#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 96
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm bảy mươi bảy:
(Sớ) Phật thuyết giả, thuyết giản ngũ nhân cố.
(疏) 佛說者,說揀五人故。
(Sớ: “Phật thuyết”: Nhằm phân định rõ [trong] năm hạng người có thể nói kinh, [kinh này do chính đức Phật nói]).
Trong đoạn trước đã giới thiệu sơ lược những ý nghĩa sâu xa được bao hàm trong chữ Thuyết. Đoạn này nói về những bộ kinh Phật [có tựa đề] được bắt đầu bằng hai chữ Phật Thuyết. Cũng có nhiều kinh điển hoàn toàn không có hai chữ này, [chẳng hạn như trong các tựa đề] Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh đều không có chữ “Phật Thuyết”. Vì sao có kinh điển ghi [tựa đề] là Phật Thuyết? Có kinh điển chẳng ghi Phật Thuyết? Thật ra, đều là kinh do đức Phật nói, vì sao có sai biệt như vậy? Có thói quen như sau: Hễ là kinh Vô Vấn Tự Thuyết, như kinh Di Đà này, tên kinh phải bắt đầu bằng Phật Thuyết. Một loại khác là trong phần Chánh Tông, câu đầu tiên do đức Phật nói thì tựa đề kinh cũng bắt đầu bằng Phật Thuyết. Do phân định [kinh này] chẳng phải do năm loại người [nói ra], trong năm loại người này có cả Phật trong ấy. Bởi lẽ, kinh điển không nhất định đều do đức Phật nói, mà năm loại người đều có thể giảng kinh.
(Sao) Ngũ nhân giả, nhất Phật, nhị Bồ Tát, tam thiên nhân, tứ tiên, ngũ hóa nhân, thử ngũ giai năng thuyết kinh.
(鈔)五人者,一佛,二菩薩,三天人,四仙,五化人,此五皆能說經。
(Sao: Năm loại người là: Một là Phật, hai là Bồ Tát, ba là chư thiên, bốn là tiên, năm là hóa nhân. Năm loại này đều có thể nói kinh).
Thứ nhất là Phật, thứ hai là Bồ Tát, thứ ba là “thiên nhân” (chư thiên), thứ tư là “tiên nhân”, thứ năm là “biến hóa nhân”, năm loại này đều có thể nói kinh. Trừ Phật ra, bốn loại kia đều phải được Phật ấn chứng thì mới có thể gọi là Kinh. Nếu chưa được Phật ấn chứng, chẳng thể là kinh, quý vị phải ghi nhớ điều này!
(Sao) Kim hiển thử kinh thị Chí Thánh lập ngôn.
(鈔) 今顯此經是至聖立言。
(Sao: Nay chỉ rõ kinh này là lời dạy của đấng Chí Thánh).
Kinh Di Đà từ đầu đến cuối do một mình Thích Ca Mâu Ni Phật nói. Tuy đức Phật gọi Xá Lợi Phất để nói, nhưng trong kinh này, ngài Xá Lợi Phất chẳng nói lời nào, chỉ có nghe mà thôi, chẳng nêu ra câu hỏi nào. Từ đầu tới cuối do một mình Thích Ca Mâu Ni Phật nói, có thể nói là chẳng có kinh nào khác thuần hơn [kinh này].
(Sao) Kim khẩu thân xuất, bất đồng Bồ Tát tại nhân, thiên thuộc phàm loại.
(鈔) 金口親出,不同菩薩在因,天屬凡類。
(Sao: Miệng vàng đích thân nói ra, chẳng giống như hàng Bồ Tát còn đang tu nhân, chư thiên thuộc về phàm phu).
Bồ Tát tu nhân chưa viên mãn, Bồ Tát chưa thành Phật. Chư thiên vẫn là phàm phu y như cũ, chẳng phải là thánh nhân.
(Sao) Tiên tạp ngoại đạo, hóa nhân phi chân dã.
(鈔) 仙雜外道,化人非真也。
(Sao: Tiên xen tạp ngoại đạo, hóa nhân chẳng phải là người thật).
Họ biến hóa, chẳng phải là người thật sự.
(Sao) Như thiên tử chiếu, bất đồng bách quan, tể tướng, chư vương đẳng ngữ dã.
(鈔) 如天子詔,不同百官宰相諸王等語也。
(Sao: Giống như chiếu chỉ của hoàng đế, chẳng giống lời lẽ của trăm quan, tể tướng, các vương gia v.v…)
Đây là dùng một tỷ dụ, lời Phật nói giống như chiếu thư của hoàng đế, chúng ta thường gọi là “thánh chỉ”, hơn hẳn mệnh lệnh của tể tướng, trăm quan, vượt trỗi quá nhiều! Đây là kiến thức thông thường, chúng ta biết có năm loại người nói kinh.
(Sớ) A Di Đà giả, thị tiêu hiển bỉ Phật.
(疏) 阿彌陀者,是標顯彼佛。
(Sớ: “A Di Đà”: Nêu rõ đức Phật ấy).
“Tiêu” là tiêu minh (標明: nêu rõ, chỉ rõ), “bỉ” là giáo chủ Tây Phương Cực Lạc thế giới, là vị Phật trong thế giới kia.
(Sớ) Phạm ngữ A, thử vân Vô.
(疏) 梵語阿,此云無。
(Sớ: A là tiếng Phạn, được cõi này dịch là Vô).
A là âm tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Vô.
(Sớ) Phạm ngữ Di Đà, thử vân Lượng.
(疏) 梵語彌陀,此云量。
(Sớ: Tiếng Phạn Di Đà, cõi này dịch là Lượng).
“Thử” là Trung Quốc, [Di Đà dịch sang tiếng Hán] có nghĩa là Lượng. A Di Đà nghĩa là “vô lượng”.
(Sớ) Ngôn Phật công đức bất khả cùng tận, cố vân Vô Lượng.
(疏) 言佛功德不可窮盡,故云無量。
(Sớ: Ý nói công đức của Phật chẳng thể cùng tận, nên nói là Vô Lượng).
“Vô lượng” hàm nghĩa rộng bao la, chẳng thể nói trọn. Tiếp đó là chữ Phật, Phật là giác, [A Di Đà Phật] là Vô Lượng Giác. Thân, tâm, thế giới, vạn sự vạn pháp vô lượng vô biên, Phật không có gì chẳng giác, thứ gì cũng đều giác, giác mà chẳng mê, lúc ấy mới gọi là A Di Đà Phật. Những ý nghĩa được bao hàm trong danh hiệu này rất nhiều, nên bảo là “bất khả cùng tận”.
(Sớ) Như kinh thọ mạng, quang minh, thị vô lượng trung cô cử nhị sự, nhiếp dư công đức dã.
(疏)如經壽命光明,是無量中姑舉二事,攝餘功德也。
(Sớ: Như trong kinh nói đến thọ mạng và quang minh, chỉ là nêu lên hai chuyện nhằm gồm thâu những công đức khác).
Trong kinh Di Đà, đức Phật nói về “vô lượng” đã nêu đại lược hai thứ là vô lượng thọ và vô lượng quang. Trên thực tế, Thọ tượng trưng thời gian, quá khứ, hiện tại, vị lai; Quang tượng trưng không gian, quang minh chiếu khắp, mang ý nghĩa này. Nói theo cách bây giờ là “thời không” (thời gian và không gian), những thứ được bao hàm trong “thời không” đúng là vô lượng vô biên, mang ý nghĩa này. Đức Phật chẳng nói “thời không”, mà nói “quang thọ”, ý nghĩa này càng thân thiết, sống động hơn! Vì sao? Nói “thời không” thì thời gian và không gian là thứ chết cứng; nói “quang thọ” thì quang thọ là sống động, ý nghĩa này hết sức sâu mầu! Quang và thọ vô lượng vô biên, chẳng thể cùng tận, hết thảy công đức đều được bao gồm!
(Sao) Vô lượng giả, hữu nhị nghĩa, nhất giả chúng đa vô hữu số lượng.
(鈔) 無量者,有二義,一者眾多無有數量。
(Sao: “Vô lượng”: Có hai nghĩa, một là rất nhiều, chẳng có số lượng).
Quá nhiều! “Chúng đa vô hữu số lượng”: Đây là nói theo phương diện sự vật. Giống như sâm la vạn tượng trong vũ trụ, những vật hữu hình có số lượng quá nhiều, không thể đếm được, nên gọi là “vô lượng”.
(Sao) Nhị giả, quảng đại vô hữu hạn lượng.
(鈔) 二者廣大無有限量。
(Sao: Hai là rộng lớn chẳng có hạn lượng).
Giống như hư không, hư không quá lớn, ai có thể biết được bờ mé
của nó? Chẳng ai có thể biết! Chúng ta gọi nó là “vô lượng”, đấy là nói theo phía hư không.
(Sao) Phục hữu nhị nghĩa.
(鈔) 復有二義。
(Sao: Lại còn có hai nghĩa).
Trong kinh Phật còn có hai ý nghĩa nữa, tức là nói theo cách khác.
(Sao) Nhất giả, thập đại số trung chi vô lượng.
(鈔) 一者十大數中之無量。
(Sao: Một, “vô lượng” chính là con số Vô Lượng trong mười con số lớn [theo cách tính toán của cổ Ấn Độ]).
“Vô lượng” là tên gọi của một con số, chẳng phải thật sự là vô lượng. Đơn vị tính toán của Trung Quốc chỉ có hai mươi mấy thứ, thông thường chúng ta nói một, mười, trăm, ngàn, vạn, mười vạn, trăm vạn, ngàn vạn, ức, triệu… Những con số của Ấn Độ tính từ một, mười, trăm, ngàn, tổng cộng có hơn năm mươi đơn vị, những con số càng lên cao đúng là con số thiên văn. “Thập đại số” là mười con số lớn cuối cùng [trong cách tính ấy].
Mười con số lớn cuối cùng, thứ nhất là A-tăng-kỳ (Asamkhya), thứ hai là Vô Lượng (Amita, Ananta), thứ ba là Vô Biên (Aprameya)[1]. Do vậy, Vô Lượng và Vô Biên danh xưng của những con số. Bao nhiêu A-tăng-kỳ là một Vô Lượng? A-tăng-kỳ lần A-tăng-kỳ là một Vô Lượng; Vô Lượng lần Vô Lượng là một Vô Biên, tính toán như vậy. Con số A-tăng-kỳ hết sức to. Nếu quý vị muốn biết chuyện này, trong kinh Hoa Nghiêm có chương Căn Tự Tại Đồng Tử, đã giảng những tên gọi con số này rất nhiều. Trong quá khứ, chúng ta đọc chương này, chỉ có thể đọc theo văn tự, chứ không có biện pháp tính toán, con số ấy quá lớn. Dẫu lớn đến mấy thì Vô Lượng vẫn là có hạn lượng.
Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật thọ mạng là vô lượng, chúng ta phải hỏi: Rốt cuộc là vô lượng nào? Có phải là Vô Lượng trong mười con số lớn hay chăng? Chuyện này chúng ta chẳng cần phải chia chẻ tận căn tơ kẽ tóc, dù là Vô Lượng trong mười con số lớn, vẫn đủ dùng! Vì sao? Chẳng phải là nói để thành Phật phải mất ba A-tăng-kỳ kiếp đó sao? Như vậy thì thọ mạng của quý vị là Vô Lượng, tức là A-tăng-kỳ kiếp lần A-tăng-kỳ kiếp, ba A-tăng-kỳ kiếp thấm vào đâu? Nói cách khác, vãng sanh tới Tây Phương Cực Lạc thế giới quyết định thành Phật, không một ai chẳng thành Phật, thời gian ấy đủ dùng rồi! Huống chi trong Tây Phương Cực Lạc thế giới lại chẳng thoái chuyển, chỉ có tiến lên, từ rày về sau chẳng thoái chuyển nữa. Nói cách khác, mọi người tới đó tu hành, quý vị dụng công, sẽ thành Phật nhanh hơn một chút; quý vị chẳng siêng năng dụng công, thành Phật chậm hơn một tí, chỉ có tốc độ khác nhau, quyết định chẳng thoái chuyển. Cho dù là Vô Lượng có hạn lượng, đối với chúng ta cũng đủ rồi! Nhưng sau khi thành Phật, thọ mạng thật sự là vô lượng, chẳng phải là con số Vô Lượng. Do vậy, chúng ta sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, thọ mạng của chúng ta là vô lượng có hạn lượng. Cho đến khi quý vị tới Tây Phương Cực Lạc thế giới thành Phật, thọ mạng sẽ thật sự là vô lượng, chẳng phải là vô lượng có hạn lượng.
Niệm Phật, chúng ta nhất định phải sốt sắng. Đại chuyên giảng tòa trong dịp nghỉ mùa Đông năm nay, chúng tôi muốn giảng Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, nên hôm nay tôi mở Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh ra xem, tôi còn giữ một quyển do pháp sư Đế Nhàn viết lần đầu vào thời ấy, là bản được khâu gáy bằng chỉ[2]. Chúng tôi đọc lời tựa bản ấy. Pháp sư Đế Nhàn là một đại pháp sư lỗi lạc thời cận đại, là người bậc nhất sống vào cuối đời Thanh, đầu thời Dân Quốc, chẳng một pháp sư nào có thể sánh bằng Ngài, Ngài là tổ sư của tông Thiên Thai thời cận đại. Trong lời tựa, Ngài đã viết: Chính mình là kẻ hạ hạ căn, chỉ có niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Theo lời tựa ấy, cả đời Ngài chẳng có ngày nào không niệm Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, nhưng Ngài tu hành bằng phương pháp trì danh niệm Phật, và cũng là một vị vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới trong thời cận đại. Do vậy, đối với những vị đại đức giống như Ngài, chúng ta thấy Ngẫu Ích đại sư, Ngẫu Ích đại sư viết Yếu Giải nhằm chú giải kinh Di Đà được Ấn Quang đại sư tán thán đến tột bậc: “Dù cổ Phật tái lai chú giải kinh Di Đà, cũng chẳng có cách nào hay hơn được!” Quý vị xem lời tán thán ấy, còn gì để nói nữa, nhưng chính Ngẫu Ích đại sư tự nói về mình như thế nào? Hạ hạ phẩm vãng sanh. Ngài viết thư cho bạn bè, trong [Ngẫu Ích Đại Sư] Toàn Tập có lá thư ấy: “Hạ hạ phẩm vãng sanh là kết cục đã định của đệ”. Ngài đoan quyết chính mình quyết định vãng sanh, nhưng phẩm vị là Hạ Hạ Phẩm.
Sau khi đọc [lời ấy], chúng ta phải khéo ngẫm lại mình, chúng ta sanh trong đời loạn này, đúng vậy, đọc những tác phẩm của cổ đại đức, [nhận thấy] quả thật chúng ta nghiệp chướng sâu nặng, chẳng tu pháp môn này, sẽ chẳng có cách nào cứu cả! Lời này do pháp sư Đế Nhàn đã nói: “Chẳng tu pháp môn này, chẳng có cách nào cứu cả!” Chúng tôi nói tới chỗ này, quả thật lời ấy đã khiến chúng ta rất phấn chấn: Sanh về nơi ấy là quyết định thành tựu; sau khi thành tựu, sẽ thật sự là vô lượng.
(Sao) Nhị giả, cánh vô cùng tận chi vô lượng.
(鈔) 二者更無窮盡之無量。
(Sao: Hai là vô lượng chẳng có cùng tận).
Thật sự vô lượng, chẳng có cùng tận.
(Sao) “Cô cử nhị sự” giả, dĩ vô lượng bất chỉ thọ mạng quang minh dã, tường như hậu văn trung biện.
(鈔)姑舉二事者,以無量不止壽命光明也,詳如後文中辯。
(Sao: “Chỉ nêu lên hai sự”: Do chẳng phải chỉ có thọ mạng và quang minh là vô lượng, trong phần kinh văn ở phía sau sẽ biện định cặn kẽ).
Đến phần kinh văn ở phía sau sẽ giảng rất tỉ mỉ.
(Sớ) Kinh giả, Phạm ngữ Tu Đa La, thử vân Khế Kinh.
(疏) 經者,梵語脩多羅,此云契經。
(Sớ: “Kinh”: Tiếng Phạn là Tu Đa La, cõi này dịch là Khế Kinh).
Tiếng Phạn của Ấn Độ gọi Kinh là Tu Đa La (Sūtra), dịch sang nghĩa tiếng Hán là Khế Kinh.
(Sớ) Hữu thông biệt nhị nghĩa, Khế phục nhị nghĩa, Kinh phục đa nghĩa. Kinh tuy đa nghĩa, bất xuất “quán, nhiếp, thường, pháp” tứ nghĩa.
(疏)有通別二義,契復二義,經復多義,經雖多義,不出貫攝常法四義。
(Sớ: Có hai nghĩa Thông và Biệt. Chữ Khế lại có hai nghĩa. Kinh lại có nhiều nghĩa. Chữ Kinh tuy có nhiều nghĩa, nhưng chẳng ngoài bốn nghĩa Quán, Nhiếp, Thường, Pháp).
“Thông” là chung với những thứ khác, đều gọi là Kinh. Như chúng ta thường niệm kinh Địa Tạng, đó là kinh, kinh Kim Cang cũng là kinh, kinh Pháp Hoa cũng là kinh, đều gọi là Kinh. Chữ Kinh này là Thông Đề (tên gọi chung, tựa đề chung của các bản kinh Phật). Phàm [những lời giảng dạy] do đức Phật đã nói, hoặc do Bồ Tát, các vị tiên nhân đã nói, được Phật ấn chứng, đều có thể gọi là Kinh. Vì thế, Kinh là Thông Đề.
(Sao) Thông biệt giả, Phật sở thuyết giáo, tổng danh Tu Đa La, thị chi vị Thông.
(鈔) 通別者,佛所說教,總名脩多羅,是之謂通。
(Sao: “Thông biệt”: Phàm những giáo pháp do đức Phật đã nói, đều gọi là Tu Đa La. Đấy là Thông).
“Thị chi vị Thông”: Đây là gọi chung.
(Sao) Tích chi tắc Kinh danh Tu Đa La, Luật danh Tỳ Nại Da, Luận danh A Tỳ Đàm (A Tỳ Đạt Ma), thị chi vị Biệt.
(鈔) 析之則經名修多羅 ,律名毘奈耶 ,論名阿毘曇
(阿毘達摩),是之謂別。
(Sao: Chia chẻ ra thì Kinh gọi là Tu Đa La, Luật gọi là Tỳ Nại Da, Luận gọi là A Tỳ Đàm (A Tỳ Đạt Ma), đó là Biệt).
Ba thứ này đều do đức Phật nói. Thuở ấy, đức Phật giảng kinh thuyết pháp chẳng hề chia thành lớp để dạy học, đều là do các đệ tử xuất gia hay tại gia có nghi vấn, hướng về đức Phật thỉnh giáo, một hỏi một đáp như vậy; về sau, kết tập lại, ghi chép xuống, bèn gọi là Kinh. Mỗi lần đức Phật giảng, bất luận nội dung cạn, sâu, ngắn, dài, nói chung cả ba ý nghĩa ấy đều có. Kinh quá nửa giảng về Định, nói cách khác, dạy quý vị tu tâm thanh tịnh, loại này được kết tập lại bèn gọi là Kinh. Dạy chúng ta đãi người, tiếp vật, vâng giữ khuôn phép, đặt chính mình vào khuôn khổ như thế nào, loại này thuộc về Giới Luật. Làm thế nào để có thể khơi gợi, phát khởi trí huệ của chính mình, loại này thuộc về Luận. Về sau, chúng ta quy nạp chúng trở thành Tam Tạng kinh điển, tức là Kinh, Luật, Luận. Tu Đa La là Kinh Tạng, Tỳ Nại Da là Luật Tạng, A Tỳ Đàm là Luận Tạng.
Mỗi lần đức Phật giảng kinh, thuyết pháp, trong nội dung đều có ba phương diện này. Về sau, phân loại kinh điển, bèn xét xem, trong bộ kinh này, phần nào trong ba thứ ấy được giảng nhiều nhất? Dựa trên phân lượng nhiều nhất để quy nạp, phân loại. Chẳng hạn như đối với bộ kinh này, hoàn toàn dạy chúng ta “nhất tâm bất loạn, tâm chẳng điên đảo”, chẳng hề nói tới Luật, cho nên vô cùng thuần! Kinh Lăng Nghiêm, nửa sau quyển thứ sáu là “tứ chủng thanh tịnh minh hối” (bốn thứ giáo huấn thanh tịnh, trong sáng) giảng giới luật, giảng căn bản giới. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật và các vị Bồ Tát thảo luận, nên có luận. Trong mười quyển kinh văn, hầu như bảy quyển giảng về Xa Ma Tha, Tam Ma và Thiền Na, giảng về Định nhiều nhất, nên Lăng Nghiêm được quy về Kinh Tạng. Như trong kinh Hoa Nghiêm có luận, cũng có chỗ thảo luận, mà cũng có chỗ nói về giới luật như phẩm Tịnh Hạnh và phẩm Phạm Hạnh, đó là giới luật, nhưng chiếm phần lớn vẫn là giảng Định, nên vẫn y như cũ, quy nạp vào Kinh Tạng. Trong giới kinh cũng có giảng Định, cũng có giảng Huệ, nhưng giảng Giới khá nhiều, bèn quy nạp vào Luật Tạng. Những điều này đều là Phật học thường thức.
(Sao) “Khế phục nhị nghĩa” giả, nhất giả khế lý, tắc hợp đạo chi ngôn; nhị giả, khế cơ, tắc đậu căn chi giáo.
(鈔)契復二義者,一者契理,則合道之言;二者契機
,則逗根之教。
(Sao: “Khế lại có hai nghĩa”: Một là khế lý, tức là nói lời hợp đạo; hai là khế cơ, tức giáo pháp phù hợp căn cơ).
“Khế” (契) chứa đựng hai ý nghĩa, hai ý nghĩa ấy chẳng thể thiếu, thường nói là: “Thượng khế chư Phật sở chứng chi Lý, hạ khế chúng sanh khả độ chi cơ” (trên khế hợp với Lý được chứng bởi chư Phật, dưới khế hợp căn cơ của chúng sanh đáng độ). Nói đơn giản, đức Phật nói sâu hay cạn, nói dài hay ngắn, nhất định chẳng thể trái nghịch chân lý, đó là Khế Lý. Chân lý là Thật Tướng của các pháp, là chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Do Khế Lý, nên lời nói chân thật, chẳng dối gạt người khác, nhất định phải đúng Lý. Hết thảy chư Phật chứng cùng một Lý, cho nên chân lý chỉ có một, sở chứng của hết thảy chư Phật nhất định phải tương ứng, khế hợp điều này. Đồng thời, nhất định phải thích hợp căn tánh tức là trình độ của chúng sanh trong hiện đại thì họ sẽ có thể tiếp nhận. Nếu họ chẳng thể tiếp nhận, chẳng phải là quý vị đã uổng công nói hay sao? Do vậy, nhất định phải Khế Cơ.
Nhưng chư vị phải nhớ, nay chúng ta chẳng gặp Phật. Nếu quý vị gặp Phật, nhất định Phật sẽ chẳng giảng kinh Hoa Nghiêm cho quý vị, mà cũng chẳng giảng kinh Pháp Hoa, Đại Trí Độ Luận, Đại Thừa Khởi Tín Luận, vì sao? Chẳng khế cơ, giảng [những thứ kinh luận ấy] cho quý vị sẽ vô ích, quý vị làm không được. Hiện thời, nếu quý vị gặp Thích Ca Mâu Ni Phật, đại khái ngay cả kinh Di Đà, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng chẳng nói với quý vị, mà chỉ nói một câu: “Hãy thật thà, trở về nhà niệm A Di Đà Phật”. Như thế là được, quý vị có thể thành công, thật đấy, chẳng giả tí nào! Trong thời kỳ Mạt Pháp hiện thời, chúng ta là kẻ nghiệp chướng sâu nặng, ngoài một câu A Di Đà Phật ra, chẳng có cách nào cứu được! Nhưng một câu A Di Đà Phật này: “Trên khế hợp với Lý được chứng bởi chư Phật, dưới khế hợp căn cơ của chúng sanh đáng độ”, quyết định có thể thành tựu.
Ngày hôm qua có bốn vị cư sĩ từ Cao Hùng tới, đại khái họ đã nghe băng thâu âm rất lâu, đến đây tìm tôi. Tôi kể với họ chuyện bà cụ ở làng Tướng Quân mười năm trước, niệm Phật ba năm bèn đứng vãng sanh, mấy người họ hiểu được! Vì thế, một câu Phật hiệu hãy khéo niệm, thành tựu chẳng thể nghĩ bàn! Chúng ta nghe băng thâu âm lời khai thị lão pháp sư Đàm Hư trong Phật Thất, Ngài có nói về một vị pháp sư đồ đệ của ngài Đế Nhàn, coi như đồng học [của pháp sư Đàm Hư], cũng niệm Phật ba năm, đứng vãng sanh, biết trước lúc mất, chẳng bị bệnh khổ, đấy là gương tốt cho chúng ta. Do vậy, một câu Phật hiệu thật sự
khế cơ, khế lý!
(Sao) Kim lược Khế tự, đản danh viết Kinh giả, tỉnh văn dã.
(鈔) 今略契字,但名曰經者,省文也。
(Sao: Nay lược bớt chữ Khế, chỉ nói là Kinh, tức là tỉnh lược vậy).
Người Trung Quốc có thói quen thích đơn giản, không thích rườm rà, chẳng thích rắc rối; vì thế, tỉnh lược chữ Khế, chỉ gọi là Kinh.
(Sao) Kinh phục đa nghĩa giả.
(鈔) 經復多義者。
(Sao: Kinh lại có nhiều nghĩa).
Trong một chữ Kinh, hàm chứa nhiều nghĩa.
(Sao) Hoa Nghiêm Sớ dẫn Tạp Tâm ngũ nghĩa.
(鈔) 華嚴疏引雜心五義。
(Sao: Sách Hoa Nghiêm dẫn năm ý nghĩa [của chữ Kinh] từ Tạp Tâm Luận).
Trong Hoa Nghiêm Kinh Sớ, Thanh Lương đại sư giảng chữ Kinh này có tất cả mười ý nghĩa, có mười cách giải thích. Trong Tạp Tâm Luận[3] giảng chữ Kinh có năm ý nghĩa.
(Sao) Vị: Nhất, xuất sanh.
(鈔) 謂:一、出生。
(Sao: Nghĩa là: Một, sanh ra).
“Xuất sanh” là sanh khởi, dùng ý nghĩa này để giảng.
(Sao) Nhị, hiển thị.
(鈔) 二、顯示。
(Sao: Hai là chỉ bày rõ ràng).
“Hiển” là rõ ràng, “thị” phô bày. Nói cách khác, Như Lai giảng hết thảy Pháp Tướng, nói rõ ràng, rành rẽ, giống như trong phòng triển lãm, bày cho chúng ta thấy các món đồ, mang ý nghĩa này.
(Sao) Tam, dũng tuyền.
(鈔) 三、涌泉。
(Sao: Ba là suối phun).
Ý nghĩa này khá dễ hiểu, giống như nước suối phun lên, dùng ý nghĩa này để diễn tả: Những ý nghĩa được bao hàm trong kinh chẳng có cùng tận! Chẳng hạn như bộ kinh này, quả thật chẳng giống sách vở thế gian; quý vị đọc sách vở thế gian một lần đã hiểu ý nghĩa, quý vị đọc lần thứ hai vẫn thấy ý nghĩa ấy, đọc lần thứ ba, vẫn là ý nghĩa đó. Do vậy, đọc đôi ba lượt chẳng muốn đọc nữa, vì sao? Chẳng có ý nghĩa mới mẻ nào nữa! Đó là gì? Nước tù đọng. Kinh Phật khác hẳn, kinh Phật quý vị đọc mỗi lần đều có ý nghĩa [mới mẻ của] mỗi lần, đọc lần sau lại có ý nghĩa mới, ý nghĩa vĩnh viễn chẳng cùng tận. Sơ phát tâm học một bộ kinh, trong tương lai học tới khi thành Phật, vẫn có thể học một bộ kinh ấy, ý nghĩa vẫn chẳng cùng tận. Do vậy, trong kinh chứa đựng vô lượng nghĩa! Các đồng tu sơ học, có những người thấy kinh văn quá sâu, đọc không hiểu, chẳng muốn đọc nữa, trật rồi! Đọc không hiểu bèn chẳng muốn niệm, giống như nước suối ngầm ở dưới đất, chẳng được đào bới. Quý vị bỏ chút công phu đào ra, sau khi đã thấy nước, nguồn nước vĩnh viễn chẳng khô cạn, lấy mãi chẳng hết, dùng mãi chẳng hết, “Kinh” là như vậy. Vì thế, cổ nhân nói: “Độc thư thiên biến, kỳ nghĩa tự kiến” (đọc sách ngàn lần, tự thấy được ý nghĩa).
Hiện tại học thứ này thứ nọ khó lắm, không giống như thời cổ, thời cổ thật sự có thiện tri thức, hiện tại không có. Vì thế, chúng ta hiện thời chẳng có phước báo lớn như cổ nhân, hiện tại không có thiện tri thức chân chánh. Không có thiện tri thức, chúng ta học với ai? Chúng ta chỉ còn cách học với cổ nhân, chắc chắn sẽ không đi sai đường, chắc chắn sẽ không lạc vào tà đạo. Nói cách khác, học với cổ nhân nhất định đáng tin cậy. Nay chúng ta mở Sớ Sao ra, học với Liên Trì đại sư; đọc Sớ Sao là nghe Liên Trì đại sư khai thị cho chúng ta. Ngài khai thị, chúng ta nghe không hiểu, nghe không hiểu chẳng sao cả, lại nghe lần thứ hai, lần thứ hai nghe vẫn không hiểu, lại nghe lần thứ ba. Chỉ cần quý vị không ngừng tiếp tục xem mãi như vậy, nghiêm túc đọc bộ Sớ Sao này từ đầu đến cuối, chẳng cần nhiều, mỗi ngày đọc một giờ, đọc ba năm hay năm năm, quý vị chắc chắn khai ngộ. Quý vị không chịu làm thì chẳng có cách nào hết!
“Ta dùng thời gian ba năm để đọc Đại Tạng Kinh”, [làm như vậy] chắc chắn quý vị chẳng thể khai ngộ, vì sao? Xem phần trước, chẳng biết phần sau, xem phần sau, quên sạch phần trước, làm sao quý vị có thể khai ngộ được? Không thể nào có chuyện ấy được! Đấy đúng là như ngài Thanh Lương đã nói: “Chẳng tăng trưởng vô minh, bèn tăng trưởng tà kiến”, điều này hết sức đáng sợ. Chúng ta muốn học đạo, rốt cuộc đến cuối cùng đạt được hậu quả trái ngược, chúng ta đi ngược đường, sai lầm quá đỗi to lớn! Do vậy, tôi mong mỏi các đồng tu, chúng ta đã phát đạo tâm mong thật sự thành tựu, hãy dùng theo cách của cổ nhân, dồn công sức nơi một bộ kinh thì mới có thể thành tựu. Kinh có ý nghĩa vĩnh viễn chẳng cùng tận, đó là ý nghĩa của chữ “dũng tuyền”.
(Sao) Tứ, thằng mặc.
(鈔) 四、繩墨。
(Sao: Bốn là dây mực).
“Thằng mặc”: Xưa kia, nếu thợ mộc cưa gỗ, sẽ dùng “mặc đẩu”[4] để kéo căng sợi dây, kéo thẳng sợi dây [đã nhúng mực, rồi nắm sợi dây búng nhẹ] để in một đường [nhằm đánh dấu chỗ sẽ cưa trên gỗ], đấy là “thằng mặc”. Đã vạch một đường thẳng, cưa theo đó, cứ chiếu theo đường thẳng ấy mà cưa. Hiện thời khoa học kỹ thuật tiến bộ, không cần đến thứ này. “Thằng mặc” có thể vạch một đường thẳng, nên cứ cưa theo đó sẽ chẳng bị cong quẹo. Dùng ý nghĩa này nhằm nói [kinh Phật là tiêu chuẩn để] phân biệt tà, chánh. Lý luận, phương pháp và cảnh giới trong kinh đều là chính xác, chẳng tà vạy, cho nên kinh có ý nghĩa “thằng mặc”. Chúng ta tu hành phải có tiêu chuẩn, lấy gì làm tiêu chuẩn? Lấy kinh điển làm tiêu chuẩn. Giống như thợ mộc, ta phải cưa theo đường thẳng, đường thẳng ấy dùng gì để làm chuẩn? Dùng dây mực để vạch tiêu chuẩn, dùng ý nghĩa này.
(Sao) Ngũ, kết man.
(鈔) 五、結鬘。
(Sao: Năm là kết tràng hoa).
“Man” (鬘) là vòng hoa, dùng nhiều hoa xâu lại thành vòng khoác trên cổ. Người Ấn Độ rất thích trang sức theo kiểu này. Đức Phật cũng thường dùng chuyện này làm tỷ dụ. Tràng hoa do [các thứ hoa] xâu kết lại, dùng ý nghĩa này, giữ cho hoa chẳng đến nỗi rơi mất. [Kinh Phật có thể] liên kết các pháp, dùng ý nghĩa này.
(Sao) Phật Địa nhị nghĩa, vị nhất quán xuyên, vị nhất nhiếp trì.
(鈔) 佛地二義,謂一貫穿,謂一攝持。
(Sao: Theo Phật Địa Luận, Kinh có hai nghĩa, một là xuyên suốt, hai là tóm giữ).
Phật Địa Luận giải thích chữ Kinh bằng hai ý nghĩa Quán và Nhiếp. Chữ “quán xuyên” giống với ý nghĩa “kết man” trong phần trên. “Nhiếp trì”: Các tác phẩm văn chương thế gian không có sức [lôi cuốn], nắm giữ tâm hồn con người. Văn chương thế gian hay nhất, quý vị đọc một lần xong, hãy còn muốn xem, xem hai lượt vẫn còn muốn xem, giống như nam châm có thể thu hút quý vị. Tuy nó có thể thu hút, nhưng sức mạnh hữu hạn, vì sao? Quý vị xem liên tục hai mươi lượt, ba mươi lượt, chẳng muốn đọc nữa, có thể thấy sức mạnh của nó cũng không mạnh mẽ lắm! Văn chương chẳng hay, đương nhiên đọc một lần còn chưa được, đọc mấy dòng đầu đã chẳng muốn xem tiếp. Văn chương hay có thể đọc từ đầu tới cuối, rất tán thưởng, còn có thể đọc lần thứ hai, lần thứ ba, đọc thêm vài lần, sẽ chẳng muốn coi nữa. Nhưng kinh Phật khác hẳn, quý vị càng đọc càng ưa thích, sau khi xem đúng là chẳng thể buông xuống, thật đúng như người ta thường nói: Quý vị đắc “cá trung tam muội” (đạt được ý nghĩa tinh ròng và bí quyết). Thường nếm được ý vị ấy, ý nghĩa ào ạt xuất hiện, thật sự được thụ dụng, kinh có sức [ảnh hưởng] ấy khiến quý vị đọc suốt cả đời cả kiếp vẫn chẳng chán. Dẫu là một bộ kinh, nhưng quý vị thật sự thâm nhập, nó sẽ có sức mạnh ấy! Quý vị có thể cả ngày không ăn cơm, có thể suốt ngày chẳng ngủ, nhưng một ngày chẳng thể không đọc kinh, sức mạnh ấy được gọi là “nhiếp trì”. Kinh Phật có sức mạnh ấy!
(Sao) Thử phương tứ nghĩa.
(鈔) 此方四義。
(Sao: Phương này, dùng bốn nghĩa).
“Thử phương” là Trung Quốc. Đối với kinh điển của cổ nhân cũng có bốn ý nghĩa, giống như chúng ta tôn xưng sách vở do cổ thánh tiên hiền lưu lại là “kinh”. Nho gia Trung Quốc có mười ba kinh, sách Trang Tử của Đạo Gia được tôn xưng là Nam Hoa Kinh[5], sách của Lão Tử được tôn xưng là Đạo Đức Kinh, những kinh ấy đều có bốn ý nghĩa.
(Sao) Vị nhất thường, nhị pháp, tam kính, tứ điển, cố vân “đa nghĩa”. “Bất xuất tứ nghĩa” giả, chỉ “quán, nhiếp, thường, pháp” tứ tự dã.
(鈔)謂一常,二法,三逕,四典,故云多義。不出四義者,指貫攝常法四字也。
(Sao: Tức là một là thường, hai là pháp, ba là đường lối, bốn là khuôn mẫu, nên nói là “nhiều nghĩa”. “Chẳng ra ngoài bốn nghĩa” tức là nói về bốn chữ “quán, nhiếp, thường, pháp” vậy).
Thứ nhất là Thường, siêu việt thời gian và không gian. Bộ Luận Ngữ của Khổng lão phu tử được chúng ta gọi là Kinh, do Ngài đã nói từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, nay chúng ta mở ra đọc, vẫn sử dụng được. Đó là vượt thời gian, vượt không gian. Người Trung Quốc đọc sách ấy, thích hợp, vẫn có thể sử dụng được. Người Nhật đọc Luận Ngữ cũng có thể sử dụng được! Hiện thời, người Nhật có nhiều ưu điểm hơn người Hoa, nay người Hoa coi sách ấy như đồ bỏ, nhưng người Nhật vẫn dùng. Do vậy, tuy Nhật Bản bại trận trong Đệ Nhị Thế Chiến, hiện nay họ là nước bậc nhất trên thế giới. Quý vị muốn tìm nguyên nhân ư? Họ chọn lựa giữ lấy tinh thần Nho gia, tận lực phát triển khoa học kỹ thuật Tây Phương, cho nên hiện thời trên thế giới không ai có thể sánh bằng họ, đạo lý ở chỗ này. Cơ sở và cội nguồn văn hóa của người Nhật đều là những thứ của Trung Quốc, họ học từ Trung Quốc. Dân tộc họ có tánh chất bảo tồn truyền thống rất mạnh, đó là ưu điểm lớn nhất của họ. Họ học từ Trung Quốc, mãi cho đến ngày nay vẫn còn duy trì được. Người Nhật mặc Hòa phục, đấy là trang phục của người Hoa thời cổ, người Nhật chế ra y phục từ đâu? Lấy cách thức từ Trung Hoa, chiếu theo kiểu đó mà may cắt. Hòa phục (Wafuku) còn gọi là Ngô phục (Gofuku), học ở đâu ra? Từ nước Ngô thời Xuân Thu, tức tỉnh Giang Tô [hiện tại]. Họ sống trong nhà lót nền bằng chiếu tatami là cách thức kiến trúc của Trung Quốc vào thời Xuân Thu, sau khi học được mãi cho đến hiện tại chẳng biến đổi, vẫn giữ như thế.
Nay chúng ta đọc cổ thư, nhất là đọc Lễ Ký, đúng là đọc sách mà chẳng biết sách nói gì? Nhưng đến thăm Nhật Bản, thấy giống hệt như trong Lễ Ký đã nói. Chẳng hạn như trong Lễ Ký nói: Nếu quý vị bước vào cổng nhà người ta, thấy ở cửa đặt hai đôi giầy, chớ nên tùy tiện bước vào. Nay chúng ta bước vào cửa, trong phòng khách đâu có đặt hai đôi giầy? Mới hiểu [bên Nhật, nền nhà lót bằng thảm] tatami, đi trên tatami thì phải đặt giầy bên ngoài. Có lẽ hai người họ đang bàn chuyện gì cơ mật, quý vị bước vào sẽ khiến người ta rất ngượng ngùng, đó là thất lễ. [Sách Lễ Ký nói] khách quý đến, “trùng tịch” (chồng chiếu) để ngồi, nay chúng ta chẳng hiểu “trùng tịch” là gì? Chúng ta đều ngồi trên ghế. Hóa ra, trên thảm tatami, có đặt cái đệm để ngồi. Đối với khách quý, nhằm đặc biệt tiếp đãi, xếp hai cái đệm [chồng lên nhau], hai cái đệm thể hiện sự tôn kính nhất. Vì thế, đến chỗ người ta, vừa nhìn liền biết cách sống của họ hoàn toàn tuân theo Lễ Ký. Người Nhật bắt đầu học những thứ của Trung Quốc từ thời Xuân Thu, mỗi triều đại đều cử du học sinh sang Trung Hoa du học. Vì thế, văn hóa Trung Quốc quả thật đều [được bảo tồn] tại Nhật Bản. Tới Nhật Bản, thấy những phong tục, tập quán, văn vật thuộc thời đại Xuân Thu của Trung Hoa, chúng tôi rất khâm phục họ, họ có thể bảo tồn. “Thường” là vượt thời gian, vượt không gian. Hiện thời, tư tưởng Nho gia được truyền bá sang Mỹ, Âu Châu, điều gì có thể sử dụng, điều gì được họ ưa thích, họ sẽ tiếp nhận rất dễ dàng. Đây là ý nghĩa của chữ Thường, tức là vượt thời gian, vượt không gian.
Thứ hai là Pháp, tức là nguyên lý, nguyên tắc, phép tắc. Phép tắc ấy bất biến, chiếu theo phương pháp ấy để làm, nhất định sẽ thông suốt, đó là Pháp. Do vậy, Pháp có nghĩa là “quỹ tắc” (軌則: khuôn khổ, đường lối).
Thứ ba là Kính (逕), tức con đường nhỏ, đường gần, là đường của thánh hiền đi. Quý vị noi theo con đường ấy để đi, sẽ thành thánh, thành hiền.
Thứ tư là Điển (典), tức là điều được xưa lẫn nay đề cao, hết thảy mọi người bằng lòng tuân thủ, tôn trọng, tôn sùng.
(Sao) Lương dĩ Kinh tự, Tây Vực chánh phiên vi Tuyến. Tuyến hữu Quán Trì nghĩa, Quán tắc quán xuyên sở thuyết chi lý, Trì tắc nhiếp trì sở hóa chi sanh. Thử nhị túc cai xuất sanh ngũ nghĩa.
(鈔)良以經字,西域正翻為線,線有貫持義,貫則貫穿所說之理,持則攝持所化之生,此二足該出生五義。
(Sao: Ấy là vì chữ Kinh trong tiếng Tây Vực dịch sát nghĩa là Tuyến (sợi dây), vì Tuyến có ý nghĩa Quán Trì: Quán là xuyên suốt, liên kết Lý đã nói, Trì là giữ gìn những chúng sanh được hóa độ. Hai nghĩa này đủ để bao gồm năm nghĩa như xuất sanh v.v…)
Kế đó, giải thích hai ý nghĩa Quán và Nhiếp. Hai ý nghĩa Quán và
Nhiếp ấy có thể bao quát năm ý nghĩa được giảng trong Tạp Tâm Luận.
Nói cách khác, hai ý nghĩa Quán và Nhiếp này có thể bao quát trọn vẹn rất nhiều cách cổ nhân giải thích ý nghĩa của chữ Kinh. Ở đây, rất rõ rệt là đại sư chỉ dùng hai chữ này để bao gồm các ý nghĩa khác. Vì thế, hai chữ này được đặc biệt coi trọng!
(Sao) Nhi thử phương kinh điển, diệc danh viết Kinh.
(鈔) 而此方經典,亦名曰經。
(Sao: Nhưng kinh điển ở phương này cũng được gọi là Kinh).
Kinh điển của Trung Quốc cũng gọi là Kinh. Chúng ta cũng tôn xưng trước thuật của cổ thánh tiên hiền là Kinh; nhưng trong kinh điển của Trung Hoa không có ý nghĩa Tuyến, còn Tu Đa La của nhà Phật có ý nghĩa Tuyến, Tuyến là xuyên suốt.
(Sao) Kinh thị Tuyến nghĩa.
(鈔) 經是線義。
(Sao: Kinh có nghĩa là Tuyến).
Khế Kinh có nghĩa gốc là Tuyến.
(Sao) Thử phương bất quý Tuyến.
(鈔) 此方不貴線。
(Sao: Cõi này không coi trọng Tuyến).
Người Hoa đối với chữ Tuyến chẳng coi trọng lắm, cho nên lược bỏ chữ Khế [trong Khế Kinh].
(Sao) Cố trực thủ Kinh tự, nhi gia dĩ Khế.
(鈔) 故直取經字,而加以契。
(Sao: Nên lấy ngay chữ Kinh, thêm vào chữ Khế).
Khi phiên dịch thì đối với chữ Tu Đa La mới dịch thành Khế Kinh.
(Sao) Cổ xưng tối vi doãn đáng.
(鈔) 古稱最為允當。
(Sao: Cách gọi theo lối cổ là thích đáng nhất).
Thời cổ dùng danh xưng Khế Kinh để dịch chữ Tu Đa La, mọi người công nhận cách dịch ấy hết sức thích đáng.
(Sao) Hựu, Thường giả, cổ kim bất dịch. Pháp giả, cận viễn đồng tôn.
(鈔) 又常者,古今不易。法者,近遠同尊。
(Sao: Lại nữa, Thường là xưa nay chẳng thay đổi. Pháp là xa gần cùng tôn trọng).
Đây là giải thích hai ý nghĩa Thường và Pháp. Dùng hai chữ Thường và Pháp có thể bao quát bốn ý nghĩa của [kinh điển] Trung Quốc (tức là Thường, Pháp, Kính, Điển), Kính và Điển có thể gộp trong hai chữ này. Thường là xưa nay chẳng đổi, đó là Thường, đó là “thường đạo” (đạo thường hằng). Căn bản của văn hóa Trung Quốc luân thường, Luân (倫) là tổ chức luân lý. [Do có] Ngũ Luân nên quan hệ giữa con người với nhau vô cùng mật thiết. Ngũ Luân bắt đầu từ vợ chồng, vợ chồng sống chung một nhà, tối thiểu là chung một phòng, ngoài phòng là gia đình. Trong gia đình có cha con, anh em. Bên ngoài nhà là xã hội, quốc gia và xã hội. Trong quốc gia có vua tôi, bằng hữu. Nói “quân thần” thì “quân” (君) là người lãnh đạo, “thần” (臣) là người bị lãnh đạo. Chúng ta làm mọi chuyện trong xã hội, thì cấp trên của quý vị là Quân, quý vị là Thần. Nếu quý vị làm một ông chủ nhỏ thì quý vị là Quân, nhân viên của quý vị là Thần. Do vậy, chữ Quân không nhất định chỉ đế vương, trong xã hội có mối quan hệ giữa trưởng quan (cấp trên) và bộ thuộc (nhân viên, thuộc hạ); “bình bối” (bằng vai phải lứa) là quan hệ bạn bè. Tổ chức xã hội Trung Quốc là xã hội Ngũ Luân. Thời cổ, Trung Quốc không có hai chữ “đoàn kết” vì bản thân Ngũ Luân đã là đoàn kết. “Tứ hải chi nội giai huynh đệ” (trong bốn biển đều là anh em). Bạn của bạn bè, hàng xóm của xóm giềng, mở rộng ra là một quốc gia; quốc gia dân tộc đích xác là một chỉnh thể.
Ngũ Luân là tổ chức, duy trì Ngũ Luân bằng Ngũ Thường, đấy là thường đạo. “Thường” là một tiêu chuẩn làm người của người Hoa, tức tiêu chuẩn đạo đức, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Nhân Từ là từ mình bèn nghĩ đến người, hễ nghĩ đến ta bèn cũng nghĩ tới người khác. Do vậy, chữ Nhân là chữ Hội Ý[6]. Nhân (仁) là hai người, tức là khi quý vị nghĩ đến mình thì cũng phải nghĩ tới người khác, suy từ mình mà nghĩ đến người khác, đó là Nhân. Nghĩa (義) là trọn hết nghĩa vụ, chẳng bàn tới quyền lợi. Chúng ta là địa vị gì, mang thân phận gì, nên làm chuyện gì, đều phải tận tâm tận lực thực hiện tốt đẹp, trọn hết nghĩa vụ. Lễ (禮) là có chừng mực, chẳng quá lố, mà cũng chớ nên dễ dãi, xã hội sẽ có trật tự, mọi người đều yên tâm, Lễ có thể an tâm. Trí (智) là lý trí, hoàn toàn tương đồng với chủ trương của Phật pháp, xử sự, đãi người, tiếp vật phải dùng lý trí. Tín (信) là đáng tin cậy, đấy là đạo đức cơ bản. Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín là Ngũ Thường, là thường đạo! Xưa nay, trong ngoài nước, vĩnh viễn chẳng thể thay đổi, ai nấy đều phải tuân thủ.
Sách Lễ Ký ghi: “Nhân khí thường, tắc yêu hưng” (con người vứt bỏ lẽ thường, ắt yêu quái dấy lên). Thường là gì? Chính là năm điều ấy, tức Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, chúng ta thảy đều từ bỏ, cũng không nói tới, yêu ma quỷ quái trên thế giới này thảy đều xuất hiện, vì sao? Vì yêu ma quỷ quái chẳng bàn tới Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Con người nhất định phải nói tới Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, nay chúng ta gọi [năm điều này là] “nhân cách”. Nhân cách là tư cách làm người, tư cách làm người là gì? Chính là năm điều ấy. Nếu không có năm điều ấy, sẽ thiếu tư cách làm người! Thiếu tư cách làm người, hiện thời vẫn mang hình dáng con người, nhưng quý vị một hơi thở ra không hít vào được sẽ đi vào tam ác đạo, chẳng thể được làm thân người nữa! Nếu quý vị muốn đời sau còn được làm thân người, quý vị hãy khéo giữ gìn nhân cách, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Muốn sanh lên trời, phải tăng cường năm điều kiện ấy, phải tu Thập Thiện Nghiệp Đạo mới có thể sanh thiên, tư cách của thiên phải cao hơn con người.
“Pháp giả, cận viễn đồng tôn” (Pháp là xa gần cùng tôn trọng), “tôn” là tôn trọng, mà cũng có thể hiểu là tuân thủ, đó là Pháp, tức phép tắc, giống như pháp luật của quốc gia, trên cả nước phải cùng nhau tuân thủ. Pháp do cổ thánh tiên hiền đã lập, đích xác chẳng hạn chế trong một nước, một dân tộc, mà có thể nói: Đối với các phép tắc do tổ tiên đã lập, hết thảy các quốc gia, dân tộc đều phải tuân thủ, vì sao? Quý vị tuân thủ thì quốc gia của quý vị sẽ ổn định lâu dài, thiên hạ thái bình. Hiện thời, chính phủ đang nói tới chuyện an hòa lợi lạc. Nếu thật sự muốn đạt tới an hòa lợi lạc, nhất định phải tuân thủ. Quý vị giữ đúng pháp của các bậc thánh hiền, sẽ thành công. Phật pháp có phạm vi càng lớn hơn nữa, đối tượng của nó là trọn hết hư không khắp pháp giới, chẳng hạn chế trong quả địa cầu này! Quý vị giữ vững những phép tắc ấy của Phật thì sẽ có thể thành Phật, có thể thành Bồ Tát, lợi ích ấy các pháp thế gian trọn chẳng thể sánh được.
(Sao) Thường tắc cửu nhi hành chi.
(鈔) 常則久而行之。
(Sao: Thường là đã được thực hành từ lâu).
“Thường” là vượt thời gian. Thánh nhân lập pháp quả thật rất lỗi
lạc. Trong quá khứ, tiên sinh Phương Đông Mỹ đã bảo tôi rất nhiều lần, cụ nói suốt một đời cụ, đọc sách cụ bội phục Châu Lễ nhất. Khi ấy, cụ khuyên tôi xem, nhưng tôi chẳng xem. Hiến pháp đời Châu do Châu Công[7] chế định. Tại Trung Quốc, triều đại nhà Châu có lịch sử dài nhất, tám trăm năm! Bất luận triều đại nào của Trung Quốc, chẳng có triều đại nào lâu dài như vậy. Đáng tiếc là con cháu đời sau của triều đình nhà Châu chẳng làm đúng với hiến pháp. Nếu làm đúng hiến pháp, thật sự là ngàn năm vạn đời chẳng thể vong quốc! Phương tiên sinh bảo tôi: Xưa nay, trong ngoài nước, hiến pháp của mỗi quốc gia, dân tộc đều chẳng hoàn thiện bằng Châu Lễ, quả thật là tuyệt diệu! Về sau, tôi học Phật, chẳng học những chuyện ấy, cho nên cũng chẳng đọc [Châu Lễ], nhưng lời thầy nói với tôi đã tạo thành ấn tượng vô cùng sâu đậm, cụ nói: “Tác phẩm ấy của Châu Công đúng là một bộ hiến pháp vô cùng hoàn mỹ”. Đó là Thường, có thể thật sự vượt thoát thời gian lẫn không gian.
(Sao) Hữu cộng diêu nghĩa, tức danh vi Kính.
(鈔) 有共繇義,即名為逕。
(Sao: Lại còn có ý nghĩa là đường lối, duyên do chung, nên gọi là Kính).
Kính (逕) là con đường, là nơi mọi người cùng đi. Diêu (繇) là “do” trong “căn do” (根由). Đức Phật thành đạo, Bồ Tát thành đạo đều vì nhân duyên và nguyên nhân ấy. Chúng ta tu học nếu dùng nguyên nhân này, đương nhiên cũng có thể thành tựu. Nếu hiểu [Kính] có nghĩa là đường nẻo thì cũng hợp lý, người ta đi theo con đường ấy có thể thành Phật, có thể thành Bồ Tát, nay chúng ta cũng đi theo đường này, nhất định cũng có thể thành Phật, thành Bồ Tát, mang ý nghĩa này. Chúng ta thuộc thời cận đại, thời cổ lại càng chẳng cần phải nói. Quý vị xem Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Vãng Sanh Truyện, nhìn vào những người vãng sanh trong thời cận đại, hãy nên giác ngộ. Do con đường Niệm Phật thật sự có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng phải là giả. Những người đó dùng phương pháp này, họ thành công; nay chúng ta noi theo con đường này để đi, nhất định cũng có thể thành công, quyết định đừng nên hoài nghi.
Gần đây nhất, chúng tôi in ba thứ bản dịch của kinh Di Đà, chư vị hãy nên nghiên cứu kỹ càng, chắc chắn sẽ chẳng hoài nghi kinh A Di Đà. Quý vị đọc bản dịch của Huyền Trang đại sư, đọc bản hội tập của cư sĩ Hạ Liên Cư, ý nghĩa hết sức rõ ràng, sẽ hiểu chúng ta phải biết cách đọc như thế nào, cách tu ra sao? Vì bản chúng ta thường niệm là bản dịch của Cưu Ma La Thập đại sư, Ngài dịch đơn giản, có khá nhiều ý nghĩa trong ấy, nhưng do văn tự giản lược, chúng ta nhìn không ra. Thí dụ như “A Di Đà Phật thành Phật dĩ lai, ư kim thập kiếp” (từ khi A Di Đà Phật thành Phật đến nay là mười kiếp), kiếp có đại kiếp, trung kiếp, tiểu kiếp, rốt cuộc là kiếp nào? Bản dịch của Huyền Trang đại sư nói rõ là mười đại kiếp, chẳng phải tiểu kiếp. Bản của La Thập đại sư ghi “nhất tâm bất loạn”, chúng ta cảm thấy rất khó khăn. Bản của Huyền Trang đại sư không viết như vậy, Ngài bảo chúng ta hãy “chuyên tâm hệ niệm”, tức là quý vị chuyên tâm niệm Phật, tới lúc lâm chung, Phật đến tiếp dẫn, Phật lực gia trì, khiến quý vị đắc nhất tâm bất loạn, điều này dễ dàng, ngay lập tức chúng ta an tâm, đúng là tuyệt diệu chẳng thể diễn tả được!
Bản dịch của La Thập đại sư văn phong rất lưu loát, chúng ta đọc bản dịch ấy rất thoải mái, giống như đọc Quốc Văn của Trung Quốc. Bản dịch của Huyền Trang đại sư đọc rất trúc trắc, vì Ngài chiếu theo văn bản Ấn Độ để dịch thẳng ra, rất nhiều cách hành văn, cú pháp chúng ta không quen thuộc lắm, đọc lên chẳng cảm thấy trôi chảy, thông suốt, nhưng ý nghĩa vô cùng hoàn chỉnh. Ngài chiếu theo nguyên văn dịch từng câu một, chẳng sót một ý nghĩa nào! Xét theo ý nghĩa, pháp sư Huyền Trang dịch rất hay, nhưng xét theo văn tự trôi chảy, thông suốt, bản dịch của pháp sư La Thập hay hơn. Cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập hai bản ấy, vừa muốn văn chương tốt đẹp, vừa muốn ý nghĩa hoàn chỉnh. Lần này, tôi mang bản ấy từ Mỹ về, chúng tôi in lại để lưu thông, cúng dường mọi người, mong mọi người tăng trưởng tín tâm, mọi người đều có thể vãng sanh trong một đời này. Nay ở trong hội này, tương lai tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, chúng ta lại mở đại hội, thường ở cùng một chỗ.
(Sao) Pháp tắc quỹ nhi chánh chi. Hữu định cứ nghĩa, tức danh vi Điển.
(鈔) 法則軌而正之。有定據義,即名為典。
(Sao: Pháp là đường lối chánh đáng. Do [Kinh] mang ý nghĩa “là chứng cứ nhất định” nên gọi là Điển).
“Hữu định cứ nghĩa” là có [chứng cứ] xác định, có thể lấy nó làm bằng chứng. Giống như pháp luật trong hiện thời, mọi người có tranh chấp, bèn dùng điều gì làm tiêu chuẩn để so sánh ai phải, ai trái? Có pháp luật để làm tiêu chuẩn, pháp luật còn gọi là “pháp điển”.
(Sao) Diệc nhị túc cai tứ.
(鈔) 亦二足該四。
(Sao: Cho nên hai chữ đủ để gồm trọn bốn ý nghĩa).
Dùng hai chữ Thường và Pháp có thể gồm trọn Kính và Điển.
(Sao) Tắc bỉ phương Quán Nhiếp, thử phương Thường Pháp,
hợp nhi ngôn chi, tứ tự chi trung, tận Kinh nghĩa hĩ.
(鈔)則彼方貫攝,此方常法,合而言之,四字之中,盡經義矣。
(Sao: Cho nên hai chữ Quán và Nhiếp của phương kia và Thường Pháp của phương này, hợp lại để nói thì bốn chữ sẽ [bao gồm] trọn hết ý nghĩa của chữ Kinh).
Từ xưa tới nay, các vị đại đức chú kinh, giảng kinh, hễ giải thích chữ Kinh này, thông thường đều dùng bốn chữ Quán, Nhiếp, Thường, Pháp để giải thích. Ở đây, giảng khá tỉ mỉ, nêu ra nguồn gốc của bốn chữ này. Quán Nhiếp là cách người Ấn Độ [dùng để] bao quát khá nhiều ý nghĩa của chữ Kinh trong hai chữ này. Bốn ý nghĩa [kinh điển] của Trung Quốc cũng có thể được khái quát bởi Thường Pháp. Vì thế, dùng Quán, Nhiếp, Thường, Pháp để bao gồm trọn hết.
(Sớ) Hựu Kinh phục hữu thông biệt nhị nghĩa, Kinh chi nhất tự, thị vi thông danh, Phật Thuyết A Di Đà ngũ tự, thị vi biệt danh.
(疏)又經復有通別二義,經之一字,是為通名;佛說阿彌陀五字,是為別名。
(Sớ: Lại nữa, kinh lại có hai nghĩa Thông và Biệt, một chữ Kinh là tên chung (thông danh), năm chữ Phật Thuyết A Di Đà là tên riêng).
Biệt là chẳng giống với bộ [kinh luận] khác, đó là Biệt. Thông là cùng chung với các bộ khác, đó là Thông. Kinh là Thông Danh (tên chung). Hễ là kinh tạng đều gọi là Kinh, như kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Kim Cang, sau mỗi danh xưng đều có chữ Kinh; nhưng [phần danh xưng riêng biệt] như Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, kinh khác chẳng dùng danh xưng ấy, chỉ có một bộ này! Phật Thuyết A Di Đà cũng chỉ có bộ kinh này dùng danh xưng này, bộ khác không có, nên gọi là Biệt Đề (đề mục riêng). Nhưng kinh dùng danh hiệu A Di Đà [để đặt tên] thì trừ bộ này ra còn có kinh Vô Lượng Thọ cổ nhân cũng dịch là A Di Đà Kinh. [Thành ra] kinh A Di Đà có hai loại, bất đắc dĩ thêm chữ Đại [để phân biệt], Đại A Di Đà Kinh chính là kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ và kinh này cùng bộ. Nói rõ tỉ mỉ là kinh Vô Lượng Thọ; nói đơn giản, tóm tắt, giới thiệu đơn giản là bộ kinh này. Hai bộ kinh này có nội dung hoàn toàn tương đồng, đều có thể gọi là A Di Đà Kinh, mà cũng đều có thể gọi là Vô Lượng Thọ Kinh.
(Sớ) Như giáo, hành, lý, thông, biệt diệc nhĩ.
(疏) 如教行理通別亦爾。
(Sớ: Đối với Giáo, Hành, Lý cũng có Thông và Biệt giống như vậy).
Kinh có Giáo kinh, có Hành kinh, có Lý kinh; trong Giáo, Hành, Lý cũng có Thông và Biệt. Thông là chung với những bộ khác, thông với các pháp môn khác, Biệt là chẳng giống những pháp môn khác. Giáo là sự giáo học của Phật, Hành là tu hành, Lý là căn cứ lý luận của giáo học tu hành. Những kinh này cũng có Thông và Biệt.
(Sớ) Thử tam tức phối tam đức, viên dung cụ túc.
(疏) 此三即配三德,圓融具足。
(Sớ: Ba điều này (Giáo, Hành, Lý) chính là phối hợp với Tam Đức, viên dung trọn đủ).
Tam Đức là Pháp Thân, Bát Nhã, và Giải Thoát, được gọi là Tam Đức Bí Tạng.
(Sớ) Như Thiên Thai sở xưng, văn thủ đề danh, công đức vô lượng.
(疏) 如天台所稱,聞首題名,功德無量。
(Sớ: Như ngài Thiên Thai đã ca ngợi: Nghe tựa đề của kinh, công đức vô lượng).
“Thủ đề danh” chính là tên của bộ kinh. Nghe tên kinh có vô lượng vô biên công đức, tông Thiên Thai nói như vậy. Chính vì tông Thiên Thai nói như vậy, cho nên người Nhật chẳng niệm Phật, mà niệm “Nam-mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” tức là niệm tựa đề kinh[8], hễ nghe tựa đề kinh, công đức bèn vô lượng vô biên. Nhưng nếu chẳng hiểu ý nghĩa của tựa đề kinh, sẽ chẳng có công đức; lấy đâu ra công đức? Chẳng sanh ra được! Do vậy, nhất định phải hiểu rành rẽ tựa đề kinh thì tựa đề kinh sẽ có vô lượng công đức. Người Nhật niệm “Nam-mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” tức là niệm uổng công. Cách niệm ấy chẳng phải là không có công đức, thật sự có công đức; nhưng họ niệm không có công đức, ta niệm có công đức. Vì sao? Họ chẳng hiểu được ý nghĩa trong tựa đề. Họ niệm, tâm và miệng chẳng tương ứng. Tâm, miệng, hạnh tương ứng sẽ có vô lượng vô biên công đức. Do vậy, chẳng bằng niệm một câu A Di Đà Phật. Vì quý vị chẳng liễu giải A Di Đà Phật, nhưng thành tâm thành ý niệm sẽ có công đức; niệm “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” phải thông đạt ý nghĩa trong tựa đề mới có công đức.
Trong quá khứ, tôi đã giảng đại ý kinh Pháp Hoa ở chỗ này, giảng “Quyền Thật thập diệu”, chữ “Diệu” có hai mươi ý nghĩa: Quyền Diệu có mười ý nghĩa, Thật Diệu có mười ý nghĩa; chúng tôi tốn rất nhiều thời gian giảng tựa đề kinh Diệu Pháp Liên Hoa mà vẫn là nói đại lược! Nếu nói tỉ mỉ thì Thiên Thai đại sư “cửu tuần đàm diệu”, tức là mỗi ngày giảng tám tiếng đồng hồ, giảng suốt chín mươi ngày mới giảng xong chữ Diệu! Bộ sách Pháp Hoa Huyền Nghĩa Thích Thiêm in bìa cứng dày như thế, gồm ba cuốn to. Ba cuốn sách to vốn để giảng điều gì? Chính là Thiên Thai đại sư thuở trước đã bỏ ra chín mươi ngày giảng chữ “Diệu” thành ba cuốn sách to như thế đó! Nếu chúng tôi chiếu theo ba cuốn sách to ấy để giảng, giảng ba năm vẫn chưa xong, đương nhiên là vô lượng công đức; nhưng người Nhật chẳng hiểu, coi [tựa đề kinh] như thần chú để niệm, vô ích, miệng có, tâm không, chẳng có tí hữu dụng nào!
(Sớ) Nhược phối Tam Đại, tắc Phật thị Thể Đại, Vô Lượng Thọ thị Tướng Đại, Vô Lượng Quang thị Dụng Đại, như giáo trung thuyết.
(疏)若配三大,則佛是體大,無量壽是相大,無量光是用大,如教中說。
(Sớ: Nếu phối hợp với Tam Đại thì Phật là Thể Đại, Vô Lượng Thọ là Tướng Đại, Vô Lượng Quang là Dụng Đại, như trong giáo đã nói).
Đoạn này được giải thích tỉ mỉ trong lời Sao, nhưng ngày hôm nay đã hết thời gian rồi, lần sau chúng ta sẽ thảo luận cặn kẽ: Phối hợp với Tam Đại ra sao? Phối hợp với Tam Đức như thế nào? Vì nếu hiểu rõ ý nghĩa tựa đề kinh, sau này, quý vị niệm một câu A Di Đà Phật, công đức sẽ vô lượng; so với quý vị niệm A Di Đà Phật trước đây, ý nghĩa khác nhau. Nếu quý vị hiểu ý nghĩa của Nam-mô A Di Đà Phật, quý vị sẽ niệm chẳng mệt mỏi, sẽ niệm đầy hứng thú, sẽ niệm phấn chấn tinh thần. Tinh thần chẳng khá, niệm mấy câu Phật hiệu, tinh thần bèn phấn chấn, thật sự có đại tác dụng như thế. A! Chúng ta niệm Phật hồi hướng.
[1] Ở đây, hòa thượng nói theo cách giải thích Danh Số Ấn Độ trong Phiên Dịch Danh Nghĩa Đại Tập. Theo sách ấy, mười con số lớn trong cách tính toán của cổ Ấn Độ là: 1) A Tăng Kỳ, 2) Vô Lượng, 3) Vô Biên, 4) Vô Tăng (Aparimita), 5) Xuất Biên (Aparimāva), 6) Vô Tỷ (Atulya), 7) Bất Khả Tỷ (Amāpya), 8) Bất Khả Tư Nghị (Acintya), 9) Bất Khả Thuyết (Anabhilāpya), 10) Bất Khả Thuyết Bất Khả Thuyết (Anabhilāpyabhilāpya). Phẩm A Tăng Kỳ của kinh Hoa Nghiêm dịch những tên gọi này hơi khác và từ A Tăng Kỳ đến số cuối cùng có nhiều hơn nữa (gồm hai mươi con số): A Tăng Kỳ, A Tăng Kỳ Chuyển, Vô Lượng, Vô Lượng Chuyển, Vô Biên, Vô Biên Chuyển, Vô Đẳng, Vô Đẳng Chuyển, Bất Khả Số, Bất Khả Số Chuyển, Bất Khả Xưng, Bất Khả Xưng Chuyển, Bất Tư Nghị, Bất Tư Nghị Chuyển, Bất Khả Lượng, Bất Khả Lượng Chuyển, Bất Khả Thuyết, Bất Khả Thuyết Chuyển, Bất Khả Thuyết Bất Khả Thuyết, Bất Khả Thuyết Bất Khả Thuyết Chuyển.
[2] Đây là sách in theo lối cổ. Người ta in toàn bộ cuốn sách thành nhiều trang trên một tờ giấy dài, chỉ in một mặt, khi in xong, xếp sách sao cho mặt không có chữ bị ép vào nhau, rồi dùng chỉ khâu gáy những trang ấy lại, đóng bìa.
[3] Tạp Tâm Luận là tên gọi tắt của bộ Tạp A Tỳ Đàm Tâm Luận, mười quyển, do tôn giả Pháp Cứu soạn. Ngài Tăng Già Bạt Ma xứ Nam Thiên Trúc dịch sang tiếng Hán vào năm Nguyên Gia 12 (435) đời Lưu Tống. Trước đó, luận này đã được dịch hai lần:
- Pháp Hiển và Giác Hiền cùng dịch vào cuối niên hiệu Nghĩa Hy (417-418) đời An Đế nhà Đông Tấn.
- Ngài Y Diệp Ba La dịch chín quyển rưỡi vào năm Nguyên Gia thứ ba (426) đời Đông Tấn, sau đó Tam Tạng Cầu Na Bạt Ma dịch tiếp phần còn lại vào năm Nguyên Gia thứ tám.
Hai bản này đều đã thất truyền. Luận này nhằm mục đích giảng rộng những phần luận về tâm trong bộ A Tỳ Đàm Tâm Luận của ngài Pháp Thắng, tham khảo rất nhiều phần trong Đại Tỳ Bà Sa Luận để bổ sung những chỗ giản lược trong tác phẩm của ngài Pháp Thắng.
[4] “Mặc đẩu” (墨斗) theo tương truyền là một phát minh của Lỗ Ban (tổ nghề mộc), gồm một hộp tròn, có chứa mực và một sợi dây đẫm mực, quấn quanh một trục quay đặt trong hộp, để có thể kéo dài hay rút gọn theo ý muốn. Dụng cụ này được thợ mộc dùng để đánh dấu vết cưa, cắt, đục v.v…
[5] Sách Trang Tử được gọi là Nam Hoa Kinh hay Nam Hoa Chân Kinh vì các vua cuối nhà Đường mê thích thần tiên, ưa luyện đan, tu Đạo Giáo. Đường Huyền Tông đã tôn xưng bốn vị triết gia thời cổ là Tứ Đại Chân Nhân, và đặt pháp hiệu cho họ. Trang Châu được tôn là Nam Hoa Chân Nhân, Liệt Ngự Khấu là Xung Hư Chân Nhân, Văn Tử (tương truyền là đệ tử đắc ý của Lão Tử) là Thông Huyền Chân Nhân, và Canh Tang Sở (một nhân vật do Trang Châu bịa ra trong sách Trang Tử, nhưng Đường Huyền Tông vẫn tin Canh Tang Sở là nhân vật có thật) là Động Linh Chân Nhân. Vì thế, sách Trang Tử được Đạo Giáo gọi là Nam Hoa Kinh, sách Liệt Tử (do Liệt Ngự Khấu viết) được gọi là Xung Hư Kinh.
[6] Hội Ý là một trong cách sáng tạo chữ Hán thời cổ, thường là ghép hai chữ đơn độc để tạo thành một chữ mới. Chẳng hạn chữ Tửu (酒: rượu) là do chữ Dậu (酉: cái bình sành để ủ rượu) và chữ Thủy (水) hợp thành. Chữ Hảo (好) do Nữ (女) và Tử (子) ghép lại, hàm ý, người đàn bà có con là chuyện tốt đẹp.
[7] Châu Công, tên thật là Cơ Đán, con trai thứ tư của Cơ Xương (Châu Văn Vương), em trai của Bá Ấp Khảo (bị Trụ Vương giết), Cơ Phát và Quản Thúc Tiên, nên còn gọi là Thúc Đán, hoặc ghép thành Châu Công Đán, hoặc Lỗ Châu Công (do được phong đất ở nước Lỗ). Khi Cơ Phát (Châu Vũ Vương) hưng binh diệt Trụ, Cơ Đán làm quan, giúp anh ổn định triều chánh, phát triển quân đội nhà Châu. Khi Châu Vũ Vương bệnh nặng, Cơ Đán đã lập đàn tế trời, xin chết thay anh. Khi Cơ Phát sắp mất, đã ủy thác Cơ Đán phụ chánh phò tá thái tử Cơ Tụng (Châu Thành Vương) còn nhỏ lên ngôi vua. Ông đã giúp vua dẹp tan nội loạn (do ba người em là Quản Thúc Độ, Hoắc Thúc Xử và Sái Thúc Tiên dấy loạn, toan giúp Vũ Canh khôi phục nhà Thương). Ông định ra năm bậc quan chế: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam, lập đẳng cấp trong xã hội, phong đất cho những công thần như phong đất Tề cho Khương Tử Nha, lập ra quy định cha chết truyền ngôi cho con trưởng để tránh tranh giành quyền lực, quy định lễ nhạc như tang phục, ngũ lễ, tam tòng, tứ đức v.v… Khi Thành Vương đã lớn, ông trao lại quyền hành, viết những bức thư cảnh tỉnh Thành Vương khi vua nghe lời gièm pha nghi ngờ lòng trung của ông. Hậu thế tôn xưng ông bằng nhiều danh hiệu; đời Tống Chân Tông đã truy tặng ông là Văn Hiến Vương, đời sau gọi ông bằng danh hiệu Nguyên Thánh.
[8] Đây là quan điểm của Nhật Liên (Nichiren, sáng tổ phái Nhật Liên Tông, tức Tân Pháp Hoa Tông). Nhật Liên tự xưng mình là Thượng Hạnh Bồ Tát tái lai để giảng dạy chính xác kinh Pháp Hoa, và coi quan điểm của tông Thiên Thai của Trí Giả đại sư chỉ là pháp quyền biến thị hiện, giáo pháp của ông ta mới là chân chánh hiểu đúng chân nghĩa của kinh Pháp Hoa. Ông ta còn kịch liệt chủ trương đả phá các tông phái khác, tuyên giảng chỉ có Nhật Liên Tông của ông ta mới là chánh pháp chân truyền, đặc biệt đả kích Thiền, Tịnh Độ và Mật Tông. Ông ta chủ trương niệm đề kinh Pháp Hoa gọi là Daimoku (đề mục), không thờ Phật mà thờ Gohonzon (御本尊: Ngự bổn tôn), tức Nam-mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh ở chính giữa, chung quanh đề các danh hiệu các vị Phật, Bồ Tát được nhắc tới trong kinh Pháp Hoa (trừ A Di Đà Phật vì ông ta đả kích Tịnh Độ), và Tứ Thiên Vương. Điều đặc biệt là tuy đả kích Mật Tông thậm tệ, trong Gohonzon vẫn ghi tên hai vị Minh Vương quan trọng trong Mật Tông là Ái Nhiễm Minh Vương và Bất Động Minh Vương. Quan điểm của Nhật Liên về các tông phái khác được người Nhật gọi là “Shika no kakugen” (四箇の格言: Tứ Cá Cách Ngôn) như sau: “Niệm Phật vô gián, Thiền thiên ma, Chân Ngôn vong quốc, Luật quốc tặc”. Theo cách giải thích của Sáng Giá Học Hội (Soka Gakkai, đoàn thể Nhật Liên Tông tại gia lớn nhất của Nhật), điều đó có nghĩa là: “Niệm Phật sẽ đọa địa ngục vô gián, Thiền là sáng chế của các thiên ma, Chân Ngôn tông phá hủy đất nước, Giới Luật là kẻ phản bội quốc gia”.