#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 238
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm sáu mươi hai:
(Sao) Bảo Tích thập tâm giả, giải kiến tiền văn, tiền vị thập tâm nan cụ, kim vị tâm ký nhất hỹ, từ bi hỷ xả, bách thiên chủng tâm, hà sở bất cụ!
(鈔)寶積十心者,解見前文,前謂十心難具,今謂心既一矣,慈悲喜捨,百千種心,何所不具。
(Sao: “Mười tâm trong kinh Bảo Tích” xem giải thích trong kinh văn thuộc phần trước. Trong phần trước [của Sớ Sao] có nói “mười tâm khó thể trọn đủ”, nay nói: Tâm đã chuyên nhất thì từ bi, hỷ xả, trăm ngàn thứ tâm, có thứ nào chẳng trọn đủ!)
Kinh Đại Bảo Tích nêu ra mười tâm, trong phần trước đã nói, ở đây chẳng nhắc lại nữa. Trong phần trước từng nói: Rất khó trọn đủ mười loại tâm ấy. Trong đoạn giảng về nhất tâm bất loạn này, đại sư bảo chúng ta: Nếu thật sự niệm đến nhất tâm bất loạn, không chỉ là mười tâm được nói trong kinh Đại Bảo Tích, mà các thứ tâm đáng nên trọn đủ của hàng Bồ Tát do chư Phật, Bồ Tát đã dạy trong hết thảy các kinh luận thảy đều trọn đủ. Do vậy có thể biết: Pháp môn này chủ trương nhất tâm bất loạn, pháp môn nhất tâm là pháp môn thù thắng nhất trong hết thảy các pháp môn. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Một chính là hết thảy, hết thảy chính là một”. Từ chỗ này, chúng ta có thể thấu hiểu ý nghĩa chân thật của câu kinh văn này, đồng thời cũng có thể thấu hiểu [vì sao] chư Phật Như Lai, hết thảy tổ sư đại đức đã dạy chúng ta: “Pháp môn này đơn giản, dễ dàng, ổn thỏa, thích đáng, nhanh chóng”. Ở đây, chúng ta cũng có thể thấy được những ý nghĩa đó. Đọc đoạn khai thị này, hãy nên thấu hiểu vì sao Tịnh Tông thành tựu chắc thật, ổn thỏa, thích đáng, lẹ làng dường ấy!
(Sao) Tịnh Danh bát pháp giả.
(鈔)淨名八法者。
(Sao: Tám pháp trong kinh Tịnh Danh).
Kinh Tịnh Danh là Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh. Trưởng giả Duy Ma (Vimalakīrti) cũng là Như Lai hóa thân, nói rõ: Tu hành thì xuất gia và tại gia trọn chẳng sai khác. Chúng ta mong tu hành chứng quả, vãng sanh bất thoái, tại gia và xuất gia chẳng khác gì nhau! Nếu chỉ đơn thuần nói theo phương diện vãng sanh bất thoái, nói thật ra, tại gia đâm ra còn [thành tựu] dễ dàng hơn xuất gia. Đặc biệt là trong thời cận đại, có thể thấy sự thật này rất rõ rệt. Chúng ta đọc Vãng Sanh Truyện thời cận đại, hoặc những ghi chép về chuyện vãng sanh, thậm chí ngay trong tỉnh này (Đài Loan), chúng tôi đích thân mắt thấy, tai nghe những người niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ, thật sự là chúng tại gia đông hơn hàng xuất gia. Đã thế, tại gia nữ chúng lại còn đông hơn tại gia nam chúng. Điều này cho thấy: Đối với chuyện tu hành chứng quả, tại gia có thành tựu y hệt [như người xuất gia]. Vì sao phải phát tâm xuất gia? Xuất gia có công đức xuất gia, rốt cuộc công đức xuất gia là ở chỗ nào? Chúng ta biết: Trong một đời này, nếu chẳng nghe Phật pháp, chẳng thể nghe Phật pháp thù thắng bậc nhất như vậy, chúng ta quyết định chẳng thể thành tựu trong một đời này. Tu học bất cứ pháp môn nào mà mong thành tựu ngay trong một đời thì gần như là chẳng thể được. Dẫu vào thời cổ, xét theo tỷ lệ số lượng thì cũng rất ít. Nguyên nhân ở nơi đâu? Đoạn phiền não khó khăn, trừ vọng tưởng khó khăn! Sở dĩ pháp môn này thành tựu dễ dàng là vì chẳng cần đoạn phiền não, chẳng cần trừ vọng tưởng, thường nói là “đới nghiệp vãng sanh”, dễ dàng hơn các pháp môn khác quá nhiều. Vì thế, cổ đức gọi pháp môn này là “vạn người tu, vạn người đến”. Đạo lý ở chỗ này!
Chúng ta nghe biết [Phật pháp] như thế nào? Cần phải cậy vào những người xuất gia đời đời truyền thừa, chúng ta mới có thể tiếp xúc, mới có thể nghe pháp môn này. Phật pháp nếu chẳng có ai truyền, đương nhiên là pháp này cũng tiêu mất trong thế gian này, người đời sau chẳng có cơ hội nghe pháp môn này nữa! Do vậy, công đức xuất gia chẳng có gì khác: Đời đời truyền thừa pháp môn này, giới thiệu, phổ biến pháp môn này với quảng đại quần chúng, khiến cho hết thảy mọi người có cơ hội gặp gỡ, có cơ hội nghe thấy, có cơ hội học tập. Đấy là trách nhiệm của người xuất gia. Do đó, người xuất gia phải gánh vác gia nghiệp của Như Lai, gánh vác là đảm đương trọng trách ấy. Gia nghiệp của Như Lai là gì? Là hoằng pháp lợi sanh. Trong hết thảy các pháp môn, hoằng pháp thật sự lợi ích chúng sanh, thật sự khiến cho chúng sanh đạt được lợi ích chân thật, chỉ có pháp môn này! Trừ pháp môn này ra, nói thật ra, lợi ích đạt được đều hữu hạn. Vì sao hữu hạn? Chẳng thể liễu sanh tử, chẳng thể thoát khỏi tam giới. Tuy gieo một chút thiện căn trong tám thức điền, vẫn y như cũ chẳng thể tránh khỏi luân hồi, lợi ích rất hữu hạn! Chỉ có pháp môn này là có thể thoát khỏi tam giới theo chiều ngang, vãng sanh bất thoái thành Phật, thành tựu ngay trong một đời, cho nên pháp môn này cũng gọi là “đương sanh thành tựu pháp môn” (pháp môn thành tựu ngay trong một đời). Công đức xuất gia là ở chỗ này.
Do vậy, chúng ta cũng hiểu: Nếu xuất gia mà chẳng thể hoằng pháp lợi sanh, chẳng bằng làm người tại gia! Vì sao? Kẻ tại gia chẳng tiếp nhận mười phương cúng dường, dựa vào sự lao lực của chính mình để sống, tay làm hàm nhai, niệm Phật cầu vãng sanh sẽ dễ dàng hơn nhiều! Người xuất gia tiếp nhận mười phương cung kính cúng dường. Cổ đức có nói lời cảnh cáo: Người xuất gia “đời này chẳng liễu đạo, mang lông, đội sừng đền”. Người xuất gia thiếu nợ thí chủ quá nhiều. Nếu quý vị chẳng nghiêm túc tu hành, một bát cơm của người xuất gia sẽ rất khó nuốt! Còn khó nuốt hơn kẻ ăn mày ôm bát xin cơm ở ngoài phố rất nhiều! Đối với kẻ ăn mày, người ta bố thí cho hắn một bát cơm, tuyệt đối chẳng mong báo đáp. Thí chủ cúng dường một bát cơm, trong lòng họ, “quý vị là phước điền chân chánh, tôi cúng dường để được phước”, họ mong cầu được báo đáp. Chúng ta hãy ngẫm xem: [Bản thân chúng ta] có phải là phước điền hay không? Có thể cho hết thảy chúng sanh gieo phước hay chăng? Hai chúng xuất gia (tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni) hãy phản tỉnh thật sâu chuyện này. Đã phát tâm xuất gia, nhất định phải gánh vác gia nghiệp của Như Lai.
Trưởng giả Duy Ma thị hiện cùng thời với Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện xuất gia thành Phật, cư sĩ Duy Ma thị hiện tại gia thành Phật, dùng thân phận cư sĩ để thành Phật, nhằm nói rõ: Trên phương diện tu học, tại gia và xuất gia bình đẳng; cũng nhằm chỉ rõ: Phật pháp là pháp bình đẳng. Không chỉ thế giới Cực Lạc là một thế giới bình đẳng, mà Phật pháp thị hiện trong thế gian này cũng là pháp bình đẳng. Phật đạo là sư đạo, sư đạo [trong Phật pháp] giống như [sư đạo của] cổ nhân, ắt phải tôn sư trọng đạo. Tứ chúng đệ tử hướng về đức Thế Tôn thỉnh giáo, trong Phật môn gọi là “thỉnh pháp”, còn người thế gian thường nói là “thỉnh giáo”. Dùng chữ “thỉnh giáo” cho mọi người dễ hiểu hơn một chút! Thỉnh pháp là thỉnh giáo, thái độ hết sức cung kính. Học trò của đức Thế Tôn đến chỗ cư sĩ Duy Ma thỉnh giáo, tâm cung kính cho đến lễ tiết đều chẳng khác gì gặp đức Phật. Đệ tử đức Phật gặp Phật thì lễ tiết là đảnh lễ ba lạy, nhiễu theo chiều bên phải ba vòng, đó là lễ kính nhất. Chúng ta đọc kinh điển, [sẽ thấy] đệ tử đức Phật, bất luận đệ tử tại gia hay xuất gia, khi hướng về đức Phật thỉnh giáo đều có lễ tiết ấy. Lại thấy khi Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên hướng về cư sĩ Duy Ma thỉnh giáo, cũng là đảnh lễ ba lạy, nhiễu theo chiều bên phải ba vòng, hoàn toàn giống như đến gặp đức Phật, chẳng khác chi cả! Điều này tỏ rõ: Phật pháp là sư đạo. Bất luận là thân phận tại gia hay xuất gia, chỉ cần thuộc vào địa vị thầy, học trò gặp thầy cái tâm cung kính chẳng có sai biệt, lễ tiết cũng hoàn toàn giống nhau. Chúng ta nhất định phải ghi nhớ, nhất định phải học tập điều này.
(Diễn) Tịnh Danh bát pháp giả, nhất, nhiêu ích chúng sanh, nhi bất vọng báo.
(演)淨名八法者,一、饒益眾生,而不望報。
(Diễn: “Tám pháp trong kinh Tịnh Danh”: Một là nồng nhiệt tạo lợi ích cho chúng sanh, chẳng mong báo đáp).
Kinh Tịnh Danh nói tám pháp, cũng là do cư sĩ Duy Ma dạy người ta hãy thường giữ tám loại tâm ấy. “Ích” (益) là lợi ích. Trong mỗi niệm, chúng ta đều phải có tâm lợi ích chúng sanh, phải lợi ích như thế nào? Phải khiến cho chúng sanh đạt được lợi ích tốt nhất. “Nhiêu” (饒) là “phong nhiêu” (豐饒: tràn trề, phong phú), cũng là như nay chúng ta nói là “lợi ích tốt nhất”. Chúng ta phải tận tâm tận lực giúp đỡ đại chúng trong xã hội, quyết chẳng mong được đền đáp. Đó gọi là: Chỉ trọn hết nghĩa vụ, mà chẳng tiếp nhận, chẳng hưởng thụ quyền lực. Người hiện thời nói: “Hễ có nghĩa vụ bèn có quyền lực”, nhưng Bồ Tát là có nghĩa vụ, trong tâm chẳng trông mong quyền lực. Phải giữ tấm lòng ấy! Tâm ấy là tâm thanh tịnh. Trong Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ, Thiện Đạo đại sư bảo tâm ấy là “chân thật tâm trung tác” (làm bằng cái tâm chân thật). Nhất tâm là tâm chân thật, niệm niệm mong nhiêu ích chúng sanh. Chúng ta có làm được hay không? Kinh này là “hành kinh” (行經: kinh dạy về cách tu hành, chuyên chú trọng phương diện tu trì), chẳng nói về lý luận, mà nhằm giảng về hành vi của chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta nhất định phải làm được! Làm không được, chẳng có tác dụng! Chúng ta có làm đúng như vậy hay không? Có phải là tận tâm tận lực làm như vậy hay không? Điều này hết sức trọng yếu! Đã làm như vậy thì tốt lắm, vẫn phải càng thêm nỗ lực. Nếu chúng ta đã tận tâm tận lực nhưng chẳng đạt tới viên mãn, càng phải nỗ lực. Người chẳng làm được, từ nay trở đi, nhất định phải phát tâm, khởi tâm động niệm nghĩ tới lợi ích của người khác, nghĩ tới đại chúng trong toàn thể xã hội, nghĩ tới chúng sanh trên toàn thể thế giới, thường có thể nghĩ như vậy, tâm lượng của chúng ta bèn mở rộng. Tâm lượng đã mở mang, chẳng cần nghĩ tới chính mình, niệm nào cũng đều nghĩ tới quảng đại quần chúng. Đó là hạn độ thấp nhất. Chúng ta phải nghĩ tới xã hội, nghĩ tới thế giới này. Tâm lượng của chư Phật Như Lai to hơn chúng ta nhiều lắm, trong tâm các Ngài nghĩ tưởng nhiêu ích hết thảy chúng sanh tận hư không khắp pháp giới. Tâm lượng ấy quá to! Quả địa cầu này thấm vào đâu? Giữa không gian, nói thật ra, chẳng thấy [quả địa cầu] đâu hết, quá nhỏ! Nay chúng ta khởi tâm động niệm đều nghĩ đến phước lợi của chúng sanh trên cả thế giới, cái tâm ấy vẫn là nhỏ bé, vẫn là nhỏ nhoi đến mức đáng thương! Chẳng thể sánh bằng Phật, Bồ Tát! Nếu khởi tâm động niệm chỉ nghĩ đến lợi ích của chính mình, chư vị nhất định phải biết: Quyết định chẳng thể vãng sanh!
Có một câu nói cửa miệng rất hay: “Người niệm Phật đông đảo, kẻ vãng sanh ít ỏi”. Vì sao họ niệm Phật tốt đẹp như vậy mà vẫn chẳng thể vãng sanh? Tâm lượng quá nhỏ, khởi tâm động niệm toàn là tự tư tự lợi. Trong thế giới Tây Phương, kinh đã dạy rất rõ ràng: “Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ” (Các vị thượng thiện nhân nhóm họp một chỗ). Tâm lượng nhỏ nhoi sẽ chẳng phải là thiện nhân, dẫu niệm Phật tốt đẹp cách mấy, A Di Đà Phật hoan nghênh quý vị đến đó, đại chúng bên ấy chẳng thể tiếp nhận quý vị, vì tâm lượng của quý vị quá nhỏ! Khi nào tâm lượng mở rộng, quý vị sẽ có phần hy vọng vãng sanh. Tâm lượng của nhất tâm to lớn, trong nhất tâm chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, chẳng có giới hạn. Do vậy, hễ nhất tâm bèn quyết định được vãng sanh. Có phân biệt, có chấp trước, sẽ chẳng phải là nhất tâm. Do vậy, điều thứ nhất là chúng ta phải niệm niệm nghĩ đến lợi ích của hết thảy chúng sanh, đừng nghĩ tới chính mình!
(Diễn) Nhị, đại nhất thiết chúng sanh thọ chư khổ não, sở tác công đức tận dĩ thí chi.
(演)二、代一切眾生受諸苦惱,所作功德盡以施之。
(Diễn: Hai là thay chúng sanh nhận lãnh các khổ não, những công đức đã làm đều thí sạch hết).
Phải biết tu Bố Thí Ba La Mật, phải có thể chịu khổ thay cho chúng sanh. Cách chịu thay là như thế nào? Có thể bố thí chính là chịu thay. Ví như quý vị hiện thời sống rất sung túc, có thể sống cuộc đời rất thoải mái. Thấy rất nhiều chúng sanh khổ nạn, bèn giảm thấp mức hưởng thụ trong cuộc sống của chính mình, đem những thứ dư ra giúp đỡ các chúng sanh khổ nạn. Đó là chịu khổ thay cho chúng sanh. Tại Trung Hoa, tấm gương điển hình nhất là ông Phạm Trọng Yêm vào đời Tống. Ông ta làm đến Tể Tướng, làm đến Đại Nguyên Soái, bổng lộc chẳng thể nói là không hậu hĩnh, nhưng cuộc sống trong gia đình rất nghèo khổ. Vì sao khổ sở dường ấy? Vốn là do ông dùng hết thu nhập để cứu giúp dân nghèo, giúp đỡ người khác. Trong bộ Cổ Văn Quán Chỉ có bài Nghĩa Điền Ký ghi chép chuyện Phạm tiên sinh ưa thiện, chuộng thí. Suốt đời, tự mình sống rất kham khổ, đúng là trà thô, cơm nhạt, dùng thu nhập của chính mình để cứu tế xã hội. Một mình ông ta ra sức nuôi hơn ba trăm gia đình, đích xác là chẳng dễ dàng! Ông còn mở trường nghĩa học, [tức là] chi phí của học trò và giáo viên đều do ông cung cấp. Thấy những kẻ trẻ tuổi, rất thông minh, rất ưu tú, nhưng gia cảnh bần hàn, ông ta tập hợp họ lại để dạy bảo. Kinh phí do một mình ông đảm đương, đều lấy từ bổng lộc của chính mình. Chẳng giống như hiện thời, hễ làm sự nghiệp từ thiện bèn đi khắp nơi hóa duyên, quyên tiền, chẳng phải là như vậy. Đó là chịu đựng các nỗi khổ não thay cho chúng sanh, các công đức đã làm thảy đều bố thí. Gia tộc họ Phạm rất lỗi lạc, con cháu đều tuân thủ gia giáo của Phạm lão tiên sinh.
Từ Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, chúng ta thấy tổ Ấn Quang hết sức tán thán ông Phạm. Vì sao? Đạo tràng của Ấn Quang đại sư ở ngay quê hương của Phạm tiên sinh, tức Tô Châu, khoảng cách rất gần. Từ đời Tống cho mãi đến những năm đầu thời Dân Quốc, suốt tám trăm năm, gia tộc ông Phạm chẳng suy, đời đời xuất hiện nhân tài, đời đời đều sanh ra người tốt, đều chuộng thiện ham thí giống như Phạm tiên sinh, hết sức đáng cho kẻ khác tôn kính. Phạm tiên sinh là một Phật tử kiền thành, thật sự làm được giáo huấn của đức Phật, chúng ta hãy nên học tập điều này. Bản thân chúng ta có thể giảm bớt một phần hưởng thụ vật chất, sẽ có thể giúp thêm một phần chúng sanh khổ nạn. Hãy thường nghĩ tới điều này, những khoản chi tiêu chẳng cần thiết hãy tận lực tiết giảm, chịu khổ nạn thay cho chúng sanh.
(Diễn) Tam, đẳng tâm chúng sanh khiêm hạ vô ngại, ư chư Bồ Tát thị chi như Phật.
(演)三、等心眾生謙下無礙,於諸菩薩視之如佛。
(Diễn: Ba là tâm bình đẳng đối với chúng sanh, khiêm hư, vô ngại, coi các vị Bồ Tát như Phật).
Đây là tu lễ kính. Trong Lễ Ký có định nghĩa về Lễ. Tinh thần của Lễ là “tự ty nhi tôn nhân” (hạ thấp chính mình, tôn trọng người khác), ở đây, kinh đã dạy chúng ta ý nghĩa ấy. “Đẳng tâm” (等心) là tâm bình đẳng, dùng tâm bình đẳng để đối đãi hết thảy chúng sanh; chính mình phải khiêm hư, phải nhún nhường. Chính mình có thể khiêm hư, nhún nhường, đương nhiên là có thể tôn kính người khác. Quý vị có thể tôn kính người khác, người khác cũng tôn kính quý vị. “Kính nhân giả, nhân hằng kính chi” (Kẻ kính trọng người khác, người khác luôn kính trọng kẻ ấy). Bất luận quý vị làm chuyện gì, nhất định là sẽ có rất nhiều người giúp đỡ, chẳng bị chướng ngại. Tiếp đó, nêu lên một thí dụ, “ư chư Bồ Tát thị chi như Phật” (coi các vị Bồ Tát như Phật). Chúng ta cung kính đức Phật nhất. “Chư Bồ Tát” là nói tới những vị Bồ Tát nào? Nói tới danh tự Bồ Tát, danh tự Bồ Tát là phàm phu. Trong phàm phu, có nhiều người đã thọ Bồ Tát giới, mang danh hiệu là Bồ Tát, [nên gọi là] danh tự Bồ Tát. Tuy là danh tự Bồ Tát, chúng ta gặp họ cũng phải tôn kính họ như Phật. Thậm chí đối với những người chẳng thọ Bồ Tát giới, họ tới thọ Tam Quy, Ngũ Giới, chúng ta cũng coi họ như Bồ Tát, cũng coi họ như Phật. Vì sao? Chỉ có người giác ngộ mới chịu phát tâm thọ Tam Quy, học Phật. Bồ Tát là “giác hữu tình”, [tức là] hữu tình chúng sanh giác ngộ. Bất luận họ có thọ giới hay không, hễ là người giác ngộ, chúng ta phải nên đối đãi, tôn trọng họ như Phật. Những điều này phải nghiêm túc nỗ lực học tập trong cuộc sống hằng ngày, phải làm được thì mới là học trò đức Phật.
(Diễn) Tứ, sở vị văn kinh, văn chi vô nghi.
(演)四、所未聞經,聞之無疑。
(Diễn: Bốn là đối với kinh chưa được nghe, hễ nghe bèn chẳng nghi).
Câu này nên hiểu như thế nào? Chư vị phải biết: Trong Phật pháp rộng lớn, kinh Vãng Sanh khó được nghe nhất. Nói tới “kinh vãng sanh” chính là nói Tịnh Độ Tam Kinh, rất khó nghe thấy. Kinh Vô Lượng Thọ có nói: Bao nhiêu vị Bồ Tát mong nghe pháp môn này mà chẳng được nghe, cho thấy chẳng dễ gì được nghe pháp môn này. Nghe pháp này xong mà có thể tin tưởng, lại càng chẳng dễ dàng! Hết thảy chư Phật đều nói pháp môn này là “pháp khó tin”, ai khó tin? Bồ Tát khó tin, Thanh Văn, Duyên Giác khó tin! Pháp khó tin, cớ sao bọn chúng ta có thể tin tưởng? Nói thật ra, bọn chúng ta may mắn chẳng phải là Bồ Tát, chẳng phải là A La Hán, chẳng phải là Bích Chi Phật! Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật cũng đã nói rõ ràng chuyện này. Chẳng nói rõ ràng, đích xác là chúng ta sẽ rất hoài nghi, vì sao pháp khó tin mà ta có thể tin tưởng? Nguyên lai, đức Phật đã từng dạy: Người nghe pháp môn này mà có thể sanh tâm hoan hỷ, có thể tiếp nhận, có thể y giáo phụng hành, tức là đời đời kiếp kiếp trong vô lượng kiếp quá khứ đã gieo thiện căn, nay trong một đời này, [thiện căn ấy] chín muồi, chuyện là như vậy đó. Thiện căn sâu dầy, chẳng thể nghĩ bàn! Nói thật ra, thiện căn sâu dầy ấy, cũng chẳng ai có thể nói ra. Trừ Phật ra, hàng Bồ Tát đều chẳng thể thốt lên lời! Nếu Bồ Tát có thể thốt lên lời, Ngài đã tin tưởng. Bồ Tát nói không được, thì nói cách khác, Ngài chẳng tin.
Kinh đã nêu một trường hợp: Vương tử A Xà Thế và năm trăm vị trưởng giả, trong đời quá khứ từng cúng dường bốn trăm ức Phật. Họ nghe pháp môn này, sanh tâm hoan hỷ, nhưng hoàn toàn chẳng phát tâm cầu sanh Tịnh Độ. Trong đời quá khứ từng cúng dường bốn trăm ức Phật, [thế mà] ý niệm vãng sanh Tịnh Độ chẳng dấy lên được! Nay chúng ta nghe pháp môn này, mong vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thiện căn đã gieo trong đời quá khứ của chúng ta chắc chắn vượt trỗi vương tử A Xà Thế. Quý vị chẳng có thiện căn sâu dầy ngần ấy, làm sao có thể tin tưởng cho được? “Sở vị văn kinh” (Kinh chưa được nghe) chính là nói đến kinh này, chưa hề nghe nói! Các vị Bồ Tát, A La Hán, Bích Chi Phật chưa hề nghe nói tới! Nghe kinh này, họ hoài nghi: Lẽ nào có chuyện thành Phật dễ dàng dường ấy? Nói cách khác, ở ngay trước mặt mà họ bỏ lỡ! Đó là nói: Tuy được nghe, nhưng thiện căn và phước đức chẳng đủ. “Được nghe” là nhân duyên. Kinh Di Đà dạy chúng ta: “Chẳng thể do chút thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy”. Các vị Bồ Tát, La Hán, Bích Chi Phật ấy có nhân duyên, nhưng thiện căn và phước đức của chính họ chẳng đủ, nghe xong bèn hoài nghi, chẳng tin tưởng, đáng tiếc quá! Lỡ làng! Ở đây, đức Phật nhắc nhở chúng ta, “sở vị văn kinh, văn chi vô nghi” (đối với kinh chưa được nghe, hễ nghe bèn chẳng nghi). Người ấy bèn được thọ dụng!
Nay chúng ta có duyên phận tiếp xúc kinh điển này, chúng ta có nghi hay không? Mọi người đều lắc đầu: “Chẳng nghi!” Thật ra, lắng lòng suy nghĩ, [sẽ thấy]: Hãy còn rất nhiều nghi hoặc! Nhìn từ chỗ nào? Quý vị vẫn chưa thể chuyên tâm, hãy còn tam tâm nhị ý, [tức là] hãy còn có nghi, vẫn chưa thể khăng khăng một dạ tu một môn này. Vẫn mong niệm kinh Kim Cang, kinh Lăng Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm, còn mong học Thiền, học Mật. Đó là nghi căn chưa đoạn, tâm chẳng định, tâm không chuyên. Dẫu gặp gỡ pháp môn này, rất khó đạt được lợi ích. Người nào sau khi nghe xong sẽ đạt được lợi ích? Thật sự chẳng nghi, chính là đoạn nghi sanh tín. Tâm người ấy đã định, tâm chuyên nhất, thâm nhập một môn. Thật sự thâm nhập một môn, sẽ nhanh chóng đạt được lợi ích cũng là thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Người căn tánh nhạy bén thì ba tháng. Người căn tánh bậc trung, sáu tháng bèn đạt được lợi ích. Đạt được lợi ích gì vậy? Tâm thanh tịnh. Từ chỗ nào mà biết tâm thanh tịnh? Vọng niệm ít, phiền não ít, đêm ngủ ít nằm mộng, tối thiểu là chẳng gặp ác mộng. Trước kia, mỗi ngày từ sáng đến tối đều gặp ác mộng. Hơn nữa, cảnh trong mộng rất hỗn loạn. Nay nằm mơ, chẳng bị ác mộng, cảnh giới trong mộng rành rẽ, chẳng tạp loạn, chứng tỏ là cảnh giới tốt đẹp. Trí huệ tăng trưởng, thấy sự việc rõ ràng, minh bạch hơn trước kia khá nhiều, đó là hiệu quả.
Tôi thưa cùng chư vị, từ ba tháng đến sáu tháng sẽ đạt được hiệu quả này, thật sự hữu hiệu! Sợ là quý vị ôm lòng nghi, tâm chẳng định, chẳng chuyên, như vậy thì sẽ chẳng đạt được! Chẳng chuyên, chẳng định, nói thật thà, học ba mươi năm cũng chẳng có hiệu quả, học đến cuối cùng, [chê bai] “Phật, Bồ Tát chẳng linh”, “kinh điển lừa gạt ta”, báng Phật, báng Pháp, đời sau cũng vãng sanh, nhưng là sanh vào địa ngục. Quý vị nói xem có oan uổng hay không! Trong Đại Kinh, đức Phật đã nói: Nghi là đại chướng ngại của Bồ Tát. Nghi được xếp vào loại căn bản phiền não. Sau tham, sân, si, mạn là nghi, hoài nghi thánh giáo. Lợi ích thù thắng khôn sánh ở ngay trước mặt mà bỏ lỡ, quý vị nói xem: Tai hại lớn cỡ nào?
(Diễn) Ngũ, bất dữ Thanh Văn nhi tương vi bội.
(演)五、不與聲聞而相違背。
(Diễn: Năm là chẳng chống trái Thanh Văn).
Điều này rất quan trọng! Thường có những kẻ tự cho chính mình là Đại Thừa, khi dễ Tiểu Thừa, khinh mạn Tiểu Thừa, lầm lẫn đặc biệt to tát! Mạn (慢) là đại phiền não, học Phật lẽ nào tăng trưởng phiền não? Chư Phật, Bồ Tát đều chẳng coi thường kẻ sơ học, chẳng coi rẻ kẻ sơ học, làm sao có thể coi thường Tiểu Thừa cho được? Người Tiểu Thừa tinh chuyên nghiên cứu Tam Học Giới, Định, Huệ đáng được tôn kính! Bản thân chúng ta hãy suy nghĩ đôi chút, Tam Học Giới, Định, Huệ của chúng ta có thể sánh bằng họ hay chăng? Nếu chúng ta phế bỏ Tam Học, học các kinh giáo Đại Thừa, thì cổ đại đức bảo kẻ như vậy là cuồng huệ. Cuồng huệ chẳng thể liễu sanh tử, chẳng thể thoát tam giới. Phật pháp từ đầu tới cuối chú trọng thực tiễn, chúng ta nhất định phải nghiêm túc thực hiện lời răn dạy của đức Phật, nhất định phải biến những lời dạy ấy thành hành vi trong cuộc sống của chính mình thì mới hữu dụng, chính mình mới thật sự được thọ dụng. Sự chân thật thọ dụng ấy thật sự là tự tại, sung sướng. Nơi quả địa Như Lai có nói tới ba đức là Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát. Giải Thoát là tự tại, sung sướng, Trí Huệ là thông đạt, hiểu rõ hết thảy, chẳng mê hoặc. Đối với hai thứ ấy, một người thật sự y giáo tu hành sẽ dần dần chứng đắc, từ ít phần đạt tới nhiều phần, cho tới quả địa Như Lai mới là viên mãn rốt ráo. Do vậy, trong Tiểu Thừa giáo, có nhiều quy củ chẳng thể vi phạm, nhất định phải tuân thủ!
Nói thông thường, Tiểu Thừa là bảo thủ, Đại Thừa là cởi mở. Tuy cởi mở, có những quy củ cơ bản nhất định phải tuân thủ. Nói thật ra, người giữ quy củ chính là tự tôn trọng chính mình, tự mình trang nghiêm chính mình. Ngàn muôn phần đừng ngỡ chẳng tuân thủ quy củ chính là biểu thị một thứ đặc quyền, sai mất rồi! Lầm lẫn đặc biệt to tát! Trong một đoàn thể, ai nấy đều giữ quy củ, đoàn thể ấy nhất định hưng vượng, nhất định có thành quả. Chẳng thể tuân thủ quy củ thì làm như thế nào? Tốt nhất là hãy tự động rời khỏi đoàn thể ấy, vì sao? Ta chẳng hại chính mình, mà cũng chẳng hại ai khác, đó là đúng. Phá hoại quy củ là phá hoại đoàn thể, đặc biệt là đối với Tăng đoàn. Nếu Tăng đoàn ấy tu Lục Hòa Kính, quý vị đã phá hòa hợp Tăng, quả báo rất nặng. Kinh đã dạy rất rõ ràng, phá hòa hợp Tăng, quả báo là trong địa ngục A Tỳ, hết sức đáng sợ! Bởi lẽ, Tăng đoàn hòa hợp được chư Phật hộ niệm, long thiên
ủng hộ.
Vâng giữ quy củ là quan niệm quan trọng nhất; sự tu trì của cá nhân, Phật pháp hưng hay suy đều do một niệm này. Có thể thấy là ý niệm ấy có mối quan hệ trọng đại! Pháp thế gian cũng chẳng ra ngoài lệ ấy. Phẩm đức cá nhân, học vấn, sự nghiệp, gia đình, xã hội, cho đến quốc gia, thế giới hòa bình cũng đều thuộc trong quan niệm này. Mỗi người đều tuân thủ pháp tắc, thiên hạ thái bình. Vì thế, quyết định chớ nên khinh mạn pháp Tiểu Thừa. Chư Phật Như Lai cũng chẳng thể trái phạm những quy củ đã được thành lập trong pháp Tiểu Thừa. Trong Phật pháp, nói cụ thể, sẽ là mười giới Sa Di, hai mươi bốn môn oai nghi, chư Phật Như Lai và các đại Bồ Tát đều chẳng phạm, đều tuân thủ. Chẳng phải là nói: Hễ đạt tới một đẳng cấp cao, là Pháp Thân đại sĩ, là Địa Thượng Bồ Tát, hoặc thành Phật, bèn có thể bỏ sạch, chẳng cần những thứ ấy nữa, chẳng có lẽ đó! Lúc tôi mới học Phật, Chương Gia đại sư đã dạy tôi. Ngài nêu một tỷ dụ: Giới Tiểu Thừa như Sa Di Luật Nghi, Ngũ Giới của hàng tại gia, Thập Giới, Bát Quan Trai Giới, những giới nho nhỏ ấy giống như mua vé xe lửa từ Đài Bắc đến Cao Hùng. Quý vị mua vé mới có thể lên xe. Trên xe, phải thường giữ kỹ tấm vé ấy, chẳng thể vứt bỏ, đến trạm còn phải giao trả lại cho họ. Từ sơ phát tâm mãi cho đến khi thành Phật, chẳng thể vứt bỏ tấm vé ấy. Đó là nói về những giới nho nhỏ nhất định phải tuân thủ. Tỷ dụ ấy đã gây cho chúng tôi ấn tượng rất sâu. Con người nhất định phải trì giới, nhất định phải giữ quy củ.
(Diễn) Lục, bất tật bỉ cúng, bất cao kỷ lợi, nhi ư kỳ trung điều phục kỳ tâm.
(演)六、不嫉彼供,不高己利,而於其中調伏其心。
(Diễn: Sáu là chẳng ganh ghét sự cúng dường của người khác, chẳng đề cao lợi ích của chính mình, điều phục cái tâm ở trong ấy).
Điều này nói tới cái tật xấu thời thời khắc khắc dòm ngó [kẻ khác] trong cuộc sống hằng ngày. Thấy người khác được cúng dường nhiều, trong tâm ganh tỵ, khó chịu. Người xuất gia chẳng tránh khỏi, thấy người ta xây đạo tràng to, trong tâm chẳng thoải mái. Thấy người ta tín đồ đông đảo ngần ấy, pháp duyên thù thắng ngần ấy, cúng dường nhiều ngần ấy, tâm ganh tỵ thường nẩy sanh. Người xuất gia còn có ganh tỵ hay chăng? Người xuất gia là phàm phu, lại chưa thành Phật, lại chưa thành Bồ Tát, làm sao chẳng có cho được? Tham, sân, ganh tỵ là phiền não bẩm sanh, là tập khí phiền não đã mang theo từ vô lượng kiếp đến nay, hễ thấy cảnh giới bên ngoài bèn dẫn khởi phiền não. Ở đây, đức Phật dạy chúng ta, vàn muôn phần chớ nên [có tâm niệm ấy], chính mình phải có tâm cảnh giác. Nói tới những thứ chính mình đã có được, chớ nên kiêu căng, ngạo mạn, chớ nên đem lợi dưỡng khoe khoang cùng kẻ khác, đó là “bất cao kỷ lợi” (chẳng đề cao lợi ích của chính mình), phải biết “điều phục cái tâm” trong ấy. Chư vị ngẫm xem phải nên điều phục như thế nào? Phương pháp điều phục là “lợi hòa đồng quân”.
Cận đại, lão hòa thượng Hư Vân đã nêu một tấm gương tốt đẹp cho chúng ta. Lão nhân gia suốt đời là một vị Tăng khổ hạnh, đạo đức, học vấn của Ngài được người đời kính ngưỡng, bội phục. Không chỉ là người Hoa, tại ngoại quốc, người ngưỡng mộ Ngài rất đông. Pháp duyên của lão hòa thượng thù thắng, mỗi lần đến nơi nào, người quy y đông đảo, cúng dường nhiều. Nhưng Ngài suốt đời mặc quần áo toàn là vá chằng vá đụp, chẳng lẽ Ngài chẳng có một bộ quần áo mới để mặc ư? Quần áo do những vị tại gia hộ pháp đệ tử may cho Ngài đã đi đâu hết cả rồi? Thật ra, Ngài nhận rất nhiều, nhưng cúng dường hết cho kẻ sơ học. Người mới xuất gia, chẳng có ai cúng dường, cuộc sống rất khổ, lão hòa thượng nhận lấy các vật cúng dường, đem tặng cho họ. Cúng dường người khác, chính mình vẫn mặc bộ quần áo ấy. Ngài mặc rất thoải mái, rất tự tại. Tất cả tiền bạc dùng để dựng chùa. Một đời Ngài đã xây dựng rất nhiều đạo tràng, tu bổ rất nhiều đạo tràng. Chỉ cần đạo tràng ấy đã sửa chữa xong, Ngài nhất định sẽ thỉnh người khác làm Trụ Trì, Ngài liền rời khỏi, ra đi. Suốt đời lão nhân gia tu bổ đạo tràng, lập đạo tràng, chưa hề trụ trì đạo tràng, hễ tu bổ xong bèn ra đi. Đó là “bất tật bỉ cúng, bất cao kỷ lợi, nhi ư kỳ trung điều phục kỳ tâm” (chẳng ganh ghét người khác được cúng dường, chẳng đề cao lợi lộc của chính mình, điều phục cái tâm ở trong ấy), Ngài thật sự làm được. Xác thực là chẳng nói “nơi đây là của ta”; lão hòa thượng Hư Vân chẳng có ý niệm ngã và ngã sở (cái của ta). Tâm Ngài đã định. Vì thế, Ngài có thể lên trời Đâu Suất thân cận Di Lặc Bồ Tát, có duyên với Di Lặc Bồ Tát, Ngài chẳng cầu sanh Tịnh Độ, mà sanh lên trời Đâu Suất.
(Diễn) Thất, thường tỉnh kỷ quá, bất tụng bỉ đoản.
(演)七、常省己過,不訟彼短。
(Diễn: Bảy là thường phản tỉnh lỗi mình, chẳng rêu rao lỗi người khác).
“Tụng” (訟) là tố tụng (訴訟). Ở đây nghĩa là thường ưa thích bươi móc lỗi của người khác, đó là lầm lẫn to lớn. Lục Tổ đại sư cũng dạy chúng ta: “Nếu ai thật tu đạo, chẳng thấy lỗi kẻ khác”. Thường trông thấy khuyết điểm của người khác, đó là khuyết điểm lớn nhất của chính mình, người biết điều này chẳng có mấy ai! Kẻ tu đạo phải thường phản tỉnh lầm lỗi của chính mình. Trong các buổi giảng, tôi cũng thường nói, trong Phật môn chúng ta thường nói là “khai ngộ”, khai ngộ là gì? Rất nhiều người hiểu lầm danh từ “khai ngộ”, cứ ngỡ khai ngộ là chuyện rất thần bí, là chuyện rất tuyệt diệu. Trong Thiền Tông nói “đại triệt đại ngộ”, Giáo Hạ nói “đại khai viên giải”, danh từ nghe rất quen thuộc. Rốt cuộc khai ngộ rốt ráo là tình hình như thế nào? Chẳng biết! Năm 1984, tôi giảng kinh tại Lạc Sam Cơ (Los Angeles). Tại Lạc Sam Cơ có năm người trẻ tuổi được Nhân-ba-thiết (Rinpoche)[1] của Mật Tông bên đó truyền pháp, thọ ký cho năm người ấy, nói năm người ấy đã khai ngộ. Năm người đó kiêu căng, ngã mạn; tôi sang đó giảng kinh, họ cũng đến nghe. Nghe xong, hỏi tôi coi thử năm người bọn họ có phải là đã khai ngộ hay không? Tôi liền nói lời thật thà, tôi nói: “Quý vị chẳng khai ngộ!” Họ nghe nói vậy, rất tức tối, vặn lại: “Lạt-ma Hoạt Phật[2] luôn nói là chúng tôi đã khai ngộ. Cớ sao ông nói tôi chưa khai ngộ?” Tôi đáp: “Tôi chẳng khai ngộ, quý vị đến hỏi tôi, nhất định là quý vị chẳng khai ngộ. Nếu quý vị đã khai ngộ, còn đến hỏi tôi hay chăng?”
Chư vị phải hiểu: Biết khuyết điểm của chính mình là khai ngộ, giác ngộ. Đức Phật thường dạy chúng ta, ngộ có tiểu ngộ và đại ngộ. Hằng ngày phải giác ngộ, chẳng ngộ là mê. Đó gọi là “giác chứ không mê”, giác là ngộ. Giác điều gì? Nhận biết khuyết điểm và lầm lỗi của chính mình, đó gọi là “ngộ hậu khởi tu” (sau khi đã ngộ bèn bắt đầu tu), đã hiểu rõ, đã biết, sửa chữa khuyết điểm ấy thì gọi là tu hành. Tu hành là tu chỉnh hành vi sai lầm. Phát hiện hành vi sai lầm của chính mình, đó là khai ngộ, thường phản tỉnh lỗi lầm của chính mình, đó là khai ngộ. Sau khi đã ngộ, phải sửa đổi những khuyết điểm, tập khí của chính mình; đó là tu hành. Do vậy, tu hành chẳng phải là hằng ngày đối trước Phật, Bồ Tát gõ mõ, làm bộ làm tịch! Quý vị đọc ngữ lục của Thiền Tông, [sẽ thấy], trong quá khứ, ở núi Thiên Thai, Hàn Sơn và Thập Đắc là hai người điên điên khùng khùng thuở ấy, thấy người xuất gia sáng tối tụng niệm công khóa, nửa tháng tụng giới, họ ở ngoài cửa tam quan chòng ghẹo: “Giở trò vờ vĩnh!” Thuở đó, mọi người cho họ là kẻ điên, về sau mới biết một vị là Văn Thù Bồ Tát, vị kia là Phổ Hiền Bồ Tát, hòa thượng Phong Can là A Di Đà Phật. Ba vị Bồ Tát sống, trụ tại chùa Quốc Thanh làm việc trong nhà bếp hầu hạ đại chúng.
(Diễn) Bát, hằng dĩ nhất tâm, cầu chư công đức.
(演)八、恆以一心,求諸功德。
(Diễn: Tám là luôn dùng nhất tâm để cầu các công đức).
Nói nhiều cách mấy mà chẳng nói đến nhất tâm sẽ không viên mãn, hễ nhất tâm bèn viên mãn. “Hằng dĩ nhất tâm, cầu chư công đức” (Luôn dùng nhất tâm để cầu các công đức), lời tổng kết này kết luận quá hay. Nhất tâm là tâm thanh tịnh, nhất tâm là chân tâm, nhất tâm là bản tánh, nhất tâm là viên mãn rốt ráo, giống như trong phần trước đã nói: “Từ bi hỷ xả, trăm ngàn các thứ tâm của Bồ Tát, trong nhất tâm thảy đều trọn đủ”. Nhất tâm là Thể, hết thảy các tâm là tác dụng. Đã đạt được Thể, đương nhiên là tác dụng viên mãn. “Hằng dĩ nhất tâm, cầu chư công đức” (Luôn dùng nhất tâm cầu các công đức), hết thảy các công đức đều đạt đến rốt ráo viên mãn. Đây là tám pháp thành tựu của Bồ Tát được nói trong kinh Duy Ma.
(Sao) Hạnh vô sang vưu, sanh ư Tịnh Độ.
(鈔)行無瘡疣,生於淨土。
(Sao: Hạnh chẳng thiếu khuyết, sanh trong Tịnh Độ).
“Sang vưu” (瘡疣: ghẻ chốc, u nhọt) tỷ dụ chỗ khuyết hãm. Bồ
Tát có thể trọn đủ tám hạnh hành trì này, đấy cũng là tám nguyên tắc và cương lãnh trong hành môn, chúng ta nghiêm túc tu học [các nguyên tắc và cương lãnh ấy], tu hành sẽ chẳng bị khuyết hãm. Nói cách khác, tâm hạnh của chúng ta chẳng tương ứng, trái nghịch tám điều ấy, dẫu tu Bồ Tát hạnh, Bồ Tát hạnh chẳng viên mãn, có khiếm khuyết, khiếm khuyết quá nhiều. Giống như thân thể một người, thân thể ấy cũng khá, nhưng trên thân thể ấy nẩy sanh ghẻ độc, có khối u bướu, sẽ chẳng phải là một thân thể khỏe mạnh, mỹ mãn, mà là một thân thể khuyết hãm, bệnh tật. Tỷ dụ này nhằm nói lên ý nghĩa ấy.
(Sao) Kim ký nhất tâm, bách thiên chủng pháp, hà sở bất cụ.
(鈔)今既一心,百千種法,何所不具。
(Sao: Nay đã nhất tâm thì trăm ngàn loại pháp, có gì chẳng trọn đủ).
Kết luận này nhằm nói: Cuối cùng quy kết vào nhất tâm, hết thảy các pháp thảy đều trọn đủ.
(Sao) Đức Vân Niệm Phật môn giả, Hoa Nghiêm Nhập Pháp Giới phẩm.
(鈔)德雲念佛門者,華嚴入法界品。
(Sao: “Môn niệm Phật của ngài Đức Vân”: Trong phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm).
Đây là phẩm cuối cùng của Bát Thập Hoa Nghiêm, tức phẩm Nhập Pháp Giới.
(Sao) Đức Vân tỳ-kheo cáo Thiện Tài ngôn.
(鈔)德雲比丘告善財言。
(Sao: Tỳ-kheo Đức Vân bảo Thiện Tài rằng).
Thiện Tài đồng tử tham phỏng tỳ-kheo Đức Vân. Kinh Hoa Nghiêm là sách giáo khoa viên mãn nhất trong nền giáo dục của đức Phật. Nói theo cách hiện thời, nó là khái luận Phật pháp. Khái luận rất quan trọng, phương pháp được cô đọng trong tài liệu giảng dạy này. Từ đây mới chia thành tông phái. Tất cả hết thảy các tông phái đều lưu xuất từ Hoa Nghiêm. Trong bộ kinh này, Thanh Lương đại sư đã chia thành bốn đoạn lớn là Tín, Giải, Hành, Chứng. Kinh Hoa Nghiêm có tất cả ba mươi chín phẩm, đoạn lớn thứ nhất gồm tổng cộng sáu phẩm kinh, chiếm đến mười một quyển. Đoạn lớn thứ hai nói về Giải. Đoạn thứ nhất là phô bày y báo và chánh báo trang nghiêm nơi quả địa Như Lai cho chúng ta thấy, người thượng căn vừa thấy liền hiểu rõ, người căn cơ trung hạ xem chẳng hiểu. Giống như chúng ta đến thăm viện Bảo Tàng trong Cố Cung, thấy những đồ bằng đồng từ đời Thương – Châu, đúng là những thứ đồng vụn sắt nát danh phù hợp thực, chúng ta chẳng nẩy sanh hứng thú: “Cái thứ đồng nát sắt vụn ấy chẳng đáng một đồng!” Người biết giá trị trông thấy, biết đó là của báu vô giá. Kẻ chẳng hiểu giá trị, thấy đồ bằng ngọc thời Minh – Thanh rất đẹp, rất xinh xắn. Thật ra, chúng chẳng đáng giá, đồng nát sắt vụn đáng giá! Chúng ta chẳng hiểu giá trị, cần phải được giải thích thêm. Vì thế, phần thứ hai [của kinh Hoa Nghiêm] là phần Giải. Kinh văn cũng rất dài, gồm có ba mươi mốt phẩm, giảng về Giải. Phần thứ ba, chúng ta đã thật sự nhận thức, hiểu rõ quả địa Như Lai thật sự rất thù thắng, chúng ta cũng có thể đạt được sự hưởng thụ ấy bằng cách nào? Chuyện này quan trọng nhất. Nếu chúng ta chẳng đạt được, hết thảy đều rỗng tuếch! Khi nào chúng ta có thể chứng đắc sự thọ dụng nơi y báo và chánh báo của Tỳ Lô Giá Na Phật? Phần thứ ba dạy chúng ta phương pháp tu hành, giảng về phương pháp, tức là một phẩm Ly Thế Gian. Phần thứ tư là Chứng, tu hành nhằm mục đích mong chứng quả. Để chứng quả, phải thật sự nhập pháp giới thì mới được. Quý vị chẳng thể khế nhập, sẽ chẳng thể thọ dụng. Nhất định là phải thọ dụng chân thật thì chúng ta mới chẳng uổng công tu hành!
Phẩm Nhập Pháp Giới là phẩm cuối cùng, là phẩm thứ ba mươi chín của kinh Hoa Nghiêm. Kinh văn của phẩm này rất dài, có tất cả hai mươi quyển. Đó là nói theo Bát Thập Hoa Nghiêm. Bản phiên dịch [phẩm này của] kinh Hoa Nghiêm trong niên hiệu Trinh Nguyên[3] là bản dịch hoàn chỉnh, chẳng bị khiếm khuyết. Vì thế, toàn bộ kinh văn của [phẩm] kinh này có tất cả bốn mươi quyển, [thường gọi là] bản Trinh Nguyên. Đoạn trên đây trích dẫn từ bản Bát Thập, tỳ-kheo Đức Vân là người đầu tiên [trong năm mươi ba vị thiện tri thức]. Bản Trinh Nguyên không gọi Ngài là Đức Vân mà gọi là Cát Tường Vân, là cùng một người, [danh xưng được] phiên dịch khác nhau. Cát Tường có nghĩa là Đức. Phẩm kinh cuối cùng này rất quan trọng, phẩm kinh này dạy chúng ta phương thức tu học.
Xưa kia, tiên sinh Phương Đông Mỹ đã chẳng ngớt khen ngợi ưu điểm lớn nhất của kinh Hoa Nghiêm. Cụ nói: Tất cả những sách giáo khoa trên thế giới đều chẳng thể sánh bằng kinh Hoa Nghiêm. [Kinh được] biên soạn rất đầy đủ, có sự thật, có lý luận, có phương pháp, lại còn kèm thêm biểu diễn. Phẩm cuối cùng nhằm biểu diễn “hạnh thành, chứng nhập”, biểu diễn cho chúng ta xem: Một đệ tử Phật học Phật sẽ tu học như thế nào qua hành vi, xử sự, đãi người, tiếp vật trong cuộc sống hằng ngày, nêu gương cho chúng ta xem. Do vậy, cuộc biểu diễn ấy rất khó có!
Trong phẩm kinh ấy, lại chia thành hai đoạn lớn, chia thành bổn hội (本會: hội gốc, hội căn bản, hội đầu tiên) và mạt hội (末會: hội cuối, hội đằng ngọn). Bổn hội là Thiện Tài đồng tử học với Văn Thù Bồ Tát. Ngài Văn Thù là thầy, người thế gian chúng ta gọi Ngài là “vị thầy vỡ lòng”. Thầy dạy vỡ lòng phải là cao thủ. Vỡ lòng mà gặp phải kẻ chẳng ra gì, cả đời quý vị bị ảnh hưởng. Vị thầy dạy vỡ lòng có ảnh hưởng lớn nhất trong một đời người, pháp thế gian thường nói: “Tiên nhập vi chủ”, [có nghĩa là] thường là những gì được tiếp nhận từ vị thầy ấy sẽ trở thành tiêu chuẩn quan niệm chủ quan trong suốt một đời người ấy. Vì thế, vị thầy ấy hết sức quan trọng, có sức ảnh hưởng quá to lớn. Thầy của Ngài (Thiện Tài) là Văn Thù Bồ Tát. Trong các vị Bồ Tát, ngài Văn Thù trí huệ bậc nhất, từng làm thầy của bảy vị Phật trong quá khứ. Thiện Tài rất may mắn gặp gỡ một vị thiện tri thức tốt đẹp như vậy, theo học với một vị đại thiện tri thức. Nếu chư vị chú tâm đọc kỹ phần kinh văn thuộc bổn hội, trong ba quyển [đầu tiên] của bộ Tứ Thập Hoa Nghiêm, quý vị hãy chú tâm xét xem Văn Thù Bồ Tát dạy Thiện Tài điều gì? Điều này rất khẩn yếu. Trong hội Văn Thù, Thiện Tài đồng tử thành tựu Tam Học Giới, Định, Huệ. Huệ là gì? Huệ là Căn Bản Trí. Giới: Tuân thủ lời thầy răn dạy. Thầy chỉ dạy như thế nào, quyết định phải tuân thủ, đó là Giới. Định là tâm đã định, chỉ học theo một vị thầy, tâm đã định. Thầy dẫn dắt quý vị, khiến cho quý vị đắc Căn Bản Trí. Căn Bản Trí là gì? Vô tri, Bát Nhã vô tri. Trước hết, Văn Thù Bồ Tát huấn luyện Thiện Tài vô tri, tức là tâm địa thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. Trong giai đoạn thứ hai, sẽ khiến cho Ngài khởi tác dụng không gì chẳng biết. Đó chính là vô tri thành tựu, đã đạt được, mới có thể học không gì chẳng biết.
Trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện, đã bày ra rất rõ ràng, mọi người phải ghi nhớ. “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Văn Thù Bồ Tát dạy Thiện Tài hai điều: Dạy Ngài phát đại tâm, dạy Ngài đoạn phiền não. Đã đoạn phiền não, tâm bèn định. “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” là từ tỳ-kheo Đức Vân cho đến Phổ Hiền Bồ Tát, tham phỏng năm mươi ba vị thiện tri thức, thành tựu Hậu Đắc Trí, đó là “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, không gì chẳng biết. Mọi người nhất định phải biết: Trước hết là vô tri, sau đấy mới là không gì chẳng biết. Nếu vừa mở đầu mà có biết, sẽ là thứ gì cũng đều chẳng biết, những gì đã biết đều là hiểu lầm. Hiểu lầm ý nghĩa chân thật của Như Lai, rất oan uổng! Tu học mà nếu quý vị chẳng tuân theo thứ tự này, có thể nói là suốt một đời quý vị chẳng đạt được mảy may nào. Những gì quý vị đã đạt được toàn là tà tri tà kiến. Lời này chẳng do tôi nói. Trong chú giải kinh Hoa Nghiêm, Thanh Lương đại sư đã nói [như thế]. Nếu quý vị chẳng có cái tâm thanh tịnh, chẳng có Căn Bản Trí, quý vị tiếp xúc Phật pháp, cũng sẽ tăng trưởng tà tri tà kiến. Đúng là phải dấy lên tâm cảnh giác, nhất định phải đi theo đúng con đường của Phật, Bồ Tát, cổ thánh tiên hiền, trong một đời này chúng ta mới có thể thành tựu. Hôm nay, tôi giảng tới chỗ này.
[1] Nhân-ba-thiết là cách người Hoa phiên âm chữ Rinpoche trong tiếng Tây Tạng. Rinpoche (còn viết là Rimboche hoặc Rinboqê) có nghĩa là “quý báu”. Đây là một danh xưng tôn kính để gọi các vị lạt-ma hóa thân, hoặc các trưởng lão, có thành tựu, giới đức kiêm ưu, hoặc các tu viện trưởng, nhưng về sau, chữ này bị lạm dụng, hầu như các lạt-ma đều được tín đồ gọi là Rinpoche hết.
[2] Hoạt Phật (Phật sống) là cách gọi sai lầm của người Hoa đối với những vị được coi là hóa thân (Tulku) trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Chữ Tulku đôi khi được phiên âm thành Châu Cổ, Tổ Cố, hoặc còn gọi là Hô Đồ Khắc Đồ (qutukhutu, hutukhtu theo tiếng Mông Cổ). Người Tây Tạng tin các vị hành giả, tu viện trưởng, tổ sư tông phái sau khi xả mạng, sẽ có năng lực tái sanh trở lại nhân gian để tiếp tục hoằng pháp độ sanh. Mỗi khi vị ấy mất, dựa trên những lời tiên đoán do vị ấy để lại (thường là dưới hình thức sấm ký), các đệ tử sẽ đi tìm xem hóa thân kế tiếp ở đâu. Đứa trẻ tìm được thường gọi là “linh đồng” (xubilgan). Các vị đệ tử cao cấp sẽ tiến hành những xét nghiệm cần thiết rồi tấn phong đứa trẻ ấy thừa kế ngôi vị. Đôi khi tìm được nhiều đứa trẻ, có sự tranh chấp giữa nội bộ thì phải bắt thăm để chọn lựa.
[3] Trinh Nguyên là niên hiệu của Đường Đức Tông (từ năm 785 cho đến tháng Tám năm 805). Đường Đức Tông sử dụng ba niên hiệu là Kiến Trung (780-783), Hưng Nguyên (784), và Trinh Nguyên.