Tập 250/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 01-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 250

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm chín mươi mốt.

          (Sao) Hựu ngôn “nhất thiết quốc độ, duy tưởng sở trì”. Tịnh tưởng thành tựu, tất đắc vãng sanh; cố vô nghi dã.

()又言一切國土,唯想所持,淨想成就,必得往生,固無疑也。

(Sao: Lại nói “hết thảy các cõi nước chỉ do tưởng mà được duy trì”. Tịnh tưởng thành tựu, ắt được vãng sanh, cho nên chẳng nghi ngờ).

          Câu này do đức Phật dạy trong kinh. Chúng ta hãy đọc nguyên văn lời chú giải một lượt.

          (Diễn) Nhất thiết quốc độ duy tưởng sở trì giả, Khởi Tín Luận vân: “Nhất thiết chư pháp, duy y vô minh vọng tâm nhi đắc trụ trì. Nhược ly vọng tâm, tắc vô nhất thiết chư pháp tự tướng khả đắc”. Lăng Nghiêm kinh vân: “Tưởng trừng thành quốc độ, tri giác nãi chúng sanh” đẳng.

          ()一切國土唯想所持者,起信論云:一切諸法,唯依無明妄心而得住持,若離妄心,則無一切諸法自相可得。楞嚴經云:想澄成國土,知覺乃眾生等。

(Diễn: “Hết thảy các cõi nước chỉ do tưởng mà duy trì”: Khởi Tín Luận ghi: “Hết thảy các pháp chỉ nương vào vô minh vọng tâm mà tồn tại. Nếu lìa vọng tâm thì chẳng có tự tướng của hết thảy các pháp để có thể được”. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Tưởng lắng đọng thành cõi nước, do tri giác mà có chúng sanh” v.v…).

          Hai câu này đã nêu ra đơn giản nhưng minh bạch chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Đấy mới là tướng chân thật. Những điều Mã Minh Bồ Tát đã nói trong Đại Thừa Khởi Tín Luận đều căn cứ trên các lời dạy trong kinh điển nhà Phật, tổng hợp cách giảng của đức Phật. “Nhất thiết chư pháp” (Hết thảy các pháp), trong Phật pháp thường nói “y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới”, đó là hết thảy các pháp. Nếu nói theo cách hiện thời, [sẽ là] “vạn hữu trong vũ trụ”, bao gồm không gian vô hạn, bao gồm vô lượng tinh cầu, cùng với tất cả hết thảy sinh vật, thực vật, khoáng vật, đất đai trong các tinh cầu, thảy đều được bao gồm trong ấy. Những thứ ấy rốt ráo là do đâu mà có? Chúng “có” như thế nào? Từ xưa tới nay, khá nhiều nhà khoa học Trung Hoa và ngoại quốc đã thăm dò, nghiên cứu. Cận đại, có thuyết được gọi là Tiến Hóa Luận. Thật ra, Tiến Hóa Luận là do chẳng có cách nào giải thích viên mãn, cũng có nghĩa là trong thuyết ấy có rất nhiều lỗ hổng. Nói cách khác, đấy chỉ là sự phỏng đoán, tưởng tượng của một số người mà thôi, có phải là chân tướng sự thật hay không? Chẳng phải! Những điều đức Phật đã dạy trong kinh mới là chân tướng sự thật. Đối với chân tướng sự thật ấy, trong kinh luận thường nói là “bất khả tư nghị”. “Tư” (思) là gì? Tư duy, tưởng tượng. Vì sao nói là chẳng thể tư duy, tưởng tượng? Tư duy, tưởng tượng chẳng đạt được, quyết định là chẳng thể hiểu rõ. Chẳng thể dùng tư duy, tưởng tượng để có thể hiểu rõ chân tướng này, mà cũng chẳng có cách nào dùng ngôn ngữ để nói rành rẽ, hoặc dùng văn tự để viết ra, đều là chẳng có cách nào! Vì thế, gọi là “bất khả tư nghị”. Như thế nào thì mới có thể chứng đắc, mới có thể hiểu rõ? Đức Phật dạy: Chỉ có tâm thanh tịnh. Khi tâm đạt đến thanh tịnh, thường nói là “tâm như nước lặng”, một niệm chẳng sanh; khi ấy, tác dụng của tâm hết sức rộng lớn. Bát Nhã Tâm Kinh nói “chiếu kiến”, tâm thanh tịnh khởi tác dụng là chiếu kiến. Quý vị đã trông thấy, hoàn toàn hiểu rõ chân tướng. Quý vị hiểu rõ chân tướng ấy hoàn toàn giống hệt như đức Phật đã dạy trong kinh. Đức Phật thấy chân tướng ấy, quý vị cũng thấy chân tướng ấy, đối chiếu những điều đức Phật đã thấy với những điều quý vị thấy, có thể thấy là những điều [bản thân chúng ta] trông thấy quyết định chẳng có sai lầm. Hễ có sai lầm, sẽ chẳng phải là chân tướng. Chân tướng thì nhất định là ai nấy đều thấy như nhau, đó chính là chân tướng. Tôi thấy khác với quý vị, đó chẳng phải là chân tướng. Tức là như trong câu tôi vừa mới nói, hết thảy vạn hữu trong thế gian này chẳng phải là chân tướng. Vì sao? Tôi thấy khác với quý vị, quý vị lại chẳng thấy giống như kẻ khác! Sự thật bày ra trước mắt chúng ta, mỗi người nhìn rồi cảm nhận khác nhau, đó chẳng phải là chân tướng.

          Những hiện tượng ấy phát sanh như thế nào? “Duy y vô minh vọng tâm” (Chỉ nương vào vô minh vọng tâm). Pháp Tướng Duy Thức Tông đã nói về chuyện này rất rõ ràng, rất thấu triệt, rất minh bạch, chỉ rõ chân tướng của vạn hữu trong vũ trụ, nhưng bộ phận kinh luận ấy hết sức phức tạp, rắc rối. Vì sao? Muôn vàn hình tượng trong vũ trụ quá phức tạp, quý vị muốn nói rõ ràng, nói minh bạch, đương nhiên là phức tạp, chẳng thể nào bằng mấy câu đơn giản mà có thể trao đổi rành rẽ được! Vì thế, [Duy Thức] phân tích từng chuyện một hết sức chi ly. Nói tổng quát, [vạn tượng trong vũ trụ] do vọng tưởng biến hiện. Ở đây, [sách Diễn Nghĩa] gọi vọng tưởng, chấp trước là “vô minh vọng tâm”. Vọng tâm có thể biến, cảnh giới được biến hiện giống hệt như nằm mộng. Cảnh giới trong mộng rất ngắn, vừa tỉnh giấc bèn biết là mới vừa nằm mộng, suy nghĩ chuyện trong mộng vẫn nhớ rất rành rẽ. [Thế nhưng, phàm nhân] trọn chẳng biết cảnh giới hiện thực của chúng ta chính là mộng cảnh! Lại còn nằm mộng trong mộng, quý vị có kinh nghiệm này hay không? Khi nằm mộng, trong giấc mộng lại nằm mộng. Hoàn cảnh hiện tiền của chúng ta là ở trong mộng. Vì thế, cổ đức thường nói: “Đại tác mộng trung Phật sự, kiến lập thủy nguyệt đạo tràng” (Làm Phật sự to lớn trong mộng, tạo dựng đạo tràng như bóng trăng trong nước); làm Phật sự to lớn trong giấc mộng, xác thực là một mộng cảnh. Biết đấy là mộng cảnh, bèn giác ngộ. Biết mộng cảnh là gì? Nguyên lai, hết thảy đều chẳng thật. Tuy là có, nhưng cái Có ấy được gọi là Huyễn Hữu, hoặc được gọi là Giả Hữu, trong Phật pháp thường nói tới Diệu Hữu. Diệu Hữu là chẳng thật, rất kỳ diệu, tuy chẳng phải thật sự, nhưng nó có! Tuy có, nó chẳng phải là thật, chẳng thật sự tồn tại, nên cái Có ấy được gọi là Diệu Hữu. Vì vậy, thức có thể biến, biến hiện y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. Thức có thể trì, Trì (持) là gìn giữ, gìn giữ cho nó tồn tại trong một giai đoạn. Trong Duy Thức Học, sự gìn giữ ấy được gọi là Tương Tục Tướng (相續相: tướng liên tục), sanh diệt trong từng sát-na. [Tướng ấy sanh và diệt] trong từng sát-na một, [tướng trong sát-na trước không phải là tướng trong sát-na sau], nhưng chúng có hình trạng rất gần gũi, thuộc loại Tương Tự Tương Tục Tướng (gần như là tướng liên tục. Do sanh diệt rất nhanh, nên có cảm giác là liên tục), chuyện là như vậy đó. Do vậy, chính là “vô minh vọng tâm nhi đắc trụ trì” (do vô minh vọng tâm mà tồn tại).

          “Nhược ly vọng tâm” (Nếu lìa vọng tâm), quý vị vừa giác ngộ, vọng tâm bèn chẳng còn! Vọng tâm chẳng có, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, hết thảy vạn hữu trong vũ trụ cũng chẳng có, giống như tỉnh mộng. Sau khi tỉnh giấc, mộng cảnh chẳng còn! Nay chúng ta tu hành phải đoạn vọng tưởng. Nếu thật sự đoạn hết vọng tưởng, thế giới này chẳng có, hết thảy đều chẳng có. Vì sao? Đã tỉnh mộng. Do vậy, Vĩnh Gia đại sư nói: “Giác hậu, không không vô đại thiên” (Giác rồi ba cõi rỗng toang hoang). “Đại thiên” (大千) là một [tam thiên] đại thiên thế giới, tức là y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới chẳng có. Vì thế nói: “Mộng lý minh minh hữu lục thú” (Trong mộng rành rành phô sáu nẻo), “lục thú” (六趣: sáu đường) là tam thiên đại thiên thế giới. Tam thiên đại thiên thế giới là lục đạo luân hồi. Nói theo nhà Phật, tam thiên đại thiên thế giới là vũ trụ quan, lục đạo luân hồi là nhân sinh quan. Chúng sanh luân hồi trong lục đạo, phạm vi nương tựa của lục đạo là tam thiên đại thiên thế giới. Do vậy, chẳng có vọng tưởng bèn chẳng có lục đạo. Người nào chứng đắc? A La Hán chứng đắc. A La Hán chẳng có vọng tưởng, chẳng có Kiến Hoặc và Tư Hoặc, đã đoạn hết. Vì thế, A La Hán chứng thực “giác rồi ba cõi rỗng toang hoang”. Nhưng Ngài chẳng có lục đạo, vẫn còn có tứ thánh pháp giới, tức Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Cũng có thể nói là Ngài chẳng có vọng tưởng lục đạo, chẳng có nhân, mà cũng chẳng có quả. Do đâu mà có tứ thánh pháp giới? Từ căn bản vô minh mà có. Đẳng Giác Bồ Tát còn sót lại một phẩm sanh tướng vô minh cuối cùng, nó vi tế nhất. Những hiện tượng thuộc vạn hữu trong vũ trụ sanh từ vô minh. “Vô minh vọng tâm” được nói ở đây chính là hai chuyện. Vô minh là tứ thánh pháp giới; vọng tâm là lục phàm pháp giới. Có tứ thánh và lục phàm là do như vậy đó.

          Trong vọng tâm có vô minh, trong vô minh chẳng nhất định có vọng tâm. Đẳng Giác Bồ Tát thì một phẩm sanh tướng vô minh cũng đoạn hết, ngay cả Phật pháp cũng chẳng có. Không chỉ là chẳng có lục phàm, mà tứ thánh cũng chẳng có, rốt cuộc là tình trạng nào? Trong kinh, đức Phật lại bất đắc dĩ đặt ra một danh từ mới là Nhất Chân pháp giới. Chư vị phải biết, Nhất chẳng phải là một con số. Nhất chẳng phải là đối ứng với mười pháp giới mà nói Nhất. Nếu quý vị hiểu theo kiểu đó, sẽ chẳng có cách nào khế nhập Nhất Chân. Nhất Chân là bất đắc dĩ nói ra một danh từ như thế, quyết định chớ nên chấp trước. Lời này chỉ có thể hiểu ý, chứ không thể diễn tả, truyền đạt được. Quý vị phải thấu hiểu: Nó là chân thật, là cảnh giới nơi quả địa Như Lai, là “diện mạo vốn có của hết thảy chúng sanh trước khi được cha mẹ sanh ra” (nhất thiết chúng sanh phụ mẫu vị sanh tiền bản lai diện mục) như Thiền Tông đã nói, chính là như vậy đó. Trong ấy, chẳng có mười, lấy đâu ra một? Một cũng chẳng có thì mới gọi là Nhất Chân. Hễ có ý niệm Nhất Chân, sẽ chẳng phải là Nhất Chân. Trong Nhất Chân mà vẫn còn xen tạp vọng niệm “có một cái Nhất Chân” trong ấy thì sai mất rồi! Đấy chính là nguyên nhân thật sự vì sao chúng ta chẳng thể chứng nhập pháp giới của Phật.

          Cũng có nghĩa là: Nói chung, chúng ta chẳng thể đoạn trừ vọng tưởng, chấp trước. Nghe đức Phật thuyết pháp mà chẳng biết nghe, nghe thành một đống vọng tưởng, chấp trước, biến những lời Phật dạy thành vọng tưởng, chấp trước, đó là chẳng biết nghe! Do vậy, trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát đã dạy chúng ta ba nguyên tắc lớn để nghe pháp, ắt cần phải tuân thủ, quý vị mới có thể hiểu nghĩa chân thật của Như Lai. Ba nguyên tắc lớn là:

1) [Thứ nhất là] “lìa tướng ngôn thuyết”. Đức Phật giảng kinh, thuyết pháp sử dụng ngôn ngữ. Ngôn ngữ được ghi chép lại thành văn tự. Kinh điển là văn tự, chớ nên chấp trước tướng ấy. Chúng ta phải nghe ra ý nghĩa trong ấy, chớ nên chấp trước nơi tướng (ngôn ngữ, văn tự). Vì quý vị chấp tướng, Phật pháp lại biến thành vọng tưởng, chấp trước. Đúng là Phật rất oan uổng. Vốn là Phật muốn cứu quý vị, quý vị thấy đó, [do quý vị chấp trước], lại tăng thêm nhiều nỗi phiền toái cho quý vị. Quý vị vọng tưởng, chấp trước đã nhiều, nay lại cho thêm, lại tăng thêm, Phật chẳng nhẫn tâm! Do vậy, quý vị phải biết nghe, chớ nên phân biệt, chớ nên chấp trước.

2) Thứ hai là “lìa tướng danh tự”. Đức Phật thuyết pháp, nhằm thuận tiện thuyết pháp, đã giả lập rất nhiều danh từ, thuật ngữ. Danh từ, thuật ngữ đã giảm bớt rất nhiều chuyện trong việc biểu đạt bằng ngôn thuyết. Những danh từ, thuật ngữ ấy cũng là giả lập. Rất đáng tiếc là Lão Trang của Trung Hoa chưa được nghe đức Phật thuyết pháp. Nếu họ nghe đức Phật thuyết pháp, nhất định sẽ ngay lập tức đại triệt đại ngộ, cũng thành Phật, thành Bồ Tát. Vì sao? Thái độ của Lão Tử hoàn toàn tương ứng với những gì đức Phật đã dạy. Lão Tử nói: “Đạo khả đạo, phi thường đạo. Danh khả danh, phi thường danh” (Cái đạo có thể nói thì chẳng phải là đạo thường hằng. Cái tên có thể gọi được thì chẳng phải là cái tên thường hằng). Cái gì có thể nói được thì đều chẳng chân thật. Tất cả các danh tướng đều là giả lập, đều chớ nên chấp trước. Hễ chấp trước chúng, sẽ biến thành sai lầm to lớn.

3) Thứ ba là “lìa tướng tâm duyên”, quyết định chớ nên suy lường. Chớ nên nói “ta suy nghĩ chuyện này”, hễ suy nghĩ bèn trật rồi! Suy nghĩ là gì? Rớt vào thức thứ sáu, tức ý thức, đấy chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Căn bản là chẳng rớt vào tâm ý thức, đấy là khai ngộ, là trí huệ chân thật.

Do vậy, nghe kinh phải biết nghe. Biết nghe là gì? Chẳng chấp trước văn tự, chẳng chấp trước ngôn thuyết, chẳng chấp trước danh từ. Chẳng khởi tâm, không động niệm, đó là “biết nghe”, mới có thể thật sự hiểu nghĩa chân thật do đức Như Lai đã nói.

Tuy vậy, kinh Lăng Nghiêm chỉ có hai câu nói hoàn toàn giống như Đại Thừa Khởi Tín Luận. “Tưởng trừng thành quốc độ” (Tưởng lắng đọng bèn thành cõi nước): “Tưởng” (想) là vọng tưởng, “trừng” (澄) [ở đây phải hiểu] là chấp trước kiên cố, “quốc độ” nay được gọi là “vạn hữu trong vũ trụ”. Vạn hữu trong vũ trụ do như thế mà có. Hết thảy động vật do đâu mà có? Động vật là “tri giác nãi chúng sanh” (do có tri giác bèn là chúng sanh). Chính mình cảm thấy “có biết, có cảm nhận”, đó là chúng sanh. Có biết, có cảm nhận thì chẳng phải là chân tri, chân giác, chẳng phải là chánh tri, chánh giác. Trong kinh Bát Nhã, đức Phật đã nói “Bát Nhã vô tri”. Chư Phật Như Lai, Bồ Tát, La Hán, hết thảy thánh nhân đều như nhau, vô tri! Tâm các Ngài thanh tịnh, chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, đó là vô tri. Vô tri là trí huệ thật sự. Quý vị hỏi các Ngài, thứ gì các Ngài cũng đều biết, chẳng có gì không biết. [Khi] quý vị hỏi, các Ngài khởi tác dụng; hễ khởi tác dụng thì không gì chẳng biết. Khởi tác dụng bèn không gì chẳng biết; khi chẳng khởi tác dụng bèn vô tri. Tâm vĩnh viễn thanh tịnh, vĩnh viễn là định. Tuy khởi tác dụng, vẫn là định, vẫn là tĩnh, Dụng chẳng ngại Thể, Thể chẳng ngại Dụng. Phải biết: Nay chúng ta Thể lẫn Dụng đều chẳng có. Đó là bị vô minh phiền não chướng ngại tự tánh, khởi lên tác dụng hư huyễn, chẳng thật, biến thành luân hồi trong lục đạo. Đã hiểu đạo lý này, đã hiểu rõ sự thật này, đương nhiên là chúng ta chẳng hoài nghi chuyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Thế giới Tây Phương do đâu mà có? Cũng từ Tưởng của chính chúng ta lắng đọng mà thành tựu, cũng do vô minh vọng tâm của chính chúng ta duy trì. Vì thế, Tịnh Tông nói: “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”. A Di Đà Phật là tri giác, thế giới Cực Lạc chính là “tưởng trừng”.

          Hằng ngày chúng ta tưởng thế giới Cực Lạc, hằng ngày tưởng A Di Đà Phật, vô minh vọng tưởng của chúng ta bèn biến hiện Tây Phương Cực Lạc thế giới, biến hiện A Di Đà Phật, tưởng gì biến nấy. Hết thảy vạn pháp do từ tưởng tượng mà biến hiện, chẳng có pháp nào là ngoại lệ, pháp nào cũng đều là như vậy. Chúng ta tưởng thiện bèn biến hiện cảnh giới thiện. Tịnh Độ của chư Phật, cõi vui sướng của chư thiên, [đều do] thiện niệm biến hiện. Chúng ta tưởng ác, ác là tham, sân, si, mạn, tổn người, lợi mình. Tưởng ác bèn biến hiện cõi nước ác, ba ác đạo. Vì vậy, lục đạo luân hồi, Tịnh Độ của chư Phật, quyết định là chẳng có ai làm chủ tể, chẳng có! Đều do chính mình biến hiện, [tùy thuộc] quý vị dùng cái tâm gì mà biến đổi thành cảnh giới ấy. Chư Phật, Bồ Tát tâm địa thanh tịnh, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều chẳng có, cho nên hiện ra cõi nước thanh tịnh tột bậc, xác thực là các Ngài chẳng có vọng niệm. Mười pháp giới đều còn kèm theo vọng. Tứ thánh pháp giới tuy thanh tịnh, vẫn chưa đoạn sạch vọng, vẫn kèm theo vọng biến hiện. Nay chúng ta nói “đới nghiệp vãng sanh”, đấy chẳng phải là biến hiện Tịnh Độ còn kèm theo vọng ư? Bản thân chúng ta chẳng thể biến, chẳng thể biến là vì tâm lực còn chưa đạt tới, có khá nhiều chướng ngại chưa thể đột phá, chẳng thể khắc phục, tâm chẳng thể coi là thanh tịnh; nhưng chúng ta kết hợp cùng tâm của A Di Đà Phật, cậy vào phước của Ngài, do Ngài thanh tịnh, tuy chúng ta chẳng thanh tịnh, nhưng hưởng ké sự thanh tịnh của Ngài, mà sanh vào cõi nước của Phật Di Đà, là chuyện như thế đó. Quý vị hiểu rõ sự thật và đạo lý này, sẽ chẳng hoài nghi chuyện vãng sanh Tịnh Độ!

          “Tịnh tưởng thành tựu, tất đắc vãng sanh” (Tịnh tưởng thành tựu, ắt được vãng sanh), há còn có nghi hoặc ư? Hễ có nghi, tức là chưa liễu giải đạo lý và sự thật này. Nói thật ra, người chẳng liễu giải thật sự chiếm đa số! Người niệm Phật hiểu rõ ràng đạo lý này cũng chẳng nhiều! Tuy chẳng nhiều, chỉ cần người ấy có chân tâm, cũng có thể vãng sanh, chỗ thù thắng của pháp môn này là ở ngay chỗ này. Quý vị hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch, quý vị niệm câu A Di Đà Phật sẽ là Lý niệm. Quý vị không hiểu rõ ràng, chẳng hiểu minh bạch, thứ gì cũng đều chẳng biết, thế nhưng nghe nói tới A Di Đà Phật, nghe nói thế giới Cực Lạc tốt đẹp lắm, bèn nhất tâm niệm, nhất tâm hướng tới, quyết định được vãng sanh. Đó là Sự niệm. Sự niệm và Lý niệm, một đằng là hiểu rõ chân tướng sự thật, một đằng là chẳng hiểu rõ, chuyện là như vậy đó, niệm đều như nhau.

Bất luận là Sự niệm hay Lý niệm, niệm đến mức đoạn Kiến Tư phiền não, đều gọi là Sự nhất tâm. Lý niệm mà niệm đến mức đoạn Kiến Tư phiền não vẫn gọi là Sự nhất tâm. Do Sự niệm mà phá một phẩm vô minh thì cũng gọi là Lý nhất tâm, chẳng phải là Sự niệm, niệm đến cuối cùng vẫn là Sự nhất tâm, chẳng phải là như vậy. Sự niệm và Lý niệm là nói đến sự dụng công trong lúc thường nhật, hai loại cảnh giới khác nhau, công phu là như nhau. Điều đáng quý là đoạn nghi sanh tín. Người Lý niệm đoạn nghi sanh tín, quá nửa là do có trí huệ, hiểu rõ ràng, minh bạch chân tướng sự thật này, chẳng hoài nghi, tín tâm thanh tịnh. Sự niệm thì đổ công dốc sức, tuy chẳng hiểu rõ đạo lý này, chẳng hiểu rành chân tướng, nhưng người ấy có thiện căn, có đại phước đức; đại phước đức là người ấy chẳng hoài nghi, thật sự tin tưởng, thật sự chịu niệm. Tuy là Sự niệm vẫn có thể đắc Lý nhất tâm, rất chẳng thể nghĩ bàn!

          (Sao) Tha xứ giả hữu tam: Nhất giả, Sa Bà thế giới, nhị giả, dư Phật quốc độ, tam giả, bỉ quốc Biên Địa. Kim giai giản chi.

          ()他處者有三:一者娑婆世界,二者餘佛國土,三者彼國邊地。今皆揀之。

(Sao: “Nơi khác” có ba chỗ: Một là thế giới Sa Bà; hai là các cõi Phật khác; ba là Biên Địa của cõi ấy (Biên Địa của Cực Lạc). Nay [do tâm chẳng điên đảo lúc lâm chung nên] đều loại trừ [người mất sẽ sanh vào những nơi đó]).

          Giải thích câu “dĩ bất điên đảo, cố bất sanh tha xứ” (do chẳng điên đảo, nên chẳng sanh vào nơi khác) trong lời Sớ. Do vậy có thể biết:

1) Nếu lâm chung mà điên đảo, đương nhiên khả năng lớn nhất, gần như một trăm phần trăm, là sanh trong thế giới Sa Bà, lại còn phải luân hồi trong lục đạo của thế giới Sa Bà. Đấy là nói tới “tha xứ”.

2) Còn có một loại khác, tức là người tu hành thật sự có công phu, người ấy tu học các pháp môn khác, chẳng phải là pháp môn Tịnh Độ, bèn vãng sanh trong Tịnh Độ của các vị Phật khác, chẳng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nhưng chư vị nhất định phải hiểu: Sanh về thế giới chư Phật ở phương khác, trong tương lai tiếp tục tu hành thành Phật, thì cũng như kinh Hoa Nghiêm đã nói, phải trải qua vô lượng kiếp, nói chung là chẳng nhanh chóng như Tây Phương. Sanh “dư Phật quốc độ” (các cõi Phật khác) là chuyện tốt, nhưng còn có một chút đáng tiếc là phải mất một thời gian rất dài, tu hành còn phải hứng chịu rất nhiều nỗi khổ sở.

3) Loại thứ ba trong ba loại, kể ra còn may mắn, sanh vào Biên Địa của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì sao có thể sanh vào Biên Địa? Kinh Vô Lượng Thọ đã nói rất rõ ràng. Vì sao nói là sanh vào Biên Địa tốt đẹp hơn hai loại trước, vẫn tốt hơn các cõi Phật ở phương khác? Sanh vào Biên Địa bất quá là lỡ làng năm trăm năm mà thôi! Cổ đại đức đã nói rất rõ ràng, “năm trăm năm” chính là năm trăm năm trong thế gian này! Sanh vào Biên Địa cũng là vô lượng thọ, năm trăm năm ấy thấm vào đâu! Sau năm trăm năm, người ấy vẫn có thể hồi tâm chuyển ý, vẫn có thể thấy Phật, dự vào phẩm vị vãng sanh. Vì thế, xác thực là thù thắng hơn vãng sanh Tịnh Độ của các vị Phật khác rất nhiều!

          (Sao) Tốc giả, bất kinh Trung Ấm, bất cách thời nhật, Quán Kinh sở vị “như đàn chỉ khoảnh, sanh Cực Lạc quốc dã”.

          ()速者,不經中陰,不隔時日,觀經所謂如彈指頃,生極樂國也。

(Sao: “Nhanh chóng” là chẳng trải qua Trung Ấm, chẳng cách biệt ngày giờ. Quán Kinh nói là “như trong khoảng khảy ngón tay bèn sanh vào cõi Cực Lạc”).

          Đây là nói rõ vãng sanh thành tựu rất nhanh chóng. Kẻ bình phàm sau khi đã chết, nói thông tục là “linh hồn lìa khỏi thân thể”, sẽ theo nghiệp lưu chuyển, lại đi đầu thai, phần lớn là đều trong vòng bốn mươi chín ngày, đức Phật đã nói như vậy trong kinh Địa Tạng. Nhưng cũng có một số ít là ngoại lệ, đợi đến vài năm, vài chục năm chẳng đầu thai. Trong bốn mươi chín ngày ấy, gọi là Trung Ấm (Antarābhava). Do linh hồn rời khỏi thân thể này, hễ đầu thai sẽ lại có được một thân thể khác, ở trong trạng huống [lưng chừng] chưa có được [một thân thể mới, mà thân thể cũ đã hư hoại] thì gọi là Trung Ấm. Người Hoa gọi là “linh hồn” (靈魂), Phật môn gọi là “thần thức” (神識), còn Khổng Tử nói là “du hồn” (游魂). Trong phần Hệ Từ Truyện của kinh Dịch, Khổng Tử giảng giải về cội nguồn của thế giới này, đã nói rất gần với cách nói trong Phật pháp: “Tinh khí vi vật, du hồn vi biến” (Tinh khí[1] tạo thành vật chất, cái hồn bềnh bồng biến hóa). “Vật” (物) là vạn hữu trong vũ trụ. Vạn hữu trong vũ trụ vì sao mà có? Do tinh khí biến hiện. Phật pháp nói là do vô minh vọng tưởng biến hiện. “Du hồn vi biến”: Thần thức có tốc độ hết sức lớn, gần như đối với tam giới trong một đại thiên thế giới này, vừa dấy một niệm, bèn có thể đạt đến [trọn khắp]. Nó là một hiện tượng động (chẳng phải là tĩnh), có tốc độ chuyển động rất lớn, giống như làn sóng điện được nói trong hiện thời. Thật ra, tốc độ của nó còn cao hơn sóng điện nhiều lắm thì nó mới có thể đi đầu thai, xả thân, thọ thân để luân hồi trong lục đạo của tam giới. Người thế gian gọi nó là “linh hồn”, trên thực tế, nó đúng là chẳng linh. Nếu nó thật sự linh, làm sao có thể đầu thai trong ba ác đạo? Chẳng thể nào! Linh thì nó sẽ biết chọn lựa, sẽ chẳng chọn lấy hoàn cảnh rất tệ hại. Vì thế, nó rất hồ đồ, đáng gọi là “mê hồn” (cái hồn mê muội), thật sự mê. Phu Tử gọi nó là “du hồn” cũng rất đúng, vì nó không ổn định, tốc độ rất lớn. Do vậy, nó được gọi là Trung Ấm. Niệm Phật vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, “bất kinh Trung Ấm”, [nghĩa là] chẳng có Trung Ấm, Phật đến tiếp dẫn, theo Phật ra đi. Trong khi ấy, đúng là chẳng chậm trễ một phút, một giây nào. Do vậy, người ấy chẳng có Trung Ấm. “Bất cách thời nhật” nghĩa là chẳng cách biệt mấy giờ hoặc cách biệt mấy ngày. Chúng ta nói “thời nhật” thông thường là bảy lần bảy, bốn mươi chín ngày. Đó là nói theo lẽ thông thường, người niệm Phật chẳng có chuyện ấy. Tiếp đó, trích dẫn Quán Kinh để tỷ dụ: “Quán Kinh sở vị như đàn chỉ khoảnh, sanh Cực Lạc quốc dã” (Quán Kinh nói là “như trong khoảng khảy ngón tay sanh về cõi Cực Lạc”), “đàn chỉ” (彈指) là thời gian ngắn ngủi, trong một cái khảy ngón tay đã đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, hình dung rất nhanh chóng!

          (Sao) Hựu Trí Giả vân.

          ()又智者云。

(Sao: Ngài Trí Giả lại nói).

          Dưới đây lại dẫn lời Trí Giả đại sư, vị này là tổ sư của tông Thiên Thai.

          (Sao) Lâm chung tại Định chi tâm, tức thị Tịnh Độ.

          ()臨終在定之心,即是淨土。

(Sao: Lâm chung, tâm ở trong Định thì chính là Tịnh Độ).

          Câu này nói hết sức hay, nêu rõ cái nhân thật sự của Tịnh Độ, thường nói là “tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh”. Đặc biệt là khi lâm chung, tâm địa hết sức thanh tịnh, một niệm cầu sanh, Phật bèn hiện tiền, quyết định được vãng sanh. Bản thân chúng ta nhất định phải chú ý câu này. Công phu tốt nhất là phải dưỡng thành ngay trong thường ngày, thời thời khắc khắc gìn giữ cái tâm thanh tịnh. Nói cách khác, giữ lấy Tịnh Độ nói thật ra là dễ như trở bàn tay, chẳng khó! Làm thế nào để gìn giữ cái tâm thanh tịnh? Ắt cần phải buông xuống vạn duyên, đó là đúng.

          Nhất định phải biết Liên Trì, Ngẫu Ích đại sư đều là bậc tái lai, chẳng phải là phàm nhân! Trí Giả đại sư là Thích Ca Mâu Ni Phật tái lai, hóa thân đến. Tuy các vị Liên Trì và Ngẫu Ích chẳng bộc lộ thân phận, quyết định phải là những nhân vật từ Đẳng Giác trở lên. Ấn Quang đại sư khi đến tuổi già, bị người khác biết đến thân phận, Ngài là Đại Thế Chí Bồ Tát tái lai. Ngài tán thán bộ Di Đà Kinh Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư như sau: “Dẫu cổ Phật tái lai viết chú giải cho kinh Di Đà, cũng chẳng thể hay hơn tác phẩm này được!” Lời ấy do Đại Thế Chí Bồ Tát nói. Như thế thì Ngẫu Ích đại sư soạn bản chú giải Di Đà Yếu Giải là người nào vậy? Nếu chẳng phải là A Di Đà Phật, quyết định là Quán Thế Âm Bồ Tát. Nếu không, làm sao có thể được Đại Thế Chí Bồ Tát tán thán như vậy? Chúng ta phải hiểu điều này. Trong tâm mục, Ngẫu Ích đại sư coi Liên Trì đại sư là thần tượng, là người được Ngài tôn kính nhất đời. Liên Trì là người nào? Liên Trì là vị đã viết bộ Sớ Sao này! Ngài là nhân vật như thế nào? Từ những lời dạy của các vị đại đức ấy, Tịnh Tông chúng ta biết Thiện Đạo đại sư và Vĩnh Minh Diên Thọ đều là A Di Đà Phật tái lai. Chúng ta đọc Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ Sao, tức Tứ Thiếp Sớ, chính là học trực tiếp với A Di Đà Phật. Những vị đại đức ấy dạy chúng ta nguyên tắc và cương lãnh đều là tâm thanh tịnh. Lại còn hết sức đơn giản là “dùng một câu Phật hiệu để đạt tới thân tâm thanh tịnh”. Trong các lời khai thị về pháp Niệm Phật của Ngẫu Ích đại sư, thật sự là tổng hợp pháp ngữ của Liên Trì đại sư rồi qua một phen chỉnh lý, quy nạp, cuối cùng tổng kết thành “nhất cú A Di Đà Phật, cai la bát giáo, viên nhiếp ngũ tông” (một câu A Di Đà Phật, bao trùm tám giáo, nhiếp trọn năm tông), còn gì để bàn cãi nữa đây? “Tám giáo”: Tông Thiên Thai nói “năm thời, tám giáo”, tức là hết thảy các pháp môn do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm đều gộp trong một câu danh hiệu Di Đà, thảy đều bao gồm. “Năm tông” là [năm tông phái của] Thiền Tông. Từ sau Lục Tổ đại sư, Thiền Tông chia thành năm phái, tức Tào Động, Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Vân Môn, và Pháp Nhãn. “Bao trùm tám giáo, nhiếp trọn năm tông” nghĩa là bao gồm trọn vẹn hết thảy các pháp môn do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm. Phật hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn! Người biết học nắm được cương lãnh ấy, niệm một câu Phật hiệu đến cùng, chẳng cần phải tìm cành vặt lá nữa! Một câu Phật hiệu là căn bản của căn bản, thật sự tu từ căn bản.

          Chúng ta chẳng cần nhìn vào thời cổ, hãy xem trong thời cận đại. Cận đại, những người vãng sanh chúng ta đã nghe đến nỗi hết sức nhàm tai: Đứng mất, ngồi mất, gần như đều là chẳng biết chữ, đều chưa từng đi học, Tông Môn lẫn Giáo Hạ đều chẳng hiểu, thứ gì cũng chẳng biết. Người đồ đệ làm thợ vá nồi của pháp sư Đế Nhàn, được Ngài cho quy y xuất gia, chẳng thọ giới nào hết, điều gì cũng chẳng hiểu. Sư dạy ông ta một câu Nam-mô A Di Đà Phật, người ta niệm ba năm, đứng vãng sanh! Ông ta là Sự trì, chẳng hiểu Lý, nhưng có tín tâm, có nguyện tâm, tinh tấn chẳng biếng nhác, trọn chẳng thoái chuyển. Lão pháp sư dạy ông ta một phương thức tuyệt diệu, chẳng khó, mỗi người trong chúng ta đều có thể làm được! Ngài dạy ông ta thật thà niệm một câu Phật hiệu, niệm đã mệt bèn nghỉ ngơi, nghỉ khỏe khoắn rồi lại niệm tiếp. Quý vị thấy [cách niệm ấy] có sống động, tự tại lắm hay không? Chẳng bảo quý vị mỗi ngày phải nhất định niệm trong thời gian bao lâu, chẳng có! Niệm Phật, bất luận ở nơi đâu, bất luận khi nào, bất luận công việc bận rộn như thế nào, đều có thể dùng; hễ mệt liền nghỉ ngơi, nghỉ khỏe khoắn xong, lại niệm tiếp! Nghiệp chướng gì cũng đều tiêu mất, tội nghiệp gì cũng đều bị niệm mất sạch. Vãng sanh có thụy tướng thù thắng như vậy. Sư Tu Vô vãng sanh tại chùa Cực Lạc, lão pháp sư Đàm Hư chính mắt trông thấy. Trước khi xuất gia, sư Tu Vô làm thợ nề, cũng chưa hề học hành, quý vị hỏi Sư điều gì, Sư đều chẳng biết. Tuy đã thọ giới, nhưng giới là gì Sư cũng chẳng nói được, mà cũng chẳng biết. Một câu A Di Đà Phật, tâm địa thanh tịnh, đó gọi là Định Cộng Giới. Trong tâm thanh tịnh, chẳng có một niệm đúng sai, giới ấy bèn thanh tịnh. Giới luật tuy nhiều như vậy, tinh thần của giới là hai câu: “Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện”. Một người thật sự chẳng hề có một ý niệm ác nào, niệm nào cũng đều mong giúp đỡ người khác, khuyên người khác niệm Phật vãng sanh, chính là “vâng làm các điều thiện”. Trong các điều thiện, đại thiện bậc nhất là khuyên người khác niệm Phật vãng sanh, chẳng có gì thiện hơn. Thật vậy, hết thảy các giới luật Đại Thừa, Tiểu Thừa, một câu Phật hiệu, một tâm thanh tịnh thảy đều trọn đủ, thọ trì viên mãn, há cần phải phiền phức thọ từng điều một! Đó là sự thù thắng trong pháp môn Đại Thừa, pháp môn Tịnh Tông chẳng thể nghĩ bàn nhất, chúng ta phải hiểu rõ! Sau khi đã hiểu rõ, sẽ biết chính mình có phương pháp tu học chánh xác.

          Trong cuộc sống hằng ngày, chẳng có gì khác, [chỉ là] vun bồi cái tâm thanh tịnh. Hình trạng của tâm thanh tịnh là gì? Lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần chẳng phân biệt, không chấp trước, không khởi tâm, không động niệm, tâm tự nhiên thanh tịnh. Đó là “tại Định chi tâm, tức thị Tịnh Độ” (cái tâm ở trong Định chính là Tịnh Độ), lập tức tương ứng với Tây Phương Tịnh Độ, quý vị sẽ đạt được pháp hỷ, ngay lập tức tương ứng với A Di Đà Phật. Tuy vẫn chẳng thấy Phật, cũng là đã trao đổi tin tức, có cảm ứng với Phật. Quý vị có tín tâm vẹn mười, thật sự đắc pháp hỷ sung mãn, tâm thanh tịnh. Đối với hết thảy mọi chuyện, nhất định là thông đạt, hiểu rõ. Thông đạt, hiểu rõ là Huệ. Tuy thông đạt, hiểu rõ, quyết định chẳng có phân biệt, chấp trước, đó là Định, là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Kinh nói thông đạt, hiểu rõ hết thảy là “thanh tịnh, bình đẳng, giác”. Hiểu rõ hết thảy là giác, trong giác tâm là thanh tịnh, là bình đẳng. Do vậy, chẳng sanh phiền não. Đối với thế giới này, đối với cõi đời đại loạn này, quý vị ứng phó ung dung, thanh tịnh, sung sướng, đương nhiên là sanh về Tịnh Độ.

 

          (Sao) Động niệm, tắc vãng sanh Tịnh Độ thời. Sở vân “tại Định” giả, kim tâm bất điên đảo thị. Sở vân “động niệm” giả, hậu nguyện sanh bỉ quốc thị.

          ()動念,則往生淨土時。所云在定者,今心不顛倒是;所云動念者,後願生彼國是。

(Sao: “Hễ động niệm thì là lúc vãng sanh”. Nói “ở trong Định” chính là “hiện thời cái tâm chẳng điên đảo”. Nói “động niệm” tức là sau đó, nguyện sanh về cõi ấy).

 Động niệm” như đang nói ở đây chính là ý niệm dấy động, có ý niệm cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Tại Định chi tâm” (Cái tâm trong Định) là căn bản, từ cái căn bản ấy bèn dấy động một niệm, cảnh giới ấy nhất định hiện tiền. Khi ấy, đáng quý nhất là nhất niệm, nhất niệm đầy ắp trí huệ là cầu sanh Tịnh Độ. Do cái tâm ở trong Định, mà có thể thuận theo ý niệm vãng sanh các cõi Phật trong mười phương. Quý vị mong sanh về Đông Phương Lưu Ly thế giới bèn được sanh. Quý vị mong sanh về Di Lặc Tịnh Độ cũng được sanh. Quý vị mong đạt được phước báo nhân, thiên thì cũng đạt được. Chẳng có gì không như ý! Vì quý vị đã hội đủ điều kiện. Điều kiện là “tại Định chi tâm” (cái tâm ở trong Định), quý vị trọn đủ điều kiện ấy. Một niệm trong khi lâm chung của chúng ta là Tây Phương Cực Lạc thế giới, cho nên hễ động niệm, “tắc vãng sanh Tịnh Độ thời” (chính là lúc vãng sanh Tịnh Độ), vừa động niệm bèn vãng sanh. Mau chóng, vừa niệm bèn vãng sanh. “Sở vân tại Định giả, kim tâm bất điên đảo thị. Sở vân động niệm giả, hậu nguyện sanh bỉ quốc thị” (Nói “ở trong Định” chính là “hiện thời, tâm chẳng điên đảo”. Nói “động niệm” tức là sau đó nguyện vãng sanh cõi kia). Từ đoạn khai thị này, chúng ta có thể thật sự thấu hiểu: Quý vị biết lúc bình thời phải nên dụng công như thế nào, hiểu rõ công phu niệm Phật cạn hay sâu là như thế nào? Ngẫu Ích đại sư nói: Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, phẩm vị cao hay thấp là do công phu niệm Phật sâu hay cạn. Đấy chính là công phu Niệm Phật.

          (Sớ) Đại Bổn vân: Kỳ thân thể phi thế nhân chi thân thể, diệc phi thiên thượng nhân chi thân thể dã. Giai tích chúng thiện chi đức, tự nhiên hư vô chi thể, liên hoa trung hóa sanh, diệc vô nhũ dưỡng chi giả.

          ()大本云:其身體非世人之身體,亦非天上人之身體也。皆積眾善之德,自然虛無之體,蓮華中化生,亦無乳養之者。

(Sớ: Kinh Đại Bổn nói: Thân thể ấy chẳng phải là thân thể của người trong cõi đời, cũng chẳng phải là thân thể của người trong cõi trời, mà là [cái thân] có phẩm đức đều [được tạo thành bởi] các điều thiện tích tập, có bản thể tự nhiên hư vô, hóa sanh trong hoa sen, mà cũng chẳng do bú mớm, nuôi nấng).

          Mọi người niệm kinh Vô Lượng Thọ rất thuần thục, [đều biết] sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ là “thanh hư chi thể, Kim Cang Na La Diên thân” (bản thể thanh hư, thân như Kim Cang Na La Diên). Chẳng phải là thân thể trong nhân gian do các tế bào hợp thành, yếu ớt, mong manh khôn cùng, hễ vướng một tí gió máy, lạnh lẽo, bèn sanh bệnh cảm mạo. Cũng chẳng phải là thân thể chư thiên, tuy thân tướng chư thiên thù thắng hơn thân loài người. Có lẽ sẽ có người hỏi: “Vì sao thân thể con người chẳng giống chư thiên?” Tâm chư thiên thanh tịnh hơn chúng ta, [cái tâm của] chúng ta phức tạp hơn chư thiên. Hết thảy các pháp đều do tâm biến hiện. Thế giới Tây Phương là do tâm thanh tịnh tột bậc [cảm vời], đương nhiên hiện ra cảnh giới khác hẳn, do có mức độ thuần khiết thanh tịnh khác nhau. Hết thảy các cõi Phật chẳng tinh thuần bằng cảnh giới Tây Phương; thế giới Tây Phương tinh thuần đến tột cùng! Huống hồ, phàm những người vãng sanh thế giới Tây Phương đều là “tích chúng thiện chi đức” (có phẩm đức tích tập các điều thiện), chúng ta thường nói là “đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức”. Đối với hai câu ấy, chúng ta thời thời khắc khắc chớ nên rời lìa, đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện. Tiêu chuẩn thiện ác tuy rất nhiều, người niệm Phật chúng ta chỉ cần nắm vững một nguyên tắc lớn là đủ rồi. Nguyên tắc ấy chính là: “Phàm là ý niệm, tâm lý, hay hành vi mà tự tư tự lợi thì đều là ác, chúng ta nhất định phải đoạn. Phàm là tư tưởng, kiến giải, ngôn ngữ, tạo tác mà gây lợi ích cho hết thảy chúng sanh thì đều là thiện”. Như trong Liễu Phàm Tứ Huấn đã nói, trong thiện có đại, có tiểu, có chân, có giả, có thiên lệch, có viên mãn, có chẳng trọn vẹn, có trọn vẹn, chớ nên không biết! Đại thiện rốt ráo viên mãn chân thật là gì? Khuyên người khác niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thường ghim chuyện này trong lòng, những ý niệm khác thảy đều bỏ hết. Niệm nào cũng nghĩ giúp đỡ người khác, khơi gợi cho người ta tin tưởng Tịnh Độ, cầu nguyện vãng sanh. Cái tâm ấy cực thiện, là chân thiện, là viên thiện. Giới thiệu các pháp môn khác, đó là bán thiện (tốt lành chẳng trọn vẹn), chẳng rốt ráo, chẳng viên mãn. Trong các điều thiện ấy đều có khiếm khuyết, vì sao? Chẳng thể khiến cho người ta thành Phật rất nhanh chóng ngay trong một đời. Có người hỏi tôi: “Vì sao nhất định phải nhấn mạnh Tịnh Độ?” Kẻ ấy chẳng biết! Kẻ ấy nghe chúng tôi nói theo kiểu này, bèn chê chúng tôi ăn nói quá lố, dường như chúng tôi luôn có thiên kiến, có chấp trước. Nói thông tục sẽ là “lão Vương bán dưa, tự bán, tự khoe”. Kẻ ấy chẳng biết chúng tôi nói lời chân thật, câu nào cũng chân thật, chẳng quá lố tí nào! Chúng ta có được pháp môn này chẳng dễ dàng! Thật sự hiểu rõ, minh bạch, thì chúng ta mới tiếp nhận được. Nhất định phải là thời thời khắc khắc giữ cái tâm khuyên dạy người khác, đó là tu hết thảy thiện, đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức.

          Công đức phải do chính mình tu, công đức là gì? Đối với Công (功), chúng tôi dùng ngay tựa đề kinh Vô Lượng Thọ để nói, mọi người sẽ rất dễ hiểu. Công là “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, là công phu này! Tâm chúng ta xác thực là mỗi năm một thanh tịnh hơn, mỗi năm một bình đẳng hơn, mỗi năm một minh bạch hơn. Giác là minh bạch, chẳng mê, đó là Công. Đức (德) là gì? Trước đó, tựa đề kinh có ghi Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm. Chúng ta sẽ đạt được. Đức và Đắc (得: đạt được) có cùng một ý nghĩa. Chư vị phải hiểu: Công đức chẳng thể dùng tiền bạc để mua được. Trong đạo tràng, chùa chiền, chúng ta bỏ ra một chút tiền [cúng dường], đó chẳng phải là công đức, mà là phước đức. Công là chính quý vị phải tu hành, tâm địa một phần thanh tịnh bèn có một phần thâu hoạch. Mười phần thanh tịnh bèn có thâu hoạch mười phần, thâu hoạch chính là Đức.

          Đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, cảm được cái thân thanh tịnh, hư vô, thân tướng mầu nhiệm tột bậc. Đối với hoàn cảnh y báo, kinh Vô Lượng Thọ nói hết sức rõ ràng: Hóa sanh trong hoa sen là chỗ sanh về trong thế giới Tây Phương. Thế giới Tây Phương là hóa sanh, chẳng phải là thai sanh. Tới thế giới Tây Phương, thân tướng của chúng ta giống như Phật, hoàn toàn giống nhau. Chẳng thể nói là kẻ vừa mới sanh vào thế giới Tây Phương sẽ như đứa trẻ từ từ trưởng thành, [nếu vậy] thế giới Tây Phương còn có tướng sanh diệt, chẳng phải là như vậy! Vì thế, hễ đến thế giới Tây Phương, sẽ hiện tướng hoàn toàn giống như Phật. Tướng ấy cũng sanh từ tâm tưởng. Trong thế gian này, người hiện thời nói là “di truyền”, tướng mạo của con cái hơi giống cha mẹ. Thật ra, có phải là di truyền hay chăng? Chẳng phải vậy, mà là do khi thần thức đầu thai, do có duyên với cha mẹ, nên con mới đến đầu thai. Chẳng có duyên, sẽ không đến! Có duyên bèn sanh tâm hoan hỷ, thấy tướng ấy bèn ưa thích; khi ấy, ý niệm bèn phân biệt, bèn chấp trước, sẽ biến thành tướng ấy, tướng chuyển theo tâm mà! Trong sát-na đầu thai, tướng ấy do tâm của chính mình biến hiện, thấy tướng của cha mẹ bèn hoan hỷ, kẻ ấy bèn suy tưởng tướng ấy, biến thành tướng ấy, nguyên do là như vậy đó. Sau khi chúng ta được sanh ra, khôn lớn trong một đời này, tướng mạo sẽ biến đổi, vì sao biến đổi? Vì tâm của chúng ta biến, đó là [lý do vì sao] kẻ xem tướng thường nói là “tướng chuyển theo tâm”. Chúng ta tiếp nhận sự giáo dục tốt đẹp, tâm địa thiện lương, thuần hậu, tướng mạo ngày càng đoan nghiêm, phước tướng, có phước! Phước ấy cố nhiên có những điều do tu tập từ đời trước, có rất nhiều điều tu trong đời này. Quý vị đọc Liễu Phàm Tứ Huấn sẽ hiểu: Có rất nhiều người đời trước khiếm khuyết, đời này đã hiểu rõ, bèn đặc biệt nghiêm túc tu học, có thể bổ cứu! Đời trước chẳng có phước báo, hãy tu nhiều, đến tuổi già, phước báo cũng rất lớn. Đời trước đoản mạng, [đời này do] tích lũy công đức sẽ có thể kéo dài, tăng thêm tuổi thọ, thảy đều dấy lên sự biến hóa. Có thể thấy chủ tể của hết thảy chính là cái tâm của chúng ta, chẳng phải do sức mạnh bên ngoài. Tâm là chúa tể thật sự. Thân thể khỏe mạnh, trường thọ, hạnh phúc hay không đều do tâm làm chủ. Đó là chân lý, đấy là sự thật, nhất định phải tin tưởng, nhất định phải hiểu rõ: Tu hành là tu từ tâm địa.

          Người trong thế giới Tây Phương vâng theo giáo huấn của đức Phật để tu hành. Giáo huấn của đức Phật ở ngay trong ba kinh. Trong ba kinh, đặc biệt là kinh Vô Lượng Thọ và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, hai bản kinh ấy quan trọng nhất. Kinh Di Đà khuyến Tín, khuyến Nguyện, khuyên niệm Phật, trọng điểm ở chỗ này. Do vậy, kinh Di Đà là kinh được nói cuối cùng trong ba kinh. Đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới đã được giới thiệu trước đó [trong hai kinh Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ Phật], do đã hiểu rõ, nay lại khuyên lơn quý vị. Nếu chẳng giảng hai kinh trước đó, chỉ giảng kinh này, khó giảng lắm! Quý vị bảo người ta tin, người ta điều gì cũng chẳng biết, làm sao tin cho được? Tín Căn sanh từ chỗ nào? Do vậy, thứ tự giảng ba kinh của đức Phật là trước hết giảng kinh Vô Lượng Thọ, thứ hai là giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, [tức là] giảng phương pháp vãng sanh. Cuối cùng, giảng kinh Di Đà nhằm khuyên lơn chúng ta, khuyên hãy tu tập.

          Do trong thế giới Tây Phương là hóa sanh, tình hình hoàn toàn khác hẳn chúng ta bên này: Y báo và chánh báo đều từ tự tánh biến hiện. Vì thế, chúng là chân thật, chẳng phải là hư vọng. Thế giới này của chúng ta là hư vọng, [vì] biến hiện từ tình thức, vô minh, vọng tưởng, còn nơi kia chẳng phải là vô minh, vọng tưởng. Tuy chúng ta đến đó, chúng ta là đới nghiệp, [tức là] mang theo vô minh, vọng tưởng, nhưng vô minh và vọng tưởng đem sang bên kia chẳng khởi tác dụng. Nguyện lực của A Di Đà Phật quá mạnh mẽ; vì thế, Ngài khởi tác dụng, chúng ta chẳng khởi tác dụng. Ví như chúng ta cầm theo một ngọn đèn nhỏ mà thôi, cũng rất sáng! Bổn nguyện của A Di Đà Phật giống như mặt trời. Ngọn đèn của chúng ta dưới ánh mặt trời chẳng tỏa sáng chút nào, hoàn toàn nương cậy vào Ngài, có ý nghĩa như vậy đó. Vì vậy, đừng sợ mang theo nghiệp vãng sanh! Nghiệp của chúng ta chẳng khởi tác dụng. Khởi tác dụng là bổn nguyện công đức của A Di Đà Phật. “Diệc vô nhũ dưỡng chi giả” (Cũng chẳng có bú mớm, nuôi nấng). “Nhũ dưỡng” (乳養) là trẻ thơ phải bú sữa để lớn lên từ từ. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có hiện tượng này!

          (Sao) Tích thiện giả, tức thị thiện căn phước đức thành tựu chi thân.

          ()積善者,即是善根福德成就之身。

          (Sao: “Tích thiện” là cái thân được thành tựu bởi thiện căn, phước đức).

          Thiện căn và phước đức của A Di Đà Phật thành tựu cái thân của chúng ta, mà cũng là do một chút thiện căn phước đức nhỏ nhoi do chính chúng ta tu tập, được đại thiện căn và đại phước đức của A Di Đà Phật [gia trì]. Thân Kim Cang Na La Diên, bản thể thanh hư bất hoại do vậy mà có!

(Sao) Phi dĩ dục ái vi nhân, Tứ Đại vi Thể, cố bất diêu thai ngục,

thác chất hoa trì dã.

()非以欲愛為因,四大為體,故不繇胎獄,託質華池也。

(Sao: Chẳng phải là do dục ái làm nhân, Tứ Đại làm Thể, nên chẳng do thai ngục sanh thành, gởi thể chất nơi ao hoa vậy).

          Thân của lục đạo phàm phu đều do dục ái làm nhân. Lời tiểu chú có nói:

          (Diễn) Kinh vân: Nhất thiết chúng sanh giai dĩ dâm dục nhi chánh tánh mạng.

          ()經云:一切眾生皆以婬欲而正 性命。

          (Diễn: Kinh dạy: “Hết thảy chúng sanh đều do dâm dục mà có tánh mạng”).

          Lục đạo phàm phu nói chung chẳng lìa khỏi dâm dục. Kinh Lăng Nghiêm có nói: “Nếu dâm tâm đã đoạn, tánh đoạn cũng không”. “Tánh đoạn cũng không” có nghĩa là chẳng có ý niệm [dâm dục] ấy. Chúc mừng quý vị, không chỉ quý vị chẳng còn luân chuyển trong lục đạo luân hồi, mà lục đạo luân hồi cũng chẳng có. Quý vị đã tỉnh mộng trong lục đạo, lục đạo luân hồi bèn chẳng có. Do vậy có thể biết: Đã đoạn sự dâm dục, mà còn có ý niệm, quý vị vẫn phải sanh tử luân hồi trong lục đạo. Dục Giới càng lên cao, ý niệm ấy càng nhạt mỏng, đến tầng trời thứ sáu trong Dục Giới, tức là Tha Hóa Tự Tại Thiên, ý niệm dâm dục hết sức nhạt mỏng. Lên cao hơn một tầng nữa, ý niệm ấy chẳng có, sanh vào Sắc Giới Thiên. Tham Thiền, thật sự đắc Thiền Định, sẽ chẳng có dục. Hễ còn dục tức là chẳng đắc Thiền Định. Nói cách khác, dẫu công phu định lực sâu đến mấy, mỗi lần ngồi xếp bằng nhìn vách, có thể nửa năm chẳng xuất Định, tương lai sẽ đến nơi đâu? Dục Giới Thiên, vì Định chưa thành tựu! Định đã thành tựu, chẳng sanh vọng niệm, tham, sân, si, mạn, phân biệt, chấp trước đều chẳng có, tâm địa thật sự thanh tịnh, bình đẳng thì mới có thể sanh vào Sắc Giới. Công phu định lực cao hơn, sanh trong Vô Sắc Giới. Quý vị bèn biết chuyện này khó lắm! Tham Thiền, há dễ dàng ư? Công phu chẳng cần phải hỏi ai khác, hãy hỏi chính mình. Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, đã đoạn được niệm nào, thật sự là một niệm chẳng sanh hay chưa? Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, ngũ dục, lục trần, hễ có một điều nào tham ái, còn chưa buông xuống được, thì chẳng được rồi! Nói cách khác, trong những người tu hành, quý vị chẳng thể vượt thoát Dục Giới, quý vị còn có dục vọng, dục vọng nặng nhất là dâm dục.

          Tham ái là dục vọng, tham tài là dục vọng, tham danh cũng là dục vọng, tham quyền lực cũng là dục vọng. Người niệm Phật khi dâng hương, ta muốn được dâng nén hương đầu tiên, đấy cũng là dục vọng, cũng không được rồi! Tham cầu Phật pháp, tham cầu công đức, quý vị ngẫm xem: Chính là thay đổi đối tượng tham, chứ tham, sân, si, mạn chẳng biến đổi mảy may! Vậy thì có tác dụng gì chăng? Học Phật kiểu đó, trong tương lai vẫn phải luân hồi trong lục đạo. Kẻ ấy tu tập phước báo, tức là phước báo hữu lậu trong lục đạo. “Phước báo hữu lậu” chính là thuật ngữ trong Phật môn, thuật ngữ thế gian cũng nói như vậy. Người thế gian nói là “phước khí”, “phước” (福) là phước báo, “khí” (氣) là hữu lậu, [ý nói] hưởng phước vẫn bị vận khí (vận may, vận số) chi phối. Vì thế, nói gộp lại, phước ấy chẳng viên mãn, chẳng thanh tịnh, trong ấy còn kèm theo rất nhiều phiền não. Những thuật ngữ sử dụng trong cuộc sống hằng ngày, có ý nghĩa rất sâu! Hễ nghe nói, người thông minh bèn giác ngộ. Những thuật ngữ, văn tự ấy đầy ắp trí huệ, khiến cho quý vị thấy sắc nghe tiếng thường nhắc nhở chính mình hãy cảnh giác. Vì vậy, khác hẳn lục đạo, trong lục đạo chẳng lìa khỏi dục. Công phu định lực sâu bèn chẳng có dục. [Tuy thế], họ là phục đoạn, chẳng phải là diệt đoạn, chỉ là do công phu định lực sâu xa, dục chẳng khởi tác dụng, người ấy sanh lên Sắc Giới Thiên, hoặc Vô Sắc Giới Thiên. Sau một thời gian lâu dài, dục lại phát tác, chẳng thể khống chế được, lại dấy lên ý niệm dục vọng. Hễ động niệm, công phu định lực mất đi, lại đọa xuống. Vì thế, thọ mạng trong Sắc Giới và Vô Sắc Giới Thiên do công phu định lực duy trì; hễ Định mất đi, ngay lập tức bị đọa lạc, chẳng thoát khỏi tam giới, chẳng thoát khỏi luân hồi, đạo lý ở chỗ này.

          Tây Phương Cực Lạc thế giới hoàn toàn là do tịnh niệm mà vãng sanh, Phật lực giúp đỡ, tiếp dẫn chúng ta, “cố bất diêu thai ngục” (nên chẳng do thai ngục), ở bên kia là hóa sanh trong hoa sen, chẳng phải là thai sanh. Thai sanh khổ lắm! Vào trong thai mẹ, chờ đợi mười tháng ở trong ấy. Mười tháng ấy đúng là “sống một ngày bằng cả năm”. Mười tháng trong nhân gian, đối với cảm nhận của người ấy, chỉ sợ là như mấy ngàn năm, mấy vạn năm. Ở trong ấy, bị đày đọa, chịu đau khổ, nên gọi là “thai ngục”. Ở trong thai, chẳng khác chịu tội trong địa ngục cho mấy. Mẹ uống một chén nước lạnh, con như ở trong hàn băng địa ngục. Mẹ uống một chén trà nóng, con như đang trong hỏa thiêu địa ngục. Mẹ tâm tình chẳng thoải mái, con ở trong bụng khó chịu. Tâm tình của mẹ có ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với thai nhi. Cổ nhân biết đạo lý này, nên coi trọng thai giáo. Vì thế, trong mười tháng mang thai, phải giữ cho tâm bình khí hòa, cử chỉ an tường, hy vọng đứa nhỏ sẽ được ảnh hưởng tốt đẹp. Người hiện thời chẳng hiểu! Nay chúng ta thường nghe nói “trẻ nhỏ khó dạy”, tôi nghe toàn là những nỗi lo âu về con cái, khó dạy bảo! Do nguyên nhân nào? Quý vị chẳng biết thai giáo! Huống hồ xã hội hiện thời là một cái vò nhuộm lớn, bỏ vào đó mà chẳng bị nhuốm bẩn, sẽ chính là Phật, Bồ Tát tái lai, tuyệt đối chẳng phải là phàm nhân. Những nỗi khó khăn ấy cứ suy ra sẽ biết. Hôm nay, chúng tôi giảng tới chỗ này!

[1] “Tinh khí” (精氣) là một khái niệm trừu tượng trong cổ Triết Học Trung Hoa. Khổng Dĩnh Đạt chú giải: “Có nghĩa là khí tinh túy, linh thông của Âm Dương, do được hun đúc, tích tụ mà thành vạn vật”. Sách Quản Tử lại giảng: “Dưới là sanh thành ngũ cốc, trên là trở thành các tinh tú”. Nói cách khác, cái được gọi là “tinh khí” chính là động lực tự nhiên cội nguồn của vạn vật trong vũ trụ. Từ điển Bách Độ giảng: “Tinh khí hiểu theo nghĩa hẹp là cơ sở vật chất cấu tạo thành thân thể con người, là cơ sở của các công năng sanh trưởng, phát dục, và hoạt động của con người. Lại còn chia thành tiên thiên chi tinh và hậu thiên chi tinh. Tiên thiên chi tinh là vật chất cơ bản của thân thể, là tinh khí được bẩm thụ từ tinh khí của cha mẹ, tạo thành vật chất nguyên thủy hình thành bào thai, có công năng sanh trưởng, quyết định thể chất của mỗi cá nhân, cũng như các hoạt động tâm sinh lý, thọ mạng, tàng trữ tại thận tạng. Hậu thiên chi tinh là tinh khí được hấp thụ từ hoàn cảnh chung quanh qua ẩm thực, hoạt động, tập luyện, bồi dưỡng…”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *