Tập 215/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 215

           Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm hai mươi lăm:

          (Sao) Các hữu nhân duyên giả, thiện căn, phước đức, kỳ sở diêu lai, tùng hà phát tâm, quân danh viết nhân. Nhi thiện căn phát khởi, tất hữu chủng chủng thiện duyên vi trợ; phước đức phát khởi, tất hữu chủng chủng phước duyên vi trợ, thị các hữu kỳ duyên dã.

()各有因緣者,善根福德,其所繇來,從何發心,均名曰因。而善根發起,必有種種善緣為助;福德發起,必有種種福緣為助,是各有其緣也。

(Sao: “Mỗi điều đều có nhân duyên”: Nguồn cội của thiện căn và phước đức là do phát những tâm nào, [những tâm ấy] đều gọi là “nhân”. Nhưng để thiện căn phát khởi, ắt phải có các thứ thiện duyên giúp đỡ; để phước đức phát khởi, ắt phải có các thứ phước duyên giúp đỡ. Vì thế, mỗi điều [thiện căn hay phước đức] đều có duyên riêng của nó).

          Ở đây, giải thích câu “các hữu nhân duyên” [trong lời Sớ]. Trong đoạn trước đã giảng rõ nhân duyên của thiện căn và phước đức tương đồng, đặc biệt là trong tông này, lấy trì danh làm thiện căn, và còn coi trì danh là phước đức. Đấy chính là thiện căn, phước đức, nhân duyên tương thông. Nhưng nếu nói tách rời thì cũng có lý, thiện căn có cái nhân của thiện căn, có cái duyên của thiện căn, phước đức cũng có nhân và duyên của phước đức, ở đây đã nói rất rõ ràng. Thiện căn là do phát tâm, chúng ta phát cái tâm như thế nào? Sau khi tâm đã phát khởi, nhất định là có các thứ duyên đến giúp đỡ quý vị thì mới có thể kết thành quả. Nếu chỉ phát tâm mà chẳng có duyên đến giúp đỡ, tâm ấy sẽ như không, chẳng có kết quả gì! Phước đức cũng giống như thế. Do vậy, phát khởi phước đức cũng cần phải có các thứ trợ duyên. Đó là nói “các hữu nhân duyên”.

          Ví như quý vị phát tâm học Phật, phát tâm tu học Định Huệ, điều này thuộc về thiện căn. Tuy đã phát tâm, nếu chẳng gặp thiện tri thức, chẳng gặp đồng tham đạo hữu, rất khó đạt đến mục tiêu. Thiện hữu, đồng học, cũng như hoàn cảnh, đều là trợ duyên. Đối với chuyện tu phước lại càng rõ ràng: Ai nấy đều mong mỏi chính mình có phước báo, đối với phước cũng phải phát tâm. Trong hết thảy các kinh luận, đức Phật đã dạy: Bố thí là nhân duyên của hết thảy các phước. Chúng ta có của cải, có trí huệ, có sức khỏe, sống lâu. Đó là quả báo. Quả báo chẳng phải là bỗng dưng mà có, phải do sự tu tập, tích lũy trong đời quá khứ. Tu tập và tích lũy đương nhiên là có nhân và duyên. “Nhân” là quý vị phát tâm chịu tu; đó là nhân. Quý vị biết quả báo ấy là chân thật, quý vị chịu tu học. Nhân có thù thắng và kém cỏi, quý vị phát tâm có dũng mãnh hay tán loạn. Duyên cũng có thù thắng và kém cỏi. Quý vị gặp duyên thù thắng, quả báo sẽ đặc biệt tốt đẹp. Gặp duyên chẳng thù thắng, quả báo sẽ thua kém hơn. Do vậy, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian chẳng lìa nhân quả. Đức Phật giảng kinh Hoa Nghiêm và kinh Pháp Hoa đều chẳng lìa nhân quả, chúng ta nhất định phải biết điều này. Tục ngữ Trung Hoa thường nói: “Nhất ẩm, nhất trác, mạc phi tiền định” (Một hớp uống, một miếng ăn, không gì chẳng phải là đã định sẵn). “Tiền định” thì là ai định? Do chính mình định, chẳng phải do ai khác định đoạt! Trong quá khứ, chính mình đã tu cái nhân gì, đời này đạt được quả báo gì; đời này tu nhân gì, đời sau sẽ đạt quả báo gì, chẳng thể sai sót chút nào! Dẫu là trong chiến tranh, cũng chẳng có một ai bị chết oan uổng. Vì thế, người thật sự hiểu rõ đạo lý này, xác thực là trong thế gian, bất luận là cá nhân, gia đình, quốc gia, cho đến toàn thể thế giới, đều có vận số nhất định. Vận số nhất định thì có thể chuyển hay không? Có thể chuyển. Dựa vào đâu để có thể chuyển? Nói thật thà, chẳng phải là chuyển nơi nhân, nhân chẳng thể chuyển! Then chốt để chuyển là duyên, [tức là duyên] trong nhân, duyên, quả. Phật pháp thường nói “duyên sanh luận”, chỉ cần quý vị có thể nắm vững duyên là có thể chuyển.

          Quý vị đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, [sẽ thấy] tiên sinh Viên Liễu Phàm tự mình xoay chuyển vận mạng cả một đời. Chuyển từ nơi đâu? Chuyển từ duyên, chẳng phải là chuyển nơi nhân. Nếu chúng ta có thể nắm vững duyên này, nói cách khác, hết thảy quả báo đích xác là do chính tay ta thao túng. Mỗi chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay, chủng tử trong A Lại Da Thức là nhân, chủng tử của mười pháp giới thảy đều trọn đủ. Nói cách khác, trong A Lại Da Thức của quý vị, có cái nhân thành Phật, có cái nhân làm Bồ Tát, có cái nhân làm Thanh Văn, Duyên Giác, có cái nhân sanh thiên, có cái nhân đọa A Tỳ địa ngục, chủng tử của mười pháp giới thảy đều có. Nay tôi phải hỏi quý vị, trong một đời này, chúng ta mong đạt kết quả như thế nào, đó là điều chúng ta hy vọng, hãy nương theo hy vọng ấy để tranh thủ cái duyên [của kết quả] ấy. Ví như ta mong thành Phật, nếu mong tưởng thành Phật thì do nhân duyên của mười pháp giới thảy đều có, ta có cái nhân thành Phật, đương nhiên là ta có thể thành Phật, cái có thể nắm chắc là duyên. Ta chuyên tu cái duyên thành Phật, duyên của chín pháp giới kia ta đều chẳng tu, ta chuyên tu một điều này, trong một đời này, nhất định sẽ thành công. Ngay cả thành Phật là chuyện khó nhất mà còn có thể làm được trong một đời này, huống gì những điều khác! Đúng như cổ nhân thường nói: “Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng”. Chẳng có gì không cầu được, then chốt là quý vị có hiểu rất rõ nhân, duyên và quả hay không? Đạo lý rất rõ ràng, quý vị có thể thật sự nắm vững sự thật, chắc chắn là sẽ có thể thành tựu, cầu điều gì bèn đạt được điều đó.

          (Sớ) Vấn: Hà cố Quán Kinh phát Bồ Đề tâm tại đệ tam phước?

          ()問:何故觀經發菩提心在第三福。

(Sớ: Hỏi: Vì sao Quán Kinh xếp phát Bồ Đề tâm vào phước thứ ba?)

          Khi chúng tôi giảng Quán Kinh, cũng đã nói cặn kẽ chuyện này. Ở đây, Liên Trì đại sư đã khai thị hết sức hay. Nói theo Lý, phát Bồ Đề tâm là thiện căn, nhưng trong Tam Phước, nó được xếp vào điều thứ ba.

          (Sớ) Đáp: Dĩ phước hữu Sự, Lý, bất chuyên Sự cố.

          ()答:以福有事理,不專事故。

          (Sớ: Đáp: Do phước có Sự và Lý, do chẳng chuyên nơi Sự).

          Phát Bồ Đề tâm là Lý, hai điều trước [trong Tam Phước] là nói theo Sự. Ở đây, Tam Phước của Quán Kinh đều được nêu ra.

          (Sao) Quán Kinh Tam Phước: Nhất giả, hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp. Nhị giả, thọ trì Tam Quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi. Tam giả, phát Bồ Đề tâm, thâm tín nhân quả, độc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả.

          ()觀經三福:一者孝養父母,奉事師長,慈心不殺,

修十善業;二者受持三歸,具足眾戒,不犯威儀;三者發菩提心,深信因果,讀誦大乘,勸進行者。

(Sao: Tam Phước theo Quán Kinh: Một là hiếu dưỡng với cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp; hai là thọ trì Tam Quy, trọn đủ các giới, chẳng phạm oai nghi; ba là phát Bồ Đề tâm, rất tin nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả).

          Sách Diễn Nghĩa có giải thích, nêu ra những điểm trọng yếu.

          (Diễn) Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, kính thượng dã. Từ tâm bất sát, tiếp hạ dã.

()孝養父母,奉事師長,敬上也;慈心不殺,接下也。

 (Diễn: “Hiếu dưỡng với cha mẹ, phụng sự sư trưởng” là tôn kính bề trên. “Từ tâm chẳng giết” là tiếp độ kẻ dưới).

           Đây chính là “thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ” trong bài văn Hồi Hướng. Chúng ta niệm Hồi Hướng Văn hằng ngày, thực hiện từ chỗ nào? Phải thực hiện ra sao? “Thượng báo tứ trọng ân” phải khởi sự từ hiếu thảo với cha mẹ, tôn trọng thầy. “Hạ tế tam đồ khổ” khởi đầu bằng từ tâm chẳng giết. Đây là dạy cho chúng ta cách thực hiện cụ thể nhằm bổ sung những ý nghĩa chưa được nêu trọn trong phần trước.

          (Diễn) Tu Thập Thiện Nghiệp, thân xả tam tà, khẩu ly tứ quá, ý đoạn tam ác dã. Thử cộng phàm phu hành.

            ()修十善業,身捨三邪、口離四過、意斷三惡也。此共凡夫行。

(Diễn: Tu Thập Thiện Nghiệp là thân bỏ ba điều tà, miệng lìa bốn điều lỗi, ý đoạn ba sự ác. Những điều này hành chung với phàm phu).

           Phước thứ nhất trong Tam Phước là phàm phu phước. Đó là căn cơ của Bồ Tát. Bồ Tát chẳng tu học từ chỗ này, chắc chắn chẳng thể tu hành chứng quả. Do vậy, điều này rất trọng yếu. “Thân trừ tam tà”, tam tà là giết, trộm, dâm, nhất định phải rời lìa. “Khẩu ly tứ quá”, tức là vọng ngữ, ác khẩu, ỷ ngữ; ỷ ngữ là hoa ngôn xảo ngữ, nghe thì êm tai lắm, thật ra là có hại, chẳng có lợi gì, bao gồm cả những thứ giống như ca múa trong hiện tại, lưỡng thiệt là khơi gợi thị phi. Phải xa lìa bốn thứ lầm lỗi ấy. Trong ý, tam độc phiền não là tham, sân, si, chúng có phạm vi hết sức rộng lớn. Không chỉ là phải lìa tham, sân, si đối với pháp thế gian, mà đối với pháp xuất thế gian, cũng chớ nên có tâm tham. Do vậy, nhất định là phải đoạn tham, sân, si. Lìa khỏi tham, sân, si thì là ba thiện căn, ba thiện căn là vô tham, vô sân, vô si, tất cả hết thảy thiện pháp thế gian sanh từ đây. Do vậy có thể biết, tất cả hết thảy ác pháp trong thế gian sanh từ tham, sân, si, nên chúng được gọi là Tam Ác hoặc Tam Độc.

          (Diễn) Tam Quy giả, Phật, Pháp, Tăng dã.

          ()三皈者,佛法僧也。

          (Diễn: Tam Quy là Phật, Pháp, Tăng).

          Chúng tôi sợ các đồng tu sơ học thấy “Phật, Pháp, Tăng”, sẽ hiểu sai ý nghĩa, nên thường dùng cách nói của Lục Tổ đại sư trong Đàn Kinh là “giác, chánh, tịnh”. Phật là giác, Pháp là chánh, Tăng là tịnh; đó cũng là tự tánh Tam Bảo, là chỗ quy y thật sự của chúng ta.

          (Diễn) Cụ túc chúng giới giả, đạo tục bị thọ vi tế.

          ()具足眾戒者,道俗備受微細。

          (Diễn: “Đầy đủ các giới” là đạo hay tục đều thọ đủ mọi lẽ vi tế).

           “Đạo” (道) là người tu đạo, “tục” (俗) là kẻ thế tục. Bất luận là tu đạo hay thế tục, đều phải tuân thủ khuôn phép, đều phải giữ quy củ. Giới luật là pháp luật, là mẫu mực cho cuộc sống. Ngoài những điều luật do đức Phật đã chế định ra, pháp luật, quy định, phong tục, tập quán, quan niệm đạo đức của thế gian đều bao gồm trong ấy (trong hai chữ “chúng giới”), dù là người thế gian hay xuất thế gian đều phải nên tuân thủ, xã hội mới có trật tự, mới an tường, hòa thuận, chúng sanh mới có thể sống an hòa, lợi lạc.

          (Diễn) Bất phạm oai nghi giả, tam thiên tất giai bất khuyết dã.

          ()不犯威儀者,三千悉皆不缺也。

(Diễn: “Chẳng phạm oai nghi” là ba ngàn oai nghi đều chẳng thiếu khuyết).

          “Oai nghi” (威儀) là nói tới nghi biểu  (儀表: sự biểu lộ, tác phong

cư xử của một cá nhân), nay chúng ta nói là “phong độ”. Ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh[1], có thể thấy xuất gia chẳng phải là chuyện dễ dàng! Vì sao trong cuộc sống phải cẩn thận dường ấy? Vì người ấy (người xuất gia) là nhân thiên sư biểu (人天師表: bậc thầy gương mẫu cho cả trời lẫn người), là tấm gương cho đại chúng, là khuôn mẫu để đại chúng [noi theo]. Do đó, nhất cử nhất động đều phải nêu gương tốt nhất cho người khác học tập theo. Hiện thời, trong xã hội, người xuất gia chẳng được đại chúng trong xã hội tôn kính, nguyên nhân ở chỗ nào? Giới hạnh lẫn oai nghi đều chẳng có, không nói tới những thứ ấy! Đại chúng bình phàm cũng quen thói buông lung, quen nết tùy tiện, chẳng thể chịu nổi bó buộc. Hễ hơi có chút nào ràng buộc, họ sẽ chịu không nổi; tu hành kiểu đó rất khó thành tựu! Nhất cử nhất động của chư Phật, Bồ Tát chẳng có ai bó buộc, mà các Ngài tự nhiên phù hợp oai nghi. Đó là gì? Bình thường đã dưỡng thành thói quen ấy. Trong pháp thế gian, chúng ta đọc Luận Ngữ thấy Khổng lão phu tử bảy mươi tuổi “tùy tâm sở dục, bất du củ” (thuận theo lòng muốn, chẳng vượt quy củ). Nói theo Phật pháp, Ngài đã đạt đến giải thoát, đạt được tự tại! Thuận theo lòng muốn mà cũng chẳng phạm giới, cũng chẳng phạm oai nghi. Đó là công phu tu dưỡng thuần thục được Nho gia coi trọng, nhà Phật càng coi trọng hơn. Chúng ta phải ghi nhớ điều này.

          (Diễn) Thử cộng Nhị Thừa hành.

          ()此共二乘行。

(Diễn: Điều này hành chung với Nhị Thừa).

          Điều thứ hai [trong Tam Phước] là hạnh tu tập của Thanh Văn và Duyên Giác, đương nhiên Bồ Tát chẳng thể không tu. Điều sau nhất định bao gồm điều trước, điều trước chẳng bao gồm điều sau.

          (Diễn) Phát Bồ Đề tâm giả, y vô tác cảnh, khởi vô duyên thệ, danh phát Bồ Đề tâm.

          () 發菩提心者,依無作境起無緣誓,名發菩提心。

(Diễn: Phát Bồ Đề tâm là nương vào cảnh vô tác để khởi lên thệ nguyện vô duyên, gọi là phát Bồ Đề tâm).

          Ý nghĩa này rất sâu. “Vô tác”: Tác (作) là tạo tác. Cảnh giới vô tác là nói đến cái tâm thanh tịnh. Trong tâm địa, chẳng khởi tâm, không động niệm, đó là “vô tác”. Khởi tâm động niệm thì sai mất rồi. “Khởi vô duyên thệ”: “Thệ” (誓) là nói tới Tứ Hoằng Thệ Nguyện, tức là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Nguyện ấy là tự nhiên, phát xuất từ Chân Như bản tánh, chẳng phải là miễn cưỡng, nên gọi là “vô duyên thệ”. Nói theo cách hiện thời, “duyên” (緣) là điều kiện. [Vô duyên] là chẳng có điều kiện, ta phát ra thệ nguyện chẳng có điều kiện gì, đó là những chuyện đáng phải nên làm thuộc về bổn phận của một người thật sự giác ngộ, chẳng có bất cứ điều kiện gì để bàn luận nữa! Do vậy, hễ phát ra cái tâm ấy, sẽ là một vị Bồ Tát chân thật, chẳng phải là Quyền Giáo Bồ Tát, mà là Bồ Tát thật sự. Bồ Tát thật sự, nói theo Viên Giáo, sẽ từ địa vị Sơ Trụ trở lên, vượt xa Thanh Văn, Duyên Giác, vượt xa quá nhiều!

Nay chúng ta mỗi ngày đều nói “phát Bồ Đề tâm”, đó là phát tâm ngoài cửa miệng, xác thực là chẳng phát chi cả! “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, thấy kẻ này cũng đáng ghét, thấy kẻ kia cũng ngứa mắt, ta chẳng thèm độ kẻ đó! Vậy là độ chúng sanh ở chỗ nào? “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, hằng ngày dấy vọng tưởng, hằng ngày tạo tác tham, sân, si. Không chỉ là chẳng đoạn, mà còn tăng trưởng mỗi ngày! Do vậy có thể biết, hằng ngày niệm Tứ Hoằng Thệ Nguyện, buổi sáng niệm một lần, buổi tối niệm một lần, đều giả trất, chẳng có một câu nào là thật! Nếu phát bốn nguyện ấy bằng chân tâm, [phát nguyện] chân thật, chúc mừng quý vị, quý vị đã chứng đắc Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo. Kinh Hoa Nghiêm gọi Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo là Pháp Thân đại sĩ, [tâm của] quý vị là chân tâm, chẳng phải là kẻ bình phàm.

Vì thế, xếp “phát Bồ Đề tâm” vào điều phước thứ ba là hợp lý. Vì sao? Hàng Nhị Thừa chẳng có Bồ Đề tâm. A La Hán và Bích Chi Phật chẳng phát tâm phổ độ chúng sanh. Chẳng phải là các Ngài không độ chúng sanh, chúng sanh đến tìm các Ngài, còn tùy thuộc các Ngài có hứng thú hay không! Quý vị hướng về các Ngài thỉnh giáo, các Ngài thấy quý vị cũng khá, hữu duyên, bèn dạy bảo. Chẳng hữu duyên, các Ngài chẳng thèm ngó ngàng tới quý vị! Nói cách khác, A La Hán và Bích Chi Phật độ chúng sanh có điều kiện, Bồ Tát độ chúng sanh vô điều kiện, khác hẳn! Bởi lẽ, Bồ Tát có Bồ Đề tâm, Nhị Thừa chẳng có Bồ Đề tâm. Câu dưới đây nhằm giải thích [từ ngữ] “thâm tín nhân quả”.

(Diễn) Thật Tướng bất nhị nhi nhị, lập nhân quả thù, nhị nhi bất nhị, thỉ chung lý nhất, tín thử nhân quả phương danh vi thâm.

()實相不二而二,立因果殊,二而不二,始終理一,信此因果方名為深。

(Diễn: Thật Tướng chẳng hai mà hai, lập thành nhân và quả khác nhau, tuy hai mà một, từ đầu tới cuối lý là một. Tin tưởng nhân quả này thì mới gọi là sâu).

          Giải thích chữ “thâm” (深). Tin nhân quả thì chúng ta đều tin, có kẻ học Phật nào trong lũ chúng ta chẳng tin nhân quả? Đều tin! Tuy tin, nhưng chẳng đủ độ sâu! Vì sao? Vì chính mình vẫn chưa thể nghiêm túc đoạn ác tu thiện, tức là tin chẳng đủ độ sâu! Chẳng hạn như đức Phật dạy chúng ta “tài bố thí sẽ chẳng thiếu hụt tiền của”; nay chúng ta có tiền tài, có chịu bố thí hay không? Vẫn không chịu, [vậy thì] có tin tưởng lời Phật hay chăng? Tin tưởng ư? Đã tin tưởng, cớ sao chẳng làm? Không đủ sâu! Lời Phật dạy là thật, đáng tiếc là chúng ta chẳng thật sự tin tưởng! Thật sự tin tưởng, suốt một đời này sẽ sống hết sức hạnh phúc, xác thực là đạt được tự tại. Pháp bố thí bèn được thông minh, trí huệ; vô úy bố thí bèn được khỏe mạnh, trường thọ. Đối với ba thứ bố thí này, nay chúng ta đều có năng lực tu tập.

          Đối với phước báo, chư vị phải ghi nhớ, giữ lại để hưởng trong lúc tuổi già, đó là người có trí huệ nhất. Tuổi trẻ đừng nên hưởng sạch phước báo, [để rồi] đến khi tuổi già chịu khổ, sẽ là thật khổ! Tuổi trẻ chịu khổ đôi chút, chẳng sao cả; có tinh thần và thể lực để chống đỡ được. Tuổi già suy lụn, chẳng có ai chăm sóc, đích xác là rất đáng thương. Chúng ta muốn tuổi già hạnh phúc, hiện thời thì trước hết là phải tu bố thí, phải học kính lão tôn hiền (kính trọng người già, tôn trọng hiền nhân). Đó là tu cái nhân, mai sau chúng ta già cả, bọn trẻ tuổi sẽ tôn kính ta! Nay ta thấy người già liền chán ghét, đợi đến khi ta già cỗi, người khác trông thấy sẽ chán ghét ta! Nhân như thế nào, sẽ có quả báo như thế ấy, chẳng sai sót mảy may. Do vậy, thấy người già, hãy nên nghĩ trong tương lai ta sẽ già, thấy người già rất đáng thương, trong tương lai ta sẽ giống như họ, thậm chí còn đáng thương hơn họ! Do đó, nhất định phải chiếu cố và giúp đỡ người già. Đây là quý vị tu nhân trong hiện tại, trong tương lai sẽ đạt được quả báo. Do vậy, phải tin sâu nhân quả.

          Chỗ này đích xác là có chiều sâu, Bồ Tát mới có thể khế nhập chiều sâu này, lũ bình phàm chúng ta vẫn chẳng làm được. “Thật Tướng bất nhị nhi nhị” (Thật Tướng chẳng hai mà hai): Trong bất nhị, kiến lập hai pháp, nhân và quả là hai pháp. “Lập nhân quả thù”, “lập” (立) là kiến lập, “thù” (殊) là khác nhau, có nhân và quả. “Nhị nhi bất nhị” (Tuy hai mà một): Tuy nói nhân và quả, nói thật thà, nhân và quả là một chuyện. Trong nhân có quả, trong quả có nhân. Quả lại là cái nhân kế tiếp, xoay vần [quả làm nhân, nhân đó lại sanh ra cái quả kế tiếp] chẳng cùng tận. “Thỉ chung lý nhất” (Từ đầu đến cuối lý là một), cùng một đạo lý. “Tín thử nhân quả, phương danh vi thâm” (Tin nhân quả này mới gọi là sâu), ắt phải thật sự thâm nhập Đại Thừa thì mới có thể triệt để giác ngộ, thấu hiểu chân tướng của nhân quả trong vũ trụ và nhân sinh thuộc về thế gian lẫn xuất thế gian, mới có thể thật sự đoạn nghi sanh tín trong tu học.

          (Diễn) Độc tụng Đại Thừa, tu tam trí giải, vận viên thừa hạnh.

          ()讀誦大乘,修三智解,運圓乘行。

          (Diễn: Đọc tụng Đại Thừa, tu ba trí giải, vận dụng hạnh thuộc về Viên Giáo).

          “Tam trí” là Nhất Thiết Trí, Đạo Chủng Trí, Nhất Thiết Chủng Trí. Dùng phương pháp gì để cầu tam trí? Dùng đọc tụng. Chư vị phải biết, đọc tụng nhằm mục đích tu Tam Học Giới, Định, Huệ. Tam Học được hoàn thành đồng thời. Thật sự dùng phương pháp này để đắc Định, tự nhiên sẽ khai Huệ, Huệ ấy chính là Căn Bản Trí. Đọc tụng nhằm mục đích tu tâm thanh tịnh, quyết định chẳng để cho vọng niệm nào tồn tại. Nếu quý vị đọc kinh mà dễ dấy lên vọng tưởng, hãy trì chú. Chú chẳng có ý nghĩa[2], quý vị chẳng có cách nào dấy vọng tưởng. Đọc kinh mà nếu chẳng có vọng tưởng để đọc, chẳng khởi tâm, không động niệm, người ấy đã tu Định. Ta niệm một tiếng đồng hồ thì trong một tiếng đồng hồ, ta chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tâm đã định trong một tiếng đồng hồ. Niệm hai tiếng đồng hồ, tâm định trong hai tiếng đồng hồ. Tu Định, tu tâm thanh tịnh, mục đích của việc đọc kinh là ở chỗ này! Tu tâm thanh tịnh sẽ là công đức. Vừa đọc kinh, vừa suy nghĩ ý nghĩa trong ấy, chẳng có công đức chi hết! Dẫu niệm nhuần nhuyễn cách mấy, niệm đến mức thuộc nằm lòng, cũng đều vô dụng, vẫn thuộc về pháp thế gian, chẳng phải là Phật pháp. Quý vị đạt được lợi ích là ký tụng (記誦: tụng đọc thuộc làu làu), chẳng dính dáng gì với Tánh Đức! Nếu dùng phương pháp này của Phật pháp để đọc tụng, sẽ là Tu Đức thật sự, tương ứng với Tánh Đức. Đấy là công đức chân thật, chúng ta phải biết điều này.

          Nghiên cứu, thảo luận thuộc về Hậu Đắc Trí. Do vậy, lúc mới học, lấy đọc tụng làm chánh yếu, nghiên cứu và thảo luận là phụ trợ. Nếu chẳng nghiên cứu, thảo luận, ví như quý vị khai trí huệ phải tốn mười năm, tức là do mười năm công phu, quý vị mới có thể từ Định mà khai Huệ. Nếu lại thêm vào nghiên cứu, thảo luận, quý vị có thể tiến nhanh hơn, năm năm bèn khai trí huệ, có sự thuận lợi này, có lợi ích như vậy. Nay chúng ta đang trong quá trình học tập, vận dụng hai phương pháp để tiến đồng thời. Cùng tiến đồng thời, chư vị đồng tu nhất định phải ghi nhớ: Tu tâm thanh tịnh là chủ yếu, nghiên cứu và thảo luận nhằm phụ trợ, như vậy thì chúng ta mới có thể đạt được công đức và lợi ích chân thật.

          (Diễn) Dĩ thử giải hạnh giáo kỳ hành giả, danh vi khuyến tấn.

          ()以此解行教其行者,名為勸進。

          (Diễn: Dùng sự giải hạnh ấy để dạy hành giả thì gọi là “khuyến tấn”).

           Đem phương pháp tu hành của chính mình, đem tâm đắc trong sự tu hành của chính mình dạy cho người khác,  khuyên lơn,  khích lệ người

khác thì gọi là “khuyến tấn hành giả”.

          (Diễn) Thử Đại Thừa bất cộng hạnh nghiệp dã.

          ()此大乘不共行業也。

          (Diễn: Đây là hạnh nghiệp Đại Thừa chẳng cùng chung [với Nhị Thừa hoặc phàm phu]).

          Phước cuối cùng này thuần túy là phước mà Đại Thừa Bồ Tát mới có, phàm phu và Nhị Thừa đều chẳng có. Câu đầu tiên là “phát Bồ Đề tâm”, hôm nay chúng ta xem từ phần này. “Tín nhân quả, độc Đại Thừa, khuyến tấn hành giả” (Tin nhân quả, đọc kinh Đại Thừa, khuyến khích, sách tấn hành nhân), chúng ta cũng có [điều này, nhưng] thật ra, chúng ta chỉ là tương tự, chẳng phải là thật sự! Vì sao? Chẳng có Bồ Đề tâm. Nhất định là phải có Bồ Đề tâm, bốn câu này chính là Bồ Tát tâm. Chẳng có bốn câu này, ba câu kế đó vẫn là phàm phu tâm. Do vậy có thể biết, xác thực là Đại Thừa Phật pháp được kiến lập trên cơ sở Bồ Đề tâm. Dưới đây là một đoạn vấn nạn.

        (Sao) Nạn vị “vân hà phát Bồ Đề tâm, nhi dữ thượng chi nhị giả đồng danh viết phước?”

()難謂云何發菩提心,而與上之二者同名曰福。

(Sao: Vặn rằng: Vì sao phát Bồ Đề tâm lại cùng với hai điều trước đều gọi là phước?)

          “Nạn” (難) là có người cố ý đến gây khó dễ. “Phát Bồ Đề tâm” thì phát tâm là chuyện thuộc về Lý, có thể nào lại xếp chung với hai điều trước để luận định ư? Những điều trước là “kính trọng người trên lẫn kẻ dưới”, thuộc về Sự. Tam Quy, trọng giới cũng đều thuộc về Sự, Sự là phước. Lẽ nào phát tâm là phước? Nêu ra một câu hỏi như thế để cật vấn. Tuy trong kinh nói giả thiết, nhưng trên thực tế, chắc là sẽ có [kẻ bắt bẻ như vậy]. Dưới đây là lời giải thích của Liên Trì đại sư:

(Sao) Kim minh phước hữu Sự Lý.

()今明福有事理。

(Sao: Nay nói rõ phước có Sự và Lý).

          Phước có Sự và Lý.

          (Sao) Thử Bồ Đề tâm, thị Bát Nhã trung “như hư không bất khả tư lượng chi phước”, phi Đạt Ma sở xích nhân thiên hữu lậu chi phước dã. Cố tiền nhị phước do cộng phàm tiểu, thử độc thiện Đại Thừa nhĩ.

          ()此菩提心,是般若中如虛空不可思量之福,非達摩所斥人天有漏之福也。故前二福猶共凡小,此獨擅大乘耳。

(Sao: Tâm Bồ Đề này là phước giống như kinh Bát Nhã đã nói “như hư không chẳng thể suy lường”, chẳng phải là phước nhân thiên hữu lậu bị tổ Đạt Ma quở trách. Do vậy, đối với hai thứ phước trước, phàm phu và Tiểu Thừa còn có phần, chỉ riêng phước này dành riêng cho hàng Đại Thừa).

           Chúng ta hãy xem sách Diễn Nghĩa chú giải:

          (Diễn) Vân hà phát Bồ Đề tâm nhi dữ thượng nhị đồng vi phước giả, vị phát Bồ Đề tâm ký thị thiện căn, tắc Quán Kinh tiền nhị ưng danh vi phước, đệ tam phát tâm hà diệc danh phước da?

          ()云何發菩提心而與上二同為福者,謂發菩提心既是善根,則觀經前二應名為福,第三發心何亦名福耶。

(Diễn: “Vì sao coi phát Bồ Đề tâm cũng là phước giống như hai điều trước”, ý nói: Phát Bồ Đề tâm đã là thiện căn, vậy thì hai điều trước trong Quán Kinh phải nên gọi là phước, vì sao điều thứ ba là phát [Bồ Đề] tâm cũng gọi là phước vậy?)

           Người ấy nêu ra nghi vấn cụ thể và rõ ràng: Phát Bồ Đề tâm là thiện căn, chẳng phải là phước. Dưới đây là lời đáp, đáp rất hay!

          (Diễn) “Kim minh phước hữu Sự Lý” hạ, dĩ phước hữu nhân, thiên, tiểu quả, hữu lậu, hữu vi chi Sự phước.

          ()今明福有事理下,以福有人天小果有漏有為之事福。

          (Diễn: Từ câu “nay nói rõ phước có Sự và Lý” trở đi, do phước xét theo mặt Sự thì có nhân, thiên, tiểu quả, hữu lậu, hữu vi…).

          Lũ bình phàm chúng ta hễ nói đến phước  đều  hiểu  là  những  thứ

này, hãy còn có đại phước sâu rộng hơn mà chúng ta không biết.

          (Diễn) Hữu xứng tánh vô lậu vô vi chi lý phước.

          ()有稱性無漏無為之理福。

          (Diễn: Xét theo Lý thì có loại phước xứng tánh, vô lậu, vô vi).

          Phàm phu chúng ta chẳng biết điều này.

          (Diễn) Kim Bồ Đề tâm, chánh thị Bát Nhã kinh trung, bất trụ tướng, như hư không bất khả tư nghị chi phước, phi hữu vi sự tướng chi phước, cố vô ngại dã.

          ()今菩提心,正是般若經中,不住相,如虛空不可思議之福,非有為事相之福,故無礙也。

(Diễn: Nay tâm Bồ Đề đúng như kinh Bát Nhã nói, nó là phước chẳng trụ nơi tướng, như hư không chẳng thể nghĩ bàn, chẳng phải là phước thuộc sự tướng hữu vi, cho nên vô ngại).

          Lời giải đáp này rất viên mãn. Bồ Đề tâm là chân tâm, Bồ Đề tâm là bản tánh. Lục Tổ đại sư khai ngộ, đã nêu bày cảnh giới Ngài khế nhập như sau: “Nào ngờ tự tánh, vốn sẵn thanh tịnh”. Sau khi đã tiến nhập, Ngài mới phát hiện! “Nào ngờ tự tánh, vốn sẵn trọn đủ”, “trọn đủ” chính là phước. Hết thảy các thiện căn chẳng có gì không đầy đủ, thuộc về Tánh Đức, chẳng phải là Tu Đức. “Nào ngờ tự tánh, có thể sanh ra vạn pháp”, chẳng có phước thì làm sao có thể sanh ra vạn pháp? Nói theo vạn pháp thì là Sự và Lý, tất cả hết thảy sự tướng thảy đều do tự tánh biến hiện. Ngay cả y báo và chánh báo trang nghiêm trong thế giới Hoa Tạng và thế giới Tây Phương thảy đều sanh từ tự tánh, lẽ nào chẳng phải là phước? Đấy là phước báo xứng tánh. Do vậy, trong hết thảy các kinh Đại Thừa, đức Phật khuyên chúng ta hãy phát Bồ Đề tâm. Chúng ta chẳng có thiện căn, mà cũng chẳng có phước đức. Hễ phát Bồ Đề tâm, thiện căn và phước đức đều trọn đủ viên mãn. Cho dù mười phương hết thảy chư Phật tán thán, đều chẳng thể tán thán trọn hết được! Do nó thảy đều trọn đủ, lẽ nào chẳng phải là phước? Công đức phát tâm chẳng thể nghĩ bàn, phẩm Sơ Phát Tâm của kinh Hoa Nghiêm đã nói rất hay. Phước này hàng Đại Thừa Bồ Tát đều có, Nhị Thừa và phàm phu đều chẳng có phần.

          (Sao) Nhiên kim sớ bất dĩ phối phước, nhi thuộc chi thiện căn giả hà?

()然今疏不以配福,而屬之善根者何。

(Sao: Nhưng bộ sớ này lại chẳng coi [Bồ Đề tâm] là phước, mà xếp nó vào thiện căn là vì lẽ gì?)

           “Kim sớ” (今疏) là nói đến bộ Sớ Sao này. Trong Sớ Sao, Bồ Đề tâm được xếp vào thiện căn, chẳng xếp vào phước, là do duyên cớ nào?

          (Sao) Lương dĩ thiện chi dữ phước, Biệt chi tắc nhị, Tổng chi tắc nhất.

()良以善之與福,別之則二,總之則一。

(Sao: Ấy là vì thiện và phước, xét theo Biệt thì là hai, xét theo Tổng bèn là một).

          Thiện căn và phước đức, có lúc có mối quan hệ liên đới mật thiết. Tục ngữ Trung Hoa thường nói: “Phước chí tâm linh”, tức là kẻ ấy bình thường rất đần, khi phước báo đưa đến, bỗng nhiên thông minh. Điều này nói rõ mối quan hệ liên đới giữa thiện căn và phước đức. Người thật sự có phước, nhất định là có thiện căn, nhất định là có trí huệ. Nếu có phước, chẳng có trí huệ, chẳng có thiện căn, kinh Phật gọi điều phước ấy là “si phước”, ngu si đó mà! Si phước chẳng đáng coi là quý! Tuy có phước báo, kết quả là suốt một đời vẫn phải chịu khổ, chịu nạn, rất nhiều! Thế gian này rất nhiều kẻ có tiền, là đại xí nghiệp gia, khổ sở khôn cùng! Cuộc sống cũng rất tiết kiệm, bớt ăn, bớt mặc, tiền của rất nhiều, đều để cho kẻ khác hưởng phước, suốt đời vất vả kinh doanh cho người khác hưởng phước. Có phải là kẻ ấy thật sự tạo phước cho quý vị hưởng hay không? Chẳng phải vậy! Người ấy chẳng có cái tâm đó, mà cũng chẳng có ý nghĩ đó, nhưng sống hồ đồ mơ màng cả đời. Đó là si phước. Người như vậy rất nhiều, ở Trung Hoa lẫn ngoại quốc đều có thể thấy.

          Người thật sự có trí huệ, có thiện căn, hễ có phước báo, nhất định sẽ để cho chúng sanh hưởng phước. Người ấy có thiện tâm như vậy, thật sự vì xã hội, vì đại chúng tạo phước, khiến cho mọi người hưởng phước, phước báo càng to hơn nữa. Suốt đời, Ấn Quang đại sư bội phục Khổng lão phu tử nhất. Khổng lão phu tử khởi tâm động niệm đều nghĩ vì quốc gia, vì thiên hạ, vì hết thảy chúng sanh, chẳng nghĩ tới chính mình. Suốt đời Ngài tu tập, tích lũy, phước báo ấy to lớn, mãi cho đến nay, con cháu

Ngài luôn được người đời tôn trọng.

Người thứ hai được tổ Ấn Quang bội phục là Phạm Trọng Yêm. Phạm Trọng Yêm suốt đời sống rất kham khổ, xuất tướng, nhập tướng[3]. Ông ta là một vị Tể Tướng nổi danh đời Tống, là một nhà quân sự kiêm chánh trị gia lỗi lạc. Suốt đời, ông Phạm dùng toàn bộ thu nhập của chính mình để làm sự nghiệp công ích cho xã hội. Làm đến Tể Tướng, mà khi chết, không mua nổi quan tài, vì tiền tài đã đem bố thí hết cả rồi! Do vậy, nhà họ Phạm mãi cho đến nay gia đạo chẳng suy, con cháu đều tốt đẹp. Trong Văn Sao, tổ Ấn Quang nói gia tộc ông ta suốt tám trăm năm chẳng suy vi, do tổ tông tích đức sâu dầy! Trong lịch sử Trung Hoa, rất ít thấy [trường hợp tương tự], gia tộc bình thường có thể duy trì ba đời cũng chẳng nhiều! Còn hai gia tộc ấy (gia tộc Khổng Tử và gia tộc Phạm Trọng Yêm) mấy chục đời đều chẳng suy. Điều này đáng cho chúng ta phản tỉnh, đáng cho chúng ta noi theo.

          (Sao) Biệt nhi ngôn chi, tắc Bồ Đề tâm thiên thuộc thiện căn. Tổng nhi ngôn chi, tắc Bồ Đề tâm diệc khả vân phước. Quán Kinh tổng cử, ngôn phước vô ngại.

          ()別而言之,則菩提心偏屬善根;總而言之,則菩提心亦可云福。觀經總舉言福無礙。

(Sao: Nói theo Biệt, Bồ Đề tâm thiên về thiện căn. Nói theo Tổng, cũng có thể nói Bồ Đề tâm là phước. Quán Kinh nói theo Tổng, nên bảo [Bồ Đề tâm] là phước chẳng trở ngại gì).

          Trong kinh này, Liên Trì đại sư chẳng quy Bồ Đề tâm vào phước đức mà xếp Bồ Đề tâm vào thiện căn. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, đức Thế Tôn xếp Bồ Đề tâm vào phước đức, đều đúng, chẳng trở ngại gì!

          (Sao) Vấn: Bảo Tích Đại Bổn vân: “Dục kiến Vô Lượng Thọ Phật giả, ưng phát Vô Thượng Bồ Đề tâm. Phục đương chuyên niệm bỉ quốc, tích tập thiện căn”. Tắc Bồ Đề, thiện căn, tự vi nhị sự, kim hà trực dĩ thiện căn thuộc Bồ Đề tâm?

          ()問:寶積大本云:欲見無量壽佛者,應發無上菩提心,復當專念彼國,積集善根,則菩提善根,似為二事,今何直以善根屬菩提心。

(Sao: Hỏi: Kinh Đại Bổn trong bộ Bảo Tích có nói: “Muốn thấy Vô Lượng Thọ Phật, hãy nên phát Vô Thượng Bồ Đề tâm. Lại hãy nên chuyên niệm cõi ấy, chứa nhóm, tu tập thiện căn”. Như vậy thì Bồ Đề và thiện căn dường như là hai chuyện, sao nay lại thẳng thừng bảo thiện căn thuộc về Bồ Đề tâm?)

          Nói thật ra, bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư có cái hay là vô cùng tường tận, giải trừ rất nhiều nghi hoặc của bọn chúng sanh chúng ta! Đọc kinh quá nhiều, vấn đề cũng lắm. Vì sao? Trong kinh này, đức Phật nói như thế này, kinh kia lại nói theo kiểu như thế nọ, chuyện phiền toái bèn xảy ra. Người hoàn toàn chẳng niệm kinh sẽ chẳng có vấn đề gì, thật thà niệm Phật đâm ra sẽ thành tựu rất nhanh chóng. Vì thế, các vị pháp sư trong Giáo Hạ rất nhiều người chẳng bằng những ông già bà cả thật thà niệm Phật. Khi vãng sanh, họ biết trước lúc mất, đứng mất, ngồi mất rất nhiều. Tình hình [lúc mất của] những vị pháp sư trong Giáo Hạ chẳng bằng họ là do nguyên nhân nào? Xem kinh nhiều quá, nghi vấn cả đống. Nếu chẳng thể đoạn trừ nghi vấn, tín tâm sẽ bị chướng ngại. Nói thật ra, qua tác phẩm Sớ Sao, chủ ý chánh yếu của Liên Trì đại sư là nhằm giúp chúng ta phá mê, dấy lên lòng tin, kiến lập tín tâm. Quý vị đã có tín tâm, tự nhiên sẽ phát nguyện tu hành.

          Đây là do đọc hội Vô Lượng Thọ trong kinh Bảo Tích, thấy có nói một câu như thế này: “Dục kiến Vô Lượng Thọ Phật giả” (Muốn thấy Vô Lượng Thọ Phật), quý vị mong thấy Vô Lượng Thọ Phật, phải hội đủ những điều kiện nào? “Ưng phát Vô Thượng Bồ Đề tâm” (Hãy nên phát tâm Vô Thượng Bồ Đề), đây là điều kiện thứ nhất. “Phục đương chuyên niệm bỉ quốc” (Lại hãy nên chuyên niệm cõi ấy), đấy là nhớ Phật, niệm Phật. Đó là điều kiện thứ hai. “Tích tập thiện căn” là điều kiện thứ ba, phải đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện. Trọn đủ ba điều kiện ấy thì mới có thể thấy Vô Lượng Thọ Phật, nói cách khác là mới có thể vãng sanh thế giới Tây Phương. Chiếu theo cách nói này, “tắc Bồ Đề thiện căn” (thì Bồ Đề và thiện căn) dường như là hai chuyện. Trong ba điều kiện trên đây, điều kiện thứ nhất là Bồ Đề tâm, điều kiện thứ ba là thiện căn, dường như là hai chuyện, chẳng giống như là một chuyện. Cớ sao Liên Trì đại sư xếp Bồ Đề tâm vào thiện căn, chẳng phải là biến chúng thành một chuyện ư?

          (Sao) Đáp: Bỉ đản ngôn thiện căn, thử nãi vân đa thiện căn, “đa” chi nhất tự, phi Bồ Đề tâm, hà dĩ đương thử?

     ()答:彼但言善根,此乃云多善根,多之一字,非菩提心,何以當此。

          (Sao: Đáp: Kinh ấy chỉ nói “thiện căn”, kinh này bèn nói là “nhiều thiện căn”, một chữ “nhiều” ấy, nếu chẳng phải là Bồ Đề tâm thì dùng gì để tương ứng với nó được?)

          Liên Trì đại sư rất cao minh. Trong kinh Vô Lượng Thọ chỉ nói “thiện căn”, kinh Di Đà nói “nhiều thiện căn”. “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc”, chính là nhiều thiện căn, then chốt ở ngay một chữ Nhiều! Trong kinh chẳng có chữ ấy. Kinh chỉ nói: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc”, chẳng thể ít, đương nhiên là nhiều! Đã là nhiều, mà nếu chẳng gieo thiện căn từ Bồ Đề tâm, làm sao có thể coi là nhiều cho được? Đáp rất hay khéo, rất khá! Tiếp đó, lại có một câu hỏi khác.

          (Sớ) VấnTức trì danh vi đa thiện căn, phước đức, thử kinh chi ngoại, biệt hữu chứng cứ phủ?

          ()問:即持名為多善根福德,此經之外,別有證據否。

(Sớ: Hỏi: Nếu trì danh là nhiều thiện căn, nhiều phước đức, ngoài kinh này ra, có chứng cứ nào khác hay không?)

          Điều này do Liên Trì đại sư đề xướng, cổ nhân có tranh luận, nên lão nhân gia đã dung hợp trọn hết các ý nghĩa của cổ đại đức, coi trì danh là thiện căn, lại coi trì danh là phước đức. [Do đó], trì danh là nhiều thiện căn, nhiều phước đức. Người chất vấn bèn nói: “Ngoài kinh này ra, còn có chứng cứ nào khác hay không?”

          (Sớ) Đáp: Lịch lịch khả chứng, như Đại Bi, Đại Phẩm đẳng thuyết.

          ()答:歷歷可證,如大悲大品等說。

(Sớ: Đáp: Rành rành có thể chứng minh, như các kinh Đại Bi, Đại Phẩm v.v… đã nói).

          Liên Trì đại sư xác thực là uyên bác các pháp thế gian và xuất thế gian, có thể nêu ra chứng cứ.

          (Sao) Chứng thiện căn giả.

          () 證善根者。

          (Sao: “Để chứng minh [trì danh là] thiện căn”).

          Trước hết, nêu ra chứng cứ nhằm chứng minh thiện căn.

          (Sao) Đại Bi kinh vân: “Nhất xưng Phật danh, dĩ thị thiện căn, nhập Niết Bàn giới, bất khả cùng tận”.

()大悲經云:一稱佛名,以是善根,入涅槃界,不可窮盡。

(Sao: Kinh Đại Bi[4] nói: “Dùng xưng danh hiệu Phật như là thiện căn để nhập Niết Bàn giới, chẳng thể cùng tận”).

           Kinh văn đã nói rất rõ ràng, minh bạch, “xưng danh” là thiện căn.

          (Sao) Hựu vân.

          ()又云。

          (Sao: Lại nói).

          Vẫn là điều được nói trong kinh Đại Bi.

          (Sao) Ngã diệt độ hậu, Bắc Thiên Trúc quốc, hữu tỳ-kheo danh Kỳ Bà Già, tu tập vô lượng tối thắng thiện căn, dĩ nhi mạng chung, sanh ư Tây Phương quá bách thiên ức thế giới, Vô Lượng Thọ Phật quốc, dĩ hậu thành Phật, hiệu Vô Cấu Quang Như Lai.

()我滅度後,北天竺國,有比丘名祈婆伽,修習無量最勝善根,已而命終,生於西方過百千億世界,無量壽佛國,以後成佛,號無垢光如來。

(Sao: Sau khi ta diệt độ, tại nước Bắc Thiên Trúc, có tỳ-kheo tên là Kỳ Bà Già tu tập vô lượng thiện căn thù thắng nhất, khi đã mạng chung, bèn sanh vào cõi Phật Vô Lượng Thọ ở Tây Phương cách đây trăm ngàn ức thế giới. Về sau, sẽ thành Phật, hiệu là Vô Cấu Quang Như Lai).

          Trong đoạn kinh văn này, đức Phật thọ ký cho ngài Kỳ Bà Già, nói minh bạch: Tu thiện căn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đây là một chứng cớ rất thuyết phục được nêu ra trong kinh Đại Bi. Ngoài kinh Đại Bi ra…

          (Sao) Hựu Đại Trang Nghiêm Kinh Luận.

          ()又大莊嚴經論。

          (Sao: Lại theo Đại Trang Nghiêm Kinh Luận[5]).

          Đây là chú giải của kinh Đại Trang Nghiêm.

          (Sao) Phật thế nhất lão nhân lai cầu xuất gia, Xá Lợi Phất đẳng chư đại đệ tử câu bất khẳng độ, dĩ quán bỉ đa kiếp vô thiện căn cố.

          ()佛世一老人來求出家,舍利弗等諸大弟子俱不肯度,以觀彼多劫無善根故。

(Sao: Thời đức Phật tại thế, có một cụ già đến xin xuất gia, các vị đại đệ tử như Xá Lợi Phất v.v… đều không chịu thế độ, vì xét thấy ông cụ trong nhiều kiếp chẳng có thiện căn).

          Năng lực thần thông của A La Hán chỉ có thể quan sát năm trăm đời. Hơn năm trăm đời, các Ngài chẳng có năng lực thông đạt. Năng lực thần thông của các Ngài chỉ to ngần ấy. Các Ngài thấy cụ già ấy trong suốt năm trăm đời chẳng gieo thiện căn, làm sao có thể xuất gia cho được? Chư vị phải hiểu: Thời đức Phật, người xuất gia đích xác là đều có thiện căn. Vì vậy, sau khi xuất gia, không một ai chẳng chứng quả, mức độ thấp nhất là chứng quả Tu Đà Hoàn của Tiểu Thừa. So trong ba thứ Bất Thoái, quả Tu Đà Hoàn là Vị Bất Thoái, vĩnh viễn chẳng bị thoái đọa vào tam đồ, [sau khi] qua lại cõi trời và nhân gian bảy lần, bèn chứng A La Hán. Nếu chẳng có Phật xuất hiện trong thế gian này, người ấy bèn thành Bích Chi Phật, quyết định thành tựu! Sau khi đức Phật đã diệt độ, bèn có người xuất gia mà chẳng có thiện căn, hiện thời mọi nơi đều là [những kẻ như vậy]! Chúng ta tu cả đời, cũng chẳng chứng được quả Tu Đà Hoàn. Nói thật thà, tu hành suốt đời, một phẩm phiền não cũng chẳng đoạn nổi! Tu hành sao cho cả đời phiền não không tăng trưởng là đã ghê gớm lắm rồi, đã được coi là rất có thành tựu! Đoạn phiền não há phải là chuyện dễ! Do vậy, trong thời kỳ Mạt Pháp, nếu chẳng tu pháp môn Niệm Phật, chẳng cầu đới nghiệp vãng sanh, quyết định là chẳng thể thành tựu, ắt phải biết điều này! Chúng ta xem đoạn văn này, [thấy rõ] năng lực của A La Hán nhỏ bé, chẳng thể thấy cụ già ấy trong đời quá khứ đã tu thiện căn, [thật sự] có thiện căn.

          (Sao) Phật tự độ chi, tức chứng đạo quả.

          ()佛自度之,即證道果。

          (Sao: Đức Phật liền tự độ cụ già ấy, cụ liền chứng đạo quả).

          Đức Phật cho cụ già ấy xuất gia, xuống tóc cho cụ. Sau khi xuống tóc không lâu, cụ bèn chứng quả A La Hán. Các đồng học thấy vậy đều lấy làm lạ: “Người này chẳng có thiện căn, cớ sao cũng có thể chứng quả A La Hán?” Đức Phật liền nói cho đại chúng biết nhân duyên ấy.

          (Sao) Nhân cáo đại chúng, thử nhân vô lượng kiếp tiền.

          ()因告大眾,此人無量劫前。

          (Sao: Nhân đó, [đức Phật] bảo đại chúng: “Người này trong vô lượng kiếp trước”).

          Vô lượng kiếp trước! Vô lượng kiếp trước thì đương nhiên là A La Hán đành chịu thua, năng lực của A La Hán rất hữu hạn.

          (Sao) Vi thải tân nhân, mãnh hổ bức cực, đại bố thượng thụ.

          ()為採薪人,猛虎逼極,大怖上樹。

          (Sao: “Làm người đẵn củi, do bị hổ dữ bức bách quá đỗi, hết sức kinh hoảng trèo lên cây”).

          [Thuở ấy], cụ là một tiều phu, lên núi đẵn củi gặp phải cọp. Cọp sắp ăn cụ, cụ hoảng hốt, trèo lên đầu ngọn cây, kêu một tiếng “Nam-mô Phật”. Do câu “Nam-mô Phật” ấy mà gieo thiện căn. Câu chuyện này xuất phát từ kinh Pháp Hoa, Đại Trang Nghiêm Luận dẫn câu chuyện này từ kinh Pháp Hoa.

(Sớ) Xưng nam-mô Phật, dĩ thị thiện căn, ngộ ngã đắc độ.

()稱南無佛,以是善根,遇我得度。

(Sớ: Xưng “Nam-mô Phật”, do thiện căn ấy, gặp ta, đắc độ).

           Vô lượng kiếp trước, bị cọp dọa nạt, hét một tiếng “Nam-mô Phật”; vô lượng kiếp sau, gặp gỡ Thích Ca Mâu Ni Phật, do một tí thiện căn ấy mà đắc độ. Do vậy, đối với các chúng sanh trong hiện tại, quý vị khuyên họ niệm “Nam-mô A Di Đà Phật” một tiếng, tức là đã gieo chủng tử. Cũng có lẽ trong vô lượng kiếp sau, khi gặp được vị Phật nào đó, họ sẽ đắc độ. Chúng ta có thể làm được chuyện này. Vì vậy, [để độ chúng sanh], phải dùng các thứ phương tiện thiện xảo. Chẳng hạn như người học Phật trên tay thường cầm chuỗi tràng hạt, người ta trông thấy, bèn “A Di Đà Phật”. Quý vị chẳng khuyên kẻ ấy, chính kẻ ấy tự kêu, tự niệm một tiếng “A Di Đà Phật”, công đức vô lượng, trong tương lai người ấy nhất định đắc độ, chúng ta biết chắc như vậy. Do đó, cửa nhà chúng ta dán một câu “Nam-mô A Di Đà Phật”, người ta vừa thấy [bèn nhẩm thầm] A Di Đà Phật, thế là được rồi. Chúng tôi in những tấm băng dính có danh hiệu A Di Đà Phật, hoặc in hình A Di Đà Phật, các đồng tu có thể thỉnh về nhà. Tết đến, đối với liễn dán cửa (câu đối Tết) bèn dán “Nam-mô A Di Đà Phật”, cát tường nhất, chẳng có gì tốt lành hơn được! Nếu chư vị chê nhỏ thì in dài hơn, in to như [khuôn khổ các] câu liễn dán cửa. Hai bên [cửa] đều dán Nam-mô A Di Đà Phật. Tôi ở Mỹ, căn nhà ấy chỗ nào cũng đều dán, có rất nhiều đồng học trông thấy, bất luận quý vị bước vào phòng nào cũng đều thấy A Di Đà Phật. Đó là chính mình tự gieo thiện căn, cũng giúp cho người khác gieo thiện căn, thời thời khắc khắc, khắp nơi khắp chốn nhắc nhở chính mình, [khiến cho] câu Phật hiệu chẳng bị gián đoạn. Vì thế, khắp nơi đều dán, khiến cho Phật hiệu của chúng ta chẳng bị gián đoạn.

          (Sao) Hoa Nghiêm Đệ Thập Hồi Hướng vân: “Nguyện ức niệm vô lượng vô biên thế giới, khứ lai hiện tại nhất thiết chư Phật”.

          ()華嚴第十回向云:願憶念無量無邊世界,去來現在一切諸佛。

(Sao: Phần giảng về Đệ Thập Hồi Hướng trong kinh Hoa Nghiêm có nói: “Nguyện ức niệm vô lượng vô biên thế giới, quá khứ, vị lai, hiện tại hết thảy chư Phật”).

          “Khứ” (去) là quá khứ, “lai” (來) là vị lai, “khứ lai hiện tại” là ba đời, mười phương ba đời hết thảy chư Phật.

          (Sao) Nhi thứ vân: “Dĩ thử niệm Phật thiện căn”.

          ()而次云:以此念佛善根。

          (Sao: Kế đó, bèn nói: “Do thiện căn niệm Phật này”).

          Niệm Phật là thiện căn, lại tìm ra một chứng cứ.

(Sao) Phàm thử, giai trì danh vi đa thiện căn chi minh chứng dã.

          () 凡此,皆持名為多善根之明證也。

(Sao: Phàm những câu như vậy đều là chứng cớ rành rành [chứng tỏ] trì danh là nhiều thiện căn vậy).

          Đấy là chứng cứ của “nhiều thiện căn”. Dưới đây là lời giải thích của sách Diễn Nghĩa đối với hai câu trong lời Sao. Câu đầu tiên [được giảng như sau]:

          (Diễn) “Dĩ thị thiện căn nhập Niết Bàn giới, bất khả cùng tận giả”: Dĩ xưng danh thiện căn, bất dữ nhất thiết hữu vi tương ứng, nãi tăng trưởng vô vi, tùy thuận vô vi chi thiện căn dã. Cố nhập Niết Bàn bất khả cùng tận. Thí như hữu nhân thực thiểu kim cang, chung cánh bất tiêu, yếu đương xuyên cốt nhi xuất. Xưng danh công đức trực chí Niết Bàn, diệc phục như thị.

     ()以是善根入涅槃界,不可窮盡者,以稱名善根,不與一切有為相應,乃增長無為,隨順無為之善根也,故入涅槃不可窮盡。譬如有人食少金剛,終竟不消,要當穿骨而出,稱名功德直至涅槃,亦復如是。

(Diễn: “Dùng thiện căn này để nhập Niết Bàn giới chẳng thể cùng tận”: Do thiện căn xưng danh chẳng tương ứng với hết thảy hữu vi, nên tăng trưởng vô vi, tùy thuận thiện căn vô vi. Vì thế, nhập Niết Bàn chẳng thể cùng tận. Ví như có người ăn một chút kim cang, rốt cuộc chẳng thể tiêu được, chất kim cang sẽ xuyên qua xương mà lọt ra, công đức xưng danh đạt thẳng đến Niết Bàn, cũng giống như thế đó).

          Giải thích và tỷ dụ đều rất hay. Chúng ta thường nói: “Tạo hết thảy thiện nghiệp, quả báo ở trong ba thiện đạo; tạo hết thảy ác nghiệp, quả báo ở trong ba ác đạo”. Niệm một câu A Di Đà Phật, rốt cuộc sẽ vào đường nào? Trong ba thiện đạo và ba ác đạo thảy đều chẳng có [A Di Đà Phật]. Do vì quý vị xưng niệm danh hiệu của Phật, Bồ Tát chẳng tương ứng với hết thảy các pháp hữu vi trong tam giới lục đạo, nên bất đắc dĩ gọi là “Tịnh nghiệp”. Mục tiêu chung cực viên mãn của Tịnh nghiệp là Đại Niết Bàn nơi quả địa Như Lai, nó tương ứng với điều này. Đúng là “niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Đối với “thâm tín nhân quả” được nói trong Tam Phước, thông thường tôi không giảng theo cách này, mà trực tiếp nói “niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Nhân quả ấy rất sâu, [ngay cả những vị] Bồ Tát bình phàm cũng đều không biết. [Nếu] đã biết thì không có vị nào chẳng niệm Phật, niệm Phật thành Phật mà! Cùng một đạo lý giống như vậy, quý vị niệm Bồ Tát thành Bồ Tát, niệm thiên sẽ sanh lên trời, niệm gì thành nấy, niệm lực to lớn chẳng thể nghĩ bàn! Người thế gian rất đáng thương, họ niệm ba ác đạo. Vì sao niệm ba ác đạo? Nghiệp nhân của ba ác đạo là Tam Độc. Trong tâm quý vị thường nghĩ tới tham sẽ là ngạ quỷ đạo. Hằng ngày nghĩ tới nóng giận sẽ là địa ngục đạo. Niệm nào cũng đều ngu si, chính là súc sanh đạo. Ngu si là tà, chánh, thiện, ác, chân, giả đều chẳng hiểu rõ ràng, đó là ngu si. Sống suốt cả đời hồ đồ, mơ màng; đó là súc sanh đạo. Do vậy, kẻ niệm ba ác đạo đông lắm, kẻ niệm tham, sân, si nhiều lắm. Câu thứ hai:

          (Diễn) Tu tập vô lượng tối thắng thiện căn giả, “vô lượng” ngôn kỳ quảng đại, “tối thắng” ngôn kỳ vi diệu. Dĩ xứng tánh chi tu, nhất tu, nhất thiết tu, quảng vô nhai bạn, diệu bất khả trắc cố. Nguyện ức niệm vô lượng vô biên thế giới, thị hoành biến nhất thiết xứ; khứ lai hiện tại nhất thiết chư Phật, thị thụ biến nhất thiết thời. Sở vị “nhất niệm, nhất thiết niệm; nhất thiết niệm, nhất niệm” dã.

()修習無量最勝善根者,無量言其廣大,最勝言其微妙。以稱性之修,一修一切修,廣無涯畔,妙不可測故。願憶念無量無邊世界,是橫遍一切處,去來現在一切諸佛,是豎遍一切時,所謂一念一切念,一切念一念也。

(Diễn: “Tu tập thiện căn vô lượng tối thắng”: Nói “vô lượng” nghĩa là rộng lớn. “Tối thắng” là vi diệu. Do tu xứng tánh, nên một tu, hết thảy tu, rộng rãi không ngằn mé, mầu nhiệm chẳng thể lường. “Nguyện ức niệm vô lượng vô biên thế giới” tức là theo chiều ngang trọn khắp hết thảy các chốn. “Quá khứ, vị lai, hiện tại hết thảy chư Phật” là theo chiều dọc trọn khắp hết thảy các thời. Đó gọi là “một niệm, hết thảy niệm; hết thảy niệm là một niệm”).

          Nói thông thường, đây chính là “xứng tánh khởi tu, toàn tu tức tánh”; vì thế, thiện căn và phước đức chẳng thể nghĩ bàn. Các đồng tu chúng ta niệm Phật, đặc biệt là Trì Danh Niệm Phật, nếu quý vị thật sự là “nhất tâm xưng danh”, thiện căn do quý vị tu tập, tích lũy sẽ giống như kinh đã nói. Trên đây là trích dẫn kinh luận hòng nêu rõ trì danh niệm Phật là thiện căn, chẳng sai! Cớ sao lại nói trì danh niệm Phật là phước đức? Đoạn dưới đây nêu ra một chứng cứ.

          (Sao) Chứng phước đức giả.

          () 證福德者。

          (Sao: Chứng tỏ [trì danh] là phước đức).

          Chứng tỏ trì danh niệm Phật là phước đức.

          (Sao) Đại Phẩm Bát Nhã kinh vân: “Nhược nhân tán tâm niệm Phật, diệc đắc ly khổ, kỳ phước bất tận, huống định ý niệm”.

()大品般若經云:若人散心念佛,亦得離苦,其福不盡,況定意念。

(Sao: Kinh Đại Phẩm Bát Nhã[6] nói: “Nếu ai tán tâm niệm Phật cũng được lìa khổ, phước ấy bất tận, huống hồ là ý an định mà niệm”).

           “Tán tâm”: Chẳng phải là chuyên tâm, chẳng phải là nhất tâm. Thông thường là tán niệm, [nghĩa là] đôi khi là miệng có, tâm không, xướng lên câu Phật hiệu này thì gọi là tán niệm. Tán niệm cũng có phước.

(Diễn) Tán tâm niệm Phật, thị trước thật ức trì, trước thật thể cứu. Vị nhập nhất tâm giả, phi như kim nhân toàn bất trước ý, đồ sự thần thiệt dã.

()散心念佛,是著實憶持,著實體究。未入一心者,非如今人全不著意,徒事唇舌也。

(Diễn: Tán tâm niệm Phật là thật sự nghĩ nhớ, trì niệm, thật sự thấu hiểu, tham cứu; [nói “tán tâm niệm Phật” nghĩa là nói tới] người chưa đắc nhất tâm, chẳng phải như người hiện thời hoàn toàn chẳng dốc ý, chỉ niệm suông bằng miệng lưỡi mà thôi).

          “Tán tâm niệm Phật, diệc đắc ly khổ, kỳ phước bất tận” (Tán tâm niệm Phật cũng được lìa khổ, phước ấy bất tận). “Tán tâm” là nói đối ứng với nhất tâm, [tức là] “chưa chứng đắc nhất tâm”. Trước khi chứng đắc nhất tâm thì đều gọi là “tán tâm niệm Phật”. Kinh Vô Lượng Thọ nói tán tâm niệm Phật là “một mực chuyên niệm”. Chưa đắc nhất tâm, tiêu chuẩn sẽ là “trước thật ức trì” (thật sự nghĩ nhớ, trì niệm), thật sự niệm, thật sự “thể cứu”. Thể (體) là thấu hiểu, “cứu” (究) là tham cứu. Người ấy chẳng phải là nghiên cứu, nghiên cứu là [sử dụng] thức thứ sáu, tức ý thức. Chẳng dùng tâm ý thức thì gọi là tham cứu, cũng là chuyên tâm, nhất tâm nhất ý xưng niệm, nhưng chưa đắc nhất tâm bất loạn. Nói cách khác, đã có thể chế phục phiền não, [vẫn còn] chưa đoạn phiền não. Đoạn phiền não thì mới gọi là nhất tâm, xác thực là đã khuất phục phiền não. Niệm Phật hay niệm kinh đều phải có công phu này thì mới đạt được phước báo. “Phi như kim nhân toàn bất trước ý” (Chẳng phải là như người hiện thời hoàn toàn chẳng dốc ý), nói đến những kẻ “miệng có, tâm không”. Chẳng thể nói kẻ “miệng có, tâm không” chẳng có phước báo; họ cũng có phước báo, nhưng chẳng thể vãng sanh trong một đời này! Như trong phần trước đã nói: Tiều phu do bị hổ đuổi gắt gao, bèn hét lên một tiếng Nam-mô Phật, phải chờ tới vô lượng kiếp sau mới có thể đắc độ, chẳng thể thành tựu trong một đời này. Nếu mong thành tựu trong một đời này, tán tâm niệm Phật vẫn được. Tán tâm niệm Phật là công phu thành phiến, có thể sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, “tán tâm” ở đây mang ý nghĩa này. Có thể sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, há có thể bảo là chẳng có phước ư? Chẳng có phước báo, làm sao có thể sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới cho được? Đây là nói tới tiêu chuẩn của tán tâm trì danh.

          (Diễn) Định ý niệm Phật, thị ký đắc Sự nhất tâm.

          ()定意念佛,是既得事一心。

          (Diễn: Ý an định niệm Phật là đã đắc Sự nhất tâm).

          Điều này quả thật chẳng dễ dàng! “Sự nhất tâm” là cảnh giới gì? Đã đoạn Kiến Tư phiền não, chẳng phải là chế phục. Chế phục là công phu thành phiến. Đã đoạn Kiến Tư phiền não bèn bằng với A La Hán trong Tiểu Thừa, công phu như vậy đó.

          (Diễn) Nhi phục ư định tâm trung, niệm niệm ức trì, tâm tâm nghiên cứu giả. Nhược thị Lý nhất tâm, tắc thị ly niệm cảnh giới. Ký dĩ vô ý, kiêm diệc bất chỉ thị định dã.

()而復於定心中,念念憶持,心心研究者。若是理一心,則是離念境界,既已無意,兼亦不止是定也。

(Diễn: Lại còn trong cái  tâm  đã  định  mà  niệm  niệm  nghĩ  nhớ,

vâng giữ, tâm luôn nghiên cứu. Nếu là Lý nhất tâm thì sẽ là cảnh giới ly niệm. Đã là không có ý thì cũng chẳng phải là chỉ giới hạn trong Định ấy).

          Sự nhất tâm bất loạn là đã đoạn Kiến Tư phiền não. Trong Định, một câu Phật hiệu thường chẳng gián đoạn, không xen tạp, như vậy thì sẽ có thể niệm đến Lý nhất tâm bất loạn. Lý nhất tâm bất loạn là phá một phần vô minh, Trần Sa phiền não cũng đoạn, Vô Minh phiền não cũng phá mấy phẩm, vị ấy còn niệm hay không? Vẫn niệm câu A Di Đà Phật, một mực niệm đến cùng. Ngay như khi người ấy đã niệm đến mức thành Phật viên mãn rốt ráo thì còn có niệm hay không? Vẫn niệm! Đấy là “huống định ý niệm Phật” (huống hồ là tâm ý an định niệm Phật). Hết thảy chư Phật, chẳng có vị Phật nào không niệm Phật. Vì vậy, pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn. Đã thành Phật mà vẫn niệm Phật, đấy là đại từ, đại bi, nêu gương cho chúng ta nhằm hóa độ chúng sanh. Chúng ta thấy Phật luôn niệm A Di Đà Phật, [sẽ nghĩ] chắc là A Di Đà Phật tốt lắm, chúng ta niệm Ngài sẽ chẳng có vấn đề gì! Chư Phật đều niệm A Di Đà Phật cơ mà! Đương nhiên là chúng ta cũng phải nên niệm A Di Đà Phật. Đấy là phương tiện để đức Phật dạy chúng ta niệm A Di Đà Phật. Không chỉ là Thích Ca Mâu Ni Phật niệm A Di Đà Phật, mà mười phương ba đời hết thảy chư Phật, không vị Phật nào chẳng niệm A Di Đà Phật.

          Ở đây, Tổ đã nêu chứng cứ được nói trong kinh Đại Phẩm Bát Nhã [hòng chứng tỏ] niệm Phật là phước đức. Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi giảng tới chỗ này!

[1] Đi, đứng, nằm, ngồi là bốn oai nghi, mỗi oai nghi có đủ 250 giới, nên 4×250 thành 1.000. Lại phối hợp với Tam Tụ Luật Nghi nên 3×1.000=3.000. Lại phối hợp với bảy chi (giết, trộm, dâm, nói đôi chiều, ác khẩu, vọng ngữ, ỷ ngữ) nên 7×3.000=21.000, lại phối hợp với bốn phiền não là tham, sân, si, đẳng phần, thành 4×21.000=84.000. Do đó gọi là tám vạn bốn ngàn tế hạnh. Nay thường nói “tám vạn tế hạnh” là chỉ nói con số tròn, lược bớt số lẻ.

[2] Nói “chú chẳng có ý nghĩa” thì cũng giống như Hòa Thượng Tịnh Không thường nói “kinh Phật chẳng có ý nghĩa”. Do kinh chú có vô lượng nghĩa, chẳng thể nào nói trọn, hễ nói lên một nghĩa nào đều là nói phương tiện nhằm thích ứng với một hạng căn cơ nào đó. Thật ra, có thể nói: Chú là kết tinh của tất cả chân lý ẩn tàng trong kinh Phật. Cũng vì vậy, chư tổ sư thường nói chú có ý nghĩa bí mật, nên chẳng phiên dịch. Gọi là “bí mật” vì chẳng phải là cảnh giới phàm phu, Nhị Thừa, Quyền Giáo Bồ Tát chẳng thể thấu hiểu được, nên gọi là “bí mật”. Vì lẽ này, Hòa Thượng Tịnh Không thường nói: “Mật Giáo chẳng phải là pháp tu tập của hàng sơ cơ, tiểu căn, Nhị Thừa”. Do vậy, để giải thích một chữ Hồng (Hūṃ), pháp sư Không Hải đã viết một tác phẩm dầy, nhưng cũng chỉ là “giới thiệu một giọt nước trong biển cả”. Hoặc như lạt-ma Govinda có nói: Để giải thích ý nghĩa được bao hàm trong một chữ Aum thì dù có hằng sa kiếp cũng chẳng thể giải thích trọn vẹn.

[3] Xuất tướng, nhập tướng (出將入相): Ra ngoài các tỉnh, làm vị tướng cầm quân, về triều làm Tể Tướng. Từ lúc vừa mới thi đỗ Tiến Sĩ, ông đã được phong làm Tư Lý Tham Quân huyện Quảng Đức, tỉnh An Huy, trải qua nhiều chức quan, do tính cương nghị, nói thẳng, không e ngại, nên từng có lúc bị vu cáo, bị đày đi làm Thông Phán phủ Hà Trung. Khi Lý Nguyên Hạo của Tây Hạ quấy rối biên giới, ông đã được phong làm Kinh Lược An Phủ Sứ Chiêu Thảo Phó Sứ của tỉnh Thiểm Tây, phù tá chủ soái Hạ Tủng bình định loạn Tây Hạ, phòng ngự biên giới phía Tây. Dân chúng ca tụng tài thao lược của ông bằng câu: “Quân trung hữu nhất Phạm, Tây tặc văn chi kinh phá đảm” (trong quân có một ông Phạm, giặc Tây nghe tiếng sợ nát gan). Về sau, ông từng làm đến chức Khu Mật Sứ (chức quan coi việc chánh trị cao nhất, chỉ dưới Tể Tướng), rồi kiêm nhiệm Tham Tri Chánh Sự (phó Tể Tướng).

[4] Kinh này do pháp sư Na Liên Đề Lê Da Xá và Pháp Trí cùng dịch vào năm Thiên Bảo thứ chín (570) đời Bắc Tề gồm mười ba phẩm. Kinh được giảng khi đức Phật sắp nhập Niết Bàn. Đức Phật nằm bên hông hữu, phóng quang chiếu khắp đại thiên, Đại Phạm Vương đến thỉnh pháp, được đức Phật phó chúc hộ trì đại thiên thế giới. Ma tử Thương Chủ thỉnh Phật trụ thế, đức Phật thọ ký ông ta sẽ thành Bích Chi Phật. Đức Phật lần lượt dạy pháp cho nhiều người, phó chúc Ca Diếp hoằng truyền chánh pháp, thọ ký những vị thượng thủ sẽ hoằng dương Phật pháp sau khi đức Phật nhập diệt như tỳ-kheo Tỷ Đề Xa, tỳ-kheo Đề Tri Ca, Ưu Ba Cúc Đa, A Thâu Sa Cúc Đa, Úc Đa Già v.v… Đồng thời, đức Phật dạy về công đức cúng dường xá-lợi và công đức Niệm Phật…

[5] Đại Trang Nghiêm Kinh Luận còn gọi tắt là Đại Trang Nghiêm Luận hay Trang Nghiêm Luận là một bộ luận do Mã Minh Bồ Tát viết, được ngài Cưu Ma La Thập dịch sang Hán văn, gồm mười lăm quyển. Luận gồm chín mươi chương, có chép nhiều sự kiện liên quan đến cuộc đời đức Phật.

[6] Kinh Đại Phẩm Bát Nhã còn gọi là Nhị Vạn Ngũ Thiên Tụng Bát Nhã, Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh, hoặc Tân Đại Phẩm Kinh, do ngài Cưu Ma La Thập phiên dịch vào đời Diêu Tần, gồm hai mươi bảy quyển. Các bộ Đại Trí Độ Luận, Đại Phẩm Kinh Nghĩa Sớ (do ngài Cát Tạng biên soạn) và Chú Giải Đại Phẩm Kinh (của Lương Vũ Đế) đều là chú giải của bản kinh này. Các bản dịch khác của kinh này là Quang Tán Bát Nhã Ba La Mật Kinh (do ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn), Phóng Quang Bát Nhã Ba La Mật Kinh (do ngài Vô La Xoa dịch vào đời Tây Tấn). Đại Phẩm Bát Nhã Kinh tương ứng với hội thứ hai trong bộ Đại Bát Nhã sáu trăm quyển do ngài Huyền Trang dịch vào đời Đường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *