#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 38
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn mươi tám:
Nhị, minh kỷ sở thượng.
二、明己所尚。
(Hai, nói rõ điều mình ưa chuộng).
Trong đoạn lời Tựa này, “minh” là nói rõ, “kỷ” là Liên Trì đại sư tự xưng. [Câu “minh kỷ sở thượng” có nghĩa là] nói rõ điều Ngài ưa chuộng, tôn sùng. Nói cách khác, trong rất nhiều pháp môn ngần ấy, bản thân Ngài chọn lựa pháp môn nào để khởi tu. Chọn lựa pháp môn sẽ bao gồm nhiều điều kiện trong ấy, chẳng phải là chọn lựa tùy tiện. Nếu chọn lựa tùy tiện, thì ở đây không cần phải nói nữa. Do vậy, chính mình nhất định phải lượng sức, pháp môn [được chọn lựa] ấy chẳng những phải thích hợp với căn tánh của chính mình, mà đồng thời còn phải chẳng trở ngại cuộc sống và công việc của chúng ta thì bắt đầu tu tập mới khá thuận tiện. Nếu không, rất khó thành tựu! Vì sao? Tu học Phật pháp lấy tâm thanh tịnh làm tông chỉ. Nếu có trở ngại, tâm sẽ chẳng dễ gì đạt được thanh tịnh. Khi không học Phật, tâm đầy thanh tịnh; học Phật rồi, đâm ra tâm rối loạn tơi bời; đó là chọn lựa pháp môn không thỏa đáng nên mới có hiện tượng ngược đời ấy.
(Tự) Chi thừa tiên sắc, đốc phụng tư kinh, vọng Lạc quốc vi gia hương, ngưỡng Từ Tôn như hỗ thị.
(序) 祗承先敕,篤奉斯經,望樂國為家鄉,仰慈尊如
怙恃。
(Tựa: Kính vâng theo lời sắc truyền từ trước, dốc lòng vâng theo kinh này, mong ngóng quê nhà nơi Lạc quốc, ngưỡng vọng đấng Từ Tôn như cha mẹ).
Chữ “tiên” (先) chỉ thầy dạy, nói gần gũi là thầy dạy, vâng theo lời thầy dạy bảo; nếu nói xa sẽ là vâng theo lời Thích Ca Mâu Ni Phật răn dạy.
“Sắc” (敕) là thánh chỉ của đế vương trước kia, đức Phật là pháp vương, do vậy, trong kinh luận cũng gọi lời Phật là “sắc”.
Trong kinh, đức Phật dạy chúng ta: “Thời kỳ Chánh Pháp, Giới Luật thành tựu”, trong thời kỳ Chánh Pháp chỉ cần tu giới luật bèn có thể chứng quả. “Thời kỳ Tượng Pháp, Thiền Định thành tựu”: Trong thời kỳ Tượng Pháp, cách Phật đã xa, tu Giới Luật rất khó khăn, chỉ dựa vào giữ Giới Luật chẳng thể chứng quả, chẳng thể khai ngộ, do vậy, phải tu Thiền Định. “Thời kỳ Mạt Pháp, Tịnh Độ thành tựu”: Chúng ta nay đang sống trong thời Mạt Pháp, Liên Trì đại sư cũng sanh trong thời Mạt Pháp. Nói cách khác, chúng ta hiện thời học Phật chọn lựa pháp môn này là “chi thừa”, “chi” (祗) là kính, [“chi thừa”] là kính vâng theo lời răn dạy của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, lão nhân gia đã dạy chúng ta như vậy, chúng ta phải vâng theo, phải tiếp nhận, y giáo phụng hành. “Đốc phụng tư kinh” (dốc lòng vâng theo kinh này): Chữ “tư kinh” chỉ bộ kinh này.
(Diễn) Tư kinh tán dương Cực Lạc, khuyến sanh Cực Lạc.
(演) 斯經贊揚極樂,勸生極樂。
(Diễn: Kinh này tán dương Cực Lạc, khuyên hãy sanh về Cực Lạc).
Bộ kinh này đặc biệt tán dương Tây Phương Cực Lạc thế giới, khuyên chúng ta vãng sanh Tịnh Độ của Phật Di Đà. Đấy là tông chỉ giáo học của bộ kinh này.
(Diễn) Cố vọng Lạc quốc vi gia hương.
(演) 故望樂國為家鄉。
(Diễn: Cho nên mong mỏi Lạc quốc là nơi quê nhà).
“Lạc quốc” là thế giới Cực Lạc, phải coi nơi ấy là quê nhà của chính mình!
(Diễn) Tư kinh chỉ thị Di Đà, khuyến niệm Di Đà, cố ngưỡng Từ Tôn như hỗ thị.
(演) 斯經指示彌陀,勸念彌陀,故仰慈尊如怙恃。
(Diễn: Kinh này chỉ bày Phật Di Đà, khuyên niệm danh hiệu Phật Di Đà, vì thế, ngưỡng vọng đấng Từ Tôn như cha mẹ).
Bộ kinh này dạy chúng ta sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới,
dùng phương pháp nào? Kinh bảo chúng ta trong thế giới ở phương Tây có Phật, danh hiệu của Phật là A Di Đà. A Di Đà Phật từng phát ra bốn mươi tám nguyện, nguyện nào cũng nhằm tiếp dẫn chúng sanh niệm Phật trong mười phương sanh về cõi ấy, dạy cho chúng ta phương pháp, khuyên chúng ta niệm A Di Đà Phật. Do vậy, chúng ta kính ngưỡng đấng Từ Tôn như cha mẹ. “Hỗ thị”[1] là cha mẹ. Chúng ta coi A Di Đà Phật như cha mẹ của chính mình. Mấy câu dưới đây rất đáng cho chúng ta kiêng dè.
(Diễn) Thiên sanh lưu lãng, bất tri hà xứ thị ngã gia hương.
(演) 千生流浪,不知何處是我家鄉。
(Diễn: Ngàn đời trôi giạt, chẳng biết chốn nào là quê hương của mình).
Chúng ta sống sống chết chết, chết chết sống sống trong thế gian, không chỉ “ngàn đời”! Từ vô lượng kiếp đến nay đã sanh tử luân hồi không ngừng. Sanh tử luân hồi là thật. Chúng tôi ở Mỹ đã gặp một đồng tu, kể rõ cho chúng tôi nghe một câu chuyện. Ông ta nói đời trước của mình có thể là một Hoa kiều già sống tại Mỹ, chết đi, đầu thai vào Đài Loan. Ông ta buôn bán ở Đài Loan, lần thứ nhất đến Mỹ, con người lẫn nơi chốn đều xa lạ. Có một hôm lái xe, vô ý lái qua một thành phố nhỏ thuộc phía Nam vịnh Cựu Kim Sơn (San Francisco Bay), lộ trình dự định của ông ta vốn chẳng phải là đi đến nơi ấy, chẳng biết vì sao lại lạc đường, lái xe đến nơi đó. Kết quả là đến chỗ đó, cảm thấy rất quen thuộc, ngay cả những con đường nhỏ ông ta cũng biết. Ông ta nghĩ: Đại khái trước kia ông ta là một Hoa Kiều sống bằng nghề đào quặng ở đó. Nếu không phải vậy, ta chưa hề đến nơi đó, vì sao lại quen thuộc với đường sá và nhà cửa ở nơi đó đến thế? Điều này chứng tỏ quả thật có đời trước.
Có khi, chúng ta lữ du, đột nhiên cảm thấy địa phương nào đó rất quen thuộc, chứng tỏ trong đời quá khứ quý vị đã từng đến đó. Do điều này chứng tỏ: Con người quả thật có đời trước, đã có đời trước, đương nhiên có đời sau, có đời sau nữa. Vì vậy, quá khứ, hiện tại, vị lai ba đời là thật!
Lục đạo luân hồi quả thật là “lưu lãng” (trôi nổi), chính mình chẳng thể sống an ổn ở nơi nào. Chúng ta không có trụ xứ, từ lúc sanh ra liền bận bịu vì chuyện này: Tức là cái chết! Mỗi ngày càng gần với tử vong hơn, thọ mạng mỗi ngày một giảm thiểu, ngày ngày giảm thiểu mãi cho đến khi chết. Đời người là như vậy đó. Đấy là “lưu lãng”. Các tôn giáo thông thường cho rằng sanh lên Thiên Đường là “vĩnh sanh” (sống đời đời), đó là hiểu lầm! Thiên Đường chẳng phải là sống đời đời, mà giống như con phù du trên mặt nước, thọ mạng chỉ có mấy tiếng đồng hồ! Con phù du thấy loài người thọ mạng khá dài, sống đến mấy chục năm. Phù du chỉ mấy tiếng đồng hồ là hết một đời, trông thấy thọ mạng loài người là mấy chục năm, một trăm năm, há chẳng phải là giống như chúng ta nhìn chư thiên ư? Phù du sống được mấy giờ, nó cảm nhận đấy là một đời. Con người sống mấy chục năm, cũng cảm nhận là một đời. Chúng nó cảm thấy mấy tiếng đồng quá ngắn ngủi, tạm bợ. Chúng ta cảm thấy mấy chục năm cũng hết sức ngắn ngủi, tạm bợ! Dẫu có sanh lên trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, [thọ mạng] tám vạn đại kiếp, chư thiên vẫn cảm nhận [cuộc đời họ] ngắn ngủi, tạm bợ giống hệt [như chúng ta], chẳng sai khác gì. Do vậy, đức Phật dạy chúng ta: Tam giới đều khổ! Trong tam giới chẳng tìm được chỗ nào an lạc. Quý vị muốn thật sự tìm được nơi chốn an lạc, ắt phải vượt thoát tam giới. Nói cách khác, muốn trốn thoát lục đạo luân hồi thì phải làm như vậy mới được. Đây là lời chân thật!
(Diễn) Vạn kiếp đào vong, vị thức hà nhân thị ngã phụ mẫu.
(演) 萬劫逃亡,未識何人是我父母。
(Diễn: Muôn kiếp trốn tránh, chưa biết ai là cha mẹ ta?)
Đây cũng là tỷ dụ, giống như kẻ trốn khỏi quê nhà, trái nghịch đức Phật, lìa bỏ cha mẹ ra đi. Sau khi bỏ đi, không nơi nương cậy, cha mẹ là nơi ta nương cậy. Đương nhiên khi quý vị trưởng thành là chuyện khác; nếu là một đứa bé chưa trưởng thành mà lìa khỏi cha mẹ, tình cảnh gian khổ ấy chúng ta có thể tưởng tượng mà biết được. Ngày nay chúng ta chịu hết mọi nỗi cay đắng trong lục đạo, chẳng được an vui.
(Diễn) Tư kinh chỉ xuất, cảm bất huyền vọng nhi xí ngưỡng da?
(演) 斯經指出,敢不懸望而企仰耶。
(Diễn: Kinh này đã chỉ ra, dám đâu chẳng trông ngóng, ngưỡng
vọng ư?)
Rốt cuộc quê hương an ổn là đâu? Cha mẹ thật sự có thể nương tựa là ai? Trong kinh này, Thích Ca Mâu Ni Phật đã chỉ ra. Sau khi Ngài đã chỉ ra, chúng ta hãy nên mong mỏi, kính ngưỡng thì mới là đúng.
(Sớ) Ký sủy độn căn, sự tất sư cổ. Chi giả, kính dã. Thế chủ ngọc âm, Pháp Vương kim khẩu, quân danh viết “sắc”. Đốc phụng giả, phụng chi chí dã.
(疏) 既揣鈍根,事必師古。祗者,敬也。世主玉音,
法王金口,均名曰敕。篤奉者,奉之至也。
(Sớ: Đã xét mình là độn căn, ắt phải tuân theo, tôn cổ nhân làm thầy. “Chi” là kính. Tiếng châu ngọc của đế vương trong cõi đời, miệng vàng của đấng Pháp Vương đều gọi là Sắc. “Đốc phụng”: Vâng giữ đến tột bậc).
Đoạn này giải thích hai câu đầu trong đoạn lời tựa ở phía trên. “Sủy” (揣) là “sủy ma” (揣摩), cũng có nghĩa là chính mình nghiêm túc phản tỉnh, kiểm điểm. Nếu chúng ta căn tánh rất độn, nói cách khác, chẳng phải là hạng lợi căn rất thông minh, chúng ta ắt phải noi theo cổ nhân, “sự tất sư cổ”: Sự (事) là “sư pháp” (học theo, tuân theo), tôn cổ nhân làm thầy. Nếu quý vị có trí huệ thông minh đặc biệt thù thắng thì khỏi phải bàn tới; chứ nếu là người căn tánh trung hạ, ắt phải tôn cổ nhân làm thầy, chắc chắn sẽ có thành tựu, giống như Mạnh Phu Tử tôn Khổng Tử làm thầy, Ngẫu Ích đại sư tôn Liên Trì đại sư làm thầy, đều là “sư cổ” (tôn cổ nhân làm thầy), đều là lấy cổ nhân làm gương mẫu và điển hình tu học cho chính mình. Chữ “thế chủ” chỉ đế vương trong thế gian, mệnh lệnh, ý tứ của đế vương trong thế gian được gọi là Sắc (敕). Mọi người thường gọi Sắc là “thánh chỉ”. Đức Phật là Pháp Vương, “pháp vương kim khẩu”. Chữ Kim có hai cách giảng: Theo phương diện biểu pháp thì “kim” (金) có nghĩa là tôn quý; nói theo mặt sự tướng, thân Phật là sắc vàng, cho nên [miệng Phật] gọi là “kim khẩu”. “Đốc phụng” là phụng hành đến tột bậc, nói cách khác, y giáo phụng hành một trăm phần trăm, tuyệt đối chẳng giảm bớt!
(Diễn) Ký sủy độn căn giả, vi nhân bất khả bất tự sủy.
(演) 既揣鈍根者,為人不可不自揣。
(Diễn: Đã tự xét mình là độn căn: Làm người chẳng thể không tự suy xét).
Câu này nói rất hay. Trong phần trên đã nói con người phải tự lượng, lượng sức mà làm thì bất cứ chuyện lớn hay nhỏ nhất định sẽ thành tựu. Do vậy, nhất định phải suy xét, cân nhắc sức mình, suy nghĩ căn tánh, trình độ, hoàn cảnh sống của chính mình và bối cảnh thời đại hiện tại đều phải hiểu rõ. Suy xét từ nhiều khía cạnh rồi mới quyết định đường lối cho chính mình: Ta đi theo đường lối này thì nên làm theo cách nào để đời này mới chẳng đến nỗi luống uổng! Đối với pháp thế gian hay pháp xuất thế gian, muốn có thành tựu, đương nhiên thành tựu trong pháp xuất thế gian là bậc nhất. Thành tựu pháp thế gian nhằm giúp đỡ người khác, thành tựu pháp xuất thế gian nhằm thành tựu tịnh nghiệp của chính mình. Nói tới chuyện giúp đỡ người khác, có rất nhiều phương thức. Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần, những vị thiện tri thức ấy đại diện cho các ngành nghề, nam, nữ, già, trẻ, toàn là Bồ Tát, toàn là học Phật. Do vậy, học Phật không nhất định phải xuất gia, không nhất định phải sống trong chùa miếu. Quý vị ở trong công ty, hãng xưởng, cửa tiệm, hoặc là cơ quan chánh phủ, cho đến ở trong gia đình của chính mình, chỉ cần quý vị đúng pháp, những nơi ấy đều là đạo tràng, sẽ đều là Bồ Tát, đều có thể thành Phật, đều có thể vãng sanh. Quý vị muốn thông đạt, lý giải, nhất định phải đọc kinh Hoa Nghiêm. Do vậy, “tự xét mình” hết sức trọng yếu!
(Diễn) Tự sủy nhược quả lợi căn, tắc trượng phu tự hữu xung tiêu chí, bất hướng Như Lai hành xứ hành.
(演) 自揣若果利根,則丈夫自有沖霄志,不向如來行
處行。
(Diễn: Tự xét thấy mình nếu thật sự là lợi căn thì trượng phu tự có chí hướng xông trời thẳm, chẳng noi theo hành xứ của Như Lai để hành).
Nếu thật sự là hạng lợi căn bậc nhất thì được, người ấy quả thật có thể vượt Phật, trội Tổ, đốn ngộ, đốn chứng, nhưng người như vậy rốt ráo rất ít! Chúng ta đừng nói ai khác, nhìn vào lịch sử Phật giáo Trung Quốc, người giống như Lục Tổ Huệ Năng đại sư của Thiền Tông thì trước Huệ Năng đại sư chưa thấy ai như vậy, mà sau đại sư mãi cho đến ngày nay hơn một ngàn ba trăm năm cũng chẳng thấy có ai được như vậy. Đó là bậc lợi căn chân chánh. Do vậy, có thể đọc Đàn Kinh, nhưng chắc chắn chẳng thể học theo. Vì sao? Chúng ta chẳng phải là hạng căn tánh ấy, học không được! Chưa thấy mấy ai Tham Thiền có thể khai ngộ! Quý vị không tin thì hãy đọc Đàn Kinh, lúc Lục Tổ tại thế, có tới mấy ngàn người cùng tham Thiền với Ngài. Ngài trụ trì Tào Khê ba mươi bảy năm, người theo học với Ngài có mấy chục vạn người, thật sự khai ngộ chỉ có bốn mươi ba người mà thôi! Do vậy, quý vị tham Thiền chưa chắc khai ngộ, thật sự chẳng dễ dàng! Chúng ta nhất định phải giác ngộ điều này! Học Mật, nếu quý vị học mà đầu óc rất bình thường, kể như quý vị gặp vận may. Tôi thấy rất nhiều người học Mật, học được mấy năm, tinh thần đều bất bình thường, rắc rối to! Do vậy, chính mình nhất định phải hiểu căn tánh của chính mình. Trong pháp thế gian còn chẳng thể chụp giựt cơ hội, lươn lẹo, huống hồ Phật pháp! Xét theo lý luận, “tức thân thành Phật” hay lắm, nhưng về Sự thì không được! Tức thân thành Phật trên mặt Sự thì tôi xin thưa cùng quý vị, chỉ có bộ kinh này, chỉ có pháp môn Niệm Phật. Niệm Phật, dẫu chỉ là Hạ Phẩm Hạ Sanh, vẫn là tức thân thành Phật, thật đấy! Do vậy, bộ kinh này được mười phương chư Phật cùng tán thán, mười phương chư Phật cùng giúp đỡ hoằng dương.
(Diễn) Kim ký độn căn, tất tu sư cổ.
(演) 今既鈍根,必須師古。
(Diễn: Nay đã là độn căn, ắt phải tôn cổ nhân làm thầy).
Hiện tại, chúng ta chẳng phải là lợi căn, đốn siêu chẳng được! Căn tánh của chúng ta hết sức trì độn, nghiệp chướng lại sâu nặng. Cớ sao biết nghiệp chướng của chính mình sâu nặng? Ví như chúng ta niệm Phật lâu dường ấy, chẳng những không thể đắc nhất tâm, ngay cả công phu thành phiến cũng chẳng đạt được! Chẳng những công phu thành phiến không đạt được, kể cả khi quý vị niệm Phật trong thời gian tàn một cây hương, trong thời gian tàn một cây hương, tức một tiếng rưỡi ấy, còn khởi vọng tưởng mấy lượt. Đấy chẳng phải là nghiệp chướng sâu nặng ư? Ngay cả trong vòng một tiếng rưỡi mà công phu chẳng thể thành phiến, vẫn còn khởi vọng tưởng; đấy là tướng nghiệp chướng sâu nặng. Chính chúng ta phải biết rõ, đã có nghiệp chướng thì nhất định phải tôn cổ nhân làm thầy.
Con người hiện thời có quá nhiều vấn đề, chúng ta chớ nên nói người nào là tốt, người nào là xấu, chớ nên nói người khác đúng hay sai, người nào tu cho theo cách của người nấy, người ta tu cách của người ta, mình tu cách của mình, đôi bên chẳng liên can với nhau. Trong quá khứ, khi tôi theo thầy Lý, gặp mặt lão nhân gia lần thứ nhất, Ngài dạy tôi hai câu: Thứ nhất là “đừng khen ngợi người khác”, thứ hai, “đừng hủy báng người khác”. Tôi nghe dạy xong, có chút nghi hoặc, khen ngợi người khác là chuyện tốt. Vì sao chớ nên khen người khác? Suy nghĩ cả một hai tuần mới nghĩ thông suốt. Quả thật chớ nên khen ngợi người khác! Khen ngợi so ra còn gây hại dữ dội cho người ta hơn hủy báng, hủy báng khiến cho người ta sanh phiền não. Tán thán cũng khiến cho người ta sanh phiền não giống như vậy. Mọi người khen ngợi người ấy, người ấy bèn chẳng biết trời cao đất dầy, cảm thấy chính mình rất phi phàm, ngạo nghễ, ngã mạn đều dấy hết lên, đạo hạnh chẳng thể tiến triển được nữa, chỉ có tụt lùi! Người nào mới có thể tán thán? Người tám gió thổi chẳng động thì quý vị có thể tán thán, mà cũng có thể hủy báng người ấy. Quý vị hủy báng người ấy, người ấy chẳng nổi giận. Quý vị khen ngợi người ấy, người ấy cũng chẳng nghĩ là đúng. Người ấy như như bất động. Đối với hạng người ấy [khen ngợi hay hủy báng] thì được! Vì thế, nếu muốn hại ai, hãy hết sức ca ngợi kẻ ấy, hết sức tán thán kẻ ấy! Do vậy, tu hành, khởi tâm động niệm, ngôn từ, cử chỉ đều phải có trí huệ. Thiếu trí huệ thì chính mình thường làm sai, còn tự nghĩ mình là đúng, trong Phật pháp gọi kẻ đó là ngu si!
Người đời nay rốt cuộc ai là thiện tri thức thật sự? Ai là thiện tri thức giả danh? Chúng ta không hiểu rõ. Tôi ví kinh Lăng Nghiêm như kính chiếu yêu. Nếu đọc kỹ kinh Lăng Nghiêm thì yêu ma quỷ quái mạo danh Phật, Bồ Tát, quý vị vừa nhìn liền thấy rõ ngay, quý vị có thể nhận biết chúng. Thế nhưng rốt ráo vẫn là phải có một chút cơ sở nơi Phật pháp thì mới được! Nếu không có cơ sở, hiện thời yêu ma quỷ quái cũng giảng kinh Lăng Nghiêm, như vậy là hỏng rồi! Tà – chánh chẳng phân biệt đích xác, phiền phức lớn lắm! Do vậy, Liên Trì đại sư từ năm trăm năm trước đã chỉ dạy chúng ta: Hãy lấy cổ nhân làm thầy, chắc chắn có thể nương cậy được! Nay chúng ta học Di Đà Kinh Sớ Sao, tôn ai làm thầy? Tôn Liên Trì đại sư làm thầy! Đấy là người xưa từ năm trăm năm trước. Học Di Đà Kinh Yếu Giải là tôn Ngẫu Ích đại sư làm thầy. Ngài Ngẫu Ích là học trò của ngài Liên Trì, là tư thục đệ tử.
(Diễn) “Sư cổ” nhị tự xuất Thượng Thư, vị hậu giác giả, tất hiệu tiên giác chi sở vi dã.
(演) 師古二字出尚書,謂後覺者,必效先覺之所為也
。 (Diễn: Hai chữ “sư cổ” xuất phát từ sách Thượng Thư[2], ý nói: Kẻ hậu giác ắt phải noi theo hành vi của bậc tiên giác).
Chúng ta phải học theo bậc “tiên giác”. Họ là người giác ngộ và thành tựu trước chúng ta, họ nêu gương cho chúng ta, là gương mẫu chúng ta nên học theo. Đó là đúng. Trong thời cận đại, mọi người đều công nhận Ấn Quang đại sư là một vị thiện tri thức thật sự, thời đại của Ngài rất gần với chúng ta, Ngài sống trong khoảng cuối đời Thanh đầu thời Dân Quốc. Phàm những ai thân cận Ấn Quang đại sư đều thành tựu rất nhiều. Tại Đài Loan có không ít người đã từng thân cận Ngài, lâm chung vãng sanh hiện tướng lành hết sức tốt đẹp. Thầy Lý ở Đài Trung là học trò của Ấn Quang đại sư. Khi tôi cầu học ở Đài Trung, thầy Lý dạy tôi hãy tôn Ấn Quang đại sư làm thầy, lấy đại sư làm gương, thầy bảo tôi học theo Ngài, còn đặc biệt cảnh tỉnh tôi: “Cổ nhân chẳng học theo Tô Đông Pha, người thời nay chẳng học theo Lương Khải Siêu”. Hai người này đều là đại cư sĩ trong nhà Phật, văn chương viết rất hay, Phật pháp cũng khá, vừa có thể giảng vừa có thể trước tác, nhưng không có thành tựu, chẳng thể vãng sanh! Họ biến thành Phật học gia (chuyên gia nghiên cứu Phật pháp), chẳng phải là học Phật. Do vậy, chớ nên học theo hai người ấy! Người thật sự có thành tựu trong Tịnh Độ thì chúng ta phải học theo. Đấy là phương hướng mà chúng ta nên nỗ lực hướng theo.
Ví như chúng ta lần này gặp được cư sĩ Sử Hoằng Hy. Cụ biết trước lúc mất, không bệnh tật mà mất. Nếu người niệm Phật chúng ta cũng thành công, tương lai vãng sanh, nhưng khi vãng sanh bị mắc bệnh thì chẳng bằng cụ. Cụ không bị bệnh! Khi chúng ta vãng sanh, đến khi tắt hơi, mới thấy A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, vậy là chúng ta chẳng bằng cụ. Cụ đã biết trước mấy ngày. Sự vãng sanh ấy ngàn vạn phần là sự thật, chẳng cần ai trợ niệm. Cũng có người hỏi: Cụ tu như thế nào? Thật ra, cụ cũng là phàm phu, hoàn toàn giống như chúng ta, chẳng có gì đặc biệt! Cụ ở trong chung cư dành cho người già tại Los Angeles. Phương pháp tu hành của cụ là suốt ngày từ sáng đến tối một câu A Di Đà Phật. Đặc điểm của cụ là thật sự buông xuống được: Con cái rất đông, cụ nhất loạt chẳng quan tâm tới, thấy con cái cũng giống như thấy khách vậy, đó là “nhi tôn tự hữu nhi tôn phước” (con cháu tự có phước của con cháu), đó là chuyện của các ngươi! Do vậy, cụ niệm Phật mới có thể công phu thành phiến, đúng như trong kinh này đã nói: Chỉ có một niệm, không có niệm thứ hai; trong mười hai thời chỉ là một câu Phật hiệu.
Trước kia, tại Niệm Phật Đường của Tổ Sư, tức Niệm Phật Đường núi Linh Nham, trong mười hai thời Phật hiệu không gián đoạn, thời thời khắc khắc nhắc nhở quý vị đừng để gián đoạn Phật hiệu trong mười hai thời. Ban đêm thì sao? Ban đêm thì luân lưu niệm, nói chung có mấy người thay phiên nhau trực ban. Hiện thời có thể mở máy thâu âm, trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ niệm chẳng gián đoạn tại nơi đó, chẳng cần người trực ban. Hiện thời, tuy có thể lợi dụng máy móc, nhưng chúng ta thiếu thiện căn, vì sao? Chẳng dùng nó thì vẫn gián đoạn. Trước kia, trong Niệm Phật Đường phải có mấy trăm người cùng tu thì mới có thể làm được, mới có thể chia phiên để hai mươi bốn tiếng đồng hồ niệm chẳng gián đoạn. Hiện thời chúng ta không có phước báo ấy, nhưng hiện tại chúng ta có thể lợi dụng máy móc, mỗi người cũng có thể niệm Phật không gián đoạn trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, vấn đề là quý vị có chịu làm hay không? Tại Mỹ, tôi răn nhắc các đồng tu, chúng ta phải giảm bớt ăn xài, thứ gì cũng nên tiết kiệm, giảm bớt, nhưng máy thâu âm đừng nên tiết kiệm, nhất định phải mua, nhất định phải mua nhiều cuốn băng, thâu thật nhiều cuốn băng niệm A Di Đà Phật. Có như vậy thì mới có thể không gián đoạn.
Có những đồng tu niệm rất đắc lực, rất có thụ dụng. Từng có một vị đồng tu, có lần bị tai nạn xe cộ, bị thương một chút. Do vậy, thường bị đau đầu, chữa trị suốt ba năm vẫn không hết, thường bị nhức đầu. Ông ta đến hỏi tôi, tôi dạy ông ta niệm Phật. Tôi bảo ông ta mua một máy cassette mang theo bên mình, mang ống nghe (headset) để nghe niệm Phật. Một hai tháng sau, ông ta đến nói với tôi: “Rất hữu hiệu, đầu không đau nữa!” Vì sao? Ông ta toàn tâm toàn ý chú tâm nơi A Di Đà Phật, dẫu đầu có đau ông ta cũng quên tuốt, quả thật có thể đạt được hiệu quả. Do vậy, nhất định phải niệm Phật cho nhiều!
(Sớ) Lạc quốc ngôn gia hương giả, tịch diệt Tịnh Độ, nãi đương nhân an thân lập mạng xứ, nhi xả ly cố lý, phiêu bạc tha hương, du tử linh đinh, duy hữu tư quy nhất niệm nhi dĩ.
(疏) 樂國言家鄉者,寂滅淨土,乃當人安身立命處。
而捨離故里,飄泊他鄉,遊子伶仃,唯有思歸一念而已。
(Sớ: Nói “Lạc quốc là quê nhà”: Cõi Tịnh Độ tịch diệt chính là chỗ an thân lập mạng của hành nhân, nhưng lìa bỏ quê cũ, trôi giạt quê người, đứa con lang thang lênh đênh, chỉ có một niệm nghĩ quay về mà thôi!)
Đoạn này có ý nghĩa rất sâu, mà cũng hết sức thiết yếu. Chúng ta xem lời chú giải trong sách Diễn Nghĩa.
(Diễn) Tịch diệt Tịnh Độ hạ.
(演) 寂滅淨土下。
(Diễn: Từ chữ “tịch diệt Tịnh Độ” trở đi…)
“Dĩ hạ” là đoạn văn mà chúng ta vừa mới đọc.
(Diễn) Thật tựu Lý thuyết.
(演) 實就理說。
(Diễn: Thật ra là nói theo Lý).
Hoàn toàn nói về lý luận niệm Phật.
(Diễn) Đản phiêu bạc tư quy.
(演) 但飄泊思歸。
(Diễn: Nhưng đoạn văn nói tới “trôi giạt, nghĩ quay về”)
Giống như đứa con lang thang trôi giạt bên ngoài, thời gian đã lâu bèn luôn nghĩ đến quê nhà, mong quay về.
(Diễn) Diệc khả song ước Lý Sự.
(演) 亦可雙約事理。
(Diễn: Cũng có thể nói là thuộc về Lý lẫn Sự).
Có thể nói là thuộc về Lý lẫn Sự, vừa có Lý, vừa có Sự.
(Diễn) Tịch diệt Tịnh Độ, tức Thường Tịch Quang Độ dã, thử
nãi đương nhân cố hương điền địa, thị an ngã Pháp Thân, lập ngã huệ mạng xứ.
(演) 寂滅淨土,即常寂光土也。此乃當人故鄉田地,
是安我法身,立我慧命處。
(Diễn: Tịch diệt Tịnh Độ chính là cõi Thường Tịch Quang, đây chính là ruộng đất nơi quê cũ của hành nhân, là nơi ta an Pháp Thân, lập huệ mạng).
Điều này thuần túy là Lý. Ở chỗ này, chúng ta phải đặc biệt chú ý. Quê hương thật sự của chúng ta ở nơi nào? Thường Tịch Quang Tịnh Độ. Kinh Hoa Nghiêm gọi Thường Tịch Quang Tịnh Độ là Nhất Chân pháp giới. Nhất Chân pháp giới: Chân là chẳng hư vọng; Nhất chẳng dễ hiểu, nó không phải là một con số. Nếu rớt vào con số sẽ là hư vọng, chẳng chân thật. Chữ Nhất ở đây là một đại danh từ nhằm biểu thị pháp. Nhất ở đây biểu thị cho pháp giới, là tổng tướng của hết thảy y báo và chánh báo trang nghiêm trong tận hư không, trọn pháp giới; chúng ta dùng chữ Nhất này để tượng trưng. Những chữ giống như vậy trong nhà Phật rất nhiều. Ví như Đại Phương Quảng, Đại chẳng phải là lớn như trong lớn – nhỏ, nó chẳng phải là tương đối. Tương đối là Đệ Nhị Nghĩa, chẳng phải là Đệ Nhất Nghĩa, rời khỏi lớn và nhỏ mới là Đại thật sự. Rời khỏi thiện và ác mới là chân thiện. Do vậy, thiện chẳng phải là thiện trong thiện – ác, Tịnh cũng chẳng phải là tịnh trong nhiễm – tịnh. Ví như chúng ta nói đến giác là nói đến giác chân chánh, chẳng phải là giác do đối với mê mà nói. Giác trong giác – mê vẫn là mê, vẫn là bất giác. Chánh trong tà – chánh vẫn chưa phải là chánh, đó là cái Chánh do so sánh mà có, chẳng phải là thuần chánh. Hai bên tà và chánh đều bỏ hết, đó mới là Chánh thật sự. Hễ rớt vào một bên là không được, nói chung là hai bên [còn tồn tại thì còn thuộc trong vòng đối đãi, phân biệt, chấp trước].
Ba chữ “Thường Tịch Quang” biểu thị pháp, Thường biểu thị Pháp Thân, Tịch biểu thị Giải Thoát, Quang biểu thị Bát Nhã. Pháp Thân, Giải Thoát, Bát Nhã thường được gọi là “tam đức mật tạng” trong hết thảy các kinh Đại Thừa dùng ba chữ “Thường, Tịch, Quang” để biểu thị. Chúng ta học Phật chủ yếu là hy vọng chính mình có thể chứng đắc Pháp Thân, Giải Thoát và Bát Nhã trong tự tánh chẳng khác gì mười phương chư Phật. Do vậy, thành Phật, trên thực tế là chứng đắc Pháp Thân, Giải Thoát và Bát Nhã trong tự tánh. Pháp Thân không có sanh diệt, do vậy gọi là Thường, bất sanh, bất diệt. Pháp Thân là tịch tĩnh, một niệm chẳng sanh, đó là thanh tịnh đến cùng cực. Phương pháp tu hành trong kinh này chuyên môn dồn công phu nơi Tịch, Tịch là Định. Kinh này nói “nhất tâm bất loạn, tâm chẳng điên đảo”, nhất tâm bất loạn là Tịch và Định, tâm chẳng điên đảo là Quang, tức trí huệ. Có người nói pháp môn Tịnh Độ có Định nhưng không có Huệ, lời nói ấy chẳng thông! Bộ kinh này đòi hỏi [hành giả] phải dốc sức chứng Thường Tịch Quang. Đã chứng được Tịch và Quang thì đương nhiên cũng chứng được Thường, ba món này hễ đạt được một sẽ đạt được cả ba, một mà ba, ba nhưng một.
“Đương nhân cố hương điền địa”: “Đương nhân” là người đang tuân phụng, là người niệm Phật, là bổn nhân (chính mình). Thường Tịch Quang Tịnh Độ là “cố hương điền địa” (ruộng đất nơi quê cũ) của chúng ta, đây là tỷ dụ. Thiền gia ví von “phụ mẫu vị sanh tiền bổn lai diện mục” (diện mạo vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra), bổn nhân là chính mình. “Thị an ngã Pháp Thân, lập ngã huệ mạng chi xứ”: Chỗ mà Pháp Thân và huệ mạng của ta thật sự có thể gởi gắm chính là Thường Tịch Quang Tịnh Độ.
(Diễn) Xả ly phiêu bạc.
(演) 捨離飄泊。
(Diễn: Lìa bỏ phiêu giạt).
Đây cũng là tỷ dụ.
(Diễn) Mê tự bổn tâm.
(演) 迷自本心。
(Diễn: Mê nơi bổn tâm của chính mình).
“Bổn tâm” là Thường Tịch Quang. Chúng ta mê mất Thường Tịch Quang của chính mình, quý vị phải nhớ: Mê mất trọn chẳng phải là thật sự mất. Nếu thật sự mất sẽ phiền phức to, đó là chuyện không thể nào xảy ra được! Chỉ là mê mất, mê mất là chính mình vốn có mà chính mình chẳng biết, tự mình không biết dùng. Nếu quý vị giác, sẽ biết sử dụng, sẽ đạt được Thường Tịch Quang. Nếu quý vị mê, sẽ chẳng biết dùng; tuy có Thường Tịch Quang, cũng giống như chẳng có Thường Tịch Quang. Đó là mê mất bổn tâm của chính mình. Tướng của mê là…
(Diễn) Tùy trục lục trần.
(演) 隨逐六塵。
(Diễn: Đuổi theo sáu trần).
“Sáu trần” là cảnh giới bên ngoài: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. “Tùy trục lục trần” là tâm quý vị thường bị cảnh giới xoay chuyển, đó là mê.
(Diễn) Ước Sự.
(演) 約事。
(Diễn: Theo mặt Sự).
Nếu nói theo mặt Sự thì tướng của mê là gì?
(Diễn) Tắc thị bất nguyện vãng sanh, tham luyến thử độ.
(演) 則是不願往生,貪戀此土。
(Diễn: Tức là chẳng nguyện vãng sanh, tham luyến cõi này).
Đây là nói rõ cụ thể “tùy trục lục trần” (đuổi theo sáu trần). Đuổi theo sáu trần là gì? Quý vị chẳng nguyện vãng sanh, tham luyến thế giới này; còn có lưu luyến thì là mê. Phải hiểu: Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là gì? Chứng cõi Thường Tịch Quang, tức cõi Thường Tịch Quang trong tự tánh, vì điều này. Do vậy, đối với bất cứ sự vật nào trong thế gian này đều chớ nên tham luyến, chỉ cần có mảy may tham luyến nào thì sẽ là chướng ngại, tham luyến là nghiệp chướng. Chúng ta phải phản tỉnh, nghiệp chướng của chính mình có tiêu trừ hay chăng? Thật ra, nghiệp chướng của chính mình tiêu trừ thì chính mình nhận biết rõ ràng, chẳng cần phải hỏi ai khác! Hỏi người khác thì người công phu cao có thể thấy, thấy từ chỗ nào? Thấy quý vị đang khinh an, tự tại, đấy là nghiệp chướng tiêu trừ. Thấy quý vị suốt ngày từ sáng đến tối nhíu mày, nhăn mặt, đương nhiên nghiệp chướng nặng nề. Đó là đạo lý nhất định. Tự mình phản tỉnh sẽ biết ngay. Nếu thân tâm của chính mình thanh tịnh, hết thảy đều buông xuống, nghiệp chướng của quý vị sẽ tiêu trừ. Nếu vẫn còn vướng mắc trong lòng, nghiệp chướng của quý vị rất nặng! Sử cư sĩ vãng sanh, nói thật ra, chẳng có gì khác, cụ buông xuống được. Do vậy, cụ mới có thể biết trước lúc mất. Nếu cụ không buông xuống được, có vướng mắc điều gì, sẽ không được, thật sự bị chướng ngại.
Do vậy, thật sự muốn vãng sanh thì bất cứ điều gì cũng đều buông xuống, tùy duyên sống qua ngày, thật thà niệm Phật! Đừng nói chuyện thế gian phải buông xuống, ngay cả chuyện xuất thế gian cũng phải buông xuống. Chuyện hoằng pháp lợi sanh cũng phải buông xuống, tùy duyên mà làm, chớ nên nắm níu. Nắm níu sẽ không buông xuống được, phải biết điều này! Tùy duyên nhưng không phan duyên, cơ hội xảy đến thì chúng ta làm, không có cơ hội thì chẳng bới chuyện ra. Cổ nhân nói: “Đa nhất sự, bất như thiểu nhất sự, thiểu nhất sự, bất như vô sự” (Nhiều thêm một chuyện chẳng bằng bớt một chuyện. Bớt một chuyện chẳng bằng không có chuyện gì). Chuyện đưa đến thì phải làm, chẳng đến thì không tìm, tâm mới thanh tịnh. Tâm thanh tịnh sẽ thành Phật trong một đời này. Tâm không thanh tịnh, dẫu làm nhiều chuyện, thưa cùng quý vị, hưởng phước báo trong đường nhân thiên mà thôi! Bất luận quý vị làm bao nhiêu, tạo bao nhiêu công, lập bao nhiêu nghiệp, phước báo trời người! Nếu nhân địa chẳng thật, chẳng những không phải là phước báo mà còn là tạo nghiệp, càng chẳng đáng! Do vậy, chẳng những chúng ta không tạo tội nghiệp, mà phước báo nhân thiên chúng ta cũng không làm, nhất tâm nhất ý cầu sanh về Tịnh Độ, sánh bằng những người đã vãng sanh, đấy mới là đúng!
(Diễn) Tư quy nhất niệm, thị niệm niệm xứng lý, nhi quán đại sự vị minh, như táng khảo tỷ dã.
(演) 思歸一念,是念念稱理,而觀大事未明,如喪考
妣也。
(Diễn: Một niệm nghĩ quay về là niệm niệm xứng lý, nhưng chưa thấy đại sự rõ ràng, giống như đang phải chôn cha mẹ vậy).
Đây là nói chúng ta phải thật sự dụng công, “tư quy” (nghĩ tới chuyện trở về) là quay đầu, từ đâu quay đầu lại? Hãy quay đầu từ chỗ suốt ngày từ sáng đến tối khởi vọng tưởng. Ta suốt ngày từ sáng đến tối khởi vọng tưởng, nay không vọng tưởng thì ý niệm của ta quy nhất. “Nhất” là gì? A Di Đà Phật! Ta chẳng có ý niệm thứ hai, chỉ có một niệm này (niệm A Di Đà Phật), chẳng khởi niệm thì thôi, hễ khởi niệm bèn A Di Đà Phật. Nói thật ra, chẳng khởi niệm cũng không được, chẳng khởi niệm là vô minh, còn khởi niệm là tà kiến. Chuyện này phiền phức lắm! Chỉ có một câu A Di Đà Phật, đã chẳng phải là vô minh mà cũng chẳng phải là tà kiến, đó gọi là “chánh niệm phân minh”.
(Diễn) Ước Sự, tắc thị thường ức, thường niệm, tự tự phân minh, cú cú tiếp tục, hành, trụ, tọa, ngọa, duy thử nhất niệm, vô đệ nhị niệm dã.
(演) 約事,則是常憶常念,字字分明,句句接續,行
住坐臥,唯此一念,無第二念也。
(Diễn: Ước theo Sự thì là thường nhớ, thường nghĩ, từng chữ phân minh, từng câu tiếp nối, đi, đứng, nằm, ngồi, chỉ có một niệm này, không có niệm thứ hai).
Điều này hết sức quan trọng. Trong quá khứ, khi giảng kinh tôi đã có nói: Sau năm sáu mươi tuổi, quyết định phải chú tâm, phải tính toán cho sự vãng sanh Tịnh Độ của chính mình, chẳng thể nào bận bịu nữa! Giảng kinh, thuyết pháp, lập đạo tràng, độ chúng sanh để cho người trẻ tuổi lo liệu, hiện thời, chúng tôi coi Tây Phương Tịnh Độ là chuyện khẩn yếu bậc nhất, những chuyện khác không làm. Trừ kinh Di Đà và Tứ Thập Hoa Nghiêm, những thứ khác không giảng. Vì sao? Sanh tử là chuyện lớn, đừng để chuyện vãng sanh của tôi bị lỡ làng, oan uổng quá, chẳng đáng tí nào!
Người ta đến tìm tôi giảng kinh, đưa tiền ra: “Thưa pháp sư! Tôi có mấy trăm ức, chúng ta lập một đạo tràng”, đó là chướng ngại, vì sao? Thấy quý vị muốn vãng sanh, tìm những thứ đó để ngăn trở, ngáng chân, không cho quý vị đi. Tôi chẳng bị họ gạt! Hiện thời, đối với tôi niệm Phật là bậc nhất, không có thứ hai, chỉ có thứ nhất. Kinh chỉ giảng một bộ, trừ bộ kinh này ra, không giảng kinh nào khác!
“Đại sự vị minh” (chưa hiểu rõ đại sự) Đại sự sanh tử vẫn chưa có tin tức, đấy là “vị minh”. Biết trước lúc mất, là đã biết, hiểu rõ rồi! Quý vị đọc Lục Tổ Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư biết trước thời điểm viên tịch một năm, Ngài hiểu rõ! Từ một năm trước, Ngài đã sai đồ đệ sang chùa Quốc Ân[3] dựng tháp, chuẩn bị để tương lai sau khi hỏa táng sẽ đặt tro vào đó. Trước khi mất một tháng, Ngài đối trước đại chúng tuyên bố Ngài sắp ra đi. Chuẩn bị hậu sự chu đáo trước đó một năm, đấy là “đại sự dĩ minh” (đã hiểu rõ đại sự). Hiện thời, chúng ta không có tin tức, đại sự vị minh, không được rồi! “Như táng khảo tỷ”[4]: Giống như cha mẹ đã qua đời, đau buồn khôn nguôi, mọi người đều phải thận trọng nhất đối với chuyện này. Khi trẻ tuổi xen tạp thì không sao, chứ hiện tại chẳng thể xen tạp được! Tiếp theo đây, đại sư dẫn hai câu nói của cổ nhân.
(Diễn) Cổ vân: “Thân tuy vị đáo liên hoa thổ, tiên tống tâm quy Cực Lạc thiên”.
(演) 古云:身雖未到蓮花土,先送心歸極樂天。
(Diễn: Cổ nhân nói: “Thân tuy chưa đến đất hoa sen, tâm đã gởi trước trời An Dưỡng”).
Hiện thời thân thể vẫn còn [ở nơi đây], chưa sanh về thế giới Cực Lạc, tâm đã sang nơi đó, niệm niệm đều ở Tây Phương Tịnh Độ. Quý vị hãy suy nghĩ, nếu tâm đã đi, lẽ nào chẳng vãng sanh? Nhất định sẽ vãng sanh! Lần đại chuyên giảng tòa này của chúng ta là giảng pháp môn Niệm Phật trong Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Chúng tôi lại giảng cương yếu kinh Di Đà, nói rõ những chỗ trọng yếu, mấu chốt trong lý luận, phương pháp và cảnh giới của Tịnh Độ một cách đơn giản, khiến cho chúng ta thật sự tìm được phương hướng trên con đường Bồ Đề, thật sự tìm được một con đường thoát lìa tam giới.
(Diễn) Hựu vân: “Tây Phương thắng hữu đãi đa thời, thâu thập thân tâm tảo quy khứ”.
(演) 又云:西方勝友待多時,收拾身心早歸去。
(Diễn: Lại nói: “Tây Phương bạn quý đợi lâu rồi, thâu thập thân tâm về sớm thôi”).
“Thắng hữu” là A Di Đà Phật, A Di Đà Phật đã đợi nơi đó lâu lắm rồi, đợi chúng ta đến đó. “Đãi đa thời”: Rất lâu rồi, chẳng phải là đợi mấy tiếng đồng hồ hay mấy ngày, cũng chẳng phải là mấy chục năm, mà là đợi không biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp! Đời đời kiếp kiếp chờ đợi mà quý vị vẫn chẳng tới! Đời này chúng ta đã biết rõ, chúng ta hãy nên quay đầu đi, đừng để Ngài phải đợi nữa. Phật Di Đà xòe tay tiếp
dẫn chúng ta nơi đó, chúng ta hãy nên “thâu thập thân tâm sớm trở về”.
(Sớ) Từ Tôn ngôn hỗ thị giả, phụ viết ngô hỗ, mẫu viết ngô thị.
(疏) 慈尊言怙恃者,父曰吾怙,母曰吾恃。
(Sớ: Đức Từ Tôn được gọi là “hỗ thị”, cha gọi là hỗ, mẹ gọi là thị).
“Hỗ thị” là tiếng gọi cha mẹ.
(Sớ) Phật dĩ đại từ đại bi tiếp dẫn chúng sanh, thị hoài ngã dĩ thánh thai, tự ngã dĩ pháp nhũ, tức kim nội ngoại thân tâm, mạc bất hà kỳ ân lực nhi đắc thành lập.
(疏) 佛以大慈大悲接引眾生,是懷我以聖胎,飼我以
法乳,即今內外身心,莫不荷其恩力而得成立。
(Sớ: Đức Phật do lòng đại từ đại bi tiếp dẫn chúng sanh, dùng thánh thai để chứa đựng ta, dùng sữa pháp nuôi dưỡng ta, ngay cả trong và ngoài thân tâm này chẳng có gì không nhờ ân đức và thần lực của Phật để thành lập).
Mấy câu này là sự thật, nhưng rất ít người biết.
(Diễn) Phật dĩ đại từ hạ, song ước Sự Lý.
(演) 佛以大慈下,雙約事理。
(Diễn: Từ câu “Phật do lòng đại từ” trở đi là ước theo Sự và Lý).
Trong đoạn này có cả Sự lẫn Lý.
(Diễn) Ước Sự, tắc tứ thập bát nguyện, quảng độ hữu tình, thị tiếp dẫn chúng sanh.
(演) 約事,則四十八願,廣度有情,是接引眾生。
(Diễn: Theo mặt Sự thì bốn mươi tám nguyện rộng độ hữu tình là tiếp dẫn chúng sanh).
Đây là nói theo mặt Sự.
(Diễn) Thử phương niệm Phật, bỉ độ tiêu danh, thị hoài ngã dĩ
thánh thai.
(演) 此方念佛,彼土標名,是懷我以聖胎。
(Diễn: Niệm Phật ở phương này, danh nêu ở cõi kia, đấy là “dùng thánh thai để chứa đựng ta”).
Chúng ta là người ở nơi này, hễ phát tâm cầu sanh Tịnh Độ, niệm danh hiệu A Di Đà Phật, trong ao bảy báu nơi Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ sanh một đóa sen, trên đóa sen ấy có ghi tên họ của chính mình. Tại Cựu Kim Sơn có một đồng tu, trước kia đã tốt nghiệp đại học tại Đài Loan, di dân sang sống tại Cựu Kim Sơn. Khi ông ta niệm Phật trông thấy hoa sen, trên hoa có ghi tên họ của chính mình. Ông ta thấy rồi, cũng chẳng kể với một người nào khác. Khi tôi sang đó giảng kinh, ông ta kể với tôi, tôi khích lệ ông ta: “Tướng lành ấy hết sức tốt đẹp, hãy nên nỗ lực, trong đời này quyết định chẳng bỏ luống uổng”. Trong Vãng Sanh Truyện và Tịnh Độ Thánh Hiền Lục đều có ghi chép: Cổ nhân có không ít người thấy hoa sen của chính mình, đó chính là “thánh thai”. Trong tương lai khi chúng ta mạng chung, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, sẽ cầm hoa sen ấy đến tiếp dẫn chúng ta.
(Diễn) Thủy điểu thụ lâm, hàm tuyên diệu pháp, thị tự ngã dĩ pháp nhũ.
(演) 水鳥樹林,咸宣妙法,是飼我以法乳。
(Diễn: Nước, chim, rừng cây, đều nói diệu pháp là “nuôi ta bằng sữa pháp”).
Đây đều là trưởng dưỡng thánh thai, nói tới cảnh giới trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Hiện thời, chúng ta trong mười hai thời một câu danh hiệu A Di Đà Phật không gián đoạn, đấy chính là “pháp nhũ”. Phật hiệu chớ nên gián đoạn giữa chừng, điều này khẩn yếu hơn bất cứ điều nào khác!
(Diễn) Phật từ gia bị, thân tâm tinh tấn, bất thoái Bồ Đề, thị hà kỳ ân lực nhi đắc thành lập dã.
(演) 佛慈加被,身心精進,不退菩提,是荷其恩力而
得成立也。
(Diễn: Phật từ gia bị, thân tâm tinh tấn, chẳng lui sụt nơi Bồ Đề, là nhận lãnh ân lực mà được thành lập vậy).
Hội này của chúng ta trong hiện tại, mọi người thảo luận vấn đề tại nơi đây, chúng ta có thể tinh tấn, có thể không lui sụt, đều là do A Di Đà Phật thần lực âm thầm gia trì, nên chúng ta mới có thể làm được. Có rất nhiều người hỏi tôi về chuyện giảng kinh, tôi nói: “Giảng kinh nếu chẳng được Phật lực gia trì thì ai có thể giảng kinh?” Lên đài giảng được thần lực của Phật, Bồ Tát gia trì, nhờ vào thân miệng này để nói ra mà thôi. Do vậy, tâm nhất định phải thanh tịnh thì mới có thể cảm ứng đạo giao cùng Phật, Bồ Tát. Như vậy mới là đúng. Hôm nay đã hết thời gian, chúng tôi giảng đến đây!
[1] “Hỗ thị” có nghĩa gốc là nương cậy, nhờ vả. Bài Lục Nga trong thiên Tiểu Nhã kinh Thi có câu: “Vô phụ hà hỗ, vô mẫu hà thị” (không cha nương vào đâu, không mẹ, cậy vào đâu) nên cổ văn thường dùng chữ “hỗ thị” để chỉ cha mẹ.
[2] Thượng Thư còn gọi là Thư Kinh hoặc chỉ gọi gọn là Thư, là một trong năm bộ kinh điển trọng yếu của Nho Gia. Đây là một bộ Sử và là sách văn xuôi cổ nhất của Trung Quốc, được chia làm nhiều phần, mỗi phần đều gọi là Thư như Ngu Thư, Hạ Thư, Thương Thư, và Châu Thư. Nội dung ghi chép những ngôn luận và mệnh lệnh của các vương triều thời cổ. Đến đời Hán mới xuất hiện danh xưng Thượng Thư hàm nghĩa “bộ sách về thời thượng cổ”. Tục truyền, Thượng Thư thời cổ có đến 3.240 thiên, sau khi Khổng Tử san định, chỉ còn lại 120 thiên.
[3] Chùa Quốc Ân ở trấn Tập Thành, huyện Tân Hưng, tỉnh Quảng Đông. Chùa Quốc Ân do chính Lục Tổ sai môn đồ sửa ngôi nhà cũ của Ngài ở Long Sơn thành chùa, đặt tên là Báo Ân Tự. Đến năm Thần Long thứ ba (707), Đường Trung Tông (Lý Hiển) mới xuống chiếu, ban biển ngạch, đổi tên thành chùa Quốc Ân.
[4] Khảo tỷ là tiếng gọi cha mẹ đã khuất. Thiên Khúc Lễ của sách Lễ Ký giảng: “Sanh viết phụ mẫu, tử viết khảo tỷ” (lúc còn sống thì gọi là cha mẹ, lúc mất thì gọi là khảo tỷ).