#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 165
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm năm mươi lăm:
(Sao) Nhị, Tinh Tấn giả, tu đạo pháp thời, thiện năng giác liễu, bất mậu hành ư vô ích khổ hạnh cố.
(鈔) 二精進者,修道法時,善能覺了,不謬行於無益苦行故。
(Sao: Hai là Tinh Tấn, khi tu đạo pháp, khéo có thể giác ngộ, hiểu rõ, chẳng lầm lạc hành khổ hạnh vô ích).
Đối với Tinh Tấn trong Thất Bồ Đề, sau khi chọn lựa pháp môn, chuyện khẩn yếu nhất là Tinh Tấn. Tinh Tấn thì nhất định phải chuyên ròng. Thiện căn của Bồ Tát gồm một điều là Tinh Tấn. Đức Phật dạy thiện căn thế gian gồm có ba thiện căn, hết thảy các thiện pháp thế gian đều sanh từ ba điều ấy, tức là vô tham, vô sân, vô si. Thiện căn của Bồ Tát là Tinh Tấn. Nếu thật sự tinh tấn, bất cứ pháp môn nào cũng chắc chắn có thành tựu. Thành tựu lớn hay nhỏ nhất định tỷ lệ thuận với công phu tinh tấn của người ấy. Nếu có tấn, nhưng không biết chuyên ròng, khó tránh khỏi tu tập những khổ hạnh vô ích! Rất tinh tấn, nhưng chẳng thu được hiệu quả.
(Diễn) Dĩ trạch pháp hậu, thứ tức tu đạo, cố vân “tu đạo pháp thời”.
(演) 以擇法後,次即修道,故云修道法時。
(Diễn: Do sau khi chọn pháp, kế đó, liền tu đạo, nên nói “khi tu đạo pháp”).
Sau khi quý vị đã chọn nhất định một pháp môn, sẽ chuyên tâm tu tập.
(Diễn) Nhiên ngoại đạo cửu thọ cần khổ, tinh tấn tu hành, bất thành thánh quả giả, dĩ bất đạt chân tánh, duy dụng vọng thức tu hành, danh viết Tinh Tấn, thật đồng giải đãi.
(演) 然外道久受勤苦,精進修行,不成聖果者,以不達真性,惟用妄識修行,名曰精進,實同懈怠。
(Diễn: Nhưng ngoại đạo đã siêng khổ tinh tấn tu hành từ lâu, mà chẳng thành thánh quả, là do chẳng thông đạt chân tánh, chỉ dùng vọng thức để tu hành. Tuy nói là tinh tấn, nhưng thật ra giống như giải đãi).
Câu này có ý nghĩa hết sức sâu rộng. Các đồng tu học Phật chúng ta
đại đa số phạm phải căn bệnh này, nên tu lâu mà chẳng thể thành tựu. Tổ sư đại đức nói “thật đồng giải đãi”, [có nghĩa là] giống như giải đãi, “bất thành thánh quả”, chẳng đạt được kết quả. Ví như chúng ta niệm Phật, kết quả nông cạn nhất trong niệm Phật là công phu thành phiến. Chúng ta niệm lâu ngần ấy, chẳng đạt đến công phu thành phiến, chẳng có kết quả! Chẳng có kết quả thì trong ấy nhất định xuất hiện vấn đề. Đó cũng là đã biến thành ngoại đạo, trong Phật môn thường gọi loại ngoại đạo này là “môn nội ngoại” (ngoại đạo ở trong nhà Phật). Chính mình tu hành, bất tri bất giác tu thành ngoại đạo, do cầu pháp ngoài tâm, chẳng tương ứng với pháp, liền biến thành ngoại đạo! Ví như chúng ta tu Tịnh Độ, nhưng tư tưởng, kiến giải, hành vi của chúng ta chẳng tương ứng với những điều được dạy trong Tịnh Độ Ngũ Kinh thì là ngoại đạo. Vì thế, niệm câu Phật hiệu này, nhất định phải niệm cho tương ứng. “Tương ứng” là chẳng trái nghịch với giáo huấn trong kinh điển. Đó là tương ứng. Niệm câu Phật hiệu, những điều tâm ta nghĩ, ý ta tưởng chẳng tương ứng với những điều đã nói trong kinh, bèn là ngoại đạo. [Dẫu] niệm Phật, cũng niệm thành ngoại đạo. Tôi nói lời ấy có quá lố hay không? Nói thật ra, lời này chẳng phải do tôi nói, mà là trong tác phẩm Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương Sớ Sao, Từ Vân Quán Đảnh đại sư đã nói: Niệm Phật, niệm thành ngoại đạo.
Nếu mắc chứng bệnh này, đã biết, hãy sửa đổi, nhất định phải tương ứng. Trong các buổi giảng, chúng tôi đã nói về sự tương ứng ấy rất nhiều, nhưng tôi thấy vẫn còn những đồng tu chẳng tin tưởng. Nhìn từ chỗ nào để thấy họ không tin tưởng? Họ còn đọc các kinh luận khác, vẫn chưa thật sự chuyên tâm nơi năm kinh hoặc chuyên tinh nơi Sớ Sao hoặc Yếu Giải, đó chính là không tin tưởng. Đã thật sự tin tưởng, chắc chắn là trong năm năm, tối thiểu là ba năm, sẽ chuyên tâm đọc bộ sách này, tuyệt đối không đọc bộ thứ hai. Vẫn còn đọc bộ thứ hai, tức là chẳng chuyên! Học nhiều năm ngần ấy, chẳng có kết quả, xuất hiện khuyết điểm ở chỗ này! Tu học kiểu ấy tuy chịu khổ, chịu khó, vẫn giống như giải đãi, vì quý vị chẳng tiến bộ!
Học Phật thì trong vòng ba năm hay năm năm đầu tiên, chúng ta là người tu pháp môn Niệm Phật, mục tiêu đặt nơi Niệm Phật tam-muội, chẳng đặt nơi khác. Công phu thành phiến, Sự nhất tâm bất loạn, và Lý nhất tâm bất loạn đều gọi là Niệm Phật tam-muội. Công phu thành phiến là Niệm Phật tam-muội [ở mức độ] nông cạn nhất, Lý nhất tâm bất loạn là Niệm Phật tam-muội [có mức độ] sâu nhất, cầu điều ấy! Phải buông xuống hết thảy! Tâm chúng ta không chỉ chẳng vướng mắc pháp thế gian, mà tất cả hết thảy Phật pháp cũng đều buông xuống. Đến khi tam-muội thành tựu, mức độ thấp nhất phải đạt đến là công phu thành phiến, tâm đạt đến mức khá thanh tịnh. Khi ấy, còn phải được thầy đồng ý, thầy cho phép quý vị mở rộng, tiếp xúc hết thảy các kinh luận, lúc đó mới được. Nếu thầy chẳng đồng ý, vẫn phải là thâm nhập một môn.
Nếu chư vị đọc ngữ lục hoặc truyện ký của các vị cổ đại đức trong Đại Tạng Kinh, quý vị sẽ biết người thuở trước tu học, tối thiểu là năm năm. Người có căn tánh độn một chút, trong năm năm chưa thể thành tựu tam-muội, thời gian kéo dài hơn, có trường hợp mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, thầy vẫn chẳng cho phép người ấy đọc kinh luận khác, vì sao? Chưa thành tựu tam-muội. Người hiện thời muốn tu học thật sự có thành tựu, [hãy nhớ kỹ] Phật pháp chẳng phải là pháp thế gian. Pháp thế gian tiến bộ theo thời đại, phương pháp cũng không ngừng cải tiến; Phật pháp chẳng giống như vậy! Phật pháp chẳng biến đổi. Hễ sửa đổi Phật pháp thì sai mất rồi, vì nó là đường lối để cổ thánh tiên hiền và chư Phật Như Lai cùng noi theo, làm sao quý vị có thể sửa đổi cho được? Hễ sửa đổi, Phật pháp sẽ biến thành thế gian pháp. Nói cách khác, hễ sửa đổi, giác đạo trở thành tà đạo, tinh tấn biến thành giải đãi. Hằng ngày luôn nỗ lực, nhưng vẫn là giải đãi!
Chúng ta hãy suy ngẫm câu “khổ hạnh vô ích”, có phải là chúng ta mỗi ngày đều hành khổ hạnh vô ích hay không? Nói thật ra, kiểm điểm trọn chẳng khó khăn. Mỗi ngày, quý vị phản tỉnh một phen, “giác, chánh, tịnh” hằng ngày có tiến bộ. Đó là đúng! Nếu ba chữ “giác, chánh, tịnh” chẳng có tiến bộ, ngày đó lại bị luống uổng, đấy là giải đãi. Hãy phản tỉnh: Phiền não, vọng niệm, phân biệt, chấp trước có giảm thiểu hay không? Nếu [phiền não] chẳng giảm thiểu, hãy còn có, lại còn dường như thường dấy lên hiện hành y như cũ, thậm chí còn nhiều hơn trước khi học Phật, hỏng bét rồi! Vậy là quý vị học Phật pháp chắc chắn đi vào lối rẽ! “Thiện năng giác liễu”, “giác” là giác ngộ, “liễu” là hiểu rõ. “Giác liễu” là tự giác, chính mình quan sát xem bản thân mình có đang noi theo đạo Bồ Đề hay không? Niệm Phật cũng là Bồ Đề đạo; rời khỏi Bồ Đề đạo thì chính là ngoại đạo.
Ngài nói tới chuyện tu hành, nói quý vị “bất đạt chân tánh, duy dụng vọng thức tu hành” (chẳng thông đạt chân tánh, chỉ dùng vọng thức để tu hành). Cảnh giới này cao lắm, chúng ta chưa làm được! Khi nào mới nhập cảnh giới ấy? Thưa cùng quý vị, Lý nhất tâm bất loạn mới nhập cảnh giới ấy. Trong cuộc sống hằng ngày, người ấy có thể dùng căn tánh của sáu căn, chẳng dùng tám thức, đúng như kinh Lăng Nghiêm dạy: “Xả thức dùng căn”, có thể nói là “thuần chánh, vô tà”. Biết “bỏ thức, dùng căn”, quý vị là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo; trong Biệt Giáo, quý vị là Sơ Địa Bồ Tát, điều này chúng ta chẳng làm được. Chẳng làm được, bất đắc dĩ cầu điều thấp hơn, tức là: Tâm chúng ta phải tương ứng với giáo huấn trong kinh điển; như vậy là tốt đẹp. Vì sao khuyên mọi người phải đọc tụng kinh này? Quý vị niệm rất thuộc, hễ khởi tâm động niệm bèn nghĩ: Trong kinh, đức Phật dạy chúng ta như thế nào? Chúng ta nghĩ tưởng sẽ chẳng trái phạm giáo huấn trong kinh điển nhà Phật. Vì lẽ đó, phải nhớ kinh nằm lòng. Không quen thuộc, lấy đâu ra ghi nhớ? Làm sao có thể nghĩ đến cho được?
Do vậy, có thể biết: Học Phật phải học khởi đầu từ đâu? Trước hết, học bắt đầu từ niệm thuộc kinh. Nếu không thuộc, chẳng có cách nào phản tỉnh, chẳng có cách nào phản chiếu. Thuộc nhuyễn nhừ rồi thì mới có công năng ấy, cũng chính là dùng những tiêu chuẩn ấy để uốn nắn các hành vi sai lầm của chúng ta. Nhất định phải nhớ rất rõ ràng tiêu chuẩn ấy, thời thời khắc khắc tiêu chuẩn ấy có thể hiện tiền, chúng ta bèn so sánh [lời lẽ, hành vi, tâm tưởng của chính mình] có hợp với các tiêu chuẩn ấy hay không? Kinh điển là tiêu chuẩn. Vì thế, trước hết, phải niệm kinh thuộc làu, phải thuộc nhuyễn nhừ. Dẫu có thể thuộc lòng, tối thiểu còn phải niệm thuộc lòng ba ngàn lượt, thông thấu nhuyễn nhừ! Tư tưởng, kiến giải, và hành trì của quý vị tự nhiên giống như A Di Đà Phật. Quý vị ngẫm xem, lẽ nào người như vậy chẳng vãng sanh? Quyết định vãng sanh. Có cần phải xả “bỏ thức, dùng căn” hay không? Chẳng cần xả! Lâu ngày chầy tháng, tự nhiên nhập cảnh giới ấy. Nếu có tâm mong cầu, hỏng rồi! Có tâm cầu, quý vị còn có vọng niệm trong ấy; có vọng niệm là chẳng thật thà! Vì lẽ đó, chẳng bận tâm tới nó. Ta chỉ thật thà làm như vậy, gặp phải cảnh giới nào, về căn bản là chẳng bận tâm đến nó, tự nhiên sẽ nhập cảnh giới. Vì thế, Niệm Phật tam-muội không cầu mà tự đắc, điều này rất trọng yếu!
(Sao) Tam hỷ giả, tâm đắc pháp hỷ thời, thiện năng giác liễu, bất tùy điên đảo chi pháp nhi sanh hỷ cố.
(鈔) 三喜者,心得法喜時,善能覺了,不隨顛倒之法而生喜故。
(Sao: Ba là Hỷ. Khi tâm đạt được pháp hỷ, bèn khéo có thể giác
ngộ, hiểu rõ, chẳng vui theo pháp điên đảo).
“Pháp hỷ”: Tu pháp tương ứng, tự nhiên có một niềm hỷ duyệt (vui sướng, thỏa thích). Niềm hỷ duyệt ấy chẳng do cảnh giới bên ngoài kích thích. Chúng ta thường nói khổ lạc; lạc và khổ là tương đối, đều do bị kích thích từ bên ngoài mà hiện tiền. Thuận với ý mình, lạc dục hiện tiền; trái nghịch ý mình, bèn có đau khổ, khổ não hiện tiền. Pháp hỷ chẳng phải là từ cảnh giới bên ngoài kích thích, nó từ trong nội tâm tự nhiên phát ra; đó là pháp hỷ. Pháp hỷ đương nhiên cũng có cạn hay sâu khác nhau, tùy thuộc công phu và cảnh giới của quý vị mà pháp hỷ có mức độ khác nhau. Không chỉ là học Phật, trong pháp thế gian cũng có, vì sao? Khi tâm thanh tịnh bèn có pháp hỷ. Câu đầu tiên của Khổng lão phu tử trong Luận Ngữ là: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ?” (Học rồi thường tu tập, cũng chẳng vui sao?). “Duyệt” (悅) là pháp hỷ, hoàn toàn khác với Lạc trong câu sau đó: “Hữu bằng hữu tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ?” (Có bạn bè từ phương xa đến, cũng chẳng sướng sao?). Lạc ở đây là ngoại cảnh, tức là Lạc trong khổ lạc. Bạn tốt từ nơi rất xa đến thăm viếng, cùng nhau thảo luận học vấn, là chuyện rất vui, nhưng nó chẳng phải là pháp hỷ. Vì vậy, Duyệt trong câu thứ nhất là hỷ duyệt sâu xa! Từ nội tâm xuất hiện, Hỷ trong Phật pháp được gọi là Pháp Hỷ, chúng ta thường nói “pháp hỷ sung mãn”.
“Thiện năng giác liễu”: Hỷ cũng là từ trong giác liễu mà có, nên cũng biết Hỷ là do chân tánh lưu lộ. “Bất tùy điên đảo chi pháp nhi sanh hỷ cố” (Chẳng vui theo pháp điên đảo). Pháp điên đảo là pháp thế gian hoặc pháp ngoại đạo. Quý vị đạt được tiếng tăm, lợi dưỡng trong thế gian, bèn rất hoan hỷ, đó là do pháp điên đảo mà sanh hỷ. Vì sao? Tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần đều là nhân duyên của luân hồi trong lục đạo. Sự lạc ấy chẳng phải là rốt ráo. Sau khi lạc, bèn có đau khổ; đã thế, lạc ấy chắc chắn là ngắn ngủi, tạm bợ; đau khổ dài lâu, chắc chắn là như thế. Nói là vui sướng trong một đời người thì cũng bất quá vài chục năm mà thôi, chỗ đau khổ trong tương lai là ba ác đạo. Thời gian trong ba ác đạo quá dài, là chuyện rất đáng sợ. Vì thế, Bồ Tát khéo có thể giác liễu, Hỷ của Ngài là hoan hỷ chân thật, tuyệt đối chẳng phải là điên đảo, tuyệt đối chẳng tương ứng với tam giới lục đạo, mà tương ứng với chư Phật, Bồ Tát, nên mới có pháp hỷ.
Điều này là thật, chúng ta phải giác liễu! Lại còn phải ghi nhớ, chữ Thiện trong “thiện năng giác liễu” rất đáng quý! Vì sao phải đặc biệt nhấn mạnh nhắc nhở như vậy? Chúng ta thường quên bẵng chuyện này, mê man nơi pháp hỷ điên đảo, lỗi lầm to lớn! Nói thật thà, vì sao chúng ta chẳng thể tinh tấn? Do mê nơi pháp hỷ điên đảo, chẳng tương ứng với thánh giáo. Ví như chúng ta mới học, vì sao chẳng thể dùng thời gian năm năm để chuyên chú nơi một bộ kinh, mà vẫn muốn đọc tụng các kinh luận khác? Tu học pháp môn khác? Đó là bị cảnh giới mê hoặc. Giống như thấy người khác đều niệm, người ta chuyện gì cũng biết, ta thứ gì cũng chẳng hiểu, bèn nghĩ chính mình chẳng bằng kẻ khác, hãy nên học theo người ta, trọn chẳng biết đó là sai lầm to lớn! Vừa bắt đầu liền học rộng, nghe nhiều, Căn Bản Trí bị phá hoại. Chẳng có Căn Bản Trí, lấy đâu ra Hậu Đắc Trí? Quý vị học suốt đời, học được điều gì? Thế Trí Biện Thông, quý vị học được thứ này! Trong một đời này, chắc chắn quý vị chẳng đạt được hai thứ trí huệ thật sự là Căn Bản Trí và Hậu Đắc Trí.
Nếu quý vị muốn thật sự đạt được hai thứ trí huệ ấy, chỉ có một phương pháp là thật thà niệm một quyển sách suốt năm năm. Trong năm năm ấy, chẳng buộc quý vị hiểu nghĩa, tốt nhất là quý vị thứ gì cũng không biết. Kinh Bát Nhã nói “Bát Nhã vô tri”, nay ta học gì? Ta dùng thời gian năm năm để học vô tri, chẳng phải là học hữu tri. Thời gian năm năm học vô tri Bát Nhã là Căn Bản Trí. Sau năm năm ấy, tâm ta thật sự thanh tịnh, hết thảy tri kiến đều dứt sạch, sau đó lại học rộng nghe nhiều, đấy chính là năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử; đó là Hậu Đắc Trí. Khi ấy, học gì cũng mau chóng! Lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần, vừa tiếp xúc liền thông đạt, hiểu rõ, vì sao? Người ấy tương ứng với Như Lai, tâm người ấy thanh tịnh, pháp thế gian và xuất thế gian vừa tiếp xúc, chẳng có gì không thông đạt, chẳng có gì không hiểu rõ. Trong các buổi giảng, chúng tôi thường đôi ba lượt buốt lòng rát miệng khuyên dạy chư vị, nhưng người tin tưởng ít ỏi, người chẳng tin đông đảo! Nghiệp chướng rất nặng, họ không tin tưởng.
(Sao) Tứ Trừ giả, trừ chư kiến phiền não thời, thiện năng giác liễu đoạn tuyệt hư ngụy, bất tổn chân chánh thiện căn cố.
(鈔) 四除者,除諸見煩惱時,善能覺了斷絕虛偽,不損真正善根故。
(Sao: Bốn là Trừ, khi trừ các kiến giải và các phiền não, có thể khéo giác ngộ, hiểu rõ, đoạn dứt hư ngụy, chẳng tổn hoại thiện căn chân chánh).
Thoạt nhìn, dường như Trừ và Xả có ý nghĩa tương thông, thật ra là hai chuyện. “Trừ” đoạn trừ, trừ hết thảy kiến giải, trừ hết thảy phiền não. Chúng ta xem câu này liền hiểu rõ, nó chính là Kiến Tư phiền não, “kiến” là Kiến Hoặc, “phiền não” là Tư Hoặc, phải bỏ sạch Kiến Tư phiền não.
(Diễn) Ký đắc pháp hỷ, tức đoạn chư kiến phiền não.
(演) 既得法喜,即斷諸見煩惱。
(Diễn: Đã đắc pháp hỷ, liền đoạn các kiến phiền não).
Kiến Hoặc tuy mạnh mẽ, nhạy bén, nhưng dễ đoạn. Nếu đoạn Kiến Hoặc bèn chứng quả. Nói theo Tiểu Thừa, sẽ là Tu Đà Hoàn quả. Nếu quý vị là người căn tánh Viên Giáo, sẽ là địa vị Sơ Tín Bồ Tát trong Viên Giáo. Chứng đắc địa vị ấy liền dự vào dòng thánh, chẳng còn lui sụt làm phàm phu. Phiền não là Tư Hoặc, tức tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến.
(Diễn) Nhiên tham đẳng hôn phiền chi pháp, thể thị hư ngụy, cố tu đoạn trừ.
(演) 然貪等昏煩之法,體是虛偽,故須斷除。
(Diễn: Nhưng Thể của các pháp tối tăm, phiền não như tham v.v… là hư ngụy, nên cần phải đoạn trừ).
Những Kiến Tư phiền não ấy, “Thể thị hư ngụy” (Thể của chúng là hư ngụy), chẳng thật. Cớ sao nói “Thể của chúng là hư ngụy”? Chúng ta đọc Bách Pháp [Minh Môn Luận] liền hiểu: Tất cả Kiến Tư phiền não đều là pháp hữu vi, các pháp ấy đều là Tâm Sở pháp, thuộc vào năm mươi mốt Tâm Sở. Tâm, Tâm Sở, sắc pháp toàn là pháp hữu vi. Kinh Kim Cang dạy: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Quý vị thấy đó, Thể [của các pháp ấy] là hư ngụy, nên cần phải đoạn trừ. Nếu Thể của nó là chân thường, chẳng nên đoạn trừ nó. Thể là hư vọng, đoạn bằng cách nào? Có phải là chúng ta chẳng cần đến chúng hay không? Chẳng phải vậy, mà là trong tâm vĩnh viễn chẳng phân biệt chúng, không chấp trước chúng; đó là đoạn. Vì lẽ đó, nhà Phật nói đến công phu Đoạn Chứng thì tuyệt đối chẳng phải là nói theo sự tướng. Đoạn nơi sự tướng chẳng được, phải là đoạn vọng tưởng và chấp trước trong tâm. Ta thật sự giác ngộ, thật sự biết nó là chuyện như thế nào, biết chân tướng của nó, từ nay trở đi, chẳng còn chấp trước nữa; nhưng trong cuộc sống hằng ngày, có còn phải dùng tới nó hay không? Có lúc vẫn phải dùng nó, dùng nó thì sẽ dễ làm việc.
Bồ Tát giác ngộ hết thảy các pháp, chính mình làm chủ nhân, hết thảy các pháp đều là thủ hạ, là người hầu của ta, ta sai chúng nó đi làm việc thay cho mình. Phàm phu rất đáng thương, chẳng biết chúng là kẻ hầu trong nhà, ngỡ chúng nó là thượng cấp ăn trên ngồi chốc của chính mình! Hết thảy phải nghe theo lệnh của chúng, đó là điên đảo! Chủ nhân là chính mình! Tâm và Tâm Sở phải nên để cho ta sử dụng, chẳng phải là chúa tể của ta. Do đó, Bồ Tát cũng dùng những thứ ấy. Chẳng dùng đến những thứ ấy, làm sao có thể giáo hóa chúng sanh? Ngài phải dùng những thứ ấy để giáo hóa chúng sanh, tức là biến nhiều thứ như vậy thành Hậu Đắc Trí. Chính mình có Căn Bản Trí, Căn Bản Trí làm chủ tể, khiến cho hết thảy đều trở thành cái để ta sử dụng. Phàm phu chẳng có Căn Bản Trí, rất đáng thương, Chân Như bổn tánh của chính mình bị vọng cảnh xoay chuyển, chính mình chẳng thể làm chủ trong cảnh giới, rất đáng thương! Ở đây nói đến Trừ, phần sau nói đến Xả, đều là đã giác.
(Diễn) Nhược Tín đẳng Ngũ Căn.
(演) 若信等五根。
(Diễn: Như Ngũ Căn: Tín v.v…).
Ngũ Căn là Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần, cho đến lục độ, vạn hạnh do Bồ Tát tu, mười đại nguyện vương, những thứ ấy là thiện căn chân chánh, cũng có thể nói là Tánh Đức, tức là Tánh Đức trong Chân Như bổn tánh. Nếu chúng ta không bàn về Phật pháp, mà nói theo pháp thế gian thì nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, hiếu thảo cha mẹ, tôn trọng thầy, luân thường, bát đức chính là Tánh Đức. Chúng là thật, chẳng phải là hư vọng. Thể của chúng là chân tánh, chẳng như những thứ kể trong phần trước (Kiến Tư phiền não), Thể của chúng là hư ngụy. Những thứ được nói ở đây do Tánh Đức biểu lộ. Nay chúng ta mê mất tự tánh, Thể là chân thật, nhưng chúng ta coi thường nó, thường làm chuyện trái nghịch nó, [chẳng hạn như] bất hiếu với cha mẹ, bất kính sư trưởng, bất nhân, bất nghĩa, đó là vi phạm Tánh Đức. Làm chuyện tham, sân, si, mạn, tương ứng với hết thảy các pháp hư ngụy và phiền não, nên mới tạo tác lục đạo luân hồi. Phật, Bồ Tát và phàm phu sai biệt ở chỗ này. Trừ điều này ra, có gì khác biệt? Phàm phu mặc quần áo, ăn cơm, Phật, Bồ Tát cũng phải mặc quần áo, ăn cơm, chẳng khác gì nhau! Phàm phu có xã giao, phải đãi người, tiếp vật, Phật, Bồ Tát cũng phải xã giao! Thị hiện trong thế gian này, há có gì khác biệt? Khác biệt ở chỗ dụng tâm khác nhau! Một đằng là tư tưởng, kiến giải, hành trì tương ứng với chân tánh; một đằng là tư tưởng, kiến giải, hành trì tương ứng với Kiến Tư phiền não. Một đằng giác, một đằng mê! Đó là điểm khác nhau.
(Diễn) Nhược Tín đẳng Ngũ Căn, cập phát túc thế thiện căn, nãi xuất thế chân chánh thiện căn, nhược diệc đoạn trừ, thác mậu phi tiểu. Cố tu giác liễu chân ngụy, vật thác mậu cố.
(演) 若信等五根,及發宿世善根,乃出世真正善根,若亦斷除,錯謬非小,故須覺了真偽,勿錯謬故。
(Diễn: Như Ngũ Căn: Tín v.v… và các thiện căn đã phát trong đời trước chính là thiện căn xuất thế chân chánh, nếu cũng đoạn trừ chúng thì sai lầm chẳng nhỏ vậy. Vì thế, cần phải giác ngộ, hiểu rõ chân, ngụy, đừng lầm lẫn).
Biện định chân giả từ chỗ nào? Biện định từ Thể của nó. Thể của nó là chân tánh thì là thật. Hết thảy phải thuận tánh. Thể của nó là hư ngụy, chắc chắn là giả, chắc chắn chẳng cần ghim nó trong lòng. Tiêu chuẩn để lấy, bỏ, đoạn trừ là ở nơi đây.
(Sao) Ngũ Xả giả, xả sở kiến niệm trước chi cảnh thời, thiện năng giác liễu thủ xả hư ngụy, vĩnh bất truy ức cố.
(鈔) 五捨者,捨所見念著之境時,善能覺了取捨虛偽,永不追憶故。
(Sao: Năm là khi xả cảnh đã thấy hoặc nghĩ tới, có thể khéo giác ngộ, hiểu rõ lấy và bỏ là hư ngụy, vĩnh viễn chẳng nhớ lại).
Trong câu này, đã định nghĩa rất rõ ràng Trừ và Xả. Trừ là trừ nơi Năng (chủ thể), còn Xả là xả Sở (nơi đối tượng). Trừ là đoạn trừ phiền não của chính mình, Xả là chẳng chấp trước cảnh bên ngoài. Trừ là đối với Tâm (tám thức) và Tâm Sở trong nội tâm, tức là chẳng chấp trước tám thức và năm mươi mốt Tâm Sở, nên gọi là Trừ, [tức là] đoạn trừ. Xả là ứng với cảnh giới bên ngoài, đối với ngũ dục, lục trần, chẳng chấp trước ngoại cảnh. Một đằng nói theo phía Năng, một đằng nói theo phía Sở.
“Xả sở kiến niệm trước chi cảnh” (Xả cảnh đã thấy hoặc nghĩ tới), đừng nghĩ, đừng chấp trước những cảnh giới ấy, cũng đừng để nó trong lòng. Cảnh giới hiện tiền, hiểu rõ ràng, có thụ dụng hay không? Có thụ dụng. Sau khi cảnh giới đã qua, [tâm ta] sạch làu làu, giống như một tấm gương, quyết chẳng nhiễm mảy trần. Đó là đúng, tâm chớ nên nhiễm trước. Nói thông tục hơn một chút, nhiễm trước là vướng mắc. Trong tâm vẫn còn vướng mắc, không được rồi! Có người nói: Nếu chẳng vướng mắc, người ấy giống như kẻ tuyệt tình thiếu nghĩa! Nói thật ra, họ đã sai lầm! Hãy nên biết: Tâm chẳng có vướng mắc thì tâm quý vị là quang minh, thấy thấu suốt cảnh giới, đâm ra lại là quan tâm thật sự, vì bất luận người ấy ở chỗ nào, quý vị luôn nhận biết rõ ràng, rành rẽ, [nên sẽ dễ dàng quan tâm, chiếu cố]. Còn hễ quý vị vướng mắc, tâm bèn mê, khi muốn chiếu cố [kẻ khác] thì năng lực đã mất rồi! Đối với hết thảy chúng sanh, Phật, Bồ Tát chẳng vướng mắc, nên hết thảy chúng sanh khởi tâm động niệm các Ngài đều biết. Nếu Phật, Bồ Tát cũng vướng mắc giống như chúng ta, sẽ là chuyện gì cũng chẳng biết! Bày ra ngay trước mặt vẫn mê hoặc, điên đảo, tâm không thanh tịnh!
Chuyện này nói dễ dàng, làm khó khăn! Quý vị có thể chẳng vướng mắc hay không? Vì sao chẳng thể buông xuống được? Nói thật ra là do chúng ta sử dụng phương thức mê hoặc, điên đảo; từ vô lượng kiếp cho tới hiện thời, dùng mãi thành thói quen, xả cũng chẳng xả được! Hiểu rõ như thế là không đúng, là sai lầm, muốn sửa đổi, nhưng chẳng đổi được! Tập khí dấy lên hiện hành, làm như thế nào? Pháp môn này hay lắm, pháp môn này được gọi là “phương tiện bậc nhất”, vẫn sử dụng vướng mắc, nhưng chẳng cần vướng mắc điều gì khác! Vương vấn A Di Đà Phật, bận lòng nơi kinh Vô Lượng Thọ. Chuyển đổi tập khí của quý vị, thay đổi phương hướng, mục tiêu. Quý vị vướng mắc như thế đó, vẫn y như cũ sử dụng vướng mắc, thưa cùng quý vị, đó gọi là “đới nghiệp vãng sanh”, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Nếu đã giác ngộ, ta cũng chẳng vướng mắc điều ấy, tốt lắm, quý vị sanh trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Như vậy là vướng mắc mà vẫn có thể vãng sanh, hay lắm, khó có! Các pháp môn khác trong tám vạn bốn ngàn pháp môn chẳng có [chuyện này], chỉ riêng pháp môn Tịnh Độ là có, nên đối với pháp môn Tịnh Độ, ai nấy đều có thể tu thành công là do đạo lý này. Thế nhưng quý vị phải thay đổi phương hướng và mục tiêu vướng mắc thì mới được. Nếu chẳng thay đổi, bụng dạ vừa vướng mắc pháp thế gian, lại còn vướng mắc những pháp môn khác, lại vừa niệm Phật cầu vãng sanh, sẽ chẳng thực hiện được, đời này chẳng thể thành công, sẽ giống như trong phần trước đã nói là “vẫn giống như giải đãi”, quý vị chẳng đạt được kết quả. Vì thế, phải thật sự chuyển, không chuyển thì chẳng được! Phải thời thời khắc khắc cảnh giác. Nghe kinh là cảnh giác, nhắc nhở quý vị; ba ngày không được nhắc nhở bèn quên tuốt, bệnh cũ lại tái phát, phải thời thời khắc khắc cảnh tỉnh!
(Diễn) Ký dĩ trừ chư kiến phiền não, tắc danh “xả sở kiến cảnh, xả sở niệm trước cảnh thời”. Nhiên xả, nãi đối thủ nhi ngôn, thủ ký hư ngụy, xả khởi đắc chân? Tịnh xả diệc xả, phất linh truy ức cố.
(演) 既以除諸見煩惱,則名捨所見境捨所念著境時。然捨,乃對取而言,取既虛偽,捨豈得真。並捨亦捨,弗令追憶故。
(Diễn: Đã trừ các kiến phiền não thì gọi là “khi trừ các cảnh đã thấy, đã niệm”. Nhưng Xả (bỏ) là nói tương phản với Thủ (lấy). Thủ đã là hư ngụy, há Xả là thật được sao? Ngay cả Xả cũng xả luôn, chẳng khiến cho nhớ lại).
“Phất” (弗) là chẳng. Chẳng cần nhớ lại nữa; đấy mới là thật sự Xả. Nếu còn nhớ lại, rất phiền phức! Hễ “truy ức” (nhớ tưởng, hồi tưởng) bèn hối hận, Hối (悔) cũng là phiền não. Mỗi lần quý vị nhớ lại chuyện quá khứ, ấn tượng lại được thêm vào A Lại Da Thức một lần. Ấn tượng tăng thêm một lần, nghiệp lực lại sâu hơn một tầng. Khi lâm chung, nghiệp lực mạnh mẽ, to lớn, sẽ bị nghiệp lực dẫn dắt đi đầu thai, luân hồi. Vì thế, đức Phật dạy chúng ta, chuyện quá khứ đều là hư vọng, đừng nên nhớ lại để rồi áo não, chớ nên hồi tưởng. Chuyện vị lai còn chưa xảy đến, chẳng cần phải nghĩ đến. Chuyện quá khứ đã qua, cũng chẳng cần nghĩ đến, tâm quý vị liền thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là Chân Như bổn tánh của chính mình, tâm thanh tịnh là chân tâm. Niệm Phật như vậy mới là một niệm tương ứng, niệm niệm tương ứng. Tương lai tự có phước đức, nhân duyên, chẳng cần phải lo nghĩ cho nhiều! Nếu nghĩ tương lai phải làm như thế nào ư? Quý vị lo nghĩ, vô dụng! Đó là dấy vọng tưởng, há vọng tưởng có thể giải quyết vấn đề ư? Dùng phương pháp gì để giải quyết vấn đề? Hiện tiền tu đức, tức là tu thiện, tích đức [trong hiện tại], tương lai tự nhiên có quả báo tốt đẹp. Hiện thời chẳng tu thiện, không tích đức, mong tương lai như thế này, như thế nọ, toàn là vọng tưởng, chuyện tương lai có đúng như quý vị dự liệu hay không? Có đúng như quý vị tưởng tượng hay không? Đó là chuyện chẳng thể có, chẳng có cách nào dự liệu! Người thông minh đến mấy đi nữa trong thế gian cũng chẳng có cách nào dự liệu!
Xưa kia, người có học vấn còn có thể dự đoán tương lai; trong hiện thời, người có học vấn cũng chẳng có cách nào dự liệu tương lai. Người thuở trước dựa vào đâu để dự đoán? Dựa vào trật tự xã hội tuân theo quy củ thường hằng, mọi người đều có thể tuân thủ, nên “tuy trăm năm vẫn có thể biết”. Tại Trung Quốc, từ nhà Hán trở đi, quốc gia thi hành giáo dục Khổng Mạnh, lấy giáo huấn của Khổng Mạnh làm chuẩn mực cho tư tưởng, kiến giải và hành vi của dân chúng trong cả nước, trên từ đế vương, dưới đến thường dân. Tuy có khác biệt đôi chút, nhưng nói chung chẳng rời khỏi khuôn khổ cho mấy! Vì thế, tuy trăm đời vẫn có thể biết. Mọi người tuân thủ quy tắc thường hằng ấy. Hiện thời đả đảo tiệm buôn họ Khổng[1], Phật pháp cũng chẳng cần đến, vứt bỏ toàn bộ giáo huấn của thánh nhân, người có học vấn cũng chẳng biết chuyện ngày mai, cũng chẳng thể dự liệu được. Vì sao? Chẳng có tiêu chuẩn để có thể dùng làm căn cứ dự đoán, chẳng có cách nào suy lường trước được! Thiên hạ đại loạn. Xã hội hiện thời là xã hội mất trật tự, trật tự chệch choạc; mất trật tự chỉ là thấy đôi chút bên ngoài; nhìn sâu hơn, đã chẳng có trật tự thì còn mất trật tự ở chỗ nào? Mất trật tự thì phải có trật tự mới chệch choạc được. Chẳng có, còn mất ở chỗ nào nữa đây?
Giống như trong quá khứ, có rất nhiều người đến hỏi tôi: “Người già qua đời, nên dùng lễ tiết như thế nào?” Đối với tang lễ và tế lễ, hiện thời chẳng có lễ, quý vị thích làm như thế nào bèn làm như thế ấy! Chẳng có lễ, làm sao quý vị có thể nói là hợp lễ hay không? Hợp lễ hay không thì phải có lễ mới có thể nói “điều này hợp lễ, điều kia chẳng hợp lễ”. Hiện thời chẳng có lễ, hợp lễ hay không đều chẳng nói được! Do đó, tại Đài Loan có các đồng bào, khi người già qua đời, vẫn mặc sô gai, đó là lễ tiết từ đời Thanh. Có những người mặc áo dài đen, đó là lễ tiết của Cơ Đốc Giáo ngoại quốc. Trung Quốc có lễ tiết hay không? Chẳng có! Nói thật thà, sau khi nhà Thanh vong quốc, lễ nghi Trung Quốc đã bị quên mất. Nói thật ra, chuyện đáng tiếc nuối nhất trong thời Dân Quốc là chẳng thể chế định lễ nhạc. Trong lịch sử Trung Quốc, quý vị đọc hai mươi lăm bộ sử, [sẽ thấy] bất cứ triều đại nào, sau khi chánh quyền thành lập, sau khi thống nhất quốc gia, trong vòng năm năm, chắc chắn hoạch định lễ nhạc, khiến cho toàn thể xã hội khôi phục trật tự bình thường, người trong cả nước, bất cứ ai, chẳng phân biệt là sang hay hèn, ắt đều phải tuân thủ.
Cổ đức chế định lễ nhạc, dựa trên điều gì? Hết sức gần gũi với những điều được nói trong Phật pháp: Dựa vào Tánh Đức! Nói cách khác, lễ nhạc đều nhằm phát huy, hoằng dương Tánh Đức. Công tác này được khởi sự bởi Khổng lão phu tử. Cống hiến vĩ đại nhất của Khổng lão phu tử đối Trung Quốc là san định thi thư. Khổng lão phu tử không cầm quyền, đương nhiên chẳng thể chế định lễ nhạc. Chế định lễ nhạc phải là người đang cầm quyền. Người chế định lễ nhạc là Châu Công, vị này rất giỏi. Châu Công là đại thánh nhân, một vị là thánh nhân cầm quyền, vị kia là thánh nhân chẳng cầm quyền; nhưng Khổng lão phu tử dùng thân phận vô địa vị, đã có cống hiến lớn nhất trong việc truyền bá lễ nhạc và giáo học lễ nhạc. Châu Công chế định, Khổng Tử hoằng dương, lưu thông. Nhất là Khổng Tử chu du liệt quốc, dạy học khắp nơi, ảnh hưởng không chỉ trong một nước. Do thuở ấy, quốc gia chưa thống nhất, nhưng Ngài dạy học hết sức rộng khắp. Nói thật ra, chế độ [lễ nhạc] của Châu Công được phổ biến toàn quốc nhờ vào công sức tuyên dương mạnh mẽ của Khổng Tử. Đức lớn thật sự của Khổng lão phu tử là tuyên dương thánh giáo. Nếu thánh giáo chẳng thể phổ biến tuyên dương, sẽ chẳng thể phổ biến lợi ích chúng sanh. Dẫu tốt đẹp đến mấy, chỉ lợi ích mấy người, chỉ có phạm vi trong một khu vực rất nhỏ, chẳng thể phổ cập hết thảy chúng sanh.
Sở dĩ Thích Ca Mâu Ni Phật vĩ đại, là vì thuở sanh tiền, lão nhân gia chưa từng có lúc nghỉ ngơi. Trong toàn cõi Ấn Độ, địa bàn Ấn Độ khá lớn, từ kinh điển, chúng ta thấy Thích Ca Mâu Ni Phật phía Bắc từ núi Hỷ Mã Lạp Nhã (Himalayas), phía Nam cho đến đảo Tích Lan (Sri Lanka), tại các thành thị nổi tiếng của Ấn Độ, đức Phật đều giảng kinh nơi ấy, đúng là phổ biến giáo hóa. Sau khi đức Phật diệt độ, các đệ tử của Ngài lại truyền bá Phật pháp khắp thế giới, đó là công đức chân thật. Chúng ta phải nên biết điều này, phải nên phỏng theo. Nay chúng ta được lợi ích nơi Phật pháp, phải dùng phương pháp nào khiến cho hết thảy chúng sanh cùng được hưởng lợi ích!
(Sao) Lục Định giả, phát chư Thiền Định thời, thiện năng giác liễu chư Thiền hư giả, bất sanh kiến ái cố.
(鈔) 六定者,發諸禪定時,善能覺了諸禪虛假,不生見愛故。
(Sao: Sáu là Định, khi phát khởi các Thiền Định, có thể khéo giác ngộ, hiểu rõ các môn Thiền là hư giả, chẳng sanh lòng yêu thích).
Tu hành, bất luận là chánh pháp hay tà pháp, là Phật đạo hay ngoại đạo, đều có thể đắc định. “Định” là chuyên tâm, pháp thế gian và xuất thế gian pháp đều có Thiền Định. Đã đắc định, quả thật đều có thể khai trí huệ. Thiền Định thế gian sẽ sanh trí huệ thế gian; Thiền Định xuất thế gian sẽ sanh trí huệ xuất thế gian. Pháp thế gian và xuất thế gian đều coi trọng Định. Quý vị có thể bỏ sạch năng kiến và sở kiến, tâm đã thanh tịnh, rất dễ đắc định, định cảnh sẽ hiện tiền.
(Diễn) Ký xả sở kiến chi cảnh, tắc năng phát chư Thiền Định.
(演) 既捨所見之境,則能發諸禪定。
(Diễn: Đã có thể bỏ cảnh trông thấy, sẽ có thể phát sanh các Thiền Định).
“Chư” (諸) là nhiều thứ. Chủng loại Thiền Định rất nhiều.
(Diễn) Nhiên Thiền duyệt tư thần, năng sanh ái trước.
(演) 然禪悅資神,能生愛著。
(Diễn: Nhưng do niềm vui Thiền Định có thể bồi bổ tinh thần, nên [hành giả] có thể sanh lòng mê đắm).
“Tư” là tư dưỡng (資養: vun bồi, bồi đắp), “thần” (神) là tinh thần. Người có công phu Thiền Định chẳng cần ăn uống, chẳng cần ngủ nghỉ, tinh thần no đủ, Thiền Duyệt làm thức ăn mà! Vì thế, để vun đắp, bồi bổ thân thể, thứ gì bổ nhất? Thiền Định bổ nhất. Bất cứ thuốc bổ nào trong thế gian đều chẳng sánh bằng Thiền Định và tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh không chỉ bảo đảm quý vị trăm bệnh chẳng sanh, mà còn là tinh thần no đủ, giữ mãi tuổi xuân, trường sanh bất lão, quý vị thấy tốt đẹp lắm! Nhưng người ta hễ đạt cảnh giới ấy bèn tham ái; hễ tham đắm Thiền Định thì sai mất rồi, vì sao? Tham đắm Thiền Định thì Định chẳng thể phát huy, công phu định lực chẳng thể tiến triển cao hơn nữa. Vì thế, đức Phật đặc biệt nhắc nhở chúng ta: Quyết định chớ nên tham đắm!
(Diễn) Cố tu giác liễu Thiền Định hư ngụy. Dĩ định, đối động nhi hữu, động ký thị vọng, định khởi thị chân? Vật sanh đam nhạo cố.
(演) 故須覺了禪定虛偽。以定,對動而有,動既是妄,定豈是真,勿生耽樂故。
(Diễn: Vì thế, cần phải giác ngộ, hiểu rõ Thiền Định là hư ngụy. Vì Định tương ứng với động mà có. Động đã là vọng, há Định là thật? Do đó, chớ sanh ưa đắm).
Thiền Định là chân lạc! Sự thụ dụng, niềm vui ấy, bất cứ sự vui sướng nào do hưởng thụ trong thế gian đều chẳng thể sánh bằng! Nhưng sự vui sướng ấy vẫn chẳng phải là thật, vì sao? Chưa kiến tánh! Bao nhiêu người tu hành đạt đến cảnh giới ấy liền chấp trước vào chỗ này, nên công phu chẳng thể tiến triển, vẫn biến thành giải đãi, đọa lạc, cho nên phải xả! Trong chương Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm đã nói về “lục kết, tam không”[2], [lục kết] là Động, Tĩnh, Căn, Giác, Không, Diệt; Định là điều thứ hai (tức Tĩnh). Trong sáu tầng lầu, mới lên được tầng thứ hai, người ấy đã rất thỏa ý, liền tham đắm. Giải khai Lục Kết mới là địa vị Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, phá một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh, thật sự chẳng dễ dàng! Trong pháp môn Niệm Phật, Lục Kết đều giải khai thì mới là Lý nhất tâm bất loạn. Bắt đầu từ Định, [tức là] Định, Căn, Giác, Không, Diệt, khi Diệt chưa phá thì đều gọi là Sự nhất tâm bất loạn. Nếu nói miễn cưỡng, Định là Tĩnh, Tĩnh thuộc về công phu thành phiến. Tu các pháp môn khác, cảnh giới ấy chẳng có tác dụng, không thoát khỏi tam giới.
Dẫu cho Tứ Thiền, Bát Định đã đạt đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên, vẫn đều là Thiền Định thế gian, chẳng thể đột phá, rất khó thành tựu. Người có công phu định lực sâu, có thể hễ ngồi xếp bằng bèn ngồi hai tuần hoặc ba tuần chẳng xuất định, thậm chí ngồi đến hai, ba tháng; công phu càng sâu hơn có thể ngồi hai ba năm chẳng xuất định. Hữu dụng hay không? Chẳng thoát khỏi tam giới. Nếu là người tu pháp môn Tịnh Độ, có công phu như vậy, quyết định vãng sanh! Pháp môn này thù thắng. Trong pháp môn này, nếu đắc định, sẽ là công phu thành phiến. Quý vị có thể bỏ hết thảy động thái, tâm bèn đạt được thanh tịnh. Vì thế, bảo quý vị chớ nên chấp trước. Chẳng chấp trước, cảnh giới của quý vị có thể tăng lên không ngừng, nhất định sẽ tăng cao đến mức toàn bộ sáu kết giải khai. “Sanh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền” (Sanh diệt đã diệt, tịch diệt hiện tiền), kinh Lăng Nghiêm nói như vậy. Tịch diệt hiện tiền là Định gì? Đó là Tánh Định xuất hiện, là chân thật. Trước khi diệt hết sanh diệt, định của quý vị không thoát khỏi phạm vi của A Lại Da và thức thứ sáu là ý thức, Định ấy chẳng phải là thật.
Ở đây nói: “Động ký thị vọng, định khởi thị chân” (Động đã là vọng, há định là thật?). Định chẳng phải là thật, đương nhiên định ấy thuộc về Lục Kết đã nói trong kinh Lăng Nghiêm, tức là Tĩnh, Căn, Giác, Không, Diệt, nói một chữ Định đã bao gồm trọn hết. Kinh Lăng Nghiêm nói cặn kẽ, nói ra năm chữ. Đấy là công phu Định cạn hay sâu, nhưng thảy đều ở trong tâm ý thức, chẳng phải là bổn tánh, nên nó chẳng phải là thật. Đến khi “sanh diệt đã diệt, tịch diệt hiện tiền”, sẽ là tánh định, đó là thật, Thể của nó là Chân Như, Thể là tự tánh. Còn Thể [của Định trước khi “sanh diệt đã diệt”] là tám thức, là thức thứ sáu tức ý thức, nên chẳng phải là thật. Nói thật ra, những điều này khá vi tế, cũng chính là tiêu chuẩn như đã nói trong phần trước: Hễ tương ứng với chân tánh, [những gì mà] Thể [của chúng] là chân tánh, [thì sẽ là] Tánh Đức, đó là chân. [Những gì mà] Thể [của chúng] chẳng phải là Tánh Đức thì đều là hư vọng. Hư vọng thì đương nhiên phải xả, đương nhiên chớ nên chấp trước.
(Sao) Thất niệm giả, tu xuất thế đạo thời, thiện năng giác liễu, thường sử Định Huệ quân bình.
(鈔) 七念者,修出世道時,善能覺了,常使定慧均平。
(Sao: Bảy là Niệm, khi tu đạo xuất thế, có thể khéo giác ngộ, hiểu rõ, thường khiến cho Định và Huệ quân bình).
“Niệm” có nghĩa là Định và Huệ giữ cân bằng, Định và Huệ phải bình đẳng. Bất bình đẳng sẽ mắc khuyết điểm gì?
(Sao) Nhược tâm trầm một, đương niệm dụng Trạch, Tấn, Hỷ tam chi, sát nhi khởi chi.
(鈔) 若心沈沒,當念用擇進喜三支,察而起之。
(Sao: Nếu tâm chìm đắm, hãy nên nghĩ dùng ba giác chi là Trạch Pháp, Tinh Tấn, và Hỷ để soi xét, khiến cho cái tâm phấn chấn).
Nay chúng ta gọi “trầm một” (沈沒) là hôn trầm, tinh thần chẳng thể phấn chấn nổi, muốn dụng công nhưng ngủ gật. Trong Phật Thất, điều này dễ thấy nhất. Vừa chỉ tĩnh, rất nhiều người liền ngủ gục, thậm chí ngáy o o, đó là hôn trầm. Thông thường, chúng ta công phu chẳng thể đắc lực là do hai căn bệnh lớn: Một là vọng niệm rất nhiều; hai là chẳng có vọng niệm, nhưng ngủ gục. Kinh hành thì vừa đi vừa ngủ gật, thậm chí khi lạy Phật, họ cũng ngủ gật. Khi lạy xuống, gần cả buổi chẳng đứng lên, người ấy đang ngủ ở đó, ngủ một chốc, bừng tỉnh mới lồm cồm bò dậy. Hôn trầm là bệnh. Quý vị dùng Trạch Pháp để tuyển chọn một phương pháp khác. Ví dụ như ngồi một chỗ bị hôn trầm, ta đứng dậy lễ Phật, hoặc là đứng dậy kinh hành. Kinh hành chầm chậm vẫn không được, phải đi nhanh. Tấn là tiến lên, chẳng lùi. Hỷ là pháp hỷ sung mãn, vì hễ có pháp hỷ, bèn lên tinh thần. Chẳng có pháp hỷ, tinh thần chẳng thể nào phấn khởi được! Dùng ba phương pháp ấy có thể xóa sạch hôn trầm, [lời Sao ở đây] dạy cho chúng ta phương pháp sử dụng [nhằm khắc phục hôn trầm]. Vì thế, Trạch Pháp, pháp rất nhiều, pháp nào có thể đối trị căn bệnh hiện tiền của chúng liền ngay lập tức chọn lấy.
Do vậy, tu hành, đại chúng cùng nhau cộng tu, nếu dùng nghi thức cộng tu sẽ rất khó khăn, vì sao? Mỗi cá nhân, nhất là cộng tu trong Phật môn, tuổi tác khác nhau, tình trạng thân thể khác nhau. Lạy Phật thì người trẻ tuổi thể lực tốt, thích lạy mau, lạy nhiều; người lớn tuổi lạy một lạy phải mất một lúc lâu, làm sao có thể theo kịp được? Vì thế, chúng tôi mới suy nghĩ một phương pháp, tuy cùng nhau cộng tu, nhưng là mỗi cá nhân tu, cách này cũng rất tự tại. Lạy Phật không cần gõ dẫn khánh, mỗi người tự lạy. Quý vị thích lạy mau thì lạy mau, quý vị thích lạy chậm liền lạy chậm, mọi người chẳng cần lạy chung với nhau. Khi cùng nhau lạy theo tiếng dẫn khánh, người lạy mau sẽ hiềm quá chậm, người lạy chậm sẽ ngại quá nhanh, trong tâm dấy lên phiền não. Do đó, ở nước ngoài, chúng tôi đề xướng niệm Phật, chỉ đề xướng cùng dùng một thứ thanh điệu để niệm Phật, còn kinh hành nhanh hay chậm, thời gian chỉ tĩnh dài hay ngắn, lạy Phật nhanh hay chậm, tùy ý mỗi cá nhân, chúng tôi nhất loạt chẳng dùng pháp khí. Do đó, mỗi cá nhân đều hoan hỷ, vui vẻ, chẳng bị bó buộc.
Tôi vốn nghĩ phương pháp này do chính mình nghĩ ra; về sau, đọc sách của cổ nhân, thấy vị tổ thứ mười của Tịnh Tông là Hành Sách đại sư đã áp dụng cách này. Ngài Hành Sách là người sống trong niên hiệu Càn Long nhà Thanh. Phương pháp ấy hết sức thích hợp cho người hiện thời tu học. Người hiện thời công việc bận bịu, thời gian để cho người ta thật sự tu hành chẳng dài. Nếu có rất nhiều nghi thức, rất nhiều bó buộc, chúng ta cảm thấy rất bất tiện. Vì thế, pháp môn phải xem xét nhân tố trong hoàn cảnh hiện thực, phải nên dùng phương pháp gì khiến cho thân tâm của chúng ta tự tại, thật sự đạt được pháp hỷ; đó là căn cứ để chúng ta chọn lựa.
(Sao) Nhược tâm phù động.
(鈔) 若心浮動。
(Sao: Nếu tâm chao động).
“Phù động” là vọng niệm quá nhiều. Không niệm Phật, chẳng có vọng niệm; càng niệm, vọng niệm càng nhiều. Đó cũng là chuyện phiền toái.
(Sao) Đương niệm dụng Trừ, Xả, Định tam chi, nhiếp nhi phục chi, niệm niệm điều hòa, sử trung thích cố.
(鈔) 當念用除捨定三支,攝而伏之,念念調和,使中適故。
(Sao: Hãy nên nghĩ dùng ba giác chi là Trừ, Xả, và Định để nhiếp phục, niệm niệm điều hòa, sao cho vừa phải, thích đáng).
Huệ nhiều, Định ít! Huệ nhiều là vọng niệm, phân biệt là huệ, chẳng phân biệt là Định. Định và Huệ phải cân bằng thì công phu cũng rất đúng nề nếp, lệch về bên nào sẽ đều không được. Huệ nhiều hơn Định là dấy vọng tưởng, vọng tưởng rất nhiều. Định nhiều hơn Huệ bèn buồn ngủ, tinh thần không thể phấn chấn nổi. Đây là hai căn bệnh thường thấy nhất, rất nhiều đồng học mắc phải. Mắc phải cũng đừng sợ. Từ xưa tới nay, vào thời Thích Ca Mâu Ni Phật, các đệ tử cũng như vậy. Vấn đề là bản thân chúng ta phải biết điều hòa cái tâm. Ví như trong lúc hôn trầm, kinh hành hoặc lạy Phật là phương pháp, còn có một phương pháp nữa là lớn tiếng niệm Phật. Khi vọng niệm nhiều, ắt phải dùng công phu Định, hoặc là niệm Phật. Chúng ta thường nói là “truy đảnh niệm Phật”, có thể niệm Phật hiệu với tốc độ nhanh hơn. Câu này nối tiếp câu kia, khiến cho vọng niệm chẳng dễ dàng dấy lên; những cách ấy đều là phương pháp. Đối với các loại phương pháp, chính mình có thể thí nghiệm một phen, phương pháp nào hữu hiệu, liền vận dụng phương pháp đó. Vì thế, Niệm là điều chỉnh công phu tu học chúng ta, chọn lựa phương pháp là đối với bảy loại trước đó, dùng một loại cũng được, dùng hai loại cũng được, dùng ba loại cũng được. Dùng hai loại đồng thời cũng được, dùng ba loại đồng thời đều có thể. Đức Phật nêu ra nguyên tắc cho quý vị tham khảo, khiến cho chúng ta trong khi dụng công chẳng đến nỗi hôn trầm, chẳng đến nỗi trạo cử. Hôm nay chúng tôi giảng đến chỗ này!
[1] Đây là một khẩu hiệu dùng trong phong trào vận động Ngũ Tứ đầu thời Dân Quốc, với chủ trương xóa sạch những tư tưởng cũ, phong kiến, hủ bại. Các lãnh tụ thời ấy như Trần Độc Tú, Hồ Thích v.v… đã cổ xúy ý tưởng phế bỏ toàn bộ học thuyết Nho, Thích, Đạo trong xã hội Trung Hoa. “Đả đảo tiệm buôn họ Khổng” tức là phế bỏ toàn bộ kinh điển Nho gia trong học đường, đóng cửa các văn miếu, văn chỉ tại các địa phương, biến chùa chiền, miếu thờ, đạo quán thành trường học, tịch thu tài sản của các miếu thờ, tự viện v.v…
[2] Tam Không là Nhân Không, Pháp Không và Nhân Pháp Câu Không (nhân và pháp đều không).