Tập 181/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 181

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm bảy mươi tám:

         (Sao) Nhất kích vong sở tri, cánh bất giả tu trì, động dung dương cổ lộ, bất đọa tiễu nhiên cơ.

()一擊忘所知,更不假修持,動容揚古路,不墮悄然機。

(Sao: Vừa đụng bèn quên sạch sở tri, chẳng còn nhọc sức phải tu trì, hành vi, vẻ mặt phô đường cũ, chẳng đọa vào trong nẻo tịch vi).

Đây là bài kệ do Ngài (thiền sư Hương Nham) đã nói khi khai ngộ, trong Thiền Tông gọi là “cơ phong” (機鋒). Khi công phu thành thục, gặp cơ duyên, đó là đại triệt đại ngộ. Từ chỗ này, chúng ta cũng hiểu: Ắt phải phá hai thứ chướng thì mới thật sự triệt ngộ. Nếu Ngài vẫn còn có Sở Tri Chướng, sẽ chẳng có cách nào ngộ. Nói cách khác, trước kia, Ngài chẳng ngộ là vì có Sở Tri Chướng. Hai thứ Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng đều là đại chướng ngại, ắt phải lìa bỏ hai thứ ấy. Phải phá Sở Tri Chướng như thế nào? Bí quyết là một chữ Vong (忘), quý vị có thể quên sạch những gì đã biết, đúng như kinh Bát Nhã đã nói là Vô Tri. Vô Tri bèn phá Sở Tri Chướng; Vô Đắc phá Phiền Não Chướng. Tâm Kinh đến cuối cùng bèn nói “vô trí mà cũng vô đắc”, hai chướng ấy đều phá, nên liền chứng đắc viên mãn Bát Nhã Ba La Mật. Nay chúng ta dụng công cách nào cũng chẳng thể nhập cảnh giới ấy là do chưa phá hai chướng. Không chỉ chẳng phá, mà hai chướng ấy đều tăng thêm theo thời gian. Đây là chuyện phiền phức to lớn, người tu hành hãy nên chú ý điều này. Dù là Tịnh Độ đới nghiệp vãng sanh, hai thứ chướng ấy càng ít càng hay, đến Tây Phương sẽ tăng cao phẩm vị. Sau khi đã phá hai chướng, phương pháp dụng công sẽ hoàn toàn chẳng giống như chúng ta trong hiện thời. Chúng ta dụng công trong hiện tại là hữu tu, hữu chứng. Sau khi đã phá hai thứ chướng, bèn là vô tu, vô chứng. Chẳng chứng mà chứng, chứng mà chẳng chứng, chẳng tu mà tu, tu mà chẳng tu, nên “cánh bất giả tu trì” (chẳng còn nhọc sức phải tu trì).

          (Diễn) Cánh bất giả tu trì.

          ()更不假修持。

(Diễn: Chẳng còn nhọc sức phải tu trì).

          Không cần phải cậy vào tu trì nữa, tu hay chẳng tu? Vẫn tu y như cũ! Đại Thế Chí Bồ Tát đã đạt tới địa vị Đẳng Giác, cao minh hơn Hương Nham rất nhiều. Cảnh giới của Hương Nham là Sơ Trụ trong Viên Giáo, vừa mới nhập lưu (dự vào địa vị Pháp Thân đại sĩ), được gọi là “phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân”, ngài Hương Nham vừa mới đạt đến cảnh giới này. Đại Thế Chí Bồ Tát là Đẳng Giác Bồ Tát, cao hơn Sư (ngài Hương Nham) bốn mươi cấp bậc, Đại Thế Chí Bồ Tát có tu hay không? Vẫn là “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm nối tiếp”. Mỗi ngày, Ngài vẫn niệm một câu A Di Đà Phật, chẳng phải là không niệm. Tuy niệm câu A Di Đà Phật, Ngài niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm. Vì thế, “chẳng còn nhọc sức phải tu trì”.

          (Diễn) Sở vị: Tu chứng tức bất vô, nhiễm ô tức bất đắc.

()所謂修證即不無,染污即不得。

(Diễn: Đó gọi là: Chẳng phải là không có tu chứng, nhưng chẳng bị nhiễm ô).

          Hai câu này do thiền sư Hoài Nhượng thưa với Lục Tổ. Lục Tổ hỏi Sư: “Ông có còn tu hay không?” Có! “Tu chứng tức bất vô”, [ý nói] con còn có tu. Tuy tu, nhưng “nhiễm ô tức bất đắc”, đó là vô tu, chẳng giữ lại ấn tượng, tâm địa thanh tịnh. Nhìn từ bề ngoài, Sư có tu, nhưng nói theo bên trong, thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần, đúng là “vốn chẳng có một vật”. Thiền sư Hoài Nhượng nói lời ấy, Lục Tổ liền ấn chứng: “Như thị, như thị” (Đúng như thế đấy), ông tu theo cách ấy, mà ta cũng tu theo cách ấy.

            (Diễn) Hựu tức sở vị, đoạn trừ vọng tưởng trùng tăng bệnh, thú hướng Chân Như diệc thị tà.

()又即所謂,斷除妄想重增病,趣向真如亦是邪。

(Diễn: Lại chính là như thường nói: “Đoạn trừ vọng tưởng càng thêm bệnh, tiến đến Chân Như cũng vẫn tà”).

          Chư vị phải biết: Đã đạt tới cảnh giới ấy thì mới có thể thốt lời này. Nếu chưa đạt đến cảnh giới ấy, quý vị muốn học theo kiểu này, sẽ chẳng được! Khi ấy, Kiến Tư phiền não đều đoạn; nếu vẫn còn phải đoạn phiền não thì chẳng phải là có bệnh rồi sao? Giống như quý vị bị bệnh phải uống thuốc, đó là đúng. Bệnh đã lành mà lại uống thuốc, há chẳng phải là lại sanh bệnh ư? Chẳng có bệnh, uống thuốc vào, sẽ đổ bệnh ra, có ý nghĩa này! Nay chúng ta đang bị bệnh, cần phải uống thuốc; họ đã lành bệnh, nên chẳng cần uống thuốc, cảnh giới chẳng giống chúng ta! Vì thế, họ chẳng đoạn vọng tưởng, mà cũng chẳng cần cầu Chân! Vì sao? Đã thật sự chứng đắc. Đã chứng đắc Chân, mà còn lại cầu Chân, tức là trên cái Chân lại chồng thêm một cái Chân nữa, sai mất rồi! Vì thế, bậc Bồ Tát từ hàng kiến tánh trở lên, nếu thật sự còn có tu, còn có chứng, tức là sai lầm quá đỗi! Cảnh giới của các Ngài là vô trí mà cũng vô đắc, vô tu, vô chứng, đó là thật sự chứng đắc.

          (Diễn) Hựu tức sở vị, tùng kim dĩ hậu, bất nghi thiên, bất nghi địa dã.

            ()又即所謂,從今以後不疑天不疑地也。

(Diễn: Lại chính là nói: “Từ nay trở đi, chẳng ngờ trời, chẳng ngờ đất”).

          Vạn pháp như nhau, vĩnh viễn đoạn nghi căn,  đối với hết thảy các

pháp đều chẳng hoài nghi. Không chỉ chẳng hoài nghi pháp thế gian, mà Phật pháp cũng không hoài nghi. Đối với hết thảy các kinh luận do hết thảy Như Lai đã nói, vô lượng pháp môn, rất nhiều tông phái, đều chẳng hoài nghi, vì sao? Hiểu chúng vốn là một chuyện, thật sự dung thông, đã nhập cảnh giới ấy. Khi chưa nhập cảnh giới ấy, đích xác là có phiền não, có chấp trước, có phân biệt. Đạt đến cảnh giới ấy, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều chẳng có, thật sự đắc đại tự tại.

          (Diễn) Động dung dương cổ lộ, động dung, tức động dung chu toàn, dương cổ lộ, vị phát huy diệu tánh, tức sở vị “tả hữu phùng nguyên”, bất tri thủ chi, vũ chi, túc chi, đạo chi dã.

()動容揚古路,動容,即動容周旋,揚古路,謂發揮妙性;即所謂左右逢源,不知手之舞之足之蹈之也。

(Diễn: “Động dung dương cổ lộ”. Động dung là hành động lẫn dung mạo đều trọn vẹn. “Dương cổ lộ” ý nói phát huy diệu tánh, tức là “đâu đâu cũng gặp nguồn”, chẳng biết hễ giơ tay lên múa thì chân cũng nhịp bước theo).

          Đây là cuộc sống sau khi đã khai ngộ. Trước khi khai ngộ, cuộc sống rất khổ não. Sau khi đã ngộ, cuộc sống khác hẳn. [Xét về] vũ trụ quan và nhân sinh quan, dẫu trong cuộc sống phải thù tiếp rất nhiều, luôn luôn là hết sức vui sướng. “Động” (動) là động tác, “dung” (容) là dung mạo, biểu hiện trong cuộc sống. “Dương” (揚) là triển khai, nói như hiện thời là cởi mở. “Cổ lộ” (古路) là tỷ dụ, thường gọi là “cổ đạo” (古道: đường cũ), “cổ đạo” là gì? Từ quá khứ vô lượng kiếp đến nay, chư Phật, Bồ Tát đi theo con đường này, đó cũng là phương cách sống của chư Phật, Bồ Tát. Sư (ngài Hương Nham) cũng đã đạt được, chẳng khác gì cổ Phật thị hiện trong thế gian này, đó gọi là “du hý thần thông”. Nói kiểu này dễ hiểu, Ngài du hý thần thông trong thế gian này.

          Đây cũng là nói, trước khi ngộ, ngài Hương Nham là thân nghiệp báo giống hệt như chúng ta. Bị Quy Sơn đại sư hỏi vặn một câu, từ đầu đến cuối chẳng đáp được; đó là phàm phu. Ngài thiện căn, phước đức sâu dầy, nhân duyên lại tốt đẹp, gặp gỡ thiện tri thức thật sự, Ngài cũng thật sự chịu phát phẫn, thật sự chịu y giáo phụng hành, nên mới có ngày triệt ngộ. Những lý luận và phương pháp này, chẳng ít đồng tu đã biết, nhưng hiện thời khiếm khuyết công phu! Công phu khổ hạnh của ngài Hương Nham là một nhân tố khiến cho Ngài khai ngộ; nay chúng ta còn thiếu sót loại công phu ấy. Công phu ấy chính là thật sự hành, hành đến mức vong ngã, hành đến mức quên cảnh, Tịnh Tông thường nói là “thân, tâm, thế giới, hết thảy buông xuống”. Chẳng phải là bảo quý vị chẳng cần đến thân thể, chẳng cần đến thế giới. Chẳng phải vậy! [Mà là] trong tâm đừng nên vướng mắc thân, tâm, thế giới nữa! Đến khi quý vị chẳng có mảy may vướng mắc, khôi phục “vốn chẳng có một vật” như Lục Tổ đã nói thì đúng, đó là cảnh giới của ngài Hương Nham. Vốn chẳng có một vật thì Phiền Não Chướng chẳng có, Sở Tri Chướng cũng chẳng có. Phiền Não Chướng cũng là một vật, Sở Tri Chướng cũng là một vật. Thị phi, nhân ngã, hết thảy cảnh giới đều ở trong tâm, đều là một vật, thảy đều buông những thứ ấy xuống; sau đấy, quý vị mới xử sự, đãi người, tiếp vật sẽ là pháp hỷ sung mãn, từ nội tâm sanh ra hỷ duyệt.

          Ở đây, nhắc tới cách nói của Thiền Tông: “Tả hữu phùng nguyên, đầu đầu thị đạo” (Phải trái đều gặp nguồn, chuyện gì cũng là đạo)[1]. Chân Như bản tánh ở chỗ nào? Những cái được tiếp xúc bởi lục căn không gì chẳng phải là chân tánh, thấy Thể, Tướng, Dụng của chân tánh bày ra trước mặt chúng ta. Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, thân thể tiếp xúc, toàn là Chân Như bản tánh, đó gọi là “minh tâm kiến tánh”. Người niệm Phật chúng ta gọi cảnh giới ấy là Lý nhất tâm bất loạn. Sự nhất tâm bất loạn là đắc Định, tức là những vọng tưởng, chấp trước ấy chẳng dấy lên hiện hành, chẳng khởi tác dụng, nhưng hoàn toàn chưa đoạn. Đạt đến Lý nhất tâm bất loạn, xác thực là chẳng có phiền não, vọng tưởng, chấp trước hoàn toàn chẳng có, cũng chính là “nhất kích vong sở tri” (vừa đụng bèn quên sạch sở tri) như đang nói ở đây, chẳng có! Khi ấy, “tay múa, chân giẫm theo nhịp”, hình dung sự sung sướng, pháp hỷ sung mãn.

 

          (Diễn) “Bất đọa tiễu nhiên cơ”: “Tiễu nhiên cơ”, vị hư vô tịch diệt, trạm nhập hợp trạm đẳng.

()不墮悄然機,悄然機,謂虛無寂滅,湛入合湛等。

(Diễn: “Bất đọa tiễu nhiên cơ”: “Tiễu nhiên cơ” là hư vô tịch diệt, lặng trong ứng hợp với lặng trong v.v…).

          Trong kinh luận Đại Thừa, đức Phật thường nói chuyện này. Chẳng hiểu, sẽ chấp trước các danh tướng do đức Phật đã nói, đọa lạc trong danh tướng. Ví như Tịnh Tông nói Lý nhất tâm bất loạn, quý vị [nghe nói như vậy], hằng ngày niệm Phật, vừa niệm vừa nghĩ mãi đến Lý nhất tâm bất loạn: “Ta phải làm sao hòng chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn?” Đấy chính là quý vị đọa lạc trong danh tướng của Lý nhất tâm bất loạn, có thể đắc nhất tâm hay không? Chẳng thể! Vì quý vị có chướng ngại.

          (Diễn) Kim ư Niết Bàn thiên, dĩ đại minh ngộ, thập phương thế giới, cập dữ thân tâm như phệ lưu ly, nội ngoại minh triệt, cố bất đọa dã.

()今於涅槃天,已大明悟,十方世界,及與身心,如吠琉璃,內外明徹,故不墮也。

(Diễn: Nay đối với Niết Bàn thiên đã hiểu rất rõ ràng, mười phương thế giới và thân tâm như ngọc Phệ Lưu Ly[2], trong ngoài sáng tỏ, thấu suốt, nên chẳng đọa).

          Đây là thật sự khế nhập, cũng chính là như Khởi Tín Luận đã nói: “Lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên”. Tâm địa thật sự đạt đến thanh tịnh, hợp thành một với hết thảy vạn pháp. Giống như các dòng nước từ sông ngòi đổ vào biển cả, cùng với nước của trăm sông hợp thành một, đó mới là thật sự khế nhập. Nay chúng ta học Phật, chướng ngại lớn nhất là giới hạn. Vốn chẳng có giới hạn, giới hạn là do chính mình vọng tưởng, chấp trước. Chính mình nhất định phân biệt thị phi trong ấy, phân biệt ta và người, vạch ra lắm thứ giới hạn, tự kéo kén trói buộc mình. Chẳng có ai trói buộc quý vị, mà do chính quý vị tạo tác. Chính quý vị chẳng phá tan giới hạn ấy, bất cứ ai cũng chẳng có cách nào giúp đỡ quý vị. Chư Phật, Bồ Tát không thể giúp chúng ta đoạn phiền não, không thể giúp chúng ta phá chấp trước. Phá hết thảy phân biệt, vọng tưởng, chấp trước là chuyện thuộc về bổn phận của chính mình. Người biết dụng công, sẽ dụng công nơi này; kẻ chẳng biết dụng công, sẽ dụng công nơi danh tướng hoặc dụng công nơi giáo điều, vô ích, chẳng có thành tựu! Thật sự có thành tựu thì phải dụng công nơi tâm địa.

          Trong công phu nơi tâm địa, chúng ta là người tu Tịnh Tông, tôi đặc biệt nhắc nhở các đồng tu: Tâm thanh tịnh. Bất luận lúc nào, chỗ nào, thuận cảnh, nghịch cảnh, làm thế nào để có thể giữ cho tâm địa của chính mình thanh tịnh, đó là đúng. Tâm địa mỗi năm một thanh tịnh hơn, mỗi tháng một thanh tịnh hơn, đó là “tiệm tu” (漸修: tu tập dần dần), dần dần đi theo phương hướng minh tâm kiến tánh, đi theo con đường ấy. Nếu tâm chúng ta chẳng thanh tịnh, chính mình phải nghiêm túc phản tỉnh. Sở dĩ ông Viên Liễu Phàm vô cùng lỗi lạc, đáng cho kẻ khác tôn kính, là vì ông ta thật sự chịu phản tỉnh. Ông ta biết khuyết điểm của bản thân, có thể sửa lỗi đổi mới, nên sửa đổi vận mạng có thành tích rõ rệt như vậy. Bản thân chúng ta có khuyết điểm mà không biết, người khác nói ra, chính mình còn bào chữa, che giấu, rất tệ! Kinh Phật gọi hạng người như vậy là Nhất Xiển Đề. Nhất Xiển Đề là chẳng có thiện căn, tối thiểu là chẳng thể cứu trong một đời này. Vì thế, hổ thẹn là thiện căn chân thật trong Phật môn. Trong lời Sao, đại sư đã dùng lý luận ấy để suy luận.

          (Sao) Tắc diêm tiền thước táo.

          ()則簷前鵲噪。

          (Sao: Chim khách hót trước mái hiên).

          “Diêm” (簷) là mái hiên, “thước” là hỷ thước (喜鵲: chim khách), chim khách kêu trước mái hiên.

          (Sao) Dã ngoại tùng thanh, nhất văn, nhất dăng, nhất thảo, nhất diệp, mạc bất diễn dương diệu pháp, cổ phát đạo tâm, huống thanh tịnh Phật độ hồ?

()野外松聲,一蚊一蠅,一草一葉,莫不演揚妙法,

鼓發道心,況清淨佛土乎。

(Sao: Tiếng tùng ngoài đồng, một con muỗi, một con ruồi, một nhánh cỏ, một phiến lá, không gì chẳng diễn dương diệu pháp, cổ vũ, phát khởi đạo tâm, huống là cõi Phật thanh tịnh ư?)

          Bất cứ loại căn tánh rất nhạy bén nào, tu học đúng lý, đúng pháp ở trong thế giới này, cũng [sẽ thấy] lục trần thuyết pháp, huống hồ Tây Phương Cực Lạc thế giới! Trong đoạn dưới đây, đại sư giả lập một đoạn vấn đáp:

(Sao) Vấn: Giáo trung thánh thuyết pháp, thánh mặc nhiên, nhị bất thiên phế. Kim thủy, điểu, thụ lâm diễn pháp vô dĩ, tắc hữu động vô tĩnh.

()問:教中聖說法,聖默然,二不偏廢,今水鳥樹林演法無已,則有動無靜。

(Sao: Hỏi: Trong giáo, [có khi] thánh nhân (Phật Thích Ca) thuyết pháp, [có lúc] thánh nhân im lặng, đối với cả hai điều ấy (thuyết pháp hoặc im lặng), Ngài chẳng riêng bỏ một điều nào! Nay nước, chim, rừng cây diễn pháp không ngớt, tức là [cõi Cực Lạc] luôn động, chẳng tĩnh).

          Giả thiết là có người nêu ra [câu hỏi] như vậy. Thuyết pháp, suốt ngày từ sáng đến tối đều thuyết như vậy, khi nghe cũng cảm thấy phiền. Tây Phương Cực Lạc thế giới thuyết pháp chưa hề gián đoạn, ngày đêm đều thuyết, lục trần đều thuyết, Phật cũng thuyết, Bồ Tát thuyết, hết thảy đều thuyết, đến chỗ ấy có đôi chút chẳng thể chịu đựng! Vì thế, nghĩ đến trong thế giới này, khi Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, có lúc Ngài thuyết pháp, có lúc Ngài im lặng, tức là có lúc chẳng nói, có lúc ngưng nghỉ, Ngài trọn chẳng phế bỏ riêng một điều nào trong hai tình trạng ấy. Nay thế giới Tây Phương thuyết pháp không ngừng nghỉ, chúng ta tới đó mong yên tĩnh một chút cũng chẳng được!

            (Sao) Đáp: Đại Bổn vân, “kỳ dục văn giả, triếp độc văn chi. Kỳ bất dục văn giả, triếp độc bất văn dã”. Tắc tịch dụng tùy tâm, tức động, tức tĩnh.

()答:大本云,其欲聞者,輒獨聞之;其不欲聞者,

輒獨不聞也。則寂用隨心,即動即靜。

(Sao: Đáp: Kinh Đại Bổn nói: “Người muốn nghe liền lập tức nghe thấy. Kẻ chẳng muốn nghe bèn lập tức chẳng nghe”. Tức là tịch tĩnh hay động dụng tùy tâm, [do cái tâm của mỗi người] mà là động hay tĩnh).

          Kinh Vô Lượng Thọ nói rất rõ ràng. Do vậy có thể biết: Tây Phương Cực Lạc thế giới thuyết pháp giống như đài vô tuyến truyền thanh trong cõi này. Quý vị muốn nghe, bất cứ lúc nào vặn đúng băng tần sẽ nghe thấy. Chẳng muốn nghe, tắt đi là được rồi. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng cần phải mở, tắt, bất cứ lúc nào muốn nghe kinh gì bèn có thể nghe kinh đó. Nghe mệt rồi, chẳng muốn nghe nữa, mong yên tĩnh, âm thanh ấy bèn chẳng có nữa. Khi nào lại muốn nghe, âm thanh lại đưa đến, khéo tiếp tục vừa đúng [chỗ đã ngưng lại] trong lần trước, chẳng sót đoạn nào. Mầu nhiệm thay! Thế giới ấy mới là một thế giới thật sự tốt đẹp.

          (Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh lý trí giao dung, thị phong thụ nghĩa.

          (Sao) Lý hàm vạn pháp như thụ, Trí châu pháp giới như phong. Trí dữ Lý minh, Lý tùy Trí hiển, nhiên nhi phong thụ các bất tương tri. Lý Trí nguyên vô nhị bổn, bách thiên chủng nhạc, bất thị phong tác, bất thị thụ tác, nhân giả tâm tác.

          (Diễn) Lý hàm vạn pháp như thụ giả, thụ hữu hàm tàng nghĩa, năng hàm chi diệp hoa quả cố. Lý hàm hằng sa công đức diệc nhiên, cố vân “đạo thụ” dã.

          ()稱理,則自性理智交融,是風樹義。

()理含萬法如樹,智周法界如風,智與理冥,理隨智顯,然而風樹各不相知,理智原無二本,百千種樂,不是風作,不是樹作,仁者心作。

()理含萬法如樹者,樹有含藏義,能含枝葉花果故,理含恆沙功德亦然,故云道樹也。

          (Sớ: Xứng Lý thì Lý và Trí trong tự tánh dung thông lẫn nhau, là ý nghĩa của gió và cây.

          Sao: Lý bao hàm vạn pháp như cây, Trí trọn khắp pháp giới như gió. Trí và Lý ngầm hợp, Lý nhờ Trí mà hiển lộ, nhưng gió và cây trọn chẳng biết nhau. Lý và Trí vốn chẳng có hai gốc, trăm ngàn thứ nhạc, chẳng phải do gió tấu lên, chẳng phải do cây phát ra tiếng, mà là do cái tâm của nhân giả tạo tác!

          Diễn: “Lý bao hàm vạn pháp như cây”: Cây có ý nghĩa bao hàm vì có thể bao hàm cành, lá, hoa, quả. Lý bao hàm hằng sa công đức cũng giống như thế, vì vậy nói là “cây đạo”).

          Vì cây có cành, nhánh, lá, hoa, quả, nên nói đến “cây” liền bao gồm cành, lá, hoa, quả. Sánh ví cây như Lý Thể, tức Chân Như lý thể. “Lý hàm hằng sa công đức diệc nhiên” (Cũng giống như vậy, Lý bao hàm hằng sa công đức), giống hệt như cây. Trong Chân Như bản tánh, bao hàm vô lượng vô biên Tánh Đức, cây tuyệt đối chẳng thể sánh bằng, ngay cả cây nơi đạo tràng trong Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng chẳng thể sánh ví, chỉ có thể tỷ dụ phảng phất. “Cố vân đạo thụ dã” (Nên nói là đạo thụ).

          (Diễn) Trí châu pháp giới như phong giả, phong hữu châu biến nghĩa, vô xứ bất đáo, cố vân: “Sắc vô biên cố, Bát Nhã diệc vô biên”.

()智周法界如風者,風有周遍義,無處不到,故云色無邊故般若亦無邊。

(Diễn: Trí trọn khắp pháp giới như gió. Gió có ý nghĩa trọn khắp, không chỗ nào chẳng đến. Vì thế nói: “Do sắc vô biên, nên Bát Nhã cũng vô biên”).

          Lỗ hổng dù nhỏ tới đâu đi nữa, gió cũng có thể thổi lọt qua. Ở Đại Lục, kể từ mạn Bắc của Trường Giang trở lên, mùa Đông gió rất mạnh, “châm đại đích nhãn, đấu đại đích phong” (mắt to bằng cái kim, gió to bằng cái đấu). Trong quá khứ, nhà cửa tại Trung Quốc Đại Lục, cửa sổ chỉ dùng giấy để phất, chẳng có thủy tinh. Đâm thủng một lỗ nhỏ nơi giấy phất cửa sổ, gió rất mạnh liền thổi lọt qua. Gió được gọi là “không lỗ nào chẳng lọt”, không chỗ nào nó chẳng đến, nên có ý nghĩa trọn khắp. “Cố vân sắc vô biên, cố Bát Nhã diệc vô biên” (Vì vậy, nói: “Do Sắc vô biên, nên Bát Nhã cũng vô biên”). Sắc là nói đến sắc tướng, sắc tướng vô biên. Vô lượng vô biên cõi nước trong hư không pháp giới, đã có quốc độ, tất nhiên có gió. Gió do đâu mà có? Do tâm động mà có! Nếu tâm tưởng của chư vị chẳng động, sẽ chẳng có gió. Hễ động bèn có gió, nên động bèn gọi là gió.

          (Diễn) Trí dữ Lý minh giả, Như Trí khế Như Lý, như phong chi xuy thụ nhi vô tích.

()智與理冥者,如智契如理,如風之吹樹而無蹟。

(Diễn: Trí và Lý ngầm hợp, Như Trí khế hợp Như Lý, như gió thổi cây chẳng có dấu vết).

          “Trí dữ Lý minh giả”, “minh” (冥) có nghĩa là tương ứng, tương khế (khế hợp). “Như Trí khế Như Lý”: Trí như như khế hợp Lý như như. Lý và Trí là một không hai, giống như nước và sữa hòa lẫn, chẳng thể tách rời đâu là sữa, đâu là nước. Nói thật ra, Lý là nói theo Thể, Trí là tác dụng của Thể. Nếu mê mất bản thể, nó sẽ khởi tác dụng là vọng tưởng, chấp trước, tức là chính mình đã mê mất bản thể. Khi ngộ, nó có tác dụng là Trí như như. Trí như như là trí huệ Bát Nhã. Kế đó là tỷ dụ: “Như phong chi xuy thụ nhi vô tích” (Như gió thổi qua cây chẳng có dấu vết). Chẳng có dấu vết, chẳng tìm thấy dấu vết.

          (Diễn) Lý tùy Trí hiển giả, như như Lý, nhân như như Trí phương hiển.

()理隨智顯者,如如理,因如如智方顯。

(Diễn: Lý do Trí mà hiển, Lý như như do Trí như như mới hiển lộ).

          Lý như như là Chân Như bản tánh. Nếu chẳng có Trí như như thì Lý ấy, tức Chân Như bản tánh ở chỗ nào? Quý vị không biết, tìm không thấy. Có Trí như như, điều gì cũng là đạo, đâu đâu cũng gặp nguồn, chẳng có gì không phải [là đạo]. Chẳng nhập cảnh giới ấy, chắc chắn sẽ không thấy. Đối với người ta, thứ gì cũng là đạo, đối với chúng ta, thứ gì cũng chẳng phải là đạo. Người ta là đâu đâu đều gặp nguồn (thuận lợi), chúng ta là thứ gì cũng bị chướng ngại. Ngộ nhập sẽ là [cảnh giới] Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại của Hoa Nghiêm. Chẳng ngộ nhập, chỗ nào cũng trở thành chướng ngại. Lục căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, vừa tiếp xúc bèn sanh chướng ngại. Do đã mê bèn có chướng ngại, nẩy sanh phiền não; hễ ngộ, vừa tiếp xúc bèn sanh trí huệ. Trong cuộc sống hằng ngày, trong tâm chúng ta thường sanh phiền não. Lục Tổ thưa với Ngũ Tổ: “Trong tâm đệ tử thường sanh trí huệ”. Chúng ta thấy câu ấy rất hổ thẹn, chúng ta thường sanh phiền não, người ta thường sanh trí huệ, lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần bèn sanh trí huệ. Cũng có nghĩa là,  Ngài thật sự đạt đến  “đâu đâu cũng gặp  nguồn, chuyện  gì  cũng  là

đạo”. Vì thế, Lý như như nhờ vào Trí như như thì mới có thể hiển lộ.

         (Diễn) Như thụ chi nhân phong nhi hữu thanh, nhiên nhi phong bất tri thụ, thụ bất tri phong, phong thụ các trụ tự vị, sở vị “các các bất tương đáo, các các bất tương tri”.

()如樹之因風而有聲,然而風不知樹,樹不知風,風樹各住自位,所謂各各不相到,各各不相知。

(Diễn: Như cây do gió mà có tiếng, nhưng gió chẳng biết cây, cây chẳng biết gió. Gió và cây mỗi thứ đều trụ trong vị trí của chính mình, tức là mỗi thứ đều chẳng đến với nhau, đều chẳng biết tới nhau).

           Trong Pháp Hoa và Tam Luận, đức Phật đều nói đến ý nghĩa này.

          (Diễn) Hoa Nghiêm vân: “Thí như trường phong khởi, ngộ vật hàm cổ phiến, các các bất tương tri, nhất thiết pháp như thị”.

            ()華嚴云:譬如長風起,遇物咸鼓扇,各各不相知,一切法如是。

          (Diễn: Kinh Hoa Nghiêm nói: “Ví như gió mạnh trỗi, gặp vật đều khua động, mỗi thứ chẳng biết nhau, hết thảy pháp như vậy”).

          “Cổ phiến” (鼓扇) là gió thổi đến nó, nó cũng có thể phát ra âm thanh. “Các các bất tương tri, nhất thiết pháp như thị” cũng chính là “chư pháp trụ pháp vị” như kinh Pháp Hoa đã nói, “chư pháp” là hết thảy các pháp, ai nấy đều tự ở đúng vị trí của mình thì gọi là “chư pháp trụ pháp vị”. “Thế gian tướng bất diệt”, [nghĩa là] tướng thế gian chẳng hoại, chẳng diệt. Vì sao? “Các các bất tương đáo, các các bất tương tri” (Các pháp chẳng đến nhau, các pháp chẳng biết nhau), hoàn toàn do trong Chân Như bản tánh biến hiện, tự tánh khởi tác dụng. Nếu chư vị nghe mà không hiểu rõ ý nghĩa này, chúng tôi nêu một tỷ dụ để quý vị hiểu đôi chút chân tướng này. Nay chúng ta xem TV, hình ảnh trên TV do từng đốm rất nhỏ (pixel) hợp thành hình tượng. Trong hình ảnh ấy, mỗi đốm sáng có vị trí riêng của nó, đốm sáng này chẳng lấn sang đốm sáng kia, đốm sáng kia cũng chẳng lấn sang đốm sáng này. “Các các bất tương tri” (Mỗi mỗi đều chẳng biết): Bất luận hình ảnh biến như thế nào, chúng (các đốm sáng) vẫn chẳng biết đến nhau, mỗi đốm đều ở đúng vị trí của chính mình, mà cũng chẳng có biến động tí nào, tình hình từa tựa như thế đó. Tận hư không khắp pháp giới, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, sâm la vạn tượng hoàn toàn giống như nguyên lý này.

          Do đó, kinh nói “bất lai, bất khứ” (chẳng đến, chẳng đi) là thật, quý vị nghĩ “ta từ nhà đến giảng đường”, há có chuyện ấy! Quý vị ngỡ chính mình từ nhà đến giảng đường, đó là mê, chẳng giác ngộ. Nếu quý vị giác ngộ, từ trong nhà cũng chẳng ra khỏi cửa, cũng chẳng rời khỏi giảng đường này, mầu nhiệm thay! Chân tướng là gì? Kinh Lăng Nghiêm đã dạy: “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận” (Sanh ra từ nơi đâu, bèn diệt mất ngay nơi đó). Nếu quý vị chẳng thể thấu hiểu, hãy lại nghĩ đến màn hình trong máy TV, những hình ảnh đó “đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận”, “các các bất tương đáo, các các bất tương tri”, chuyện là như vậy đó. Quý vị có trí huệ thì mới có thể thấy chân tướng. Chân tướng là bất sanh, bất diệt, chẳng đến, chẳng đi, chẳng nhơ, chẳng tịnh, nói toạc chân tướng của nhân sinh và vũ trụ. Toàn thể là diệu dụng của tự tánh, tận hư không khắp pháp giới là diệu dụng của tự tánh; vì thế, mầu nhiệm đến tột bậc! Tạo ra một cái màn hình nho nhỏ, chúng ta đã thấy đẹp đẽ khôn xiết, vô cùng yêu thích. Tạo thành toàn thể vũ trụ to tát, há chẳng phải là càng kỳ diệu hơn ư? Chân tướng sự thật xác thực là như thế.

          (Diễn) Lý Trí diệc nhiên, Lý ngoại vô Trí, Trí ngoại vô Lý, Lý Trí diệc vô nhị bổn.

()理智亦然,理外無智,智外無理,理智亦無二本。

(Diễn: Lý và Trí cũng thế, ngoài Lý chẳng có Trí, ngoài Trí chẳng có Lý. Lý và Trí cũng chẳng có hai gốc).

          “Lý Trí cũng chẳng có hai gốc”, là một, không hai. “Ngoài Lý không có Trí, ngoài Trí chẳng có Lý”, là một, không hai. Một là chân thật, nên gọi là Nhất Chân pháp giới. Khế nhập như thế nào? Khi nào quý vị niệm Phật đến mức Lý nhất tâm bất loạn sẽ nhập cảnh giới này, cảnh giới này là diệu cảnh do quý vị đích thân chứng nhập. Tuy đích thân chứng nhập, diệu cảnh vẫn ở trước mắt, trọn chẳng phải là lìa khỏi trước mắt bèn có một cảnh giới khác xuất hiện, chẳng phải vậy! Vì thế, sau khi khế nhập, thấy núi vẫn là núi, thấy nước vẫn là nước. Nhưng khi ấy, sự thọ dụng trong tâm sai khác rất lớn, trước kia, thấy núi là núi, thấy nước là nước, nhưng có chướng ngại, chẳng tự tại, nay thấy núi là núi, thấy nước là nước, nhưng đắc đại tự tại, chẳng có chướng ngại mảy may.

          (Diễn) Nhiên các bất tương tri, phi thị ngôn kỳ nhị bổn, nãi ngôn kỳ tự nhiên giao dung dã, hữu bất giả tạo tác, thiên nhiên dung hội ý.

()然各不相知,非是言其二本,乃言其自然交融也,有不假造作,天然融會意。

(Diễn: Nhưng mỗi pháp chẳng biết nhau, chẳng phải là nói chúng có hai gốc [khác biệt], mà là nói chúng tự nhiên dung thông, chẳng cậy vào tạo tác, tức là nói theo ý nghĩa tự nhiên dung hội).

           Tuy mỗi pháp chẳng biết nhau, chẳng phải là nói chúng vốn là hai, vì chúng vốn là một, không hai. “Nãi ngôn kỳ tự nhiên giao dung dã, hữu bất giả tạo tác, thiên nhiên dung hội ý”, câu này rất quan trọng! Hiện thời, rất nhiều người tu hành gượng ép cho chúng dung thông, nhưng chẳng có cách nào, chẳng thể dung thông được! Nhất định phải xuất phát từ tự nhiên. Nay chúng ta nói thành lập một tăng đoàn, từ bốn người trở lên cùng tu Lục Hòa Kính, miễn cưỡng ghép lại, đó là chẳng tự nhiên. Khi nào sẽ tự nhiên? Mọi người đều đạt được tâm thanh tịnh thì sẽ tự nhiên; trong tâm chẳng có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, đó là tự nhiên. Còn có chấp trước, còn có phân biệt, sẽ là miễn cưỡng tụ hợp. Dẫu ở chung một chỗ, bản thân mỗi người đều phải kiềm chế chính mình, chẳng tự nhiên. Nếu chư vị hiểu đạo lý này, mới hiểu vì sao một tăng đoàn được chư Phật Như Lai hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ? Bốn người ở chung với nhau [tâm thanh tịnh, cùng tu Lục Hòa Kính], sẽ chẳng phải là phàm phu, mà là thánh nhân! Trong tâm lìa khỏi hết thảy vọng tưởng, chấp trước, sẽ là thánh nhân, chẳng phải là phàm phu. Vì thế, trên là cảm ứng với chư Phật, Bồ Tát, dưới thì cũng khởi cảm ứng với hết thảy rồng, trời, quỷ thần, đạo lý là như vậy đó. Miễn cưỡng học, sẽ học chẳng được!

          Phải học như thế nào? Phải học từ trong nội tâm, công phu nơi tâm địa. Ngay cả Liễu Phàm Tứ Huấn nói về chuyện sửa đổi vận mạng đều là cầu từ tâm địa. Cầu từ trong nội tâm, thật sự là trong ngoài đều đắc, chẳng có gì không đạt được. Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng. Cứ một mực hướng ra ngoài rong ruổi cầu tìm, sẽ chẳng tìm được. Dẫu có cầu được, cũng là do trong mạng đã có. Trong mạng chẳng có, cầu cách nào cũng chẳng cầu được. Người hiểu lý, người biết cầu, quyết định sẽ không cầu từ bên ngoài. Ngay cả tiếng tăm, lợi dưỡng, hưởng thụ ngũ dục lục trần trong thế gian, như thường nói “cầu phú quý được phú quý, cầu con cái được con cái”, đều phải cầu từ nội tâm, chẳng phải là cầu từ bên ngoài. Nguyên lý là Thể, Tướng, Dụng tuy ba mà một, là một chuyện, một mà ba, ba mà một, cho nên nó “tự nhiên giao dung, bất giả tạo tác” (tự nhiên dung thông, chẳng cần phải tạo tác).

          (Diễn) Như thử thuyết, phương dữ hạ cú “nguyên vô nhị bổn” hợp, “bách thiên chủng nhạc” hạ, hội quy nhất tâm.

()如此說,方與下句原無二本合。百千種樂下,會歸一心。

(Diễn: Nói như vậy thì mới phù hợp với câu “vốn chẳng có hai gốc” trong đoạn sau. Từ câu “trăm ngàn thứ nhạc” trở đi là gom về nhất tâm).

          “Lý Trí nguyên vô nhị bổn, bách thiên chủng nhạc, bất thị phong tác, bất thị thụ tác, nhân giả tâm tác” (Lý và Trí vốn chẳng có hai gốc, trăm ngàn loại nhạc chẳng phải do gió tấu, chẳng phải do cây phát ra, mà do cái tâm của nhân giả tạo tác). Thuở ấy, Lục Tổ đại sư ở chùa Quang Hiếu, gặp lúc ngài Ấn Tông đang giảng kinh Niết Bàn, gió thổi động lá phan. Có hai người đang tranh luận tại đó, một người nói là phan động, người kia nói là gió động, Tổ nghe xong liền bảo: “Chẳng phải là gió động, cũng chẳng phải là phan động, mà do tâm nhân giả động”. Do vậy có thể biết: Người khác thấy tướng, Lục Tổ thấy tánh. Theo tướng, sẽ chẳng thể giải quyết vấn đề, chỉ có xét theo tánh thì mới có thể giải quyết vấn đề triệt để.

          Hiện thời, cả thế giới động loạn… Ai cũng đều chẳng có cách khống chế cục diện này, ổn định nó. Nói theo Phật pháp thì đó là do “cộng nghiệp” của chúng sanh [cảm vời], Phật pháp có năng lực ổn định cục diện ấy hay không? Có! Tuy có, nhưng người ta chẳng tin tưởng thì chẳng có cách nào cả! Chúng ta sống trong thời đại này, hiểu đạo lý Phật pháp, trước hết hãy ổn định chính mình. Tâm mọi người đều động, tâm ta bất động. Bất động sẽ thấy rành rẽ tất cả các tướng động. Quý vị hiểu trong thời đại này, chính mình phải nên sống như thế nào, tu hành ra sao, đối với cá nhân chúng ta mà nói, quyết định chẳng nẩy sanh chướng ngại. Đó là cái hay của Phật pháp. Nếu quý vị chẳng có năng lực này, toàn thể xã hội biến động sẽ gây trở ngại cho quý vị. Quý vị thật sự có công phu này, sẽ chẳng bị trở ngại.

          Lão cư sĩ Vương Thiên Dân từng làm đoàn trưởng của Đài Bắc Liên Hữu Niệm Phật Đoàn. Cụ là trung tướng giải ngũ, là tham mưu trưởng của tư lệnh binh đoàn vào cuối thời kỳ Kháng Chiến, địa vị khá cao. Cụ kể với tôi một câu chuyện: Tại nơi họ đóng quân, có một lão đạo sĩ có thần thông. Có lần, lão đạo sĩ bảo bọn họ là ông ta thấy ở một nơi rất xa, có một cuộc chiến rất lớn, rất đáng sợ. Ông ta chỉ ra phương vị, khoảng cách bao xa, ông ta thấy được mà! Bọn họ là tướng lãnh cao cấp, hiểu khá rõ tình hình chiến tranh trên cả thế giới, nghĩ không ra vì sao nơi ấy có chiến tranh. Chẳng bao lâu sau, người Nhật đánh úp Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), bọn họ mới vỡ lẽ: Trước khi chiến sự bộc phát tại Trân Châu Cảng ba tuần, lão đạo sĩ đã trông thấy, chỉ ra phương vị, chỉ ra khoảng cách, thật sự có thần thông!

Còn có một lần, lão đạo sĩ bảo họ: “Các Ngài hãy ngay lập tức chuyển chỗ, ba ngày sau, chỗ này sẽ bị lụt lớn”. Rất nhiều người không tin, chẳng có dấu hiệu chi hết, tiết trời trong trẻo, chẳng có mưa, làm sao có lụt to cho được? Kết quả là họ liền sai người theo dõi lão đạo sĩ, vì miếu của lão đạo sĩ cách chỗ họ chẳng xa cho mấy. Họ thấy lão đạo sĩ dọn đến chỗ cao hơn, họ cảm thấy cũng có lý đôi chút, bèn chuyển chỗ đóng quân. Tới ngày thứ ba, mưa to, lũ lụt bất ngờ bộc phát, chỗ ấy quả nhiên bị nước nhấn chìm. Đưa ra cảnh cáo trước ba ngày, đích xác là có thần thông.

          Khi chánh phủ [Trung Hoa Dân Quốc] dời sang Đài Loan, lão đạo sĩ khuyên họ: “Chỗ này sẽ có động loạn, các vị hãy qua Đài Loan”. Vương tiên sinh hỏi: “Ông có muốn đi theo chúng tôi hay không?” Lão đạo sĩ đáp: “Tôi không cần đi, tôi ở đây không sao cả!” Thần thông, năng lực của vị đạo sĩ ấy từ trong Thiền Định mà có. Định có thể sanh ra thần thông, có phải do tu thành hay không? Chẳng phải do tu, tâm địa thanh tịnh đạt đến một mức độ kha khá, năng lực ấy sẽ tự nhiên khôi phục, sẽ tự nhiên có. Thần thông hiện tiền, đích xác là có thể hướng lành, tránh dữ. Khi tai nạn xảy đến, bèn biết trước để có thể tránh né, tự nhiên người ấy có năng lực đó, phàm phu chúng ta chẳng thể biết.

          Tam, tổng kết nhị nghiêm.

          三總結二嚴。

          (Ba là tổng kết hai thứ trang nghiêm).

          Y báo và chánh báo, đó là hai thứ trang nghiêm.

          (Kinh) Xá Lợi Phất! Kỳ Phật quốc độ, thành tựu như thị công đức trang nghiêm.

          (Sớ) Kết thượng hóa cầm, phong thụ nhị chủng trang nghiêm.

            ()舍利弗。其佛國土。成就如是功德莊嚴。

()結上化禽風樹二種莊嚴。

          (Kinh: Này Xá Lợi Phất! Cõi nước Phật ấy thành tựu công đức trang nghiêm như thế.

          Sớ: Tổng kết hai thứ trang nghiêm là chim biến hóa và gió thổi qua cây báu được nói trong phần trước).

          Câu kinh văn này tổng kết [sự việc] chim biến hóa và gió thổi qua cây được nói trong phần trước. Hữu tình và vô tình thuyết pháp, hai thứ trang nghiêm.

          (Sớ) Giai bỉ Phật nhân địa nguyện hạnh công đức sở thành tựu dã; hựu biến hóa công đức, Đại Thừa công đức đẳng, tứ chủng thành tựu, như Luận trung thuyết tiền hậu công đức, phồn bất các hệ điều hạ.

()皆彼佛因地願行功德所成就也;又變化功德,大乘功德等,四種成就,如論中說前後功德,繁不各係條下。

          (Sớ: Đều do công đức nơi nguyện và hạnh của đức Phật khi tu nhân mà thành tựu. Lại do công đức biến hóa, công đức Đại Thừa v.v… bốn thứ [công đức] thành tựu, còn như trong [Vãng Sanh] Luận đã nói các công đức trước và sau [bốn thứ công đức ấy], do rườm rà nên chẳng nêu rõ điều nào tương ứng với đoạn kinh văn nào).

          “Luận” là Vãng Sanh Luận. Trước hết phải nói đến đại nguyện và đại hạnh của Phật Di Đà trong khi tu nhân. “Nguyện” là bốn mươi tám nguyện, “hạnh” là tu hành trong năm kiếp, chúng ta đã đọc những điều này từ kinh Vô Lượng Thọ.

          (Diễn) Tiền hậu công đức, phồn bất các hệ điều hạ giả, Thiên Thân tác Vãng Sanh Luận dĩ thích thử kinh.

()前後功德繁不各係條下者,天親作往生論以釋此經。

(Diễn: “Các công đức trước và sau [bốn thứ công đức ấy], do rườm rà nên chẳng nêu rõ điều nào tương ứng với đoạn kinh văn nào”, ngài Thiên Thân soạn Vãng Sanh Luận để giải thích kinh này).

           Vãng Sanh Luận giải thích kinh A Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ, vì hai kinh ấy vốn là cùng một bổn. Ngài chú giải rất đơn giản, lời văn chẳng dài lắm, phần trước là kệ tụng, phần sau là trường hàng, “ngôn giản ý cai” (言簡意賅), [tức là] ngôn ngữ đơn giản, ý nghĩa hết sức viên mãn, nhưng người sơ học đọc Vãng Sanh Luận vẫn thấy khá khó khăn. Dù xem bản Chú Giải của Đàm Loan đại sư, văn tự cũng khá sâu. Hiện thời, đối với kinh luận Tịnh Độ Tông, khế cơ nhất không gì bằng bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ của cư sĩ Hạ Liên Cư. Vãng Sanh Luận là báo cáo tâm đắc trong tu học của chính Thiên Thân Bồ Tát.

          (Diễn) Bỉ luận tụng trung, hữu thập thất chủng công đức thích thử kinh công đức trang nghiêm.

()彼論頌中,有十七種功德釋此經功德莊嚴。

(Diễn: Trong phần kệ tụng của luận tụng ấy, có nêu ra mười bảy thứ công đức để giải thích công đức trang nghiêm của kinh này).

          Từ hai kinh Đại Bổn và Tiểu Bổn, Ngài đã quy nạp vạn đức trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới thành mười bảy loại.

          (Diễn) Dĩ tụng đối kinh, tiền hậu giai minh hiển khả tri, cố bất phồn dẫn.

            ()以頌對經,前後皆明顯可知,故不繁引。

          (Diễn: Đem bài kệ tụng ấy đối chiếu với kinh thì trước sau đều có thể nhận biết rõ ràng, nên chẳng cần trích dẫn rườm rà).

           Ở đây, Liên Trì đại sư tỉnh lược, chẳng đối chiếu từng điều trong mười bảy thứ công đức được nói trong Vãng Sanh Luận với kinh này. Trong chú giải kinh Vô Lượng Thọ, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã đem toàn bộ mười bảy thứ công đức trong Vãng Sanh Luận đối chiếu với kinh, đối chiếu từng điều một.

            (Diễn) Độc thử kinh hóa cầm phong thụ nhị chủng trang nghiêm, dẫn đối bỉ tụng, biến hóa Đại Thừa đẳng tứ chủng công đức giả, dĩ bỉ tụng trung, khuyết Phật hóa tác cập vô ác đạo nhị nghĩa, cố kim đặc dẫn dĩ phát minh chi.

()獨此經化禽風樹二種莊嚴,引對彼頌。變化大乘等四種功德者,以彼頌中,缺佛化作及無惡道二義,故今特引以發明之。

          (Diễn: Chỉ riêng đối với hai thứ trang nghiêm trong kinh này là chim biến hóa và gió thổi qua cây là dẫn phần kệ tụng trong luận ấy để đối chiếu, [nhằm chỉ ra hai thứ trang nghiêm được nói ở đây] tương ứng với bốn thứ công đức như biến hóa, Đại Thừa v.v…, vì luận ấy thiếu phần luận định về hai ý nghĩa “Phật biến hóa” và “chẳng có ác đạo”, nên nay đặc biệt dẫn ra để nêu rõ).

          Chúng ta xem đoạn Sao tiếp theo, sẽ thấy rất rõ ràng.

          (Sao) Nguyện sở thành giả, Đại Bổn Pháp Tạng nguyện vân: “Ngã tác Phật thời, ngã sát trung nhân, tùy kỳ chí nguyện sở dục văn giả, tự nhiên đắc văn”, cố điểu thụ giai thành diệu pháp âm dã.

()願所成者,大本法藏願云:我作佛時,我剎中人,隨其志願所欲聞者,自然得聞,故鳥樹皆成妙法音也。

(Sao: “Do nguyện mà thành tựu”: Trong kinh Đại Bổn, ngài Pháp Tạng đã nguyện: “Khi tôi thành Phật, người trong cõi tôi, tùy theo chí nguyện muốn được nghe, sẽ tự nhiên được nghe”. Vì thế, chim và cây đều phát ra pháp âm mầu nhiệm).

          Nói rõ các loài chim, gió và cây trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều diễn pháp, là do công đức từ bổn nguyện của A Di Đà Phật tạo thành, phần kinh văn bốn mươi tám nguyện là căn cứ [cho nhận định này].

          (Sao) Hạnh sở thành giả, Đại Bổn nguyện hậu tu hành. Như vân: “Thường dĩ hòa nhan ái ngữ, nhiêu ích chúng sanh”.

            ()行所成者,大本願後修行,如云:常以和顏愛語,

饒益眾生。

(Sao: “Do hạnh mà thành tựu”: Theo kinh Đại Bổn, sau khi phát nguyện, [ngài Pháp Tạng] tu hành. Kinh chép: “Thường dùng vẻ mặt hiền hòa, lời nói mềm mỏng để tạo lợi ích cho chúng sanh”).

          Cổ nhân hình dung “hòa nhan ái ngữ” như gió Xuân, như được hưởng gió Xuân. Gặp một vị thiện tri thức, hoặc một vị thầy tốt, thân cận họ, nghe họ giảng giải, dạy bảo, sẽ có cảm nhận như đang hưởng gió Xuân, có ý nghĩa ấy, lợi lạc chúng sanh.

(Sao) Thị dĩ đắc thành phong xuy lâm thụ, giai xuất diệu âm cố. Như vân: Ư Phật, Pháp, Tăng, tín trọng, cung kính, thị dĩ đắc thành chúng sanh văn giả, hàm niệm Tam Bảo cố.

()是以得成風吹林樹,皆出妙音故。如云:於佛法僧,信重恭敬,是以得成眾生聞者,咸念三寶故。

(Sao: Do vậy, thành ra gió thổi qua rừng cây đều phát ra âm thanh mầu nhiệm. Như nói: “Đối với Phật, Pháp, Tăng, tin tưởng, tôn trọng, cung kính”. Do vậy, được thành: Chúng sanh nghe xong đều niệm Tam Bảo).

           Đoạn này nói về công đức được thành tựu bởi đại hạnh của A Di Đà Phật. Nguyện và hạnh đều dựa trên kinh Vô Lượng Thọ để nói, [kinh ấy nói] tường tận hơn những điều được nêu ra ở đây.

          (Sao) Biến hóa công đức giả, như Luận tụng vân.

            ()變化功德者,如論頌云。

(Sao: “Biến hóa công đức” là như bài tụng trong Vãng Sanh Luận đã nói).

          Trong Luận đã nêu ra mười bảy loại công đức, trong ấy có câu này (“biến hóa công đức”). Kệ tụng trong Vãng Sanh Luận có nói:

          (Sao) Chủng chủng tạp sắc điểu, các các xuất nhã âm, văn giả niệm Tam Bảo, vong tướng nhập nhất tâm.

          ()種種雜色鳥,各各出雅音,聞者念三寶,忘相入一心。

          (Sao: Các thứ chim nhiều màu, đều hót tiếng hòa nhã, người nghe niệm Tam Bảo, quên tướng, nhập nhất tâm).

          Những loài chim này do A Di Đà Phật biến hóa tạo ra. Luận nói như vậy là có căn cứ. Kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà đều nói rất rõ ràng: Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có chim thật sự. Chim [bình phàm] thuộc về súc sanh đạo, còn những con chim này là do “A Di Đà Phật muốn cho pháp âm được tuyên lưu, nên biến tạo ra”. Vì thế, các con chim thuyết pháp chính là A Di Đà Phật thuyết pháp.

          (Sao) Đại Thừa công đức giả, như Luận tụng vân: “Đại Thừa thiện căn giới, đẳng vô cơ hiềm danh, nữ nhân cập căn khuyết, Nhị Thừa chủng bất sanh”, thị dã. Đẳng giả, đẳng hư không cập tánh dã.

()大乘功德者,如論頌云:大乘善根界,等無譏嫌名,女人及根缺,二乘種不生,是也;等者,等虛空及性也。

(Sao: “Công đức Đại Thừa”: Như bài kệ tụng trong Vãng Sanh Luận có nói: “Giới thiện căn Đại Thừa, bình đẳng, không tên xấu, nữ nhân, và căn thiếu, tánh Nhị Thừa chẳng sanh” là ý này. “Đẳng” nghĩa là tánh như hư không).

          Vãng Sanh Luận cũng có nói như vậy. “Đại Thừa thiện căn giới”. Chữ “đẳng” [trong câu “đẳng vô cơ hiềm danh”] có nghĩa là bình đẳng. Chẳng có những danh xưng đáng chê bai, ghét bỏ, “cơ hiềm danh” (譏嫌名: danh xưng đáng chê trách, bị ghét bỏ) chính là danh xưng ác đạo. Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh là những danh xưng ấy. Nghe danh xưng ấy, chúng ta đều chán ghét, không ưa thích. Thế giới Cực Lạc không chỉ chẳng có ba ác đạo, mà danh xưng ba ác đạo cũng chẳng có. “Nữ nhân cập căn khuyết” (Nữ nhân và căn thiếu), “căn khuyết” là tàn tật. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có nữ nhân, chẳng có kẻ tàn tật, cũng chẳng có Nhị Thừa (Thanh Văn, Duyên Giác). Câu này rất trọng yếu! Nói rõ Tây Phương Cực Lạc thế giới là một pháp giới thuần nhất Bồ Tát. Trừ phi quý vị chẳng vãng sanh, chứ đã vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đều là Bồ Tát. Chúng ta đã thấy kinh Vô Lượng Thọ nhiều lần đề cập, trong bốn mươi tám nguyện cũng nói rõ ràng, thế giới ấy xác thực là Nhất Chân pháp giới. Kinh lại còn nhiều lượt nói rõ, người bên ấy “hàm cộng tuân tu Phổ Hiền đại sĩ chi đức” (đều cùng tuân hành tu tập đức của Phổ Hiền đại sĩ). Nói cách khác, trong thế giới Cực Lạc, toàn bộ đều là Phổ Hiền Bồ Tát. Phổ Hiền Bồ Tát rất đông, có địa vị Sơ Tín, địa vị Nhị Tín, cho đến Đẳng Giác. Từ địa vị Sơ Tín đến địa vị Đẳng Giác có năm mươi mốt cấp bậc, toàn bộ đều là Phổ Hiền Bồ Tát, đều tu đức của Phổ Hiền đại sĩ. Kinh Hoa Nghiêm gọi đức của Phổ Hiền đại sĩ là Thập Đại Nguyện Vương.

Do vậy, các đồng tu cầu sanh Tịnh Độ, chớ nên không biết “Phổ Hiền đại sĩ chi đức”. Tốt nhất là hãy nên tu học, vì tu học [hạnh nguyện Phổ Hiền] thì mới đồng tâm, đồng nguyện, đồng hạnh với các vị thượng thiện nhân trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, nguyện tương đồng là điều rất trọng yếu. Vì lẽ đó, cư sĩ Ngụy Nguyên đã ghép phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện vào sau ba kinh, gọi là Tịnh Độ Tứ Kinh. Tổ Ấn Quang lại thêm Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương của kinh Lăng Nghiêm vào sau bốn kinh Tịnh Độ, biến thành Tịnh Độ Ngũ Kinh, do vậy mà có ngũ kinh. Năm kinh một luận là kinh điển Tịnh Tông đầy đủ nhất, sau này chẳng cần thêm vào nữa, đã viên mãn rồi! Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương gồm hai trăm bốn mươi chữ là Tâm Kinh của Tịnh Độ. Chư vị phải biết: Tịnh Tông là tinh hoa trong giáo pháp suốt một đời đức Phật. Đã là Tâm Kinh của Tịnh Độ Tông thì phải là Tâm Kinh của toàn thể Phật pháp, chẳng biết công đức lớn hơn Bát Nhã Tâm Kinh bao nhiêu lần. Người bình phàm chẳng biết điều này. Nếu thật sự hiểu rõ, vì lợi ích thiết thực trong sự tu học của chúng sanh trong hiện thời, trong khóa tụng hoặc trong pháp hội, hãy nên đổi Tâm Kinh thành Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương thì mới là đúng. Tâm Kinh là tinh hoa của Đại Bát Nhã, Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương là tinh hoa của toàn thể Đại Tạng Kinh, [Tâm Kinh] chẳng thể sánh bằng! Nghi thức khóa tụng do cổ nhân định ra nhằm khế hợp căn tánh chúng sanh trong thời đại ấy. Họ tu Bát Nhã, tu Pháp Tướng có thể đạt được một chút thành tựu. Họ định ra công khóa ấy, nay chúng ta tu, chẳng đạt được hiệu quả, nếu chính mình phản tỉnh, kiểm điểm chuyện này, sẽ phát hiện và cũng thừa nhận.

          Chúng ta niệm kinh Kim Cang, niệm Tâm Kinh, có mấy ai có thể làm được “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”? Quý vị chẳng Không được, chẳng làm nổi! Kinh Kim Cang nói: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, quý vị có thể làm được hay không? Kinh chẳng sai lầm, chỉ là chẳng khế hợp căn tánh của người hiện thời. Người hiện thời vọng tưởng, chấp trước tăng trưởng hơn người trong quá khứ ngàn vạn lần! Trước kia, xã hội đơn thuần, chẳng suy nghĩ loạn xạ; xã hội hiện tại quá phức tạp, bất cứ chuyện nhỏ nhặt nào xảy ra ở bất cứ đâu trên toàn thể thế giới, TV, báo chí đều loan tải, quý vị biết ngay lập tức. Xưa kia, nơi xa xôi xảy ra chuyện, mấy tháng sau còn chưa biết. Do không biết, tâm thanh tịnh! Khi biết chuyện ít, phiền não sẽ ít. Biết nhiều người, lắm nỗi thị phi! Trước kia, giao thông chẳng thuận tiện, chẳng quen biết nhiều người cho lắm, sống ở nơi này, ở chỗ quanh đây mấy dặm đường thì biết, hễ xa hơn một chút sẽ không biết. Chẳng có phương tiện giao thông, phải đi bộ, rất vất vả, mỗi ngày đi được ba bốn chục dặm [là cùng]! Vì thế, chẳng có chuyện gì cần thiết, họ cũng chẳng đi xa, thôn trang này và thôn trang kia cho đến già chết chẳng qua lại với nhau, tâm họ thanh tịnh lắm! Hiện thời, giao thông thuận tiện, nhanh chóng, đi lung tung khắp nơi trên toàn thế giới, thấy rất nhiều, nghe rất nhiều, thị phi phiền não quá nhiều, quả thật chẳng bằng trước kia!

          Đối với thế giới Tây Phương, chúng sanh trong chín pháp giới chỉ cần trọn đủ ba điều kiện Tín, Nguyện, Hạnh, chẳng có ai không vãng sanh. Thế giới Tây Phương là thế giới bình đẳng, sau khi sanh về nơi ấy, đều là thân sắc vàng, tướng mạo giống hệt như Phật, cư trụ, ăn uống, quần áo, hưởng thụ cũng tương đồng, chẳng có điều gì khác biệt. Trong hết thảy các cõi Phật khắp mười phương, chẳng có chuyện này. Mười phương các cõi Phật gần giống như cõi Sa Bà, sự hưởng thụ vật chất và tinh thần tùy thuộc sự tu trì của quý vị mà đạt được, bất bình đẳng. [Chỗ bất bình đẳng trong] Tây Phương Cực Lạc thế giới là công phu đoạn chứng bất bình đẳng, công phu nội chứng từ địa vị Sơ Tín cho đến địa vị Đẳng Giác là năm mươi mốt cấp bậc, đó là bất bình đẳng, nhưng bên ngoài hoàn toàn bình đẳng, chẳng thể nghĩ bàn, là pháp khó tin! “Đẳng hư không cập tánh” (Tánh bình đẳng, như hư không).

           (Diễn) Hư không công đức giả. Tụng vân: “Vô lượng bảo giao lạc, la võng hư không trung, chủng chủng linh phát hưởng, tuyên thổ diệu pháp âm”. Tánh công đức giả, chánh đạo đại từ bi, xuất sanh thiện căn cố.

()虛空功德者,頌云:無量寶交絡,羅網虛空中,種種鈴發響,宣吐妙法音。性功德者,正道大慈悲,出生善根故。

(Diễn: “Hư không công đức”:  Bài kệ [trong Vãng Sanh Luận] có

đoạn: “Vô lượng báu giăng xen, lưới mành phủ hư không, các thứ linh vang tiếng, tuyên nói diệu pháp âm”. “Tánh công đức” là chánh đạo đại từ bi, xuất sanh các căn lành).

          Bài kệ trên đây nói về công đức trên hư không, lưới mành giao xen trên không trung, ở mỗi chỗ mành lưới giao tiếp, buộc một cái linh báu. Gió thổi linh báu phát ra âm thanh cũng là diệu âm thuyết pháp. “Chánh đạo đại từ bi, xuất sanh thiện căn cố” (Chánh đạo đại từ bi, xuất sanh các căn lành), đó là tánh công đức, tức Chân Như bản tánh. Những điều này nhằm bổ sung những chỗ đại sư chưa trích dẫn đầy đủ trong phần trước để chúng ta có thể thấy ý nghĩa hoàn chỉnh. Hôm nay chúng tôi giảng tới đây!

[1] “Tả hữu phùng nguyên” (左右逢源) là một thành ngữ xuất phát từ thiên Lâu Lan Hạ trong sách Mạnh Tử. Câu nói này nguyên gốc là “tư chi thâm, tắc thủ chi tả hữu phùng nguyên”. Theo các nhà chú giải, Nguyên là nguồn nước, “tả hữu phùng nguyên” nghĩa là đến nơi đâu cũng đều tìm được nguồn nước sung túc, nên rất thoải mái. Do đó, nếu hiểu theo nghĩa bóng, câu nói ấy nhằm diễn tả ý nghĩa: Công phu đã đạt đến mức độ sâu chắc, mọi việc đều thuận theo lòng muốn mà hành xử, nghĩ đâu làm đúng đó, chẳng gặp trở ngại gì. Nhà Thiền dùng thành ngữ này nhằm diễn tả cảnh giới của bậc đã chứng nhập, đối với bất cứ pháp nào cũng đều thấu hiểu thể tánh của nó, vận dụng vô ngại, pháp nào vào trong tay họ cũng đều là phương tiện để phô diễn Chân Như chẳng trở ngại.

[2] Phệ Lưu Ly là cách phiên âm khác của chữ Tỳ Lưu Ly (Vaidūrya), chữ này còn được phiên âm là Bệ Đầu Lê, Bệ Trù Lê Dạ, hoặc gọi tắt là Lưu Ly, là một loại ngọc trong suốt, có màu xanh thẫm, được xếp vào trong thất bảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *