Tập 9/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn NghĩaChủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 9

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang thứ tám:

  (Sớ) Triệt giả, thông dã. Đỗng giả, triệt chi cực dã. Nhật nguyệt tuy biến, bất chiếu phúc bồn, thị triệt nhi vị triệt. Kim thử linh minh, huy thiên địa, thấu kim thạch, tứ duy thượng hạ, tằng vô chướng ngại, cái đỗng nhiên chi triệt, mị sở bất triệt, phi đối cách thuyết thông chi triệt, vân “đỗng triệt” dã.

  (疏) 徹者通也,洞者徹之極也。日月雖遍,不照覆盆

,是徹而未徹。今此靈明,輝天地,透金石,四維上下,曾無障礙,蓋洞然之徹,靡所不徹。非對隔說通之徹,云洞徹也。

  (Sớ: “Triệt” là thông suốt. “Đỗng” là thông suốt đến tột cùng. Mặt trời, mặt trăng tuy trọn khắp, nhưng chẳng thể soi chậu úp, nên tuy là “triệt” mà chưa “triệt”. Nay sự linh minh này sáng ngời trời đất, xuyên suốt vàng, đá, bốn phương, trên, dưới, chưa hề chướng ngại. Ấy là vì thấu suốt rỗng rang, không đâu chẳng thấu triệt, chứ không phải là sự thấu suốt do đối lập với ngăn cách mà nói là thông suốt, nên bảo là “đỗng triệt”).

  Chúng ta tiếp tục xem phần giải thích câu  “linh minh đỗng triệt” trong lời Sớ. Hai chữ “linh minh” đã được giảng trong phần trước, hôm nay bắt đầu giảng từ hai chữ “đỗng triệt”“Triệt” (徹) có nghĩa là triệt để, là thông đạt chẳng chướng ngại. Lời chú giải giảng Triệt có nghĩa là “thông”, tức thông đạt; “đỗng” (洞) là “triệt chi cực” (thấu triệt đến cùng cực), tức là thông đạt đến cùng cực. Tiếp đó, đại sư nêu lên một tỷ dụ, “nhật nguyệt tuy biến” (mặt trời, mặt trăng tuy trọn khắp), quang minh chiếu trọn khắp, “bất chiếu phúc bồn”: Chúng ta lật úp cái chậu thì ánh sáng mặt trời, mặt trăng chẳng thể chiếu vào lòng chậu được, bị chướng ngại, đấy là “triệt nhi vị triệt” (tuy là “thông suốt” mà chưa “thông suốt”). Nói cách khác, chỉ cần có chướng ngại chẳng thể xuyên qua được, thì “triệt” đó hoàn toàn chẳng phải là đã thật sự đạt đến viên mãn rốt ráo. Bổn tánh của chúng ta khác hẳn, giác tánh linh minh là “huy thiên địa, thấu kim thạch” (sáng ngời trời đất, xuyên thấu vàng, đá). “Huy” (輝) là sáng ngời, [câu “huy thiên địa”] có nghĩa là thấu trời tột đất, trời lẫn đất đều chẳng thể chướng ngại được. “Thấu kim thạch”: Vàng hay đá cũng chẳng thể chướng ngại được.

 

  (Diễn) “Bất chiếu phúc bồn” giả, dĩ nhật nguyệt chi quang thuộc Tướng, bất thuộc Tánh cố.

  (演) 不照覆盆者,以日月之光屬相,不屬性故。

  (Diễn: “Chẳng soi chậu úp” là vì ánh sáng của mặt trời, mặt trăng thuộc Tướng, chẳng thuộc Tánh).

  Lời chú giải này rất quan trọng. Sự thấu triệt của Tướng chẳng phải là rốt ráo viên mãn, sự thấu triệt của Tánh mới thật sự là rốt ráo viên mãn.

  (Diễn) “Huy thiên địa, thấu kim thạch” giả, dĩ tâm quang biến hồ pháp giới, nhất thiết chư pháp vô phi Phật pháp cố.

  (演) 輝天地透金石者,以心光遍乎法界,一切諸法無

非佛法故。

  (Diễn: “Sáng ngời trời đất, xuyên thấu vàng đá” là vì tâm quang trọn khắp pháp giới, hết thảy các pháp không gì chẳng phải là Phật pháp).

  Cũng có những vị hỏi: “Tâm quang là như thế nào?” Chúng ta thấy ánh sáng mặt trời, ánh sáng mặt trăng cũng có thể thấy được, ánh sáng của mấy ngọn đèn trong giảng đường hiện thời chúng ta cũng trông thấy, nhưng chẳng thấy tâm quang. Hình dạng của tâm quang là như thế nào? Có không ít người nghĩ như vậy, cách nghĩ ấy có chính xác hay chăng? Không chính xác! Vì sao nói là không chính xác? Họ chấp vào tướng! Quý vị thấy ánh sáng mặt trời, ánh sáng mặt trăng, quý vị chấp vào tướng. Chẳng chấp tướng sẽ kiến tánh. Chấp tướng chướng ngại kiến tánh. Nếu lìa hết thảy tướng thì “tâm quang biến hồ pháp giới” (tâm quang trọn khắp pháp giới), quý vị thấy đạo, nhà Thiền gọi là “kiến tánh”, minh tâm kiến tánh. Khi ấy, quý vị sẽ hiểu “nhất thiết pháp vô phi Phật pháp”, [tức là] không có pháp nào chẳng phải là Phật pháp. Nếu quý vị chấp tướng, trong hết thảy pháp, không có pháp nào là Phật pháp cả! Chẳng chấp tướng thì là Phật pháp, chấp vào tướng sẽ chẳng phải là Phật pháp.

Nếu chúng ta hỏi, rốt cuộc là có Phật pháp hay không? Nếu quý vị nghĩ là “có Phật pháp”, sai rồi! Quý vị nói “không có Phật pháp” cũng sai luôn, sai ở chỗ nào? Sai ở chỗ quý vị chấp tướng! Quý vị chấp vào tướng “có Phật pháp”, trật rồi! Quý vị chấp vào tướng “không có Phật pháp”, cũng trật luôn! Nếu quý vị chẳng chấp tướng, quý vị nói “có Phật pháp”, đúng! Nói “không có Phật pháp”, cũng đúng luôn! Từ chỗ này, quý vị phải thấu hiểu, hễ trong tâm có một niệm phân biệt, chấp trước sẽ hoàn toàn trật; lìa hết thảy phân biệt, chấp trước sẽ là đúng, phải thấu hiểu chỗ này!

  Trong đoạn giải thích tiếp theo, bất luận là dùng pháp để nói hay dùng tỷ dụ để nói, đều nói hết sức rõ ràng, “tứ duy thượng hạ, tằng vô chướng ngại” (bốn phương, trên, dưới, chưa từng chướng ngại), đó gọi “đỗng nhiên chi triệt, mị vô sở triệt” (thấu triệt rỗng rang, không đâu chẳng thấu triệt).

 

  (Diễn) Nhược thông dữ cách đối, thị thông hoàn thành cách, phi đối cách thuyết thông chi triệt, nãi chân triệt dã.

  (演) 若通與隔對,是通還成隔。非對隔說通之徹,乃

真徹也。

  (Diễn: Nếu thông suốt là do so với ngăn cách [mà nói là “thông suốt”] thì sự thông suốt ấy vẫn trở thành ngăn cách. Chẳng vì so sánh với ngăn cách mà nói là “thấu triệt” thì mới là thấu triệt thật sự).

 

  Mấy câu này có ý nghĩa rất sâu, nhưng ngữ cú rất rõ ràng. Nói đơn giản, rớt vào hai bên sẽ đều chẳng phải là chân thật, đều là chướng ngại. Chỉ cần hễ có chấp trước, rớt vào hai bên, đều biến thành chướng ngại. Tách rời hai bên thì sẽ thông đạt. Thông đạt là khai ngộ. Do vậy, nếu quý vị muốn khai ngộ, nhất định phải lìa hai bên. Ngày nay chúng ta gọi “hai bên” (nhị biên) là “tương đối”.

Làm thế nào để vượt thoát khỏi tương đối mà sau khi vượt thoát cũng chẳng phải là tuyệt đối? Nếu quý vị vượt thoát [tương đối] mà đạt đến tuyệt đối, thì tuyệt đối và tương đối vẫn thuộc vào đối đãi, vẫn chưa thể vượt thoát! Tuyệt đối cũng không có. Tương đối đã không có, tuyệt đối cũng chẳng tồn tại, đấy mới thật sự là vượt thoát. Đấy là “thấu suốt rỗng rang” thật sự được nói tới ở đây, do  vậy  gọi  là “đỗng triệt”.  Tiếp  theo  đó, lời  Sớ  giảng  về “trạm tịch thường hằng”.

  (Sớ) Trạm giả bất nhiễm, tịch giả bất dao.

  (疏) 湛者不染,寂者不搖。

  (Sớ: “Trạm” là chẳng nhiễm, “tịch” là chẳng lay động).

 

  “Dao” (搖) là dao động, “trạm” (湛) là chẳng ô nhiễm, “tịch” (寂) là chẳng động tâm. Quý vị đọc tiếp theo sẽ thấy lão nhân gia nêu tỷ dụ.

  (Sớ) Đại địa tuy tịch, bất đắc xưng trạm.

  (疏) 大地雖寂,不得稱湛。

  (Sớ: Đại địa tuy không lay động, nhưng chẳng thể gọi là “trạm”).

  Lấy cảnh giới trước mắt để nói thì chẳng thể nói tới vật lý, chẳng thể nói tới hiện tượng tự nhiên. Nói tới hiện tượng tự nhiên thì địa cầu ở giữa hư không, nó cũng vận động, chẳng ngưng nghỉ một giây phút nào. Lấy chuyện trước mắt để nói thì đại địa là bất động, nhưng đất ô nhiễm, nên “tuy Tịch mà chẳng thể gọi là Trạm”.

  (Sớ) Kim duy chí tịch chi trung, oánh tịnh vô chỉ, Tịch bất túc dĩ tận chi, cố viết “trạm tịch”.

  (Diễn) Bất nhiễm giả, tùng lai bất dữ nhiễm pháp tương ứng, bất dữ chư trần tác đối. Bất dao giả, vạn cổ như như, vô hữu biến dị.

  (疏) 今惟至寂之中 ,瑩淨無滓 ,寂不足以盡之,故

曰湛寂。

(演) 不染者,從來不與染法相應,不與諸塵作對。不

搖者,萬古如如,無有變異。

  (Sớ: Nay trong sự tịch đến tột bậc, sáng ngời trong trẻo, không có cặn bã, chữ Tịch chẳng đủ diễn tả trọn hết, nên bảo là “trạm tịch”.

  Diễn: “Chẳng nhiễm” là từ trước đến nay chẳng tương ứng với nhiễm pháp, chẳng ứng với các trần. “Chẳng lay động” là muôn đời như như, chẳng có thay đổi).

  Đây là nói về bổn tánh. Kinh  Lăng  Nghiêm nhắc tới căn tánh của

sáu căn, bất luận là trong ngộ hay mê, sáu tánh ấy đều chẳng nhiễm, đều chẳng lay động. Những câu này nhằm giải thích ý nghĩa của từ ngữ “trạm tịch”. Đại địa vì sao chẳng thể gọi là “trạm”?

 

  (Diễn) Bất đắc xưng “trạm” giả, đại địa tuy thường tự tịch nhiên, nhi thổ thạch chư sơn uế ác sung mãn, bất trạm dã.

  (演) 不得稱湛者,大地雖常自寂然,而土石諸山穢

惡充滿不湛也。

  (Diễn: Chẳng được gọi là “trạm” vì đại địa tuy thường tự vắng lặng, nhưng các quả núi đất hay núi đá nhơ bẩn đầy dẫy, chẳng trong lặng vậy).

   Nếu quý vị hỏi: Vì đạo lý nào? Trong phần trước đã có nói, vì nó là Tướng Phần, chẳng phải là Tánh Phần. Nếu là tự tánh sẽ chẳng có những hiện tượng ấy. Phàm là tướng thì đều là hư vọng, đều chẳng phải là viên mãn rốt ráo. Kế đó là tỷ dụ nhằm sánh ví sự trong suốt cả trong lẫn ngoài.

  (Diễn) Như tịnh lưu ly, nội ngoại oánh triệt, vị chi oánh tịnh.

  (演) 如淨琉璃,內外瑩徹,謂之瑩淨。

  (Diễn: Giống như lưu ly sạch, trong ngoài trong suốt sáng ngời, nên gọi là “oánh tịnh”).

  Không có cách nào diễn tả, đành dùng tỷ dụ để nói. Nói thật ra, không có cách nào để tỷ dụ thật khít khao, chỉ có thể hơi gần giống, mong rằng từ sự mường tượng ấy sẽ có thể thấu hiểu, sẽ ngộ được Thật Tướng của nó. Hiện nay, chúng ta gọi “lưu ly” là Phỉ Thúy (Jadeite), tức là một loại ngọc màu xanh lá cây, trong suốt, có thể dùng nó để làm tỷ dụ  [sự trạm tịch],  trong ngoài sạch sẽ,  chẳng nhiễm mảy trần, đó gọi là “oánh tịnh” tức là trong trẻo, ánh sáng có thể chiếu qua được.

  (Diễn) Thốn ty bất quải, tiêm trần bất lập, vị chi “vô chỉ”.

  (演) 寸絲不挂,纖塵不立,謂之無滓。

  (Diễn: Tấc tơ chẳng vướng, mảy trần chẳng lập, thì gọi là “không có cặn bã”).

  “Chỉ”  (滓) là cặn bã.  Sạch sẽ, chẳng có tí ti cặn bã nào! “Thốn ty

bất quải” (tấc tơ chẳng vướng mắc) hình dung không có tri kiến, không có vọng tưởng, chẳng vướng mắc, tâm thanh tịnh. Lục Tổ nói: “Vốn không có một vật”. Trong chân tâm không có vọng niệm, không có phân biệt, không có chấp trước, không có vọng tưởng. Kinh luận thường nói “Thể lộ chân thường”, đấy chính là Phật tâm, là chân tâm hiện tiền. “Tiêm trần bất lập” (Mảy trần chẳng lập) là không ô nhiễm, là dựa trên cảnh giới bên ngoài mà nói: Chân Như bổn tánh quyết định chẳng bị sáu trần bên ngoài nhuốm bẩn. Trong Duy Thức có nói: “Trong A Lại Da Thức in dấu bóng dáng của Ngũ Trần”, tức là [Ngũ Trần] có thể in dấu vào A Lại Da Thức, chứ không thể in dấu trong Chân Như bổn tánh. Vì thế nói trong chân tánh “mảy trần chẳng lập”. Một là chẳng bị nhuốm bẩn bởi ngoại cảnh, hai là như như bất động, tấc tơ chẳng vướng. Đó là không có cặn, tí ti cặn bã nào cũng không có. “Tịch bất túc dĩ tận chi” (Chữ Tịch chẳng đủ để diễn tả trọn hết): Chữ Tịch không có cách nào bao quát viên mãn ý nghĩa này, “cố viết Trạm Tịch” (nên nói là Trạm Tịch), dùng hai chữ này (tức “trạm tịch”) để hình dung Chân Như bổn tánh của chúng ta. Cả hai câu này có lúc nói gộp lại một cách đơn giản là “trạm tịch linh minh”, cổ đại đức thường dùng bốn chữ này để hình dung chân tâm và bổn tánh của chúng ta. Bổn tánh của chúng ta quả thật là trạm tịch linh minh. Kế tiếp, [lời Sớ Sao] giảng về “thường hằng”.

  (Sớ) Hằng giả, cửu dã. Thường giả, hằng chi cực dã.

  (疏) 恆者久也,常者恆之極也。

  (Sớ: “Hằng” là lâu dài. “Thường” là hằng đến mức tột bực).

  Câu này ý nói: Bổn tánh linh minh trạm tịch vĩnh viễn là như vậy, từ vô thỉ kiếp trong quá khứ cũng như vô lượng kiếp trong tương lai, nó vĩnh viễn chẳng biến đổi. Thành Phật, thành Bồ Tát, cho đến trong tam đồ lục đạo, nó vẫn chẳng bị biến đổi, đó gọi là Chân Tánh. Ví như vàng ròng, vàng không biến đổi, đem nó chế thành tượng Phật thì giống như Phật pháp giới, hoặc đúc thành con mèo nhỏ, con chó nhỏ, nó lại đọa trong súc sanh pháp giới. Quý vị lấy vàng đúc thành hình ngạ quỷ, nó lại biến thành ngạ quỷ pháp giới. Tùy theo quý vị đúc tượng ấy như thế nào, nó sẽ biến thành như thế ấy; nhưng vàng chẳng biến đổi, vẫn là chính nó, chẳng bị biến hóa, vĩnh viễn là trạm tịch linh minh, đó gọi là “thường hằng”.

  (Sớ)  Đại địa tuy kiên,  nan đào Hoại kiếp,  thị hằng nhi vị hằng.

Kim thử trạm tịch, thôi chi vô thỉ, dẫn chi vô chung, cắng cổ cắng kim, tằng vô biến dịch. Cái thường nhiên chi hằng, vô hằng bất hằng, phi đối tạm thuyết cửu chi hằng, vân “thường hằng” dã.

  (Diễn) “Nan đào Hoại kiếp” giả, dĩ Tam Tai đáo thời, Kiếp Hỏa đỗng nhiên, Tu Di thất kim tất vi hôi tẫn cố.

  (疏) 大地雖堅,難逃壞劫,是恆而未恆。今此湛寂,

推之無始,引之無終,亙古亙今,曾無變易。蓋常然之恆,無恆不恆,非對暫說久之恆,云常恆也。

(演) 難逃壞劫者,以三災到時,劫火洞然,須彌七金

悉為灰燼故

  (Sớ: Đại địa tuy cứng, khó tránh khỏi Hoại Kiếp, nên đại địa là “hằng” nhưng chưa “thường hằng”. Nay sự trạm tịch này suy ngược lại thì không có khởi đầu, tìm không ra sự kết thúc, trải suốt xưa nay, chưa hề biến đổi. Cho nên nó là còn mãi lâu dài, không có “hằng” hay “chẳng hằng”, không phải là so với sự tạm bợ mà nói là “hằng”, nên bảo là “thường hằng”.

  Diễn: “Khó tránh khỏi Hoại Kiếp” là khi Tam Tai xảy ra, Kiếp Hỏa đốt sạch, bảy chất báu như vàng v.v… nơi núi Tu Di đều cháy tan thành tro).

  Qua viễn vọng kính của thiên văn học ngày nay, chúng ta có thể thường thấy hiện tượng này. Tinh cầu có thành, trụ, hoại, không. Mỗi ngày trong không gian luôn phát hiện những ngôi sao mới, đó là “thế giới thành”. Mỗi ngày cũng phát hiện nhiều tinh cầu bùng nổ, cháy rụi, đấy chính là Đại Tam Tai như trong kinh Phật nói. Vào thời Đại Tam Tai, Hỏa Tai cháy đến trời Sơ Thiền. Sơ Thiền Thiên có Hỏa Tai, Sơ Thiền là gì? Trong kinh nói tới “tam thiên đại thiên thế giới”, trong ấy có Tiểu Thiên, Trung Thiên, Đại Thiên, được hợp thành như vậy. Đấy là nói về phạm vi thế giới lớn hay nhỏ. Tầng trời ở trên đỉnh của đại thiên thế giới là Tứ Thiền Thiên, tầng trời cao nhất trong trung thiên thế giới là Tam Thiền Thiên, tầng trời cao nhất trong tiểu thiên thế giới là Nhị Thiền Thiên, tầng trời cao nhất trong một đơn vị thế giới là Sơ Thiền Thiên. Một đơn vị thế giới giống như một Thái Dương Hệ hiện thời, nói tới Sơ Thiền Thiên là nói một Thái Dương Hệ. Một Thái Dương Hệ hủy diệt thì các hành tinh và vệ tinh trong ấy đều bị hủy diệt. Lửa có thể đốt cháy một Thái Dương Hệ. Một hệ thống tinh cầu bị bùng nổ, chúng ta có thể quan sát thấy hiện tượng thiên văn này. Khi nó bùng nổ thì cả một hệ thống tinh cầu không còn nữa! Hiện tượng này rất dễ hiểu, nhưng còn một hiện tượng khác rất khó thể tưởng tượng, chính là Thủy Tai có thể ngập đến Nhị Thiền Thiên. Thủy Tai như thế nào? Nó có thể hủy hoại một tiểu thiên thế giới, điều này chẳng thể nghĩ bàn. Phong Tai có thể thổi tan Tam Thiền Thiên. Nói cách khác, nó có thể thổi nát một trung thiên thế giới. Tứ Thiền Thiên gọi là Phước Thiên, thật sự có phước báo, không có Đại Tam Tai. Câu “Kiếp Hỏa đỗng nhiên” (Kiếp Hỏa đốt sạch) chỉ Hỏa Tai trong Đại Tam Tai, nó có thể thiêu hủy một hệ thống tinh cầu, thiêu hủy một đơn vị thế giới.

  Do đây có thể biết: Thế gian này không chỉ là “biển xanh, ruộng dâu”[1], thế giới này làm sao thường trụ được? Thế giới chẳng thường hằng, sanh mạng càng ngắn ngủi hơn. Lấy địa cầu để nói thì khoa học cận đại biết lịch sử của địa cầu là mấy ức năm, chúng ta chẳng sống trọn một trăm năm; nói đơn giản, thẳng thừng là tỷ lệ chẳng cân xứng! Do đây có thể biết: Trong thế gian không có một pháp nào tồn tại vĩnh viễn, nhưng thế gian thật sự có một thứ tồn tại vĩnh viễn, đó là tự tánh. Nó vĩnh viễn tồn tại, vĩnh viễn chẳng bị biến đổi. Chúng ta nói tới tinh cầu, nói tới địa cầu, nói tới sanh mạng của chúng ta, chúng đều là hữu hình, hữu tướng, những tướng ấy do đâu có? Duy thức sở biến. Những tướng hiện thời chúng ta thấy được gọi là “thô tướng”, tâm cũng quá thô. Nếu quý vị quán sát tỉ mỉ, hết thảy các tướng đều biến đổi trong từng sát-na. Một giây trước và một giây sau chắc chắn khác nhau, cách quan sát này vẫn còn rất thô. Trong kinh dạy, trong khoảng khảy ngón tay có sáu mươi sát-na. Thứ gì đang biến đổi? Thức biến đổi, biến đổi trong từng sát-na.

  Khi Phật pháp chưa truyền đến Trung Quốc, tổ tiên người Trung Quốc cũng hết sức thông minh, họ biết [thế gian vô thường]. Căn bản to lớn của học thuật Trung Quốc là Dịch Kinh. Dịch Kinh nói gì? Dịch Kinh giảng về sự biến hóa của các quẻ. Suốt ngày từ sáng đến tối luôn biến hóa, niệm niệm đều biến hóa, chẳng có gì bất biến. Phật pháp nói “biến”, nền văn hóa cố hữu của Trung Quốc cũng nói tới biến đổi, không có thứ gì chẳng biến đổi, chỉ có Chân Như bổn tánh bất biến. Do vậy, nếu quý vị cầu nơi hiện tượng, mong nó vĩnh hằng, thường trụ, chắc chắn là sẽ chẳng tìm được chuyện ấy; bởi lẽ, nó là tướng hư vọng, chẳng

phải chân thật, tuyệt đối chẳng có đạo lý tồn tại vĩnh hằng.

  Trong quá khứ, sau khi đã thật sự thành tựu, nói chung là [những  vị đã thành tựu ấy sẽ] giảng kinh, thuyết pháp hoặc trước thuật kinh luận lưu truyền hậu thế, giúp đỡ người đời sau, đấy là đúng. Còn ngày nay thì sao? Thưa với quý vị, không đúng, hoàn toàn là sai lầm, vì sao? Đã biến đổi rồi. Biến hóa, hoàn toàn thay đổi. Vì sao biến đổi? Ngày nay tà thuyết tràn ngập thế gian, làm thế nào mới có thể diệt sạch những tà thuyết ấy, khôi phục bổn lai diện mục của chúng ta? Cổ nhân cũng có nói một câu: “Tận tín thư, bất như vô thư” (hoàn toàn tin vào sách, chẳng bằng không có sách). Không có sách, tâm sẽ thanh tịnh, vì sao? Không có vọng niệm. Khi đọc sách nhiều, vọng niệm quá đỗi! Quý vị thấy trong cuộc triển lãm sách ở thành phố Đài Bắc, mấy chục vạn cuốn sách được bày ra đó, thứ đó gọi là gì? Là một đống rác tư tưởng khiến cho đầu óc chúng ta u tối, ép chúng ta phải đi tới núi rừng, tới bên dòng nước cho yên tĩnh, vứt sạch những thứ ấy, bỏ sạch sành sanh. Có rất nhiều người khuyên tôi: “Pháp sư, thầy nên viết chút gì đó. Thừa dịp bây giờ thầy còn trẻ, đến lúc tuổi già, thầy sẽ chẳng muốn viết nữa”. Tôi nói: “Về căn bản, tôi không có ý nghĩ ấy. Vì sao? Từ xưa, cổ nhân đã viết quá nhiều thứ khiến cho đầu óc chúng ta mê man, tôi còn muốn tăng thêm một tí nữa cho người đời sau è cổ gánh vác ư? Tội lỗi ấy lớn lắm. Chẳng thể tăng thêm nữa, đã nhiều quá rồi! Nếu chúng ta thật sự có chút gì vượt trỗi cổ nhân, cổ nhân chưa từng nói tới, thì có thể lưu lại một chút. Nếu những điều chúng ta nghĩ hay nói mà cổ nhân đã từng nói rồi, cần gì phải vẽ rắn thêm chân?” Chẳng có ý nghĩa gì cả!

  Nhiều thêm một chuyện chẳng bằng giảm bớt một chuyện; nhiều thêm một cuốn sách chẳng bằng bớt đi một cuốn sách, khiến cho đầu óc của chúng ta mới có thể nghỉ ngơi, mới được thanh tịnh, mới được mở mang trí huệ. Do vậy, cổ nhân dạy người ta đọc sách, chỉ dạy quý vị đọc một thứ, chẳng thể dạy quý vị đọc mười thứ hay tám thứ, chẳng nên! Đọc một thứ sẽ mở mang trí huệ. Trong cuốn Duy Thức Tân Tải Hiệt Vựng, cư sĩ Đường Đại Viên đã nhắc tới đạo lý này. Vào đầu thời Dân Quốc, ông ta phê bình những khuyết điểm trong nền giáo dục hiện đại là ở chỗ nào, ông ta đã chỉ ra: Giáo học của Trung Quốc từ xưa đến nay, mà Phật pháp cũng vậy, nhằm mục đích dạy người ta mở mang Căn Bản Trí, dạy quý vị mở mang trí huệ. Mục tiêu giáo dục ngày nay là chỉ sợ quý vị tạp niệm và vọng tưởng chưa nhiều, nghĩ đủ mọi phương pháp tăng trưởng tà tri, tà kiến, tăng trưởng loạn tưởng cho quý vị, mục đích là như vậy đó. Mọi người lắm tri kiến, làm sao thế gian chẳng rối loạn? Thế gian loạn lạc là do đâu? Từ tri kiến rối loạn mà ra. Cách nhìn, cách nghĩ của mỗi người khác nhau, họ phải cãi cọ, cuối cùng là chiến tranh, đến cuối cùng sẽ hủy diệt thế giới, mọi người cùng chết sạch hết. Quý vị nói xem: Những người ấy rất thông minh, thông minh đến cực điểm, cuối cùng chết sạch hết, quá ngốc nghếch! Người thông minh chẳng làm chuyện ngu xuẩn ấy. Do vậy, tâm phải thanh tịnh, quý vị thấy thiên thứ nhất trong sách Sớ Sao hoàn toàn giảng về tâm thanh tịnh.

  Ngoài Đại Tam Tai ra, kinh còn nói tới Tiểu Tam Tai. Tiểu Tam Tai tuy không nghiêm trọng như thế, chẳng đến nỗi hủy diệt Thái Dương Hệ. Khoa học gia hiện thời có khả năng hủy diệt địa cầu, nhưng chưa có khả năng hủy diệt Thái Dương Hệ, họ còn chưa đạt tới bản lãnh ấy. Nói cách khác, những tai nạn này là Tiểu Tam Tai. Trong quá khứ, tôi đọc kinh, nghĩ không ra Tiểu Tam Tai là như thế nào, vì đức Phật nói có ba loại tai nạn:

– Thứ nhất là Đao Binh Kiếp, đao binh là chiến tranh. Thời gian bao lâu? Bảy ngày. Chiến tranh bảy ngày là loại thứ nhất trong Tiểu Tam Tai.

– Loại thứ hai là ôn dịch, thời gian ôn dịch bao lâu? Bảy tháng lẻ bảy ngày.

– Loại thứ ba là đói kém, tức là chết đói, thời gian bao lâu? Bảy năm bảy tháng lẻ bảy ngày.

Kinh Phật dạy như vậy. Khi ấy, tôi đọc cách nào cũng chẳng hiểu được! Chiến tranh bảy ngày thì tính là tai nạn gì đây? Xưa kia, chiến tranh giữa Trung Hoa và Nhật Bản kéo dài cả tám năm, dài hơn bảy ngày nhiều lắm. Tám năm mà còn chưa được coi là tai nạn lớn lao gì, vì sao bảy ngày được coi là Tiểu Tam Tai? Mười năm trước, tôi sang thăm Nhật Bản, đến thăm Quảng Đảo (Hiroshima) và Trường Kỳ (Nagasaki), tôi lập tức giác ngộ. Đối với Tiểu Tam Tai đã được nói trong kinh Phật, tôi liền lập tức hiểu ngay Tiểu Tam Tai như trong kinh Phật đã nói, đấy chính là chiến tranh hạch nhân (nuclear war, chiến tranh nguyên tử). Nó vẫn chưa phải là bảy ngày, chỉ là một trái bom nguyên tử. Những kẻ bị nhiễm phóng xạ nguyên tử sau một năm mà không có vấn đề gì thì mới có thể sống sót. Những người bị tổn thương do trúng bụi bức xạ của bom nguyên tử tuy người không chết, nhưng suốt đời tàn phế rất nhiều. Ôn dịch là gì? Chính là bụi nguyên tử, những thứ phiền phức này!

  Những nơi bị trúng bom nguyên tử, sau tám năm đất mới mọc cỏ, mới có cây cối. Há chẳng phải là như kinh nói “bảy năm bảy tháng lẻ bảy ngày”, cây cỏ chẳng mọc, làm sao con người chẳng đói? Đương nhiên bị đói khát. Ngày nào đó, chiến tranh thế giới thứ ba nổ ra, khi ấy chính là Tiểu Tam Tai như trong kinh Phật đã nói.

Đừng nói chi nhiều, trên địa cầu nếu trong vòng một tuần, hai ba trăm quả bom nguyên tử nổ thì xong luôn, bụi nguyên tử tràn ngập hư không, rớt xuống chỗ nào, nơi ấy chết sạch! Không nhất định phải là chỗ bị thả bom nguyên tử, bụi nguyên tử trên hư không bị gió cuốn đi, cuốn đến chỗ nào, người nơi ấy khốn khổ. Chỗ bị ném bom, trong tám năm cây cỏ không mọc được.

Do vậy, kinh Phật nói tới Tiểu Tam Tai chính là nói tới chiến tranh nguyên tử, hết sức đáng sợ! Người Nhật Bản biết sâu xa sự lợi hại của chiến tranh, nhưng họ chẳng giác ngộ, vẫn mê hoặc, điên đảo, những người học Phật chúng ta phải hiểu rõ chuyện này. Do vậy, tìm kiếm sự vĩnh hằng trong tướng thế gian, sẽ chẳng tìm được. Thứ vĩnh hằng chính là chân tánh.

  (Diễn) “Thôi chi vô thỉ, dẫn chi vô chung” giả, dĩ Chân Như tự thể, phi tiền tế sanh, phi hậu tế diệt, tất cánh thường hằng, bất đoạn, bất dị cố.

  (演) 推之無始,引之無終者,以真如自體,非前際生

,非後際滅,畢竟常恆,不斷不異故。

  (Diễn: “Truy ngược lại thì không có khởi đầu, kéo dài ra chẳng có kết thúc” là vì tự thể của Chân Như chẳng sanh trong lúc trước, chẳng diệt trong lúc sau, rốt ráo thường hằng, chẳng đoạn, chẳng khác).

  Nó là bất sanh bất diệt, chẳng đến, chẳng đi, chẳng nhơ, chẳng sạch. Mấy câu này nhằm bảo quý vị: Tâm tánh hoàn toàn vượt khỏi tương đối, vượt khỏi tương đối mà cũng chẳng phải là tuyệt đối. Mầu nhiệm là mầu nhiệm ở chỗ này!

  (Diễn) Vô hằng bất hằng giả, hằng ngoại hữu bất hằng, thử hằng diệc phi hằng. Hằng, bất hằng nhị biên câu khiển, nãi chân hằng dã.

  (演) 無恆不恆者,恆外有不恆,此恆亦非恆,恆不恆

二邊俱遣,乃真恆也。

  (Diễn: “Chẳng có hằng và bất hằng”: Ở ngoài hằng mà có bất hằng thì hằng ấy cũng chẳng phải là hằng. Cả hai bên “hằng” và “bất hằng” đều chẳng còn thì mới là chân hằng).

  “Hằng ngoại hữu bất hằng” (Ở ngoài hằng có bất hằng) là tương đối. Hai bên đều phải tách lìa, chẳng rớt vào hai bên, đấy là pháp chân thật, đấy mới là vĩnh hằng thật sự. Chúng ta phải rất chú tâm thấu hiểu đạo lý này, phải đọc tụng kinh văn nhiều lượt, thấu hiểu cặn kẽ đạo lý trong ấy. Lại quán sát cảnh giới hiện tiền, cảnh giới hiện tiền là sự tướng, Sự chẳng lìa Lý, Lý chẳng rời Sự, Lý – Sự chẳng hai thì quý vị mới thật sự có chỗ khế nhập.

  (Sớ) “Phi trược” giả, vân hữu, tắc bất thọ nhất trần. “Phi thanh” giả, vân vô, tắc bất xả nhất pháp.

  (Diễn) “Vân hữu, bất thọ nhất trần” giả. Trược giả, hữu dã.

  (疏) 非濁者 ,云有則不受一塵 。非清者,云無則不

捨一法。

(演) 云有,不受一塵者。濁者,有也。

(Sớ: “Chẳng đục”: Nếu nói là Có thì chẳng nhận mảy trần. “Chẳng trong”: Nếu nói là Không thì chẳng bỏ một pháp.

Diễn: “Nói là Có, chẳng nhận mảy trần”, Trược là Có).

 “Trong, đục” có nghĩa là Có và Không.

(Diễn) Cụ túc chư pháp, phương vị chi hữu. Kim tự tánh ly nhất thiết pháp sai biệt chi tướng, sở vị phi hữu tướng, phi vô tướng, phi song diệc tướng, phi song phi tướng, phi nhất tướng, phi dị tướng, phi phi nhất phi dị tướng, phi nhất dị câu tướng, thị bất lập nhất trần phi hữu dã, hà trược chi hữu.

(演) 具足諸法,方謂之有。今自性離一切法差別之相

,所謂非有相,非無相,非雙亦相,非雙非相,非一相,非異相,非非一非異相,非一異俱相,是不立一塵非有也

,何濁之有。

(Diễn: Đầy đủ các pháp thì mới gọi là Có. Nay tự tánh lìa tướng sai biệt của hết thảy pháp, tức là: Chẳng phải là tướng Có, chẳng phải là tướng Không, chẳng phải là tướng cũng Có cũng Không, chẳng phải là tướng chẳng phải Có chẳng phải Không, chẳng phải là một tướng, chẳng phải là khác tướng, chẳng phải là tướng “chẳng phải một, chẳng phải khác”, chẳng phải là tướng “vừa một vừa khác”, do chẳng lập một trần nên chẳng có, còn có gì để nhơ đục nữa ư?)

Mấy câu này hoàn toàn giống với những câu đã dùng trong kinh Bát Nhã, trực tiếp dạy quý vị hãy trừ sạch những vọng niệm cực vi tế. Phải nhớ: Chân Như bổn tánh là chân tâm của quý vị! Chân tâm của quý vị sạch sẽ, vốn sẵn thanh tịnh, “chẳng nhận mảy trần”. Nó vốn chẳng nhận nên chẳng nhiễm. “Trược” (濁) là gì? Trược là trong tâm có [những thứ gì đó]. Hễ tâm có, nó sẽ trược. Nay chúng ta chẳng những trong tâm đã có, lại chỉ sợ có chẳng đủ nhiều, vậy là không còn cách nào hết!

Cổ đức từng nói: “Vị học nhật ích” (Vì học mà ngày càng tăng trưởng), đó là pháp thế gian. Thế gian phải mong học hỏi, rất sợ chính mình hiểu biết chẳng đủ, pháp thế gian mà! Pháp thế gian là trược pháp, ngũ trược ác thế, trược pháp đấy! Chỉ sợ trược ác chẳng nhiều, phải gắng học thêm. “Vị đạo nhật tổn” (vì đạo mà ngày càng giảm bớt): Học đạo thì đạo là tâm thanh tịnh, trong tâm thanh tịnh chẳng có bất cứ thứ gì, mỗi ngày bỏ đi, giảm bớt những thứ tạp nhạp, đấy là “học đạo”. Người học đạo sợ có nhiều tri kiến. Hễ phân biệt, chấp trước, vọng tưởng nhiều sẽ chẳng thấy được đạo. Nếu bỏ sạch phân biệt, chấp trước, vọng tưởng thì đạo tâm hiện tiền.

Do vậy, vì đạo thì thanh cao (con người thanh cao), vì học thì ô trược. Đức Phật nói thế gian của chúng ta gọi là “ngũ trược ác thế”, lời nói ấy rất có lý. Tiếp theo, đối với nhiều điều đã nói như thế, có thể quy nạp lại thành chỉ còn một câu “lưỡng biên bất lập, trung đạo bất tồn” (hai bên chẳng lập, trung đạo chẳng tồn tại). Tách rời hai bên, trung đạo cũng chẳng có. Khi ấy, tâm thanh tịnh hiện tiền, trược còn đâu nữa?

 

(Diễn) Vân vô, bất xả nhất pháp giả, thanh giả, vô dã.

(演) 云無,不捨一法者,清者,無也。

(Diễn: “Nói là không, chẳng bỏ một pháp”: Thanh là không)

   “Thanh” (清) có nghĩa là gì? Khi trong tâm quý vị chẳng nhiễm mảy trần, lúc ấy, bất đắc dĩ, phải đặt cho nó cái tên là “thanh” (trong).

  (Diễn) Bất lập nhất trần, phương vị chi vô.

  (演) 不立一塵,方謂之無。

  (Diễn: Chẳng lập mảy trần mới gọi là “không”).

  Chữ “trần”  (塵) ở đây tượng trưng cho những gì rất ít,  tức là một

vi trần, một vi trần cũng chẳng thể kiến lập. Nếu quý vị lập ra một trần, sẽ gọi là “trên đầu chồng thêm đầu”, kinh Lăng Nghiêm gọi đó là “tri kiến lập tri” (từ nơi tri kiến đặt ra một cái thấy biết nữa). Tri kiến là gì? “Thanh” là tri kiến, trên đó đặt thêm một “trần”, tức là trên tri kiến lại chồng thêm một cái biết, thì cái biết ấy là gì? Cái biết ấy là vô minh, là căn nguyên của Ngũ Trược. Chẳng thể kiến lập, chẳng lập một trần, đó gọi là Chân Vô, Chân Không.

  (Diễn) Kim tự tánh mãn túc nhất thiết công đức, sở vị: Hữu đại trí huệ quang minh nghĩa cố, biến chiếu pháp giới nghĩa cố, chân thật thức tri nghĩa cố, thường lạc ngã tịnh nghĩa cố, nãi chí mãn túc vô hữu sở thiểu nghĩa cố, danh vi Như Lai Tạng, thị bất xả nhất pháp phi vô dã, hà thanh chi hữu?

  (演) 今自性滿足一切功德,所謂有大智慧光明義故,

遍照法界義故,真實識知義故,常樂我淨義故,乃至滿足無有所少義故,名為如來藏,是不捨一法非無也,何清之有。

  (Diễn: Nay tự tánh trọn đủ hết thảy công đức, nghĩa là: Có ý nghĩa đại trí huệ quang minh, có ý nghĩa chiếu trọn khắp pháp giới, có ý nghĩa chân thật nhận biết, có ý nghĩa thường – lạc – ngã – tịnh, cho đến trọn đủ chẳng sót nghĩa nào, nên gọi là Như Lai Tạng, là chẳng bỏ một pháp, chẳng phải là không, đâu còn có thanh!)   

  Một đằng có, một đằng không, một đằng thanh, một đằng trược. Có, không, thanh, trược đều chẳng có. Khi ấy gọi là “chân thanh”, tức là trong trẻo thật sự. Phần trên đã nói “chẳng nhận mảy trần”, là nói theo tự thể, “trược còn đâu nữa” là nói theo Thể. Ở chỗ này nói: “Vân vô, bất xả nhất pháp giả” (Nói là không, chẳng bỏ một pháp), là nói theo tác dụng. Tác dụng của nó là có thể hiện ra y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. Do vậy, chẳng thể nói nó là không. Tuy hiện ra y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, quý vị phải hiểu “đương thể giai không, thật vô hữu nhất pháp khả đắc” (bản thể của chúng đều là không, thật sự chẳng có một pháp nào để có thể được). Do vậy, nó lại là “phi hữu” (chẳng phải có). Phi hữu là phi vô, phi vô là phi hữu, hữu và vô có cùng một ý nghĩa, chứ không phải là hai ý nghĩa. Nay chúng ta không có cách nào lý giải được, bèn chấp chặt rằng hễ Có thì chẳng phải là Không, hễ Không thì chẳng phải là Có. Cho rằng Có và Không là hai ý nghĩa, chứ không phải một. Do vậy, chẳng thể vào được cửa. Khi nào hiểu được chúng vốn là cùng một ý nghĩa thì sẽ nhập môn. Quý vị thấy hễ nói tới hai bên, nói nó là Không, sẽ bèn có đạo lý của một cái Không; nói nó là Có, thì sẽ có đạo lý của một cái Có. Nói Không là nói theo bản thể, nói theo thể tánh. Nói Có là hoàn toàn dựa theo tác dụng để nói.

  “Tự tánh mãn túc nhất thiết công đức” (Tự tánh đầy đủ hết thảy công đức): “Mãn” là viên mãn, “mãn túc” có nghĩa là không thiếu khuyết gì. “Công” là công năng, “đức” là tác dụng, đức dụng. Nó có công năng, có tác dụng, công năng lẫn tác dụng đều viên mãn, chẳng thiếu khuyết mảy may nào. Đây là nói tổng quát. Tiếp theo là nói riêng biệt, nêu lên mấy trường hợp để giảng. Nó có “trí huệ quang minh”, trí quang chiếu trọn khắp, trong phần trước đã nói là “huy thiên địa, thấu kim thạch” (sáng ngời trời đất, xuyên thấu vàng đá). Đấy là trí huệ viên mãn của chính mình, chẳng phải do bên ngoài mà có. Trí huệ ấy ai nấy đều có, vì sao? Vì quý vị có tự tánh. Hiện thời, vì sao quý vị chẳng có trí huệ? Vì quý vị chẳng tin chính mình có tự tánh. “Tôi chẳng tin tôi có tự tánh, chẳng tin tôi có Phật tánh”, xong luôn! Quý vị tuy có, vẫn chẳng thể hiện hữu.

Ví như trong túi quý vị đựng rất nhiều tiền, vào tiệm ăn, bụng đói meo muốn ăn một bữa mà [cứ tưởng mình] không có tiền, đáng thương quá! Trong túi có tiền, [cứ cho rằng mình] “không có!”, đựng tiền đầy ắp, “không có, chẳng tin mình trong túi mình có tiền”, còn có cách nào nữa đây? Vậy là quý vị vẫn đói lả, vẫn phải xin ăn. Cổ nhân ví von “y lý minh châu” (hạt châu trong chéo áo), chính mình quên phứt! Phàm phu chúng ta quên phứt tự tánh, cho nên mê, mê gì vậy? Mê tự tánh. Tánh đã mê, đương nhiên Tướng cũng mê! Một thứ mê, hết thảy đều mê. Một ngộ, hết thảy đều ngộ. Nếu giác ngộ được Tánh, Tướng quyết định chẳng mê. Vì sao? Tánh và Tướng là một Thể, chẳng phải là hai Thể, một ngộ, hết thảy ngộ!

   “Biến chiếu pháp giới nghĩa, chân thật thức tri nghĩa” (Ý nghĩa chiếu khắp pháp giới, ý nghĩa nhận biết chân thật), Chân là chẳng vọng, Thật là chẳng dối, chẳng giả, “thức tri” là biết rõ hết thảy các pháp, không có gì chẳng rõ ràng. “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh” là chân thường, Thường là vĩnh hằng, chân tâm là vĩnh hằng, có chân thường, chân lạc, có chân ngã, có chân tịnh. Trong Pháp Thân có “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”, bốn thứ tịnh đức. Trong Bát Nhã cũng có “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”, trong Giải Thoát cũng có “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”, chẳng phải giả. “Nãi chí mãn túc vô hữu sở thiểu nghĩa” (Cho đến đầy đủ chẳng thiếu sót ý nghĩa nào): Không có gì chẳng đầy đủ. Do vậy gọi là Như Lai Tạng, Tạng (藏) có nghĩa là chứa đựng. Như Lai được cất chứa trong ấy, chứa ở đâu? Chứa trong chân tánh của chính mình. Tuy chứa trong đó, nhưng vì nó không có hình tích, nó chẳng phải là ý niệm, cũng chẳng phải hình tướng, quả thật là chẳng lập một trần, nhưng lại đầy đủ hết thảy, mầu nhiệm chẳng thể diễn tả được! Do vậy, chẳng thể nói nó là Không, mà cũng chẳng thể nói nó là Có. Hai bên Có và Không đều nói chẳng được, hai đằng Thanh và Trược cũng chẳng nói được. Đấy là nói về “phi trược, phi thanh”, hai bên Thanh và Trược đều chẳng nói được. Tiếp theo, lời Sớ giảng về câu “vô bối, vô hướng”.

   (Sớ) “Vô bối” giả, túng chi tắc vô sở tùng khứ. “Vô hướng” giả, nghênh chi tắc vô sở tùng lai. Ngôn tức thử linh minh trạm tịch giả, bất khả dĩ thanh trược hướng bối cầu dã. Cử thanh trược hướng bối, ý cai thiện, ác, thánh, phàm, hữu, vô, sanh, diệt, tăng, giảm, nhất, dị đẳng.

  (疏) 無背者,縱之則無所從去。無向者,迎之則無所

從來。言即此靈明湛寂者,不可以清濁向背求也。舉清濁向背,意該善惡聖凡有無生滅增減一異等。

  (Sớ: “Không trái nghịch” là buông ra thì chẳng có gì để đi tới. “Không hướng về” là đón nhận nó thì chẳng có gì để theo đến. Ý nói cái “linh minh trạm tịch” này chẳng thể dùng thanh, trược, hướng về hay trái nghịch để cầu được. Nêu ra thanh, trược, hướng về, trái nghịch nhằm bao hàm các ý nghĩa như thiện, ác, thánh, phàm, có, không, sanh, diệt, tăng, giảm, một, khác v.v…)

  Mấy câu này hết sức quan trọng, có mức độ ý nghĩa khá sâu. Có thể nói là rất sâu, câu nào cũng đều miêu tả Chân Như bổn tánh. Chúng ta đọc rồi dẫu chưa thể minh tâm kiến tánh, nhưng đối với tâm tánh nói chung cũng biết được chút ít tin tức, có một tí mường tượng, sau đấy mới có thể tăng trưởng tín tâm.

  (Diễn) Xả thử nhi hữu sở khứ, phương khả vị chi bối.

  (演) 捨此而有所去,方可謂之背。

  (Diễn: Bỏ điều này rồi sẽ có cái để đạt đến thì mới có thể gọi là “trái nghịch”).

  Kinh Kim Cang giải thích chữ Như Lai có hai ý nghĩa: Một ý nghĩa là “Như Lai giả, chư pháp Như nghĩa” (Như Lai là các pháp có ý nghĩa Như), đức Phật nói như vậy. Ý nghĩa khác là “vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai” (chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai). Hai ý nghĩa này thật ra vẫn là một. Ở đây, [ý nghĩa này] được diễn tả bằng từ ngữ “vô bối, vô hướng”, Bối là đi, Hướng là đến. Kinh Kim Cang hễ nói Như Lai thì là nói về Chân Như bổn tánh. Trong kinh có lúc nói Phật, có lúc nói Như Lai. Hễ nói tới Như Lai là nói về Tánh. Hễ nói Phật là nói về Tướng. Do vậy, cách sử dụng danh từ trong kinh bao hàm ý nghĩa rất sâu, quyết chẳng thể lẫn lộn được, chẳng phải là chỉ có một sự việc mà gọi bằng hai danh từ, hai cách nói ấy nhất định có hai ý nghĩa. Trước tiên, sách Diễn Nghĩa định nghĩa hai chữ Bối và Hướng; sau đấy, quý vị lắng lòng quán sát, trong bổn tánh không có những ý nghĩa này, không có những hiện tượng này.

  (Diễn) Kim tắc phỉ ly khuể bộ, dũng hiện bảo hoa, bất xuất hộ đình, vi nhiễu hàng thụ, tuy dục túng chi, tương khứ hà sở? Cố vô bối.

  (演) 今則匪離跬步,湧現寶花,不出戶庭,圍繞行樹

,雖欲縱之,將去何所?故無背。

  (Diễn: Nay chẳng rời một bước chân, hoa báu vọt hiện, chẳng ra khỏi sân, khỏi cửa, hàng cây bao quanh. Tuy muốn bỏ đi, chốn nào để về? Cho nên không trái nghịch).

  Câu này trước hết dùng tỷ dụ để nói. Tỷ dụ này chính là như kinh Lăng Nghiêm đã nói “đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận”[2], đó chính là ý nghĩa của hai câu này. Chẳng rời một bước, có nghĩa là chẳng đi. “Dũng hiện bảo hoa” là xuất sanh ở ngay nơi ấy. Chữ “hoa” chỉ các tướng biến hiện. “Bất xuất hộ đình”, Hộ (戶) là cánh cửa. Chúng ta mở cái cửa này, cửa có hai cánh thì gọi là Môn (門), một cánh thì gọi là Hộ. Đình (庭) là sân, [cửa và sân] đều là những thứ hết sức gần gũi. Chẳng rời khỏi cửa mà “vi nhiễu hàng thụ” (hàng cây bao quanh), tỷ dụ điều gì vậy? Tỷ dụ sâm la vạn tượng[3]. Quả thật chẳng rời khỏi sân và cửa, sâm la vạn tượng đã vây quanh. Những thứ ấy là gì? Đều là Tướng Phần của Chân Như bổn tánh. Có đi hay chăng? Không có ý nghĩa “đi”.

  “Tuy dục túng chi” (dẫu muốn bỏ đi), ta rất muốn tách rời nó, nhưng “tương khứ hà sở” (sẽ đi về đâu), có thể tách lìa được hay chăng? Chân Như bổn tánh giống như thái hư, chúng ta có trốn khỏi hư không được chăng? Thật ra, nó còn lớn hơn hư không. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật có nói một tỷ dụ, sánh ví hư không như một đám mây, Chân Như bổn tánh ví như hư không, rốt cuộc là mây lớn, hay hư không lớn? [Nếu so với chân tánh], hư không chẳng lớn. Càng nghĩ càng thấy tỷ dụ này đầy ý nghĩa, đức Phật quả thật là người rất thông minh, so sánh rất khéo. Làm sao mới có thể thấu hiểu ý nghĩa này? Chúng ta đem hư không so với Chân Như bổn tánh, nhìn vào đó, sẽ nhận biết được hư không thật sự. Ban đêm quý vị nằm mộng, trong mộng cũng có hư không thì cái hư không [trong mộng] của quý vị đem so với hư không [thật sự] giống như một đám mây. Quý vị cũng cảm thấy hư không [trong giấc mộng ấy] mênh mông không ngằn mé, nhưng thật ra nó chỉ là một đám mây. Suy xét cặn kẽ những điều trên đây, sẽ thấu hiểu được ý nghĩa trong kinh Phật.

Nay chúng ta cảm thấy hư không [trong thực tế] là vô lượng [nhưng đem so với Chân Như bổn tánh sẽ] giống như hư không trong giấc mộng [đem so với hư không thật sự], Chân Như bổn tánh của chúng ta giống như hư không trong hiện thực. Cái hư không do sáu căn của chúng ta cảm nhận, tiếp xúc, đúng là một áng mây mê trong Chân Như bổn tánh, đúng là như vậy đó, nhưng cái hư không ấy đã không có ngằn mé rồi! Do vậy, chẳng thể tách lìa [Chân Như bổn tánh] được! Tây Phương Cực Lạc thế giới tuy cách chúng ta mười vạn ức cõi Phật, vẫn ở trong tự tánh. Nói cách khác, vẫn y như cũ là “đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận”. Sanh và diệt đồng thời; do đồng thời nên chẳng tìm được sanh diệt, đấy là bất sanh bất diệt. Bất sanh bất diệt và sanh diệt lại có cùng một ý nghĩa, chỗ này rất khó hiểu. Chúng ta luôn chấp trước “sanh là chẳng diệt, diệt là chẳng sanh”. Vì sao sanh diệt là chẳng sanh diệt? Nói theo Tướng thì có sanh diệt, nói theo Lý thì chẳng có sanh diệt. Luận theo Tướng, sanh diệt đồng thời. Đã là đồng thời, hễ nói sanh thì đã diệt, nói diệt thì lại sanh rồi! Khi còn đang nói chưa xong thì nó đã biến  đổi  mất  rồi, đấy  đều  là tướng chân thật! Đó là ý nghĩa của từ ngữ

“vô bối”. Chúng ta lại xem ý nghĩa của từ ngữ “vô hướng”.

 

  (Diễn) Nghênh chi nhi hữu tự lai, phương khả vị chi “hướng”.

  (演) 迎之而有自來,方可謂之向。

  (Diễn: Khi đón tiếp mà có cái tự đến thì mới có thể nói là “hướng đến”).

 

  “Hướng” (向) có nghĩa là đến, có nghĩa là “chính là”. “Bối” (背) nghĩa là đi, có nghĩa là tách lìa. “Vô bối, vô hướng” là chẳng đến chẳng đi, chẳng phải chính là, chẳng phải tách lìa, mang ý nghĩa này.

 

  (Diễn) Kim tắc vô hành vô trụ.

  (演) 今則無行無住。

  (Diễn: Nay thì không đi, không ở).

  Tướng “hành” và “trụ” đều chẳng thể được.

  (Diễn) Như thị nhi lai, bất động, bất khởi. Như thị nhi lai, nhược dục nghênh chi, tùng hà sở nghênh? Cố vô hướng.

  (演) 如是而來。不動不起。如是而來。若欲迎之,從

何所迎?故無向

  (Diễn: Đến như thế ấy, chẳng động, chẳng khởi. Đến như thế ấy, muốn đón tiếp thì đón ở chỗ nào? Cho nên “vô hướng”).

  Hành, trụ, động, khởi: “Động” là động tâm, “khởi” là khởi niệm, “hành” là hành động, “trụ” là có nghĩa là không hành động, chấm dứt. Khởi tâm động niệm là Hành, chẳng khởi tâm động niệm là Trụ. Trụ có nghĩa là Định, Hành có nghĩa là Động. Vì trong ấy (Chân Như bổn tánh) đã không có động, tịnh, Hành, Trụ, vậy thì [động, tịnh, hành, trụ] từ đâu mà đến? “Tùng hà sở nghênh” (đón ở chỗ nào). Mấy câu này quả thật là như Tâm Kinh đã nói: “Bất cấu, bất tịnh, bất lai, bất khứ” đều nói hết ra, “cố vô hướng” (cho nên không hướng đến). Những câu nói này đều dùng phương pháp nói gián tiếp, tương cận, giống như cách vẽ “đùn mây gợi trăng”[4] trong hội họa, nhằm hé lộ đôi chút bóng dáng của Chân Như bổn tánh cho chúng ta thấy, khiến cho chúng ta thấu hiểu. Giống như chẳng thể vẽ vầng trăng được, bèn vẽ một vài đám mây, trong ấy lộ ra một vòng tròn rỗng, trắng, [nhằm biểu thị] mặt trăng. Dùng phương pháp này [để mô tả vầng trăng]. Chân Như bổn tánh cũng không thể miêu tả được, bèn nói những thứ vụn vặt nhằm bảo với quý vị bất cứ thứ gì cũng chẳng phải [là Chân Như bổn tánh], qua những điều này [người nghe] sẽ hiểu được đôi chút Chân Như bổn tánh là như thế nào.

Hình dạng, ý nghĩa như vậy chỉ có thể thấu hiểu, chứ chẳng thể nói kể được, “ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt”, dạy chúng ta thấu hiểu chân tánh, thấu hiểu chân tâm của chính mình. Chân tâm là Phật tánh của chính mình. Trong đây lại có một ý nghĩa sâu hơn nữa, tức là dạy quý vị phương hướng tu chứng. Chúng ta làm như thế nào để chứng đắc? Tiếp theo đó, sách viết: “Cử thanh, trược, hướng, bối” (Nêu lên trong, đục, hướng về, trái nghịch), nêu lên những trường hợp ấy là vì ý nghĩa nào? Trong ấy bao gồm những ý nghĩa “thiện, ác, thánh, phàm, có, không, sanh, diệt, tăng, giảm, một, khác”, bao gồm những thứ ấy. Những điều này nhằm chỉ cho chúng ta một phương hướng tu hành, những điều này hoàn toàn thuộc về tương đối. Có hay không có chuyện ấy? Có, nếu quý vị chấp vào các thứ sự tướng sẽ chẳng thấy được Tánh. Lìa những sự tướng ấy, Tánh bèn hiện tiền; nhưng ở chỗ này phải chú ý: Quý vị chấp “có lìa” thì “lìa” vẫn là chấp, có hiểu ý nghĩa này hay không? “Ta lìa hết thảy tướng” vẫn là chấp, chấp gì vậy? Chấp vào “lìa hết thảy tướng”, có thấy được Tánh hay không? Chẳng thể thấy được Tánh vì quý vị vẫn chấp vào Tướng. Ta chấp vào hết thảy tướng, đó là chấp tướng. Ta chẳng chấp hết thảy tướng thì “chẳng chấp hết thảy tướng” vẫn là chấp tướng, chấp vào cái “chẳng chấp hết thảy tướng”. Do vậy, vẫn chưa thấy được! Chấp và chẳng chấp đều lìa thì mới thấy được. Nếu quý vị ghi nhớ câu nói này, quý vị lại trật rồi, bảo đảm quý vị chẳng thể thấy được tánh, vì sao? Quý vị lại chấp vào “chấp và chẳng chấp, hết thảy đều lìa”. Quý vị lại chấp vào những điều này, bất luận như thế nào quý vị đều chấp. Đến cuối cùng nói như thế nào đây? Đem miệng treo lên vách tường, không nói nữa! Ngôn ngữ dứt bặt, tâm hạnh xứ diệt, sẽ thấy được tánh. Một câu cũng chẳng nói, trong tâm chẳng có một ý niệm nào, đó gọi là “thật sự chẳng chấp trước”, như vậy mới là đúng.

  Do vậy, quý vị thấy trong Thiền Tông, thầy dạy học trò, thầy hỏi vài câu, bảo học trò đáp. Trò vừa mới mở miệng, thầy liền chặn họng, giộng cho ba mươi cây hương bản. Trật rồi, vì sao? Kẻ ấy khởi tâm động niệm, toan nói năng; toan nói năng là chấp tướng. Chẳng mở miệng thì sao? Cũng bị đập ba mươi cây, cũng là chấp vào tướng. Hóa ra, nói thì cũng bị đập ba mươi cây, ngậm miệng cũng bị đánh ba mươi cây, giống như thầy chẳng đếm xỉa lý lẽ, thật ra, thầy thật sự có lý. Vì sao? Quý vị nói thì cũng chấp tướng, không nói cũng vẫn chấp tướng. Chấp tướng đáng bị đòn, phải đập cho tan sự chấp trước ấy, có ý nghĩa như vậy đó! Do vậy, người thông minh vừa bị đập liền khai ngộ, đại triệt đại ngộ, vì sao? Phá sạch vọng tưởng, chấp trước. Đây là phương pháp dạy học gọi là “bổng hát” (dùng gậy đập, quát nạt). Đây là một phương pháp, phương tiện dạy học, thầy cao minh lắm! Thiện tri thức thật sự! Nếu chẳng phải là chân thiện tri thức cao minh mà cũng học đòi sử dụng phương pháp này, hễ gặp ai đều đánh, có đánh đến chết, người ta cũng chẳng khai ngộ, sai mất rồi! Do vậy, phương pháp này chẳng thể áp dụng cho hết thảy căn tánh, chẳng thể thích hợp với hết thảy mọi người. Người sử dụng phải có trí huệ, phải biết dùng, người tiếp nhận cũng phải có trí huệ, cũng có thể tiếp nhận. Thầy trò hợp đạo thì mới có thể thành tựu. Về sau, có những thiền sư cũng học đòi cổ đại đức, cầm gậy đập người, cũng chẳng thấy đập cho một ai khai ngộ, vậy là sao? Không biết dùng! Người dùng không có tư cách, không đạt đến trình độ, người học cũng không có trình độ ấy. Nói cách khác, chẳng nên đánh. Nên đánh thì phải có điều kiện để nên đánh, nên chửi thì cũng phải có điều kiện đáng chửi, có những người chẳng đáng mắng đâu!

  Nhạc phụ (bố vợ) của lão cư sĩ Châu Kính Vũ là tiên sinh Chương Thái Viêm. Cụ Chương là một bậc đại sư về Quốc Học[5] của Trung Quốc vào đầu thời Dân Quốc, cụ từng bị Viên Thế Khải giam trong ngục hơn một tháng. Vì sao Viên Thế Khải giam cụ Chương? Muốn cụ chửi hắn một câu, nhưng cụ không chửi Viên Thế Khải, hắn chẳng đáng chửi mà! Viên Thế Khải tức gần chết, giam cụ trong ngục hơn một tháng, cụ vẫn chẳng chửi hắn, không có cách nào hết! Chửi vẫn phải có tư cách, nói cách khác, chẳng đáng cho ta chửi, không có cách nào hết! Chẳng đáng bị chửi, chẳng đáng để đánh, xong rồi! Đấy chính là như Nho Gia đã nói: “Nhụ tử bất khả giáo dã” (Trẻ ranh chẳng thể dạy được). Bởi lẽ, đánh chửi là phương pháp dạy học. Chẳng chịu đánh, chẳng chịu chửi vì kẻ ấy chẳng thể dạy. Chẳng thể dạy thì xong rồi, bỏ đi, bỏ mặc hắn. Vì nguyên nhân này, Viên Thế Khải giam cụ Chương hơn một tháng. Do vậy, phương thức “bổng hát” của nhà Thiền chẳng phổ biến đối với hết thảy mọi người. Những người có tư cách được tổ sư cầm gậy đánh đều gần như là nếu không đại ngộ thì nói chung sẽ có chút tiểu ngộ. Kẻ mê hoặc điên đảo chẳng đủ tư cách, tổ sư cũng chẳng thể mắng hoặc đánh kẻ ấy. Có chút tiểu ngộ, có một tí đại ngộ thì mới được nhận “bổng hát”, mới có tư cách. Ở chỗ này, lời Sớ Sao đã hé lộ phương pháp tu học, nói chung là phải rời lìa.

  (Diễn) Ý cai thiện ác phàm thánh đẳng giả.

  (演) 意該善惡凡聖等者。

  (Diễn: Bao gồm những ý nghĩa: thiện, ác, phàm, thánh v.v… là…)

   Chữ “đẳng” chỉ những ý tiếp theo đó như “có, không, sanh, diệt, tăng, giảm, một, khác”.

  (Diễn) Mạnh tử đạo “tánh thiện”, Thiên Thai thuyết “tánh ác”, nhất tắc tựu Sự tạo biên thuyết, nhất tắc tựu Lý cụ biên thuyết.

  (演) 孟子道性善,天台說性惡,一則就事造邊說,一

則就理具邊說。

  (Diễn: Mạnh Tử nói “tánh thiện”, ngài Thiên Thai nói “tánh ác” thì một đằng dựa trên phương diện “Sự tạo tác” để nói, một đằng dựa trên phương diện “Lý đầy đủ” để nói).

  Mạnh Tử là thánh nhân thế gian, “nhân chi sơ, tánh bổn thiện” (con người thuở đầu tánh vốn lành), Mạnh Tử nói như vậy. Thiên Thai là Trí Giả đại sư, Ngài nói tới “tánh ác”. Nói thật ra, lời Trí Giả đại sư dạy chẳng kém lời Mạnh Tử, hai vị đều nói đúng, chẳng mâu thuẫn. Chúng ta thấy hai cách nói này trái nghịch nhau một trăm tám mươi độ, thật ra, cả hai vị đều nói về cùng một chuyện. Vị này nói theo phương diện “Sự tạo tác”. Vị kia nói theo phương diện “Lý đầy đủ”. Vị nào nói theo phương diện “Sự tạo tác”? Thiên Thai đại sư nói tới Ác là nói theo phương diện “Sự tạo tác”. Mạnh Tử nói theo phương diện Lý, “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, “nhân giai hữu trắc ẩn chi tâm” (ai cũng đều có lòng trắc ẩn), cho thấy tánh con người vốn lành. Nếu đổi ngược lại để nói thì sao? Mạnh Tử nói “tánh thiện” là nói theo phương diện “Sự tạo tác”, ngài Thiên Thai nói “tánh ác” là nói theo phương diện “Lý đầy đủ”, nói như vậy có hợp lý hay không? Cũng hợp lý, chẳng thể bảo là không hợp lý.

Nói theo về phương diện  “Sự tạo tác” thì Ngũ Luân,  Thập Nghĩa,

Tứ Duy, Bát Đức[6], những điều lành thế gian, Ngũ Giới, Thập Thiện, tỳ-kheo, Bồ Tát, Cụ Túc Giới là Thiện. Nếu nói theo Lý để luận định tánh ác, thì Phật, Bồ Tát nếu chẳng phải là tánh ác thì làm sao có thể vào trong ác đạo độ chúng sanh? Vào trong ác đạo cũng phải có điều kiện của ác đạo. Ví như tôi muốn vào trong tù để độ chúng sanh, thì nhất định tôi phải phạm tội, làm chuyện xấu gì đó, để tôi bị tống giam, vào trong ngục sẽ đại chuyển pháp luân độ chúng sanh. Nếu không, quý vị không có điều kiện để đến đó. Nói chung là cố ý phạm một chút tội, để bị bắt giam vào ngục thì mới có thể ở cùng một chỗ với tội nhân để hằng ngày giảng kinh thuyết pháp cho họ.

   Do vậy, quý vị phải hiểu: Phiền não chính là Bồ Đề. Bồ Tát muốn vào ác đạo độ chúng sanh thì từ trong cái tâm thanh tịnh lại phải lôi ra phiền não từ khi còn là phàm phu trong vô lượng kiếp trước, lôi ra để làm gì? Lôi ra để vào trong ba ác đạo giáo hóa chúng sanh, để có tư cách vào trong ba ác đạo.

Nếu vị ấy hóa duyên (duyên hóa độ) viên mãn, ngay lập tức sẽ biến ác nghiệp thành Bồ Đề, vượt thoát tam ác đạo, đó gọi là “thừa nguyện tái lai” (nương theo nguyện để trở lại). Phiền não ấy biến thành Bồ Đề, Bồ Đề biến thành phiền não, tùy lòng mong muốn mà chuyển biến, tự tại! Chẳng giống như phàm phu muốn biến mà biến chẳng được, không có cách nào hết, lại biến thành định nghiệp. Bồ Tát không có định nghiệp, mà là nguyện lực, tự tại biến hiện.

Do vậy, quý vị thấy cách nói này, nói như thế nào cũng đều suông, nói như thế nào cũng viên dung, không có câu nào chết cứng. Câu nào cũng đều hoạt bát sống động. Nay đã hết giờ rồi!

 


[1] Nguyên văn “thương hải, tang điền” là một thành ngữ chỉ sự biến đổi cực lớn. Điển tích này xuất phát từ truyện Vương Viễn trong bộ Thần Tiên Truyện do Cát Hồng viết vào đời Tấn. Trong truyện ấy, tiên nữ Ma Cô nói tiên nhân Vương Viễn: “Ta đã từng thấy biển Đông ba lượt biến thành ruộng dâu”.

[2] Câu này có thể hiểu thô thiển là “từ ngay nơi đây sanh ra, cũng sẽ diệt ở chính nơi đây”. Hiểu sâu xa hơn thì như đại sư Ngẫu Ích đã giảng: “Nói theo thể tánh thì gọi là Đương Xứ, chữ Xứ chỉ một niệm tâm tánh vốn sẵn thanh tịnh của chúng ta, trọn khắp pháp giới, nhưng một niệm tâm tánh bị nghiệp lực huân tập, khi nhân duyên đầy đủ sẽ hiện rất nhiều tướng, rất nhiều quả báo. Khi những cái nhân ấy kết thúc thì quả báo cũng chẳng còn nữa” (dẫn theo lời giảng của pháp sư Tịnh Giới trong sách Lăng Nghiêm Tinh Hoa).

[3] “Sâm la vạn tượng” là thuật ngữ chỉ mọi hiện tượng, mọi vật chất trong vũ trụ.

[4] Nguyên văn “hồng vân thác nguyệt” là một cách vẽ trăng truyền thống trong hội họa Trung Hoa (Quốc Họa). Để diễn tả vầng trăng, người ta vẽ một vòng tròn giữa các đám mây. Về sau, từ ngữ này cũng được dùng để chỉ những cách nói gián tiếp, tỷ dụ nhằm gợi ý cho người nghe hình dung được sự vật muốn diễn tả.

[5] Quốc Học: Ngành học nghiên cứu về văn hóa và tư tưởng của cổ Trung Quốc bao gồm các lãnh vực triết học, tư tưởng, văn chương, thơ ca, hội họa, thư pháp, lễ nhạc, nghi tiết v.v…

[6] Ngũ Luân: Năm mối quan hệ căn bản giữa con người, tức là vua tôi, cha con, anh em, chồng vợ, bè bạn.

Thập Nghĩa: Mười nguyên tắc luân lý trong quan hệ giữa người với người, tức là cha từ, con hiếu, anh đối xử tốt với em, em kính trọng anh, chồng đối xử tình nghĩa với vợ, vợ biết nghe lời chồng, người lớn phải rộng rãi, kẻ nhỏ tuổi phải biết hiếu thuận, vua nhân từ, bầy tôi trung tín.

Tứ Duy: Bốn chuẩn mực đạo đức trọng yếu của con người, là Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ.

Bát Đức: Tám phẩm đức con người cần phải có, tức là Hiếu, Đễ (hòa thuận với anh em), Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ.

Nói chung, đây là những chuẩn mực đạo đức được mở rộng hay thu gọn từ khái niệm Ngũ Thường trong Nho Gia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *