#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 145
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm lẻ chín:
(Sao) Nhị giả, khúc vị độn căn phàm phu, tu thị khổ lạc, linh sanh hân yếm, tiên dĩ dục câu khiên, hậu linh nhập Phật trí.
(鈔) 二者,曲為鈍根凡夫,須示苦樂,令生忻厭,先以欲鉤牽,後令入佛智。
(Sao: Hai là thuận theo kẻ độn căn phàm phu, cần phải chỉ ra sự khổ và vui, khiến cho họ ưa thích và chán nhàm, trước hết là dùng dục để lôi kéo, sau đó làm cho họ nhập Phật trí).
Đoạn trước là nói với bậc thượng căn lợi trí, đoạn này nhằm nói với hàng phàm phu. Đương nhiên, từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy đối tượng chủ yếu của pháp môn này là lục đạo phàm phu, còn Bồ Tát và Thanh Văn là những căn cơ được độ kèm thêm. Do điều này mà biết là “khúc vị độn căn phàm phu” (nhằm tùy thuận độn căn phàm phu), quả thật lấy điều này làm chủ yếu. Phàm phu chẳng có tầm nhìn xa rộng như bậc thượng trí, trí huệ cũng chẳng cao như thế. Quý vị nói chân tướng của nhân sinh và vũ trụ với họ, họ rất khó thể lý giải, [do họ chấp] những gì họ trông thấy là hiện thực. Nếu luận định theo hiện thực, phàm phu vui thích nhất và cũng bằng lòng tiếp nhận; do vậy, phải phô bày, hiển thị. Nay chúng ta gọi Thị (示) là “triển hiện” (phô bày, chỉ rõ) hai thứ cảnh giới khổ và vui khác nhau; phàm phu trông thấy những cảnh giới ấy sẽ tự nhiên biết lấy và bỏ như thế nào!
Thế giới này thật sự rất khổ, có một người lái taxi nói với tôi: “Trong thế giới hiện tại, dường như con người chẳng thể nào sống được!” Ông ta có cảm xúc như vậy, nói thế giới dường như chẳng còn là thế giới nữa. Tôi khuyên ông ta: “Nếu ông đã biết thế giới này chẳng phải là cuộc sống của con người, vậy thì hãy nhanh chóng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Còn có một thế giới tốt đẹp, chúng ta có thể đến đó thành công”. Có cảm xúc ấy tức là bắt đầu giác ngộ, tâm “hân yếm” (ưa thích và chán nhàm) tự nhiên sanh khởi. Hân (忻) là vui thích, tức là vui thích Tây Phương Cực Lạc thế giới, sanh lòng chán ngán, nhàm lìa thế giới này. Vì lẽ này, kinh mới nói đến y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nếu không, chỉ giảng lý luận và đạo lý là được rồi, cần gì phải nói những sự trang nghiêm nơi y báo và chánh báo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới? Dụng ý đều là vì hạ căn phàm phu mà nói, nhưng những điều Ngài đã nói đều là sự thật, trọn chẳng phải là vọng ngữ, chẳng phải là lừa gạt chúng ta, những câu ấy đều là lời chân thật.
“Tiên dĩ dục câu khiên, hậu linh nhập Phật trí” (trước hết, dùng dục để lôi kéo, sau đó làm cho họ nhập Phật trí), đây là phương cách hóa độ chúng sanh của đức Phật. Nhưng trước hết dùng lạc dục để dẫn dắt quý vị, Ngài chẳng lừa dối quý vị, chẳng phải là những lời lẽ khi ấy chẳng đáng coi trọng, chẳng phải vậy! Lời đức Phật đã nói tuyệt đối là chân thật ngữ. Kinh Kim Cang dạy chẳng sai: “Như Lai là bậc chân ngữ, thật ngữ, như ngữ, chẳng nói sai khác, chẳng nói dối gạt”, chắc chắn là như vậy. Tuy nói “[dùng] dục để lôi kéo”, nhưng Ngài chẳng lừa gạt, những sự dục lạc ấy là chuyện chân thật. Đúng như trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã nói về y báo và chánh báo trang nghiêm của thế giới Hoa Tạng; tục ngữ có câu: “Chẳng đọc Hoa Nghiêm, chẳng biết sự phú quý trong nhà Phật”. Có phải là Phật, Bồ Tát thật sự ham thích phú quý như vậy hay không? Chẳng phải! Đó là tự nhiên, phước báo của các Ngài là tự nhiên, chẳng phải giống như chúng ta phải mong cầu. Ở trong hoàn cảnh ấy, các Ngài cũng trọn chẳng biết hoàn cảnh ấy là lạc, các Ngài cũng chẳng có lạc thọ (cảm nhận vui sướng). Nếu có lạc thọ thì lạc thọ là phiền não, các Ngài há có phiền não? Các vị Phật, Bồ Tát đến thăm địa ngục, trông thấy núi đao, vạc dầu, nếu tới đó, các Ngài cũng chẳng cảm thấy khổ, năm thứ “khổ, lạc, ưu, hỷ, xả”, các Ngài đã đều lìa khỏi, đều chẳng có. Vì sao có cảnh giới ấy? Kinh đã giảng rất rành mạch, đó là do Tánh Đức tự nhiên hiển hiện, chẳng tới từ bên ngoài, mà cũng chẳng phải do chính quý vị mong mỏi như thế này, như thế nọ. Chẳng phải vậy! Hết thảy đều là tự nhiên, là Chân Như bổn tánh lưu lộ. Bởi lẽ, trong bổn tánh vốn trọn đủ vạn đức, vạn năng, Tánh Đức là như vậy đó!
Lục đạo phàm phu chúng ta, nếu nói sâu hơn một chút, kể cả Thanh Văn, Duyên Giác, và Quyền Giáo Bồ Tát đều chưa kiến tánh. Chưa kiến tánh thì quý vị tuy có Tánh Đức, nhưng bị vô minh phiền não chướng ngại, chẳng thể hiện tiền, nên sự thụ dụng liền biến thành Tu Đức. Hiện thời, chúng ta phải tu. Quý vị chẳng tu điều lành, sẽ chẳng thể có phước báo, đó là “thiện có thiện báo, ác có ác báo”. Quả báo thiện ác do tu mà có, chẳng phải là Tánh Đức, Tánh Đức chẳng cần phải tu. Bậc kiến tánh Bồ Tát, trong Viên Giáo là từ Sơ Trụ trở lên, trong Biệt Giáo là từ Sơ Địa trở lên, thụ dụng giống như trong kinh Hoa Nghiêm và kinh Di Đà đã nói, thụ dụng tự nhiên, chẳng cần lo liệu, chẳng cần cầu lấy, mà do Tánh Đức tự nhiên lưu lộ. Chúng ta hãy nên hiểu điều này. Hiểu chuyện này thì mới biết vì sao học Phật nhất định phải kiến tánh. Chẳng kiến tánh có được hay không? Chẳng kiến tánh thì vẫn được, nhưng chưa kiến tánh thì trong cuộc sống, quý vị vẫn phải suy tính, phải nghĩ cách tìm kiếm, lo liệu. Nếu kiến tánh thì hết thảy đều chẳng cần; điều này cho thấy tầm trọng yếu của sự kiến tánh.
Tu học theo lối thông thường, kiến tánh khó lắm! Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, nếu muốn tu đến mức kiến tánh, chẳng phải là chuyện dễ dàng! Dựa vào năng lực của bản thân chúng ta, chắc chắn chẳng thể làm được trong một đời. Chỉ riêng pháp môn này, pháp môn này cậy vào Phật lực gia trì, nguyện lực của A Di Đà Phật gia trì chúng ta, oai đức của hết thảy Như Lai trong mười phương gia trì, giúp chúng ta đới nghiệp vãng sanh, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, tuy chưa kiến tánh, nhưng hoàn cảnh sống chẳng khác người đã kiến tánh cho mấy! Đây là pháp khó tin, nói theo Giáo Hạ sẽ chẳng thấy thông suốt. Trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói: “Giáo võng sở bất năng nhiếp” (chẳng thuộc vào trong phạm vi của giáo lý thông thường). Trong Giáo, chẳng có cách giảng như thế, mà trong mười phương cõi Phật cũng chẳng có chuyện này, chỉ riêng Tây Phương Cực Lạc thế giới là đặc biệt. Đây là một hoàn cảnh, một cảnh giới rất đặc thù, nên mười phương chư Phật đều tán dương.
Xét theo lý luận [thông thường] thì chẳng có [hoàn cảnh đặc thù như vậy], chẳng dễ gì tin tưởng, nhưng xét theo sự thật, quý vị hãy nghĩ xem, trong nhiều năm ngần ấy, đã có bao nhiêu người vãng sanh? Nhiều gương ngần ấy bày ra trước mặt, nếu chúng ta chẳng tin thì đúng là rất ngu si. Xét theo Giáo, hoàn toàn chẳng phải là nói theo lý luận bèn chẳng suông; hễ ai thật sự quán thông sẽ tin tưởng. Người nào quán thông? Liên Trì đại sư quán thông. Nếu Liên Trì đại sư chẳng quán thông, làm sao Ngài có thể tin tưởng cho được? Chúng ta đọc những phần trích dẫn kinh điển để làm chứng cứ trong bộ chú giải này, sẽ thấy Liên Trì đại sư đã quán thông. Ngẫu Ích đại sư cũng quán thông. Thuở đầu, Ngẫu Ích đại sư học [giáo nghĩa] Thiên Thai, cuối cùng quy hướng Tịnh Độ, chuyên tu, chuyên hoằng, trở thành tổ sư của Tịnh Độ Tông. Liên Trì đại sư Giáo cũng thông, mà Thiền cũng thông. Ngài từng tham Thiền, cuối cùng cũng quy hướng Tịnh Độ. Nhưng người thật sự thông đạt giáo lý đúng là chẳng nhiều nhặn gì! Kẻ chưa thông đạt thấu triệt luôn biểu lộ sự hoài nghi đối với pháp môn này. Dẫu chẳng hoài nghi, họ cũng không chịu tu học pháp môn này. Nói thật thà, sở dĩ họ không chịu tu học pháp môn này, cũng là do chưa nhận thức triệt để rõ ràng pháp môn này.
Chúng ta phải tin tưởng lời Phật dạy, tuy nói là “dùng dục để lôi kéo”, nhưng đều là chân thật, đều là sự thật. “Hậu linh nhập Phật trí” là mục đích, đó là nhập Phật tri kiến, là tông chỉ của kinh Pháp Hoa, mà cũng là Vô Thượng Bồ Tát được nói trong Tịnh Độ. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới để làm gì? Để thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, làm chuyện này.
(Sao) Dụ như chánh ách cơ hàn chi quốc.
(鈔) 喻如正厄饑寒之國。
(Sao: Ví như nước đang gặp phải nạn đói lạnh).
Đây là tỷ dụ một địa phương gặp lúc thiên tai, dân chúng mất mùa, nơi đó gặp nạn đói, đói và lạnh nhất định liên đới, chẳng có cái ăn, chẳng có cái mặc, cuộc sống khổ sở!
(Sao) Hốt văn bão noãn chi hương.
(鈔) 忽聞飽暖之鄉。
(Sao: Chợt nghe nói có chỗ no ấm).
Bỗng nhiên nghe nói ở nơi khác có hoàn cảnh sống hết sức tốt đẹp; nói chung, họ sẽ nghĩ trọn hết phương cách để rời khỏi chỗ đói lạnh, tìm đến nơi no ấm. Nếu so sánh giữa thế giới Sa Bà và thế giới Cực Lạc, bên đó là chỗ no ấm, nơi đây là nước đói lạnh.
(Sao) Phương trầm u ám chi nhai, sạ đổ quang minh chi cảnh.
(鈔) 方沈幽暗之崖,乍睹光明之境。
(Sao: Đang chìm đắm dưới vách núi tối tăm, chợt thấy cảnh quang minh).
“Trầm” là trầm luân, “u ám” là tối đen. Nơi vách núi tối tăm, vừa thấy quang minh, lẽ đâu người ấy chẳng bò lên?
(Sao) Khởi bất thân tâm dũng dược, xả cố tức tân.
(鈔) 豈不身心踊躍,舍故即新。
(Sao: Há chẳng thân tâm hớn hở, bỏ cái cũ, theo cái mới).
Đây là lẽ thường tình của con người. Đức Phật đặc biệt nói cặn kẽ, rõ ràng về y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương như vậy, dụng ý là muốn cho chúng ta giác ngộ. Ngẫm lại, hiện thời cuộc sống của chúng ta ở nơi đây khổ quá, thế giới này chẳng có chỗ nào tốt đẹp. Trong quá khứ, tại Đài Loan, cuộc sống vẫn chưa thật sự nếm trải nỗi khổ đến mức này. Hiện thời, tuy lắm tiền, nhưng sự khổ xộc tới, có thể thấy tiền chẳng phải là thứ tốt đẹp. Nếu Đài Loan chẳng có lắm tiền như thế, mọi người còn sống tốt lành. Lắm tiền nhiều của sẽ tác oai tác quái. Xã hội hiện thời chệch choạc, chúng ta tra xét cặn kẽ nguyên nhân [sẽ thấy vấn đề ở chỗ] tiền bạc, nhiều tiền lắm bạc quá, khiến cho xã hội động loạn bất an, chúng ta cảm thấy khổ sở! Quý vị liền biết thế giới này chẳng phải là một thế giới tốt đẹp!
(Sao) Đản đắc vãng sanh, chung thành giải thoát, phương tiện tiếp dẫn, đương như thị nhĩ.
(鈔) 但得往生,終成解脫,方便接引,當如是耳。
(Sao: Chỉ cần được vãng sanh, sẽ rốt cuộc thành tựu giải thoát, phương tiện tiếp dẫn phải nên là như vậy).
Mấy câu này quy kết về vấn đề chánh yếu: Chỉ cần quý vị có thể vãng sanh, chắc chắn được giải thoát! Giải Thoát là một trong ba đức, tức là Pháp Thân, Bát Nhã, và Giải Thoát, hễ quý vị đạt được một điều, nhất định đạt được hai điều kia. Nói cách khác, chỉ cần vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhất định chứng đắc Tam Đức Bí Tạng. Phật Di Đà và mười phương Như Lai tiếp dẫn hết thảy chúng sanh, đặc biệt là lục đạo phàm phu, phương thức phải nên là như vậy. Cách giảng của đại sư vô cùng thích hợp.
Trong lời chú giải ở đây, đại sư đã trình bày đại ý của đoạn kinh văn nói về “giai đạo”. Tiếp theo đây là đoạn xứng lý, tức là nói đến chuyện tiêu quy tự tánh. Những phần trước là “tiêu văn” (消文), tức là giải thích những ý nghĩa được bao hàm trong văn tự, còn đoạn này giảng về “tiêu quy tự tánh” tức là nói đến sự thụ dụng chân thật. Đây là thể lệ trong bộ Di Đà Sớ Sao, chỗ khác biệt với các bộ chú giải thông thường.
(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh bình trực, thị giai đạo nghĩa. Tự tánh cao thúy, thị lâu các nghĩa. Tự tánh cụ túc công đức pháp tài, thị thất bảo nghĩa.
(疏) 稱理,則自性平直,是階道義。自性高邃,是樓閣義。自性具足功德法財,是七寶義。
(Sớ: Xứng Lý thì tự tánh bình đẳng, chánh trực là ý nghĩa của “bậc thềm, lối đi”. Tự cánh cao chót vót là ý nghĩa của “lầu gác”. Tự tánh trọn đủ công đức pháp tài là ý nghĩa của “bảy báu”).
Nói thật ra, nếu chúng ta truy hỏi một câu: Vì sao trong Tánh Đức có những thứ y báo và chánh báo trang nghiêm? Y báo và chánh báo trang nghiêm là sự thật, trong sự thật luôn có đạo lý, đoạn này nhằm nêu bày đạo lý. Ba câu này đều nói về tự tánh, tức là xứng tánh, xứng tánh mà nói, trở về tự tánh.
(Sao) Bình trực giả, tự tánh giải thoát tự tại, ly chư cấu ô, khoáng khoát thản di, vô hữu thiên pha, thị danh “giai đạo”.
(鈔) 平直者,自性解脫自在,離諸垢汙,曠闊坦夷,無有偏陂,是名階道。
(Sao: “Bình trực”: Tự tánh giải thoát tự tại, lìa các cấu ô, rộng rãi, bằng phẳng, chẳng nhấp nhô, nên gọi là “thềm bậc, lối đi”).
Mấy câu này có ý nghĩa khá sâu, mấu chốt của toàn bộ Phật pháp là “bình đẳng, chánh trực”, bình đẳng tâm, trực tâm. Đại Thừa Khởi Tín Luận nói Bồ Đề tâm là trực tâm, thâm tâm, và đại bi tâm. Trực tâm là chân tâm, chân tâm là bình đẳng tâm, bình đẳng tâm là nhất tâm. Tông Môn thường nói: “Thức đắc nhất, vạn sự tất” (Biết được một, vạn sự hoàn tất). Thật sự giác ngộ Một thì chuyện gì cũng đều chẳng có, thiên hạ thái bình. Tịnh Độ Tông gọi cái Một ấy là “nhất tâm bất loạn”. Chỉ cần quý vị đạt được nhất tâm thì bình đẳng tâm, thanh tịnh tâm, và chánh trực tâm đều hiện tiền. Vì sao? Chúng đều là một chuyện, là nhất tâm bất loạn, do Chân Như bổn tánh của chính mình bèn hiển lộ. Giải Thoát là Tánh Đức trong tự tánh, nên “giải thoát tự tại”.
“Ly chư cấu ô”, hai chữ này (“cấu ô”) tượng trưng cho phiền não vô minh. “Cấu” là vô minh phiền não, “Ô” là Trần Sa và Kiến Tư phiền não. Trong bổn tánh, vốn chẳng có những thứ ấy, chúng do vọng tâm mà có, trong chân tâm không có những thứ ấy. Chân tâm tại thánh (nơi Phật) chẳng tăng, dẫu đọa trong tam đồ cũng chẳng giảm, chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng sanh, chẳng diệt, đó là nhất tâm, đây là nguyên tắc cao nhất trong Phật pháp. Nếu chúng ta có thể nắm vững nguyên tắc này, thành tựu trong một đời chắc chắn chẳng phải là chuyện khó. Hễ vi phạm nguyên tắc này, tu hành suốt một đời rất khó thành tựu! Bất luận quý vị học pháp môn nào, đều có thể nói là chẳng có ngoại lệ. Do vậy có thể biết: Tu hành trong Phật pháp, không gì chẳng là tu tâm thanh tịnh mà thôi. Tu tâm thanh tịnh từ chỗ nào? Tu trong hết thảy cảnh giới, nhưng phàm phu chúng ta chẳng thể. Phàm phu muốn trốn tránh hết thảy cảnh giới, hễ cảm thấy chẳng phải là cảnh giới chính mình mong muốn cho lắm, bèn vội vã sẽ tránh né, vậy thì làm sao có thể tu thành công cho được? Vĩnh viễn dùng phân biệt, chấp trước, vọng tưởng trong hoàn cảnh, nên tu chẳng thành công. Người thật sự tu hành, thuận cảnh cũng thế, mà nghịch cảnh cũng thế, họ tu điều gì trong hoàn cảnh? Trừ bỏ phân biệt, chấp trước, vọng tưởng của chính mình, khiến cho cái tâm của chính mình khôi phục sự thanh tịnh. Trong thuận cảnh chẳng nhuốm bẩn, trong nghịch cảnh cũng chẳng nhuốm bẩn. Trong thuận cảnh, chẳng có tham ái, hay tâm hoan hỷ. Trong nghịch cảnh, cũng chẳng có tâm ưu lự. Bất luận trong cảnh giới nào, tâm người ấy bình đẳng, chánh trực. Đó là biết dụng công, biết tu hành. Đây cũng là điều đức Phật thường dạy chúng ta trong giáo pháp Đại Thừa: “Tùy duyên, nhưng chẳng phan duyên”. Chúng ta phân biệt, chấp trước cảnh giới, đó là phan duyên; lìa khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, đó là tùy duyên. Tùy duyên thì mới có thể kiến tánh, phan duyên chắc chắn chẳng thể kiến tánh.
“Ly chư cấu ô” (lìa các cấu ô), chư vị phải hiểu: Quý vị ưa thích hoàn cảnh này, đó là cấu ô, vì sao? Tâm quý vị bị sự ưa thích ấy nhuốm bẩn. Người Hoa nói “thất tình, ngũ dục”, thất tình là mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham muốn. Điều thứ nhất là ưa thích, Dục là ngũ dục, tức tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. Chỉ cần trong tâm dấy lên thất tình, cái tâm của quý vị đã bị nhuốm bẩn. Nếu quý vị chẳng bị thất tình, ngũ dục nhuốm bẩn, thưa cùng quý vị, pháp giới là bình đẳng, bèn giống như Phật, Bồ Tát. Pháp giới của Phật, Bồ Tát, thiên đường và địa ngục là bình đẳng, thiện – ác bình đẳng, đúng – sai bình đẳng, chân – vọng bình đẳng, chẳng có gì không bình đẳng, người ấy thật sự nhập pháp môn Bất Nhị nên mới có thể kiến đạo. Đó là sự kiến đạo trong Đại Thừa.
Địa vị kiến đạo trong Đại Thừa là thấy vạn pháp như nhau, vạn pháp bình đẳng, đó là sự kiến đạo của địa vị ấy. Trong hết thảy các pháp, quý vị vẫn là bất bình đẳng, tức là quý vị chưa kiến đạo! Địa vị kiến đạo trong Đại Thừa là Sơ Trụ Bồ Tát của Viên Giáo. Sự phát khởi tín tâm đối với Đại Thừa như được nói trong Đại Thừa Khởi Tín Luận chính là địa vị kiến đạo. Cảnh giới như kinh Kim Cang đã nói cũng là địa vị kiến đạo, vì sao? Lìa bốn tướng; hễ lìa bốn tướng bèn bình đẳng. Nếu quý vị thật sự chẳng có các tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tâm quý vị bình đẳng, tâm thanh tịnh. Quý vị có bốn tướng ấy bèn chẳng kiến đạo. Có bốn tướng ấy thì chẳng phải là Bồ Tát, [nói đúng ra], chẳng phải là hàng Bồ Tát thuộc địa vị kiến đạo. Vị Bồ Tát ấy chẳng kiến đạo, mà cũng chẳng kiến tánh (kiến đạo là kiến tánh). Trong Tịnh Độ Tông, Lý nhất tâm bất loạn là địa vị kiến đạo; Sự nhất tâm bất loạn vẫn chưa được, chưa kiến đạo.
Nếu muốn thật sự đạt tới địa vị ấy, phải tu hành. Đối với sự tu hành, quan trọng nhất là hoàn cảnh nhân sự, tục ngữ có câu: “Xử sự khó, đối xử với người khác càng khó hơn!” Trong cách xử sự với người khác, phải rèn giũa cho tâm cảnh của chúng ta bình lặng trong hoàn cảnh nhân sự. Đắc thanh tịnh tâm trong hoàn cảnh nhân sự thì hoàn cảnh vật chất chẳng cần phải nói nữa, tự nhiên thanh tịnh. Do vậy, tu hành là tu ở chỗ nào? Bồ Tát tu hành trong chốn hồng trần. Người Tiểu Thừa bảo: “Hoàn cảnh nhân sự quá phức tạp, thôi đi, ta vào chốn núi sâu, xa lìa xã hội”. Vì thế, họ vĩnh viễn chẳng thể kiến đạo. Họ có thể đắc Định, có thể đạt được thanh tịnh, nhưng sự thanh tịnh của họ là tịnh trong “nhiễm, tịnh”, là đối lập, là thanh tịnh tương đối, chẳng phải là thanh tịnh chân chánh. Họ đến ở tại thành thị vài ngày, lại bị loạn, lại bị nhuốm bẩn. Nói cách khác, sự thanh tịnh ấy chẳng chịu nổi sự khảo nghiệm, không được rồi! Nhất định phải thật sự khảo nghiệm và rèn giũa hằng ngày, thành tựu sự thanh tịnh của chính mình trong đó. Đấy là thanh tịnh chân chánh. Sự thanh tịnh ấy là sự thanh tịnh rời khỏi hai bên nhiễm và tịnh. Đó là vô lượng công đức. Do vậy, Ngài nói câu này có ý nghĩa rất sâu.
“Khoáng khoát thản di, vô hữu thiên pha” (rộng rãi, bằng phẳng, chẳng nhấp nhô), “pha” (坡) là cuộc đất chông chênh, có độ dốc. “Thị danh giai đạo” (nên gọi là “giai đạo”), “đạo” (道) là con đường [bằng phẳng], “giai” (階) là bậc thềm. “Giai đạo” trong Tây Phương Cực Lạc thế giới do công đức của tự tánh hiển hiện.
(Sao) Cao thúy giả.
(鈔) 高邃者。
(Sao: Cao chót vót).
“Cao thúy”: Lầu gác biểu hiện Tánh Đức nơi ấy.
(Sao) Tự tánh huýnh siêu trần cảnh, quán chiếu bất di, nang quát hư không, quảng bác vô tận, thị danh lâu các.
(鈔) 自性迥超塵境,觀照不遺,囊括虛空,廣博無盡,是名樓閣。
(Sao: Tự tánh vượt thoát trần cảnh, quán chiếu chẳng sót, bao quát hư không, bát ngát vô tận, nên gọi là “lầu gác”).
Toàn là nói về Tánh Đức. “Huýnh” (迥) nghĩa là xa xôi, “huýnh siêu” (迥超) là vượt xa, vượt trỗi quá nhiều. “Trần” (塵) là lục trần, ngũ dục lục trần, “cảnh” (境) là cảnh giới, bao gồm cảnh giới vật chất và cảnh giới nhân sự, thảy đều vượt trỗi. Cách vượt thoát ra sao? Người ta dùng quán chiếu, Tâm Kinh có nói: “Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không” thì phải hiểu theo ý nghĩa “vượt thoát trần cảnh”. “Nang quát hư không, quảng bác vô tận” (bao quát hư không, bát ngát vô tận), tỷ dụ chân tánh. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã dạy chúng ta tâm tánh vô lượng: “Tâm bao thái hư (tức là hư không), lượng châu sa giới”, đó chính là ý nghĩa “nang quát hư không” ở đây. Bên trong “lâu các” là trống rỗng, trống rỗng thì mới có thể bao dung. Bao dung người khác. Nếu lầu gác đặc ruột, chẳng trống rỗng, lầu gác ấy vô dụng! Sở dĩ nhà cửa có thể dùng được là vì bên trong trống không. Chân Như bổn tánh của chúng ta cũng giống như thế, bao trọn hư không, chứa khắp hư không, pháp giới. “Quảng bác vô tận” là bao trùm pháp giới, [câu nói ở] phía trên (“nang quát hư không”) là bao trùm hư không. Lầu gác hiển thị ý nghĩa này.
Nếu chúng ta hiểu rõ đạo lý này, quý vị mới biết mỗi pháp, chẳng có pháp nào không phải là Phật pháp. Chúng ta nhìn thấy đường sá, bèn nghĩ tâm chúng ta phải bằng phẳng, thẳng thắn, đường bằng phẳng mà! Tâm chúng ta phải giống như con đường bằng phẳng. Nhìn thấy nhà lầu, tâm chúng ta phải trống không giống như vậy, phải rỗng không thì mới có thể bao dung! Sáu căn của quý vị tiếp xúc cảnh giới lục trần, có cảnh giới nào chẳng phải là Phật pháp? Như vậy thì sẽ tiêu quy tự tánh, tự tánh bèn khởi lên vô lượng công đức. Trong tâm chẳng thể có một vật, phải sạch làu làu!
(Sao) Công đức pháp tài giả, tự tánh thường nhi bất thiên, tịnh nhi bất nhiễm, ngã nhi tùy duyên bất ngại, lạc nhi phú hữu bất khuy, thị danh kim ngân.
(鈔) 功德法財者,自性常而不遷,淨而不染,我而隨緣不礙,樂而富有不虧,是名金銀。
(Sao: “Công đức pháp tài”: Tự tánh thường, chẳng đổi dời; tịnh mà bất nhiễm, ngã (làm chủ tể) mà tùy duyên không ngại, lạc mà giàu có chẳng thiếu, nên gọi là “kim ngân”).
Giải thích pháp tài. “Thường” (常) là trạng huống vĩnh viễn, vĩnh viễn chẳng thay đổi; giống như vàng ròng, màu sắc chẳng thay đổi. “Bất thiên”: Thiên (遷) là biến đổi. “Tịnh nhi bất nhiễm”, Thể thanh tịnh, Thể vô cấu, Lục Tổ đại sư nói: “Vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần”, chính là nói về ý nghĩa này! Bổn tánh vốn là như thế!
Trong Phật môn cũng nhấn mạnh những món trang sức, quý vị thấy Phật, Bồ Tát đều đeo anh lạc, giắt châu báu, Đại Thừa khác Tiểu Thừa! Tiểu Thừa chẳng cần những thứ ấy. Đại Thừa Phật, Bồ Tát đeo rất nhiều chuỗi châu bảo, gọi là “anh lạc” (瓔珞), còn to và đẹp đẽ hơn dây chuyền. Đeo những thứ vàng, bạc, châu báu ấy nhằm khiến cho quý vị thường nhìn thấy chúng, không phải là vì chúng đẹp đẽ, mà là khiến cho quý vị nhìn thấy những thứ ấy, bèn nghĩ tới bất biến, nghĩ tới thanh tịnh. Đấy cũng là sự biểu thị pháp. Kẻ thế tục đeo châu báu nhằm phô trương thân phận và của cải, người học Phật đeo những thứ ấy có ý nghĩa khác hẳn: [Đeo trang sức để] thường xuyên nhắc nhở chính mình tâm phải thanh tịnh, phải vô nhiễm, phải bất biến, tùy duyên nhưng bất biến, bất biến mà tùy duyên, mang ý nghĩa ấy. Người Tiểu Thừa chẳng chấp nhận như vậy, Đại Thừa Phật pháp và Tiểu Thừa hoàn toàn chẳng giống nhau. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật nói thời kỳ Mạt Pháp, nhất định phải đề xướng pháp Đại Thừa. Đại Thừa là cởi mở, chẳng giống như Tiểu Thừa. Hiện thời rất nhiều người chẳng muốn tiếp nhận pháp Tiểu Thừa, tiếp nhận chẳng nổi! Pháp Đại Thừa chẳng trở ngại cuộc sống của ta, ngược lại còn khiến cho cuộc sống hiện tiền mỹ mãn hơn, khiến cho cuộc sống của chúng ta càng tràn đầy, họ đương nhiên thích tiếp nhận!
Tiểu Thừa không có ca múa, Đại Thừa có ca múa. Ca múa biểu thị
ý nghĩa gì? Biểu thị mộng, huyễn, bọt, bóng. Quý vị hằng ngày xem TV, có thể xem mỗi ngày, khi xem liền hiểu là mộng, huyễn, bọt, bóng, nhìn lại toàn thể nhân sinh là mộng, huyễn, bọt, bóng bày ra đó, cớ gì phải chấp trước? Vì thế, xem TV là đang tu hành, tu Nhất Tâm Tam Quán, tức Không, tức Giả, tức Trung. Người thế gian làm sao hiểu được! Quý vị mới hiểu trong pháp Nhất Thừa, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, cuộc sống đúng là “chân, thiện, mỹ, huệ”. Quyết chẳng phải là hưởng thụ; sống kiểu ấy sẽ chẳng trở ngại đạo, mà còn có thể thành tựu đạo nghiệp. Vấn đề là quý vị chuyển biến quan niệm theo cách nào? Nếu quý vị ở trong đó tham cầu hưởng thụ, có mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham muốn, vậy là quý vị bị đọa lạc, đã bị cảnh giới xoay chuyển. Nếu quý vị chẳng bị cảnh giới xoay chuyển thì kinh Lăng Nghiêm nói: “Nếu có thể chuyển cảnh, ắt giống như Như Lai”; giống như Như Lai thì tối thiểu là bậc Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, có cùng chân tánh với Như Lai.
Người ngoại quốc rất thích học Phật pháp, vì nó hay hơn Cơ Đốc giáo, hay hơn Thiên Chúa giáo. Họ rất dễ tiếp nhận, hoan hỷ tiếp nhận, họ càng nghĩ càng thấy có lý. Ở bất cứ nơi đâu, quý vị phải luôn luôn dấy lên quán chiếu; hễ bỏ mất quán chiếu, nhất định bị đọa lạc. Từ quán chiếu mà chiếu trụ, lại tiến hơn một bước nữa là chiếu kiến, chiếu kiến bèn nhập cảnh giới này; nhưng nhất định phải khởi đầu bằng quán chiếu. Quán chiếu là ở trong cảnh giới có thể thời thời khắc khắc dấy lên tâm cảnh giác. Dấy lên tâm cảnh giác cũng là dấy khởi ý nghĩa biểu thị pháp, đó là cảnh giác! Biết bất cứ pháp nào cũng đều từ tự tánh biến hiện, hết thảy các pháp đều trở về tự tánh. “Trở về tự tánh” chính là quý vị liễu giải ý nghĩa này, giống như chúng ta nhìn thấy nến, bèn nghĩ: “Hãy nên thiêu đốt chính mình hòng chiếu sáng người khác”. Đó là trở về tự tánh.
Kinh Hoa Nghiêm giảng về tướng cảnh giới rất hay, “tánh khởi”! Đây là Bổn Chất Tướng như trong Duy Thức đã nói, Bổn Chất Tướng là tánh khởi. Sau khi quý vị mê, nó mới biến thành duyên khởi, sau khi đã mê thì gọi là “duyên khởi”. Nói thật ra, duyên khởi và tánh khởi là một, không hai, chỉ đổi tên. Đã giác ngộ bèn chẳng gọi là duyên khởi, mà gọi là tánh khởi. Nói cách khác, trong bổn tánh vốn trọn đủ đức năng, Lục Tổ đã nói: “Nào ngờ tự tánh có thể sanh ra vạn pháp”; vạn pháp do tự tánh biến hiện, [tự tánh] có thể sanh! Biến hiện những cảnh giới ấy giống như mộng, huyễn, bọt, bóng. Trong hết thảy các cảnh giới, quý vị quyết định chớ nên mê, quyết định đừng chấp trước. Chẳng phải là nói không có cảnh giới, cảnh giới có chứ! Mộng, huyễn, bọt, bóng, có chứ! Tuy có, nhưng quý vị biết chúng chẳng phải là thực tại, chẳng thể chấp trước chúng nó.
Đức Phật nêu lên tỷ dụ ấy, nhằm dạy chúng ta đừng nên chấp trước hết thảy các pháp, chớ nên vọng tưởng. Lìa hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, quý vị đối diện hết thảy các pháp bèn thụ dụng hết thảy [vạn sự vạn vật] chẳng khác chư Phật, Bồ Tát. Sự thụ dụng ấy chỉ có lạc, chẳng có khổ, là sự thụ dụng thanh tịnh, quyết định chẳng tạo nghiệp. Nghiệp từ đâu mà tạo? Tạo nghiệp từ phân biệt, chấp trước, vọng tưởng! Lìa khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, lấy đâu ra nghiệp? Không chỉ chẳng có nghiệp, mà tạo tác cũng không có. Vì vậy, phải hiểu đạo lý này. Điều này hết sức dễ thấy, đó là Phật pháp chân chánh. Do đó, Tiểu Thừa quả thật để tiếp dẫn kẻ sơ cơ, do họ mê hoặc quá nặng, chẳng liễu giải đạo lý này.
“Ngã nhi tùy duyên bất ngại” (ngã tùy duyên, nhưng chẳng trở ngại), đây là “chuyển tác vô ngã” (chuyển thành vô ngã). Vô ngã ở chỗ nào? Ngã là vô ngã. Nếu ngã và vô ngã là hai pháp thì phỏng theo lời Lục Tổ, “hai pháp chẳng phải là Phật pháp”. Ngã và vô ngã là một! Phật pháp là pháp Bất Nhị, “nhị” thì chẳng phải là Phật pháp. Chúng ta tu pháp môn này thì phải tu nhất tâm bất loạn, “hai” thì làm sao có thể nhất tâm cho được? Vì vậy, quý vị phải biết: Hết thảy các pháp đều là pháp bất nhị. Quý vị có thể nắm vững nguyên tắc này, quý vị tu học dẫu chẳng gặp thiện tri thức, cũng không đến nỗi lạc lối. Phàm những ai lạc lối đều do phân biệt, chấp trước, tách Nhất Chân ra làm hai, hai chia thành bốn, bốn chia làm tám, càng chia càng phức tạp, làm chuyện ấy!
Do vậy, học Phật bèn học từ đâu? Hãy khởi sự bằng chuyện tịnh hóa đầu óc của chính mình. Đầu óc quý vị quá phức tạp, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước quá nhiều! Tu hành Phật pháp hãy khởi sự từ chỗ này, đầu tiên dạy quý vị lìa khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Thiền Tông nói thẳng thừng, thỏa đáng, vừa bắt tay vào liền làm chuyện này, kinh cũng chẳng cho nghe, mà cũng chẳng cho phép xem, đó gọi là “bất lập văn tự”, vì sao? Xem kinh bèn phân biệt! Xem kinh bèn khởi chấp trước, dấy vọng tưởng! Kinh cũng không cho phép xem, nhiều nhất là đường chủ Thiền đường giảng đôi chút khai thị cho quý vị nghe mà thôi! Giảng khai thị vẫn chẳng thể hỏi. Hễ hỏi, liền lập tức xáng cho một cây hương bản, mà cũng chẳng trả lời quý vị, do nguyên nhân nào? Khiến cho đầu óc quý vị trống tuềnh trống toàng, hễ nghe hiểu thì cứ hiểu, chẳng hiểu thì thôi, chẳng cần truy cứu, chẳng cần suy nghĩ nó có ý nghĩa gì. Chẳng cần suy nghĩ, chẳng cần phân biệt, chẳng cần chấp trước. Hễ quý vị nêu câu hỏi, tức là còn có phân biệt, chấp trước, nên [vị đường chủ] hung hăng phang liền, nhằm khiến cho quý vị xóa sạch phân biệt, chấp trước, mang ý nghĩa ấy, khiến cho đầu óc quý vị khôi phục rỗng rang, khôi phục đến tiêu chuẩn “vốn chẳng có một vật” của Lục Tổ. Vì lẽ đó, dùng hương bản để đánh tan những thứ lộn xộn nháo nhào trong đầu quý vị.
Thuở sinh tiền, pháp sư Chử Vân vào lúc tuổi già thường đả Phật Thất. Người tham gia Phật Thất đều muốn được Sư đánh hương bản. Sư nói: “Tôi đánh họ xong, còn được họ cúng dường tôi”. Nói thật ra, lão hòa thượng đánh thì quý vị liền tiêu tai, miễn nạn ư? Chẳng có lẽ ấy! Đập chết quý vị, quý vị vẫn chẳng tiêu tai nạn được! Do vậy, quý vị nhất định phải hiểu ý nghĩa. Trong Thiền đường đánh hương bản, có phải là hòa thượng hễ gặp người khác liền đánh hay chăng? Chẳng phải vậy! Quý vị chẳng phải là pháp khí, người ta chẳng đánh quý vị, vì sao? Càng đánh, quý vị càng phiền não, chẳng có hiệu quả! Người ấy phải nên đánh, đáng đánh, vì sao? Hễ đánh thì người ấy chẳng còn ý niệm gì nữa, thật sự buông xuống, loại người ấy nên đánh! Có thể đánh, vì có thể khiến cho người ấy khai ngộ! Nếu quý vị phân biệt, chấp trước nặng nề, dẫu đánh chết cũng chẳng thể khai ngộ, đánh có tác dụng gì đâu? Nguyên tắc của Thiền gia căn cứ trên “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”, dạy quý vị hành công phu ấy nhằm khôi phục sự thanh tịnh chân thật nơi tâm địa.
Do đó, Giáo Hạ và Tông Môn khác nhau. Tông Môn chẳng dùng văn tự, Giáo Hạ dùng văn tự, dùng kinh điển. Phương pháp dùng kinh điển là dạy quý vị đọc tụng, trong đọc tụng chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, cũng chẳng cho phép dấy lên vọng tưởng. Năm năm xuất gia đầu tiên là làm chuyện này, không cho phép nghe kinh, không cho phép xem kinh, mà bắt làm chuyện phục vụ thường trụ. Làm những việc cực nhọc, làm việc nặng nhằm vun bồi phước, tu phước! Điều gì cũng chẳng cho phép quý vị tiếp xúc, chẳng cho phép quý vị nghe kinh, trong Niệm Phật Đường cũng chẳng cho phép quý vị niệm Phật, Thiền Đường cũng không cho phép quý vị tham Thiền, tu Căn Bản Trí mà! Bảo quý vị niệm một bộ kinh, quy định mỗi ngày phải niệm bộ kinh ấy mấy tiếng đồng hồ, niệm suốt năm năm, tâm bèn thanh tịnh, chẳng nghĩ gì khác. Những điều này đều nhằm tu thanh tịnh tâm, đó là nhập môn Phật pháp.
Thế hệ chúng ta hiện thời, bất luận tại gia hay xuất gia đều chẳng
sánh kịp thế hệ trước, nguyên nhân ở chỗ nào? Chúng ta chẳng vun bồi cơ sở này, chẳng tu từ căn bản. Vừa học Phật liền nghe kinh, liền nghiên cứu kinh điển. Nói thật thà, nghe kinh, nghiên cứu kinh điển, chẳng phải là đoạn phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, mà là tăng trưởng phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, đó là điên đảo. Do vậy, làm sao quý vị có thể thành tựu cho được? Chẳng thể thành tựu! Không bằng kẻ thật thà niệm một câu A Di Đà Phật, chuyện gì cũng chẳng cần, niệm một câu A Di Đà Phật ba năm, có thể đứng vãng sanh, hoặc có thể ngồi vãng sanh, có thể biết trước lúc mất. Chúng ta mỗi ngày nghiên cứu kinh này, kinh nọ, cả đống kinh luận, nếu nghiên cứu vài chục năm, khi chết vẫn là chân tay luống cuống, cuối cùng vẫn phải gặp Diêm Vương! Quý vị gặp Diêm Vương, ta đã đọc bao nhiêu bộ kinh lớn, thứ gì cũng vô dụng, đáng phải sanh tử thế nào thì vẫn sanh tử như thế ấy, chẳng có cách nào! Vì sao? Sở học của quý vị toàn là pháp thế gian, chẳng phải là Phật pháp. Vì là pháp thế gian nên mê, càng mê sâu hơn! Thanh Lương đại sư dạy: “Quý vị niệm kinh, nghe giáo, tăng trưởng tà kiến. Chẳng niệm kinh, nghiên cứu giáo, bèn tăng trưởng vô minh”. Nói tóm gọn là chẳng dễ sống! Phải hiểu đạo lý cơ bản này thì chúng ta mới biết chính mình phải nên làm theo cách như thế nào! Do vậy, cách chuyển biến là hiểu ngã và vô ngã là một, không hai, xác thực có thể đạt đến tùy duyên bất biến, đó là đúng!
“Lạc nhi phú hữu bất khuy” (lạc mà giàu có, chẳng thiếu), đây là nói tới bốn tịnh đức Thường – Lạc – Ngã – Tịnh. Giàu có, chẳng thiếu thốn. Giàu chẳng phải là khiến cho chính mình giàu có, mà là làm cho người khác giàu có, chẳng thiếu thốn. “Bất khuy” (不虧) là chẳng thiếu sót. Nếu bản thân chúng ta hưởng lạc, người khác chịu tổn thất, sự sung sướng của quý vị tạo dựng trên nỗi thống khổ của kẻ khác thì trật mất rồi! Sự sung sướng của ta hãy nên kiến lập trên phương diện giàu có của chúng sanh, đó là chân lạc! Quý vị suy nghĩ ý vị này, đó là gì? Thấy chúng sanh sung sướng, người [tu Phật] bèn thấy sung sướng. Thấy chúng sanh đang khổ, người ấy chẳng sung sướng, chẳng khác gì Phật, Bồ Tát. Niềm vui của Phật, Bồ Tát khác với chúng ta. Đặc biệt là Phật, Bồ Tát thấy nhiều người giác ngộ, thấy nhiều người niệm Phật, chư Phật, Bồ Tát sung sướng nhất, vì sao? Mắt thấy nhiều người ngần ấy đều niệm Phật vãng sanh, bất thoái thành Phật; đó là ý nghĩa “giàu có, chẳng thiếu thốn”. Ý nghĩa được bao hàm trong đây vô cùng sâu rộng, tôi nói ra điểm này để quý vị dần dần thấu hiểu điều này, biết chúng ta phải nên tu học như thế nào. Bảy báu tượng trưng cho sự phú quý, giàu có. “Thị danh kim ngân” (nên gọi là vàng, bạc), hai thứ đầu tiên trong bảy báu biểu thị ý nghĩa này.
(Sao) Tự tánh nội ngoại minh triệt, vô chướng, vô ngại, thị danh lưu ly.
(鈔) 自性內外明徹,無障無礙,是名琉璃。
(Sao: Tự tánh trong ngoài sáng ngời, trong suốt, chẳng chướng, chẳng ngại, bèn gọi là Lưu Ly).
“Lưu ly” trong suốt, biểu thị trong ngoài như nhau, trong ngoài như một! Tại Trung Quốc, vào đời Tống, tể tướng Tư Mã Quang đã soạn bộ Tư Trị Thông Giám, có một câu danh ngôn để lại cho người đời. Ông ta nói cả một đời “sự vô bất khả cáo nhân ngôn” ([chính mình] không có chuyện gì chẳng thể nói với người khác), quý vị thấy tâm địa ông ta quang minh chánh đại. Những chuyện ông ta đã làm trong một đời, chẳng có chuyện gì không thể nói với người khác. Đó là trong ngoài như nhau, ở đây nói là “nội ngoại minh triệt, vô chướng, vô ngại”, tâm và miệng giống hệt như nhau.
(Sao) Tự tánh bổn thể khiết bạch, ly quá, tuyệt phi, thị danh xa cừ.
(鈔) 自性本體潔白,離過絕非,是名硨磲。
(Sao: Tự tánh bản thể trắng sạch, lìa lỗi, dứt sai, nên gọi là Xa Cừ).
Thể tánh của xa cừ là trắng, sạch, bạch tịnh. Trong Phật pháp, Bạch thường tượng trưng cho Thiện. Người Hoa nói “thiện, ác”, còn người Ấn Độ nói là “bạch pháp, hắc pháp”, dùng hắc bạch để biểu thị thiện ác. Xa cừ biểu thị thiện đức thanh tịnh. Đoạn ác tu thiện, tam luân thể không, đó là tịnh. Tuy ta tu thiện, nhưng tam luân chẳng không, “chẳng không” là chấp tướng tu thiện, nên tu thiện chẳng thanh tịnh. Tu thiện phải lìa tướng, chẳng chấp trước tu thiện bèn là thanh tịnh, biểu thị ý nghĩa này.
(Sao) Tự tánh quang minh xí nhiên, thị danh xích châu.
(鈔) 自性光明熾然,是名赤珠。
(Sao: Tự tánh quang minh chói rực, nên gọi là Xích Châu).
Xích Châu có quang minh, giống như các loại được chúng ta gọi là “bảo thạch” trong hiện tại. Đương nhiên, bảy báu trong thế gian này chẳng thể tự tỏa sáng, chẳng giống như trong thế giới Tây Phương. Bảy báu trong thế giới Tây Phương tự tỏa ánh sáng. Bảy báu trong thế gian này nhờ vào sự phản xạ ánh sáng bên ngoài [mà sáng lấp lánh], chúng có sức phản xạ [ánh sáng] rất mạnh. Một tia sáng rất nhỏ yếu chiếu vào chúng liền bị phản xạ, mạnh hơn ánh sáng bên ngoài, nên được gọi là Bảo. Dùng chuyện này để tỷ dụ “tự tánh quang minh”.
Quý vị hiểu những điều này, liền biết chẳng có một pháp nào chẳng biểu thị pháp, chẳng có pháp nào không thể tiêu quy tự tánh! Không chỉ chúng ta đọc kinh phải tiêu quy tự tánh, mà thấy sắc, nghe tiếng, lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần đều có thể tiêu quy tự tánh, quý vị hãy nghĩ xem: Quý vị có khác gì những vị đại Bồ Tát? Đại Bồ Tát chẳng giống chúng ta ở ngay chỗ này. Lục căn của các Ngài tiếp xúc lục trần là giác chứ không mê, giác là trở về tự tánh! Hết thảy các pháp lưu xuất từ tự tánh, trở về tự tánh, công phu của các Ngài ở ngay chỗ này! Phàm phu chúng ta chẳng giống các Ngài, phàm phu đã mê, lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần bên ngoài, tâm liền bị cảnh giới chuyển, chẳng thể quay đầu! Trong chương Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm, Quán Âm Bồ Tát dạy “phản văn văn tự tánh” (xoay tánh Nghe để nghe tự tánh). “Phản văn văn tự tánh” có cùng một ý nghĩa với “tiêu quy tự tánh” ở đây, Ngài thấy hết thảy các pháp bèn lập tức nghĩ đến công đức trong tự tánh.
Công đức trong tự tánh có thể cùng với tướng của các vật bên ngoài đồng thời lưu lộ, tác dụng ấy quá lớn, nên đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn! Hiện thời, chúng ta chẳng thể [làm như vậy], đối trước cảnh giới bèn mê. Sau khi đã mê bèn khởi tham, sân, si, mạn, phản ứng trong tâm là những thứ ấy. Phản ứng của Phật, Bồ Tát là thanh tịnh, quang minh, trí huệ, từ bi, các Ngài phản ứng bằng những thứ ấy. Đúng như Lục Tổ khi gặp Ngũ Tổ đã thưa: “Trong tâm đệ tử thường sanh trí huệ”. Lục căn của Ngài tiếp xúc cảnh giới lục trần thường sanh trí huệ! Quý vị đã hiểu rõ đoạn này thì há chẳng phải là thường trí huệ ư? Phàm phu chẳng thể, thường sanh phiền não! Đeo giắt vàng, bạc, châu báu cũng thường sanh phiền não, vì sao? Sợ kẻ khác trộm mất, sợ ngày nào đó chúng sẽ hư hoại, suốt ngày từ sáng đến tối phải bận lòng chăm chút những thứ ấy, rất đáng thương! Tánh Đức chẳng thể thấu tỏ, mà toàn là lộ ra tham, sân, si, mạn! Chỗ thụ dụng thật sự trong việc học Phật pháp
là ở ngay tại chỗ này!
(Sao) Tự tánh kiên thật bất dịch, thị danh mã não.
(鈔) 自性堅實不易,是名瑪瑙。
(Sao: Tự tánh cứng chắc, chân thật, chẳng thay đổi, gọi là Mã Não).
Mã Não là bảo thạch, chất liệu khá kiên cố, biểu thị “tự tánh kiên thật”, “Thật” là chân thật kiên cố; “bất dịch” là không biến đổi. [Dùng Mã Não] để tỷ dụ phương tiện này của Tánh Đức.
(Sao) Chúng mỹ tất cụ, tư thành Pháp Thân, thị danh “nghiêm sức” dã.
(鈔) 眾美畢具,資成法身,是名嚴飾也。
(Sao: Các thứ đẹp đẽ đều đầy đủ, bồi đắp thành Pháp Thân, nên gọi là “trang hoàng mỹ lệ”).
“Pháp Thân”: “Pháp” là chư pháp, “Thân” là bản thân. Bản thân của ta là gì? Bản thân là hết thảy các pháp, hết thảy các pháp là bản thân của ta. Quý vị hãy suy nghĩ, cái thân này có sanh diệt hay không? Vì vậy, Pháp Thân bất sanh, bất diệt, vĩnh viễn thường trụ. Ý nghĩa này rất khó hiểu; nếu quý vị thật sự hiểu, sẽ nhập cảnh giới ấy, quý vị là Sơ Trụ Bồ Tát, trong pháp môn Niệm Phật sẽ đắc Lý nhất tâm bất loạn, từ nay về sau chẳng còn coi thân này là chính mình, mà toàn thể vũ trụ là ta.
Trong các buổi giảng, tôi thường dùng mộng làm tỷ dụ, do chuyện này dễ hiểu, có thể lãnh hội đôi chút. Quý vị nằm mộng, khi tỉnh mộng, hãy suy nghĩ, tất cả cảnh giới trong mộng có phải do cái tâm của chính quý vị biến hiện hay không? Không chỉ cái Ta trong mộng là ta, mà hết thảy mọi người trong mộng cũng là ta, hết thảy vạn vật trong mộng cũng là ta, hư không trong mộng vẫn là ta, toàn là do tâm ta biến hiện! Toàn bộ cái tâm biến thành mộng cảnh, toàn bộ mộng chính là tâm, tâm là chính mình, cảnh cũng là chính mình, nên mới hoảng nhiên đại ngộ, tận hư không khắp pháp giới vốn là ta! Tất cả hết thảy chư Phật, Bồ Tát trong mộng của quý vị vẫn là ta, đều do ta biến hiện. Quý vị hãy thấu hiểu ý nghĩa từ chỗ này.
Hiện thời, vạn pháp trong tận hư không khắp pháp giới do Chân Như bổn tánh của chúng ta biến hiện. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, tâm và thức đều là chính mình. Chư Phật chứng đắc Pháp Thân thanh tịnh, chứng đắc như thế nào? Chứng đắc điều này. Các Ngài triệt để hiểu rõ. Sau khi hiểu rõ bèn đối với hết thảy vạn pháp chẳng còn phân biệt thị phi, nhân ngã, nên tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả đều chẳng còn; ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến cũng chẳng có. Đức Phật nói [người như vậy] là Bồ Tát thật sự. Đó là gì? Bồ Tát chứng đắc Pháp Thân, khẳng định toàn thể hư không vũ trụ và chính mình là một người. Hết thảy vạn pháp là hình ảnh tự tánh của ta, ta hiện cái thân này cũng là hình ảnh. Kinh Kim Cang dạy: “Mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, cũng như chớp, hãy nên quán như thế”, đó là Sơ Trụ Bồ Tát trở lên trong Viên Giáo, là Bồ Tát minh tâm kiến tánh, mà cũng là bậc Bồ Tát đắc Lý nhất tâm bất loạn trong Tịnh Độ Tông. Còn có sai biệt, còn có phân biệt, chấp trước, chắc chắn chưa đạt tới cảnh giới ấy. Hễ đạt tới cảnh giới ấy, tâm và cảnh như một, vạn pháp bình đẳng.
Quý vị thấy sư Ấn Tông hỏi Lục Tổ, Lục Tổ trả lời. Ấn Tông thỉnh giáo: “Bình thường Ngũ Tổ thuyết pháp cho các thầy, có nói tới Thiền Định và giải thoát hay không?” Đây là một đề mục trọng yếu trong Thiền Tông. Lục Tổ trả lời: “Thiền Định và giải thoát là hai pháp, Phật pháp là pháp Bất Nhị”. Cảnh giới của Lục Tổ cao hơn sư Ấn Tông. Một đằng đã chứng đắc Pháp Thân thanh tịnh, một đằng vẫn chưa chứng đắc. Chưa chứng đắc, nên mới có phân biệt, chấp trước, mới rớt trong hai, ba, còn người ta (Lục Tổ) chẳng rơi vào hai, ba! Ngài dùng câu này để chỉ điểm, cảnh tỉnh Ấn Tông! Đó là “nhập pháp môn Bất Nhị”. Nhập pháp môn Bất Nhị là minh tâm kiến tánh trong Thiền Tông, là đại khai viên giải trong Giáo Hạ.
Vì sao giảng pháp môn này? Phật pháp là phải gột sạch làu ý niệm, chẳng chấp nhận phân biệt, chấp trước, chẳng chấp nhận có vọng tưởng, khôi phục sự thiên chân! Trong Bồ Tát hạnh có một loại hành pháp gọi là Anh Nhi Hạnh, trẻ thơ (anh nhi) chẳng có tâm phân biệt. Quý vị cho nó ăn đường, nó cũng ăn; để mặc cho nó ăn phân, nó cũng ăn. Nó chẳng có tâm phân biệt, nó ăn ngon lành, chẳng cự tuyệt. Đó là Anh Nhi Hạnh, tức là hết thảy phân biệt, chấp trước đều chẳng có. Vì sao biến thành phàm phu? Do quý vị có phân biệt, chấp trước. Hiện tại, phải từ phàm phu trở lại thánh nhân, quý vị lìa khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng thì sẽ thành công, chẳng có cách nào khác! Ngàn kinh vạn luận, vô lượng pháp môn, đều là cùng một tiêu, một phương hướng này,
[chỉ là] phương cách, cách thức khác nhau mà thôi!Sở dĩ pháp môn Tịnh Độ đặc biệt là do sợ rằng tu các phương pháp khác thì quý vị chẳng thể đạt được [liễu sanh tử, thoát tam giới] trong một đời, nên dạy quý vị đới nghiệp vãng sanh, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới rồi lại tu từ đầu, pháp môn này thù thắng ở chỗ này. Nhưng nếu muốn thành tựu nơi pháp môn này, quý vị cũng chẳng thể dùng loạn tâm để niệm Phật, loạn tâm niệm Phật bèn chẳng tương ứng. Quý vị phải dùng cái tâm thanh tịnh để niệm Phật, tâm thanh tịnh nghĩa là “một bề chuyên niệm”! Quý vị chớ nên niệm quá nhiều thứ. Niệm quá nhiều thứ sẽ chẳng chuyên! Chẳng chuyên sẽ không tương ứng. Do vậy, quý vị phải chuyên niệm, những thứ khác đều buông xuống hết, buông thế duyên xuống, hết thảy Phật pháp cũng buông xuống, niệm một bộ kinh, niệm một câu Phật hiệu suốt đời là được rồi thì mới có thể đi thông suốt con đường này; ai chịu đi, người đó thành tựu. Thật sự chịu đi cũng không phải là chuyện dễ dàng, người nào chịu đi? Kẻ ngốc nghếch. Tục ngữ có câu: “Kẻ ngốc có phước của người ngốc”. A Di Đà Phật tiếp dẫn người ấy đến Tây Phương, [do người ấy] thật sự chịu buông xuống! Người bình thường tự cậy chính mình thông minh, chẳng chịu buông xuống, thứ gì cũng đều muốn học, cuối cùng chính kẻ ấy bị thua thiệt. Vì thế, nhất định phải giác ngộ, nhất định phải chuyên tu, phải thật sự chịu quay đầu.
“Chúng mỹ tất cụ” (các điều tốt lành ắt trọn đủ), Tây Phương Cực Lạc thế giới y báo và chánh báo trang nghiêm. Hết thảy mọi sự trong cuộc sống nơi thế gian này đều chẳng có chướng ngại; vì thế, Đại Thừa Bồ Tát sống cuộc đời “chân, thiện, mỹ, huệ”. “Chân, thiện, mỹ, huệ” của con người trong thế gian này là hữu danh vô thực, vì sao? Tâm địa thanh tịnh mới biết “chân, thiện, mỹ, huệ”, mới có thể hưởng thụ “chân, thiện, mỹ, huệ”. Tâm địa chẳng thanh tịnh, đó là hữu danh vô thực, quyết định chẳng thể thụ dụng. “Tư thành Pháp Thân” (vun bồi thành tựu Pháp Thân), đã hiểu rõ ý nghĩa của Pháp Thân, Pháp Thân là y báo và chánh báo trang nghiêm. Đó gọi là “nghiêm sức”, Nghiêm (嚴) là trang nghiêm, Sức (飾) là trang hoàng. Tây Phương thế giới được trang hoàng đẹp đẽ kỳ diệu bởi vô lượng trân bảo, là công đức xứng tánh.
(Sao) Thả Thiện Tài biến lịch trùng thành, bác tham quần ngạn, tối hậu ư Di Lặc lâu các, đàn chỉ nhi đăng.
(鈔) 且善財遍歷重城,博參群彥,最後於彌勒樓閣,
彈指而登。
(Sao: Hơn nữa, Thiện Tài đến khắp các thành, tham bái rộng rãi các vị thiện tri thức, cuối cùng ở lâu các của ngài Di Lặc, khảy ngón tay để bước lên).
Sau đấy là tổng kết. Trong lời tổng kết, [Liên Trì đại sư] bèn khuyên bảo chúng ta. Trong chú giải, đại sư trích dẫn kinh Hoa Nghiêm nhiều nhất, nhằm mục đích khiến cho chúng ta biết: Giáo nghĩa của kinh điển Tịnh Độ ngang hàng với Hoa Nghiêm, nên dùng Hoa Nghiêm để giải thích. Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần, lần lượt đi qua một trăm thành, tham phỏng năm mươi ba vị thiện tri thức. Cuối cùng tham phỏng Di Lặc Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát là vị thứ năm mươi hai, vị cuối cùng là Phổ Hiền Bồ Tát. Lâu các của ngài Di Lặc tráng lệ khôn sánh, giống như những chỗ hiện thời chúng ta gọi là “viện khoa học” hoặc “viện bảo tàng”. Tiến nhập lâu các của Ngài đúng là các cõi Phật trong mười phương thế giới đều hiển hiện trong ấy. Quý vị muốn thấy bất luận vị Phật nào, hoặc một thế giới nào, bèn ngay lập tức bèn hiện cho quý vị thấy, giống như trong viện bảo tàng hoặc sở triển lãm, đẹp đẽ khôn xiết! “Đàn chỉ nhi đăng”, đó là lên quả giác. Di Lặc là Đẳng Giác Bồ Tát, sắp viên mãn, đạt đến địa vị ấy. Thiện Tài đồng tử rất siêng khổ, thành tựu trong một đời.
(Sao) Kim đản trì danh, bất thiệp hồi đồ, tiện cư diệu cảnh.
(鈔) 今但持名,不涉迴塗,便居妙境。
(Sao: Nay chỉ trì danh, chẳng phải bôn ba, mà liền ngự nơi diệu cảnh).
Nay chúng ta dùng phương pháp trì danh niệm Phật, hạnh phúc hơn Thiện Tài nhiều! Thiện Tài tu học gian nan, khổ sở quá! Chúng ta dùng một câu Phật hiệu, chẳng cần phải chuốc lấy lắm nỗi phiền phức như vậy, chẳng cần chịu nhiều vất vả ngần ấy, mà cũng đạt đến cảnh giới đó. “Tiện cư diệu cảnh”, “diệu cảnh” là địa vị Diệu Giác. Những pháp môn khác của hàng Bồ Tát chẳng thể sánh bằng. So với Hoa Nghiêm, [pháp Niệm Phật] mau chóng hơn nhiều! Do một câu Phật hiệu mà thành tựu quả đức bằng với người ấy (người tu theo Hoa Nghiêm), pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn!
(Sao) Kỳ như chung nhật bảo giai hành, tự xưng mê lộ hán.
(鈔) 其如終日寶階行,自稱迷路漢。
(Sao: Điều này giống như suốt ngày đi trên thềm báu, mà tự bảo là kẻ lạc đường).
Tiếp đó là lời cảm thán. Bao nhiêu kẻ niệm Phật, quý vị mỗi ngày niệm Phật giống như đang bước trên thềm báu. Tuy ở trên thềm báu, chẳng biết chính mình đang đi trên thềm báu. Đúng là chính mình tu vô thượng đạo, mà chẳng biết đó là vô thượng đạo. Chính mình mỗi ngày niệm kinh này là kinh bậc nhất, được hết thảy chư Phật hoằng dương, nhưng chẳng biết! Không biết đây là kinh bậc nhất. Vẫn nghĩ là có rất nhiều kinh điển cao hơn kinh này, cho rằng pháp môn này của chúng ta chẳng bằng ai, [những cách nghĩ như vậy] đều là mê hoặc, điên đảo, đó là vô tri.
(Sao) Khả vị “ỷ môn đàn chỉ, bất tri thân tại ngọc lâu trung” giả dã, tích tai!
(鈔) 可謂倚門彈指,不知身在玉樓中者也,惜哉。
(Sao: Có thể nói là “dựa cửa khảy ngón tay, chẳng biết thân đã ở trong lầu ngọc”, tiếc thay!)
Đáng tiếc thay! Vì sao người niệm Phật đông như vậy, người vãng sanh ít dường ấy? Tuy họ niệm Phật, nhưng chẳng biết trạng huống chân thật của Tây Phương Cực Lạc thế giới, cũng chẳng biết chính mình đang tu hành điều gì! Chẳng biết, cho nên niệm suốt đời, nhưng chẳng thể vãng sanh. Nguyên nhân ở chỗ nào? Ý chí do dự, tâm không chuyên nhất, tạp tâm xưng danh, loạn tâm niệm Phật, như vậy thì chẳng thể thành tựu, hết sức đáng tiếc!
Liên Trì đại sư chú giải kinh Di Đà tỉ mỉ ngần ấy, mục đích là ở chỗ này: Ngài hy vọng chúng ta sẽ thật sự liễu giải, nhận thức Tây Phương, nhận thức chính mình, quyết định thành tựu trong một đời này. Đó là mục đích khổ tâm của lão nhân gia, chúng ta phải thấu hiểu! Hôm nay đã hết thời gian rồi!