chẳng hạn như kinh Lăng Nghiêm, phần giảng kinh chiếm đến bảy phần mười, giới luật chiếm một phần hai mươi, phần giảng luận chiếm ba hoặc bốn phần mười, phần kinh nhiều nhất, chiếm tới bảy phần mười, nên phán định Lăng Nghiêm thuộc về Kinh Tạng. Kinh Di Đà thuần túy là Kinh Tạng, trong ấy chẳng bàn đến giới luật, mà cũng chẳng phải là nghị luận, từ đầu đến cuối chỉ một mình Thích Ca Mâu Ni Phật nói với chúng ta. Hôm nay đã hết thời gian rồi!         

[1] Cỏ Thi (Yarrow), còn gọi là Âu Thi, Thiên Diệp Thi, Cứ Thi, Du Đình Thi, Cứ Xỉ Thảo, Vũ Y Thảo, hoặc Tây Dương Thi Thảo, là một loại cỏ thuộc họ Cúc (Asteraceae), mọc ở rất nhiều nơi như Nội Mông Cổ, Iran, Âu Châu, Nga, Phi Châu và vùng Đông Bắc Trung Hoa. Cỏ Thi thường mọc ở những vùng đất ẩm ướt, nhưng khí hậu khô hanh. Cỏ này có củ ngầm, bò lan rất mạnh, thân thẳng, có thể mọc cao đến cả thước, thân cỏ có vằn nhỏ, phủ bằng lông tơ màu trắng, lá cỏ có gai, gồm nhiều phiến mọc quanh một thân chính, trông giống như những chiếc lông chim, dài từ năm đến hai mươi centimeter, mép lá có hình răng cưa. Để bói, người Hoa lấy năm mươi nhánh cỏ Thi, rút riêng ra một nhánh, rồi tiếp tục chia nhỏ bốn mươi chín nhánh còn lại theo những quy tắc khá phức tạp, để hình thành sáu con số dựa trên số lượng nhánh cỏ trong mỗi nhóm. Dựa trên sáu con số ấy, họ sẽ ghép thành một quẻ (thường gọi là “xủ quẻ”).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *