Tập 84/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 84

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm ba mươi tám:

          Lục, tông thú chỉ quy.

          六、宗趣旨歸

          (Sáu, tông thú chỉ quy).

          Đoạn lớn này chia làm ba đoạn vừa.

          Sơ, tổng trần; nhị, dị giải; tam, chánh ý.

          (Huyền Nghĩa)  Dĩ tri thử kinh năng thuyên chi Thể, như thị cai

  1. Vị thẩm sở Tông, đương tại hà giả. Phù ngữ chi sở thượng viết Tông, Tông chi sở quy viết Thú, nhi hữu thông, biệt.

          初、總陳。二、異解。三、正意。

          (玄義)已知此經能詮之體,如是該羅。未審所宗,當在何者。夫語之所尚曰宗,宗之所歸曰趣。而有通別。

          (Thứ nhất là nói chung, hai là giải thích những chỗ khác biệt, ba là trình bày ý chánh.

          Huyền Nghĩa: Đã biết cái Thể để nói kinh này bao trùm như thế; chưa biết rõ điều được kinh này đề cao là ở chỗ nào. Điều được văn tự đề cao [trong một bộ kinh] gọi là Tông, chỗ Tông sẽ dẫn đến gọi là Thú, [Tông và Thú đều] có thông và biệt).

          Vừa mở đầu, đại sư đã chỉ ra: Đã biết kinh thể của bộ kinh này, [kinh thể] tức là căn cứ lý luận. Thể là nói đến căn cứ lý luận, trong phần trên đã nói Tùy Tướng, Duy Thức, Quy Tánh, Vô Ngại, vì chúng ta phân tích từng tầng một. Chúng ta hiểu kinh thể của kinh này lấy trí huệ và đức năng sẵn có trong Chân Như bổn tánh làm căn cứ. Do vậy, không gì chẳng bao trùm, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều bao quát trọn hết. Hiểu rõ căn cứ lý luận, nên chúng ta có thể tin tưởng. “Vị thẩm sở Tông” (chưa hiểu rõ Tông), “thẩm” là thẩm sát (審察: suy xét cặn kẽ), chưa hiểu Tông Chỉ của bộ kinh này rốt ráo là như thế nào? Tông Chỉ là nói tới tu hành, mà cũng là cương lãnh tu học; vì thế, nó hết sức quan trọng. Căn cứ lý luận nhằm khởi tín tâm, khiến cho chúng ta chẳng hoài nghi, kiến lập tín tâm. Tông Chỉ là phương hướng chỉ đạo chúng ta tu hành; do vậy, đoạn này cũng hết sức trọng yếu. Hai câu tiếp theo đó nhằm giải thích từ ngữ Tông Thú. “Ngữ chi sở thượng viết Tông” (điều được văn tự đề cao thì là Tông), “thượng” là sùng thượng (崇尚: đề cao), “ngữ” (語) là ngôn ngữ; điều được văn tự trong bộ kinh này đề cao thì gọi là Tông. “Tông chi sở quy viết Thú” (điều được Tông dẫn đến thì gọi là Thú), “Thú” có nghĩa là “quy thú” (歸趣: hướng về, dẫn về), đây cũng là mục tiêu cuối cùng của Tông Chỉ, điều đó gọi là Thú. Trong Phật pháp, [nói đến Tông Thú] bèn có Thông và Biệt. Thông là chung cho hết thảy các pháp môn, chung cho hết thảy các kinh luận. Biệt là nói riêng về [Tông và Thú] của bộ kinh này. Đối với Thông và Biệt, chúng ta đều phải nên biết.

          (Huyền Nghĩa) Thông luận Phật giáo, nhân duyên vi Tông.

          (玄義) 通論佛教,因緣為宗

          (Huyền Nghĩa: Luận định chung về Phật giáo thì nhân duyên là Tông).

          Đây là nói chung, Phật pháp chẳng lìa khỏi nhân duyên. Trong phần trước, tôi cũng đã từng thưa với quý vị, trong kinh điển có nói: “Chư pháp tùng duyên sanh, chư pháp tùng duyên diệt” (các pháp do duyên sanh, các pháp do duyên diệt). Không riêng gì đức Phật thuyết pháp chẳng tách rời nguyên tắc này, mà hết thảy các pháp thế gian lẫn xuất thế gian đều chẳng ra ngoài định luật này, tức là “duyên sanh, duyên diệt”. Thuở đức Phật tại thế, Ngài thường nói câu này, chúng ta cũng thường thấy câu này trong kinh điển. Kinh Pháp Hoa thuộc giai đoạn thuyết pháp cuối cùng của đức Phật, nói cách khác, căn tánh của chúng sanh đều đã chín muồi, khai Quyền, hiển Thật, hoàn toàn nói pháp chân thật. Trong pháp chân thật, lão nhân gia vẫn chẳng tách rời nguyên tắc này. Ngài đã từng nói: “Phật dĩ nhất đại sự nhân duyên, xuất hiện ư thế” (Do một đại sự nhân duyên mà Phật xuất hiện trong cõi đời), vẫn chẳng rời khỏi nhân duyên. Đây là lời luận định chung: Đức Phật xuất hiện trong thế gian, thuyết pháp cho chúng ta đều lấy “nhân duyên làm Tông”.

          (Huyền Nghĩa) Biệt tắc y cổ thập môn, tự ngã pháp câu hữu, chí viên dung cụ đức, hậu hậu, tiền tiền, thứ đệ thâm thiển. Thị cố chư kinh, các hữu tông thú.

          (玄義) 別則依古十門 自我法俱有 至圓融具德,

後後前前,次第深淺,是故諸經,各有宗趣。

          (Huyền Nghĩa: Về Biệt thì tuân theo mười môn của cổ nhân, từ “ngã và pháp đều có” cho đến “viên dung đầy đủ các đức”, mỗi môn sau so với môn trước, theo thứ tự, môn sau sâu hơn môn trước. Vì thế, các kinh, mỗi kinh đều có Tông Thú riêng biệt).

          Trong tổng nhân duyên lại sanh ra sai biệt, nhưng sai biệt chẳng rời khỏi Tổng, Tổng chẳng rời khỏi Biệt: Biệt là Biệt do so với Tổng, Tổng là Tổng của Biệt. Nếu suy xét tỉ mỉ sâu xa hơn, lại có thể chia thành mười môn. Mười môn là điều thường được giáo lý nói đến, nhưng ở đây chẳng liệt kê trọn vẹn, chỉ nêu một trường hợp để nói, từ “ngã pháp câu hữu”, đấy là giáo nghĩa Tiểu Thừa cho đến “viên dung cụ đức” là giáo nghĩa viên mãn của Đại Thừa. Trong mười môn, nêu ra môn thứ nhất và môn cuối cùng, tỉnh lược những môn trong khoảng giữa. Mười thứ nhân duyên sai biệt này được giảng rất tường tận trong bộ Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao, càng về sau càng sâu hơn. Môn sau sâu hơn môn trước, chiếu theo thứ tự từ cạn đến sâu để nói. Hết thảy các kinh luận Đại Tiểu Thừa đều có mức độ sâu hay cạn sai khác; vì thế, mỗi bộ kinh đều có Tông Thú duy nhất, đặc biệt.

          (Sớ) Thượng giả sùng dã.

          () 尚者崇也。

          (Sớ: Thượng là tôn sùng).

           Tông là điều được đề cao bởi ngôn ngữ, Thượng có nghĩa là tôn sùng.

          (Sớ) Thánh nhân lập giáo, nhất bộ ngữ ngôn, hà sở sùng thượng. Sở sùng thượng giả, danh chi viết Tông.

          () 聖人立教 ,一部語言 ,何所崇尚 。所崇尚者

名之曰宗。

          (Sớ: Thánh nhân lập giáo, cả một khối ngôn ngữ nhằm đề cao điều gì thì điều được đề cao ấy sẽ gọi là Tông).

          Đây là định nghĩa nhằm giải thích Tông Thú. Chữ “thánh nhân” chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật, “lập” là kiến lập, “giáo” là giáo học. Ngài kiến lập loại giáo học này; trong thuở ấy hoàn toàn là ngôn giáo, hằng ngày [các đệ tử] nghe lão nhân gia giảng giải, thuyết minh. Đến cuối cùng, kết tập thành kinh điển, ghi chép lại thành sách, tức là kinh điển trong hiện tại. Những kinh điển ấy “hà sở sùng thượng”, tức là rốt cuộc, kinh điển tôn sùng điều gì vậy? Điều đó gọi là Tông.

          (Sớ) Quy giả, chí dã. Lập thử vi Tông, vị cầu hà sự? Cứu sở quy chí, danh chi viết Thú.

          () 歸者至也 ,立此為宗 ,為求何事 。究所歸至

名之曰趣。

          (Sớ: Quy là đạt đến. Lập ra cái Tông ấy nhằm cầu chuyện gì? Rốt cuộc sẽ đạt đến, quay về điều gì, thì điều ấy gọi là Thú).

          “Quy”  nói thật ra là hướng đến.  Nói đến chỗ rốt ráo, tông chỉ rốt

cục nhằm hướng đến điều gì? Vì điều gì? Điều đó chính là Thú. Đây là định nghĩa nhằm giải thích đơn giản hai chữ Tông và Thú. Trong tông Thiên Thai, dùng Ngũ Trùng Huyền Nghĩa để giải thích kinh, phương pháp đơn giản hơn. Trong Ngũ Trùng Huyền Nghĩa, khoa mục này được gọi là Minh Tông, nói cạn hơn một chút! Tông là tông chỉ, tức là phương hướng tu hành, là cương yếu chỉ đạo sự tu hành của chúng ta. Tông Hoa Nghiêm dùng “thập môn khai khải” phức tạp hơn, đương nhiên giảng chi tiết hơn Ngũ Trùng Huyền Nghĩa; đấy là ưu điểm. Khuyết điểm là quá rườm rà, quá phức tạp. [Cách giải thích Tông Thú của tông] Thiên Thai đơn giản, dễ hiểu, đó là chỗ hay của họ.

          (Sớ) Nhân duyên giả, giản dị vô nhân, tà nhân.

          () 因緣者,揀異無因邪因。

          (Sớ: “Nhân duyên”: Nhằm phân biệt khác với không có nhân và tà nhân).

          Đây là lý do vì sao đức Phật đặc biệt nhấn mạnh Nhân Duyên. Nói thật ra, nhân duyên sanh pháp (pháp sanh bởi nhân duyên), đó là sự thật, là chân tướng sự thật. Đức Phật thuyết pháp, chúng ta phải hiểu động cơ (motivation) và mục đích thuyết pháp của Ngài. Động cơ là vì chúng sanh đối với vũ trụ và nhân sinh có nhiều cách nghĩ, cách nhìn sai quấy, những cách nghĩ cách nhìn sai quấy ấy là tà tri tà kiến, cho nên họ chuốc lấy nhiều thứ khổ nạn. Đức Phật thấy vậy, chẳng đành lòng; vì thế, Ngài đại từ đại bi hiện thân thuyết pháp cho chúng sanh, nhằm mục đích phá trừ tà tri tà kiến, giúp chúng ta kiến lập chánh tri chánh kiến. Đấy là mục đích thuyết pháp của đức Phật.

          Thuở đức Phật xuất hiện, xứ có mức độ văn hóa cao nhất trên cả thế giới là Ấn Độ, vượt trội Trung Quốc. Đức Phật xuất hiện nhằm nhà Châu của Trung Quốc, cũng là nhằm thời đại Xuân Thu, sớm hơn Khổng Tử một chút. Khi ấy, căn bản văn hóa Trung Quốc đã khá vững vàng, nhưng văn hóa Trung Quốc là văn hóa Nhân Thừa, vẫn chưa phải là Thiên Thừa. Nho gia và Đạo gia nói đến cõi người rất nhiều, nói đến cõi trời rất ít; nhưng tại Ấn Độ thuở ấy đúng là phi phàm, những nhà triết học và tư tưởng gia Ấn Độ đã có năng lực đến được Tứ Thiền Thiên, Tứ Không Thiên. Đây là một nơi có trình độ văn hóa cao nhất trên cả thế giới; vì thế, đức Phật chẳng xuất hiện tại Trung Quốc mà xuất hiện tại Ấn Độ, rất có lý! Đối với Ấn Độ mà giảng lục đạo sẽ thuận lợi, chứ người Trung Quốc chưa thể tiếp nhận, bản thân người Trung Quốc chưa đạt tới trình độ ấy, ngay cả Khổng lão phu tử cũng nói: “Kính trọng quỷ thần, nhưng lánh xa”. Khổng phu tử rất ít bàn về vấn đề này!

          Những học giả Ấn Độ có cách nhìn sai lầm. Chẳng hạn như lục sư ngoại đạo[1] giảng về vũ trụ và nhân sinh, nói thật ra, bọn họ đã đạt tới cảnh giới Tứ Không Thiên nên kiến lập hai mươi lăm Đế, Đế thứ nhất gọi là Minh Đế (冥諦). Tư tưởng Minh Đế tại Trung Quốc cũng có, nhưng không nói tường tận, rõ ràng như vậy. Thiên thứ nhất trong sách Ấu Học Quỳnh Lâm[2] của Trung Quốc có câu “hỗn độn sơ khai, càn khôn thỉ định” (lúc hỗn độn sơ khai, trời đất vừa định). Hỗn độn chính là Minh Đế như lục sư ngoại đạo Ấn Độ đã nói, đó là cảnh giới ấy, nhưng không có ai trong chúng ta giảng rõ ràng như thế, mà chỉ nói hàm hồ, mông lung. Khi đạt đến cảnh giới ấy, họ cho rằng hết thảy các pháp là “tự nhiên sanh”, tức tự nhiên phát sanh, đó là quan niệm sai lầm! Vì thế, đức Phật nói Nhân Duyên nhằm uốn nắn cách nhìn sai lạc của họ. Nói thật ra, quan điểm của họ cũng chẳng phải là nói tùy tiện, mà do trong cảnh giới ấy, thấy hết thảy vạn pháp dường như từ Không mà Có, tự nhiên sanh ra, chẳng có nhân, chẳng có nguyên nhân, từ Minh Đế sanh ra. Đó là “vô nhân”, sai lầm!

            Loại thứ hai là “tà nhân”. Tà nhân chính là họ cho rằng [vạn pháp] đều do Tự Tại Thiên[3] sanh ra, người Ấn Độ hiện nay vẫn nói tổ tiên của họ là Đại Phạm Thiên. Đức Phật dạy chúng ta: Người trên địa cầu này do đâu mà có? Từ Quang Âm Thiên (Abhassara-deva) sanh đến. Nói theo cách hiện thời, ngoài vũ trụ chẳng biết có bao nhiêu người từ các tinh cầu di dân đến địa cầu của chúng ta, sanh con đẻ cái ở nơi đây. Cách nói này, tức là nói [mọi thứ đều do] Đại Phạm Thiên sanh ra, chính là hiểu lầm cái nhân, nên gọi là “tà nhân”. “Giản dị vô nhân, tà nhân” (nhằm phân biệt khác với không có nhân và tà nhân), phân định các cách nói của họ là sai lầm!

          (Sớ) Nhất đại thời giáo, bất xuất nhân duyên.

          () 一代時教,不出因緣。

          (Sớ: Giáo pháp suốt một đời đức Phật chẳng ra ngoài nhân duyên).

          “Nhất đại” là cuộc đời do Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện trong thế gian này, Ngài sống đến tám mươi tuổi, năm ba mươi tuổi thị hiện chứng đạo, đi hoằng pháp lợi sanh, đến năm tám mươi tuổi nhập Niết Bàn, toàn bộ [thời gian hoằng pháp] là bốn mươi chín năm. Suốt bốn mươi chín năm, đức Phật bôn ba các nơi giáo hóa chúng sanh, dấu chân in khắp năm xứ Ấn Độ[4], tức là toàn bộ vùng Ấn Độ. Về phía Nam, Phật từng đến tận đảo Tích Lan (Sri Lanka), phương Bắc đến núi Hỷ Mã Lạp Nhã, đấy là khu vực giáo hóa trong thời đức Phật, khá rộng lớn. Nói chung, [những giáo pháp do đức Phật đã nói] “chẳng ngoài nhân duyên”.

          (Sớ) Như sở vị “nhân duyên cố sanh diệt, nhân duyên cố tức Không, nhân duyên cố tức Giả, nhân duyên cố tức Trung”.

          () 如所謂因緣故生滅 因緣故即空 因緣故即假

,因緣故即中。

          (Sớ: Như [trong kinh điển, đức Phật đã] nói: “Do nhân duyên nên sanh diệt, do nhân duyên nên chính là Không, do nhân duyên nên chính là Giả, do nhân duyên nên chính là Trung”).

           Mấy câu này hoàn toàn là nói theo cương lãnh, bao gồm Thiên Thai lẫn Hiền Thủ; nói đến Giáo, chúng ta có thể lấy hai tông phái này làm đại diện. “Nhân duyên cố sanh diệt” là gì? Tướng sanh diệt chẳng thật, là giả. Nhân duyên tụ hội bèn sanh, nhân duyên tán bèn diệt. Quý vị hãy nghiền ngẫm kỹ càng, chúng tôi dùng thí dụ để nói: Chẳng hạn như, đây là cuốn sách, sách sanh ra như thế nào? Do nhiều trang giấy đóng lại bèn gọi là sách; sách được sanh ra. Nếu nay chúng ta đem photocopy cuốn sách, toàn bộ đều tháo tung ra, tách ra thành từng trang một, sách bèn diệt, sách chẳng còn nữa, chỉ còn từng trang giấy một. Giấy nhiều ngần ấy gom lại, sách bèn sanh ra; tách rời ra, sách bèn diệt. Quý vị nghĩ xem trong ấy có sanh diệt hay không? Nói thật ra, chẳng có sanh diệt, chẳng qua là duyên tụ hay duyên tán mà thôi!

          Người thế gian chấp trước tướng hư vọng này, cho là có sanh có diệt, thật ra là bất sanh bất diệt. Tướng sanh diệt như vừa nói đó, chẳng chân thật! Một pháp là như thế, mà pháp nào cũng đều giống như vậy, chẳng có một pháp nào có thể vượt khỏi định luật này. Chẳng hạn như cái nhà này, nhà do cốt sắt và xi-măng, rất nhiều vật liệu xây dựng lắp ghép thành, nhà bèn sanh ra. Cả đống vật liệu xây dựng chất tại nơi đó thì chẳng có nhà, nhà bị diệt rồi! Thật ra, những vật liệu ấy lắp ghép hay chất đống ở nơi kia đều nhiều như nhau, chẳng tăng, chẳng giảm. Cho đến thân thể của chúng ta cũng giống như thế. Đức Phật gọi thân thể này của chúng ta là Tứ Đại và Ngũ Uẩn. Tứ Đại và Ngũ Uẩn là những vật xây dựng nên cái thân này. Hễ chúng tụ hội, thân này bèn hiện tướng; chúng phân tán, thân này chẳng còn nữa, diệt mất!

          Vì thế, hai chữ “sanh diệt” thật ra là chuyện như thế nào? Chúng ta nói “sanh tử” thì sanh tử là gì? Sanh là duyên tụ, tử là duyên tán; chỉ có tụ hay tán, đó là thực tại. Nói sanh tử hay nói sanh diệt đều là giả, là vọng tướng (tướng hư vọng), chẳng phải là chân tướng. Chân tướng duyên tụ hay duyên tán. Hiểu rõ triệt để tầng [ý nghĩa] này, trong nhà Phật gọi là “liễu sanh tử”, tức là đã thấu triệt sanh tử rồi! Thấu triệt điều gì? Hiểu rõ, triệt để hiểu rõ! Sau khi đã hiểu rõ, mới biết điều gì? Vốn chẳng có sanh tử, sanh tử do đâu mà có! Thật sự liễu giải thấu triệt, sanh chẳng có gì đáng sợ, mà tử cũng chẳng có gì đáng sợ, cũng chẳng có gì đáng buồn, hoàn toàn là hiện tượng đúng mực, bình thường! Đấy chính là “sanh tử tự tại” như trong nhà Phật thường nói. Vì quý vị hiểu rõ, quý vị bèn tự tại. Liễu sanh tử là nói theo kiểu này: Do thật sự hiểu rõ, bèn thật sự tự tại. Dẫu xả thân hay thọ thân trong lục đạo, người ấy cũng rất tự tại. Ta sắp phải đi đầu thai, đầu thai giống như gì? Thay một bộ quần áo, mặc một bộ quần áo mới. Ta xả thân, ta muốn ra đi, thay y phục là được rồi, y phục bẩn phải đem giặt, thay bộ mới. Xả thân và thọ thân trong lục đạo giống như chúng ta thay quần áo, rất tự tại, hết thảy ưu lự thảy đều chẳng có. Đó là nói “nhân duyên cố sanh diệt” (do nhân duyên, nên có sanh diệt).

          “Nhân duyên cố tức Không”: Tam Chỉ Tam Quán được kiến lập theo một bài kệ trong Trung Quán Luận. Trong thuở ấy, thiền sư Huệ Tư phát hiện điều này rồi được Trí Giả đại sư hoàn thiện, thật sự kiến lập tông Thiên Thai, hoàn toàn sử dụng ý nghĩa này, tức là Tam Quán Tam Đế. Tam Quán là Không, Giả, Trung. Trung Quán Luận nói: “Nhân duyên sở sanh pháp, ngã thuyết tức thị Không, diệc danh vi giả danh, diệc danh Trung Đạo nghĩa” (Pháp do nhân duyên sanh, ta nói chính là Không, cũng gọi là giả danh, cũng gọi nghĩa Trung Đạo). Ba câu này là nguồn gốc lý luận của tông Thiên Thai.

          Do pháp được sanh bởi nhân duyên, nó chẳng có tự tánh, bản thể của nó chính là Không, nó chẳng có tự thể! Có tự thể, sẽ là thật sự có, chẳng có tự thể thì là Không. Chúng ta dùng ngay cuốn sách này để nói thì bản thể của cuốn sách này là Không, vì sao? Nếu quý vị nhìn thì thấy về căn bản, nó chẳng phải là sách, mà là một trăm mấy chục trang giấy, chẳng thấy sách, nó là Không. Nếu quan sát kỹ càng, giấy là gì? Rất nhiều sợi “tiêm duy” (cellulose) gộp thành, nếu dùng kính hiển vi để nhìn, chúng đều do các nguyên tử và điện tử [hợp thành], giấy cũng chẳng có! Quý vị bèn hiểu những vật này không có tự tánh; vì thế, đức Phật bảo “bản thể chính là Không”. Phàm là pháp được sanh bởi nhân duyên, đều có tánh chất này, đều là rỗng không, chẳng có tự tánh. Đó là nói chúng không có tự tánh, chẳng có tự thể. Nói “Không” là nói theo Tánh, hoặc nói theo Thể. Thể là Không, Phật pháp thường nói: “Vạn pháp đều Không”.

          Quý vị liễu giải Thể Tướng [của vạn pháp] là Không thì có lợi gì? Chẳng chấp trước! Đoạn trừ tâm tham, đoạn trừ cái tâm được – mất, vì sao? Không mà! Quý vị đạt được gì? Đạt được cả đống rỗng không, mà mất đi thì cũng là rỗng không! Chẳng có vọng tưởng được – mất, rất tự tại! Con người chẳng biết có bao nhiêu phiền não đều do [ý niệm] được – mất sanh ra, chẳng biết được lẫn mất hoàn toàn là vọng tưởng, chẳng chân thật. Nếu quý vị thật sự có cái để đạt được, đức Phật sẽ bội phục quý vị. Quả thật là “không có gì để đạt được” (vô sở đắc), thứ gì cũng đều chẳng đạt được! Đêm ngủ, ngay cả thân thể này cũng chẳng biết là ai, quý vị đạt được cái gì? Quý vị hãy nghĩ xem: Quý vị đã ngủ thì quý vị có đạt được cái gì trong thế giới này hay chăng? Chẳng đạt được thứ gì, bản thể là Không; ngay cả thân thể của chính mình còn chẳng đạt được, phải biết điều này. Thân chẳng phải là chính mình!

          Vì thế, các triết học gia Tây phương nghiên cứu, rốt cuộc Ngã là gì? Họ biết thân chẳng phải là Ngã, vì thế, mới hiểu “ta suy tưởng, nên ta tồn tại”. Ta có thể suy nghĩ thì cái “có thể suy nghĩ” đại khái là Ngã! Vẫn sai! Cái có thể suy nghĩ là gì? Thọ, Tưởng, Hành, Thức, trong Phật pháp bảo những thứ ấy vẫn chưa phải là Ngã, vẫn là hư vọng. Quý vị khởi vọng tưởng nơi Ngũ Uẩn là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, vọng tưởng vẫn chẳng phải là quý vị, vẫn “bản thể chính là Không”. Triết học Tây phương gặp phải nỗi khó khăn này, tìm chẳng ra bản thể của vũ trụ. Trong Phật pháp, bản thể của vũ trụ được gọi là Chân Như pháp tánh. Hiểu Tam Chỉ Tam Quán, thật sự giúp chúng ta giải quyết khó khăn rất lớn, chẳng khởi tâm tham đối với hết thảy các pháp, chẳng khởi tâm phân biệt, chấp trước đối với hết thảy các pháp thì mới có thể đạt được thanh tịnh, tự tại, biết hết thảy các pháp đều là không tịch.

          “Nhân duyên cố tức Giả” (do nhân duyên nên là Giả). Giả là gì? Nói theo Tướng! Pháp sanh bởi nhân duyên thì pháp ấy có hay là không? Có! Thân thể của chúng ta có hay không? Có! Thân thể là gì? Giả tướng. Thể là Không, Tướng là Giả. Vì có giả tướng, nên quý vị có thể tận tình hưởng thụ, đó đạt được Lạc. Hưởng thụ, nhưng biết Tướng là Giả; tuy hưởng thụ nhưng chẳng chấp trước, người ấy chẳng khổ. Phàm phu chấp trước nơi hưởng thụ, do chấp trước bèn có khổ, sanh ra phiền não, sanh ra mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham muốn. Phật, Bồ Tát tận tình hưởng thụ, chẳng nẩy sanh thất tình ngũ dục. Vì sao các Ngài chẳng sanh phiền não? Vì các Ngài biết Tướng giả, Thể không, biết chân tướng sự thật. Do vậy, trong Phật pháp gọi sự hưởng thụ của các Ngài là Chánh Thọ, tức là sự hưởng thụ đúng mực, bình thường. Sự hưởng thụ của chúng ta chẳng đúng mực, chẳng bình thường. Chẳng đúng mực, chẳng bình thường, sẽ sanh phiền não, sanh tham, sân, si, sanh thất tình ngũ dục, sanh ra những thứ ấy. Phật, Bồ Tát hưởng thụ giống hệt, nhưng chẳng sanh phiền não, chẳng khởi thất tình, ngũ dục, cao minh ở chỗ này! Tông chỉ giáo học của Phật pháp là “phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui”. Nói “mê” tức là chẳng hiểu chân tướng sự thật này, chẳng biết Tướng là Giả, Thể là Không; vì thế, kẻ ấy sanh phân biệt, chấp trước, vọng tưởng đối với hết thảy vạn pháp.

          “Nhân duyên cố tức Trung” (do nhân duyên nên Trung), Trung là nghĩa Trung Đạo. Trung là gì? Tánh và Tướng chẳng hai là Trung, Thể và Dụng giống hệt như nhau. Thể là Không, cái Không ấy là Chân Không, chẳng phải ngoan không (cái Không trơ trơ, chẳng có gì, rỗng tuếch), Tướng là giả, Tướng là có, gọi là Diệu Hữu. Nói “diệu hữu phi hữu, chân không bất không” (diệu hữu chẳng phải là có, chân không chẳng không), đó là nghĩa Trung Đạo. Thánh nhân thế gian và xuất thế gian đều dạy chúng ta phải dùng Trung. Thể, Tướng, Dụng, Thể là Không, Tướng là Giả, phải dùng Trung. Đạo Trung Dung chẳng lệch lạc, chẳng dựa dẫm, chẳng thiên về Không mà cũng chẳng thiên về Giả. Dùng Tâm Kinh để nói thì chẳng thiên về Không mà cũng chẳng thiên về Có, đối với hai bên đều chẳng thiên lệch, chẳng chấp trước Không, mà cũng chẳng chấp trước Có, hai bên đều chẳng chấp trước, đó là Trung Đạo.

          “Dùng Trung”, đức Phật dạy chúng ta như thế, Khổng lão phu tử của Nho gia cũng dạy chúng ta dùng Trung. Trong Tứ Thư, sự giáo học của sách Trung Dung là dạy chúng ta dùng Trung. Sở dĩ Khổng Tử trở thành bậc đại thánh, là vì Ngài biết tùy thời giữ lấy Trung Đạo[5], đó là bậc phi phàm, bất luận trong thời đại nào, bất luận hình thái xã hội khác nhau như thế nào, Ngài đều dùng Trung Đạo, chẳng thiên vị, chẳng lệch lạc; vì thế, Ngài chẳng lạc hậu. Lệch vào một bên sẽ nẩy sanh khuyết điểm; vì thế, người học Phật phải biết dùng Trung. Nói theo kinh này, Trung chính là nhất tâm bất loạn. Nhất tâm là Trung, lệch về một bên sẽ chẳng phải là nhất tâm.

          Bốn câu này đem phối hợp với Ngũ Giáo để nói, bởi lẽ, trong bộ Di Đà Kinh Sớ Sao, Liên Trì đại sư đã dùng phương thức chú giải kinh Hoa Nghiêm [để chú giải kinh Di Đà]. Hoa Nghiêm là Ngũ Giáo, Ngũ Giáo tức là Tiểu, Thỉ, Chung, Đốn, Viên. Tiểu là Tiểu Thừa, Thỉ là Đại Thừa Thỉ Giáo, tức khởi đầu của Đại Thừa, Chung là Đại Thừa Chung Giáo. Trừ những giáo này ra, còn có Đốn Giáo, lại còn có Viên Giáo. Bài kệ trong Trung Quán Luận [được nhắc tới] trong phần trên không chỉ là căn cứ lý luận để thành lập tông Thiên Thai, đem bài kệ ấy áp dụng vào tông Hoa Nghiêm để nói cũng thông suốt. “Nhân duyên cố sanh diệt” (Do nhân duyên nên sanh diệt), đó là giáo nghĩa Tiểu Thừa, “tức Giả, tức Không” là giáo nghĩa Thỉ Giáo, “nhân duyên cố tức Trung” là giáo nghĩa của Chung Giáo, Đốn Giáo và Viên Giáo.

          Đại Thừa Chung Giáo song chiếu hai bên và Trung Đạo, tức là hai bên Thể và Dụng đều hiểu rõ, đều có cả, chẳng lệch [về một bên nào]. Đốn Giáo là hai bên Có và Không đều tách lìa, đều bỏ hết, cao minh hơn Chung Giáo. Quý vị cả hai bên đều có, vẫn chưa bỏ sạch, Đốn Giáo là hai bên đều không có; hai bên đều thoát bỏ, đó là Đốn Giáo, đốn siêu! Nói thật ra, hai bên đều có thì chúng ta thường nói là “nhập thế”, thảy đều bỏ sạch thì là “xuất thế”, chẳng cần nữa, vượt thoát rồi! Nho gia Trung Quốc là Đại Thừa Chung Giáo, Đạo gia của Lão Trang là Đốn Giáo, hết thảy đều bỏ hết!

          Viên Giáo viên mãn nhất, “giá, chiếu”[6] đồng thời, ở ngay trong thế gian mà xuất thế gian, điều hòa Đốn Giáo và Chung Giáo, hợp thành một Thể, đó là viên mãn rốt ráo nhất. Kinh Hoa Nghiêm dùng phương pháp này, năm mươi ba lần tham vấn ở cuối kinh, năm mươi ba vị thiện tri thức, đó là Viên Giáo, viên dung vô ngại! Vì thế, đạt đến Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, chẳng có chướng ngại, đấy mới thật sự là viên mãn. Nay chúng ta xử sự, động tâm đều có chướng ngại, chẳng thể viên! Vì sao chẳng thể viên? Chẳng hiểu rõ Lý, chẳng hiểu rõ chân tướng sự thật. Nếu hiểu rõ lý luận, hiểu rõ chân tướng sự thật, có gì chẳng viên? Viên mới là hạnh phúc viên mãn rốt ráo.

          Vì thế, Viên cũng thường được gọi là “bất tư nghị, bất khả tư nghị”. Phẩm cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm, tức Tứ Thập Hoa Nghiêm có đề mục là Nhập Bất Tư Nghị Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm. Cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn là cảnh giới hạnh phúc viên mãn rốt ráo. Nói theo cách hiện thời như vậy thì mọi người sẽ hiểu rất rõ, có kẻ nào chẳng mong cầu [điều ấy]? Có phải là ai nấy đều có thể truy cầu điều này ư? Chuyện này tùy thuộc từng cá nhân. Nếu người trong thế gian này chẳng thể truy cầu, Thích Ca Mâu Ni Phật tuyệt đối chẳng giảng bộ kinh này. Giảng bộ kinh này mà chúng ta làm không được, há chẳng phải là nhử cho người khác thèm thuồng đó ư? Làm sao Thích Ca Mâu Ni Phật làm chuyện ấy được? Làm chuyện ấy sẽ có lỗi với người trong cõi này. Phàm là những gì có thể nói ra được, đều là những chuyện người trong thế gian này đều có thể làm được, đó mới là đại từ đại bi. Vì thế, nhất định phải hiểu Lý.

          Nếu đem phối hợp với Tứ Giáo của tông Thiên Thai để nói thì sanh diệt là Tạng Giáo, “tức Không” là Thông Giáo, “tức Giả” là Biệt Giáo, “tức Trung” là Viên Giáo, đấy chính là Tạng, Thông, Biệt, Viên như tông Thiên Thai đã nói. Đủ thấy rằng: Lý luận này thật sự viên mãn. Bất luận Hiền Thủ hay Thiên Thai đều chẳng thể rời khỏi nguyên tắc và nguyên lý này.

                   (Sớ) Phật giáo sở tông, nhân duyên nhiếp tận, cố vân Thông dã.

          () 佛教所宗,因緣攝盡,故云通也。

          (Sớ: Những điều được Phật giáo đề cao đều gồm trọn trong nhân duyên, cho nên nói [nhân duyên] là Tông chung [của Phật giáo]).

                   Nhân duyên bao gồm trọn hết.

          (Sớ) Thập môn giả, đệ nhất, ngã pháp câu hữu tông, nội chấp hữu Ngã, ngoại chấp hữu Pháp, danh vi phụ Phật pháp ngoại đạo.

          ()十門者,第一、我法俱有宗,內執有我,外執有法,名為附佛法外道。

          (Sớ: “Mười môn”: Thứ nhất là tông “Ngã và Pháp đều có”, trong chấp có Ngã, ngoài chấp có Pháp, gọi là ngoại đạo dựa hơi Phật pháp).

                         Ở đây, chúng ta phải đặc biệt lưu ý, Phật pháp nói “ngoại đạo” không chỉ là những tôn giáo ngoài Phật pháp, mà còn bao gồm cả chính Phật giáo! Ngoại đạo là gì? Ngoài tâm cầu pháp thì gọi là ngoại đạo. Nay chúng ta học Phật, chẳng hướng về tự tánh để cầu, mà hướng ra ngoài để cầu, tức là ngoại đạo! Nay chúng ta lạy Phật, chúng ta lạy A Di Đà Phật, cầu A Di Đà Phật bảo vệ, gia ân cho chúng ta, [tức là coi] A Di Đà Phật là vật ở ngoài tâm chúng ta, chúng ta là ngoại đạo, là thứ ngoại đạo ăn bám Phật giáo, kèm thêm Phật pháp. Trong loại ngoại đạo này có kèm thêm Phật và Phật pháp. Chúng ta lạy Phật phải theo cách nào? Phải trở về tự tánh. Chúng ta lạy A Di Đà Phật, A Di Đà Phật là vô lượng giác trong tự tánh của chúng ta, phải biết trở về tự tánh. Từ hình tượng Phật ở bên ngoài khơi gợi, phát khởi tự tánh giác của chúng ta, đó là đúng, là chính xác, là nội học. Nội và ngoại chẳng hai, đó là tương ứng. Vì thế, chúng ta lạy Quán Âm Bồ Tát nhằm khơi mở lòng đại từ đại bi trong tự tánh của chúng ta, thấy Quán Âm Bồ Tát, nghe danh hiệu Quán Âm Bồ Tát, lòng từ bi trong tự tánh bèn tỏ lộ, đó là Quán Âm. Lục Tổ Đàn Kinh có đoạn: “Từ bi tức Quán Âm, bình đẳng, chánh trực tức Di Đà”, chúng ta phải ghi nhớ! Vì thế, đừng học Phật đến nỗi trở thành ngoại đạo dựa hơi Phật pháp, lầm mất rồi!

          Tất cả hết thảy những thứ lập bày trong Phật pháp đều là công cụ để dạy học, đều nhằm khơi gợi, phát khởi tự tánh, thật bất phàm! Phật sự trong nhà Phật: Giảng kinh, thuyết pháp là Phật sự, chúng ta vẫn phải thắp nến, chẳng thắp đèn điện, vì sao? Nến biểu thị ý nghĩa có thể chiếu sáng. Ngọn nến biểu thị thiêu đốt chính mình để soi sáng cho người khác, bỏ mình vì người. Chúng ta thấy điều này, phải học theo ngọn nến. Kinh Hoa Nghiêm nói “thiện tri thức chân đèn, thiện tri thức nến, thiện tri thức lư hương”, không thứ gì chẳng phải là thiện tri thức! Thiện tri thức ghế dài, phải học điều gì từ ghế dài? Nhẫn nhục. Mọi người đều ngồi trên nó, nó chịu đựng. Trong giáo học Phật pháp, sâm la vạn tượng, hết thảy vạn pháp, không thứ gì chẳng dùng đến, vật dụng để giảng dạy và cách dạy học vô lượng vô biên, đúng là đẹp đẽ khôn xiết! Người học Phật chúng ta phải hiểu, hễ hiểu thì sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần lẽ nào chẳng minh tâm kiến tánh? Quý vị chẳng hiểu đạo lý này thì căn phòng này đã sáng như vậy, còn phải đốt hai ngọn nến để làm gì? Thậm chí còn nói là lãng phí! Nó có ý nghĩa giáo dục ở trong ấy, đó là giáo học!

          Loại thứ nhất [trong mười môn] là bên trong chấp trước có Ngã, bên ngoài chấp trước có Pháp. Quý vị vừa thấy điều này liền hiểu ngay, Phật pháp từ đầu đến cuối chỉ có một mục tiêu: Phá chấp trước mà thôi! Chẳng chấp trước bèn là Phật, là Bồ Tát, chấp trước bèn là phàm phu. Phàm phu và Phật khác nhau ở chỗ này! Phá Ngã Chấp, quý vị được gọi là A La Hán, chẳng gọi là phàm phu. Phá Pháp Chấp, quý vị được gọi là Bồ Tát, chẳng gọi là A La Hán. Phá chấp trước mà thôi! Mười tông, nói thật ra là do đối với mức độ phá hai thứ chấp trước này sâu hay cạn khác nhau mà kiến lập.

                   (Sớ) Đệ nhị, Pháp hữu, Ngã vô tông, tắc dị ngoại đạo.

          () 第二、法有我無宗,則異外道。

          (Sớ: Thứ hai là tông “Pháp có, Ngã Không”, khác với ngoại đạo).

           Đây là chỗ chẳng giống với ngoại đạo. “Pháp hữu, Ngã vô” là Tiểu Thừa. Tiểu Thừa biết trong hết thảy các pháp chẳng có Ngã, nhưng [vẫn chấp trước] có Pháp. Ngã là gì? Tướng tụ hợp của Ngũ Uẩn. Ngũ Uẩn ly tán, Ngã bèn diệt; đó là nhân duyên sanh diệt, nhân duyên tụ tán. Họ biết không có Ngã, trong Tứ Đại và Ngũ Uẩn không có Ngã, nhưng chấp trước Tứ Đại và Ngũ Uẩn là thật. Ví như chúng ta nói “không có sách, nhưng có giấy”, [chấp trước] giấy có thật, vì có nhiều trang giấy như thế đóng thành sách, tách ra thì gọi là giấy. Giấy có, sách không có. “Giấy là có”, họ chấp trước điều này! Sự chấp trước này gọi là Pháp Chấp, họ có Pháp Chấp. Vì thế, Tiểu Thừa chẳng thể kiến tánh, nhưng cao minh hơn phàm phu rất nhiều. Phàm phu trong lục đạo đều chấp trước “Ngã lẫn Pháp đều có”, có Ngã, có Pháp, chẳng biết Ngã lẫn Pháp đều là do nhân duyên tụ hay tán, thật sự chẳng có! Thể là Không, Tướng là Giả. Họ chẳng biết chân tướng sự thật này, chẳng thể dùng Trung, mà dùng thiên, dùng tà, lầm lẫn quá lớn!

          (Sớ) Diêu thị tùng tiền chí hậu, diêu thiển nhập thâm, nãi chí đệ thập, viên dung cụ đức.

          () 繇是從前至後,繇淺入深,乃至第十圓融具德。

          (Sớ: Do vậy từ trước đến sau, từ cạn mà lãnh hội sâu dần, cho đến môn thứ mười là “các đức trọn đủ viên dung”).

          Ở đây đã nhắc đến [mười tông], chúng tôi cũng nói sơ lược nhằm giới thiệu danh từ.

Môn thứ ba là “pháp vô khứ lai tông”, tức là biết hết thảy các pháp chẳng đến, chẳng đi, cao minh hơn Nhị Thừa. Pháp có hay không? Đương nhiên Pháp vẫn là có, nhưng nó chẳng đến, chẳng đi. Hiện thời các nhà khoa học dần dần thấu hiểu đạo lý này: Năng lượng và vật chất có thể chuyển biến thành lẫn nhau, vật chất có thể biến thành năng lượng, năng lượng cô đặc sẽ trở thành vật chất. Vật chất và năng lượng là một, chẳng hai, đầy ắp trong vũ trụ, quả thật chẳng đến, chẳng đi.

          Môn thứ tư là “hiện thông giả thật tông”[7]. “Pháp có, Ngã không”, “pháp không đến đi”, “hiện thông giả thật”, ba tông này đều có hai pháp Hữu và Không, “nhân duyên sanh diệt, ngã thuyết tức thị Không” (nhân duyên sanh diệt, ta nói chính là Không), đều bao gồm ý nghĩa này.

          Môn thứ năm là “tục vọng chân thật tông”. Tục là pháp thế gian, pháp thế gian là hư vọng. Chân là đối với Tục mà nói, tức là pháp xuất thế gian, nó thật sự tồn tại, có điều này để kiến lập tông chỉ.

          Môn thứ sáu là “chư pháp đản danh tông” (các pháp chỉ có cái tên). Chỉ có cái tên, chứ không có thực thể. Hai tông này (tông thứ năm và thứ sáu) đều thiên trọng Không.

          Môn thứ bảy “tam tánh không hữu tông”, đây chính là chỗ kiến lập của tông Duy Thức Pháp Tướng. Tam tánh là Y Tha Khởi Tánh, Biến Kế Sở Chấp Tánh và Viên Thành Thật Tánh. [Những giáo nghĩa thuộc tông này] nói về ba tánh và ba vô tánh.

          Môn thứ tám là “chân không tuyệt tướng tông”, đây cũng là thiên trọng nơi Không, từ nghĩa Không mà kiến lập.

          Môn thứ chín là “không hữu vô ngại tông”, kiến lập trên pháp tánh.

          Môn thứ mười là “viên dung cụ đức tông”, kiến lập trên viên dung vô ngại.

          (Sớ) Tường cụ Hoa Nghiêm Huyền Đàm.

          () 詳具華嚴玄談。

          (Sớ: [Những môn này] được giảng chi tiết trong Hoa Nghiêm Huyền Đàm).

          Nếu quý vị muốn nghiên cứu cặn kẽ mười tông, trong Tam Tạng Pháp Số và Phật Học Từ Điển đều có [giải thích chi tiết]. Giải thích cặn kẽ nhất là Hoa Nghiêm Kinh Huyền Đàm, tức là bộ phận Huyền Nghĩa của Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao.

          (Sớ) Nhược ước chi vi ngũ.

          () 若約之為五。

          (Sớ: Nếu nói gọn thì có năm môn).

          “Ước” là quy nạp, đem mười tông trên đây quy nạp lại, chẳng ngoài năm loại.

          (Sớ) Bất xuất Hữu, Không, Pháp Tướng, Pháp Tánh, Viên Dung.

          () 不出有、空、法相、法性、圓融。

          (Sớ: Chẳng ngoài Có, Không, Pháp Tướng, Pháp Tánh, Viên Dung).

          Năm điều này bao quát toàn bộ mười tông.

          (Sớ) Kim thử kinh giả, tông hồ Pháp Tánh, dĩ Tịnh Độ y chánh tín nguyện đẳng, giai quy nhất tâm, nhất tâm bất loạn, tức Pháp Tánh cố.

          () 今此經者 ,宗乎法性 ,以淨土依正信願等

歸一心,一心不亂,即法性故。

          (Sớ: Nay kinh này đề cao Pháp Tánh, bởi lẽ, y báo, chánh báo trong cõi Tịnh Độ, tín nguyện v.v… đều quy vào nhất tâm, mà nhất tâm bất loạn chính là Pháp Tánh).

          Ý nghĩa này được nói rất khéo, rất viên mãn. Trong sự luận định về biệt nghĩa (ý nghĩa riêng biệt) nơi Tông, [từ chỗ nhìn vào] bộ kinh này thuộc về tầng cấp nào, quý vị cũng thấy được độ sâu của pháp môn này. Pháp môn này thuộc về Pháp Tánh chỉ kém viên dung, viên dung là Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Hoa Nghiêm nói Sự Sự vô ngại, kinh này nói Lý Sự vô ngại. Nếu [kinh này cũng] nói Sự Sự vô ngại thì kinh này sẽ là thuần viên như kinh Hoa Nghiêm. Nói như vậy, bộ kinh này còn kém kinh Hoa Nghiêm một bậc. Đã kém kinh Hoa Nghiêm một bậc, cớ sao lại là chỗ quy túc của kinh Hoa Nghiêm? Mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát dẫn về Cực Lạc, lấy Tây Phương Cực Lạc thế giới làm chỗ quy túc, không sai! Nói thật ra, Tây Phương Cực Lạc thế giới xét theo Hoa Nghiêm là thật, chẳng giả; vì sao tổ sư phán giáo chẳng phán định pháp môn này là viên mãn nhất, mà lại phán định là giáo nghĩa viên mãn kém hơn Hoa Nghiêm? Đây là nói theo căn tánh của chúng ta. Nay đối với chúng ta, nếu nói Sự Sự vô ngại thì [chúng ta] chẳng thể vãng sanh, còn nay chúng ta học Lý Sự vô ngại thì ai nấy đều vãng sanh, đạo lý là như vậy đó. Thế nhưng trong hội Hoa Nghiêm, kinh A Di Đà là thuần viên, là Sự Sự vô ngại, vì sao? [Cảnh giới của] Pháp Thân đại sĩ mà! Pháp Thân đại sĩ đọc kinh Di Đà thì kinh Di Đà là thuần viên. Nay chúng ta là hạng phàm phu lè tè sát đất đọc kinh Di Đà, thấy kinh Di Đà là phần viên thì đã khá lắm rồi, rất khó có rồi! Vì thế, pháp này do [thuận theo căn tánh của] con người mà kiến lập, phải hiểu ý nghĩa này!

          “Tịnh Độ y báo, chánh báo” là nói đến thế giới Tây Phương, “Tín – Nguyện – Hạnh” là chúng sanh vãng sanh, đều quy vào nhất tâm. Y báo và chánh báo do nhất tâm hiện, Tín – Nguyện – Hạnh do nhất tâm biến. Vì thế, nhất tâm bất loạn là Pháp Tánh. Pháp Tánh là Phật Tánh, cho nên đức Phật nói: “Hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh”. Phật Tánh là nhất tâm, hết thảy chúng sanh đều có nhất tâm. Nay quý vị chẳng giữ được nhất tâm, cái tâm bị loạn, vậy là chẳng có cách nào hết. Đó là chuyện của quý vị, người nào cũng chẳng giúp quý vị được, quý vị phải biết điều này!

          Do điều này, trong hết thảy các pháp môn, bản thân tôi trong mấy chục năm đã thể nghiệm sự nhiệm mầu của Tịnh Độ. Nhiệm mầu ở chỗ nào? Bất luận chúng ta ở trong hoàn cảnh nào, đãi người, tiếp vật, chúng ta tu nhất tâm chẳng bị chướng ngại. Trong thuận cảnh, mọi người ưa thích ta, ta tu nhất tâm, không bị chướng ngại. Trong nghịch cảnh, người này hận ta, kẻ kia chán ghét ta, người này chửi ta, kẻ nọ muốn đánh ta, ta vẫn tu nhất tâm bất loạn, vẫn chẳng bị trở ngại, tu trong tâm địa của chính mình, chẳng bị ngoại cảnh ảnh hưởng; nhưng tu các pháp môn khác sẽ bị ảnh hưởng. Chẳng hạn như mới học tham Thiền, quý vị nhất định phải có chỗ rất yên tĩnh để tịnh tọa. Người niệm Phật giữa chỗ náo nhiệt vẫn một mực niệm A Di Đà Phật, miệng chẳng niệm, tâm ta niệm, chẳng trở ngại! Đi, đứng, nằm, ngồi chẳng rời niệm này, cách này rất tuyệt! Vì thế, dụng công trong pháp môn này chẳng bị chướng ngại. Đi, đứng, nằm, ngồi đều có thể niệm, nằm trên giường cũng có thể niệm, thuận tiện lắm! Những pháp môn khác có rất nhiều chỗ chẳng thuận tiện như phương pháp này!

          Có thể nói phương pháp này là một phương pháp tu hành chẳng bị ngoại cảnh quấy nhiễu mảy may, là phương pháp dễ thành tựu nhất, giống như trong kinh Hoa Nghiêm đã thị hiện “trải qua sự để luyện tâm”. Sự là gì vậy? Cảnh giới! Trong hết thảy cảnh giới, rèn luyện điều gì? Rèn luyện cái tâm thanh tịnh của chính mình. Đối với cảnh giới bên ngoài, khi ấy hãy xét mình có tâm tham hay không? Có tâm sân hay không? Có tâm ngu si hay không? Có thể thấy được! Đối diện hết thảy người và việc đều hiểu rõ ràng, hiểu Không, Giả, Trung, đó là chẳng ngu si. Trong thuận cảnh chẳng khởi tâm tham, trong nghịch cảnh chẳng khởi tâm sân, đó là nhất tâm bất loạn, đó là công phu chân chánh. Vì thế, quý vị tu hành mà tách rời hoàn cảnh bên ngoài thì đến nơi đâu để tu? Không có chỗ nào để tu cả! Tu hành chẳng thể lìa khỏi xã hội, chẳng thể lìa khỏi mối quan hệ giữa con người với nhau, chẳng thể tách rời được! Vì lẽ nào? Công phu thật sự phải rèn luyện từ ngay nơi này! Giống như đao muốn bén nhọn, chẳng thể rời khỏi đá mài. Rời khỏi hòn đá mài, đao làm sao sắc bén cho được? Nói thông tục là: “Chẳng thể chịu đựng sự khảo nghiệm của thời đại và quan hệ giữa con người với nhau thì khảo nghiệm ở chỗ nào?” Luyện nhất tâm bất loạn, luyện cái tâm thanh tịnh, công phu của quý vị mới có thể thành tựu. Cái tâm thanh tịnh là Chân Như Phật Tánh của chính mình, phải hiển lộ Chân Như Phật Tánh của chính mình trong hoàn cảnh. Nhất tâm bất loạn là Chân Như của chính mình, là Phật Tánh của chính mình. Hiểu rõ đạo lý này, nếu trong hoàn cảnh, tâm vừa loạn thì tham, sân, si, mạn dấy lên, dấy lên phân biệt, chấp trước, hãy ngay lập tức cảnh giác “Phật Tánh của chúng ta lại mê rồi!” Làm như thế nào để thường xuyên giữ gìn giác chứ không mê, đấy là tu hành thật sự, là công phu chân chánh. Đoạn này là nói chung. Đoạn thứ hai là dị giải (giải thích về những cách phán định Tông Thú khác biệt).

          (Huyền Nghĩa) Kim minh thử kinh, cổ hữu đa giải.

          (玄義) 今明此經,古有多解。

          (Huyền Nghĩa: Nay nêu rõ, đối với kinh này từ xưa đã có nhiều người giải thích).

           Từ xưa đến nay, người giảng kinh Di Đà rất nhiều, giải thích rất nhiều.

          (Huyền Nghĩa) Hữu vị tín nguyện vi Tông.

          (玄義) 有謂信願為宗。

          (Huyền Nghĩa: Có người nói kinh này lấy tín nguyện làm Tông).

           Có người chủ trương như vậy.

          (Huyền Nghĩa) Hữu vị siêu quá tam giới nhị chủng thanh tịnh vi Tông, linh chư chúng sanh đắc Bất Thoái Chuyển vi Thú.

          (玄義)有謂超過三界二種清淨為宗,令諸眾生得不退轉為趣。

          (Huyền Nghĩa: Có người bảo “hai thứ thanh tịnh vượt trỗi tam giới là Tông, khiến cho các chúng sanh đắc Bất Thoái Chuyển là Thú”).

          Đương nhiên cách nói này cũng không sai, cũng có lý!

          (Sớ) Tín nguyện vi Tông giả, chư giải đa đồng.

          () 信願為宗者,諸解多同。

          (Sớ: Phần đông các nhà chú giải chấp nhận tín nguyện là Tông).

          Rất nhiều người giảng kinh Di Đà chủ trương như vậy, đủ thấy đây chẳng phải là kiến giải của một cá nhân, mà là kiến giải của nhiều người.

          (Sớ) Dĩ kinh trung lũ ngôn: “Nhược hữu tín giả, ưng đương phát nguyện, sanh bỉ quốc độ” cố.

          () 以經中屢言 若有信者 ,應當發願 ,生彼國土

故。

          (Sớ: Do trong kinh nhiều lượt nói: “Nếu là người có lòng tin, hãy nên phát nguyện sanh về cõi nước ấy”).

          Họ có kinh văn để làm chứng cứ, chẳng phải là nói tùy tiện, xác thực là như thế. Trong phần sau, chúng ta sẽ lại bàn về vấn đề này. Cách nói của Liên Trì đại sư chính là nhằm mở rộng vấn đề này tinh vi hơn, nhưng cũng chẳng rời khỏi nguyên tắc này.

          (Sớ) Nhị chủng thanh tịnh giả.

          () 二種清淨者。

          (Sớ: Hai thứ thanh tịnh là…)    

          “Hai thứ thanh tịnh” là nói về điều gì vậy? Chính là y báo và chánh báo.

          (Sớ) Luận ngôn Cực Lạc thế giới, y chánh nhị báo, thanh tịnh trang nghiêm, phi tam giới sở cập, cố dĩ vi Tông.

          () 論言極樂世界 ,依正二報 ,清淨莊嚴 非三界

所及,故以為宗。

          (Sớ: Vãng Sanh Luận nói y báo và chánh báo trong thế giới Cực Lạc thanh tịnh trang nghiêm, ba cõi chẳng thể bằng, nên lấy hai thứ ấy làm Tông).

          Chữ “luận” chỉ Vãng Sanh Luận do Thiên Thân Bồ Tát soạn. Vãng Sanh Luận cũng khuyên người ta niệm Phật cầu sanh về thế giới Tây Phương, vì bản thân Thiên Thân Bồ Tát phát nguyện cầu sanh Tây Phương. Ngài nói y báo và chánh báo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới thanh tịnh, trang nghiêm, thế giới Sa Bà chẳng thể sánh bằng, không có cách nào so sánh được! Có những người dựa theo cách nói của Vãng Sanh Luận, coi đó là tông chỉ [của kinh Di Đà].

          (Sớ) Nhi yếu kỳ sở quy, vị linh chúng sanh, sanh bỉ thanh tịnh Cực Lạc quốc độ, sanh bỉ quốc dĩ, tức bất thoái chuyển, dĩ thử vi Thú.

          () 而要其所歸 為令眾生 ,生彼清淨極樂國土

生彼國已,即不退轉,以此為趣。

          (Sớ: Nhưng xét đến mục đích thì là làm cho chúng sanh sanh về cõi nước Cực Lạc thanh tịnh, đã sanh về cõi ấy liền được bất thoái chuyển, lấy điều này làm Thú).

          Lấy điều này làm chỗ quy hướng, cách nói này cũng hết sức có lý. Bởi lẽ, nếu Bồ Tát chẳng tu hành trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhất định bị thoái chuyển, chuyện này phiền phức lắm! Trong mười phương thế giới, Bồ Tát tu hành thì phải tu đến khi nào mới chẳng bị thoái chuyển? Phải tu đến Bát Địa, Bát Địa gọi là Bất Động Địa, chẳng còn thoái chuyển nữa. Từ Thất Địa trở về trước, thưa quý vị, đều bị mê khi cách ấm, đều thoái chuyển. Vì thế, kinh Vô Lượng Thọ đã nói: Có vô lượng Bồ Tát phát Bồ Đề tâm, trụ Bồ Tát đạo. Nói “trụ Bồ Tát đạo” là trong tâm thường nghĩ đến Lục Độ, tức Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Bát Nhã, dùng cái tâm này, dùng sáu cái tâm này để tự hành, hóa độ người khác. Đó gọi là “trụ Bồ Tát đạo”. Cúng dường bốn trăm ức Phật, quý vị nghĩ xem phước báo của họ lớn chừng nào! Chẳng qua người Ấn Độ nói Ức thì chẳng phải là một vạn vạn là một Ức, mà là mười vạn là một Ức, [dẫu Ức của họ nhỏ như vậy] cũng đã bất phàm rồi! Cúng dường bốn trăm ức Phật, vẫn bị cách ấm, vẫn bị thoái chuyển!

          Điều này khuyến khích, cổ vũ chúng ta nhất định phải phát tâm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh cũng chẳng bị thoái chuyển, đều viên chứng ba thứ Bất Thoái. Bởi lẽ, y báo và chánh báo bên ấy thanh tịnh trang nghiêm, “tam giới chẳng thể sánh bằng”. Tam giới nói theo nghĩa hẹp là thế giới Sa Bà của chúng ta, theo nghĩa rộng là thế giới của chư Phật trong mười phương! Các thế giới của chư Phật trong mười phương đều là tam giới, đều chẳng sánh bằng Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nếu sánh bằng thì vì sao mười phương chư Phật đều khuyên mọi người hãy vãng sanh [Cực Lạc]? Đạo lý này rất hiển nhiên! Các cõi nước Phật trong mười phương đều chẳng thanh tịnh trang nghiêm bằng thế giới Tây Phương! Vì thế, các vị đồng tu phải chân thật tu học pháp môn này, mong trong một đời này, chúng ta sẽ đạt mục đích. Vì sao phải giảng kinh giáo? Giảng kinh giáo nhằm mục đích nào? Nhằm kiên định lòng tin, trừ nghi hoặc cho quý vị, cổ vũ, khích lệ quý vị phát nguyện, mục đích giảng kinh là ở chỗ này! Nếu quý vị đầy đủ tín nguyện, nói cách khác, điều quan trọng nhất sau tín nguyện là niệm Phật. Hôm nay đã hết thời gian rồi!

[1] Lục sư ngoại đạo là sáu người sáng lập sáu trường phái triết học và tôn giáo chủ yếu thời ấy, gồm:

1) A Kỳ Đa Xí Xá Khâm Bà La (Ajita Kesakambalin) chủ trương Duy Vật Luận, tức là thế giới và con người do Tứ Đại hợp thành, chủ trương con người chết đi là hết, không thiện, không ác.

2) Ca La Cưu Đà Ca Chiên Diên (còn phiên là Bạt Câu Đà Ca Chiên Diên, Pakudha Kaccāyana) chủ trương mọi hiện tượng do bảy yếu tố là đất, nước, gió, lửa, khổ, lạc, và mạng hợp thành. Thậm chí giết người không có tội vì chỉ là lưỡi gươm cắt đứt sự tổ hợp của bảy yếu tố.

3) Phú Lan Na Ca Diếp (Pūrana Kassapa) chủ trương sổ toẹt mọi quy chuẩn đạo đức trong xã hội đương thời, theo thuyết đoạn diệt.

4) Mạt Già Lê Câu Xá Lê Tử (Makkhali Gosāla) chủ trương trần truồng, chủ trương quyết định luận. Chúng sanh khổ hay vui chẳng do nhân duyên, mà tự nhiên nó là như thế! Con người không có cách nào thay đổi số phận.

5) San Xà Dạ Tỳ La Chi Tử (Sañjaya Belatthiputta) chủ trương hoài nghi luận, đề xướng con người khi nào chịu hết khổ sẽ sướng, giống như bánh xe hết lên cao sẽ xuống thấp.

6) Ni Càn Đà Nhã Đề Tử (Nigantha Nātaputta), chủ trương tương đối luận, ông này trở thành thỉ tổ đạo Jain (Kỳ Na Giáo) sau này. Tu sĩ phái này cũng thích lõa thể, họ tin rằng trần truồng là giải thoát mọi vướng mắc, chấp trước!

[2] Ấu Học Quỳnh Lâm là sách vỡ lòng cho trẻ học. Tác phẩm này vốn có tên là Ấu Học Tu Tri do Ngô Đăng Cát (tự Doãn Thăng) biên soạn vào cuối đời Minh, sau đó được Trâu Thánh Mạch tu chỉnh, viết lời chú giải, đổi tên thành Ấu Học Cố Sự Quỳnh Lâm, đến thời Dân Quốc, được Phí Hữu Dung, Diệp Phố Tôn và Thái Đông Phiên tu chỉnh lần nữa, gọi gọn là Ấu Học Quỳnh Lâm. Sách được viết theo loại Biền Văn, đăng đối rất hoàn chỉnh, chữ dùng chọn lọc, dễ đọc, dễ nhớ, bao gồm rất nhiều kiến thức cơ bản (theo quan niệm thời ấy), xin trích một đoạn đầu: “Hỗn độn sơ khai, càn khôn thỉ định. Khí chi khinh thanh, thượng phù giải vi thiên, khí chi trọng trược hạ ngưng giả vi địa. Nhật, nguyệt, ngũ tinh, vị chi thất chánh, thiên địa dữ nhân, vị chi tam tài. Nhật vi chúng dương chi tông, nguyệt nãi thái âm chi tượng. Hồng danh đế đông, nãi thiên địa chi dâm khí, nguyệt lý thiềm thừ, thị hạo phách chi tinh hoa” (Hỗn độn sơ khai, trời đất vừa định. Khí trong nhẹ nổi lên là trời, khí nặng đục chìm xuống là đất. Mặt trời, mặt trăng, năm ngôi sao, gọi là Thất Chánh. Trời, đất và con người gọi là Tam Tài. Mặt trời đứng đầu các loại thuộc dương, mặt trăng là hình tượng của thái âm. Mống trời còn gọi là cầu vồng, chính là khí ẩm thấp trong trời đất [kết thành], con cóc trong mặt trăng chính là tinh hoa của hồn phách mênh mông [trong vũ trụ]).

[3] Tự Tại Thiên (Maheśvara) chính là một danh xưng khác của thần Shiva, một trong ba ngôi của Bà La Môn. Kinh Phật thường phiên âm vị này là Ma Hê Thủ La Thiên. Vị thần này thường được coi là thần hủy diệt, được tôn sùng nhất trong ba ngôi (Phạm Thiên, Tỳ Nữu và Thấp Bà). Vị thần này thường được tạc có ba mắt, bốn tay, lần lượt cầm chĩa ba, tù và, bình nước, và trống, thân bôi tro xanh xám, rắn hổ mang quấn quanh cổ, cưỡi trâu trắng. Ấn Độ Giáo thường thờ vị này dưới hình tượng Linga đặt trên Yoni.

[4] Gọi là năm xứ Ấn Độ, tức là dựa theo cách nói của thời Cổ. Sách Vãng Thế Thư (Puranas) đã chia khu vực Ấn Độ hiện thời thành năm vùng, gọi chung bằng danh xưng Ngũ Ấn Độ, Ngũ Thiên Trúc, Ngũ Ấn, Ngũ Thiên, tức là Pracya, Uttarapatha, Aparanta, Dakshinapatha, và Majjhimdesa.

[5] Nguyên văn “thời trung giả dã”. Chữ “thời trung” xuất phát từ sách Trung Dung. Khổng Tử nói: “Quân tử chi Trung Dung dã, quân tử nhi thời trung, tiểu nhân chi phản Trung Dung dã, tiểu nhân nhi vô kỵ đạn dã”, câu này được giải thích theo sách Trung Dung Tinh Hoa Tuyển Túy có nghĩa là: Người quân tử có thể hợp với đạo lý Trung Dung là do có thể bất cứ lúc nào cũng tuân thủ Trung Đạo, chẳng thái quá hay bất cập. Kẻ tiểu nhân sở dĩ trái nghịch Trung Đạo là vì không hiểu rõ lý này, chẳng có chuyện gì phải kiêng dè mà không dám làm.

[6] Giá: Vượt khỏi hai bên, thoát ngoài đối đãi.

Chiếu: Thấy có hai bên, nhưng không vướng mắc vào một bên nào.

[7] Tông này căn cứ trên cách phán định của tông Hoa Nghiêm đối với Thuyết Giả Bộ (một bộ phái Tiểu Thừa tại Ấn Độ), theo đó, không chỉ quá khứ và vị lai đều không có thật thể, mà các pháp hữu vi trong hiện tại cũng có pháp là giả, có pháp là thật. Do pháp hiện tại bao gồm cả giả lẫn thật nên mới gọi Hiện Thông Giả Thật Tông.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *