#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 100
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm tám mươi sáu:
(Sao) Xứng Lý giả, dĩ tức Sự tức Lý. Sở vị, tổng cai vạn hữu, tức thị nhất tâm, tắc y báo chánh báo, hà phi tự tánh? Hựu, tức Lý giả, Sự y Lý thành, như Tịnh Danh vân: “Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh”.
(鈔)稱理者,以即事即理。所謂總該萬有,即是一心,則依報正報,何非自性。又即理者,事依理成,如淨名云:隨其心淨,則佛土淨。
(Sao: “Xứng Lý”: Sự chính là Lý, Lý chính là Sự, có nghĩa là toàn thể vạn hữu chính là nhất tâm, cho nên y báo và chánh báo, có thứ nào chẳng phải là tự tánh? Lại nữa, “tức Lý”: Sự nương vào Lý mà thành, như kinh Tịnh Danh đã nói: “Hễ tâm tịnh, cõi Phật sẽ tịnh”).
Đây là trích dẫn một câu rất nổi tiếng trong kinh Duy Ma để chứng thực.
(Sao) Kim kinh ngôn nhất tâm bất loạn.
(鈔) 今經言一心不亂。
(Sao: Nay kinh này nói “nhất tâm bất loạn”).
[Chữ “kim kinh”] chỉ bộ kinh A Di Đà đang được chúng tôi giảng.
(Sao) Tức tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ, vi nhất kinh đại chỉ dã. Minh lý nhi đàm, vân “xứng Lý” dã.
(鈔)即自性彌陀,惟心淨土,為一經大旨也。冥理而談,云稱理也。
(Sao: “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ” là tông chỉ chánh yếu của kinh này; ngầm nói đến Lý nên gọi là “xứng Lý”).
Tông chỉ quan trọng nhất của kinh này là “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”.
(Sao) Giác thị tổng nghĩa, giác thể chi trung, quảng đại tất bị, vô cùng vô tận, thị vi biệt nghĩa.
(鈔)覺是總義,覺體之中,廣大悉備,無窮無盡,是為別義。
(Sao: Giác là nghĩa tổng quát, trong giác thể rộng lớn trọn đủ, vô cùng, vô tận; đấy là nghĩa riêng biệt).
Những điều này đều nhằm giải thích [những ý nghĩa] trong lời Sớ. “Giác” là tổng nghĩa, [tức là] nói tổng quát. Trong đoạn trước, lời Sớ đã giảng: “Tự tánh giác thị Phật nghĩa” (tự tánh giác là ý nghĩa của chữ Phật). Câu tiếp theo là “giác thể chi trung” (trong giác thể) nhằm giải thích câu “tự tánh giác vô lượng, thị A Di Đà nghĩa” (tự tánh giác vô lượng là ý nghĩa của A Di Đà) [trong lời Sớ]. “Quảng đại”: Quảng là nói theo tác dụng; cho nên nó bao gồm các ý nghĩa “rộng nhiều, rộng rãi mênh mông”. “Giác thể” là chân tâm của chúng ta, chân tâm vốn giác; vì thế, nó được gọi là Bổn Giác. Phật môn thường nói tới mê, mê gì vậy? Mê mất Bổn Giác. Nói cách khác là mê bổn tâm, hoặc có thể nói là mê bổn tánh. Bổn Tâm, Bổn Tánh và Bổn Giác đều có cùng một ý nghĩa. Chúng ta mê là mê điều này, nên mới biến thành bất giác. Mê như thế nào? Nói thật ra, điều này cũng hoàn toàn chẳng khó hiểu! Trong tâm chúng ta có ý niệm, đó là mê. Vì sao? Trong chân tâm chẳng có ý niệm. Trong kinh Đại Thừa, đức Phật thường dạy: “Chân tâm ly niệm”, chẳng có ý niệm. “Có niệm” là vọng tâm. Nói cách khác, có niệm là bất giác, là mê; vô niệm là giác. Chúng ta nghe nói như vậy, được rồi, tất cả hết thảy các vọng niệm đều dứt trừ, điều gì cũng chẳng nghĩ tới, vậy thì quý vị có giác hay không? Vẫn là bất giác! Vì sao nói là “bất giác?” Vì quý vị vẫn còn có “vô niệm”. Quý vị có vô niệm, tức là vẫn còn có ý niệm [“ta nay đã vô niệm”], chuyện này phiền lắm. “Có niệm” là bất giác, vô niệm cũng là bất giác. Do vậy, trong sự lìa ấy, chẳng những không thể có hữu niệm, mà vô niệm cũng chẳng cần đến. Hữu niệm lẫn vô niệm thảy đều lìa, chân tâm bèn hiện tiền.
Bởi lẽ, có những kẻ hiểu lầm, ngỡ “lìa hết thảy niệm” là niệm gì
cũng đều chẳng cần đến, rốt cuộc vẫn giữ chặt một cái “vô niệm”. Quý vị có niệm hay không? Tôi chẳng có ý niệm thì “chẳng có ý niệm” vẫn là một niệm, vẫn là một vọng niệm! Vì thế, người ấy chẳng có cách nào hiển lộ chân tâm, chẳng có cách nào khôi phục giác thể, đạo lý ở chỗ này. Đấy là “tu Vô Tưởng Định” như trong nhà Phật thường nói. “Vô tưởng” vẫn là một thứ tưởng, tức là suy tưởng đến sự “vô tưởng” ấy. Do vậy, người ấy vẫn còn một niệm, cho nên chẳng phải là công phu thật sự, quả báo là [sanh trong] Vô Tưởng Thiên (Asamjñisattvāh), tu hành đến cuối cùng biến thành ngoại đạo. Vô Tưởng Thiên là ngoại đạo. Chúng ta phải hiểu đạo lý này, tu hành đúng là khó, thật sự chẳng phải là chuyện dễ dàng! Đến khi quý vị có công phu tu hành kha khá, sẽ thường xuất hiện nhiều cảnh giới, quá nửa những cảnh giới ấy [thoạt nhìn] rất giống [thánh cảnh], nhưng chẳng phải [là thánh cảnh thật sự]. Vì thế, [nếu hành nhân không biện định, hiểu rõ], sẽ thường bị rơi vào cảnh ma.
Tôi thường nghe các đồng tu nói, họ cũng quen biết các đồng tham đạo hữu hoặc bạn bè, nói tu hành nửa tháng hoặc một năm bèn đổ bệnh; mà bệnh cũng chẳng nhẹ. Nói cách khác, đó là chuyện đáng tiếc trong cả đời người ấy, chẳng có cách nào khôi phục bình thường. Nói thông tục là tu đến nỗi mắc bệnh thần kinh, chuyện này rất phiền, không ai có sức cứu người ấy được! Nếu người ấy chẳng sốt sắng, chẳng dụng công tu hành, không sao hết, chẳng sanh ra chuyện. Vừa thật sự dụng công, nẩy sanh phiền phức liền! Đừng nói là tu Thiền, tu Mật, tu những pháp môn khác dễ bị trục trặc, [ngay cả] niệm Phật mà nếu niệm không đúng pháp cũng bị trục trặc, chỉ là ít hơn một chút mà thôi. Lúc tôi mới học Phật, vừa mới đến Đài Trung thân cận thầy Lý; thầy Lý bảo chúng tôi, thầy có hai người học trò niệm Phật trong Tinh Tấn Phật Thất bèn đổ bệnh. Cụ hết sức hao tổn tâm sức, gần như phải mất tám tháng mới trị cho một người trở lại bình thường, tốn thời gian hơn một năm để trị cho người kia. Đây là nói nếu quý vị thật sự dụng công, một niệm sai lầm sẽ sanh ra sai lầm. Vì thế, niệm Phật chẳng thể không hiểu đạo lý và phương pháp, nhất định phải giữ vững nguyên tắc.
Nói cách khác, hễ đổ bệnh tức là tâm người ấy không đúng mực, cầu nhanh chóng, hiếu thắng, muốn vượt trội người khác, đều do các vọng niệm này nên người ấy mới đổ bệnh! Nếu không, dùng cái tâm bình thường để tu hành, chẳng tham cầu cảnh giới, cũng chẳng đòi hỏi thành tựu nhanh chóng, cứ thật thà niệm mãi một câu A Di Đà Phật, chắc chắn chẳng có khuyết điểm gì! Vì thế, cái tâm hiếu thắng là chuyện phiền phức; trong Phật môn gọi là “cống cao, ngã mạn”; hiếu thắng cũng thuộc loại ngã mạn. Nếu quý vị chẳng thật sự dụng công thì không sao; nhưng thật sự dụng công sẽ xảy ra chuyện. Tâm hiếu thắng là đại chướng ngại, ngạo mạn trong “tham, sân, si, mạn” là đại phiền não, hiếu thắng, hiếu cường, muốn vượt trội người khác, ý niệm ấy chẳng tốt! Vì thế, Phật, Bồ Tát dạy chúng ta phải khiêm hư, người khác ở đằng trước, chúng ta ở đằng sau. Như Ngẫu Ích đại sư là một người lỗi lạc; lão nhân gia niệm Phật cầu vãng sanh, Ngài nói: “Ta chỉ cần hạ hạ phẩm vãng sanh là đủ rồi, thỏa mãn rồi”. Quyết định chẳng có chút tâm niệm hiếu thắng hiếu cường, Ngài chẳng có [tâm niệm ấy]! Thông thường, người như vậy thành tựu thù thắng chẳng thể nghĩ bàn. Phàm những kẻ hiếu thắng hiếu cường đến cuối cùng đều thất bại. Chúng ta phải chú ý, cảnh giác điều này.
Chân tâm có tác dụng vô lượng, vô biên; vì thế, gọi nó là Quảng. “Đại” là lời tán thán, giống như chữ Đại trong Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, hoặc Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh đều thuộc về lời lẽ tán thán. Trong Đại Kinh đã giải thích ý nghĩa của chữ ấy, tán thán điều gì? Tán thán Chân Như bổn tánh, mà cũng là tán thán giác thể của Bổn Giác; nhà Thiền gọi nó là “phụ mẫu vị sanh tiền bổn lai diện mục” (diện mạo vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra), [Chân Như bổn tánh] đúng là to lớn! Vì vậy, Đại ở đây chẳng phải là Đại trong Đại Tiểu (lớn hay nhỏ), mà là chẳng có cách nào hình dung, quả thật chẳng có lời lẽ nào để có thể tán thán, bất đắc dĩ miễn cưỡng dùng chữ Đại này, mượn chữ này để tán thán nó. “Quảng đại tất bị, vô cùng, vô tận” chính là ý nghĩa riêng biệt.
(Sao) Bổn Thỉ hữu nhị.
(鈔) 本始有二。
(Sao: Bổn Giác và Thỉ Giác có hai cách nói).
“Hữu nhị” là có hai cách để nói.
(Sao) Ước tiên hậu, tắc Di Đà cổ Phật, thử Phật tân thành, thị bỉ Bổn thử Thỉ.
(鈔) 約先後,則彌陀古佛,此佛新成,是彼本此始。
(Sao: Xét theo thứ tự trước sau, Di Đà là cổ Phật, còn vị Phật [trong cõi] này là mới thành, nên gọi [vị Phật kia] Bổn, vị này là Thỉ Giác).
Nói theo thứ tự trước và sau, hoàn toàn nói theo tướng. A Di Đà Phật tại Tây Phương Cực Lạc thế giới thành Phật tới nay đã mười kiếp. Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật trong thế giới này là vị Phật mới thành, Ngài trụ thế tám mươi năm (bảy mươi chín tuổi nhập diệt, tính từ đầu đến cuối là tám mươi năm). A Di Đà Phật thành Phật trước, Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật sau. A Di Đà Phật thành Phật từ mười kiếp trước, Phật Thích Ca thành Phật trong hiện tại. “Thị bỉ Bổn thử Thỉ giả”, vị thành Phật trước là Bổn, vị thành Phật sau là Thỉ. Thích Ca Mâu Ni Phật là Thỉ, tức Thỉ Giác, A Di Đà Phật là Bổn Giác.
(Sao) Tức tự tánh bổn lai thị Phật vi Bổn. Vô minh sở phú, kim phương phá Hoặc chứng trí vi Thỉ dã.
(鈔)即自性本來是佛為本,無明所覆,今方破惑證智為始也。
(Sao: Tự tánh vốn sẵn là Phật, đó là Bổn; bị vô minh che lấp, nay mới phá Hoặc, chứng trí, đó là Thỉ).
Thật sự nói đến ý nghĩa của Bổn và Thỉ, thì Bổn là nói đến tự tánh, Chân Như tự tánh; đó là Bổn. Bổn và Thỉ đều là nói phương tiện, chẳng Chân. Trong Chân, đâu có Bổn và Thỉ! Có Bổn và Thỉ, đó là giả, chẳng phải là Nhất Chân, đã biến thành hai pháp, làm sao có thể gọi là Nhất Chân cho được? Vì thế, đây là nói phương tiện. Vì chúng ta mê, sau khi mê, lại phá mê khai ngộ, nên gọi là Thỉ. Cái mê ấy có phải là thật sự mê hay không? Chẳng phải là mê thật sự. Nếu thật sự mê, làm sao còn có thể phá cái mê ấy? Không thể phá được! Mê là hư vọng, chúng ta thường gọi là “vọng tình”, mê vọng. Do vậy, mê chẳng phải là thật, giác là thật.
Trong Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát đã nói rất hay: “Bổn Giác vốn có”, vốn sẵn có, “bất giác vốn không”, bất giác là mê, mê vốn chẳng có. Hiện thời có [bất giác] hay không? Hiện tại vẫn chẳng có. Nếu hiện tại là thật sự có, sẽ chẳng thể phá mê được! Giống như tối tăm, có tối tăm hay chăng? Chẳng có tối tăm, vì sao? Đèn vừa bật lên, tối tăm chẳng còn nữa! Nếu có tối tăm thì bật đèn lên, tối tăm cũng chẳng mất đi, nó mới là thật sự có! Đèn vừa bật lên, tối tăm chẳng còn nữa, có thể thấy tối tăm là vọng, chẳng thật. Vì thế, mê là quý vị chưa ngộ. Hễ quý vị giác ngộ, mê chẳng còn nữa! Phá mê khai ngộ, hễ giác ngộ, mê chẳng còn nữa. Do vậy, dẫu thời gian mê lâu dài đến mấy, chúng ta cũng chẳng sợ. Cổ đức tỷ dụ “thiên niên ám thất”, [tức là] căn phòng ấy đã tối tăm cả ngàn năm, thời gian ấy rất dài, nhưng quý vị thắp một ngọn đèn, liền sáng sủa, chẳng còn tối tăm nữa! Từ vô thỉ kiếp tới nay, chúng ta luôn mê hoặc. Chớ sợ! Chỉ cần hiện tại quý vị ngộ thì vô lượng kiếp mê tình thảy đều chẳng còn nữa, đều tiêu mất, chỉ sợ quý vị chẳng ngộ!
Lý ấy có thể nói là chẳng khó hiểu, nhưng chuyện ấy chẳng dễ dàng như thế. Cũng có đồng tu tới nói với tôi: “Khi con niệm Phật thì cũng được lắm, lúc đọc kinh cảnh giới cũng rất tốt, nhưng hễ đụng chuyện, phiền não lại dấy lên, làm thế nào đây?” Phiền não dấy lên là mê hoặc, mê tình lại dấy lên! Do đó, chúng ta hiểu rõ: Công phu giác vào lúc nào thì mới là thật sự giác ngộ? Trong lúc gặp chuyện! Nói cách khác, xử sự, đãi người, tiếp vật, tâm quý vị thanh tịnh, không bị xoay chuyển bởi ngoại cảnh thì quý vị thật sự giác ngộ. Vẫn còn bị ngoại cảnh xoay chuyển, tuy niệm Phật, dù mỗi ngày niệm nhiều đến đâu đi nữa, quý vị vẫn là bất giác! Do vậy, giác phải được khảo nghiệm trong xử sự, đãi người, tiếp vật, khảo nghiệm xem quý vị đã thật sự giác ngộ hay chưa?
Do điều này biết rằng: Chúng ta bình thời niệm Phật nhằm bồi dưỡng giác tánh. Chúng ta thường đang mê, bất giác, [niệm Phật nhằm] huân tập khí phận Thỉ Giác, lúc gặp chuyện quý vị chẳng mê thì mới hữu dụng. Chúng ta niệm một câu A Di Đà Phật này, phải hiểu ý nghĩa của câu danh hiệu này. A Di Đà Phật là tiếng Phạn dịch âm, dịch sang tiếng Hán là Vô Lượng Giác. Niệm một câu A Di Đà Phật là niệm niệm giác, chẳng mê, có ý nghĩa ấy, tức là ý nghĩa “vô lượng giác”. Bất luận lúc nào, bất luận ở nơi đâu, bất luận cảnh giới thuận hay nghịch, ta đều phải giác chứ không mê. Giác chứ không mê, sẽ giữ được tâm thanh tịnh bất động. Ta thấy rõ ràng, nghe rõ rệt, thứ gì cũng rõ ràng, minh bạch, đấy là trí huệ. Tuy điều gì cũng rõ ràng, nhưng trong tâm như như bất động; bất động là gì? Chẳng khởi tham, sân, si, mạn, nghi, chẳng dấy động những thứ ấy. Trong thuận cảnh, chẳng khởi tâm tham ái, chẳng có ý niệm ấy. Trong nghịch cảnh, tâm chẳng sân khuể, tâm cảnh bình đẳng, chẳng có tâm ngạo nghễ, ngã mạn, thứ gì cũng rõ ràng, chắc chắn chẳng có tâm nghi hoặc. Tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, trong tâm thảy đều chẳng có. Đấy là như như bất động, lại hiểu rõ ràng bên ngoài, cái tâm khi ấy mới thật sự là giác ngộ, đó là Thỉ Giác.
Thỉ Giác niệm niệm đều là Thỉ Giác. Chẳng hạn như quý vị tu hành chứng quả, chứng đạo, lấy Viên Giáo để nói thì Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Tín là Thỉ Giác, quý vị đã đắc địa vị Sơ Tín. Từ Sơ Tín đến Nhị Tín vẫn là Thỉ Giác, tức là Thỉ Giác của địa vị Nhị Tín. Từ Nhị Tín đạt lên Tam Tín, vẫn là Thỉ Giác, tức là Thỉ Giác của Tam Tín, mãi cho đến địa vị Đẳng Giác Bồ Tát, vẫn là Thỉ Giác. Do vậy, đối với Thỉ Giác, hằng ngày đều là Thỉ Giác, qua kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật vẫn là “thỉ thành Chánh Giác” (mới thành Chánh Giác). Do vậy, biết: Thỉ và Bổn chẳng hai, mang ý nghĩa này. Niệm niệm đều là Thỉ Giác; Thỉ Giác và Bổn Giác là một, không hai. Vì thế, phải hiểu vô minh chẳng thật, nhưng có vô minh hay không? Có! Tuy có, nhưng chẳng thật, chẳng phải là thật sự. Vì nó là pháp sanh diệt; có sanh, có diệt, nên nó chẳng thật. Bổn Giác là thật, vì Bổn Giác là pháp bất sanh, bất diệt. Do Bổn Giác bất sanh, bất diệt, cho nên nó là thật.
“Kim phương phá Hoặc, chứng trí, vi Thỉ” (nay mới phá Hoặc, chứng trí, nên là Thỉ Giác). So với kẻ chưa hiểu Phật thì người học Phật chúng ta là Thỉ Giác. Tuy chúng ta vẫn chưa phá một phẩm vô minh phiền não nào, nhưng chúng ta biết chính mình có Phật Tánh, biết niệm Phật có thể vãng sanh Tịnh Độ, người khác vẫn chưa biết; đấy là Thỉ Giác. Lại thưa cùng quý vị, đấy là Thỉ Giác chân chánh, Thỉ Giác rốt ráo. So với hết thảy các pháp môn Đại Thừa khác, tác dụng sẽ khác nhau. Vì trong hết thảy các pháp môn khác, muốn liễu sanh tử và viên chứng Bồ Đề trong một đời, nói thật sự là chuyện chẳng thể nào xảy ra được. Chỉ riêng pháp môn Niệm Phật là có thể quyết định thành công trong một đời, ổn thỏa, thích đáng. Do vậy, bất cứ pháp môn nào cũng đều chẳng thể sánh bằng!
Nhưng thật sự có thể lãnh hội, nhận biết pháp môn này, quả thật chẳng dễ dàng cho lắm, vì sao không dễ dàng? Nói ngược lại, tâm chúng sanh chẳng thanh tịnh, họ có tâm phân biệt, tâm chấp trước, tâm [phân chia] cao thấp, có những tâm ấy nên họ coi thường pháp môn Niệm Phật. Họ chẳng hiểu pháp môn Niệm Phật, chẳng nghiên cứu kinh luận thuộc về pháp môn Niệm Phật, [nhưng vẫn khăng khăng] cho [niệm Phật] là mê tín, là giáo pháp dành cho mấy bà già! Thật ra, những bà cụ già niệm Phật đứng mất, ngồi mất, nhiều lắm! Còn kẻ kia rất thông minh, tới cuối cùng sợ rằng vẫn thua bà cụ già, đấy gọi là “thông minh bị thông minh gây lầm lạc”. Đấy là nói người học Phật tự mình mê hoặc, điên đảo, giống hệt như những kẻ chẳng học Phật lại phê bình Phật giáo, bảo Phật giáo là mê tín. Quý vị hỏi họ: “Phật giáo là gì?” Kẻ ấy không biết. [Đã không biết] vì sao [anh dám bạo miệng nói Phật giáo là mê tín]? “Hết thảy mọi người đều nói Phật giáo là mê tín!” Mọi người chê là mê tín, kẻ ấy cũng nói là mê tín, điều này rất nguy hiểm! Quý vị nghĩ Phật giáo là mê tín, nếu nói nó là mê tín thì phải nghiên cứu triệt để một phen để xem nó có đúng là mê tín hay không? Nhất định chớ nên hàm hồ, lơ mơ, mà cứ tùy tiện phê phán, chẳng tránh khỏi gây tạo tội nghiệp! Chính quý vị tự lầm lẫn trong một đời, đó là chuyện nhỏ, quý vị tự làm tự chịu; nhưng quý vị làm cho người khác lỡ làng, tội lỗi ấy lớn lắm! Người ấy học pháp môn này sẽ thành Phật trong một đời; thế mà quý vị khuyên người ấy đừng nên học pháp môn này, lôi người ấy trở vào lục đạo, tội lỗi ấy quá lớn, phá hoại Pháp Thân huệ mạng của người khác. Do vậy, những kẻ phê bình Tịnh Độ; nói thật ra, toàn là những kẻ chẳng hề nghiên cứu Tịnh Độ.
Trong quá khứ, tôi chẳng nghiên cứu, cũng coi thường Tịnh Độ, cũng nói pháp ấy là giáo pháp dành cho mấy bà già! [Hiện thời] tôi hoàn toàn liễu giải nên mới tin tưởng, nhưng để thật sự liễu giải đến mức tin tưởng pháp môn này, gần như phải mất ba mươi năm công phu, chẳng dễ dàng! Ngày nay, tôi đem tâm đắc ba mươi năm thật thà thưa cùng quý vị; nếu quý vị tin tưởng, sẽ khỏi phải phí ba mươi năm. Nếu quý vị không tin, quý vị tu tập ba mươi năm, chưa chắc đã có thành tựu như tôi! Tôi không phải là kẻ người khác nói sao bèn tin như vậy! Thuở đầu, pháp sư Sám Vân khuyên tôi, khi đó, tôi mới học Phật chưa được bao lâu, còn chưa xuất gia; về sau, thầy Lý khuyên tôi, tuy tôi không phản đối, nhưng vẫn chưa thể tin tưởng hoàn toàn, vẫn không chịu dụng công tu học. Sau nhiều năm như thế, nghiên cứu một số kinh điển Đại Thừa, đặc biệt là mười sáu, mười bảy năm giảng kinh Hoa Nghiêm mới thật sự hiểu rõ, hiểu pháp môn này là pháp môn bậc nhất để mười phương ba đời hết thảy chư Phật độ chúng sanh. Hiểu được điều ấy quả thật chẳng đơn giản, chẳng dễ dàng; vì thế, tôi vô cùng quý trọng pháp môn này!
Giảng kinh thì tôi chuyên giảng kinh Di Đà; hiện thời, những kinh
luận khác tôi cũng không giảng. Kinh Lăng Nghiêm tôi cũng không giảng. Nay quý vị hãy học theo tôi, học kinh Di Đà, hãy xếp kinh Lăng Nghiêm lại, chẳng cần phải học kinh ấy nữa. Kinh Lăng Nghiêm có tuyệt diệu hay chăng? Tuyệt diệu, nhưng rất khó, quả thật chẳng dễ dàng. Thật sự giúp quý vị vãng sanh, giúp quý vị thành Phật, pháp môn này đã đủ rồi! Ta rất biết chọn lọc, chọn lấy món nào hạng nhất, chẳng cần tới hạng nhì. Quý vị phải hiểu kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ đều là kinh bậc nhất, ta không cần đến kinh bậc hai nữa. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm tôi cũng không muốn giảng!
(Sao) Ước nhân quả, tắc thử Phật giáo linh vãng sanh, nãi đắc
kiến A Di Đà Phật, thị thử Bổn bỉ Thỉ.
(鈔)約因果,則此佛教令往生,乃得見阿彌陀佛,是此本彼始。
(Sao: Nếu xét theo nhân quả, vị Phật này dạy [hành nhân] vãng sanh bèn được thấy A Di Đà Phật, nên vị Phật này là Bổn, vị Phật kia là Thỉ).
[Đến đây], Bổn và Thỉ đảo ngược [vị trí], đây là nói theo phương diện nhân quả. Làm sao chúng ta biết có Tây Phương Cực Lạc thế giới? Làm sao biết thế giới Cực Lạc tốt đẹp ngần ấy? Đều do Thích Ca Mâu Ni Phật dạy cho biết. Cả đời Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh suốt bốn mươi chín năm, Ngài giảng rất nhiều kinh. Chuyên giảng Tịnh Độ có ba bộ kinh là kinh Vô Lượng Thọ, kinh Di Đà và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Trong đó, kinh Vô Lượng Thọ rất đặc biệt, thuở tại thế, Thích Ca Mâu Ni Phật không chỉ giảng một lần, mà giảng rất nhiều lần, đây là một pháp môn đặc biệt. Những kinh khác đức Phật chỉ giảng một lần trong một đời Ngài, chẳng giảng lại, chỉ riêng kinh Vô Lượng Thọ được giảng rất nhiều lượt!
Nguyên bản kinh Vô Lượng Thọ được truyền đến Trung Quốc rất sớm, từ thời Đông Hán, kinh đã được truyền đến Trung Quốc, do ngài An Thế Cao dịch, đáng tiếc là bản dịch ấy đã thất truyền. Từ đời Hán đến đời Tống, tổng cộng có mười hai lần phiên dịch. Sau này, nhiều học giả, chuyên gia đã khảo chứng, thấy trong Đại Tạng Kinh còn năm bản dịch. Cổ đức phán đoán tối thiểu phải có ba bản gốc khác nhau. Từ chỗ này, ta biết thuở tại thế, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nhiều lần tuyên giảng kinh Vô Lượng Thọ, đây là pháp môn đặc biệt, đặc biệt quan trọng! Ngày nay, chúng ta phải thật sự phát dương quang đại pháp môn này, đấy là trách nhiệm của chúng ta. Nếu chúng ta không biết thì thôi, chúng ta không có trách nhiệm ấy. Nếu đã biết, đã nhận thức, phải có trách nhiệm phát dương quang đại. Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu [pháp môn này] cho chúng ta, Ngài là Bổn. Chúng ta y theo giáo huấn của Thích Ca Mâu Ni Phật để hành phương pháp này, tu hành, trong tương lai nhất định sẽ thấy A Di Đà Phật, thấy A Di Đà Phật là “Thỉ”. Nói theo phương diện nhân quả, đức Bổn Sư của chúng ta là Bổn, A Di Đà Phật là Thỉ. Tu nhân là Bổn, chứng quả là Thỉ. Tu nhân mới hòng chứng quả, vãng sanh là chứng quả. Đó là nói theo phương diện nhân quả.
(Sao) Tức tự tánh bổn hữu thành Phật chi trí vi Bổn, y Bổn Trí nhi cầu Phật Trí, nãi đắc thành Phật vi Thỉ dã.
(鈔)即自性本有成佛之智為本,依本智而求佛智,乃得成佛為始也。
(Sao: Tự tánh vốn sẵn có trí thành Phật, đó là Bổn; nương vào Bổn Trí để cầu Phật Trí, sẽ được thành Phật, thì đó là Thỉ).
Đây là dựa trên nhân quả để luận định Bổn và Thỉ. Bổn có thể gọi là Thỉ, mà Thỉ cũng có thể gọi là Bổn, tùy thuộc quý vị nhìn từ góc độ nào!
(Sao) Bổn Thỉ hỗ dung, thường giác bất muội, huy thiên giám địa, diệu cổ đằng kim, thường thuyết như thị kinh, bách thiên vạn ức tòa.
(鈔)本始互融,常覺不昧,輝天鑑地,耀古騰今,常說如是經,百千萬億座。
(Sao: Bổn Giác và Thỉ Giác dung nhập lẫn nhau, thường giác chẳng mê, rạng trời, chiếu đất, chói ngời suốt từ xưa đến nay, trăm ngàn vạn ức pháp hội thường thuyết kinh như thế).
Dùng hai ý nghĩa trong phần trước (tức là từ hai góc độ khác nhau) để quan sát Bổn và Thỉ, sẽ thấy Bổn và Thỉ có thể dung thông lẫn nhau. Khi chúng ta dấy lên vô minh, hay lúc có mê tình, bèn gọi tự tánh là Bổn Giác. Chúng ta phá mê tình, [tự tánh hiển lộ], bèn gọi là Thỉ Giác. Đó là ý nghĩa [đã được diễn tả] trong phần trước. Vô minh là giả, là hư vọng, chẳng thật. Vì vậy, bất luận tự tánh giác có vô minh hay không, nói thật ra, nó “thường giác bất muội”. Giống như chúng ta nói trời âm u, là do mặt trời bị mây che kín, mây có thật sự che nổi mặt trời hay không? Thật ra, mây chẳng che lấp mặt trời. Hiện thời, rất dễ hiểu rõ điều này! Quý vị ở thành phố Đài Bắc, mây che lấp thái dương, nhưng đến Cơ Long, nơi ấy không có mây, thái dương chẳng bị che khuất. Do vậy biết: Thái dương thường tỏa ánh sáng, không ai có thể che được, mây dường như che lấp, nhưng thời gian ấy rất ngắn ngủi, tạm bợ, là giả, chẳng thật! Vô minh che khuất bổn tánh của chúng ta giống như mây che lấp thái dương, có thể thấy là nó chẳng thật, mà là giả! Do vậy, mê chắc chắn có thể phá, giác chắc chắn có thể hiện tiền. Trước hết, chúng ta phải kiến lập lòng tin này.
Trong Phật pháp nói đến Tín, thì niềm tin thứ nhất là phải tin vào
đạo lý này, phải tin vào sự thật này. Quý vị có thể kiến lập lòng tin trên đây thì mới tin tưởng “chính mình chắc chắn có thể thành Phật, bản thân ta nhất định có thể phá vô minh, có thể khôi phục Bổn Giác”, mới có những tín tâm ấy. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng do cái tâm này biến hiện, đó gọi là “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”. Tự tánh giác là Tây Phương Di Đà Tịnh Độ, tự tánh mê là thế giới Sa Bà dơ ác, thảy đều là vật được biến hiện bởi tự tánh. Đấy chính là “ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm”. Chúng ta tin tưởng, đặc biệt là đối với ba món tư lương, tức là ba điều kiện trọng yếu được nói đến trong Tịnh Độ là Tín, Nguyện, Hạnh; Ngẫu Ích đại sư đã dạy, trước hết hãy Tín Tự. Tín Tự chính là như tôi vừa mới nói, nhất định phải tin tưởng những đạo lý ấy.
Mấy câu tiếp theo đều nhằm trình bày ý nghĩa “Thỉ Giác và Bổn Giác dung thông bất nhị”. “Thường giác bất muội, huy thiên giám địa” (thường giác ngộ, chẳng mê muội, rạng trời, chiếu đất) nhằm tỷ dụ quang minh của Bổn Giác và Thỉ Giác, quang minh chiếu trọn khắp, câu này nói đến không gian, “diệu cổ đằng kim” (suốt từ xưa đến nay) là nói tới thời gian. [Thỉ Giác và Bổn Giác] siêu việt thời gian và không gian!
“Thường thuyết như thị kinh, bách thiên vạn ức tòa” (thường nói kinh như thế, trăm ngàn vạn ức pháp hội). “Thuyết kinh” nhằm dụng ý phá mê khai ngộ; vì vậy, phá mê khai ngộ chính là “thuyết kinh”. Tự tánh quang minh chiếu khắp; đó chính là ý nghĩa thuyết kinh. Hiểu rõ đạo lý này, thuyết kinh chưa hề gián đoạn, về mặt thời gian bèn chẳng gián đoạn, trong không gian bèn trọn khắp hết thảy các nơi, không lúc nào, không chỗ nào chẳng nói kinh. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, lục trần thuyết pháp, cũng là sự thật được hiển hiện dựa trên nguyên lý này. Thật ra, người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới thanh tịnh, nên họ thấy lục trần thuyết pháp, chẳng bị thời gian và không gian ngăn ngại. Trong thế giới này, trước mắt chúng ta, có bao giờ chẳng phải là lục trần thuyết pháp? Vì sao trong cõi này, chúng ta chẳng nói “lục trần thuyết pháp”? Vì tâm không thanh tịnh! Tuy lục trần phóng quang rúng động cõi đất suốt mãi từ xưa cho đến tận nay, nhưng quý vị có mắt mà chẳng thấy, có tai nhưng chẳng nghe, nên [dẫu lục trần thường thuyết pháp vẫn giống như] chẳng thuyết pháp, nguyên nhân là như vậy đó.
Do vậy, Phật pháp bất luận nói tới pháp môn hay tông phái nào, thảy đều dùng tâm thanh tịnh để nhập; tâm quý vị chẳng thanh tịnh, nhập pháp môn nào cũng chẳng được! Nếu muốn nhập Phật môn, Phật môn có tám vạn bốn ngàn môn, có vô lượng vô biên môn, dùng phương pháp nào để có thể nhập? Tâm thanh tịnh có thể nhập. Trước đây, tôi cũng nói với các vị đồng tu ba nguyên tắc: Giác, Chánh, Tịnh. Giác tâm có thể nhập, chánh tri chánh kiến có thể nhập, tâm thanh tịnh có thể nhập, ba điều kiện ấy. Quý vị có một điều, sẽ có thể nhập. Hễ nhập môn thì “một chính là ba, ba chính là một”, đấy chính là “pháp môn Bất Nhị”. Nhưng trong ba điều kiện ấy, giác khó, chánh tri chánh kiến cũng khó, thanh tịnh dễ hơn. Tịnh Độ do tâm thanh tịnh mà nhập, theo môn này mà nhập. Thiền là từ giác tâm mà nhập, Giáo từ chánh tâm mà nhập, pháp môn Niệm Phật từ tâm thanh tịnh mà nhập. So trong ba môn, [môn Tịnh] dễ hơn rất nhiều. Huống chi, trong cái tâm thanh tịnh ấy, ở đây lại là pháp môn Nhị Lực, bản thân chúng ta có công phu, lại có Phật lực giúp đỡ. Vì vậy, pháp môn này được gọi là pháp môn Nhị Lực, Phật lực có thể giúp đỡ và gia trì chúng ta. Dưới đây, đại sư lập ra một cuộc vấn đáp giả định:
(Sao) Vấn: Sớ Sao thử kinh, chánh vị phát huy trì danh công đức, phổ khuyến chư nhân cầu sanh bỉ độ dã, hà nãi nhất nhất tiêu quy tự tánh, phiên thành cực tắc chi đàm, y nhiên Tịnh Độ thị tâm, hề tất xả thử nguyện bỉ?
(鈔)問:疏鈔此經,正為發揮持名功德,普勸諸人求生彼土也,何乃一一消歸自性,翻成極則之談,依然淨土是心,奚必捨此願彼?
(Sao: Hỏi: Viết lời Sớ và lời Sao cho kinh này, chính là vì để giảng rõ công đức trì danh, khuyên khắp mọi người cầu sanh về cõi ấy, cớ sao lại đối với mỗi điều đều gồm thâu về tự tánh, [khiến cho pháp này] trở thành lời đàm luận cùng cực [về Lý], Tịnh Độ vẫn là tâm như cũ, cần gì phải bỏ cõi này, nguyện sanh sang cõi kia?)
Câu hỏi này vô cùng hay, vì sao? Tôi tin trong các đồng tu, quả thật có những người nghe những lời được nói trong các đoạn trên, bèn nẩy sanh nghi vấn này. Nếu hết thảy đều nói tới duy tâm, hết thảy đều nói tới tự tánh, chúng ta còn cần gì phải niệm Phật về Tây Phương Cực Lạc thế giới nữa? Chúng ta cứ ở đây là được rồi. Câu hỏi này nhắm vào ý nghĩa ấy, chất vấn Liên Trì đại sư: Ngài giảng bộ kinh Di Đà này, viết chú giải là dùng văn tự để giảng, mục đích không gì chẳng nhằm khuyên người khác niệm Phật cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, cần gì phải bàn đến những vấn đề [thuộc về Lý tánh] này? Càng bàn càng sâu, đều là nói tới tự tánh, có khác gì Tánh Tông đâu? “Nhất nhất tiêu quy tự tánh” (mỗi mỗi đều quy về tự tánh) là “cực tắc chi đàm” (lời bàn luận tột cùng), đấy là đại thừa Phật pháp tối cao. “Duy hữu Nhất Thừa pháp, vô nhị, diệc vô tam” (chỉ có pháp Nhất Thừa, không hai, cũng không ba); đấy là Phật pháp tối cao. Vì sao đại sư nói như vậy? Tiếp theo đây, Ngài sẽ giải thích, trên thực tế, Ngài nói cách ấy chẳng sai lầm, chỉ có cách giảng triệt để rốt ráo như vậy mới có thể khiến cho người ta sanh lòng tôn trọng pháp môn Niệm Phật, chẳng còn coi rẻ nữa, vì họ biết pháp môn này chẳng đơn giản, vượt trỗi hết thảy các pháp môn thuộc các tông, các phái. Vì vậy, Liên Trì đại sư trong mỗi một tiết đều chỉ rõ sự xứng Lý.
(Sao) Đáp: Thử chánh song bị nhị căn, song phá nhị Hoặc, như tiền Tự trung sở minh. Lương dĩ độn căn giả, thủ sự tướng nhi tự túc.
(鈔)答:此正雙被二根,雙破二惑,如前序中所明。良以鈍根者,守事相而自足。
(Sao: Đáp: Đây là nhằm thích hợp với hai loại căn cơ, nhằm phá cả hai thứ Hoặc giống như đã nói rõ trong lời Tựa ở phần trước. Ấy là vì kẻ độn căn bèn chấp sự tướng tự cho là đủ).
Phía sau đoạn này có câu: “Lợi căn giả, sùng Lý tánh nhi trước Không” (Kẻ lợi căn tôn sùng Lý tánh, chấp Không). “Nhị căn” là độn căn và lợi căn, hai loại người này quả thật rất đông. Đối với hai loại người này, trong lời mi chú kinh Vô Lượng Thọ, thầy Lý đã phê: “Chẳng cầu đới nghiệp vãng sanh, chẳng ngu, ắt cuồng”, độn căn là ngu si, lợi căn là cuồng vọng; hai hạng người ấy chẳng tin Tịnh Độ. Đại sư viết đoạn này nhằm chuyên đối phó hai hạng người ấy.
“Thủ sự tướng nhi tự túc giả” (chấp sự tướng tự cho là đủ), nói thật ra, hạng người này còn thường có thành tựu, chứ kẻ cuồng vọng đúng là hỏng bét! Kẻ độn căn tâm lượng chẳng lớn, đạt được chút ít đã thỏa mãn. Nếu quý vị dạy họ niệm một câu A Di Đà Phật, họ cũng thỏa mãn, chẳng còn mong muốn gì nữa, nhưng người như vậy thật sự có thể thành công. Chúng tôi cũng thấy rất nhiều trường hợp thực tế. Vì vậy, cổ nhân nói: “Duy thượng trí dữ hạ ngu bất di” (chỉ có bậc thượng trí và kẻ hạ ngu là không thay đổi chí hướng). Hai hạng người sau đây dễ đắc độ nhất, một là gì? [Một là người] trí huệ tối cao, thông đạt, hiểu rõ hết thảy, chẳng có vấn đề gì. Quý vị vừa nói với họ, họ liền ngay lập tức phát tâm, giống như những vị Đại Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền; Ngẫu Ích đại sư đã nói: “Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ, Trí Giả đại sư là những nhân vật hạng nhất”, đấy là bậc thượng căn lợi trí, các Ngài vừa nghe, chẳng bàn cãi gì nữa, thấu hiểu, tin tưởng. Kẻ hạ ngu không biết chữ, chẳng có kiến thức gì, tâm lượng rất nhỏ, dạy họ một câu A Di Đà Phật, họ bèn thật thà suốt ngày từ sáng đến tối niệm A Di Đà Phật, những thứ khác họ cũng chẳng muốn biết đến. Hai loại người ấy nhất định vãng sanh.
Tuy hai hạng người ấy hễ tu đều vãng sanh, nhưng sẽ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới với phẩm vị sai khác. Người thông đạt lý sẽ Thượng Phẩm Thượng Sanh, hoa nở thấy Phật; người chẳng hiểu lý cũng có thể vãng sanh, quyết định sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Tuy sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, nhưng vì người ấy chẳng hiểu lý, trí huệ kém hơn bậc lợi căn, nhưng xét về phước đức, nhân duyên thì chẳng khác bậc đại Bồ Tát cho mấy, đây là pháp môn thù thắng chẳng thể nghĩ bàn. Nhưng chư vị phải biết: Người độn căn nếu học pháp môn khác sẽ chẳng có cách nào thành tựu. Chẳng hạn như học Tiểu Thừa, sẽ vĩnh viễn chết cứng trong pháp Tiểu Thừa, chắc chắn chẳng tin pháp Đại Thừa, vì sao? Kẻ ấy cố chấp, thành kiến rất sâu, điều gì được tiếp xúc trước sẽ là chủ yếu mà! Nếu người ấy gặp Tịnh Độ thì tốt lắm, cố chấp cũng được, thành kiến sâu cũng được, kẻ ấy chẳng muốn học pháp môn khác, tốt lắm! Nhưng cơ duyên này không dễ gì gặp gỡ! Vì vậy, phải biết, trong pháp môn Niệm Phật có đạo lý rất sâu. Đại sư giảng kinh, đặc biệt nêu ra đoạn này nhằm phá trừ nỗi chấp trước sự tướng của những kẻ độn căn chẳng hiểu rõ đạo lý Tịnh Độ. Vì thế, Ngài đặc biệt dùng cách Xứng Lý để nói. Nói cách khác, nâng cao phẩm vị vãng sanh Tịnh Độ, tăng tấn tín nguyện cho người ấy.
Người lợi căn thường được thế gian gọi là kẻ thông minh, nhạy bén, những người ấy thường sùng bái lý luận, thiên chấp lý luận, đối với sự tu hành trong thực tế và sự tướng thường sơ sót, thường chấp Không. Nhà Thiền dễ mắc bệnh này, Tánh Tông như Tam Luận Tông chẳng hạn, cũng dễ mắc bệnh này, chấp Không. Vì người ấy chấp trước lý Không, căn bản là chẳng tin tưởng Tây Phương có Tịnh Độ, không tin có thế giới Cực Lạc, càng không tin đới nghiệp có thể vãng sanh. Loại người này hết sức đáng sợ. Trong kinh, đức Phật từng dạy: “Ninh khả chấp Hữu như Tu Di sơn, bất khả chấp Không như giới tử” (Thà chấp Có như núi Tu Di, đừng chấp Không chừng bằng hạt cải). “Giới tử” (芥子) là hạt cải, tỷ dụ sự nhỏ nhoi. Chấp Không dẫu một chút tí, cũng làm hỏng chuyện lớn. Vì sao? Chẳng cứu được! Vì sao nói chẳng cứu được? Kẻ ấy chẳng tin Phật pháp, chẳng thể cứu! Chấp trước Có, dẫu chấp trước nghiêm trọng đến mấy đi nữa, vẫn còn cứu được, Phật còn có thể độ người ấy. Người ấy chấp Có, có nhân quả báo ứng, tối thiểu sẽ chẳng dám làm chuyện xấu; có Tây Phương Tịnh Độ, người ấy niệm Phật cũng thật sự có thể vãng sanh, người ấy chấp Có! Nếu chẳng tin nhân quả báo ứng, chuyện gì xấu cũng đều dám làm, vì sao? Kẻ ấy chẳng tin có quả báo. Chuyện ấy chẳng phải là “quý vị tin thì có, không tin bèn chẳng có”. Nếu [đúng là] như vậy, ta thà chẳng tin còn hơn. Không tin, vẫn có [nhân quả báo ứng]! Do vậy, nhất định phải biết chân tướng sự thật. Kẻ lợi căn càng đáng sợ, họ có thể khéo ăn nói, thế trí biện thông, và cũng có biện tài kha khá, cũng nói khiến cho hoa trời rơi tứ tung, người nghe cũng cảm thấy rất có lý; thật ra, kẻ ấy đã nói sai be bét!
Chúng ta thấy các vị cổ đại đức, tổ sư các tông, các phái, các Ngài thật sự thông đạt, tuy nói Không, nhưng chẳng phá Có. Tông Thiên Thai nói Không, nhưng Thiên Thai đại sư niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Tông Hiền Thủ giảng Có, tông Hoa Nghiêm giảng Có, từ Hữu môn mà nhập; tông Thiên Thai (tông Pháp Hoa) từ Không môn mà nhập. Quý vị thấy các vị tổ sư tông Thiên Thai, kể từ Trí Giả đại sư, cho tới sau này, quá nửa đều là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Cận đại, pháp sư Đế Nhàn, pháp sư Đàm Hư đều cầu sanh Tịnh Độ. Pháp sư Bảo Tĩnh[1] cũng là học trò của pháp sư Đế Nhàn, Ngài viết bộ Di Đà Kinh Yếu Giải Thân Văn Ký rất hay, cũng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Tổ sư Pháp Tướng Duy Thức Tông là Khuy Cơ đại sư chú giải kinh Di Đà, bộ Di Đà Kinh Thông Tán Sớ do Ngài soạn, cực lực tán thán pháp môn này.
Những vị đại sư ấy tuy nói Không, nhưng chẳng phá Có, vẫn từ Hữu Môn để thật sự tu tập, thật sự hành trì, chẳng giống người hiện thời! Nói thật ra, con người hiện thời tuy nói Không, nhưng chẳng thể thật sự là Không. Nếu quý vị không tin, chửi họ mấy câu, họ sẽ cáu giận đôi ba ngày không nguôi! “Không” ở chỗ nào? Họ chẳng có Không! Họ muốn Không, cũng chẳng Không được, mà chẳng cần đến Có, hỏng bét rồi! Vấn đề ấy nghiêm trọng lắm; cả hai bên Có và Không đều hỏng bét, hết sức dễ bị đọa lạc. Đại sư nói cách này nhằm khiến cho kẻ lợi căn chẳng lìa sự tướng, chẳng rơi vào Ngoan Không (cái Không trơ trơ, chẳng có gì, không phải là Chân Không). Đây là phá trừ mê hoặc “chấp Lý, mê Sự” cho hàng lợi căn vậy!
(Sao) Quán thử, sử tri Sự hữu Lý tồn, vô trệ Sự nhi mê Lý.
(鈔) 觀此,使知事有理存,毋滯事而迷理。
(Sao: Do thấy điều này, nên làm cho kẻ ấy biết trong Sự có Lý, chẳng vướng mắc nơi Sự rồi mê Lý).
Đối với kẻ thiên trọng Sự tu, chẳng chú trọng nghiên cứu lý luận, bèn khuyến khích họ, nếu có thời gian, có cơ hội, hãy học nhiều hơn một chút sẽ có lợi. Nếu chẳng có cơ duyên, quý vị chú trọng sự tướng để tu trì cũng được. Giống như chúng tôi trước đây thường nhắc tới một đồ đệ của pháp sư Đế Nhàn, niệm Phật vãng sanh, đứng ra đi, đã chết rồi vẫn đứng ba ngày, chờ thầy đến lo liệu hậu sự. Vì ông ta không biết chữ, tuổi tác cũng quá lớn, nên chẳng có cơ duyên nghe kinh, nhưng là người rất thật thà, pháp sư Đế Nhàn dạy ông ta niệm A Di Đà Phật, ông ta liền thật thà niệm câu A Di Đà Phật này, niệm ba năm bèn thành công. Thành tựu phi thường thù thắng, nói thật ra, ông ta chỉ làm được bốn chữ “thật thà niệm Phật”, đúng là thật thà, thật sự làm được “chẳng hoài nghi, chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp”, đấy mới gọi là “thật thà”. Vì thế, người ta niệm ba năm bèn niệm thành công.
(Sao) Lợi căn giả, sùng lý tánh nhi trước Không. Quán thử, sử tri Lý tại Sự trung, vô việt Sự nhi cầu Lý.
(鈔)利根者,崇理性而著空。觀此,使知理在事中,毋越事而求理。
(Sao: Kẻ lợi căn tôn sùng Lý tánh, chấp Không. Do thấy điều này nên khiến cho biết Lý ở trong Sự, chẳng bỏ qua Sự để cầu Lý).
Khiến cho những người ấy giác ngộ, Lý ở nơi đâu? Lý chẳng phải là Không, nếu Lý lìa khỏi Sự, sẽ chẳng thể tồn tại. Sau khi quý vị hiểu rõ, sẽ càng thêm nỗ lực nơi mặt Sự, đấy mới là người thật sự hiểu Lý. Nếu hiểu rõ Lý, mà vứt bỏ tu hành nơi mặt Sự, nhất định là đã hiểu lầm Lý ấy, chẳng thật sự hiểu rõ Lý. Thật sự hiểu rõ Lý, chắc chắn người ấy tu hành chẳng khác gì người thật thà niệm Phật. Vì sao? Người ấy triệt để liễu giải chân tướng sự thật; vì thế, “vô việt Sự nhi cầu Lý” (chẳng bỏ qua Sự để cầu Lý), hãy cầu Lý ngay trong Sự. Lý và Sự chẳng hai.
(Sao) Hựu thử kinh bổn vi thác bỉ danh hiệu, hiển ngã tự tâm, dữ Thập Lục Quán Kinh đồng ý.
(鈔)又此經本為託彼名號,顯我自心,與十六觀經同意。
(Sao: Hơn nữa, kinh này vốn nhờ vào danh hiệu ấy để hiển lộ tự tâm của ta, có cùng một ý nghĩa với Thập Lục Quán Kinh).
Có đoạn này là vì sợ lại có kẻ sẽ nêu nghi vấn: Nếu pháp môn Tịnh Độ đều mong quy vào lý tánh, người tu hành chỉ cần giác ngộ Lý trong tự tánh, chẳng phải là chuyện có thể giải quyết xong xuôi hay sao? Cần gì phải niệm Phật cầu sanh! Đại sư nói: “Thử kinh bổn vi thác bỉ danh hiệu, hiển ngã tự tâm” (kinh này vốn nhờ vào danh hiệu ấy để hiển lộ tự tâm của ta), có thể thấy tín nguyện trì danh là một biện pháp, là một phương pháp, nhằm mục đích minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, có cùng một đạo lý, nguyên lý, mục tiêu, phương hướng với Thiền, Giáo, và các tông. Đó chính là “pháp môn tuy nhiều, chẳng hai, chẳng khác, môn nào cũng là bậc nhất, chẳng có hạng nhì!”
Trong kinh Lăng Nghiêm, chúng ta thấy hai mươi lăm vị Bồ Tát [nêu ra tâm đắc tu chứng]; trong hai mươi lăm môn Viên Thông, Đại Thế Chí Bồ Tát đại diện pháp môn Niệm Phật, người ta là đệ nhất, chẳng phải là đệ nhị. Sau khi chúng ta đọc xong chương Hai Mươi Lăm Môn Viên Thông phải giác ngộ. Đọc kinh Lăng Nghiêm, hết thảy mọi người đều biết Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương bậc nhất. Quý vị thấy Văn Thù Bồ Tát chọn lọc, chẳng phải là chọn [pháp Viên Thông] của Quán Thế Âm Bồ Tát hay chăng? Thật ra, Ngài đã đặc biệt vì chúng sanh trong thế giới Sa Bà chúng ta mà chọn lựa pháp môn Nhĩ Căn của Quán Thế Âm Bồ Tát. Trừ pháp ấy ra, pháp môn Niệm Phật cũng được chọn lựa. Quý vị phải nhìn cho ra [điều này]; nhìn từ chỗ nào? Nhìn ở chỗ thứ tự sắp theo chiều thuận. Nếu chiếu theo cách sắp xếp thông thường, thứ tự sẽ là lục căn, lục trần, lục thức, bảy đại, hai mươi lăm môn ấy. Theo thứ tự thuận, pháp Nhĩ Căn Viên Thông của Quán Thế Âm Bồ Tát phải xếp vào môn thứ hai, nhưng quý vị thấy Ngài được xếp cuối cùng, ghép vào màn biểu diễn chót. Đấy là gì? Pháp môn đặc biệt.
Pháp môn Niệm Phật cũng chẳng theo thứ tự thuận, cũng được xếp vào cuối cùng. Nói cách khác, kết thúc gồm hai màn. Trong bảy đại, Đại Thế Chí Bồ Tát là Căn Đại. Theo thứ tự thuận, bảy đại tất nhiên là Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không, Kiến, Thức; Căn là Kiến. Nếu theo thứ tự thuận, Ngài phải xếp trước Di Lặc Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát là người cuối cùng (tức Thức). Phải biết Di Lặc Bồ Tát được xếp trước Ngài, vị trí của hai Ngài đảo ngược, chúng ta biết nó là pháp môn đặc biệt, chẳng phải là pháp môn thông thường. Vì vậy, trong [sáu căn và] bảy đại, chỉ có Quán Âm và Thế Chí là chẳng xếp hàng theo thứ tự thuận, hai Ngài được xếp vào hàng cuối cùng. Xếp vào cuối cùng, Đại Thế Chí được xếp phía trước, Quán Thế Âm Bồ Tát xếp đằng sau, do đạo lý nào? Vì pháp môn Niệm Phật được mười phương vô lượng vô biên thế giới, thập phương tam thế tất cả hết thảy chư Phật, Bồ Tát hoằng dương, hết thảy chúng sanh cùng tu, nên là pháp đệ nhất. Nhĩ Căn Viên Thông, đặc biệt là đối với thế giới Sa Bà chúng ta, xét theo hiện tiền chúng sanh để giảng thì trong sáu căn của chúng ta, Nhĩ Căn nhạy bén nhất. Bởi lẽ đó, thuở ấy đức Phật thuyết pháp chẳng dùng văn tự, mà dùng ngôn ngữ. Mọi người đến nghe giảng, nghe dễ hiểu rõ, nhưng nhìn thì chẳng dễ gì nhìn mà hiểu rõ được! Nhĩ Căn nhạy bén hơn Nhãn Căn, [nên ngài Văn Thù] chọn lựa như vậy, cho nên phải hiểu rõ!
Kinh Lăng Nghiêm tuyên dương điều gì? Tuyên dương pháp môn Niệm Phật. Pháp môn Niệm Phật phải dùng phương pháp Nhĩ Căn Viên Thông của Quán Thế Âm Bồ Tát để niệm, cách niệm ra sao? Phật hiệu từ trong tâm sanh ra, miệng niệm ra tiếng, tai nghe [từng âm thanh niệm Phật lọt] vào, đó gọi là “phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo” (xoay cái Nghe để nghe nơi tự tánh, tánh trở thành vô thượng đạo) trong pháp môn Niệm Phật. Trước tiên, khuyên quý vị niệm Phật, sau đấy, dạy quý vị phương pháp dụng công, đó là tinh tủy của kinh Lăng Nghiêm. Bao nhiêu người đọc tụng kinh điển Đại Thừa đã sơ sót, chẳng biết kinh Lăng Nghiêm giảng gì! Kinh Lăng Nghiêm thật sự giảng về chuyện này! Kinh Hoa Nghiêm giảng gì? Kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng khuyên quý vị niệm Phật cầu sanh Tây Phương thế giới, giảng điều này, mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Vì thế, quý vị đọc kinh Đại Thừa, đối với những chỗ này, phải thấy được đường nẻo, chỗ mấu chốt, đừng nhìn vào chỗ náo nhiệt! Nắm được đường nẻo, chúng ta mới hiểu: Đến rốt ráo là dạy chúng ta làm gì? Tịnh Độ Tam Kinh chuyên giảng Tây Phương Cực Lạc thế giới; cho nên cổ đức nói: “Pháp Hoa và Hoa Nghiêm đều là Tự Phần của kinh Di Đà”. Cách nói ấy rất đúng, những kinh ấy dẫn quý vị về Tịnh Độ. Kinh Lăng Nghiêm cũng dẫn chúng ta về Tịnh Độ.
“Dữ Thập Lục Quán Kinh đồng ý” (có cùng một ý nghĩa với Thập Lục Quán Kinh), trong Quán Kinh Sớ Sao có nói: Người tu hành cần phải biết, tu Quán thì phải dùng gì để Quán? Phải dùng tâm tánh, dùng tự tánh để quán thì mười sáu phép Quán mới có thể thành công, y báo và chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới mới có thể hiển thị rất rõ rệt. Nhờ vào cảnh giới y báo và chánh báo của Tây Phương thế giới để quán tâm tánh của chúng ta thì tâm tánh mới có thể hiển lộ. Đạo lý này đã được Trí Giả đại sư viết trong bản chú giải Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ, tôn giả Tứ Minh (Tri Lễ đại sư) đã chú giải bản chú giải ấy, tức bộ Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ Diệu Tông Sao; đây là bản chú giải Quán Kinh có uy tín nhất, nhưng bản [Quán Kinh] Sớ Sao ấy khá sâu.
Lần này chúng ta in [Quán Kinh] Sớ Sao Diễn Nghĩa, pháp sư Đế Nhàn đã hoàn toàn dựa trên bộ Sớ Sao để viết ra cuốn sách này, trích yếu những phần trọng yếu trong bộ [Quán Kinh] Sớ Sao (Quán Kinh Diệu Tông Sao), lược bớt những phần rườm rà, phức tạp, thêm vào những ý nghĩa giải thích của chính Ngài để giảng rõ. Vì vậy, trước hết, chúng ta đọc Sớ Sao Diễn Nghĩa, sau đấy mới đọc Diệu Tông Sao sẽ chẳng khó. Đây là sách rất hay để tiếp dẫn hàng sơ cơ. Những đạo lý như vậy, chúng ta đều đọc được. Nói đến lý luận của Tịnh Độ thì Diệu Tông Sao giảng hết sức thấu triệt; vì vậy, người niệm Phật chẳng thể không đọc Quán Kinh Diệu Tông Sao!
Pháp môn Niệm Phật, nói thật ra là phát dương quang đại phép Quán cuối cùng trong Thập Lục Quán Kinh, vì phép Quán thứ mười sáu nói về trì danh niệm Phật. Quán Kinh có tất cả mười sáu phép Quán, mười hai phép Quán đầu là quán tưởng, hoàn toàn có quan hệ vô cùng mật thiết với tự tánh giác; vì thế, đúng là nói về “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”, Lý Sự viên dung. Phép Quán mười bốn, mười lăm và mười sáu giảng về Tam Bối Vãng Sanh nói về Quán Tượng Niệm Phật. Cuối cùng là Trì Danh Niệm Phật; vì vậy, trì danh niệm Phật cũng phát sanh từ lý luận trong Quán Kinh. Kinh Vô Lượng Thọ và Tiểu Bổn Di Đà Kinh cực lực đề xướng trì danh niệm Phật. Trong pháp môn Niệm Phật, coi trì danh niệm Phật là bậc nhất.
Pháp Quán thứ mười sáu tuy giảng về Hạ Phẩm Hạ Sanh, nhưng chư vị phải biết: Nói đúng ra, tuy đức Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, nhưng chẳng thể độ kẻ Hạ Phẩm Hạ Sanh, chẳng có cách nào! Hạng người này nghiệp chướng quá nặng, lập tức sẽ đọa A Tỳ địa ngục. Tội nghiệp sâu nặng như vậy, chẳng có cách nào, pháp môn nào cũng chẳng độ được, vẫn còn có pháp môn này có thể độ họ, quý vị sẽ hiểu pháp môn này tốt đẹp, pháp môn này mới là pháp môn bậc nhất. Do vậy, chương Hạ Phẩm Hạ Sanh trong mười sáu phép Quán là màn chót, mới là pháp môn bậc nhất trong hết thảy các pháp môn. Vì có pháp môn này thì mới có thể độ trọn hết thảy chúng sanh. Nếu chẳng có pháp môn này, vẫn có những chúng sanh không độ được, chẳng có cách cứu! Quý vị mới biết sự thù thắng và chỗ hay của pháp môn này.
Vì vậy, kinh Vô Lượng Thọ và kinh Di Đà đã đặc biệt phát dương quang đại pháp môn này. Sử dụng pháp môn này, có thể nói là chẳng có ai không được độ, chẳng có ai không thành Phật. Từ xưa, các vị tổ sư đại đức đã tán thán pháp môn này là Bi Tâm triệt để của Phật, hiển thị trí huệ viên mãn, đức năng viên mãn của Phật, vạn đức vạn năng là thật, chẳng giả, chẳng phải là lời lẽ tán thán, mà xác thực là như vậy. Từ hai bộ kinh này, chúng ta có thể thấy trì danh niệm Phật quả thật là pháp môn bậc nhất trong tất cả các pháp môn. Vì nó có thể phổ độ hết thảy chúng sanh, tất cả các pháp môn khác chẳng độ được, pháp môn này có thể độ. Nay chúng ta chọn lựa pháp môn này, quyết định chẳng chọn lầm. Ngày hôm nay đã hết thời gian rồi!
[1] Pháp sư Bảo Tĩnh (寶靜), thường bị đọc trại thành Bảo Tịnh trong các dịch phẩm lưu hành từ trước đến nay, là người Ngu Huyện, tỉnh Chiết Giang. Sư sanh năm 1899 (năm Quang Tự 25), cha Ngài là doanh nhân, từng đảm nhiệm chức vụ khoa trưởng huyện Cẩn đầu thời Dân Quốc. Từ bé, Sư đã tỏ ra đĩnh đạc, điềm đạm, trầm mặc, ít nói, thường mang ý tưởng xuất gia. Đến năm Sư mười chín tuổi, nhằm ngày mồng Tám tháng Chạp bèn xuất gia tại chùa Linh Ẩn huyện Phụng Hóa. Xuống tóc chỉ một năm, Ngài được thầy ưu ái cho thọ Cụ Túc giới tại chùa Phương Quảng núi Thiên Thai. Ngài tinh tấn tu trì, hằng ngày tụng Pháp Hoa, học tập Thiên Thai Giáo Quán dưới sự chỉ dẫn của hòa thượng Khả Đoan. Về sau, Ngài sang Ninh Ba, đến chùa Quán Tông học Giáo Quán với ngài Đế Nhàn, trở thành một học trò đắc ý của tổ Đế Nhàn. Khi Quán Tông Học Xã thành lập, tổ Đế Nhàn đích thân chủ trì, ngài Bảo Tĩnh lãnh ngộ khá nhất, nên Tổ thường sai Sư giảng thêm cho đồ chúng. Duyên hoằng hóa của Sư rất thịnh, Ngài diễn giảng rất nhiều nơi, nhưng chủ yếu là giảng giáo nghĩa Thiên Thai và Tịnh Độ. Khi pháp sư Đế Nhàn bị bệnh nặng, đã phó chúc Sư kế nhiệm trụ trì chùa Quán Tông, chính thức nối pháp Thiên Thai, làm pháp tự đời thứ bốn mươi bốn của Thiên Thai Giáo Quán Tông. Ngài trước tác khá nhiều, những tác phẩm được lưu hành rộng nhất là Đại Thừa Khởi Tín Luận Giảng Nghĩa, A Di Đà Kinh Yếu Giải Thân Văn Ký, Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Nghĩa, Tu Tập Chỉ Quán Tọa Thiền Pháp Giảng Thuật…