Tập 55/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 01-003-0289

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 55/289

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bảy mươi hai:

(Sớ) Đắc tật giải thoát giả, Trí Luận vân: “Hữu chư Bồ Tát, tự niệm báng Đại Bát Nhã, đọa ác đạo trung, lịch vô lượng kiếp, tuy tu dư hạnh, bất năng diệt tội, hậu ngộ tri thức, giáo niệm A Di Đà Phật, nãi đắc diệt chướng, siêu sanh Tịnh Độ”.

() 得疾解脫者 智論云 有諸菩薩,自念謗大般

若,墮惡道中,歷無量劫,雖修餘行,不能滅罪,後遇知識,教念阿彌陀佛,乃得滅障,超生淨土。

(Sớ: “Mau chóng được giải thoát”: Trí Độ Luận nói: “Có các Bồ Tát tự nghĩ mình hủy báng Đại Bát Nhã, đọa vào trong ác đạo, trải vô lượng kiếp, tuy tu các hạnh nhưng chẳng thể diệt tội; sau đấy gặp tri thức dạy họ niệm A Di Đà Phật, bèn diệt được chướng, siêu sanh Tịnh Độ).

Đại sư trích dẫn một đoạn công án trong Đại Trí Độ Luận nhằm thuyết minh sức diệt tội giải thoát lớn nhất, hiệu quả rõ ràng nhất cũng là do niệm Phật. Hiện thời có rất nhiều người chẳng hiểu rõ đạo lý này, chẳng tin niệm Phật có công đức to lớn. Tuy niệm Phật nhưng cũng chẳng tương ứng, [vì] người ấy thiếu tín tâm! Tu các pháp môn khác có thể diệt tội hay không? Rất nhiều vấn đề, hoặc là chính mình tu, hoặc quý vị quán sát người khác tu học, quý vị thấy rốt cuộc là có thể diệt tội hay không? Thật ra, tội từ tâm sanh; do lẽ này, tội vẫn là từ tâm diệt. Nếu tâm có ý niệm bèn là có tội, diệt tội phải nhờ vào tâm. Trong các buổi giảng, chúng tôi đã nói rất nhiều, [mà quý vị cũng] đọc quá nhiều rồi, tâm chẳng thanh tịnh bèn sanh ra “tội nghiệt” (mầm mống tội chướng). Nếu tâm thanh tịnh, sẽ diệt tội, diệt chướng. Nói thật ra, đạo lý này hoàn toàn chẳng khó hiểu.

Chúng ta hãy suy nghĩ: Phải làm sao để tâm được thanh tịnh? Nói thật ra, niệm Phật khiến cho tâm ta có thể chuyên nhất, được thanh tịnh, thù thắng hơn hết thảy các pháp môn khác. Vẫn có những kẻ nói: “Niệm Phật luôn luôn là niệm một câu A Di Đà Phật, niệm lâu ngày sẽ không có ý nghĩa gì hết!” Kẻ ấy bèn giải đãi, chẳng muốn niệm nữa. Đấy là chưa hiểu rõ đạo lý! Chúng ta niệm Phật, tác dụng là ở chỗ nào? Tác dụng [của niệm Phật] là tâm thanh tịnh. Trong tâm chỉ cần vừa khởi ý niệm, bất luận thiện niệm hay ác niệm, chỉ cần có ý niệm, ta liền nhanh chóng thay nó bằng A Di Đà Phật, đó là đúng.

Đúng như cổ đức đã nói: “Bất phạ niệm khởi, chỉ phạ giác trì” (Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm). Giác là gì? Đổi thành A Di Đà Phật là giác. Chẳng niệm A Di Đà Phật thì đều là vọng tưởng, đều là vọng niệm. Không chỉ hết thảy các pháp trong thế gian này đều là vọng niệm, mà ngay cả trong Phật pháp cũng có rất nhiều vọng niệm. Chúng ta nhất định phải hiểu điều này. Do vậy, tác dụng của niệm Phật là không gì chẳng nhằm tiêu trừ vọng niệm mà thôi! Do vọng niệm chẳng ngừng, cho nên Phật hiệu chẳng thể gián đoạn. Hễ Phật hiệu gián đoạn, vọng niệm lại dấy lên.

(Diễn) Trí Luận trung tội tức thị chướng.

() 智論中罪即是障。

(Diễn: Theo Trí Độ Luận, tội tức là chướng).

 Đại Trí Độ Luận viết: “Tội tức thị chướng”, [nghĩa là] tội chính là chướng.

          (Diễn) Dĩ tội năng chướng đạo.

          () 以罪能障道。

          (Diễn: Vì tội có thể chướng ngại đạo).

          “Đạo” là gì? Là nhất tâm. Quý vị phải nhớ điều này: Đạo là gì? Tâm thanh tịnh là đạo. Nhất tâm bất loạn là đạo. Tội có thể chướng ngại đạo! Tội nghiệp dấy lên, tâm sẽ chẳng thanh tịnh, tâm chẳng chuyên nhất.

          (Diễn) Cố phục vân chướng dã.

          () 故復云障也。

          (Diễn: Cho nên lại nói là “chướng”).

           Tội chính là chướng.

          (Diễn) Thử niệm Phật nãi đắc diệt giả.

          () 此念佛乃得滅者。

          (Diễn: Chướng này do niệm Phật bèn được diệt trừ).

                   Đây là trích dẫn một đoạn văn trong Đại Trí Độ Luận; trước tiên, chúng tôi giới thiệu ý nghĩa của đoạn văn này. Ở đây, chẳng phải là kẻ tầm thường, mà là hàng Bồ Tát, “hữu chư Bồ Tát” (có các Bồ Tát), đương nhiên các vị Bồ Tát này chẳng phải là Ma Ha Tát, chẳng phải là đại Bồ Tát. Nói thông thường thì là các Bồ Tát thuộc địa vị Tam Hiền trong Biệt Giáo, hoặc Bồ Tát thuộc địa vị Thập Tín trong Viên Giáo. Bồ Tát tự suy nghĩ: Trong quá khứ, [chính mình đã] “báng Đại Bát Nhã, đọa ác đạo trung, lịch vô lượng kiếp, tuy tu dư hạnh, bất năng diệt tội” (hủy báng Đại Bát Nhã, đọa trong ác đạo, trải qua vô lượng kiếp, tuy tu các hạnh khác, nhưng chẳng thể diệt tội). Nếu tội diệt, người ấy sẽ kiến tánh. Sở dĩ hàng Bồ Tát thuộc địa vị Thập Tín chưa thể chứng nhập Sơ Trụ, hàng Bồ Tát thuộc địa vị Tam Hiền trong Biệt Giáo chưa thể đăng địa, nguyên nhân là ở chỗ này. Người niệm Phật chúng ta tuy niệm Phật, nhưng chưa thể chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn thì cũng giống như vậy, có cùng một nguyên nhân! Lý nhất tâm bất loạn thì mới phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân. Đó là “tội diệt”. Nếu không, sẽ là chướng đạo, chướng ngại Lý nhất tâm bất loạn. Tu các pháp môn khác, không có cách nào thành tựu, chẳng thể diệt tội! Quý vị có thể đắc Định, vượt thoát tam giới, sanh tử, luân hồi, nhưng chưa thể kiến tánh, chưa thể phá vô minh. Nói cách khác, dẫu công phu tu tập tốt đẹp đến mấy đi nữa, bất quá cũng chỉ bằng với A La Hán, Bích Chi Phật;  công phu đoạn

chứng[1] đạt đến mức đó là cùng, kể như đã rất khá rồi!

          Dùng phương pháp nào để có thể nhanh chóng diệt tội, trừ chướng, hòng minh tâm kiến tánh? Đại Trí Độ Luận cho biết: Sau này, những vị Bồ Tát ấy gặp thiện tri thức dạy họ niệm A Di Đà Phật. Quý vị phải biết: Phàm người nào có thể dạy quý vị niệm A Di Đà Phật, người ấy là chân thiện tri thức, chẳng giả tí nào. Ai dạy quý vị tu các pháp môn khác, chẳng thể coi người ấy là chân thiện tri thức được! Vì sao? Trong một đời này, quý vị chẳng thể thành tựu; dạy quý vị niệm A Di Đà Phật, quý vị quyết định có thể thành tựu trong một đời này. Đấy là thiện tri thức thật sự. Nhưng tuy gặp được thiện tri thức thật sự, thường là chính mình chẳng tin tưởng, vậy là không có cách nào hết! Phải tự trách chính mình thiện căn, phước đức, nhân duyên chưa đầy đủ. Kinh nói rất hay: Pháp môn này “chẳng thể dùng chút thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy”. Nói cách khác, phàm là người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ngay cả kẻ Hạ Phẩm Hạ Sanh, cũng đều là nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên. Nhân duyên là gặp được thiện hữu khuyên quý vị niệm Phật, quý vị chịu tiếp nhận, chịu tin tưởng, chịu y giáo phụng hành, đó là quý vị có nhiều thiện căn, lắm phước đức. Nếu chẳng tin tưởng, tức là chẳng có thiện căn, chẳng chịu niệm Phật; đấy là thiếu phước! Làm như vậy thì người ấy mới có thể diệt tội, diệt chướng, “siêu sanh Tịnh Độ”.

          Quý vị đọc đoạn văn này trong Đại Trí Độ Luận, hãy quay lại, nghĩ xem kinh Hoa Nghiêm có bao giờ chẳng phải là như vậy hay không? Kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng, Phổ Hiền Bồ Tát dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc, cũng là khuyên các vị Bồ Tát trong Hoa Tạng hải hội cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ. Văn Thù và Phổ Hiền là hai vị dẫn đầu. Hai vị đại Bồ Tát dẫn dắt [đại chúng phát nguyện] cầu sanh Tây Phương Cực Lạc, vì sao? Là để diệt tội, phá căn bản vô minh, chứng Vô Thượng Bồ Đề! Quý vị mới hiểu sự thù thắng của pháp môn này, thật sự là thù thắng khôn sánh! Trong hội Hoa Nghiêm, Văn Thù và Phổ Hiền chẳng khuyên các vị Bồ Tát tham Thiền, chưa hề thấy, chưa thấy Văn Thù và Phổ Hiền bảo mọi người hãy trì chú học Mật, chưa hề thấy! Chúng ta chỉ thấy Văn Thù và Phổ Hiền bảo mọi người hãy niệm Phật, chúng ta thấy điều này trong hội Hoa Nghiêm. Nếu quý vị chẳng tin tưởng niệm Phật thì không có cách nào hết! Đây chính là căn bản pháp luân của đức Phật, hiển thị cảnh giới thù thắng trang nghiêm như thế cho chúng ta thấy. Chúng ta thấy rồi phải giác ngộ. Thấy xong, phải nên chọn lựa pháp môn này, chớ nên lầm loạn! Trong chú giải, [có giải thích] vì sao Niệm Phật có thể diệt tội?

          (Diễn) Bỉ Phật hữu bất tư nghị oai thần lực cố, bất tư nghị đại nguyện lực cố.

          () 彼佛有不思議威神力故,不思議大願力故。

          (Diễn: Vị Phật ấy có sức oai thần chẳng thể nghĩ bàn, có đại nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn).

          Chữ “bỉ Phật” chỉ A Di Đà Phật. A Di Đà Phật nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn, trí huệ chẳng thể nghĩ bàn, thần thông chẳng thể nghĩ bàn, các thứ phương tiện thiện xảo đều chẳng thể nghĩ bàn. Vì vậy, Ngài có công đức thù thắng dường ấy.

          (Diễn) Cố thử niệm A Di Đà Phật, tức Đại Bát Nhã.

          () 故此念阿彌陀佛,即大般若。

          (Diễn: Do điều này, niệm A Di Đà Phật chính là Đại Bát Nhã).

          Người ấy trước kia hủy báng Bát Nhã, tạo nghiệp báng pháp ấy. Đã báng Pháp, đương nhiên sẽ báng Phật, vì Pháp do đức Phật nói. Không chỉ báng Phật, mà đồng thời cũng báng Tăng. Vì sao? Có không ít người chiếu theo pháp môn ấy để tu hành. Quý vị báng Pháp, đương nhiên cũng báng bổ những người tu hành [pháp môn ấy]. Do vậy, gọi là “hủy báng Tam Bảo”. Tội ấy hết sức nặng, dẫu chịu tội trong ác đạo đã mãn hạn, thoát ra, trong A Lại Da Thức tội nghiệp ấy vẫn chưa hoàn toàn tiêu sạch, chưa tẩy xóa hết. Dùng phương pháp Niệm Phật mới có thể đạt được thanh tịnh. “Niệm A Di Đà Phật, tức Đại Bát Nhã” (niệm A Di Đà Phật chính là Đại Bát Nhã). Nhìn từ ý nghĩa của danh hiệu, chúng ta thấy A Di Đà Phật là Vô Lượng Giác, Giác là Bát Nhã. Giác là không mê; hễ mê bèn có tội chướng. Giác ngộ rồi, tội chướng tiêu trừ. Vì vậy, chúng ta niệm Phật chính là tu pháp môn Đại Bát Nhã.

          Thiền Tông Trung Quốc, đặc biệt là chi phái do ngài Đạt Ma truyền sang, hoàn toàn tu Bát Nhã Ba La Mật. Quý vị đọc Lục Tổ Đàn Kinh sẽ biết ngay. Tuy gọi là Thiền Tông, hoàn toàn chẳng phải là tu Thiền Định trong Lục Độ, mà là tu Bát Nhã Ba La Mật trong Lục Độ. Về sau, Lục Tổ hoàn toàn lấy kinh Kim Cang làm tông chỉ, lấy hai câu trong kinh Kim Cang: “Chẳng giữ lấy tướng, như như bất động” [làm tông chỉ]. Quý vị hãy nghĩ xem: Điều này có khác gì chúng ta niệm một câu A Di Đà Phật hay không? Nhất tâm xưng niệm A Di Đà Phật, chẳng phải là tu Đại Bát Nhã thì là tu cái gì? So với Thiền Tông, còn thuận tiện hơn, còn thiện xảo hơn! Tiếp theo đó là nêu tỷ dụ:

          (Diễn) Như nhân tùng địa đảo, hoàn tùng địa khởi dã, thử tật đắc giải thoát chi nhất chứng.

          ( ) 如人從地倒,還從地起也,此疾得解脫之一證。

          (Diễn: Như người do đất mà ngã, vẫn phải từ đất mà đứng dậy. Đây chính là một chứng minh cho [điều khẳng định] “mau được giải thoát”).

                   Đây là chứng minh thứ nhất. Niệm Phật dễ dàng nhất, nhanh chóng đạt đến giải thoát nhất, vượt thoát lục đạo sanh tử luân hồi.

                   (Sớ) Hựu Thập Trụ Đoạn Kết Kinh vân: “Thị thời tọa trung, hữu tứ ức chúng, tự tri tử thử sanh bỉ, khiên liên bất đoạn, dục vi chi nguyên, nhạo sanh vô dục quốc độ, Phật ngôn: – Tây Phương khứ thử vô số quốc độ, hữu Phật danh Vô Lượng Thọ. Kỳ độ thanh tịnh, vô dâm, nộ, si, liên hoa hóa sanh, bất diêu phụ mẫu. Nhữ đương sanh bỉ”. Cố Đại Bổn vân: “Bồ Tát dục linh chúng sanh tốc tật an trụ Vô Thượng Bồ Đề giả, ưng đương khởi tinh tấn lực, thính thử pháp môn”.

          () 又十住斷結經云 是時座中 有四億眾,自知

死此生彼,牽連不斷,欲為之源,樂生無欲國土。佛言西方去此無數國土,有佛名無量壽,其土清淨,無淫怒痴,蓮華化生,不繇父母,汝當生彼。故大本云:菩薩欲令眾生速疾安住無上菩提者,應當起精進力,聽此法門。

          (Sớ: Lại nữa, Thập Trụ Đoạn Kết Kinh chép: “Hiện diện [trong hội giảng kinh] khi ấy có bốn ức người tự biết chết đây, sanh kia, dây dưa chẳng dứt, mà dục là cội nguồn, [nên họ] thích sanh về cõi vô dục. Đức Phật dạy: ‘Ở phương Tây, cách đây vô số cõi nước, có vị Phật tên là Vô Lượng Thọ, cõi nước của Ngài thanh tịnh, không có dâm, giận, si, hóa sanh trong hoa sen, chẳng do cha mẹ [sanh ra], các ông nên sanh về đó’. Vì thế, kinh Đại Bổn nói: “Bồ Tát muốn làm cho chúng sanh mau chóng an trụ nơi Vô Thượng Bồ Đề, hãy nên dấy lên sức tinh tấn, nghe [ta giảng] pháp môn này”).

          Đây là một đoạn kinh văn của Thập Trụ Đoạn Kết Kinh[2]. Bốn ức người đều là những vị đắc thần thông, đều có Túc Mạng Thông, đối với sanh tử luân hồi, quá khứ, hiện tại, vị lai, họ thấy rất rõ ràng, sự luân hồi ấy vĩnh viễn không ngừng nghỉ, do nguyên nhân nào tạo thành hiện tượng ấy? Tiếp đó, kinh văn chép: “Dục chi vi nguyên” (Dục là nguồn cội). Dục là Ngũ Dục: Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. Trong kinh Phật thường nói: Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ là năm cội rễ của địa ngục. Quý vị chỉ có một điều [trong những điều ấy], sẽ chẳng thể thoát luân hồi được! “Tử thử, sanh bỉ” (Chết đây, sanh kia) là nói về lục đạo luân hồi, chết trong đường này, sanh trong đường kia, chết trong đường kia, lại sanh vào đường khác, sanh sanh, tử tử vĩnh viễn chẳng xong, “khiên liên bất đoạn” (dây dưa không ngớt), cội nguồn là vì tham luyến Ngũ Dục.

          Chúng ta lại nói tới những người tu đạo, Tiểu Thừa hay Đại Thừa đều không ra khỏi tam giới, vẫn luân hồi trong lục đạo là do nguyên nhân nào? Những người tu đạo ấy chẳng nhiễm Ngũ Dục Lục Trần thế gian, nhưng vì sao vẫn sanh tử luân hồi? Trong kinh, đức Phật có dạy: Lỗi lầm của họ là những sai trái về mặt kiến giải. Người thế gian có Ngũ Dục, đó là căn bản sanh tử. Người học Phật chẳng thể liễu sanh tử, thoát tam giới là do có kiến giải sai trái: Kiến Thủ Kiến và Giới Thủ Kiến. Quý vị cần phải biết, hai thứ kiến giải này thuộc về Kiến Hoặc. Kiến Hoặc chưa trừ thì người Tiểu Thừa chẳng thể chứng Sơ Quả, [tức là] chẳng thể chứng đắc quả Tu Đà Hoàn. Nếu nói theo phía Viên Giáo Đại Thừa, hàng Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Tín đã đoạn Kiến Hoặc. Nói cách khác, [người chưa đoạn Kiến Hoặc] vẫn ở ngoài địa vị Thập Tín, chưa chứng đắc Sơ Tín.

          Hai  thứ  kiến  giải này: Giới  Thủ  Kiến là thành kiến nơi tu nhân;

Kiến Thủ Kiến là thành kiến nơi quả báo. Có những thành kiến ấy, nhất định sanh ra tranh chấp, nhất định có hủy báng, giống như các vị Bồ Tát được nhắc đến trong phần trên, vì sao họ hủy báng Bát Nhã? Là do có hai thứ sai lầm về kiến giải này. Kẻ tu Thiền hủy báng người học Giáo, kẻ học Hiển Giáo hủy báng người học Mật; kẻ học Mật hủy báng người học Hiển Giáo, cho rằng học Hiển Giáo chẳng thể thành công, tam mật gia trì “tức thân thành Phật” (thành Phật ngay trong cái thân hiện đời). Họ tin họ sẽ tức thân thành Phật, đấy là Kiến Thủ Kiến. Họ tin chỉ có Mật Tông mới có thể thành tựu, những pháp môn khác đều chẳng thể thành tựu; đó là Giới Thủ Kiến. Chỉ cần có hai thứ kiến giải này tồn tại, chuyện gì cũng chẳng thể thành tựu, vẫn phải sanh tử luân hồi y như cũ, chuyện này phiền phức lắm! Do vậy, người học đạo phải trừ khử Kiến Hoặc, người không học đạo phải ly dục thì mới có thể vượt thoát sanh tử luân hồi. Chỉ cần có một thứ nào trong Dục và Kiến chưa buông xuống được, sẽ chẳng thể vượt thoát sanh tử luân hồi, chúng ta phải nên hiểu điều này!

          Bốn ức người thông minh thấy chân tướng sự thật này, muốn sanh vào một cõi nước vô dục, có thể tìm một nơi nào không có Ngũ Dục lục trần, nơi ấy tốt lắm, chúng ta chẳng tạo tội nghiệp nữa. Họ có ý nghĩ ấy, đức Phật liền bảo họ: “Tây Phương khứ thử vô số quốc độ” (Ở Tây phương cách đây vô số cõi nước). Kinh Di Đà bảo là [cõi Cực Lạc cách Sa Bà] mười vạn ức cõi Phật. “Vô số” là một con số lớn, là một nơi khá xa xôi. Nơi ấy “hữu Phật danh Vô Lượng Thọ” (có Phật hiệu Vô Lượng Thọ), tức là A Di Đà Phật. “Kỳ độ thanh tịnh, vô dâm, nộ, si” (cõi ấy thanh tịnh, không có dâm, giận, si), chúng ta thường nói “dâm, nộ, si” là tham, sân, si. Chúng sanh nơi ấy không có Tam Độc, [tức là] không có tham, sân, si. Trong tâm chúng sanh không có tham, sân, si, quý vị nghĩ xem: Xã hội của họ thanh tịnh lắm! Tất cả hết thảy tội chướng đều sanh từ tham, sân, si; không có tham, sân, si thì trong xã hội ấy không có người tạo tội, không có kẻ làm ác. Do vậy, gọi là “chư thượng thiện nhân”. Không tham, sân, si là thiện, là thiện nhân, huống hồ lại theo A Di Đà Phật học Phật, nên gọi là “thượng thiện”. Bởi đó, Tây Phương Cực Lạc thế giới toàn là thượng thiện nhân.

          “Liên hoa hóa sanh, bất diêu phụ mẫu” (hóa sanh trong hoa sen, chẳng do cha mẹ sanh thành): Chúng ta có được cái thân này thì cha mẹ là duyên. Không có cha mẹ làm Tăng Thượng Duyên, chúng ta chẳng thể có thân người. Thế giới Tây Phương không cần, thế giới Tây Phương là liên hoa hóa sanh. Chúng ta có cần vay mượn hoa sen hay chăng? Không cần! Chúng ta ở nơi đây sanh một niệm muốn cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, trong ao bảy báu nơi thế giới Cực Lạc liền trổ một đóa sen, tự tại lắm! Chẳng phải là mượn hoa sen của người khác để sanh vào cõi ấy, mà là hoa sen của chính mình. Khởi tâm động niệm ở nơi đây, trong ao bảy báu liền có hoa sen. Nếu quý vị tín tâm rất kiên cường, nguyện rất thiết tha, niệm rất siêng năng, hoa sen ấy ngày càng lớn, ánh sáng và màu sắc ngày một tốt đẹp. Nếu quý vị ngã lòng, hoặc đổi sang học pháp môn khác, chẳng niệm Phật nữa, mà tham Thiền, học Mật, hoa sen ấy sẽ dần dần chết khô, không còn nữa! Vì thế, liên hoa hóa sanh là hoa sen do cái tâm của chính mình biến hiện ra, chứ không do ai khác, mà cũng chẳng phải do A Di Đà Phật trồng đóa sen ấy ban cho quý vị. Chẳng phải vậy! Chân thật là “duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà”, là cảnh giới được biến hiện bởi tự tánh. Đức Phật khuyên họ “nhữ đương sanh bỉ” (các ông hãy nên sanh về đó), khuyên những người ấy vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đoạn kinh này trích từ Thập Trụ Đoạn Kết Kinh.

          “Cố Đại Bổn vân” (vì thế, kinh Đại Bổn nói): Lại trích dẫn kinh. Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ chép: “Bồ Tát dục linh chúng sanh tốc tật an trụ Vô Thượng Bồ Đề giả” (Bồ Tát muốn cho chúng sanh mau chóng an trụ Vô Thượng Bồ Đề), Bồ Tát luôn đại từ đại bi phổ độ chúng sanh, mong chúng sanh ai nấy mau chóng thành tựu. Không chỉ muốn thành tựu, mà còn hy vọng họ có thể thành tựu viên mãn rốt ráo. Thành tựu viên mãn rốt ráo là Vô Thượng Bồ Đề. Phải như thế nào thì mới đạt được mục đích ấy? “Ưng đương khởi tinh tấn lực thính thử pháp môn” (Hãy nên dấy lên sức tinh tấn nghe pháp môn này). Ở đây đặc biệt chú trọng nơi nghe, vì sao? Nếu chẳng hiểu rõ ràng, thấu triệt lý luận, chẳng rõ phương pháp, chẳng nhận biết cảnh giới, quý vị chẳng tránh khỏi thoái chuyển nơi pháp môn này, quý vị thấy các cảnh giới khác cũng chẳng tránh khỏi động tâm, như vậy thì sẽ chẳng thể thành tựu nơi pháp môn này. Do vậy, nhất định phải hiểu rõ ràng lý luận, phương pháp, cảnh giới; sau đấy quý vị mới thật sự chịu chết sạch so đo, khăng khăng thâm nhập một môn, quyết định thành tựu trong một đời này!

          (Diễn) Thập Trụ Đoạn Kết Kinh trung, tử thử sanh bỉ, giai nhân dục cố.

          () 十住斷結經中,死此生彼,皆因欲故。

          (Diễn: Trong kinh Thập  Trụ  Đoạn  Kết có nói: Chết đây sanh kia

đều vì lòng dục).

          Đều vì Ngũ Dục Lục Trần.

          (Diễn) Tây Phương vô dục, cố đốn siêu sanh tử, thử tật đắc giải thoát chi nhị chứng.

          () 西方無欲,故頓超生死,此疾得解脫之二證。

          (Diễn: Tây Phương không có dục, nên nhanh chóng vượt thoát sanh tử. Đây là chứng minh thứ hai cho sự giải thoát nhanh chóng).

           Đây là chứng minh thứ hai.

          (Diễn) Khởi tinh tấn lực thính thử pháp môn giả, thính pháp hữu tam: Nhĩ thính, tâm thính, cập ư thần thính.

          () 起精進力聽此法門者 聽法有三 耳聽、心聽

及於神聽。

          (Diễn: “Dấy lên sức tinh tấn nghe pháp môn này”: Nghe pháp có ba loại: Nghe bằng tai, nghe bằng tâm thức, và nghe bằng chân tâm).

          Tuy đều đang nghe, nhưng mỗi người sử dụng cái tâm khác nhau. “Nhĩ thính” là nghe như gió thoảng qua tai, nghe là nghe vậy, nghe xong rồi thôi, chẳng có ấn tượng gì, đó gọi là “nhĩ thính”. Người ấy chẳng nhớ, cũng chẳng liễu giải ý nghĩa, càng chẳng nói tới chuyện y giáo phụng hành. “Tâm thính” là thật sự dùng tâm, nghe xong có thể ghi nhớ, có thể tư duy những đạo lý đã được kinh nói tới, có thể thành tựu. Cuối cùng là “thần thính”.

          (Diễn) Hạ sĩ nhĩ thính, như phong quá nhĩ, trung sĩ tâm thính, phả năng giải nghĩa, thượng sĩ thần thính, thâm ngộ Thật Tướng.

          () 下士耳聽 如風過耳 中士心聽,頗能解義;

上士神聽,深悟實相。

          (Diễn: Kẻ căn cơ bậc hạ nghe bằng tai, như gió thoảng qua tai, người căn cơ bậc trung chú tâm nghe, khá hiểu ý nghĩa; người căn cơ bậc thượng nhất tâm nghe, ngộ Thật Tướng sâu xa).

          Kinh chú trọng nơi “thần thính”. Thần thính và tâm thính có khác

nhau hay chăng? “Tâm” là tâm ý thức, chúng ta thường nói “chú ý nghe”, tức là Ý Thức chuyên chú, nhằm bảo quý vị đừng “nghe tai nọ lọt qua tai kia”, đừng nghe như gió thoảng qua tai mà hãy chú ý! Bình thường khi chúng ta không chú ý, tai tuy cũng nghe, nhưng nghe không rõ ràng, đấy là điều đích xác. Khi tôi mới học Phật, lúc ấy còn đang đi làm, tôi ở tại Bắc Đầu, đến Đài Bắc nghe kinh phải ngồi xe lửa. Buổi tối trở về, thấy xe lửa còn nửa tiếng nữa mới tới, bèn ngồi chờ trên băng ghế dài ở phía sau ga xe lửa. Đường rầy ở ngay sau đó, cách một tấm ván, cửa sổ đều mở toang ra, nửa giờ hãy còn sớm mà! Chúng tôi mang theo kinh, đọc tại đó, chú ý xem kinh, chẳng chú ý nghe tiếng xe lửa. Xem kinh một chốc, nhìn thấy đã đến giờ rồi mà sao xe lửa vẫn chưa tới? Người trong ga bảo tôi: “Xe lửa vừa mới đến, lại chạy mất rồi!” Thế mà tôi không biết! Vì sao? Không chú ý! Tôi tin rằng các vị cũng đã từng gặp tình cảnh như vậy. Không chú ý! Không chú ý nhìn thì tuy có nhìn nhưng chẳng thấy rõ; chẳng chú ý nghe, tuy có nghe, âm thanh của xe lửa to như thế mà trọn chẳng nghe! “Tâm thính” chính là chú ý nghe.

          “Thần thính” là gì? Thần thính là nhất tâm lắng nghe, càng tuyệt diệu hơn nữa! Tức là bỏ đi cái tâm ý thức, lìa tâm ý thức. Tham Thiền phải lìa tâm ý thức để tham, nghe kinh cũng lìa tâm ý thức để nghe. Như vậy là cao minh! Nếu quý vị biết nghe, nói thật ra, biết nói chẳng bằng biết nghe. Nói thật ra, có thể dùng nhất tâm để nghe, dù người nói là tốt hay xấu cũng chẳng sao cả! Nhưng nếu quý vị “tâm thính” (nghe bằng tâm ý thức), thì người nói là tốt hay xấu sẽ có ảnh hưởng rất lớn. Đấy là vì công phu của quý vị chưa đạt đến mức [đắc lực], nên cần có thiện tri thức giúp đỡ, làm Tăng Thượng Duyên cho quý vị. Nếu chính mình nhất tâm, cảnh giới bên ngoài chẳng quan trọng nữa! Vì sao? Quý vị nhất tâm nghe, nhất tâm là chân tâm. Quý vị sử dụng chân tâm. Trong cảnh giới, không gì chẳng phải là “trải qua sự việc để luyện tâm”. Luyện điều gì? Luyện sử dụng chân tâm. Như vậy thì mới có thể đắc Thật Tướng. “Thâm ngộ Thật Tướng” (ngộ Thật Tướng sâu xa). Nhà Thiền gọi [thâm ngộ] Thật Tướng là “kiến tánh, minh tâm kiến tánh”, Giáo Hạ nói “thâm ngộ Thật Tướng”, còn người niệm Phật gọi là “Lý nhất tâm bất loạn”, có thể chứng Lý nhất tâm bất loạn.

                   (Diễn) Kim ngôn tinh tấn thính pháp, thị bất dĩ duyên tâm thính pháp, dĩ thần thính dã.

          () 今言精進聽法,是不以緣心聽法,以神聽也。

          (Diễn:  Nay  nói  “tinh tấn nghe pháp”  thì chẳng phải là dùng cái

tâm phan duyên để nghe pháp, mà là dùng nhất tâm để nghe).

          “Duyên tâm” là thức thứ sáu, tức Ý Thức. Thức thứ sáu tức Ý Thức và thức thứ bảy (Mạt Na Thức) đều là “duyên tâm”, tức là cái tâm phan duyên (nắm níu): Dùng Ý Thức duyên theo Thanh Trần. Đây là nói rõ ba cách nghe!

          Do đây, có thể biết rằng: Chẳng thấu triệt Giáo là không được! Thứ tự tu học trong những pháp môn khác nhất định phải là Tín, Giải, Hành, Chứng, chẳng thể lầm loạn! Thế nhưng pháp môn này đặc biệt; nếu quý vị tin tưởng, sẽ có thể gộp chung Giải và Hành, không cần phải [theo thứ tự] trước sau, chẳng có trước sau. Đấy là chỗ thuận tiện của pháp môn này. Ta một mặt niệm Phật, niệm Phật là Hành. Ta tin tưởng, ta muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, ta hằng ngày niệm A Di Đà Phật, đó là Hành. Một mặt Hành, một mặt cầu Giải, tức là Giải và Hành đồng thời. Những pháp môn khác là “Giải trước, Hành sau”. Nếu không, quý vị chẳng Giải mà Hành sẽ là “tu mù, luyện đui”. Nhất định phải Giải trước rồi mới hiểu cách Hành ra sao. Dưới đây là tỷ dụ:

          (Sớ) Thị tri nghĩ sơn phong thủy, trì tật thiên thù.

          () 是知蟻山風水,遲疾天殊。

          (Sớ: Do vậy biết: Con kiến trèo lên núi và thuyền đã thuận gió lại còn thuận nước, nhanh hay chậm khác biệt một trời một vực).

          “Nghĩ sơn”: Nghĩ (蟻) là con kiến. Giống như con kiến trèo lên núi, trèo rất chậm chạp. “Phong thủy” là nói tới chuyện giong thuyền. Chúng ta đi xa ngồi thuyền, thuyền buồm đã thuận gió, lại xuôi con nước, tốc độ hết sức nhanh chóng. Đây là tỷ dụ sự nhanh – chậm khác nhau. Nhanh và chậm sai khác một trời một vực, khác biệt quá lớn!

          (Diễn) Nghĩ sơn phong thủy giả, Liên Tông Bảo Giám vân: “Dư môn học đạo, như nghĩ tử thượng ư cao sơn”.

          () 蟻山風水者 蓮宗寶鑑云 餘門學道,如蟻子

上於高山。

          (Diễn: “Nghĩ sơn phong thủy”: Sách Liên Tông Bảo Giám viết: “Học đạo trong các môn khác, như con kiến trèo lên non cao”).

          Tu  học  các  pháp  môn  khác, tu  học  thành  công  sẽ chậm chạp,

giống như con kiến trèo lên núi cao, phải rất lâu mới trèo tới nơi.

          (Diễn) Niệm Phật vãng sanh, tự phong phàm dương ư thuận thủy.

          () 念佛往生,似風帆揚於順水。

          (Diễn: Niệm Phật vãng sanh giống như buồm căng gió, lướt theo con nước thuận).

          Tốc độ hết sức nhanh chóng, rất nhanh chóng tới nơi. Cổ nhân có thơ rằng: “Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn” (Giang Lăng ngàn dặm một ngày về), tức là vừa thuận nước lại được thuận gió, một ngày có thể đi cả ngàn dặm. Trước kia, đó là tốc độ nhanh nhất.

          (Sớ) Cổ vị dục đắc nhất sanh thủ biện, tiện ư thị pháp lưu tâm, thị danh tối thắng đệ tứ phương tiện.

          () 古謂欲得一生取辦 便於是法留心 是名最勝

第四方便。

          (Sớ: Cổ nhân nói: “Muốn được thành tựu trong một đời thì phải lưu tâm nơi pháp này”. Đấy gọi là phương tiện tối thắng thứ tư).

          Ở đây, chúng ta phải đặc biệt chú ý câu nói này. Nếu quý vị thật sự muốn thành tựu trong một đời này, “thủ biện” là thành tựu. “Tôi muốn đạt được, muốn lo liệu thỏa đáng” thì quý vị phải đặc biệt lưu ý phương pháp Tịnh Độ Niệm Phật này, chớ nên coi thường bỏ qua. Học các pháp môn khác, quả thật không được! Nếu quý vị không tin, hãy quan sát kỹ càng, tạm thời chúng ta không hỏi đến cổ nhân, hãy xem những người có thành tựu trong hiện tại, họ tu pháp môn nào? Pháp sư Quảng Khâm thuở trẻ tham Thiền, vì sao Ngài không nêu gương nơi Thiền? Thiền không xong! Về sau Ngài vẫn phải quay lại chuyên tu Tịnh Độ, niệm A Di Đà Phật thì mới thành công. Đây là một trường hợp bày ra ngay trước mặt chúng ta gần đây nhất.

          Lại nói đến thầy Lý ở Đài Trung, năm nay cụ đã chín mươi tám tuổi, năm ba mươi mốt tuổi cụ bắt đầu học Phật. Khi ấy, cụ ở Trung Quốc Đại Lục, thân cận không ít thiện tri thức. Ngài tham Thiền tám năm, được Thiền sư nổi danh ở Đại Lục chỉ dạy mà chẳng khai ngộ. Sau đấy, Ngài lại học Mật, theo học với các vị Hô Đồ Khắc Đồ[3] Tây Tạng và Mông Cổ, chúng ta thường gọi họ là Hoạt Phật (Phật sống). Học Mật tám năm, cụ từng bảo chúng tôi: Cụ học hơn hai trăm pháp môn, học những thứ ấy quả thật hết sức nghiêm túc, lũ chúng ta chắc chắn chẳng thể sánh bằng. Học Mật tám năm chẳng tương ứng! Khi ở chung với các đồng học chúng tôi, trong Mật Tông có bài chú Ẩn Thân, cụ học chú ấy, cũng niệm tới mười vạn biến, chiếu theo phương pháp ấy tu tập. Cụ niệm chú ấy một lượt, hỏi chúng tôi còn thấy cụ hay không? Chúng tôi vẫn trông thấy cụ, [thần chú] chẳng linh rồi! Không có cách nào hết! Cụ cũng học Giáo mười mấy năm, những vị thầy chỉ dạy cụ đều là những nhà Phật học lừng lẫy thời đầu Dân Quốc. Cụ học Duy Thức với cụ Mai Quang Hy[4], thân cận rất nhiều thiện tri thức, nhưng đều chẳng thông suốt! Lãng phí thời gian nhiều năm, mà thuở ấy chính là thời đại hoàng kim [trong đời cụ], lúc tuổi còn trẻ. Cuối cùng, cụ gặp được pháp sư Ấn Quang, đúng là cứu mạng. Pháp sư Ấn Quang dạy cụ thật thà niệm A Di Đà Phật, cụ được thành tựu hoàn toàn do niệm Phật. Từ đấy trở đi, cụ bỏ sạch những pháp môn đã học, chuyên niệm A Di Đà Phật. Đấy cũng là nêu gương cho chúng ta trong hiện tại!

Cụ tự nói cụ “sanh tử tự tại”, đương nhiên chẳng phải là gạt người. Nếu lừa dối người khác tức là đại vọng ngữ. Cụ học Phật kiền thành như thế, tuyệt đối chẳng thể phạm đại vọng ngữ, trên giảng đài, cụ công khai nói với mọi người: Cụ muốn đi lúc nào sẽ ra đi lúc ấy. Muốn ở lại bao nhiêu năm sẽ ở lại đời bấy nhiêu năm. Thành tựu vì đâu? Do niệm Phật mà thành tựu! Lũ học trò chúng ta nghe thầy nói lời này, hy vọng thầy trụ thế thêm vài năm nữa. Làm thế nào để giữ cụ trụ thế lâu hơn? Cụ trụ thế để giảng kinh, chẳng giảng kinh sẽ không trụ thế. Do vậy, các đồng học thương lượng, khi ấy chúng tôi có tám người, đề xướng, tôi là một trong số đó, thỉnh cụ giảng kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm giảng chưa xong, chắc là cụ sẽ chẳng tiện ra đi. Dùng cách này để giữ thầy nhiều năm nữa. Ngài thành tựu ước chừng năm bảy mươi mấy tuổi, thành tựu vào lúc ấy, sanh tử tự tại. Khi tôi theo học với lão nhân gia, cụ đã bảy mươi tuổi.

Do đây, có thể biết: Pháp môn Niệm Phật đúng là thành tựu trong một đời, điều này chẳng giả! Nếu quý vị chẳng tin, quý vị đã bỏ lỡ cơ hội trong một đời này. Đời này bỏ lỡ, mong có cơ hội này lần nữa trong tương lai chẳng dễ dàng đâu nhé! Vì thế, chính quý vị phải khéo phản tỉnh, sau khi chấm dứt một đời này, ta còn có thể được làm thân người trong đời sau hay chăng? Đó là một vấn đề lớn! Dẫu đời sau được làm thân người, Phật giáo hiện thời đã rối loạn dường ấy, quý vị có thể gặp được một vị thiện tri thức chỉ dạy quý vị pháp môn Tịnh Độ hay chăng? Dẫu có thể gặp gỡ, quý vị có chịu tin tưởng hay không? Quý vị có tiếp nhận hay không? Những câu hỏi lớn này đều là ẩn số, nghĩ đến [những điều ấy], quả thật đáng sợ lắm! Nếu muốn thành tựu, chắc chắn chẳng thể đợi đến đời sau, kiếp sau; nhất định phải thành công trong một đời này.

Nghe kinh không gì chẳng nhằm đoạn nghi sanh tín mà thôi! Nếu quý vị chẳng ngờ vực pháp môn này, thật sự sanh khởi tín tâm, kiên định, nghe kinh hay không nghe cũng không sao. Thật sự có thể thành công là do một câu A Di Đà Phật, bốn chữ thôi, đơn giản lắm! Do không buông xuống được, nên mới nghe kinh, không ngừng un đúc, dần dần thông hiểu đạo lý, thấy rốt ráo nên hay không nên buông xuống, vấn đề là như vậy đó! Do vậy, nhất định phải giác ngộ, phải cảnh giác, phải sốt sắng niệm. Đó là nhân duyên thứ hai. Lại xem điều thứ ba.

          (Huyền Nghĩa) Tam, khích dương sanh tử phàm phu linh khởi hân yếm giả.

          (玄義) 三、激揚生死凡夫令起欣厭者。

          (Huyền Nghĩa: Ba là kích động hàng phàm phu sanh tử dấy lòng ưa chán).

                     Đây là lý do thứ ba khiến đức Phật nói bộ kinh Di Đà này. “Khích” (激) là khích động, Dương (揚) có nghĩa là cổ vũ, khích lệ. Khích động, cổ vũ bọn phàm phu sanh tử chúng ta biết chán lìa thế giới Sa Bà cực khổ, sanh lòng hâm mộ cõi Tây Phương thù thắng trang nghiêm. Vì thế, đức Phật nói ra pháp môn này.

          (Huyền Nghĩa) Dĩ chư chúng sanh trầm mê tự tánh.

          (玄義) 以諸眾生沈迷自性。

          (Huyền Nghĩa: Do các chúng sanh trầm luân, mê mất tự tánh).

          “Trầm” là trầm luân, “mê” là mê mất.

          (Huyền Nghĩa) Cam thọ luân hồi, khoáng kiếp chí kim, tằng vô tỉnh lệ.

          (玄義) 甘受輪迴,曠劫至今,曾無省勵。

          (Huyền Nghĩa: Cam chịu luân hồi, từ bao kiếp đến nay, chưa từng tỉnh ngộ, gắng sức).

          “Tỉnh” là phản tỉnh, “lệ” là cố gắng.

          (Huyền Nghĩa) Cố thị khổ lạc lưỡng độ, viên khai Chiết Nhiếp nhị môn,  khích chi dương chi,  tỉ hân tỉ yếm,  thắng tâm ký phát,  tịnh

nghiệp tư thành.

          (玄義) 故示苦樂兩土 爰開折攝二門 激之揚之,

俾欣俾厭,勝心既發,淨業斯成。

          (Huyền Nghĩa: Vì thế, chỉ bày hai cõi khổ vui, bèn mở hai môn Chiết -Nhiếp, khích động, cổ vũ, khiến cho [chúng sanh] vui mừng, chán nhàm. Tâm thù thắng đã phát, Tịnh nghiệp bởi đó được thành tựu).

          Lời văn không nhiều, nhưng ý nghĩa hết sức phong phú!

          (Diễn) Khích dương sanh tử phàm phu giả, sanh nhi tử, tử nhi sanh.

          () 激揚生死凡夫者,生而死,死而生。

          (Diễn: “Khích động, cổ vũ hàng phàm phu sanh tử”: Sống rồi chết, chết rồi sống).

          Đây là nói về sanh tử luân hồi, nói tới hiện tượng sanh tử nhọc nhằn.

          (Diễn) Vạn kiếp thiên sanh, vô hữu cùng dĩ, cố danh sanh tử phàm phu.

          () 萬劫千生,無有窮已,故名生死凡夫。

          (Diễn: Muôn kiếp vạn đời chẳng có cùng tận, nên gọi là “sanh tử phàm phu”).

          Trong kinh Phật thường nói “sanh tử bì lao” (sống chết mệt mỏi, nhọc nhằn), chẳng ngưng nghỉ, hết sức khổ. Kinh Địa Tạng nói người chết chưa đầy bốn mươi chín ngày lại đầu thai, đầu thai xong lại sanh, già, bệnh, chết. Chết rồi lại sanh, già, bệnh, chết, vĩnh viễn luân hồi chẳng ngưng nghỉ. Chỉ cần chẳng thoát khỏi luân hồi, nói chung, quý vị phải ghi nhớ: Sanh tử luân hồi mỗi lúc càng tệ hơn, đời sau chẳng bằng đời trước, đời sau khổ hơn đời trước. Vì sao biết? Chúng ta cũng chẳng cần nghĩ đến đời quá khứ, cũng chẳng cần suy xét đời vị lai, mà hãy suy nghĩ một đời này, quý vị sẽ hiểu ngay chân tướng sự thật ấy. Trong một đời, chúng ta khởi tâm động niệm đãi người tiếp vật là thiện nhiều hay ác nhiều? Nếu trong một đời khởi lên nhiều ác niệm, thấy lắm kẻ gai mắt, ít kẻ hợp nhãn, thiện niệm ít, đương nhiên quả báo đời sau sẽ là ác nhiều hơn thiện, khổ nhiều hơn vui, nhất định là như vậy! Hiện tại tạo tác cái nhân ra sao, đời sau sẽ mắc quả báo như thế ấy. Chúng ta từ vô lượng kiếp mãi cho đến nay, đời sau kém đời trước, chất chồng lại! Chúng ta cảm thấy đời này khổ sở, nếu chẳng thoát luân hồi, đời sau còn khổ hơn đời này, chỉ có một bề khổ sở hơn! Tuyệt đối chẳng có chuyện khổ mãi, đến cuối cùng sẽ được vui sướng, không có chuyện ấy đâu nhé! Sung sướng đến tột bậc sẽ biến thành đau thương, nhưng đau thương tột bậc chẳng sanh ra vui sướng, phải hiểu đạo lý này! Vì thế, chẳng thoát luân hồi, đúng là không thể [chịu đựng] được!

                   (Diễn) Khích giả, khích lệ.

          () 激者,激勵。

          (Diễn: “Khích” là khích lệ).

          Kích thích, phát khởi chúng ta.

          (Diễn) Linh nhân khởi yếm.

          () 令人起厭。

          (Diễn: Khiến cho con người sanh lòng chán ngán).

           Biết thế giới này đáng sợ. Nỗi sợ hãi trong thế giới chẳng phải là vì hoàn cảnh hiện thời đáng sợ, mà là sanh tử đáng sợ. Đấy là nỗi sợ hãi “hễ luân hồi trong thế gian này thì đời sau tệ hơn đời trước!”

          (Diễn) Dương giả, cổ dương, linh nhân khởi hãn.

          () 揚者,鼓揚,令人起忻。

          (Diễn: Dương là cổ vũ, tán dương, khiến cho con người dấy lòng hớn hở).

           [Chữ “dương”] mang ý nghĩa cổ vũ, khích lệ.

          (Diễn) Trầm mê tự tánh giả, mê giả, hôn mê, trầm giả, mê chi cực dã. Tự tánh, tức chú trung bình đẳng pháp môn.

          () 沈迷自性者 迷者 昏迷;沈者,迷之極也。

自性,即註中平等法門。

          (Diễn: “Trầm mê tự tánh”: “Mê” là hôn mê, “trầm” là mê đến tột cùng. Tự  tánh  chính  là pháp môn bình đẳng được nhắc tới trong lời

chú giải).

          Quý vị phải hiểu: Tâm bình đẳng là tự tánh. Hễ là người tu học Đại Thừa thì đều phải phát Bồ Đề tâm. Theo như Đại Thừa Khởi Tín Luận đã nói, Bồ Đề tâm thứ nhất là trực tâm. Đây chính là bản thể của Bồ Đề tâm. Thâm tâm và đại bi tâm đều là tác dụng của Bồ Đề tâm. Có Thể, có Dụng. Thông thường, đối với những danh từ này, chúng ta xem xong [cảm thấy] rất khó thấu hiểu! Do vậy, trong các buổi giảng, chúng tôi thường nói phương tiện, dùng cách nói hiện thời để nói thì trực tâm là gì? Chính là tâm bình đẳng. Tâm bình đẳng là trực tâm. Thâm tâm là gì? Tâm thanh tịnh là thâm tâm. Đại bi tâm là tâm từ bi. Có thể đồng cảm với hết thảy chúng sanh, thương xót hết thảy chúng sanh, đó là đại bi tâm. Vì thế, đại bi tâm là tha thụ dụng của bình đẳng tâm, dùng để đãi người tiếp vật; còn tâm bình đẳng để chính mình hưởng thụ thanh tịnh, nhất tâm bất loạn. Do vậy, tâm bình đẳng là Thể.

          Trong hết thảy cảnh giới, chúng ta đều thấy là bất bình đẳng. Tâm bất bình đẳng là vọng tâm. Bất bình đẳng chính là tâm phàm phu. Tâm bình đẳng là tâm Phật. Chúng ta đã học Phật, phải tu cái tâm bình đẳng trong hết thảy cảnh giới bất bình đẳng. Tu hành thì quý vị tu cái hạnh gì? Trong tâm hạnh của chúng ta có những lầm lạc thì phải sửa đổi, đó gọi là tu hành. Tâm vốn là bình đẳng, nay nó bất bình đẳng thì bất bình đẳng là sai lầm. Nếu có thể hồi quang phản chiếu để khôi phục sự bình đẳng, đó gọi là “chân tu hành”. Dốc sức nơi nội tâm, đó là chân tu, tu bình đẳng nơi chỗ hết sức bất bình đẳng. Vì thế, tu học Phật pháp phải thực hiện từ nơi đâu? Nơi oán thân bình đẳng. Oán thân là một điều vô cùng bất bình đẳng, tu bình đẳng ở ngay nơi bất bình đẳng nhất. Đó là một phương pháp tốt đẹp!

          “Trầm mê tự tánh”: Hiện thời mê mất cái vốn sẵn bình đẳng, biến thành bất bình đẳng; trong hết thảy các pháp, sanh tâm cao thấp, khởi tâm động niệm phân biệt, chấp trước, đấy là trầm luân, mê muội đến tột cùng. Vì lẽ nào bị mê mất? Ở đây cũng có mấy câu giảng giải rõ ràng:

          (Diễn) Do tối sơ nhất niệm vô minh, sanh khởi lục thô tam tế, toại tánh tâm thất chân, điên đảo hành sự, luân hồi thị trung, tự thủ lưu chuyển dã.

          () 由最初一念無明 生起六粗三細 遂性心失真

,顛倒行事,輪迴是中,自取流轉也。

          (Diễn: Do một niệm vô minh lúc thoạt đầu mà sanh khởi sáu tướng thô, ba tướng tế, cho nên tánh tâm mất đi sự chân thật, làm việc điên đảo, luân hồi ở trong ấy, tự mình giữ lấy sự lưu chuyển).

          Luân hồi sanh tử trong lục đạo do chính mình tạo ra, do chính mình tạo tác, chính mình chịu khổ ở trong ấy. Tự làm, tự chịu. Đây là nói về cảnh giới hiện tiền của chúng ta và chân tướng của cuộc sống trong hiện tại.

          Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật giảng cho chúng ta bộ kinh này, chỉ dạy chúng ta:

          (Diễn) Thị khổ lạc lưỡng độ giả, vị Lạc Bang chi dữ khổ vực.

          () 示苦樂兩土者,謂樂邦之與苦域。

          (Diễn: “Chỉ bày hai cõi khổ vui”: Nói tới Lạc Bang và cõi khổ sở).

          Chữ “Lạc Bang” chỉ Tây Phương Cực Lạc thế giới; chữ “khổ vực” chỉ thế giới Sa Bà hiện tiền của chúng ta.

          (Diễn) Kim bảo chi dữ nê sa.

          () 金寶之與泥沙。

          (Diễn: Vàng, chất báu và bùn, cát).

          Nói về hoàn cảnh. Tây Phương Cực Lạc thế giới là bảy báu, còn đất ở cõi này là bùn, đất, cát, đá, chẳng thể sánh bằng. Đường sá của chúng ta trải nhựa đường, còn đường của người ta lát bằng vàng ròng. Thật sự nghĩ đến điều này, những thứ châu báu hoàng kim của quý vị sẽ đều bỏ hết, vì sao? Đến thế giới Cực Lạc, khó thể chấp nhận! Đó là những thứ người ta dùng để lót đường, quý vị quấn lên cổ mang sang đó sẽ cảm thấy rất khó coi. Những thứ đó người ta dùng làm vật liệu xây dựng, là miếng gạch, hòn ngói, quý vị giắt đầy trên thân, rất khó coi! Câu này nhằm nói hai thế giới khác nhau, sự thụ dụng về mặt vật chất khác nhau.

          (Diễn) Thai ngục chi vọng hoa trì.

          () 胎獄之望華池。

          (Diễn: Trong thai ngục ngóng về ao hoa).

          Đây là nói về chỗ để sanh ra. Đầu thai vào thế giới này, mẹ mang thai mười tháng. Ở trong bào thai như trong địa ngục, khổ chẳng thể nói nổi! Chỗ để sanh về trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là hoa sen trong ao bảy báu, làm sao có thể sánh bằng được?

          (Diễn) Cức lâm chi tỷ quỳnh thụ.

          () 棘林之比瓊樹。

          (Diễn: So sánh rừng gai góc với cây quỳnh).

          “Cức lâm”: Cức (棘) là “kinh cức” (荊棘:gai góc), [“cức lâm”] là rừng cây có gai. “Cức lâm” là nói về thế giới này của chúng ta. Chúng ta đi vào rừng cây ấy, chỗ nào cũng đều có thể gặp nguy hiểm. Bảy hàng cây trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều do bảy báu hợp thành, tuyệt đối an toàn; điều này cũng chẳng thể sánh bằng.

          (Diễn) Thành do tâm phân cấu tịnh, kiến lưỡng độ chi thăng trầm dã.

        () 誠由心分垢淨,見兩土之升沈也。

          (Diễn: Thật sự là do tâm chia ra nhơ và sạch, nên thấy có sự thăng trầm nơi hai cõi).

          Vì sao thế giới này khác hẳn? Thưa quý vị, cảnh chuyển theo tâm đấy! Do vậy, kinh Hoa Nghiêm mới dạy chúng ta: “Tình dữ vô tình, đồng viên Chủng Trí” (Hữu tình và vô tình cùng viên thành Nhất Thiết Chủng Trí). Chẳng phải là cảnh giới chuyển tâm, mà là tâm chuyển cảnh giới! Nếu quý vị thật sự biết “tâm chuyển cảnh giới” thì còn có Phong Thủy hay chăng? Hiện thời chúng ta nói đến Địa Lý, Phong Thủy, có đấy! Từ đâu mà có? Do cái tâm biến hiện ra. Tâm chuyển Phong Thủy, chứ không phải là Phong Thủy có thể chuyển biến chúng ta. Phong Thủy chuyển chúng ta thì chúng ta đáng thương quá! Vật do chính mình biến hiện, mà kết quả chính mình lại bị nó trói buộc, giống như con tằm kéo kén để tự nhốt mình trong ấy, còn có gì ngu si hơn nữa? Thật sự hiểu rõ đạo lý này, còn có Phong Thủy hay không? Có! Quả thật có! Nhưng chúng ta có cần phải kiếm [một nơi] có Phong Thủy và Địa Lý tốt đẹp hay chăng? Không cần thiết! Tu từ cái tâm của quý vị! Tâm quý vị tốt đẹp, quý vị đi đến chỗ nào, Phong Thủy sẽ chuyển theo tâm quý vị. Quý vị đến ngồi nơi chỗ Phong Thủy xấu, hai ngày sau nó sẽ chuyển biến thành tốt đẹp! Nếu tâm quý vị không tốt, tìm một chỗ Phong Thủy tốt, quý vị ở đó chưa đầy hai ngày nó đã chuyển thành xấu. Phong Thủy chuyển theo tâm của quý vị mà!

          Đại hoàn cảnh do cộng nghiệp của chúng sanh cảm thành. Trong đại hoàn cảnh, tâm địa của đại đa số con người trong thế giới này không thanh tịnh, đều là phàm phu, cho nên mới có cõi khổ, bùn, cát, rừng gai. Tâm địa của con người nơi Tây Phương Cực Lạc thế giới thanh tịnh, chẳng có tham, sân, si! Tâm địa ai nấy đều thiện lương, vì ai nấy đều phát Bồ Đề tâm. Chẳng phát Bồ Đề tâm, sẽ chẳng thể vãng sanh thế giới Tây Phương.

Thế giới Tây Phương là Đại Thừa Phật pháp, nhất định phải phát Bồ Đề tâm [mới có thể vãng sanh]. Vì lẽ đó, người trong thế giới Tây Phương ai nấy đều thanh tịnh, chân thành, từ bi; bởi vậy, hoàn cảnh vật chất do cộng nghiệp cảm thành cũng hết sức thù thắng. Đấy là do tâm phân cấu – tịnh mà hai thế giới khác nhau.

          (Diễn) Khai Chiết – Nhiếp nhị môn giả.

          () 開折攝二門者。

          (Diễn: “Mở hai môn Chiết và Nhiếp” là…)

           “Khai” là khai khải (開啟: mở ra, khơi gợi), đức Phật khai thị cho chúng ta.

          (Diễn) Chúng sanh đam luyến Sa Bà, Phật tắc cực ngôn Sa Bà chi khổ dĩ chiết phục chi.

          () 眾生耽戀娑婆,佛則極言娑婆之苦以折伏之。

          (Diễn: Chúng sanh say đắm, quyến luyến Sa Bà, đức Phật bèn cực lực nêu ra nỗi khổ trong Sa Bà để chiết phục).

          Chúng sanh đang khổ mà chẳng biết khổ, vẫn chẳng nỡ lìa, vẫn lưu luyến, vẫn không buông xuống được! Khổ như vậy mà họ trọn chẳng buông xuống, còn có cách nào nữa đây? Do vậy, đức Phật chẳng thể không đem từng nỗi khổ nói cho họ nghe, hòng khiến họ giác ngộ!

          (Diễn) Chúng sanh võng tri Tịnh Độ.

          () 眾生罔知淨土

          (Diễn: Chúng sanh chẳng biết Tịnh Độ).

          “Võng” là không hay biết, chẳng biết Tây Phương có Cực Lạc Tịnh Độ; vì thế, đức Phật giới thiệu cho chúng ta.

          (Diễn) Phật tắc cực ngôn Tịnh Độ chi lạc dĩ nhiếp thọ chi.

          () 佛則極言淨土之樂以攝受之。

          (Diễn: Đức Phật bèn cực lực giảng về niềm vui nơi cõi Tịnh Độ để nhiếp thọ họ).

          Chuyện này chỉ nên tin tưởng vào Thánh Ngôn Lượng của Phật. Dựa vào đâu mà ta có thể tin tưởng Phật? Dựa vào sự kiện đức Phật chẳng vọng ngữ. Vọng ngữ là đại giới của chư Phật, chắc chắn Phật chẳng lừa dối chúng ta. Đức Phật nói câu nào cũng đều chân thật, giống như kinh Kim Cang có nói: “Phật thị chân ngữ giả” (Đức Phật là bậc nói lời chân thật), “chân” là chẳng giả; “thật ngữ giả”, “thật” là chẳng hư dối; “như ngữ giả”, “như” là nhất định giống hệt với sự việc, không tăng, không giảm, nói đúng sự việc, sự việc đúng như lời nói; “bất vọng ngữ giả, bất cuống ngữ giả” (là bậc chẳng nói láo, chẳng nói gạt gẫm). Chúng ta phải tin tưởng. Không tin lời Phật thì thật sự là ngu si! Chúng ta hãy suy nghĩ thêm, đức Phật chẳng thể lừa dối chúng ta. Phàm là kẻ dối gạt người khác, hắn nhất định có mong cầu, nhất định có mục đích, đức Phật cầu mong điều gì nơi chúng ta? Đức Phật mong chúng ta cúng dường, mong chúng ta lạy lục Ngài ư? Không có đạo lý ấy! Ngài chẳng mong cầu gì hết! Đức Phật chẳng mong cầu điều gì nơi chúng ta, nên chẳng có lý do gì để lừa gạt chúng ta! Vì thế, Ngài nói ra câu nào cũng tốt lành cho chúng ta, nói toàn lời chân thật.

          (Diễn) Thị ư niệm Phật nhất pháp, cụ Chiết Nhiếp nhị môn dã.

          () 是於念佛一法,具折攝二門也。

          (Diễn: Trong một pháp niệm Phật có đủ cả hai môn Chiết và Nhiếp).

           Nói về pháp môn Niệm Phật thì Chiết là muốn cho chúng ta cảnh giác, lìa khỏi chuyện khổ tột bậc này. “Nhiếp” (攝) là nhiếp thọ, làm cho chúng ta hâm mộ cầu sanh về thế giới Cực Lạc. Câu này nhằm giải thích câu “viên khai Chiết Nhiếp nhị môn, khích chi, dương chi” (bèn mở hai môn Chiết và Nhiếp để khích động, cổ vũ) [trong lời Sớ], mong mỏi chúng ta sẽ ưa thích Cực Lạc, chán ngán Sa Bà.

          “Thắng tâm ký phát” (tâm thù thắng đã phát), “thắng” là thù thắng. “Thắng tâm” là gì?

          (Diễn) Thắng tâm, vị dũng mãnh tâm, tinh tấn tâm.

          () 勝心,謂勇猛心、精進心。

          (Diễn: Tâm thù thắng là tâm dũng mãnh, tâm tinh tấn).

          Đấy là “thắng tâm”.

          (Diễn) Tịnh nghiệp sở dĩ bất đắc thành tựu, giai do du du dương dương, tâm bất mãnh lợi nhĩ.

          () 淨業所以不得成就 皆由悠悠揚揚 心不猛利

耳。

          (Diễn: Sở dĩ Tịnh nghiệp chẳng thành tựu đều là vì cái tâm lần chần, do dự, chẳng mạnh mẽ, quả quyết vậy).

          Nguyên nhân là ở chỗ này. Vì sao chẳng thể thành tựu? Nay chúng ta nói là hờ hững, thờ ơ. Như vậy là không được rồi! Chẳng thể thành công, nhất định phải sốt sắng. Khi Thích Ca Mâu Ni thị hiện thành đạo dưới cội Bồ Đề, Ngài cũng hạ quyết tâm: Chẳng chứng Bồ Đề, sẽ chẳng bằng lòng đứng lên. Ngồi dưới gốc cây, nguyện thà chịu chết cũng chẳng đứng dậy! Ngài có quyết tâm như thế, nên mới thành công. Xưa kia có nhiều vị đại đức phát tâm niệm Phật, đóng cửa nhất tâm niệm A Di Đà Phật, chẳng thành công sẽ không mở cửa. Nghị lực quyết tâm như thế mới có thành tựu. Từ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện, chúng ta thấy rất nhiều [trường hợp như vậy], thông thường là bao nhiêu ngày? Quá nửa là bảy ngày thành công. Ngày nay chúng ta không có quyết tâm ấy!

          “Tấn”, phải tinh tấn. “Tinh” là chẳng có mảy may xen tạp, tức là phải thật sự buông xuống vạn duyên. Chẳng những hết thảy pháp thế gian phải buông xuống, chẳng có mảy may vướng mắc nào, mà Phật pháp cũng phải buông xuống! Ngàn kinh vạn luận, vô lượng pháp môn thảy đều buông xuống, một câu A Di Đà Phật niệm đến tột cùng, như vậy thì mới có thể thành công.

                   (Diễn) Quả năng nhất nhật dụng lực, phát đại dũng mãnh, phát đại tinh tấn, công phu vô bất thành tựu.

          () 果能一日用力 發大勇猛 發大精進,工夫無

不成就。

          (Diễn: Nếu có thể dùng sức trong một ngày, phát đại dũng mãnh, phát đại tinh tấn, không ai chẳng thành tựu công phu).

          Tương lai, khi giảng đến phần kinh văn “nhất tâm bất loạn” sẽ có một đoạn chú giải rất dài để thảo luận vấn đề này. Người lợi căn một ngày bèn thành công, kẻ tội chướng oan nghiệt dẫu nặng đến đâu đi nữa, kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác, bảy ngày cũng có thể thành công. Vì thế, kinh đã định kỳ hạn cho chúng ta “hoặc một ngày, cho đến bảy ngày”, bảy ngày là tội nặng nhất, tức Ngũ Nghịch, Thập Ác. Theo Đại Trí Độ Luận đã dẫn trong phần trước, quý vị tạo tội nghiệp, tu các pháp môn khác trải qua vô lượng kiếp, tội vẫn chưa diệt hết, nhưng pháp môn này trong bảy ngày có thể diệt tội, được vãng sanh. Sách Tây Quy Trực Chỉ trong bộ An Sĩ Toàn Thư đã nêu ra rất nhiều trường hợp.

Tình hình cổ nhân niệm Phật vãng sanh có nhiều vị biết chính mình tội lỗi oan nghiệt sâu nặng, đóng cửa, giống như “dũng mãnh, tinh tấn” đang được nhắc tới ở nơi đây. Niệm dăm ba ngày liền cảm được A Di Đà Phật hiện đến, tự tại vãng sanh. Do vậy, niệm Phật phải tuân theo cách niệm như vậy.

          (Diễn) Cố vân thắng tâm ký phát, Tịnh nghiệp tư thành.

       () 故云勝心既發,淨業斯成。

          (Diễn: Cho nên nói: “Tâm thù thắng đã phát, Tịnh nghiệp nhờ đấy mà thành”).

          Tâm này thù thắng nhất! “Tịnh nghiệp tư thành” vãng sanh Tịnh Độ, quý vị đã thành công, đã gặp A Di Đà Phật. Sự thù thắng sau khi đã vãng sanh càng chẳng cần phải nói nữa. Chúng ta phải nhớ kỹ! Vì thế, làm chuyện khác, tốn hao tinh thần, thời gian như thế, nói thật ra là lãng phí, đáng tiếc quá! Vì sao chẳng chuyên tu pháp môn Niệm Phật? Hôm nay chúng tôi giảng đến chỗ này.

[1] Đoạn chứng: Đoạn vọng tưởng phiền não, chứng đắc quả thù thắng (theo Phật Học Đại Từ Điển).

[2] Thập Trụ Đoạn Kết Kinh có tên gọi đầy đủ là Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu Đoạn Kết Kinh gồm ba mươi ba phẩm do ngài Trúc Phật Niệm dịch vào thời Diêu Tần. Trong kinh này, đức Phật Thích Ca ngự tại Kỳ Viên, phóng quang chiếu suốt mười phương pháp giới. Lúc ấy từ phương Đông có Chấp Chí Thông Huệ Bồ Tát và năm vạn Bồ Tát vây quanh đến nơi đây nghe pháp. Trong số ấy, có một vị Bồ Tát tên là Tối Thắng Bồ Tát bèn hỏi Phật pháp yếu. Thích Ca Mâu Ni Phật bèn dùng pháp Thập Trụ để đáp.

[3] Hô Đồ Khắc Đồ (Xutugtu, Khutukhtu, Khutagt) là tiếng Mông Cổ, có nghĩa là “thánh giả”, là danh xưng để gọi các vị lạt-ma cao cấp người Mông Cổ hoặc Tây Tạng sống trong các khu vực thuộc quyền quản trị của nhà Thanh, thường được coi là hóa thân của Phật, Bồ Tát, A La Hán theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Theo quy chế nhà Thanh, những lạt-ma nào thuộc cấp bậc này đều được chép vào sổ bộ của viện Lý Phiên. Mỗi khi một Hô Đồ Khắc Đồ qua đời, các đệ tử tìm được một đứa trẻ mới “hóa thân” của vị Hô Đồ Khắc Đồ tiền nhiệm, phải được triều đình nhà Thanh phê chuẩn. Hai vị Hô Đồ Khắc Đồ nổi tiếng nhất của Mông Cổ là Triết Bố Tôn Đan Ba (Jetsundampa) cai quản vùng Bắc Mông Cổ và Chương Gia Hoạt Phật (ICang-skya Khutukhtu). Vị sau cai quản vùng Nam Mông Cổ và có quan hệ mật thiết với triều đình nhà Thanh. Chương Gia Hoạt Phật được coi là hóa thân của vị A La Hán Đạt Tôn (tức tôn giả Xa Nặc, người đánh xe ngựa của Thái Tử Tất Đạt Đa). Jetsumdamba Khutukhtu được coi là hóa thân của học giả Taranatha Anandagarbha (1575-1634) của Tây Tạng. Ngài Taranatha từng sang Mông Cổ truyền giáo và lập nhiều tu viện tại đây nên được coi như là một trong những vị tổ sư khai sáng của Phật giáo Mông Cổ.

[4] Cụ Mai Quang Hy (1880-1947), tự Hiệt Vân, là một nhà Phật học nổi tiếng đầu thời Dân Quốc, sở trường về Duy Thức. Cụ Mai là cậu của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, quê ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây, thuở bé học Nho, từng đỗ kỳ thi Hương, rất được Tổng Đốc Hồ Quảng Trương Chi Đồng coi trọng, đề cử làm Giám Đốc trường Võ Bị. Cụ từng được ông Trương Chi Đồng gởi sang du học Nhật Bản, theo học tại trường Lục Quân Chấn Vũ, được huấn luyện thành sĩ quan chỉ huy. Sau khi tốt nghiệp, cụ lại học tại đại học Tảo Đạo Điền về ngành kinh tế chính trị. Cụ không màng công danh, do được người đồng hương là Khuê Bá Hoa khuyên giải, bèn theo học Phật với tiên sinh Dương Nhân Sơn, dốc sức nghiên cứu các bộ Đại Thừa Khởi Tín Luận, Pháp Hoa, Tam Luận cũng như các kinh điển trọng yếu của các tông. Từ đấy, cụ chuyên học Phật, từng tuyên bố: “Nếu chẳng phải sách Phật chẳng đọc, chẳng phải Phật hạnh chẳng làm”. Cụ hợp tác chặt chẽ với Thái Hư đại sư trong phong trào chấn hưng Phật giáo, viết nhiều bài có giá trị cho tờ Hải Triều Âm. Những tác phẩm tiêu biểu của cụ là Tướng Tông Cương Yếu, Tướng Tông Cương Yếu Tục Biên, Đại Thừa Tướng Tông Thập Thắng Luận, Tướng Tông Sử Truyện Lược Lục, Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận Giải Lục Tập Chú, Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương Duy Thức Chú v.v…

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *