Tập 135/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 135

                   Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang hai trăm chín mươi ba:

          Nhị, biệt thị trang nghiêm.

          二別示莊嚴。

          (Hai, nêu bày riêng biệt từng sự trang nghiêm).

                   Đây là đoạn kinh văn thứ hai, Biệt Thị Trang Nghiêm. Đoạn văn lớn này được chia thành bốn tiểu đoạn, khoa đề (tiểu đề) của bốn tiểu đoạn được nêu ra như dưới đây. Sau đây là tiểu đoạn thứ nhất trong bốn tiểu đoạn.

           Sơ lan võng, hàng thụ.

            ,欄網行樹。

          (Đầu tiên là lan can, lưới, hàng cây).

           Chúng ta đọc kinh văn:

          (Kinh) Hựu Xá Lợi Phất. Cực Lạc quốc độ, thất trùng lan thuẫn, thất trùng la võng, thất trùng hàng thụ, giai thị tứ bảo châu táp vi nhiễu.

          () 又舍利弗。極樂國土。七重欄楯。七重羅網。七重行樹。皆是四寶周匝圍繞。

          (Kinh: Lại này Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc bảy tầng lan can, bảy tầng lưới mành, bảy lớp hàng cây, đều bằng bốn báu vây quanh trọn khắp).

           Xin xem chú giải.

          (Sớ) Thử chánh minh lạc sự dã. Lan thuẫn vi ư thụ ngoại, la võng phú ư thụ thượng, trùng trùng tương gián, kỳ số hữu thất dã. Tứ bảo giả, thất bảo tiền tứ dã. Châu táp giả biến mãn, vi nhiễu giả hồi hộ, ngôn trùng trùng giai tứ bảo sở nghiêm sức dã.        

       () 此正明樂事也。欄楯圍於樹外,羅網覆於樹上,重重相間,其數有七也。四寶者,七寶前四也。周匝者遍滿,圍繞者迴護,言重重皆四寶所嚴飾也。

          (Sớ: Đây là chánh thức nói rõ các sự vui [trong cõi Cực Lạc]. “Lan thuẫn” (lan can) là thứ [vây quanh] phía ngoài hàng cây, “la võng” (lưới mành) là thứ phủ trên cây, tầng tầng lớp lớp xen kẽ, số lượng có bảy lớp. “Tứ bảo” là bốn thứ đầu trong bảy báu. “Châu táp” là trọn khắp, “vi nhiễu” là bao quanh. Ý nói mỗi tầng đều được trang hoàng bằng bốn thứ báu).

           Đoạn này hoàn toàn thuật bày sự tướng, chẳng khó hiểu, nhưng ý nghĩa được bao hàm trong ấy vô cùng phong phú, trong ấy có nhiều ý nghĩa biểu thị pháp mà chúng ta cần phải biết. Đầu tiên là nêu nguyên do vì sao Tây Phương thế giới được gọi là “thế giới Cực Lạc”, đương nhiên giảng tỉ mỉ và thấu triệt nhất là kinh Vô Lượng Thọ; tuy kinh này (kinh A Di Đà) nói giản lược, nhưng bản chú giải này của Liên Trì đại sư có thể nói là đã chú giải rất tường tận. Ở đây là nói về nghĩa lý của các sự vui trong thế giới Tây Phương.

          Lan thuẫn, lan (欄) là [thanh] nằm ngang [trong lan can], thuẫn (楯) là [các thanh] thẳng đứng. Tại Trung Quốc và ngoại quốc, hết sức chú trọng cách trang hoàng bằng lan thuẫn như vậy. Tại Bắc Kinh, nhìn vào hoàng cung, sẽ thấy từng đoạn Lan Thuẫn đều vô cùng đẹp mắt. “La võng” chẳng thường thấy. Xưa kia, các kiến trúc như cung điện nhất định có la võng. Hiện thời, trong rất nhiều tự viện có quy mô lớn ở Nhật Bản có la võng; quá nửa là dùng sợi dây đồng để bện thành, có tác dụng bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật, vì các cột, kèo đều là những tác phẩm nghệ thuật cao cấp, thường được gọi là “điêu lương, họa đống” (xà chạm, kèo vẽ), sợ chim chóc làm tổ gây hư hại, nên dùng lưới đồng để bảo vệ. Quý vị có thể thấy [các kèo cột chạm vẽ công phu ấy] từ bên ngoài, nhưng chẳng thể đụng chạm, có tác dụng như vậy đó. Giữa các lưới cũng rất chú trọng, trang hoàng bằng bảo châu và phong linh nên vô cùng đẹp đẽ.

          Từ Đại Kinh, chúng ta đọc thấy cây cối trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng phải là cây cỏ thông thường. Cây cối trong thế giới ấy bằng bảy báu, là “bảo thụ” (cây báu). Do vậy, trên cây đều có giăng la võng. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có tam ác đạo, tuyệt đối chẳng phải nhằm ngăn ngừa chim chóc làm tổ. Lưới mành thuần túy thuộc loại trang sức phẩm. Không chỉ là trang sức, mà còn có tác dụng hết sức kỳ diệu. Từ Đại Kinh, chúng ta thấy các lưới ấy có thể tỏa ánh sáng, trong ánh sáng có thể hiện hình tượng của các cõi Phật trong mười phương, giống như hình ảnh trong TV. Quý vị muốn thấy nơi nào trong hết thảy các cõi Phật khắp mười phương, hình tướng nơi cõi ấy bèn hiện trong quang minh tỏa ra từ lưới.

          Ánh sáng tỏa ra từ lưới hiển hiện hình tướng, khoa học kỹ thuật hiện thời cũng dần dần đạt tới cảnh giới này, nhưng hiện thời chưa phổ biến, chúng ta gọi kỹ thuật ấy là “lập thể điện thị” (3DTV). Ở Mỹ, tôi đã từng xem qua, chẳng cần màn ảnh. Quý vị thấy người trong ấy cử động giống như thật, hoàn toàn là hình bóng, quyết định chẳng phải là chân thật, nhưng quý vị thấy hoàn toàn giống như thật, chẳng cần đến màn hình, hoàn toàn là [hình ảnh] lập thể. Trong tương lai, khi kỹ thuật này dần dần phổ biến, chẳng cần tới máy TV nữa! Hình người có thể phóng lớn hay thu nhỏ, thậm chí chúng ta đi tới đó, bản thân chúng ta bị chiếu lên, thấy chính chúng ta đi trong đó, người biến thành nhỏ xíu, mặc quần áo chẳng khác chính mình chút nào! Do vậy, chúng ta có thể tưởng tượng, đại khái lưới và cây nơi Tây Phương Cực Lạc thế giới giống như 3DTV, hết thảy các cõi nước trong mười phương quý vị đều có thể tiếp xúc, đều có thể thấy bất cứ lúc nào. Người nhà, quyến thuộc bất luận ở trong thế giới nào, bất luận ở trong đường nào, có thể nói là thời thời khắc khắc đều có thể gặp mặt. Tây Phương Cực Lạc thế giới thù thắng khôn sánh!

          “Kỳ số hữu thất” (số lượng đến bảy [lớp, tầng, hàng]), “bảy” mang ý nghĩa biểu thị pháp, chẳng phải là con số. Nếu là con số, quý vị nghĩ xem, thế giới Cực Lạc có gì đáng vui thú để nhìn! Mỗi thứ đều là bảy lớp, chẳng có kiểu cách nào khác, cứng ngắc, rập khuôn, chẳng có ý nghĩa gì hết! “Bảy” tượng trưng cho sự viên mãn, viên mãn là gì? Phải tùy thuận ý nghĩ của chính mình, đó là viên mãn. Ta ưa thích ra sao, nó bèn biến ra như thế, đó mới gọi là “viên mãn”. Con số Bảy tượng trưng cho bốn phương, trên, dưới và chính giữa, viên mãn! Nó biểu thị pháp. Giống như trong kinh Hoa Nghiêm đã dùng Mười để biểu thị pháp. Mười là con số viên mãn, tượng trưng sự viên mãn về phương vị, nên nó chẳng phải là con số. “Thất trùng” là viên mãn, quý vị thích dạng thức nào, nó bèn [biến hóa] dạng thức đó, thích bao nhiêu tầng bèn hiện bấy nhiêu tầng. Nói chung, Tây Phương Cực Lạc thế giới không có chuyện gì chẳng phải là “thuận theo lòng ưa muốn”, đó mới là tự tại.

          “Tứ bảo” cũng là nêu lên đại lược. Liên Trì đại sư bảo chúng ta [“tứ bảo”] là “thất bảo tiền tứ” (bốn thứ đầu trong bảy báu), bốn thứ đầu tiên. Trong Đại Kinh đã chỉ dạy rõ ràng, Tây Phương Cực Lạc thế giới có vô lượng vô biên vô tận kho báu, nên Thất trong “thất bảo” tượng trưng cho sự viên mãn. Nói cách khác, tất cả hết thảy bảo vật Tây Phương Cực Lạc thế giới đều có, chẳng thiếu khuyết, đó mới là viên mãn.

          (Sao) Lan Thuẫn giả, hoành viết Lan, trực viết Thuẫn. Thử phương hoa mộc, diệc tác lan thuẫn.

          () 欄楯者,橫曰欄,直曰楯,此方花木,亦作欄楯。

          (Sao: Lan Thuẫn: Thanh nằm ngang gọi là Lan, thanh thẳng đứng là Thuẫn. Đối với hoa cỏ, cây cối, cõi này cũng làm lan can [bao quanh]).

          Đối với hoa cỏ, cây cối trong cõi này, chúng ta cũng dùng lan can để bao quanh.

          (Sao) Nhất, phòng vật tổn.

          () 一防物損。

          (Sao: Lý do thứ nhất là để ngăn ngừa các con vật làm hư hại)

          Ngăn ngừa tổn hại.

          (Sao) Nhị, thị mỹ quan. Bỉ độ tuy ngưu dương tuyệt mục.

          () 二示美觀。彼土雖牛羊絕牧。

          (Sao: Hai là do vẻ mỹ quan. Tuy cõi ấy trọn chẳng chăn nuôi trâu, dê).

          Thế giới ấy chẳng có súc sanh, lan can hoàn toàn nhằm tạo vẻ mỹ quan.

          (Sao) Ngoạn hảo vô tâm, nhi vạn hạnh công đức chi sở trang nghiêm, nhậm vận thành tựu dã.

          () 玩好無心,而萬行功德之所莊嚴,任運成就也。

          (Sao: Mà cũng không nhằm thỏa lòng ưa thích, mà là do được vạn hạnh công đức trang nghiêm nên tùy ý thành tựu).

          Phải ghi nhớ câu này, Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có một thứ nào là kiến tạo. Chúng ta phải thiết kế, lo toan, chế tạo ư? Chẳng hề có! Hết thảy vạn vật, hình tượng trong thế giới Tây Phương đều là tự nhiên biến hiện, giống hệt như Tha Hóa Tự Tại Thiên trong thế giới Sa Bà của chúng ta. Đó là tầng trời cao nhất trong Dục Giới. Tầng trời thứ sáu [trong Dục Giới] là Tha Hóa Tự Tại Thiên (Parinirmita-vaśavartin). Nói thật ra, Tha Hóa Tự Tại Thiên chẳng cần tự mình biến hóa. Tầng trời thứ năm là Hóa Lạc Thiên (Nirmānarati) muốn dùng thứ gì thì chính mình phải biến hóa. Phước báo của Đệ Lục Thiên to hơn họ, hoàn toàn chẳng cần tự mình biến hóa, trong tâm vừa dấy một niệm, những thứ ấy đều hiện tiền. Vì vậy, Tây Phương Cực Lạc thế giới là tùy ý hiện tiền.

          (Sao) La võng nghĩa đồng thử.

          () 羅網義同此。

          (Sao: Lưới mành có cùng ý nghĩa ấy).

          Hết thảy biến hóa đều là tự nhiên, đó gọi là “vạn đức trang nghiêm”, tự nhiên trang nghiêm.

          (Sao) Hàng thụ giả, thứ đệ thành hàng, vô thác loạn dã.

            () 行樹者,次第成行,無錯亂也。

          (Sao: “Hàng thụ”: Xếp thành hàng trật tự, chẳng rối loạn).

          Chỉnh tề, đẹp mắt, lại còn là từng loại một [phân minh], cho thấy vô cùng đẹp mắt.

          (Sao) Thất trùng giả, nhất trùng lan võng, vi phú nhất trùng hàng thụ, cố viết trùng trùng tương gián dã.

          () 七重者,一重欄網,圍覆一重行樹,故曰重重相間也。

          (Sao: Bảy lớp: Một lớp lan can và lưới mành bao quanh, vây phủ một tầng hàng cây, nên nói là “tầng tầng lớp lớp xen kẽ”).

          Lưới mành và hàng cây cũng trùng trùng vô tận, tầng tầng lớp lớp xen kẽ nhau.

          (Sao) Tam sự tuy thử phương diệc hữu.

          () 三事雖此方亦有。

          (Sao: Tuy phương này cũng có ba chuyện ấy).

          Trong thế gian này của chúng ta cũng có lan can, lưới mành, hàng cây, nhưng tánh chất của chúng chẳng sánh bằng Tây Phương Cực Lạc thế giới.

          (Sao) Nhi chất duy mộc thạch.

          () 而質唯木石。

          (Sao: Nhưng chất liệu chỉ là gỗ, đá).

          Đây là nói đến phẩm chất.

          (Sao) Bỉ thuần dĩ bảo dã.

          () 彼純以寶也。

          (Sao: Cõi kia [những thứ ấy] thuần bằng chất báu).

          Hàng cây, lan can, lưới mành trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều bằng chất báu.

          (Sao) Thất bảo tiền tứ giả, kim, ngân, lưu ly, pha lê.

            () 七寶前四者,金銀琉璃玻璃。

          (Sao: “Bốn chất đầu trong bảy báu” là vàng, bạc, lưu ly và pha lê).

           Bốn loại đầu trong bảy báu, là “hoàng kim, bạch ngân, lưu ly, pha lê”. Thời cổ chẳng có Pha Lê (Sphatika), Pha Lê được phát minh cách đây cũng chẳng lâu lắm. Pha Lê nói trong kinh Phật nay ta gọi Thủy Tinh. Trước đây chẳng thấy từ ngữ Thủy Tinh, người đời Đường nói Pha Lê thì đó là Thủy Tinh thiên nhiên. Thủy tinh hiện thời [được chế tạo bằng phương pháp] hóa học, do chính sức người làm ra. Lưu Ly (Veluriyam, Vaidūrya, Lapis Lazuli) là Phỉ Thúy, nay chúng ta gọi là Lục Sắc Ngọc, so với các loại ngọc thông thường có giá trị cao hơn rất nhiều. Ở Tây Phương Cực Lạc thế giới, bốn thứ báu này hết sức phổ biến, hết sức nhiều!

          (Sao) Châu táp vi nhiễu giả, như Thụy Tướng Kinh vân.

          () 周匝圍繞者,如瑞相經云。

          (Sao: “Châu táp vi nhiễu” là như kinh Thụy Tướng nói).

          Kế đó, Liên Trì đại sư dẫn kinh để chứng minh, Ngài trích dẫn tổng cộng chín đoạn, đều nhằm chứng tỏ ý nghĩa “châu táp vi nhiễu”. Đoạn thứ nhất nói về lưới mành, chúng ta đọc đoạn văn ấy, tức là đoạn kinh văn được chép trong kinh Thụy Tướng.

          (Sao) Vô lượng bảo võng, giai dĩ kim lũ trân châu, bách thiên tạp bảo, trang nghiêm hiệu sức, châu táp tứ diện, thùy dĩ bảo linh, quang sắc hoa diệu, la phú thụ lâm.

          () 無量寶網,皆以金縷珍珠,百千雜寶,莊嚴較飾,周匝四面,垂以寶鈴,光色華耀,羅覆樹林。

          (Sao: Vô lượng lưới báu đều dùng sợi bằng vàng [để xuyên kết] trân châu, trăm ngàn các thứ báu khác nhau trang hoàng, tô điểm, vây kín bốn phía, linh báu treo rủ, ánh sáng và màu sắc rực rỡ, chói lọi, che phủ rừng cây).

          Đây là tiểu đoạn thứ nhất, chúng ta đọc xong bèn tưởng tượng cảnh giới ấy vô cùng đẹp đẽ, giống như trong tranh vẽ vậy. Có thể thấy thế giới Cực Lạc vật chất dồi dào, sung túc, chẳng có gì mà hòng sánh bằng. Tuy nói là “kim”, có danh xưng giống như vàng ròng trong thế gian này, thực chất hoàn toàn khác hẳn. Trong kinh, đức Phật đã dạy, nói theo nguyên lý là “cảnh chuyển theo tâm”, “cảnh” là hoàn cảnh, [“cảnh chuyển theo tâm” là] hoàn cảnh vật chất chuyển theo tâm. Nghiệp do tâm tạo, tâm tạo nghiệp. Nếu hết thảy chúng sanh đều tạo thiện nghiệp, vật chất trong thế gian này sẽ biến đổi, biến thành khá nhiều thứ trân bảo. Những thứ kim, ngân, thất bảo ấy, chỗ nào cũng đều có. Nếu lòng người tạo ác nghiệp, những thứ trân bảo ấy chẳng còn nữa, chúng cũng bị biến đổi, biến thành cát, đất, đá, biến thành những thứ ấy.

          Đại địa trong thế giới Cực Lạc thảy đều là bảy báu. Đại địa trong thế giới của chúng ta cũng là bảy báu, nhưng bảy báu đã bị biến chất. Biến như thế nào? Biến theo lòng người. Có thể thấy vật chất chẳng phải là thật, vật chất là giả, duy tâm sở hiện, duy thức sở biến, do chính mình biến hiện. Chính mình biến ra để chính mình hưởng dụng. Nếu quý vị không tin, tôi nêu một thí dụ cho quý vị nghe, quý vị hãy khéo suy nghĩ kỹ sẽ dần dần tin tưởng. Ví dụ như quý vị là một người tâm địa hết sức thiện lương. Hằng ngày đều nghĩ đến chuyện tốt, đêm ngủ luôn là mộng đẹp, những vật chất hưởng thụ trong mộng đều đẹp đẽ vô cùng. Nếu quý vị hằng ngày nghĩ tới chuyện ác, mỗi đêm đều gặp ác mộng, cảnh giới trong mộng là ngạ quỷ, địa ngục, sợ đến nỗi khắp thân đẫm mồ hôi lạnh, kinh hoàng tỉnh giấc. Quý vị hãy xem cảnh giới ấy, thiên đường và địa ngục trong mộng do đâu mà có? Chẳng có [thứ gì đến từ bên ngoài], mà do trong tâm của chính quý vị biến hiện. Thiện tâm biến thành thiện cảnh giới, ác tâm biến thành ác cảnh giới.

          Từ cảnh mộng mỗi đêm, có thể trắc nghiệm công phu và cảnh giới của chính mình. Trước kia, chưa học Phật, ác mộng thật nhiều, học Phật mấy năm, tuy vẫn nằm mơ, nhưng ác mộng dần dần ít đi, đó là tiến bộ. Lại tiến hơn bước nữa, ác mộng trọn chẳng có, nằm mộng chẳng rất loạn, sẽ hiểu rõ ràng, minh bạch. Lại càng thù thắng hơn nữa là thường xuyên mộng thấy Phật, Bồ Tát, mộng thấy giảng kinh, mộng thấy nghe kinh, mộng thấy niệm Phật, dự Phật Thất, nằm mộng những chuyện ấy. Tốt lắm! Ban ngày tu hành, buổi tối vẫn tiếp tục không ngừng. Đó là cảnh giới tốt đẹp, thường nói là “nhật hữu sở tư, dạ hữu sở mộng” (ngày nghĩ gì, đêm mộng đó). Cùng một đạo lý, vì sao Tây Phương Cực Lạc thế giới tốt đẹp ngần ấy? Lòng người tốt đẹp! Tâm chẳng tốt đẹp sẽ không thể vãng sanh, không thể đến đó, đạo lý là như vậy đó! Vì thế, thời cổ, vàng, bạc, bảy báu nhiều, hiện thời ít ỏi, hiện thời những thứ này [hầu như] chẳng còn nữa. Vì sao chẳng có? Biến chất rồi! Biến đổi theo lòng người mất rồi. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ ràng đạo lý này!

          Vì thế, nếu muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đối với chúng ta mà nói thì chỉ một câu A Di Đà Phật chưa đủ dùng, nhưng có một hạng người [đối với họ, câu niệm Phật] rất hữu dụng, người như thế nào? Người thật thà. Chúng ta là những kẻ chẳng thật thà, cho nên đối với chúng ta [chỉ một câu Phật hiệu đơn độc] sẽ vô dụng. Vì sao nói là chẳng thật thà? Niệm câu A Di Đà Phật vẫn dấy lên vọng tưởng, một hồi nghĩ chuyện này, một hồi nghĩ chuyện khác, chẳng thật thà! Nếu quý vị thật thà, nói thật ra, kinh luận gì cũng đều chẳng cần, một câu A Di Đà Phật niệm đến cùng, quyết định vãng sanh, vọng niệm gì, nghi lự gì đều chẳng còn nữa! Vì sao tôi biết các vị chẳng thật thà? Vì các vị thường đến hỏi tôi, hỏi này, hỏi nọ, tức là chẳng thật thà. Người thật thà chắc chắn chẳng có nghi vấn. Hễ quý vị có câu hỏi, sẽ là chẳng thật thà! Người chẳng thật thà bèn làm như thế nào? Phải cậy vào kinh giáo! Nói cách khác, kinh giáo giúp chúng ta học thật thà. Hiện thời, chúng ta lắm nỗi nghi lự, nhiều câu hỏi; hễ các đạo lý trong kinh điển đều hiểu rõ ràng thì những câu hỏi ấy đều chẳng còn nữa, đoạn nghi sanh tín mà! Sau đó, mới học làm một kẻ thật thà, chắc chắn có thể thành tựu. Do vậy nói “có thể vãng sanh hay không là do hai chữ Thật Thà!” Thật thà bèn có thể vãng sanh, không thật thà sẽ chẳng thể vãng sanh, rất trọng yếu! Đó là nói về vật chất chuyển biến, vì sao Tây Phương Cực Lạc thế giới tốt đẹp dường ấy là có đạo lý.

          Còn về phương pháp tu hành, thưa cùng quý vị, Phật pháp và hết thảy các pháp thế gian chỉ khác nhau ở một chỗ, tức là Phật pháp chú trọng tu Định. Bất cứ tôn giáo nào, bất cứ học thuật nào trong thế gian đều chẳng nói đến tu Định, chỉ có Phật pháp chú trọng tu Định. Vì sao? Định mới có thể sanh ra trí huệ chân thật, Giới, Định, Huệ! Trì giới nhằm mục đích đắc Định, giúp cho quý vị đắc Định. Vậy mà người trì giới trong hiện thời chẳng thể đắc Định, vì sao họ chẳng thể đắc Định? Vẫn là một câu nói cũ mèm! Chẳng thật thà! Thế nào là kẻ trì giới chẳng thật thà? Người ấy trì giới khá lắm, nhưng thấy kẻ này chẳng trì giới, thấy kẻ kia phạm giới, trong tâm cảm thấy chẳng thoải mái, làm sao có thể đắc Định cho được? Người ấy chẳng đắc Định! Người thật thà là bản thân ta trì giới của ta, còn người khác trì giới hay chẳng trì giới, ta chẳng thấy, không biết, chẳng quản chuyện người khác. Lục Tổ đã dạy: “Nếu người thật tu đạo, chẳng thấy lỗi người khác”, người ấy đã đắc Định. Do vậy nói, vẫn phải là thật thà, ngay cả tham Thiền cũng phải thật thà, vì không thật thà sẽ chẳng thể đắc Định, mà cũng chẳng thể khai ngộ. Vì thế, chuyện thị – phi, thiện – ác của người khác, ta nhất loạt chẳng màng, chẳng liên can gì đến ta thì ta mới có thể đắc Định. Thường chuộng quản chuyện trời ơi của kẻ khác, kẻ ấy chẳng thật thà, là kẻ chẳng thật thà đúng tiêu chuẩn, chẳng thành tựu chuyện gì! Dẫu bề ngoài tu hành tốt đẹp cách mấy, đến cuối cùng vẫn là xôi hỏng bỏng không!

          Tu hành có công phu thật sự hay không là ở một chiêu cuối cùng, tức là coi quý vị ra đi như thế nào? Người thật sự có công phu biết trước lúc mất, chẳng bị bệnh khổ, như nhập Thiền Định, đó là công phu chân thật. Quý vị đọc Lục Tổ Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư biết thời điểm vãng sanh từ hai năm trước, tuyệt diệu lắm. Ngài sai người sang chùa Quốc Ân dựng tháp, bảo người ấy: “Ông phải thay tôi xúc tiến công việc cho nhanh”, nhằm chuẩn bị vì Ngài sắp vãng sanh. Trước đó hai năm, Tổ đã sai người dựng tháp, chuẩn bị hậu sự, người ta thật sự có công phu. Thầy Lý vãng sanh cũng là trong khi giảng kinh vào hai năm trước đó, đã tuyên bố cùng mọi người: “Tôi chỉ giảng kinh hai năm nữa thôi!” Đồng tu ở Đài Trung nghe nói vậy liền lên Đài Bắc hỏi tôi: “Thầy nói câu ấy có nghĩa là gì?” Tôi nói: “Hai năm nữa thầy sẽ vãng sanh. Có nghĩa là gì? Thầy trụ thế để giảng kinh. Thầy không giảng kinh sẽ chẳng cần trụ nơi đây nữa, phải ra đi”. Quả nhiên, hai năm sau thầy mất. Từ hai năm trước, thầy đã tuyên bố tin tức ấy với mọi người. Đúng là chẳng thể lừa người được! Suốt đời làm bộ làm tịch có thể gạt kẻ khác, chứ đến cuối cùng vẫn ló đuôi chồn, là thật hay giả, người khác bèn thấy rõ ràng, minh bạch!

          Vì thế, điều thứ nhất là chúng ta phải học thật thà. Thứ hai là phải biết phương pháp tu hành, phương pháp ấy là phải tu Định. Nếu muốn tu Định thì trước hết phải tu bố thí, phải tu nhẫn nhục. Bố thí gì vậy? Buông xuống, buông vọng tưởng xuống, buông ý niệm bất bình xuống, buông ý niệm thích lo chuyện tào lao, thảy đều buông xuống, đó là bố thí. Bố thí là buông xuống. Nhẫn nhục là nhẫn nại, trong cuộc sống, xử sự, đãi người, tiếp vật, thứ gì cũng phải nhẫn, mọi chuyện đều phải nhẫn, tu hành cũng phải nhẫn. Vì vậy, cổ nhân dốc sức nơi một bộ kinh, học bộ kinh ấy bao lâu? Học năm năm, suốt năm năm chẳng xem bộ kinh thứ hai. Nhằm huấn luyện gì? Huấn luyện lòng kiên nhẫn, huấn luyện định lực, người ấy chẳng có vọng tưởng. Ta học một bộ kinh này, trong óc chẳng nghĩ đến bộ thứ hai, tâm đã định, định suốt năm năm, như vậy là có cơ sở kha khá. Dùng cơ sở ấy để nghiên cứu các kinh luận khác, thâm nhập kinh tạng, như vậy thì mới được, mới thật sự có thành tựu. Con người hiện thời chẳng có cơ sở ấy, đừng nói là kinh điển này, đọc một lần còn miễn cưỡng, đọc đôi ba lần sẽ chẳng muốn đọc nữa, lập tức muốn thay đổi. Nếu một năm xem mấy chục loại, xem đến nỗi đầu óc rối beng như canh hẹ, chẳng có thuốc nào cứu được, đầu óc đã loạn mất rồi!

          Do đó, tâm địa thanh tịnh trọng yếu vô cùng! Thâm nhập một môn! Một bộ kinh này niệm càng nhiều lần càng tốt. Trong các buổi giảng, chúng tôi thường nói với các vị đồng tu, niệm kinh là tu hành, tu hành điều gì? Tu Giới, Định, Huệ. Không chỉ Tam Học Giới, Định, Huệ được bao gồm trong ấy, mà Lục Độ cũng ở trong ấy, mười đại nguyện vương cũng gồm trong ấy, đúng là chẳng thể nghĩ bàn! Dùng tâm cung kính, kiền thành, mở kinh bổn ra, niệm từ đầu đến cuối một lần, Tam Học, Lục Độ, mười nguyện toàn bộ đều được tu viên mãn trong ấy. Khi niệm kinh, chớ nên nghĩ kinh này có ý nghĩa gì, câu này giảng theo cách nào, câu này có nghĩa là gì, như vậy là hỏng rồi. Đó là đọc sách thế gian, Tam Học, Tam Huệ, và Lục Độ thảy đều chẳng có! Do vậy, khi niệm kinh, chớ nên có vọng niệm, hãy cung kính niệm, chớ nên nghĩ tới ý nghĩa, chẳng có vọng niệm. Chẳng có vọng niệm là tu Giới, giới luật là “chẳng làm các điều ác, vâng làm các điều lành”. Một vọng niệm cũng chẳng có, đương nhiên là “chẳng làm các điều ác”. Kinh điển do đức Phật từ trong Chân Như bổn tánh lưu lộ ngôn ngữ, văn tự, chúng ta mắt thấy, miệng niệm, đó là “vâng làm các điều lành”. Đấy là chí thiện, “chỉ ư chí thiện” (đạt tới, an trụ nơi điều lành tột bậc). Chuyên tâm, chẳng có phân biệt, chẳng có vọng tưởng, đó là Định. Niệm rõ ràng, minh bạch, đó là Huệ. Vì thế, Tam Học Giới, Định, Huệ đều bao gồm trong ấy.

          Lục Độ cũng ở trong ấy, quý vị chuyên tâm niệm kinh, thứ gì cũng đều buông xuống, buông xuống là Bố Thí. Cung kính là Trì Giới. Cung kính, theo đúng quy củ để niệm, niệm một bộ kinh từ đầu đến cuối, đó là Nhẫn Nhục. Quý vị có lòng kiên nhẫn thì mới có thể niệm được. Chẳng có lòng kiên nhẫn sẽ không được. Có kiên nhẫn để niệm là Nhẫn Nhục. Mỗi ngày đều đọc tụng, mỗi ngày đọc đôi ba lượt, đó là Tinh Tấn. Chuyên niệm một bộ này, chẳng nghĩ tới bộ thứ hai, đó là Thiền Định. Niệm đến khi tâm địa thanh tịnh, tự đắc tâm khai, trí huệ Bát Nhã hiện tiền. Vì lẽ đó, niệm kinh là tu Lục Độ, mọi người chẳng biết chỗ tốt đẹp này. Tu Lục Độ bằng cách nào? Mỗi ngày nghĩ nát óc cách tu ra sao, nghĩ kiểu nào cũng tu chẳng giống, một Độ quý vị cũng chẳng tu thành! Tôi bảo quý vị, Tam Học, Lục Độ là niệm kinh, thảy đều được bao gồm trong ấy, tuyệt diệu chẳng thể diễn tả được! Nếu quý vị niệm hai bộ kinh, thưa cùng quý vị, Tam Học lẫn Lục Độ đều chẳng có. Nếu quý vị thật sự chịu tin tưởng lời tôi, một bộ kinh mỗi ngày niệm vài lần, quý vị niệm suốt năm năm, xem thử quý vị có thành tựu hay không? Đối với sự thành tựu của quý vị, tôi có thể nói là trong các đồng tu học Phật trọn một thế hệ này, chẳng ai có thể sánh bằng quý vị. Vì sao? Quý vị đã từng dùng thời gian năm năm để tu Giới, Định, Huệ, tu Lục Độ. Nói thật thà thì kẻ bình phàm ngay cả công phu một tuần cũng chẳng có, họ làm sao có thể sánh bằng quý vị? Vì thế, mọi người phải nghiêm túc, phải nỗ lực, phải thật sự thực hiện. Tôi cũng đã lớn tuổi rồi, cũng sắp ra đi rồi, nên nói với quý vị toàn những câu thật thà, hy vọng mọi người đều có thể  đạt  thành

tựu. Chúng ta lại xem đoạn thứ hai.

          (Sao) Đại Bổn vân.

          () 大本云。

          (Sao: Kinh Đại Bổn nói).

          Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ.

          (Sao) Kỳ võng nhu nhuyễn, như Đâu La Miên, tắc phi thế bảo, tất đãi điêu trác kiểu nhu nhi vị nghiêm sức dã, lan thuẫn bảo sức, lệ thử khả tri.

       () 其網柔軟,如兜羅棉,則非世寶,必待雕琢矯揉而為嚴飾也。欄楯寶飾,例此可知。

          (Sao: Lưới ấy mềm mại như Đâu La Miên, chẳng phải như của báu [tầm thường] trong thế gian cần phải được chạm, khắc, uốn nắn, chỉnh sửa để trang hoàng. Lan can trang sức bằng các thứ báu, cứ dựa theo đó mà có thể biết).

           Kinh Vô Lượng Thọ cho biết: Chất báu bên ấy thật sự là quý báu. Chẳng hạn, như ta thấy “la võng” tại Nhật Bản được bện bằng sợi đồng, chẳng mềm mại. Chất báu bên ấy mềm mại như Đâu La Miên. Đâu La Miên là một loại thực vật trồng ở Ấn Độ, giống như bông gòn, cầm nơi tay [cảm thấy] mềm mại. [Thất bảo bên Cực Lạc] là vật báu, nhưng mềm mại. Tuy danh xưng và hình tướng có một chút tương tự với chất báu trong thế gian này, nhưng thể chất hoàn toàn khác nhau, tuyệt đối chẳng phải là thứ trong thế gian này có được, mà cũng chẳng thể nào sánh bằng! Dựa theo đó, cũng biết những thứ trang hoàng nơi lan can [là như thế nào]!

          (Sao) Đại Bổn vân: “Chư bảo ngạn thượng, hữu vô số Chiên Đàn hương thụ, Cát Tường quả thụ, hàng hàng tương trị, hành hành tương vọng, chi chi tương chuẩn, diệp diệp tương hướng, hoa hoa tương thuận, quả quả tương đương, như thị hàng liệt, sổ bách thiên trùng. Thị danh vi hàng”.

          () 大本云:諸寶岸上,有無數栴檀香樹。吉祥果樹,行行相值,莖莖相望,枝枝相准,葉葉相向, 花花相

順,果果相當,如是行列,數百千重,是名為行。

          (Sao: Kinh Đại Bổn chép: “Trên các bờ báu, có vô số cây hương Chiên Đàn, cây cát tường quả. Từng hàng ngang nhau, từng thân cây đối nhau, từng nhánh ngang nhau, từng chiếc lá hướng về nhau, từng bông hoa hòa hợp với nhau, từng trái to bằng nhau. Bày thành hàng như thế mấy trăm ngàn vạn lớp, nên gọi là Hàng”).

          Từ đoạn kinh văn này trong kinh Vô Lượng Thọ, có thể thấy chẳng phải chỉ là bảy hàng cây. Đoạn kinh văn này cũng là một đoạn văn chương vô cùng hay, lời văn rất đẹp. Văn tự mô tả cảnh sắc chẳng nhiều lắm, tuy phác họa nhưng đã miêu tả hoàn toàn cảnh tượng ấy. Chúng ta gọi Chiên Đàn (Candana, Sandalwood) là Đàn Hương. Chiên Đàn là loại Đàn Hương tốt nhất, cũng là một thứ trân bảo hết sức hiếm có trong thế gian này! Đối với loại hương nổi tiếng quý báu như thế, trong Phật giáo sử có ghi chép: Vào thời Đường, có một vị cao tăng Tây Vực đến Trung Quốc, khi gặp hoàng đế đã tặng một chút lễ vật. Sư tặng vua loại hương này, chỉ có bốn viên hương, [tức là bột hương] được vò thành hoàn, bốn hoàn thì cũng chẳng nhiều cho mấy, phân lượng rất ít. Khi ấy, trong triều đình quy định, hương liệu tấn cống tối thiểu là một cân. Phân lượng chưa tới một cân chẳng thể làm lễ vật biếu tặng hoàng đế, quá ít! Người Trung Quốc cũng chẳng biết rốt cuộc loại hương ấy có ưu điểm gì, vị pháp sư ấy chẳng có cách nào, quá ít, chỉ có bốn hoàn. Do vậy, Sư đốt một hoàn. Thủ đô khi đó là Trường An, Sư đốt một hoàn, cả Trường An đều ngửi thấy mùi, mới biết sự trân quý của hương ấy. Do vậy, nhà vua liền tiếp nhận. Thật sự là của báu, hương Chiên Đàn là bảo hương!

          (Sao) Hựu vân.

          () 又云。

          (Sao: Lại nói).

          Đều là kinh văn trong kinh Vô Lượng Thọ.

          (Sao) Thất bảo chư thụ, biến mãn thế giới, sở vị kim căn, kim hành, chi, diệp, hoa, quả, diệc giai dĩ kim, tắc danh nhất bảo.

          () 七寶諸樹,遍滿世界,所謂金根金莖,枝葉花果,亦皆以金,則名一寶。

          (Sao: Các cây bảy báu trọn khắp thế giới, như là gốc vàng, thân vàng, cành, lá, hoa quả cũng đều bằng vàng, nên gọi là một thứ báu).

 

          Cây này thuần bằng một chất báu, là một thứ báu.

          (Sao) Kim căn ngân hành, chi, diệp, hoa, quả, diệc phân kim, ngân, tắc danh nhị bảo. Như thị tam bảo, tứ bảo, kỳ bảo gián thác, triển chuyển tăng đa, nãi chí thất bảo.          

          () 金根銀莖,枝葉花果,亦分金銀,則名二寶,如是三寶四寶,其寶間錯,展轉增多,乃至七寶。

          (Sao: Gốc vàng, thân bạc, cành, lá, hoa, quả cũng do vàng bạc hợp thành, nên gọi là “hai thứ báu”. Ba thứ báu, hay bốn thứ báu như thế, các chất báu xen lẫn, lần lượt tăng lên nhiều hơn cho đến bảy thứ báu).

           Những hàng cây bên đó đẹp đẽ khôn kể xiết!

          (Sao) Hựu vân: “Chư Phật tịnh quốc, thù thắng trang nghiêm, ư bảo thụ trung, tất giai xuất hiện, do như minh kính”.

          () 又云:諸佛淨國,殊勝莊嚴,於寶樹中,悉皆出現,猶如明鏡。

          (Sao: Lại nói: “Các cõi Phật thanh tịnh thù thắng trang nghiêm thảy đều xuất hiện trong các cây báu, giống như gương sáng”).

           Từ ngữ “chư Phật tịnh quốc” (các cõi Phật thanh tịnh) chỉ hết thảy các cõi Phật trong mười phương, các cảnh tượng ấy đều hiển hiện trong cây báu và mành lưới. Do vậy, người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới thấy rõ ràng, rành rẽ hành động, tư thái, tình trạng của hết thảy chúng sanh trong mười phương thế giới. Thậm chí, bản thân chúng ta cũng rất hồ đồ, đối với chuyện chính mình đã làm còn chẳng biết, nhưng người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều biết. Chính mình trong tâm đang suy nghĩ điều gì? Chẳng biết! Nhưng người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều biết, mà cũng hiểu quý vị đang nghĩ gì. Vì vậy, kinh dạy, khi nào chúng sanh trong mười phương thế giới vãng sanh, họ (người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới) sẽ biết được. Khởi tâm động niệm họ đều biết. Tới lúc chúng ta vãng sanh, lẽ nào họ chẳng đến tiếp dẫn? Đương nhiên tới tiếp dẫn quý vị. Vì vậy, niệm kinh này cho nhiều, niệm nhuần nhuyễn, quý vị sẽ thật sự hết sức nắm chắc chuyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, niệm niệm đều tương ứng với Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí, hết thảy chư thượng thiện nhân, cảm ứng đạo giao chẳng thể nghĩ bàn!

          Vì thế, ở đây, tôi đặc biệt khuyến khích các đồng tu chuyên niệm thì quý vị mới có thể đạt được sự cảm ứng thù thắng ấy. Đối với hết thảy mọi chuyện trong thế gian này, phải giữ tâm thái như thế nào? Chuyện gì cho qua được bèn cho qua, chớ nên quá mức khắt khe, quyết định chớ nên tạo nghiệp, chớ nên tạo ác nghiệp. Ác nghiệp là gì? Nghiệp tổn người lợi mình là ác nghiệp; không tổn người nhưng chỉ lợi riêng cho mình vẫn là ác nghiệp! Câu này phải hiểu như thế nào? Quý vị thường có ý niệm lợi mình, sẽ trở thành chướng ngại cho việc vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì sao? Thường xuyên nghĩ tới lợi ích của chính mình, thường nghĩ tới cái đãy da thối tha này, đến lúc mạng chung bèn chẳng đi được, [vì] quý vị lưu luyến thế giới này, lưu luyến thân thể này, lưu luyến tất cả những thứ ấy. Tài sản, nhà cửa, đất đai, người nhà, quyến thuộc đều lưu luyến, thôi rồi! A Di Đà Phật thấy quý vị vướng mắc lắm thứ ngần ấy, thôi đi, chẳng đến đón quý vị nữa! Vì sao? Có đón quý vị, quý vị cũng chẳng đi được, có lôi kéo cũng chẳng động đậy! Vì thế, hết thảy đều phải buông xuống, chớ nên quá khắt khe, đừng nên chấp trước, hãy học gì? Thân tâm tự tại, điều này trọng yếu! Thứ gì cũng đều chẳng có, quý vị bèn đến được Tây Phương Cực Lạc thế giới. Quý vị có một hai thứ ở nơi đây, [chuyện vãng sanh] Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ bị lỡ làng. Phải hiểu rõ ràng sự lợi – hại, được – mất trong ấy.

          Do mỗi người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều nhìn thấu suốt tâm tư của chúng ta, nay chúng ta toàn tâm toàn lực nghĩ tới A Di Đà Phật, niệm A Di Đà Phật, người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có ai trông thấy mà không vui vẻ, chẳng có ai không tán thán, trong tương lai khi quý vị vãng sanh, chẳng có ai không đến tiếp dẫn quý vị. Đông người như thế đều đến tiếp dẫn, hãy nghĩ xem quý vị là phẩm vị gì? Thượng phẩm thượng sanh mới có đông người ngần ấy đến tiếp dẫn quý vị. Có lẽ quý vị sẽ nghĩ người vãng sanh đông dường ấy, nhưng họ đều đến tiếp dẫn ta thì chẳng phải là ở chỗ kia (chỗ người khác vãng sanh) chẳng có ai đến ư? Người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới ai nấy đều có vô lượng vô biên thần thông biến hóa, họ đều có năng lực ấy. Tất cả hết thảy chúng sanh trong mười phương thế giới đồng thời vãng sanh thế giới Cực Lạc, họ đều có thể hiện thân trước mỗi người. Kinh thường tán thán Thích Ca Mâu Ni Phật “thiên bách ức hóa thân” (trăm ngàn ức hóa thân), bản lãnh của người Tây Phương Cực Lạc thế giới không chỉ là hóa thân trăm ngàn ức, mà là vô lượng vô biên hóa thân. Do vậy, chúng ta chẳng cần phải bận tâm [chuyện này], chắc chắn [Phật, chư đại Bồ Tát, chư thượng thiện nhân] sẽ đến tiếp dẫn. Lại xem tiếp đoạn thứ sáu:

          (Sao) Quán Kinh vân: Thất bảo hàng thụ, nhất nhất thụ cao bát thiên do-tuần, nhất nhất hoa diệp, tác dị bảo sắc, lưu ly sắc trung xuất kim sắc quang, pha lê sắc trung xuất hồng sắc quang đẳng.

       () 觀經云:七寶行樹,一一樹高八千由旬,一一花葉,作異寶色,琉璃色中出金色光,玻璃色中出紅色光等。

          (Sao: Quán Kinh chép: Hàng cây bảy báu, mỗi cây cao tám ngàn do-tuần, mỗi một hoa lá đều có màu chất báu khác nhau, trong màu lưu ly tỏa ánh sáng sắc vàng ròng, trong màu pha lê tỏa ánh sáng màu đỏ v.v…)

          Cây trong thế giới Cực Lạc cao lớn, những cây cao lớn ấy có thể làm cho người ta khoái mắt sướng lòng. Cuộc đất Đài Loan rất nhỏ, nhưng hãy còn những cánh rừng rậm giống như bên Đại Lục, nhưng có rất nhiều cảnh quan thiên nhiên bị con người phá hoại. Theo tôi biết, người Nhật Bản có thể bảo vệ, biết bảo vệ, đây là chỗ đáng cho chúng ta tôn kính. Người Nhật Bản thậm chí đối với một con đường ruột dê (lối nhỏ ngoằn ngoèo) xa xưa, nếu muốn mở đường, họ sẽ mở một đường khác, vẫn giữ lại con đường cổ. Đối với việc bảo quản sách cổ và vật phẩm văn hóa cổ, sợ rằng họ đứng đầu thế giới, họ thật sự bảo vệ. Không giống như người Trung Quốc, người Trung Quốc thích phá hoại! Tường thành Bắc Kinh đã bị phá tan rồi, cổ tích lưu truyền mấy ngàn năm bị hủy hoại trong một ngày, quá đáng tiếc! Người Nhật bảo tồn các thành thị cổ xưa, họ muốn phát triển đô thị bèn xây dựng một thành thị mới ở nơi khác, họ bảo tồn cổ tích!

          Tại Mỹ có những chỗ còn có thể thấy những đại thụ, đích xác là đáng để nhìn ngắm. Sau khi đã nhìn, mới có thể tưởng tượng những điều được nói trong kinh Phật, mới có thể lãnh hội một chút ý vị. Kinh Phật nói cây ấy cao “tám ngàn do-tuần”, do-tuần (yojana) là đơn vị đo độ dài. Do-tuần có ba loại là đại do-tuần, trung do-tuần, và tiểu do-tuần. Đại do-tuần ứng với tám mươi dặm Tàu, một do-tuần là tám mươi dặm. Tám ngàn do-tuần thì quá sức, sợ rằng cây ấy đại khái sẽ từ địa cầu cao vượt đến tận mặt trăng. Quý vị mới hiểu sự vĩ đại của thế giới Cực Lạc. Nếu đặt địa cầu và mặt trăng trong thế giới Cực Lạc, sợ rằng sẽ lọt thỏm trong một căn phòng, vẫn chưa ra khỏi một căn phòng. Chúng ta tin tưởng điều này, vì sao? Lấy thể tích của mặt trời để so sánh thì là như vậy, khoảng cách giữa địa cầu và mặt trăng chẳng lớn bằng nửa bán kính của mặt trời, lọt thỏm trong mặt trời, chẳng thể vượt ra ngoài phạm vi diện tích của mặt trời được!      

          Tây Phương Cực Lạc thế giới là một tinh cầu vô cùng vĩ đại. Các nhà khoa học hiện thời cũng biết, mặt trời là một ngôi sao nhỏ bé trong vũ trụ, vẫn chưa được coi là rất lớn. Còn có những ngôi sao lớn hơn mặt trời rất nhiều lần, còn có những ngôi lớn gấp ngàn vạn ức lần, mặt trời chẳng phải là một ngôi sao lớn. Người bên ấy cũng cao lớn. Kệ Tán Phật có những câu tán thán A Di Đà Phật, [tán thán] thân tướng A Di Đà Phật to lớn: “Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di, cám mục trừng thanh tứ đại hải”. Hai mắt A Di Đà Phật giống như Thái Bình Dương, quý vị nói xem người như thế ấy to chừng nào? Sợ rằng đầu Ngài còn to hơn địa cầu, phước báo to lớn! Chúng ta sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, thân tướng cũng to lớn dường ấy, Báo Thân đều là to ngần ấy.

          Nhìn từ tỷ lệ này, tám ngàn do-tuần chẳng được coi là rất cao, giống như các cây rất cao trong thế gian của chúng ta, chúng ta có thể tưởng tượng được. Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng là như thế. Nếu dùng cảnh quan trong thế gian này và kích thước thân thể của chúng ta để suy tưởng, đúng là chẳng thể nghĩ bàn.

          (Sao) Hựu vân.

          () 又云。

          (Sao: Lại nói).

          Điều này cũng được nói trong Quán Kinh.

          (Sao) Diệu chân châu võng, di phú thụ thượng.

       () 妙真珠網,彌覆樹上。

          (Sao: Lưới chân châu mầu nhiệm trùm khắp trên cây).

          Các lưới mành trên các cây dùng chân châu kết thành.

          (Sao) Nhất nhất thụ hữu thất trùng võng, nhất nhất võng gian, hữu ngũ bách ức diệu hoa cung điện, như Phạm Vương cung, chư thiên đồng tử, tự nhiên tại trung.

          () 一一樹有七重網,一一網間,有五百億妙華宮殿,如梵王宮,諸天童子,自然在中。

          (Sao: Mỗi một cây có bảy tầng lưới, trong mỗi tầng lưới có năm trăm ức diệu hoa cung điện như cung Phạm Vương, chư thiên đồng tử tự nhiên ở trong ấy).

          Có thể thấy trong ấy hết sức đẹp đẽ. “Chư thiên đồng tử” ở trong ấy cũng là giảng kinh, thuyết pháp, hành đạo, tham Thiền, kinh hành, đều tu hành trong ấy. Nói cách khác, trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, những gì do sáu căn của quý vị tiếp xúc đều là tăng thượng duyên cho sự tu hành. Vì vậy, chúng ta chẳng quan tâm kẻ khác thích pháp môn nào, chẳng quản họ ưa thích kinh luận nào, tốt nhất là đến Tây Phương Cực Lạc thế giới tu học. Trước hết niệm A Di Đà Phật, đạt được Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đã tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị muốn học gì bèn học nấy. Đạt được sự thù thắng đầu tiên là thọ mạng lâu dài, quý vị đạt được vô lượng thọ, có đủ thời gian. Điều thứ hai là tăng thượng duyên thù thắng nhất, Phật, Bồ Tát làm bầu bạn của quý vị.

          Tôi lại nhắc nhở các vị đồng tu một câu, trong kinh đức Phật đã cho biết: Pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật tổng cộng là một vạn hai ngàn năm, một ngàn năm Chánh Pháp đã qua, một ngàn năm Tượng Pháp cũng đã qua, Mạt Pháp gồm một vạn năm, hiện thời đã qua một ngàn năm, tính ra hãy còn chín ngàn năm nữa, vẫn còn lâu! Tôi lại bảo quý vị, thời gian được nói trong Phật pháp chẳng nhất định, thời gian ngắn có thể biến thành thời gian dài, thời gian dài có thể rút ngắn thành thời gian ngắn. Vì sao kéo dài hay rút ngắn? Do tâm thái của quý vị, do lòng người! Vì vậy, thời gian chẳng phải là pháp nhất định. Nếu lòng người chẳng thể tuân thủ thường đạo (đạo thường hằng), thời gian dài ngay lập tức biến thành thời gian ngắn. Hiện thời đáng sợ lắm, các xã hội trên cả thế giới hầu như đều là như vậy.

          Vì lẽ đó, chẳng thể nào không đọc sách cổ. Tả Truyện viết: “Nhân khí thường tắc yêu hưng” (con người vứt bỏ đạo thường hằng, ắt yêu quái dấy lên), yêu ma quỷ quái đều sổ lồng, vì sao? Người chẳng cần đến đạo thường hằng, yêu ma quỷ quái đều xuất hiện. Đạo thường hằng là gì? Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, Ngũ Thường. Chẳng cần đến năm thứ ấy, yêu ma quỷ quái đều xuất hiện. Quý vị thấy trong xã hội hiện thời, chúng ta phải cảnh giác điều này, yêu ma quỷ quái đều xuất hiện, thời Mạt Pháp của Phật sẽ nhanh chóng kết thúc, tam tai sẽ xảy ra. Trong những năm qua, tai nạn mỗi năm một nhiều hơn, vô duyên vô cớ cả đống người tử vong. Pháp sư Khai Tâm ở Đài Nam nói thế giới bắt đầu loạn từ năm ngoái, mỗi năm một loạn dữ dội hơn, chúng ta phải biết điều này.

          Chẳng có cách vãn hồi cộng nghiệp của chúng sanh, nhưng trong cộng nghiệp còn có biệt nghiệp. “Biệt” (別) là cá biệt, điều này đáng để chúng ta đặc biệt trân quý. Họ không cần đến Ngũ Thường, nhưng chúng ta cần. Đối với con người phải thật sự có tâm yêu thương, thật sự nhân từ. Không chỉ nhân từ đối với người quý vị ưa thích, mà đối với kẻ ác, đối với oán gia, cừu địch đều phải dùng tâm nhân từ. “Nhân”: Tâm từ bi có thể cảm hóa, có thể chuyển nghiệp! “Nghĩa” là nghĩa vụ, nghĩa vụ là ta thay người khác phục vụ, chẳng chú trọng báo đáp, ta [chỉ cảm thấy] phải nên làm cho người khác. Vì sao phải nên? Đức Phật nói “đồng thể Đại Bi, vô duyên Đại Từ”, chúng ta phải học theo Phật, phục vụ hết thảy chúng sanh chẳng có điều kiện, tận tâm tận lực thực hiện viên mãn, đó là Nghĩa.

          “Lễ”: Phải giữ lễ, phải hiểu lễ. Hiện thời, điều khổ nhất trong thế hệ của chúng ta là chẳng biết lễ độ. Cổ nhân thường nói: “Bất tri lễ, vô dĩ lập” (chẳng biết lễ, chẳng thể thành tựu một điều nào), chẳng có cách nào đặt chân trong xã hội. May mắn là trong xã hội hiện tại, mọi người đều chẳng nói đến lễ, quý vị vẫn có thể tạm sống được, chứ trong xã hội xưa kia, quý vị sẽ chẳng có cách nào, chẳng thể sống sót, chẳng có ai đoái hoài quý vị, nhưng quý vị hiểu lễ thì người ta vẫn tôn kính quý vị. Chẳng hiểu lễ sẽ bị thiệt thòi, người ta trông thấy quý vị bèn “kính nhi viễn chi”, đối đãi với quý vị qua quít mà thôi, chẳng thật sự làm bạn với quý vị. Vì thế, nhất định phải hiểu lễ. Lễ thực hiện từ đâu? Thầy Lý ở Đài Trung đã biên soạn cuốn Thường Lễ Cử Yếu, thầy bảo đó là mức độ thấp nhất, chẳng thể ít hơn được nữa. Tôi nghĩ mỗi vị đồng tu đều nên có một bản sách ấy, hãy khéo học tập.

          Phải biết lễ độ ở mức độ tối thiểu! Hiện thời rất nhiều người [hay nói] “ta rất cung kính thầy”, nhưng một chút lễ phép cũng chẳng có! Đó có phải là cung kính thật sự hay không? Chẳng phải. Tôi chưa học lễ, tôi cũng biết có rất nhiều người chưa học lễ, nhưng hễ gặp tổng thống [Tưởng Giới Thạch] vì sao cung kính ngần ấy? Chưa học [nhưng gặp tổng thống vẫn cung kính]! Đó là gì? Thật sự có tâm cung kính. Thuở trẻ tôi theo hầu lão tổng thống, tôi đã thấy rất nhiều người, thuở ấy, phòng làm việc của chúng tôi được xây theo kiểu phòng Tatami[1] của Nhật, sàn nhà được lót gạch. Bất luận là ai, từ nhân viên cao cấp cho đến người lính truyền lệnh, chỉ cần đi qua con đường ấy, tức các con đường vây quanh khu vực làm việc của tổng thống, nói chung đều nín thở, nhẹ bước, quý vị chẳng nghe thấy tiếng! Họ chưa học lễ, chẳng ai dạy họ, đó là gì? Cung kính. Không ai dạy họ, mà tự nhiên đều rất an tịnh, rất an tường, nhẹ nhàng, chậm rãi đi qua. Thái độ và hành vi thô bạo, dã man, tức là chẳng có mảy may tâm cung kính! Điều thứ hai trong Quán Kinh Tam Phước là “thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi”. Oai nghi là lễ tiết, [chẳng phạm oai nghi] là chẳng trái nghịch lễ tiết. Toàn thể thế gian đều không coi trọng, nay chúng ta thật sự muốn phát tâm từ bi, phát tâm độ đời thì chúng ta phải thực hiện [lễ tiết], nêu gương cho người khác. Đấy mới là thật sự từ bi mẫn niệm chúng sanh.

          Thứ tư là “Trí”, Trí là lý trí, chẳng xử sự bằng cảm tình. Quá nửa con người hiện thời bị cảm xúc chi phối. Nói cách khác, đầu óc chẳng tỉnh táo, trấn định. Đầu óc tỉnh táo, trấn định là lý trí, [có lý trí] thì mới có thể thật sự phán đoán chánh, tà, đúng, sai, chân, vọng. Người bị cảm xúc chi phối chắc chắn chẳng thể biện định đúng, sai, chẳng biết tốt, xấu, như vậy thì chẳng có cách nào! Đức Phật cũng chẳng có cách nào dạy người ấy. Kẻ ấy chẳng biết tốt, xấu, hết thảy đều thuận theo tình dục, làm sao được nữa! Phật thuận theo lý trí, lý trí là giác, cảm tình là mê.

          Thứ năm là “Tín”, ăn nói phải giữ chữ tín, quyết định giữ chữ tín.

          Đó là Ngũ Thường. Nếu con người chẳng cần đến Ngũ Thường thì yêu quái sẽ dấy lên, yêu ma quỷ quái là ai? Chính mình là yêu ma quỷ quái! Nếu không nói tới “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, chính mình đã biến thành yêu ma quỷ quái. Tất cả mọi người trong xã hội không nói tới [Ngũ Thường] thì cả xã hội đều là yêu ma quỷ quái, há còn có kết cuộc tốt đẹp hoặc kết quả tốt lành nữa ư? Chẳng thể nào. Vì vậy, phải thật sự giác ngộ! Trước lúc vãng sanh, thầy Lý đã nói rất cảm khái: “Thế giới này loạn rồi, Phật, Bồ Tát có đến cũng chẳng cứu được, con đường sống duy nhất là nhanh chóng cầu sanh Tịnh Độ”, cụ để lại cho chúng ta một câu như thế.

          Phát đại tâm, tuy độ người, chẳng độ được người khác, lại bị người khác độ! Đầu tiên, điều khẩn yếu là phải độ chính mình trước! Chính mình thật sự đã nắm chắc rồi trở lại giúp đỡ người khác. Khi chính mình chưa nắm chắc, chớ nên khởi vọng niệm ấy. Thật sự độ người, phát tâm đại từ bi độ người, khuyên người khác thật thà niệm Phật là độ người, chắc chắn là tốt đẹp, vô lượng công đức. Dùng các phương pháp khác để độ người, thường là khiến cho người khác bị lầm lạc. Do trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, sáu căn tiếp xúc sáu trần [thì sáu trần] đều là tăng thượng duyên tăng tấn đạo nghiệp, tu hành chứng quả. Lại xem tiếp đoạn dưới:

          (Sao) Hựu vân: Nhất nhất thụ diệp, tung quảng chánh đẳng nhị thập ngũ do-tuần.

            () 又云:一一樹葉,縱廣正等二十五由旬。

          (Sao: Lại nói mỗi một lá cây dài rộng vừa bằng hai mươi lăm do-tuần).

                     Cây to, lá cũng to.

          (Sao) Kỳ diệp thiên sắc, hữu chúng diệu hoa, tác Diêm Phù Đàn kim sắc.

          () 其葉千色,有眾妙華,作閻浮檀金色。

          (Sao: Lá ấy ngàn sắc, có các loại hoa đẹp đẽ, có màu như vàng Diêm Phù Đàn).

          Giữa các lá có hoa.

          (Sao) Như  toàn  hỏa  luân, uyển  chuyển diệp  gian, dũng  sanh

chư quả, như Đế Thích bình. Hữu đại quang minh, hóa thành tràng phan, vô lượng bảo cái. Thị bảo cái trung, ánh hiện tam thiên đại thiên thế giới, nhất thiết Phật sự, diệc ư trung hiện.

          () 如旋火輪,宛轉葉間,涌生諸果,如帝釋瓶。有大光明,化成幢旛,無量寶蓋,是寶蓋中,映現三千大千世界,一切佛事,亦於中現。

          (Sao: Như vầng lửa xoay uyển chuyển giữa các lá, sanh ra các quả giống như cái bình của Đế Thích, có đại quang minh, hóa thành tràng phan, vô lượng lọng báu. Trong các lọng báu ấy, hiện bóng tam thiên đại thiên thế giới, hết thảy Phật sự cũng hiện trong ấy).

          Đây là chuyện được nói trong Quán Kinh. Ở đây, chúng ta thấy một chuyện vô cùng kỳ diệu, tức là hoa ở giữa các cây báu. Cây trong thế gian này của chúng ta trổ hoa, hoa cũng nở rất đẹp, nhưng hoa ở trong trạng thái tĩnh, chẳng động đậy. Hoa bên kia có thể chuyển động, giống như chúng ta thấy những món đồ chơi chạy bằng điện trong hiện thời, điều này rất thú vị! Giống như “toàn hỏa luân”, lửa xoay tròn giống như bánh xe nên gọi là “toàn hỏa luân”. Từ ngữ này nhằm hình dung sự viên mãn. “Luân” là viên mãn, chẳng có khuyết hãm, quang minh rạng rỡ, vô cùng đẹp đẽ, lộng lẫy! “Thụ hoa” là hoa trên các cây [báu].

          Cây có quả, quả “như Đế Thích bình”, người Trung Quốc gọi Đế Thích là Ngọc Hoàng Đại Đế, tôi nghĩ Thiên Chúa được tôn xưng trong các tôn giáo khác, đại khái là Đao Lợi Thiên Chúa. Đao Lợi (Trāyastrimśa) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Tam Thập Tam, [tức là] ba mươi ba cõi trời. Tam Thập Tam Thiên là một tầng trời, trong tầng trời này có ba mươi ba khu vực, giống như các quốc gia, tức là ba mươi ba nước; do vậy, ta gọi nó là Tam Thập Tam Thiên. Đây là một tầng trời, tức tầng thứ hai trong Dục Giới Thiên. Kinh Phật thường nói: Có người nhất tâm cúng dường Đế Thích Thiên Chúa suốt mười hai năm (có người thờ lạy Ngọc Hoàng Đại Đế, hoặc là các tôn giáo ngoại quốc nhất tâm nhất ý cúng dường Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa trọn mười hai năm), Đế Thích Thiên sẽ cho kẻ ấy một cái bình. Cái bình ấy rất tuyệt diệu, bình ấy là như ý bảo, muốn gì nó sẽ biến hiện thứ ấy. Trái cây trong thế giới Cực Lạc giống như bình Đế Thích. Quý vị muốn thứ gì nó bèn biến hiện thứ ấy, giống như bình báu trong truyện cổ tích dành cho thiếu nhi ở ngoại quốc, quý vị muốn thứ gì nó sẽ biến hiện thứ ấy. Do đó, Tây Phương Cực Lạc thế giới là “hễ có cầu, ắt ứng, nghĩ áo được áo, nghĩ ăn được ăn”. Bình Đế Thích là nói về chuyện như vậy đó.

          Nơi mỗi cây, bất luận là cành, thân, lá, hoa, quả đều có quang minh, cho đến trong lưới mành cũng đều biến hiện, hiện “phan tràng”, vô lượng phan tràng, “bảo cái” (lọng báu). Trong ấy lại hiện ra “tam thiên đại thiên thế giới, nhất thiết Phật sự diệc ư trung hiện” (tam thiên đại thiên thế giới, hết thảy Phật sự cũng đều hiện trong ấy). Hết thảy tình hình trong vô lượng vô biên các cõi Phật giống như chúng ta xem TV, bất cứ lúc nào quý vị cũng đều có thể nhìn thấy. Quý vị chẳng muốn thấy thì nó chẳng còn nữa, muốn thấy nơi nào bèn hiện nơi đó. Vì thế, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, muốn xem tình hình Đài Loan trên địa cầu ra sao, nó sẽ hiện trọn vẹn ở trong đó, tình cảnh và trạng huống giống như đang đối diện vậy. Trong hết thảy các cõi Phật khắp mười phương đều chẳng có chuyện này, chỉ riêng Tây Phương Cực Lạc thế giới siêu thắng, tức là thù thắng vượt trỗi!

          (Sao) Hựu Đại Bổn vân.

          () 又大本云。

          (Sao: Kinh Đại Bổn lại nói).

          Câu này trích lục từ kinh Vô Lượng Thọ.

          (Sao) Phật giảng đường, A La Hán xá trạch, các các nội thất bảo trì, ngoại thất bảo thụ, sổ thiên bách trùng.

          () 佛講堂,阿羅漢舍宅,各各內七寶池,外七寶樹,數千百重。

          (Sao: Giảng đường của đức Phật, nhà cửa của A La Hán, mỗi mỗi đều là: Bên trong là ao báu, bên ngoài là mấy trăm ngàn lớp các cây bảy báu).

          Trùng trùng vô tận. Hy vọng mọi người thường đọc tụng kinh Đại Bổn, chúng ta tu Tịnh Độ nên lấy kinh Đại Bổn làm chánh yếu. Trong bản chú giải, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã trích dẫn lời khai thị của cổ đức: Kinh Vô Lượng Thọ là kinh Tịnh Độ bậc nhất, là kinh Tịnh Độ căn bản. Thuở trước, Viễn công đại sư sáng lập liên xã tại Lô Sơn, hiệu triệu những người đồng chí hướng cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tây Phương là do dựa trên kinh Vô Lượng Thọ.

          Đại Kinh cho biết, trong kinh thường nhắc đến A La Hán và chư thiên, [những danh xưng ấy] chẳng phải là thật, kinh Vô Lượng Thọ đã nói rất cặn kẽ. Tây Phương Cực Lạc thế giới là pháp giới chỉ có Bồ Tát, nơi ấy không chỉ chẳng có lục đạo, mà chín pháp giới cũng chẳng có, là thế giới thuần túy Bồ Tát. Đến Tây Phương ai nấy đều là Bồ Tát, hễ vãng sanh tới đó, hạ phẩm hạ sanh cũng là Bồ Tát, lại còn đều là Phổ Hiền Bồ Tát, vì sao? Thảy đều tu “Phổ Hiền đại sĩ chi đức”, nên nơi ấy là pháp giới thuần nhất Phổ Hiền đại sĩ. Vì sao nói là “nhân, thiên”? Quý vị chưa đoạn Kiến Tư phiền não, giống như trời người trong các thế giới phương khác, nói “nhân, thiên” chính là nói như vậy, chẳng phải là thật sự có “nhân, thiên”. Quý vị đã đoạn Kiến Tư phiền não, nhưng vẫn chưa kiến tánh, giống như A La Hán trong các thế giới phương khác, [nên gọi là A La Hán] chẳng phải là A La Hán thật sự. Kinh đã giảng rõ ràng, [sở dĩ có những danh xưng ấy] là do hai ý nghĩa:

          – Một là xưng hô giống như thế giới phương khác.

          – Ý nghĩa thứ hai là nói tới thân phận đi vãng sanh trong hiện tại, tức là thân phận trước khi quý vị đến thế giới Cực Lạc, quý vị là nhân, thiên, hay A La Hán, chứ đã vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thảy đều là Bồ Tát, chúng ta phải hiểu điều này.

          Đừng nên nghĩ Tây Phương Cực Lạc thế giới thật sự có trời, người, có A La Hán, quý vị đọc bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật trong kinh Vô Lượng Thọ sẽ hiểu. Trong bốn mươi tám nguyện cũng có nói cõi ấy thuần nhất là Bồ Tát, hết thảy chúng sanh trong mười phương thế giới hễ sanh về đó đều là Bồ Tát. Ở đây nói tới “A La Hán xá trạch” (nhà cửa của A La Hán), tức là các vị Bồ Tát ấy ở trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chỉ đoạn Kiến Tư phiền não, chứ Trần Sa và Vô Minh đều chưa phá, nên [mức độ đoạn Hoặc] bằng với A La Hán. Chúng ta thường nói là những vị ấy công phu niệm Phật đạt đến Sự nhất tâm bất loạn, còn chưa đạt đến Lý nhất tâm bất loạn, Sự nhất tâm bất loạn bằng với A La Hán. Lý nhất tâm là Pháp Thân đại sĩ, là Bồ Tát thật sự. Thấp hơn A La Hán thì Kiến Tư phiền não chưa đoạn, nên gọi là “nhân, thiên”, mang ý nghĩa này!

          Đối với nơi các Ngài cư trụ như giảng đường [chẳng hạn], hoàn cảnh cư trụ “các các nội thất bảo trì, ngoại thất bảo thụ” (mỗi mỗi đều là ao bảy báu bên trong, cây bảy báu bên ngoài), mỗi nhà đều có một cái ao nhỏ, giống như hồ bơi vậy. Ở ngoại quốc, chuyện này rất phổ biến. Trong các đô thị lớn tại ngoại quốc, tại những khu nhà hơi sang một chút, nhà nào cũng đều có hồ bơi. Trong thế gian này, hồ bơi tuy đáng ưa, nhưng khổ thì cũng khổ lắm, tốn rất nhiều thời gian để chăm sóc. Mỗi tuần phải thuê người chuyên nghiệp thay nước dơ, chăm sóc rất khó khăn! Tuy sân rất lớn, nhưng cây cối phải cắt xén, cỏ cũng phải cắt. Vì thế, người ngoại quốc tuy nhà cửa đẹp đẽ dường ấy, nhưng nhà là chủ nhân, còn họ là đầy tớ, phải hầu hạ cái nhà! Chúng tôi ở Dallas tuy không lớn lắm, nhưng tôi thấy phải hầu hạ [nhà cửa] như thế khổ quá. Do vậy, chúng tôi lát khắp sân bằng xi-măng hết, chẳng cần cắt cỏ, thầy Ngộ Bổn sống ở đó rất thoải mái. Chúng tôi chỉ lưu lại một khoảng đất trống để trồng rau, nên rau do chúng tôi trồng ăn không hết.

          Người ngoại quốc mỗi ngày phải đi làm, sau khi về nhà lại phải chăm nom, dọn dẹp quanh nhà, đúng là chẳng có chút thời gian nào! Nếu quý vị chẳng sửa sang, dọn dẹp, hàng xóm sát vách khiếu nại quý vị phá hoại vẻ mỹ quan của quang cảnh. Chính quyền thành phố ngay lập tức gọi điện thoại cảnh cáo, bảo quý vị hãy lập tức sửa sang ngay. Nếu quý vị không làm, chính quyền thành phố sai người đến làm. Khi họ dọn dẹp sạch sẽ tốt đẹp rồi, gởi hóa đơn thanh toán đắt hơn số tiền do quý vị tự mình thuê thợ làm rất nhiều lần! Nhà cửa của họ đích xác là ngăn nắp, sạch sẽ, đẹp mắt, nhưng phải trả giá rất lớn, cái được chẳng bù nổi cái mất, chẳng được tự tại, thanh nhàn như người Hoa! “Lục mãn song tiền, thảo bất trừ” (trước song xanh ngắt, cỏ chẳng nhổ), người ngoại quốc nghe nói vậy, [cảm thấy] đúng là chẳng thể nghĩ bàn! Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi giảng tới chỗ này!

[1] Phòng theo kiểu Tatami (còn gọi là Washitu) là kiến trúc đặc sắc của Nhật. Xưa kia, các phòng trong nhà người Nhật đều làm theo kiểu này, nhưng hiện nay nhà ở Nhật thường chỉ có một phòng là còn sử dụng cách kiến trúc theo lối tatami và căn phòng ấy thường được dùng để làm phòng giải trí, phòng tĩnh tâm hoặc phòng riêng cho sinh hoạt gia đình. Phòng Tatami theo truyền thống là loại phòng có trần nhà thấp, trần cách sàn tối đa là 6 feet, sàn nhà vừa đủ rộng để có thể phủ kín sàn từ sáu đến tám chiếc thảm tatami. Thảm tatami là một loại dầy (chừng 1,91m x 0,955m), bện bằng rạ xen kẽ với sợi cỏ bấc đèn (soft rush, Igusa). Phòng làm theo kiểu tatami có cửa ra vào theo lối cửa lùa (Fusuma), có thể đẩy cho trượt trên bậu cửa. Cửa làm bằng khung gỗ hay tre, phất giấy trắng đục hay vải trắng để ánh sáng có thể lọt qua. Trong phòng thường có vài tấm bình phong bằng khung gỗ phất giấy gọi là Shoji để có thể ngăn thành vài phòng nhỏ hơn khi cần. Trong phòng thường có một ô lõm vào tường gọi là Tokonoma là chỗ để treo một bức tranh, hoặc một bức thư pháp, dưới tranh thường để một bình hoa đơn sơ, tạo thành tâm điểm cho căn phòng. Trong phòng không đặt ghế mà thường kê bàn thấp, người vào phòng sẽ ngồi trên đệm đặt trực tiếp trên sàn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *