#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 132
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang hai trăm tám mươi tám.
(Sớ) Tứ độ khổ lạc, lược như Thiên Thai giáo trung thuyết.
(疏) 四土苦樂,略如天台教中說。
(Sớ: Sự khổ – vui trong bốn cõi đại lược như trong giáo pháp của tông Thiên Thai đã nói).
Chúng ta đọc xem trong lời Sao, Liên Trì đại sư đã trích dẫn [như thế nào].
(Sao) Sở vị Kiến Tư khinh trọng, Đồng Cư khổ lạc.
(鈔) 所謂見思輕重,同居苦樂。
(Sao: Đó là [dựa trên] Kiến Tư nhẹ hay nặng [để phán định] cõi Đồng Cư là khổ hay vui).
Nói thật ra, chúng ta tu học pháp môn Tịnh Độ, nhất định phải lấy bốn mươi tám nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ làm căn bản. Không chỉ là đối với lời nói của các vị Bồ Tát, tổ sư đại đức, mà ngay cả đối với lời Phật dạy trong các kinh điển khác, chúng ta đều phải lấy bốn mươi tám nguyện làm chuẩn. Bởi lẽ, bốn mươi tám nguyện do đích thân A Di Đà Phật nói ra, Thích Ca Mâu Ni Phật thuật lại, cho nên [những nguyện ấy] đều là ý tứ của chính A Di Đà Phật. Chúng ta gọi điều này là “y pháp, bất y nhân”, bởi lẽ, chúng ta hiểu đức Phật thuyết pháp, do đối tượng thuyết pháp khác nhau, nên Ngài giảng pháp khác nhau, ứng cơ thuyết pháp mà! Bốn mươi tám nguyện là bổn nguyện của Phật Di Đà, chẳng phải là ứng cơ thuyết pháp, Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng thể bảo chúng ta hãy sửa đổi bổn nguyện của A Di Đà Phật, không thể nào! Vì thế, nhất định phải lấy bốn mươi tám nguyện làm căn bản.
Trong bốn mươi tám nguyện, chúng ta thấy trên thực tế, thế giới Tây Phương là thế giới thuần nhất Bồ Tát, [các vị Bồ Tát ấy chính là] chúng sanh từ mười phương thế giới sanh về. Do trong bốn mươi tám nguyện hoàn toàn chẳng nói có thượng, trung, hạ phẩm vãng sanh, chẳng có, chẳng nói đến chuyện ấy, cũng chẳng nói tới bốn cõi, chỉ nói sanh về đó, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, đều là A Bệ Bạt Trí Bồ Tát. Căn cứ theo kinh luận thường giảng, A Bệ Bạt Trí thì mức độ thấp nhất là từ Thất Địa trở lên, cho nên cổ đức nói “hễ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới thì địa vị bằng với Đẳng Giác”, thật sự là một pháp môn chẳng thể nghĩ bàn!
Tông Thiên Thai nói “khổ – lạc” thì cũng là nói phương tiện. Nói thật ra, nếu chúng ta chẳng thật sự đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, nói chung là chẳng có cách nào tưởng tượng sự trang nghiêm trong cõi ấy, đó gọi là “trăm nghe chẳng bằng một thấy”. Thật sự đến Tây Phương Cực Lạc thế giới để nhìn, khi đó mới hiểu những gì Phật, Bồ Tát, các vị tổ sư đã nói đúng là chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, nói quá ít! Nếu chẳng thù thắng như vậy, [cõi Cực Lạc] làm sao được mười phương chư Phật đều tán thán? Ngay cả bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong thế giới Hoa Tạng cũng đều ưa thích vãng sanh, có thể thấy thế giới ấy thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Những điều tông Thiên Thai nói ở đây là nói theo Lý, luận định theo lý luận. Nói thật ra, thế giới Tây Phương vượt ngoài những lý luận ấy, vượt khỏi sự tưởng tượng và suy lường của chúng ta. Cách nói này của họ nếu áp dụng vào Tịnh Độ của mười phương chư Phật sẽ chẳng sai chút nào!
Trong cõi Đồng Cư, Kiến Tư phiền não nhẹ nhàng thì là vui sướng, Kiến Tư nặng nề bèn khổ sở. Nay chúng ta đang ở trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Thích Ca Mâu Ni Phật, thật vậy, có chẳng ít người trong thế gian rất sung sướng. Quý vị hỏi họ: “Vì sao các vị sung sướng?” Kiến Tư phiền não của họ nhẹ nhàng, tham, sân, si, mạn của họ đều nhẹ, nên họ sung sướng. Vì sao phiền não rất nặng? Kẻ ấy tham, sân, si, mạn rất nặng, chẳng thể buông xuống! Chuyện nhỏ tí tẹo vẫn so đo, nên rất khổ. Sự khổ – lạc trong các cõi nước của mười phương chư Phật vô cùng rõ rệt, nên nói “tứ độ khổ lạc” (sự khổ và vui trong bốn cõi).
(Sao) Thể Tích xảo chuyết, phương tiện khổ lạc.
(鈔) 體析巧拙,方便苦樂。
(Sao: [Dựa trên] Thể Không và Tích Không khéo hay vụng, mà [phán định] sự khổ vui trong cõi Phương Tiện).
Người tu hành trong cõi Phương Tiện Hữu Dư chẳng phải là phàm phu. A La Hán và Bích Chi Phật, Quyền Giáo Bồ Tát, những vị này quá nửa là tu Không Quán. Thỉ Giáo là nhập môn Đại Thừa tu Không Quán, Tiểu Thừa cũng tu Không Quán. Trong Không Quán, có Thể Không và Tích Không, Tích (析) là phân tích, Thể (體) là “đương Thể tức Không” (ngay nơi bản thể chính là Không). “Đương Thể tức Không” là người thông minh, vị ấy tự tại! Tích Không là gì? Phải nghiên cứu, phải phân tích, đến cuối cùng mới hiểu rõ, người ấy có vẻ chậm lụt một chút. Khổ và lạc từ chỗ này mà có! Đây là nói về cõi Phương Tiện Hữu Dư.
(Sao) Thứ Đệ, Nhất Tâm, Thật Báo khổ lạc.
(鈔) 次第一心,實報苦樂。
(Sao: [Dựa trên] Thứ Đệ và Nhất Tâm Tam Quán để [phán định] sự khổ vui trong cõi Thật Báo).
Đây là cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm, tông Thiên Thai giảng Tam Chỉ, Tam Quán. Người thông minh là Nhất Tâm Tam Quán, chẳng có thứ đệ (thứ tự), cao lắm! Người căn tánh trung hạ tu Thứ Đệ Tam Quán, chiếu theo thứ tự thuận để tu, tu chứng dần dần. Nhất Tâm Tam Quán là đốn tu, trong ấy có Đốn và Tiệm. Nhất Tâm là vui, Thứ Đệ khổ hơn. So sánh giữa hai thứ [mà nói là sướng hay khổ].
(Sao) Phần Chứng, Cứu Cánh, Tịch Quang khổ lạc.
(鈔) 分證究竟,寂光苦樂。
(Sao: [Dựa trên] Phần Chứng và Cứu Cánh để phán định sự khổ vui trong cõi Tịch Quang).
Thường Tịch Quang Tịnh Độ có Phần Chứng và Cứu Cánh, Cứu Cánh là Phật, Phần Chứng là Bồ Tát. Nói thật ra, Tịch Quang Tịnh Độ và Thật Báo độ là một mà hai, tuy hai mà một, hai cõi này không thể tách rời, thường nói là “phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân”. Phá một phẩm vô minh mới sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Nếu chia tỉ mỉ, cõi Thật Báo Trang Nghiêm từ Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo cho đến Đẳng Giác Bồ Tát tổng cộng là bốn mươi mốt địa vị. Bốn mươi mốt địa vị ấy đều là Phần Chứng. Cuối cùng là Phật quả trong Viên Giáo, chúng ta còn gọi là địa vị Diệu Giác, đó là Cứu Cánh. Do vậy, từ Sơ Trụ trong Viên Giáo cho đến thành Phật trong Viên Giáo, đều trụ trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm, phần chứng Tịch Quang Tịnh Độ.
(Sao) Văn phồn bất tự.
(鈔) 文繁不敘。
(Sao: Do kinh văn rườm rà nên chẳng thuật chi tiết).
Tông Thiên Thai giảng rất nhiều, ở đây chỉ trình bày đơn giản đôi chút!
(Sớ) Vấn: Bồ Tát quyên khí ngũ dục, tuy Luân Vương bất dĩ vi lạc, mẫn niệm chúng sanh, tuy địa ngục khẳng đại kỳ khổ, hà đắc xả khổ chúng sanh, tự thủ lạc độ?
(疏)問:菩薩捐棄五欲,雖輪王不以為樂,憫念眾生,雖地獄肯代其苦,何得捨苦眾生,自取樂土。
(Sớ: Hỏi: Bồ Tát vứt bỏ ngũ dục, dẫu [ngôi vị] Luân Vương cũng chẳng coi là vui, nghĩ thương chúng sanh, dẫu [phải vào] địa ngục vẫn chịu khổ thay cho họ, há nên bỏ chúng sanh khổ sở, tự giữ lấy cõi vui?)
Đây là lời vấn đáp giả thiết, hỏi rất hay! Học Phật, bất luận Đại Thừa hay Tiểu Thừa, điều đầu tiên là phá Ngã Chấp. Trước khi phá Ngã Chấp thì điều thứ nhất là phá Thân Kiến, tức là chẳng còn chấp trước thân này là Ngã. Thân Kiến là một trong năm thứ Kiến. Năm Kiến Hoặc là Thân Kiến, Biên Kiến, Kiến Thủ Kiến, Giới Thủ Kiến, và Tà Kiến, đó là năm loại Kiến. Thứ nhất là phá Thân Kiến! Năm thứ Kiến Hoặc đều phá trừ thì mới chứng quả Tu Đà Hoàn trong Tiểu Thừa, trong Đại Thừa Viên Giáo là địa vị Sơ Tín Bồ Tát, tức địa vị Sơ Tín trong Thập Tín. Nói cách khác, nếu Thân Kiến chưa phá, ngay cả địa vị Sơ Tín vẫn chưa đạt được, người ấy chẳng có phần nơi địa vị Bồ Tát! Địa vị Sơ Tín giống như lớp Một, người ấy chưa có đủ tư cách vào lớp Một.
Hiện thời, mấy ai có thể phá Thân Kiến? Khởi tâm động niệm, điều đầu tiên là nghĩ đến chính mình. Chư vị phải biết: Đây là một chướng ngại rất lớn, chướng ngại này chắc chắn khiến cho quý vị suốt đời học Phật chỉ có thể tu được một chút phước báo nhân thiên, chẳng thể thành công, vì sao? Ngã Chấp quá nặng! Phá Ngã Chấp, thật sự đạt được vô ngã như kinh Kim Cang đã nói: “Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”. [Người] thật sự đạt được vô ngã, trong Tiểu Thừa là A La Hán, trong Đại Thừa Viên Giáo là địa vị Thất Tín Bồ Tát. Địa vị Thất Tín Bồ Tát bằng A La Hán trong Tiểu Thừa, mới có thể thoát khỏi tam giới, mới coi như là tu hành có kết quả. Nếu chẳng ra khỏi tam giới, [tức là] chúng ta tu hành chẳng có kết quả, vẫn phải luân hồi. Chỉ cần luân hồi, tức là đã phí công tu hành, tu cả đời này uổng công, chẳng có kết quả!
Chỉ riêng pháp môn Tịnh Độ là còn được, có thể đới nghiệp vãng sanh. Trừ pháp môn này ra, quý vị muốn tu bất cứ pháp môn nào đều chẳng thể thành tựu. Chúng ta có thể thí nghiệm xem! Ca tụng kẻ ấy dăm câu, kẻ ấy rất hoan hỷ; chửi kẻ ấy mấy lượt, kẻ ấy bèn nóng máu, liền biết kẻ ấy cái Ta rất nặng! Người chẳng có Ngã Chấp, quý vị chửi người ấy, người ấy chẳng tức giận, vì sao? Người ấy vô ngã! Nói cách khác, quý vị chửi người ấy, người ấy chẳng tiếp nhận, nghe giống như quý vị đang chửi người khác. Quý vị tán thán người ấy, người ấy cũng chẳng vui vẻ. Đấy là như Phật môn thường nói: “Bát phong xuy bất động” (tám gió thổi chẳng động). “Tám gió thổi chẳng động” là công phu vừa mới đắc lực, trọn chưa thể xem như là thành tựu! Người tám gió thổi chẳng động vẫn chưa có cách nào thoát ly tam giới luân hồi; nhưng thật sự đạt được “tám gió thổi chẳng động” thì niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ nói chung chẳng có vấn đề gì rất to lớn, đó gọi là “đới nghiệp vãng sanh”. Do người ấy hoàn toàn chưa đoạn Kiến Tư phiền não, nên ở đây mới đưa
ra câu hỏi này.
“Bồ Tát quyên khí ngũ dục” (Bồ Tát vứt bỏ ngũ dục), Ngũ Dục là tài, sắc, tiếng tăm, ăn uống, ngủ nghỉ, Bồ Tát đều bỏ hết, đúng là ly dục. “Luân Vương bất dĩ vi lạc” (chẳng coi ngôi Luân Vương là vui), cho Ngài làm Chuyển Luân Thánh Vương, Ngài cũng chẳng cảm thấy vui sướng. Vì cả năm thứ cảm nhận “khổ, lạc, ưu, hỷ, xả” đều trừ bỏ, tâm đã thanh tịnh. “Mẫn niệm chúng sanh” là thương xót hết thảy chúng sanh. Vì độ chúng sanh, dẫu địa ngục Ngài cũng đồng ý bước vào. Địa Tạng Bồ Tát là một tấm gương [điển hình]: “Địa ngục chẳng trống, thề chẳng thành Phật”. Chúng sanh đang chịu khổ, mắc nạn ở nơi ấy, chúng ta nên phát tâm đến giúp họ. Trừ phi chẳng có duyên phận, chứ hễ có duyên phận, nhất định phải đến. Nếu không đến, nói thật ra là đã trái nghịch với nguyện do chính mình đã phát. Bất luận quý vị [phát nguyện] thật hay giả, quý vị đã đối trước Phật phát thệ tổng quát Tứ Hoằng Thệ Nguyện, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, nay có chúng sanh khổ sở mong mỏi quý vị độ họ. [Nếu tự nhủ] “nơi đó khổ quá, ta chẳng đến”, nói cách khác, lập tức vi phạm thệ nguyện của chính mình. Có thể thấy thệ nguyện chúng ta đã phát trước Phật là giả, chẳng thật, mang tánh chất bỡn cợt! Nói khó nghe hơn là lừa gạt Phật, Bồ Tát, tội lỗi ấy rất lớn! Nói rồi chẳng giữ lời, chẳng thể thực hiện!
Chúng sanh luôn khổ! Chỉ cần có cơ hội, chúng ta bèn giúp đỡ họ, chúng ta dùng gì để giúp họ? Chúng ta dùng phương pháp Niệm Phật để giúp họ, khiến cho họ biết pháp môn Tịnh Độ, khiến cho họ phát tâm niệm Phật. Dẫu họ vẫn chẳng chịu cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, từ bốn mươi tám nguyện chúng ta thấy, chỉ cần họ nghiêm túc, tin tưởng, chịu niệm, tuy chẳng vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, đời sau người ấy cũng có phước báo nhân thiên. Kinh dạy: “Sanh tôn quý gia, lục căn bất khuyết” (sanh trong nhà tôn quý, sáu căn chẳng thiếu khuyết), vẫn còn có thể tiếp tục học Phật, điều ấy rất khó có! Do được oai thần của A Di Đà Phật gia trì, trong đời sau, người ấy vẫn có thể hưởng phước báo. Chúng ta nhất định phải đọc kỹ càng, rõ ràng Di Đà bổn nguyện. Đó là kẻ thật sự có thành tâm thành ý, nhưng chưa bỏ duyên trong cõi đời được; nói khó nghe hơn là người ấy nghiệp chướng rất nặng, phiền não rất sâu, chẳng có cách nào vãng sanh. Người ấy có chướng duyên, đời sau vẫn có thể có phước báo. Do vậy, Bồ Tát nhất định phải thực hiện nguyện do chính mình đã phát, phải tận hết sức làm, ta có thể làm bao nhiêu bèn làm bấy nhiêu, tận tâm tận lực, chỉ cần làm được bốn chữ ấy bèn gọi là “công đức viên mãn”. Ta đã tận tâm tận lực rồi, đó là công đức viên mãn. Vì thế, để độ chúng sanh, dẫu đến địa ngục Ngài vẫn không sợ, vẫn cam tâm tình nguyện đến đó.
“Hà đắc xả khổ chúng sanh, tự thủ lạc độ” (há nên bỏ chúng sanh khổ sở, tự giữ lấy cõi vui?). Ý nói vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, Tây Phương Cực Lạc thế giới rất tốt đẹp! Nơi ấy chỉ có vui, chẳng có khổ. Cớ sao những vị Bồ Tát ấy đều vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới? Bỏ mặc những chúng sanh khổ sở, chẳng độ họ, mà đến Tây Phương Cực Lạc thế giới để hưởng thụ, chẳng phải là đã trái nghịch với bổn nguyện của họ ư? Dưới đây là lời giải đáp.
(Sớ) Trí Giả Thập Nghi Luận trung tường minh.
(疏) 智者十疑論中詳明。
(Sớ: Trong Thập Nghi Luận của ngài Trí Giả đã giảng tường tận).
Trí Giả đại sư có một tác phẩm mang tựa đề Tịnh Độ Thập Nghi Luận, trả lời câu hỏi này rất cặn kẽ. Tịnh Độ Thập Nghi Luận được đưa vào bộ Tịnh Độ Thập Yếu.
(Sớ) Hựu cánh hữu thủ xả đa thuyết, bất khả bất biện.
(疏) 又更有取捨多說,不可不辯。
(Sớ: Lại có nhiều thuyết lấy – bỏ, chẳng thể không biện định).
Nhất định phải hiểu rõ điều này. Dưới đây, Ngài trích dẫn Thập Nghi Luận của Trí Giả đại sư để nói rõ.
(Sao) Luận vân.
(鈔) 論云。
(Sao: Luận nói).
“Luận” là Tịnh Độ Thập Nghi Luận.
(Sao) Bồ Tát vị đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, bất năng độ sanh.
(鈔) 菩薩未得無生法忍,不能度生。
(Sao: Bồ Tát chưa đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, chẳng thể độ sanh).
Phải ghi nhớ điều này, vì sao? Chưa đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn sẽ bị thoái chuyển.
(Sao) Dụ như phá châu chửng nịch.
(鈔) 喻如破舟拯溺。
(Sao: Ví như [dùng] chiếc thuyền rách đi cứu kẻ chết chìm).
Người ấy ngồi thuyền toan đến cứu người chìm trong nước, nhưng chiếc thuyền ấy là cái thuyền rách nát.
(Sao) Tự tha câu hãm.
(鈔) 自他俱陷。
(Sao: Ta và người đều bị hại).
Không chỉ chẳng độ được người, mà chính mình cũng phải chết theo! Sự phát tâm ấy vô dụng; vì thế, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Nếu dùng pháp môn khác, bản thân chúng ta không hội đủ các điều kiện ấy, chẳng có cách nào lợi ích chúng sanh. Chúng ta dùng pháp môn Tịnh Độ để lợi ích chúng sanh, chính chúng ta dốc hết tánh mạng học pháp môn này, mà cũng dạy người khác học pháp môn này. Bản thân chúng ta đạt được lợi ích thù thắng trong pháp môn này, nên cũng hy vọng chia sẻ lợi ích này cùng mọi người.
Nhưng chúng ta có phải đến Tây Phương Cực Lạc thế giới hay không? Phải đến! Vì sao phải đến? Nếu chẳng đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, dẫu đời sau có đôi chút phước báo nhân thiên, vẫn là phải có nhân hạnh nhân thiên, phải thật sự tu tốt đẹp Ngũ Giới, Thập Thiện thì đời sau mới có thể làm thân người. Nếu nhân hạnh ấy chẳng trọn đủ, người niệm Phật vẫn phải đọa địa ngục! Trong đoạn cuối cùng của bộ Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao, pháp sư Quán Đảnh đã nói một trăm thứ quả báo khác nhau của người niệm Phật. Niệm Phật như nhau, nhưng đạt được kết quả khác nhau. Điều thứ nhất là đọa địa ngục, người niệm Phật đọa địa ngục, điều thứ hai là đọa ngạ quỷ đạo, điều thứ ba là đọa súc sanh đạo. Tam ác đạo được xếp vào ba điều đầu, đúng là khiến cho người ta kinh hãi! Niệm Phật có thể thành Phật, mà niệm Phật cũng có thể đọa địa ngục! Vì sao người niệm Phật bị đọa tam đồ? Giả dối mượn chuyện niệm Phật để lừa mình, dối người, lường gạt chúng sanh, tham cầu tiếng tăm, lợi dưỡng, đó là chẳng đúng pháp! Quả báo ở trong A Tỳ địa ngục, chúng ta phải biết điều này hoàn toàn trái nghịch bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật. Do vậy, chúng ta phải cầu vãng sanh. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị lập tức trở về độ chúng sanh cũng được, kinh Vô Lượng Thọ có nói chuyện này. Quý vị bi tâm rất nặng, nóng lòng muốn độ chúng sanh, đã tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị bèn đi ngay, có thể được! Thần lực của A Di Đà Phật gia trì quý vị, tuy quý vị tới thế giới phương khác để độ chúng sanh, vĩnh viễn chẳng đọa trong tam ác đạo, chẳng bị thoái chuyển. Lợi ích ấy quá lớn. Chẳng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới một phen, sẽ bị thoái chuyển! Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới một phen sẽ chẳng thoái chuyển. Vậy thì lẽ nào chẳng nên đến?
(Sao) Cầu sanh Tịnh Độ, đắc Vô Sanh Nhẫn dĩ, hoàn lai thử thế, cứu khổ chúng sanh, nãi khắc hữu tế.
(鈔) 求生淨土,得無生忍已,還來此世,救苦眾生,乃克有濟。
(Sao: Cầu sanh Tịnh Độ, đắc Vô Sanh Nhẫn rồi, trở về cõi đời này, cứu chúng sanh khổ sở, ắt sẽ cứu được).
Đó là đúng, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng phải để hưởng thụ! Bồ Tát chẳng có quan niệm hưởng thụ hay hưởng phước. Bồ Tát niệm niệm đều mong mỏi giúp đỡ, thành tựu chúng sanh, căn bản là không quan tâm đến hoàn cảnh cư trụ của chúng sanh, không để ý đến điều ấy. Quý vị ở trong thiên đường cũng thế, mà ở trong địa ngục cũng thế, chỉ cần có duyên, Bồ Tát sẽ đến. Nói theo cách bây giờ, “duyên” là cơ hội. Chỉ cần có cơ hội, Bồ Tát sẽ đến. Chẳng có cơ hội, chẳng có cách nào! Không có cơ hội là bị chướng ngại, Bồ Tát chẳng có cách nào đến được! Có cơ hội, tức là chẳng có chướng ngại, đương nhiên phải đến.
(Sao) Cố Sơ Tâm Bồ Tát, tất tiên xả thử khổ xứ, sanh bỉ lạc xứ.
(鈔) 故初心菩薩,必先捨此苦處,生彼樂處。
(Sao: Do vậy, Sơ Tâm Bồ Tát trước hết ắt phải bỏ cõi khổ này, sanh về cõi vui kia).
Đặc biệt là nói về Sơ Phát Tâm Bồ Tát, nhất định phải bỏ thế giới Sa Bà, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thì mới có thể thành công.
(Sao) Cứ thử.
(鈔) 據此。
(Sao: Căn cứ theo đó).
Căn cứ trên đạo lý ấy.
(Sao) Tắc xả khổ giả, chánh ư bạt chúng sanh chi khổ.
(鈔) 則捨苦者,正於拔眾生之苦。
(Sao: Bỏ cõi khổ chính là để dẹp trừ nỗi khổ cho chúng sanh).
Chúng ta đến Tây Phương Cực Lạc thế giới nhằm thành tựu trí huệ và đức năng của chính mình. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới để làm gì? Chính là vì muốn cứu độ chúng sanh khổ nạn trong thế giới này.
(Sao) Thủ lạc giả, chánh dục dữ chúng sanh dĩ lạc giả.
(鈔) 取樂者,正欲與眾生以樂也。
(Sao: Giữ lấy cõi lạc chính là để ban sự vui cho chúng sanh).
Chúng ta khuyên hết thảy chúng sanh vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là “dữ lạc” (ban cho niềm vui), nhằm khiến cho chúng sanh lìa rốt ráo khổ, đắc rốt ráo lạc.
(Sao) Tự lợi lợi tha, thị Bồ Tát đạo, khởi Nhị Thừa độc thiện chi khả trù hồ.
(鈔) 自利利他,是菩薩道,豈二乘獨善之可儔乎。
(Sao: “Tự lợi, lợi người” là Bồ Tát đạo, há sự “mưu cầu tốt lành cho riêng mình” của hàng Nhị Thừa có thể sánh bằng ư?)
Nhị Thừa là người Tiểu Thừa. Nói thật ra, người Tiểu Thừa là “độc thiện kỳ thân” (chỉ mưu cầu tốt lành cho riêng mình), chẳng chịu giúp người khác. Nói thật ra, đối với bản thân chúng ta, phải nghiêm túc phản tỉnh. Trong quá khứ, khi thầy Lý giảng kinh hoặc giáo học, thường nhắc nhở chúng tôi, bảo chúng tôi phải tự mình nghiêm túc phản tỉnh: “Chúng ta có giống như Bồ Tát hay không?” Suy nghĩ cặn kẽ thì không chỉ chẳng giống Bồ Tát, mà ngay cả Nhị Thừa cũng chưa thể nói là bén gót họ được! Thật đấy! Hàng Nhị Thừa đúng là “độc thiện kỳ thân”, nhưng chúng ta kể cả “độc thiện kỳ thân” vẫn làm chưa được! Khởi tâm động niệm không gì chẳng phải là tội nghiệp như kinh Địa Tạng đã nói. Có những người tạo tội nghiệp, nhưng chính họ có thể giác ngộ, tốt lắm, còn có cơ hội được cứu. Có lắm kẻ tạo tội nghiệp, dẫu chết vẫn chẳng thừa nhận, kinh Phật gọi loại người như vậy là Nhất Xiển Đề, chẳng cứu được, vì sao? Chính họ đã gây tạo lầm lỗi, nhưng chẳng biết, chẳng hiểu, chẳng thừa nhận chính mình không biết. Bởi lẽ, biết chính mình lầm lỗi thì là tự giác, là Thỉ Giác, tức là bắt đầu giác ngộ, sau khi đã biết lầm lỗi thì mới có thể sửa đổi. Kẻ chẳng biết chính mình lầm lỗi, luôn tự cho là đúng, nói cách khác, chẳng có ý niệm sửa lỗi. Nói khác đi là hễ lầm lạc bèn lầm lạc đến cùng, vĩnh viễn một mực lầm lỗi, kẻ như vậy đáng thương nhất, mà cũng là kẻ đáng buồn nhất! Kinh Phật thường gọi họ là “khả lân mẫn giả” (kẻ đáng thương xót), Phật cũng chẳng thể độ họ vì họ [cứ tưởng họ] chẳng có lầm lỗi gì! Nói thật ra, không có lầm lỗi thì chỉ có Phật mới không có lầm lỗi, Đẳng Giác Bồ Tát hãy còn lầm lỗi, vì sao? Đẳng Giác Bồ Tát còn có một phẩm vô minh chưa phá, nên còn có lầm lỗi. Do đó, Bồ Tát sám trừ nghiệp chướng, từ Sơ Phát Tâm cho đến Đẳng Giác đều phải tu sám trừ nghiệp chướng.
Mỗi người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều tu mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát, nên sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, A Di Đà Phật dạy chúng ta, chúng ta có thân không chỉ giống như Phật, mà còn đều là thân Kim Cang bất hoại, là Kim Cang Tát Đỏa. Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva) là Phổ Hiền Bồ Tát. Vì vậy, Tây Phương Cực Lạc là một thế giới thuần nhất Bồ Tát. Bồ Tát gì vậy? Phổ Hiền Bồ Tát, ai nấy đều là Phổ Hiền Bồ Tát. Kinh Hoa Nghiêm “mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc”, kinh Vô Lượng Thọ “đều tuân theo đức của Phổ Hiền đại sĩ”, hợp lại để xem, chẳng sai! Từ bốn mươi tám nguyện, chúng ta biết Tây Phương Cực Lạc thế giới là thế giới của Phổ Hiền Bồ Tát. Đẳng Giác Bồ Tát còn phải sám trừ nghiệp chướng, nay chúng ta nghiễm nhiên chẳng có nghiệp chướng để có thể sám hối, nói theo tiêu chuẩn trong kinh Phật thì là một gã Nhất Xiển Đề! Nhất Xiển Đề là kẻ đoạn thiện căn, nói theo Phật pháp là chẳng cứu được! Chúng ta phải đặc biệt cảnh tỉnh, răn dè điều này.
Chúng ta hãy tự khéo suy nghĩ, đúng là ngay cả Nhị Thừa ta cũng không bằng! Phải phát tâm chí thành sám hối. Đối với giáo huấn trong kinh Phật, chúng ta làm được câu nào? Chúng ta thật sự hiểu rõ câu nào? Hiểu rõ là giải ngộ, làm được là chứng ngộ! Ở đây, có trường hợp là giải ngộ trước rồi có chứng ngộ sau, có trường hợp là làm được trước rồi sau đó bèn hoảng nhiên đại ngộ. Điều này chẳng nhất định! Không nhất định là phải liễu giải trước rồi mới làm sau, có những người làm được trước rồi sau đấy mới hiểu rõ. Sau khi đã làm được, người ấy bèn hoảng nhiên đại ngộ, căn tánh của chúng sanh mỗi người mỗi khác!
(Sao) Hựu đa thuyết giả, Khuê Phong thích Viên Giác, chủng chủng thủ xả, giai thị luân hồi, vị như thử xả Sa Bà, thủ bỉ Tịnh Độ.
(鈔) 又多說者,圭峰釋圓覺,種種取捨,皆是輪迴,謂如此捨娑婆,取彼淨土。
(Sao: Lại nữa, “nhiều thuyết”: Ngài Khuê Phong giải thích kinh Viên Giác, [phán định] các thứ lấy – bỏ đều là luân hồi, chẳng hạn như bỏ cõi Sa Bà, lấy cõi Tịnh Độ kia [vẫn là tâm lấy – bỏ, cho nên vẫn luân hồi]).
Khuê Phong đại sư là tổ sư đời thứ năm của tông Hoa Nghiêm, là học trò của Thanh Lương đại sư, húy là Tông Mật. Ngài suốt đời dốc sức nơi kinh Viên Giác. Cổ nhân học Phật thấy kinh luận quá nhiều, chẳng biết phải dụng công từ đâu, Khuê Phong đại sư cũng như vậy. Ngài chí thành lễ bái cầu nguyện, lạy Phật, lạy suốt bảy ngày, đối trước Phật rút thăm. Ngài rút được kinh Viên Giác. Sau khi Ngài rút được, bèn suốt đời chuyên nghiên cứu kinh Viên Giác, Ngài đích xác là bậc giảng giải kinh Viên Giác đầy uy tín. Mãi cho đến nay, hơn một ngàn năm qua, không ai có thể giảng giải kinh Viên Giác vượt hơn Ngài. Ngài chú giải kinh Viên Giác bốn lần, Viên Giác Kinh Lược Sớ, Viên Giác Kinh Lược Sớ Chi Sao, Viên Giác Kinh Đại Sớ, Viên Giác Kinh Đại Sớ Chi Sao. Kinh Viên Giác chỉ có hai quyển, [đại sư] chú giải hết sức tỉ mỉ, quả thật rất lỗi lạc! Nói thật ra, có thể nói là nội dung kinh Viên Giác và kinh Lăng Nghiêm hoàn toàn tương đồng. Lăng Nghiêm là nói rộng, nói chi tiết, Viên Giác là nói đại lược, nội dung [hai kinh] có rất nhiều chỗ giống nhau, cảnh giới hết sức cao, là kinh điển của Đại Thừa Viên Giáo.
Trong Viên Giác Kinh Sớ Sao, Ngài nói: “Chủng chủng thủ xả giai thị luân hồi” (các thứ lấy – bỏ đều là luân hồi), câu này xác thực là đúng như vậy. Lấy – bỏ bèn có được – mất, tâm “lấy – bỏ, được – mất” là tâm luân hồi, không thoát khỏi lục đạo luân hồi. “Xả thử Sa Bà, thủ bỉ Tịnh Độ” (bỏ cõi Sa Bà này, lấy cõi Tịnh Độ kia) vẫn là tâm lấy – bỏ! Tâm như vậy vẫn luân hồi trong lục đạo, không ra khỏi tam giới. Đúng hay không? Đúng, chẳng sai! Nếu quý vị dùng cái tâm lấy – bỏ tức là trật rồi, Khuê Phong đại sư nói chẳng sai!
Người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng ra đi bằng cái tâm lấy – bỏ đối với thế giới Sa Bà và Cực Lạc, mà dùng cái tâm gì để vãng sanh? Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới để cầu học, du học. Sau khi học thành công, sẽ lập tức trở về độ chúng sanh, tâm như vậy đó! Nếu người ấy thật sự bỏ Sa Bà, sau này còn có thể trở lại hay chăng? Chẳng trở lại! Nếu người ấy lấy Tịnh Độ, trong tương lai còn có thể bỏ Tịnh Độ hay không? Có thể thấy là lời ngài Khuê Phong nói chẳng sai. Nếu chúng ta cảm thấy ở đây khổ, bên đó vui, lần này ta sang Tây Phương Cực Lạc thế giới là tốt đẹp rồi, ta cũng chẳng còn phải chịu khổ nữa, cũng chẳng muốn quay lại thế giới này! Nếu quý vị có tâm lý ấy, sẽ chẳng thể vãng sanh, vì sao? Chẳng tương ứng với bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật.
Do vậy, đối với những vị Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, từ kinh điển chúng ta có thể thấy và từ bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật ta cũng thấy, sau khi các Ngài vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ở trong Tây Phương Cực Lạc đến đến, đi đi. Mười phương thế giới chư Phật nơi nào có duyên bèn đến đó, đi chẳng bao lâu lại trở về, trở về ở được vài ngày rồi lại đi, đến đến, đi đi! Đi để làm gì? Tiếp dẫn chúng sanh; chính mình đã đến Tây Phương Cực Lạc thế giới thành tựu, chúng sanh trong mười phương thế giới có duyên, có quan hệ với chính mình, [chẳng thể không đến tiếp dẫn]. Kinh Phật thường nói: “Phật chẳng độ kẻ vô duyên”, vì sao? Chẳng có quan hệ với quý vị, quý vị thuyết pháp cho họ, họ chẳng nghe, chẳng tiếp nhận. Nếu họ rất vui vẻ, hoan hỷ nghe, hoan hỷ tiếp nhận, tức là trong đời quá khứ đã có duyên phận với quý vị nên họ mới vui vẻ lắng nghe. Thuyết một pháp giống hệt như vậy, nhưng thay bằng một vị pháp sư khác, họ chẳng vui lòng, phàm phu mang nỗi chấp trước ấy! Họ thích vị pháp sư này, chẳng thích vị pháp sư kia, tức là trong đời quá khứ có duyên hay vô duyên.
Đời quá khứ của chúng ta rất nhiều, chẳng kể xiết! Quá khứ còn có quá khứ, quá khứ vô thỉ! Chúng ta cũng không chỉ sống trên quả địa cầu này, mà mười phương thế giới trong quá khứ chúng ta đều đã từng ở đó. Nói theo thuật ngữ hiện thời [mười phương thế giới] là những tinh cầu khác ở ngoài vũ trụ, trong đời quá khứ chúng ta đều đã từng sống ở đó. Vì thế, trong bất cứ cõi Phật nào, cũng đều có cha mẹ, anh em trai, chị em gái, thân thích, bằng hữu của chúng ta trong quá khứ. Những người có quan hệ ấy chính là người hữu duyên, bất luận trong quá khứ kết thiện duyên hay ác duyên đều được! Chẳng cần biết thiện hay ác, đều là người hữu duyên, ta có thể giúp đỡ họ.
Hễ các vị Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đến mười phương thế giới độ chúng sanh, đều khuyên họ niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Như trong kinh này, trong phần trước đã nêu ra mười sáu vị tôn giả và bốn vị Bồ Tát, trong kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy mười sáu vị Hiền Hộ Chánh Sĩ. Những vị ấy đều là Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới thả chiếc bè Từ mà đến nơi đây, có thể thấy các Ngài đến đi rất nhiều lượt. Chẳng phải là bất động trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng phải vậy, mà là đến đến, đi đi. Do đó, nhất định phải hiểu rõ đạo lý này.
Khuê Phong đại sư nói lời này chẳng sai, nếu quý vị dùng cái tâm lấy – bỏ, sẽ chẳng thể vãng sanh. Trong thế gian này, nếu chúng ta chỗ nào cũng đều có ý niệm lấy – bỏ, chắc chắn chẳng thể lợi ích chúng sanh, vì sao? Lấy – bỏ là tư tâm, chúng ta nói thông tục là “tự tư tự lợi”. Bồ Tát luôn vì chúng sanh, chẳng lấy – bỏ vì chính mình, vì chúng sanh mà lấy – bỏ thì đúng. Vì chúng sanh thì như Trí Giả đại sư đã nói trong phần trước: Do chúng sanh khổ nên ta mới lìa Sa Bà đến Cực Lạc, vì sự vui sướng của chúng sanh mà chúng ta mới lấy thế giới Cực Lạc, chẳng phải vì chính mình; lấy – bỏ là vì hết thảy chúng sanh! Giúp họ lấy – bỏ, chẳng phải lấy – bỏ cho chính mình. Mỗi người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới đều có tâm thái như vậy, thật sự là vĩ đại, chẳng thể nghĩ bàn.
(Sao) Nhi Đại Mai diệc vân.
(鈔) 而大梅亦云。
(Sao: Ngài Đại Mai cũng nói).
Đại Mai là một vị Đại Đức trong Thiền Tông.
(Sao) Xả cấu thủ tịnh, thị sanh tử nghiệp.
(鈔) 捨垢取淨,是生死業。
(Sao: Bỏ cấu, lấy tịnh là nghiệp sanh tử).
Theo Khuê Phong đại sư giảng giải, “sanh tử nghiệp” có nghĩa là luân hồi, hai vị này có kiến giải giống nhau.
(Sao) Cố kim biện vân.
(鈔) 故今辯云。
(Sao: Nên nay biện định rằng).
Ở đây, sợ người ta nghe hai câu ấy sẽ nẩy sanh sai lầm, sai lầm gì vậy? Chẳng dám vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, lỗi lầm ấy rất
- “Cố kim biện vân” (cho nên biện định rằng).
(Sao) Thử đẳng ngữ ngôn, phi bất cực trí, đản đắc chỉ tắc hiệu Đề Hồ, thất ý tắc thành độc dược.
(鈔) 此等語言,非不極致,但得旨則號醍醐,失意則成毒藥。
(Sao: Loại ngôn ngữ ấy không lời nào chẳng nói đến lẽ tột cùng, nhưng lãnh hội ý chỉ bèn gọi là Đề Hồ, nếu chẳng hiểu ý sẽ trở thành thuốc độc).
Hai câu ấy quả thật là như thế. Nếu quý vị thật sự hiểu rõ ý chỉ của các vị Khuê Phong và Đại Mai thì những lời ấy sẽ là Đề Hồ. Hai vị đại sư đều là bậc đại đức lỗi lạc trong nhà Thiền, đều là hàng Bồ Tát minh tâm kiến tánh. Những lời ấy đều nhằm sám trừ tình chấp và chấp trước của kẻ tu hành, dụng ý ở chỗ này, cũng là do các Ngài thấy những kẻ tu hành có ý niệm “lấy – bỏ, được – mất” quá nặng, nên mới nói như vậy. Đúng là ứng bệnh cho thuốc, thuốc uống vào liền khỏi bệnh. Nếu chúng ta chẳng có chấp trước ấy, nay nghe những lời này của ngài Khuê Phong và Đại Mai bèn ngược ngạo chấp trước cách nói ấy, hại chúng ta cũng chẳng dám phát nguyện cầu sanh Tây Phương, như vậy là hỏng rồi! Do thuốc mà lại đổ bệnh, “chấp dược thành bệnh” (chấp thuốc thành bệnh), ngược ngạo biến [thuốc hay] thành độc dược! Vì thế, phải hiểu rõ ràng, minh bạch lời các Ngài nói chẳng sai!
Nay chúng ta thấy có những vị tổ sư nói “bỏ Sa Bà, lấy Cực Lạc”, nói như vậy cũng chẳng sai! Sự lấy – bỏ ấy có cùng một ý nghĩa với những vị tổ sư bảo “chẳng lấy, chẳng bỏ”. Do đó, quý vị phải hiểu ý nghĩa của chúng. “Không lấy, không bỏ” là chẳng có chấp trước, “bỏ Sa Bà, lấy Cực Lạc” cũng chẳng chấp trước. Bỏ chẳng phải là thật, tôi vừa mới nói đó, tạm thời bỏ, lấy Cực Lạc chẳng phải là thật sự lấy. Đến thế giới Cực Lạc xong bèn lập tức lại rời khỏi. Trọn chẳng phải là đã tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, nơi ấy quá vui sướng, ta vĩnh viễn chẳng muốn rời khỏi, vĩnh viễn hưởng thụ ở nơi đó, chẳng phải vậy! Nếu có ý niệm ấy, sẽ chẳng thể vãng sanh, do chẳng tương ứng với bổn nguyện của A Di Đà Phật.
(Sao) Tận linh nhi hành, hà đản xả Sa Bà cấu, thủ Cực Lạc tịnh, vi thủ xả dã! Túng vị ngã độ duy tâm, nhi xả cảnh thủ tâm, diệc thủ xả dã. Túng vị ngã vô thủ xả, nhi xả thử hữu thủ xả, thủ bỉ vô thủ xả, diệc thủ xả dã, diệc luân hồi sanh tử nghiệp dã.
(鈔) 盡令而行,何但捨娑婆垢,取極樂淨,為取捨也。縱謂我土惟心,而捨境取心,亦取捨也。縱謂我無取捨,而捨此有取捨,取彼無取捨,亦取捨也,亦輪迴生死業也。
(Sao: [Nói “lấy, bỏ, ưa, chán”] nhằm khiến cho trọn hết chúng sanh đều tu hành [pháp môn Tịnh Độ này], sao lại chỉ coi “bỏ Sa Bà nhơ, lấy Cực Lạc sạch” là “lấy, bỏ”. Dẫu nói cõi của ta (Sa Bà) là duy tâm thì “bỏ cảnh, lấy tâm” vẫn là “lấy, bỏ”. Dẫu nói “ta không có lấy – bỏ”, nhưng bỏ cái “có lấy – bỏ” này để giữ lấy cái “không lấy – bỏ” kia thì vẫn là lấy – bỏ, vẫn là nghiệp sanh tử luân hồi vậy).
Đây là lời biện bác của Liên Trì đại sư cũng nhằm giúp cho chúng ta kiến lập một tri kiến chính xác. Mấu chốt là tâm, nên nói rõ ràng, minh bạch, đơn giản hơn một chút thì tổ sư nói: Vì chính mình mà lấy – bỏ thì là sai lầm, quyết định là nghiệp luân hồi. Vì chính mình mà chẳng lấy, chẳng bỏ thì vẫn là lấy – bỏ. Quý vị bỏ cái “lấy – bỏ” để giữ lấy một cái “chẳng lấy, chẳng bỏ”, đó vẫn là lấy – bỏ! Nói tóm lại, hễ quý vị vì chính mình thì chắc chắn là sanh tử luân hồi. Nếu chúng ta vì hết thảy chúng sanh, chẳng có lỗi lầm gì, mấu chốt ở ngay chỗ này. Mong mọi người hãy khéo lưu ý!
Vì hết thảy chúng sanh chính là phước báo chân thật, vì sao? Bản thân chúng ta phước báo rất hữu hạn, quý vị phát đại tâm vì chúng sanh, sẽ biến phước báo của chúng sanh thành phước báo của chính mình, do chính mình và chúng sanh đã hòa lẫn thành một Thể. Chúng sanh có phước thì ta có phước. Lại còn hòa thành một khối với chư Phật, Bồ Tát, chư Phật, Bồ Tát có phước, ta cũng có phước. Ta chẳng vạch giới hạn giữa mình và các Ngài, nhận biết ta và các Ngài đồng nhất. Nếu chẳng nhận thấy ta và các Ngài đồng nhất, tự khoanh một ranh giới nhỏ bé, ta độc lập, ta không phải là quý vị, quý vị chẳng phải là ta, phước báo của ta rất hữu hạn. Dần dần phước báo do chính mình đã tu tích trong đời quá khứ và đời này bị hao tổn hết sạch. Vì thế, các đồng tu học Phật, bất luận xuất gia hay tại gia đều phải hiểu rõ đạo lý này!
Thừa nguyện tái lai, cũng không hoàn toàn có nghĩa là vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới rồi quay về, [những vị đã vãng sanh Tây Phương Cực Lạc rồi quay trở về] đương nhiên là thừa nguyện tái lai. Đối với những kẻ nay còn chưa vãng sanh mà cũng có thể coi là thừa nguyện tái lai, thì phải nói như thế nào? Nay chúng ta ở trong thế gian này là do nghiệp lực mà thọ sanh, chẳng phải là thừa nguyện tái lai. Chúng ta do nghiệp lực mà đến [thế gian này], chẳng muốn đến cũng không được, muốn chạy cũng chạy chẳng khỏi! Chẳng có tự do, tự mình chẳng thể làm chủ; nhưng chúng ta thật sự giác ngộ, từ nay trở đi phát nguyện, ta vì hết thảy chư Phật, Bồ Tát, vì hết thảy chúng sanh, quên sạch chính mình, đó là chuyển biến nghiệp lực của chính mình thành nguyện lực, sẽ giống như bậc thừa nguyện tái lai.
Trí huệ và phước đức của quý vị quyết định tăng trưởng, trí huệ do Tam Bảo gia trì, phước đức cũng do Tam Bảo gia trì, tùy thuộc quý vị có muốn hay là không. Như tôi vừa mới nói, có bằng lòng nhận biết mình và hết thảy chư Phật đồng nhất hay không, có nhận thấy chính mình và hết thảy chúng sanh đồng nhất hay không! Thật ra chữ Nhận (認) này là từ ngữ hiện thời, [dùng từ ngữ này] cho mọi người dễ hiểu, đúng ra là phải như Quán Thế Âm Bồ Tát đã nói trong kinh Lăng Nghiêm: “Thượng hợp thập phương chư Phật bổn diệu giác tâm, dữ Phật Như Lai đồng nhất từ lực; hạ hợp thập phương nhất thiết lục đạo chúng sanh, dữ chư chúng sanh đồng nhất bi ngưỡng” (trên là hợp với cái tâm vốn diệu giác của mười phương chư Phật, có cùng một từ lực với Phật Như Lai. Dưới là hợp với mười phương hết thảy lục đạo chúng sanh, có cùng một tấm lòng bi ngưỡng như chúng sanh). Ý nghĩa này, nếu nói theo cách bây giờ, sẽ là trên, Ngài nhận thấy chính mình và mười phương chư Phật đồng nhất, dưới là nhận thấy chính mình và hết thảy chúng sanh đồng nhất, thật sự quên bẵng chính mình, đó là Quán Thế Âm Bồ Tát, chúng ta phải nên học tập điều này.
Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, Quán Thế Âm Bồ Tát cũng là đến đến, đi đi, chẳng phải chỉ cứu độ các chúng sanh ở chỗ chúng ta. Chúng ta thường nói Quán Âm Bồ Tát đặc biệt có duyên với chúng ta. Không sai, Quán Âm Bồ Tát và mỗi thế giới trong mười phương thế giới đều có duyên. Trong bốn mươi tám nguyện, A Di Đà Phật đã nói, Ngài đã thành Phật, tiếng tăm của những vị thầy trong thế giới của A Di Đà Phật đều là “phổ văn thập phương” (lừng danh khắp mười phương). Quán Âm và Thế Chí là các vị giáo sư trong thế giới Cực Lạc! Mười phương thế giới chẳng ai không biết hai vị đại Bồ Tát ấy. Hai vị đại Bồ Tát ấy dùng phương pháp gì để tiếp dẫn chúng sanh? Dùng phương pháp
Niệm Phật.
(Sao) Ninh tri lý vô phân hạn, sự hữu sai thù. Lý tùy Sự biến, tắc vô thủ xả xứ, thủ xả uyển nhiên; Sự đắc Lý dung, tắc chánh thủ xả thời, liễu vô thủ xả. Cố Bồ Tát tuy tri nhất thiết pháp bình đẳng bất nhị, nhi thị khổ lạc cảnh, khai thủ xả môn, Quyền Thật song hành, Lý Sự vô ngại.
(鈔) 寧知理無分限,事有差殊。理隨事變,則無取捨處,取捨宛然;事得理融,則正取捨時,了無取捨。故菩薩雖知一切法平等不二,而示苦樂境,開取捨門,權實雙行,理事無礙。
(Sao: Chẳng biết Lý chẳng có phân biệt, giới hạn, nhưng Sự có sai khác rạch ròi. Lý biến đổi theo Sự, nên trong chỗ không có lấy – bỏ mà lấy – bỏ rành rành. Đã hiểu Sự, Lý dung thông thì ngay trong lúc lấy – bỏ, trọn chẳng có lấy – bỏ. Vì thế, Bồ Tát tuy biết hết thảy các pháp bình đẳng chẳng hai, nhưng chỉ bày cảnh khổ, cảnh vui, mở ra môn lấy – bỏ, Quyền Thật cùng hành, Lý Sự vô ngại).
Trong đoạn này, đại sư đã chỉ dạy cảnh giới và cách nhìn chính xác. “Lý vô phân hạn”, “phân” là phân biệt, “hạn” là giới hạn. “Lý” là nói tới Chân Như bổn tánh, là chân tâm lý thể. Xác thực là trong chân tâm bổn tánh, tịnh và uế thảy đều chẳng có. Đó là như kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Pháp giới nguyên bổn thị Nhất Chân” (pháp giới vốn là Nhất Chân), trong Nhất Chân chẳng có hai pháp. Tịnh và uế là hai pháp, lấy – bỏ là hai pháp, hai pháp chẳng phải là Phật pháp. Trong Đàn Kinh, khi ngài Ấn Tông gặp Lục Tổ lần đầu, Ấn Tông thỉnh giáo Lục Tổ, thưa: “Ngài Hoàng Mai (tức Ngũ Tổ) có giảng Thiền Định, giải thoát hay không?” Lục Tổ vừa nghe bèn ngay lập tức bảo Sư: “Thiền Định và giải thoát là hai pháp, Phật pháp là pháp bất nhị, hai pháp chẳng phải là Phật pháp”. Ngài chẳng nói với Sư điều gì khác, đó là gì? Đó là Ngài thật sự khai ngộ, thật sự biết quy vào tự tánh. Đấy là nói theo Lý, lời hỏi của ngài Ấn Tông là hỏi theo mặt Sự. Lời đáp của Lục Tổ chẳng trả lời theo mặt Sự, mà giải đáp theo Lý.
Ở đây, [Liên Trì] đại sư giảng theo Lý, xét về Lý chẳng có tịnh hay uế, mà cũng chẳng có lấy hay bỏ. Lý là Nhất Chân, nhưng trên sự tướng bèn có sai biệt, sai biệt do đâu mà sanh? Chẳng sanh từ Lý, sai biệt là do vọng tưởng, chấp trước của hết thảy chúng sanh mà chia ra. Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã giảng điều này rất rõ ràng. Mười pháp giới do đâu mà có? Do vọng tưởng và chấp trước của hết thảy chúng sanh biến hiện. Rời khỏi vọng tưởng, chấp trước, Nhất Chân pháp giới sẽ khôi phục. Do đã có nhiều chúng sanh có bệnh, mê hoặc, điên đảo, từ trong “chẳng có tịnh uế” lại phân biệt tịnh và uế, đối với chẳng có lấy – bỏ, lại phân biệt lấy – bỏ, đó là “Sự hữu sai thù” (về Sự bèn có sai khác rạch ròi), tịnh – uế rành rành, lấy – bỏ rành rành. Chẳng thể nói là không có “lấy – bỏ”, nó xác thực tồn tại.
“Lý tùy Sự biến”, tức là nói theo Lý thì chẳng có lấy hay bỏ, nhưng trong “không lấy – bỏ”, nay chúng sanh có lấy, có bỏ, đúng như trong kinh luận đã nói: “Tuy biết là chẳng có vọng để có thể đoạn, nhưng cũng chẳng ngại đoạn trừ vọng tưởng. Tuy biết chẳng có Chân để có thể chứng, nhưng cũng chẳng ngại chứng chân tâm”. Đó là nói rõ Lý Sự vô ngại, như vậy thì mới có thể viên dung. “Sự đắc Lý dung, tắc chánh thủ xả thời, liễu vô thủ xả” (đã hiểu được Sự Lý dung thông thì ngay trong khi lấy – bỏ, trọn chẳng có lấy – bỏ). Dùng cảnh giới trước mắt chúng ta để nói thì cảnh giới trước mắt chúng ta là cảnh giới của hạng phàm phu lè tè sát đất, chúng ta phải “bỏ Sa Bà, lấy Cực Lạc”, đó là lấy – bỏ. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, thế giới ấy là Nhất Chân pháp giới, sau khi đã đến bên ấy mới hiểu “chẳng lấy, chẳng bỏ”. Từ “lấy – bỏ” mà nhập “chẳng lấy, chẳng bỏ”, nói cách khác là từ mười pháp giới mà nhập Nhất Chân pháp giới. Đó là phương tiện nhất trong các phương tiện, là thiện xảo nhất trong các điều thiện xảo, có thể khiến cho hạng phàm phu lè tè sát đất thoáng chốc thành Phật. Đích xác là trong tám vạn bốn ngàn pháp môn chẳng có điều này!
Đối với pháp môn này, chúng ta phải đặc biệt tuân thủ “y pháp, bất y nhân”, chớ nên bận tâm đến lời lẽ của những vị tổ sư, đại đức. Các Ngài nói ý nghĩa này, ý nghĩa nọ, chúng ta chẳng hiểu ý nghĩa thật sự, nghe câu nói đó bèn hiểu lệch lạc, tạo thành tổn hại hết sức to lớn đối với chính mình, như thế là lầm lẫn to lớn. Chúng ta luôn phải y pháp, pháp là Tịnh Độ tam kinh, nhất là bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, đó là pháp căn bản trong các pháp, nhất định phải nương theo.
“Quyền Thật song hành, Sự Lý vô ngại” (Quyền Thật cùng hành, Sự Lý vô ngại), “tri nhất thiết pháp bình đẳng bất nhị” (biết hết thảy các pháp bình đẳng, chẳng hai), đó là thật, là Lý. Chư Phật Bồ Tát cũng thị hiện cảnh giới khổ – lạc. Không chỉ giảng giải bằng ngôn thuyết, các Ngài còn thể hiện hình tướng bằng cách biến hiện cảnh giới cho chúng ta thấy. Đó là “khai thủ xả môn”, dùng lấy – bỏ làm pháp phương tiện để hướng dẫn hết thảy chúng sanh, đó là Quyền, là Sự. Chúng ta kết hợp Lý và Sự lại để nhìn thì bình đẳng là khổ – lạc, khổ – lạc là bình đẳng, bất nhị là lấy – bỏ, lấy – bỏ là bất nhị. Đó là “song hành vô ngại”. Cuối cùng nói, tuy Bồ Tát biết hết thảy các pháp bình đẳng, bất nhị, nhưng Ngài có thể thị hiện cảnh giới khổ – lạc, mở môn phương tiện “lấy – bỏ” nhằm giúp chúng ta chứng nhập Nhất Chân pháp giới.
Bốn cõi của Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là Nhất Chân pháp giới. Cổ đức bảo chúng ta từ thế gian này vãng sanh là “hoành siêu tam giới”, tới Tây Phương Cực Lạc thế giới là “hoành sanh tứ độ”. [Nghe nói] hoành sanh tứ độ, quý vị bèn nghĩ bên ấy là Nhất Chân pháp giới; nếu chẳng phải là Nhất Chân pháp giới, bốn cõi bèn có sai biệt, làm sao có thể đồng thời sanh vào? Có thể đồng thời sanh vào thì có thể thấy nơi ấy là cảnh giới vô sai biệt. Chúng ta từ một cảnh giới sai biệt, nhập cảnh giới vô sai biệt; thật sự là “Quyền Thật song hành, Lý Sự vô ngại”. Tiếp đó, đại sư nêu một thí dụ để chúng ta khéo suy xét một phen!
(Sao) Tư luận thả trí.
(鈔) 斯論且置。
(Sao: Tạm gác sự luận định ấy lại).
“Thả trí” là tạm thời chúng ta gác lại, chẳng bàn đến.
(Sao) Kim nhữ tự thẩm.
(鈔) 今汝自審。
(Sao: Nay ông hãy tự xét).
Nay bản thân chúng ta hãy khéo suy nghĩ, xem xét chính mình.
(Sao) Quả năng.
(鈔) 果能。
(Sao: Thật sự có thể).
“Quả năng”: Quả nhiên có thể.
(Sao) Tao khang xú hủ dĩ vi ẩm thực, bất dị cao lương phủ?
(鈔) 糟穅臭腐以為飲食,不異膏粱否。
(Sao: Coi thức ăn từ những thứ vụn vặt, hư nát, hôi thối, chẳng khác gì cao lương mỹ vị hay không?)
Chúng ta có làm được hay không? Đây là hai thứ cảnh giới khổ và lạc. “Tao khang xú hủ” là thức ăn dở nhất, “cao lương” là thức ăn ngon tuyệt nhất. Có thể coi chúng là bình đẳng, chẳng hai hay không? Chẳng làm được! Trên lý luận là bình đẳng, nhưng trong sự thật, chúng ta chẳng có cách nào đạt được bình đẳng. Điều này nói rõ Lý là Lý, Sự là Sự. Khuê Phong và Đại Mai nói theo Lý, các Ngài đã quên chân tướng sự thật. Cảnh giới của Khuê Phong và Đại Mai là cảnh giới Bồ Tát, là cảnh giới minh tâm kiến tánh, các Ngài quên bẵng cảnh giới của hàng phàm phu lè tè sát đất như chúng ta! Vì thế, nhất định phải hiểu rõ đạo lý này. Lời các Ngài nói chẳng phải là thiếu đạo lý, nhưng chúng ta chẳng dùng được. Chúng ta dùng lời khai thị của Ngài là sai mất rồi! Thuốc của Ngài để trị loại bệnh đặc biệt, chẳng nhằm trị chứng bệnh của chúng ta. Nếu chúng ta dùng thuốc của Ngài, sẽ bệnh càng thêm bệnh, uống vào sẽ ô hô, ai tai, quyết định chẳng thể dùng! Tiếp đó lại có một tỷ dụ.
(Sao) Xí hỗn khanh tỉnh dĩ vi sàng tháp, bất dị hoa đường phủ?
(鈔) 廁溷坑穽以為床榻,不異華堂否。
(Sao: Coi chuồng xí, hầm hố như giường, chõng, chẳng khác nhà cửa tráng lệ hay không?)
Trong phần trước là nói đến chuyện ăn uống, ở đây nói về chỗ ở, so sánh giữa hai cực đoan. “Hoa đường” là cung điện, cung điện là chỗ ở sang trọng, tráng lệ. Lều tranh vừa dơ bẩn vừa hôi hám, có thể sánh bằng điện đường rực rỡ hay không?
(Sao) Mộc bì, thảo diệp dĩ vi y phục, bất dị la ỷ phủ?
(鈔) 木皮草葉以為衣服,不異羅綺否。
(Sao: Coi quần áo bằng vỏ cây, lá cỏ, chẳng khác lượt là hay chăng?)
Thời đại thượng cổ chẳng có quần áo để mặc, chỉ dùng da thú hay lá cây bện thành khố để quấn, hiện thời mặc lượt, là, the, đoạn. Đó là nói về cái mặc. Trong ăn, ở, mặc, quả thật có sai biệt, quý vị có thể chẳng phân biệt, chẳng chấp trước nơi ấy, thật sự đạt được bình đẳng hay không? Nếu [làm được] như vậy, chúc mừng quý vị, quý vị là đại Bồ Tát, chắc chắn chẳng phải là kẻ tầm thường. Đây là cảnh giới của bậc Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo trở lên, là pháp môn Bất Nhị. Nếu đối với những sự khổ – lạc đối lập này, quý vị vẫn cảm thấy có khổ, có vui, nói cách khác, quý vị vẫn chưa nhập pháp môn Bất Nhị, mà cũng là nói là quý vị chưa minh tâm kiến tánh. Dẫu quý vị tu giỏi giang cách mấy, cũng bất quá giống như Thanh Văn, Duyên Giác, Quyền Giáo Bồ Tát. A La Hán, Bích Chi Phật có lấy, có bỏ, có khổ, có lạc, vẫn chưa thể đạt đến khổ – lạc bất nhị, lấy – bỏ bất nhị.
(Sao) Hổ, hủy, hùng, bi[1] dĩ vi bạn lữ, bất dị phụ mẫu, huynh đệ phủ?
(鈔) 虎兕熊羆以為伴侶,不異父母兄弟否。
(Sao: Coi hổ, tê giác, gấu như bạn bè, chẳng khác cha mẹ, anh em hay không?)
“Hổ, hủy, hùng, bi” là dã thú hung mãnh, nay chúng ta có thể nói [tổng quát] là “độc xà, mãnh thú”. Quý vị có thể ở chung với chúng giống như [sống cùng với] cha mẹ, anh em trai, chị em gái hay không? Ở đây, dùng [những loài mãnh thú ấy] để tỷ dụ kẻ ác.
(Sao) Đông tọa băng tuyết, bất dị tăng khoáng phủ? Hạ bạo liệt nhật, bất dị lương phong phủ?
(鈔) 冬坐冰雪,不異繒纊否;夏暴烈日,不異涼風否。
(Sao: Mùa Đông ngồi trên băng tuyết chẳng khác mền nệm mịn màng hay không? Tháng Hạ nhằm ngày nóng gắt, chẳng khác gì gió mát hay không?)
Chỗ nào cũng đều nêu ra hai trường hợp cực đoan, cực bất bình đẳng. Xác thực là chúng ta chẳng thể làm được!
(Sao) Nãi chí địa ngục trung tỏa thiêu thung ma.
(鈔) 乃至地獄中銼燒舂磨。
(Sao: Cho đến cưa, đốt, giã, xay trong địa ngục).
Đó là nỗi khổ trong địa ngục.
(Sao) Bất dị nhập Đệ Tam Thiền phủ?
(鈔) 不異入第三禪否。
(Sao: Chẳng khác nhập Đệ Tam Thiền ư?)
Trong thế giới Sa Bà, Đệ Tam Thiền vui sướng nhất. Cảnh giới sung sướng nhất là Đệ Tam Thiền. Tam Thiền Thiên là “thế giới Cực Lạc” trong thế giới Sa Bà. Địa ngục khổ nhất, Tam Thiền sướng nhất.
(Sao) Dị loại trung hành, bất dị du hý phủ?
(鈔) 異類中行,不異遊戲否。
(Sao: Đi trong dị loại, chẳng khác dạo chơi hay không?)
“Dị loại” là nói tới lục đạo. Chúng ta và quỷ, súc sanh ở cùng một chỗ, có thể coi như lúc chúng ta cùng bạn tốt chơi đùa hay không? Nêu ra nhiều thí dụ ngần ấy.
(Sao) Như kỳ bất nhiên, uyển nhĩ phàm phu.
(鈔) 如其不然,宛爾凡夫。
(Sao: Nếu chẳng được như vậy thì rành rành là phàm phu).
Quý vị ở trong các cảnh giới cực đoan ấy vẫn có phân biệt, vẫn có chấp trước, chưa thể thật sự thanh tịnh, bất nhị; nói cách khác, quý vị là phàm phu!
(Sao) Hà đắc vọng dĩ đại thánh nhân quá lượng cảnh giới nhi vi kỷ hữu.
(鈔) 何得妄以大聖人過量境界而為己有。
(Sao: Há có nên lầm lạc lấy cảnh giới từng trải của bậc đại thánh nhân làm cảnh giới sở hữu của chính mình!)
Sai mất rồi, Khuê Phong và Đại Mai nói đến cảnh giới của bậc từ
Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên. Đó cũng là cảnh giới của Pháp Thân đại sĩ, chẳng phải là cảnh giới của phàm phu chúng ta. Đối với bậc Pháp Thân đại sĩ, chúng ta nghe lời Ngài thấy hay lắm, cao lắm! Nhưng chẳng dùng được, vô dụng!
(Sao) Thủ khoái nhất thời, lưu hại vô tận.
(鈔) 取快一時,流害無盡。
(Sao: Được sướng khoái một chốc, gây hại vô tận).
Đúng vậy! Đấy là như người thế gian chúng ta đã nói, ăn nói đao to búa lớn, lớn lối! Dường như phô bày cảnh giới của chính mình ghê gớm lắm, nhưng sẽ làm hại chúng sanh, vì thính chúng chưa đạt đến cảnh giới ấy. Cách nói này thiếu lòng từ bi.
(Sao) Ưng văn thử ngữ, sanh đại hối hận, khởi đại giác ngộ, thế lệ bi khấp, cầu sanh Tịnh Độ.
(鈔) 應聞此語,生大悔恨,起大覺悟,涕淚悲泣,求生淨土。
(Sao: Hãy nên nghe lời này bèn sanh lòng hối hận to lớn, khởi lên sự giác ngộ to tát, nước mắt chứa chan, cầu sanh Tịnh Độ).
Đấy là đúng. Chúng ta nghe những lời của các vị ấy, giọng điệu quá cao. Người thật sự hiểu lý sẽ thấu hiểu, những vị ấy nói có sai hay không? Chẳng sai! Nhưng đối với chúng sanh chẳng có lợi, chỉ có hại. Sở dĩ kinh Phật được gọi là Khế Kinh [là vì] “thượng khế chư Phật sở chứng chi Lý, hạ khế chúng sanh khả độ chi cơ” (trên khế hợp với Lý được chứng bởi chư Phật, dưới hợp với căn cơ của chúng sanh đáng độ), như vậy thì mới được! Lời của các vị Khuê Phong và Đại Mai là “thượng khế chư Phật sở chứng chi Lý”, nhưng dưới thì chẳng khế cơ, chẳng có lợi ích cho chúng sanh. Vì vậy, Phật pháp phải khế cơ, khế lý thì mới thật sự là thiện xảo. Nếu chỉ khế lý, chẳng khế cơ, cổ nhân gọi [những lời lẽ ấy] là “nhàn ngôn ngữ, phế thoại” (lời lẽ thừa thãi, vô ích), chúng sanh chẳng đạt được lợi ích. Nếu chỉ khế cơ mà chẳng khế lý, chỗ tai hại còn lớn hơn nữa, đó là ma thuyết!
Người hiểu rõ ràng, nghe lời này nhất định sẽ “sanh đại hối hận, khởi đại giác ngộ, nước mắt chứa chan, cầu sanh Tịnh Độ”. Vì sao? Nếu từ Tây Phương Tịnh Độ quay lại, vì hết thảy chúng sanh thuyết pháp, tất nhiên là khế cơ, khế lý, quyết định chẳng có lầm lỗi. Dẫu là Bồ Tát thuyết pháp, chẳng khác gì Phật! Do vậy, ta có thể biết: Chẳng thể không sanh về Tịnh Độ! Nếu không, những vị đại thiện tri thức, nhất đại tổ sư như thế, lời nói vẫn còn chẳng tránh khỏi khuyết điểm! Nghĩ đến pháp môn Sám Hối, Đẳng Giác còn phải sám hối, đạo lý này cũng rất hiển nhiên. Chúng ta muốn lợi lạc chúng sanh chẳng phạm lỗi thì chẳng thể nào không vãng sanh! Đại Mai, Khuê Phong đều là những nhân vật lỗi lạc trong lịch sử Phật học Trung Quốc mà lời nói còn phạm khuyết điểm! Hôm nay, chúng tôi giảng đến đây!
[1] Bi (羆) là một loại gấu. Từ điển Khang Hy giảng Bi có thể hiểu theo hai nghĩa:
- Bi giống như gấu, lông có vằn trắng và vàng.
- Bi giống như gấu nhưng đầu dài, chân cao, có sức mạnh có thể nhổ bật cây cối.
Theo từ điển trực tuyến Bách Độ, Bi được hiểu là loại gấu nâu, có tên khoa học là Ursus Arctos.