#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 228
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm bốn mươi tám:
(Sao) Tiền chấp trì trung, dĩ ức niệm thể cứu, lược phân nhị chủng: Ức niệm giả, văn Phật danh hiệu, thường ức, thường niệm, dĩ tâm duyên lịch, tự tự phân minh. Tiền cú, hậu cú, tương tục bất đoạn, hành trụ tọa ngọa, duy thử nhất niệm, vô đệ nhị niệm, bất vị tham sân phiền não chư niệm chi sở tạp loạn. Như Thành Cụ Quang Minh Định Ý Kinh, sở vị không nhàn tịch mịch nhi nhất kỳ tâm, tại chúng phiền não nhi nhất kỳ tâm, nãi chí bao sán lợi thất thiện ác đẳng xứ, giai nhất kỳ tâm giả, thị dã.
(鈔)前執持中,以憶念體究,略分二種:憶念者,聞佛名號,常憶常念,以心緣歷,字字分明,前句後句,相續不斷,行住坐臥,唯此一念,無第二念,不為貪瞋煩惱諸念之所雜亂。如成具光明定意經,所謂空閒寂寞而一其心,在眾煩惱而一其心,乃至褒訕利失善惡等處皆一其心者,是也。
(Sao: Trong đoạn nói về Chấp Trì trong phần trước, đã chia đại lược ức niệm và thể cứu thành hai loại. Ức niệm là nghe danh hiệu Phật, thường nhớ, thường niệm, dùng tâm duyên theo từng chữ rõ ràng. Câu trước, câu sau, tiếp nối chẳng ngừng. Đi, đứng, ngồi, nằm, chỉ có một niệm này, chẳng có niệm thứ hai, chẳng bị tạp loạn bởi các niệm tham, sân phiền não. Như kinh Thành Cụ Quang Minh Định Ý đã nói: “Nơi thanh vắng, yên lặng, chuyên nhất cái tâm; ở trong các phiền não, chuyên nhất cái tâm. Cho đến đối với những chỗ khen, chê, được lợi, mất mát, thiện, ác v.v… tâm đều chuyên nhất” là nói về ý này).
Lại giải thích câu “chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn” được nói trong phần trước. Nói đến chấp trì danh hiệu, bèn nói tới câu “ức niệm, thể cứu”. Câu này có hai ý nghĩa là “ức niệm” và “thể cứu”.
Trước hết, giải thích “ức niệm”. Ức niệm thuộc về Sự, tức là Sự Trì, Sự nhất tâm bất loạn được bao gồm trong phạm vi của chữ này. Ức niệm là gì? “Văn Phật danh hiệu, thường ức, thường niệm” (Nghe danh hiệu Phật thường nhớ, thường nghĩ), “thường” (常) là không gián đoạn, “ức” (憶) là trong tâm niệm, miệng chẳng niệm ra tiếng, tâm niệm bèn gọi là Ức. Nói thật ra, niệm kiểu này cũng có thể thuộc loại tâm niệm, nhưng nếu hợp hai chữ lại thì như nay ta nói “niệm ra tiếng, niệm thầm, hoặc Kim Cang Trì” đều được bao gồm trong đó. Khẩn yếu là một chữ Thường, chớ nên gián đoạn! Bốn câu kế tiếp nhằm nói rõ, niệm Phật thì phải niệm theo cách nào: Phải là “dĩ tâm duyên lịch, tự tự phân minh” (dùng tâm duyên theo từng chữ rõ ràng).
(Diễn) Dĩ tâm duyên lịch, tự tự phân minh giả, thử thị tâm niệm.
(演)以心緣歷,字字分明者,此是心念。
(Diễn: Dùng tâm duyên theo từng chữ rõ ràng, đây là tâm niệm).
“Dĩ tâm duyên lịch, tự tự phân minh” rất trọng yếu. Nếu miệng niệm mà tâm chẳng niệm, vô dụng! Miệng có, tâm không, vô dụng! Tâm niệm, miệng chẳng niệm, vẫn hữu dụng. Vì sao? Dưới đây sẽ giải thích rõ ràng!
(Diễn) Bất đồng tiền khẩu niệm nhi tâm bất niệm dã.
(演)不同前口念而心不念也。
(Diễn: Chẳng giống như trong phần trên đã nói “miệng niệm mà tâm chẳng niệm”).
Trong phần trên đã nói, miệng niệm, tâm chẳng niệm, vậy là không được.
(Diễn) Tiền cú, hậu cú tương tục bất đoạn, nãi chí vô đệ nhị niệm giả, thử thị nhất tâm niệm, bất đồng tiền tâm tuy niệm, nhi niệm bất nhất dã.
(演)前句後句相續不斷,乃至無第二念者,此是一心念,不同前心雖念,而念不一也。
(Diễn: “Câu trước, câu sau tiếp nối không ngừng, cho đến chẳng có niệm thứ hai”: Đấy là nhất tâm niệm, chẳng giống như trong phần trên đã nói “tâm tuy niệm, nhưng niệm chẳng chuyên nhất”).
Tâm trước là niệm Phật, sau đấy, tâm lại dấy vọng tưởng, như vậy thì không được. Nhất định là niệm này tiếp nối niệm kia, như vậy thì mới có thể niệm hết sạch vọng tưởng, phiền não.
(Diễn) Bất vị tham sân phiền não chi sở tạp loạn.
(演)不為貪瞋煩惱之所雜亂。
(Diễn: Chẳng bị tạp loạn bởi tham sân phiền não).
“Tạp loạn” là xen tạp. Niệm Phật ắt phải là không gián đoạn, chẳng xen tạp. Thật sự có thể chẳng gián đoạn, không xen tạp, chư vị ngẫm xem, người ấy có còn hoài nghi hay chăng? Quyết định chẳng hoài nghi! Đấy mới là “tịnh niệm tiếp nối” như Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói trong kinh Lăng Nghiêm thì mới có thể thành công.
(Diễn) Thử thị nhất tâm bất loạn, bất đồng tiền niệm tuy nhất, nhi hữu thời bất nhất dã.
(演)此是一心不亂,不同前念雖一,而有時不一也。
(Diễn: Nhất tâm bất loạn ở đây chẳng giống như trong phần trước đã nói, “niệm tuy nhất, nhưng có lúc chẳng chuyên nhất”).
Xen tạp, gián đoạn sẽ chẳng chuyên nhất. Chúng ta cũng thường thấy hoặc nghe nói có kẻ nào đó trước kia tu học pháp môn Niệm Phật rất dụng công, rất tinh tấn, về sau, biến đổi, thoái chuyển, hoặc là đổi sang học pháp môn khác, lại là do nguyên nhân nào? Nói thật ra, là vì kẻ ấy chẳng hiểu rõ công đức của danh hiệu. Trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói minh bạch: Kẻ ấy cho rằng còn có pháp môn khác thù thắng, ổn thỏa, thích đáng, nhanh chóng hơn pháp môn này, cho nên thay đổi phương hướng, đều là vì thiếu hiểu biết Tịnh Tông. Tu học thuở ban đầu, do thấy người khác tu, nên chính mình cũng tu. Tu một khoảng thời gian, chẳng đạt được lợi ích thật sự, bèn vứt bỏ, đi theo người khác. Hiện thời, trong thế gian này, trong ngoài nước, tình hình như vậy rất nhiều. Cổ nhân nói pháp môn này “duy thượng trí dữ hạ ngu bất di” (chỉ có bậc thượng trí và kẻ hạ ngu là chẳng đổi dời [chí hướng tu tập]). Hai loại người ấy chẳng thay đổi cái tâm. Bậc thượng trí hiểu rõ ràng, minh bạch công đức của danh hiệu nên chẳng hoài nghi; kẻ hạ ngu tin tưởng lời chư Phật, Bồ Tát dạy, sau khi nghe xong, họ tuyệt đối chẳng bị dao động, thay đổi. Hai hạng người ấy quyết định thành tựu. Trừ phi người ấy trong suốt một đời chẳng có duyên phận gặp gỡ pháp môn này, chứ hễ gặp, quyết định thành tựu. Đó là bậc đương cơ của Tịnh Tông. Gặp được pháp môn này mà chẳng thể thành tựu, nói cách khác, kẻ ấy vừa chẳng phải là thượng trí, mà cũng chẳng phải là hạ ngu, phiền phức to lớn! Chẳng thừa nhận chính mình là kẻ ngu, nhưng cũng chẳng đủ tư cách để làm bậc thượng trí! Tuy học, nghi vấn cả một đống lớn, vĩnh viễn cũng chẳng giải quyết được. Đến nơi nào để gặp bậc thiện tri thức, đến chỗ nào để có thể gặp [dịp nghe] khai diễn đại kinh, giảng giải các kinh luận ấy tỉ mỉ, minh bạch trong một thời gian dài? Nhân duyên ấy chẳng dễ gì gặp được!
Đài Loan có người thật sự tu hành hay không, hãy khoan bàn tới, chỉ xét theo mặt ngoài, cơ duyên giảng kinh thuyết pháp đứng đầu thế giới! Có mấy ai giảng Di Đà Kinh Sớ Sao? Có mấy ai giảng Di Đà Kinh Yếu Giải? Có mấy ai giảng kinh Vô Lượng Thọ? Đó là những kinh điển tối thiểu trong Tịnh Tông. Đối với ba thứ ấy, nếu theo như tấn độ (mức độ tiến triển) của chúng ta trong hiện thời, giảng cặn kẽ một lần, giảng hằng ngày chẳng gián đoạn, cũng phải mất trọn hai năm. Chỉ riêng một bộ Sớ Sao này, chúng tôi giảng lần này chỉ sợ cũng phải hơn bốn trăm giờ. Dẫu là có người bằng lòng giảng, chẳng có ai nghe! Trong nước là như thế, mà ngoài nước cũng là như vậy. Ở nước ngoài, giảng hơi dài một chút, người ta chẳng có thời gian nghe, làm sao có thể giải quyết nghi vấn cho được? Nỗi nghi hoặc chẳng thể phá tan sẽ chính là chướng ngại căn bản; trong tương lai, trong quá trình tu học, quý vị sẽ ngã lòng, sẽ thay đổi! Chỉ có thông đạt, hiểu rõ triệt để thì tâm mới định. Vì thế, duyên này khá khó khăn! Có một vị đồng tu sang Đại Lục thăm người thân trở về, [cho biết]: Tại Đại Lục có đồng tu sau khi nghe băng giảng kinh của tôi rất hoan hỷ, cậy người ấy cầm về hai ngàn Nhân Dân Tệ, đổi thành tiền Đài Loan là một vạn đồng, giao cho tôi in kinh, chẳng [ghi lại] tên họ, địa chỉ. Đích xác là người tu hành thật sự, là người thật sự phát tâm! Cơ duyên càng khó gặp, càng quý trọng. Chúng ta ở bên này có quá nhiều cơ hội. Hôm nay chẳng nghe [giảng kinh], hãy còn có ngày mai. Năm nay chẳng nghe, hãy còn có năm sau, biếng nhác, buông lung! Do cơ duyên chẳng dễ gặp gỡ, cho nên hết sức quý trọng, hết sức trân quý, người như vậy bèn thành tựu. Tuy chúng tôi chẳng có cơ hội sang bên kia gặp họ giảng kinh, họ vâng theo lời giảng trong băng thâu âm để tu hành, bèn cảm thấy hết sức thỏa mãn.
Không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn chẳng dễ làm được, nhưng phải hiểu: Nếu quý vị mong vãng sanh, chẳng làm như vậy (chẳng hoài nghi, chẳng xen tạp, chẳng gián đoạn) thì sẽ không được. Nếu quý vị mong niệm Phật đến mức nhất tâm bất loạn thì cũng chẳng thể nào không thực hiện [những điều ấy]. Thật sự làm được, thưa cùng chư vị, vui sướng khôn sánh! Thật sự làm được, sẽ chuyển phàm thành thánh. Tuy quý vị chưa đoạn Kiến Tư phiền não, ngay cả bậc đã chứng Sơ Quả trong Tiểu Thừa cũng chẳng bằng [quý vị]! Nhưng thật sự đạt được công phu thành phiến, xác thực là quý vị chẳng có phiền não. Vì sao? Phật hiệu từng tiếng nối tiếp nhau, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, phiền não chẳng thấm vào được. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tham, sân, si, mạn chẳng khởi, cảnh giới ấy chính là thánh nhân. Nay quý vị chưa ra đi, nói thật ra, quý vị đã là Bồ Tát trong thế giới Cực Lạc, đã chẳng còn là phàm phu trong lục đạo. Khi nào sẽ chuyển phàm thành thánh? Khi quý vị niệm tới mức vọng tưởng, chấp trước chẳng thấm vào, tức là đã trở thành thánh nhân, là Bồ Tát. Bồ Tát và phàm phu sai khác ở ngay chỗ này! Phàm phu vẫn thường dấy vọng tưởng, Bồ Tát chẳng có vọng tưởng, chẳng có tạp niệm, niệm niệm đều là A Di Đà Phật, niệm niệm là kinh Vô Lượng Thọ. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta xử sự, đãi người, tiếp vật, tư tưởng và kiến giải hoàn toàn tương ứng với kinh Vô Lượng Thọ. Trong mười hai thời, một câu Phật hiệu chẳng gián đoạn, người ấy là Bồ Tát trong cõi Cực Lạc, chẳng phải là phàm phu. Lời này chẳng phải do tôi nói, mà là do đức Thế Tôn đã nói trong kinh Vô Lượng Thọ, “chẳng phải là phàm nhân”. Chẳng phải là phàm nhân thì phải là Bồ Tát trong cõi Cực Lạc. Bồ Tát trong cõi Cực Lạc cao hơn các Bồ Tát trong những thế giới phương khác quá nhiều! Bồ Tát trong các phương khác chẳng nhất định có thể thành Phật trong một đời, Bồ Tát trong cõi Cực Lạc nhất định thành Phật ngay trong một đời này. Vì thế, các Bồ Tát nơi phương khác chẳng thể sánh bằng! Từ chỗ này, chúng ta bèn hiểu rõ: Chúng ta tu gì? Chính là tu điều này!
Thật sự tu hành thì phải niệm niệm cảnh giác. Quên bẵng Phật hiệu, vọng niệm bèn dấy lên, ngay lập tức sẽ luân hồi sanh tử trong lục đạo, nhất định phải đọa trong ba ác đạo. Thời gian trong ác đạo dài lâu, thời gian trong thiện đạo ngắn ngủi. Nếu thời gian trong thiện đạo lâu dài, rất dễ gặp gỡ hai đường trời, người, thành Phật há phải mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp? Chẳng cần! Thời gian trong ác đạo lâu dài, hễ thoái chuyển, chẳng biết sẽ thoái chuyển đến đâu! Nói thật ra, đúng là phải luôn luôn cảnh giác, niệm niệm cảnh giác. Phải thường dán hai chữ Sanh và Tử do tổ Ấn Quang đã viết ở chỗ chúng ta dễ thấy nhất để thời thời khắc khắc đề cao cảnh giác. Tổ Ấn Quang nói: Người có thể thường nhận biết chính mình sắp chết thì đạo tâm mới có thể kiên cố. Nói “đạo tâm kiên cố” có nghĩa là Phật hiệu thật sự niệm đến mức tịnh niệm tiếp nối.
Tịnh niệm tiếp nối thì quý vị là Bồ Tát trong cõi Cực Lạc. Từ phàm phu chuyển biến thành Bồ Tát trong cõi Cực Lạc, ai nấy đều có cơ hội, ai nấy đều có thể chuyển, vấn đề là bản thân quý vị có chịu chuyển hay không? Tu hành cốt yếu do cá nhân, chẳng cần phải bận tâm đến kẻ khác. Người khác chuyển cũng thế, mà không chuyển cũng vậy, chẳng liên can gì đến ta! Quý vị thường bận lòng dòm ngó người bên cạnh, nói thật thà, chính quý vị sẽ chuyển không được! Người thật sự từ bi, chuyện gì cũng chẳng quản! Chính mình tới Tây Phương thành Phật, hoặc làm Bồ Tát trước; sau đấy mới thả chiếc bè Từ trở lại cứu độ chúng sanh. Đó là thật sự từ bi, thật sự trí huệ.
(Diễn) Hựu dĩ tâm duyên lịch, tự tự phân minh, thị nhất cú bất loạn.
(演)又以心緣歷,字字分明,是一句不亂。
(Diễn: Lại nữa, dùng tâm duyên theo từng chữ rõ ràng chính là “một câu bất loạn”).
Nam-mô A Di Đà Phật, từng chữ phân minh, rõ ràng, trong một câu [Phật hiệu] chẳng xen tạp vọng tưởng, phiền não vào đó. Đó là một câu bất loạn.
(Diễn) Tiền cú, hậu cú tương tục, thị đa cú bất loạn.
(演)前句後句相續,是多句不亂。
(Diễn: Câu trước, câu sau tiếp nối là nhiều câu bất loạn).
Ta niệm một trăm câu, niệm một ngàn câu, niệm Phật nhớ số bằng cách dùng tràng hạt, đấy là nhiều câu bất loạn.
(Diễn) Bất vị tham, sân đẳng tạp loạn, thị đối cảnh bất loạn dã.
(演)不為貪瞋等雜亂,是對境不亂也。
(Diễn: Chẳng bị tạp loạn bởi tham, sân v.v… là đối trước cảnh chẳng loạn).
Sáu căn đối ứng cảnh giới sáu trần, tu nhất tâm bất loạn.
(Diễn) Thành Cụ hạ, dẫn chứng bất loạn.
(演)成具下,引證不亂。
(Diễn: Từ câu “kinh Thành Cụ Quang Minh” trở đi là dẫn chứng về sự bất loạn).
Dẫn kinh Thành Cụ Quang Minh Định Ý để chứng minh.
“Không nhàn tịch mịch nhi nhất kỳ tâm” (Chỗ thanh vắng tĩnh mịch chuyên nhất cái tâm): Khi thanh vắng, tĩnh mịch, bèn nhất tâm bất loạn. Hoàn cảnh thanh tịnh chẳng có ai quấy nhiễu; khi ấy, tâm địa quý vị thanh tịnh, công phu niệm Phật hiệu rất đúng nề nếp, niệm đến mức tịnh niệm tiếp nối. “Tại chúng phiền não nhi nhất kỳ tâm” (Ở trong các phiền não mà chuyên nhất cái tâm): Ở trong các cảnh giới chẳng như ý, tâm vẫn bất loạn, vẫn dấy lên một câu Phật hiệu. Chúng ta đối ứng với hoàn cảnh nhân sự, “bao” (褒) là được người khác khen ngợi, ca tụng quý vị. “Sán” (訕) là người khác chê cười, hủy báng. “Lợi” (利) là khi quý vị đạt được điều tốt đẹp. “Thất” (失) là khi quý vị bị tổn thất, mất mát tài vật hoặc địa vị. “Giai nhất kỳ tâm” (Đều chuyên nhất cái tâm), tám gió thổi chẳng động. Đối trước hết thảy các cảnh giới bên ngoài, thuận cảnh hay nghịch cảnh cũng có thể niệm đến mức nhất tâm bất loạn. “Không nhàn tịch mịch” là thuận cảnh, “chúng phiền não” là nghịch cảnh. “Bao san lợi thất thiện ác đẳng xứ” (Những chỗ khen, chê, được lợi, mất mát, thiện, ác v.v…) là nói tới hoàn cảnh nhân sự. Bất luận trong hoàn cảnh nhân sự hay hoàn cảnh vật chất, từ đầu đến cuối gìn giữ một câu Phật hiệu, câu trước câu sau tiếp nối chẳng ngừng, sẽ thành công.
Do đó, chỗ hay của pháp môn này là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều có thể tu, dễ dàng hơn các pháp môn khác. Quý vị mong tu Thiền, Thiền Định, đích xác là phải [ở nơi] thanh vắng, tĩnh mịch thì mới tọa Thiền hay tham Thiền được! Nếu trong hoàn cảnh nhiễu loạn, cũng chẳng dễ dàng tĩnh tọa cho lắm! Chỗ này của chúng ta chỉ có thể làm giảng đường, chẳng thể làm Thiền đường, tạp âm bên ngoài quá nhiều, quấy nhiễu quá nhiều. Thiền đường quyết định chẳng thể bị hoàn cảnh bên ngoài quấy nhiễu. Hễ có quấy nhiễu, khi người nhập Định chẳng cẩn thận, dễ nhập ma cảnh. Khi tâm người ấy tột bậc thanh tịnh, đối với âm thanh của người đi đường bên ngoài, chúng ta cảm thấy rất bình thường, người đó nghe âm thanh ấy sẽ thấy rất khó chịu. Trong khi vắng lặng, chỗ ngồi Thiền chỉ có một con bọ chét rớt xuống đất, ngã gãy chân, đau đớn, kêu gào tại đó, âm thanh cực vi tế ấy [người ngồi Thiền] sẽ nghe rất rõ ràng. Khi có người đang đi đường rống lên một tiếng lớn, người [tọa Thiền] ấy kinh hoảng liền xảy ra chuyện, bị ma dựa! Do vậy, ngoài Thiền đường có người tuần liêu trông nom. Một Niệm Phật Đường chân chánh cũng là như thế, quyết định chẳng thể bị quấy nhiễu, nhất định phải là hoàn cảnh rất thanh tịnh. Nhưng niệm Phật thuận tiện quá nhiều, chỉ cần sao cho câu này tiếp nối câu kia chẳng dứt; [niệm] lớn tiếng hay nhỏ tiếng chẳng sao hết. Hoàn cảnh thanh tịnh rất tốt, không thanh tịnh vẫn có thể niệm, chẳng gặp trở ngại rất lớn, điều này khó có! Hết thảy chư Phật đặc biệt ca ngợi pháp môn này quả thật là rất có lý.
(Sao) Sự thượng tức đắc, Lý thượng vị triệt.
(鈔)事上即得,理上未徹。
(Sao: Đã đạt về Sự, nhưng chưa thấu triệt Lý).
Xét theo Sự, người ấy đã đắc Định. Tuy đắc Định, trong tâm chẳng có vọng tưởng, chấp trước, cũng có thể nói tâm ấy chẳng tạp, chẳng loạn, chẳng nhiễm. Chẳng tạp, chẳng loạn, chẳng nhiễm là Định, đó là Niệm Phật tam-muội, nhưng người ấy chưa khai ngộ. Vì thế, “Lý thượng vị triệt” (chưa thấu triệt Lý).
(Sao) Duy đắc Tín Lực, vị kiến đạo cố, danh Sự nhất tâm dã.
(鈔)惟得信力,未見道故,名事一心也。
(Sao: Chỉ đắc Tín Lực, do chưa kiến đạo, nên gọi là Sự nhất tâm).
Người ấy đắc Tín Lực, chưa kiến đạo. Đạo là Chân Như bản tánh. Người ấy đã đoạn Kiến Tư phiền não, thậm chí Trần Sa phiền não cũng đoạn, [nhưng] vô minh còn chưa phá. Khi nào phá một phẩm vô minh, chứng một phần bản tánh, trí huệ bèn mở mang, bèn nhập Lý nhất tâm, thì chẳng gọi là Sự nhất tâm. Do vì lẽ này, người ấy thuộc về Niệm Phật tam-muội.
(Sao) Ngôn Định giả, dĩ phục vọng cố; vô huệ giả, dĩ vị năng phá vọng cố.
(鈔)言定者,以伏妄故;無慧者,以未能破妄故。
(Sao: Nói là Định vì đã chế phục vọng, [bảo là] chẳng có Huệ là do chưa thể phá vọng).
“Vọng” (妄) là vọng tưởng, chấp trước, chúng ta cũng gọi nó là Kiến Tư phiền não. [Đối với người đã đắc Sự nhất tâm bất loạn], một câu Phật hiệu có thể chế phục, nhưng chẳng đoạn trừ [Kiến Tư phiền não]. Chúng ta thường nói A La Hán đã đoạn Kiến Tư phiền não, thật ra, có phải là A La Hán đã thật sự đã đoạn hết hay chưa? Có thể nói là Ngài đã đoạn; vì sao? Phiền não vĩnh viễn chẳng còn khởi tác dụng nữa. Căn cội phiền não có còn hay không? Căn cội vẫn còn! Căn cội hoàn toàn chẳng đoạn, nhưng do Ngài công phu Thiền Định sâu xa, chẳng mất Định, có thể vĩnh viễn khống chế [phiền não], chẳng cho chúng nó khởi tác dụng. Đến khi nào thì mới chẳng còn có căn cội phiền não? Nhất định phải là khai trí huệ. Khai trí huệ thì phiền não có còn hay không? Vẫn còn, nhưng phiền não bị biến chất, biến thành Bồ Đề. Vì thế, phiền não tức là Bồ Đề. Khi mê, Bồ Đề biến thành phiền não, một mai minh tâm kiến tánh, phiền não lại biến thành Bồ Đề. Nói cách khác, cảnh giới của A La Hán và Bích Chi Phật là đã khống chế phiền não, nhưng chẳng có cách nào biến chúng thành Bồ Đề. Vì thế, phiền não và Bồ Đề là cùng một thứ, chẳng phải là hai thứ, chuyển biến đó thôi! Do vậy, nhiều phiền não, sợ gì! Tới khi quý vị đã giác ngộ, Bồ Đề sẽ nhiều, đúng không? Chuyện là như vậy đó! Bồ Đề là trí huệ, trí huệ bèn nhiều. Nếu quý vị chẳng biết chuyển biến, phiền não luôn luôn là phiền não, quý vị vẫn phải chịu khổ, mắc nạn. Một mai chuyển biến, sẽ là đại tự tại, dùng trí huệ ấy để hoằng pháp lợi sanh. Hết thảy chúng sanh có phiền não kỳ quái kiểu nào đi nữa, Phật, Bồ Tát đều biết. Vì sao? Vì trong quá khứ các Ngài cũng có; nhưng các Ngài đã chuyển biến trọn hết phiền não thành trí huệ, trí huệ có thể giải quyết vấn đề. Đó là chế phục vọng. “Vô huệ giả, dĩ vị năng phá vọng cố” (Chẳng có huệ là vì chưa thể phá vọng). Huệ thật sự là chuyển vọng tưởng thành trí huệ.
(Sớ) Lý nhất tâm giả.
(疏)理一心者。
(Sớ: Lý nhất tâm là…).
Trong phần trên là nói về Sự nhất tâm, ở đây, giảng về Lý nhất tâm.
(Sớ) Như tiền thể cứu, hoạch tự bổn tâm, cố danh nhất tâm.
(疏)如前體究,獲自本心,故名一心。
(Sớ: [Do] thể cứu như trong phần trước [đã nói] mà đạt được bổn tâm, nên gọi là nhất tâm).
Đầu tiên, giải thích Lý nhất tâm. Lý nhất tâm chẳng tu từ mặt Sự.
Niệm A Di Đà Phật, niệm này tiếp nối niệm kia, chẳng để cho tạp niệm xen tạp trong đó, chẳng hoài nghi, không gián đoạn, không xen tạp, thuộc về Sự tu (tu theo mặt Sự). Thoạt nhìn, tu theo Lý dễ dàng hơn tu theo Sự, chẳng cần phải niệm nhọc nhằn dường ấy. Nhưng chư vị phải hiểu: Vất vả kiểu đó, suốt ngày từ sáng đến tối lần chuỗi niệm Phật hiệu; niệm đến mức thật sự chẳng hoài nghi, không gián đoạn, không xen tạp, xét theo mặt Sự, mỗi cá nhân đều có thể thành công. Hành theo Lý, phải có túc căn, chẳng phải là ai nấy đều có thể làm được! Đó gọi là “vừa tiếp xúc Phật pháp bèn hoát nhiên khai ngộ”. Trong một đời này, quý vị thấy mấy ai khai ngộ? Nhìn vào lịch sử Trung Hoa, chúng ta thấy rõ ràng nhất. Lục Tổ Huệ Năng đại sư là một [trong số đó], vừa nghe bèn khai ngộ; những vị khác, tối thiểu cũng phải tu dăm ba năm mới khai ngộ, chẳng phải là vừa tiếp xúc bèn khai ngộ. Do vậy có thể biết, căn tánh mỗi người khác nhau, điều này chẳng thể miễn cưỡng.
“Nhân quý tự tri” [nghĩa là] kẻ đáng khen nhất chính là người tự biết mình. Chính mình hiểu mình, quý vị sẽ giữ bổn phận. Một người có thể tuân thủ bổn phận, suốt một đời này, sẽ sống bình an, hạnh phúc, sẽ chẳng tạo tội nghiệp. Vào thời cổ, giáo dục tại Trung Hoa nhằm dạy quý vị nhận biết chính mình, nhận biết hoàn cảnh. Nói theo Phật pháp là vũ trụ và nhân sinh, nhân sinh là chính mình, vũ trụ là hoàn cảnh sống. Triệt để thông đạt, hiểu rõ, biết chúng ta sống trên cõi đời, trong vài chục năm ấy, phải biết làm người như thế nào, thì trong đời này, chúng ta mới có thể đạt đến hạnh phúc thật sự. Đó là giáo dục, tuyệt đối chẳng thể bộp chộp làm xằng, tuyệt đối chẳng thể không tuân thủ bổn phận. Nho gia dạy chúng ta Ngũ Luân, Thập Nghĩa. “Nghĩa” (義) là quý vị hãy nên làm như thế nào. Điều thứ nhất trong Ngũ Luân (五倫) là chồng vợ. Chồng phải nên làm chồng ra sao? Vợ phải nên làm vợ như thế nào? Giống như biểu diễn trên sân khấu, phải biểu diễn cho giống! Đều phải đạt tới tiêu chuẩn. Cha con: Làm cha phải nên làm giống như một người cha; làm con phải nên [cư xử sao cho] ra dáng một đứa con. Anh em, vua tôi, bạn bè, ai nấy đều gìn giữ bổn phận của chính mình, trọn hết nghĩa vụ cá nhân, gia đình sẽ mỹ mãn, xã hội hài hòa, quốc gia cường thịnh, thế giới đại đồng. Giáo dục xưa kia nhắm đến mục tiêu ấy, ai nấy đều hạnh phúc, toàn thể nhân loại hạnh phúc, đều do coi trọng chuyện này.
Vì sao xã hội hiện thời rối loạn dường ấy? Người ta chẳng biết bổn phận của chính mình, chẳng biết mình phải nên làm những gì trong thế gian này. Thấy người khác muốn làm, ta cũng muốn làm, khó lắm! Một quốc gia chỉ có một Tổng Thống, ông ta làm [Tổng Thống], ta cũng muốn làm, ông ta cũng muốn làm, sẽ như thế nào? Đánh nhau! Đánh đến nỗi toác đầu tươm máu, thế giới loạn tùng phèo! Trước kia, [người nắm giữ địa vị cai trị] do ai làm? Kẻ có phước báo to lớn làm; kẻ ấy có phước, có trí huệ, mọi người hưởng phước của kẻ ấy. Người hiện thời chẳng đọc sách [thánh hiền], chẳng tin tưởng lời này; chứ người đọc sách thời cổ tin tưởng. Trong gia đình, người làm Đương Gia (當家: người tổng quản trị trong một gia tộc hoặc một đoàn thể) là do anh em đông, nói chung là chọn lựa một người làm Đương Gia. Người làm Đương Gia có trí huệ, có phước, người một nhà hoặc người cùng dòng họ hưởng phước của người ấy. Người lãnh đạo một quốc gia có phước, người dân trong nước hưởng phước của vị lãnh đạo ấy. Người có phước được mọi người kính phục, nghe lời, ưa chuộng người ấy. Đó là có phước. Làm người lãnh đạo mà kẻ dưới chẳng nghe lời, chẳng phục quý vị, chẳng có phước! Chẳng có phước sẽ ngay lập tức rút lui, chẳng rút lui sẽ tạo tội nghiệp. Hiện thời, mọi người chẳng nói đến chuyện này, cảm thấy “ngươi có khả năng, ta còn có khả năng hơn ngươi”. Chuyện này chẳng phải là có khả năng hay không, mà là phước báo, đặc biệt là kẻ làm lãnh tụ. Tiên sinh Tôn Trung Sơn đã luận về lãnh tụ rất hay: Lãnh tụ chẳng cần có năng lực, lãnh tụ phải có quyền, cán bộ cấp dưới của lãnh tụ phải có năng lực. Vì sao? Họ là những kẻ chấp hành, làm việc. Nói theo Phật pháp, hoặc nói theo Nho gia, chẳng phải là nói tới chuyện “có quyền”, [mà là nói] phải “có phước”, tu phước! Nói thật ra, có phước thì sẽ có quyền, có quyền chẳng nhất định là có phước! Có phước thì mọi người nghe lời, tuân phục quý vị, đó là “quyền”. Ai nấy đều nghe lời, chẳng chống trái.
Nếu muốn làm người lãnh đạo, hãy tu theo cách nào? Đoạn ác, tu thiện, tích lũy công đức. Chư vị phải biết: Một vị lãnh tụ do thiện căn, phước đức đã tu tập từ nhiều đời nhiều kiếp, làm sao có thể tranh chấp cho được? Trong đời quá khứ, người ấy đã vun bồi sâu dầy như vậy, ta chẳng bằng kẻ ấy, há có thể tranh ư? Ta có trí huệ vừa có năng lực, thậm chí ta nêu ra chủ ý, thực hiện những chánh sách còn tốt đẹp hơn người ấy, nhưng chẳng có ai nghe theo ta, đó là thiếu phước báo! Chẳng có phước báo, làm sao có thể tranh cho được? Chẳng thể tranh! Người thuở trước hiểu rõ đạo lý này, tuân thủ bổn phận, không tranh giành, xã hội mới thật sự đạt đến an hòa, lợi lạc. Trong quá khứ, tuyển lựa người hiền đức và có khả năng, người được tuyển còn chưa chắc đã chịu đi [làm quan]. Vì sao? Trách nhiệm quá lớn, là chuyện rất vất vả, chẳng ai bằng lòng làm! Nếu quý vị thật sự làm một công chức, tuân thủ pháp luật và lẽ công chính, được đãi ngộ rất đơn bạc, làm bất cứ nghề nào [khác] cũng có nhiều lợi nhuận hơn! Ai chịu làm chuyện nhọc nhằn đó? Đều là những kẻ thật sự có học vấn, có đạo đức, hy sinh, phụng hiến, dấn thân làm việc thay cho đại chúng. Khi đến tuổi về hưu, hai tay áo nhẹ tênh, chẳng sở hữu gì, lưu tiếng thơm trong lịch sử mà thôi! Người đời sau tán thán người ấy, trừ chuyện ấy ra, người ấy đạt được gì? Nói thật ra, chết rồi cũng chẳng biết luân hồi trong đường nào. Chẳng giống như hiện thời, mọi người giành nhau làm quan, xưa kia chẳng có ai muốn làm, người đầu óc thật sự sáng suốt sẽ chẳng làm. Đừng nói là ra tranh cử, quý vị đưa tôi lên làm Tổng Thống, tôi cũng chẳng làm. Tôi cảm thấy khổ quá, ràng buộc quá, đi đường còn phải có người bảo vệ, chẳng thuận tiện! Người chẳng muốn gặp, hằng ngày vẫn phải bắt tay, mệt quá đi! Hằng ngày họp hành mệt chết luôn! Chẳng thể làm chuyện ấy. Vui sướng nhất là làm dân đen. Những người ấy tạo phước, dân chúng hưởng phước, phải hiểu rõ đạo lý này. Trong một đoàn thể cũng là như thế, Trụ Trì, Đương Gia, Chấp Sự trong chùa chiền là người tạo phước, thanh chúng (đại chúng tu hành thanh tịnh) là kẻ hưởng phước. Những người phụ trách chiếu cố quý vị mọi mặt, quý vị mới có thể an tâm tu đạo.
Do vậy có thể biết: Thiện căn, phước đức, nhân duyên của mỗi cá nhân khác nhau, chẳng có cách nào nói đến chuyện bình đẳng được! Do tu tập và tích lũy trong đời quá khứ [mà thành ra như thế], quý vị làm sao nói bình đẳng cho được? Do vậy, đức Thế Tôn tuyên thuyết một pháp môn bình đẳng thành Phật, chẳng có ai tin tưởng. Về căn bản là chẳng thể nào bình đẳng, há có thể bình đẳng thành Phật ư? Chẳng có ai tin tưởng. Do vậy, người thâm nhập kinh tạng tuyệt đối chẳng thể tin tưởng pháp môn này. Nói thật ra, pháp môn này lý luận quá sâu, trong Đại Kinh đã nói rõ ràng: Nếu chẳng do chư Phật Như Lai gia trì, chúng sanh thuộc chín pháp giới cậy vào năng lực của chính mình sẽ chẳng có cách nào lý giải. Giáo Hạ chấp trước giáo tướng, [sẽ cảm thấy]: Thiện căn, phước đức, và nhân duyên của mỗi người trong đời quá khứ đều khác nhau, làm sao có thể bình đẳng thành Phật cho được? Nói chẳng suông! Họ chẳng hiểu lý luận này được kiến lập trên Chân Như bản tánh, tánh là bình đẳng, kiến lập từ nơi Lý, chẳng phải là kiến lập nơi Sự, đấy mới là bình đẳng thật sự. Do đó, câu Phật hiệu thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Câu Phật hiệu là tên gọi của Chân Như bản tánh. Cái tâm năng niệm là Thỉ Giác, đức Phật được niệm là Bổn Giác. Người hiểu đạo lý này rất ít, người có thể tiếp nhận càng ít hơn! Nếu chúng ta muốn trong cuộc đời này sống rất hạnh phúc, bình an, đạo nghiệp có thể quyết định thành tựu, thì phải nhận biết chính mình, phải nhận biết hoàn cảnh. Thật sự nhận biết, tâm sẽ bình, chẳng có tham, sân, ghen tỵ, chẳng còn có những cái tâm và những vọng tưởng ấy. Người nào thiện căn sâu dầy, bèn xin họ làm nhiều chuyện hơn cho chúng ta. Chúng ta là những kẻ ít thiện căn, phước đức kém hơn bèn hưởng phước nhiều hơn đôi chút. Người thiện căn và phước đức nhiều hãy thay chúng tôi tạo nhiều phước hơn, sẽ chẳng có tranh chấp. Đó là học vấn thật sự, cổ nhân nói “học vấn thâm thời, ý khí bình” (khi học vấn sâu đậm, ý khí sẽ bình ổn).
“Thể cứu”: Thể Cứu là sử dụng chân tâm. Vọng tâm chẳng phải là Thể, chân tâm mới là bản thể. Thể (體) là nói tới chân tâm, bản tánh, Cứu (究) là hiểu rõ. Thể Cứu như thế nào? Thiền gia nói rất hay: “Ly tâm ý thức tham” (Lìa cái tâm ý thức để tham cứu), đó là Thể Cứu. Quý vị sử dụng tâm ý thức, sẽ rơi vào Sự, chẳng phải là Thể. Rốt cuộc tâm ý thức là gì? Nói thô thiển nhất, Thức là thức thứ sáu, tức ý thức, có đặc tánh phân biệt, thức thứ bảy là Mạt Na có tánh chất chấp trước, thức thứ tám là A Lại Da có tác dụng giữ lại ấn tượng. Lìa tâm ý thức là chẳng phân biệt, không chấp trước, không giữ lại ấn tượng, đó mới gọi là Thể Cứu. Chúng ta vẫn dùng tâm ý thức, chắc chắn chẳng thể làm được hai chữ Thể Cứu. Như tham Thiền phải lìa tâm ý thức thì mới có thể minh tâm kiến tánh; Giáo Hạ nói là “đại khai viên giải”. Làm như thế nào thì mới có thể đạt tới đại khai viên giải? Cũng phải lìa tâm ý thức. Lìa tâm ý thức thì quý vị mới thật sự hiểu rõ, thông đạt ý nghĩa chân thật của Như Lai. Nói cách khác, chỉ cần quý vị sử dụng tâm ý thức, chắc chắn là quý vị sẽ chẳng hiểu ý nghĩa chân thật của Như Lai. Quý vị đọc kinh bèn đoán mò, đại khái là ý nghĩa này, phỏng chừng là ý nghĩa nọ, hoàn toàn là phỏng đoán sai lầm, vẫn cứ ngỡ mình là chánh xác!
Không chỉ là quý vị suy đoán, cổ đại đức cũng suy đoán. Liên Trì đại sư có một tác phẩm chú giải kinh Lăng Nghiêm, Ngài chẳng giải thích dựa trên từng câu kinh văn một. Tác phẩm của Ngài thuộc thể loại Luận, có tựa đề là Lăng Nghiêm Mô Tượng Ký (楞嚴摸象記: những ghi chép sờ voi về kinh Lăng Nghiêm), [ý nói giống như] kẻ mù sờ voi, mỗi người mò trúng một bộ phận, chẳng biết toàn thể. Mò phải chân voi, [bèn kết luận] voi giống như cây cột. Mò trúng đuôi voi, [cứ ngỡ] voi giống như cái chổi xể. Họ có nói đúng hay không? Quý vị chẳng thể bảo họ không đúng, họ [chỉ nói] đúng một bộ phận. Họ thật sự chạm vào voi, bất quá chẳng thấy voi hoàn toàn đúng. Người hiện thời mò trúng một khối đá lớn bèn ngỡ là voi, hỏng bét, hoàn toàn sai lầm, còn kém người mù sờ voi quá xa! Điều này cho thấy người thuộc thế hệ chúng ta chẳng có phước báo, chẳng có người tu hành thật sự. Lìa tâm ý thức thì mới có thể hiểu ý nghĩa của kinh. Chẳng lìa tâm ý thức, trong tâm còn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, quý vị mong hiểu ý Phật sẽ là chuyện chẳng thể được! Mọi người cầm lấy kinh điển suy đoán vung vít. Nếu suy đoán như thế bèn tiếp tục không ngừng, suy đoán mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, dần dần họ sẽ mò được, dần dần sẽ phát hiện có thể mò được, chứ trong một thời gian ngắn bèn chẳng mò được. Vì họ làm như vậy trong một thời gian dài, không ngừng sửa đổi, cải tiến, cuối cùng sẽ phát hiện. Nếu chẳng phải là trong một thời gian dài, sẽ rất khó phát hiện sai lầm của chính mình. Tự mình chẳng biết chính mình sai lầm, sửa chữa từ chỗ nào? Vĩnh viễn sai lầm, điều này hết sức đáng sợ.
Chư vị phải hiểu: Niệm Phật cũng phải lìa tâm ý thức, cớ sao nói cũng phải lìa? Lý nhất tâm thì phải lìa. Chẳng lìa tâm ý thức chính là Sự nhất tâm. Nói cách khác, trong các pháp môn khác, nếu chẳng lìa tâm ý thức, quyết định chẳng thể thành tựu. Trong pháp môn này, chẳng lìa tâm ý thức vẫn có thể vãng sanh, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ tiếp tục làm chuyện ấy. Như vậy là quá sức thuận tiện, pháp môn này thù thắng ở ngay chỗ này! Lìa tâm ý thức vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới chính là [sanh vào] cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Chẳng lìa tâm ý thức, sanh đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, có thể vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, hoặc cõi Phương Tiện Hữu Dư. Chúng ta mới biết vì sao phải chọn lựa pháp môn này, do chúng ta chẳng có cách nào lìa tâm ý thức. Người nào có bản lãnh ấy, trong cuộc sống hằng ngày, xử sự, đãi người, tiếp vật, ta chẳng phân biệt, không chấp trước, không giữ lại ấn tượng, ai có thể làm được? Nói thì hay lắm, nhưng chẳng làm được! Nếu ta có thể làm được, sẽ chẳng niệm Phật, chẳng học pháp môn này. Suy nghĩ, [sẽ thấy rõ là] chẳng làm được! Làm không được thì như thế nào? Vẫn đới nghiệp vãng sanh! Chuyện này có thể nắm chắc, có thể làm được. Đới nghiệp là mang theo phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, ta có thể mang theo những thứ ấy vãng sanh, ta có thể làm được chuyện này. Chẳng mang theo những thứ ấy, ta chẳng làm được. Nhưng ở chỗ này, phải hiểu Lý, chẳng làm được thì [vẫn là] chẳng làm được, nhưng chẳng thể không biết! Đã biết thì đến Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ còn biết nâng cao phẩm vị của chính mình, sẽ chẳng “được chút ít bèn cho là đủ”!
(Sớ) Ư trung phục nhị.
(疏)於中復二。
(Sớ: Trong ấy lại có hai loại).
Trong Thể Cứu có hai loại.
(Sớ) Nhất giả, liễu tri năng niệm, sở niệm, cánh phi nhị vật, duy nhất tâm cố.
(疏)一者,了知能念所念,更非二物,唯一心故。
(Sớ: Một là biết rõ năng niệm và sở niệm trọn chẳng phải là hai vật, vì chỉ là nhất tâm).
“Năng niệm” (Chủ thể niệm) là tâm, “sở niệm” (đối tượng được niệm) là y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Năng niệm và sở niệm là cùng một thứ, đều là tự tánh. Do đâu mà có y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới? Do tự tánh biến hiện, chính là cái được gọi là “duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà”.
(Diễn) Năng niệm, sở niệm cánh phi nhị vật giả, dĩ sở niệm giả Phật, thị tức Bổn Giác chi Lý.
(演)能念所念更非二物者,以所念者佛,是即本覺之理。
(Diễn: “Năng niệm và sở niệm chẳng phải là hai vật”: Do đức Phật được niệm chính là Lý Bổn Giác).
Đấy là tự tánh Di Đà.
(Diễn) Năng niệm giả tâm, thị tức Thỉ Giác chi trí. Nhược năng Thỉ Bổn hợp nhất, phương liễu năng sở bất nhị.
(演)能念者心,是即始覺之智。若能始本合一,方了能所不二。
(Diễn: Năng niệm là tâm, chính là trí Thỉ Giác. Nếu có thể hợp
nhất Thỉ Giác và Bổn Giác thì mới có thể hiểu rõ Năng và Sở chẳng hai).
Khi nào quý vị giác ngộ Thỉ Giác và Bổn Giác là cùng một chuyện thì Tự và Tha chẳng hai. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong thế giới Tây Phương cùng cái tâm năng niệm của chính mình chẳng hai. Nếu chúng ta hỏi: Sâm la vạn tượng trước mắt chúng ta trong thế giới này và tự tánh là một hay là hai? Cũng là chẳng hai. Tận hư không khắp pháp giới là một tự tánh. Cảnh giới triệt ngộ trong Thiền Tông có thể nói thành một câu: “Tận hư không khắp pháp giới là một con mắt của sa-môn”, đó chính là Tự và Tha là một, không hai. Đến lúc đó, chư vị ngẫm xem, quý vị còn có thể đối lập cùng hết thảy vạn pháp ư? Chẳng thể! Quý vị còn có thể có thị phi, nhân ngã hay không? Chẳng có. Toàn bộ tất cả hết thảy vọng tưởng, tạp niệm đều chẳng có. Đấy là sự thật, là chân tướng. Kinh Bát Nhã nói “chư pháp Thật Tướng”, đó là tướng chân thật, chẳng giả tí nào! Nhập cảnh giới ấy chính là minh tâm kiến tánh, được gọi là “kiến tánh thành Phật”. Nếu quý vị hỏi khi nào sẽ thành Phật ư? Khi nào tận hư không khắp pháp giới và chính mình là một khối, trở thành một, bèn gọi là thành Phật. Nếu còn cảm thấy có ta, có quý vị, có người khác, chắc chắn sẽ là lục đạo phàm phu, ngay cả Tiểu Thừa A La Hán vẫn chưa chứng đắc. Tiểu Thừa A La Hán đã chẳng có ngươi, ta, kẻ khác. Đã phá trừ Ngã Chấp, nhưng các Ngài còn có tâm, có pháp, có tâm năng niệm, có pháp sở niệm (pháp được niệm), vẫn chưa thể hợp thành một. Đó là Tiểu Thừa, có Năng và Sở, Năng và Sở chưa thể hợp thành một. Hợp thành một thứ, sẽ là Đại Thừa Bồ Tát, đấy là kiến tánh thành Phật.
Tiểu Thừa đã phá Ngã Chấp; do vậy, trong kinh luận, đức Phật thường nhắc nhở chúng ta: Khởi tâm động niệm đừng nghĩ tới chính mình. Nghĩ tới chính mình bèn tăng trưởng Ngã Chấp, đấy chẳng phải là thiện pháp, mà là ác pháp, là chướng ngại, là nghiệp chướng lớn nhất. Khởi tâm động niệm đều nghĩ đến ta, thậm chí còn nói “phái của ta, đảng của ta”, càng hỏng bét! Ta cùng kẻ khác đối lập, tạo tội nghiệp ngày càng sâu hơn, phải vào ba ác đạo. Khổng Tử nói: “Nhân giả vô địch” (Người nhân từ chẳng có kẻ đối địch), “Địch” (敵) là đối địch. Một người nhân từ thì trong tâm chẳng có kẻ đối lập, suốt một đời người ấy vĩnh viễn chẳng có oan gia đối đầu, người ấy chẳng đối lập với kẻ khác. Phật pháp nói từ bi, so với lòng Nhân, từ bi còn được giảng tinh vi hơn. Khởi tâm động niệm đối lập kẻ khác, đó là phàm phu ngu muội, phàm phu bậc thấp, quả báo trong tương lai là ác đạo, chẳng phải là hai đường nhân, thiên.
Nho gia nói Ngũ Thường (五常). Điều thứ nhất trong Ngũ Thường là Nhân, [Ngũ Thường là] nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Người ta thường có oan gia đối đầu, [là do vì] vẫn còn vạch giới hạn đối lập với người khác. Hễ có lòng Nhân, sẽ chẳng có [oan gia, chẳng có giới hạn đối lập]. Sau khi đã bị thiếu khuyết Ngũ Thường, đời sau chẳng được làm thân người. Ngũ Thường chính là Ngũ Giới trong nhà Phật, giữ năm giới thì đời sau có thể được làm thân người. Kẻ chẳng phải là đệ tử Phật, nhưng vâng giữ giáo dục đạo đức luân thường của Nho gia cũng có thể được làm thân người.
Đời người rất ngắn, cớ gì chẳng thể chung sống với người khác? Cần gì cứ phải đối lập với người ta? Nhường nhịn, nhường một bước là được rồi, chớ nên đối lập. Người chẳng học Phật sẽ không biết, người thật sự học Phật đầu óc sáng tỏ, quan sát vi tế: Phá Ngũ Giới, đánh mất Ngũ Thường thì đời sau chẳng được làm thân người. Nay tuy là người, nhưng đã ghi danh, nhập sổ bộ trong ba ác đạo, chẳng bao lâu phải đi trình diện, người đáng thương như vậy, quý vị có còn tranh đua với họ nữa chăng? Chúng ta thương xót còn chẳng kịp, chớ nên tranh giành cùng họ. Họ vạch giới tuyến với ta, ta chẳng vạch giới tuyến với họ. Họ coi ta là kẻ đối địch, ta chẳng đối địch họ, đó là người học Phật. Gia đình cũng thế, mà đoàn thể cũng thế, quốc gia cũng thế, hễ có kẻ đối địch, phiền phức sẽ đưa đến, chẳng thể nào có hạnh phúc!
(Sớ) Nhị giả, phi hữu, phi vô, phi diệc hữu diệc vô, phi phi hữu phi vô, ly ư tứ cú, duy nhất tâm cố. Thử thuần Lý Quán, bất chuyên sự tướng, quán lực thành tựu, danh Lý nhất tâm, thuộc Huệ môn nhiếp, kiêm đắc Định cố.
(疏)二者,非有,非無,非亦有亦無,非非有非無,離於四句,唯一心故。此純理觀,不專事相,觀力成就,名理一心,屬慧門攝,兼得定故。
(Sớ: Hai là “chẳng có, chẳng không, chẳng phải là cũng có, cũng không, chẳng phải là không phải có, không phải không”, lìa bốn câu, vì chỉ là nhất tâm. Điều này là thuần Lý Quán, không chuyên trọng sự tướng. Quán lực thành tựu, gọi là Lý nhất tâm, thuộc về Huệ môn, kiêm đắc Định).
“Chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải là cũng có, cũng không, chẳng phải là không phải có, không phải không”, được gọi là “lìa bốn câu”. Phật gia thường nói “ly tứ cú, tuyệt bách phi”.
(Diễn) Ly ư tứ cú, duy thị nhất tâm giả, vị ly nhất thiết pháp sai biệt chi tướng.
(演)離於四句,唯是一心者,謂離一切法差別之相。
(Diễn: “Lìa bốn câu, chỉ là nhất tâm”, ý nói: Lìa tướng sai biệt của hết thảy các pháp).
Hết thảy các pháp có sai biệt hay không? Có sai biệt! Vì sao có sai biệt? Duyên bất đồng. Hết thảy các pháp đều sanh bởi duyên. Pháp sanh bởi nhân duyên, mà duyên bất đồng, đương nhiên là có sai biệt bất đồng, nhưng tâm chẳng bất đồng, tâm giống như nhau. Quý vị dùng cái tâm thanh tịnh để nhìn hết thảy vạn pháp, [sẽ thấy] tướng của hết thảy các pháp là bình đẳng, thanh tịnh. Vì sao? Vì quý vị chẳng có phân biệt. Hễ có phân biệt, sẽ khác hẳn. Trong lúc quý vị chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, vạn pháp bình đẳng, thanh tịnh như nhau, đấy là cảnh giới của chư Phật, Bồ Tát. Vì thế, chư Phật, Bồ Tát chẳng có phiền não, chẳng có chấp trước, chẳng có vọng tưởng, chẳng có ưu lự, chẳng có vướng mắc. Vì sao? Các Ngài chẳng phân biệt, không chấp trước! Phàm phu chúng ta đối với các cảnh giới, do vì phân biệt, chấp trước, nên quý vị sanh phiền não, có ưu lự, có vướng mắc. Nói thật ra, những ưu lự, vướng mắc, phân biệt, chấp trước ấy có thật hay không? Đối với tâm thái và cách làm ấy, quý vị có thể thật sự đạt được gì hay không? Rỗng tuếch, thứ gì cũng chẳng đạt được! Nếu quý vị chẳng tin tưởng, hãy suy nghĩ kỹ càng, đêm ngủ, quý vị có gì hay không? Quý vị được gì trong thế gian này? Đã ngủ say, người ta khiêng quý vị đi cũng chẳng biết, còn được gì nữa đây? Chẳng cần chờ đến chết, ngủ say là đã chết tạm thời, thời gian chết rất ngắn, sau mấy giờ, quý vị sống lại, vẫn chẳng giác ngộ ư? Vốn là người sau khi đã chết, thứ gì cũng chẳng mang theo được, giống như khi ngủ, thứ gì cũng chẳng mang theo được, thứ gì cũng chẳng có!
Vì thế, đối với thế gian này, xác thực là chúng ta chẳng mang theo được gì, chẳng đạt được gì, rỗng tuếch! Chẳng khác gì nằm mộng! Mỗi ngày đều nằm mộng, vì sao chẳng mơ giấc mộng đẹp? Cớ sao nằm ác mộng? Người giác ngộ bèn mơ giấc mộng đẹp, đó là du hý thần thông. Chư Phật, Bồ Tát thị hiện du hý thần thông trên thế gian, mỗi ngày đều có mộng đẹp. Lục đạo phàm phu nằm ác mộng mỗi ngày, chẳng biết chân tướng sự thật của cái được tạo thành, cứ ngỡ hết thảy vạn pháp là thật có, cứ ngỡ cái thân của chính mình là thật có, cho nên mới có Ái, Thủ, Hữu, mới làm những chuyện ấy, mới phân biệt, chấp trước, chẳng biết thân là giả, cảnh giới bên ngoài cũng là không.
(Diễn) Dĩ vô hư vọng tâm niệm cố.
(演)以無虛妄心念故。
(Diễn: Vì chẳng có tâm niệm hư vọng).
Điều trọng yếu nhất là người ấy chẳng có vọng niệm. “Hư vọng tâm niệm” là vọng tưởng, người ấy chẳng có vọng tưởng.
(Diễn) Sở vị Chân Như tự tánh, phi hữu tướng, phi vô tướng, phi phi hữu phi vô tướng, phi hữu vô câu tướng.
(演)所謂真如自性,非有相,非無相,非非有非無相,非有無俱相。
(Diễn: Nói đến Chân Như tự tánh thì nó chẳng phải là có tướng, chẳng phải là không có tướng, chẳng phải là “chẳng phải có, chẳng phải không có tướng”, chẳng phải là “vừa có tướng, vừa vô tướng”).
“Phi hữu vô câu tướng”: Chẳng phải là vừa có vừa không. Đức Phật nói lắm danh từ thuật ngữ dường ấy, đều là từ vọng tưởng của hết thảy chúng sanh. Nếu chúng sanh chẳng có vọng tưởng, đức Phật sẽ chẳng nói một câu nào. Vì quý vị có vọng tưởng, đức Phật mới nói, giống như thầy thuốc chữa bệnh, quý vị chẳng có bệnh, lấy đâu ra thuốc? Chẳng có thuốc! Vì quý vị có bệnh, nên mới có thuốc để đối trị. Chúng sanh có vọng tưởng, đức Phật mới có pháp. Chúng sanh chẳng có vọng tưởng, Phật pháp cũng chẳng có. Kinh Kim Cang nói “pháp còn nên bỏ, huống hồ phi pháp”, “pháp” là Phật pháp.
(Diễn) Y nhất thiết chúng sanh dĩ hữu vọng tâm, niệm niệm phân biệt, giai bất tương ứng, cố thuyết vi Không. Nhược ly vọng tâm, thật vô khả không cố.
(演)依一切眾生以有妄心 ,念念分別 ,皆不相應,故
說為空;若離妄心,實無可空故。
(Diễn: Do hết thảy chúng sanh có vọng tâm, niệm niệm phân biệt, đều chẳng tương ứng, nên nói là Không. Nếu lìa vọng tâm, sẽ thật sự chẳng có gì là không).
Vì quý vị “Có”, đức Phật mới nói “Không”. Chẳng còn “Có” thì đức Phật cũng chẳng thể nói Không được! Phàm những gì có thể nói ra toàn là tương đối, cái bên này được kiến lập thì mới có thể lập ra cái tương đối với nó. Nếu cái bên này chẳng có, cái bên kia cũng chẳng có! Nhà Thiền thường nói: “Ly danh tự tướng, ly tâm duyên tướng, ly ngôn thuyết tướng, đạo nhất cú lai!” (Lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên, lìa tướng ngôn thuyết, hãy nói một câu coi nào!). Ví như đối với thứ này, tôi hỏi quý vị nhé: Lìa tướng tâm duyên, lìa tướng danh tự, lìa tướng ngôn thuyết, quý vị hãy nói một câu cho tôi biết, đó là gì vậy? Thứ này thật sự tồn tại, là chân thật, quý vị có thể nói ra được không? Nói chẳng được! “Nói chẳng được” sẽ là thật, “có thể nói được” là giả! Vì sao là giả? Danh tự do người ta gán cho nó, chẳng phải là cái nó vốn có. “Danh khả danh, phi thường danh” (Cái tên mà có thể gọi ra được, chẳng phải là cái tên thường hằng). Nó chẳng có danh tự, mà cũng chẳng có ngôn thuyết, quý vị có thể nói ra được hay không? Nói chẳng được!
(Diễn) Vô tâm vô niệm Không Huệ tương ứng, cố thuộc Huệ môn. Chư vọng tiêu vong, cố kiêm đắc Định.
(演)無心無念空慧相應,故屬慧門,諸妄消亡,故兼得定。
(Diễn: Vô tâm vô niệm tương ứng với Không Huệ, nên thuộc về Huệ môn. Các vọng tiêu vong, nên kèm thêm đắc Định).
Lý nhất tâm nhất định là đắc Niệm Phật tam-muội, đã đắc Định. Sự nhất tâm thì không nhất định là có Huệ. Người có Huệ nhất định có Định, người có Định chưa chắc đã có Huệ. Lý nhất tâm cao hơn Sự nhất tâm.
Còn như phương pháp tu học Lý nhất tâm thì đoạn tiếp theo sẽ nói rõ. Tuy nói rõ, cũng chỉ có thể dùng làm tham khảo, rất khó tu học. Chúng ta phải nhận biết chính mình, chính mình chẳng có năng lực ấy, hãy nên tu tập theo mặt Sự! Sự tu vẫn có thể vãng sanh y hệt, đừng thấy Lý nhất tâm của người ta là cao, chúng ta chẳng vói tới được! Giống như trèo núi, người ta ngồi xe cáp treo, hoặc ngồi máy bay trực thăng lên núi, chúng ta chẳng có bản lãnh ấy, chỉ đành trèo từ từ, sau một thời gian dài hơn đôi chút, cũng có thể lên đến đỉnh núi. Do vậy, nhất định phải nhận biết chính mình, nhất định phải giữ bổn phận, đạo nghiệp như vậy thì mới có thể thành công. Hôm nay, chúng tôi giảng tới chỗ này!