#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 01-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 257
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm mười ba:
(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh cụ túc, thị lợi nghĩa.
(Sao) Thí quán tự tánh, khiếm thiểu hà sự, linh tri thể thượng, Di Đà thánh chúng chung nhật hiện tiền, Thường Tịch Quang trung, Cực Lạc tịnh bang vô thời bất vãng. Nại hà Phật kiến thị lợi, chúng sanh nhược manh, Phật thuyết thị lợi, chúng sanh nhược lung. Tuy thị lao tha kim khẩu tuyên dương, tu thị nhất hồi thân kiến thỉ đắc.
(疏)稱理,則自性具足,是利義。
(鈔)試觀自性,欠少何事,靈知體上,彌陀聖眾終日現前,常寂光中,極樂淨邦無時不往。奈何佛見是利,眾生若盲,佛說是利,眾生若聾,雖是勞他金口宣揚,須是一回親見始得。
(Sớ: Xứng Lý, tự tánh trọn đủ là ý nghĩa “điều lợi này”.
Sao: Thử quán tự tánh, có thiếu khuyết chuyện gì? Nơi cái thể linh tri, Phật Di Đà và thánh chúng suốt ngày hiện tiền. Trong Thường Tịch Quang, cõi tịnh Cực Lạc không lúc nào chẳng đến. Hiềm rằng Phật thấy điều lợi này, chúng sanh như mù; đức Phật nói điều lợi này, chúng sanh như điếc. Tuy Ngài nhọc nhằn miệng vàng tuyên dương, vẫn phải là [chính chúng ta] một phen đích thân trông thấy thì mới đạt được).
Trong đoạn này, Liên Trì đại sư đã nói xứng tánh. Do vậy có thể biết: Mê và ngộ sai biệt quá lớn. Chư Phật Như Lai thấy điều lợi ấy, chúng ta chỉ có thể nói theo Sự. Nói theo Lý, hoàn toàn chẳng phải là cảnh giới của bọn phàm phu chúng ta. Lý là chân tâm, là bản tánh. “Tự tánh” được nói ở đây chính là chân tâm bản tánh, tự tánh vốn trọn đủ, chẳng thiếu khuyết mảy may nào! Lục Tổ Huệ Năng đại sư lúc khai ngộ đã nói: “Nào ngờ tự tánh, vốn tự trọn đủ”, câu nói ấy hoàn toàn tương đồng với lời Liên Trì đại sư đang nói ở đây. Ắt cần phải là sau khi đã triệt ngộ thì mới thấy tự tánh vốn sẵn trọn đủ. Nếu còn thuộc địa vị mê hoặc, cũng có nghĩa là chúng ta mê mất tự tánh, có thể nói: Trước mắt chúng ta, thứ gì cũng đều khiếm khuyết, thứ gì cũng đều chẳng trọn đủ. Lợi và hại sai biệt há chỉ là một trời, một vực. Điều này nói rõ chuyện triệt ngộ và kiến tánh hết sức trọng yếu. Phật pháp chỉ dạy hết thảy chúng sanh chẳng có gì khác, chỉ là dạy chúng ta giác ngộ, chỉ nhằm dạy chúng ta khôi phục tự tánh mà thôi. Kinh Đại Thừa thường nói: “Viên mãn Bồ Đề, quy vô sở đắc” (Viên mãn Bồ Đề, trở về chỗ không có gì để đạt được). Viên mãn Bồ Đề là chứng đắc viên mãn Phật quả rốt ráo; khi ấy, hỏi quý vị rốt cuộc đạt được những gì? Mới hoảng nhiên đại ngộ, thứ gì cũng đều chẳng đạt được. Vì sao thứ gì cũng đều chẳng đạt được? Những gì đạt được thảy đều là vốn có sẵn trong tự tánh! Khi kẻ thuộc địa vị phàm phu như chúng ta quan sát, [sẽ thấy] người ấy đạt được quá nhiều, vô lượng trí huệ, trí huệ rốt ráo viên mãn, vô lượng đức năng, vô lượng tài nghệ, vô lượng thọ mạng, hết thảy các thứ vô lượng đều đạt được. Vì sao nói quý vị thứ gì cũng chẳng đạt được? Vì hết thảy vô lượng đều vốn sẵn trọn đủ trong tự tánh; ngoài tự tánh ra, thứ gì cũng đều chẳng có. Đó là ý nghĩa thật sự của “quy vô sở đắc”. Tánh trọn đủ tuy viên mãn như vậy, nhưng [phàm phu] chẳng thể kiến tánh, chẳng thể thọ dụng mảy may công đức vốn sẵn trọn đủ trong tự tánh. Đương nhiên là lục đạo phàm phu chẳng cần phải nói nữa, càng ngày càng trầm luân, càng khổ sở hơn. Nếu quý vị hỏi: Vì sao khổ ư? Càng mê càng sâu, cuộc sống ngày càng khổ sở hơn. Đạo lý ở chỗ này.
Những điều được nói trong đoạn này hoàn toàn là lời lẽ kiến tánh, hoàn toàn là cảnh giới đã khôi phục bản tánh, quý vị mới thấy “Di Đà thánh chúng” (Phật Di Đà và thánh chúng), Di Đà thánh chúng do đâu mà có? Tự tánh Di Đà, tự tánh Quán Âm, tự tánh Đại Thế Chí, tự tánh Liên Trì Hải Hội, có thứ gì thuộc về bên ngoài hay chăng? Thật đấy! Chẳng giả tí nào! Thường Tịch Quang là toàn thể của tự tánh chúng ta. “Thường” (常) là chẳng gián đoạn, vĩnh hằng, vĩnh viễn là tình trạng như vậy, chưa hề biến đổi, thường hằng. “Tịch” (寂) là tịch tĩnh. Chúng ta nói đến Định, Định đến mức tột cùng bèn gọi là “tịch diệt”. Tịch Diệt Nhẫn trong Ngũ Nhẫn chính là tự tánh vốn định, chẳng phải do tu được. “Quang” (光) là quang minh, cũng là trí huệ viên mãn. Kinh Đại Thừa nói ba chữ ấy chính là “Tam Đức bí tạng”, tức là Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát,“Thường” là Pháp Thân, “Tịch” là Giải Thoát, “Quang” là Bát Nhã. Thường Tịch Quang là tướng Tam Đức viên mãn. “Cực Lạc tịnh bang vô thời bất vãng” (Không lúc nào chẳng đến cõi tịnh Cực Lạc). Thường Tịch Quang là thế giới Cực Lạc, thế giới Cực Lạc là Thường Tịch Quang. Cố nhiên ba chữ ấy là Quả Đức, nay chúng ta phải tu. Nếu nhân và quả chẳng tương ứng, dẫu tu tập vất vả thế nào đi nữa, vẫn chẳng thể nhập cảnh giới ấy! Chúng ta khởi đầu tu từ đâu? Tu khởi đầu từ Định. Định là then chốt, chỉ cần đạt được một chữ trong ba chữ “Thường Tịch Quang”, hai chữ kia sẽ đều đạt được. Trong ba chữ ấy, hãy nên thực hiện từ đâu? Thực hiện từ Tịch. Tịch chính là “nhất tâm bất loạn” được nói trong kinh này, mà cũng là Niệm Phật tam-muội được nói trong Tịnh Tông, đấy là mục tiêu tu học của người tu Tịnh Độ chúng ta. Nếu tâm chúng ta thật sự ngày càng thanh tịnh hơn, mỗi năm một thanh tịnh hơn, công phu sẽ đắc lực, tu học đúng vào nề nếp. Vì thế, nhân và quả nhất định phải tương ứng.
Không chỉ là tương ứng với mục tiêu cuối cùng này, mà những lợi ích đạt được trước mắt cũng thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Trong kinh Đại Thừa, đức Phật thường nói: Hết thảy các hiện tượng, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Duy tâm, Tâm và Thức đều là tự tánh khởi tác dụng. Đại dụng (tác dụng to lớn) của tự tánh là hiện tướng. [Nói tới] tác dụng của tự tánh thì trong ấy là hữu tác (có tạo tác). Nếu là vô tác thì [chỉ là] hiện tướng, hễ hữu tác thì tướng ấy bèn dấy lên sự biến hóa. Kinh thường nói: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”, “tưởng” (想) là đã làm. Chẳng làm, há có tưởng? Chẳng cần phải đợi đến lúc thân thể cử động, hễ trong tâm vừa tưởng thì là “đã làm”. Ví như chúng ta ngủ bèn nằm mộng. Nằm mộng thì thân chúng ta chẳng động, miệng cũng chẳng động, nhưng trong tâm có tưởng, mộng cảnh bèn hiện tiền. Quý vị mới hiểu Tưởng có mối quan hệ quá lớn! Vì thế, tu hành trong nhà Phật hết sức coi trọng Quán Tưởng. Bất luận Hiển Giáo hay Mật Giáo, Tông Môn hay Giáo Hạ, Quán Tưởng là một khoa mục tu học hết sức quan trọng trong Phật môn. Chúng ta tu Tịnh Độ, Thập Lục Quán Kinh dạy chúng ta mười sáu phương pháp quán tưởng. Vì sao? “Tưởng” có thể biến, đó là “duy thức sở biến”. Nếu chúng ta thật sự hiểu đạo lý này, hiểu rõ sự thật này, cuộc sống của chúng ta có thể tùy tâm như ý. Chúng ta mong thân thể khỏe mạnh, mong chẳng bị bệnh tật, thậm chí mong bệnh tật nơi thân có thể khôi phục hoàn toàn bình thường, dùng phương pháp gì? Quán tưởng. “Tưởng” có thể biến.
Điều được ưa chuộng nhất trong hiện thời là biến đổi thể chất, biến hóa thể chất. Thể chất biến hóa như thế nào? Tưởng! Thể chất khỏe mạnh là do tâm địa thanh tịnh. Chỉ cần quý vị tịnh hóa tâm linh, thân thể sẽ có thể khôi phục khỏe mạnh. Người nhiễm bệnh, điều trị cách nào cũng trị chẳng lành, do nguyên nhân gì? Trong tâm người ấy dấy vọng tưởng, nghĩ đến bệnh tật. Khi người ta chẳng có bệnh, chỉ cần quý vị nghĩ đến bệnh tật, sớm muộn gì cũng mắc chứng bệnh ấy. Bệnh do đâu mà có? Do tưởng mà có, sanh từ tâm tưởng, lẽ nào quý vị chẳng mắc bệnh cho được? Vì vậy, quán tưởng hết sức quan trọng. Chúng ta tưởng, tưởng y báo và chánh báo trang nghiêm của A Di Đà Phật, tưởng A Di Đà Phật thân kim sắc, tưởng thân tượng (身像: hình dạng thân thể) của A Di Đà Phật luôn trong suốt, chẳng có mảy may ô nhiễm nào. Có thể thường xuyên tưởng như thế, sẽ bất tri bất giác biến thân thể của chính mình trở thành giống hệt như thân thể của A Di Đà Phật. Chuyện là như vậy đó. Đó là sự thật. Vì thế, tâm chẳng thể không thanh tịnh, chớ nên có mảy may nhiễm trước. Từ lý luận này, chúng ta thật sự thấu hiểu trạng huống của thế giới Cực Lạc trong cảnh giới của Phật và các vị đại Bồ Tát, đích xác là chân thật, chẳng dối.
“Phật kiến thị lợi” (Đức Phật thấy điều lợi ấy), chư Phật, Bồ Tát đã thấy, “chúng sanh nhược manh” (chúng sanh như mù), “manh” (盲) là đui mắt, chẳng thấy. “Phật thuyết thị lợi, chúng sanh nhược lung” (Đức Phật nói điều lợi ấy, chúng sanh như điếc), “lung” (聾) là chẳng nghe rõ, chẳng nghe thấy. Đức Phật nói [điều đại lợi ích ấy] mà chúng sanh đều như điếc, như mù; thế thì có thể suy ra sẽ biết trạng huống [lãnh hội] của chúng sanh khi [nghe] những hàng đệ tử kém cỏi hơn Phật giảng nói! Có mấy ai nghe pháp mà có thể thật sự giác ngộ?
“Tuy thị lao tha kim khẩu tuyên dương” (Tuy Ngài nhọc nhằn miệng vàng tuyên dương), chữ “tha” (他) chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật. Chúng ta khiến cho Thích Ca Mâu Ni Phật nhọc nhằn giảng kinh, thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm! Trong cái nhìn của lũ phàm phu chúng ta, Thích Ca Mâu Ni Phật rất vất vả, rát miệng buốt lòng khuyên dạy chúng ta; nhưng chúng ta cần phải đích thân thấy cảnh giới ấy, “thân kiến” (親見: đích thân trông thấy) [có nghĩa] là chứng đắc. Chứng đắc như thế nào? Phải vâng theo lời dạy mà tu hành, chiếu theo phương pháp do Thích Ca Mâu Ni Phật đã chỉ dạy để hành, chúng ta sẽ có thể chứng minh, chứng thực cảnh giới ấy. Quý vị có thể chứng minh tức là chính mình sẽ nhập cảnh giới ấy, chính mình đạt được thọ dụng thật sự.
(Kinh) Xá Lợi Phất! Như ngã kim giả, tán thán A Di Đà Phật bất khả tư nghị công đức chi lợi.
(經)舍利弗。如我今者。讚歎阿彌陀佛不可思議功德之利。
(Kinh: Này Xá Lợi Phất! Như ta nay tán thán lợi ích công đức chẳng thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật).
Qua đoạn kinh văn lớn dưới đây, chúng ta có thể thấy: Thích Ca Mâu Ni Phật tán thán A Di Đà Phật, A Di Đà Phật cũng tán thán Thích Ca Mâu Ni Phật. Không chỉ là Phật Di Đà và đức Thế Tôn tán thán lẫn nhau, mà mười phương hết thảy chư Phật thấy sự thật này, chẳng có vị Phật nào không tán thán. Mục đích là khiến cho chúng ta thấy tình hình tốt đẹp, tình hình tốt đẹp chưa từng có như thế ấy, sẽ giúp cho chúng ta đoạn nghi sanh tín.
(Sớ) Thừa thượng bất độc ngã kiến thị lợi nhi thuyết thử ngôn.
(疏)承上不獨我見是利而說此言。
(Sớ: Thừa tiếp ý “không chỉ riêng ta thấy điều lợi ấy mà nói lời này” trên đây).
“Ta” là Thích Ca Mâu Ni Phật tự xưng. “Như ngã kim giả” (Như ta nay), Thích Ca Mâu Ni Phật tự xưng.
(Sớ) Diệc thập phương chư Phật đồng kiến thị lợi nhi thuyết thử ngôn dã.
(疏)亦十方諸佛同見是利而說此言也。
(Sớ: Mười phương chư Phật cũng do cùng thấy lợi ích ấy nên nói lời này).
Mười phương hết thảy chư Phật đều thấy lợi ích này, lợi ích này là nói theo Sự: “Tín nguyện trì danh, vãng sanh bất thoái thành Phật”. Đức Phật thấy lợi ích này. “Lý” hết sức sâu, chỉ có chư Phật Như Lai mới có thể thấy thấu triệt. Đẳng Giác Bồ Tát mà nếu chẳng được Phật lực gia trì, cũng chẳng thể thấy rõ ràng và minh bạch dường ấy. Chư Phật thấy điều lợi ích to lớn này, “tín nguyện trì danh, vãng sanh bất thoái thành Phật”, đã nói rõ ràng, minh bạch chuyện hóa độ chúng sanh của hết thảy chư Phật Như Lai. Phật pháp đúng là rất đơn giản. Không chỉ là đối với chuyện giáo hóa chúng sanh trong suốt một đời Thích Ca Mâu Ni, mà đối với sự giáo hóa chúng sanh của hết thảy chư Phật, quý vị thấy câu nói ấy (“tín nguyện trì danh, vãng sanh bất thoái thành Phật”) đã nói trọn hết. Người chuộng đơn giản bèn đơn giản như thế đó. Đối với kẻ ưa rườm rà, cả một bộ Đại Tạng Kinh vẫn chưa nói trọn hết! Đức Phật thuyết pháp là ứng cơ thuyết pháp, [nghĩa là] quý vị thích tiếp nhận như thế nào, đức Phật bèn giảng cho quý vị như thế đó. Kẻ chuộng đơn giản bèn dễ dàng như thế, lại còn thành tựu hết sức thù thắng.
(Sớ) Tán giả, xưng tán. Thán giả, cảm thán. Bất khả tư nghị giả, thượng ngôn “ngã kiến thị lợi”, kim cực ngôn kỳ lợi phi tầm thường chi lợi dã.
(疏)讚者,稱讚;歎者,感歎。不可思議者,上言我見是利,今極言其利非尋常之利也。
(Sớ: “Tán” là khen ngợi. “Thán” là cảm thán. “Chẳng thể nghĩ bàn”: Trong phần trên đã nói “ta thấy điều lợi ấy”, nay cực lực nói “điều lợi ấy chẳng phải là lợi ích tầm thường”).
Chẳng phải là lợi ích bình phàm. Lợi ích bình phàm là lợi ích nhỏ nhặt, chẳng phải là lợi ích chân thật. [Lợi ích bình phàm] là đạt được lợi ích trước mắt, trong tương lai chẳng có lợi ích, là lợi ích đạt được trong một đời này, đời sau chẳng có lợi ích, [những thứ lợi ích như vậy] toàn là giả, đều chẳng chân thật. Đời này siêng khổ tu hành, đời sau có thể chứng quả A La Hán, thoát tam giới, liễu sanh tử, đó là tiểu lợi. Có thể đoạn Hoặc chứng Chân, chứng đắc quả vị Bồ Tát thì cũng là tiểu lợi, chẳng thể coi là đại lợi. Phàm phu thành Phật, đấy mới là đại lợi ích, đấy mới gọi là lợi ích chẳng thể nghĩ bàn, chẳng phải là lợi ích bình phàm.
(Sớ) Văn hữu tam chuyển.
(疏)文有三轉。
(Sớ: Kinh văn có ba lượt chuyển biến).
Chúng ta rất khó thấy được [điều này]. Ở đây, Liên Trì đại sư nhắc nhở chúng ta, chúng ta suy nghĩ, thấy không sai, quả nhiên là như vậy.
(Sao) Đệ nhất, phi vô ích, cố vân lợi.
(鈔)第一、非無益,故云利。
(Sao: Thứ nhất, chẳng phải là vô ích nên nói là Lợi).
Chúng ta học Phật, làm học trò của Phật để theo Phật học tập. Nếu chẳng đạt được một chút lợi ích nào, chúng ta học Phật để làm gì? Vì thế, tuyệt đối chẳng phải là không có lợi ích, cho nên gọi là Lợi.
(Sớ) Nhị, phi đản sự phước chi lợi, cố vân công đức chi lợi.
(疏)二、非但事福之利,故云功德之利。
(Sớ: Thứ hai, không chỉ là lợi ích thuộc về phước báo nơi Sự, cho nên nói là lợi ích thuộc về công đức).
Những sự, những phước báo trong thế gian chẳng phải là rốt ráo, chẳng hoàn mỹ. Nói cách khác, chúng có khuyết hãm, mà cũng chẳng lâu dài, chẳng phải là điều lợi thật sự. Lợi ích thuộc công đức khác hẳn, lợi ích thuộc công đức có thể giúp chúng ta tu hành chứng quả. Vì vậy, điều lợi ích này khác với lợi ích theo quan niệm thông thường của người thế gian.
(Sớ) Tam, phi đản công đức chi lợi, cố vân bất khả tư nghị công đức chi lợi dã.
(疏)三、非但功德之利,故云不可思議功德之利也。
(Sớ: Ba là không chỉ lợi ích thuộc về công đức, cho nên nói là lợi ích chẳng thể nghĩ bàn về mặt công đức).
Giúp chúng ta thoát tam giới, liễu sanh tử, chứng quả Nhị Thừa là tiểu lợi ích. Giúp chúng ta chứng quả vị Đại Thừa Bồ Tát vẫn là tiểu lợi ích. Nay nói với quý vị lợi ích do niệm Phật vãng sanh, [lợi ích ấy] sẽ khác hẳn, đó là lợi ích viên mãn rốt ráo. Vì thế, gọi là “bất khả tư nghị công đức chi lợi”. Chư vị phải hiểu rõ câu nói này do chính miệng đức Phật nói ra, chẳng phải là được thốt ra từ miệng kẻ tầm thường! Kẻ bình phàm nói “chẳng thể nghĩ bàn” thì do trí huệ, kiến giải, năng lực của chúng ta hoàn toàn chẳng lớn, hễ hơi có chút gì chúng ta không có cách nào tưởng tượng được bèn bảo là “chẳng thể nghĩ bàn”. Chúng ta cảm thấy [những điều ấy] chẳng thể nghĩ bàn, nhưng đối với chư Phật, Bồ Tát, chúng là có thể nghĩ bàn! Nếu đối với chư Phật, Bồ Tát đều coi là chẳng thể nghĩ bàn thì chúng ta chẳng thể tư duy hay tưởng tượng cảnh giới ấy được. Đó là thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Do vậy, lời lẽ ấy do chính miệng Thích Ca Mâu Ni Phật thốt ra, [cho nên là chẳng thể nghĩ bàn thật sự]. Không chỉ riêng Thích Ca Mâu Ni Phật tán thán như vậy, mười phương hết thảy chư Phật đều tán thán như vậy. Nếu chúng ta vẫn chẳng thể tin tưởng, vẫn chẳng thể tiếp nhận, sẽ là Nhất Xiển Đề (Icchantika) như kinh đã nói. Nhất Xiển Đề là “chẳng có thiện căn”, hết cách cứu!
(Sớ) Dĩ thị tán thán, phi ngẫu nhiên cố.
(疏)以是讚歎,非偶然故。
(Sớ: Do vì tán thán như vậy chẳng phải là chuyện ngẫu nhiên).
Chúng ta lại xem chú giải trong phần Sao.
(Sao) Xưng tán giả, xưng dương tán mỹ bỉ Phật quảng đại công đức.
(鈔)稱讚者,稱揚讚美彼佛廣大功德。
(Sao: “Xưng tán”: Ca ngợi, tôn vinh công đức rộng lớn của đức Phật ấy).
“Bỉ Phật” là A Di Đà Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật tán thán công đức rộng lớn của A Di Đà Phật, [những công đức ấy được] nói cặn kẽ trong kinh Vô Lượng Thọ. Vì thế, qua kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn đã tán thán “quảng đại công đức” (công đức rộng lớn) của A Di Đà Phật. Mười phương chư Phật cũng tán thán A Di Đà Phật giống hệt như Thích Ca Mâu Ni Phật.
(Sao) Linh nhân quy tín dã.
(鈔)令人歸信也。
(Sao: Khiến cho kẻ khác quay về tin tưởng).
“Quy” (歸) là quay về, “tín” (信) là tin tưởng, ngưỡng mộ. Không chỉ là từ lục đạo quay về, không chỉ là từ Nhị Thừa quay về, hoặc từ Đại Thừa quay về, mà là từ hết thảy các pháp môn quay về, chuyên nhất nơi pháp môn này. “Quy tín” có ý nghĩa này. Nếu quý vị chẳng chịu quay về, chẳng chịu từ trong lục đạo quay về, sẽ rất nhọc nhằn, quý vị phải luân hồi trong lục đạo. Luân hồi trong lục đạo sẽ chẳng tránh khỏi đọa trong ba ác đạo. Nói thật ra, ba ác đạo hết sức đáng sợ, hết sức kinh hãi! Sau khi đã chứng đắc quả Tu Đà Hoàn, hàng Nhị Thừa còn phải qua lại bảy lần trong cõi trời và nhân gian rồi mới có thể chứng quả A La Hán. Thọ mạng trong nhân gian ngắn ngủi, thọ mạng trong cõi trời dài lâu. Qua lại bảy lần, thời gian ấy tính bằng con số thiên văn, phải chịu đựng bao nhiêu nỗi nhọc nhằn! Đại Thừa Bồ Tát phải trải nghiệm ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Vì sao chẳng quay về? Hễ quay đầu, sẽ thành tựu ngay trong một đời! Người bình phàm phải tu trì suốt hai A-tăng-kỳ kiếp mới có thể đạt tới địa vị ấy, chúng ta trong một đời đã có thể làm được. Đó là công đức rộng lớn của A Di Đà Phật, chư Phật Như Lai gọi điều ấy là “chẳng thể nghĩ bàn”. Vì thế, chúng ta nhất định phải hiểu câu “chẳng thể nghĩ bàn” là do ai nói.
(Sao) Cảm thán giả, cảm kích thán tức, thử pháp nhân thiên hy hữu, lịch kiếp nan phùng.
(鈔)感歎者,感激歎息,此法人天希有,歷劫難逢。
(Sao: Cảm thán là cảm kích, than thở, pháp này là pháp hiếm có trong cõi trời người, trải bao kiếp khó gặp gỡ).
Phải ghi nhớ tám chữ này (“nhân thiên hy hữu, lịch kiếp nan phùng”). Chớ nghĩ đời này chúng ta có được pháp này quá dễ dàng. Nói thông tục là quý vị quá may mắn. “May mắn” là cách nhìn của kẻ bình phàm, nông cạn! Người thật sự có học vấn, có chiều sâu sẽ biết: Những gì quý vị đạt được chẳng phải là ngẫu nhiên, giống như trong kinh Vô Lượng Thọ đã nói, là do quý vị đã tu thiện căn và phước đức trong vô lượng kiếp nên mới có cơ hội gặp gỡ. Nếu chẳng phải là do thiện căn và phước đức trong vô lượng kiếp đã chín muồi, trong một đời này, chắc chắn là quý vị chẳng gặp pháp môn này! Dẫu có gặp, quý vị cũng chẳng tin tưởng, cũng chẳng thể coi trọng, dẫu gặp mà cũng như không gặp! Đúng là “nhân thiên hy hữu, lịch kiếp nan phùng” (hiếm có trong cõi trời người, trải bao kiếp khó gặp gỡ)! Cổ nhân từng nói: “Một ngày hiếm có, khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay”. Chúng ta gặp được pháp môn này, chỉ có người thật sự biết sự thật này thì mới biết quý tiếc, coi pháp này như vật báu trân quý nhất.
(Sao) Linh nhân bi hỷ, hỷ giả, hỷ kỳ đắc văn.
(鈔)令人悲喜,喜者,喜其得聞。
(Sao: Khiến cho kẻ khác buồn vui [lẫn lộn]. Vui là vui mừng do được nghe).
Đây là hoan hỷ. Thật sự đắc đại hoan hỷ, còn hoan hỷ hơn hàng Bồ Tát thuộc Hoan Hỷ Địa. Bồ Tát chứng Hoan Hỷ Địa do tu hành trọn một A-tăng-kỳ kiếp, tu viên mãn địa vị Tam Hiền, chứng nhập Sơ Địa Bồ Tát, đắc đại hoan hỷ. Giống như quý vị học hành trong nhà trường mười mấy năm, tốt nghiệp Cao Trung (cấp ba Trung Học, Trung Học đệ nhị cấp), vừa lên Đại Học bèn rất hoan hỷ. Phía trên năm đầu tiên của Đại Học còn có khá nhiều lớp nữa, vẫn phải “bò” lên cao hơn rất vất vả. Đó là tu trọn một A-tăng-kỳ kiếp. Chúng ta gặp pháp môn này, chẳng cần phải tu, ngay lập tức vượt trỗi Sơ Địa, thật sự vượt trỗi! Kinh Di Đà nói như vậy, mà kinh Vô Lượng Thọ cũng nói giống y hệt. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là A Bệ Bạt Trí Bồ Tát. A Bệ Bạt Trí là hạng người nào? Từ Thất Địa trở lên. Nói cách khác, Bồ Tát bình phàm tu hành đến Thất Địa phải tu trọn hai A-tăng-kỳ kiếp. Trong A-tăng-kỳ kiếp thứ nhất, tu mãn địa vị Tam Hiền; trong A-tăng-kỳ kiếp thứ hai [tu tập] từ Sơ Địa cho đến Thất Địa. Chúng ta sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, dẫu hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, hễ đến Tây Phương Cực Lạc thế giới thì cũng giống hệt như Thất Địa Bồ Tát, lẽ nào chẳng hoan hỷ? Trong chốc lát, vượt thoát hai A-tăng-kỳ kiếp. Trước kia, trong lời mi chú cho kinh Vô Lượng Thọ, thầy Lý đã nói: Kẻ gặp pháp môn này mà chẳng chịu phát nguyện vãng sanh, kẻ ấy “phi ngu tức cuồng”, [nghĩa là] chẳng phải đại ngu si thì là cuồng vọng. “Hỷ” (喜) là mừng vui do được nghe [pháp môn] này.
(Sao) Bi giả, bi kỳ văn chi vãn dã.
(鈔)悲者,悲其聞之晚也。
(Sao: Buồn là buồn vì nghe pháp này muộn màng).
“Bi” (悲) là cảm thán chúng ta mãi cho tới nay mới được nghe. Tuy đã trễ tràng, vẫn không coi là chậm. Sớm nghe thấy, đã sớm tin tưởng, sớm thành tựu. Vì thế, chúng ta sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, người cùng theo A Di Đà Phật đến đón tiếp chúng ta rất đông. Những người ấy đều là người nhà, quyến thuộc, bằng hữu, đồng học, đồng tham của chúng ta trong quá khứ, đều là những người mà ta quen biết. Trong quá khứ, những người ấy nghe pháp này bèn tin tưởng, nghiêm túc tu hành, đã vãng sanh. Chúng ta có duyên với họ, cho nên họ theo A Di Đà Phật đến tiếp dẫn chúng ta. Vừa thấy mặt, chẳng cần giới thiệu liền nhận biết. Vì sao? Đến thế giới Tây Phương bèn có Tha Tâm Thông, chẳng cần phải giới thiệu, người này trong đời quá khứ nào đã có quan hệ gì với ta, ta đều hiểu rõ hoàn toàn. Vì thế, tới Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ chẳng tịch mịch. Chư vị phải hiểu rõ: Luân hồi trong lục đạo rất tịch mịch, [vì] xoay vần trong lục đạo, chẳng gặp một người thân nào, chẳng gặp ai quen biết. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, người mà chúng ta đã quen biết trong đời đời kiếp kiếp quá khứ thảy đều gặp mặt tại đó. Vì thế, thế giới Tây Phương rất náo nhiệt, chẳng tịch mịch. Do vậy, hãy nên đến đó.
(Sao) Bất khả tư nghị, thị thử kinh nguyên danh.
(鈔)不可思議,是此經原名。
(Sao: “Chẳng thể nghĩ bàn” là tên gốc của kinh này).
Kinh này là kinh Bất Khả Tư Nghị.
(Sao) Nghĩa kiến tiền tự.
(鈔)義見前序。
(Sao: Xem ý nghĩa trong phần Tựa ở trước).
Trong phẩm Tự thuộc phần trước đã có giảng [ý nghĩa của chữ Bất Khả Tư Nghị]; khi giới thiệu tựa đề kinh đã giảng qua.
(Sao) Kinh danh Bất Khả Tư Nghị giả, chánh dĩ A Di Đà Phật hữu thử bất khả tư nghị đại công đức dã.
(鈔) 經名不可思議者 ,正以阿彌陀佛有此不可思議大
功德也。
(Sao: Kinh có tên là Bất Khả Tư Nghị chính là vì A Di Đà Phật có công đức to lớn chẳng thể nghĩ bàn ấy).
Lời chú giải trong sách Diễn Nghĩa đã nêu rõ ý nghĩa này.
(Sao) Văn hữu tam chuyển giả, lợi trung đa hàm, triển chuyển thâm quảng.
(鈔)文有三轉者,利中多含,展轉深廣。
(Sao: “Kinh văn có ba lượt chuyển biến”: Trong các điều lợi ích có nhiều ý nghĩa, [mỗi ý nghĩa] lần lượt càng sâu rộng hơn).
Công đức lợi ích chẳng thể nghĩ bàn, đích xác là lợi ích rất nhiều. Đoạn này nhằm giải thích ba câu trong phần Sớ.
(Sao) Sơ, sự phước chi lợi giả, tu sự tướng phước, thế gian nhân cố, thị danh tiểu lợi.
(鈔)初,事福之利者,修事相福,世間因故,是名小利。
(Sao: Đầu tiên, “điều lợi về phước theo mặt Sự”: Tu phước nơi sự tướng, sẽ là cái nhân của thế gian, nên gọi là “tiểu lợi”).
Nay chúng ta ở trong thế gian này làm những sự nghiệp từ thiện có công đức lợi ích đại chúng trong xã hội, những việc ấy thuộc về “sự tướng phước”, đạt được phước báo trong lục đạo. Quý vị tu phước, nhất định sẽ hưởng phước. Trong kinh luận, đức Phật thường nói rõ các sự thật về nhân duyên quả báo. Tu Tài Bố Thí, dùng tiền tài để giúp đỡ xã hội, giúp đỡ đại chúng, đạt được quả báo là của cải. Tài Bố Thí là nhân, được của cải là quả báo. Nay phát tài to lớn, quan cao chức cả, là do cái nhân đã tu trong đời trước, đời này được quả báo. Nhân như thế, nhất định là có quả như thế, báo như thế, quả báo chẳng sai lầm chút nào! Do Pháp Bố Thí bèn được thông minh, trí huệ. Do Vô Úy Bố Thí được khỏe mạnh, sống lâu. Những điều này đều thuộc loại phước báo nhân thiên. Nếu chẳng được làm thân trời, người thì sao? Trừ địa ngục ra, cũng hưởng phước trong loài súc sanh hay ngạ quỷ. Đã có phước báo thì làm súc sanh cũng rất có phước báo, là súc sanh hưởng phước lớn. Hễ đọa vào ngạ quỷ đạo, cũng chẳng phải là một con quỷ đói khát, mà là một con quỷ rất có phước, [tức là] sẽ làm Quỷ Vương trong loài quỷ, được người ta cúng quải. Như Thành Hoàng, Thổ Địa Công (ông Địa) đều là bậc có đại phước báo trong loài quỷ, bao nhiêu người đến cúng bái họ, nhất định là chẳng bị đói. Đấy là tu phước trong đời quá khứ, người ấy nhất định sẽ hưởng thụ. Thường là phàm phu trong lục đạo khi hưởng phước bèn mê hoặc, chúng ta thường nói là “lợi dục huân tâm” (lợi dục hun đúc cái tâm); hễ bị hun đúc liền mê, liền mờ mịt! Tâm đã mê, chẳng biết tiếp tục tu thiện. Sau khi đã mê bèn tạo tội nghiệp. Chờ cho đến khi hưởng hết phước báo, tội nghiệp hiện tiền. Đó gọi là “đọa lạc”, phải vào tam đồ chịu khổ. Đó gọi là “tam thế oán”, [nghĩa là] đời thứ nhất tu phước, đời thứ hai hưởng phước, đời thứ ba đọa lạc! Do vậy, điều lợi này là lợi ích nhỏ nhặt!
(Sao) Nhị, công đức chi lợi giả, xuất thế gian nhân cố, thị danh đại lợi.
(鈔)二、功德之利者,出世間因故,是名大利。
(Sao: Hai là điều lợi thuộc công đức chính là cái nhân xuất thế gian, nên gọi là đại lợi).
Công đức và phước đức sai biệt rất lớn; nhưng hiện thời có khá nhiều người nghĩ phước đức là công đức, đó là hiểu lầm rất lớn! Ví như họ nghĩ quyên cúng một chút tiền bạc cho chùa miếu là làm công đức rất lớn, sai mất rồi. Đó là phước đức, là tu phước nơi sự tướng, chẳng có mảy may liên quan gì đến công đức. Mọi người học Phật đều có thể kể về công án Lương Vũ Đế và Đạt Ma Tổ Sư. Lương Vũ Đế là đại hộ pháp trong Phật môn, dùng sự tôn quý và thế lực của đế vương để kiến tạo hơn bốn trăm tám mươi ngôi chùa, quy mô đều rất lớn. Vua độ người xuất gia, chăm sóc cuộc sống của người xuất gia. Chỉ cần ai phát tâm xuất gia, vua đều hoan hỷ, đều cúng dường, độ bao nhiêu người! Đạt Ma Tổ Sư đến Trung Quốc, gặp mặt Lương Vũ Đế. Sư là một vị cao tăng Ấn Độ, Lương Vũ Đế là một Phật tử kiền thành, đương nhiên phải tiếp đãi Sư. Nhà vua cũng rất đắc ý, khoe với Đạt Ma Tổ Sư: “Trong Phật giáo, trẫm làm công đức nhiều ngần ấy, công đức của trẫm có lớn hay không?” Đạt Ma Tổ Sư rất thật thà, chẳng nói dối, thẳng thừng bảo vua: “Trọn chẳng có công đức gì!” Những gì nhà vua đã làm chẳng có công đức chi hết. Lương Vũ Đế một bầu sôi nổi, đang phởn chí, bị Sư tạt cho một chậu nước lạnh tắt ngấm, trong lòng khó chịu lắm; cho nên Lương Vũ Đế đối đãi Đạt Ma Tổ Sư hết sức lãnh đạm, chẳng hộ pháp cho Ngài. Tổ chẳng có cách nào, đi đến chùa Thiếu Lâm nhìn vách suốt chín năm. Nếu khi ấy Lương Vũ Đế sửa một chữ: “Phước đức của ta lớn hay không?” Nhất định là Đạt Ma Tổ Sư gật đầu: “Rất ư là lớn!” Nhà vua tu phước đức, chẳng phải là công đức! Phải biết điều này! Vì thế, phải phân biệt rõ ràng công đức và phước đức. Phước đức dẫu to cách mấy, chẳng thể liễu sanh tử, chẳng thể thoát tam giới, đời sau hưởng phước báo nhân thiên mà thôi! Chỉ riêng công đức là khác. “Công” (功) tức là phải do chính mình tu tập.
Hôm trước, có người gọi điện thoại cho tôi, [than thở] chính mình nghiệp chướng rất nặng, một thân bệnh khổ, sự nghiệp gặp rất nhiều trắc trở, điều gì cũng chẳng như ý, hỏi tôi: “Bỏ ra mười vạn đồng làm công đức có thể tiêu tai hay không?” Có thể chuyển đổi vận số của người ấy hay không? Tôi nói: “Chẳng được. Đừng nói là mười vạn. Ông có dùng một trăm vạn hay một ngàn vạn đều vô dụng, chẳng chuyển được tai nạn”. Nếu tạo tội nghiệp, bỏ ra chút tiền bèn có thể tiêu tai, quá đơn giản! Trong xã hội hiện thời kẻ có tiền tạo nghiệp quá nhiều, tốn chút tiền bèn tiêu diệt tai ương, há có lẽ ấy hay chăng? Chẳng có lẽ ấy! Tiêu tai phải có công đức, phải biết điều này! Tu một chút phước, quả báo vẫn thuộc vào đời sau, chưa chắc quý vị đã có thể hưởng trong đời này, đời sau quý vị chắc chắn được hưởng, nhưng không nhất định là khi nào! Công đức khác hẳn.
“Công” là nói đến công phu. Lấy Giới, Định, Huệ Tam Học để nói, trì giới là Công, Định là Đức; tu Định là Công, khai trí huệ là Đức. Đó là công đức. Chúng ta niệm Phật, “tín nguyện niệm Phật” là Công, hằng ngày dụng công dốc sức tu niệm, nhất tâm bất loạn là Đức. Niệm Phật tam-muội là Đức. Tâm địa thanh tịnh, phiền não ít, vọng tưởng ít; đó là Đức. Công đức ấy chẳng thể bỏ tiền ra mua được! Công đức của tôi cũng chẳng có cách nào cho quý vị, đó gọi là “ông tu, ông đắc; bà tu, bà đắc. Chẳng tu, chẳng đắc”. “Công đức chi lợi, xuất thế gian nhân” (Lợi ích thuộc về công đức là cái nhân xuất thế). Quý vị tu học pháp môn khác, tu cái nhân xuất thế gian, vẫn chẳng đạt được cái quả xuất thế gian, nhưng cái nhân ấy tồn tại, khi nào lại gặp duyên, nhân và duyên ấy kết hợp thì mới có kết quả, đó là “đại lợi”. [Dẫu là] trong một đời này chẳng thể thành tựu, vẫn là đại lợi ích; trong tương lai, nói chung sẽ gặp duyên, bèn xuất ly.
(Sao) Tam, bất tư nghị công đức giả, xuất thế gian thượng thượng nhân cố, thị danh đại lợi trung đại lợi.
(鈔)三、不思議功德者,出世間上上因故,是名大利中大利。
(Sao: Ba là công đức chẳng thể nghĩ bàn, là cái nhân xuất thế gian thượng thượng, được gọi là đại lợi trong các đại lợi).
Công đức chẳng thể nghĩ bàn là gì? “Tín nguyện niệm Phật, vãng sanh bất thoái thành Phật”. Vì sao nói điều này là đại lợi trong các điều đại lợi? Người ấy đắc quả ngay trong đời này! Tu các pháp môn khác, tu suốt một đời, chưa chắc đã có thể đắc quả ngay trong đời này, không nhất định có thể chứng quả! Pháp môn này quyết định vãng sanh ngay trong đời này; hễ vãng sanh bèn chứng quả. Dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, hễ tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, đều là A Bệ Bạt Trí Bồ Tát, bỏ qua hai A-tăng-kỳ kiếp, đó là công đức chẳng thể nghĩ bàn! Do vậy, có khá nhiều vị Bồ Tát chẳng tin tưởng pháp môn này. Bồ Tát nhọc nhằn vất vả tu hai A-tăng-kỳ kiếp mới tu tới Thất Địa, quý vị chẳng tốn công phí sức bèn đạt đến Thất Địa, họ làm sao có thể tin tưởng cho được? Chẳng tin! Ví như quý vị học hành trong nhà trường, học từ lớp Một Tiểu Học cho đến khi tốt nghiệp Trung Học, tốn cả mười hai năm mới vào học năm thứ nhất Đại Học. Đột nhiên lòi ra một kẻ trước nay chưa hề đi học, cũng vào học năm thứ nhất Đại Học, chẳng thể nghĩ bàn! Đúng là chẳng thể nghĩ bàn. Có người như vậy hay chăng? Có chứ! Đó gọi là đứa trẻ thiên tài, quá ít ỏi! Quý vị phải hiểu rõ: Quý vị gặp gỡ pháp môn này, dùng pháp môn này để tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, đều là những đứa trẻ thiên tài! Các vị Bồ Tát đó trông thấy quý vị đều sững sờ. Các Ngài nhọc nhằn, vất vả tốn hai A-tăng-kỳ kiếp [tu tập], quý vị chẳng cần tốn chút công sức nhỏ nhặt nào mà giống hệt như các Ngài; do đó, chẳng thể nghĩ bàn! Bồ Tát chẳng có cách nào, các Ngài chẳng thể ngờ được.
Nhưng Bồ Tát có mong là có chuyện như thế hay không? Các Ngài cũng rất muốn, tốt nhất là chẳng cần vất vả, ngay lập tức thành Phật. Tuy muốn [gặp gỡ] pháp môn này, nhưng chẳng có duyên phận, chẳng gặp gỡ pháp môn này. Chẳng có duyên phận không phải là vì Phật chẳng giúp đỡ họ. Đức Phật thường xuyên giảng pháp môn này, thường xuyên dạy pháp môn này, nhưng họ nghe xong chẳng tin tưởng. Đấy là chẳng có duyên! Họ không chịu tin tưởng, chẳng chịu tiếp nhận! Có nghĩa là từ đầu tới cuối họ chẳng có duyên phận gặp gỡ. Trong tâm họ rất mong thành Phật sớm một chút, nhưng chẳng gặp được pháp môn này. Đức Phật bảo họ, họ không tin, [tức là] vẫn chẳng gặp được! Chẳng gặp được là chuyện như vậy đó, chẳng phải là đức Phật thiếu lòng từ bi. [Chẳng phải là] hằng ngày họ mong mỏi mà Phật cũng chẳng dạy họ, chẳng phải là ý nghĩa ấy! Đức Phật hằng ngày nói với họ, họ hằng ngày chẳng tin tưởng, hằng ngày chẳng tiếp nhận, vẫn muốn làm theo kiểu cách của riêng mình, suy nghĩ loạn xạ, vậy là chẳng có cách nào hết! Từ kinh điển, chúng ta đọc thấy có khá nhiều vị Bồ Tát nghĩ đến pháp môn này, nhưng chẳng được gặp gỡ, “chẳng gặp” là như vậy đó. Tuyệt đối chẳng phải là Phật không giảng cho những vị ấy, chẳng phải vậy! Đức Phật giảng hằng ngày, nhưng chính họ nghe xong chẳng thể tiếp nhận, chẳng thể tin tưởng, không chịu nương theo pháp môn này tu học. Đó là “xuất thế gian thượng thượng nhân” (cái nhân xuất thế gian thượng thượng), là đại lợi trong các điều đại lợi.
(Sao) Cái công đức tuy thắng sự phước, ư trung phục phân thắng liệt, hữu khả tư nghị, hữu bất khả tư nghị.
(鈔)蓋功德雖勝事福,於中復分勝劣,有可思議,有不可思議。
(Sao: Vì công đức tuy thù thắng hơn phước thuộc sự tướng, nhưng trong ấy lại chia thành hơn kém, có công đức có thể nghĩ bàn và công đức chẳng thể nghĩ bàn).
Những pháp môn được nói trong kinh Tiểu Thừa và các kinh Đại Thừa khác, chúng ta thường gọi là “tám vạn bốn ngàn pháp môn”, tám vạn bốn ngàn pháp môn là “khả tư nghị” (có thể nghĩ bàn), pháp môn niệm Phật vãng sanh là “bất khả tư nghị” (chẳng thể nghĩ bàn).
(Sao) Kim thị bất khả tư nghị chi công đức dã. Cố đại lợi trung, phục xưng đại lợi.
(鈔)今是不可思議之功德也。故大利中,復稱大利。
(Sao: Nay là công đức chẳng thể nghĩ bàn, vì thế lại gọi là đại lợi trong các điều đại lợi).
Thật sự là lợi ích khôn sánh, lợi ích vô thượng. Trong sách Diễn Nghĩa, pháp sư Cổ Đức đã chú giải rất tỉ mỉ đoạn này.
(Sớ) Bất khả tư nghị, như Thanh Vương trung thuyết: “Bỉ An Lạc thế giới, sở hữu Phật pháp, bất khả tư nghị. Thần thông hiện hóa, bất khả tư nghị. Nhược năng tín như thị sự, đương tri thị nhân bất khả tư nghị, sở đắc nghiệp báo, diệc bất khả tư nghị”. Hựu y chánh nhân quả, tứ câu bất khả tư nghị.
(疏)不可思議,如聲王中說:彼安樂世界,所有佛法,不可思議;神通現化,不可思議。若能信如是事,當知是人不可思議;所得業報,亦不可思議;又依正因果,四俱不可思議。
(Sớ: “Chẳng thể nghĩ bàn”: Như kinh Cổ Âm Thanh Vương Đà La Ni nói: “Trong thế giới An Lạc ấy, tất cả Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn; thần thông hiện hóa chẳng thể nghĩ bàn. Nếu [người nào] có thể tin chuyện như thế, hãy nên biết là người ấy chẳng thể nghĩ bàn; đạt được nghiệp báo cũng chẳng thể nghĩ bàn”. Lại nữa, y báo, chánh báo, nhân, quả, cả bốn điều đều chẳng thể nghĩ bàn).
Liên Trì đại sư giảng giải “chẳng thể nghĩ bàn” ở một mức độ cao hơn. Xác thực là “chẳng thể nghĩ bàn” có sâu, có cạn, có ý nghĩa rộng hẹp khác nhau! Thứ nhất, cho chúng ta biết: Thế giới Cực Lạc “tất cả Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn”. Câu này là nói chung, mấy câu kế đó là nói chi tiết riêng biệt. Trong câu này, chúng ta phải chú trọng hai chữ “Phật pháp”. “Pháp” là hết thảy vạn pháp, tức là hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian trong vũ trụ. “Phật” có nghĩa là giác ngộ, là hiểu rõ. Thế giới Cực Lạc “tất cả Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn”: Mỗi người trong thế giới Cực Lạc ai nấy đều có thể triệt để hiểu rõ rốt ráo vạn hữu trong vũ trụ, điều này chẳng thể nghĩ bàn! Hiểu rõ rốt ráo viên mãn triệt để hết thảy vạn sự vạn vật trong vũ trụ, chỉ có chư Phật Như Lai mới có thể làm được, hàng Bồ Tát bình phàm chẳng thể làm được. Điều này chẳng thể nghĩ bàn. Vì sao ai nấy trong thế giới Cực Lạc đều làm được? Đó là do bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì. Chúng ta niệm bốn mươi tám nguyện, [sẽ thấy]: Phàm là người sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, hễ tới Tây Phương Cực Lạc thế giới đều trọn đủ sáu thứ thần thông. Sáu thứ thần thông ấy, nói đại khái thì bậc chứng đắc A La Hán bèn trọn đủ, thảy đều đạt được, tức là Thiên Nhãn Thông (Dibba-cakkhu), Thiên Nhĩ Thông (Dibba-sota), Túc Mạng Thông (Pubbe-nivāsanussati), Tha Tâm Thông (Cetopariya-ñāṇa), Thần Túc Thông (Iddhividhā), và Lậu Tận Thông (Āsavakkhaya), nhưng năng lực của A La Hán trọn chẳng viên mãn cho lắm. Ví như kinh có dạy: Thiên Nhãn của A La Hán có thể thấy một đại thiên thế giới. Ngoài đại thiên thế giới, Ngài chẳng nhìn thấy. Đó là chẳng rốt ráo, chẳng viên mãn, thần thông của Ngài là có thể nghĩ bàn! Người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, tận hư không khắp pháp giới, quá khứ, hiện tại, vị lai, chẳng có gì không thông đạt, chẳng có gì không hiểu rõ, năng lực hoàn toàn giống như chư Phật Như Lai. Điều này chẳng thể nghĩ bàn, xác thực là do bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật gia trì. Đó là tán thán công đức của Phật Di Đà chẳng thể nghĩ bàn, [những năng lực ấy] là do A Di Đà Phật gia trì. Phật chẳng gia trì, quý vị chẳng có năng lực ấy.
“Thần thông hiện hóa, chẳng thể nghĩ bàn”: Trong phần trước là nói về giác pháp. Pháp thế gian và xuất thế gian, quá khứ, hiện tại, vị lai, không gì chẳng biết, không gì chẳng thể. “Tất cả Phật pháp” có ý nghĩa này. Đặc biệt là nói tới “thần thông” (Abhijñā). Thông (通) là thông đạt, chẳng bị chướng ngại. Mắt có thể thấy, mắt chúng ta cũng có thể thấy, nhưng cách một bức vách sẽ chẳng thấy, đó là chẳng thông, có chướng ngại! Mắt họ có năng lực mạnh hơn chúng ta, cách một vách tường cũng chả sao, họ có thể nhìn xuyên qua. Hiện thời, tại Đại Lục có những người có Thiên Nhãn, cách tường người ấy vẫn có thể thấy rõ ràng. Tại Đại Lục chẳng gọi là Thiên Nhãn, mà gọi là “mắt X-quang”. Họ ngồi đối diện với quý vị, có thể thấy sự hoạt động của nội tạng trong thân thể quý vị. Do vậy, đối với việc chữa bệnh, họ đích xác là một trợ thủ rất tốt. Họ có thể xem xét tìm ra bộ phận nào trong nội tạng có bệnh. Có một năm, tôi giảng kinh tại Lạc Sam Cơ (Los Angeles). Ở Lạc Sam Cơ, có một đồng tu từng gặp những người có công năng đặc dị ấy tại Đại Lục, bèn trắc nghiệm, bảo người ấy xem thân thể của chính mình. Kết quả là người ta vừa nhìn liền nói: “Trước đây, ông từng bị bệnh phổi, nay đã đóng thành sẹo, chẳng thể lan ra”. Vị đồng tu ấy hoảng hồn, vì ông ta bị chứng bệnh ấy hồi bé, về sau đã lành, [vết sẹo] đã đóng vôi, trước nay chưa từng nói với người khác, bị kẻ ấy nói toạc ra. Liền hỏi kẻ ấy: “Ông có năng lực ấy thì có bị mất đi hay không?” “Bị chứ!” Vì sao có thể bị mất đi? Biết nhiều chuyện quá sẽ bị mất. Điều này rất hợp lý! Biết quá nhiều chuyện, cái tâm chẳng thanh tịnh. Nói cách khác, năng lực vẫn là xuất phát từ cái tâm thanh tịnh. Người ấy thấy nghe rộng, nhiều, vọng niệm nhiều, sẽ chẳng còn có năng lực ấy nữa! Người có năng lực ấy thường là tuổi rất trẻ, hai mươi mấy tuổi, cho đến ba mươi, bốn mươi tuổi, năng lực ấy chẳng còn nữa! Điều này chứng tỏ chuyện tu Định được nói trong nhà Phật, sáu thứ thần thông đều phát sanh từ Định. Nói tới thần thông, tức là sáu loại bản năng (năng lực sẵn có) được khôi phục. “Hiện hóa” (現化) là hiện thân giáo hóa chúng sanh, giống như phẩm Phổ Môn nói Quán Thế Âm Bồ Tát “đáng nên dùng thân Phật để độ bèn hiện thân Phật để độ thoát”, tùy loại hiện thân, đáng nên dùng thân gì để độ bèn hiện thân ấy, họ có năng lực đó. Trong Lục Thông, năng lực ấy được gọi là Thần Túc Thông. Thần Túc Thông (神足通) là biến hóa thuận theo sự nghĩ tưởng của chúng sanh, người ấy (người có Thần Túc Thông) bèn có thể biến hóa [phù hợp với sự nghĩ tưởng ấy], có năng lực ấy, chẳng thể nghĩ bàn. Những điều này đều do bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì. Hễ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, năng lực này bèn hoàn toàn khôi phục, giống như Thất Địa và Bát Địa Bồ Tát, có trí huệ, đạo lực và thần thông to lớn như vậy, có thể tự do hiện thân để hóa độ chúng sanh trong mười phương thế giới. Có một hạng người tâm từ bi rất nặng, chẳng mong làm Phật, cũng chẳng mong vãng sanh, hy vọng đời đời kiếp kiếp vào các thế giới khổ nạn để độ chúng sanh. Bi nguyện ấy đáng ca ngợi, đáng được tán thán, nhưng họ chẳng có năng lực, chẳng có trí huệ, chẳng thể thần thông hiện hóa. Vì thế, tâm có thừa mà chẳng đủ sức, chẳng thể làm được! Vì thế, người thật sự có trí huệ, có bi nguyện, hãy mau chóng đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, đến nơi đó gặp gỡ A Di Đà Phật, được oai thần của A Di Đà Phật gia trì, quý vị bèn có thể đến mười phương thế giới để độ chúng sanh, bi nguyện mới chẳng trở thành rỗng tuếch. Chẳng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chắc chắn là bi nguyện ấy thất bại, chẳng thực hiện được. Đó là nguyện lực và oai thần của Phật Di Đà gia trì chẳng thể nghĩ bàn.
“Nhược năng tín như thị sự, đương tri thị nhân bất khả tư nghị” (Nếu ai có thể tin chuyện như vậy, hãy nên biết người ấy chẳng thể nghĩ bàn). Đức Phật giảng kinh Vô Lượng Thọ, giảng Quán Kinh, giảng kinh Di Đà, vừa giảng quý vị liền tin tưởng, quý vị là người chẳng thể nghĩ bàn. Chúng tôi giảng giải pháp môn này, rất nhiều người nghe xong chẳng tin, hoặc tin nhưng chẳng chịu phát nguyện, chẳng chịu nghiêm túc tu học. Chúng ta chẳng cần phải lấy làm lạ, vì người như vậy có thể nghĩ, có thể bàn, không phải là chẳng thể nghĩ bàn. Nói thật ra, nói theo kinh Vô Lượng Thọ, thiện căn và phước đức của người ấy chẳng chín muồi, cho nên người ấy chẳng thể tin tưởng. Thật sự tin tưởng pháp môn này, nhất định là ba điều kiện thiện căn, phước đức, và nhân duyên đã trọn đủ trong một đời này. Vì thế nói: “Chẳng thể do chút thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy”. Người có ba điều kiện ấy đồng thời chín muồi trong một đời xác thực là chẳng nhiều. Người có thiện căn, nhưng chẳng có phước là những ai? Người ấy có thể tin, có thể hiểu, [thế mà] chẳng mong vãng sanh, chẳng chịu niệm Phật, đó là có thiện căn mà chẳng có phước đức. Người có phước đức, chẳng có thiện căn, ví như người ấy tu học các pháp môn khác, hết sức tinh tấn, hết sức dụng công, nhưng chẳng tin tưởng pháp môn Niệm Phật, không thể tiếp nhận pháp môn chẳng thể nghĩ bàn bậc nhất này. Do vậy có thể biết: Ba điều kiện đồng thời trọn đủ đúng là chẳng dễ dàng. Phàm [những người có] ba điều kiện đều trọn đủ, trong một đời này, chẳng có ai không vãng sanh, chẳng có ai không thành Phật. Thiếu một điều kiện sẽ chẳng thể được!
“Sở đắc nghiệp báo, diệc bất khả tư nghị” (Đạt được nghiệp báo, cũng chẳng thể nghĩ bàn). Nghiệp báo: Nghiệp ấy được gọi là “tịnh nghiệp”, chẳng phải là nghiệp bình phàm. Thông thường, chúng ta khởi tâm động niệm có thiện nghiệp, ác nghiệp, vô ký nghiệp (chẳng thiện, chẳng ác), ba loại lớn ấy. Thiện nghiệp đắc thiện quả, ác nghiệp có ác báo, nhân duyên quả báo chẳng sai sót mảy may! Người học Phật đầu óc phải tỉnh táo, phải sáng suốt hơn người bình phàm, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác tự nhiên sẽ chú tâm, cẩn thận. Vì sao? Người ấy biết trong ấy có nhân quả báo ứng. Khởi một ác niệm, tạo một ác sự, đối người khác mà nói, ảnh hưởng chẳng lớn, nhưng đối với chính mình mà nói, sẽ gặp phải khổ báo rất lớn. Kẻ chẳng học Phật không biết, người học Phật hiểu rành rẽ, hiểu rõ ràng sự thật này. “Bồ Tát sợ nhân”, Bồ Tát là bậc giác ngộ, rất cẩn trọng đối với chuyện tạo nhân, nhất định là tạo thiện nhân, quyết định chẳng tạo ác nhân; [do vậy] người ấy được gọi là Bồ Tát. Người niệm Phật đạt được quả báo là vãng sanh bất thoái thành Phật. Vì sao nghiệp báo của người ấy chẳng thể nghĩ bàn? Vì trong một đời, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn viên chứng ba món Bất Thoái, chẳng thể bàn luận! Từ kinh điển, chúng ta thường đọc thấy: Chứng đắc Tiểu Thừa Sơ Quả, phải đoạn tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới thì mới có thể chứng đắc Vị Bất Thoái, chẳng dễ dàng! Lại lên cao hơn nữa, ắt phải đoạn hết tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc trong tam giới, chứng quả vị Bồ Tát, Trần Sa Hoặc cũng phá hết thì mới có thể chứng đắc Hạnh Bất Thoái, chẳng còn lui sụt thành Tiểu Thừa. Lại lên cao hơn nữa, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân thì mới chứng đắc Niệm Bất Thoái, là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo. Vì thế, ba món Bất Thoái thảy đều chứng đắc, đương nhiên là đã chứng đắc điều cao nhất thì những điều thấp hơn đều chứng đắc. Nói cách khác, muốn chứng đắc ba món Bất Thoái thì tối thiểu phải là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, là Pháp Thân đại sĩ trong hội Hoa Nghiêm, hết sức hiếm có! Tuy chứng ba món Bất Thoái, chẳng viên mãn. Viên chứng ba món Bất Thoái chính là Thập Địa Bồ Tát, tức Pháp Vân Địa Bồ Tát, đấy mới là viên chứng ba món Bất Thoái, những địa vị thấp hơn Pháp Vân Địa sẽ chẳng viên mãn! Chúng ta lại hạ thấp tiêu chuẩn này một chút, sẽ là Cửu Địa, Bát Địa, Thất Địa. Vì thế, có rất nhiều vị cổ đại đức chú giải kinh [cho rằng viên chứng ba món Bất Thoái] là từ Thất Địa trở lên, có vị nói là từ Bát Địa trở lên, nói như vậy là chánh xác. Vì thế, hễ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, năng lực của quý vị bằng với Thất Địa Bồ Tát, hoặc bằng Bát Địa Bồ Tát. Viên chứng ba món Bất Thoái chính là quả, nghiệp báo chẳng thể nghĩ bàn!
“Y, chánh, nhân, quả”: Y báo là hoàn cảnh sống của chúng ta. Trong kinh, Thích Ca Mâu Ni Phật đã giới thiệu, hoàn cảnh sống của mọi người trong thế giới Tây Phương tốt đẹp chẳng thể nghĩ bàn. Cuộc sống vật chất thuận theo lòng mong, chúng ta muốn gì, thứ ấy ở ngay trước mặt. Nay chúng ta muốn một bộ quần áo, thứ ấy ở ngay trước mặt. Nay [trong thế giới Sa Bà này], chúng ta muốn có một bộ quần áo, quý vị còn phải đi tìm bên ngoài. Tuy hiện thời đã có quần áo may sẵn, nhưng quý vị vẫn phải cân nhắc, so sánh giá cả, cũng phải chịu rất nhiều nỗi vất vả! Tây Phương Cực Lạc thế giới thì ta muốn quần áo như thế nào, nó liền ở ngay trên người; chẳng muốn nữa, nó bèn chẳng có, tự tại lắm! Muốn ăn thứ gì, ngay lập tức thứ ấy bày ra trước mặt. Chẳng muốn ăn, sẽ chẳng có, mất sạch sành sanh, chẳng cần thu dọn chén đũa, chẳng phải rửa chén. Hết thảy cuộc sống vật chất tùy tâm biến hóa. Người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới sống trong cung điện, quý vị muốn kiểu dáng gì, nó biến thành kiểu dáng đó, mong to hơn nó biến thành to hơn một chút, mong nó nhỏ hơn, xinh xắn hơn, nó ngay lập tức thu nhỏ. Cuộc sống vật chất tùy theo lòng mong, chẳng thể nghĩ bàn! Cuộc sống tinh thần càng phong phú. A Di Đà Phật giảng kinh, thuyết pháp, mười phương hết thảy chư Phật đều giảng kinh, thuyết pháp cho quý vị. Thích nghe pháp môn nào bèn nghe pháp môn ấy. Thích thấy vị Phật nào, vị Phật ấy hiện ngay trước mặt, chẳng cần đến thế giới phương khác để được [vị Phật ấy] dạy bảo. Trong tâm vừa động niệm, Phật ở ngay trước mặt. Phật chẳng đến, chúng ta cũng chẳng đi, nghiễm nhiên gặp mặt, đúng là chẳng thể nghĩ bàn. “Y, chánh, nhân, quả, tứ câu bất khả tư nghị” (Y báo, chánh báo, nhân, quả, bốn điều ấy đều chẳng thể nghĩ bàn), cái nhân của y báo, cái quả của y báo, cái nhân của chánh báo, cái quả của chánh báo thảy đều chẳng thể nghĩ bàn. Hôm nay, chúng tôi giảng tới chỗ này!