Tập 5/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 01-003-0289

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 5/289

 

           Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, dòng thứ ba trang thứ năm:

          (Diễn) Tịnh nghiệp giả, nghiệp cư khổ chi tiên, phiền não chi hậu. Thập pháp giới bất đồng, giai do sở tác chi nghiệp bất đồng. Cổ vân: “Giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong”. Hựu vân: “Phật thập lực trung, nghiệp lực thậm thâm”. Hựu vân: “Thập phương chư quốc độ,  giai y nghiệp lực sanh”.   Cố nghiệp bất khả bất

tịnh.

          () 淨業者,業居苦之先,煩惱之後。十法界不同,

皆由所作之業不同。古云,假使百千劫,所作業不亡。又云,佛十力中,業力甚深。又云,十方諸國土,皆依業力生。故業不可不淨。

          (Diễn: Tịnh nghiệp: Nghiệp ở trước khổ, ở sau phiền não. Mười pháp giới khác nhau đều do tạo nghiệp khác nhau. Cổ nhân nói: “Giả sử trăm ngàn kiếp, nghiệp đã làm chẳng mất”. Lại nói: “Trong Thập Lực của Phật, nghiệp lực rất sâu”. Lại nói: “Các cõi nước trong mười phương đều nương theo nghiệp lực mà sanh”. Vì thế, nghiệp chẳng thể không thanh tịnh).

          Đoạn này khá quan trọng, chúng ta phải đặc biệt lưu ý, vì tu pháp môn này phải tu “tịnh nghiệp”. Nếu chẳng hiểu rõ định nghĩa của tịnh nghiệp, đương nhiên tu hành sẽ có chướng ngại. Nghiệp là gì? Ở đây, đại sư giải thích: Nghiệp “ở trước khổ”, khổ là nói về quả báo, tức là quả báo trong tam giới. Quý vị phải hiểu, cả ba cõi đều khổ, đừng nghĩ là có vui. Nếu quý vị nghĩ trong ba cõi có niềm vui thì quý vị đã nhìn lầm rồi! Trong ba cõi không có vui, chỉ có khổ. Trong Dục Giới có ba thứ khổ, có tám thứ khổ, trong các cõi trời thuộc Sắc Giới có Hành Khổ và Hoại Khổ. Dù sanh lên các tầng trời thuộc Vô Sắc Giới, không còn thân hình, nay chúng ta gọi là “linh giới”, trong linh giới ngay cả sắc tướng cũng không có, nhưng họ vẫn có Hành Khổ. Do vậy, nói: “Cả ba cõi đều khổ!” Đấy là chân tướng sự thật. Nếu nghĩ ba cõi có vui thì là mê hoặc. Quả báo trong tam giới gọi là Khổ Báo, chữ Khổ này chỉ quả báo trong tam giới lục đạo. Nghiệp ở trước quả báo, vì tạo nghiệp thì mới có quả báo; nhưng kinh còn dạy chúng ta: Tạo tác thiện nghiệp, có quả báo trong ba đường lành; tạo ác nghiệp, có quả báo trong ba đường ác. Bất luận thiện hay ác đều là khổ, ba đường lành cũng khổ. Chúng ta hiện đang ở trong nhân đạo, con người có khổ hay không? Ngày nay chúng ta làm người, nếm đủ mùi vị làm người, con người khổ sở lắm! Chư thiên theo như kinh Phật đã nói: Dục Giới Thiên có nỗi khổ Ngũ Suy[1], trời Sắc Giới và Vô Sắc Giới có nỗi khổ chết đi đọa lạc, tức là chết rồi sẽ bị đọa lạc.

          Ở đây, sách Diễn Nghĩa viết: Nghiệp ở trước nỗi khổ quả báo, ở sau phiền não. Không có phiền não sẽ chẳng tạo nghiệp. Phiền não là mê hoặc. Nghiệp ở giữa “Hoặc, Nghiệp, Khổ”. Hễ nói đến Nghiệp thì trước nó là Hoặc, sau nó là Khổ, [Hoặc và Khổ] đều được bao gồm trong ấy. Phật pháp không chỉ nói đến một mình Nghiệp, hễ nói đến Nghiệp là nói đến Hoặc – Nghiệp – Khổ, chúng ta phải hiểu rõ điều này. Phiền não có rất nhiều loại, có Kiến Tư Phiền Não, Trần Sa Phiền Não và Vô Minh Phiền Não. Ba loại phiền não này, đặc biệt là Kiến Tư Phiền Não, chính là nhân duyên luân hồi trong lục đạo tạo nghiệp, hứng chịu quả báo, chúng ta phải đặc biệt lưu ý. Phải đoạn Kiến Tư Phiền Não thì mới có thể vượt thoát luân hồi. Sách Yếu Giải nói đến “Ngũ Trược ác thế”, đặc biệt thảo luận cặn kẽ hai món Kiến Trược và Phiền Não Trược chính là vì đạo lý này. Đấy là Kiến Tư Phiền Não.

          “Thập pháp giới bất đồng, giai do sở tác chi nghiệp bất đồng” (Mười pháp giới sai khác đều do nghiệp đã tạo sai khác): Đây là chỉ bày rõ ràng mười pháp giới do đâu mà có? Do nghiệp lực mà bản thân chúng ta đã gây tạo hiển hiện. Pháp giới vốn chỉ có Nhất Chân, không có mười pháp giới. Nhất Chân biến thành mười pháp giới, biến như thế nào? Do tạo nghiệp bất đồng, quả báo biến hiện bất đồng. Trong các bộ kinh lớn đã nêu ra một nguyên tắc chung: Căn cứ lý luận tối cao trong sự tu học Phật pháp là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Nhìn từ phương diện “duy tâm sở hiện” thì gọi là Nhất Chân pháp giới, nhìn từ phương diện “duy thức sở biến” thì gọi là mười pháp giới. Chuyện này quả thật chẳng dễ hiểu cho lắm, chẳng dễ lãnh hội. Chúng ta hãy nhìn vào màn hình của TV. Trong giảng đường này, quý vị đều có thể nhìn thấy, những tướng được hiện trên màn hình ví như Nhất Chân pháp giới. Tướng hiện ra, nói đơn giản là “hiện tướng”, bất luận là hiện tướng gì, tướng ấy đều là tướng bình đẳng. Những tướng ấy biến hóa trong màn hình là do duy thức biến, thức biến tại nơi ấy. Thức có thể biến, tâm có thể hiện. Có thể hiện thì quyết định bình đẳng, trong ấy không phân biệt, không chấp trước, gọi là Nhất Chân. Nếu là cái được hiện, cái được biến thì sao? Mỗi một ống kính trong ấy đều có biến hóa, đều có những động tác khác nhau; đó gọi là “duy thức sở biến”. Vì vậy Năng Hiện và Sở Hiện là Nhất Chân, Năng Biến và Sở Biến là mười pháp giới, do đã tạo nghiệp khác nhau. Nghiệp đã tạo muôn ngàn sai khác, nói chẳng hết; chẳng những chúng ta không có cách nào tưởng tượng được, mà chư Phật, Bồ Tát cũng chẳng có cách gì nói trọn hết được!

          Vì sao tạo nghiệp? Chúng sanh trong mười giới mê khác nhau, những thứ bị mê muội có thể chia thành hai loại lớn: Một là mê nơi Sự, hai là mê nơi Lý. Một loại là Lý lẫn Sự đều mê, loại kia là Lý và Sự đều không mê. Phật là Lý lẫn Sự đều không mê, phàm phu chúng ta mê cả Sự lẫn Lý. Quy nạp những nghiệp đã tạo thành cương lãnh và nguyên tắc để luận định thì:

– Địa ngục đạo là do nghiệp được tạo bởi tâm nóng giận, cảm thọ khổ báo trong địa ngục.

– Ngạ quỷ đạo là do nghiệp được tạo bởi tâm tham lam, keo kiệt, chiêu cảm ngạ quỷ đạo không được tự tại.

– Súc sanh đạo là do tội nghiệp đã tạo bởi tâm ngu si.

Nghiệp nhân của tam ác đạo chẳng ngoài tham, sân, si. Ngu si là gì? Nói đơn giản, chẳng hiểu rõ chân tướng của hết thảy sự lý là ngu si. Có nghĩa là quý vị chẳng phân biệt rõ ràng chân – vọng, chánh – tà, đúng – sai, thiện – ác, điên đảo ngỡ thiện là ác, tưởng ác là thiện, thị phi điên đảo, không phân biệt chân và vọng, đấy là ngu si. Kẻ ngu si có tự biết hay chăng? Không biết! Nếu người ngu si biết chính mình ngu si thì đâu còn ngu si nữa, đã khai ngộ rồi! Do vậy, chắc chắn là kẻ ấy chẳng tự biết, thường chấp trước cứng ngắc. Đấy là nghiệp nhân của súc sanh đạo.

          Trong ba thiện đạo, nhân đạo tuân giữ Ngũ Giới. Đối với người không học Phật, khi Phật pháp chưa truyền đến Trung Quốc, cổ thánh tiên hiền Trung Quốc đề xướng tiêu chuẩn đạo đức là Ngũ Thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, rất giống với Ngũ Giới trong Phật pháp. Trong xã hội Tây phương, tinh thần của mười điều răn của Moses[2] trong Cơ Đốc Giáo cũng hết sức tương tự. Đấy chính là nghiệp nhân của nhân thiên đạo. Do vậy, chúng ta được làm thân người là do trong đời quá khứ từng tu Ngũ Giới, Thập Thiện, nghiệp nhân ấy chín muồi, gặp được nhân duyên này, chúng ta được hưởng quả báo làm thân người. A Tu La cũng tu Ngũ Giới, Thập Thiện, vì sao họ biến thành Tu La? Họ có công phu Ngũ Giới Thập Thiện kha khá, tu khá lắm, nhưng có tập khí rất nặng: Nóng giận, ngạo nghễ, tự cao. Tuy không đoạn trừ tập khí ấy, nhưng họ có phước đức tu Ngũ Giới Thập Thiện nên cảm được quả báo A Tu La. Chắc chắn là A Tu La có phước, bất luận ở trong đường nào, chỉ cần là A Tu La sẽ nhất định có phước báo rất lớn, nhưng chưa chắc họ đã tu thiện. Trong khi tu nhân thì họ có tu thiện, nhưng khi hưởng quả, chưa chắc đã tu thiện.

          Thiên đạo là tu Thập Thiện nghiệp đạo. Nếu [muốn sanh vào những cõi trời cao hơn, như] từ Sắc Giới Thiên trở lên, còn phải tu thêm Tứ Thiền Bát Định, tu Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, bi, hỷ, xả. Chư thiên Sắc Giới và Vô Sắc Giới, chắc chắn không có sân khuể. Trong Kiến Tư Phiền Não, họ không có sân khuể. Vì sao không có tâm sân khuể? Họ có Định. Nếu kẻ nào có tâm sân khuể sẽ không có Định. Do đây có thể biết rằng: Sân khuể là chướng ngại lớn nhất đối với người tu Định. Đừng nói là chẳng thể thành tựu xuất thế gian Định, ngay cả thế gian Định cũng chẳng thể thành tựu. Do vậy, người chứng Sơ Thiền trở lên không có sân khuể. Đấy là nói về lục đạo. Lục đạo là phàm phu; chúng ta gọi những vị không thuộc trong lục đạo là “thánh nhân”, thuộc vào tứ thánh pháp giới. Thanh Văn tu pháp Tứ Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Duyên Giác tu Thập Nhị Nhân Duyên. Bồ Tát tu Lục Độ vạn hạnh. Phật tu chân từ bi bình đẳng, thật sự từ bi, thật sự bình đẳng. Đấy là giới thiệu với quý vị một cách đơn giản về sự khác nhau trong mười pháp giới, đã tạo các nghiệp khác nhau. Chúng ta tạo nghiệp như thế nào, sẽ có pháp giới như thế ấy hiện tiền. Đấy là quả báo. Nếu chúng ta muốn thành Phật thì phải tu từ bi bình đẳng thật sự. Muốn làm Bồ Tát, nhất định phải tu Lục Độ vạn hạnh. Muốn làm quỷ, tức là chết đi sẽ làm quỷ thì phải tu tâm tham, tham cầu không chán, tương lai sẽ làm quỷ. Mười pháp giới chẳng có một ai làm chủ tể trong ấy muốn phái chúng ta đi vào đó, không hề có! Không ai có năng lực đó, mà là do nghiệp lực của bản thân chúng ta hiện ra, tự làm, tự chịu, chẳng phải do bên ngoài mà có!

          Cổ nhân có nói mấy câu rất hay, chúng ta phải ghi nhớ: “Giả sử trăm ngàn kiếp, nghiệp đã tạo chẳng mất, khi nhân duyên tụ hội, quả báo phải tự chịu”, tự làm, tự chịu mà! Do vậy, đối với chuyện tạo nghiệp, phải cẩn thận, vì sao? Chủng tử của nghiệp ở trong A Lại Da Thức quyết định chẳng mất đi, chẳng thể thất lạc. Cái kho A Lại Da Thức là nơi bảo đảm bậc nhất trong thế gian và xuất thế gian, làm cách nào cũng chẳng thể mất đi được. Ngàn vạn phần chớ cho rằng: Tôi làm rồi, đại khái là chẳng sao hết! Thức thứ sáu là Ý Thức chẳng nghĩ đến nữa, quên mất rồi, nhưng cái kho A Lại Da Thức cất chứa rất kỹ, chẳng tổn hoại tí xíu nào. Khi nào nhân duyên tụ hợp, quả báo bèn hiện tiền. Do vậy, khởi tâm động niệm chẳng thể không cẩn thận, chẳng thể không chú ý đối với hết thảy tạo tác.

          “Hựu vân: Phật Thập Lực trung, nghiệp lực thậm thâm” (Lại nói: Trong Thập Lực của Phật, nghiệp lực rất sâu): Thập Lực của Phật chính là mười thứ năng lực hết sức thù thắng nơi quả vị Như Lai rốt ráo, Bồ Tát chẳng có mười thứ năng lực ấy. Mười thứ năng lực ấy đều do trí huệ sanh khởi. Do vậy, Phật mới có thể độ hết thảy chúng sanh, Ngài có năng lực lớn như vậy; nhưng trong mười thứ năng lực ấy, nghiệp lực sâu nhất. Điều này cũng khiến cho chúng ta nghe xong bèn thắc mắc: “Đã thành Phật, thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vẫn còn có nghiệp lực ư? Nếu có nghiệp lực thì làm sao có thể thành Phật?” Con người hiện thời cho rằng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới vẫn phải tiêu nghiệp, mang theo nghiệp một phần, tiêu một phần, thế mà đạt đến quả địa rốt ráo vẫn còn nghiệp lực rất sâu, chuyện này khiến chúng ta rất hoang mang, không hiểu được! Thật ra, chúng ta thường nói “trong Thập Lực, nghiệp lực rất sâu”, đấy là Phật biết hết thảy chúng sanh nghiệp lực rất sâu, chứ chính Ngài đã chuyển được nghiệp lực, chuyển phiền não thành Bồ Đề, chuyển nghiệp lực rất sâu của chính mình thành Bồ Đề, chuyển biến thành công đức. Có nghĩa là Phật đã chuyển tám thức thành bốn trí. Phật biết nghiệp lực của hết thảy chúng sanh; do vậy, Phật giáo hóa chúng sanh mới thật sự khế cơ, khế lý, gặp được Phật, không một ai chẳng thành tựu.

          “Hựu vân, thập phương chư quốc độ giai dĩ nghiệp lực sanh” (Lại nói, các cõi nước trong mười phương đều nương theo nghiệp lực mà sanh): Câu này rất khẩn yếu. Trong kinh, đức Phật dạy: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” (Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng), “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh” (hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng), nhưng chúng ta cảm thấy những tướng hư vọng ấy dường như thật sự tồn tại, bày ra trước mắt chúng ta, chuyện như thế nào đây? Đấy là do nghiệp lực bất đoạn cho nên huyễn tướng ấy tồn tại liên tục. “Liên tục” mang ý nghĩa: Trong thực tế, hoàn toàn không phải là tướng được hiện có thể tạm thời ngưng trụ một thời gian nào đó, không phải vậy, mà là mỗi một tướng ấy đều độc lập, tướng trước và tướng sau giống nhau, thật ra là hai, chứ không phải là một. Mỗi một tướng đều là tương tự. Chẳng hạn như hiện thời chúng ta dùng máy chụp hình để chụp ảnh, trước mắt, loại máy chụp hình phổ biến nhất hiện nay là loại trong một giây có thể chụp được hai mươi bốn tấm, ống kính đóng mở hai mươi bốn lần. Khi quý vị chiếu phim, phải dùng hai mươi bốn tấm phim, mỗi giây là hai mươi bốn tấm. Nói cách khác, trong một giây có hai mươi bốn tấm hình. Nếu một người vừa sanh ra liền được quay phim, quay mãi cho đến khi già chết, quay phim liên tục không ngừng, quý vị thấy quá trình cả một đời người ấy, chẳng phải là từng tấm độc lập hay chăng? Tấm phía trước rất giống với tấm phía sau, không thể thấy chỗ khác nhau, thế nhưng cách biệt nhau mấy vạn tấm, nhưng [đem tấm thứ nhất] so với tấm thứ mấy chục vạn ở phía sau thì chẳng giống hệt nhau. Vì sao không giống hệt? Do duy thức biến.

          Từ tỷ dụ này, quý vị sẽ thấu hiểu: Đời người và thế giới này là chuyện gì vậy? Hư vọng, chẳng chân thật! Từ tỷ dụ, chúng ta có được một khái niệm, thấu hiểu tướng chân thật, mỗi tấm phim đều là hư vọng. Đức Phật bảo chúng ta, nói [tướng được biến hiện] giống y như cũ tức là chẳng phải nói sự thật, vì không có cách gì diễn tả được pháp chân thật, không thể nói được. Đức Phật dạy chúng ta trong một khảy ngón tay có sáu mươi sát-na, trong một sát-na có chín trăm lần sanh diệt. Quý vị cứ nhân lên, chúng ta tính xem: Một giây gồm bốn lần khảy ngón tay, bốn nhân sáu mươi nhân với chín trăm (4x60x900), trong một giây có bao nhiêu lần sanh diệt? Giống như ống kính của máy chụp hình đóng mở bao nhiêu lần? Hơn hai mươi vạn lần! Máy ảnh hiện thời trong một giây đóng mở hai mươi bốn lần mà chúng ta nhìn không ra sự hư vọng; nếu một giây đóng mở hơn hai mươi vạn lần, làm sao quý vị nhận biết được tướng ấy là tướng hư vọng? Làm sao có thể nhận biết tướng ấy, mỗi một Tướng Phần[3] đều là Tướng Phần độc lập ư? Vì vậy, chúng ta nói “tương tục” (liên tục) thì chẳng phải là tướng ấy tồn tại trong một thời gian dài, không phải vậy, từ trước đến giờ nó chẳng hề tồn tại trong một thời gian dài. Còn Tướng chân thật là “lửa xẹt do đập vào đá, là ánh sáng của tia chớp”, trong sát-na sẽ chẳng thể thấy nữa. Điều này giảng rõ “các cõi nước trong mười phương đều nương theo nghiệp lực mà sanh”. Nghiệp thanh tịnh, cõi nước liền thanh tịnh; nghiệp ô uế, cõi nước bèn ô uế, đấy chính là nói: “Tướng chuyển theo tâm”, “vạn pháp duy tâm sở tạo”. Tây Phương Cực Lạc thế giới do tịnh nghiệp của chúng sanh cảm thành, do tịnh nghiệp hiện, người nơi ấy ai cũng tu Tịnh nghiệp. Quý vị cũng tu Tịnh nghiệp sẽ chí đồng đạo hợp với họ, có cùng một cảnh giới với họ, nên mới có thể vãng sanh.

          Do vậy học Phật, đặc biệt là có những người học Phật cũng đọc kinh Phật, cũng tin tưởng, nhưng chẳng chịu lạy Phật, chẳng chịu thọ giới, chẳng chịu quy y, họ cảm thấy những thứ ấy không cần thiết, [cứ nghĩ] tin là được rồi! “Kinh nói Tín – Nguyện – Hạnh, ta cũng đầy đủ Tín – Nguyện – Hạnh”, người ấy có được vãng sanh hay không? Chẳng thể vãng sanh! Chính họ nghĩ mình đã đầy đủ Tín – Nguyện – Hạnh, thật ra cả ba món Tín – Nguyện – Hạnh đều chẳng đủ. Nếu quý vị nói tới Tín thì kinh đã nói rõ ràng; “Tịnh nghiệp tam phước” như trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh đã dạy chính là ba điều kiện ắt phải trọn đủ: Thiện căn, phước đức, nhân duyên. Điều kiện thứ nhất là “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện nghiệp”, kẻ ấy đã làm được hay chưa? Điều kiện thứ hai là “thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới”, kẻ ấy chẳng quy y, chẳng chịu thọ giới! Điều kiện thứ ba: “Phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”, khuyến tấn hành giả là hoằng pháp lợi sanh. Quý vị chẳng thể y giáo phụng hành tức là chẳng Tín, chẳng chịu làm như vậy là chẳng Nguyện, thì có Hạnh ở chỗ nào? Do vậy, những kẻ thông minh trí huệ trong thế gian hằng ngày đọc kinh Phật chắc chắn chẳng thể vượt thoát lục đạo luân hồi. Họ tự mình chiếu theo đó để làm, không có thầy giảng giải cho họ. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Phật pháp vô nhân thuyết, tuy trí mạc năng giải” (Phật pháp không có người nói thì tuy có trí cũng chẳng thể hiểu được). Người trong thế gian dù thông minh trí huệ đến đâu đi nữa, chẳng thể hiểu Phật pháp, vì lẽ nào? Vì họ có tâm ý thức, có phân biệt, chấp trước, có vọng tưởng, có tà kiến, chấp trước những thứ ấy, chẳng thể thành tựu! Phật pháp cần phải có người giảng, người nào giảng được? Người nào bỏ tâm ý thức, người ấy thật sự hiểu Phật pháp. Người lìa hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng sẽ hiểu Phật pháp.

          Nói nghiêm ngặt, thọ Tam Quy, Ngũ Giới chẳng phải là chuyện dễ dàng. Phát tâm cầu thọ Tam Quy, đấy là nhập môn, vào học, phát tâm cầu thọ Ngũ Giới là đi thi. Hiện thời, Phật pháp đã suy, suy đến mức chỉ có hình thức, không có thực chất, trong sự tu học điều gì cũng không đúng pháp. Chúng ta không cần bàn đến chuyện xuất gia thọ giới, chỉ nói về tại gia thọ Ngũ Giới. Hiện thời, quý vị muốn thọ giới ở nơi nào đó, hễ ghi danh liền lập tức thọ giới pháp, dễ dàng quá! Trước kia thì không được, trước kia, quý vị muốn cầu thọ Ngũ Giới, quý vị phải theo học với vị pháp sư ấy. Pháp sư dạy quý vị, quý vị phải tu sáu tháng, pháp sư quan sát quý vị trong sáu tháng, thấy quý vị có thể thọ được hay không? Trong vòng sáu tháng, thấy quý vị vẫn không sai sót, trong tri kiến, trong hành trì, quý vị đều có thể thọ được thì mới chịu truyền cho quý vị. Đâu có chuyện hễ muốn thọ giới liền thọ, đâu có đơn giản như vậy, quan sát trong sáu tháng. Hiện thời có còn như vậy hay chăng? Hiện thời không còn nữa! Thọ giới xuất gia càng khó hơn nữa! Nói thông thường là phải quan sát trong năm năm; do vậy, xuất gia là học giới trong năm năm. Quý vị muốn thọ giới Sa Di, tối thiểu cũng phải quan sát từ sáu tháng đến một năm, người thật sự có thể giữ giới thì mới cho thọ giới Sa Di. Sau khi thọ giới Sa Di, còn phải quan sát trong thời gian năm năm mới có thể thọ giới tỳ-kheo, thọ giới Bồ Tát. Hiện thời đơn giản, là vì trong thời đại công nghiệp, hết thảy đều mong cầu hiệu quả tức thời, trong vòng một tháng, tam đàn đại giới đều thọ hết. Trong quá khứ không thể như vậy. Vì thế, trước kia, tố chất (phẩm chất, quality) quả thật là cao, số người [được thọ giới] ít ỏi; hiện thời, tố chất rất tệ, số người thọ giới rất đông.

          Những điều này đều nhằm giảng rõ nghiệp lực có quan hệ rất sâu. Học Phật nhất định phải đúng lý, đúng pháp thì mới có kết quả. Trái nghịch lý luận, chẳng tuân theo pháp tắc, cứ dựa vào sự tưởng tượng do trí huệ thông minh của chính mình, đến cuối cùng chẳng có kết quả gì! Chuyện này đã được nói rõ trong Đàn Kinh nơi đoạn nói về Vĩnh Gia đại sư. Kinh bảo rõ ràng với chúng ta: Trước thời Oai Âm Vương Phật, tự mình tu hành thì được; từ sau thời Oai Âm Vương Phật, nếu không có thầy, tự mình tu hành mà thành tựu đều là thiên ma ngoại đạo, không một ai có thể thành chánh quả. Oai Âm Vương Phật là vị cổ Phật từ vô lượng kiếp trước, từ sau thời Ngài, những kẻ không có thầy mà tự thông sẽ đều là thiên ma ngoại đạo.

Còn có một hạng người “tôi cũng theo một vị thầy, nghe lời thầy, tôi cũng theo học với thầy, tôi học thành rồi, nhưng không lễ bái thầy”. Đến chỗ Lục Tổ tham học, khi kẻ ấy đến, hoàn toàn chẳng nói rõ, hoàn toàn chẳng lễ bái thầy, ngồi cùng một chỗ với đại chúng, ngồi nghe kinh nơi đó. Lục Tổ rất lợi hại. Trong khi giảng khai thị, Lục Tổ tuyên bố: “Trong đại chúng có kẻ tới trộm pháp”, ép kẻ đó không có cách nào khác, phải đứng lên nói rõ nguyên do, trộm pháp mà! Người trộm pháp có thể thành tựu hay chăng? Chẳng thể thành tựu! Do vậy, chẳng đúng pháp thì sẽ như thế nào? Chẳng đúng pháp, nghiệp chẳng thanh tịnh. Đúng pháp, đúng lý, nghiệp mới thanh tịnh. “Cho nên nghiệp chẳng thể không thanh tịnh”, nhất là trong pháp môn này, pháp môn này gọi là pháp môn Tịnh Độ, điều được tu là Tịnh nghiệp. Tiêu chuẩn của Tịnh nghiệp là như trong kinh này đã dạy. Bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư và sách Diễn Nghĩa của pháp sư Cổ Đức đều nhằm nói rõ cách tu và cảnh giới của Tịnh nghiệp. Tiếp theo đây, sách giảng về Tín – Nguyện – Hạnh, dựa trên cương lãnh để nói:

         (Diễn) Tín giả, bất nghi chi vị.

          () 信者不疑之謂。

          (Diễn: Tín có nghĩa là chẳng nghi).

           Chẳng nghi thì gọi là Tín.

          (Diễn) Ư Tịnh Độ diệu lý, thâm tín bất nghi.

          () 於淨土妙理,深信不疑。

          (Diễn: Đối với lý mầu Tịnh Độ, tin sâu chẳng nghi).

Đấy mới gọi là tin tưởng thật sự. Hiện thời chúng ta có tin hay không? Rất khó nói! Nói quý vị không tin thì dường như quý vị rất kiền thành; nói quý vị tin thì vẫn chưa hiểu đạo lý Tịnh Độ. Vẫn chưa hiểu thì làm như thế nào? Chớ nghi! Căn bản là chẳng hiểu đạo lý trong pháp môn này. Người ta nói, ta liền tin ngay, ta học ngay, còn chưa hiểu đạo lý, nhưng không dấy lên nghi vấn. Sau khi đã nhập cảnh giới mới khởi lên nghi vấn, mới đặt câu hỏi. Chúng ta không hiểu đạo lý này, “chẳng hiểu” là do vô minh che lấp, đấy cũng là một chướng ngại lớn. Nhất định phải hiểu lý, nhất định phải đoạn nghi sanh tín thì mới là tín tâm chân thật. Do vậy, phải thường đọc bộ Sớ Sao Diễn Nghĩa, xem thường xuyên. Quý vị có thể niệm kinh trong khóa tụng sáng tối, kinh Di Đà không dài! Nói chung, mỗi ngày phải đọc mấy đoạn Sớ Sao Diễn Nghĩa, có nghi thì phải hỏi. Chúng ta cùng nhau nghiên cứu, thảo luận, lý càng biện định, càng hiểu rõ. Hiểu rõ rồi, chúng ta sẽ đoạn sạch nghi, tín tâm mới thật sự kiến lập. Đương nhiên, trong khi giảng giải, sẽ có nhiều nghi vấn được phúc đáp. Trong khi giảng giải không nêu ra, sẽ chẳng có phúc đáp. Trong pháp hội niệm Phật mỗi Chủ Nhật, chúng tôi chuyên môn giải đáp câu hỏi cho quý vị, hy vọng quý vị nêu ra nhiều câu hỏi để chúng ta cùng nhau nghiên cứu, thảo luận.

          (Diễn) Hạnh giả, xu tạo chi vị, ư Di Đà danh hiệu, niệm niệm minh liễu.

() 行者趨造之謂。於彌陀名號,念念明了

          (Diễn: Hạnh là hướng đến, tạo tác. Đối với danh hiệu Di Đà, trong mỗi niệm đều biết rõ).

          “Hạnh” là nói tới tu hành. Hạnh là hướng đến, là tạo tác. Chúng ta hướng đến mục tiêu nào? Hướng đến mục tiêu là Tây Phương Cực Lạc thế giới, đi theo phương hướng ấy. Hết thảy tạo tác của chúng ta phải tương ứng với mục tiêu ấy. Kinh dạy chúng ta phương pháp tu hành là “chấp trì danh hiệu”“nhất tâm bất loạn”, “tâm chẳng điên đảo”, ba câu này quan trọng nhất. Ba câu này là điều kiện cần phải hội đủ để sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Đối với danh hiệu Di Đà”: Danh hiệu là bốn chữ A Di Đà Phật. “Nam-mô” có nghĩa là quy y, thêm Nam-mô thành sáu chữ, tức lục tự hồng danh. “Niệm niệm minh liễu”: Niệm chẳng phải chỉ là miệng niệm. Chữ Niệm thuộc loại Hội Ý, [Niệm gồm hai chữ Kim và Tâm ghép lại], “kim tâm” là cái tâm hiện tiền, [“niệm niệm minh liễu” là] hiểu rõ cái tâm hiện tiền. Hiểu rõ sẽ chẳng mê, A Di Đà Phật là Vô Lượng Giác, giác chứ không mê. Cái tâm hiện tiền này giác chứ không mê, đấy là A Di Đà Phật. Niệm niệm đều hiểu rõ, niệm niệm đều chẳng mê, đấy là quy y Vô Lượng Giác. Do vậy, một câu danh hiệu phải khiến cho cái tâm hiện đang mê hoặc điên đảo của quý vị xoay chuyển, phải đánh thức nó từ mê trở về ngộ, từ nhiễm trở về tịnh, từ loạn tâm quay về nhất tâm. Đấy là Hạnh.

          (Diễn) Nguyện giả, nhạo dục chi vị.

          () 願者樂欲之謂。

          (Diễn: Nguyện có nghĩa là ưa muốn).

                   “Nhạo” (樂) là ưa thích, “dục” (欲) là mong mỏi, hết sức hoan hỷ, rất hy vọng có thể đến được thế giới Cực Lạc.

          (Diễn) Ư Cực Lạc thế giới tâm tâm hướng vãng.

          () 於極樂世界心心向往。

          (Diễn: Tâm luôn hướng về thế giới Cực Lạc).

          Đấy là thật, chẳng phải giả. Niệm niệm đều nghĩ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó gọi là Nguyện. Chúng ta hãy suy nghĩ, Tín – Nguyện – Hạnh có hay không? Chúng ta niệm Phật đã nhiều năm như vậy, không có cảm ứng, chẳng trách chính mình, ngược ngạo trách móc Phật, Bồ Tát chẳng linh! Chúng ta niệm đã nhiều năm như vậy mà chẳng có cảm ứng, chẳng trách chính mình đối với ba điều kiện chẳng trọn đủ một điều kiện nào, chúng ta có thật sự tâm tâm niệm niệm muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới hay chăng? Đến Niệm Phật Đường, niệm kinh văn, niệm Phật hiệu, trong tâm vẫn nghĩ đến chuyện khác, đều chẳng nghĩ tới Tây Phương Cực Lạc thế giới thì làm sao được nữa? Vẫn khởi vọng tưởng, vẫn suy nghĩ lung tung, đủ thấy là “miệng có, tâm không”, không nguyện gì hết! Ba điều kiện khuyết mất một điều sẽ chẳng thể có cảm ứng.

          (Diễn) Thử Tịnh Độ tam tư lương dã.

          () 此淨土三資糧也。

          (Diễn: Đấy là ba món tư lương của Tịnh Độ).

           Ba điều kiện của Tịnh Độ chính là ba điều kiện giúp quý vị sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, ắt phải trọn đủ [ba điều kiện ấy], chẳng thể thiếu một điều nào. Cái tâm của chúng ta thật sự là tâm tâm niệm niệm chỉ nghĩ đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng nghĩ tới điều gì khác. Chuyện gì trong thế gian này cũng đều bỏ hết, quý vị sẽ cảm ứng đạo giao rất nhanh. Nói chung, phải coi chuyện này là chuyện chính đáng, nhất thiết phải làm, lại còn coi nó như là chuyện trọng yếu nhất mà ta cần phải làm trong cuộc đời này. Những chuyện khác đều là chuyện vặt vãnh, chẳng khẩn yếu; còn chuyện này là chuyện lớn, là chuyện khẩn yếu nhất; phải làm như vậy thì mới có thể có thành tựu. Đây là nói về Tín – Nguyện – Hạnh, Tín – Nguyện – Hạnh chính là ba đoạn lớn trong phần Chánh Tông mà cũng là ba đại cương lãnh của kinh này.

          Đoạn kế tiếp sẽ giải thích câu “diệc thuận Tịnh nghiệp Tín – Hạnh -Nguyện cố” (mà cũng là thuận theo Tín – Nguyện – Hạnh của Tịnh nghiệp), nói về ba món tư lương. Lời giảng về Tín – Nguyện – Hạnh trong phần trên nhằm nêu rõ: Ba đoạn lớn trong phần Chánh Tông của kinh này, tức nội dung của phần Chánh Tông, hoàn toàn tương ứng ba món tư lương Tịnh Độ.

          (Diễn) Diệc thuận giả, khế kỳ đại đoan, tự năng thâm nhẫn; cố Thông Tự thuận Tín tư. Thiện độc kinh giả, tùy văn nhập quán, cố Khai Chương thuận Hạnh tư. Thức sở du quy, vô bất hướng mộ, cố Kết Thích thuận Nguyện tư.

          () 亦順者。契其大端,自能深忍,故通序順信資。

善讀經者,隨文入觀,故開章順行資。識所攸歸,無不向慕,故結釋順願資。

          (Diễn: “Cũng là thuận theo”: Khế hợp với đầu mối lớn, tự có thể chấp nhận sâu xa, vì thế phần Thông Tự tương ứng với món tư lương Tín [trong ba món tư lương Tịnh Độ]. Người khéo đọc kinh sẽ theo kinh văn mà nhập quán nên phần Khai Chương tương ứng với tư lương Hạnh. Biết chỗ quy kết, không ai chẳng hướng về, ngưỡng mộ, nên phần Kết Thích tương ứng với tư lương Nguyện).

          Bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư gồm ba đoạn lớn: Thông Tự Đại Ý, Khai Chương Thích Văn và Kết Thích Chú Ý. Ba đoạn lớn này cũng tương ứng với phần cốt lõi của kinh này, tức là ba món Tư Lương. Đoạn lớn thứ nhất là Thông Tự Đại Ý tương ứng với tư lương Tín trong ba món Tư Lương. Câu nói này hết sức khẳng định, hết sức chính xác. Đoạn Thông Tự Đại Ý chưa bước vào kinh văn, chưa giảng đến kinh văn, nhưng phân lượng chiếm cả một quyển. Toàn bộ quyển thứ nhất giảng về Thông Tự Đại Ý, tới quyển thứ hai mới giảng kinh văn. Do vậy, quyển thứ nhất hết sức quan trọng. Chúng ta đọc Sớ Sao, nếu đọc xong quyển thứ nhất, tín tâm kiên cố, tín tâm đã kiến lập thì công đức ấy chẳng thể nghĩ bàn.

          “Khế kỳ đại đoan”: Đại đoan (đầu mối lớn) là ba món Tư Lương, người ấy có thể khế nhập [ba món Tư Lương ấy]. “Tự năng thâm nhẫn”: Thâm Nhẫn là Tín, Nhẫn (忍) có nghĩa là đồng ý, chấp nhận. Quý vị nói lời này, tôi đồng ý, tôi thừa nhận, tôi không phản đối, tôi cũng chẳng hoài nghi thì gọi là Nhẫn. Sự chấp nhận ấy không hời hợt nên gọi là Thâm Nhẫn. Vì sao Thâm Nhẫn? Những đạo lý được giảng trong phần này đều hiểu rõ hết, không hoài nghi, tin tưởng rất sâu.

          Đoạn thứ hai là Khai Chương Thích Văn nhằm giải thích toàn bộ kinh, tức là nói về Sớ Sao. “Thiện độc kinh giả, tùy văn nhập quán” (người khéo đọc kinh sẽ thuận theo kinh văn mà nhập quán), hai câu này khẩn yếu, điều quan trọng nhất trong khi đọc kinh là phải “tùy văn nhập quán”, tức là dựa theo kinh văn để khởi lên công phu quán chiếu của chính mình, như vậy sẽ được thụ dụng, đọc đến chỗ nào, cảnh giới nơi ấy sẽ hiện tiền. “Khai Chương thuận Hạnh tư” (phần Khai Chương tương ứng với tư lương Hạnh): Y giáo tu hành, nương theo văn quán chiếu, đó là “khéo đọc kinh”. Khéo nghe, khéo nói cũng giống như vậy, cũng hiểu theo nghĩa này.

          Đoạn lớn thứ ba là Kết Thích Chú Ý, “thức sở du quy, vô bất hướng mộ” (biết chỗ quy kết, không ai chẳng hướng về, ngưỡng mộ): Ghép Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sanh Tịnh Độ Đà La Ni, tức Vãng Sanh Chú, vào sau bản kinh này.

Chú có công năng dẹp trừ nghiệp chướng của chúng ta, giúp chúng ta sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, biết chỗ quy hướng, không ai chẳng ngưỡng mộ. “Cố Kết Thích thuận Nguyện tư” (vì thế, phần Kết Thích tương ứng với tư lương Nguyện): Tư lương Nguyện trong ba món Tư Lương. Tiếp theo đây, chúng ta lại xem phần Khoa Phán.

(Sớ) Sơ Thông Tự Đại Ý.

() 初通序大意。

          (Sớ: Thứ nhất là Thông Tự Đại Ý).

          Phần này gồm năm đoạn.

          (Sớ) Sơ minh tánh, nhị tán kinh, tam cảm thời, tứ thuật ý, ngũ thỉnh gia.

            () 初明性,二讚經,三感時,四述意,五請加。

(Sớ: Thứ nhất là chỉ rõ tánh, hai là khen ngợi kinh, ba là cảm thán trước thời thế, bốn là trình bày ý nghĩa [vì sao phải chú giải kinh], năm là thỉnh Tam Bảo gia hộ).

          “Gia” (加) là gia trì, chúng tôi giải thích tên gọi của năm khoa này trước, đây là năm khoa nhỏ, tức các tiểu đoạn.

          (Diễn) Sơ minh tánh giả.

          () 初明性者。

          (Diễn: Thứ nhất, minh tánh là…).

           Giải thích tên gọi của khoa này, “minh tánh là gì?” Từ tên gọi của khoa này, quý vị sẽ biết căn cứ lý luận của bộ kinh này chẳng thể nghĩ bàn, mới có thể thật sự nhận biết giá trị của bộ kinh này.

          (Diễn) Tánh tức thường trụ chân tâm.

            () 性即常住真心。

          (Diễn: Tánh chính là chân tâm thường trụ).

           Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Thường trụ chân tâm, tánh tịnh minh thể”.

          (Diễn) Toàn thể thị Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật.

          () 全體是極樂世界阿彌陀佛。

          (Diễn: Toàn thể [của tánh] chính là đức A Di Đà Phật ở thế giới Cực Lạc).

          Tuyệt diệu! Trong khóa tụng, chúng ta đọc thấy câu “Pháp giới tạng thân A Di Đà Phật”. Cách xưng hô này chẳng phải là không có căn cứ, chẳng phải là nói tùy tiện. Chúng ta đọc đến đây bèn hiểu: Đúng là Pháp Giới Tạng Thân, vì sao? “Toàn thể là đức A Di Đà Phật ở thế giới Cực Lạc”. A Di Đà Phật là gì? Chính là Chân Như bổn tánh của bản thân chúng ta. Đấy gọi là “duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà”, là căn cứ lý luận cho pháp môn này, nêu rõ giáo thể của kinh này cho chúng ta thấy.

          (Diễn) Sơ minh giả.

          () 初明者。

          (Diễn: Trước hết, nêu rõ [tự tánh] là vì….)

          “Minh” (明) là nêu rõ. Tánh vốn sẵn có, vốn sẵn đầy đủ, nhưng kẻ

sơ học chẳng thể hiểu rõ.

          (Diễn) Khủng nhân nhận A Di Đà Phật tại tự tánh chi ngoại, cố cổ vân: “Nhược nhận tha thị Phật, tự kỷ khước thành ma”. Hựu vân: “Cầu nhân bất như cầu tự kỷ”.

          () 恐人認阿彌陀佛在自性之外 。故古云 ,若認他

是佛,自己卻成魔。又云,求人不如求自己。

          (Diễn: Sợ người ta nghĩ A Di Đà Phật ở ngoài tự tánh nên cổ nhân nói: “Nếu nghĩ ai khác là Phật thì chính mình đã trở thành ma”. Lại nói: “Cầu người khác chẳng bằng cầu chính mình”).

          Những câu nói này đều là lời lẽ trong Thiền Tông; vì vậy, đại sư bắt buộc phải nói rõ cho chúng ta biết, chỉ giúp cho chúng ta, khiến cho chúng ta nhận biết rõ ràng: Bản thể của pháp môn này là gì? Căn cứ lý luận của pháp môn này là gì? Chính là Chân Như bổn tánh của chính chúng ta, là chân tâm thường trụ. Có những điều hiểu lầm như đã nêu trong đoạn [Diễn Nghĩa] vừa trích trên đây hay không? Có, không chỉ có mà còn có rất nhiều! Nói chung, người ta thường tưởng A Di Đà Phật ở ngoài tự tánh, cầu pháp ngoài tâm, đó là ngoại đạo. Chẳng biết Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật do tâm của chính mình hiện, là do thức của chính mình biến. Chẳng biết đạo lý này! Tôi nói như vậy, quý vị hiểu ngay, từ nay trở đi, quý vị bắt đầu biết. Có thật sự biết hay chăng? Chưa trọn hết! Vì sao? Thế giới trước mắt chúng ta có phải là do tâm tạo hay không? Có phải là do thức biến hay không? Cũng vậy, chẳng khác gì! Thế giới hiện tại này do uế tâm biến ra, thế giới Cực Lạc do tâm thanh tịnh của chúng ta biến ra. Thế giới này do cái tâm ô uế biến ra, hoặc thế giới này do loạn tâm của chúng ta biến ra. Tây Phương Cực Lạc thế giới do nhất tâm biến, phải hiểu đạo lý này! Thật sự hiểu rõ Tự và Tha chẳng hai, vạn pháp giống như một. Nếu quý vị có kiến giải này, quý vị khẳng định như vậy, quý vị tu học Đại Thừa Phật pháp chẳng khó; quý vị thật sự là pháp khí Đại Thừa, có tư cách tiếp nhận Phật pháp Đại Thừa. Nếu quý vị chẳng tin tưởng thì hãy học dần dần, bồi dưỡng dần dần. Nếu quý vị tin tưởng, chẳng ngờ vực, quý vị bèn có tư cách tu học Đại Thừa. Tâm lượng quý vị đương nhiên sẽ mở rộng, chẳng còn có thị phi, nhân ngã, vì sao? Hiểu vạn pháp chỉ do tâm biến, vạn pháp giống hệt như một, vạn pháp chẳng hai, giống như kinh Hoa Nghiêm đã dạy: “Tâm, Phật, chúng sanh, tam vô sai biệt” (Tâm, Phật, chúng sanh, ba thứ  chẳng  sai  khác).  Do  vậy, nếu  cho  rằng  Phật ở ngoài tự tâm thì là

ngoại đạo.

          Thiền Tông dạy: “Nhược nhận Tha thị Phật, tự kỷ khước thành ma”. Vì sao? Có Tự, có Tha, thì Tự và Tha là hai bên; hai bên chẳng phải là ma thì ai là ma? Lục Tổ đại sư nói: “Hai pháp chẳng phải là Phật pháp”. Tự và Tha là hai pháp, Phật pháp là pháp Bất Nhị, Tự và Tha bất nhị. Có Tự và Tha hay không? Có Tự, có Tha, trên mặt sự tướng quyết định là có, trên mặt Tướng quyết định là có, nhưng trên mặt Lý, quyết định chẳng có. Lý là một, còn sự tướng thì có Tự và Tha. Lý là một, trên mặt Lý không có [Tự và Tha].

          “Hựu vân: Cầu nhân bất như cầu tự kỷ” (Lại nói, cầu người khác chẳng bằng cầu chính mình): Nếu quý vị [cho rằng] cầu A Di Đà Phật sẽ có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đấy là mê tín. A Di Đà Phật đại từ đại bi. Đã nói là đại từ đại bi thì không cầu Ngài cũng phải giúp người khác vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, huống là có cầu? Đấy mới gọi là đại từ đại bi. Đúng hay không? Không đúng! Vì sao không đúng? Vì nơi ấy là thế giới thanh tịnh, người nơi ấy ai nấy đều nhất tâm bất loạn, tâm quý vị loạn mà sang đó, sẽ chẳng thể ở chung với họ được.

Quý vị có cái tâm mê nhiễm này, sang đó sẽ cãi cọ với người ta thì làm sao được? Do vậy, quý vị không đi sang đó được. “Cầu người khác chẳng bằng cầu chính mình”, cầu chính mình nhất tâm bất loạn, cầu cái tâm của chính mình chẳng điên đảo. Chỉ cần ta thật sự tu được cái tâm không điên đảo, nhất tâm bất loạn, chắc chắn vãng sanh, hoàn toàn phù hợp với điều kiện của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Khi đó, phát nguyện vãng sanh, A Di Đà Phật nhất định đến tiếp dẫn. Do vậy, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, A Di Đà Phật làm Tăng Thượng Duyên cho chúng ta, chẳng phải là Thân Nhân Duyên. Thân Nhân Duyên là chính mình.

Trong bốn thứ duyên, Thân Nhân Duyên, Sở Duyên Duyên, Vô Gián Duyên đều là chính mình, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn chỉ là Tăng Thượng Duyên mà thôi! Trong bốn điều kiện, nếu chính mình đã có đủ ba điều kiện kia rồi thì A Di Đà Phật mới giúp đỡ được. Cứ một mực ỷ vào A Di Đà Phật, chắc chắn sẽ uổng công, quý vị chẳng hiểu ý nghĩa lời Phật dạy, quý vị hiểu lầm mất rồi! Chẳng phải là Phật pháp không linh mà do chính mình sai lầm, chứ không phải là Phật sai lầm. Những điều này là luận định về mặt Sự, ba hàng tiếp theo là luận định về mặt Lý. Hôm nay hết giờ rồi.

[1] Ngũ Suy là năm dấu hiệu báo trước thọ mạng của một vị trời trong Dục Giới sắp hết thọ mạng. Ngũ Suy được chia thành hai loại:

  1. Đại Ngũ Suy gồm y phục dơ bẩn, hoa trên đỉnh đầu bị héo, dưới nách tự nhiên tươm mồ hôi, thân thể bẩn thỉu hôi hám, chẳng thích ngồi trên tòa của mình.
  2. Tiểu Ngũ Suy gồm tiếng thiên nhạc chẳng trỗi lên nữa; ánh sáng nơi thân giảm bớt, mờ dần; nước tắm dính vào thân; đắm đuối những cảnh mình tiếp xúc không thể lìa bỏ được; thân cảm thấy trống trải, mắt nháy lia lịa.

Hễ tướng Đại Ngũ Suy xuất hiện, vị trời ấy chắc chắn phải chết; còn nếu tướng Tiểu Ngũ Suy xuất hiện, có thể tu thiện căn để cứu vãn.

[2] Moses (còn viết là Musa, Mosheh, Musse, Moshe Rabbeinu) là lãnh tụ tôn giáo của dân Do Thái thời cổ, được coi là nhà lập pháp, tiên tri, chỉ huy quân sự và sử gia thời ấy. Ông ta được xem như là tác giả của bộ Torah (năm cuốn đầu trong Thánh Kinh Do Thái, tương đương với năm quyển đầu trong Cựu Ước của Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo, còn gọi là Pentateuch). Theo Kinh Thánh, Moses là con trai của Amram và Jochebed, thuộc chi tộc Levite. Theo một chiếu chỉ của Pharaoh Ai Cập, tất cả các bé trai sơ sinh thuộc dân tộc Do Thái trong năm ấy phải bị giết để tránh cho đế quốc Ai Cập khỏi bị sụp đổ. Sau khi cố giấu diếm đứa con mới sanh được ba tháng, cuối cùng Jochebed buộc phải phó thác con cho số phận bằng cách thả chiếc nôi của con trôi theo dòng sông Nile. Cuối cùng, cậu bé được công chúa Thermuthis của Ai Cập vớt được, nhận làm con nuôi và đặt tên là Mosheh (có nghĩa là vớt khỏi nước) và trở nên một thành viên của hoàng gia Ai Cập. Sau khi ra tay giết chết một quản nô Ai Cập để cứu một người Hebrew, Moses phải chạy trốn vào vùng Sinai, rồi trở thành mục tử trong 40 năm tại Midian. Về sau, ông được Jehovah (Thiên Chúa của người Do Thái) mặc khải tại núi Horeb, truyền hãy trở về Ai Cập với sứ mạng giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ. Ông cùng với anh là Aaron dẫn dắt dân Do Thái băng qua Hồng Hải, tiến vào hoang mạc tìm cách trở về đất hứa Israel. Do lòng vô tín của dân Israel, ông cùng với họ phải lưu lạc trong đó suốt 40 năm. Dù thọ đến 120 tuổi, Moses không được vào Đất Hứa mà chết trong hoang mạc. Mười Điều Răn (Ten Commandments, Decalogue) là do Thiên Chúa khải thị cho Moses trên núi Sinai, và trao cho ông ta bảng đá khắc mười điều ấy.

[3] Tướng Phần (còn gọi là Sở Thủ Phần) là một thuật ngữ chỉ hình ảnh của cảnh giới bên ngoài (lục trần) được sáu căn tiếp nhận, lưu giữ ấn tượng trong tâm thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *