Tập 51/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 01-003-0289

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 51/289

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang sáu mươi lăm:

          (Huyền Nghĩa) Sơ, đại bi mẫn Mạt Pháp vị tác tân lương giả, Phật thành đạo thời, dĩ đương trược thế, huống kim Mạt Pháp, chánh nhập đấu tránh, chuyển triển lăng di, hậu chi hựu hậu, giai lại thử kinh thần lực, cứu bạt dư sanh, khởi phi chí cực bi tâm, dự thùy tế độ.

(玄義) 初大悲憫末法為作津梁者 佛成道時 已當

濁世。況今末法,正入鬥爭,轉展陵夷,後之又後,皆賴此經神力,救拔餘生,豈非至極悲心,預垂濟度。

          (Huyền Nghĩa: Thứ nhất, “đại bi thương xót đời Mạt Pháp mà làm cầu bến”: Khi đức Phật thành đạo đã nhằm đời trược, huống chi nay là đời Mạt Pháp, đúng vào lúc tranh đấu, hiếp đáp lẫn nhau, đời đã sau lại càng sau hơn nữa, đều nương vào thần lực của kinh này để cứu vớt các chúng sanh trong đời sau, há chẳng phải là bi tâm đến tột bậc rủ lòng ban sẵn cách tế độ ư?)

          Bắt đầu từ chỗ này, từ đây trở đi có mười tiểu đoạn, đại sư giảng tỉ mỉ nhân duyên [vì sao] đức Phật nói kinh [A Di Đà]. Đây là tiểu đoạn thứ nhất. Đối với đoạn này, sách Diễn Nghĩa có lời chú giải như sau:

          (Diễn) Vị tác tân lương giả, tân, tế độ xứ; lương, kiều dã. Dĩ nhất cú Di Đà, vận thử ngạn chúng sanh trí ư bỉ ngạn, thị vị tác tân lương dã.

          () 為作津梁者 ,津,濟度處 ;梁 ,橋也 。以一句

彌陀,運此岸眾生置於彼岸,是為作津梁也。

          (Diễn: “Làm cầu bến”: Tân là chỗ tế độ, lương là cầu. Dùng một câu Di Đà đưa chúng sanh từ bờ này sang bờ kia, đấy là “làm cầu bến”).

          Đây là tỷ dụ, tu học Phật pháp khác với pháp thế gian. Mục đích của sự tu học pháp thế gian chẳng ngoài học lấy một kỹ năng, hoặc là học một số kiến thức, chúng ta cũng có thể gọi đó là trí huệ, tức trí huệ thế gian, nhằm vào mục đích ấy. Tu học Phật pháp nhằm mục đích liễu sanh tử, xuất tam giới. Do vậy, hoàn toàn khác với pháp thế gian. Mục đích khác nhau, đương nhiên cách thức tu học cũng khác nhau. Có những chỗ nhìn vào thì tu Phật pháp dường như giống hệt pháp thế gian, nhưng thật ra đó là nhìn từ bề ngoài, chứ nội dung thực chất hoàn toàn khác nhau.

          Xuất thế thật sự chẳng đơn giản. Từ kinh điển, chúng ta thường thấy, nếu chính mình lưu ý một chút, quý vị sẽ nhận thấy: Chiếu theo cách nói của đức Phật trong kinh điển, mỗi đồng tu chúng ta không phải là đời này mới học Phật. “Đời này mới học Phật” tức là trong đời quá khứ chưa hề tiếp xúc, quý vị sẽ không thể ngồi ở đây một tiếng rưỡi được, ngồi năm phút hay mười lăm phút đã muốn bỏ đi rồi. Quý vị có thể an tâm ngồi ở đây một tiếng rưỡi, lần sau vẫn lại tới, quý vị chẳng đơn giản lắm đâu: Nhiều đời nhiều kiếp đều học Phật, nhưng học Phật như thế nào? Chẳng thể vượt thoát tam giới, vẫn ở trong sanh tử luân hồi. Do đây, có thể biết: Liễu sanh tử, thoát luân hồi đích xác là chẳng dễ dàng, chuyện này khó khăn hơn hết thảy các pháp thế gian rất nhiều! Pháp thế gian cao nhất là sanh lên trời, trong kinh Phật đã nói rõ: Có hai mươi tám tầng trời, cao nhất là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên, [sanh lên trời] chẳng khó khăn cho lắm! Muốn vượt thoát tam giới, so ra khó khăn hơn nhiều!

          Đức Phật dạy chúng ta rất nhiều pháp môn, đấy cũng là phương pháp. Những phương pháp ấy có những thứ ta có thể chọn lấy, có những thứ ta không có cách gì chọn được, vì những phương pháp ấy đích xác là mỗi người mỗi khác, chẳng hề thấy mỗi thứ phương pháp đều sử dụng thích hợp cho mọi người chúng ta. Nếu dùng sai phương pháp, chẳng những chúng ta không đạt được lợi ích, mà ngược lại còn bị hại. Do vậy, Phật pháp là do Phật, Bồ Tát dùng để cứu người, nhưng nếu dùng không thích hợp thì cũng có thể hại người. Giống như thuốc thang vậy, thuốc có thể trị bệnh, có thể cứu người, nhưng dùng không phù hợp, sẽ khiến bệnh nặng hơn, cũng khiến cho người ta mất mạng. Tác dụng của Phật pháp đích xác là giống hệt như tác dụng của thuốc thang. Vì thế, chúng ta nhất định phải chú tâm cẩn thận, nhất định phải có thiện tri thức hay người từng trải chỉ dạy. Trong đại kinh, đại luận, đức Phật bảo chúng ta: “Phật pháp vô nhân thuyết, tuy trí mạc năng giải” (Phật pháp không có người nói thì dù có trí cũng chẳng thể hiểu được). Người thông minh trí huệ bậc nhất trong thế gian cầm lấy kinh Phật [để đọc], cũng chẳng có cách nào [hiểu đúng ý Phật], họ lý giải theo kiểu dùng tri kiến thế gian để hiểu Phật pháp, đấy chẳng phải là chân thật nghĩa trong Phật pháp, giống như trong bài kệ Khai Kinh đã nói: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, khá là khó khăn! Do vậy, khi đức Phật tại thế thì không có vấn đề gì, Bồ Tát thị hiện trong thế gian này, cũng chẳng đến nỗi khiến cho chúng ta mê hoặc, lệch lạc. Nay chúng ta sống nhằm thời kỳ Mạt Pháp, Phật chẳng còn ở nơi đời, Bồ Tát lẫn Thanh Văn đều chẳng trụ thế, phiền phức to lớn. Trong vô lượng pháp môn, chúng ta chọn lấy phương pháp nào thích hợp, chẳng đến nỗi sai lệch, chẳng đến nỗi lầm lẫn, chẳng đến nỗi mắc hại, mà lại còn có thể thành công? Nói đến chỗ này, quý vị bèn hiểu rõ: Đức Phật nói ra kinh này là vì ý nghĩa này.

          “Đại bi mẫn niệm Mạt Pháp vị tác tân lương” (Đại bi thương xót đời Mạt Pháp, làm cầu bến). Trong kinh, đức Phật đã nói rất rõ ràng “thời kỳ Mạt Pháp, Tịnh nghiệp thành tựu”, tu Tịnh Độ sẽ có thành tựu! Chúng ta sống trong thời Mạt Pháp, nếu không nghe lời Phật, vẫn tu học các pháp môn khác, đi theo ngã rẽ, trong tương lai chẳng có thành tựu, quý vị chẳng thể trách Phật. Đức Phật đã nói rõ ràng, nhưng chính quý vị không chịu nghe lời! Chính quý vị thật sự chịu nghe, chiếu theo lời Phật răn dạy để tu hành, chắc chắn có thành tựu. Thời kỳ Mạt Pháp, người tu pháp môn này thành tựu quá nhiều. Chúng ta thấy truyện ký ghi chép [cũng như thấy] trước mắt, người niệm Phật tự tại vãng sanh, biết trước lúc mất, không có bệnh khổ, chúng ta thấy không chỉ một hai người mà thấy rất nhiều người! Đấy mới thật sự là chở từ bờ này sanh tử sang bờ kia Tây Phương Cực Lạc thế giới, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, bất sanh, bất tử. Bộ kinh này là công cụ để độ thoát chúng ta, “tân lương” là công cụ.

          (Diễn) Phật thành đạo hạ, tuy văn hữu tam chuyển, thuyết đại bi hữu tam, nhi chánh ý trọng tại Mạt Pháp, quán đề trung Mạt Pháp nhị tự khả tri.                (Sớ) Dĩ đương trược thế giả.

() 佛成道下 雖文有三轉 說大悲有三,而正意

重在末法,觀題中末法二字可知。

          () 已當濁世者。

          (Diễn: Từ chữ “Phật thành đạo” trở đi, tuy lời văn có ba lần chuyển ý, nói ra lòng đại bi có ba thứ, nhưng ý nghĩa chánh yếu là nói đến thời Mạt Pháp, nhìn vào hai chữ Mạt Pháp trong tựa đề, ta có thể biết được ý nghĩa ấy.

          Sớ: “Đã thuộc đời trược” là…)

          Trước hết, chúng ta phải hiểu thế nào là Trược? Có trược thì đương nhiên sẽ có lúc “thanh” (trong trẻo). Kinh Phật dạy chúng ta: Tuổi thọ cao nhất của con người là tám vạn năm, tuổi thọ ngắn nhất là mười năm. Cứ mỗi một trăm năm bèn tăng một tuổi, mãi cho đến khi [con người thọ] tám vạn bốn ngàn năm, bèn từ tám vạn bốn ngàn năm giảm dần, cứ mỗi một trăm năm giảm một tuổi, lại giảm đến mười tuổi. Một chu kỳ tăng giảm như vậy gọi là một kiếp. Con người trường thọ nhất định là phước báo lớn; tuổi thọ ngắn, phước sẽ mỏng. Từ tám vạn bốn ngàn năm giảm mãi xuống hai vạn năm, cõi nhân gian chẳng tốt đẹp, tình hình đó được gọi là “trược thế” (đời ô trược). Nói cách khác, khi con người tuổi thọ cao hơn hai vạn năm, lúc ấy chẳng gọi là “trược thế”. Từ hai vạn tuổi trở xuống bèn gọi là “trược thế”.

          (Sớ) Nhân thọ nhị vạn tuế thời, tức nhập Kiếp Trược.

          () 人壽二萬歲時,即入劫濁。

          (Sớ: Khi con người thọ hai vạn năm, chính là lúc bước vào Kiếp Trược).

           Đây là lúc bước vào đời Ngũ Trược.

           (Sớ) Thích Ca xuất thời, nhân thọ bách tuế.

          () 釋迦出時,人壽百歲。

          (Sớ: Khi Phật Thích Ca ra đời, con người thọ một trăm tuổi).

          Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện trong thế gian ba ngàn năm trước, thuở ấy, thọ mạng của con người là một trăm năm, đây là tuổi thọ trung bình. Cứ mỗi một trăm năm, [tuổi thọ của nhân loại] giảm một tuổi. Chiếu theo cách tính toán của Trung Quốc, Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ đến nay là ba ngàn lẻ mười hai (3.012) năm, cứ mỗi một trăm năm giảm một tuổi, từ một trăm tuổi đã bị giảm mất ba mươi năm. Do vậy, tuổi thọ trung bình của người trong thế gian hiện thời là bảy mươi tuổi. Tuy y dược phát triển, có những nơi tuổi thọ được kéo dài hơn, nhưng nạn đói tại Phi Châu khiến cho chẳng biết bao nhiêu người chết đói? Nếu tính trung bình, nói chung [tuổi thọ của con người hiện thời] sợ là chưa đến bảy mươi năm! Vì thế, trong hiện tại, không chỉ là đời ác Ngũ Trược, mà còn phải kể thêm sự xấu ác này. Đời ác Ngũ Trược là vậy đó!

          (Diễn) Nhị vạn tuế thời tức nhập Kiếp Trược giả, dĩ nhị vạn tuế tiền phiền não khinh vi tà kiến bạc thiểu, nhân thiên chúng thịnh, tam ác đạo hy, thọ mạng cửu trường, thời do vị trược cố.

          () 二萬歲時即入劫濁者    以二萬歲前煩惱輕微邪

見薄少,人天眾盛,三惡道稀,壽命久長,時猶未濁故。

          (Diễn: “Khi tuổi thọ còn hai vạn năm bèn bước vào Kiếp Trược”: Do trước khi tuổi thọ của con người chỉ còn hai vạn năm, phiền não nhẹ ít, tà kiến mỏng ít, chúng trời người đông đảo, tam ác đạo thưa thớt, thọ mạng lâu dài, nên thời kiếp chưa trược).

          Khi con người thọ từ hai vạn năm trở lên, Kiến Tư phiền não rất nhẹ, tà kiến cũng ít. Đủ thấy con người thuở ấy hết sức thuần phác, khi ấy, số lượng trời người đông đảo, số lượng chúng sanh trong ba ác đạo ít ỏi. Thuở ấy là thuở tốt đẹp, chúng sanh có phước báo. Sau khi [tuổi thọ của con người chỉ là] hai vạn năm, phiền não dần dần dấy lên, tà kiến cũng tăng trưởng, số lượng trời người dần dần giảm thiểu, số lượng chúng sanh trong tam ác đạo ngày càng nhiều hơn. Khi đó bèn bước vào thời Kiếp Trược.

          (Diễn) Thích Ca xuất thời nhân thọ bách tuế giả, ư Trụ Kiếp trung, kim đương đệ cửu lộc lô tiểu kiếp, hữu tứ Phật xuất.

          () 釋迦出時人壽百歲者 於住劫中 今當第九轆

轤小劫,有四佛出。

          (Diễn: “Khi Phật Thích Ca ra đời, con người thọ một trăm tuổi”: Trong Trụ Kiếp, nay đang lần lượt chuyển đến tiểu kiếp thứ chín, có bốn vị Phật xuất hiện).

           Theo như kinh Phật dạy, hiện tại có một ngàn vị Phật. Quá khứ có một ngàn vị Phật, hiện tại có một ngàn vị Phật, tương lai có một ngàn vị Phật. Chúng ta kể từ hiện tại để nói thì kiếp hiện tại được gọi là Hiền Kiếp, vì trong kiếp này có một ngàn vị Phật xuất hiện trong thế gian. Bậc thánh hiền rất nhiều nên gọi là Hiền Kiếp (Bhadrakalpa). Một đại kiếp có bốn trung kiếp là Thành, Trụ, Hoại, Không. Trong các trung kiếp Thành, Hoại, Không chẳng có Phật xuất thế, Trụ Kiếp mới có Phật xuất thế. Trong trung kiếp Trụ Kiếp có hai mươi tiểu kiếp, hiện thời chính là tiểu kiếp thứ chín của Trụ Kiếp. Trong một tiểu kiếp có một ngàn vị Phật xuất thế, vì thế gọi là Hiền Kiếp. Đây  là  một  thịnh  sự  hiếm  có. Trong

tiểu kiếp này, trong quá khứ đã có bốn vị Phật xuất thế.

          (Diễn) Kiếp sơ bát vạn tuế, giảm chí lục vạn tuế.

          () 劫初八萬歲,減至六萬歲。

          (Diễn: Đầu tiểu kiếp này, [tuổi thọ của con người] là tám vạn năm, giảm tới sáu vạn năm).

           Trong tiểu kiếp thứ chín, khi tuổi thọ con người là tám vạn năm, cứ mỗi một trăm năm bèn giảm một tuổi, khi tuổi thọ giảm xuống còn sáu vạn năm, khi ấy, có một vị Phật xuất thế.

          (Diễn) Câu Lưu Tôn Phật xuất.

          () 拘留孫佛出。

          (Diễn: Câu Lưu Tôn ra đời).

           Câu Lưu Tôn (Krakucchanda) là dịch âm tiếng Phạn của Ấn Độ, [danh hiệu này] có nghĩa là: Những gì nên đoạn Ngài đều đã đoạn. Kiến Tư, Trần Sa, Vô Minh phiền não là những thứ đáng nên đoạn, Ngài đều đã đoạn sạch. Còn có một ý nghĩa khác là “thành tựu đẹp đẽ, mầu nhiệm”, đương nhiên là thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

          (Diễn) Giảm chí tứ vạn tuế, Câu Na Hàm Phật xuất.

          () 減至四萬歲,拘那含佛出。

          (Diễn: [Tuổi thọ] giảm đến bốn vạn năm, Câu Na Hàm Phật ra đời).

          Khi tuổi thọ con người lại giảm đến bốn vạn năm. Câu Na Hàm (Konāgamana) cũng là dịch âm tiếng Phạn của Ấn Độ, có nghĩa là Kim Tịch. Kim (vàng) đứng đầu bảy món báu, đây là tỷ dụ. Ví như kinh Bát Nhã dùng kim cang để tỷ dụ, Kim Cang Bát Nhã! [Trong danh hiệu của] vị Phật này cũng mang ý nghĩa dùng kim cang làm tỷ dụ. “Tịch” (寂) là thanh tịnh tịch diệt. Câu Na Hàm có hai ý nghĩa: Một là ý nghĩa quý báu, hai là ý nghĩa tịch diệt.

          (Diễn) Giảm chí nhị vạn tuế. Ca Diếp Phật xuất.

          () 減至二萬歲,迦葉佛出。

          (Diễn: Giảm đến hai vạn năm, Ca Diếp Phật ra đời).

          Khi giảm đến hai vạn năm, đã bước vào thời Kiếp Trược. Vừa mới bước vào Kiếp Trược, vị Phật thứ ba là Ca Diếp Phật (Kāśyapa Buddha) xuất thế. Ca Diếp dịch sang nghĩa tiếng Hán là Ẩm Quang (nuốt mất ánh sáng). Quang minh của Ngài đặc biệt thù thắng, chỉ cần Ngài ở nơi đâu, những quang minh khác đều chẳng còn thấy nữa. Ví như buổi tối thắp đèn, cảm thấy rất sáng sủa, nhưng nếu ban ngày thắp một ngọn đèn điện hay thắp một ngọn nến dưới ánh nắng mặt trời, vì ánh sáng mặt trời quá mạnh, quang minh của chúng sẽ bị khuất lấp. Chữ Ca Diếp có ý nghĩa như thế này: Quang minh thanh tịnh thù thắng nhất.

          (Diễn) Giảm chí bách tuế, Thích Ca Phật xuất.

          () 減至百歲,釋迦佛出。

          (Diễn: Giảm đến một trăm tuổi, Phật Thích Ca ra đời).

          Tuổi thọ giảm còn một trăm năm, khi ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật ra đời. Thích Ca Mâu Ni dịch sang nghĩa tiếng Hán là Năng Nhân Tịch Mặc. Nhân (仁) là nhân từ, Ngài dùng lòng nhân từ đối đãi với con người, dùng lòng nhân từ bình đẳng để đối đãi hết thảy chúng sanh, nên gọi là Thích Ca. Mâu Ni là Tịch Mặc (寂默), cũng có nghĩa là nói tâm Ngài hết sức thanh tịnh, chẳng sanh một niệm. Nói đến chỗ này, chúng ta ắt phải hiểu, Phật không có danh hiệu, danh là giả danh. Người Trung Quốc cũng biết: “Danh khả danh, phi thường danh”. Danh là giả, chẳng thật! Danh hiệu của Phật, Bồ Tát thuận theo tâm của chúng sanh mà kiến lập. Ngày nay chúng ta lập ra danh hiệu nói chung là do chính mình ưa thích. Trước kia, cổ nhân có quan niệm khác với con người hiện thời. Đối với người thuở trước, cha mẹ đặt tên cho con cái nhằm nói lên lòng mong mỏi, mong con khôn lớn sẽ phải giống như thế. Người hiện thời đặt tên thì tên gọi phải tốt lành, kể ra cũng không sai! Nếu tên gọi ấy đem đi xem Bát Tự[1], xem nét bút thì sẽ trở thành mê tín. Vì sao? Hoàn toàn bị cảnh giới bên ngoài thao túng, chính mình chẳng thể làm chủ. Chính  mình  có  thể làm chủ thì phiền não nhẹ nhàng; chính mình chẳng

thể làm chủ, phiền não sẽ nặng nề!

          Danh hiệu của Phật vì chúng sanh mà kiến lập, đức Phật xuất hiện trong thế gian lấy việc giáo hóa chúng sanh làm chức trách, danh hiệu là tông chỉ giáo học của Ngài. Ngài dùng điều gì để dạy chúng sanh, ắt Ngài phải nêu ra một tông chỉ. Tông chỉ ấy chính là danh hiệu của Ngài. Trong giai đoạn hiện tiền, giống như trong giai đoạn này của Thích Ca Mâu Ni Phật, bất luận vị nào đến đây để làm Phật, đến giáo hóa chúng sanh, vị ấy nhất định phải dùng danh hiệu này, nhất định phải dùng danh hiệu Thích Ca Mâu Ni. Ví như Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật đến đây giáo hóa, Ngài dùng danh hiệu nào? Ngài sẽ lấy tên là Thích Ca Mâu Ni, xưng là A Di Đà Phật có được hay không? Không! Chẳng thích hợp để sử dụng! Vì sao chẳng thích hợp để sử dụng? Trong giai đoạn hiện tiền, chúng sanh mắc bệnh: Thứ nhất là thiếu tâm từ bi, tự tư, tự lợi, cho nên Ngài đặc biệt nêu ra lòng nhân, mong mọi người có thể nhân từ. Đấy chính là như trong Phật môn thường nói: “Từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”.

          Mục tiêu giáo học này nhằm thích hợp với thời đại của chúng ta, đem danh hiệu này qua Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ chẳng thích ứng. Vì sao? Người trong thế giới Tây Phương ai nấy đều nhân từ, nếu quý vị vẫn bảo họ “lấy từ bi làm gốc” thì không dùng được, đối với họ chẳng có ý nghĩa gì hết. Đối với chúng ta là những kẻ thiếu lòng từ bi, nói “từ bi làm gốc”, như vậy thì có ý nghĩa, cho nên nhất định phải dùng danh hiệu này. Kế đó, chúng sanh ở nơi đây lòng người tán loạn, chẳng thanh tịnh! Vì vậy nêu ra Mâu Ni, Mâu Ni là tâm thanh tịnh. Nói cách khác, mục tiêu giáo học trong giai đoạn hiện tại là “từ bi, thanh tịnh”. Đấy là những ý nghĩa bao hàm trong danh hiệu Thích Ca Mâu Ni Phật. Nhằm thích ứng khít khao với giai đoạn hiện tiền, đối ứng căn bệnh của chúng sanh mà nói. Vì thế, chúng ta niệm Phật hiệu, Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, nếu quý vị đối với người khác thiếu từ bi, tâm địa chẳng thanh tịnh, quý vị niệm danh hiệu Phật bao nhiêu đi nữa cũng uổng công, cũng vô ích. Vì thế, niệm một câu danh hiệu nhằm niệm cho ra lòng từ bi và cái tâm thanh tịnh của chính mình!

          Thích Ca Mâu Ni Phật đến Tây Phương Cực Lạc thế giới thành Phật, Ngài nhất định đổi danh hiệu, đổi thành A Di Đà Phật, vì sao? Là vì danh hiệu này đến nơi ấy chẳng thích hợp. Mỗi người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều từ bi, thanh tịnh, nên danh hiệu này qua bên đó chẳng khởi tác dụng; do vậy, nhất định phải đổi danh hiệu, tức là đổi mục tiêu và tông chỉ dạy học, phải là vô lượng giác, đối với hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian phải giác chứ không mê, A Di Đà Phật có nghĩa là Vô Lượng Giác. Thấy danh hiệu Phật này, bèn có thể nghĩ tới thời đại đức Phật xuất hiện, có thể biết chúng sanh có những căn bệnh gì. Giống như chúng ta hiểu dược tánh, trông thấy món thuốc ấy, liền biết người đó mắc bệnh gì!

          (Diễn) Giảm chí tam thập tuế, tiểu tam tai tức khởi.

          () 減至三十歲,小三災即起。

          (Diễn: [Tuổi thọ] giảm đến ba mươi tuổi, tiểu tam tai bèn dấy lên).

          Cứ mỗi một trăm năm bèn giảm một tuổi, giảm cho đến khi tuổi thọ trung bình [của con người] là ba mươi năm; nói cách khác, bốn ngàn năm sau, thế gian này bèn có tiểu tam tai dấy lên. Tiểu tam tai là đao binh kiếp (chiến tranh), đói kém, ôn dịch lưu hành rộng khắp cả thế giới. Trong quá khứ, khi tôi đọc kinh thấy nói tiểu tam tai, tôi rất nghi hoặc, khi tuổi thọ con người là ba mươi năm mới có đao binh kiếp. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, Trung Hoa và Nhật Bản đánh nhau suốt tám năm, chiến tranh trên cả thế giới chết chóc nhiều ngần ấy, sao chẳng gọi là đao binh kiếp? Nghĩ thế nào cũng chẳng thông, kết quả là khi đi một vòng quanh Nhật Bản, hoảng nhiên đại ngộ! Tôi đến Trường Kỳ (Nagasaki)[2] và Quảng Đảo (Hiroshima) mới hiểu đao binh kiếp là đại chiến hạch nhân (chiến tranh bom nguyên tử, nuclear war). Đức Phật đã sớm biết chiến tranh hạch nhân. Kinh nói đao binh kiếp chỉ có bảy ngày, tiếp theo là bảy tháng lẻ bảy ngày ôn dịch, đấy chính là những căn bệnh do bụi bức xạ nguyên tử. Sau khi ôn dịch, bảy năm bảy tháng lẻ bảy ngày là nạn đói, chết đói. Nơi bom nguyên tử nổ, trong vòng sáu bảy năm đầu, cỏ cây không mọc được. Trong kinh Phật nói đến tiểu tam tai, quả thật là nói về đại chiến hạch nhân. Cuộc chiến tranh ấy chỉ có bảy ngày, cả thế giới bị hủy diệt. Không chết trực tiếp thì cũng gián tiếp chẳng tránh khỏi kiếp nạn này. Phàm những ai nhiễm phải bụi bức xạ nguyên tử da dẻ thảy đều nứt toác, trạng huống thê thảm. Cây cỏ trên mặt đất chẳng mọc, đương nhiên chết đói. Chúng ta hiểu rõ chuyện này, đúng là phải khéo tu phước. Nếu như chúng sanh đều tạo mầm tội, tội nghiệp nặng nề, tai nạn ấy sẽ xảy ra nhanh hơn. Mọi  người  đều  tu phước thì tai nạn ấy sẽ chậm

trễ. Tiểu tam tai chính là nói về chuyện này, quả thật đáng sợ.

          (Diễn) Chí ư thập tuế, giảm chi cực dã.

          () 至於十歲,減之極也。

          (Diễn: Cho đến [khi tuổi thọ chỉ còn] mười năm tức là đã giảm đến tột cùng).

                   Tuổi thọ của con người giảm đến mười tuổi, đấy là giảm đến tột cùng.

          (Diễn) Hựu quá bách niên tăng nhất tuế, tăng chí bát vạn tứ thiên tuế.

          () 又過百年增一歲,增至八萬四千歲。

          (Diễn: Lại qua một trăm năm bèn tăng một tuổi, tăng cho đến [khi tuổi thọ của con người là] tám vạn bốn ngàn năm).

         

          Vào thời ấy, phước báo của con người lại hiện tiền.

 

          (Diễn) Kim Luân Vương xuất thế, tăng chi cực dã.

          () 金輪王出世,增之極也。

          (Diễn: Khi Kim Luân Vương ra đời [là lúc tuổi thọ con người] tăng đến tột cùng).

                   Một chu kỳ tăng giảm như vậy là một kiếp. Khi tuổi thọ con người dài nhất là tám vạn bốn ngàn năm, khi ngắn nhất là mười năm. “Kim Luân Vương xuất thế”: Vị quốc vương ấy có đại phước đức, cho nên gọi là Luân Vương (Cakravarti-raja). Phạm vi thống trị của một Luân Vương chẳng phải là quả địa cầu như nay ta thường nói, địa cầu chỉ là một phần lãnh thổ thống trị của Ngài. Nếu dựa theo kinh để nói thì [khu vực thống trị của Luân Vương] được gọi là một “tứ thiên hạ”. Một tứ thiên hạ gần giống như một Thái Dương Hệ ngày nay, hoặc một tinh hệ (galaxy). Vua có phước báo lớn dường ấy, có năng lực lớn ngần ấy, thống trị một khu vực to dường ấy.

Nói đến thống trị thì trước hết chánh lệnh của nhà vua phải thấu đạt; vì thế, công cụ giao thông của nhà vua là Luân Bảo (Cakra-ratna). Luân Bảo giống như đĩa bay, tốc độ hết sức nhanh, rất nhiều người tin tưởng có người ngoài không gian. Kim Luân Vương đại khái là người ngoài không gian. Địa cầu của chúng ta cũng nằm trong phạm vi hoạt động của vua, thuộc vào lãnh thổ của nhà vua. Đây là Kim Luân Vương, nhỏ hơn một chút là Ngân Luân Vương, Đồng Ngân Vương và Thiết Luân Vương. Thiết Luân Vương cai quản một châu.

          (Diễn) Quá thị dĩ hậu, đệ thập tiểu kiếp, hựu quá bách niên giảm nhất tuế, giảm chí bát vạn tuế thời, Di Lặc hạ sanh.

          () 過是以後 第十小劫 又過百年減一歲,減至

八萬歲時,彌勒下生。

          (Diễn: Sau thời gian ấy, trong tiểu kiếp thứ mười, [tuổi thọ của con người] sau một trăm năm giảm một tuổi, giảm đến khi tuổi thọ là tám vạn năm, Di Lặc Phật hạ sanh).

          Con người thọ tám vạn bốn ngàn năm, cứ mỗi trăm năm giảm một tuổi, giảm đến khi còn tám vạn tuổi, khi ấy, Di Lặc Bồ Tát ra đời. Thích Ca Mâu Ni là vị thứ tư trong Hiền Kiếp, Di Lặc là vị Phật thứ năm. Khi ấy, Ngài mới xuất hiện trong thế gian, Ngài đến thành Phật. Nhất Quán Đạo nói ngài Di Lặc hiện thời đã thành Phật, đấy chính là ăn nói quàng xiên, chẳng hề có chuyện ấy! Di Lặc Bồ Tát thành Phật trong tiểu kiếp thứ mười, Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật trong tiểu kiếp thứ chín. Ngài Di Lặc hiện đang làm Bổ Xứ Bồ Tát, mang thân phận Đẳng Giác Bồ Tát.

          (Diễn) Thử hậu phục hữu cửu bách cửu thập ngũ Phật tương kế nhi xuất, tận nhị thập tiểu kiếp mãn.

          (此後復有九百九十五佛相繼而出   盡二十小劫

滿。

          (Diễn: Sau đấy lại có chín trăm chín mươi lăm vị Phật kế tiếp nhau xuất thế, cho đến hết hai mươi tiểu kiếp mới xong).

           Đây là nói trong trung kiếp Trụ Kiếp có nhiều vị Phật xuất hiện như vậy. Hết hai mươi tiểu kiếp xong, đại tam tai bèn dấy lên.

          (Diễn) Đại tam tai khởi, hoại thế giới dã.

          () 大三災起,壞世界也。

          (Diễn: Đại tam tai dấy lên, thế giới bị hư hoại).

          Sau Trụ Kiếp là Hoại Kiếp, thế giới này bị hư hoại. Đoạn này nhằm nói rõ ý nghĩa này, đặc biệt yêu cầu chúng ta hãy thấu hiểu: [Từ hiện tại cho tới khi] Di Lặc Phật xuất thế là một giai đoạn thời gian khá dài, chẳng phải trong hiện thời. Ngàn vạn phần đừng bị những lời đồn thổi mê hoặc! Trong thời gian này, chúng ta muốn thành tựu thì quý vị phải tuân thủ giáo huấn của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, chiếu theo bộ kinh Di Đà này để tu pháp môn Tịnh Độ, chắc chắn có thành tựu. Giống như gần đây nhất, lão pháp sư Quảng Khâm đã làm chứng cho chúng ta: Niệm Phật quả thật vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó mới gọi là “hễ liễu thoát, sẽ vĩnh viễn liễu thoát”. Điều này là chân thật, chính là điều những người học Phật chúng ta mong cầu.

          Trong đoạn văn này, đại sư nói rõ: Trong thời kỳ Mạt Pháp, phải nương cậy bộ kinh này để cứu độ hết thảy chúng sanh tội khổ. Đây là lòng từ bi của Thích Ca Mâu Ni Phật đã đạt đến mức cùng cực, vì chúng ta nói ra bộ kinh này, truyền dạy pháp môn này.

          (Sớ) Chánh nhập đấu tránh giả, tiền ngũ bách niên.

          () 正入鬥爭者,前五百年。

          (Sớ: “Đúng là lúc bước vào thời tranh đấu”: Năm trăm năm trước…)

          Sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ, pháp vận của Phật chia thành năm giai đoạn, giống như kinh Kim Cang đã nói “ngũ ngũ bách niên” (năm lần năm trăm năm). Năm lần năm trăm năm là cứ mỗi năm trăm năm lại có một lần biến hóa. “Biến hóa” chẳng phải là Phật pháp có biến hóa, mà quý vị phải biết: Lẽ nào Phật pháp bị biến hóa? Phật pháp thuần chân, chẳng vọng, chẳng bị biến hóa; nhưng phiền não của chúng sanh ngày càng nặng hơn. Do vậy, cách dạy học của Phật pháp qua mỗi một thời kỳ ắt phải điều chỉnh thích đáng thì chúng sanh mới có thể đạt được lợi ích. Giống như trị bệnh, phải căn cứ trên bệnh tình để điều chỉnh [cách chữa trị]. Trong năm trăm đầu tiên, tức là sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật đã diệt độ năm trăm năm, cách Phật vẫn chưa xa, trong năm trăm ấy…

          (Sớ) Giải thoát kiên cố.

          () 解脫堅固。

          (Sớ: Giải thoát kiên cố).

“Giải thoát”: “Giải” là giải trừ, tức giải trừ phiền não. “Thoát” là thoát khỏi sanh tử luân hồi. Trong giai đoạn này, những người như vậy rất nhiều, chiếu theo Phật pháp tu hành, thật sự chứng quả. Chúng ta nói tới chứng quả, đoạn phiền não thì Giải là đoạn phiền não, thoát tam giới; Thoát là ra khỏi tam giới. Tiểu Thừa A La Hán làm được [điều này], nói theo Đại Thừa thì bậc Thất Tín Bồ Tát trong Viên Giáo cũng làm được; nhưng [sự chứng quả trong giai đoạn này như đã chép] trong kinh Phật đều là nói về Tiểu Thừa. Thật ra, Đại Thừa được phát dương quang đại tại Trung Quốc, chứ thuở ấy, tại Ấn Độ, Tiểu Thừa thịnh hành, Đại Thừa rất ít.

(Sớ) Tiệm thứ ngũ bách, Thiền Định đa văn nhi cập tháp tự.

() 漸次五百,禪定多聞而及塔寺。

(Sớ: Trong những giai đoạn năm trăm năm lần lượt kế tiếp là các thời Thiền Định, đa văn và chùa tháp [kiên cố]).

Đây là nói tới mấy giai đoạn sau đó. Trong năm trăm năm thứ hai là thời “Thiền Định kiên cố”, người giải thoát ít, tức là người có thể đoạn phiền não thoát tam giới rất ít, rất hiếm có, nhưng người đắc Thiền Định đông đảo. Đắc Thiền Định, nhưng chưa giải thoát, có gì tốt đẹp? Chắc chắn chẳng đọa trong tam ác đạo! Thiền Định tu thành tựu, quả báo là Tứ Thiền Thiên hay Tứ Không Thiên trên cõi trời, tuyệt đại đa số là ở trong Tứ Thiền Thiên, tức Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền. Sanh lên trời hưởng phước trời, chứ vượt thoát tam giới hiếm lắm. Đây là năm trăm năm thứ hai sau khi Phật diệt độ, tức là một ngàn năm sau.

Trong năm trăm năm thứ ba là thời “đa văn kiên cố”, tức là sau khi Phật diệt độ một ngàn năm trăm năm, người đắc Thiền Định chẳng nhiều, nhưng mọi người làm gì? Đa văn, giảng kinh, thuyết pháp, chú giải kinh điển, phong khí ấy rất thịnh hành. Đức Phật diệt độ một ngàn năm, Phật giáo truyền sang Trung Quốc, khi ấy là cuối thời kỳ Thiền Định kiên cố, bắt đầu thời kỳ đa văn. Do vậy, Thiền được truyền sang Trung Quốc như thế đó, vào các đời Ngụy, Tấn, Tùy, Đường, Đại Thừa Phật giáo thịnh hành, mỗi một đạo tràng giảng kinh, thuyết pháp, những kinh luận trọng yếu được rất nhiều người chú sớ. Đây là thời đa văn kiên cố. Nói theo pháp thế gian, “đa văn” chính là thời đại hoàng kim của Phật pháp, dường như đời sau hưng thịnh hơn đời trước, nhưng xét theo thành tựu để nói thì đời sau chẳng bằng đời trước!

Năm trăm năm thứ tư là thời “tháp tự kiên cố”, đa văn cũng chẳng được nữa, con người phiền não nặng nề, tà kiến ngày càng nhiều, chẳng có năng lực nghiên cứu Phật pháp, mà cũng chẳng có hứng thú, đi các nơi cất chùa, dựng tháp, làm chuyện ấy, nên gọi là “tháp tự kiên cố”, chuyên môn tu phước! Mỗi ngày làm pháp hội, làm pháp hội để tu phước. Ngày nay tổ chức Phật Thất hay Thiền Thất đều là pháp hội, đều nhằm tu phước, vì sao? Chẳng đúng pháp! Phật đường thật sự đả Phật Thất thì trong bảy ngày bảy đêm ấy chỉ có một câu Phật hiệu, chẳng thể khởi lên ý niệm thứ hai, trong miệng chỉ có một câu Nam-mô A Di Đà Phật, chẳng thể nói chuyện gì khác. Niệm vừa xong một cây hương bèn nhà họ Trương hay, nhà họ Lý dở, đó là pháp hội, chẳng phải là Phật Thất! Trong khi đả Phật Thất, nhất định chẳng cho nói năng, mà tiếng niệm Phật trong suốt bảy ngày bảy đêm chẳng thể gián đoạn.

Chúng ta không có tinh thần ấy, không có thể lực ấy, làm như thế nào đây? Luân lưu, thay phiên nhau đến niệm. Mỗi người niệm tám tiếng đồng hồ, đặt ra ba ban, luân phiên niệm như vậy. Trong Niệm Phật Đường tiếng Phật hiệu quyết định chẳng thể gián đoạn, làm như vậy đó! Trước kia tại núi Linh Nham của Ấn Quang đại sư, buổi tối có bốn người trực ban niệm Phật trong đại điện. Do vậy, tiếng Phật hiệu chẳng gián đoạn. Suốt năm từ đầu đến cuối không gián đoạn, đó gọi là đạo tràng niệm Phật. Một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, hằng ngày trong Niệm Phật Đường tối thiểu có bốn người đang niệm Phật; do vậy, họ có thể giữ cho tiếng Phật từ đầu năm đến cuối năm nhất định không gián đoạn, đó gọi là Niệm Phật Đường. Do đây có thể biết Thiền Đường cũng phải như thế, bất cứ lúc nào nhìn vào, nói chung luôn có người đang tọa Thiền tại đó, cũng là luân phiên. Vì thế, dựng tháp, xây chùa, làm pháp hội là tu phước báo. Tu phước chẳng tu Huệ, tu phước báo rất lớn, hưởng hết phước ấy, nhất định đọa lạc, nhưng người ấy đến đời sau vẫn có thể hưởng phước, chứ đời sau nữa thì không đảm bảo.

Đến năm trăm năm thứ năm, càng tệ hơn, phước cũng chẳng tu, mà tu chuyện gì?

(Sớ) Kim đương đấu tránh kiên cố chi thời, cánh vi khả mẫn.

() 今當鬥爭堅固之時,更為可憫。

(Sớ: Nay đang là lúc tranh đấu kiên cố, càng đáng thương lắm!)

Liên Trì đại sư ra đời vào thời ấy, nhằm đúng lúc thời kỳ tranh đấu kiên cố bắt đầu. Tranh đấu bắt đầu từ đâu? Thưa quý vị, bắt đầu từ quy y. Do vậy, quý vị học Phật liền tham gia vào đường lối tranh đấu kiên cố. Đây là sư phụ, là môn phái của tôi, kia chẳng phải là sư phụ, chẳng phải là môn phái của tôi, hễ vạch giới hạn trong ấy, bèn có tranh đấu. Do vì Ngẫu Ích đại sư trông thấy hiện tượng ấy, Hoằng Nhất đại sư khi biên tập cuốn Ngũ Giới Tướng Kinh Thiển Yếu đã trích yếu ngữ lục của Ngẫu Ích đại sư ghép vào sách ấy, [đọc thiên pháp ngữ ấy], chúng ta thấy Ngẫu Ích đại sư hết sức cảm thán! Ngài cho rằng đấy là sự sai lầm to lớn nhất!

Người học Phật trước kia là giác chứ không mê, quy y Tam Bảo là quy y Giác – Chánh – Tịnh. Chương Truyền Hương Sám Hối trong Lục Tổ Đàn Kinh dạy về phương pháp tu hành, chia thành năm quá trình theo thứ tự, giảng hết sức rõ ràng. Khi truyền trao Tam Quy, Ngài nói: “Quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh”, hoàn toàn dịch sang nghĩa tiếng Hán, vì sợ nói “quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”, quý vị nghe xong sẽ mê hoặc, chẳng hiểu Phật, Pháp, Tăng, nghĩ Tăng là một người, quy y vị xuất gia ấy, đó là sai lầm! Quy y Phật, trông thấy tượng Phật bèn nghĩ là Phật, đó cũng là sai lầm! Phật là Giác, giác chứ không mê. Vì thế, Lục Tổ nói “quy y Giác, quy y Chánh”, Chánh là chánh tri chánh kiến, từ tà tri tà kiến quay về nương tựa chánh tri chánh kiến. Quy y Tăng, Tăng tượng trưng thanh tịnh, sáu căn thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần, từ nhiễm ô mà quay trở lại, nương vào thanh tịnh. Tăng còn tượng trưng cho hòa hợp, Tăng đoàn Lục Hòa Kính. Từ chẳng hòa hợp quay về nương tựa hòa hợp. Nay chúng ta nói đến “đoàn kết” thì hòa hợp chính là ý nghĩa đoàn kết, đừng nên phân hóa một đoàn thể!

Vào đời Minh của Liên Trì đại sư, hiện tượng quái lạ ấy bắt đầu phát sanh, tức là phân chia xé lẻ, vấn đề này khá nghiêm trọng. Nếu chẳng nghiêm trọng, tổ sư chẳng nói lời này. Vì thế, Tăng đoàn bị phá hoại, đó là tranh đấu, tạo mầm tội to lớn. Vì thế, học Phật thọ Tam Quy nếu chẳng đúng pháp thì thọ Tam Quy bèn ghi danh trong sổ bộ của địa ngục A Tỳ, vì sao? Quý vị tham gia tranh đấu kiên cố, tham gia tiêu diệt Phật pháp. Diệt Phật pháp, phá hòa hợp Tăng là tội Ngũ Nghịch. Quả báo của tội Ngũ Nghịch là địa ngục A Tỳ. Vì thế, quý vị nhất định phải có tâm cảnh giác. Chúng ta học Phật, phát cái tâm tốt lành, tương lai học vào địa ngục, quả thật chẳng đáng tí nào! Vì sao lại vào địa ngục? Vẫn là không biết chi cả, cứ hồ đồ đi theo. Vì thế, nghiệp lực chẳng thể nghĩ bàn, thường là chính mình tạo nghiệp mà chính mình chẳng biết!

Khi Tam Quy, phải biết quý vị quy y Tam Bảo, nhất là trông thấy Trụ Trì Tam Bảo, ngay lập tức phải trở về Tự Tánh Tam Bảo thì công đức Tam Quy vô lượng vô biên. Quý vị thấy Trụ Trì Tam Bảo, tức là thấy hình tướng của Tam Bảo, lập tức hồi quang phản chiếu trở về Tự Tánh Tam Bảo, quý vị sẽ được ba mươi sáu vị thần hộ pháp bảo vệ, vì sao? Quý vị thật sự là đệ tử Phật. Nếu quý vị nói “vị pháp sư nọ, vị đại đức kia là sư phụ của tôi” thì thưa quý vị, chẳng có vị thần hộ pháp nào ngó tới quý vị! Ai đến tìm quý vị? Yêu ma quỷ quái, vì sao? Quý vị mạo nhận là đệ tử Phật, chẳng phải là đệ tử chân chánh của Phật. Vì thế, khi Tam Quy, người xuất gia đại diện Tăng đoàn, đại diện Tam Bảo chứng minh cho quý vị, tuyệt đối chẳng phải là quy y với người đó! Nhất định phải hiểu ý nghĩa này! Ngàn vạn phần chớ nên hiểu lầm! Vì thế, tranh đấu kiên cố bắt đầu từ Tam Quy. Truyền thọ Tam Quy Ngũ Giới chẳng đúng pháp, nên Phật pháp mới suy vi, bại hoại. Nếu trao truyền Tam Quy Ngũ Giới đúng pháp, Phật pháp quyết định hưng vượng.

“Kim đương đấu tránh kiên cố chi thời, cánh vi khả mẫn” (nay đang thời tranh đấu kiên cố, càng đáng thương): Chúng sanh càng đáng thương hơn, vì sao? Cơ hội đọa lạc ác đạo quá nhiều, hết sức khổ! Một người trong một đời, khởi tâm động niệm, nói năng mà chẳng đọa trong ác đạo gần như là chuyện không thể nào xảy ra. Quý vị bất tri bất giác hủy diệt Phật giáo, còn tưởng là chính mình đang làm chuyện tốt đẹp trong cửa Phật, quả thật đáng thương!

(Sớ) Hậu chi hựu hậu giả.

() 後之又後者。

(Sớ: “Đã sau lại còn sau hơn” là…)

 Liên Trì đại sư nói tình huống này càng về sau càng tệ.

(Sớ) Nãi chí pháp diệt, bội cánh khả mẫn.

() 乃至法滅,倍更可憫。

(Sớ: Cho đến khi pháp diệt, càng đáng thương gấp nhiều lần).

Khi Phật pháp sắp diệt, nếu hiện thời chúng ta chẳng thật sự hiểu ý nghĩa của Phật pháp thì chẳng thể nào hộ trì tốt đẹp được, Phật pháp cũng bị hủy diệt với tốc độ nhanh hơn, chính chúng ta phải cảnh giác điều này. Chúng ta có thể nghe chánh pháp, nhất định phải ghé vai gánh vác sứ mạng hộ trì chánh pháp, trước hết phải gìn giữ Giác – Chánh – Tịnh của chính mình, đó là hộ trì pháp của chính mình, rồi mới giúp đỡ người khác, hộ trì Giác – Chánh – Tịnh của chính người đó. Đó gọi là hộ trì Phật pháp của đại chúng. Có thể hộ trì chính mình, hộ trì đại chúng chính là hộ trì chánh pháp của mười phương chư Phật. Chúng ta không làm sẽ chẳng có ai làm, công tác này phải bắt đầu từ bản thân chúng ta.

          (Sớ) Cố Phật thuyết thử kinh, lược nhi kế chi, đại bi hữu tam.

          () 故佛說此經,略而計之,大悲有三。

(Sớ: Vì thế, đức Phật nói kinh, nếu tính đại lược thì có ba thứ tâm đại bi).

          Do vì duyên này, đức Phật mới vì chúng ta mà nói ra bộ kinh này, vì chúng ta tuyên dương pháp môn này nhằm cứu độ chúng sanh khổ nạn trong thời kỳ Mạt Pháp. Ở đây, đại sư nói ra ba thứ tâm đại bi của Phật.

          (Sớ) Nhất giả, Phật tại thế thời, lân thử Ngũ Trược, thuyết nan tín pháp, thị vi đệ nhất trọng đại bi mẫn niệm chúng sanh.

          () 一者佛在世時 憐此五濁 說難信法,是為第

一重大悲憫念眾生

          (Sớ: Một là thuở Phật tại thế, do thương xót đời Ngũ Trược này mà nói pháp khó tin. Đây là lòng đại bi lớn lao nghĩ thương chúng sanh thứ nhất).

           Kinh này chẳng nói trong thời hiện tại, mà được nói trong thuở đức Phật tại thế. Nói cách khác, kinh được nói ngay trong thời Chánh Pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật, chỉ vì khi Thích Ca Mâu Ni xuất hiện trong thế gian, cõi đời đã thuộc đời ác Ngũ Trược đã lâu, chúng sanh đã khá đáng thương. Từ lịch sử của Ấn Độ, chúng ta có thể thấy được điều này. Khi đức Phật giáng thế, nhằm đúng thời kỳ tư tưởng tại Ấn Độ hết sức hỗn loạn, có tới chín mươi sáu thứ ngoại đạo. Nếu dùng pháp thế gian để nói thì là “thời đại tư tưởng, học thuật bùng nổ”, giống như thời đại Bá Gia Chư Tử vào thuở Xuân Thu Chiến Quốc tại Trung Hoa. Nói theo Phật pháp, đó là thời đại tà tri tà kiến hết sức hỗn loạn! Phật pháp có cách nhìn khác với pháp thế gian. Vì thế, khi đức Phật xuất hiện, nêu ra chánh tri chánh kiến, nói ra pháp môn này. Người chiếu theo pháp môn này tu hành, đắc độ vãng sanh hết sức đông đảo. Từ kinh điển chúng ta có thể thấy được điều này!

          (Sớ) Nhị giả, Phật diệt độ hậu, phước huệ nhật thiển, tội chướng ích thâm, cố thuyết thử kinh, hàm linh vị lai tuy bất kiến Phật, Phật diệt pháp tồn, đản hữu tín giả, tốc siêu sanh tử, thị vi đệ nhị trọng đại bi mẫn niệm chúng sanh.

          () 二者佛滅度後 福慧日淺 罪障益深。故說此

經,咸令未來雖不見佛,佛滅法存,但有信者,速超生死,是為第二重大悲憫念眾生。

          (Sớ: Hai là sau khi đức Phật diệt độ, phước huệ [của chúng sanh] ngày càng nông cạn, tội chướng càng sâu, vì thế, nói kinh này để cho các chúng sanh trong đời mai sau tuy chẳng thấy Phật, đức Phật đã diệt, nhưng pháp vẫn còn, chỉ cần có lòng tin sẽ mau vượt thoát sanh tử. Đây là lòng đại bi to lớn nghĩ thương chúng sanh thứ hai vậy).

          Đức Phật đã sớm nghĩ: Sau khi Ngài diệt độ, tuy đức Phật chẳng còn ở trên đời, nhưng kinh này lưu thông tới đời sau, chiếu theo phương pháp này tu hành sẽ chẳng khác gì Phật còn ở trên đời. Sau khi đức Phật diệt độ, quả thật chúng sanh phước huệ dần dần giảm thiểu. Quý vị phải biết: Thế giới hiện thời là thế giới nổi tiếng về khoa học kỹ thuật, chúng ta thấy chúng sanh hiện thời phước báo lớn hơn thời cổ, trí huệ cũng thông minh hơn cổ nhân, đó là Thế Trí Biện Thông, chứ không phải phước huệ như trong Phật pháp đã nói. Vì sao? Con người hiện thời thông minh, nhưng phiền não cũng nhiều, tăng trưởng đối đãi. Người thông minh nhất trong thế gian hiện thời sợ chiến tranh hạch nhân nhất, vì vũ khí hạch nhân do chính họ phát minh. Phát minh ra rồi suốt ngày từ sáng đến tối phập phồng, chẳng phải là chính mình tự chuốc lấy phiền muộn ư? Có khoa học gia nào chẳng lo lắng về đại chiến nguyên tử? Vẫn cứ miệt mài muốn phát minh, đó chẳng phải là phước, chẳng phải là trí huệ chân chánh. Người thật sự có trí huệ biết lý luận, nhưng không nói, đó là có trí huệ, vì sao? Chẳng bận lòng vì chiến tranh hạch nhân. Vì thế, người phương Tây không có trí huệ, người Trung Quốc có trí huệ!

          Khoa học kỹ thuật của Trung Quốc theo lịch sử ghi chép thì vào thời Hán đã học kỹ thuật phi hành bằng tàu lượn (glider), Gia Cát Lượng chế tạo mộc ngưu lưu mã (trâu ngựa gỗ có thể cử động được), tức là những phương tiện chuyển vận được cơ giới hóa. Vì thế, có thể nói khoa học kỹ thuật của Trung Quốc sớm hơn người phương Tây rất nhiều, nhưng người Trung Quốc có trí huệ, hủy bỏ những thứ ấy, chẳng để cho chúng được lưu truyền. Nguyên nhân là vì sau khi những thứ khí cụ khoa học ấy bị những kẻ có dã tâm lợi dụng thì chúng sanh trên thế giới sẽ mắc không biết bao nhiêu hoạn nạn to lớn. Người Trung Quốc nghĩ xa, mong giữ bình an cho người đời sau. Nói cách khác, họ phải có trách nhiệm đối với lịch sử, có trách nhiệm với đời sau. Vì thế, họ biết những thứ ấy, nhưng không nói ra, chẳng làm, đó là đại từ đại bi, đó là trí huệ lưu lộ. Người phương Tây rốt cuộc theo tư tưởng công lợi (Utilitarianism), hễ biết bèn ngay lập tức bộc lộ ra, ngay lập tức chế tạo, hậu quả là hiện thời hối hận chẳng kịp, đấy là thiếu trí huệ, thiếu phước báo.

          Nếu nói đến hứng thú về mặt tình cảm trong cuộc sống thì chúng ta ngày nay chẳng bằng cổ nhân. Tuy đèn điện sáng rực như thế rất tiện cho chúng ta, nhưng nó thiếu ý vị thơ mộng như nến. Phi cơ lẹ làng dường ấy, nhưng không có ý vị ngất ngây rất đặc biệt như dong thuyền. Tình thơ ý mộng trong cuộc sống của cổ nhân quả thật là chân thiện mỹ, có sự hưởng thụ như vậy! Hiện thời không còn nữa, hiện thời suốt ngày từ sáng đến tối là cuộc sống tất bật, khổ não vì đủ thứ áp lực. Đời sống của con người trong thế gian này thua xa những con vật cưng (pet). Tôi nhìn những con vật cưng, cảm thấy chúng nó rất vui sướng, con người chẳng bằng súc sanh! Nhất là quý vị thấy những con thú cưng ở ngoại quốc, người ngoại quốc nuôi chó, bất luận là chó hoang hay chó nuôi trong nhà, chúng có phước báo lớn hơn con người, vì sao? Con người phải hầu hạ chúng nó, chúng nó đâu phải hầu hạ con người! Người tu phước phải chú ý, đừng để đời sau biến thành súc sanh hưởng phước, [nếu bị như vậy thì] cũng chẳng tốt đẹp gì! Vì thế, đường lối giải thoát duy nhất vẫn là phải niệm Phật. Đây là lòng từ bi thứ hai. Kinh văn này càng đọc càng thấy hợp lý, đủ thấy cổ nhân đúng là thấy xa trông rộng.

                   (Sớ) Tam giả, như Đại Bổn ngôn: “Phật diệt cửu viễn, đương lai chi thế, kinh đạo diệt tận, độc lưu thử kinh trụ thế độ sanh, tối hậu phương diệt, tắc tri thao thiên chi tế, thượng tác Từ hàng. Đại dạ phương trầm, do xứng pháp cự. Thị vi đệ tam trọng đại bi mẫn niệm chúng sanh dã.

          () 三者如大本言 佛滅久遠 當來之世,經道滅

盡,獨留此經住世度生,最後方滅,則知滔天之際,尚作慈航,大夜方沈,猶稱法炬,是為第三重大悲憫念眾生也。 

(Sớ: Thứ  ba là  như  kinh  Đại  Bổn  nói: “Phật diệt độ đã lâu xa,

trong đời tương lai, kinh đạo diệt hết, riêng lưu lại kinh này trong cõi đời để độ chúng sanh, diệt mất sau cùng, nên biết là khi nước ngập tận trời, còn làm chiếc bè Từ, thuở đêm sâu tối mịt, vẫn xứng làm đuốc pháp. Đây là lòng đại bi nghĩ thương chúng sanh to lớn thứ ba vậy).

Đây là tầng ý nghĩa thứ ba, nói về lúc toàn bộ Phật pháp đã diệt sạch.

(Diễn) Kinh đạo diệt tận giả, thỉ tự Thủ Lăng Nghiêm Kinh, Ban Châu Tam Muội Kinh, chung chí thập nhị phần giáo, tất giai diệt tận, độc lưu A Di Đà Kinh trụ thế bách niên, tối hậu phương diệt dã.

() 經道滅盡者 始自首楞嚴經 般舟三昧經,終

至十二分教,悉皆滅盡,獨留阿彌陀經住世百年,最後方滅也。

(Diễn: “Kinh đạo diệt hết”: Bắt đầu từ kinh Thủ Lăng Nghiêm và kinh Ban Châu Tam Muội, cuối cùng đến mười hai phần giáo thảy đều diệt sạch, riêng lưu lại kinh A Di Đà tồn tại trên đời một trăm năm, diệt mất cuối cùng).

Đây là nói về quá trình toàn bộ Phật pháp diệt mất trong tương lai. Diệt mất đầu tiên là kinh Lăng Nghiêm. Kinh Lăng Nghiêm chẳng diệt thì Phật pháp chẳng diệt. Vì sao? Nếu quý vị đọc kỹ kinh Lăng Nghiêm thì hiện thời bất cứ loài yêu ma quỷ quái nào mạo danh Phật pháp trong thế gian, quý vị vừa nhìn liền thấy thấu suốt, có thể phân biệt được! Vì thế, kinh này nhất định bị diệt trước. Trong quá khứ, tôi giảng kinh Lăng Nghiêm, đã nói kinh Lăng Nghiêm là kính chiếu yêu. Nếu kính chiếu yêu chẳng diệt, yêu ma quỷ quái chẳng dám xuất hiện. Vì thế, nếu kinh này bị phá hoại trước tiên thì mọi người chẳng thể phân biệt [đâu là ma, đâu là Phật] nên yêu ma quỷ quái mới có thể xuất hiện. Đặc biệt là nửa phần sau của quyển thứ sáu trong kinh Lăng Nghiêm, tức chương Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh Hối (bốn loại giáo huấn thanh tịnh rõ ràng) dạy quý vị phân biệt Phật và ma như thế nào, phân biệt tà và chánh như thế nào. Cuối kinh Lăng Nghiêm từ nửa sau quyển chín cho đến quyển thứ mười, kinh văn gồm một quyển rưỡi giảng về năm mươi thứ Ấm Ma, giảng về những cảnh giới mà quý vị sẽ nhất định gặp phải trong quá trình tu hành. Năm mươi loại [Ấm Ma] chính là ma chướng! Số lượng trong mỗi một loại là vô lượng vô biên, quý vị nói tu hành chẳng gặp ma chướng ư? Không có chuyện ấy đâu nhé. Nếu quý vị có năng lực biện định, nếu quý vị nhận biết chúng nó, nhận biết chúng nó chẳng đáng sợ, chúng nó sẽ chẳng thể chướng ngại quý vị. Sợ rằng quý vị chưa nhận biết, sẽ bị mắc lừa!

          Trong quá khứ, chúng tôi đã giảng kinh Lăng Nghiêm rất nhiều lần, hiện thời vẫn có người tìm tôi xin giảng, tôi không giảng nữa. Tôi nói hiện thời tôi giảng kinh Di Đà, nhất tâm cầu sanh Tịnh Độ. Do đây có thể biết: Kinh Di Đà công đức vô lượng vô biên. Khi hết thảy kinh pháp đã diệt sạch, kinh này vẫn còn lại trên đời suốt một trăm năm, diệt mất sau cùng. Do đây có thể biết rằng: Bộ kinh này công đức lợi ích chẳng thể nghĩ bàn! Học Phật chỉ có nương theo bộ kinh này thì còn có hy vọng, còn có thể vãng sanh Tịnh Độ. Thật sự chẳng thể nghĩ bàn, đúng là từ bi đến mức cùng cực.

          (Diễn) Pháp diệt thời, ca-sa tự nhiên biến bạch.

          () 法滅時袈裟自然變白。

          (Diễn: Khi pháp diệt, áo ca-sa tự nhiên đổi thành trắng).

                   Đây là nói theo hình tướng. Ca-sa (Kasāya) là “nhiễm sắc y” (y nhuộm màu xậm), đến khi pháp diệt, không ai mặc y nhiễm sắc nữa!

          (Diễn) Tạng kinh tự nhiên vô tự, thập lục La Hán tận thâu thế gian nhất thiết kinh pháp trữ ư đồng tháp, nhiễu tháp kinh hành, thán ngôn: “Thích Ca pháp diệt”.

          (藏經自然無字  十六羅漢盡收世間一切經法貯

於銅塔,遶塔經行。歎言:釋迦法滅。

          (Diễn: Tạng kinh tự nhiên không còn chữ. Mười sáu vị La Hán gom sạch hết thảy các kinh pháp trong thế gian chứa trong tháp đồng, đi kinh hành quanh tháp, than thở: “Pháp của Phật Thích Ca đã diệt”).

          “Thán” (歎) là khôn ngăn xúc cảm than thở; lúc ấy, mười sáu vị đại đệ tử của Thích Ca Mâu Ni Phật, tức là mười sáu vị Đại A La Hán thâu cất các kinh điển, chứa trong cái tháp bằng đồng.

          (Diễn) Nhiên hậu thử tháp trầm chí Kim Cang tế, tắc thế giới pháp diệt dã.

          () 然後此塔沈至金剛際,則世界法滅也。

          (Diễn: Sau đó, tháp ấy chìm xuống tận Kim Cang Tế[3], tức là pháp diệt mất trên toàn thế giới).

           Giáo pháp của cả một đời Thích Ca Mâu Ni Phật cáo chung, ắt phải đợi đến năm mươi sáu ức vạn năm sau. Di Lặc Phật đến thế gian này thị hiện thành Phật, lại giảng kinh, thuyết pháp. Quý vị phải biết: Thời gian mà thế gian này có Phật pháp rất ngắn ngủi, tạm bợ; nói chung là một vạn hai ngàn năm. Thời gian không có Phật pháp hết sức dài, tức là cách một khoảng thời gian gồm năm mươi sáu ức vạn năm không có Phật pháp. Không có Phật pháp, chúng sanh chẳng có cơ hội vượt thoát tam giới, chẳng có cơ hội thoát sanh tử luân hồi. Vì thế thời gian luân hồi dài lâu!

          Trong một đời này, chúng ta may mắn gặp gỡ pháp môn này, nói cách khác, có được cơ duyên này, chúng ta có thể đắc độ trong một đời này, có thể giải quyết vấn đề, nếu bỏ lỡ một đời này, phiền phức sẽ to lắm. Tuy đời sau quý vị có phước báo, nhưng có thể gặp Phật pháp hay không, đó là một vấn đề lớn! Thế giới ngày nay có bốn mươi mấy ức người, có bao nhiêu người được nghe kinh hay nghe một câu A Di Đà Phật trong một đời? Vì thế, có thể đọc bộ kinh này, nghe một câu A Di Đà Phật, chẳng dễ dàng đâu nhé! Lấy ngay Đài Bắc để nói thì gần tới hai trăm vạn người, nếu quý vị kiểm tra trọn khắp, trong hai trăm vạn người, trong đời này có mấy người nghe kinh này một lần? Có mấy người niệm một câu A Di Đà Phật? Tuyệt đại đa số, sợ rằng đến tám mươi phần trăm, trong một đời này chưa hề nghe kinh, chưa hề niệm một câu Phật hiệu. Nơi Phật giáo hưng thịnh nhất mà còn như thế, huống hồ những nơi khác? Vì thế, nhất định phải trân quý nhân duyên khó được này, quả thật là trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ, nhưng nay chúng ta có thể gặp gỡ thì phải trân quý điều này!    “Độc lưu thử kinh” (riêng lưu lại kinh này) là đến lúc cuối cùng trong pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật, đại sư nói “tắc tri thao thiên chi tế, thượng tác Từ hàng. Đại dạ phương trầm, do xứng pháp cự” (nên biết lúc nước ngập tận trời, còn làm chiếc bè Từ, thuở đêm sâu tối mịt, vẫn xứng làm đuốc pháp). Hai câu này là dùng tỷ dụ để nói.

          (Diễn) Thao thiên chi tế, đại dạ phương trầm giả: Dụ chúng sanh phiền não nhật thâm, vô minh nhật hậu. Cổ vân: “Si vân ái đãi tánh thiên hôn, thức hỏa giao tiên tâm đỉnh phất” thị dã.

          () 滔天之際 大夜方沈者 喻眾生煩惱日深,無

明日厚,古云痴雲靉靆性天昏,識火交煎心鼎沸是也。

          (Diễn: “Khi nước ngập tận trời, thuở đêm sâu tối mịt”: Sánh ví chúng sanh phiền não ngày một sâu, vô minh ngày càng dầy. Cổ nhân nói: “Mây si dồn phủ khiến bầu trời chân tánh tối om, lửa thức chen nhau nung cái vạc tâm sôi sùng sục” là nói về chuyện này).

          “Ái đãi” (靉靆) là mây mù bốc lên, nay chúng ta đi trên xa lộ, có đoạn thường thấy có sương mù, đi lại trong sương mù khá nguy hiểm. Ở đây là nói ngu si phiền não khiến cho chúng ta mê mất chánh đạo, bất tri bất giác đi vào đường tà, ngỡ tà là chánh. Câu cuối cùng nhằm hình dung phiền não, Ngũ Ấm lừng lẫy. Đây là do ba tầng đại bi nghĩ thương chúng sanh mà đức Phật giảng kinh này.

          (Sớ) Thí chi từ phụ, ưu niệm hậu côn.

          () 譬之慈父,憂念後昆。

          (Sớ: Ví như cha lành, nghĩ lo cho con cháu).

          “Hậu côn” là hậu duệ.

          (Sớ) Tâm vô tận cố.

          () 心無盡故。

          (Sớ: Do tâm vô tận vậy).

          Đối với con cháu đời sau, Ngài nghĩ hết sức sâu xa, làm thế nào để con cháu đời đời kiếp kiếp đều có thể bảo toàn, đều đạt được hạnh phúc. Người Trung Quốc dụng tâm ở chỗ này nhiều hơn người ngoại quốc. Người ngoại quốc suy tính cho con cháu quả thật không nhiều lắm. Cổ thánh tiên hiền Trung Quốc nghĩ giùm con cháu quá nhiều, nếu nay chúng ta không khéo học sẽ chẳng xứng với tổ tiên. Điều đầu tiên là văn chương Văn Ngôn, mọi người chẳng học văn chương Văn Ngôn, làm sao có thể xứng với tổ tiên? Đấy là tổ tiên đã suy nghĩ thay cho chúng ta, đấy là một thứ công cụ để truyền trao trí huệ và kinh nghiệm. Hôm nay đã hết thời gian rồi.

[1] Bát Tự (còn gọi là Tứ Trụ) là cách đoán vận mạng dựa trên bốn yếu tố năm, tháng, ngày, giờ, từ bốn yếu tố ấy tính ra Can và Chi của chúng nên thành ra tám chữ, vì thế gọi là Bát Tự. Dựa trên Ngũ Hành tương sanh, tương khắc mà luận đoán vận mạng.

“Đếm nét bút” là dựa theo cách viết tên gọi trong tiếng Hán có bao nhiêu nét bút mà vận dụng Âm Dương Ngũ Hành để thiết lập quẻ Dịch tương ứng hòng đoán vận mạng.

[2] Đúng ra chữ 崎 trong danh xưng 長崎 phải đọc là Khi, nhưng do các sách báo Việt Ngữ thường phiên âm là Kỳ nên chúng tôi tuân thủ cách đọc này.

[3] Kim Cang Tế (Vajra-tala-sthāna): Theo luận Câu Xá, phía dưới đại địa là Kim Cang Tế, tức là vật chất ngưng đọng khi thế giới mới thành lập. Kim Cang có nghĩa là kiên cố. Có thể hiểu đại lược Kim Cang Tế chính là phần cốt lõi nâng đỡ mặt đất, hoặc nếu hiểu hạn hẹp, thô thiển theo chỉ riêng địa cầu thì Kim Cang Tế chính là phần ở giữa bao quanh lõi quả đất, nằm phía dưới mặt đất.

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *