Tập 72/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 72

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm lẻ tám:

          (Sớ) Nhị vô ngã giả, nhân vô ngã, pháp vô ngã. Dĩ thượng diệc giai nhập ngũ pháp trung, tường kiến Nhập Lăng Già chư kinh.

          () 二無我者 ,人無我 ,法無我 以上亦皆入五法

中,詳見入楞伽諸經。

(Sớ: Nhị vô ngã là nhân vô ngã và pháp vô ngã. Những điều trên đây cũng thuộc trong năm pháp, xem chi tiết trong các kinh như Nhập Lăng Già).

          Đây là nói tới Duy Thức, [nói tới] Duy Thức là nói tới lý luận trong Phật pháp, hết sức trọng yếu. Bất luận tông phái hay pháp môn nào, chúng ta thường nói “vô lượng pháp môn, tám vạn bốn ngàn pháp môn”, đều chẳng trái nghịch những đạo lý này. Trong các tông phái, nếu chúng ta quy nạp lại, có thể nói là có ba tông phái, những tông phái [quy nạp] này mang tánh chất là khoa mục chung [cho mọi tông phái]. Thứ nhất là Luật Tông, bất cứ tông phái Hiển hay Mật nào cũng đều phải giữ giới luật, nương Giới sanh Định, do Định khai Huệ. Đấy là khoa mục chung bắt buộc phải tu học trong Phật giáo. Thứ hai là Duy Thức, Duy Thức là nói về lý luận. Không chỉ kinh Di Đà chẳng thể trái nghịch đạo lý Duy Thức, mà Thiền Tông, Mật Tông cũng chẳng thể trái nghịch, nên Duy Thức cũng có thể nói là khoa mục chung. Thứ ba là Tịnh Độ Tông niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Tịnh Độ là chỗ quy túc cuối cùng của tất cả các tông phái; vì thế, nó cũng là khoa mục chung. Những vị tổ sư đại đức của Thiền Tông từ xưa tới nay đến cuối cùng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Tại Đài Loan, các đồng tu đều biết pháp sư Quảng Khâm tham Thiền, nhưng về già, Ngài chuyên môn niệm Phật, cũng là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Đấy là tấm gương gần đây nhất mà chúng ta thấy. Vì thế, chẳng những phải tu ba tông này, mà chúng còn là khoa mục chung [cho mọi tông phái Phật giáo].

          Hai thứ vô ngã thì trong phần trước đã nói đại ý. Ắt cần phải đạt đến Nhân Vô Ngã mới có thể vượt thoát tam giới, chứng quả A La Hán, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, nhưng chưa thể kiến tánh. Nếu muốn minh tâm kiến tánh, phải tiến thêm một bước là phá Pháp Chấp, pháp cũng vô ngã. Hết thảy vạn pháp cũng vô ngã. Nên giải thích Ngã như thế nào? Ngã (Ātman) có nghĩa là chủ tể, hay tự tại. Trong kinh nêu ra bảy, tám định nghĩa của Ngã. Quả thật, hết thảy các pháp cũng là những pháp được sanh bởi nhân duyên, do nhiều điều kiện kết hợp lại. Pháp sanh bởi nhân duyên thì nói cách khác, nó không có chủ thể, chẳng thể nói cái nào là chủ. Sau khi đã biết Pháp Vô Ngã thì mới có thể minh tâm kiến tánh, mới có thể đạt được cái mà Thiền Tông gọi là “diện mạo vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra”.

          Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ cũng chẳng rời khỏi đạo lý này. Nếu làm được Nhân Vô Ngã thì mới chứng đắc “nhất tâm bất loạn” được nói trong kinh này. Nhất tâm có hai loại: Sự nhất tâm và Lý nhất tâm. Trong lúc này, chỉ chứng đắc Sự nhất tâm bất loạn thì vãng sanh Tịnh Độ phẩm vị cũng cao, sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư. Nếu chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn, đã phá trừ Pháp Vô Ngã, minh tâm kiến tánh rồi, sanh vào Tịnh Độ, địa vị càng cao hơn, người ấy sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm dùng danh xưng Pháp Thân đại sĩ để chỉ những người thuộc địa vị ấy. Nếu nhìn theo tiêu chuẩn này, trong đời này chúng ta muốn cầu sanh Tịnh Độ đạt đến tiêu chuẩn ấy quả thật chẳng dễ dàng, thật đấy! Chẳng đạt đến tiêu chuẩn này, chẳng có cách nào thành tựu; vì thế, cổ nhân nói chắc nịch: Tu bất cứ pháp môn nào [ngoài pháp môn Tịnh Độ] cũng đều chẳng thể thành tựu, nguyên nhân là vì chỗ này, không có biện pháp nào phá Nhị Vô Ngã!

          Nhưng niệm Phật mà chưa đạt đến mục đích ấy cũng chẳng sao! Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật đã nói rất rõ ràng: Chỉ cần có tín niệm kiên cố, mười niệm hay một niệm cũng đều có thể vãng sanh, điều kiện ấy mỗi cá nhân chúng ta đều có thể làm được, nhưng sanh về Tây Phương Tịnh Độ phẩm vị không cao, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Tuy phẩm vị không cao, phải biết hoàn cảnh của Tây Phương Cực Lạc thế giới quá tốt đẹp: Thế giới ấy không có ba ác đạo. Chẳng những không có ba ác đạo, mà Tu La đạo cũng chẳng có, chỉ có hai đường nhân thiên. Nói cách khác, hễ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, dẫu là Hạ Phẩm Hạ Sanh cũng chắc chắn chẳng đọa trong ba ác đạo. Ngoài ra, một điều tốt đẹp nữa là bên ấy thọ mạng dài lâu, thọ mạng của người Hạ Hạ Phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư bằng với A Di Đà Phật. A Di Đà Phật thọ vô lượng, nên người ấy cũng thọ vô lượng. Điều tốt đẹp lớn nhất của thọ mạng dài là tu hành nhất định thành công!

          Thọ mạng của chúng ta trong thế giới này quá ngắn ngủi, thời gian có thể sử dụng hết sức hữu hạn. Dẫu sống tới trăm tuổi, đêm ngủ hết tám tiếng đồng hồ. Nói cách khác, tối thiểu là một phần ba [cuộc đời]! Lại còn phải trừ đi hai mươi năm đầu chưa hiểu chuyện, sau tám mươi tuổi quá già, chẳng còn có sức để tu hành nữa. Lại còn phải trừ đi thời gian mặc áo, ăn cơm, giao tiếp, cả một đời quý vị dùng khoảng thời gian năm năm [để tu hành] là đã phi phàm rồi! Thời gian quả thật quá ngắn! Công phu vừa mới đắc lực, thọ mạng đã hết, không làm sao được, lại phải đợi đến đời sau! Vì thế, đời đời tu hành mà đến nay chúng ta vẫn y hệt như vậy!

          Hiểu rõ sự thật này, quý vị mới biết: Chính mình nhất định đừng nên đợi đến đời sau, vì sao? Tình huống trong đời sau có thể còn kém hơn đời này! Phải hạ quyết tâm, đời này nhất định phải sanh về Tịnh Độ! Cũng có người nói: Tôi muốn thì muốn vậy, nhưng có thật sự làm được hay chăng? Tôi nghĩ những người mang nỗi nghi vấn ấy rất nhiều. Nếu quý vị đọc kỹ ba kinh Tịnh Độ, nỗi hoài nghi ấy sẽ chẳng còn nữa! Đức Phật dạy chúng ta câu nào cũng chân thật, đức Phật chẳng vọng ngữ. Kinh Kim Cang đã nói rất hay: “Như Lai thị chân ngữ giả” (đức Như Lai là bậc nói lời thật), chân là không giả, “thật ngữ giả”, “thật” là chẳng hư dối, chẳng hư ngụy; “như ngữ giả”, nói hoàn toàn phù hợp với sự thật, chẳng tăng, chẳng giảm, nói rất khít khao, đó là “như ngữ”, “bất cuống ngữ giả, bất dị ngữ giả” (chẳng nói dối, chẳng nói những điều quái lạ). Những câu này đều nhằm khuyên chúng ta phải tin tưởng lời Phật dạy, đức Phật chẳng vọng ngữ. Do vậy, chúng ta thật sự tin tưởng lời răn dạy của đức Phật, y giáo phụng hành, trong một đời này, chắc chắn có thành tựu. Nói đến Nhân Vô Ngã và Pháp Vô Ngã, dẫu làm không được mà vẫn có thể thành tựu thì chỉ có pháp môn Niệm Phật. Trừ pháp môn Niệm Phật ra, những pháp môn nhất định phải đạt được Nhân Vô Ngã và Pháp Vô Ngã thì mới được coi là thành tựu.

          (Sớ) Tất Không tất khiển, sở vị Phật thân vô vi, bất đọa chư số. Nhất niệm bất sanh tức danh vi Phật giả, Đốn Giáo chi chỉ dã.

          () 悉空悉遣 ,所謂佛身無為 ,不墮諸數 一念不

生即名為佛者,頓教之旨也。

          (Sớ: “Đều không, đều bỏ đi”, chính là nói: Thân Phật vô vi nên chẳng thuộc vào các pháp số. Một niệm chẳng sanh thì gọi là Phật, đấy là tông chỉ của Đốn Giáo).

          Đoạn này nói về “giáo nghĩa thâm quảng” (giáo nghĩa rộng sâu), giảng về Đốn Giáo. Tông chỉ của Đốn Giáo đích thực là như vậy: Lìa hết thảy tướng chính là hết thảy pháp. Vì sao có thể coi Niệm Phật là Đốn Giáo? Chiếu theo tông chỉ của Đốn Giáo để nói, quả thật chẳng thể coi Niệm Phật là Đốn Giáo, vì vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới chưa đoạn Kiến Tư phiền não, hai thứ Vô Ngã đều vẫn còn. “Đốn” ở chỗ thành công trong một đời, chẳng đợi đến đời thứ hai.

          (Sớ) Kim ngôn niệm Phật, tắc sở xưng Phật hiệu thuộc Danh, sở đối Phật thân thuộc Tướng, ức niệm bỉ Phật thuộc vọng tưởng. Túng sử tịnh niệm tương kế, nhập Tam-ma-địa, diệc thuộc Chánh Trí, Như Như.

          () 今言念佛 ,則所稱佛號屬名 所對佛身屬相

憶念彼佛屬妄想,縱使淨念相繼,入三摩地,亦屬正智如如。

          (Sớ: Nay nói niệm Phật thì danh hiệu Phật được xưng niệm là Danh, thân của đức Phật được xưng niệm là Tướng, nghĩ nhớ đức Phật ấy là vọng tưởng. Dẫu cho tịnh niệm liên tục, nhập Chánh Định, vẫn thuộc vào Chánh Trí và Như Như).

           Hoàn toàn thuộc vào năm pháp.

          (Sớ) Nhi phục phân biệt thị Phật, thuộc thức tình.

          () 而復分別是佛,屬識情。

          (Sớ: Lại còn phân biệt là Phật, thuộc về tình thức).

           Quý vị có cái tâm phân biệt, đó là thức thứ sáu.

          (Sớ) Năng niệm, sở niệm, thuộc nhân pháp.

          () 能念所念,屬人法。

          (Sớ: Năng niệm và sở niệm thuộc về nhân và pháp).

          Năng niệm (chủ thể niệm Phật) là người, sở niệm (danh hiệu được niệm, đức Phật được niệm) là pháp.

          (Sớ) Thượng vị khiển hữu ngã, huống vô ngã diệc khiển da?

          () 尚未遣有我,況無我亦遣耶。

          (Sớ: Hữu ngã còn chưa gạt bỏ được, huống là vô ngã cũng gạt bỏ ư?)

          Hữu ngã còn chưa trừ được, làm sao có thể nói là “đã đạt đến vô ngã”? Đốn Giáo là ngay cả vô ngã cũng chẳng cần đến. Đốn Giáo là “năm pháp, ba tự tánh, tám thức, hai thứ vô ngã” thảy đều bỏ sạch, quả thật chẳng nhiễm mảy trần. Lục Tổ đại sư là Đốn Giáo, “vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần?” Tám thức, hai thứ vô ngã, Ngài đều chẳng có. Nhìn từ góc độ này, làm sao có thể nói Niệm Phật là Đốn Giáo cho được?

          (Sớ) Bỉ giáo sở không, sở khiển, thử giai hữu chi.

          () 彼教所空所遣,此皆有之。

          (Sớ: Những điều không có, bị gạt bỏ trong Đốn Giáo, pháp môn này đều có cả).

          “Sở khiển” là bị bỏ đi. Người niệm Phật chúng ta thứ gì cũng là chẳng Không, cũng chẳng tách rời một thứ gì.

          (Sớ) Dĩ kỳ hữu niệm, cố nạn phi Đốn.

          () 以其有念,故難非頓。

          (Sớ: Do [niệm Phật] là hữu niệm, nên bắt bẻ, bảo nó chẳng phải là Đốn).

           Người ta đến vấn nạn, nói pháp môn của chúng ta chẳng phải là Đốn Giáo.

          (Sớ) Chánh vị vô niệm giả, lương diêu nhất tâm bất loạn, tắc bất

dĩ hữu tâm niệm, bất dĩ vô tâm niệm, bất dĩ diệc hữu diệc vô tâm niệm, bất dĩ phi hữu phi vô tâm niệm. Ly thử tứ cú, cánh hữu hà niệm? Tuy danh niệm Phật, cái vô niệm chi niệm dã. Niệm nhi vô niệm, thị danh nhất tâm. Như thị chi tâm, tâm vô kỳ tâm, cưỡng danh viết “nhất”. Thượng vô nhất tướng, an cầu sở vị ngũ giả, tam giả, bát giả, nhị giả, nhiên tắc nhất tâm bất loạn, bất dị nhất niệm bất sanh, yên đắc phi Đốn?

          () 正謂無念者 ,良繇一心不亂 則不以有心念

不以無心念,不以亦有亦無心念,不以非有非無心念,離此四句,更有何念。雖名念佛,蓋無念之念也,念而無念,是名一心。如是之心,心無其心,強名曰一。尚無一相,安求所謂五者三者八者二者,然則一心不亂,不異一念不生,焉得非頓。

          (Sớ: Nói pháp này đúng là vô niệm, là vì nhất tâm bất loạn chẳng phải là dùng hữu tâm để niệm, chẳng dùng vô tâm để niệm, chẳng dùng cái tâm vừa hữu niệm vừa vô niệm để niệm, chẳng dùng cái tâm chẳng có chẳng không để niệm. Lìa khỏi bốn câu ấy, còn có niệm gì nữa? Tuy gọi là “niệm Phật”, nhưng là niệm mà vô niệm. Niệm mà vô niệm thì gọi là nhất tâm. Cái tâm như thế là cái tâm chẳng có vọng tâm nên cưỡng gọi là Nhất. Nó còn chẳng có một tướng, há tìm được những cái gọi năm pháp, ba tánh, tám thức, hai vô ngã ư? Vậy thì “nhất tâm bất loạn” chẳng khác “nhất niệm bất sanh”, lẽ nào chẳng phải là Đốn?)

          Cách nói này vô cùng cao! Đúng là Đốn Giáo! Trong đoạn trên, kẻ ấy (tức kẻ bắt bẻ niệm Phật chẳng phải là Đốn Giáo) thấy chúng ta cái gì cũng có, kẻ ấy đã thấy sai bét rồi! Thật ra, kẻ ấy hoàn toàn chẳng thấy sai, mà lời đáp của tổ sư cũng chẳng hề đáp trật. Lời đáp của tổ sư là gì? Là Lý nhất tâm bất loạn, cớ sao chẳng là Đốn? Nay chúng ta ngay cả công phu thành phiến còn chưa làm được! Vì thế, phải hiểu vì sao tổ sư phán định pháp môn này là Đốn, lại phán định nó là Phần Viên, tức là có một phần là Viên.

          Nói theo công phu niệm Phật, đương nhiên Lý nhất tâm bất loạn là mục tiêu tối cao, làm chưa được thì hạ xuống một cấp, chọn lấy cái kém hơn, tức là Sự nhất tâm. Nếu Sự nhất tâm vẫn chưa làm được, lại hạ xuống một bậc là công phu thành phiến. Như thế mới gọi là “thích hợp trọn khắp ba căn, gồm thâu lợi căn lẫn độn căn”. Đấy là điểm đặc sắc của pháp môn này. Đức Phật thật sự khích lệ chúng ta thành tựu Lý nhất tâm bất loạn trong một đời này, có làm được hay chăng? Nói thật ra, xét theo lý luận, ai nấy đều có thể làm được, nhưng luận theo mặt Sự, có những kẻ không chịu làm thì không có cách nào hết! Thế nào là không chịu làm? Kẻ ấy không chịu buông xuống, không chịu bỏ!

          Chiều hôm nay, có mấy vị đồng tu sơ học đến đây gặp tôi, hỏi tôi về Phật pháp. Bọn họ thường nghĩ Phật pháp là triết học hết sức sâu xa, uyên áo. Tôi bảo họ: “Chẳng phải vậy! Phật pháp rất dễ tiến nhập, chẳng khó tí nào! Khó là khó ở chỗ nào? Khó ở chỗ quý vị chẳng buông xuống! Điều thứ nhất là phải buông tiếng tăm, lợi dưỡng thế gian xuống, quý vị có chịu làm hay không? Quý vị chịu làm, sẽ vào được cửa. Không chịu, dù đức Phật có thuyết pháp cho quý vị cũng phí công! Quý vị cũng chẳng có cách nào nhập môn! Vấn đề là do chính mình. Khác hẳn triết học! Đối với triết học, kẻ ngu si một chút, kẻ căn tánh chậm chạp sẽ thật sự chẳng thể hiểu triết học. Phật pháp không như vậy, người chưa từng đi học, người chẳng biết chữ như Lục Tổ đều có thể tiến nhập Phật pháp. Lục Tổ dựa vào điều gì? Dựa vào cái tâm thanh tịnh. Trong lòng Ngài chẳng vướng mắc hết thảy các pháp, tâm địa thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần, nên tiến nhập. Ngài không biết chữ, nghe người ta niệm kinh, người niệm kinh chẳng khai ngộ, nhưng Ngài nghe liền khai ngộ. Vì sao? Người niệm kinh chưa buông xuống, tuy người ấy biết niệm mà chẳng khai ngộ. Người nghe kinh buông xuống, tuy không biết niệm mà khai ngộ. Đạo lý là như vậy đó! Không chỉ pháp thế gian phải buông xuống, mà pháp xuất thế gian cũng phải buông xuống. Vì sao? Không buông pháp thế gian xuống được, trong tâm còn xen tạp cả đống danh hiệu Phật, Bồ Tát và kinh điển nhiều dường ấy, đó đều là chướng ngại, quý vị vẫn chưa thể minh tâm kiến tánh. Cái tâm chẳng thanh tịnh, chẳng bị pháp thế gian ô nhiễm thì lại bị Phật pháp ô nhiễm! Đốn Giáo là chẳng nhiễm mảy trần”.

          Ở đây, đại sư biện giải, lời giảng của Ngài rất hợp lý. Lý nhất tâm bất loạn quả thật chẳng nhiễm mảy trần, hoàn toàn phù hợp với giáo nghĩa của Đốn Giáo. Do vậy, pháp môn Niệm Phật thuần túy thuộc vào Đốn Giáo. Không riêng gì Liên Trì đại sư chỉ dạy như vậy, mà tổ sư Pháp Tướng Duy Thức Tông là Khuy Cơ đại sư cũng phán định kinh này là Đốn Giáo. Ngài còn nêu ra thí dụ, trong kinh này có nói: Hoặc một ngày cho đến bảy ngày, bảy ngày bèn thành công, đó là Đốn. Bảy ngày tu thành công điều gì vậy? Thành nhất tâm bất loạn. Tâm chẳng điên đảo. Tâm chẳng điên đảo thì tâm ấy quyết định chẳng còn mê hoặc nữa, thật sự là giác, chứ không mê. Bảy ngày có thể hoàn thành, đó là Lý nhất tâm bất loạn. Điều này thuộc về Đốn Giáo. Chúng ta nói “thành Phật trong một đời”, đó là ý nghĩa Viên Giáo. Vì thế, kinh này Đốn cực, mà cũng là Viên cực.

          Ở chỗ này, câu nào cũng nói về Lý, chúng ta hiểu rõ là tốt rồi, nhưng chưa thể học theo. Vì sao chưa thể học? Học chưa được! Ví như trong kinh có nói: “Bất dĩ hữu tâm niệm, bất dĩ vô tâm niệm” (chẳng dùng hữu tâm để niệm, chẳng dùng vô tâm để niệm), chúng ta dùng cái tâm gì để niệm? Hữu tâm niệm cũng chẳng được, mà vô tâm niệm cũng không xong. Vừa hữu vừa vô cũng chẳng được, chẳng phải hữu chẳng phải vô vẫn không được. Dùng cái tâm gì để niệm? Nay chúng ta thật thà dùng hữu tâm để niệm là được rồi! Cảnh giới chưa đạt đến trình độ ấy, bèn dùng hữu tâm để niệm. Cổ đức bảo chúng ta: “Ninh khả chấp Hữu như Tu Di sơn, bất khả chấp Không như giới tử” (thà chấp có như núi Tu Di, đừng chấp Không chừng bằng hạt cải). “Giới tử” là hạt cải, rất nhỏ! Quyết định đừng nên chấp Không. Chấp Hữu thì chúng ta có thể đới nghiệp vãng sanh, có thể sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư có ba bậc, chín phẩm. Trung thượng phẩm đều biết trước lúc mất, tự tại vãng sanh, đấy là điều tốt đẹp lắm!

          Đến khi công phu của chúng ta đạt tới trình độ ấy, lại tiến lên nữa, tiến lên cầu Sự nhất tâm bất loạn. Sự nhất tâm bất loạn là Định, chúng ta thường gọi Định ấy là Niệm Phật tam-muội. Kiến Tư phiền não chẳng còn dấy lên hiện hành nữa, đã đạt được Nhân Vô Ngã, đó là Niệm Phật tam-muội thành công. Đã đạt đến cảnh giới ấy, lại tiến lên Pháp Vô Ngã, chứng Pháp Vô Ngã thì mới là “ly tứ cú, tuyệt bách phi” như [đang nói] ở đây. “Tứ cú” (bốn câu) là Có, Không, Cũng Có Cũng Không, Chẳng Phải Có Chẳng Phải Không, đấy mới là thật sự nhập cảnh giới này. Đó là cảnh giới do đích thân Như Lai chứng đắc. Nói cách khác, quyết định chẳng phải là cảnh giới hiện tiền của chúng ta, đừng vọng tưởng cảnh giới ấy, hãy thật thà niệm một câu Phật hiệu này, niệm đến mức trong mười hai thời Phật hiệu chẳng gián đoạn, đó gọi là công phu thành phiến.

          Câu cuối cùng là nói đại lược. “Sở vị ngũ giả” là nói đến ngũ pháp (Danh, Tướng, Vọng Tưởng, Chánh Trí, Như Như), “tam giả” là ba tự tánh (Vọng Kế Tánh, Duyên Khởi Tánh, Viên Thành Tánh), “bát giả” là tám thức, “nhị giả” là Nhị Vô Ngã (Nhân Vô Ngã và Pháp Vô Ngã), đều nhằm tổng kết phần trước. Thật sự đạt đến nhất tâm bất loạn thì những thứ này đều chẳng còn nữa; cho nên nói “bất dị nhất niệm bất sanh” (chẳng khác gì một niệm chẳng sanh). Do đây có thể biết rằng: Tịnh Độ Tông nói nhất tâm bất loạn hoàn toàn có cùng một cảnh giới với “nhất niệm bất sanh” như Viên Giáo đã nói, cách nói khác nhau, cảnh giới hoàn toàn tương đồng. Vì thế, niệm Phật cũng là niệm đến mức nhất niệm bất sanh, giống như trong chương Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Bồ Tát [đã nói] “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”, tám chữ này đã miêu tả “ly tứ cú, tuyệt bách phi”. Ngài có niệm Phật hay không? Niệm chứ! Ngài chẳng chấp trước vào cái Ngã đang niệm, cũng chẳng chấp trước có pháp để niệm, Năng và Sở hai đằng đều chẳng chấp trước, Năng và Sở cùng mất. Chẳng chấp Có, từng câu Phật hiệu liên tục, chẳng gián đoạn. Ngài chẳng chấp trước Không, đó gọi là “Không và Hữu hai bên đều chẳng chấp trước”. Công phu thật sự đạt đến mức thì mới có cảnh giới này. Chúng ta lại xem đoạn tiếp theo:

          Phần Viên.

          (Huyền Nghĩa) Phần thuộc Viên Giáo giả.

          分圓

(玄義) 分屬圓教者。

          (Phần Viên.

          Huyền Nghĩa: Có phần thuộc về Viên Giáo).

           

          “Phần” là bộ phận.

          (Huyền Nghĩa) Viên chi vi nghĩa, vi tứ pháp giới trung, tiền tam thông ư chư giáo, hậu nhất độc thiện hồ Viên. Kim thử kinh giả, Viên toàn nhiếp thử.

          (玄義) 圓之為義 ,為四法界中 ,前三通於諸教

一獨擅乎圓。今此經者,圓全攝此。

          (Huyền Nghĩa: Ý nghĩa của Viên là trong bốn pháp giới, ba pháp giới đầu các giáo đều có, riêng pháp giới cuối cùng chỉ riêng Viên Giáo là có. Nay Viên Giáo hoàn toàn thâu nhiếp kinh này).

          Viên Giáo hoàn toàn bao quát bộ kinh này.

          (Huyền Nghĩa) Thử phần nhiếp Viên, đắc Viên thiểu phần, phần thuộc Viên cố.

          (玄義) 此分攝圓,得圓少分,分屬圓故。

          (Huyền Nghĩa: Kinh này thuộc về Viên Giáo một phần: Do được một ít phần Viên, nên thuộc về Viên Giáo một phần).

          Xét theo kinh này để nói, nó có một phần là giáo nghĩa của Viên Giáo.

          (Sớ) Tứ pháp giới giả.

          () 四法界者。

          (Sớ: Bốn pháp giới là…)

          Tứ pháp giới: Thanh Lương đại sư giải thích kinh Hoa Nghiêm, đã chia pháp giới thành bốn loại. Trên thực tế, [tứ pháp giới] là bốn góc độ quan sát, chứ chúng là một Thể. Một Thể được nhìn từ bốn góc độ thì mới thấy được tánh chân thật của nó.

          (Sớ) Nhất, Sự pháp giới.

          () 一、事法界。

          (Sớ: Một là Sự pháp giới).

           Sự là nhìn theo sự tướng. Sự tướng là “duyên khởi vô biên”, nhỏ thì như chúng ta quan sát một người, quan sát chính mình, thân tâm của chúng ta, lớn thì thấy toàn thể vũ trụ đều là pháp sanh bởi nhân duyên, vô lượng vô biên nhân duyên. Đức Phật dạy chúng ta phải có trí huệ, phải có tầm nhìn sâu rộng, chớ nên chỉ thấy trước mắt, chỉ thấy một phần; [nếu không] sẽ phát sanh rất nhiều chuyện hiểu lầm, phát sanh sự hiểu biết sai lạc. Tục ngữ nói: “Nhất ẩm nhấc trác, mạc phi tiền định” (một miếng ăn, một hớp uống, không gì chẳng được định trước), ai định? Tuyệt đối chẳng phải là Phật, Bồ Tát định sẵn cho quý vị, cũng chẳng phải do vua Diêm La quyết định! Đức Phật bảo: “Nghiệp lực quyết định”. Ngay cả trường hợp bị chết vì chiến tranh thì cũng chẳng phải là chết oan uổng!

          Lúc tôi mới học Phật, lão cư sĩ Châu Kính Trụ giúp đỡ tôi rất nhiều. Khi ấy, vào khoảng năm Dân Quốc 38 (1949) hay 39 (1950), kinh sách ở Đài Loan chẳng dễ kiếm: Tiệm sách cũng không bán, mà cũng không có ai in. Sau khi đến Đài Loan, Châu lão cư sĩ đã làm chuyện công đức to lớn là xướng suất in kinh. Cụ tự mình quyên góp từ bạn bè, lập ra Đài Loan Ấn Kinh Xứ. Cụ là người đầu tiên in kinh Phật ở Đài Loan. Khi tôi học Phật, lão nhân gia đã bảy mươi tuổi, cụ cũng sống rất thọ, chín mươi sáu tuổi mới vãng sanh. Cụ kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện lạ lùng do đích thân cụ đã từng trải qua, chẳng phải là chuyện giả. Bản thân cụ là một người theo khoa học, học theo ngành Tài Chánh, từ trước đến nay chẳng hề tin chuyện quỷ thần, đương nhiên càng chẳng dễ gì tiếp nhận Phật pháp. Nhạc phụ của cụ là cụ Chương Thái Viêm[1], là một bậc đại sư về Quốc Học đầu thời Dân Quốc, là một người có danh vọng hết sức cao.

          Khi cụ Chương Thái Viêm còn sống, từng làm Phán Quan cho Đông Nhạc Đại Đế[2], chức Phán Quan giống như Bí Thư Trưởng (Tổng Thư Ký) hiện thời, địa vị rất cao. Dưới Đông Nhạc Đại Đế là cụ. Mỗi đêm cụ phải đi làm, có hai tiểu quỷ khênh kiệu tới thỉnh cụ lên kiệu. Khi trời tối, lúc mọi người ngủ thì cụ phải đi làm. Khi cụ đi làm, giống như đã chết, nằm yên trên giường chẳng động đậy tức là cụ đã đi làm. Đến sáng sớm hôm sau, khi gà gáy, cụ tan sở, được đưa về. Cụ thấy rất nhiều chuyện trong cõi Âm, bạn bè thường hỏi cụ: “Tối hôm qua xử đoán vụ án nào, gặp những ai?”

          Cụ thấy quỷ có thọ mạng dài hơn người, gặp những người đời Đường, đời Tống, đã từng đọc văn chương của họ, khi gặp mặt có cảm giác đặc biệt thân thiết. Xã hội trong quỷ đạo chẳng khác với nhân gian cho mấy, cũng có quỷ ngoại quốc. Cụ nói: Ở trong ấy, gần như ngôn ngữ thông suốt, chẳng bị chướng ngại, cũng phải làm lụng, cũng có đãi ngộ. Trong những trước tác của Châu lão cư sĩ, cụ đã viết lại những chuyện ấy rất chi tiết. Là vì cụ Chương là người sống, đêm vào cõi Âm để làm việc, nên chẳng cần tới lương bổng, cũng giống như là trọn hết nghĩa vụ. Đông Nhạc Đại Đế cai quản năm tỉnh, sự sống chết luân hồi của người trong năm tỉnh do ông ta cai quản. Khi ấy, cụ Châu nghe bố vợ (cụ Chương) kể những chuyện ấy, chỉ nghĩ là ông cụ tùy tiện nói để nghe chơi, vẫn chẳng thể sanh lòng tin tưởng. Lúc trẻ, cụ đã thấy rất nhiều, từ đầu đến cuối chẳng sanh khởi lòng tin. Nói cách khác, chẳng phải là chuyện do chính mình đích thân trông thấy, chuyện ấy rất khó tin tưởng!

          Cụ kể vào một ngày Xuân Tân Hợi (1911), tại quê cụ có một vị Cử Nhân. Vị Cử Nhân này là con trai độc nhất, gia cảnh cũng đủ sống. Sau khi thi đỗ, chẳng làm quan, mà ở nhà, tự mình cày cấy, phụng dưỡng cha mẹ. Người này rất hiếu thuận, kết hôn, sanh được một con. Trong khi ngủ trưa, chợt thấy có một người kêu cửa, ông ta liền nhỏm dậy, trên thực tế chỉ là nằm mộng, đứng lên, mở cửa. Có một người cưỡi một thớt ngựa đến, cầm một tấm thiếp, hỏi ông ta: “Đại tướng quân của chúng tôi muốn mời vị này”. Ông ta xem thì thấy tên mình, không sai, liền nói: “Tôi suốt đời chưa từng giao du với người trong chốn quan trường. Đại tướng quân của các vị là ai tôi cũng chẳng quen biết, chắc là có người trùng tên trùng họ, mà cũng không chừng là trao nhầm danh thiếp rồi”. Người ấy cũng chẳng đếm xỉa lý lẽ, bảo: “Đã là trùng tên thì Ngài theo tôi đi một chuyến cho rồi”. Ép ông ta, bảo ông ta lên ngựa.

          Sau khi ông ta lên ngựa, cảm thấy con ngựa này chẳng chạy trên mặt đất mà giống như bay lên trời, bên tai nghe gió thổi. Không lâu sau, ngựa dừng lại, thấy nhiều người giống như đang thương lượng một đại sự trọng yếu. Đại tướng quân còn chưa thăng trướng, ông ta hỏi dò người khác: “Đại tướng quân là ai vậy?” Người ta bảo: “Nhạc Phi”. Ông ta sững sờ, nói: “Không xong rồi! Ta đã chết rồi sao? Nhạc Phi là người đời Tống, ông ta đến tìm mình, chẳng phải là ta đã chết rồi sao? Không được rồi, ta nhất định chẳng thể đi”. Ông ta tự nhủ: “Cha mẹ ta tuổi đã cao lắm rồi, con còn quá bé. Ta chưa thể nào xa họ được”.

          Một lát sau, đại tướng quân bèn thăng trướng, tìm ông ta để làm gì? Chuẩn bị đánh miền Bắc, vẫn là muốn đánh đuổi quân Thanh khỏi miền Bắc. Người Kim thuở ấy chính là người Mãn Thanh, Mãn Thanh là hậu duệ của người Kim[3]. Bọn họ muốn đánh dẹp quân Kim, mời ông ta làm công việc giống như Bí Thư. Ông ta là văn nhân, nên [Nhạc Phi] mời ông ta đến làm việc. Ông ta thấy Nhạc Phi đối với mình hết sức lễ độ, bèn thưa: “Trên còn có cha mẹ, vợ cũng rất trẻ, con còn bé quá. Tôi là con trai một trong nhà, chẳng có anh em, cảm thấy rất khó khăn”. Nhạc Phi bảo ông ta: “Chuyện này không sao đâu! Chúng tôi còn bốn tháng nữa mới khởi sự, tôi có thể đưa ông về. Ông hãy sắp xếp ổn thỏa mọi việc trong nhà, đến lúc đó lại phái người đến đón ông. Hãy ước định ngày tháng và giờ giấc kỹ càng”. Ông ta nghĩ: “Theo Nhạc Phi cũng cảm thấy rất vinh dự, cũng khá lắm!” Được rồi! Ông ta nhận lời. Nhạc Phi liền phái tiểu quỷ đưa ông ta trở về.

          Sau khi trở về, ông ta tỉnh giấc. Tỉnh giấc liền thưa chuyện với cha mẹ, kể lể chuyện ấy. Người nhà nói: “Ngươi nằm mộng như vậy, há phải là thật!” Ông ta bảo người nhà: “Đấy chẳng phải là mộng”. Ông ta nói: “Cảnh giới trong mộng chẳng thể rõ ràng như thế, hoàn toàn giống với cảnh giới trong lúc tỉnh táo. Chuyện này sợ chẳng phải là mộng, nhất định phải nghiêm túc chuẩn bị”. Thoáng chốc đã đến thời gian ước định, ông ta báo cho thân thích, bạn bè đến nhà tiễn hành. Ông ta tuổi trẻ, lại chẳng bệnh tật gì, [mọi người kéo tới] xem thử ông ta chết như thế nào? Châu lão cư sĩ cũng đến để xem chuyện quái lạ này. Ngày hôm ấy, trong nhà bày tiệc rượu, ăn uống xong, ông ta hướng về mọi người từ tạ. Tắm rửa, thay quần áo mới, vào nhà, lên giường nằm tại đó, bố ông ta cũng có mặt, đông đảo thân thích cùng hiện diện. Chưa đầy một chốc, ông ta thưa với cha: “Người đón con đã đến rồi, đang ở ngoài cửa”. Bố ông ta liền quở mắng, tỏ ý không chấp nhận. Kết quả vẫn là ông ta tự mình nghĩ thông suốt, bèn khuyên cha: “Vẫn nên để cho con đi thì tốt hơn; nếu không, sẽ như người ta nói: ‘Rượu kính không uống lại uống rượu phạt’, con vẫn phải ra đi. Cha có chửi mắng cũng vô ích”. Ông bố uất quá, nói: “Được rồi! Mày đi đi”. Nói xong câu ấy, ông ta liền tắt thở. Vừa được đồng ý, liền đi ngay! Châu lão cư sĩ đích thân chứng kiến chuyện này. Cụ nói: Gần như là hai hay ba tháng sau, cách mạng Tân Hợi (1911) thành công, lật đổ nhà Mãn Thanh. Vì thế, cụ nói: “Thế gian còn chưa loạn, quỷ thần đã loạn trước, bên phía quỷ thần đã đánh nhau. Quỷ thần thắng trận thì chúng ta mới thắng trận; nếu quỷ thần thất trận, chúng ta chẳng thể thắng trận”.

          Cụ nói trước thời Kháng Chiến[4], trong biến cố Hai Mươi Tám tháng Giêng[5] tại Thượng Hải, trước chiến dịch ấy ba tháng, khi đó, Châu lão cư sĩ đang làm Tổng Kinh Lý (Tổng Giám Đốc) cho ngân hàng nhà họ X… tại Tô Châu, cụ có một người bạn làm sai nha trong cõi Âm, địa vị không cao, giao chuyển công văn. Trong cõi Âm, thành hoàng Tô Châu giống như chủ tịch tỉnh, là thành hoàng của Giang Tô, cai quản cả một tỉnh. Trong cõi Âm, Thượng Hải được coi như một huyện, thuộc quyền cai quản của Thành Hoàng [Tô Châu]. Bên Thượng Hải giao sang một cuốn sổ sanh tử đã phê, ông ta lo việc giao chuyển. Ông ta mở ra xem trộm, xem xong rất ngỡ ngàng, vì tên họ đều là bốn chữ, năm chữ, chẳng giống tên họ của Trung Quốc. Hôm sau, cùng với mấy người bạn bè của Châu lão cư sĩ dùng cơm, ông ta kể: “Ngày hôm qua thành hoàng Thượng Hải giao cho cuốn sổ sanh tử đã phê, trong ấy ghi rất nhiều tên họ bốn chữ, năm chữ, rất lạ lùng!” Mọi người nghe xong đều không hiểu, người Trung Quốc họ kép bốn chữ cũng có, nhưng ít lắm, tuyệt đối chẳng thể nói họ kép lần này chết nhiều như thế, chẳng thể nào có chuyện ấy được! Suy đoán cách nào cũng không ra, bèn bỏ qua chuyện này. Ba tháng sau, cuộc chiến tại Thượng Hải bùng nổ, họ mới hoảng nhiên đại ngộ: Đấy là tên họ của người Nhật Bản chết tại đó. Vì thế nói là người đáng phải chết thì tên họ trong sổ sanh tử đã giao cho Thành Hoàng từ ba tháng trước. Do vậy, Châu lão cư sĩ nói: “Trong thế gian này nói chết oan uổng là do nhân gian chúng ta thấy [như vậy], chứ trên thực tế không có. Thật sự là oan oan tương báo. Họ có cái nhân trong đời trước”. Nếu chúng ta lắng lòng quan sát chuyện này thì trong hiện tiền sẽ đều có thể thấy được. Thật sự muốn cứu người đời, cứu xã hội, trừ Phật pháp ra, không có cách thứ hai nào!

          Nhân duyên quả báo là sự thật ngàn vạn phần xác đáng. Đức Phật bảo chúng ta: Quan hệ giữa người và người có bốn nhân duyên, báo ân, báo oán (báo cừu), đòi nợ, trả nợ. Nếu mối quan hệ này rất sâu, sẽ biến thành người một nhà; quan hệ sơ sài, xa xôi một chút thì là thân thích, bè bạn. Chẳng có mối quan hệ này, cả đời cũng chẳng gặp. Nếu gặp gỡ thì cũng là người xa lạ, họ gật đầu chào quý vị, đều là do trong đời trước có nhân duyên, chắc chắn chẳng phải là ngẫu nhiên. Vì sao kẻ ấy thấy người khác hợp nhãn, nhưng cứ khăng khăng thấy quý vị ngứa mắt? Chắc chắn trong đời trước quý vị đã có khúc mắc với kẻ ấy, chỉ là sâu hay cạn mà thôi. Thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật này, tâm chúng ta sẽ bình. Đối đãi hết thảy mọi người bằng tấm lòng đại từ đại bi: Người có ân với ta, chí đồng đạo hợp, hy vọng họ có thể thành Phật trong một đời; người có oán với ta, hy vọng hóa giải oán kết, giúp họ học Phật. Vì thế, hiểu rõ Phật pháp sẽ là công đức vô lượng vô biên. Chẳng hiểu rõ, oan oan tương báo chẳng xong. Đó là khổ, khổ sở vô tận! Đúng là “biển khổ vô biên, quay đầu là bờ”. Vì thế, phải hiểu tứ pháp giới là duyên khởi vô tận, vô lượng nhân duyên, chắc chắn chẳng đơn thuần!

                   (Sớ) Nhị, Lý pháp giới.

          () 二、理法界。

          (Sớ: Hai là Lý pháp giới).

           Lý là nói tới bản thể, tức là nói tới bổn tánh. Nhìn từ Sự pháp giới, đó là hiện tượng sai biệt, Tướng vô cùng vô tận. Nhìn từ Lý pháp giới, hết thảy muôn hình tượng có cùng một bản thể như trong kinh Hoa Nghiêm đã dạy: “Ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” (Nên quán tánh pháp giới, hết thảy do tâm tạo), đó là do tâm tánh của chúng ta biến hiện. Nói “duy tâm sở hiện” là tâm có thể hiện tướng, “duy thức sở biến” là nói tới sự biến hóa nơi hình tướng, thiên biến vạn hóa do thức làm chủ. Chúng ta nằm mộng, trong mộng, ta cũng mộng thấy có núi, sông, đại địa, cũng mộng thấy người lành, kẻ ác. Thời gian nằm mộng khá ngắn ngủi, sau khi tỉnh giấc, chúng ta suy nghĩ cặn kẽ, mộng cảnh do đâu mà có? Hoàn toàn do chính mình biến hiện. Nếu bình thường chúng ta hỏi: “Tâm có hình dạng như thế nào?” Chúng ta không biết, tâm không có hình tướng! Trong khi chúng ta nằm mộng, chúng ta có thể nói: Những cảnh giới trong mộng chính là tướng trạng của tâm, tức là tướng trạng của cái tâm trong khi ấy. Tướng là hư vọng, là cái được biến; cái tâm có tác dụng biến hiện là thật. Chân – vọng chẳng hai, năng biến và sở biến là một, không hai. Vì thế, toàn thể chân tâm biến thành vọng cảnh, toàn thể vọng cảnh vốn là chân tâm. “Toàn chân tức vọng, toàn vọng tức chân”.

          Nếu ở trong mộng, quý vị tự hỏi: Cái gì là chính mình? Chúng ta hãy suy nghĩ: Trong mộng có gì chẳng phải là chính mình? Trong mộng đương nhiên cũng có bản thân của chính mình, là chính mình. Người thân ái vẫn là chính mình, do chính mình biến ra! Kẻ oán gia đối đầu vẫn là chính mình y như cũ! Chẳng có gì không phải là chính mình. Ngay cả núi, sông, đại địa, hư không đều là chính mình. Trong mộng dễ tỉnh ngộ! Cuộc sống hiện thực của chúng ta trong hiện thời là một cảnh mộng lớn! Phải hiểu: Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới là do chân tâm của chúng ta hiện ra, cũng là duy thức sở biến. Chư Phật và các đại Bồ Tát chứng đắc cảnh giới này, thật sự hiểu rõ chân tướng của nhân sinh và vũ trụ, mới biết đó là chính mình, ngoài chính mình ra, chẳng có ai khác. Vì thế, đối với hết thảy các chúng sanh sẽ sanh khởi lòng đại từ vô duyên, đại bi đồng thể. “Từ” là từ ái, “duyên” là điều kiện, [vô duyên là] không có điều kiện, [Vô Duyên Từ là] yêu thương người khác vô điều kiện. Vì sao? Vì chúng ta có cùng một Thể.

          Nói “ngoài tâm vô pháp, ngoài pháp vô tâm” thì mới nói tới “duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà”. Thế giới Cực Lạc cách ngoài mười vạn ức cõi Phật do đâu mà có? Vẫn do tâm tánh biến hiện. A Di Đà Phật cũng do tự tánh của chúng ta biến hiện. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng rời ngoài tâm tánh của chúng ta, vẫn là vật được hiện trong tâm tánh. Vì thế, cổ đức mới nói: “Sanh tắc quyết định sanh, khứ tắc thật bất khứ” (Sanh thì quyết định sanh, đi thì thật sự chẳng đi). Hai câu này nói trên hai phương diện khác nhau. “Sanh thì nhất định sanh” là nói theo Sự pháp giới. “Đi thì thật sự chẳng đi” là nói theo Lý pháp giới. Do vậy, hai câu này chắc chắn chẳng mâu thuẫn. Trên Thể là như như bất động, chẳng có đến hay đi, trên Tướng thì có đến, đi; nhưng phải hiểu: Tướng và Thể là một, không hai. Quý vị tách thành hai chuyện để xem, tức là mê rồi, chẳng thấy chân tướng. Nếu quý vị biết hai thứ ấy là một, không hai, chân tướng sẽ rạng ngời!

          (Sớ) Tam, Sự Lý vô ngại pháp giới.

          () 三、事理無礙法界。

          (Sớ: Ba là Sự Lý vô ngại pháp giới).

          Đây là nói viên dung vô ngại, Lý và Sự là viên dung, trong Lý và Sự chẳng có chướng ngại.

          (Sớ) Tứ, Sự Sự vô ngại pháp giới.

          () 四、事事無礙法界。

          (Sớ: Bốn là Sự Sự vô ngại pháp giới).

          Đối với Tiểu, Thỉ, Chung, Đốn, ba thứ pháp giới trước, tức Sự pháp giới, Lý pháp giới, Sự Lý vô ngại pháp giới, [xét theo] lý luận đều có thể thông suốt[6], chỉ riêng Sự Sự vô ngại pháp giới là không có, chỉ Viên Giáo mới có Sự Sự vô ngại pháp giới, Thuần Viên, đó là đại triệt đại ngộ. Thật sự giác ngộ triệt để chân tướng của vũ trụ và nhân sinh sẽ là Sự Sự vô ngại. Hễ chưa nhập cảnh giới này, nói chung là sẽ có chướng ngại. Ví như nay chúng ta học Phật, tín đồ Phật giáo Trung Quốc ăn chay, nếu quý vị ăn thịt, ôi chao, không được rồi! Đó là phạm phải tội nghiệp lớn tầy trời, đó là chướng ngại! Chướng ngại sanh từ đâu? Trong phần trên đã nói rồi đó: “Năm pháp, ba tự tánh, tám thức, hai vô ngã”. Quý vị có những thứ ấy, cho nên có chướng ngại. Đạt đến Sự Sự vô ngại là cảnh giới Thuần Viên, chướng ngại gì cũng chẳng có!

          Nhưng chưa đạt tới cảnh giới này, chớ nên học đòi! Nếu chưa đạt tới cảnh giới này mà học đòi [cách hành xử của những bậc đã đạt cảnh giới Sự Sự vô ngại], nhất định sẽ tạo tội nghiệp. Thuộc tầng cấp nào, chúng ta cũng phải tuân thủ quy củ của tầng cấp đó. Học Tiểu Học nhất định phải giữ quy củ của trường Tiểu Học, học Trung Học nhất định phải giữ quy củ của trường Trung Học. Vì sao? Chúng ta không có cách nào vượt thoát, Viên Giáo là vượt thoát triệt để. Vì thế, đối với Sự Sự vô ngại pháp giới, trong hết thảy các kinh Phật, chỉ mình kinh Hoa Nghiêm thuộc về Sự Sự vô ngại, nhất là phần năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử ở cuối kinh, đúng là pháp giới vô chướng ngại đại tự tại. Chúng ta hiểu lý luận này, hiểu chuyện này, nhưng trước mắt, chắc chắn chưa thể làm được. Cảnh giới của những vị ấy là cảnh giới sau khi đã đắc Lý nhất tâm bất loạn, là sự tu học sau khi đã minh tâm kiến tánh.

          [Sách Diễn Nghĩa giảng] “Sự Sự vị chủ bạn trùng trùng, tương tức, tương nhập” (Sự Sự nghĩa là chủ và bạn trùng trùng, chính là lẫn nhau, nhập vào nhau): Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã nêu ra những ví dụ về “lớn – nhỏ vô ngại”: Lớn như núi Tu Di, có thể bỏ núi Tu Di vào trong hạt cải. Chúng ta làm không được, hạt cải quá bé! Ngài nói núi Tu Di chẳng rút nhỏ, hạt cải cũng chẳng phình to, lớn có thể vào trong nhỏ, nhỏ có thể vào trong lớn. Nay chúng ta biết: Nhỏ vào trong lớn không có vấn đề gì, nhưng lớn vào nhỏ sẽ có vấn đề ngay! Nêu lên thí dụ này, nhằm giảng rõ cảnh giới Sự Sự vô ngại. Đây chắc chắn chẳng phải là điều chúng ta có thể làm được trong hiện thời!

          (Sớ) Duy Hoa Nghiêm nhất kinh hữu chi.

          () 唯華嚴一經有之。

          (Sớ: Chỉ riêng kinh Hoa Nghiêm là có).

          Sự Sự vô ngại pháp giới, chỉ kinh Hoa Nghiêm mới có. Nói thật ra, kinh Hoa Nghiêm là một bộ kinh điển vô cùng hay, phải nên đọc. Cổ nhân có nói: “Chẳng đọc Hoa Nghiêm, chẳng biết sự phú quý trong nhà Phật”. Nói cách khác, chẳng biết sự tốt đẹp do học Phật. Chẳng đọc Hoa Nghiêm, nói thật ra, quý vị cũng chẳng hiểu rõ đường nẻo trong Phật pháp, cũng chẳng tìm được đường lối tu hành. Bản thân tôi học Phật, có tín tâm kiên cố đối với pháp môn Niệm Phật là nhờ kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm nói đến hai ngàn pháp môn, nhưng Văn Thù, Phổ Hiền, Thiện Tài đồng tử tu niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Chúng tôi mới hoảng nhiên đại ngộ: Trong tất cả các pháp môn, pháp môn Tịnh Độ được kinh Hoa Nghiêm xếp vào bậc nhất.

          Năm mươi ba lần tham học là Thiện Tài đồng tử đã làm gương, nhằm bảo chúng ta phải nên tu pháp môn Niệm Phật như thế nào. Thiện Tài đồng tử tu pháp môn Niệm Phật theo cách tu Sự Sự vô ngại. Năm mươi ba lần tham học, Ngài đến bất cứ đâu, đúng là chẳng có chướng ngại gì. Ngài đến tham phỏng với người học Phật lẫn người không học Phật; thậm chí tham phỏng cả ngoại đạo, tham phỏng người lành, tham phỏng cả kẻ ác, nhất loạt đối đãi bình đẳng. Năm mươi ba lần tham học nói theo xã hội hiện thời là dùng năm mươi ba vị Bồ Tát đại diện cho những nhân vật thuộc các tầng lớp khác nhau trong xã hội, nam, nữ, già, trẻ, các ngành, các nghề, thảy đều tu pháp Đại Thừa chẳng trở ngại, không có chướng ngại. Bất luận quý vị có thân phận nào, bất luận quý vị làm nghề gì, quý vị học Phật đều có thể thành tựu trong một đời, lại còn chắc chắn chẳng mâu thuẫn với nghề nghiệp của quý vị, thật tuyệt diệu! Kẻ giết lợn, mổ trâu, hằng ngày có thể mổ lợn giết trâu mà cũng thành Phật y hệt. Nếu quý vị không hiểu, sẽ tạo vô lượng vô biên tội nghiệp. Khi đã hiểu, dù quý vị có làm nghề ấy vẫn có thể thành Phật. Quý vị làm nghề ấy là tu hành, thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Do vậy nên là Thuần Viên, thật sự là Viên Giáo!

          Trong Tứ Thập Hoa Nghiêm, Cam Lộ Hỏa Vương suốt ngày từ sáng đến tối giết người, Ngài thành Phật. Những người bị giết ai nấy đều được cứu[7]. Ngài thật sự có bản lãnh ấy! Giết ngươi để giúp cho ngươi siêu sanh, cứu ngươi mà! Ngài nói với Thiện Tài đồng tử Ngài dùng tâm đại từ bi, dùng phương pháp ấy để cứu nhân độ thế, đại từ, đại bi, quyết định chẳng có sân khuể, tâm địa quyết định là thanh lương tự tại. Chúng ta đọc kinh thấy khi ấy Thiện Tài đồng tử thấy như vậy, có cảm giác rất sợ hãi, ngã lòng chẳng muốn đến gặp nhà vua nữa. Cuối cùng, thiên thần bảo cho Ngài biết chân tướng sự thật, nói rõ vua là một vị đại thiện tri thức, là đại Bồ Tát, phàm phu mắt thịt chúng ta chắc chắn chẳng thể nhìn ra! Vì thế, phải nên thâm nhập kinh Hoa Nghiêm, nghiên cứu cặn kẽ. Nay chúng ta mang thân phận gì, làm nghề gì, chẳng cần phải thay đổi thân phận, chẳng cần phải đổi nghề, vẫn có thể thành Bồ Tát đạo, vẫn có thể thành Phật, làm Tổ. Vì thế, Phật pháp Sự Sự vô ngại, Lý Sự vô ngại, rốt ráo viên mãn ở trong Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh.

                   (Sớ) Danh vi Biệt Giáo Nhất Thừa, dĩ Sự Lý vô ngại, đồng Đốn, đồng Chung, Sự Sự vô ngại, bất đồng bỉ nhị, giản hồ đồng giáo Nhất Thừa, cố danh vi Biệt.

          () 名為別教一乘 ,以事理無礙 ,同頓同終 事事

無礙,不同彼二,揀乎同教一乘,故名為別。

          (Sớ: Gọi [kinh Hoa Nghiêm] là Biệt Giáo Nhất Thừa vì Sự Lý vô ngại giống với Đốn Giáo và Chung Giáo, còn Sự Sự vô ngại chẳng giống với hai giáo ấy, nhằm phân biệt khác với Nhất Thừa của Viên Giáo[8] nên gọi là Biệt).

          Điều này dựa trên tánh chất của kinh Hoa Nghiêm để nói.

          (Sớ) Phi Tạng Thông Biệt Viên chi Biệt dã.

          () 非藏通別圓之別也。

          (Sớ: [Nói Sự Sự vô ngại là Biệt Giáo chính là dựa theo ý nghĩa trên đây], chứ không phải là Biệt hiểu theo nghĩa “Tạng, Thông, Biệt, Viên”).

          Biệt Giáo ở đây là nói theo ý nghĩa này, chứ Biệt ở đây vẫn thuộc vào Viên Giáo trong bốn giáo Tạng, Thông, Biệt, Viên.

          (Sớ) Kim vị phần nhiếp hồ Viên giả.

          () 今謂分攝乎圓者。

          (Sớ: Nay nói [kinh Di Đà] có phần thuộc Viên là…)

          Nói đến bộ kinh A Di Đà này.

(Sớ) Dĩ Hoa Nghiêm toàn viên, kim đắc thiểu phần, lược thuyết hữu thập.

() 以華嚴全圓,今得少分,略說有十。

          (Sớ: Do Hoa Nghiêm là toàn viên, nay kinh này có được ít phần, nói đại lược thì gồm mười điều).

          “Đắc thiểu phần”: Kinh này có một ít ý nghĩa thuộc Viên Giáo, hết sức gần với mười huyền môn được giảng trong kinh Hoa Nghiêm. Dưới đây là nói đại lược, nêu lên mười thí dụ mà thôi.

          (Sớ) Nhất, Hoa Nghiêm khí giới trần mao, hình vô hình vật, giai tất diễn xuất diệu pháp ngôn âm.

          () 、華嚴器界塵毛 ,形無形物 皆悉演出妙法

言音。

          (Sớ: Một là trong kinh Hoa Nghiêm, khí thế giới, vi trần, mảy lông, những vật có hình tướng hoặc không có hình tướng, đều diễn ra âm thanh diệu pháp).

          Điều này nói rõ trong kinh Hoa Nghiêm, vô tình thuyết pháp. Nay chúng ta gọi “khí” (器) là thế giới vật chất, tức là thực vật, khoáng vật, đó là “khí thế giới”. Trong kinh Hoa Nghiêm, thực vật lẫn khoáng vật đều thuyết pháp, đều biểu thị pháp. “Trần mao”: “Trần” là vi trần, “mao” là sợi lông. “Hình vô hình”: Hữu hình hoặc vô hình. Những vật chất ấy đều có thể “diễn xuất diệu pháp”, tức là chúng đều có thể biểu diễn, đều có thể thuyết pháp.

          (Sớ) Thử tắc thủy, điểu, thụ lâm, hàm tuyên Căn, Lực, Giác, Đạo chư pháp môn cố.

          () 此則水鳥樹林,咸宣根力覺道諸法門故。

          (Sớ: Trong kinh này, nước, chim, rừng cây đều tuyên nói các pháp môn như Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Thánh Đạo).

          “Thử” là nói về kinh này, giống như kinh Hoa Nghiêm! Trong kinh Di Đà có nói: Tây Phương có nước tám công đức trong ao bảy báu. Những loài chim, cây cối, hàng cây cũng có thể thuyết pháp, giảng Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo. Đấy chỉ là nêu vài thí dụ, nhưng cũng bao gồm toàn bộ hết thảy các pháp, toàn bộ Phật pháp cũng đều được lục trần thuyết pháp.

          (Sớ)   Nhị,  Hoa Nghiêm nhất vi trần trung,  cụ túc thập phương

pháp giới, vô tận trang nghiêm.

          () 二、華嚴一微塵中,具足十方法界,無盡莊嚴。

          (Sớ: Hai, trong kinh Hoa Nghiêm, ở trong một vi trần có trọn đủ mười phương pháp giới, trang nghiêm vô tận).

          “Vi trần” cực nhỏ, trong nhỏ có thể hiện lớn, có thể hiện y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười phương pháp giới, giống như hiện thời chúng ta xem TV: Từ màn hình TV, chúng ta có thể thấy được hoạt động của toàn thế giới, chúng ta dùng tỷ dụ này. Thế nhưng màn hình TV rất lớn, nếu không, sẽ chẳng thấy rõ được. Kinh [Hoa Nghiêm] nói: Trong một sợi lông, hay trong một vi trần, có thể hiện cảnh giới, mà lại còn thấy chân thật, chính xác hơn chúng ta xem TV, chi tiết hơn, khía cạnh nào cũng có thể thấy trọn vẹn. Đấy là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn.

          (Sớ) Thử tắc như Đại Bổn vân.

          () 此則如大本云。

          (Sớ: Kinh này thì như Đại Bổn có nói).

          Trong kinh Di Đà không có, nhưng trong kinh Vô Lượng Thọ có nói. Phân lượng của kinh Vô Lượng Thọ nhiều hơn, nói chi tiết hơn.

          (Sớ) Ư bảo thụ trung, kiến thập phương Phật sát, do như kính tượng cố.

          () 於寶樹中,見十方佛剎,猶如鏡像故。

          (Sớ: Trong cây báu thấy cõi Phật trong mười phương như bóng hiện trong gương).

          Kinh Đại Bổn nói trong bảy hàng cây báu, hàng cây giống như màn hình TV: Khi quý vị dạo chơi giữa các hàng cây, có thể thấy chư Phật trong mười phương thuyết pháp trong ấy, nhìn thấy nhân duyên, quả báo của chúng sanh trong mười phương thế giới chẳng sót, có thể thấy quá khứ, hiện tại, vị lai, thảy đều có thể trông thấy. [Lời Sớ viết] “diệc hàm vô lượng” (cũng bao hàm vô lượng), [ngụ ý]: Ý nghĩa này giống với kinh Hoa Nghiêm.

          (Sớ) Tam, Hoa Nghiêm bất động tịch tràng, biến châu pháp giới, cố vân Thể Tướng như bổn vô sai biệt, vô đẳng vô lượng tất châu

biến.

          () 三、 華嚴不動寂場, 遍周法界 故云體相如本

無差別,無等無量悉周遍。

          (Sớ: Ba là Hoa Nghiêm bất động tịch tràng, trọn khắp pháp giới, nên nói Thể và Tướng giống như Bổn chẳng sai biệt. Vô đẳng, vô lượng thảy đều trọn khắp).

          “Như bổn vô sai biệt” chính là “bất động tịch tràng”: Tràng là tâm địa, “tịch” là thanh tịnh tịch diệt. Khi trong tâm ta chẳng sanh một niệm, khi ấy là “bất động tịch tràng”. Khi một niệm chẳng sanh, chân tâm hoàn toàn hiển lộ. Nay chúng ta nói: “Cái gì ta cũng chẳng nghĩ tới, tâm ta cũng sẽ định”. Đó có phải là cảnh giới này hay không? Chẳng phải! Vì sao chẳng phải? Khi thật sự thanh tịnh, tịch diệt, tâm địa là một khối quang minh. Dẫu tâm chúng ta rất thanh tịnh, nhưng bất cứ chuyện gì bên ngoài cũng đều chẳng biết, thì nói cách khác, ta đang bị vô minh che lấp. Nhất tâm nhất định phá vô minh. Nếu nói chính mình đã đắc nhất tâm, mà vô minh vẫn chưa phá, đó chẳng phải là nhất tâm thật sự. Do vậy, tu Thiền Định có một thứ gọi là Vô Tưởng Định, Phật pháp gọi loại Định này là ngoại đạo, đệ tử Phật chẳng tu! Tu Vô Tưởng Định thành tựu, quả báo sẽ là Vô Tưởng Thiên trong Tứ Thiền Thiên. Định ấy tu thành tựu thì cái gì cũng chẳng biết, chẳng tương ứng với ý nghĩa Thiền Định trong Phật pháp. Định trong Phật pháp là “tịch tịch, tinh tinh”, “tịch tịch” (寂寂) là Định, chẳng sanh một niệm; “tinh tinh” (惺惺) là hiểu rõ hết thảy, chẳng có gì không hiểu. Tâm giống như một tấm gương trong sạch, chẳng nhiễm mảy trần. Gương có thể chiếu, soi cảnh giới bên ngoài rõ ràng, đó là “bất động tịch tràng”, là nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn là không gì chẳng biết, nhất tâm bất loạn là biết hiện tại, quá khứ, vị lai, đều biết hết cả, đó là nhất tâm chân chánh. Do vậy, đừng hiểu lầm cảnh giới! “Vô đẳng vô lượng” là nói thế giới. Vô đẳng thế giới, vô lượng thế giới đều là ý nghĩa trọn khắp pháp giới. Trong kinh này nói:

          (Sớ) Thử tắc như Đại Bổn vân: “A Di Đà Phật thường tại Tây Phương, nhi diệc biến thập phương cố”.

          () 此則如大本云 阿彌陀佛常在西方 而亦遍十

方故。

          (Sớ: Kinh này thì như Đại Bổn nói: A Di Đà Phật thường ngự tại Tây Phương, mà cũng trọn khắp mười phương).

          A Di Đà Phật quả thật từ trước đến nay chưa hề rời khỏi Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhưng trọn hư không, khắp pháp giới, không nơi đâu A Di Đà Phật chẳng hiện thân. Chỗ nào có cảm, A Di Đà Phật liền hiện thân nơi đó, Phật có ứng, cảm ứng đạo giao! A Di Đà Phật có đến hay không? Chẳng thể nói là Ngài không đến, mà cũng chẳng thể nói là Ngài có đến. Cổ nhân đã nêu một tỷ dụ về cảnh giới này: “Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt” (nước ngàn con sông in bóng ngàn mặt trăng). Trăng có đến trong sông hay chăng? Không đến, nhưng trong nước thật sự có trăng. A Di Đà Phật tại Tây Phương Cực Lạc thế giới bất động, mà mười phương thế giới đều có A Di Đà Phật. Chúng sanh có cảm, giống như ở nơi ấy có nước, chỗ có nước bèn có thể hiện bóng trăng, cảm ứng đạo giao. Chúng sanh niệm Phật trong mười phương thế giới khi lâm chung, hóa thân của A Di Đà Phật đến tiếp dẫn quý vị vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Hóa thân Phật đến tiếp dẫn quý vị, chẳng thể nói hóa thân không phải là đức Phật thật sự. Nói thật ra, đạt đến cảnh giới ấy thì chẳng giả mà cũng chẳng thật, chân và giả đều không áp dụng được! Điều này có cùng ý nghĩa với “bất động châu biến”. Hôm nay thời gian đã hết rồi.

[1] Chương Thái Viêm (1868-1936), người xứ Dư Hàng, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, vốn có tên là Học Thừa, tự là Mai Thúc. Về sau đổi tên thành Bính Lâm, hiệu Thái Viêm. Cụ còn có các biệt hiệu Cao Lan Thất Chủ Nhân, Lưu Tử Tuấn Tư Thục Đệ Tử. Cụ là một nhà tư tưởng, sử gia, chuyên gia về Quốc Học đồng thời là một trong những nhà cách mạng tiên phong của Quốc Dân Đảng. Năm 23 tuổi, cụ chuyên nghiên cứu Quốc Học dưới sự giảng dạy của Du Việt, rất được giới học thuật kính nể do sự bác lãm của mình. Khi chiến tranh Trung Nhật lần thứ nhất xảy ra, cụ tham gia Cường Học Hội, viết nhiều bài cho Thời Vụ Báo của Lương Khải Siêu, chỉ trích những hủ bại của triều đình nhà Thanh. Bị truy nã, cụ phải trốn sang Đài Loan, rồi sang Nhật Bản, được Lương Khải Siêu tiến cử lên Tôn Văn. Cụ trở lại Thượng Hải làm cộng tác với tờ Á Đông Thời Báo, và xuất bản tác phẩm quan trọng nhất là Cầu Thư nhằm trình bày ý tưởng canh tân đất nước. Cụ bị nhà Thanh hạ ngục từ năm 1901 đến năm 1906 và đã nghiên cứu Phật học trong thời gian ở tù. Sau khi được thả, cụ đã tham gia Đồng Minh Hội và trở thành chủ bút tờ Dân Báo. Trong thời gian này, các học trò đắc ý của cụ là Hoàng Khản, Lỗ Tấn, Châu Tác Nhân (em trai Lỗ Tấn), Tiền Huyền Đồng v.v… Chính cụ đã ấp ủ danh xưng Trung Hoa Dân Quốc trước khi cách mạng Tân Hợi thành công. Trung Hoa Dân Quốc thành lập, Viên Thế Khải đã mời cụ làm cố vấn cao cấp. Khi cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tiến hành vào năm 1913, Tống Giáo Nhân đắc cử, nhưng chưa nhậm chức đã bị ám sát chết. Cụ Chương kịch liệt phê phán Viên Thế Khải đã ám sát họ Tống. Do vậy, cụ Chương bị hắn giam giữ cho đến khi Viên Thế Khải chết vào năm 1916. Năm 1924, cụ Chương rời Quốc Dân Đảng, tuyên bố chỉ trung thành với Trung Hoa Dân Quốc, phê phán những biện pháp và đường lối độc tài của Tưởng Giới Thạch. Cụ lập ra hội nghiên cứu Quốc Học Giảng Tập Hội tại Tô Châu vào năm 1934, kiêm chủ bút tờ Chế Tín cho đến khi mất. Khi cụ mất, chính quyền Dân Quốc đã làm lễ quốc táng. Một trong những đóng góp quan trọng của cụ là chế ra hệ thống Chú Âm Phù Hiệu để ghi cách đọc chữ Hán rất thuận tiện.

[2] Đông Nhạc Đại Đế chính là thần núi Thái Sơn, còn có danh xưng là Đông Nhạc Đế Quân, hoặc Thái Sơn Phủ Quân. Vị này chưởng quản ngũ nhạc và tất cả danh sơn của Trung Hoa. Theo Đạo Giáo, vị này quản nhiệm cả mười vị Diêm Vương (trong Đạo Giáo còn có một vị thần là Phong Đô Đế Quân cũng cai quản Thập Điện Diêm Vương), chủ trì họa phước của nhân gian. Nguồn gốc của Đông Nhạc Đại Đế cũng có nhiều thuyết:

  1. Cát Hồng đời Tấn cho rằng Đông Nhạc Đại Đế là vua Phục Hy.
  2. Có thuyết cho rằng Đông Nhạc Đại Đế là Kim Hồng Thị, hậu duệ của Bàn Cổ, tu đạo thành tiên tại Thái Sơn.
  3. Theo tiểu thuyết Phong Thần Diễn Nghĩa thì Đông Nhạc Đại Đế chính là đại tướng Hoàng Phi Hổ của Trụ Vương.

Có một số tăng sĩ cho rằng Đông Nhạc Đại Đế là hóa thân của Địa Tạng Vương Bồ Tát.

[3] Nhà Mãn Thanh thuộc sắc tộc Nữ Chân (Jurchen), còn gọi là Nữ Trực, hoặc Nữ Trinh, sống chủ yếu ở vùng Mãn Châu, vốn là hậu duệ của một bộ tộc thuộc sắc dân Mạt Hạt (Malgal, cư dân chủ yếu của cổ vương quốc Bột Hải) phải lưu tán sau khi nhà Liêu diệt Bột Hải. Do họ thường sống tập trung quanh sông Amur vào thuở đầu nên sử thường gọi là Hắc Thủy Mạt Hạt (Hắc Thủy là dịch nghĩa của chữ Amur). Các bộ tộc Nữ Chân được thống nhất bởi Hoàn Nhan A Cốt Đả (Wanyan Aguda). A Cốt Đả xưng đế, lập ra vương triều Kim. Chữ Kim này chính là đặt theo tên của dòng sông Anchuhu (sông Vàng) ở quê hương người Mạt Hạt. Lãnh thổ nhà Kim bao gồm toàn bộ miền Bắc Trung Hoa, nhưng rồi nhà Kim bị nhà Nguyên của Hốt Tất Liệt diệt quốc vào năm 1234. Vào năm 1586, tù trưởng Nỗ Nhĩ Cáp Xích (Nurhachi) của bộ tộc Kiến Châu Nữ Chân đã thống nhất các bộ tộc Nữ Chân, lập ra vương triều Hậu Kim. Con trai ông ta là Hoàng Thái Cực đã đổi tên dân tộc thành Mãn Châu vì tin người Nữ Chân là hậu duệ của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, và đổi quốc hiệu thành Đại Thanh.

[4] Chữ Kháng Chiến ở đây chỉ giai đoạn Trung Hoa chống lại sự xâm lăng của quân phiệt Nhật từ năm 1937 đến năm 1945, khởi đầu bằng Lư Câu Kiều sự biến, tức sự kiện quân Nhật viện cớ một lính Nhật mất tích gần đồn lũy của thành Uyển Bình (phụ cận Bắc Kinh) để đòi xét thành. Quân Quốc Dân Đảng chống lại, hai bên đọ súng, và Nhật viện cớ ấy, tấn công chiếm Bắc Kinh và Thiên Tân.

[5] Sử Trung Hoa thường gọi sự kiện này là Nhất Nhị Bát Sự Biến, hoặc Tùng Hỗ Chiến Tranh hoặc Thượng Hải Sự Biến. Sau khi tấn công thành công Mãn Châu, Nhật đã chiếm được Đông Tam Tỉnh của Trung Hoa và lập ra chính quyền bù nhìn Mãn Châu Quốc, với mục đích tiếp tục tiến chiếm Trung Hoa, quân phiệt Nhật thấy cần phải tạo ra một cớ để tấn công Trung Hoa. Vào ngày Mười Tám tháng Giêng năm 1932, họ sai năm tăng nhân người Nhật khiêu khích khiến cho các thanh niên Trung Hoa nổi giận, đánh đập họ ở ngoài xưởng máy Tam Hữu Thực Nghiệp Xã ở Thượng Hải. Kết quả, hai người bị thương nặng, một người chết. Vài tiếng sau, xưởng máy Tam Hữu bị người Nhật đốt trụi với mục đích báo thù. Các hình thức kháng Nhật liền sôi nổi bùng ra. Chính quyền Nhật liền viện cớ bảo vệ kiều dân Nhật tại Trung Hoa để đem quân vào Thượng Hải. Giữa đêm ngày Hai Mươi Tám tháng Giêng, Nhật ném bom Thượng Hải và ba ngàn quân Nhật chính thức tấn công nhiều nơi tại Thượng Hải. Chiến cuộc nổ ra, hai bên thương vong nặng nề, cho đến khi quân Quốc Dân Đảng vì thiếu lương thực phải rút khỏi Thượng Hải, phía Nhật dưới áp lực của liên quân Đồng Minh và chiến phí quá nặng cũng phải nhượng bộ; đôi bên ký kết hiệp ước đình chiến Tùng Hỗ vào ngày Năm tháng Năm năm 1932.

[6] Ý nói: Bốn giáo trước xét theo lý luận đều có đủ cả ba pháp giới Sự vô ngại, Lý vô ngại, Sự Lý vô ngại.

[7] Cam Lộ Hỏa Vương là vị thiện tri thức thứ mười bảy trong số năm mươi ba vị thiện tri thức. Bát Thập Hoa Nghiêm dịch tên vị vua này là Vô Yếm Túc Vương. Để tránh hiểu lầm Phật giáo khuyến khích giết người, xin trích dẫn một đoạn do vua tự giải thích trong Tứ Thập Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, quyển 14, như sau: “Thiện nam tử! Ý ông nghĩ sao? Như ông đã thấy quả báo [do ta được thụ hưởng] đáng yêu như thế, sắc tướng như thế, quyến thuộc như thế, vinh hoa, sung sướng như thế, giàu có như thế, tự tại như thế, có phải là do ác nghiệp cảm thành hay chăng? Này thiện nam tử! Ta đắc Bồ Tát Như Huyễn Giải Thoát. Này thiện nam tử! Nay tất cả các chúng sanh trong cõi ta, hành nhiều nghiệp ác như hạng Chiên Đà La. Ta vì các chúng sanh ác chẳng chịu vâng theo sự giáo hóa tốt lành mà tạo các thứ phương tiện, vẫn chưa thể khiến họ bỏ ác nghiệp, quay về thiện đạo. Thiện nam tử! Ta vì điều phục các chúng sanh ấy, khiến cho họ thành thục, nên do lòng Đại Bi hướng dẫn, hóa hiện những kẻ ác, đối trước những kẻ ác ấy, cảnh cáo kẻ ác, và biến hóa ra những kẻ não hại, bức não, trách phạt [những kẻ ác đó], đủ thứ trừng phạt khổ sở, khiến cho những chúng sanh làm ác trong nước thấy chuyện ấy, sanh lòng hoảng sợ, đối với các món dục lạc, sẽ sanh lòng chán lìa, tâm sanh khiếp sợ, liền có thể vĩnh viễn đoạn hết thảy ác nghiệp, phát Bồ Đề tâm, đắc Bất Thoái Chuyển. Do vậy, thiện nam tử nên biết: Những chúng sanh tạo ác chịu đựng các nỗi khổ và những chúng sanh hung bạo [do ta ra lệnh] trừng phạt kẻ ác như ông đã thấy đều là huyễn hóa. Này thiện nam tử! Ta dùng các phương tiện như vậy nhằm làm cho chúng sanh thôi tạo mười nghiệp bất thiện, tu tập trọn mười thiện đạo, lợi lạc rốt ráo, an ổn rốt ráo, vĩnh viễn dứt các khổ, trụ trong Nhất Thiết Trí Địa của Như Lai. Này thiện nam tử! Thân, ngữ, ý của ta chưa hề mong não hại một chúng sanh nào. Lòng ta nghĩ thà đến hết đời vị lai, [chính mình] chịu khổ không gián đoạn, trọn chẳng phát khởi một niệm sân tâm, chưa từng khởi ý tưởng não hại chúng sanh bé bỏng như con muỗi, con kiến, huống là tạo tác các ác nghiệp như thế. Thiện nam tử! Ta tự ức niệm, cho đến trong mộng, chưa từng có một niệm tâm sanh phóng dật, huống là lúc thức mà lại giết người ư?”

[8] Viên Giáo Nhất Thừa chỉ có hai bộ kinh là Pháp Hoa và Hoa Nghiêm, nhưng trong Pháp Hoa không có Sự Sự vô ngại, chỉ riêng kinh Hoa Nghiêm có nên mới gọi Hoa Nghiêm là Biệt Giáo Nhất Thừa nhằm phân định với Nhất Thừa nói chung.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *