#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 01-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 262
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm hai mươi tám:
(Kinh) Thuyết thành thật ngôn, nhữ đẳng chúng sanh, đương tín thị Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh.
(經)說誠實言。汝等眾生。當信是稱讚不可思議功德一切諸佛所護念經。
(Kinh: Nói lời thành thật: “Chúng sanh các ngươi hãy nên tin kinh Khen Ngợi Công Đức Chẳng Thể Nghĩ Bàn Được Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm này”).
Đến phần kinh văn này, đức Phật đã nêu ra tựa đề của kinh, tức là tên gọi nguyên thủy của bộ kinh này. Kinh có tựa đề là Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh. Khi Cưu Ma La Thập đại sư phiên dịch, Ngài đã trực tiếp dùng danh hiệu A Di Đà Phật làm tựa đề kinh, chẳng dùng tựa đề do đức Phật đã nói trong kinh. Đấy chính là bi tâm đặc biệt của La Thập đại sư, vì câu Phật hiệu này, nói thật ra, chính là công đức khôn sánh, công đức vô lượng. Câu danh hiệu ấy nghe lọt vào tai, kinh thường nói là “nhất lịch nhĩ căn, vĩnh vi đạo chủng” (vừa lọt qua tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo). Bất cứ lợi ích thế gian và xuất thế gian nào cũng đều chẳng thể sánh bằng! Vì thế, lão nhân gia dùng Phật hiệu làm tựa đề kinh, hy vọng mọi người thường niệm, thường thấy, một phen khổ tâm như vậy. Ở đây, đức Phật đã nói ra tựa đề kinh thật sự. “Xưng Tán” (稱讚): Ai xưng tán (khen ngợi)? Mười phương ba đời hết thảy chư Phật xưng tán. Đức Phật hiện tướng lưỡi rộng dài, che khắp tam thiên đại thiên thế giới để chứng minh: Lời Phật xưng tán là chân thật. “Thuyết thành thật ngôn”: Hết thảy chư Phật đều nói với chúng ta lời thành thật nhất. Tiếp đó, khuyên chúng ta: “Nhữ đẳng chúng sanh, đương tín thị” (Chúng sanh các ngươi hãy nên tin tưởng điều này), quý vị phải nên tin tưởng. Một vị Phật khuyên, quý vị chẳng tin, điều ấy có thể tha thứ được. Hết thảy chư Phật đều khuyên, chẳng có một vị Phật nào không khuyên, mà quý vị vẫn chẳng thể tin tưởng, vẫn chẳng thể tiếp nhận, đó là một kẻ Nhất Xiển Đề thật sự như trong kinh Phật đã nói. Nhất Xiển Đề là “chẳng có thiện căn”.
Trong đoạn kinh văn này, có sáu lượt khuyến cáo như vậy. Mỗi phương Phật đều khuyên chúng ta như thế. Trong kinh này, đức Thế Tôn khuyên chúng ta hãy nên phát nguyện vãng sanh cõi ấy, khuyên ba lượt. Vì thế, xem cẩn thận phần kinh văn này, [sẽ thấy] đức Phật đã chí thành, khẩn thiết khuyên lơn, khích lệ chúng ta hơn mười lần. Một bộ kinh ngắn như vậy, [thế mà] khuyên lơn khích lệ nhiều lượt như thế, nếu chẳng phải là do pháp môn này thù thắng bậc nhất, cớ sao đức Phật phải làm như thế? Chư Phật Như Lai đối với chúng ta từ bi như thế nào, ân đức rốt cuộc to tát cỡ nào? Nếu quý vị thật sự lãnh hội kinh Di Đà, sẽ hiểu rõ: Ân đức ấy quá lớn, giống như trong kinh đã nói là “chẳng thể nghĩ bàn”. Đã thật sự hiểu rõ, hiểu rành rẽ, lẽ đâu chẳng tin tưởng? Há có lẽ nào chẳng cầu nguyện vãng sanh? Nhân duyên này thù thắng khôn sánh; kinh dạy: “Chẳng thể do chút thiện căn, phước đức, nhân duyên, mà được sanh về cõi ấy” chính là nói đến nhân duyên này! Trong hết thảy các kinh luận, hết thảy các pháp môn, trước nay chưa từng thấy mười phương ba đời hết thảy chư Phật đều đến khuyên dạy chúng ta, chỉ thấy trong kinh này! Lại thấy trong kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ và kinh này cùng một loại, cổ nhân gọi là Đại Bổn và Tiểu Bổn, chúng ta ắt cần phải hiểu rõ điều này! Tịnh Tông Tam Kinh, ba kinh ấy có cùng một Thể, kinh Vô Lượng Thọ là căn bản. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nhằm giảng rõ, bổ sung tỉ mỉ hơn phương pháp tu hành trong kinh Vô Lượng Thọ. Vì thế, trọng điểm của kinh ấy là nói về phương pháp niệm Phật: Quán Tưởng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật, Trì Danh Niệm Phật. Lại còn nói cặn kẽ nhân quả của chín phẩm. Kinh này (kinh Di Đà) đúng là hết thảy chư Phật thành khẩn khuyên lơn, khích lệ chúng ta nhất định phải cầu sanh Tịnh Độ.
Do vậy, sự xưng tán này chẳng phải là do kẻ bình phàm ca ngợi, mà là do hết thảy chư Phật xưng tán. “Bất khả tư nghị công đức” (Công đức chẳng thể nghĩ bàn), lời này chẳng phát xuất từ miệng kẻ tầm thường. Kẻ bình phàm nói “chẳng thể nghĩ bàn” thì cũng chưa chắc là thật! Chư Phật Như Lai nói “công đức chẳng thể nghĩ bàn”, rốt cuộc những gì chẳng thể nghĩ bàn? Nói thật ra, chắc chắn những điều ấy bọn phàm phu chúng ta chẳng thể tư duy, tưởng tượng, hay diễn tả được! Tuy là như vậy, chư Phật, Bồ Tát có phương tiện thiện xảo, như trong tác phẩm Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư đã quy nạp công đức chẳng nghĩ bàn thành năm loại lớn[1], chúng ta đều nên hiểu rõ chuyện này. Nửa đoạn sau là nói về “Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh” (kinh được hết thảy chư Phật hộ niệm).
(Sớ) Thành thật, minh tất khả tín, dĩ thị quảng trường thiệt đoan, xuất thành thật ngữ, vị thử Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh, nhữ đương đế tín, mạc hoài nghi dã. Tín nghĩa tường hậu.
(疏)誠實,明必可信,以是廣長舌端,出誠實語,謂此稱讚不可思議功德一切諸佛所護念經,汝當諦信,莫懷疑也。信義詳後。
(Sớ: “Thành thật”: Chỉ rõ ắt là đáng tin. Dùng cái lưỡi rộng dài để thốt lời thành thật, bảo các ngươi hãy nên tin chắc kinh Ca Ngợi Công Đức Chẳng Thể Nghĩ Bàn Được Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm này, đừng hoài nghi. Ý nghĩa của Tín sẽ được nói tường tận trong phần sau).
Trong phần sau sẽ lại nói rõ: Vì sao nhất định phải tin tưởng. Từ tựa đề kinh, nếu lắng lòng quan sát để lãnh hội, sẽ đạt được lợi ích đúng là chẳng thể nghĩ bàn. Thông thường, người thế gian, đặc biệt là người thuộc thời đại này, sống cuộc đời rất đau khổ, luôn mong cầu Phật, Bồ Tát gia hộ, cầu bằng cách nào? Do trong tâm quý vị có cầu, cho nên kẻ lừa gạt quý vị rất đông! Nếu quý vị chẳng có trí huệ, chẳng có năng lực chọn lựa, sẽ thường bị gạt gẫm. Quý vị thấy trong kinh này đã nói rõ ràng: Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh; quý vị niệm kinh này, đương nhiên cũng là hết thảy chư Phật hộ niệm người niệm kinh. Đến nơi nào để cầu [chuyện này]? Quý vị cầu một vị Bồ Tát gia hộ, cầu một trăm vị Bồ Tát gia hộ, cầu hết thảy các vị Bồ Tát gia hộ, không bằng cầu một vị Phật, Phật lớn hơn Bồ Tát! Quý vị cầu một vị Phật, cầu hai vị Phật, đến nơi đâu để cầu được hết thảy chư Phật đều gia hộ? Quý vị có thể cầu được hay chăng? Niệm kinh này, hết thảy chư Phật đều gia hộ quý vị. Quý vị thấy dễ dàng, đơn giản hơn nhiều! Chẳng thể niệm kinh này, niệm câu danh hiệu A Di Đà Phật, [vẫn được] hết thảy chư Phật đều gia hộ quý vị. Đáng tiếc là quý vị chẳng tin tưởng. Vì sao chẳng tin? Pháp này được gọi là “pháp khó tin”, làm sao quý vị có thể dễ dàng tin tưởng cho được! Người tin tưởng là người có thiện căn, có phước đức. Chẳng tin tưởng, kẻ ấy chẳng có thiện căn, chẳng có phước đức. Chúng ta học Phật suốt một đời này, có còn phải học điều gì khác hay không? Chẳng cần! Một câu Di Đà niệm đến cùng, thành tựu của người ấy đúng là công đức chẳng thể nghĩ bàn như trong kinh đã nói. Chúng ta niệm Phật chẳng đạt được thành tựu như vậy, tức là chúng ta chưa thể hoàn toàn tin tưởng, trong tâm còn muốn học pháp môn này, học pháp môn kia, học tạp, học loạn. Vì thế, công đức của quý vị hữu hạn. Học suốt một đời, chính mình cứ tưởng là khá lắm, [nào ngờ] khi vãng sanh vẫn chẳng nắm chắc! Đâm ra chẳng bằng những người chúng ta thường nói là “chẳng có kiến thức”, họ chưa hề học hành, chẳng hiểu kinh giáo, nhưng họ niệm một câu A Di Đà Phật vài năm, có thể biết trước lúc mất, có thể đứng vãng sanh, có thể ngồi vãng sanh, chẳng ngã bệnh. Nếu quý vị hỏi: Do nguyên nhân gì ư? Họ được hết thảy chư Phật hộ niệm. Vì thế, người ta khi lâm chung chẳng có nghiệp chướng, nghiệp chướng đều tiêu trừ, hết thảy chư Phật đều hộ niệm, lấy đâu ra nghiệp chướng? Nếu quý vị chẳng chịu tin tưởng, vẫn cậy chính mình thông minh, vậy là chẳng có cách nào hết. Hết thảy chư Phật muốn hộ niệm quý vị cũng chẳng thể hộ niệm được! Quý vị bỏ chạy mất rồi, đó là ngu si đấy nhé! Đó gọi là “chẳng có thiện căn, phước đức”, vẫn cứ muốn hành theo các pháp môn khác!
Có những đồng tu đến hỏi tôi: “Niệm Phật có cần phải nên hiểu một chút kinh giáo, phải hiểu một chút đạo lý hay không?” Có người đến hỏi: “Niệm Phật có cần tu Thiền đôi chút hay chăng?” Dường như là [làm như vậy] sẽ đắc nhất tâm nhanh hơn một tí. Đó đều là dấy vọng tưởng! Phiền não chướng ngại Định, vọng tưởng chướng ngại Huệ. Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã dạy: “Hết thảy chúng sanh chỉ vì vọng tưởng, chấp trước mà chẳng thể chứng đắc”, chẳng thể chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề. Vọng tưởng là cội nguồn của Sở Tri Chướng trong hai chướng. Sở Tri Chướng do đâu sanh ra? Từ vọng tưởng mà có, chướng ngại Huệ. Chấp trước là căn bản của Phiền Não Chướng, chướng ngại Định. Công phu định lực tu thành công, Phiền Não Chướng chẳng còn. Tiểu Thừa Tứ Quả La Hán tu Cửu Thứ Đệ Định thành công, chẳng có Kiến Tư phiền não. Định có thể phá Phiền Não Chướng, chẳng thể phá Sở Tri Chướng. Thanh Văn và Duyên Giác có Định, chẳng có Huệ, các Ngài đoạn trừ Phiền Não Chướng, nhưng chẳng thể kiến tánh là vì có Sở Tri Chướng. Đoạn hết hai chướng thì mới viên mãn Bồ Đề. Nay chúng ta là phàm phu nghiệp chướng sâu nặng, biện pháp duy nhất là phải cầu Phật lực gia trì. Muốn cầu Phật lực gia trì, muốn thật sự đạt đến rốt ráo viên mãn, không gì hơn niệm A Di Đà Phật. Kinh này đã làm chứng ở chỗ này, lời lẽ ấy chẳng phải là nói tùy tiện. Vì thế, niệm kinh Di Đà, niệm A Di Đà Phật, có thể được hết thảy chư Phật hộ niệm. Trong Đại Kinh, đức Thế Tôn giới thiệu A Di Đà Phật, đã ca ngợi A Di Đà Phật là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” (tôn quý nhất trong các quang minh, là vua trong các Phật). Thích Ca Mâu Ni Phật tán thán như vậy; mười phương ba đời hết thảy chư Phật cũng giống như Thích Ca Mâu Ni Phật tán thán A Di Đà Phật. Đây là nói rõ với chúng ta, tất cả hết thảy chư Phật đều khuyên chúng ta niệm A Di Đà Phật, há còn sai lầm ư? Nếu chẳng thể kiến lập tín tâm, chẳng thể kiến lập đại nguyện vãng sanh; đó là nghiệp chướng thật sự sâu nặng!
Chư vị đồng tu hiểu rõ những đạo lý, hiểu rõ chân tướng sự thật này, từ nay trở đi, niệm một câu Phật hiệu đến cùng. Kinh nói: Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, viên chứng ba thứ Bất Thoái. Nói thật ra, chúng ta vừa phát tâm, tín tâm thanh tịnh, trong hiện thời bèn đắc ba thứ Bất Thoái, được Phật lực gia trì. Phàm những kẻ ngã lòng đều là do hoài nghi pháp môn này, đại khái [họ nghĩ rằng] “pháp môn này tiêu nghiệp chướng, tiêu tội nghiệp còn chưa đủ, vẫn chẳng bằng Lương Hoàng Sám, vẫn chẳng bằng pháp hội Thủy Lục, vẫn chẳng bằng kinh Địa Tạng, mà cũng chẳng bằng kinh Kim Cang”, đều là đang dấy vọng tưởng. Thật ra, hết thảy các kinh luận, sám pháp như các vị đã nghĩ, nếu đem so với pháp môn này, hoặc so với một câu Phật hiệu A Di Đà Phật, sẽ được gọi là “tiểu vu kiến đại vu” (thầy đồng tay mơ gặp đại phù thủy)[2]. Niệm Phật được hết thảy chư Phật hộ niệm; quý vị niệm những kinh luận khác, bất quá nhiều nhất là được một hai vị Bồ Tát chiếu cố quý vị mà thôi. Tâm quý vị chẳng thanh tịnh, Bồ Tát vẫn chẳng chiếu cố được, thua kém quá xa. Nhưng chúng sanh đúng là ngu mê đến tột cùng, nói sự thật với họ, họ chẳng tin tưởng; nói lời giả dối, họ tin ngay tắp lự. Đúng là kẻ bịp người trong thế giới này nhiều lắm, người mắc lừa càng nhiều hơn. Vì sao có lắm kẻ lừa bịp người dường ấy? Người ta dễ bị gạt quá mà! Họ nghe lừa, chẳng nghe khuyên. Quý vị có thể trách móc kẻ lường gạt được chăng? Vì quý vị bằng lòng để cho chúng nó lừa dối, chúng nó mới lừa gạt quý vị được! Kẻ lừa người chẳng có tội, kẻ bị lừa có tội, quý vị ngẫm xem lời tôi nói có lý hay không? Nếu quý vị chẳng [bằng lòng] bị lừa, kẻ bịp bợm đó cũng chẳng thể lừa phỉnh ai được! Hắn chẳng lừa phỉnh ai được, là do [kẻ mắc lừa] ngu si [nên mới bị lừa]. Đọc kinh này, phải thật sự nghiêm túc phản tỉnh, hãy chú tâm thấu hiểu.
(Sao) Tất khả tín giả, dĩ thành tắc chân khẩn vô ngụy.
(鈔)必可信者,以誠則真懇無偽。
(Sao: “Ắt là đáng tin”: Do chân thành nên chân thật, khẩn thiết, chẳng hư ngụy).
Chân thành, thành khẩn, mảy may hư giả đều chẳng có.
(Sao) Thật tắc thẩm đế bất hư.
(鈔)實則審諦不虛。
(Sao: Thật sự suy xét kỹ lưỡng, [sẽ thấy là] chẳng hư dối).
“Thật” là thực tại, hiểu rành rẽ, rõ ràng đạo lý và chân tướng sự thật này.
(Sao) Sở vị sư tử hống, vô úy thuyết, thiên thánh phục khởi bất năng dịch.
(鈔)所謂師子吼、無畏說,千聖復起不能易。
(Sao: Đó gọi là “tiếng rống của sư tử”, chẳng sợ hãi mà nói, dẫu ngàn vị thánh dấy lên cũng chẳng thể thay đổi được).
Ba câu này do Vĩnh Gia đại sư nói. Trong kinh thường dùng từ ngữ “sư tử hống” (獅子吼) để tỷ dụ đức Như Lai thuyết pháp. “Vô úy thuyết” cũng là nói đức Phật thuyết pháp. “Thiên thánh” là chỉ những ai? Trong “đại thời đại”[3] của chúng ta, Phật pháp thường nói là Hiền Kiếp, trong một kiếp ấy có một ngàn vị Phật xuất thế. Chữ “thiên thánh” chỉ một ngàn vị Phật trong Hiền Kiếp. Thích Ca Mâu Ni Phật là vị Phật thứ tư trong Hiền Kiếp, Di Lặc là vị Phật thứ năm. Từ đấy về sau, còn có rất nhiều vị Phật; một ngàn vị Phật cũng chẳng thể sửa đổi. Nói cách khác, Thích Ca Mâu Ni Phật nói như vậy, hết thảy chư Phật đều nói như vậy, một ngàn vị Phật mai sau vẫn nói như vậy, chẳng thể thay đổi. Đó là chân thật.
(Sao) Vạn thế thủ chi tắc vi khải giả dã.
(鈔)萬世守之則為楷者也。
(Sao: Là khuôn phép được muôn đời gìn giữ).
“Khải” (楷) là mẫu mực, gương mẫu. Phật pháp có lúc diệt hết. Pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật là một vạn hai ngàn năm. Sau một vạn hai ngàn năm, Phật pháp chẳng còn nữa, bị tiêu mất trong thế gian này. Tất cả hết thảy các kinh pháp đều diệt mất, kinh A Di Đà cuối cùng còn lưu lại một trăm năm. Vào thời ấy, gặp được pháp môn này, gặp được danh hiệu A Di Đà Phật, mà có thể tin tưởng, chịu thọ trì, đều có thể thỏa mãn sở nguyện. Người ấy nguyện được làm thân người, đời sau sẽ được làm thân người. Nguyện sanh lên trời, bèn sanh lên trời. Nguyện đắc Thiền Định bèn đắc Thiền Định, nguyện sanh Tịnh Độ được sanh về Tịnh Độ, có thể thỏa mãn hết thảy nguyện vọng của người ấy. Mới biết công đức này thật sự chẳng thể nghĩ bàn!
(Sao) Xưng tán bất khả tư nghị công đức, liên hạ thập lục tự, thử kinh nguyên danh dã.
(鈔)稱讚不可思議功德,連下十六字,此經原名也。
(Sao: Mười sáu chữ kể từ Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức trở đi chính là tên gốc của kinh này).
Đấy là tên gốc của bộ kinh này, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói ra.
(Sao) Đường dịch chỉ ngôn Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh, dục văn tỉnh tiện.
(鈔)唐譯止言稱讚淨土佛攝受經,欲文省便。
(Sao: Bản dịch đời Đường chỉ ghi là Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh, là muốn tỉnh lược văn từ cho thuận tiện).
“Đường dịch” là bản dịch của Huyền Trang đại sư, ý nghĩa như nhau, nhưng tỉnh lược văn tự, vì tựa đề kinh này quá dài, có đến mười sáu chữ, Huyền Trang đại sư tỉnh lược thành tám chữ.
(Sao) Dĩ bất khả tư nghị công đức, nhiếp Tịnh Độ trung cố, thử bất khả tư nghị, thượng văn tán Phật, kim nãi tán kinh, kỳ nghĩa nhất dã, cố bất trùng thích.
(鈔)以不可思議功德,攝淨土中故,此不可思議。上文讚佛,今乃讚經,其義一也,故不重釋。
(Sao: Do “bất khả tư nghị” được bao gồm trong Tịnh Độ, chữ “bất khả tư nghị” này trong phần văn phía trước được dùng để tán thán Phật; ở đây, dùng để ca ngợi kinh, ý nghĩa như nhau, nên chẳng giải thích lần nữa).
Trong phần trước, Liên Trì đại sư đã giảng “bất khả tư nghị”
rất cặn kẽ. Ở đây, tỉnh lược văn tự, chẳng nói nữa!
(Sao) Hộ niệm giả, niệm Phật chi nhân, Phật lực bảo hộ, linh kỳ an ổn, vô chư chướng nạn cố.
(鈔)護念者,念佛之人,佛力保護,令其安穩,無諸障難故。
(Sao: “Hộ niệm” là người niệm Phật được Phật lực bảo vệ, khiến cho được an ổn, chẳng có các chướng nạn).
Đây chính là điều mong cầu trong tâm mục của mỗi cá nhân chúng ta. Hằng ngày mong cầu mà cầu chẳng được, nay chúng ta thấy được ở nơi đây. Nếu quý vị có thể tin tưởng, có thể tin sâu chẳng nghi, có thể y giáo phụng hành, vậy thì chúc mừng quý vị, quý vị được chư Phật hộ niệm. Trong thời đại động loạn bất an này, quý vị nhất định có thể được an ổn, nhất định có thể tránh khỏi chướng nạn. “Chướng” (障) là chướng ngại, “nạn” (難) là khổ nạn. Thời đại này lắm tai nạn, tai nạn nghiêm trọng, mỗi năm [tai nạn] một lớn hơn, một tăng thêm. Đức Phật dạy chúng ta một nguyên lý: “Y báo chuyển theo chánh báo”. Y báo là hoàn cảnh sống, là thế giới này. Chánh báo là lòng người. Lòng người thuần hậu, lòng người thiện lương, lòng người từ bi, nhất định là mưa hòa, gió thuận, rất ít tai nạn. Lòng người vứt bỏ đạo thường, Ngũ Thường là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, thảy đều vứt bỏ. Luân lý, đạo đức cũng chẳng cần đến, thế giới này biến thành tình trạng như thế nào? Tả Truyện có câu: “Nhân khí thường, tắc yêu hưng” (Con người vứt bỏ lẽ thường, ắt yêu quái hưng thịnh). Yêu ma quỷ quái đeo mặt nạ người tới nhiễu loạn xã hội, đem lại tai nạn to lớn. Trong quá khứ, chúng tôi đọc câu này lãnh ngộ chẳng sâu; nay nhìn vào xã hội này, ngẫm ra cổ nhân nói hết sức có lý. Đại tai nạn chẳng có cách nào tránh khỏi, nhưng ngày tận thế nói chung là chẳng thể có. Pháp vận của Phật pháp hãy còn có chín ngàn năm về sau nữa, còn có thời gian dài như thế, lẽ nào đã tới tận thế? Bất quá, pháp vận của Phật có lúc hưng, lúc suy. Khi Phật pháp hưng thịnh, con người hạnh phúc. Khi Phật pháp suy vi, loài người có khổ nạn. Suy vi là gì? Mọi người chẳng tin tưởng, chẳng thể y giáo phụng hành, chẳng biết đoạn ác tu thiện, đương nhiên sẽ chiêu vời cộng nghiệp bất hảo, đó là đạo lý nhất định. Kinh nói rất hay: Trong cộng nghiệp, có biệt nghiệp. Chúng ta biết sự thật này, bản thân chúng ta nỗ lực tu thiện, nghiêm túc niệm Phật, trong cơn đại nạn mới có thể được an ổn, được Phật, Bồ Tát gia hộ. Quý vị phải thật tu thì mới được, quý vị phải thật tin thì mới được.
Có những kẻ đến kể với tôi: Trước kia, họ học Phật, đã lạy rất nhiều vị Phật, lạy rất nhiều vị Bồ Tát, niệm rất nhiều kinh chú, nay nghe nói niệm A Di Đà Phật tốt đẹp, họ cũng niệm A Di Đà Phật. Họ nói: “Nếu tôi chuyên niệm A Di Đà Phật, chẳng niệm những vị Phật, Bồ Tát ấy, các Ngài có giáng tội tôi hay chăng? Tôi chẳng niệm phẩm Phổ Môn, Quán Âm Bồ Tát có quở trách tôi hay không? Khi tôi mắc nạn, Quán Âm Bồ Tát sẽ chẳng cứu tôi. Tôi chẳng niệm kinh Dược Sư; khi tôi mắc bệnh, Phật Dược Sư và Bồ Tát chẳng gia hộ tôi”, hằng ngày lo lắng chuyện này! Ý niệm ấy tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp, vì sao? Căn bản là quý vị đã coi thường Phật, Bồ Tát, cứ nghĩ Phật, Bồ Tát giống như những kẻ làm quan trong hiện thời, phải đút lót hối lộ thì các Ngài mới che chở quý vị. Quý vị đã coi các Ngài thành hạng người gì mất rồi? Cách nhìn và cách nghĩ ấy là tội nghiệp to tầy trời! Quý vị coi chư Phật, chư Bồ Tát như phường quan lại tham ô! Chính mình hằng ngày tạo tội nghiệp cực nặng, mà chính mình chẳng biết, vẫn tưởng chính mình tu hành rất đúng pháp, có hỏng bét hay không? Hết thảy chư Phật Như Lai khuyên chúng ta niệm A Di Đà Phật, những vị Bồ Tát ấy chẳng khuyên chúng ta niệm A Di Đà Phật ư? Chúng ta niệm A Di Đà Phật, các vị Bồ Tát sẽ quở trách ư? Chẳng có đạo lý ấy! Để thành Phật, hết thảy chư Bồ Tát đều phải niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Nếu quý vị chẳng tin tưởng, hãy đọc kinh Hoa Nghiêm, [sẽ thấy] Văn Thù, Phổ Hiền “mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc”. Vì sao trong hội Hoa Nghiêm, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ phải tới thế giới Cực Lạc? Đến thế giới Cực Lạc để thành Phật, [vậy thì] Bồ Tát có thể quở trách quý vị ư? Quý vị thật sự niệm A Di Đà Phật, Bồ Tát vỗ tay hoan nghênh, hay quá! Tán thán còn chẳng kịp nữa là! Người đời đúng là ngu si, chẳng hiểu ý nghĩa do đức Như Lai đã nói, hoàn toàn hiểu sai be bét những giáo huấn do đức Phật thường nói trong kinh điển. Bản thân chúng ta tu hành chẳng có cảm ứng, chẳng có thành tựu, [thế mà] chẳng tự trách chính mình, cứ ngược ngạo chê trách Phật, Bồ Tát chẳng gia hộ, trách móc kinh pháp chẳng linh! Quý vị tạo tội nghiệp như vậy, lẽ nào chẳng đọa địa ngục? Đó gọi là hủy báng Tam Bảo, báng Phật, báng Pháp, báng Tăng. Vì thế, nhất định phải hiểu rõ, có thể trở lại pháp môn này, trở về thánh hiệu Di Đà thì mới đạt được giải thoát viên mãn rốt ráo, thật sự đắc đại tự tại.
Trong hết thảy các đạo tràng, đạo tràng nào thù thắng bậc nhất, trang nghiêm bậc nhất? Niệm Phật Đường. Niệm Phật Đường là đạo tràng được hết thảy chư Phật hộ niệm, là đạo tràng được hết thảy chư Bồ Tát, long thiên, thiện thần thủ hộ, bất cứ đạo tràng nào khác cũng đều chẳng sánh bằng. Đạo tràng giảng kinh cũng chẳng sánh bằng Niệm Phật Đường, Niệm Phật Đường là nơi thật sự thành tựu một người đi làm Phật. Đạo tràng giảng kinh khuyên quý vị hãy tin tưởng, dẫn quý vị nhập môn, giống như trong nhà trường: Đạo tràng giảng kinh là chiêu sinh, làm công tác tuyên truyền. Trong đạo tràng Niệm Phật, thật sự là nơi rèn luyện, thật sự khiến cho quý vị thành tựu, làm sao có thể giống nhau cho được? Sau khi đã hiểu rõ, bèn khăng khăng một mực niệm một câu Di Đà đến cùng, chúng ta mới có thể miễn trừ hết thảy chướng nạn.
(Sao) Phật tâm ức niệm, linh kỳ tinh tấn, vô hữu thoái đọa cố.
(Diễn) “Linh kỳ an ổn vô chư chướng nạn” giả, Quán Kinh Sớ vân: “Nhược vi Phật từ sở hộ, chung đắc ly khổ, vĩnh đắc an lạc”, thị dã. “Linh kỳ tinh tấn vô hữu thoái đọa giả”: Thích Luận vân: “Thí như ngư tử, mẫu nhược bất niệm, tử tắc lạn hoại. Chúng sanh diệc nhĩ, Phật nhược bất niệm, thiện căn tắc hoại”, thị dã.
(鈔)佛心憶念,令其精進,無有退墮故。
(演)令其安隱無諸障難者。觀經疏云。若為佛慈所護。終得離苦。永得安樂。是也。令其精進無有退墮者。釋論云。譬如魚子。母若不念。子則爛壞。眾生亦爾。佛若不念。善根則壞。是也。
(Sao: Phật tâm ức niệm khiến cho người ấy tinh tấn, chẳng bị thoái đọa.
Diễn: “Khiến cho họ an ổn, chẳng có chướng nạn”: Quán Kinh Sớ có nói: “Nếu được lòng Từ của Phật gia hộ, trọn sẽ lìa khổ, vĩnh viễn được an vui” là nói về chuyện này. “Khiến cho họ tinh tấn, chẳng lui sụt, đọa lạc”: Thích Luận nói: “Như cá con nếu mẹ nó chẳng nghĩ tới, con sẽ hư nát. Chúng sanh cũng thế, nếu Phật chẳng nghĩ tới, thiện căn bèn hư hoại” là nói về ý này).
Đối với người học Phật chúng ta, có thể nói chướng ngại lớn nhất là thoái chuyển, rất dễ dàng giải đãi, biếng nhác, tự mình dung túng chính mình, chẳng thể tinh tấn. Đấy là một căn bệnh lớn! Chẳng thể khắc phục khuyết điểm ấy, dẫu quý vị hoàn toàn tin tưởng, chẳng hoài nghi pháp môn này, cũng chịu phát nguyện, tới cuối cùng vẫn chẳng thể vãng sanh là do nguyên nhân gì? Giải đãi, lười biếng. Giải đãi, lười biếng là ma chướng, chướng ngại quý vị, chẳng thể tinh tấn, chẳng thể thành tựu. Vì thế, nhất định phải được chư Phật hộ niệm. Tuy Phật hộ niệm chúng ta, bản thân chúng ta cũng phải có phương tiện, phương tiện ấy chính là tham gia Niệm Phật Đường, nương cậy đại chúng. Có rất nhiều đồng học cùng ở một chỗ khích lệ, đốc thúc lẫn nhau, chẳng để cho chính mình giải đãi; đó là một phương pháp tốt đẹp. Niệm Phật thì một mình ta niệm Phật ở nhà chẳng được hay sao? Vì sao phải tới Niệm Phật Đường? Thuở ấy, Viễn Công đại sư kiến lập một Niệm Phật Đường tại Lư Sơn, đó là đạo tràng đầu tiên của Tịnh Độ Tông Trung Hoa. Thoạt đầu chỉ có mười tám người chí đồng đạo hợp. Về sau, đạo phong Niệm Phật được rất nhiều người biết đến, cũng có rất nhiều người ngưỡng mộ, cũng tới tham gia Niệm Phật Đường ấy. Đến cuối cùng, Niệm Phật Đường của Ngài có tất cả một trăm hai mươi ba người, ai nấy đều thành tựu, do mọi người cộng tu với nhau ở cùng một chỗ bèn có thể thu được hiệu quả như vậy. Đấy là khởi thủy của Tịnh Độ Tông Trung Hoa.
Vì sao thành tựu trong Tịnh Tông có thể vượt trỗi sự tu học trong các tông phái khác? Ngẫu Ích đại sư đã nêu ra mấy lý do:
1) Lý do thứ nhất: Tất cả các tông phái tu học đều phải đoạn Hoặc. Nói cách khác, đều phải đoạn phiền não. Lục đạo luân hồi do Kiến Tư phiền não biến hiện. Chỉ cần có Kiến Tư phiền não, quý vị nhất định sẽ bị lưu chuyển trong lục đạo, chẳng thoát ra được! Kiến Tư phiền não: “Kiến” (見) là kiến giải sai lầm, bao gồm Thân Kiến, Biên Kiến, Kiến Thủ Kiến, Giới Thủ Kiến, và Tà Kiến. Tư Hoặc (思惑) là tham, sân, si, mạn, nghi. Tam giới lục đạo là cảnh giới do mười thứ ấy biến hiện. A La Hán thành tựu Cửu Thứ Đệ Định, chẳng có Kiến Tư phiền não, luân hồi cũng chẳng có, mới vượt thoát tam giới. Thử hỏi: Bản thân chúng ta, bất luận tu học pháp môn nào, có thể đoạn sạch Kiến Tư phiền não hay không? Có thể đoạn hết thì được, bèn thành công. Chẳng thể đoạn hết, vẫn phải sanh tử luân hồi! Đó là chân tướng sự thật. Không cần nói là thoát khỏi luân hồi, nói ngay trong tam giới, tam giới là Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới. Trong Dục Giới, có ngũ dục, lục trần. Ngũ Dục là tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê. Đức Phật nói: “Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê là năm cái rễ của địa ngục”. Đối với năm thứ ấy, nếu quý vị tham ái nặng nề, sẽ đọa địa ngục; [tham ái] nhẹ thì ở trong đường nhân thiên, thuộc vào Dục Giới Thiên, chứ Sắc Giới Thiên chẳng có phần. Đoạn hết ngũ dục, chẳng có Dục thì mới có thể sanh vào Sơ Thiền. Nói cách khác, tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê bày ra trước mặt, có còn động niệm hay chăng? Vẫn còn khởi tâm động niệm; nói cách khác, quý vị thuộc về Dục Giới, chẳng có phần trong Sắc Giới, cho nên biết là khó lắm! Công phu ấy bất quá là phục trụ (伏住: chế ngự, giằn ép), hoàn toàn chẳng đoạn, [cho nên] biết [đoạn phiền não] khó lắm. Thoát khỏi tam giới há dễ dàng ư? Đoạn Hoặc quá khó khăn! Pháp môn Tịnh Độ chẳng đoạn Hoặc, [cho nên] dễ dàng, gọi là “đới nghiệp vãng sanh”, đấy là công đức chẳng thể nghĩ bàn. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, bất cứ pháp môn nào cũng đều phải đoạn phiền não rồi mới có thể thành tựu; chỉ riêng pháp môn Niệm Phật chẳng cần đoạn phiền não mà có thể thành tựu, có thể đới nghiệp vãng sanh. Đó là điều chẳng thể nghĩ bàn thứ nhất.
2) Thứ hai, hết thảy chư Phật đều có bốn cõi. Nếu quý vị chẳng chứng đạt cảnh giới, sẽ chẳng thấy bốn cõi ấy. Như chúng ta nay đang sống trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư thuộc thế giới Sa Bà của Thích Ca Mâu Ni Phật. Thế giới Sa Bà có cõi Phương Tiện Hữu Dư, có cõi Thật Báo Trang Nghiêm, nhưng chúng ta chẳng trông thấy. Tình hình trong mười phương các cõi Phật cũng đều giống như vậy, chẳng khác gì bốn cõi của Thích Ca Mâu Ni Phật. Tây Phương Tịnh Độ đặc biệt, A Di Đà Phật cũng có bốn loại Tịnh Độ, nhưng bốn loại Tịnh Độ ở cùng một chỗ. Vì thế, chúng ta sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, có thể thấy A La Hán và Bích Chi Phật trong cõi Phương Tiện, có thể thấy Đẳng Giác Bồ Tát trong cõi Thật Báo. Bốn cõi của Ngài ở chung một chỗ: “Một tức là bốn, bốn tức là một”, thảy đều ở chung một chỗ. Cảnh giới của mỗi người chẳng giống nhau, điều này chẳng thể nghĩ bàn. Đó gọi là “một sanh, hết thảy sanh”, chúng ta sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, đồng thời sanh trong cõi Phương Tiện, sanh vào cõi Thật Báo, sanh vào cõi Tịch Quang. Đấy là công đức chẳng thể nghĩ bàn!
3) Điều thứ ba, pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn. Chỉ niệm một câu danh hiệu, quá dễ dàng, quá đơn giản, chẳng cần xen tạp bất cứ thứ gì khác vào đó. Trong kinh Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói rõ ràng nhất. Đại Thế Chí Bồ Tát cũng nêu gương tốt nhất cho chúng ta thấy. Ngài từ sơ phát tâm mãi cho đến khi thành Phật, dùng phương pháp gì? Chính là một câu A Di Đà Phật, chẳng cần dùng đến phương pháp thứ hai. Phương pháp ấy không chỉ đơn giản, dễ dàng, [mà còn] ổn thỏa, thích đáng, nhanh chóng; trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, bất cứ pháp môn nào cũng đều chẳng thể sánh bằng. Nếu quý vị hỏi Ngài nguyên lý niệm Phật, Ngài nói rất đơn giản: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. Điều đáng tiếc là chúng sanh không tin tưởng! Họ cứ muốn tạp tu, muốn loạn tu, khiến cho chính mình rối loạn, vứt bỏ công đức vô thượng của chính mình. Đó gọi là “thật sự ngu mê!” Thiện Đạo đại sư nói rất hay: Chúng ta tu hành thành tựu một phần, đúng là do gặp duyên khác nhau. Gặp duyên thù thắng, chúng ta hiểu rõ ràng, hiểu rành rẽ chân tướng sự thật, khăng khăng một mực, duyên ấy thù thắng, nhất định sẽ là thượng phẩm vãng sanh. Chẳng gặp duyên tốt đẹp, gặp phải ác duyên, ác duyên gì vậy? Kẻ này kéo quý vị đi bái sám, kẻ khác lôi quý vị triều sơn bái Phật, đều nói là có công đức rất lớn. Quý vị cứ đi theo, sẽ biến thành loạn tu, tạp tu. Đó là duyên quá kém, chẳng gặp duyên tốt đẹp, phá hoại toàn bộ. Điều này hết sức đáng tiếc!
Đối với tổng cương lãnh tu hành trong Phật pháp, chư vị phải ghi nhớ. Quý vị có thể nắm giữ cương lãnh ấy, đại khái là sẽ chẳng phạm sai lầm quá to lớn. Tổng cương lãnh là Tam Học Giới, Định, Huệ. Trong hết thảy các pháp môn, đều có chánh trợ song tu, Tịnh Độ Tông cũng là chánh trợ song tu. Chánh tu là tu Định, Định là tâm thanh tịnh; trợ tu là tu Giới. Nhân Giới đắc Định, nhân Định khai Huệ. Huệ chẳng cần tu, hễ Định bèn khai trí huệ. Kinh Lăng Nghiêm đã nói rất hay: “Tịnh cực quang thông đạt”. Công phu Định lực sâu xa, trí huệ bèn mở mang, hết thảy đều thông đạt vô ngại. Đối với trợ tu, trì giới cũng là tu phước. Kinh Vô Lượng Thọ đã nói rành rẽ: Học nhân Tịnh Tông tu gì? Tu thanh tịnh, tu bình đẳng, tu giác. Thanh tịnh là Giới, bình đẳng là Định, giác là Huệ. Tu hành chẳng thể rời khỏi nguyên tắc căn bản là Tam Học Giới, Định, Huệ. Tương ứng với nguyên tắc ấy, chắc chắn là chánh pháp. Trái nghịch nguyên tắc ấy, nhất định chẳng phải là chánh pháp. Phật pháp chân chánh là gì, từ chỗ này, mọi người sẽ rất dễ dàng phân biệt.
Chúng ta chiếu theo pháp môn này để tu học, xác thực là tâm địa mỗi năm một thanh tịnh hơn, mỗi tháng một thanh tịnh hơn. Quý vị có công đức, tu học có thành tích, người hiện thời nói là “thành tựu”, quý vị có thành tựu. Sự thành tựu ấy, không chỉ là nắm chắc sự vãng sanh trong tương lai, mà còn là người có công phu tốt đẹp, sẽ vãng sanh tự tại. “Tự tại” là muốn đi khi nào bèn đi khi ấy, muốn ở thêm mấy năm cũng chẳng trở ngại. Nói đến lợi ích hiện tiền, sẽ là thân tâm khỏe mạnh. Quý vị tu hành thật sự, công phu thật sự đắc lực, nơi thân thể hễ có bệnh tật gì, chẳng cần thuốc men, tự nhiên lành bệnh, do công phu đã đắc lực đó mà. Do nguyên nhân gì? Tâm thanh tịnh, kết cấu của các tế bào trong thân thể chúng ta sẽ khôi phục bình thường. Trong kinh, đức Phật đã dạy: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”. Trong tâm chúng ta suy nghĩ loạn xạ, suy nghĩ loạn xạ là một sức mạnh rất lớn khiến cho kết cấu các tế bào nơi thân thể chúng ta bị rối loạn, quý vị sẽ ngã bệnh. Vì sao tuổi già lắm bệnh ngần ấy? Người tuổi trẻ chẳng nghĩ tới bệnh tật, họ bận bịu làm việc, chẳng có ý niệm nghĩ tới bệnh tật, cho nên thuở trẻ rất ít bệnh. Tuổi già chẳng có việc gì, suốt ngày từ sáng đến tối nghĩ tới bệnh tật. Bệnh tật do đâu mà có? Do nghĩ tưởng. Thập Lục Quán Kinh đã nói về quán tưởng như sau: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”. Kẻ ấy nghĩ tới bệnh tật, làm sao chẳng sanh bệnh cho được? Càng nghĩ càng nhiều, bệnh càng nhiều càng thêm lo nghĩ, mắc vào cái vòng lẩn quẩn ấy, đến cuối cùng chẳng có cách nào, cũng chẳng thể thoát ra được. Vì vậy, một người nhất tâm tưởng Phật, sẽ khỏe mạnh nhất. Tưởng Phật đã thành công, tổ chức của các tế bào trên toàn thân sẽ hoàn toàn khôi phục kết cấu bình thường, bệnh gì cũng đều chẳng có. Không chỉ là chẳng có bệnh, quý vị nhất định là mỗi năm một trẻ trung hơn. Vì vậy, đó là [dấu hiệu chứng tỏ] công phu tu hành của quý vị đắc lực. Nếu chẳng phải là hiện tượng ấy, nhìn vào tình hình đó, quý vị là người tu hành ở chỗ nào? Quý vị đang tu tham, sân, si, đang tu suy nghĩ loạn xạ, đang tu ba ác đạo, chẳng phải là tu Tịnh Độ! Tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh. Trong kinh, đức Phật thường nói rõ đạo lý này. Chúng ta mong thân thể của chính mình khỏe mạnh, mong chính mình mỗi năm trẻ trung hơn, chẳng bị suy lão, Tịnh Tông có thể dễ dàng thực hiện điều này, chẳng phải là chuyện khó khăn, cũng chẳng phải là thần thoại, chẳng phải là thần thông, mà là có đạo lý ở trong ấy! Quý vị chẳng tin tưởng, không chịu học, [vậy là] chẳng có cách nào hết! Chỉ cần quý vị tin tưởng, chịu học, sẽ đạt được lợi ích thù thắng ngay trong hiện tại. Những điều đạt được trong hiện thời chính là lợi ích nhỏ nhặt, chẳng phải là lợi ích chân thật. Đó là lợi ích vặt vãnh, lợi ích trước mắt! Trong tương lai vãng sanh, đó là đạt được lợi ích to tát, đạt được lợi ích rốt ráo viên mãn. Do vậy, phương pháp đơn giản lắm, thật sự tin tưởng, nguyện vọng khẩn thiết, nhất tâm niệm Phật, sẽ dễ dàng ngần ấy, có thể đạt đến hiệu quả chẳng thể nghĩ bàn.
4) Thứ tư, thời gian tu hành pháp môn này chẳng cần phải rất dài, [trong một thời gian rất ngắn] bèn thành tựu. Trong kinh, đức Phật đã nói: Đối với các pháp môn khác, như Tiểu Thừa [chẳng hạn], tính từ ngày chứng quả Tu Đà Hoàn, qua lại trong nhân gian hay cõi trời bảy lần rồi mới có thể chứng A La Hán. Thọ mạng trong nhân gian chẳng dài, nhưng cõi trời thọ mạng dài dằng dặc, quý vị mới biết phải tốn bao nhiêu thời gian để có thể chứng quả A La Hán. Để thành Phật thì Bồ Tát cũng phải tính từ ngày đắc Vị Bất Thoái. Chưa chứng đắc thì quý vị vẫn phải luân hồi trong lục đạo, chẳng tính! Phải tính từ ngày đắc Vị Bất Thoái. Vị Bất Thoái là địa vị gì? Là Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Tín trong Viên Giáo. Tịnh Tông là Viên Giáo. Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Tín, tính từ ngày đó, [thời gian tu học cho đến khi] thành Phật ắt cần phải trải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp, thời gian dài quá! Thời gian [tu học] trong Tịnh Tông ngắn ngủi: Thượng thượng phẩm vãng sanh, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ như là đã thành Phật, chẳng thể nghĩ bàn! Bồ Tát nghe nói đều lắc đầu, đều chẳng dám tin tưởng. Người ta vất vả, nhọc nhằn tu tập ba đại A-tăng-kỳ kiếp, làm sao quý vị có thể vừa đến nơi bèn thành Phật, há có chuyện dễ dàng dường ấy? Pháp khó tin! Dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, cũng chẳng quá mười hai kiếp bèn “hoa nở, thấy Phật, ngộ Vô Sanh”. Mười hai kiếp so với ba đại A-tăng-kỳ kiếp, thời gian chẳng thể sánh bằng. Đó là nói theo sự thành tựu chậm nhất trong thế giới Tây Phương, mười hai đại kiếp [mà thôi]! Nếu là hạ phẩm trung sanh, chỉ cần sáu kiếp. Hạ phẩm thượng sanh, đúng là chẳng thể nghĩ bàn, bảy lần bảy bốn mươi chín ngày, thời gian ấy là thời gian tính trong nhân gian chúng ta, chẳng phải là trong thế giới Cực Lạc. Quý vị bèn hiểu, đó gọi là công đức chẳng thể nghĩ bàn vì chẳng cần thời gian rất dài.
Còn nữa, niệm một vị A Di Đà Phật giống như niệm hết thảy chư Phật Như Lai, vì sao? Vì hết thảy chư Phật đều niệm A Di Đà Phật, cho nên niệm A Di Đà Phật chính là niệm hết thảy chư Phật, chẳng bỏ sót một vị Phật nào, điều này chẳng thể nghĩ bàn! Hết thảy chư Bồ Tát đều ngưỡng mộ A Di Đà Phật, cho nên niệm A Di Đà Phật cũng là niệm hết thảy chư Bồ Tát, chẳng sót một vị Bồ Tát nào. Đó là công đức chẳng thể nghĩ bàn. Vì vậy, chẳng niệm A Di Đà Phật đúng là đáng tiếc! Còn mong làm chuyện khác, học những kinh luận, pháp môn khác, [hoặc trì niệm] danh hiệu chư Phật, Bồ Tát khác. Đó là gì? Dành cho kẻ chẳng có phước báo niệm. Từ xưa, người thật sự khai ngộ sẽ là “Tam Tạng mười hai bộ, nhường cho người khác ngộ”. Danh hiệu chư Phật, Bồ Tát [ngoài danh hiệu A Di Đà Phật] nhường cho người khác niệm, do nguyên nhân gì? Do thiện căn và phước đức của họ chẳng viên mãn, chẳng tỏ lộ. Đối với pháp môn bậc nhất, pháp môn thù thắng khôn sánh này, họ chẳng thể tiếp nhận. Họ có nghiệp chướng, cho nên thích niệm những kinh điển khác, thích niệm những danh hiệu Phật, Bồ Tát khác, cũng được thôi! Gieo thiện căn! Bởi lẽ, pháp môn này nhằm nói với người có căn cơ chín muồi, thiện căn đã thật sự chín muồi, quyết định sẽ làm Phật trong một đời này, chẳng phải là làm Bồ Tát, mà là làm Phật. Đây là pháp để nói với người sẽ làm Phật.
Chúng ta có thể hiểu rõ những đạo lý, sự thật này, sẽ chẳng phí công niệm kinh Di Đà. Liên Trì đại sư tốn nhiều thời gian và tinh lực ngần ấy để viết chú giải, chúng ta cũng sẽ thật sự xứng đáng với Ngài, xác thực là được Ngài giúp đỡ, xem hiểu, hiểu rõ câu kinh văn này, có sự thấu hiểu và nhận thức kha khá. Được chư Phật hộ niệm, chúng ta có thể chẳng thoái chuyển; trong đại hoàn cảnh động loạn này, chúng ta có thể được yên ổn, có thể lìa chướng nạn. Dưới đây, Ngài lại dẫn Quán Kinh để chứng minh:
(Sao) Quán Kinh vân: “Niệm Phật chúng sanh, nhiếp thủ bất xả”. Hựu kinh vân: “Niệm Phật chi nhân, A Di Đà Phật thường trụ kỳ đảnh”.
(鈔)觀經云:念佛眾生,攝取不捨。又經云:念佛之人,阿彌陀佛常住其頂。
(Sao: Quán Kinh nói: “Nhiếp thủ chúng sanh niệm Phật chẳng bỏ”. Kinh lại nói: “Người niệm Phật, A Di Đà Phật thường ngự trên đỉnh đầu người ấy”).
Những điều này đều nhằm chỉ rõ người niệm Phật nhất định được chư Phật hộ niệm, được chư Phật gia hộ, chư Phật gia trì. Hiện thời, trong và ngoài nước, người tin Mật Tông rất nhiều, dường như cho rằng Hiển Tông chẳng linh, chẳng cao minh như Mật Tông, [họ cứ nghĩ] tìm đến một vị Thượng Sư Mật Tông để được quán đảnh, dường như sẽ đạt được lợi ích thù thắng. Thật ra, Quán Đảnh (Abhiṣeka) là gì, người ấy chẳng hiểu rõ ràng. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ là Kim Cang Thượng Sư (Varja-guru) bên Mật Tông. Trong chú giải kinh Vô Lượng Thọ, cụ đã giải thích rất rõ ràng hai chữ Quán Đảnh. Hai chữ Quán Đảnh (灌頂) là tỷ dụ, chẳng phải là thật sự dùng chút nước rảy trên đầu, quý vị bèn khai ngộ, bèn khai trí huệ! Buổi tối quý vị tắm rửa, xối nước ào ào như thế, chẳng xối ra trí huệ được, [vậy thì] rảy mấy giọt nước, làm sao trí huệ của quý vị tỏ lộ cho được? Há có chuyện ấy! Càng quán đảnh càng hồ đồ, càng quán đảnh càng mê hoặc, điên đảo. Hoàng lão cư sĩ nói rất hay: “Quán” (灌: tưới, dội) có nghĩa là từ bi gia trì, “đảnh” (頂) là vô thượng đảnh pháp (pháp cao tột vô thượng) trong Phật pháp. Truyền trao pháp môn thù thắng nhất cho quý vị, đó là Quán Đảnh, có ý nghĩa như vậy đó. Nay pháp môn nào là pháp môn bậc nhất, là pháp môn thù thắng nhất, là “đảnh pháp” trong hết thảy các pháp môn? Chính là kinh A Di Đà, chính là A Di Đà Phật.
Vì thế, quý vị cung kính niệm kinh A Di Đà từ đầu đến cuối một lượt, tức là mười phương hết thảy chư Phật quán đảnh cho quý vị một lượt, thật vậy, chẳng giả! Quý vị mỗi ngày niệm hai lượt, tức là chư Phật Như Lai quán đảnh quý vị hai lượt. Quý vị chẳng dám tin, mà cũng chẳng sanh tâm hoan hỷ. Tìm một kẻ phàm phu đến lừa phỉnh quý vị, quý vị bèn cao hứng bừng bừng, cảm thấy chính mình ghê gớm lắm. Nghe lừa, chẳng nghe khuyên, ngu si! Vì thế, tôi nói là càng quán đảnh càng hồ đồ!
Kinh này là vô thượng đảnh pháp, chẳng có gì cao hơn; cho nên được mười phương hết thảy Như Lai tán thán, là công đức chân thật chẳng thể nghĩ bàn. “Niệm Phật chi nhân, A Di Đà Phật thường trụ kỳ đảnh” (Người niệm Phật, A Di Đà Phật thường ngự trên đỉnh đầu người ấy). Vì sao mười phương hết thảy chư Phật chẳng hộ niệm? Vấn đề là quý vị chẳng phải là người niệm Phật thật sự. Người niệm Phật thật sự chẳng phải là suốt ngày từ sáng đến tối miệng niệm Phật hiệu. Cổ nhân bảo: “Gào toạc cổ họng vẫn uổng công”. Miệng niệm Phật, tâm dấy vọng tưởng, vô dụng! Người thật sự niệm Phật là trong tâm thật sự có Phật; trừ Phật ra, trong tâm thứ gì khác cũng đều chẳng có. Đó là người thật sự niệm Phật. Nhất định là như kinh đã nói: A Di Đà Phật thường ngự trên đỉnh đầu của quý vị, chẳng sai tí nào!
(Sao) Hựu Thập Chủng Lợi Ích vân: Niệm Phật chi nhân, A Di Đà Phật thường phóng quang minh, nhiếp thọ thử nhân, thử Bổn Sư hộ niệm.
(鈔)又十種利益云:念佛之人,阿彌陀佛,常放光明,攝受此人,此本師護念。
(Sao: Lại phần Mười Thứ Lợi Ích có nói: Người niệm Phật được A Di Đà Phật thường phóng quang minh, nhiếp thọ người ấy. Đó chính là đức Bổn Sư hộ niệm).
Bổn Sư [trong đoạn này] là A Di Đà Phật.
(Sao) Nhi thập phương chư Phật đồng thử hộ niệm.
(鈔)而十方諸佛同此護念。
(Sao: Mười phương chư Phật đều cùng hộ niệm như vậy).
Kinh dạy: Mười phương ba đời hết thảy chư Phật, chẳng có vị nào không bảo vệ, hộ trì quý vị, chẳng có vị nào không nghĩ nhớ quý vị.
(Sao) Đương tri niệm Phật, Phật niệm, cảm ứng tự nhiên, bất khả vu dã.
(Diễn) “Niệm Phật, Phật niệm cảm ứng tự nhiên” giả, Thủ Lăng Nghiêm vân: “Thập phương chư Phật lân niệm chúng sanh, như mẫu ức tử. Nhược tử đào thệ, tuy ức hà vi? Tử nhược ức mẫu, như mẫu ức thời, mẫu tử lịch sanh, bất tương vi viễn. Nhược chúng sanh tâm, ức Phật, niệm Phật, hiện tiền, đương lai, tất định kiến Phật” đẳng.
(鈔)當知念佛佛念,感應自然,不可誣也。
(演)念佛佛念感應自然者。首楞嚴云。十方諸佛憐念眾生。如母憶子。若子逃逝。雖憶何為。子若憶母。如母憶時。母子歷生不相違遠。若眾生心。憶佛念佛。現前當來必定見佛等。
(Sao: Hãy nên biết niệm Phật, được Phật niệm, cảm ứng tự nhiên, chẳng thể hư dối.
Diễn: “Niệm Phật, được Phật niệm, cảm ứng tự nhiên”: Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Mười phương chư Phật nghĩ thương chúng sanh, như mẹ nhớ con. Nếu con bỏ trốn, tuy nhớ có ích gì? Nếu con nhớ mẹ, như khi mẹ nhớ con, mẹ và con trải qua nhiều đời chẳng xa cách nhau. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật”).
Ta niệm Phật, Phật niệm ta; ta tưởng Phật, Phật tưởng ta. Chỉ cần chuyên tưởng, dần dần sẽ biến thành giống như Phật, bèn thành Phật. Đấy là con đường tắt để thành Phật, chẳng có gì nhanh chóng hơn cách này được!
(Sớ) Hựu Bát Địa thỉ mông Phật hộ, cố tri vãng sanh, địa vị phi thiển!
(疏)又八地始蒙佛護,故知往生,地位非淺。
(Sớ: Lại nữa, Bát Địa mới được Phật hộ niệm. Vì thế biết là được vãng sanh, địa vị chẳng nông cạn).
Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã nói chuyện này. Thông thường, Phật hộ niệm chư Bồ Tát, các vị Bồ Tát ấy là những ai? Những vị từ Bát Địa trở lên; thấp hơn Bát Địa, Phật chẳng quan tâm tới. Những vị thấp hơn Bát Địa do ai hộ niệm? Kinh Kim Cang đã nói rất hay: Đại Bồ Tát hộ niệm tiểu Bồ Tát, có những vị đại Bồ Tát chiếu cố [những vị ấy]. Phật chiếu cố đại Bồ Tát, đại Bồ Tát chiếu cố tiểu Bồ Tát, đấy cũng là chuyện hợp tình hợp lý. Chỉ riêng người niệm A Di Đà Phật là được Phật hộ niệm, hết thảy chư Phật đều hộ niệm. Do vậy có thể biết: Một người thật sự niệm Phật, nói cách khác, địa vị bằng với Bát Địa Bồ Tát. Bởi lẽ, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là A Bệ Bạt Trí Bồ Tát. Kinh này dạy chúng ta: A Bệ Bạt Trí là từ Thất Địa trở lên. Từ Thất Địa trở lên [thì tối thiểu] là Bát Địa. Người niệm Phật phải hiểu rõ, phải tự tôn trọng chính mình. Phàm phu mong tu thành Bát Địa, há dễ dàng ư? [Trong các pháp môn theo đường lối thông thường], để tu thành Bát Địa thì phải đến A-tăng-kỳ kiếp thứ ba. A-tăng-kỳ kiếp thứ nhất nhằm hoàn thành các địa vị thuộc Tam Hiền, cho đến Thập Hồi Hướng. A-tăng-kỳ kiếp thứ hai là [để chứng đắc] từ Sơ Địa cho đến Thất Địa. A-tăng-kỳ kiếp thứ ba là [chứng nhập các địa vị] Bát Địa, Cửu Địa, Thập Địa, quý vị bèn biết là khó khăn lắm. Nhưng người niệm Phật vừa phát tâm bèn bằng với Bát Địa Bồ Tát, quý vị nói xem có thù thắng lắm hay chăng? Pháp môn nào có thể sánh bằng?
(Sao) Bát Địa Phật hộ giả, Hoa Nghiêm vị Bát Địa Bồ Tát, thường vị Như Lai chi sở hộ niệm, kim thử đốn siêu thắng địa, cố viết phi thiển.
(Diễn) Bát Địa Bồ Tát thường vị Như Lai hộ niệm giả, dĩ thử Bồ Tát dĩ nhập vô công dụng địa, trụ ư Báo Hành. Nhược Như Lai bất hộ giả, bỉ thời tức nhập cứu cánh Niết Bàn, khí xả nhất thiết lợi chúng sanh nghiệp. Cố chư Phật thân hiện kỳ tiền thuyết chủng chủng pháp, dữ thử Bồ Tát vô lượng vô biên khởi trí môn, thường vị Như Lai chi sở hộ niệm dã.
(鈔)八地佛護者,華嚴謂八地菩薩,常為如來之所護念,今此頓超勝地,故曰非淺。
(演)八地菩薩。常為如來護念者。以此菩薩已入無功用地。住於報行。若如來不護者。彼時即入究竟涅槃。棄捨一切利眾生業。故諸佛親現其前說種種法。與此菩薩無量無邊起智門。常為如來之所護念也。
(Sao: “Bát Địa được Phật hộ niệm”: Kinh Hoa Nghiêm nói Bát Địa Bồ Tát thường được Như Lai hộ niệm, nay người [vãng sanh] nhanh chóng vượt lên địa vị thù thắng, cho nên nói là “chẳng nông cạn”.
Diễn: “Bát Địa Bồ Tát thường được Như Lai hộ niệm”: Do các vị Bồ Tát ấy đã nhập địa vị vô công dụng, trụ nơi Báo Hành. Nếu Như Lai chẳng hộ trì, họ liền nhập Niết Bàn rốt ráo, vứt bỏ hết thảy các nghiệp lợi lạc chúng sanh. Vì thế, chư Phật đích thân hiện trước mặt họ, nói các thứ pháp khiến cho các vị Bồ Tát ấy khởi lên trí môn vô lượng vô biên. Đó là thường được Như Lai hộ niệm vậy).
Người niệm Phật đốn siêu, rất nhanh chóng! Người ta phải tu đến A-tăng-kỳ kiếp thứ ba thì mới đạt đến Bát Địa, chúng ta trong dăm ba năm ngắn ngủi bèn vượt trỗi hai A-tăng-kỳ kiếp, pháp môn này đương nhiên là công đức chẳng thể nghĩ bàn, đương nhiên là được hết thảy chư Phật hộ niệm. Chẳng được hết thảy chư Phật hộ niệm, quý vị làm sao có thể thành tựu công đức như vậy? Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi giảng tới chỗ này!
[1] Thật ra, trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói tới rất nhiều điều chẳng thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật. Năm điều được hòa thượng Tịnh Không nhắc tới ở đây chỉ là năm điều đại lược về công đức chẳng thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật: “Một là vượt thoát tam giới theo chiều ngang, chẳng đợi phải đoạn Hoặc. Hai là sanh về Tây Phương liền trọn đủ bốn cõi, chẳng phải do chứng từ từ. Ba là chỉ trì danh hiệu, chẳng cần phải dùng tới các phương tiện Thiền, Quán. Bốn là lấy bảy ngày làm hạn, chẳng cần đến nhiều kiếp, nhiều đời, nhiều năm tháng. Năm là trì danh hiệu một vị Phật liền được chư Phật hộ niệm, chẳng khác gì trì danh hiệu của hết thảy chư Phật”.
[2] “Vu” (巫) là những người làm nghề đồng cốt, phù thủy, còn gọi là “thần côn” (神棍), thường làm bùa, làm phép, triệu hồn, ếm đối. Câu này có ý nói những gã đồng cốt tay mơ gặp phải thầy phù thủy cao tay ấn thứ thiệt đành ngậm tăm, chẳng dám thi thố pháp thuật gì!
[3] “Đại thời đại” là nói đến thời gian tính bằng kiếp, chẳng phải là khoảng thời gian ngắn ngủi mấy chục năm, hoặc mấy trăm năm.