#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 206
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm mười hai:
(Sớ) Vấn: Bỉ xứ Quán Âm, thứ đương bổ Phật, thứ nãi Thế Chí. Thế Chí chi hậu, bất văn bổ giả. Kim ngôn “Bổ Xứ thậm đa”, hà nhật đương bổ? Hựu Bổ Xứ giả, Bồ Tát địa tận, trụ Đẳng Giác vị, như tinh trung nguyệt, hà đắc thậm đa, nhi tại bỉ quốc?
(疏)問:彼處觀音,次當補佛,次乃勢至,勢至之後,不聞補者,今言補處甚多,何日當補;又補處者,菩薩地盡,住等覺位,如星中月,何得甚多,而在彼國。
(Sớ: Hỏi: Trong cõi ấy, ngài Quán Âm sẽ kế tiếp bổ xứ làm Phật, rồi đến ngài Thế Chí. Sau ngài Thế Chí, chẳng nghe nói có vị Bổ Xứ nào! Nay nói “Bổ Xứ thật nhiều”, đến khi nào sẽ được bổ nhiệm? Lại nữa, Bổ Xứ là trọn hết địa vị Bồ Tát, trụ trong địa vị Đẳng Giác, như vầng trăng giữa các ngôi sao, cớ sao có thể hiện diện thật nhiều trong nước ấy?)
Đoạn này nêu ra hai nghi vấn:
– Thứ nhất là hoài nghi thế giới Tây Phương có Bổ Xứ Bồ Tát nhiều ngần ấy, tới năm nào, tháng nào họ mới được bổ làm Phật?
– Vấn đề thứ hai là hoài nghi số lượng. Thông thường, trong kinh điển chúng ta thấy trong một thế giới Phật, Hậu Bổ Phật là một vị, hai vị thì quá lắm rồi! Cớ sao thế giới Tây Phương có Hậu Bổ Phật đông đảo như thế?
“Bỉ xứ” là nói đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Tây Phương Cực Lạc thế giới Quán Thế Âm Bồ Tát là Hậu Bổ Phật trong thế giới Cực Lạc. Trong tương lai, A Di Đà Phật nhập Bát Niết Bàn, Quán Âm Bồ Tát liền thị hiện thành Phật trong thế giới Tây Phương. Sau khi đã thành Phật, Quán Âm Bồ Tát cũng có ngày nhập diệt. Sau khi Ngài nhập diệt, Đại Thế Chí Bồ Tát liền hậu bổ thành Phật. Sau Đại Thế Chí, [vị Bồ Tát nào sẽ được bổ làm Phật], trong kinh, Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng nói tới! [Đoạn kinh nói tới] chuyện Quán Âm và Thế Chí hậu bổ thành Phật được chúng tôi đưa vào Tịnh Độ Ngũ Kinh Độc Bản, chư vị xem sẽ biết. Người ta có nghi vấn ở chỗ này: Sau ngài Đại Thế Chí, chẳng nghe nói thế giới Tây Phương có Hậu Bổ Phật. Nay kinh nói thế giới Tây Phương có Hậu Bổ Phật nhiều ngần ấy, bèn hoài nghi: Vậy thì họ phải đến lúc nào mới tới phiên? A Di Đà Phật thọ mạng vô lượng vô biên, Quán Âm Bồ Tát thành Phật thọ mạng cũng là vô lượng vô biên, tuyệt đối chẳng kém A Di Đà Phật. Thọ mạng dài như vậy mà nói “đến cõi kia bèn chứng đắc Hậu Bổ Phật”, cũng chẳng biết tới ngày nào mới được bổ nhiệm?
Vấn đề hoài nghi thứ hai là “Bồ Tát địa tận”, đây là địa vị tột đỉnh trong hàng Bồ Tát. Địa vị tột đỉnh là địa vị Hậu Bổ Phật, chúng ta gọi địa vị ấy là Đẳng Giác Bồ Tát, giống như mặt trăng giữa các ngôi sao. Đây là tỷ dụ, ví Phật như thái dương, ví Hậu Bổ Phật như vầng trăng. Địa cầu của chúng ta chỉ có một vầng trăng, chẳng phải là rất nhiều. Đương nhiên cách nói này là nói theo phía chúng sanh trên địa cầu. Đức Phật thuyết pháp ở nơi này, nhất định ứng với căn cơ của chúng sanh nơi đây, không thể nói theo thế giới khác hoặc tinh cầu khác. Chúng ta biết tinh cầu khác có đến mười mấy mặt trăng, chẳng phải là không có, nhưng địa cầu chỉ có một vầng trăng, chỉ có một vệ tinh. Vì sao Tây Phương Cực Lạc thế giới có nhiều Hậu Bổ Phật ngần ấy? Giống như có nhiều vầng trăng dường ấy! Đó là hai vấn đề, chúng ta xem lời giải đáp như dưới đây.
(Sớ) Đáp: Bổ Xứ bất tất định bổ Di Đà chi xứ. Thập phương thế giới vô tận, chư Phật Niết Bàn vô tận, Bổ Xứ Bồ Tát diệc vô tận, trụ bỉ quốc trung, nhi đãi Bổ Xứ, hề vi bất khả!
(疏)答:補處不必定補彌陀之處,十方世界無盡,諸佛涅槃無盡,補處菩薩亦無盡,住彼國中,而待補處,奚為不可。
(Sớ: Đáp: Bổ Xứ không nhất định phải bổ làm Phật nơi chỗ Phật Di Đà. Mười phương thế giới vô tận, chư Phật nhập Niết Bàn vô tận, Bổ Xứ Bồ Tát cũng vô tận, họ ở trong cõi ấy để đợi Bổ Xứ, có gì là không thể được?)
Trong hết thảy các cõi Phật, chỉ riêng thế giới Tây Phương là rốt ráo viên mãn. Do vậy có thể biết, từ đoạn kinh văn này, chúng ta có thể suy tưởng: Hậu Bổ Phật trong mười phương thế giới ở chỗ nào? Thảy đều đến Tây Phương Cực Lạc thế giới; do vậy, Tây Phương Cực Lạc thế giới có Hậu Bổ Phật đông đảo! Đông đến mức độ nào? Kinh nói là chẳng có cách nào tính toán, vô lượng vô biên! Những vị Đẳng Giác Bồ Tát ấy vốn còn nhiều hơn số người vãng sanh. Đó gọi là “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ” (các vị thượng thiện nhân ở chung một chỗ), chúng ta đã được chứng minh. Câu này có nghĩa là: Hậu Bổ Phật trong mười phương vô lượng vô biên các cõi Phật đều tụ hội trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Tây Phương Cực Lạc là câu lạc bộ của các vị Hậu Bổ Phật trong mười phương cõi nước, các Ngài đều đến đó. Đương nhiên là thế giới ấy thập phần viên mãn, hiếm có, khó gặp! Do vậy, những vị Bổ Xứ Bồ Tát hoàn toàn chẳng phải là ở nơi đó để chờ được bổ nhiệm vào ngôi vị Phật của A Di Đà Phật, chẳng phải vậy! Mười phương thế giới, nơi nào có Phật nhập Niết Bàn, vị Bổ Xứ Bồ Tát nào có duyên với thế giới ấy, đáng nên dùng thân Phật để độ, bèn đến đó thị hiện tám tướng thành đạo, thị hiện thành Phật độ chúng sanh. Chuyện là như thế đó. Vì thế, đối với chuyện Phật, Bồ Tát ứng thế, kinh Hoa Nghiêm đã nói rất thấu triệt: “Do chúng sanh cơ cảm”, [nghĩa là] chúng sanh có cảm, những vị Bổ Xứ Bồ Tát bèn có ứng. Vì lẽ đó, khi chúng ta tu hành nơi nhân địa, phải kết pháp duyên rộng rãi với chúng sanh. Vì sao? Chẳng có duyên với chúng sanh thì trong tương lai quý vị thành Hậu Bổ Phật, đạt đến Đẳng Giác Bồ Tát, mười phương chúng sanh đều chẳng có cảm, quý vị cũng vĩnh viễn chẳng làm Phật. Vì sao? Chẳng ai cầu quý vị. Có thể thấy là kết pháp duyên rất trọng yếu. Vấn đề thứ nhất đã được giải quyết! Lại xem phần giải đáp cho vấn đề thứ hai.
(Sớ) Hựu chư Phật thượng như vi trần, vô hữu cùng tận, huống phục Bồ Tát, kỳ số thậm đa, vô túc nghi dã, như Đại Bổn trung thuyết.
(疏)又諸佛尚如微塵,無有窮盡,況復菩薩,其數甚多,無足疑也,如大本中說。
(Sớ: Lại nữa, chư Phật còn nhiều như vi trần, chẳng có cùng tận, huống là Bồ Tát, số ấy thật nhiều, há đáng nghi ư, như trong kinh Đại Bổn đã nói).
Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ. Mười phương thế giới, thế giới vô lượng vô biên, mỗi thế giới đều có một vị Phật. Do thế giới vô biên, nên chư Phật cũng vô lượng vô biên. Do Phật là vô lượng vô biên, đương nhiên Bồ Tát cũng là vô lượng vô biên. Chuyện này không đáng để hoài nghi, kinh Vô Lượng Thọ đã nói rất rõ ràng. Liên Trì đại sư trích lục chương cuối cùng trong kinh Vô Lượng Thọ:
(Sao) Đại Bổn vân: Phật cáo Di Lặc: – Thử thế giới trung, hữu thất bách nhị thập ức Bồ Tát sanh bỉ, nhất nhất dĩ tằng cúng dường vô ương số Phật.
(鈔)大本云:佛告彌勒,此世界中,有七百二十億菩薩生彼,一一已曾供養無央數佛。
(Sao: Kinh Đại Bổn nói: “Phật bảo Di Lặc: – Trong thế giới này, có bảy trăm hai mươi ức Bồ Tát sanh về cõi ấy, mỗi vị đã từng cúng dường vô ương số Phật”).
Đây là Bồ Tát vãng sanh, Bồ Tát nào vậy? Đẳng Giác Bồ Tát.
“Thử thế giới” là thế giới Sa Bà. Có bảy trăm hai mươi ức Đẳng Giác Bồ Tát vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Những vị Bồ Tát ấy thiện căn vô cùng sâu dầy, “dĩ tằng cúng dường vô ương số Phật” (đã từng cúng dường vô ương số Phật).
(Sao) Như Di Lặc giả.
(鈔)如彌勒者。
(Sao: Như Di Lặc).
Có địa vị giống như Di Lặc Bồ Tát. Nói rõ: Đó là hàng Đẳng Giác Bồ Tát.
(Sao) Chư tiểu Bồ Tát, bất khả thắng kỷ.
(鈔)諸小菩薩,不可勝紀。
(Sao: Các vị tiểu Bồ Tát chẳng thể kể xiết).
Tiểu Bồ Tát, tức là các vị Bồ Tát thấp hơn Đẳng Giác, vãng sanh chẳng thể kể xiết. Số lượng quá nhiều, nói chẳng thể hết được!
(Sao) Tha phương thế giới, đệ nhất Quang Viễn Chiếu Phật sở, hữu bát thập ức Bồ Tát, giai đương vãng sanh. Đệ nhị Bảo Tạng Phật sở, hữu cửu thập ức. Đệ tam Vô Lượng Âm Phật sở, hữu nhị bách nhị thập ức. Triển chuyển chí thập tứ Phật sát, dĩ cập vô lượng Phật sát, vãng sanh giả bất khả phục kế, đản thuyết Phật danh, cùng kiếp bất tận, huống kỳ Bồ Tát đương vãng sanh giả, ngôn như Di Lặc, tắc thậm đa Bổ Xứ, ích khả vi chứng.
(鈔)他方世界,第一光遠照佛所,有八十億菩薩,皆當往生;第二寶藏佛所,有九十億;第三無量音佛所,有二百二十億;展轉至十四佛剎,以及無量佛剎,往生者不可復計。但說佛名,窮劫不盡,況其菩薩當往生者,言如彌勒,則甚多補處,益可為證。
(Sao: Các thế giới phương khác, thứ nhất là ở nơi Quang Viễn Chiếu Phật, có tám mươi ức Bồ Tát sẽ đều vãng sanh. Thứ hai là ở chỗ Bảo Tạng Phật có chín mươi ức. Thứ ba là ở chỗ Vô Lượng Âm Phật có hai trăm hai mươi ức. Lần lượt cho tới cõi Phật thứ mười bốn cùng với vô lượng cõi Phật, người vãng sanh không thể tính đếm được. Chỉ nói danh hiệu Phật đã là trọn hết kiếp cũng không thể nói hết, huống hồ là [nói tới số lượng] các vị Bồ Tát vãng sanh. Ví như ngài Di Lặc, [trong cõi Cực Lạc] hàng Bổ Xứ Bồ Tát rất đông, [điều này] càng chứng minh [rõ rệt hơn]).
Chúng ta đọc đoạn kinh văn này trong kinh Vô Lượng Thọ liền liễu giải: Nói thật thà, hàng Đẳng Giác Bồ Tát sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới đông nhất, vì sao? Vì Đẳng Giác Bồ Tát liễu giải y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới rõ ràng nhất. Nếu chẳng hiểu, trong hội Hoa Nghiêm, Văn Thù và Phổ Hiền là Đẳng Giác Bồ Tát, vì sao các Ngài cầu vãng sanh? Vì các Ngài biết hoàn cảnh ấy quá rõ ràng! Nói theo phương diện tu học, mười phương thế giới, hoàn cảnh tu học trong bất cứ cõi Phật nào đều chẳng sánh bằng Tây Phương Cực Lạc thế giới, cho nên đến nơi đó (cõi Cực Lạc) để tu hành. Tuy ở trong thế giới Tây Phương, nói thật ra, chẳng lìa cõi mình, giống như Di Lặc Bồ Tát trong thế giới này. Di Lặc Bồ Tát đang ngự trên Đâu Suất Thiên, trong tương lai sẽ hạ sanh. Đấy là vị Phật thứ năm trong Hiền Kiếp tại thế giới Sa Bà, Phật Thích Ca là vị Phật thứ tư. Hiện thời Ngài ở nơi đâu? Ngài ở trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, cũng là ở trong Đâu Suất Nội Viện. Nói thật ra, các Ngài qua lại trong vòng một niệm. Vì thế, Đâu Suất Nội Viện có Di Lặc Bồ Tát, mà Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng có Di Lặc Bồ Tát.
(Sớ) Như thượng y chánh nhị báo, hoặc kinh văn trung hữu, bổn nguyện trung vô. Hoặc bổn nguyện trung hữu, kinh văn trung vô, hỗ kiến vô ngại.
(疏)如上依正二報,或經文中有,本願中無;或本願中有,經文中無,互見無礙。
(Sớ: Đối với y báo và chánh báo như vừa nói trên đây, hoặc là trong phần kinh văn có, nhưng bổn nguyện không có, hoặc trong bổn nguyện có, nhưng kinh văn chẳng có, xem đối chiếu lẫn nhau vô ngại).
Đối với các thứ y báo và chánh báo của thế giới Tây Phương như vừa nói trên đây (y báo là hoàn cảnh vật chất, chánh báo là hoàn cảnh nhân sự), hoặc là trong kinh nói cặn kẽ, có nhắc tới, nhưng trong bốn mươi tám nguyện chẳng nói, hoặc là trong bốn mươi tám nguyện có nói, nhưng kinh văn chẳng nói đến. [Do đó], ắt phải đối chiếu lẫn nhau.
Trong đoạn này, Liên Trì đại sư nêu rõ: Thuở tại thế, Phật Thích Ca đã nhiều lần tuyên giảng kinh Vô Lượng Thọ, mà kết tập cũng là kết tập nhiều lần. Bởi lẽ, nguyên bản tiếng Phạn của kinh này có nhiều loại, chẳng phải chỉ là một loại được truyền đến Trung Hoa. Cổ nhân khảo chứng, đã thừa nhận là tối thiểu có ba bản gốc bất đồng. Tại Trung Hoa, có mười hai bản dịch. Nếu là cùng một bản gốc, cần gì phải phiên dịch nhiều lượt như vậy? Do nguyên bản bất đồng, [mỗi bản dịch trần thuật] y báo và chánh báo tường tận hay đại lược. Có điểm bản này có, bản kia chẳng có, hoặc bản kia có, bản này chẳng có. Chính vì như vậy nên mới cần phải hội tập. Hiện thời, có rất nhiều người phê phán bản hội tập, cho rằng đọc kinh Vô Lượng Thọ thì phải nên đọc bản dịch gốc, chứ bản hội tập nói chung là do người đời sau biên tập, thường là chẳng đúng pháp cho lắm. Đọc kinh văn nguyên bản có được hay không? Được chứ! Đọc bản gốc thì nhất định là phải đọc cả năm loại bản gốc thì ý nghĩa mới viên mãn. Quý vị đọc bản này, sẽ sót mất câu kinh văn kia. [Vì lẽ đó], hội tập là cần thiết. Đời Tống, cư sĩ Vương Long Thư mở màn đầu tiên. Nếu quý vị bảo bản hội tập sai lầm, là chuyện chẳng nên làm, [thế thì] cư sĩ Vương Long Thư đứng vãng sanh, biết trước lúc mất. Đấy là lão nhân gia hiện thân thuyết pháp, nhằm nói rõ chính mình chẳng phạm sai lầm. Nếu ông ta đã phạm sai sót to tát trong Tịnh Độ Tông, làm sao có thể vãng sanh cho được? Do đó, [điều này] chứng tỏ hội tập chẳng sai!
Tuy hội tập là chuyện tất yếu, nhưng trong các bản hội tập của cổ nhân có chỗ đáng tiếc là những chỗ chọn lấy và gạt bỏ chẳng thích đáng, có những phần kinh văn rất quan trọng bị bỏ sót, chưa thể thấy một bản hoàn chỉnh. Một điều đáng tiếc nữa là [người hội tập] thường sửa đổi chữ dùng trong nguyên văn, điều này bị người đời sau phê bình. Nay chúng ta xem bản này của lão cư sĩ Hạ Liên Cư, chư vị đối chiếu với năm bản dịch gốc, [sẽ thấy bản hội tập của cụ Hạ] lấy bỏ hết sức thích đáng. Nói cách khác, [bản ấy] là tổng hợp viên thành của năm bản dịch gốc. Y báo và chánh báo trang nghiêm, nguyện văn và kinh văn đều đạt tới cảnh giới viên mãn, lại chẳng sửa đổi chữ nào, toàn là kinh văn trích từ các bản dịch gốc.
Do đó, người đời sau đọc đến bản này, tán thán là bản kinh Vô Lượng Thọ viên mãn nhất, hoàn thiện nhất. Sau khi bản này ra đời, trong giới Phật giáo, người tán thán hết sức nhiều. Thuở ấy, pháp sư Từ Châu dùng bản này để giảng tại Tế Nam; Sư còn viết Khoa Phán. Bản này do lão cư sĩ Hoàng Lư Sơ đem từ Đại Lục đến (sau này, cụ Hoàng theo pháp sư Từ Hàng xuất gia, tức là pháp sư Luật Hàng), cụ mang đến Đài Loan giao cho lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Lý lão cư sĩ giảng ở Đài Trung một lần, lại còn viết lời mi chú đơn giản. Đọc đoạn kinh văn này liền biết hội tập kinh Vô Lượng Thọ xác thực là chuyện tất yếu. Đến hiện thời mới có một bản hoàn thiện như vậy, bản này khó có, đúng là Tam Bảo gia trì. Tại Đài Loan, từ Nam đến Bắc [bản này] đều được phổ biến tuyên dương, người đọc tụng rất nhiều, người nương theo phương pháp trong kinh điển này để tu hành rất đông. Đây là một chuyện hết sức hiếm có, là nhân duyên thù thắng.
(Sao) Nhược cứ mộ Phật phát nguyện, mãn nguyện thành Phật.
(鈔)若據慕佛發願,滿願成佛。
(Sao: Nếu do ngưỡng mộ Phật mà phát nguyện, nguyện viên mãn sẽ thành Phật).
“Mộ” (慕) là ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ Phật pháp, phát nguyện học
Phật, nguyện viên mãn bèn thành Phật.
(Sao) Tắc bỉ phương chủng chủng sở hữu, giai bỉ Phật nguyện nguyện sở thành, tất ưng khế hợp.
(鈔)則彼方種種所有,皆彼佛願願所成,悉應契合。
(Sao: Vậy thì tất cả các thứ bên cõi ấy đều do mỗi nguyện của đức Phật ấy tạo thành, cho nên ắt phải khế hợp).
Nguyện của A Di Đà Phật vô lượng, y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới vô lượng. Nói thật ra, những điều do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong năm bản ấy để giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới, cũng bất quá là một giọt nước trong biển cả đó thôi. Có thể giới thiệu trọn hết hay không? Giới thiệu hoàn toàn thì nói suốt một kiếp vẫn nói không xong, cho nên nói đại lược những điều trọng yếu và khái quát. [Muốn biết] tình hình thật sự chi tiết, ắt là chính mình phải đến Tây Phương Cực Lạc thế giới thì mới biết được.
(Sao) Kim minh hỗ vi hữu vô giả, dĩ văn tuy tiểu thù, nhi ý tắc cụ túc dã.
(鈔)今明互為有無者,以文雖小殊,而意則具足也。
(Sao: Nay nói [giữa các bản dịch] lần lượt là có hoặc không[1], chính là nói “văn tự sai khác đôi chút, nhưng ý nghĩa trọn đủ”).
Nói cặn kẽ hay đại lược khác nhau, nhưng ý nghĩa đều viên mãn, đầy đủ.
(Sao) Hựu như Pháp Tạng nguyện vân: “Ngã tác Phật thời, sát trung chư thiên, nhân dân, nhất thiết vạn vật, giai nghiêm tịnh quang lệ, hình sắc thù đặc, cùng vi cực diệu, vô năng xưng lượng giả, tuy đắc thiên nhãn, bất năng biện kỳ danh số”.
(鈔)又如法藏願云:我作佛時,剎中諸天人民,一切萬物,皆嚴淨光麗,形色殊特,窮微極妙,無能稱量者,雖得天眼,不能辨其名數。
(Sao: Lại như ngài Pháp Tạng nguyện rằng: “Khi tôi làm Phật, chư thiên, nhân dân trong cõi nước và hết thảy vạn vật đều trang nghiêm, thanh tịnh, sáng ngời, đẹp đẽ, hình sắc thù thắng đặc biệt, vi diệu tột cùng, không ai có thể diễn tả, suy lường được. Dẫu đắc Thiên Nhãn, cũng chẳng thể biện định tên gọi và số lượng của chúng”).
Mấy câu này là lời nguyện trích từ phần bốn mươi tám nguyện. Trong lời nguyện có nói Thiên Nhãn của người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới tối thiểu cũng là từ Thất Địa Bồ Tát trở lên, chẳng phải là Thiên Nhãn của phàm nhân; [thế mà] họ cũng chẳng thể phân biệt y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Những điều khác lại càng chẳng cần phải nói nữa!
(Sao) Quán thử, tắc chánh báo, y báo, nhiếp vô bất tận, bất khả câu văn nhi hạn nghĩa dã.
(鈔)觀此,則正報依報,攝無不盡,不可拘文而限義也。
(Sao: Xét theo đó, chánh báo và y báo bao quát không gì chẳng trọn hết, chớ nên câu nệ văn tự để rồi hạn cuộc ý nghĩa vậy).
Quyết định đừng nên chấp chết cứng kinh văn, phải biết trong ấy bao hàm cảnh giới rộng lớn vô biên. Y báo và chánh báo trang nghiêm chẳng có cùng tận.
(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh quyết định thành Phật, thị Nhất Sanh Bổ Xứ nghĩa.
(疏)稱理,則自性決定成佛,是一生補處義。
(Sớ: Xứng Lý thì tự tánh quyết định thành Phật chính là ý nghĩa Nhất Sanh Bổ Xứ).
Chúng ta thấy đại sư trích dẫn một đoạn trong Hoa Nghiêm Kinh Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm Biệt Hành Sớ Sao của vị tổ thứ năm trong tông Hoa Nghiêm là Khuê Phong đại sư. Lời Sao do Khuê Phong đại sư soạn.
(Sao) Khuê Phong vân: “Kim tri tâm thị Phật tâm, định đương tác Phật, nhiên nhi bổn lai thành Phật, phi tác đắc cố”.
(鈔)圭峰云:今知心是佛心,定當作佛,然而本來成佛,非作得故。
(Sao: Ngài Khuê Phong nói: “Nay biết tâm là tâm Phật, nhất định sẽ làm Phật, nhưng là vốn sẵn thành Phật, chẳng phải là do sẽ chứng đắc mà làm Phật).
Người biết sự thật này chẳng nhiều. Chúng ta tuy nghe nói, có phải là thật sự biết hay không? Chưa chắc! Vì sao? Nếu thật sự biết, quý vị sẽ có cái nhìn khác hẳn đối với người, sự, vật. Nếu nói nông cạn, rõ ràng hơn một chút, sẽ là chắc chắn quý vị chẳng xử sự bằng cảm tình. Nếu quý vị xử sự, đãi người, tiếp vật vẫn luôn bị tình cảm chi phối, thì nói cách khác, quý vị chẳng hiểu rõ chuyện này. Vì chuyện này là tri kiến của Phật; nhập Phật tri kiến là Phần Chứng Phật. Lẽ đâu Phần Chứng Phật còn xử sự theo tình cảm? “Tâm thị Phật tâm” (Tâm là tâm Phật). Tâm chúng sanh và tâm Phật là một, chẳng hai. Nhà Thiền thường nói: “Nếu người hiểu biết tâm, đại địa không tấc đất”. Quý vị có thật sự nhận biết cái tâm hay không? Nhận biết cái tâm là minh tâm, minh tâm là kiến tánh, kiến tánh là thành Phật, nhà Thiền có nói “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Vì vậy, tâm xác thực là có, nhưng bản thân chúng ta không biết. Nếu biết, chắc chắn quý vị sẽ đối đãi vạn sự vạn vật bằng cái tâm bình đẳng vì tâm là bình đẳng. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là vật do tự tánh biến hiện, lẽ nào bất bình đẳng? Đương nhiên là bình đẳng.
Nay cái tâm chúng ta bất bình đẳng đối với hết thảy vạn vật, bất bình đẳng là gì? Chính là vọng tâm, là tâm phân biệt, tâm chấp trước, là tâm ý thức, chẳng phải là chân tâm. Chân tâm là Phật tâm, tâm chúng ta là vọng tâm. Vọng tâm là giả tâm, chính là phàm phu tâm. Vọng tâm do đâu mà có? Vọng tâm do chân tâm bị mê mất mà biến hiện. Chẳng mê thì là chân tâm; đã mê thì chân tâm bèn là vọng tâm. Đã mê bèn xử sự theo tình cảm, chẳng liễu giải chân tướng của hết thảy sự thật. Đã giác ngộ, sẽ là xử sự thuần túy bằng trí huệ, sẽ là Bát Nhã, chuyển phiền não thành Bồ Đề. Bồ Đề là giác tâm, không mê. Nói theo kiểu này, chư vị vẫn thấy rất khó lãnh hội, chúng tôi lại giảng rõ ràng, giảng rành rẽ hơn một chút. Mê là gì? Giác là gì? Phàm là niệm nào cũng suy nghĩ vì chính mình thì là mê. Niệm nào cũng vì ta, vì nhà của ta, vì đạo tràng của ta, đều là mê! Niệm nào cũng vì hết thảy chúng sanh, đó là giác ngộ. Quý vị hãy tự kiểm điểm một phen, quý vị là giác hay mê? Sẽ biết ngay! Cách kiểm nghiệm này khá dễ dàng, cũng rất đáng tin cậy! Quý vị khởi tâm động niệm là nghĩ vì mình hay là nghĩ tới người khác? Mê hay ngộ phân định ở ngay chỗ này!
Giác tâm trọn khắp hết thảy mọi nơi. Đó là chân tâm. Tâm mê rất nhỏ, có phân biệt, có chấp trước, đã mê rồi! Kinh Lăng Nghiêm nói tâm giác ngộ giống như biển cả, tâm mê như một cái bọt nước trồi lên trong biển. Kẻ ấy chấp trước bọt nước là chính mình, quên bẵng biển cả. Khi nào bọt nước vỡ tan, mới biết tâm lớn dường ấy. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật” là nói theo góc độ này, nói từ chỗ này. “Thành Phật phi tác đắc cố” (Thành Phật chẳng phải là do chứng đắc mà làm Phật): Thành Phật thì quý vị có thật sự làm Phật hay không? Có đạt được Phật quả hay không? Chẳng có! Vì sao? Quý vị vốn là Phật. Vốn là Phật, [nếu] lại đạt được Phật quả, đó gọi là “trên đầu chồng thêm cái đầu nữa”, lại mê hoặc, điên đảo mất rồi!
(Sao) Tắc đản kiến Thỉ Giác tân lai, bất tri Bổn Giác cố hữu, khả vị bổ tắc quyết định bổ, thành tắc thật bất thành!
(鈔)則但見始覺新來,不知本覺固有,可謂補則決定補,成則實不成。
(Sao: Chính là chỉ thấy Thỉ Giác mới đạt được, chẳng biết Bổn Giác vốn sẵn có, có thể nói là “bổ xứ bèn quyết định là bổ xứ, nhưng thành Phật thì thật sự chẳng thành”).
Phải chú tâm lãnh hội lời này. Thỉ Giác là bắt đầu giác ngộ. Xét từ phía phàm phu chúng ta trong hiện thời, hiện tiền chúng ta có giác hay không? Đương nhiên là có giác. Nếu quý vị chẳng có Thỉ Giác, mà là bất giác, làm sao quý vị có thể đến đây nghe kinh? Tối nay quý vị từ nhà đến đây nghe kinh, chứng minh quý vị đã giác ngộ; đó là Thỉ Giác. Quý vị hằng ngày đều giác ngộ; vì thế, mỗi ngày đều là Thỉ Giác. Từ phàm phu mãi cho đến Đẳng Giác Bồ Tát, vẫn là Thỉ Giác. Đẳng Giác Bồ Tát thành Phật, Thỉ Giác hợp với Bổn Giác. Đạt đến thành Phật viên mãn thì hai chữ Thỉ Giác chẳng còn nữa, chẳng nói được. Chưa thành Phật viên mãn, mỗi ngày đều đang giác ngộ. Vì lẽ đó, Thỉ Giác chẳng phải là nói “bắt đầu vào một ngày nào đó”, mà là “mỗi ngày đều là bắt đầu”. Đấy là ý nghĩa của Thỉ Giác.
“Đản kiến Thỉ Giác tân lai” (Chỉ thấy Thỉ Giác vừa mới đạt được): Trong quá trình tu học, chúng ta mỗi ngày giác ngộ, mỗi ngày có cảnh giới mới, mỗi ngày có sự khải thị mới mẻ. Điều này hết sức rõ rệt, quý vị mỗi ngày đều đang tiến bộ. Hiện tượng tiến bộ nhất định là phiền não nhẹ đi, trí huệ tăng trưởng, phân biệt, chấp trước, vọng tưởng ngày càng ít hơn, thanh tịnh, bình đẳng, trí huệ ngày càng tăng thêm; đó là cảnh giới tốt đẹp. Nếu chẳng có cảnh giới này thì chẳng được rồi! Nói cách khác, quý vị học Phật chẳng phải là ngưng tại đó, mà là đang thụt lùi. Có cảnh giới ấy, mỗi ngày đều tiến bộ, cảnh giới ấy là cảnh giới tốt đẹp.
Vì Bổn Giác là cố hữu, vốn sẵn có, nên ở đây, cổ đại đức bảo chúng ta “bổ tắc quyết định bổ”, “bổ” (補) là gì? Thị hiện. Đến khi quý vị thành Phật, vì chính quý vị có bổn nguyện độ chúng sanh, nên sau khi thành tựu, chắc chắn sẽ dùng hạnh để thực hiện nguyện ấy. Quý vị sẽ thực hiện đại nguyện của chính mình. Nơi nào có chúng sanh mong mỏi quý vị tới giúp họ, quý vị nhất định đến đó. Vì thế, “bổ tắc quyết định bổ”. “Thành tắc thật bất thành”: Thành và bất thành đều chẳng có. Vì sao? Thành Phật và chẳng thành Phật là hai pháp; Lục Tổ đại sư nói: “Hai pháp chẳng phải là Phật pháp, Phật pháp là pháp bất nhị”. Quý vị có Thành thì sẽ có cái tương phản của nó là “chẳng thành”, đúng như nhà Phật đã nói: “Động niệm liền trật”, không cho phép quý vị khởi tâm động niệm! Khởi tâm động niệm còn chẳng thể, thì ngôn ngữ đương nhiên càng không thể đạt đến được. Đó gọi là “mở miệng bèn trật, động niệm liền sai”. Nhất định phải hiểu rõ ý nghĩa chân thật này. Vì lẽ đó, hết thảy ngôn thuyết đều là phương tiện thuyết, có nói đến chỗ chân thật hay không? Chẳng có! Chẳng nói một chữ nào! Những ngôn ngữ nói ra đều là hòn ngói để gõ cửa, là cột mốc chỉ đường, quý vị phải thấu hiểu nghĩa chân thật từ những điều ấy. Nghĩa chân thật không ở trong ngôn ngữ, cũng giống như vậy, nó chẳng ở trong văn tự! Nghĩa chân thật nhất định là lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự (lìa văn tự), lìa tướng tâm duyên. Trong tâm chẳng thể tưởng, hễ tưởng bèn lại chấp tướng. Phải là “hết thảy đều chẳng chấp trước” thì mới có thể ngộ nhập. Vì thế, thật sự khế nhập cảnh giới. Khế nhập cảnh giới là nhập pháp môn Bất Nhị, nhập pháp môn Bất Nhị là như kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Nhập bất tư nghị giải thoát cảnh giới”. Cảnh giới bất tư nghị giải thoát còn gọi là Nhất Chân pháp giới. Trong Tịnh Độ Tông, đắc nhất tâm bất loạn liền “nhập nhất”, [nghĩa là] từ đấy trở đi, chẳng còn có hai! Hai là gì? Khởi tâm động niệm là hai. Nói cách khác, trong hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, thật sự chẳng khởi tâm, không động niệm. Chẳng khởi tâm, không động niệm thì vạn pháp như nhau, pháp nào cũng đều đúng, pháp nào cũng đều như, đó là thật sự bình đẳng. Do đó nói: “Thành tắc thật bất thành”. Nếu chư vị lãnh hội một chút ý nghĩa này thì quý vị mới có thể hiểu rõ lời này. Câu này có ý nghĩa rất sâu!
Chánh thị nguyện hạnh linh tri tu chứng.
正示願行令知修證。
(Chỉ thẳng vào nguyện hạnh khiến cho [người nghe] biết tu chứng).
Khai thị đại nguyện và đại hạnh của Phật Di Đà, nêu gương cho chúng ta, hòng khiến cho chúng ta hiểu rõ tu như thế nào, chứng như thế nào. Kinh văn chia thành bốn đoạn:
Sơ phát nguyện, nhị khởi hạnh, tam cảm quả, tứ kết khuyến.
(Kinh) Xá Lợi Phất! Chúng sanh văn giả, ưng đương phát nguyện, nguyện sanh bỉ quốc.
初發願,二起行,三感果,四結勸。
(經)舍利弗。眾生聞者。應當發願。願生彼國。
(Một là phát nguyện, hai là khởi hạnh, ba là cảm quả, bốn là tiểu kết nhằm khuyên lơn.
Kinh: Này Xá Lợi Phất! Chúng sanh nghe vậy hãy nên phát nguyện, nguyện sanh về cõi ấy).
Trong đoạn này, đức Phật rát miệng buốt lòng khuyên dạy chúng ta. Trong phần trên đã nói lắm lời lẽ như vậy, mục đích là để khuyên chúng ta cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ.
(Sớ) Thượng trần y chánh nhị báo.
(疏)上陳依正二報。
(Sớ: Trong phần trên đã trần thuật y báo và chánh báo).
“Trần” (陳) là trần thuyết (陳說), nói rõ sự tốt đẹp nơi hoàn cảnh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Y báo là hoàn cảnh vật chất, chánh báo là hoàn cảnh nhân sự. [Y báo và chánh báo] tốt đẹp đến tột cùng, chẳng có tơ hào khiếm khuyết. Vì thế gọi là thế giới Cực Lạc.
(Sớ) Kim ngôn chúng sanh đắc văn thử giả.
(疏)今言眾生得聞此者。
(Sớ: Nay nói chúng sanh được nghe điều này).
Chúng ta chẳng nghe nói sẽ không biết, vậy thì đành chịu; nhưng đã nghe, đã hiểu rõ, cớ sao chẳng hâm mộ? Lẽ đâu chẳng nên cầu sanh?
(Sớ) Ưng đương phát khởi đại nguyện, nguyện sanh bỉ quốc.
(疏)應當發起大願,願生彼國。
(Sớ: Hãy nên phát khởi nguyện lớn, nguyện sanh về cõi ấy).
Đại nguyện là gì? Nguyện sanh về cõi ấy là đại nguyện.
(Sớ) Thị vi đệ nhất trùng khuyến, hậu nãi phản phúc thân minh.
(疏)是為第一重勸,後乃反覆申明。
(Sớ: Đây là khuyên lần thứ nhất, sau đó, lại lặp đi lặp lại vấn đề hòng giảng rõ).
Trong kinh này, đức Phật trước sau ba lượt khuyến khích chúng ta
cầu sanh Tịnh Độ, đây là lần đầu tiên. Một rồi hai, hai rồi ba, rát miệng buốt lòng khuyên bảo. Lời Sao dưới đây giảng rõ về ba lượt khuyến cáo.
(Sao) Đệ nhất trùng khuyến giả, kinh trung phản phúc khuyến văn, khuyến tín, khuyến nguyện, ước hữu tứ trùng.
(鈔)第一重勸者,經中反復勸聞、勸信、勸願,約有四重。
(Sao: “Khuyên lần thứ nhất”: Trong kinh nhiều lượt nhắc đi nhắc lại khuyên hãy nghe, khuyên hãy tin, khuyên hãy nguyện, có khoảng bốn lần [như vậy]).
Tôi vừa mới nói là ba lượt, trên thực tế là bốn lần. Bốn lần khuyên lơn, khích lệ chúng ta cầu sanh Tây Phương.
(Sao) Kim đương tối sơ.
(鈔)今當最初。
(Sao: Nay là lần đầu tiên).
Đoạn kinh văn này là khuyên lần đầu tiên.
(Sao) Thị văn y chánh trang nghiêm thắng diệu công đức chi thuyết nhi phát nguyện dã.
(鈔)是聞依正莊嚴勝妙功德之說而發願也。
(Sao: Tức là do nghe nói công đức thù thắng nhiệm mầu nơi y báo và chánh báo trang nghiêm mà phát nguyện).
Nghe đức Phật nói đoạn kinh văn trên đây bèn có thể phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, đó là hạng người bậc nhất. Hạng người bậc nhất là ai? Các vị Đẳng Giác Bồ Tát trong mười phương thế giới. Các Ngài vừa nghe liền lập tức phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Vì lẽ đó, trong thế giới Tây Phương mới có nhiều vị Đẳng Giác Bồ Tát như vậy! Có thể nói là các vị Đẳng Giác Bồ Tát trong mười phương thế giới vô lượng vô biên các cõi Phật đều tụ hội trong thế giới Tây Phương. Các Ngài vừa nghe liền tin tưởng, hiểu rõ, phát nguyện cầu vãng sanh.
(Sao) Nhị ngôn văn thị thuyết giả, thị văn nhất tâm trì danh quyết định vãng sanh chi thuyết nhi phát nguyện dã.
(鈔)二言聞是說者,是聞一心持名決定往生之說而發願也。
(Sao: Hai là [chánh kinh] nói “người nghe nói như thế” chính là [nói tới những người] nghe nói “nhất tâm trì danh quyết định vãng sanh” bèn phát nguyện).
Trong bốn lần khuyên, ở đây là tổng thuyết (nói tổng quát), khi đến các phần kinh văn trong phần sau, chúng ta sẽ đọc từng đoạn. Lần khuyên thứ hai ở trong chương này, đức Phật bảo chúng ta: “Nhất tâm trì danh, sẽ quyết định vãng sanh”, nghe điều tốt đẹp này, người ấy bèn phát nguyện cầu sanh. Đó là hạng thiện căn sâu dầy, chúng ta thường nói là bậc “thượng căn lợi trí”. Vì sao? Từ địa vị phàm phu tu thành Phật quả phải mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp, kinh thường nói như vậy. Nói theo kinh Hoa Nghiêm, sẽ chẳng phải là ba A-tăng-kỳ kiếp, mà là vô lượng kiếp. Vì sao trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật nói chẳng giống với những kinh khác? Chư vị phải hiểu, thành Phật thì Phật có bốn loại là Tạng, Thông, Biệt, Viên. Phật nói “ba đại A-tăng-kỳ kiếp thành Phật” là nói tới Tạng Giáo Phật, Thông Giáo Phật và Biệt Giáo Phật, Hoa Nghiêm nói “vô lượng kiếp thành Phật” tức là Viên Giáo Phật. Phật có rất nhiều chủng loại, rốt cuộc quý vị thành loại Phật nào? Cần thời gian dài ngần ấy, vừa nghe kinh này nói “nhất tâm trì danh quyết định vãng sanh”, đó là thành tựu ngay trong một đời, quý vị ngẫm xem, người thông minh lẽ nào chẳng tuyển chọn pháp môn này? Trước kia, tu hết thảy các pháp môn, [nay] nghe pháp môn này, lập tức buông xuống, bỏ sạch, chuyên tu pháp môn này, vì sao? Pháp môn này dễ dàng, thành tựu rất nhanh chóng, lại còn thành tựu ổn thỏa, thích đáng, quyết định thành tựu. Người thông minh lợi căn bèn chọn lựa pháp môn này.
(Sao) Tam ngôn văn thị kinh giả, thị văn trì danh Phật hộ bất thoái Bồ Đề chi thuyết nhi tín thọ dã, bất ngôn nguyện giả, tín thọ tức nguyện cố.
(鈔)三言聞是經者,是聞持名佛護不退菩提之說而信受也。不言願者,信受即願故。
(Sao: Ba là nói “kẻ nghe kinh này”, tức là [nói tới những kẻ] nghe nói “trì danh thì đức Phật sẽ hộ trì khiến cho Bồ Đề chẳng thoái thất” bèn tin nhận. Chẳng nói tới “nguyện”, vì hễ đã tin nhận bèn nguyện).
Khuyên lần thứ ba, nghe nói “niệm Phật, mười phương chư Phật, Bồ Tát gia hộ quý vị”, nghe có công đức và lợi ích thù thắng như vậy mới phát tâm. Người Hoa nói “hộ” (護: bảo vệ, gìn giữ) là “bảo hựu” (保佑). Niệm một câu Phật hiệu A Di Đà Phật, mười phương ba đời hết thảy chư Phật, Bồ Tát đều gia hộ quý vị, vì sao? Vì A Di Đà Phật được hết thảy chư Phật tôn kính nhất. Hết thảy chư Phật thành Phật đều do niệm A Di Đà Phật mà thành Phật. Vì lẽ đó, quý vị niệm A Di Đà Phật, đương nhiên chư Phật hoan hỷ, đương nhiên là hộ niệm quý vị. Nói thật thà, quý vị niệm Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, chưa chắc chư Phật đã gia hộ quý vị. Quý vị niệm kinh A Di Đà, niệm kinh Vô Lượng Thọ, niệm A Di Đà Phật, chư Phật nhất định gia hộ quý vị, thật vậy! Quý vị niệm chú Đại Bi, niệm chú Lăng Nghiêm, cũng chẳng thể nào được hết thảy chư Phật đều gia hộ quý vị. Công đức và lợi ích thù thắng như vậy đến đâu để tìm cho ra? Kẻ bình phàm chẳng hiểu chuyện này!
Do vậy, pháp môn này là pháp môn bậc nhất để hết thảy chư Phật độ chúng sanh thành Phật đạo. Trong một bài kệ, cụ Hạ Liên Cư có viết: “Ức vạn nhân trung, nhất nhị tri” (Trong ức vạn người, [chỉ có] một, hai kẻ biết), nói lời này chẳng sai chút nào! Nay quý vị tu pháp môn này, gặp một số pháp sư đại đức khuyên quý vị đừng nên tu pháp môn này, khuyên quý vị chớ nên niệm kinh này, lời lẽ ấy có kỳ quái hay không? Chẳng kỳ quái! Vì sao? Trong ức vạn người, [chỉ] có một hai kẻ biết. Vì sao họ biết? Huống hồ trong kinh luận hoặc trong chú sớ, tổ sư đại đức đã bảo ban chúng ta, như Thiện Đạo đại sư đã nói: “Ba bậc chín phẩm là hiện tượng nẩy sanh do chúng ta gặp duyên bất đồng”. Quý vị gặp duyên thù thắng, quý vị có thể là thượng phẩm thượng sanh trong một đời này. Gặp duyên chẳng thù thắng, sẽ là hạ phẩm vãng sanh. Thù thắng là gì? Đối với y báo và chánh báo trang nghiêm cùng hết thảy sự lý đều có thể hiểu rõ Lý, tin sâu, chẳng nghi, đó là thù thắng. Có thể gặp một vị thiện tri thức giảng giải rành mạch, chúng ta nghe xong bèn hiểu rõ, chẳng có mảy may nghi vấn nào, hoàn toàn tiếp nhận, đấy là quý vị gặp duyên thù thắng. Nói thật ra, các đồng tu đời này có duyên thù thắng hơn cổ nhân trong quá khứ quá nhiều! Thù thắng ở chỗ nào? Chúng ta gặp kinh này, đó là duyên trọng yếu bậc nhất. Các vị đại đức từ xưa có mấy vị xem trọn các bản dịch và bản hội tập của kinh Vô Lượng Thọ? Nếu không thể đọc trọn khắp, duyên ấy còn khiếm khuyết, chẳng thù thắng. Lão hòa thượng Đạo Nguyên suốt một đời hoằng dương Tịnh Độ, kinh Vô Lượng Thọ có chín bản, Sư chỉ được xem bốn bản, còn năm bản kia chưa xem qua. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam suốt một đời hoằng dương Tịnh Độ, cụ chỉ xem năm bản, còn bốn bản chưa được đọc, quý vị nghĩ xem: Gặp duyên khó lắm! Nay chúng tôi thâu thập cả chín bản, in vào trong Tịnh Độ Ngũ Kinh Độc Bản, mọi người đều được xem, duyên của quý vị vượt trội pháp sư Đạo Nguyên và cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Đặc biệt là bản hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư xuất hiện trong thế gian còn chưa đầy năm mươi năm. Người năm mươi năm trước chẳng biết có bản này, người năm mươi năm sau biết đến bản này cũng chẳng có mấy. Trong vòng hai ba năm nay, chúng ta cực lực tuyên dương, nên bản này được đồng tu Đài Loan phổ biến biết đến.
(Sao) Tứ ngôn “nhược hữu tín giả” thị tổng kết văn dĩ thâm tín, tín hữu nguyện giả, vô nhất bất sanh chi thuyết nhi phát nguyện dã.
(鈔)四言若有信者,是總結聞已深信,信有願者無一不生之說而發願也。
(Sao: Bốn là nói “nếu có kẻ tin tưởng” nhằm tổng kết chuyện
nghe nói “đã nghe rồi tin sâu, do đã tin bèn có nguyện, không một ai chẳng vãng sanh” bèn phát nguyện).
Hạng này xem như thiện căn kém cỏi nhất, nhưng còn có tư cách vãng sanh. Nếu chúng ta dựa theo cấp bậc Giáp, Ất, Bính, Đinh thì những người này thuộc loại Đinh. Hạng Đinh còn có thể vãng sanh. Thấp hơn hạng Đinh sẽ chẳng thể vãng sanh. Họ tin tưởng “người có nguyện thì không một ai chẳng vãng sanh”. Ta phát nguyện, phát nguyện thì sẽ vãng sanh, đúng như vậy đó!
Hôm nay, có đồng học đến nói với tôi, tại Đạm Thủy[2] có một người niệm Phật vãng sanh, suốt đời chưa hề tiếp xúc Phật pháp. Đã thế, [người ấy] phẩm tánh chẳng tốt, ác khẩu, suốt đời tạo tội nghiệp rất nhiều. Khi lâm chung, đầu óc ông ta rất tỉnh táo, có hai vị xuất gia khuyên người ấy niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Người ấy tiếp nhận, nghiễm nhiên cũng biết trước lúc mất, nói với pháp sư: “Lúc bốn giờ, A Di Đà Phật sẽ đến tiếp dẫn tôi”. Họ bèn niệm đến bốn giờ. Tới bốn giờ, Phật chẳng đến tiếp dẫn, liền hỏi người ấy: “Sao ông lại lừa người xuất gia?” Ông ta nói: “Bốn giờ sáng”. Họ nghĩ là bốn giờ chiều. Đến ngày hôm sau ư? Được rồi, lại tiếp tục niệm. Quả nhiên chẳng sai, đến bốn giờ sáng ngày hôm sau, ông ta vãng sanh. “Do có lòng tin mà phát nguyện, không một ai chẳng vãng sanh”, người ấy thuộc về loại này. Thụy tướng vãng sanh là các đồng tu trợ niệm đều ngửi thấy mùi hương lạ. A Di Đà Phật đến tiếp dẫn người ấy, người khác chẳng trông thấy, nhưng chính người ấy trông thấy. Đã thế, A Di Đà Phật còn bảo bốn giờ sẽ đến tiếp dẫn ông ta, tức là cách lúc được tiếp dẫn mười mấy tiếng đồng hồ, cũng coi như là ông ta biết trước lúc mất. Đây là khi bệnh nặng, gặp thiện hữu chỉ dạy, ông ta mới biết.
(Sao) Văn văn chuyển thâm, nguyện nguyện bội thiết, ngữ tuy phản phúc, nghĩa bất lôi trùng, mẫn vật tình thâm, hối nhân bất quyện.
(鈔)聞聞轉深,願願倍切,語雖反覆,義不雷重,憫物情深,誨人不倦。
(Sao: Mỗi lần nghe lại càng sâu hơn, mỗi lần nguyện càng thiết tha gấp bội. Lời lẽ tuy lặp đi lặp lại, nghĩa chẳng trùng lặp, lòng thương
xót chúng sanh sâu xa, dạy bảo người khác chẳng mệt mỏi).
Mấy câu này là lời tán thán vô thượng đối với Thích Ca Mâu Ni Phật. Đức Phật rát miệng buốt lòng khuyên bảo chúng sanh, nói một lần rồi nhắc lại lần thứ hai, nói lần thứ hai lại nói lần thứ ba, nói lần thứ ba rồi nhắc nhở lần thứ tư hòng khuyên lơn, khích lệ chúng ta, hy vọng chúng ta sẽ giác ngộ. Giác ngộ là gì? Thật sự phát nguyện, nguyện sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, thưa cùng chư vị, đó chính là đại triệt đại ngộ, là triệt để giác ngộ. Thật sự phát nguyện vãng sanh, ắt phải lạnh nhạt đối với thế gian này, chẳng lưu luyến thế gian này. Trước khi vãng sanh, chúng ta tận tâm tận lực hoằng dương pháp môn này, giúp người khác nhận biết pháp môn này, giúp người khác phát nguyện vãng sanh. Đó chính là “thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ” (trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ ba đường). Chúng ta hoằng dương pháp môn này chính là “trên đền bốn ân”, hy vọng hết thảy chúng sanh có được pháp môn này, mọi người đều niệm Phật vãng sanh, đó là “dưới cứu khổ ba đường”. Chúng ta phải làm như vậy thì mới được! Trừ chuyện này ra, thế gian này chẳng có chuyện gì là có ý nghĩa. Chỉ có báo Phật ân, chỉ có giúp chúng sanh triệt để giác ngộ cầu sanh Tây Phương, đó là chuyện có ý nghĩa, là chuyện chúng ta phải nên làm. Nói cách khác, trừ chuyện này ra, những thứ khác đều chẳng nên làm, chẳng có ý nghĩa gì!
(Sớ) Hựu văn nhiếp tín nghĩa, nguyện nhiếp hạnh nghĩa, tam sự tư lương, tất bị ư thử.
(疏)又聞攝信義,願攝行義,三事資糧,悉備於此。
(Sớ: Lại có nghĩa là “nghe bao gồm tín; nguyện bao gồm hạnh”. Ba sự tư lương thảy đều đầy đủ trong ấy).
Ba điều kiện trọng yếu nhất của Tây Phương Tịnh Độ là Tín, Nguyện, Hạnh. Trong Văn (nghe) bao gồm Tín. Nếu nói nghe xong mà chẳng tin, như vậy thì chẳng gọi là Nghe. Cớ sao nghe xong chẳng tin? Chẳng nghe rõ ràng, nghe chẳng hiểu rõ, đó chẳng gọi là Nghe. Nhất định phải làm cho đối phương thật sự triệt để nhận thức, hiểu rõ, sanh khởi tín tâm, đấy mới là nghe pháp, thật sự nghe. Trong Nguyện bao gồm Hạnh: Nếu người ấy đã nguyện vãng sanh, lẽ đâu chẳng niệm Phật? Nguyện vãng sanh mà không niệm Phật, nguyện ấy chẳng phải là nguyện thật sự. Trong mười hai thời, một câu Phật hiệu quyết chẳng gián đoạn thì mới là nguyện thật sự. Tín, Nguyện, Hạnh “tam sự tư lương, tất bị ư thử” (ba sự tư lương đều trọn đủ trong ấy). “Ư thử” là chỉ câu kinh văn trong phần trên: “Chúng sanh văn giả, ưng đương phát nguyện, nguyện sanh bỉ quốc” (Chúng sanh nghe rồi hãy nên phát nguyện, nguyện sanh về cõi ấy). Trong một câu này, ba điều kiện thảy đều đầy đủ.
(Sao) Văn nhiên hậu tín, phỉ văn tắc tín tự hà sanh?
(鈔)聞然後信,匪聞則信自何生。
(Sao: Nghe xong mới tín. Nếu không nghe, tín từ đâu sanh ra?)
Do vậy có thể biết, nếu chúng ta muốn hết thảy chúng sanh thật sự tin tưởng pháp môn này, chỉ có một phương pháp: Phải giảng cặn kẽ kinh điển này cho người khác nghe, vì sao? Họ mới có thể tin tưởng. Nếu quý vị chẳng giảng cặn kẽ cho họ nghe, họ chẳng tin! Phát nguyện hoằng kinh là pháp bậc nhất, thù thắng nhất để báo ân Phật. Có lẽ sẽ có đồng học nói: “Tôi rất ngu, chẳng đủ trình độ, làm sao có thể hoằng kinh? Làm sao có thể giảng kinh được?” Người ở Nam Phổ Đà Phật Học Viện kể với tôi: “Phật học viện ấy có mười mấy vị đồng học đã tốt nghiệp Đại Học, những người khác đã tốt nghiệp Cao Trung (cấp ba, Trung Học Đệ Nhị Cấp), hoặc có bằng chuyên khoa trở lên, trình độ cao, hay quá! Họ giảng cho tôi, tôi không màng, vì sao? Vì tôi chẳng có trình độ cao như vậy!” Thuở ấy, thầy Lý mở lớp dạy chúng tôi học giảng kinh, trong nhóm ấy, người đã học Đại Học (vẫn chẳng biết là có tốt nghiệp hay chưa) chỉ có một người, Cao Trung được hai ba người, ngoài ra phần lớn là vừa xong Tiểu Học hoặc tốt nghiệp Sơ Trung, có trình độ như vậy. Tuổi tác thì sao? Từ ba mươi trở lên là trẻ nhất. Tuổi cao thì như bà Lâm Khán Trị đã sáu mươi tuổi, học hết Tiểu Học, tham dự lớp ấy với chúng tôi. Khi bà Lâm Khán Trị học giảng kinh ở đó, cháu nội gái của bà là cô giáo trường tiểu học quốc lập; bà Lâm đã thuộc hàng bà nội mà còn bắt đầu học giảng kinh với chúng tôi tại đó. Hai mươi mấy người chúng tôi, trong hai năm được thầy Lý huấn luyện, ai nấy đều lên bục giảng, giảng vẫn khá lắm! Có thể thấy là chuyện này chẳng cần trình độ rất cao, tuổi cao trọn chẳng trở ngại!
Khi đó, thầy Lý bảo chúng tôi, khuyến khích chúng tôi như sau: “Học những thứ thuộc về thế gian thì đóng tuồng Bình Kịch khó nhất”. Cụ bảo: “Hát Bình Kịch khó nhất, khó hơn giảng kinh rất nhiều”. Vì sao? Hát Bình Kịch, nói chung, quý vị chẳng thể cầm kịch bản lên sân khấu đọc được, quyết chẳng thể được! Khi giảng kinh, có thể bày kinh bổn và chú giải trên giảng đài, dễ dàng hơn! Còn một điều nữa, khi diễn tuồng, mỗi chữ, mỗi câu chẳng thể hát sai, lại còn phải thuộc động tác, phải phối hợp nhịp nhàng theo tiết tấu của thanh la và trống. Khó quá! Không chỉ là khó gấp mười lần so với giảng kinh. Cụ nói: “Chuyện đó mà còn có người có thể học được, há còn có chuyện gì khó khăn nữa ư?” Có thể học được hát tuồng như thế nào? Cụ bảo: Xưa kia, tại Đại Lục, gia cảnh rất nghèo hèn, con thơ nuôi không nổi, bèn bán cho gánh hát để theo học tuồng. Bán cho gánh hát, trong khế ước có một điều: “Đánh chết chẳng đền mạng”. Lão nhân gia nói: “Thiên hạ chẳng có gì không học được”. Vì sao? Đòn vọt, khi bị đánh quý vị liền ghi nhớ. Chỗ này quý vị nhớ không được, bị đánh bèn đặc biệt ghi nhớ. Trong lớp học giảng kinh của chúng tôi, thầy Lý không chỉ chửi bới, mà còn đánh nữa. Tuổi tác chúng tôi rất lớn, người ngoài nhìn vào thấy khó coi. Vì vậy, chúng tôi lên lớp đều đóng chặt cửa, không cho người khác xem. Không chỉ là chẳng thể cho người khác xem, mà bên ngoài có sai người dò la, chẳng cho họ tiếp cận, [bởi lẽ], trong lớp học có đánh, có chửi! Chỉ cần quý vị phát tâm, chẳng có ai không học được! Không cần trình độ rất cao!
Thuở trước, tại Hương Cảng, pháp sư Diễn Bồi muốn thâu nhận mấy đồ đệ, điều kiện của Ngài là: “Chỉ cần thật thà, nghe lời, tốt nghiệp Sơ Trung là được rồi”. Người ta hỏi Sư: “Người khác nhận học trò đều phải là tốt nghiệp Đại Học, hoặc là Tiến Sĩ xuất gia. Sao lão nhân gia ra điều kiện thấp như vậy?” Cụ Diễn Bồi nói: “Trình độ của tôi rất thấp”. Nói lời ấy có lý lắm. Trình độ cao, mắt trợn ngược lên đỉnh đầu, không nghe lời, thứ gì cũng chẳng thể học được! Thật sự phát tâm, Tam Bảo gia trì. Vì vậy, chỉ cần có nguyện, chẳng có ai không thành tựu!
Phải phát tâm hoằng kinh, giảng rõ ràng, minh bạch kinh điển thì mới có thể làm cho người nghe dấy lòng tin. Nếu quý vị giảng bộ kinh này, thính chúng chẳng có một ai tin tưởng, quý vị đã hoàn toàn thất bại. Nếu trong thính chúng có người tin tưởng, quý vị đã thành công, chẳng uổng công giảng kinh này, đó là bước đầu tiên, là thành công nho nhỏ. Thành công bậc trung là trong số đó có người phát nguyện. Thành công bậc thượng là trong thính chúng có người vãng sanh. Có người quyết định vãng sanh thì giảng kinh như vậy có công đức thượng thừa, đúng là tiếp dẫn vãng sanh.
Điều này nhằm nói rõ tầm trọng yếu của việc phát nguyện hoằng kinh.
(Sao) Nguyện nhiên hậu hành, vô nguyện tắc hạnh hà diêu khởi? Hạ văn tín hạnh, thử vi bổn nguyên.
(鈔)願然後行,無願則行何繇起。下文信行,此為本原。
(Sao: Nguyện rồi sau đó bèn hành. Không có nguyện thì hạnh do đâu mà khởi được? Tín và hạnh trong phần kinh văn phía sau có cội nguồn từ chỗ này).
Nghe pháp là cội nguồn.
(Sao) Tín hạnh nguyện tam, Tịnh Độ tư lương, sung túc vô khiếm.
(鈔)信行願三,淨土資糧,充足無欠。
(Sao: Ba điều Tín, Hạnh, Nguyện là tư lương Tịnh Độ được trọn đủ chẳng thiếu hụt).
Ba điều kiện đầy đủ. Có các đồng học phát tâm giảng kinh thường đến hỏi tôi: Làm như thế nào thì mới giảng kinh này cho hay được? Chẳng có cách nào học được điều này! Tôi thật thà bảo cùng mọi người: Tôi học kinh với thầy Lý ở Đài Trung, trước khi xuất gia, tôi theo thầy một năm ba tháng, đường lối kỹ thuật và phương pháp biểu diễn của thầy trên bục giảng tôi đều biết hết. Điều này giống như học binh pháp, tôi đã học binh pháp nhuyễn nhừ, nhưng như thế nào? Chẳng thể đánh giặc! Trên giảng đài, tôi không thể dùng được! Tôi ở dưới phê bình, điều gì tôi cũng đều có thể phê bình, vì sao? Tôi biết. Nhưng khi tôi lên giảng đài, chẳng thể sử dụng, vì sử dụng chẳng thích hợp. Sau khi xuất gia, tôi lại đến Đài Trung, theo học với thầy bảy, tám năm. Trong bảy, tám năm ấy, học những gì? Hoàn toàn quan sát, phỏng theo thầy. Thầy giảng như thế nào thì kinh này tôi cũng có thể giảng. Ở trên bục giảng, tôi giảng theo cách nào? Nghe theo thầy, thầy giảng theo cách nào? Tôi nghe là nghe những thứ ấy, trọn chẳng phải là nghe thầy giảng kinh văn. Phương pháp nghe kinh ấy, trong các học trò của lão nhân gia chẳng có người thứ hai. Đối với nội dung của kinh điển, cụ cũng tham khảo chú giải. Các bản chú giải tôi đều có, thậm chí tôi thâu thập các bản chú giải còn nhiều hơn cụ. Cụ lên bục giảng, diễn giải những tài liệu ấy ra sao, tôi quan sát điều ấy. Chư vị ngẫm xem, học lấy đường lối, học phương pháp, trong hai giờ tôi học hiểu; nhưng phải học sao cho trên giảng đài, chính mình có thể vận dụng linh hoạt, sử dụng thuận theo lòng muốn. Tôi quan sát thầy Lý suốt bảy, tám năm, chính mình luyện tập trên giảng đài mười năm mới sử dụng theo đúng lòng muốn, mọi việc đều thuận lợi. Đây chẳng phải là chuyện đơn giản, chẳng phải là ai cũng có thể học được!
Tôi quy kết một trọng điểm, trọng điểm chính là thái độ học tập, đó là nhân tố quyết định. Phương pháp và sự khéo léo kém quan trọng hơn, chúng đương nhiên là trọng yếu, nhưng chẳng phải là quan trọng nhất. Quan trọng nhất là thái độ tu học. Trong [giảng] kinh, chúng tôi thường khuyên các đồng tu hãy buông bỏ chính mình, tuyệt đối chẳng vì tiếng tăm, lợi dưỡng của chính mình, hết thảy nhằm báo ân Phật ân, nhằm báo ân chúng sanh. Quý vị sử dụng tâm thái như vậy thì mới có thể cảm ứng đạo giao cùng chư Phật, Bồ Tát, trên giảng đài mới được chư Phật, Bồ Tát gia trì, mới có thể giảng hay, giảng đến nỗi có thể chạm đúng tiếng tơ lòng của người nghe.
Nói thật ra, chạm đúng tiếng tơ lòng của người nghe có phải là năng lực của chính mình hay không? Chẳng phải, đó là do Phật, Bồ Tát gia trì! Không chỉ là người giảng được Phật, Bồ Tát gia trì, mà người nghe cũng được Phật, Bồ Tát gia trì. Nếu Phật, Bồ Tát chẳng gia trì, làm sao quý vị nghe hiểu cho được? Quý vị có thể nghe thông hiểu, nghe hoan hỷ là do Phật, Bồ Tát gia trì. Điều này chứng tỏ thiện căn từ vô lượng kiếp trong đời quá khứ đã phát hiện. Quý vị chẳng có thiện căn, Phật, Bồ Tát có muốn gia trì cũng chẳng thể gia trì! Chính mình thật sự có thiện căn, hiện thời được Tam Bảo gia trì, người nói và kẻ nghe mới có thể đạt được lợi ích thù thắng. Lợi ích thù thắng là sanh khởi chân tín, nguyện thiết, y giáo phụng hành, trong đời này quyết định vãng sanh thế giới Cực Lạc. Điều hết sức quan trọng là phải bỏ sạch hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng!
Tu Tịnh Độ, tuy Tịnh Độ có năm kinh một luận, nhưng nếu chư vị thật sự mong quyết định sanh về Tịnh Độ trong một đời này thì đối với năm kinh một luận, chỉ có thể chọn lấy một thứ. Năm kinh một luận là sáu thứ, chọn bất cứ một thứ nào cũng đều được, đều có thể quyết định thành tựu, thâm nhập một môn. Sau khi đã thâm nhập một môn, năm thứ khác chắc chắn sẽ thông suốt. Không chỉ là thông suốt năm thứ khác, mà tất cả hết thảy Đại Thừa Phật pháp cũng nhất định sẽ thông đạt. Không chỉ là thông đạt Đại Thừa Phật pháp, mà lại thưa cùng quý vị, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, chẳng có gì không thông đạt. Vì sao? Vì hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, quý vị thật sự chứng được thanh tịnh, bình đẳng, há lẽ nào chẳng thông đạt? Chứng đắc thanh tịnh, bình đẳng là chứng đắc nhất tâm bất loạn, là minh tâm kiến tánh, là đại khai viên giải. Sau khi đã thông đạt hết thảy, khi đó, quý vị vẫn đại từ đại bi hoằng dương một môn, vì sao? Nêu gương cho kẻ chưa ngộ, khiến cho họ có một con đường chánh đáng để noi theo. Đó là từ bi. Chúng ta thấy bao nhiêu vị tổ sư đại đức từ xưa, suốt đời chuyên hoằng truyền một bộ kinh, hoặc một bộ luận, tối đa là chẳng vượt quá mười bộ. [Những vị hoằng truyền] mười bộ hết sức hiếm có, quá nửa là chuyên hoằng truyền một bộ hoặc hai bộ. Các Ngài có thành tựu thù thắng ngần ấy, đều nêu gương cho chúng ta, đấy cũng là các vị tổ sư đại đức đại từ đại bi; chẳng phải là các Ngài không biết, thứ gì các Ngài cũng đều thông hiểu!
Nói tới chỗ này, ba điều kiện đầy đủ. Hễ ba điều kiện đầy đủ, chắc chắn sẽ vãng sanh. Phẩm vị vãng sanh cao hay thấp, tùy thuộc quý vị có công phu cạn hay sâu! Công phu là gì? Công phu chẳng phải là niệm Phật hiệu bao nhiêu, không do điều này, mà là độ thuần nơi cái tâm thanh tịnh trong niệm Phật. Tâm càng thanh tịnh, càng bình đẳng, công phu càng sâu. Công phu cạn hay sâu phụ thuộc mức độ thanh tịnh của cái tâm; nói theo kinh Vô Lượng Thọ sẽ là “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, ba chuyện này có mức độ cao thấp, sâu cạn sai khác. Hôm nay chúng tôi giảng tới chỗ này.
[1] Ý nói bản kinh này có chi tiết này, bản kinh kia không có. Hoặc bản kinh kia có, mà bản này không có.
[2] Đạm Thủy là một khu hành chánh của thành phố Tân Bắc (một thành phố phụ cận mở rộng của Đài Bắc). Khu này được đặt tên theo sông Đạm Thủy.