Tập 248/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 248

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm tám mươi sáu:

          (Sao) Kiêm Bồ Tát, Thanh Văn giả, như Quán Kinh thượng phẩm thượng sanh vân: “Phật dữ Quán Âm, Thế Chí, vô số hóa Phật, bách thiên tỳ-kheo, Thanh Văn đại chúng, vô lượng chư thiên, hiện kỳ nhân tiền, nhi diệc hữu Phật bất lai nghênh, Bồ Tát lai giả, kim tùng đa phần.

()兼菩薩聲聞者,如觀經上品上生云:佛與觀音勢至,無數化佛,百千比丘,聲聞大眾,無量諸天,現其人前;而亦有佛不來迎,菩薩來者,今從多分。

(Sao: “Kiêm Bồ Tát, Thanh Văn”: Như trong phần thượng phẩm thượng sanh của Quán Kinh có nói: “Phật và Quán Âm, Thế Chí, vô số hóa Phật, trăm ngàn tỳ-kheo, Thanh Văn đại chúng, vô lượng chư thiên, hiện trước người ấy”. Cũng có trường hợp, Phật chẳng đến đón, Bồ Tát đến đón, nay nói theo đa số).

 Tiếp tục nói về trạng huống “kỳ nhân lâm mạng chung thời” (khi người ấy sắp lâm chung) Phật đến tiếp dẫn. Trong kinh có nói Bồ Tát, Thanh Văn, đại chúng theo A Di Đà Phật cùng đến tiếp dẫn. Ở đây, đại sư trích dẫn kinh văn trong phần Thượng Phẩm Thượng Sanh của kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật: “Phật và Quán Âm, Thế Chí”, đấy là Tây Phương Tam Thánh, “vô số Hóa Phật” đó là thượng phẩm thượng sanh, “bách thiên tỳ-kheo, Thanh Văn đại chúng, vô lượng chư thiên” (trăm ngàn tỳ-kheo, Thanh Văn đại chúng, vô lượng chư thiên). Vãng sanh, Phật đến nghênh tiếp, Bồ Tát, Thanh Văn bao nhiêu, gần như là mỗi người mỗi khác. Có người được Phật, Bồ Tát đến rất đông, có người thì Phật, Bồ Tát tới rất ít. Đấy chẳng phải là Phật, Bồ Tát không công bằng, mà là do chính bản thân người niệm Phật chúng ta cảm ứng đạo giao khác nhau. Chúng sanh có cảm, Phật, Bồ Tát có ứng. Sức năng cảm có cạn hay sâu khác nhau, chư Phật, Bồ Tát ứng hiện cũng có thù thắng hay kém cỏi chẳng bình đẳng; trong ấy, tuân theo tỷ lệ thuận khít khao. Nếu chúng ta lắng lòng suy nghĩ những chuyện này, [sẽ thấy] chẳng khó lý giải.

Trong thế gian này, chúng ta nói tới chuyện hoằng pháp lợi sanh thì pháp duyên cũng là mỗi người một khác. Vì sao? Chính là vì trong kiếp quá khứ và đời này, mỗi cá nhân kết duyên cùng hết thảy chúng sanh khác biệt. Nếu chúng ta kết duyên rất sâu, rất rộng, pháp duyên sẽ hết sức thù thắng. Kết duyên cạn, kết duyên rất ít, pháp duyên chẳng thù thắng! Do vậy có thể biết: Phải tự hỏi chính mình, chẳng cần hỏi ai khác. Mạnh Tử nói là “phản cầu chư kỷ” (quay lại cầu nơi chính mình). Cũng có trường hợp “Phật bất lai nghênh” (Phật chẳng đến đón). Chúng ta xem phần Hạ Phẩm Hạ Sanh trong Quán Kinh, [sẽ thấy] Phật chẳng đến, mà là Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát đến nghênh tiếp, cũng có tình hình ấy. Quá nửa tình hình ấy là do người đó có duyên rất sâu với Bồ Tát, có duyên khá nhạt mỏng đối với Phật. Có những người trong nhà thờ phụng Quán Thế Âm Bồ Tát, niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, quên bẵng A Di Đà Phật. Khi lâm chung, đương nhiên là Quán Âm Bồ Tát đến tiếp dẫn, đúng như kinh Lăng Nghiêm đã dạy: “Thuận theo cái tâm của chúng sanh, ứng với khả năng nhận lãnh của họ”, đúng là cảm ứng đạo giao!

          (Sớ) Vấn: Lâm chung Phật hiện, diệc hữu ma phủ?

          ()問:臨終佛現,亦有魔否。

          (Sớ: Hỏi: Lâm chung Phật hiện, cũng có trường hợp là ma hóa hiện hay chăng?)

          Đây cũng là một đại sự được khá nhiều người quan tâm. Khi lâm chung, nếu ma biến thành A Di Đà Phật đến tiếp dẫn chúng ta, chúng ta có thể bị mắc lừa to lớn! Có thể nào khi lâm chung sẽ có tình hình này hay chăng? Ở đây, Liên Trì đại sư đã giải đáp.

          (Sớ) Cổ vị vô ma, thoát hoặc hữu chi, quý tại biện thức.

          ()古謂無魔,脫或有之,貴在辨識。

          (Sớ: Cổ nhân nói ‘chẳng có ma’. Nếu như là có thì cốt yếu là phân biệt để nhận biết).

           Từ thời cổ tới nay luôn nói như vậy, người niệm Phật chẳng bị ma đến quấy nhiễu. Người thật sự niệm Phật, xác thực là chẳng có ma đến quấy nhiễu. Nếu người niệm Phật còn có ma đến quấy nhiễu, nhất định là có nguyên nhân khác, nguyên nhân gì vậy? Tín tâm đối với Tây Phương Tịnh Độ A Di Đà Phật chẳng kiên định, nguyện tâm chẳng thiết tha, sẽ có thể gặp phải ma sự. Nếu là chân tín, nguyện thiết, chắc chắn là chẳng có ma sự. “Thoát hoặc hữu chi”: “Thoát” (脫) là giả thiết, [“thoát hoặc hữu chi”] là giả sử, nếu như là có, “quý tại biện thức” [nghĩa là] quý vị có thể nhận biết, điều này hết sức quan trọng. Trong lời Sao dưới đây, đại sư dạy chúng ta làm thế nào để phân biệt cảnh giới Phật và cảnh giới ma.

          (Sao) Vô ma giả, đơn tu Thiền Định, hoặc khởi Ấm Ma, như Lăng Nghiêm Chỉ Quán chư kinh luận trung biện chi thậm tất.

()無魔者,單修禪定,或起陰魔,如楞嚴止觀諸經論中辨之甚悉。

(Sao: “Chẳng có ma”: [Hành nhân] chỉ tu Thiền Định, có lẽ bị Ấm Ma dấy lên, như trong Lăng Nghiêm, Chỉ Quán, và các kinh luận đã biện định rất tường tận).

Ma đến quấy nhiễu, nói thật ra, người học Thiền dễ gặp phải, người học Mật cũng rất dễ gặp phải. Trong Sớ Sao, đại sư nhắc tới Thiền rất nhiều, nhắc tới Mật rất ít, chúng ta đọc lịch sử bèn hiểu: Vào thời đại nhà Minh, Mật bị chánh quyền cấm đoán, cho nên trong xã hội chẳng có người học Mật, chỉ có học Thiền. Cơ hội Mật bị ma dựa còn nhiều hơn Thiền, chúng ta phải đặc biệt chú tâm cẩn thận điều này.

          (Sao) Kim vị niệm Phật giả, Phật oai thần lực, Phật bổn nguyện lực, đại quang minh trung, tất vô ma sự.

          ()今謂念佛者,佛威神力,佛本願力,大光明中,必無魔事。

          (Sao: Nay nói: Người niệm Phật do sức oai thần, sức bổn nguyện của Phật, ở trong đại quang minh [của Phật], ắt chẳng có ma sự).

          Nói rõ vì sao người niệm Phật chẳng bị ma dựa. Chúng ta niệm Phật bất luận hữu tâm hay vô tâm, bất luận nhất tâm hay tán tâm, chỉ cần niệm Phật, nhất định sẽ được Phật quang chiếu gội. Quang minh của đức Phật chiếu đến chúng ta, bản thân chúng ta chẳng thể nhận biết; đặc biệt là tán tâm niệm Phật, niệm kiểu ấy sức lực rất mỏng yếu, và sức lực chiếu gội của Phật quang cũng chẳng mạnh, rất khó cảm nhận! Nếu là nhất tâm niệm, dùng tâm chân thành, tâm cung kính để niệm, sức gia trì của Phật quang rất mạnh, gần như chính mình luôn có thể cảm nhận được. Vì thế, chắc chắn là ma chẳng có cơ hội giở trò, chẳng thể nào tiếp cận. Đấy là nguyên nhân khiến [hành giả niệm Phật] chẳng bị ma dựa. Tiếp theo đây, [sẽ nói đến] trường hợp cũng có thể bị ma dựa.

          (Sao) Nhiên diệc hữu túc chướng thâm hậu, hoặc bất thiện dụng tâm.

          ()然亦有宿障深厚,或不善用心。

(Sao: Nhưng cũng có kẻ do nghiệp chướng đời trước sâu dày, hoặc chẳng khéo dụng tâm).

Túc chướng thâm hậu” nghĩa là đời quá khứ tạo tác tội nghiệp rất nặng. “Bất thiện dụng tâm” (Chẳng khéo dụng tâm) là Tín, Nguyện, Hạnh của chúng ta đều chẳng đắc lực. Trong Tín có hoài nghi, trong Nguyện có xen tạp, trì danh lúc đứt, lúc nối, đó là công phu chẳng đắc lực, chẳng được bổn nguyện và oai thần của Phật gia trì, có thể bị ma sự hiện tiền.

          (Sao) Dung hữu ma khởi, cố vị khả định, tu dự biện thức.

          ()容有魔起,固未可定,須預辨識。

(Sao: Cho nên có thể gặp ma sự dấy lên. Do đó, chẳng thể nói nhất định [là có bị ma dựa hay không], cần phải chuẩn bị nhận biết sẵn).

          Đây là nói chẳng nhất định, nhưng nhất định phải chuẩn bị biết sẵn, hãy nhận biết nó.

          (Sao) Như kinh luận thuyết: Hành nhân kiến Phật, biện chi hữu nhị.

          ()如經論說:行人見佛,辨之有二。

(Sao: Như trong kinh luận nói: Biện định về chuyện người tu hành thấy Phật thì có hai điều).

          Dạy chúng ta một nguyên tắc để phân biệt, ở đây, nói là có hai chuyện.

          (Sao) Nhất, bất dữ Tu Đa La hợp giả, thị vi ma sự.

          ()一、不與脩多羅合者,是為魔事。

(Sao: Một là nếu chẳng phù hợp Khế Kinh thì là ma sự).

          Trong khi niệm Phật mà thấy cảnh giới, cảnh giới ấy chẳng giống như kinh dạy, đó là ma sự. Bất luận là thấy trong hiện tiền, hoặc thấy trong Định, hoặc thấy trong mộng, hễ thấy khác với kinh dạy, quý vị chẳng quan tâm tới là được rồi. Quyết định chẳng bị dao động bởi nó, ma chẳng thể tổn hại quý vị. Sợ nhất là quý vị bị nó ảnh hưởng, hoặc là sanh tâm hoan hỷ, tâm tham ái, hoặc tâm kinh hãi, tâm kiêng sợ, tức là bị nó lừa. Khi nó hiện tiền, quý vị như như bất động, sẽ chẳng có chuyện gì. Hãy nhớ kinh Kim Cang đã dạy: “Phàm những gì có hình tướng, toàn là hư vọng”, chúng ta phải dùng thái độ như vậy để đối phó. Nghe nói ngoài thị trường có một cuốn sách nhỏ, nói là do một kẻ nào đó từng đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, có viết thành bài Du Ký ghi chép chuyến viếng thăm Tây Phương Cực Lạc thế giới. Những điều nói trong sách ấy “bất dữ Tu Đa La hợp” (chẳng phù hợp Khế Kinh). Tu Đa La (Sūtra, Khế Kinh) là Tịnh Độ Tam Kinh. [“Bất dữ Tu Đa La hợp”] là thấy nói khác với ba kinh, so sánh những điều kẻ ấy nói sẽ thấy chẳng giống như trong kinh điển. Chư vị phải biết: Hễ khác nhau thì là giả, chẳng thật! Từ Cao Tăng Truyện, chúng ta thấy: Thuở Huệ Viễn đại sư sanh tiền, từ trong Định, chúng ta gọi là “chỉ tĩnh khi niệm Phật”, Ngài từng ba lần trông thấy Tây Phương Cực Lạc thế giới. Ngài hé lộ tin tức, cảnh giới Ngài trông thấy hoàn toàn giống như kinh Vô Lượng Thọ đã nói, giống nhau thì là thật. Chẳng giống nhau thì là giả trất, là ma sự.

          (Sao) Nhị, bất dữ bổn sở tu hợp giả, thị vi ma sự.

          ()二、不與本所修合者,是為魔事。

(Sao: Hai là chẳng phù hợp với những gì ta vốn tu tập thì là ma sự).

Bổn sở tu”: Chúng ta tu trì danh niệm Phật, hy vọng thấy A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí. Trong phần tiểu chú [trong sách Diễn Nghĩa] có nói: A Di Đà Phật quyết định thị hiện tại phương Tây, nay A Di Đà Phật ở phương Đông, hoặc A Di Đà Phật ở phương Nam, chẳng tương ứng với điều chúng ta đang tu tập. Đó là giả! Ma thị hiện cảnh giới Phật để gạt người là chuyện có thật. Ma hiện cảnh tương ứng với những gì chúng ta ham thích để dụ dỗ, mê hoặc quý vị; nhưng ma quyết định chẳng thể biến hiện hình dáng Bổn Tôn để lừa gạt quý vị, đó là phạm pháp. Giống như nay chúng ta nói là giả mạo thương tiêu (商標: nhãn hiệu cầu chứng, trademark), giả mạo là phạm tội! Quý vị cầu A Di Đà Phật, ma hiện thành Thích Ca Mâu Ni Phật đến tiếp dẫn quý vị, chẳng phạm pháp. Hắn chẳng thể hiện thành Bổn Tôn. Bổn Tôn của quý vị là A Di Đà Phật. Hắn hiện hình dáng Dược Sư Phật để tiếp dẫn quý vị, chắc chắn là giả. Chúng ta niệm niệm cầu sanh Tây Phương, lâm chung nhất định là Tây Phương Tam Thánh đến tiếp dẫn, quyết định chẳng phải là các vị Phật, Bồ Tát khác. Vì thế, khi ấy, nếu thấy Phật, Bồ Tát khác, đều là giả, đều chẳng thật. Từ chỗ này, chúng ta phân biệt chẳng khó!

          (Sao) Sở dĩ nhiên giả? Dĩ đơn tu Thiền nhân, bổn sở tu nhân, duy tâm vô cảnh cố. Ngoại hữu Phật hiện, tất trí bất luận, dĩ quả bất hiệp nhân cố.

          ()所以然者,以單修禪人,本所修因,唯心無境故。外有佛現,悉置不論,以果不協因故。

(Sao: Vì lẽ nào? Người chỉ tu Thiền, vốn tu cái nhân “chỉ là tâm, chẳng có cảnh”. Bên ngoài có Phật hiện, bèn bỏ mặc chẳng hỏi tới, do quả chẳng tương ứng nhân vậy).

Do vậy, Thiền Tông gặp cảnh giới, chỉ cần là người tu hành có thể

tự mình nắm chắc. Thiền cầu cái tâm thanh tịnh. Trong tâm thanh tịnh, chẳng có mảy may tham nhiễm, chẳng có mảy may tốt xấu; vì lẽ đó, Thiền Tông nói: “Ma đến phải chém, Phật đến cũng chém”, thảy đều chẳng cần, “duy tâm vô cảnh” (chỉ có tâm, chẳng có cảnh). Nếu đối với ngoại cảnh, dấy lên một tí ý niệm tham, sân, sẽ bị ma dựa. Tôi vừa mới nói: Mật càng dễ bị ma dựa hơn Thiền! Mật có cảnh giới, có cảnh giới Phật, có cảnh giới của hộ pháp minh vương[1], có cảnh giới quỷ thần. Cảnh giới của họ quá nhiều, quá phức tạp. Nói cách khác, ma rất dễ dàng thừa cơ xâm nhập. Nếu quý vị chẳng có năng lực phân biệt, muốn chẳng bị lừa sẽ khá khó khăn. Do vậy, chúng ta thấy rất nhiều người học Mật bị ma dựa, tại Đài Loan và ngoại quốc thường gặp chuyện này. Đó là chẳng khéo dụng tâm, chẳng có năng lực phân biệt là Phật hay là ma!

          (Sao) Kim niệm Phật nhân, nhất sanh ức Phật, lâm chung kiến Phật, nhân quả tương phù.

()今念佛人,一生憶佛,臨終見佛,因果相符。

(Sao: Nay người niệm Phật suốt đời nhớ Phật, lâm chung thấy Phật, nhân quả phù hợp).

          Người niệm Phật thấy cảnh giới Tây Phương, thấy Phật Di Đà, Quán Âm, Thế Chí, đó là bình thường. Trong khá nhiều luận điển, cổ đức đã khai thị: Phật, Bồ Tát hiện tiền nhằm chứng minh, hòng tăng trưởng tín niệm của chúng ta. Ma cảnh hiện tiền nhằm lừa gạt, dụ dỗ, mê hoặc quý vị, hòng phá hoại đạo tâm. Mục đích và dụng ý khác nhau. Do vậy, thời gian Phật cảnh hiện tiền nhất định là sẽ rất ngắn. Sau khi hiện tiền, quý vị sẽ chẳng còn thấy nữa. Đó là Phật, Bồ Tát thị hiện cảnh giới theo lẽ thông thường, chẳng phải là thường xuyên trông thấy. Suốt một đời Viễn công đại sư (Sơ Tổ Huệ Viễn), chỉ thấy ba lượt! Nếu thời gian hiện cảnh giới rất dài, sau khi cảnh giới biến mất, cách một thời gian chẳng lâu sau lại hiện, sẽ là bất bình thường, có thể đoán định nó là ma cảnh, chẳng phải là Phật cảnh. Thường thấy cảnh giới ấy, chắc chắn chẳng phải là chuyện tốt đẹp! Có các đồng tu từng nói với tôi: Lúc họ mới học Phật, có rất nhiều thụy tướng, ngửi thấy mùi hương lạ, trong mộng thấy Phật, Bồ Tát đến thuyết pháp, xoa đầu. Sau khi đã niệm Phật nhiều năm, chẳng còn thấy nữa. Họ hỏi: “Có phải là tôi ngã lòng hay chăng? Có phải là công phu chẳng đắc lực hay không?” Tôi nói: “Các vị thường mong trông thấy ư? Thường trông thấy thì hỏng bét! Sở dĩ Phật, Bồ Tát chẳng thường hiện tiền, nói thật ra, cũng là do đại từ đại bi đối với chúng ta, chân thật hộ niệm chúng ta. Thường trông thấy, chúng ta chẳng tiếp nhận được! Phiền não tập khí nhất định sẽ hiện hành, tự nghĩ: “Các ngươi xem đó, ta thường thấy Phật, các ngươi đâu có thấy! Công phu của ta tốt đẹp hơn bọn ngươi!” Phiền não kiêu căng ngã mạn đã sanh khởi! Đức Phật dạy quý vị đoạn phiền não, kẻ giúp quý vị tăng trưởng phiền não là ma, chắc chắn chẳng phải là Phật. Do vậy, nếu chẳng phải là lúc tất yếu, Phật sẽ chẳng đến quấy nhiễu, chẳng đến nhiễu loạn quý vị. Chúng ta học Phật, niệm Phật, điều quan trọng nhất là chúng ta mong cầu nhất tâm bất loạn, mong cầu tâm thanh tịnh, chẳng phải là cầu hằng ngày thấy Phật. Vì thế, kinh chỉ nói “khi lâm chung, Phật đến tiếp dẫn”, chẳng có nói: Thường thị hiện cho quý vị trông thấy.

          (Sao) Vấn: Ký viết phi ma, đương thị chân Phật, nhi cổ vị Phật vô khứ lai, vân hà hữu Phật hiện tại kỳ tiền?

()問:既曰非魔 ,當是真佛 ,而古謂佛無去來,云

何有佛現在其前。

(Sao: Hỏi: Đã nói chẳng phải là ma, thì phải là Phật thật sự, nhưng cổ nhân nói “Phật chẳng đến đi”, sao lại có Phật hiện ra trước người ấy?)

          Câu hỏi này hay lắm! Đích xác cũng là sự thật. Cổ đức nói về chuyện vãng sanh Tịnh Độ, đã bảo: “Sanh tắc quyết định sanh, khứ tắc thật bất khứ” (Sanh thì quyết định sanh, đi thì thật sự chẳng đi). Nếu chẳng phải là thật sự thấy chân tướng sự thật, sẽ chẳng thốt lên câu này! Sanh thì quyết định sanh, nhưng đi thì chẳng đi, lời này nên nói ra sao? Cổ nhân muốn thấu hiểu ý này, đúng là chẳng dễ dàng. Người hiện thời cậy vào tỷ dụ trong khoa học kỹ thuật bèn có thể lãnh hội dễ dàng. Ví như chúng ta xem TV, màn hình TV ở ngay trước mặt chúng ta. Ở đây, chúng ta nhấn nút xem chương trình TV của Mỹ, nước Mỹ xác thực ở ngay trước mắt chúng ta. Chúng ta có đi hay không? Chúng ta chẳng đi, nó (người và cảnh nước Mỹ) cũng chẳng đến [chỗ chúng ta]. Chẳng đến chẳng đi mà ở ngay trước mặt. Trong tương lai, khoa học kỹ thuật lại tiến thêm một bước nữa, chỉ sợ có thể cùng người trong màn hình TV đối diện chuyện gẫu. Người ấy cũng chẳng đến, chúng ta cũng chẳng đi, chúng ta gặp mặt nói chuyện phiếm dường như ở cùng một chỗ. Nếu dùng thuật ngữ khoa học để giải thích, nói thật ra là thuộc vào các không gian có kích thước khác nhau. Các nhà khoa học công nhận chúng ta đang ở trong không gian ba chiều, [ngoài ra còn có] không gian bốn chiều, không gian năm chiều, không gian sáu chiều, không gian vô hạn chiều! Đúng là chẳng có đến đi, mà là tiến nhập một không gian khác. Do vậy “sanh thì quyết định sanh, đi thì thật sự chẳng đi”. Khoa học hiện đại đã phát hiện sự thật này.

          (Sao) Đáp: Cảm ứng đạo giao, bất phương bất lai nhi lai, vô kiến nhi kiến.

          ()答:感應道交,不妨不來而來,無見而見。

(Sao: Đáp: Cảm ứng đạo giao, chẳng ngại gì không đến mà đến, chẳng thấy mà thấy).

          Chính là nói tới đạo lý mà tôi vừa mới đề cập. Liên Trì đại sư là người sống vào đời Minh. Thuở ấy, khoa học kỹ thuật trong thế gian này chẳng bàn tới [đạo lý ấy] được! Vì thế, cảnh giới này hết sức khó hiểu, chỉ có người thật sự tu hành có công phu định lực mới có thể lý giải. Cảnh giới trong Định xác thực là chuyển biến chúng ta đến không gian vô hạn chiều. Đó là cảnh giới trong Định, người ấy có thể tự do qua lại. Vì thế, thấy rất nhiều thế giới bất đồng.

          (Sao) Cố Vĩnh Minh vị “như huyễn, phi thật, tắc tâm Phật lưỡng vong, nhi bất vô huyễn tướng, tắc bất hoại tâm Phật”.

()故永明謂如幻非實,則心佛兩忘,而不無幻相,則不壞心佛。

(Sao: Vì thế, ngài Vĩnh Minh bảo là “như huyễn, chẳng thật, cho nên tâm và Phật cùng mất. Do huyễn tướng chẳng không, cho nên chẳng hoại tâm và Phật”).

          Những lời này do Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư nói. Chúng ta biết Ngài là Hóa Thân của A Di Đà Phật, những điều Ngài nói đương nhiên là có đạo lý rất sâu, mà cũng thật sự là chân tướng sự thật. “Tâm Phật lưỡng vong” (Tâm và Phật cùng mất) chính là năng cảm, tâm đã thanh tịnh, chẳng có phân biệt. Tâm và Phật là hai pháp; nay chúng ta gọi hai pháp là “tương đối”. Sau khi đã bỏ sạch tương đối, tuyệt đối cũng chẳng có. Hễ nói tuyệt đối và tương đối, lại biến thành một cặp [đối lập]. Vì thế, trong Phật pháp có nói: “Nhị biên bất lập, Trung Đạo bất tồn” (Hai bên chẳng lập, Trung Đạo chẳng tồn tại). Trung Đạo cũng chẳng có, cái tâm ấy mới là chân tâm, mới là tâm thật sự thanh tịnh. Lục Tổ nói: “Vốn chẳng có một vật”. Thế là tất cả hết thảy chướng ngại đều chẳng có. Chẳng có giới hạn thì mới có thể vượt thoát thời gian và không gian vô hạn chiều! Nay chúng ta chẳng thể vượt thoát là vì có phân biệt, có chấp trước. Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã nói: “Hết thảy chúng sanh chỉ vì vọng tưởng, chấp trước, nên chẳng thể chứng đắc”. Nếu trừ bỏ vọng tưởng, chấp trước, sẽ giống như chư Phật Như Lai, không gian vô hạn thảy đều hiện ở trước mắt. Tất cả hết thảy sâm la vạn tượng, kinh Đại Thừa nói “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, cũng có nghĩa là: Y báo và chánh báo trang nghiêm như trong Phật pháp đã nói, kẻ bình phàm chúng ta nói là “vạn hữu trong vũ trụ” do đâu mà có? Do tự tánh biến hiện. Tự tánh là cái có thể biến (năng biến), vạn tướng là cái được biến (sở biến). Năng biến là thật, sở biến là huyễn tướng. Do vậy, kinh Kim Cang nói hết thảy các tướng, tướng là pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng. Trong tâm chúng ta nghĩ gì sẽ biến ra nấy. Chúng ta tưởng Phật, Phật tướng liền hiện tiền. Tưởng Bồ Tát, tướng Bồ Tát liền hiện tiền. Kinh Lăng Nghiêm cũng gọi điều này là “tùy tâm ứng lượng”, chẳng sai tí nào!

          (Sao) Hựu vân: “Pháp Thân chân Phật, bổn vô sanh diệt”.

          ()又云:法身真佛,本無生滅。

          (Sao: Lại nói: “Vị Phật chân thật nơi Pháp Thân vốn chẳng có sanh diệt”).

          Pháp Thân là bản thể, là Chân Như bản tánh. Triết học hiện thời gọi nó là “bản thể của vạn hữu trong vũ trụ”, trong Phật pháp gọi nó là Pháp Thân. Pháp Thân nghĩa là hết thảy vạn pháp đều nương vào nó để sanh khởi, có ý nghĩa hoàn toàn giống như Bản Thể đang nói trong hiện tại, bất quá danh xưng khác nhau. “Pháp Thân chân Phật, bổn vô sanh diệt”, [nghĩa là] từ Pháp Thân biến hiện ra đức Phật, chúng ta gọi [đức Phật ấy] là Báo Thân Phật. Báo Thân Phật hữu sanh, vô diệt.

          (Sao) Từ Chân khởi Hóa, tiếp dẫn mê căn.

          ()從真起化,接引迷根。

(Sao: Từ Chân Phật sanh khởi Hóa Phật để tiếp dẫn những căn cơ đang mê muội).

          Xác thực là Pháp Thân có bản năng này, nghĩa là năng lực ấy vốn sẵn có, chẳng do tu được. Chúng sanh ở nơi đâu có cảm, Ngài bèn hiện thân nơi ấy, tức là Ứng. “Tiếp dẫn mê căn” tức là vì lục đạo phàm phu mà nói. Vì lục đạo mê hoặc, điên đảo, người thuộc loại căn tánh này được gọi là lục đạo phàm phu.

 

          (Sao) Thử nãi Như Lai bổn nguyện công đức, linh bỉ hữu duyên chúng sanh, chuyên tâm tưởng niệm, năng ư tự tâm kiến Phật lai nghênh, bất thị chư Phật thật khiển Hóa Thân nhi lai nghênh tiếp.

     ()此乃如來本願功德,令彼有緣眾生,專心想念,能於自心見佛來迎,不是諸佛實遣化身而來迎接。

(Sao: Đây chính là bổn nguyện công đức của Như Lai, khiến cho chúng sanh hữu duyên chuyên tâm tưởng niệm, có thể từ tự tâm thấy Phật đến đón tiếp, chẳng phải là chư Phật thật sự sai Hóa Thân đến đón tiếp).

          Hãy nên biết sự thật này! Chúng ta hằng ngày tưởng Phật, đến khi lâm chung, quý vị sẽ thấy Phật. Do đâu mà có Phật? Phật do tự tánh của chúng ta biến hiện, biến hiện như thế nào? Do bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì mà biến hiện. Do vậy, đấy là Hóa Thân của Phật, chẳng phải là đức Phật từ Tây Phương Cực Lạc thế giới biến ra một thân, vội vã đến đây. Chẳng phải là ý nghĩa ấy, nếu nói [Phật từ Cực Lạc đến tiếp đón] theo kiểu như vậy thì sai mất rồi! Hóa Thân của Phật ở chỗ nào? Hóa hiện từ ngay trước mặt. Do vậy, Phật thật sự chẳng có đến hay đi. Nhưng thân tướng của Phật xác thực là hiện diện ngay trước mặt chúng ta; chính chúng ta cũng cảm thấy ta theo Phật tới Tây Phương. Chỉ cần quý vị theo Phật, bèn lập tức đến Tây Phương. Vì vậy, kinh thường nói “đàn chỉ khoảnh” (彈指頃: trong khoảng khảy ngón tay). Thời gian khảy ngón tay hết sức nhanh chóng! Trong một cái khảy ngón tay đã đến nơi, đã tới Tây Phương! Do đó, mười vạn ức cõi Phật chẳng xa, khảy ngón tay một cái đã tới, như tôi vừa mới nói, chỉ là chuyển biến không gian trong chốc lát, từ trong không gian ba chiều của chúng ta chuyển sang không gian vô hạn chiều của A Di Đà Phật. Hễ chuyển biến sẽ chính là [Cực Lạc], có ý nghĩa như vậy đó.

          (Sao) Tắc Phật thân trạm nhiên thường tịch, chúng sanh kiến hữu khứ lai.

          ()則佛身湛然常寂,眾生見有去來。

          (Sao: Phật thân trong lặng, thường tịch, mà chúng sanh thấy có đến đi).

          Hai cảnh giới khác nhau. Phật là tâm tánh viên mãn hiển lộ, nhưng bọn phàm phu chúng ta chẳng đoạn một phẩm phiền não. Trình độ chênh lệch quá lớn. Trong cảnh giới của Phật, tận hư không khắp pháp giới là một Thể, nhưng trong tâm chúng ta có quá nhiều phân biệt, chấp trước, nên giống như có đến, có đi. Nói cách khác, chúng ta đã thấy Phật, nhưng tập khí phân biệt, chấp trước vẫn còn. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, các tập khí ấy có gây trở ngại hay chăng? Chẳng trở ngại, đó gọi là “đới nghiệp vãng sanh”, mang qua đó cũng chẳng gây trở ngại! Giống như trong kinh đã nói: Chúng ta mặc áo, ăn cơm. Mặc áo, ăn cơm là tập khí, đến khi đó, sẽ tự nhiên nghĩ tưởng. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới có còn phải ăn uống hay không? Chẳng cần thiết! Không cần, nhưng đôi khi bỗng nhớ tới: “Khá lâu rồi mà chưa ăn uống gì!” Nghĩ đến chuyện ăn uống, vật dụng để ăn uống và cơm nước bèn bày ra trước mặt. Chỉ cần dấy lên ý niệm, chúng bèn hiện tiền. Một chốc sau, do chúng đã hiện ra trước mặt, bèn nghĩ: “Ta đang ở Tây Phương Cực Lạc thế giới, nay đã thành Bồ Tát, chẳng cần những thứ này”, những thứ ấy bèn chẳng còn nữa! Đó là tập khí biến hiện huyễn tướng (幻相: hình tướng hư huyễn) tại đó. Do vậy, cảnh giới của Phật và chúng sanh khác nhau, nhưng đôi bên chẳng trở ngại lẫn nhau. Tại Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ dần dần chẳng ngừng nâng cao cảnh giới của chúng ta.

          (Sao) Như kính trung hình, phi nội, phi ngoại, như mộng trung sự, bất hữu, bất vô.

          ()如鏡中形,非內非外,如夢中事,不有不無。

(Sao: Như hình trong gương, chẳng phải trong, chẳng phải ngoài; như chuyện trong mộng, chẳng có, chẳng không).

          Tỷ dụ này rất hay, chúng ta dùng màn hình TV để so sánh cũng có ý nghĩa này. Chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, chẳng có, chẳng không, đó là chân tướng sự thật. Thế giới trước mắt chúng ta cũng là tình trạng này, đáng tiếc là có rất nhiều người chẳng thể cảm nhận, ngỡ huyễn tướng là chân tướng, coi huyễn hữu là chân hữu, phân biệt, chấp trước trong ấy, lại còn mong chiếm hữu, khổ sở thay! Đã dùng hết tâm cơ, chịu hết mọi nỗi khổ sở, có đạt được hay chăng? Thứ gì cũng chẳng đạt được. Vì sao chẳng đạt được? Vì sự thật là “chẳng phải có, chẳng phải không”, cho nên quý vị chẳng thể đạt được! Kể cả thân thể của chúng ta, chúng ta đều không thể đạt được thân thể! Người thật sự giác ngộ điều này, coi thân thể như y phục. Y phục đã bẩn thỉu, cởi ra giặt giũ, lại bẩn thỉu, bèn cởi ra vứt đi, chẳng cần nữa, thay một bộ khác! Người thật sự giác ngộ có cách nhìn như thế đối với thân thể, thân thể chẳng đáng coi trọng cho lắm. Chúng ta cần sử dụng nó, chớ nên chấp trước nó. Giống như y phục, chúng ta phải sử dụng chúng, chớ nên chấp trước, khi nên quăng đi bèn vứt bỏ. Khi vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, quần áo bên thế giới Cực Lạc tốt hơn nơi này quá nhiều, những thứ dơ bẩn chớ nên mang đi, phải vứt bỏ! Đến thọ sanh trong thế giới Cực Lạc, quý vị thấy kinh nói là thể chất của cái thân là “tử ma chân kim” (vàng ròng được trau giồi sáng bóng), tướng hảo, quang minh. Chúng ta mang cái đãy da thối này qua đó, chẳng có ai ưa thích! Vì thế, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới phải vứt bỏ, phải quăng nó đi, quý vị sẽ đạt được một thân thể mới hoàn toàn giống hệt như A Di Đà Phật. Phần bốn mươi tám nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ đã nói rất rõ ràng: Thân Phật có vô lượng tướng hảo, quang minh. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, thân tướng của chúng ta giống hệt như A Di Đà Phật, thế giới ấy là một thế giới bình đẳng. Vì thế, đối với hiện tiền, thân thể và hoàn cảnh sống của chúng ta, hết thảy đều phải xem nhạt một chút, chớ nên xem chúng rất thật, chớ nên chấp trước, đó là đúng, chúng ta niệm Phật mới có thể đắc nhất tâm, mới có thể đạt được tâm thanh tịnh.

          (Sao) Hựu kinh vân: “Ưng dĩ Phật thân đắc độ giả, tức hiện Phật thân nhi vị thuyết pháp”, diệc thử ý dã.

          ()又經云:應以佛身得度者,即現佛身而為說法。亦此意也。

(Sao: Kinh lại nói: “Nên dùng thân Phật để đắc độ, bèn hiện thân Phật để thuyết pháp” cũng là ý này).

          Chúng ta thấy Phật, thấy Bồ Tát, hai ba người cùng tu với nhau, mỗi người thấy mỗi khác. Tại Phạm Âm Động ở núi Phổ Đà bên Đại Lục, có người kiền thành lễ bái ngoài động, Quán Âm Bồ Tát bèn hiện tướng. Cũng có người đến lễ rất lâu, chẳng thấy gì cả. Có người lạy mười mấy phút, hoặc nửa giờ, bèn thấy Quán Âm Bồ Tát hiện thân. Pháp sư Thánh Nhất ở Hương Cảng kể với tôi: Ba người bọn họ tới Phạm Âm Động ở núi Phổ Đà để lễ bái Quán Âm Bồ Tát. Lạy nửa tiếng đồng hồ, Bồ Tát hiện thân, ba người đều hết sức hoan hỷ. Khi trở về, hỏi han lẫn nhau: “Ông thấy Quán Âm Bồ Tát có hình dạng ra sao?” Kết quả là ba người đều nói khác nhau. Pháp sư Thánh Nhất thấy tướng thù thắng: Bồ Tát hiện thân nam tử, toàn thân kim sắc, đội mão Tỳ Lô. Vị pháp sư kia thấy Ngài dưới hình tướng nữ nhân, là hình dạng Bạch Y Đại Sĩ. Vị khác nữa thấy Ngài có hình tướng xuất gia, mặc áo hải thanh, đắp y. Ba người đồng thời thấy, nhưng thấy hình tướng khác nhau. Đúng như phẩm Phổ Môn đã nói: “Nên dùng thân gì để độ bèn hiện thân tướng ấy”. Có thể thấy ba vị ấy tâm địa thanh tịnh khác nhau, công phu tu hành cạn hay sâu khác nhau, nhưng toàn là tâm chính mình có thể cảm, Bồ Tát có thể ứng, do cảm ứng đạo giao mà hiện tướng. Vì vậy, đáng nên dùng thân Phật để độ bèn hiện thân Phật.

          Hôm qua, có một người đến hỏi tôi. Người ấy hỏi giùm một đồng tu khác, là một vị nam cư sĩ, ông ta hỏi: Có một vị nữ đồng tu, bà ta vẫn mong dùng thân nữ để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, hỏi xem có thể hay không? Tôi nói: “Đại khái là chẳng thể được! Kinh chẳng có cách nói như vậy”. Ông ta nói: “Nếu đến thế giới Tây Phương, chẳng phải là dùng thân nữ để đến thì chính là rất bất bình đẳng! Vì sao nhất định phải là thân nam? Vì sao thân nữ chẳng thể đến Tây Phương Cực Lạc thế giới?” Nói thật ra, chẳng phải là người ta bất bình đẳng, mà là quý vị phân biệt, chấp trước quá nặng! Quý vị hằng ngày dấy vọng tưởng. Dùng cái tâm vọng tưởng, chấp trước ấy để niệm Phật, chắc chắn là chẳng thể vãng sanh. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị thích thân nữ. Quý vị hãy xem chỗ này: “Đáng nên dùng thân nữ để đắc độ, bèn hiện thân nữ để thuyết pháp”. Quý vị đến mười phương các cõi nước trong tận hư không khắp pháp giới, chẳng biết là có thể hiện bao nhiêu thân nữ, tự tại lắm! Nếu quý vị chẳng đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, thân gì cũng chẳng thể hiện, mà phải thuận theo nghiệp lực để biến hiện, đấy mới là khổ! Bởi lẽ, thế giới Tây Phương là nguyện lực, nhất định phải hiểu điều này. Nhưng trong thế giới Tây Phương, quyết định là bình đẳng, hễ có nam nữ sẽ là bất bình đẳng. Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta cũng đã đọc và thảo luận, vì sao A Di Đà Phật phát nguyện trong thế giới Tây Phương toàn là thân nam, lại còn là thân tướng giống hệt như nhau? Nhằm tránh phân biệt, tránh được khá nhiều phiền não. Khá nhiều kinh đã nói, thế giới nào có nam nữ sống lẫn lộn với nhau, thế giới ấy quyết định có địa ngục. Nếu thế giới ấy thuần nhất là nam giới, hay thuần nhất là nữ giới, thế giới ấy chẳng có địa ngục!

          Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có ba ác đạo! Không chỉ hoàn toàn là nam chúng, mà vóc dáng, tướng mạo đều như nhau, đó mới là thật sự bình đẳng. Vì sao? Người thế gian, thân thể tráng kiện, tướng mạo đẹp đẽ bèn kiêu ngạo. Thể chất yếu đuối, diện mạo, hình thể kém cỏi hơn một chút, trong tâm sẽ có mặc cảm tự ty! Đó là bất bình đẳng. A Di Đà Phật thấy rất rõ ràng, chẳng cần sự bất bình đẳng đó, hễ đến thế giới Tây Phương của ta đều là bình đẳng, mọi người sống chung với nhau đều chẳng có tự ty, mà cũng chẳng có ngạo mạn. Vì vậy, thế giới ấy chẳng có ba ác đạo. Nếu quý vị chẳng mong đến đó, trong những thế giới ở phương khác, có những chỗ là ba ác đạo rất nhiều, quý vị cứ mặc tình mà đến! Đã vậy, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, còn có năng lực hóa thân theo từng loài. Hóa thân theo từng loài, chẳng phải là trong thế giới Tây Phương, mà là đến những thế giới phương khác. Quý vị đến mười phương thế giới cúng dường Phật, tùy tiện quý vị hóa thân gì, thích hóa thân nào cũng đều có thể. Đến độ chúng sanh, đương nhiên là hóa thân thuận theo tâm lượng của chúng sanh, chính là “nên dùng thân Phật để độ bèn hiện thân Phật, nên dùng thân Bồ Tát để độ bèn hiện thân Bồ Tát”. Nên dùng thân gì để độ, bèn hiện thân ấy. Đúng là đắc đại tự tại! Trở về Tây Phương Cực Lạc thế giới, vẫn có thân tướng giống như A Di Đà Phật, quyết định là bình đẳng, thân tướng bình đẳng trong thế giới Tây Phương. Tiếp theo đây, dùng một tỷ dụ để nói.

          (Sao) Thị cố thủy thanh tắc nguyệt tự lai, tâm tịnh tắc Phật tự hiện, sở vị cảm ứng đạo giao nan tư nghị dã.

          ()是故水清則月自來,心淨則佛自現,所謂感應道交難思議也。

(Sao: Do vậy, nước trong nên trăng tự hiện bóng, tâm tịnh ắt Phật tự hiện. Đó gọi là “cảm ứng đạo giao khó thể nghĩ bàn” vậy).

           “Nan tư nghị” là chẳng thể nghĩ bàn! Nước trong liền hiện bóng trăng, vầng trăng có vào trong nước hay không? Chẳng vào! Chẳng vào mà hiện, đó là “chẳng đến mà đến”. Tâm chúng ta thanh tịnh, Phật bèn hiện. Trong tâm thanh tịnh, không chỉ hiện cảnh giới của chư Phật, mà y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới thảy đều hiện tiền, lại còn đều là cảnh giới Hiện Lượng, chân thật nhất, chẳng có tí ti sai lầm nào! Trước kia, có một quyển sách tên là Tạo Hóa Thông, người viết sách ấy rất có học vấn, xác thực là học rộng nghe nhiều. Trong ấy có hai thiên sách thảo luận về những lời tiên đoán. Tiên đoán do đâu mà có? Tác giả nêu ra hai nguồn gốc:

1) Một là từ suy luận Toán Học. Trung Hoa có rất nhiều tác phẩm tiên đoán, như tác phẩm nổi tiếng nhất là bộ Hoàng Cực Kinh của Thiệu Khang Tiết[2]. Ông ta suy tính, chẳng phải là tính toán các triều đại của một quốc gia, mà còn suy tính mạng vận của toàn  thể  địa  cầu. Suy  tính

cũng khá chuẩn xác, nhưng cũng có khi chẳng chuẩn xác. Do nguyên nhân nào? Ông ta suy luận bằng Lý Số. Lý Số có khi biến hóa, lại có mức độ tăng giảm, nhân chia quá lớn, sẽ thay đổi, chẳng hoàn toàn đáng tin cậy được, nhưng phần lớn có thể tin tưởng được!

2) Một nguồn gốc khác là cảnh giới Hiện Lượng do thánh nhân đã thấy trong Định. Điều này quyết định đáng tin cậy, vì ở trong Định, quá khứ, hiện tại, vị lai các Ngài đều thấy, quyết định chẳng có sai lầm. Tâm thanh tịnh, những hiện tượng trong quá khứ, hiện tại, vị lai đều ở trước mắt, quý vị bèn trông thấy.

Tại cõi này, hay nơi phương khác, không chỉ là Phật pháp giới, “tâm tịnh tắc Phật tự hiện” (tâm tịnh ắt Phật tự hiện). Tâm tịnh thì y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới muốn hiện bèn hiện, mong thấy bèn thấy. Đó là cảm ứng đạo giao chẳng thể nghĩ bàn! Thông thường, muốn đạt tới cảnh giới này, mức độ thấp nhất phải là từ Sơ Quả trở lên. Sơ Quả có công phu định lực kha khá, Định có thể phục đoạn[3] phiền não, phục đoạn tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới. Trong sáu loại thần thông, Ngài đã đắc hai loại tức là Thiên Nhãn Thông và Thiên Nhĩ Thông. Đạt đến Nhị Quả, bèn có Túc Mạng Thông, biết chuyện trong đời quá khứ của chính mình, có Tha Tâm Thông biết người khác trong tâm nghĩ gì. Tam Quả có Thần Túc Thông, tức là phi hành biến hóa. Bảy mươi hai phép biến hóa của Tôn Ngộ Không thuộc loại Thần Túc Thông. Năng lực của Tam Quả không chỉ là bảy mươi hai phép biến hóa, Ngài có thể biến hóa, có thể phân thân. Tứ Quả đắc Lậu Tận Thông, đoạn hết tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc, vượt thoát tam giới. Có thể thấy: Để đắc tâm thanh tịnh, định lực hết sức trọng yếu! Đức Phật nói những năng lực ấy đều là bản năng (năng lực sẵn có), chẳng do từ bên ngoài. Tâm thanh tịnh, những năng lực vốn sẵn có của chúng ta bèn khôi phục. Hiện thời, các năng lực ấy mất đi, bị những phiền não vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chướng ngại bản năng của chúng ta, [khiến chúng] chẳng thể hiện tiền. Đạo lý như thế đó.

          (Sớ) Cố tri lâm chung thiết tượng trợ niệm, văn tải thánh kinh, pháp truyền Tây Vực, bất ưng nghi trở.

          ()故知臨終設像助念,文載聖經,法傳西域,不應疑阻。

(Sớ: Vì thế, biết là “lâm chung, bày tượng Phật để trợ niệm”, kinh văn đã được ghi chép trong thánh kinh, pháp ấy được lưu truyền tại Tây Vực, chớ nên nghi ngờ, ngăn trở).

          Nói tới lúc lâm chung. Đối trước người lâm chung, chúng ta trần thiết tượng A Di Đà Phật, hoặc tượng Tây Phương Tam Thánh để người ấy quán tưởng. Kinh Hoa Nghiêm có nói chuyện này. Lâm chung làm như thế nào, cũng là từ Ấn Độ truyền tới. Chúng ta chớ nên hoài nghi, chớ nên ngăn cản, quấy nhiễu những phương pháp ấy, hãy hành theo phương pháp ấy, nhất định có lợi ích.

          (Sao) Hoa Nghiêm thập ngũ kinh tụng vân.

          ()華嚴十五經頌云。

          (Sao: Trong quyển mười lăm của kinh Hoa Nghiêm có bài kệ tụng như sau).

          Kệ tụng trong quyển mười lăm của kinh Hoa Nghiêm.

          (Sao) Kiến hữu lâm chung khuyến niệm Phật.

          ()見有臨終勸念佛。

          (Sao: Thấy kẻ lâm chung, khuyên niệm Phật).

           Nay chúng ta nói là “lâm chung trợ niệm”, khuyên người ấy niệm Phật.

          (Sao) Hựu thị tôn tượng linh chiêm kính.

          ()又示尊像令瞻敬。

(Sao: Lại bày tôn tượng để người ấy chiêm ngưỡng, tôn kính).

          Tượng Phật thì tượng đắp cũng được mà tượng vẽ cũng được, nhất

định phải làm cho người lâm chung thấy rõ ràng. Khi lâm chung, tình hình rất đặc thù, người bệnh nằm ở trên giường, tượng đặt ở phía trên chân người bệnh, người đó nằm đấy có thể trông thấy. Khi ấy, chẳng có cung kính hay không cung kính, nhất định phải rất thuận tiện cho người bệnh, hễ mở mắt bèn thấy, phải đặt ở vị trí ấy, giúp cho người ấy quán tưởng, nhắc nhở người ấy niệm Phật, điều này hết sức trọng yếu. Hai câu kế đó nói lên mục đích.

          (Sao) Tỷ ư Phật sở thâm quy ngưỡng, thị cố đắc thành thử quang minh.

          ()俾於佛所深歸仰,是故得成此光明。

(Sao: Khiến cho quy ngưỡng Phật sâu xa, nên được thành tựu quang minh này).

          Khiến cho người ấy có thể sanh tín tâm đối với Phật, có thể sanh khởi nguyện tâm, thật sự quy mạng, thật sự cầu sanh, người ấy quyết định được vãng sanh.

          (Sao) Sớ vân.

          ()疏云。

(Sao: Lời Sớ ghi).

Sớ là lời chú giải [kinh Hoa Nghiêm] của Thanh Lương đại sư. Bộ Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao do Thanh Lương đại sư soạn.

          (Sao) Tây Vực pháp.

          ()西域法。

(Sao: Pháp tắc bên Tây Vực).

           Từ Ấn Độ truyền sang phương pháp này.

          (Sao) Hữu dục xả mạng giả, linh diện Tây.

          ()有欲捨命者,令面西。

(Sao: Hễ có người sắp xả mạng, bèn bảo họ hướng về phương Tây).

Người ấy khi lâm chung, nhất định  phải  ngoảnh  mặt  về  phương

Tây để cầu cảm ứng.

          (Sao) Ư tiền an nhất lập tượng.

          ()於前安一立像。

(Sao: Trước mặt, đặt một tượng đứng).

          “Tượng đứng” là tượng A Di Đà Phật tiếp dẫn. Lâm chung, Phật đến tiếp dẫn, cho nên dùng tượng đứng.

          (Sao) Tượng diệc diện Tây.

          ()像亦面西。

(Sao: Tượng cũng ở phương Tây).

          Tượng Phật đặt ở phương Tây, khiến cho người bệnh hướng mặt về phương Tây.

          (Sao) Dĩ phan đảnh quải tượng thủ chỉ, linh bệnh nhân thủ tróc phan cước.

          ()以旛頂掛像手指,令病人手捉旛腳。

(Sao: Treo đỉnh lá phan nơi ngón tay của tượng, bảo bệnh nhân nắm lấy đuôi lá phan).

          Khi người ấy đang lâm chung thì Phật sự trợ niệm thù thắng nhất là Tam Thời Hệ Niệm. Đức Phật xòe tay tiếp dẫn, trên tay treo một lá phan dài, biểu thị ý nghĩa tiếp dẫn. Để cho người bệnh nắm lấy đuôi phan, Phật đến tiếp dẫn, theo Phật ra đi, mang ý nghĩa này.

          (Sao) Tác tùy Phật vãng sanh tưởng, kiêm dữ thiêu hương, minh khánh, trợ xưng Phật danh.

          ()作隨佛往生想,兼與燒香鳴磬,助稱佛名。

          (Sao: Tưởng theo Phật vãng sanh, kèm thêm thắp hương, gõ khánh, xưng danh hiệu Phật trợ niệm).

          Niệm Phật nhằm giúp đỡ người ấy. Đó là trợ niệm, giúp người ấy cầu sanh Tịnh Độ.

          (Sao) Phi trực vong giả đắc  sanh  Phật  tiền, diệc  chung  thành

kiến Phật quang dã.

          ()非直亡者得生佛前,亦終成見佛光也。

(Sao: Dẫu chẳng thể trực tiếp làm cho người chết được sanh về trước Phật, thì rốt cuộc cũng trở thành trông thấy quang minh của Phật).

          Lâm chung, khi ấy, nghiệp lực trong cả một đời thảy đều hiện tiền. Nếu chúng ta chú tâm quan sát, sẽ phát hiện chuyện này chẳng khó. Trong số người nhà, quyến thuộc, bằng hữu của chúng ta, khi họ lâm chung, hãy chú ý quan sát, [sẽ thấy] học Phật và chẳng học Phật sai biệt rất lớn. Học Phật, mà học các pháp môn khác và học pháp môn Niệm Phật lại hoàn toàn bất đồng. Người niệm Phật, công phu tu hành cạn hay sâu cũng khác nhau, trong khi ấy đều có thể trông thấy [rõ rệt]. Công phu niệm Phật tốt đẹp, lâm chung có thụy tướng hết sức tốt đẹp. Công phu bình thường kém một chút, nếu trong khi lâm chung gặp duyên thù thắng, cũng có thể có thụy tướng rất tốt đẹp. Đó là lâm chung trợ duyên đắc lực. Khi ấy, người đó thật sự buông xuống, thật sự phát nguyện cầu sanh. Vì thế, lúc người ấy ra đi, tướng trạng hoàn toàn khác hẳn. Hoặc là sau khi đã mất, diện mạo tươi tắn, rạng rỡ, thân thể mềm mại, còn dễ coi, còn thù thắng hơn lúc đang bị bệnh. Điều này có thể chứng tỏ người ấy quyết định vãng sanh, chứng tỏ trợ niệm thật sự đắc lực. Do vậy, nói thật ra, trợ niệm là chuyện rất cần phải có, công đức trợ niệm cũng chẳng thể nghĩ bàn. Phương pháp này xác thực là có căn cứ, chẳng phải do các vị đại đức tại Trung Hoa tự chế ra, mà là từ Ấn Độ truyền sang.

          (Sao) Nhược thần du đại phương, khứ lưu vô ngại giả, trí chi ngôn ngoại.

          ()若神遊大方,去留無礙者,置之言外。

(Sao: Nếu là bậc thần thông dạo chơi khắp các cõi, đi, ở vô ngại, thì hãy để đó, chẳng bàn tới nữa).

          Thần thông du ngoạn khắp các cõi, đến đi vô ngại là đã đắc tự tại. Đối với lời tiểu chú cho bài kệ tụng này trong kinh Hoa Nghiêm, quý vị tự xem lời tiểu chú là được rồi[4], có thể thấy điều này xác thực là có căn cứ. Đến đi vô ngại là bậc tùy nguyện vãng sanh, [nghĩa là] tùy thuộc nguyện vọng của người ấy khi lâm chung, mong sanh về cõi Phật nào, nhất định vãng sanh cõi Phật ấy. Mong sanh lên trời cũng quyết định được sanh. Người ấy mong đời sau hưởng phú quý trong nhân gian cũng nhất định đạt được. Vì sao? Người ấy đắc đại tự tại, nên đến đi vô ngại. “Trí chi ngôn ngoại” là chẳng cần phải bàn tới nữa!

          (Sao) Bất nhĩ.

          ()不爾。

          (Sao: Nếu chẳng phải vậy).

          Nói cách khác.

          (Sao) Miễn chiên tư hạnh, như thượng, tắc đặc vị thiết tượng, dĩ trợ vãng sanh. Hà huống nhất tâm bất loạn, cảm Phật hiện tiền, nãi lự vi ma, tự sanh nghi trở.

          ()勉旃斯行,如上,則特為設像,以助往生。何況一心不亂,感佛現前,乃慮為魔,自生疑阻。

(Sao: Hãy gắng sức làm theo hạnh ấy, [tuân theo những điều đã nói] như trên đây, đặc biệt vì [người lâm chung ấy] mà bày tượng, hòng giúp cho người ấy vãng sanh. Huống hồ là đối với người đã đắc nhất tâm bất loạn, cảm Phật hiện tiền, lại lo là ma hiện, để rồi tự sanh nghi hoặc, chướng ngại ư?)

          Đó là hiện tượng xấu nhất khi lâm chung, cũng có thể nói là ma chướng lớn nhất. Tức là khi lâm chung, hoặc là chính mình nghi hoặc, hay là người nhà chẳng tin tưởng. Không chỉ chẳng thể giúp đỡ quý vị, ngược lại, còn ngăn trở, quấy nhiễu, chuyện này phiền phức, là chuyện rất đáng sợ. Do vậy, đều phải là công phu tu tập thường nhật. Thường ngày, chính mình và người nhà phải bàn bạc, phải nói rõ với họ, khi lâm chung phải nên làm theo cách nào thì mới đúng pháp, mới chẳng khởi chướng ngại. Giống như mấy giờ trước có một đồng tu đến hỏi tôi: Cả nhà người ấy chỉ có một mình người ấy niệm Phật, người già trong nhà người ấy vãng sanh, trong các anh em trai, chị em gái, có người theo Đạo Giáo, có kẻ theo Cơ Đốc Giáo, mỗi người chủ trương khác nhau, đều nghĩ chính mình làm đúng, người chết sẽ khổ lắm! Một mình người ấy học Phật, lại còn là kẻ nhỏ tuổi nhất trong các anh chị em, đến hỏi tôi làm như thế nào? Tôi nói: Chẳng có cách nào khác. Trong nhà, tiếng nói của quý vị chẳng có trọng lượng, chỉ đành niệm Phật hồi hướng cho người ấy là được rồi. Những chuyện khác quý vị chẳng làm chủ được, vẫn để cho anh chị em lo liệu. Đó là khó khăn nhất, đúng là ma chướng! Đương nhiên tốt đẹp nhất là chính mình niệm Phật thật sự có công phu, giống như trong phần trước đã nói: “Thần du đại phương, khứ lưu vô ngại” (Thần thức đi khắp nơi, đến đi vô ngại) thì được rồi. Giống như Hà Đông tước sĩ phu nhân tại Đông Liên Giác Uyển ở Hương Cảng đã thực hiện một chiêu rất cao minh. Khi lâm chung, bà biết trước lúc mất, bị bệnh đôi chút, nhưng căn bệnh ấy chẳng gây trở ngại, bà vẫn ngồi ra đi, thần trí rất sáng suốt. Hôm bà ra đi, mời hết thân thích, bằng hữu tới, mở đại hội vãng sanh trong nhà, khiến cho các thân thích bằng hữu thấy bà ta vãng sanh. Vì cả nhà chỉ có mình bà niệm Phật, cả nhà đều là tín đồ Cơ Đốc kiền thành, bà dùng chiêu ấy để độ cả nhà. Người nhà thật sự trông thấy, niệm Phật ra đi như vậy, bèn tin tưởng. Do đó, con cái và con dâu đều quay đầu, còn đem nhà họ quyên tặng làm đạo tràng, chẳng dễ dàng! Bà cụ ấy rất thông minh, rất cao minh: “Thời tiết nhân duyên chưa chín muồi, các ngươi cứ đi nhà thờ của các ngươi, căn bản là chẳng hỏi tới”. Đến lúc đó, biểu hiện một chiêu này, toàn bộ đều quay đầu, độ rất nhiều người! Vì chuyện này được đăng tải trên báo chí, rất nhiều người thấy hiện tượng ấy, biết niệm Phật thật sự vãng sanh, chẳng phải là giả, là thật. Ở Đài Loan, người có công lực giống như bà ta chẳng ít! Chúng ta thường nghe nói, còn có vị đứng mất, công phu còn cao hơn bà ta. Tôi nghe nói tại Đài Loan có mấy vị đứng ra đi! Gần đây nhất, tôi nghe nói ở Cao Hùng còn có một vị đứng vãng sanh, biết trước lúc mất, người ấy chỉ niệm Phật bảy tháng. Chẳng phải là giả, xác thực là thật. Vậy là chẳng sao cả, khi lâm chung người nhà bất đồng ý kiến cũng chẳng thể chướng ngại người ấy, người ấy đến đi tự do!

          (Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh vọng cùng chân lộ, thị lâm chung Phật hiện nghĩa.

          ()稱理,則自性妄窮真露,是臨終佛現義。

          (Sớ: Xứng Lý thì tự tánh vọng hết, chân tánh tỏ lộ, đó là ý nghĩa “lâm chung, Phật hiện”).

          Trong tiết này, đoạn kinh văn này bàn luận xứng tánh, cũng nhằm nêu bày nguyên cớ vì sao khi lâm chung, Phật hiện tiền. “Tự tánh vọng cùng” (Tự tánh hết sạch vọng), “cùng” (窮) có nghĩa là hết sạch. “Chân” là chân tánh, chân tánh đã hiển lộ. Trong một câu này, có cảnh giới cạn hay sâu sai khác. Sự nhất tâm thì vọng tưởng và phiền não bị chế phục, chưa đoạn, chân tánh chẳng hiển lộ, chỉ là khuất phục phiền não mà thôi, chẳng khởi tác dụng. Phật, Bồ Tát đại từ đại bi, trong các pháp môn khác, đối với cảnh giới này sẽ chẳng thấy Phật, vô dụng. Đối với pháp môn Tịnh Độ, ở trong cảnh giới này là được rồi, có thể cảm ứng Phật hiện thân, gọi là “đới nghiệp vãng sanh”, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Đấy là chỗ thù thắng bậc nhất của Tịnh Tông. Nếu [chân tánh] thật sự hiển lộ, lộ một phần, đó là Lý nhất tâm bất loạn. Đích xác là đoạn một phần vọng, bèn hiển lộ một phần chân, chân tâm hiển lộ một phần. Trong các tông phái khác, đó là Sơ Trụ Bồ Tát của Viên Giáo, hoặc Sơ Địa Bồ Tát của Biệt Giáo, xác thực là khác nhau. Đạt đến cảnh giới này, trong phần trước đã nói là “đi, ở vô ngại”, đó là đắc đại tự tại. Tịnh Tông thù thắng chẳng phải là thù thắng ở chỗ này, mà thù thắng ở chỗ chế phục phiền não, chẳng đoạn, mà đới nghiệp vãng sanh, thù thắng ở chỗ này. Công phu như vậy, trong một đời này, mỗi người chúng ta thảy đều làm được. Nếu nói đoạn phiền não, phải đoạn trừ vọng, phải hiển lộ chân, đích xác là chẳng phải ai nấy đều có thể làm được trong một đời, quá khó khăn! Nếu chỉ khuất phục, chẳng đoạn, đích xác là ai nấy đều có thể làm được. Đương nhiên chúng ta thấy Phật, [hoặc thấy] Tây Phương Tam Thánh, đều là Hóa Thân. Hóa Thân hay Ứng Thân, chư vị nhất định phải ghi nhớ, đều là chân Phật. Ngàn muôn phần đừng nghĩ Pháp Thân hay Báo Thân mới là chân Phật, Ứng Hóa Thân là giả Phật. Nếu quý vị có mối nghi hoặc ấy, phiền phức to lớn! Nếu nghi hoặc nặng nề, đời này chẳng thể vãng sanh. Dẫu nghi hoặc chẳng nặng, có nỗi nghi hoặc nông cạn, cũng bị vãng sanh trong Biên Địa, chẳng thể dự vào phẩm vị vãng sanh. Kinh Đại Thừa thường nói: “Nghi vi Bồ Tát trọng chướng”, [nghĩa là] nghi hoặc là chướng ngại trọng đại trong sự tu hành của hàng Bồ Tát, chúng ta nhất định phải đoạn nghi sanh tín. Bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư nói thật sự hết sức tường tận, mục đích của Ngài là giúp chúng ta đoạn nghi, sanh tín. Từ xưa tới nay, những chỗ có thể gây nên nghi hoặc, Ngài đều nêu ra, đều giải đáp rất tường tận cho chúng ta. Do vậy, mục đích hết sức hiển nhiên là giúp chúng ta đoạn nghi sanh tín, kiên cố nguyện vọng cầu sanh. Qua Sớ Sao, đại sư đã thật sự hiển thị lòng từ bi chân chánh, thật sự tạo lợi ích, thật sự giúp đỡ chúng ta. Hôm nay chúng tôi giảng tới chỗ này!

[1] Minh Vương (Vidyā-rāja), còn gọi là Kim Cang Minh Vương, Trì Minh Vương, Phẫn Nộ Tôn, hoặc Phẫn Nộ Vương, là thần hộ pháp của Phật giáo trong Mật Tông. Những vị này thường là hóa thân của Phật, Bồ Tát, có hình dạng phẫn nộ, hung ác, mang ý nghĩa chuyển hóa tam độc thành từ bi, trí huệ. Kinh điển Mật Tông thường gọi những vị này là Giáo Lệnh Luân Thân (敎令輪身) chủ yếu nhằm hóa độ chúng sanh căn tánh ương ngạnh. Các Ngài khéo sử dụng oai lực và phẫn nộ khiến cho chúng sanh kính sợ, hàng phục, quy y Phật pháp. Tương ứng với các vị Minh Vương là Minh Phi, thông thường là phối ngẫu của Minh Vương. Các vị Heruka (Hách Lỗ Ca, Đại Lực Kim Cang Thần) trong Phật Giáo Tây Tạng cũng là một dạng Minh Vương. Theo truyền thống Đông Mật có ba mươi bốn vị Minh Vương, nhưng năm vị sau đây quan trọng nhất (do các ngài là hóa thân của Ngũ Trí Như Lai): Bất Động Minh Vương (Acalanātha, hóa thân của Tỳ Lô Giá Na Như Lai), Hàng Tam Thế Minh Vương (Trailokya-vijaya-rāja, hóa thân của Bất Động Như Lai), Quân Trà Lợi Minh Vương (Kuṇḍali Vidyārāja, hóa thân của Bảo Sanh Như Lai), Đại Oai Đức Minh Vương (Yamāntaka Vajrabhairava, Diễm Man Đắc Ca, hóa thân của A Di Đà Như Lai. Tạng Truyền Phật giáo lại coi vị này là hóa thân của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát), và Kim Cang Dạ Xoa Minh Vương (Vajra Krodha Mahābala Ucchuṣma, còn gọi là Hỏa Thủ Kim Cang, Trừ Uế Kim Cang, Uế Tích Kim Cang, hoặc Ô Sô Sắt Ma, hóa thân của Bất Không Thành Tựu Như Lai). Ngoài ra, những vị sau đây cũng thường được Đông Mật thờ phụng, hành trì nghi quỹ khá phổ biến là Ái Nhiễm Minh Vương (Rāgarāja), Khổng Tước Minh Vương (Mahamayuri), Mã Đầu Minh Vương (Hayagrīva, hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát), Đại Luân Minh Vương (Mahā-cakra), Đại Nguyên Soái Minh Vương (Āṭavaka) v.v…

[2] Hoàng Cực Kinh có tên gọi đầy đủ là Hoàng Cực Kinh Thế (皇極經世) do Thiệu Ung (Thiệu Khang Tiết) soạn vào đời Bắc Tống. Những suy luận và dự đoán dựa trên thuật Hà Lạc (Hà Đồ, Lạc Thư) và Tượng Số. Sách gồm mười hai quyển, sáu mươi bốn thiên, chia thành các phần Nguyên Hội Vận Thế, Thanh Âm Luật Phẩm, Quán Vật Nội Thiên, và Quán Vật Ngoại Thiên. Nổi tiếng nhất là phần Nguyên Hội Vận Thế gồm rất nhiều lời luận đoán về các triều đại. Ông là người đầu tiên đã đưa ra khái niệm chu kỳ diễn biến lịch sử như sau: Cứ hết một Nguyên, mọi việc sẽ lặp lại từ đầu. Một Nguyên gồm mười hai Hội, một Hội gồm ba mươi Vận, một Vận là mười hai Thế. Mỗi Thế là ba mươi năm. Do vậy, một Nguyên là mười hai vạn chín ngàn sáu trăm năm.

Thiệu Ung (1011-1077), tự là Nghiêu Phu, tự xưng là An Lạc Tiên Sinh, hoặc Bách Nguyên Tiên Sinh, thụy hiệu là Khang Tiết, là một nhà Dịch Học và tư tưởng nổi tiếng sống vào thời Bắc Tống. Ông giao du thân thiết với Tư Mã Quang, Châu Đôn Di và Trương Tải, Trình Hạo và Trình Di (là những nhà Lý Học nổi tiếng thời ấy), nên người đời thường gọi gộp chung là Bắc Tống Ngũ Tử. Ông viết rất nhiều, nhưng chỉ có bộ Hoàng Cực Kinh Thế là nổi tiếng nhất.

[3] Phục đoạn: Chế phục, chế ngự, hàng phục, chẳng cho phiền não dấy lên hiện hành, hoàn toàn chưa đoạn trừ.

[4] Đối với phần này, sách Diễn Nghĩa chú giải rất sơ sài: “Từ chữ ‘thần du đại phương’ trở đi nhằm giải thích sự chẳng trở ngại. Bài tụng trong kinh Hoa Nghiêm như sau: ‘Hựu phóng quang minh danh kiến Phật, thử quang giác ngộ tương một giả, linh bỉ tùy niệm kiến Như Lai, mạng chung đắc sanh kỳ tịnh quốc’ (Lại phóng quang minh tên thấy Phật, quang ấy giác ngộ kẻ sắp chết, khiến cho tùy niệm thấy Như Lai, mạng hết được sanh cõi tịnh ấy)”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *