#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 111
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm hai mươi lăm:
Tam, xuất danh hiệu.
Sơ, chúng danh.
(Kinh) Trưởng lão Xá Lợi Phất, Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha
Ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên, Ma Ha Câu Hy La, Ly Bà Đa, Châu Lợi Bàn Đà Già, Nan Đà, A Nan Đà, La Hầu La, Kiều Phạm Ba Đề, Tân Đầu Lô Phả La Đọa, Ca Lưu Đà Di, Ma Ha Kiếp Tân Na, Bạc Câu La, A Nậu Lâu Đà.
三、出名號。
初、眾名。
(經)長老舍利弗。摩訶目犍連。摩訶迦葉。摩訶迦旃延。摩訶俱絺羅。離婆多。周利槃陀伽。難陀。阿難陀。羅睺羅。憍梵波提。賓頭盧頗羅墮。迦留陀夷。摩訶劫賓那。薄拘羅。阿耨樓馱。
(Ba, nêu danh hiệu.
Thứ nhất, danh hiệu của thánh chúng.
Kinh: Trưởng lão Xá Lợi Phất, Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên, Ma Ha Câu Hy La, Ly Bà Đa, Châu Lợi Bàn Đà Già, Nan Đà, A Nan Đà, La Hầu La, Kiều Phạm Ba Đề, Tân Đầu Lô Phả La Đọa, Ca Lưu Đà Di, Ma Ha Kiếp Tân Na, Bạc Câu La, A Nậu Lâu Đà).
Đây là nêu ra [danh hiệu] của mười sáu vị thượng thủ trong kinh Di Đà.
(Sớ) Trưởng lão giả, đức trưởng, lạp lão, hựu đức lạp cụ nhất, diệc thông xưng trưởng lão, quán hạ thập lục tôn túc.
(疏)長老者,德長臘老,又德臘具一,亦通稱長老,貫下十六尊宿。
(Sớ: “Trưởng lão”: Đức cao, tuổi hạ cao. Lại nữa, nếu giữa đức hạnh và tuổi hạ, chỉ hội đủ một thứ, cũng đều gọi là trưởng lão. Chữ “trưởng lão” chỉ chung cả mười sáu vị tôn túc [được liệt kê trong đoạn chánh kinh trên đây]).
Trong Phật môn, “trưởng lão” (Āyuśmat) là cách xưng hô vô cùng tôn kính; vị ấy ắt phải xuất gia khá lâu, thông thường, theo thói quen tại Trung Quốc, xuất gia ba mươi năm mới có thể xưng là “trưởng lão”, đồng thời còn phải là một vị hữu học, hữu đức.
(Sao) Lạp giả, xuất gia nhất tuế danh nhất lạp. Châu tuế chi trung, duy nhất lạp cố.
(鈔) 臘者,出家一歲名一臘。周歲之中,惟一臘故。
(Sao: “Lạp”: xuất gia mỗi năm là một lạp, bởi lẽ, trong một năm chỉ có một tháng Chạp).
Người xuất gia theo thói quen gọi Lạp là một năm. “Châu tuế” là một năm, trong một năm chỉ có một tháng Chạp[1]. Nói bao nhiêu Lạp, trên thực tế là nói bao nhiêu năm.
(Sao) Diệc vân “nhất hạ”, ý chánh đồng dã.
(鈔) 亦云一夏,意正同也。
(Sao: Còn nói là một Hạ, ý nghĩa tương đồng).
Còn gọi là “một Hạ”, ý nghĩa tương đồng. Hạ là mùa Hè, gọi là “nhất Hạ” vì trong Phật giáo có quy chế An Cư mùa Hạ, An Cư quả thật là một chế độ vô cùng hay. Lúc đức Phật tại thế, sống theo lối khất thực. Mùa Hè tại Ấn Độ là mùa mưa, từ Rằm tháng Tư đến Rằm tháng Bảy là mùa mưa, mùa mưa đi ra ngoài khất thực khá khó khăn. Trời mưa lắm nước, trên mặt đất rất nhiều trùng, đi khất thực thường là không chú ý, mỗi ngày sẽ đạp chết mấy con trùng, cũng là vô ý sát sanh. Đồng thời, bọn ngoại đạo tại Ấn Độ cũng khất thực, trong ba tháng mùa mưa, họ cũng không ra ngoài khất thực, cũng có thể nói là họ đều an cư. Nếu đệ tử Phật đi khất thực trong ba tháng ấy, người thế gian sẽ xầm xì: “Bọn họ hình như chẳng giống kẻ tu đạo. Người khác tu đạo đều rất tuân thủ quy củ, chứ bọn họ không giống kẻ tu đạo”. Vì thế, có rất nhiều định chế về tập quán sinh hoạt trong nhà Phật chịu ảnh hưởng từ những tôn giáo ở Cổ Ấn Độ.
Nhưng đức Phật đã ban [cho tập tục an cư mùa Hạ] một ý nghĩa đặc biệt, thù thắng! Ý nghĩa đặc biệt là ngoài những đệ tử thường tùy hằng ngày theo Phật, thân cận Phật mỗi ngày ra, đức Phật còn có rất nhiều đệ tử, số lượng còn nhiều hơn các vị thường tùy đệ tử, họ đều chủ trì các đạo tràng, giảng kinh, thuyết pháp tại mỗi địa phương. Những vị này có cơ hội thân cận Phật rất ít, hàng năm chỉ có một lần trong ba tháng An Cư mùa Hạ, thảy đều trở về gặp đức Phật, tức là mỗi năm họ có ba tháng ở cùng một chỗ với đức Phật, tiếp nhận tái giáo dục. Quy chế này vô cùng hay, mới thật sự có thể khiến cho dạy và học đều tiến triển. Do vậy, hằng năm, Phật có ba tháng để giáo dục nâng cao trình độ, gom các môn đệ trụ trì hoằng pháp các nơi về. Một mặt là tìm các vị ấy về nghe đức Phật thuyết pháp, mặt khác là những đồng học cùng nhau nghiên cứu thảo luận, chẳng hạn như vị ấy ở nơi này hóa độ chúng sanh, gặp những vấn đề khó khăn, gặp phải những kẻ kỳ quái, đối phó ra sao, có những nỗi khó khăn nào, các đồng học sẽ cùng nhau trao đổi ý kiến, khiến cho trí huệ tăng trưởng, tăng trưởng kỹ năng ứng xử với tín đồ. Vì thế, đây là một quy chế giáo dục vô cùng tốt đẹp.
Trên thế gian này, trong mấy năm gần đây, do khoa học kỹ thuật mỗi tháng mỗi ngày đều mới lạ, cho nên hiện thời mới có giáo dục nâng cao trình độ. Nếu quý vị chẳng được nâng cao trình độ, nói cách khác, quý vị sẽ lạc hậu, sẽ bị đào thải! Chúng tôi ở Mỹ, thấy có nhiều kỹ sư, nhân viên kỹ thuật trong các công xưởng của Mỹ, hằng năm thường được gởi đi huấn luyện, thời gian huấn luyện không dài, có khi là mười ngày, hay nửa tháng, nhằm học tập khoa học kỹ thuật mới mẻ, mới có thể đuổi kịp [đà tiến bộ trong ngành nghề của chính mình]. Giáo viên trong trường học cũng phải được giáo dục nâng cao trình độ giống như vậy, nếu họ chẳng được giáo dục nâng cao trình độ, cứ áp dụng phương pháp cũ kỹ, cũng chẳng theo kịp thời đại. Khoa học kỹ thuật đổi khác mỗi tháng, mỗi ngày, thúc đẩy toàn bộ xã hội tiến bộ, phồn vinh, nếu quý vị chẳng thể hấp thâu kiến thức mới, chắc chắn sẽ lạc hậu, chắc chắn bị xã hội đào thải!
Từ ba ngàn năm trước, Thích Ca Mâu Ni Phật đã đề xướng quy chế tấn tu, kết hạ an cư là giáo dục nâng cao trình độ. Do vậy, nhà Phật thường nói: “Quý vị được bao nhiêu tuổi Hạ?” Bao nhiêu tuổi Hạ là quý vị đã an cư được mấy lần; đấy là tuổi xuất gia, quý vị đã xuất gia bao nhiêu năm?
(Sao) Thông xưng giả, thượng vân đức lạp câu tôn.
(鈔) 通稱者,上云德臘俱尊。
(Sao: “Gọi chung”: Trong phần trên đã nói là đức hạnh lẫn tuổi lạp đều đáng tôn trọng [mới được gọi là trưởng lão]).
Một đằng là nói vị ấy có học vấn, có đạo đức, một đằng là nói vị
ấy xuất gia khá lâu. Trong Phật môn, xuất gia mười năm là Hạ Tọa, hai mươi năm là Trung Tọa, ba chục năm là Thượng Tọa, trưởng lão được gọi là Thượng Tọa. Tôi và pháp sư Tường Vân[2] còn thiếu một năm để gọi là Thượng Tọa, chúng tôi xuất gia hai mươi chín năm, phải là ba mươi năm mới có thể gọi là Thượng Tọa, sang năm mới tròn ba mươi năm.
(Sao) Thử vị độc đức quán chúng, đơn lạp tiên nhân, diệc đắc danh vi “trưởng lão”.
(鈔) 此謂獨德冠眾,單臘先人,亦得名為長老。
(Sao: Ở đây có ý nói: Chỉ riêng đức hạnh đứng đầu đại chúng, hoặc chỉ tuổi hạ cao hơn người khác thì cũng được gọi là “trưởng lão”).
Ở đây, đều gọi chung là trưởng lão do có ý nghĩa như sau: Tuy tuổi tác chẳng lớn, xuất gia chưa lâu, nhưng nếu như vị ấy hữu đức hữu học thì cũng tôn xưng là Thượng Tọa. Chẳng hạn như vị ấy mới xuất gia, tuy chưa lâu, nhưng đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, hoặc đã chứng quả, chứng đắc quả A La Hán; đấy là “đức tôn” (đức hạnh đáng tôn trọng), chẳng luận định tuổi tác của vị ấy. Có những vị tuy vẫn chưa khai ngộ, cũng chưa chứng quả, nhưng xuất gia rất lâu năm, cũng có thể gọi vị ấy là Thượng Tọa. Giống như mười sáu vị tôn giả ở đây, trừ ngài A Nan và La Hầu La ra, những vị khác tuổi tác đều rất cao. Tuy hai vị này trẻ tuổi, A Nan là tiểu đệ của Phật, tức là em họ trẻ nhất. Ngài sanh nhằm ngày đức Phật thành đạo. Đức Phật thành đạo lúc ba mươi tuổi, A Nan nhỏ hơn Phật ba mươi tuổi, La Hầu La là con trai Thích Ca Mâu Ni Phật; hai vị này tuổi tác tương đối trẻ, nhưng đều chứng quả, đức đáng tôn trọng, nên cũng gọi là trưởng lão.
(Sao) Như Tỳ Bà Sa Luận, Pháp Tánh Thượng Tọa, Sanh Niên Thượng Tọa chi loại, thị dã.
(鈔) 如毗婆沙論,法性上座,生年上座之類是也。
(Sao: Như trong luận Tỳ Bà Sa, phân loại Pháp Tánh Thượng Tọa và Sanh Niên Thượng Tọa là do ý nghĩa này).
Pháp Tánh là hữu đức, minh tâm kiến tánh, được gọi là Thượng Tọa, xưng là trưởng lão. Loại khác là Sanh Niên, tức là vị tăng có tuổi tác rất cao.
(Sao) Hựu Đường dịch Cụ Thọ, tắc song bị đức lạp.
(鈔) 又唐譯具壽,則雙備德臘。
(Sao: Lại nữa, bản Đường dịch [ghi trưởng lão] là Cụ Thọ, tức là đức lẫn tuổi Hạ đều cao).
Bản “Đường dịch” là bản dịch của Huyền Trang đại sư. Trong bản dịch kinh này, Huyền Trang đại sư [dịch chữ “trưởng lão”] thành Cụ Thọ. Hiện thời, ít dùng Cụ Thọ, chứ thời cổ thường sử dụng. Cụ Thọ cũng có nghĩa là học trò. Chúng ta thường thấy thầy tặng quà cho trò, trên ấy thường ghi tên “Mỗ mỗ hiền cụ thọ” (học trò X…). Thuở ấy, đức Phật gọi đệ tử bằng danh từ này, gọi họ là Cụ Thọ. Trong chữ Cụ Thọ, ý nghĩa Đức và Lạp thảy đều có.
(Sao) Ngụy dịch Huệ Mạng, tắc chuyên tựu đức ngôn.
(鈔) 魏譯慧命,則專就德言。
(Sao: Bản dịch [kinh Vô Lượng Thọ] đời Ngụy ghi [trưởng lão] là Huệ Mạng, tức là chuyên nói về đức).
Trong kinh Vô Lượng Thọ, “Ngụy dịch” là bản dịch của ngài Khang Tăng Khải, [trưởng lão] được gọi là Huệ Mạng, kinh Kim Cang cũng viết “Huệ Mạng Tu Bồ Đề”.
(Sao) Tuy viết nhị khả thông xưng, vưu tất dĩ đức vi trọng.
(鈔) 雖曰二可通稱,尤必以德為重。
(Sao: Tuy nói cả hai loại này đều có thể gọi [là trưởng lão], nhưng ắt coi trọng đức hơn).
Có Sanh Niên và Pháp Tánh, nhưng vẫn coi đức tánh là chánh yếu, coi trọng đức tánh.
(Sao) Kim kinh sở liệt, cái hữu hữu đức nhi vô lạp giả, vị hữu
hữu lạp nhi vô đức giả dã.
(鈔)今經所列,蓋有有德而無臘者,未有有臘而無德者也。
(Sao: Nay [mười sáu vị tôn giả] được nêu tên trong kinh này, có vị hữu đức thiếu lạp, nhưng chưa hề có vị nào có lạp thiếu đức).
Đây là nói tới mười sáu vị tôn giả được nêu tên ở đây. Mười sáu vị tôn giả ấy, có vị hữu đức vô lạp, “vô lạp” là tuổi rất trẻ, có hai vị (A Nan và La Hầu La), nhưng chẳng có vị nào hữu lạp vô đức, đều là đức cao vọng trọng!
(Sao) “Quán hạ” giả, trưởng lão chi xưng, bất độc Xá Lợi Phất, nãi chí A Nậu Lâu Đà, giai danh trưởng lão, giai thượng thủ đệ tử dã.
(鈔)貫下者,長老之稱,不獨舍利弗,乃至阿耨樓馱,皆名長老,皆上首弟子也。
(Sao: “Áp dụng chung” là danh xưng trưởng lão không chỉ gọi riêng ngài Xá Lợi Phất, mà cho đến ngài A Nậu Lâu Đà đều gọi là trưởng lão, đều là bậc thượng thủ trong các vị đệ tử).
Trong kinh này, những vị ấy đều mang ý nghĩa biểu thị pháp, tượng trưng pháp môn này “thích hợp khắp ba căn, gồm thâu lợi căn lẫn độn căn”. Vị được nêu tên đầu tiên là tôn giả Xá Lợi Phất. Tôn giả Xá Lợi Phất trí huệ bậc nhất, biểu thị pháp môn này nếu chẳng phải là người trí huệ bậc nhất sẽ chẳng thể tin tưởng, chẳng thể phát nguyện cầu sanh Tây Phương. Nếu một người thật sự thông đạt Phật pháp, thật sự hiểu rõ sanh tử luân hồi đáng kinh sợ, không ai chẳng chọn lựa pháp môn Niệm Phật, vì sao? Niệm Phật quyết định thành Phật, không chỉ quyết định thành Phật, mà còn quyết định thành Phật trong một đời, không cần đợi đến đời sau! Thật sự phát tâm niệm Phật tức là quý vị đối với lý luận, phương pháp, và cảnh giới của pháp môn này đều có thể hiểu rõ, thông đạt, y giáo phụng hành.
Trong các buổi giảng, chúng tôi đã nói nhiều lần, điều ấy cũng chẳng phải là giả! [Do tu pháp môn này, đối với] tám nỗi khổ chen nhau nung nấu, chúng ta đều có thể diệt trừ, tuyệt diệu, thật sự lìa khổ được vui! Chẳng cần nói tương lai vãng sanh Tây Phương lìa khổ được vui, mà là lìa khổ được vui ngay trong hiện tại. Do vậy, người thật sự niệm Phật có thể đạt được “chẳng già, chẳng bệnh, chẳng chết”. Lúc vãng sanh, sáng suốt, tỉnh táo, biết trước lúc mất, chẳng bị bệnh khổ, khi mất như nhập Thiền Định, đó là chẳng có tử khổ, lúc ra đi chẳng ngã bệnh. Chúng ta thấy nhiều người đã làm được, phải suy nghĩ: Vì sao họ có thể làm được? Cũng có chẳng ít người tuy niệm Phật, nhưng không làm được, quý vị hãy quan sát cặn kẽ, vì sao họ chẳng làm được? Nếu chúng ta tự mình quan sát rõ ràng, tiêu trừ nguyên nhân khiến cho chúng ta không thể làm được, học tập những người đã làm được, thì chúng ta cũng sẽ làm được, cũng sẽ thành công! Phàm là người có thể làm được, tất nhiên là một trăm phần trăm y giáo phụng hành, công đức lợi ích ấy chẳng thể nghĩ bàn, vì sao chúng ta không chọn lấy? Vì sao chẳng cần đến [pháp môn Niệm Phật này]? Vì thế, con người nói đến giác ngộ thì người ấy giác ngộ điều gì? Giác ngộ điều này, đó mới gọi là thật sự giác ngộ, triệt để giác ngộ, đấy là trí huệ. Người giác ngộ có trí huệ, có thể chọn lựa, trong hết thảy các pháp môn, chọn lựa pháp môn thù thắng, chọn lựa pháp môn bậc nhất. Chúng ta sẽ thảo luận tỉ mỉ nghĩa lý này trong kinh Vô Lượng Thọ vì kinh Vô Lượng Thọ vừa mở đầu bèn thảo luận vấn đề này!
(Sớ) Xá Lợi Phất giả, Phạn ngữ Xá Lợi, thử vân Thu Lộ.
(疏) 舍利弗者,梵語舍利,此云鶖鷺。
(Sớ: Xá Lợi Phất (Śāriputra), tiếng Phạn Xá Lợi, cõi này dịch là Thu Lộ).
Dịch sang nghĩa tiếng Hán là Lộ Tư[3], Đài Loan có loại chim này!
(Sớ) Phạn ngữ Phất, thử vân Tử, cố vân Thu Tử, diệc vân Thân Tử, diệc vân Châu Tử, cánh hữu đa hiệu, khủng phiền bất dẫn. Chư đệ tử trung, trí huệ đệ nhất. Xưng đệ nhất giả, cô hiển nhất đức, Ngữ vân: “Quân tử bất khí”, huống phục La Hán.
(疏)梵語弗,此云子,故云鶖子,亦云身子,亦云珠子,更有多號,恐繁不引。諸弟子中,智慧第一。稱第一者,姑顯一德,語云:君子不器,況復羅漢。
(Sớ: Tiếng Phạn “Phất” (Putra), cõi này dịch là Tử (con), nên [Xá Lợi Phất] được dịch là Thu Tử, hoặc Thân Tử, hoặc còn dịch là Châu Tử, có nhiều danh hiệu, sợ rườm rà nên chẳng nêu ra. Trong các vị đệ tử, Ngài có trí huệ bậc nhất. Nói “đệ nhất” chỉ là hiển lộ một đức. Sách Luận Ngữ nói: “Quân tử chẳng chỉ có một tài nghệ”, huống hồ bậc La Hán ư?)
Huống gì những vị ấy đều là Đại A La Hán, chẳng phải là A La Hán thông thường.
(Sao) Thu Tử giả.
(鈔) 鶖子者。
(Sao: Thu Tử)
Vì sao Ngài có tên là Xá Lợi Phất? Cổ nhân đặt tên, Ấn Độ và Trung Quốc có rất nhiều chỗ tương tự. Có người đặt tên theo đức tánh, có người đặt tên dựa theo thân thể, chẳng hạn như những điểm đặc trưng đặc thù. Thí dụ như có người đầu rất lớn, chúng ta gọi là Đại Đầu, trọn chẳng phải là không dễ nghe. Cổ nhân thường có lệ này. Tôn giả Câu Hy La đầu gối rất lớn, to hơn người khác, nên [tên Ngài] dịch sang nghĩa tiếng Hán là Đại Tất Cái (đầu gối to). Cho nên có rất nhiều trường hợp đặt tên theo cách như vậy. Một loại khác, quá nửa là cha mẹ biểu lộ lòng kỳ vọng nơi con cái, mong con cái mai sau khôn lớn sẽ danh xứng với thật. Chẳng giống như hiện thời, đặt tên lung tung xèng, chỉ quan tâm tới nét bút, Âm Dương cát hung[4], đều chẳng hợp tình hợp lý.
(Sao) Kỳ mẫu sanh hình đoan chánh.
(鈔) 其母生形端正。
(Sao: Mẹ Ngài thân hình đoan chánh).
Dung mạo của mẹ ngài Xá Lợi Phất vô cùng đoan chánh.
(Sao) Nhãn tịnh như Thu Lộ, liên mẫu đắc danh, vân thị Thu
Lộ chi tử dã.
(鈔) 眼淨如鶖鷺,連母得名,云是鶖鷺之子也。
(Sao: Mắt trong như mắt chim Thu Lộ, do mẹ mà Ngài có tên ấy, [Xá Lợi Phất] nghĩa là con bà Thu Lộ).
Mắt của mẹ Ngài rất đẹp, giống như mắt chim Thu Lộ. Do vậy, mọi người gọi Ngài là “con bà Thu Lộ”, do gọi tên theo mẹ mà có danh hiệu như vậy.
(Sao) Thân Tử tức thân đoan ý.
(鈔) 身子即身端意。
(Sao: Thân Tử: Ý nói thân thể đoan chánh).
Mẹ Ngài thân hình đoan chánh, nên [Ngài được gọi theo đặc điểm của mẹ] thành Thân Tử.
(Sao) Châu Tử tức nhãn tịnh ý.
(鈔) 珠子即眼淨意。
(Sao: Châu Tử có nghĩa là mắt trong veo).
“Châu” là “nhãn châu” (眼珠: tròng mắt). Tròng mắt của mẹ Ngài hết sức đẹp đẽ, nên gọi Ngài là Châu Tử. “Nhãn tịnh ý” có nghĩa là con mắt thanh tịnh.
(Sao) Cánh hữu đa hiệu, phi kim sở cấp, cố bất phiền dẫn.
(鈔) 更有多號,非今所急,故不繁引。
(Sao: Ngài còn có nhiều danh hiệu nữa, nhưng nay những điều ấy chẳng cần thiết, nên chẳng cần nêu ra để khỏi rườm rà).
Ngài có rất nhiều danh hiệu.
(Sao) Hạ giai lệ thử.
(鈔) 下皆例此。
(Sao: Những vị sau đó đều theo lệ này).
Mỗi vị tôn giả đều có rất nhiều danh hiệu, không chỉ là một tên.
(Sao) Trí huệ giả, tại mẫu thai thời, dĩ năng linh mẫu biện
thắng kỳ cữu.
(鈔) 智慧者,在母胎時,已能令母辯勝其舅。
(Sao: “Trí huệ”: Lúc còn ở trong thai mẹ, đã có thể khiến cho mẹ tranh biện thắng cậu).
Cậu của Ngài là tôn giả Câu Hy La; lúc Ngài chưa sanh ra, còn đang nằm trong bụng mẹ, bình thường mẹ Ngài biện luận với em trai luôn thua cuộc, em trai bà ta rất thông minh. Kể từ khi mang thai Xá Lợi Phất, mẹ Ngài biện tài vô ngại, mỗi lần cùng em trai biện luận, em trai đều thua. Người em suy nghĩ: “Đây chẳng phải là năng lực của chị ta! Trước đây, chị chẳng bằng ta, nhất định là do đứa bé trong bụng chị, tức cháu trai ta. Trong tương lai, nó ra đời, ta làm cậu mà chẳng tranh biện thắng nổi nó, mất mặt lắm”. Do vậy, tôn giả liền đi tham học. Đến Nam Thiên Trúc, tham phỏng các đại đức, nghiêm túc học tập, đọc mười tám loại kinh, chuẩn bị cho mai sau, khi trở về, đứa cháu đã lớn lên, chẳng đến nỗi thua nó, Ngài có ý niệm như thế! Trong thời gian cầu học, tôn giả vô cùng dụng công, chẳng có thời gian cắt móng tay, nên móng tay cũng rất dài, người ta gọi Ngài là Trường Trảo Phạm Chí (thầy tu Bà La Môn móng tay dài). Trường Trảo Phạm Chí là cậu của ngài Xá Lợi Phất.
Đến khi Ngài trở về, Xá Lợi Phất đã bảy tám tuổi, đã theo Thích Ca Mâu Ni Phật xuất gia, Ngài cũng rất không phục, nói: “Cháu ta thông minh như thế, làm sao có thể theo Thích Ca Mâu Ni Phật xuất gia? Chẳng có lẽ nào?” Ngài tìm Thích Ca Mâu Ni Phật để biện luận. Tìm được Thích Ca Mâu Ni Phật, liền hỏi: “Cháu ta là Xá Lợi Phất có thuộc trong hội của Phật hay không?” Đức Phật đáp: “Có, ở chỗ này của ta”. Ngài nghĩ muốn đem cháu về, đức Phật chẳng chấp thuận, bảo hãy biện luận, đức Phật bảo: “Nếu ông tranh biện thắng, ta sẽ cho ông mang Xá Lợi Phất về”. Tôn giả nói: “Tôi tranh biện thua, sẽ dâng đầu cho Ngài, chặt đầu đưa cho Ngài”. Đức Phật nói: “Được! Ông hãy đưa ra một đề tài”. Tôn giả bèn nói: “Tông chỉ của ta là chẳng thọ hết thảy các pháp”. Đức Phật liền hỏi: “Ông có thọ câu nói ấy hay không? Nếu ông thọ, tức là thua rồi. Hết thảy các pháp chẳng thọ thì đối với pháp ấy ông thọ hay chẳng thọ?” Tôn giả nghe đức Phật nói như vậy, tự hiểu chẳng xong rồi, quay đầu bỏ đi. Đi không bao xa, bèn quay trở lại, đại trượng phu một khi đã thốt ra lời, ngựa kéo xe cặp bốn[5] khó đuổi theo được, đã hứa chặt đầu bèn chặt đầu, quay trở lại chỗ Thích Ca Mâu Ni Phật, thừa nhận đã thua, chuẩn bị chặt đầu dâng cho Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Ta cũng chẳng cần ông chặt đầu, ông hãy ngoan ngoãn bái ta làm thầy trong hội này, làm đệ tử của ta là được rồi”. Do vậy, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng thu nhận cậu của ngài Xá Lợi Phất làm đệ tử. Chuyện này được Trí Độ Luận chép rất tỉ mỉ, tức là chuyện của Trường Trảo Phạm Chí[6]. Đây là nói khi Ngài ở trong thai, cũng có thể biện luận thắng cậu mình.
(Sao) Bát tuế đăng tọa, thập lục đại quốc, nghị luận vô song, thất nhật chi nội, biến đạt Phật pháp, cố viết trí huệ đệ nhất.
(鈔)八歲登座,十六大國,議論無雙,七日之內,遍達佛法,故曰智慧第一。
(Sao: Năm tám tuổi lên giảng tòa, trong mười sáu nước lớn[7], không ai nghị luận bằng được Ngài, [sau khi xuất gia với Phật], trong vòng bảy ngày, thông đạt trọn khắp Phật pháp, nên gọi là trí huệ bậc nhất).
Trong kinh, đức Phật đã nói rất rõ ràng: Xá Lợi Phất là cổ Phật tái lai, cố ý thị hiện. Mục Kiền Liên cũng thế, hai vị này là cổ Phật tái lai.
(Sao) Cô hiển nhất đức giả.
(鈔) 姑顯一德者。
(Sao: Chỉ hiển lộ một đức).
“Cô” là tạm thời, cho thấy Ngài có quá nhiều đức, chỉ nêu lên một điều!
(Sao) Minh phi Thân Tử chi ngoại, chư A La Hán giai vi liệt huệ.
(鈔) 明非身子之外,諸阿羅漢皆為劣慧。
(Sao: Nói rõ: Chẳng phải là ngoài ngài Xá Lợi Phất ra, các vị A La Hán khác đều là trí huệ kém cỏi).
Nói thật ra, mười sáu vị này, không ai chẳng phải trí huệ đệ nhất, ai nấy đều có trí huệ, nhưng nhằm biểu thị pháp, nên mỗi cá nhân đại diện một thứ, thật ra, mỗi vị tôn giả đều là trí huệ đức năng vô lượng vô biên.
(Sao) Diệc phi Thân Tử chỉ cụ trí huệ, dư tắc bất kiêm, cái thị các cử nhất đức, dĩ biểu pháp môn vô lượng.
(鈔)亦非身子止具智慧,餘則不兼,蓋是各舉一德,以表法門無量。
(Sao: Mà cũng chẳng phải là ngài Xá Lợi Phất chỉ có trí huệ, chẳng có những đức năng khác, ấy là vì đối với mỗi vị chỉ nêu một đức, nhằm biểu thị pháp môn vô lượng).
Nhằm dụng ý biểu thị pháp, đại biểu pháp môn này.
(Sao) Hựu dĩ dẫn chư thiên hảo nhĩ.
(鈔) 又以引諸偏好耳。
(Sao: Lại [nhằm dụng ý] tiếp dẫn những kẻ riêng ưa thích [một phẩm đức nào đó]).
“Dẫn” là tiếp dẫn. Thế gian này có rất nhiều người ham mê khác nhau, có người ưa trí huệ, có kẻ chuộng thần thông, có người thích biện luận, mỗi cá nhân ham mê khác nhau. Ngài Xá Lợi Phất chuyên hướng dẫn loại người ưa chuộng trí huệ. Quý vị cầu trí huệ bậc nhất thì đến đâu để học trí huệ đệ nhất? Trong kinh này, Ngài đại diện trí huệ đệ nhất, đại biểu ý nghĩa này. Có rất nhiều người nói “kinh Di Đà nhằm độ mấy bà già”, để độ bà già thì cần gì phải kể tên Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên ở đây? Chẳng cần! Những kẻ đọc kinh Phật chẳng nghiên cứu [kỹ càng] đại ý của bản kinh thường nghĩ như vậy, quá sức ơ hờ! Người thật sự thông đạt Phật pháp, chẳng cần đọc kinh văn, nhìn thấy những vị nào được nêu tên trong kinh văn liền hiểu tánh chất và nội dung của bộ kinh ấy. Đây là vì hướng dẫn những kẻ ưa chuộng riêng một môn nào đó!
(Sao) Như kinh ngôn: Xá Lợi Phất yến tọa, Mục Liên dục khởi kỳ định, kiệt tận thần lực, bất năng động kỳ y chi nhất đới. Thường ngôn Mục Liên thần thông đệ nhất, thục tri Xá Lợi Phất thần thông, nãi chí thị hồ!
(鈔)如經言:舍利弗晏座,目連欲起其定,竭盡神力,不能動其衣之一帶。常言目連神通第一,孰知舍利弗神通,乃至是乎。
(Sao: Như kinh đã nói: Ngài Xá Lợi Phật ngồi yên, Mục Liên muốn Ngài xuất Định, bèn dốc cạn thần lực, nhưng chẳng thể động một chéo y của ngài [Xá Lợi Phất]. Thường nói “Mục Liên thần thông bậc nhất”, nào biết ngài Xá Lợi Phất thần thông đến thế!)
Đây là nói đức năng trọn chẳng phải chỉ có một, nêu lên một thí dụ về sự thị hiện thần thông của ngài Xá Lợi Phất. Chúng ta hiểu: Trong các đệ tử đức Phật, ngài Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất, nhưng Mục Kiền Liên vẫn chẳng thể làm gì ngài Xá Lợi Phất được! Có một hôm, Xá Lợi Phất tịnh tọa, Mục Liên muốn Ngài xuất Định, đã dùng hết thần thông vẫn chẳng thể lay động Ngài, ngay cả đối với y phục của Ngài mà còn chẳng có cách nào lay động, huống gì những thứ khác? Quý vị mới hiểu ngài Xá Lợi Phất thần thông chẳng thể nghĩ bàn!
(Sao) Quân tử bất khí giả, Khổng Tử ngữ.
(鈔) 君子不器者,孔子語。
(Sao: “Quân tử bất khí” là lời Khổng Tử nói).
Đây là lời Khổng lão phu tử nói[8], “khí” là khí cụ (器具: vật dụng), quân tử là người lắm tài, có rất nhiều sở trường. Chữ “Khí” hàm ý chỉ có một tài năng chuyên biệt, bởi lẽ, các vật dụng chỉ có một công dụng, chẳng thể có rất nhiều công dụng được. “Bất khí” nghĩa là lắm tài, lắm nghề, thứ gì cũng đều có thể làm được. Dưới đây là nêu một tỷ dụ:
(Sao) Như châu bất khả lục, xa bất khả thủy, thị khí dã.
(鈔) 如舟不可陸,車不可水,是器也。
(Sao: Như thuyền chẳng thể lướt trên mặt đất, xe chẳng thể chạy dưới nước, đó là Khí (một công dụng chuyên biệt)).
Thuyền chẳng thể đi trên đất, thuyền chỉ có thể bơi dưới nước, chỉ có một cách sử dụng.
(Sao) Quân tử cụ túc đa năng, bất trệ nhất khí, khởi đắc vị Nhan Mẫn vô văn, Du Hạ khuyết hạnh.
(鈔)君子具足多能,不滯一器,豈得謂顏閔無文、游夏缺行。
(Sao: Quân tử trọn đủ nhiều tài năng, chẳng vướng mắc nơi một tài năng nào. Há có thể nói Nhan Hồi và Mẫn Tử Khiên chẳng hiểu văn chương, Tử Du và Tử Hạ thiếu đức hạnh ư?)
“Nhan” là Nhan Hồi, “Mẫn” là Mẫn Tử Khiên[9], họ đều là đệ tử nhập thất của Khổng lão phu tử, tức là trong số những người được gọi Thất Thập Nhị Hiền (bảy mươi hai hiền nhân). Nhan Hồi được kể tên trong số những vị đức hạnh, chẳng lẽ Ngài chẳng hiểu gì về văn học ư? Hiểu chứ! Đặc biệt nêu gương đức hạnh của Ngài. “Du” là Tử Du, “Hạ” là Tử Hạ[10], Khổng lão phu tử thường thường ca ngợi họ về tài nghệ, chẳng lẽ họ thiếu đức hạnh ư? Họ có chứ, bất quá chẳng nêu ra đó thôi!
(Sao) Quân tử thượng nhĩ, huống siêu phàm nhập thánh, tam minh kiểu nhiên, lục thông thanh triệt, hiệu Lậu Tận A La Hán da? Cố viết “cô hiển nhất đức” dã.
(鈔)君子尚爾,況超凡入聖,三明皎然,六通清徹,號漏盡阿羅漢耶,故曰姑顯一德也。
(Sao: Quân tử còn như thế, huống bậc siêu phàm nhập thánh, tam minh rạng ngời, lục thông thấu suốt, được gọi là Lậu Tận A La Hán ư?
Vì thế, nói “chỉ hiển thị một đức”).
Tam Minh và Lục Thông có cùng một ý nghĩa. Lục Thông là sáu thứ thần thông. Tam Minh là sáu thứ thần thông được nâng cao hơn, thù thắng hơn, nên gọi là Tam Minh. Tam Minh (Tri-vidyā) là Túc Mạng Minh (Pūrva Nivāsānusmrti Jñāna-sāksāt-kriya Vidyā), Thiên Nhãn Minh (Cyuty-upapatti Jñāna-sāksāt-kriya Vidyā) và Lậu Tận Minh (Āsrava-ksaya Jñāna-sāksāt-kriya Vidyā).
(Sớ) Thủ cử Xá Lợi Phất, dĩ thử kinh duy trí sở giải cố.
(疏) 首舉舍利弗,以此經惟智所解故。
(Sớ: Nêu tên ngài Xá Lợi Phất đầu tiên vì chỉ có người trí mới hiểu kinh này).
Ở đây, Liên Trì đại sư đặc biệt nhắc nhở chúng ta, kinh xếp ngài Xá Lợi Phất đầu tiên vì nói thật ra, chỉ có bậc đại trí huệ mới có thể hiểu, tin, bằng lòng y giáo phụng hành bộ kinh này!
(Sao) Kinh trung Phật vị chúng sanh thuyết thử nan tín chi pháp, nan tín, tắc duy trí huệ thâm viễn giả, thỉ tín bất nghi, thị dĩ thủ cử.
(鈔)經中佛為眾生說此難信之法,難信,則惟智慧深遠者,始信不疑,是以首舉。
(Sao: Trong kinh, đức Phật vì chúng sanh mà nói pháp khó tin này. Khó tin thì chỉ có người trí huệ sâu xa mới tin tưởng chẳng nghi; vì thế, nêu tên Ngài đầu tiên).
Đặt tôn giả Xá Lợi Phất ở đầu kinh, nhất là kinh này từ đầu tới cuối, đức Phật đều gọi ngài Xá Lợi Phất để nói, chẳng gọi người khác, ngụ ý chỉ có thể nói với người có đại trí huệ. Kẻ chẳng phải là bậc đại trí huệ sẽ chẳng tin tưởng, đây là pháp khó tin mà! Pháp môn này là pháp thành Phật ngay trong một đời; chúng ta đọc sách Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư [sẽ thấy] Ngài giải thích chữ Phật Thuyết trong tựa đề kinh, Thuyết là “duyệt sở hoài dã” (thỏa thích điều ấp ủ). Đức Phật lấy độ chúng sanh làm bổn hoài, đức Phật có nguyện vọng muốn độ trọn hết thảy chúng sanh, mong muốn hết thảy chúng sanh mau chóng thành Phật. Nay cơ duyên thành Phật của chúng sanh đã chín muồi, quý vị nghĩ xem: Đức Phật có vui sướng hay chăng? Thật sự là một ngày hiếm có khó gặp từ vô lượng kiếp tới nay, cơ hội khiến nhiều người dường ấy được thành Phật đã tới, đức Phật thật sự hoan hỷ, vui sướng, giảng cho chúng ta pháp khó tin này, tức là phương pháp quyết định thành Phật ngay trong một đời. Thưa quý vị, [do hành theo] những kinh điển khác, thành Bồ Tát, thành Duyên Giác, thành La Hán tuyệt vời lắm, nhưng chẳng có bộ kinh nào thành Phật! Quý vị đi kiếm, chẳng có bộ nào cả! Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, thành Phật như thế nào? Đến cuối cùng, “mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc”, đến thế giới Cực Lạc thành Phật. Bộ kinh này từ đầu đến cuối giảng về thế giới Cực Lạc, chẳng phải là nói kèm theo, mà là toàn bộ đều nói! Hoa Nghiêm và Pháp Hoa là nói kèm theo, chẳng phải là chuyên nói, còn kinh này là kinh điển để thành Phật.
Trong phần trước, chúng tôi đã một đôi lần nhắc nhở quý vị, niệm Phật thành Phật, niệm Bồ Tát thành Bồ Tát, niệm La Hán bèn thành La Hán, “tâm này là Phật, tâm này làm Phật”, tâm chúng ta muốn làm gì sẽ làm nấy. Do vậy, trong vô lượng pháp môn, chẳng có pháp môn nào thù thắng bằng pháp môn Niệm Phật! Kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Thập Địa Bồ Tát, từ đầu tới cuối chẳng lìa niệm Phật”, chúng ta tin tưởng. Qua năm mươi ba lần tham học trong Tứ Thập Hoa Nghiêm, chúng ta thấy Thiện Tài đồng tử đi tham phỏng, vị thiện tri thức thứ nhất là tỳ-kheo Đức Vân, trong Tứ Thập Hoa Nghiêm gọi Ngài là tỳ-kheo Cát Tường Vân, dạy Thiện Tài pháp môn Niệm Phật. Vị thiện tri thức cuối cùng, tức vị thiện tri thức thứ năm mươi ba là Phổ Hiền Bồ Tát, mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Do vậy, có thể biết: Thiện Tài đồng tử từ đầu tới cuối chẳng lìa pháp môn Niệm Phật, Thiện Tài đồng tử tu pháp môn gì? Pháp môn tín nguyện trì danh, chúng ta thấy được điều này từ kinh Hoa Nghiêm. Giữa năm mươi mốt vị thiện tri thức ấy, bao gồm Tông, Giáo, Hiển, Mật, ngoại đạo, trong tất cả hết thảy các pháp môn, Niệm Phật là bậc nhất, Niệm Phật là thành Phật trong một đời. Thật sự hiểu rõ đạo lý này, các kinh khác, chẳng cần niệm Phật, Bồ Tát khác, quý vị mới là thật sự tin tưởng.
Ta muốn tiêu tai vẫn niệm phẩm Phổ Môn, mắc bệnh vẫn niệm kinh Dược Sư, nghiệp chướng nặng nề bèn niệm kinh Địa Tạng, đấy là gì? Quý vị vẫn chưa tin tưởng! Thật sự tin tưởng, kinh này là kinh bậc nhất, pháp môn này là pháp môn đệ nhất. Nói tới tiêu tai thì nói thật ra, Quán Âm Bồ Tát chẳng tiêu được, A Di Đà Phật có thể tiêu! Tiêu tội nghiệp, Địa Tạng Bồ Tát làm không được, nhưng A Di Đà Phật có thể thực hiện. Kẻ ấy chẳng tin A Di Đà Phật, cho nên đức Phật nói là pháp khó tin, chẳng sai! Kẻ ấy không tin, khó tin mà! Có bệnh tật bèn tìm Dược Sư Như Lai, chẳng biết tìm A Di Đà Phật, niệm như vậy hữu hiệu hay chăng? Hữu hiệu; nhưng hiệu quả chẳng lớn, nguyên nhân vì sao? Vì tâm quý vị chẳng chuyên, nếu chuyên tâm sẽ có sức mạnh to lớn, tâm chẳng chuyên mà!
Do vậy, một đạo tràng thật sự tu Tịnh Độ là khó có, từ thời Dân Quốc tới nay chỉ có đạo tràng của Ấn Quang đại sư chuyên tu Tịnh Độ, họ chỉ niệm một bộ kinh A Di Đà, trong mười hai thời một câu A Di Đà Phật chẳng gián đoạn, trong Niệm Phật Đường, Phật hiệu chẳng gián đoạn, đạo tràng ấy là đạo tràng của người thật sự thành tựu. Do vậy, chúng ta thấy pháp khó tin, vừa mở đầu bèn đặt Xá Lợi Phất vào vị trí thứ nhất, ý nghĩa ấy vô cùng sâu!
(Sao) Hoặc nạn.
(鈔) 或難。
(Sao: Nếu cật vấn).
“Nạn” là vấn nạn.
(Sao) Bát Nhã Tâm Kinh, độc cáo Thân Tử, tắc tri Thân Tử chi trí, tại hồ giải Không, bất tại Tịnh Độ.
(鈔)般若心經,獨告身子,則知身子之智,在乎解空,不在淨土。
(Sao: Bát Nhã Tâm Kinh chỉ nói riêng với ngài Xá Lợi Phất, nên biết trí của ngài Xá Lợi Phất chú trọng nơi giải Không, chẳng tại Tịnh Độ).
Nếu có người đưa ra vấn đề này để tranh luận, trí huệ của ngài Xá Lợi Phất là giải Không, trong kinh Bát Nhã nêu tên Ngài, làm sao Ngài có biết Hữu? Tịnh Độ là Hữu! Dưới đây là câu trả lời của Liên Trì đại sư:
(Sao) Y! Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, độc bất viết Tịnh Độ tức Không, Không tức Tịnh Độ hồ? Nhược bát Tịnh Độ, tắc phi Chân Không, bất giải Chân Không, tắc phi chánh trí, Thân Tử chi trí, tất bất như thị.
(鈔)噫!色即是空,空即是色,獨不曰淨土即空,空
即淨土乎。若撥淨土,則非真空,不解真空,則非正智,身子之智,必不如是。
(Sao: Ôi! Sắc chính là Không, Không chính là Sắc, lẽ nào chẳng phải “Tịnh Độ chính là Không, Không chính là Tịnh Độ” hay sao? Nếu bài bác Tịnh Độ thì sẽ chẳng phải là Chân Không, chẳng hiểu Chân Không sẽ chẳng phải là Chánh Trí, trí của ngài Xá Lợi Phất quyết chẳng phải là như thế).
Đây là nói tới hai câu trong Tâm Kinh, cũng là hai câu trọng yếu
trong Tâm Kinh. Sắc là gì? Nay chúng ta nói “vật chất” thì trong Phật pháp dùng một chữ Sắc để đại diện. Sắc có phạm vi vô cùng rộng lớn, y báo và chánh báo đều bao gồm trong ấy. Trong Tâm Kinh nói “Sắc tức là Không”, lời này là thật, chẳng giả, vì sao? Bản thể của hết thảy Sắc pháp là Không, trọn chẳng thể được. Phàm phu chúng ta mê mất chân tướng, tưởng những thứ ấy là thật; do vậy, dấy lên vọng tưởng trong ấy, có được, mất, có tốt, xấu, có phân biệt, có chấp trước, dấy lên vô minh, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chịu thua thiệt to lớn, chẳng biết chân tướng của hết thảy các Sắc pháp là không tịch.
Thật ra, những hiện tượng này thường ở trước mắt, nhưng chúng ta chẳng giác ngộ. Những điều kinh giảng, quý vị càng nghĩ càng thấy có lý, Sắc là gì? Kinh thường giảng: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, xác thực là mộng cảnh, đúng là mộng. Đang trong lúc chúng ta nằm mơ, cảnh giới trong mộng rõ ràng, quý vị tưởng là chân thật, tỉnh giấc toàn là rỗng không! Nay chúng ta mở toang con mắt, đấy là nằm mộng, quý vị đến tối nhắm mắt ngủ, chẳng phải là một mực đều Không, thứ gì cũng đều không có ư? Cảnh giới ấy hoàn toàn không có, quý vị tưởng cảnh giới ấy là thật ư? Giả! Ngày hôm sau, khi thức dậy, lại tiếp tục nằm mộng. Quý vị mơ giấc mộng ấy vài chục năm, mơ vài chục năm vẫn chẳng giác ngộ! Nằm mơ một hai ngày, chẳng giác ngộ, chẳng đáng trách, nhưng nằm mơ mấy chục năm vẫn chẳng giác ngộ? Người giác ngộ, nhắm mắt lại, hết thảy sắc tướng bên ngoài là Không, chẳng có nữa, Sắc tướng đã Không rồi!
Có thể thấy sắc tướng bên ngoài là giả, chẳng thật. Chư vị thấu hiểu cặn kẽ, thấu hiểu chân tướng sự thật, chân tướng sự thật được gọi là “Thật Tướng của các pháp” như trong kinh đã nói. Sau khi thấu hiểu, lợi ích to lớn lắm, chẳng có phiền não, vì sao? Ý niệm lo được, lo mất chẳng còn, được và mất chẳng hai! Giống như quý vị nằm mơ, quý vị đạt được, mất đi, sau khi tỉnh giấc, thảy đều như không, thảy đều là không, được và mất chẳng hai, không có tâm được mất! Do không có tâm được mất, phiền não mất đi chín mươi phần trăm! Hiện thời, chín mươi phần trăm phiền não của chúng ta đều là do được mất mà có, lo được, lo mất. Ý niệm được mất chẳng có, tâm tự tại; đấy là tâm khai ý giải! Hiểu vạn pháp là không, vạn pháp là giả.
Người thật sự giác ngộ, thông minh có trí huệ sẽ giống như Bồ Tát, chúng ta nắm chắc cơ duyên này, tự lợi, lợi tha, lợi ích thù thắng nhất trong các thứ lợi ích chính là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, không có lợi ích nào lớn hơn được! Đấy là thật sự giác ngộ, triệt để giác ngộ. Kẻ chẳng giác ngộ gặp Phật pháp chẳng tin, gặp pháp môn này chẳng muốn học, tu tập pháp môn khác. Người thật sự giác ngộ, nhất định chọn lựa pháp môn này. Chẳng chọn lựa pháp môn này, khăng khăng chẳng tu học pháp môn này, tức là chưa giác ngộ! Thật sự ngộ, buông xuống vạn duyên, nhất tâm trì danh, chính mình thành Phật, mà cũng giúp cho người khác thành Phật.
Tu học pháp môn này, đúng như kinh Vô Lượng Thọ đã nói: Pháp môn bậc nhất, là đệ tử bậc nhất của Như Lai; vì thế, vị biểu thị pháp thứ nhất trong kinh Vô Lượng Thọ là tôn giả Kiều Trần Như, là người được Thích Ca Mâu Ni Phật độ đầu tiên sau khi thành Phật. Do vậy, pháp môn này là pháp môn đệ nhất, chúng ta y theo kinh điển này tu hành, sẽ là đệ tử bậc nhất của Phật. Trong kinh, đức Phật đã giảng rõ ràng, giống như đã thọ ký cho chúng ta vậy!
“Sắc tức thị Không”, chúng ta phải hiểu: “Sắc” là nói về hiện tướng, “Không” là nói tới bản thể. Tánh và tướng chẳng hai, tánh, tướng như nhau, tánh như tướng, tướng như tánh. Chúng ta vẫn lấy chuyện nằm mộng làm tỷ dụ, tâm có thể nằm mộng là Không, cảnh giới trong mộng là Sắc, trong khi nằm mộng, toàn bộ cái tâm chúng ta biến thành mộng cảnh. “Không tức thị Sắc”, toàn thể mộng cảnh là tâm. “Sắc tức thị Không” Sắc và Không là một, chẳng hai. Nếu quý vị nói Sắc và Không là hai, trật rồi, chúng là một. “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”, là một, chẳng hai! Hiểu rõ đạo lý này, sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần cũng là “Sắc, Không bất nhị, Tánh, Tướng như một”. Đó là nhập Phật pháp. Nhập Phật pháp bèn thật sự giác ngộ; nhập cảnh giới ấy, vạn pháp bình đẳng, vì sao? Toàn là sắc tướng hiển hiện từ Không. Cầm lấy một viên kim cương, mọi người coi như bảo bối, nó từ trong Không hiển hiện; lấy một cục đất bẩn thỉu, mọi người chẳng cần tới, đều chán ghét, nhưng nó cũng do tâm tánh hiển hiện, có cùng một tâm tánh, chúng là một, không hai!
Trong hết thảy cảnh giới, quyết định chẳng có phân biệt, chấp trước hư vọng, tâm quý vị bình đẳng, tâm bình đẳng là Phật tâm! Nhân hạnh của mười pháp giới, Phật tâm là tâm bình đẳng. Vì sao Phật bình đẳng? Vì Ngài thấy hết thảy các pháp vốn bình đẳng. Hết thảy các pháp bất bình đẳng thì sao? Bất bình đẳng là do quý vị nghĩ chúng bất bình đẳng, chẳng phải là hết thảy các pháp bất bình đẳng, do quý vị phân biệt, chấp trước hư vọng, tự nghĩ chúng là bất bình đẳng, bất bình đẳng là giả, chẳng phải là tướng chân thật. Tướng chân thật là bình đẳng, tướng chân thật là bất nhị. Điều này đích xác cần phải có trí huệ cao độ thì mới có thể hiểu rõ chân tướng sự thật. Tịnh Độ là Sắc, lấy bốn câu trong Tâm Kinh làm công thức để áp dụng thì “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, Tịnh Độ là không, không tức Tịnh Độ”.
(Sớ) Ma Ha Mục Kiền Liên giả. Ma Ha, thử vân Đại. Mục Kiền Liên, thử vân Thái Thục Thị, nhất vân Lai Bặc, thần thông đệ nhất.
(疏)摩訶目犍連者。摩訶,此云大。目犍連,此云采菽氏,一云萊菔,神通第一。
(Sớ: Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha, cõi này dịch là Đại. Mục Kiền Liên, cõi này dịch là Thái Thục Thị, còn dịch là Lai Bặc, thần thông bậc nhất).
Ma Ha (Mahā) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Đại.
(Sao) Mục Kiền Liên, tánh dã, danh Câu Luật Đà. Câu Luật Đà giả, thụ danh, đảo thụ thần nhi sanh, nhân dĩ vi danh.
(鈔)目犍連,姓也,名拘律陀。拘律陀者,樹名,禱樹神而生,因以為名。
(Sao: Mục Kiền Liên (Maudgalyāyana) là họ, tên Ngài là Câu Luật Đà (Kolita). Câu Luật Đà là tên một loài cây, do cầu đảo thần cây mà sanh Ngài, nên đặt tên như vậy).
Đây là do cha mẹ Ngài cầu khẩn nơi thần cây mà sanh ra đứa con ấy, nên đặt tên đó. Mục Kiền Liên là họ của Ngài.
(Sao) Kỳ tộc chúng đa, cố biệt dĩ Đại.
(鈔) 其族眾多,故別以大。
(Sao: Dòng họ Ngài đông đúc, nhằm phân biệt nên gọi là Đại).
Gia tộc của Ngài vô cùng hưng vượng, nhân số rất đông; vì thế, thêm chữ Đại vào trước tên họ để phân biệt, gọi Ngài là Đại Mục Kiền Liên.
(Sao) Thần thông giả, như Phật thăng Đao Lợi, độc long chướng Phật, chư tỳ-kheo thỉnh hàng long, Phật giai bất hứa, Mục Liên hóa thân đại tiểu, long cụ toại phục. Hựu như ngoại đạo di sơn, chế chi bất động; nhất thành Thích Chủng, cử chi Phạm Thiên, cập chỉ xa, thiêu đường đẳng, cố vân thần thông đệ nhất.
(鈔)神通者,如佛昇忉利,毒龍障佛,諸比丘請降龍,佛皆不許,目連化身大小,龍懼遂服;又如外道移山,制之不動;一城釋種,舉之梵天,及止車燒堂等,故云神通第一。
(Sao: “Thần thông” như Phật lên cõi trời Đao Lợi, độc long chướng ngại Phật, các tỳ-kheo xin phép hàng phục rồng, đức Phật đều không cho. Mục Liên hóa thân to, nhỏ, rồng sợ hãi liền hàng phục. Lại như ngoại đạo dời núi, Ngài ngăn trở chẳng cho lay động. Đem những người họ Thích trong cả một thành lên cõi Phạm Thiên, và ngăn xe, đốt điện đường v.v… nên nói là “thần thông bậc nhất”).
Ở đây, nêu lên những chuyện thị hiện thần thông nổi tiếng nhất của ngài Mục Kiền Liên. Chuyện thứ nhất là Ngài hàng phục rồng. Đây là nói ở bên cạnh núi Tu Di, có hai long vương ở đó, tức Nan Đà long vương (Nanda) và Bạt Nan Đà (Updananda) long vương, hai long vương ấy là huynh đệ. Khi đức Phật lên trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẹ, tức là giảng kinh Địa Tạng, chuyên vì mẹ Ngài mà giảng [kinh ấy] nhằm độ mẹ Ngài. Đi qua chỗ long vương ở, long vương thấy Thích Ca Mâu Ni Phật bay qua, bay lại, bèn nổi lòng sân hận, miệng phun khói đen che lấp quang minh của mặt trời và mặt trăng, biến hiện thân hình rất lớn, quấn quanh núi Tu Di bảy vòng. Quý vị thấy thân rồng to lắm, đuôi duỗi ngoài biển, đầu gác lên đỉnh núi, một con rồng to dường ấy! “Mục Liên hóa thân đại tiểu”: Mục Kiền Liên thấy con rồng ấy hóa thân to như thế, Ngài bèn biến ra thân lớn hơn nữa, dài gấp đôi, quấn quanh núi Tu Di mười bốn vòng, rồng sợ hãi, thần thông của rồng chẳng hơn Ngài, bị Ngài hàng phục. Rồng cũng biết biến thân nhỏ, Mục Kiền Liên hóa thân vi tế, nhỏ hơn rồng, xục xạo trong tai và mũi rồng, rồng khó chịu lắm, nhưng chẳng làm thế nào được! Đấy là “biến đại, biến tiểu”!
“Hựu như ngoại đạo di sơn, chế chi bất động” (Lại như ngoại đạo dời núi, ngăn trở chẳng cho lay động). Kinh nói: Thầy trò ngoại đạo hơn năm trăm người, nhất tâm nhất ý niệm chú để dời núi, niệm một tháng, quả nhiên chân núi lay động. Mục Liên thấy chuyện ấy, tâm nghĩ: “Nếu núi này động, chẳng biết bao nhiêu tiểu trùng trong ấy đều phải chết!” Do vậy, lão nhân gia lên đỉnh núi tịnh tọa. Ngài vừa tịnh tọa thì ngoại đạo niệm cách nào cũng chẳng thể lay động núi được. Đấy là “chế chi
bất động”.
Chúng ta hiểu chú thuật quả thật hữu hiệu. Xã hội hiện thời vô cùng rối loạn, yêu ma quỷ quái đầy rẫy trong xã hội này. Nghe pháp sư Khai Tâm nói thật đáng sợ, Ngài nói: “Chúng ta thường đi ngoài đường, mỗi ngày chen vai sát cánh với yêu ma, quỷ quái quá nhiều”. Ngày nay xã hội đại loạn, tà thuật quá nhiều, phàm là kẻ có thần thông thấy thần, thấy quỷ cũng chẳng phải là chuyện tốt lành! Thần thông có phải do người ấy tu được hay chăng? Không phải, chẳng bằng ngoại đạo trước kia. Trước kia, thần thông do ngoại đạo tự tu, thật sự chịu trọn nỗi khổ để tu thành thần thông. Hiện thời, có rất nhiều kẻ, chưa đầy vài ngày bèn có thần thông, thần thông của họ cũng chẳng phải là giả, họ đến nói với ta thì ta cũng tin tưởng, nhưng thần thông của họ do đâu mà có? Do yêu ma quỷ quái dựa thân, chẳng phải thần thông của chính kẻ ấy! Lũ yêu ma, quỷ quái rời bỏ họ, ngay lập tức họ mất năng lực đó, chuyện là như vậy đó! Ngàn muôn phần đừng nên mong tưởng thần thông. Nếu quý vị mong thần thông, quỷ sẽ đến tìm quý vị, vì sao? Quý vị có ý nghĩ ấy, chúng sẽ tìm đến quý vị. Quý vị chẳng có ý niệm ấy, chúng chẳng dám tìm tới. Quý vị có ý niệm ấy, nói cách khác, quý vị lôi kéo chúng nó, chúng nó sẽ đến. Quý vị chẳng dấy lên ý niệm ấy, mà chúng đến tìm sẽ là phạm pháp! Quý vị dấy lên ý niệm ấy, chúng sẽ đến tìm quý vị, chúng có lý do, chẳng bị coi là phạm pháp. Sau đó, quý vị gặp xui xẻo là đáng đời! Quý vị chèo kéo hắn, chứ hắn đâu có chèo kéo quý vị.
Do vậy, pháp môn Tịnh Độ là y pháp, chúng ta biến lý luận, đạo lý, cảnh giới, và phương pháp trong tam kinh hoặc ngũ kinh thành tư tưởng, kiến giải, và hành vi của chính mình, quyết định là thượng phẩm thượng sanh. Tam kinh phân lượng không nhiều lắm, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật hai quyển, kinh Di Đà một quyển, kinh Vô Lượng Thọ một quyển, [tất cả là] bốn quyển chẳng nhiều lắm! Bốn quyển kinh ấy, chúng ta thật sự thống thiết dốc công sức, quả thật biến chúng thành tư tưởng, kiến giải, hành vi của chính mình, chẳng lẽ nào không thượng phẩm thượng sanh! Điều này rất trọng yếu. Kinh đã thấu triệt thuần thục, chúng ta có thể nắm vững cương lãnh. Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta học tập A Di Đà Phật, học tập tỳ-kheo Pháp Tạng, biến bốn mươi tám nguyện thành bổn nguyện của chúng ta, đồng nguyện, đồng chí với A Di Đà Phật thì mới được! Chớ nên nói bốn mươi tám nguyện là của A Di Đà Phật; phải biến nguyện của A Di Đà Phật thành nguyện của chính chúng ta, biến hạnh của A Di Đà Phật thành hạnh của chính chúng ta, điều này chẳng phải là không làm được, ai nấy đều có thể làm được!
Sau khi chúng ta đọc kinh này, đầy đủ Tín, Nguyện, Hạnh, hiểu rõ nguyên lý và nguyên tắc trong kinh Vô Lượng Thọ không chỉ là nguyên tắc và nguyên lý để tu Tịnh Độ, mà là nguyên lý của y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, “tâm này là Phật, tâm này làm Phật”, đấy là nguyên lý của toàn thể Phật pháp, quá mầu nhiệm. Hai câu tám chữ đã giảng rõ ràng, rành rẽ, quả thật là mầu nhiệm đến tột cùng! Phải thiết thực thực hiện Tịnh nghiệp tam phước, thật sự phát Bồ Đề tâm, nương theo nhân quả của chín phẩm để tu hành, lẽ đâu chẳng thành công? Tu các pháp môn khác thật sự khó, thật sự phức tạp. Pháp môn này đơn giản, dễ dàng, ai nấy đều có thể làm được, ai nấy đều có thể cầu được Thượng Phẩm, chúng ta quyết định chớ nên coi thường điều này. Người khác chẳng đồng ý với cách nói này, chẳng thể tiếp nhận, chúng ta chắp tay hoan hỷ, chớ nên biện luận với họ. Lục Tổ đại sư nói như vậy đấy! Người ta có thể nghe lọt tai thì chúng ta khuyên lơn, khích lệ họ. Họ chẳng nghe lọt tai, muốn học pháp môn khác, chúng ta chắp tay cung kính, hoan hỷ, pháp môn khác cũng hết sức tốt đẹp, hết thảy các pháp môn đều do đức Phật nói, đâu có pháp nào chẳng tốt đẹp, pháp môn bình đẳng chẳng hai, chẳng khác, nhưng trong các pháp môn, quả thật có khó và dễ, đó là sự thật. Nói thật ra, khó hay dễ chẳng do pháp môn, mà do căn tánh của chúng sanh chúng ta; nhưng dẫu căn tánh nhạy bén tu các pháp môn khác, vẫn phải vãng sanh Tịnh Độ. Trong Vô Lượng Thọ Kinh Huyền Nghĩa, chúng tôi đã nói: “Pháp môn này chuyên tiếp độ thượng căn”, thượng căn là gì? Quý vị có thể tin, phát nguyện, chịu niệm Phật, người ấy là thượng căn, nói thật ra là thượng thượng căn! Thượng thượng căn trong nhà Thiền là “minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ”, nói thật ra, vẫn thua người niệm Phật hạ phẩm hạ sanh, vì sao? Người hạ phẩm hạ sanh vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ bình đẳng với Quán Âm, Thế Chí; người thượng thượng căn đại triệt đại ngộ minh tâm kiến tánh trong nhà Thiền, nói thật thà chẳng qua là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, hoặc Sơ Địa Bồ Tát trong Biệt Giáo, chẳng dễ gì thấy Quán Thế Âm Bồ Tát, vẫn chưa thấy được! Quán Âm Bồ Tát là Đẳng Giác Bồ Tát, chẳng thấy được! Nếu quý vị thấy rõ chân tướng sự thật này, người chịu niệm Phật, người chịu phát tâm vãng sanh quả thật là thượng thượng căn, Thiền chẳng sánh bằng!
Mật lại càng chẳng cần phải nói nữa. Đối với thuyết “tức thân thành Phật” (thành Phật ngay trong thân này) của Mật giáo, trong Văn Sao, Ấn Quang đại sư đã giảng rất nhiều, đấy chỉ là liễu sanh tử, thoát tam giới mà thôi, cũng chỉ bằng A La Hán! Huống chi hiện thời Mật chẳng phải là chân thật, đều là giả, vì sao? Vì trong Mật nói tới thần thông, cảm ứng, nên hết sức dễ bị yêu ma, quỷ quái xen tạp lợi dụng. Trong tâm người học Mật có một chút bất chánh, tà liền tiến nhập, chẳng phải là Phật, Bồ Tát đến, mà là yêu ma, quỷ quái tới. Do vậy, Mật hiện thời là yêu Mật, quỷ Mật, ma Mật, quái Mật, quý vị phải hiểu rõ ràng! Chẳng phải là Mật bất hảo, nhưng trong Mật có yêu ma, quỷ quái [xen tạp], quý vị chẳng thể phân biệt rõ ràng! Quý vị chẳng học được Phật Mật, mà học theo yêu ma, quỷ quái, phiền phức to! Nếu thật sự nói tới Phật Mật, quý vị lại chẳng chịu học, vì sao? Phiền quá! Lắm quy củ quá! Nếu thật sự học Phật Mật, giới luật trong Mật Tông còn khó khăn và nghiêm ngặt hơn Hiển Tông rất nhiều! Ngày nay chúng ta thấy trên cả thế giới, rất nhiều kẻ học Mật cũng chẳng tuân thủ giới luật, ta liền biết Mật của họ là yêu ma, quỷ quái, chẳng phải là Mật chánh đáng, họ chẳng trì giới luật, chẳng đọc kinh điển Hiển Giáo, không được rồi!
Mật Tông Tây Tạng xưa kia và hiện thời chẳng giống nhau, trước đây còn tương tự, hiện tại hỏng bét, không giống nữa! Trong Văn Sao, Ấn Quang đại sư đã phê bình Mật giáo Tây Tạng vô cùng nghiêm ngặt, trong Văn Sao có [những đoạn văn như vậy]. Ấn Quang đại sư là Đại Thế Chí Bồ Tát tái lai, chúng ta chẳng thể coi thường. Nếu Bậc Đẳng Giác Bồ Tát tái lai nói mà chúng ta vẫn không tin, chẳng còn biết làm sao nữa, cũng chẳng có cách nào! Ngay như Đạt Lại hay Ban Thiền cũng đều chưa phải là Đẳng Giác Bồ Tát. Theo ghi chép trong truyện ký, thân phận các vị ấy cũng chỉ là A La Hán! A La Hán chuyển thế, còn thua Đẳng Giác Bồ Tát rất xa! Do vậy, chúng ta nhất định phải hiểu rõ chân tướng sự thật trước mắt này, đừng bị bịt mắt, đừng bị mắc lừa! Chúng ta có thể gặp được pháp môn này, đúng như cổ nhân đã nói: “Một ngày hiếm có khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay”, chúng ta đã gặp. Nếu chẳng thể nắm vững cơ duyên này, quả thật quá đáng tiếc!
“Nhất thành Thích Chủng, cử chi Phạm Thiên, cập chỉ xa, thiêu đường đẳng” (Đem những người họ Thích trong cả một thành lên cõi Phạm Thiên, và ngăn xe, đốt điện đường v.v…), những câu chuyện này cũng là những chuyện xưa, quý vị xem trong Diễn Nghĩa đều có[11]. Ngày hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi giảng tới đây.
[1] Sách Thuyết Văn Giải Tự giải thích chữ Lạp trong Lạp Nguyệt (tháng Chạp) như sau: “Lạp, hợp dã, hợp tế chư thần giả” (Lạp là hợp, vì cúng tế chung các vị thần). Các nhà chú giải cho rằng: Lạp theo nghĩa cổ là cúng tế chư thần và tổ tiên sau khi đã kết thúc gặt hái cuối năm.
[2] Pháp sư Tường Vân (1917-1999) họ Lý, tên là Mạnh Tuyền, quê ở huyện Hải Thành, tỉnh Liêu Ninh, thuộc gia đình thư hương. Tuổi vừa mới lớn, Sư đã cảm nhận thế sự vô thường, ba cõi không yên, luôn mang chí nguyện xuất trần. Năm hai mươi tuổi, Sư tự nguyện trường trai, thờ Phật, xin đến dự thính tại Bát Nhã Phật Học Viện ở thành phố Trường Xuân để học nội điển. Sư đã từng làm ký giả, giáo viên, nhập ngũ. Sau khi sang Đài Loan, Sư luôn ôm chí nguyện xuất gia, nhưng chưa gặp nhân duyên, mãi đến năm Dân Quốc 50 (1961), Sư mới gặp nhân duyên y chỉ hòa thượng Huyền Diệu chùa Viên Giác ở Đài Bắc xin xuống tóc, pháp danh Hội Nguyên, hiệu Viên Định, nhưng hòa thượng phần nhiều dùng danh hiệu Tường Vân trong các trước tác. Sư được thọ Cụ Túc Giới dưới tòa trưởng lão Đạo Nguyên tại chùa Hải Hội (thành phố Cơ Long) cùng năm ấy. Sau khi xuất gia, Sư càng siêng gắng học nội điển, tu trì, giảng diễn, trước thuật. Sư từng được mời làm Bí Thư Trưởng Trung Quốc Phật Giáo Hội, rồi lần lượt ủy viên Văn Hiến, uỷ viên xúc tiến quan hệ Phật giáo Trung Hoa – Hàn Quốc và Trung Hoa – Nhật Bản. Sư từng làm Đổng Sự Trưởng Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội, xã trưởng Phật Đà Giáo Dục Tạp Chí Xã, ủy viên cố vấn biên tập hoặc chủ bút các tờ báo Phật giáo như Từ Minh, Giác Thế, Sư Tử Hống, Từ Vân, Thiên Hoa, từng lãnh vai trò tôn chứng A Xà Lê trong các đàn truyền giới tại các chùa Thanh Lương, Linh Nham v.v… và chuyên dạy nội điển tại các Phật học viện Hải Minh và Tịnh Giác.
[3] Lộ Tư (鷺鷥) là tiếng gọi chung những loài diệc hay cò trắng, có đến mười bảy loài khác nhau. Đẹp nhất là loài Bạch Lộ, lông trắng muốt, mỏ đen, sau đầu có hai sợi lông dài trắng phau. Tuy vậy, có sách dịch chữ Thu Lộ thành Hoàng Ly là một loài chim bé, lông vàng, cánh đen, ta thường gọi là chim Vàng Anh. Trong Yếu Giải, tổ Ngẫu Ích đã dẫn lời thiền sư Sở Phạm Thạch Kỳ nói Xá Lợi là chim Xuân Oanh.
[4] Đây là một môn bói toán, theo đó, thầy bói sẽ đếm tên họ viết theo chữ Hán có mấy nét, thuộc bộ nào để gán cho tên gọi ấy thuộc hành nào trong Ngũ Hành, để lập thành quẻ Bát Quái Âm Dương rồi tiên đoán mạng vận của đứa trẻ. Do vậy, nhiều khi cha mẹ cầu kỳ đặt tên con sao cho số nét phối hợp thành quẻ tốt, chẳng cần quan tâm đến ý nghĩa thật sự.
[5] Tứ mã (駟馬) là ngựa thắng xe bốn con chung một cỗ. Ngựa thắng cặp bốn như vậy phải là ngựa thuần thục, khỏe đều, chạy đều, bền sức.
[6] Phạm Chí (Brahmacārin) có nghĩa gốc là chàng thanh niên thuộc chủng tánh Bà La Môn đang trong giai đoạn tu học thánh điển và giữ mình, sống đời độc thân trong sạch. Đây là giai đoạn đầu trong bốn giai đoạn (Āśrama) bắt buộc của thanh niên Bà La Môn. Nói theo nghĩa rộng, chữ Phạm Chí chỉ chung những người tu theo đạo Bà La Môn (Ấn Độ Giáo về sau này), thậm chí, về sau này, tất cả những tu sĩ ngoại đạo đều được gọi chung là Phạm Chí.
[7] Theo kinh Xà Ni Sa trong kinh Trường A Hàm, mười sáu đại quốc là Ương Già (Anga), Ma Kiệt Đà (Magadha), Ca Thi (Kāśi), Câu Tát La (Kośala), Bạt Kỳ (Vrji), Mạt La (Malla), Chi Đề (Cedi), Bạt Sa (Vatsa), Cư Lâu (Kuru), Bàn Xà La (Pañcāla), A Thấp Ba (Aśvaka), A Ban Đề (Avanti), Bà Tha (Matsya), Tô La Sa (Śūrasena), Càn Đà La (Gandhāra), và Kiếm Bình Sa (Kambboja). Trong kinh Phật thường nhắc tới những đại thành như Xá Vệ, Vương Xá, Chiêm Bà, Tỳ Xá Ly, Kiều Diễm Di v.v… đó là thủ đô của những nước lớn, chẳng hạn như Xá Vệ là thủ đô của Câu Tát La (còn phiên âm là Kiều Tát La), Vương Xá là thủ đô của Ma Kiệt Đà, Chiêm Bà (Campā) là thủ đô của nước Ương Già, Tỳ Xá Ly (Vaishali) là thủ đô của Bạt Kỳ, Kiều Diễm Di (Kausambi) là thủ đô của Bạt Sa…
[8] Câu này trích từ thiên Vi Chánh sách Luận Ngữ.
[9] Nhan Hồi (521-481 trước Công Nguyên), tự là Tử Uyên, nên thường gọi là Nhan Uyên, được tặng mỹ hiệu Phục Thánh, người nước Lỗ, là học trò đắc ý của Khổng Tử, được xếp hàng thứ tư trong Thập Triết (mười môn đệ đứng đầu), được coi là người đức hạnh nhất trong số các môn đệ. Ngài gia cảnh thanh bần, nhưng vẫn an bần lạc đạo, giữ vững đức hạnh. Ngài là người cực thông minh, nhưng yểu thọ, mất sớm, nên khi Nhan Hồi mất, Khổng Tử đã cảm thán khôn cùng. Đến đời Hán, Nhan Hồi được tôn xưng là người đứng đầu trong Thất Thập Nhị Hiền. Ngài cũng là người có miếu thờ riêng tại Khúc Phụ (quê Khổng Tử), nơi ấy gọi là Phục Thánh Miếu.
Mẫn Tử Khiên (536-487 trước Công Nguyên), tên thật là Mẫn Tổn, Tử Khiên là tên tự, người nước Lỗ, đứng đầu Thập Triết, đức hạnh chẳng kém gì Nhan Uyên, được tôn là người chí hiếu, bị mẹ ghẻ ngược đãi vẫn một mực hiếu thuận. Trời lạnh, mẹ ghẻ ác độc, không cho mặc áo bông, phải độn lau vào áo để giữ ấm. Khi đẩy xe cho cha ra ngoài, do lạnh quá, run tay, đẩy xe xuống mương, cha tức giận cầm gậy vụt, áo rách, hoa lau bay lả tả. Cha hiểu rõ nguồn cơn, giận dữ, toan bỏ vợ. Mẫn Tử Khiên van xin cha nguôi giận: “Mẹ còn chỉ mình con lạnh, nếu cha đuổi mẹ, hai em con cũng phải chịu cảnh côi cút”. Mẹ kế nghe chuyện cũng cảm động từ đó sửa đổi tính tình. Ông nổi tiếng là người ít nói, cẩn trọng, đến nỗi Khổng Tử khen ngợi: “Phù nhân bất ngôn, ngôn tất hữu trúng” (Ôi! Người này chẳng nói, chứ nói ắt phải trúng). Họ Mẫn ở Đại Hàn tự xưng là hậu duệ của Mẫn Tử Khiên.
[10] Tử Du là tên tự của Ngôn Yển (506-443 trước Công Nguyên), là người xứ Thưởng Thục, nước Ngô. Ông là người phương Nam duy nhất trong bảy mươi hai môn đệ hàng đầu của Khổng Tử. Sau khi học thành tài, ông trở về Nam, truyền bá Nho giáo, cống hiến rất lớn trong việc phát triển văn hóa vùng Giang Nam, nên được hậu thế tôn xưng là Nam Phương Phu Tử. Các triều đại Đường, Tống, Nguyên lần lượt được truy tặng ông những danh hiệu Ngô Hầu, Đan Dương Công rồi Ngô Công. Tử Du từng làm Ấp Tể ấp Vũ Thành nước Lỗ, lừng danh về tài văn học, chủ trương dùng lễ nhạc giáo hóa dân chúng.
Tử Hạ là tên tự của Bốc Thương (507-420 trước Công Nguyên), quê ở Ôn Ấp (nước Tấn), tài văn học sánh ngang Tử Du. Ông đóng góp nhiều trong công việc giáo dục thời ấy, chủ trương lấy lòng Nhân để thay đổi con người. Về già, ông sang xứ Tây Hà nước Ngụy dạy học, sáng lập Tây Hà Học Phái nhằm bồi dưỡng nhân tài. Không may, tuổi già, con chết trẻ, ông thương khóc đến nỗi mù mắt. Do đó, trong Văn Sao, Ấn Quang đại sư mới dùng điển tích “Tây Hà thất minh” (Tây Hà mù mắt) khi nói về tật mắt kém của mình.
[11] Sách Diễn Nghĩa trang hai trăm ba mươi ghi những chuyện ấy như sau: Lưu Ly đại vương diệt dòng họ Thích Ca, Mục Liên muốn cứu, nhưng đức Phật bảo là định nghiệp khó trốn, chẳng chấp nhận lời thỉnh của Mục Liên. Mục Liên liền dùng thần lực đem năm trăm người họ Thích đựng trong bát, cất lên cõi Phạm Thiên. Sau khi họ Thích đã bị diệt, Mục Liên mở bát ra xem, chỉ thấy toàn là máu mà thôi; cho nên biết là định nghiệp, Phật cũng chẳng thể cứu được.
“Ngăn xe”: Y vương Kỳ Bà đã sanh lên trời Đao Lợi, do vì một vị tỳ-kheo bị bệnh, nên ngài Mục Liên dùng thần thông lên trời hỏi cách chữa trị, gặp lúc chư thiên ra ngoài chơi, Kỳ Bà ngồi trên xe không chịu xuống, chỉ chắp tay chào mà thôi. Ngài Mục Liên dùng thần lực, ngăn xe lại. Kỳ Bà mới xuống xe chào hỏi Ngài muốn gì. Ngài Mục Liên bèn nói lý do, Kỳ Bà đáp: “Nhịn ăn là ổn”. Mục Liên buông ra, xe mới đi tiếp được.
“Đốt điện đường”: Đế Thích kiến tạo Đắc Thắng Đường, trang nghiêm đẹp đẽ, ngài Mục Liên đến xem, các thiên nữ đều tránh mặt chẳng ra. Mục Liên nghĩ Đế Thích tham khoái lạc, chẳng tu gốc đạo, bèn dùng thần thông, thiêu Đắc Thắng Đường cháy tan tành, rồi vì Đế Thích nói những lời lẽ về vô thường, Đế Thích hoan hỷ, sau đấy điện đường vẫn y như cũ, chẳng có dấu vết khói tro nào!