#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 191
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm chín mươi mốt:
(Diễn) Hựu phi thọ giả, phi ứng đồng liên trì chi thọ. Phi bất thọ giả, phi báo trí bất liên trì thọ. Song phi nhị biên, minh trung pháp thể. Hựu thử thọ phi trường lượng, diệc phi đoản lượng, vô diên, vô xúc, vân “phi thọ, phi bất thọ” dã.
(演)又非壽者,非應同連持之壽;非不壽者,非報智不連持壽。雙非二邊,冥中法體。又此壽非長量,亦非短量,無延無促,云非壽非不壽也。
(Diễn: Lại nữa, “chẳng phải thọ” là chẳng giống với thọ mạng do tướng duy trì liên tục. “Chẳng phải là không thọ” vì chẳng phải là thọ mạng của Báo Thân Trí Huệ chẳng có tướng duy trì liên tục. Đều chẳng thuộc vào hai loại ấy, ngầm khế hợp pháp thể. Thọ mạng ấy lại chẳng phải là số lượng dài, chẳng phải là số lượng ngắn, không kéo dài, chẳng rút ngắn, nên nói là “chẳng phải là thọ, chẳng phải là không thọ”).
Đoạn này nói về Pháp Thân. Pháp Thân chẳng có khởi đầu, chẳng có kết thúc, nên chẳng thể nói tới thọ và “chẳng thọ” được! Chúng ta nói “thọ” thì nói chung là nó có số lượng. Nếu đã là vượt ngoài số lượng, sẽ chẳng thể hạn cuộc trong ngôn từ hay suy lường! Đó là nói theo Pháp Thân, chứ nói theo Ứng Thân và Báo Thân vừa được nhắc đến trong phần trước thì mới có cách nói như vậy[1]. Nếu rời khỏi Báo Thân và Ứng Hóa Thân, sẽ như nhà Thiền thường nói: “Ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt”.
“Phi thọ giả, phi ứng đồng liên trì chi thọ” (“Chẳng phải thọ” là chẳng ứng với thọ mạng do tướng tiếp nối): Ứng Hóa Thân dùng tướng liên tục để làm thọ mạng, Phật là như thế, chúng ta cũng chẳng ra ngoài lệ ấy! Nói thật ra, thân thể chúng ta sanh diệt trong từng sát-na, hiện tượng ấy là tướng tiếp nối trong từng sát-na. Nếu thật sự khế nhập Thật Tướng, sẽ hiểu cái thân hiện tại của chúng ta cũng là bất sanh, bất diệt. Vốn là chẳng sanh, lấy đâu ra diệt? Đạo lý này hết sức sâu, rất khó hiểu! Dẫu tỷ dụ, cũng chẳng có cách nào tỷ dụ rất thích đáng! Tỷ dụ chỉ có thể sánh ví phảng phất, phải từ sự phảng phất ấy mà thấu hiểu.
Ví như chúng ta xem phim, chư vị đều biết chuyện thường thức này. Chúng ta thấy các hình ảnh trong phim, [cứ tưởng] những tướng ấy dường như là thật. Thật ra, các hình ảnh đó là một loại tướng liên tục. Chúng ta nhìn vào cuộn phim liền biết đó là hình ảnh trong từng tấm phim một, tấm phim này được chiếu lên màn bạc, ống kính [của máy chiếu phim] lập tức đóng lại [rồi mở ra] chiếu tấm phim thứ hai. Do tốc độ nhanh, chúng ta trông thấy những hình ảnh ấy giống như thật. Bất quá tốc độ của máy là một giây chiếu hai mươi bốn tấm phim, tức là ống kính đóng mở hai mươi bốn lần. Hai mươi bốn lần [đóng mở] mà đã lừa được chúng ta, [khiến cho] chúng ta ngỡ là rất giống như thật! Đức Phật bảo các hiện tượng trong hiện tiền rất giống ống kính của máy chiếu phim đóng mở, bất quá tốc độ quá nhanh, nhanh đến nỗi chúng ta chẳng có cách nào phân biệt! Đức Phật bảo: Trong một cái khảy ngón tay có sáu mươi sát-na, một phần sáu mươi của [thời gian] khảy ngón tay là một sát-na, trong một sát-na có chín trăm lần sanh diệt. Một giây chúng ta có thể khảy ngón tay bốn lần, bốn nhân với sáu mươi lại nhân với chín trăm, tức là trong một giây, “ống kính” nơi A Lại Da Thức của quý vị đóng mở bao nhiêu lần? Vừa đúng hai lần của mười vạn tám ngàn lần (hai mươi mốt vạn sáu ngàn lần). [Ống kính của máy chiếu phim đóng mở] hai mươi bốn lần mà chúng ta đã chẳng có cách nào phân biệt nó là tướng liên tục, huống hồ một giây là hai mươi mốt vạn sáu ngàn lượt, chúng ta làm sao có thể biết những hiện tượng ấy là giả! Kinh Lăng Nghiêm đã nói rất hay: Tất cả hết thảy các tướng cảnh giới, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều chẳng có ngoại lệ, “sanh ra từ nơi đâu, bèn diệt từ nơi đó”. Đừng nên nghĩ chúng ta mới vừa từ nhà đến đây, chẳng có chuyện ấy! Chẳng đến, chẳng đi, sanh ra từ nơi đâu, diệt mất ngay tại đó, đó mới là chân tướng sự thật. Nhìn từ Tướng Phần thì tướng liên tục, tiếp nối được gọi là “liên trì” (連持), [có nghĩa là] một hiện tượng được duy trì liên tục, chúng ta gọi nó là thọ mạng. Thọ mạng ấy có dài hay ngắn, đó là Ứng Hóa Thân. Chỉ cần là Tướng Phần, sẽ đều chẳng thể vượt ra ngoài nguyên lý này.
“Phi bất thọ giả, phi báo trí bất liên trì thọ” (“Chẳng phải là thọ” vì chẳng phải là thọ mạng của Báo Thân trí huệ không có tướng duy trì liên tục): Đây là nói tới Báo Thân. Báo Thân dùng trí huệ làm thân. Nó chẳng phải là sắc tướng, sắc tướng là tướng liên tục; do nó chẳng phải là sắc tướng, nên chẳng thể nói tới chuyện liên tục. Báo Thân có khởi đầu, chẳng có kết thúc. Sau khi quý vị chứng đắc, [Báo Thân] sẽ không bị mất đi. Đây là nói về trí huệ. Nay chúng ta chẳng có trí huệ, trí huệ đã đi về đâu rồi? Trí huệ đều biến thành phiền não. Kinh Đại Thừa thường nói “phiền não chính là Bồ Đề”, trí huệ là Bồ Đề, nhưng nay chúng ta biến nó thành phiền não cả rồi! Do đó, phiền não vô lượng vô biên. Sau khi Bồ Tát tu học đến một mức độ nào đó, chứng đắc Báo Thân. Biệt Giáo gọi sự chứng đắc Báo Thân ấy là Sơ Địa Bồ Tát, phá một phẩm vô minh, thấy một phần Pháp Thân. Thấy một phần Pháp Thân cũng là chứng đắc Báo Thân. Trong Viên Giáo, sẽ là từ Sơ Trụ trở lên. Kinh Hoa Nghiêm nói [những vị Bồ Tát từ Sơ Trụ trở lên thuộc về] bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ, đấy là [những người] chứng đắc Báo Thân. Báo Thân có khởi đầu, không có kết thúc. Do đó, nó cũng chẳng phải là thọ mạng của Báo Thân trí huệ, không có tướng duy trì liên tục. Pháp Thân chẳng có khởi đầu, không có kết thúc, Báo Thân có khởi đầu, không có kết thúc, Ứng Thân có khởi đầu, có kết thúc, nên “song phi nhị biên” (đều chẳng thuộc về hai loại ấy), cả hai bên đều chẳng phải. “Minh trung pháp thể” (Ngầm khế hợp pháp thể): Minh (冥) là âm thầm, ngấm ngầm, nó dung thông, khế hợp cùng bản thể của các pháp, là bản thể của hết thảy các pháp.
“Thử thọ phi trường lượng, diệc phi đoản lượng” (Thọ mạng ấy chẳng phải là số lượng dài, mà cũng chẳng phải là số lượng ngắn). Pháp Thân Lý thể đã là chẳng có khởi đầu, không có kết thúc, nên chẳng thể nói số lượng của nó là dài, cũng chẳng thể nói số lượng của nó là ngắn. Dài và ngắn là “hai bên”, nó vượt thoát hai bên. “Vô diên, vô xúc” (Chẳng kéo dài, chẳng rút ngắn), “diên” (延) là thời gian lâu dài, “xúc” (促) là thời gian ngắn ngủi. “Vân phi thọ, phi bất thọ dã” (Nói là “chẳng phải là thọ, chẳng phải là không thọ”). Thọ và phi thọ cũng là hai bên, Pháp Thân vĩnh viễn rời khỏi hai bên, chẳng thể nghĩ bàn! Chúng ta hễ khởi tâm động niệm đều rớt vào hai bên, chỉ có lúc chẳng khởi tâm, không động niệm thì mới có thể ngầm khế hợp Trung Đạo, mới có chút tương ứng với Pháp Thân. Đó là giải thích cho câu “phi thọ, phi bất thọ”.
(Diễn) Nhiên thượng tam thọ, diệc thị tùy nghi cơ giáo, phi viên đốn nghĩa dã.
(演)然上三壽,亦是隨宜機教,非圓頓義也。
(Diễn: Nhưng ba thứ thọ mạng trên đây cũng là giáo nghĩa tùy thuận cơ nghi, chẳng phải là ý nghĩa viên đốn).
Đức Phật dạy thọ mạng của ba thân khác nhau, cách nói ấy cũng là ứng cơ thuyết pháp, là phương tiện thuyết pháp. Nói thật sự thì như thế nào? Thật sự thì như trong đoạn kế tiếp đã khải thị cho chúng ta đôi chút, đúng là chẳng thể nói được, nhất định phải do chính mình tự thấu hiểu. “Phi viên đốn nghĩa” (Chẳng phải là ý nghĩa viên đốn): Những điều vừa nói trên đây chẳng phải là giáo nghĩa Viên Giáo, chẳng phải giáo nghĩa Đốn Giáo. Trong phần trước, đức Phật đã nói theo giáo nghĩa Tạng Giáo, giáo nghĩa Thông Giáo, giáo nghĩa Biệt Giáo, cho nên nói như vậy. Giáo nghĩa Đốn Giáo chẳng nói như thế.
(Diễn) Nhược cứ Viên Giáo tánh cụ pháp môn, tam thân tánh cụ, tam thân dung tức, tùng tánh khởi tu. Tánh ký tam thân, vô thỉ, vô chung, Tu diệc tam thân, vô thỉ, vô chung. Tánh ký tam thân dung tức, Tu diệc tam thân dung tức. Cử nhất tức tam, ngôn tam tức nhất, bất khả tư nghị giả, Viên Giáo thọ dã.
(演) 若據圓教性具法門,三身性具,三身融即,從性
起修,性既三身,無始無終,修亦三身,無始無終。性既三身融即,修亦三身融即,舉一即三,言三即一,不可思議者,圓教壽也。
(Diễn: Nếu xét theo pháp môn “tánh trọn đủ” trong Viên Giáo thì tánh trọn đủ ba thân. Ba thân dung thông, chính là lẫn nhau, từ tánh khởi tu. Tánh đã là ba thân, không có khởi đầu, chẳng có kết thúc, Tu cũng là ba thân, không có khởi đầu, chẳng có kết thúc. Tánh đã là “ba thân dung thông, chính là lẫn nhau”, nên Tu cũng là “ba thân dung thông, chính là lẫn nhau”. Nêu ra một bèn chính là ba, nói đến ba thì chính là một, chẳng thể nghĩ bàn. Đó là thọ mạng theo Viên Giáo).
Hai dòng rưỡi này toàn là lời chân thật, hoàn toàn là chân tướng sự thật. Chư Phật, Bồ Tát là như thế, mà mỗi người chúng ta cũng đều như thế. Rất đáng tiếc là bản thân chúng ta chẳng biết, đã mê! Tự mình nghĩ là thọ mạng của Phật, Bồ Tát rất dài, thọ mạng của chúng ta rất ngắn. Phật, Bồ Tát đã chứng đắc “ba thân một Thể”, còn chúng ta thì Pháp Thân và Báo Thân đều chưa chứng đắc. Nhìn từ phía chư Phật, Bồ Tát, chúng ta chẳng khác các Ngài. Vì sao chúng ta và Phật, Bồ Tát có cách nhìn khác nhau? Nguyên nhân chỉ có một, phàm phu mê mất chính mình, đó là nguyên nhân. Vì thế, trong Phật môn nói đến mê và ngộ, mê là gì? Mê là chính mình. Ngộ là gì? Ngộ vẫn là chính mình. Vì thế, nói mê và ngộ chẳng hai! Mê và ngộ là một chuyện, chẳng phải là hai chuyện. Nhìn từ tiêu chuẩn này, khi nào mới giác ngộ? Ắt phải là khi đại khai viên giải thì mới thật sự khai ngộ. Chúng ta ai nấy đều mong khai ngộ, nhưng chẳng thể ngộ. Vì sao chẳng thể ngộ? Có chướng ngại, khiến cho ngộ môn của quý vị bị chướng ngại. Chướng ngại là gì? Đương nhiên chướng ngại rất nhiều, Phật pháp quy nạp chúng thành Nhị Chướng hoặc Tam Chướng. Nhị Chướng là Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng. Tam Chướng là Hoặc Chướng, Nghiệp Chướng và Báo Chướng, hoặc, nghiệp, khổ. Phải dùng phương pháp gì để trừ bỏ các chướng ngại ấy? Trừ bỏ sẽ khai ngộ; hễ trừ bỏ, ba thân bèn hiện tiền.
Muốn trừ Tam Chướng, cũng chỉ có một cách là tu Định. Trừ Định ra, chẳng có cách nào trừ khử chướng ngại. Phật pháp tuy nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, hoặc vô lượng pháp môn, có pháp môn nào chẳng phải là tu Định? Thảy đều là tu Định, nhưng mỗi pháp môn tu Định khác nhau, cách thức tu Định khác nhau. Tám vạn bốn ngàn hoặc vô lượng [pháp môn] chính là cách thức, phương pháp khác nhau, nhưng đều nhằm tu Thiền Định. Chúng ta dùng cách niệm A Di Đà Phật. Kinh A Di Đà nói “nhất tâm bất loạn”, nhất tâm bất loạn là Thiền Định. Chúng ta thường nói tu tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là Thiền Định. Đối với chuyện này, tôi tin là các đồng tu nghe cũng đã nhàm tai, chẳng biết đã nghe nói bao nhiêu lần, có tác dụng gì hay không? Chẳng có tác dụng chi hết! Vì sao biết là vô dụng? Quý vị suốt ngày từ sáng đến tối vẫn là thị phi, nhân ngã, tham, sân, si, mạn, trước nay chưa hề thật sự dấy động ý niệm muốn tu Định. Vì lẽ đó, tụng kinh cũng thế, lạy Phật cũng thế, niệm Phật cũng vậy, trì chú cũng vậy, công phu đều chẳng đắc lực, đều chẳng thành tựu. Nhất định phải hiểu: Trong hiện tiền, chúng ta phải tu đoạn phiền não nhằm trừ bỏ những chướng ngại ấy.
Ngày hôm qua, pháp sư Huệ Thiên ở chùa Tịnh Luật tại Nam Đầu dẫn mấy vị đồng học đến thăm tôi, họ mở một Phật học viện bên đó. Sư dẫn năm học viên đã tốt nghiệp trong khóa thứ nhất đến hỏi tôi: “Tu học thì phải tu theo cách nào?” Tôi bảo họ: “Tứ Hoằng Thệ Nguyện đã dạy rõ ràng, rành rẽ phương pháp, thứ tự và cương lãnh trọng yếu trong chuyện tu hành”. Trong Tứ Nguyện, chỉ có điều thứ nhất là nguyện, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” là phát Bồ Đề tâm, ba điều sau đều là hành. Đối với ba điều ấy, chẳng thể đảo lộn thứ tự, hãy từ đoạn phiền não mà khởi tu. “Phiền não vô biên thệ nguyện đoạn”. Sau khi đã đoạn phiền não thì mới có thể học pháp môn, “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Hiện thời, mọi người tu hành chẳng thành công, càng tu càng điên đảo, càng tu càng nhiều phiền não, nguyên nhân ở chỗ nào? Quý vị đã làm sai thứ tự. Trong Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao, đối với phần giảng về tựa đề kinh, Thanh Lương đại sư đã nói hết sức rõ ràng: Chẳng đoạn phiền não thì hết thảy các pháp môn đã học đều là tăng trưởng tà kiến! Mỗi ngày đã có rất nhiều tà kiến, mà lại còn tăng trưởng tà kiến hằng ngày, làm sao có thể thành công cho được?
Kinh Hoa Nghiêm đích xác là một bộ sách hay nhất. Trong quá khứ, tiên sinh Phương Đông Mỹ đã suốt đời tán thán [kinh Hoa Nghiêm], rất có lý! Trong Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử đã nêu ra một khuôn phép: Ngài bái Văn Thù Bồ Tát làm thầy. Trong hội của Văn Thù Bồ Tát, Ngài đã học gì? Chư vị có thể lật xem Tứ Thập Hoa Nghiêm, mà cũng có thể tra cứu kinh điển. Văn Thù Bồ Tát chẳng dạy Ngài, chẳng sai tí nào! Trong hội của Văn Thù Bồ Tát, Thiện Tài đoạn phiền não, thành tựu điều này: “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, đoạn sạch phiền não trong hội của Văn Thù Bồ Tát. Sau khi đã đoạn, Văn Thù Bồ Tát bảo Thiện Tài đi tham học, tham học là học gì? Tham học là “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, năm mươi ba lần tham học! Đến lần tham học cuối cùng, gặp Phổ Hiền Bồ Tát, mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc, đó chính là nguyện cuối cùng “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Trong Tứ Thập Hoa Nghiêm, Tứ Hoằng Thệ Nguyện đã được nói rõ ràng. Tứ Thập Hoa Nghiêm giảng gì? Giảng Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Vì vậy, tu học chẳng thể luông tuồng, không tuân theo thứ tự! Nay chúng ta tu học chẳng thành công, điều kỵ nhất là chẳng đoạn phiền não mà đã khởi sự mong học pháp môn, [cứ tưởng] học càng nhiều càng hay, vẫn muốn làm đại thông gia, nhưng sở học và sở đắc đều là tà tri, tà kiến, đến khi nào thì mới có thể thành tựu? Vì lẽ đó, các đồng tu chúng ta phải thật thà ghi nhớ giáo huấn này!
Các đồng học hỏi tôi: “Thưa pháp sư! Nếu vừa khởi đầu, thầy liền học pháp môn Tịnh Độ, chẳng học hết thảy các pháp môn khác và hết thảy kinh điển, thầy có thể đạt thành tựu như ngày nay hay không?” Họ vẫn còn hoài nghi, tôi bảo họ: “Nếu vừa bắt đầu học Phật, tôi liền thật thà niệm Phật thì bây giờ tôi sẽ có thành tựu vượt trỗi tối thiểu là từ mười lần trở lên so với hiện thời”. Họ nghe nói đều sững sờ! Tôi bảo: “Tôi nói thật đấy! Gấp mười lần trở lên chính là sự ước đoán rất dè dặt. Tôi đã đi theo một con đường oan uổng cả ba mươi năm mới thật sự tìm được một con đường như thế này, mới thật sự hiểu rõ!” Tứ Hoằng Thệ Nguyện là một bộ Tứ Thập Hoa Nghiêm, trong quá khứ, quý vị đã từng nghe người khác nói như vậy hay chưa? Phí thời gian hơn ba mươi năm mới phát hiện, mới tìm được, nguyên lai một bộ Tứ Thập Hoa Nghiêm nhằm giảng rõ ràng, cặn kẽ Tứ Hoằng Thệ Nguyện! “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành” vốn là mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Những thứ trước đó chẳng cần tới nữa, tôi phải chuyên học pháp môn này!
Chuyên học pháp môn này, phải biết: Nay chúng ta niệm kinh Vô Lượng Thọ, niệm kinh A Di Đà, niệm A Di Đà Phật, trong giai đoạn hiện thời, nhắm đến mục tiêu nào? Nhắm tới đoạn phiền não! Phải niệm sao cho trừ hết vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, ưu lự, vướng mắc, tâm thanh tịnh sẽ hiện tiền. Tâm thanh tịnh hiện tiền chính là đoạn phiền não, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, dùng phương pháp này để đoạn phiền não. Chẳng có phiền não, tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh khởi tác dụng là trí huệ, tâm thanh tịnh xử sự, đãi người, tiếp vật tức là năm mươi ba lần tham học. Trong quá khứ, tôi giảng Hoa Nghiêm thường nói: “Năm mươi ba lần tham học là suốt ngày từ sáng đến tối ở trong xã hội, tiếp xúc các loại nhân vật, vì trong các vị thiện tri thức của năm mươi ba lần tham học, mọi nghề nghiệp, nam nữ, già trẻ thảy đều có, đó chính là nói tới xã hội hiện thực. Đến khi tâm địa quý vị thanh tịnh, tiếp xúc xã hội hiện thực đều khai trí huệ, giác chứ không mê, thành tựu vô lượng trí huệ”. Như vậy thì chúng ta mới thật sự tìm được căn bản to lớn trong tu hành.
Hiện thời có cần phải nghiêm túc nghiên cứu giáo lý hay không? Phải nghiêm túc, nhưng chẳng phải là thực hiện trong hiện thời. Yêu cầu trong hiện tại là: Đoạn phiền não là chuyện khẩn yếu! Trước hết là cầu gì? Vô tri. Kinh Bát Nhã nói: “Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết”. Vô tri là tâm thanh tịnh, không gì chẳng biết là tâm thanh tịnh khởi tác dụng. Hiện thời, nếu quý vị muốn cầu hiểu biết, đó là điên đảo, toàn là tà tri, tà kiến, làm sao có thể thực hiện được! Bởi lẽ, hiện thời chúng ta phiền não rất nặng, thế gian này rất loạn, là cõi đời đại loạn.
Nay chúng ta muốn tu, chư vị nhất định phải biết: Tu tâm thanh tịnh thì đạo nghiệp mới có thể thật sự thành tựu trong một đời này. Tuy phương pháp tu học rất nhiều, vô lượng pháp môn, quy nạp lại, chỉ có bốn loại lớn:
Thứ nhất là tham Thiền. Giáo học Thiền Tông dùng gì để dạy? Hương bản giáo học, tức là đánh! Quý vị khởi tâm động niệm, hương bản liền giáng xuống hòng đập tan ý niệm của quý vị. Đánh tới khi quý vị nói “chẳng có niệm nào”, vẫn phải đánh! Cớ sao chẳng có ý niệm mà vẫn đánh? Chẳng có ý niệm tức là vô minh, phải đánh hòng cảnh tỉnh quý vị. Có ý niệm thì là vọng niệm, chẳng có ý niệm bèn là vô minh, thảy đều phải đánh. Nhưng trong hiện tại thì phương pháp này của Thiền Tông không sử dụng được, thời đại này khác với thời đại trước kia. Trước đây, học trò bị thầy đánh là chuyện rất bình thường, nay thì không được. Bây giờ mà đánh liền ngay lập tức đâm đơn kiện, phạm pháp, bó tay luôn! Vì thế, hiện thời, nói thật thà, Thiền Tông không thể sử dụng được, chẳng thể dùng hương bản được!
Giáo Hạ là đọc kinh. Đọc kinh chỉ cần đọc một bộ, bất luận bộ kinh nào. Quý vị thích kinh điển nào, bèn chọn một bộ. Đã chọn một bộ, đừng đổi sang bộ thứ hai. Vì chúng ta đọc kinh chẳng nhằm hiểu nghĩa, chẳng mong hiểu ý nghĩa trong kinh Phật; dùng phương pháp niệm kinh để niệm cho hết sạch phân biệt, chấp trước, có ý nghĩa này! Vì quý vị không niệm kinh, bèn suy nghĩ lung tung. Niệm kinh sẽ chẳng suy nghĩ lung tung, mục đích ở chỗ này, chẳng nhằm hiểu ý nghĩa của kinh. Do vậy, kinh nào cũng đều được, tùy thuộc thời gian của chính mình. Nếu quý vị rất rảnh rỗi, có thể chọn một bộ kinh có phân lượng khá lớn, như kinh Pháp Hoa hoặc kinh Lăng Nghiêm chẳng hạn, mỗi ngày niệm một bộ. Công việc rất bận rộn, chẳng có nhiều thời gian như vậy thì kinh Vô Lượng Thọ rất tiện, chẳng quá dài. Mỗi ngày niệm một bộ. Sau khi đã niệm quen, ước chừng một giờ là đủ rồi. Quý vị mỗi ngày niệm một giờ, tức là tu hành một giờ, tu gì? Tu tâm thanh tịnh. Nếu quý vị nghiên cứu ý nghĩa trong kinh điển, sai mất rồi, chẳng đạt được cái tâm thanh tịnh! Có hiểu ý nghĩa trong kinh Phật hay không? Căn bản là chẳng hiểu, những gì quý vị đạt được là tà tri, tà kiến, hết sức đáng tiếc, công sức đọc kinh hoàn toàn bị phá hoại. Do đó, phải hiểu: Chúng ta đọc kinh là tu Định, chẳng nhằm cầu hiểu nghĩa. Chúng ta đọc kinh để cầu Căn Bản Trí, để cầu vô tri, chẳng phải là cầu “không gì chẳng biết”. Không gì chẳng biết sẽ cầu không được, trước hết, hãy cầu vô tri. Mọi người nhất định phải ghi nhớ kỹ càng đạo lý này, nghiêm túc tu học. Tu dăm ba năm, tâm sẽ thanh tịnh. Tâm đã thanh tịnh, phiền não ít đi. Phiền não giảm ít, thưa cùng chư vị, sẽ ít nói lăng nhăng! Vì sao biết là có phiền não? Mỗi ngày quý vị nói cả đống lời lẽ nhảm nhí, người như vậy phiền não cũng rất nhiều. Lời lẽ nhảm nhí ít đi, thị phi sẽ ít đi, tâm bèn thanh tịnh.
Tâm sau khi đã thanh tịnh bèn nghiên cứu kinh điển, nghiên cứu kinh điển là học pháp môn. Từ xưa tới nay, Phật pháp ở Ấn Độ chẳng tính, khi truyền sang Trung Hoa, trong hai ngàn năm, tổ sư đại đức đời nào cũng truyền thừa phương pháp cổ lỗ này. Chúng ta dùng phương pháp này để tu học, nhất định có thành tựu. Dùng phương pháp này để tu Tịnh Độ, mới là “vạn người tu, vạn người đến”, chớ nên không biết chuyện này! Người khác hỏi ta về Phật pháp, chúng ta có thể dạy họ nguyên tắc này, sẽ là công đức vô lượng; đó là con đường chánh đáng. Lìa khỏi con đường chánh đáng này, sẽ là đường tà! Người hiện thời vừa khởi đầu bèn học rộng, nghe nhiều, Tứ Hoằng Thệ Nguyện học tràn lan! Giống như dựng nhà, chẳng cần tầng thứ nhất, muốn dựng ngay tầng thứ hai, dựng như thế nào đây? Vĩnh viễn chẳng thể thành tựu. Trong quá khứ, tại Trung Quốc, pháp thế gian lẫn pháp xuất thế gian đều lấy tu tâm thanh tịnh làm cơ sở, làm căn bản. Nếu cơ sở này chẳng được thật sự đặt vững, rất khó nói tới chuyện thành tựu! Nho và Phật nói tới sư thừa, sư thừa cũng là nói từ chỗ này. Đối với sư thừa, không nhất định là phải kề cận thầy hằng ngày, đó gọi là “một ngày làm thầy, suốt đời là cha”. Thầy giảng cho quý vị mấy câu, quý vị thật sự tiếp nhận, suốt một đời y giáo phụng hành. Đó là truyền pháp, “thầy trò đạo hợp”, há có phải là mỗi ngày đều theo sát thầy! Chẳng bắt buộc phải như vậy!
Vì thế, chúng ta và Phật, Bồ Tát, cùng hết thảy chúng sanh trong pháp giới, đúng là chẳng hai, chẳng khác. “Tánh cụ pháp môn”: Bất luận là Phật pháp hay pháp thế gian, hết thảy các pháp môn thảy đều vốn trọn đủ trong tự tánh. Lục Tổ nói: “Nào ngờ tự tánh vốn trọn đủ”. Đó là “tánh cụ pháp môn”. Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Hóa Thân, “tam thân tánh cụ, tam thân dung tức” (ba thân tánh trọn đủ, ba thân chính là lẫn nhau, dung thông lẫn nhau), một tức là ba, ba chính là một. Lời này rất khó hiểu, nói như thế nào? Pháp Thân tận hư không khắp pháp giới, còn Ứng Hóa Thân là một cái thân như thế đó, cái thân này của ta làm sao có thể tận hư không khắp pháp giới? Thật ra, cái thân này xác thực là tận hư không khắp pháp giới, cảnh giới này đúng là chẳng thể nghĩ bàn! Kinh Hoa Nghiêm nói “giới tử nạp Tu Di” (hạt cải chứa đựng núi Tu Di), “giới tử” (芥子) là hạt cải. Hạt cải rất bé, núi Tu Di quá to. Bỏ núi Tu Di vào trong hạt cải, núi Tu Di chẳng rút nhỏ, hạt cải cũng chẳng phình to; làm sao có thể bỏ vào được? Tỷ dụ này vẫn chưa được coi là rốt ráo. Nói rốt ráo thì như trong kinh, đức Phật đã nói: “Thập phương Như Lai ư nhất mao đoan chuyển đại pháp luân” (Mười phương Như Lai chuyển đại pháp luân trong một chót lông), “mao đoan” (毛端) là chót đầu của một sợi lông, còn bé hơn hạt cải nhiều. Trong chót đầu một sợi lông, mười phương Như Lai đều giảng kinh, thuyết pháp tại đó. Vô lượng vô biên hằng sa thế giới ở ngay trong đầu sợi lông. Điều này có nghĩa là trong Pháp Tánh chẳng có lớn hay nhỏ, dung thông lẫn nhau, trọn khắp lẫn nhau, chẳng thể nghĩ bàn! Ví như ánh sáng của một ngọn nến chiếu khắp giảng đường, giảng đường dung nhập trong ánh sáng của nến, đó là nhỏ mà chứa đựng lớn, nó được bao gồm trong quang minh [của ngọn nến], cả giảng đường được nến chiếu soi rõ ràng. Thấy ánh sáng của nến trong giảng đường, tức là lớn dung chứa nhỏ, chân tướng của pháp giới là như thế. Thân thể này của chúng ta rút đến mức nhỏ nhất, rút nhỏ đến một sợi lông, đó là toàn thể pháp giới cô đọng, là toàn thể của toàn bộ pháp giới, chẳng phải là một bộ phận. Đấy chính là Thập Huyền Môn, Tứ Vô Ngại, tức bốn thứ vô ngại “Sự vô ngại, Lý vô ngại, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại” như kinh Hoa Nghiêm đã nói. Khi nào mới có thể thật sự thấu hiểu Thập Huyền, Tứ Vô Ngại? Phá một phẩm vô minh, cảnh giới ấy liền hiện tiền. Vô minh chưa phá, cảnh giới vẫn ở trước mặt, vẫn là ở ngay trước mặt mà chính mình chẳng biết! Phá vô minh, sẽ hoảng nhiên đại ngộ cảnh giới trước mắt vốn là [Tứ Vô Ngại, Thập Huyền Môn]! Cổ nhân nói: “Đạp phá thiết hài vô mịch xứ, đắc lai toàn bất phí công phu” (Giày sắt đi mòn, tìm chẳng thấy! Được rồi, chẳng tốn chút công phu), [cái mà ta mải miết tìm kiếm] vốn chính là nó, ở ngay trước mắt! Vì thế, xác thực một chính là ba, ba chính là một. Chư Phật Như Lai là như thế, chúng ta cũng là như thế. Chúng ta mê, bất giác; Phật, Bồ Tát giác chứ không mê. “Tam thân dung tức”: Dung nhập lẫn nhau, chính là lẫn nhau. Thân này là Ứng Thân, mà cũng là Báo Thân, cũng là Pháp Thân. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đã nói đạo lý này rất cặn kẽ, kinh Hoa Nghiêm càng nói thấu triệt hơn!
“Tùng tánh khởi tu, Tánh ký tam thân, vô thỉ, vô chung, Tu diệc tam thân, vô thỉ, vô chung” (Từ tánh khởi tu, Tánh đã là ba thân, không khởi đầu, chẳng kết thúc. Tu cũng là ba thân, chẳng khởi đầu, không kết thúc). Cổ đức đã để lại khuôn mẫu, dạy chúng ta phương pháp “tùng tánh khởi tu”, dạy quý vị trước hết là đoạn phiền não, tức là từ tánh khởi tu. Tánh là gì? Tâm thanh tịnh, chân tâm! Chân tâm là bản tánh, phải bắt đầu tu tập từ chỗ này. Chẳng phải là khởi tu bằng nghiên cứu giáo lý. Nghiên cứu giáo lý chẳng phải là khởi tu từ tánh, mà là khởi tu từ sự tướng, phiền phức to lớn, phải tới năm nào thì mới có thể quay về tự tánh? Tiểu Thừa Phật pháp khởi tu từ sự tướng, cho nên để chứng A La Hán phải qua lại cõi trời và nhân gian bảy lần! Nhân gian thọ mạng ngắn ngủi, cõi trời thọ mạng lâu dài, bao nhiêu năm mới có thể chứng A La Hán! Đại Thừa Phật pháp thông minh, khởi tu từ tánh, mau chóng lắm! Khởi tu từ Tánh Đức là khởi tu từ tâm thanh tịnh.
Tánh đã là ba thân, chẳng có khởi đầu, không có kết thúc, nên nay chúng ta cũng tu ba thân, cũng là chẳng có khởi đầu, không có kết thúc. Trong các buổi giảng, chúng tôi đã nói: Nếu quý vị thật sự là chân tâm, dùng cái tâm chân thành để cầu sanh Tịnh Độ, niệm câu A Di Đà Phật, trọn đủ ba điều kiện Tín, Nguyện, Hạnh, hiện tại chúng ta là vô lượng thọ! Chẳng cần phải đợi sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới mới gọi là vô lượng thọ, mà hiện tại đã là vô lượng thọ! Chẳng cần phải đợi tới vãng sanh mới chứng trọn vẹn Tam Bất Thoái, mà là hiện tiền đã viên chứng ba món Bất Thoái. Vì sao? Ở đây, [sách Diễn Nghĩa] đã trả lời: “Tùng tánh khởi tu, tánh ký tam thân, vô thỉ, vô chung, tu diệc tam thân, vô thỉ, vô chung” (Từ tánh khởi tu, Tánh đã là ba thân, không khởi đầu, chẳng kết thúc. Tu cũng là ba thân, chẳng khởi đầu, không kết thúc), chính là đạo lý này! Ở đây, lời tôi nói đã được ấn chứng. Quý vị mới biết: Pháp môn Niệm Phật thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Điều cuối cùng trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện là thành Phật đạo, mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc chính là thành Phật đạo, từ kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy điều này!
Hai kinh Đại Bổn và Tiểu Bổn chuyên giảng về y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nói cách khác, hai bộ kinh này hoàn toàn nói về cảnh giới công đức nơi quả địa Như Lai. Chúng ta tu pháp môn này là khởi tu từ quả, chẳng phải là khởi tu từ nhân, nhân quả đồng thời, điều này chẳng thể nghĩ bàn! Kinh Hoa Nghiêm vẫn là từ nhân đến quả. Pháp môn này khởi tu từ quả, lấy quả làm nhân, trong hết thảy các pháp môn khác chẳng tìm thấy điều này. Nhân tức là quả, quả tức là nhân, nhân quả chẳng hai! Nếu không thể lãnh hội như vậy, quý vị sẽ chẳng thể nhận ra sự nhiệm mầu trong pháp môn này, chẳng thể lý giải sự thù thắng của pháp môn này, chẳng có cách nào lý giải!
“Tánh ký tam thân dung tức, tu diệc tam thân dung tức. Cử nhất tức tam, ngôn tam tức nhất, bất khả tư nghị giả, Viên Giáo thọ dã” (Tánh đã là ba thân dung nhập, chính là lẫn nhau. Tu cũng là ba thân dung nhập, chính là lẫn nhau. Nêu ra một chính là ba, nói là ba mà chính là một, chẳng thể nghĩ bàn. Đó là thọ mạng theo Viên Giáo). Mấy câu này dễ hiểu, thuộc về giáo nghĩa Viên Giáo, xác thực là chẳng giống những giáo nghĩa khác. Cổ đức tán thán kinh này viên nhất trong các pháp viên, đốn nhất trong các pháp đốn. Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Bổn Sư tán thán A Di Đà Phật: “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” (Quang minh tôn quý nhất, vua trong chư Phật). Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật khuyên chúng ta tu học pháp môn này, chỉ dạy, truyền trao pháp môn thành Phật của chính Ngài, ân đức ấy quá lớn. Chúng ta có được pháp môn này, sẽ ổn thỏa thành Phật trong một đời này. Vấn đề là quý vị có tin tưởng hay không, quý vị có chịu tiếp nhận hay không? Nếu thật sự tin tưởng, thật sự chịu tiếp nhận, từ nay về sau chẳng dấy vọng tưởng, một bộ kinh, một câu Di Đà niệm đến cùng, chắc chắn sẽ thành công! Ta còn mong học các pháp môn khác, đó chính là vọng niệm, là đi vào ngõ rẽ, là xen tạp. Cổ đức dạy chúng ta “tử tận thâu tâm” (chết sạch tấm lòng mong ngóng, chụp giật), phải vứt bỏ những vọng niệm ấy, tuyệt đối chẳng khởi lên niệm thứ hai.
Có lẽ chư vị đồng tu sẽ nói: “Hiện thời người học kinh Di Đà,
kinh Vô Lượng Thọ đông ngần ấy, ta chẳng cần phải học!” Quý vị tính cho tôi xem thử, rốt cuộc có mấy người? Trung Quốc Đại Lục to dường ấy, có mười một ức dân cư, thế giới phương Đông và phương Tây rộng lớn ngần ấy, có [lèo tèo] mấy người chúng ta, có đủ dùng hay chăng? Chẳng đủ dùng! Nói thật ra, kiểu suy nghĩ ấy là nghiệp chướng, là tội chướng, chướng ngại sự tu học của chính mình. Trong thời kỳ Mạt Pháp, muốn độ chúng sanh, thành Phật đạo, nói thật thà, chỉ có pháp môn này. Có được pháp môn này là may mắn, quá hên! Sau khi đã có được, hãy nghiêm túc tu học, nỗ lực hoằng dương, như vậy thì mới có thể báo Phật ân. Trong hết thảy các kinh, chúng ta chỉ tuyển chọn một bộ này, những bộ khác đều chẳng màng tới! Người khác muốn hoằng dương kinh điển nào đó, chúng ta cũng tán thán, cũng hoan hỷ, cũng đừng chướng ngại họ. Bản thân chúng ta chỉ học bộ kinh này, chỉ hoằng dương bộ kinh này, con đường này là chánh xác!
(Sao) Hựu vị bỉ Phật thọ mạng, thật hữu kỳ hạn, nhân thiên mạc sổ, thị hữu lượng chi vô lượng dã.
(鈔)又謂彼佛壽命,實有期限,人天莫數,是有量之無量也。
(Sao: Lại có kẻ nói: “Thật ra thọ mạng của đức Phật ấy thật sự có kỳ hạn, nhưng trời, người chẳng thể tính nổi số lượng, đó chính là vô lượng trong hữu lượng”).
“Hựu vị” (又謂) [nghĩa là] lại có kẻ nói. “Bỉ Phật” là A Di Đà Phật. [Họ cho rằng] thọ mạng của A Di Đà Phật nói thật ra là có kỳ hạn. Kinh đã nói[2] rất rõ ràng: Trong tương lai, A Di Đà Phật nhập Niết Bàn. A Di Đà Phật buổi sáng nhập Bát Niết Bàn, buổi chiều Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện thành Phật. Vì vậy, Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có Tượng Pháp, Mạt Pháp và Chánh Pháp, luôn luôn có Phật trụ thế. Trong tương lai, Quán Âm Bồ Tát nhập Bát Niết Bàn, Đại Thế Chí Bồ Tát nối ngôi thành Phật, từng vị nối tiếp nhau thành Phật. Tây Phương Cực Lạc thế giới vĩnh viễn có Phật trụ thế, chẳng phải là không có Phật trụ thế.
Nói thật ra là có kỳ hạn, nhưng kỳ hạn ấy quá dài, “nhân thiên mạc sổ” (trời, người chẳng tính được), tính không ra! Trong kinh Vô Lượng Thọ, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói “giả sử”, tức là ví như, chẳng phải là thật. “Thập phương thế giới chúng sanh”, chẳng phải là một thế giới (một thế giới là thế giới Sa Bà, tức là một đại thiên thế giới), mà là mười phương thế giới, tất cả chúng sanh trong vô lượng vô biên các cõi Phật khắp mười phương thảy đều chứng quả Bích Chi Phật. Bích Chi Phật còn cao hơn A La Hán một bậc, tâm địa còn thanh tịnh hơn A La Hán. “Thần thông giai như Đại Mục Kiền Liên” (Thần thông đều như Đại Mục Kiền Liên): Trong các đệ tử của Phật Thích Ca, ngài Mục Kiền Liên thần thông bậc nhất. Ngài Mục Kiền Liên có năng lực trong một ngày một đêm có thể tính rõ số lượng tinh tú trên bầu trời. Những người ấy đều thành Bích Chi Phật, thần thông đều giống như Mục Kiền Liên, thọ mạng của họ đều dùng kiếp số để luận, dùng trọn hết tuổi thọ ấy để chung sức tính toán thọ mạng của người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, đều tính chẳng ra, [đó chính là] “nhân thiên mạc sổ” (người lẫn trời đều chẳng tính được). Vô lượng thọ chẳng phải là Vô Lượng trong mười con số lớn của Ấn Độ. Con số Vô Lượng đó dễ dàng tính ra. A-tăng-kỳ lần A-tăng-kỳ là một Vô Lượng, Vô Lượng lần Vô Lượng là một Vô Biên, dễ tính toán, người bình phàm đều có thể tính ra. Thọ mạng ấy (thọ mạng của người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới) trời, người chẳng thể tính toán được, tuy là hữu lượng, chúng ta có thể nói nó thật sự là vô lượng, chẳng có cách nào tính toán!
(Sao) Việt Khê giải vân: “Thử kinh tuy vân vô lượng, nãi thị tam thập nhị tướng thường sở kiến thân, phi Quán Kinh Thắng Ứng tôn đặc chi thân”, diệc đồng thượng ý.
(鈔)越溪解云:此經雖云無量,乃是三十二相常所見身,非觀經勝應尊特之身,亦同上意。
(Sao: Ngài Việt Khê giải thích: “Tuy kinh này nói vô lượng, nhưng đó là thân ba mươi hai tướng thường thấy, chẳng phải là Thắng Ứng Thân đặc biệt tôn quý trong Quán Kinh”, cũng có cùng ý nghĩa như trên đây).
Việt Khê đại sư giải thích, ba mươi hai tướng chính là Ứng Hóa Thân của Phật, thị hiện trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Thân to lớn nói trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật ngự trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm là Báo Thân, có khởi đầu, chẳng có kết thúc. Vì thế, nói tới thọ lượng của Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, nói thật ra là nói tới thọ lượng của Ứng Thân Phật. Thọ lượng của Ứng Thân quả thật có kỳ hạn, Báo Thân đương nhiên chẳng cần nói tới. Đừng nói là A Di Đà Phật, hết thảy chư Phật Như Lai đều là vô lượng thọ. Bất quá là thọ mạng của Ứng Thân trong Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật quá ư là dài. Chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thọ mạng sẽ giống như thọ lượng của Phật. Trong hết thảy các thứ chân thật, điều này là chân thật bậc nhất. Chẳng có thọ mạng, hết thảy các thứ trang nghiêm khác đều rỗng tuếch, ai sẽ hưởng thụ? Ắt phải là trường thọ thì mới có thể hưởng thụ, hưởng thụ hết thảy y báo và chánh báo trang nghiêm.
(Sao) Kim vị tùy cơ sở kiến giả. Thử kinh Phật thân vô định, tiền nghĩa lý trung dĩ biện, huống kinh văn đản ngôn A Di Đà Phật hiện tại kỳ tiền, vị tằng chỉ định hiện hà đẳng thân, Việt Khê an đắc phán thuộc tam thập nhị tướng, tất vị Liệt Ứng, tắc liệt cơ tự kiến, phi thử kinh chuyên dĩ Liệt Ứng nhi bị liệt cơ dã.
(鈔)今謂隨機所見者,此經佛身無定,前義理中已辯,況經文但言阿彌陀佛現在其前,未曾指定現何等身,越溪安得判屬三十二相,必謂劣應,則劣機自見,非此經專以劣應而被劣機也。
(Sao: Nay tôi nói là “tùy theo căn cơ mà thấy [khác biệt]”, thân Phật trong kinh này chẳng nhất định, điều này đã được biện định trong phần nghĩa lý trên đây. Huống chi kinh văn chỉ nói “A Di Đà Phật hiện ra trước mặt” [người sắp vãng sanh], chưa hề nói rõ hiện những thân nào, sao ngài Việt Khê lại phán định [thân Phật trong kinh này] thuộc về ba mươi hai tướng? Ắt là hễ nói tới Liệt Ứng Thân thì đó là thân được thấy bởi kẻ căn cơ kém hèn, chứ không phải là kinh này chuyên dùng thân Liệt Ứng để tiếp độ kẻ căn cơ kém cỏi).
Trong đoạn này, Liên Trì đại sư phê bình lời nhận định của ngài Việt Khê. Ngài Việt Khê nói có lý, mà trong đoạn này, Liên Trì đại sư cũng nói có lý! Vì sao? Người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, mỗi người mang theo nghiệp khác nhau, khi vãng sanh sẽ thấy hình tượng Phật khác nhau. Trong Quán Kinh đã nói rất rõ ràng, thượng phẩm thượng sanh thấy tận hư không khắp pháp giới đều là A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí. Phẩm vị vãng sanh thấp hơn sẽ chẳng thấy hình tượng Phật thù thắng như vậy. Hạ phẩm hạ sanh chỉ thấy Quán Âm và Thế Chí đến tiếp dẫn, chẳng thấy A Di Đà Phật.
Tịnh Tông nhất định phải lấy kinh Vô Lượng Thọ làm kinh bậc nhất, lấy kinh ấy làm căn cứ nguyên thủy. Vì sao? Vì trong kinh Vô Lượng Thọ có bốn mươi tám nguyện, bốn mươi tám nguyện do chính A Di Đà Phật tự nói, cho nên là chân thật nhất. Thích Ca Mâu Ni Phật kể lại cho chúng ta biết, kể lại tức là chẳng khác A Di Đà Phật tự nói! Bốn mươi tám nguyện đã nói rõ ràng: Dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh, hễ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, không chỉ là thọ mạng giống hệt như Phật, mà tướng mạo cũng giống như Phật, y báo và chánh báo trang nghiêm đều giống như Phật. Vì vậy, thế giới ấy là thế giới bình đẳng, chẳng thể nghĩ bàn! Do vậy có thể biết: Khi chúng ta ở trong cõi này, muốn vãng sanh, còn chưa đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, lúc Phật đến tiếp dẫn thì còn có chút sai biệt, nhưng đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, bèn chẳng có sai biệt. Từ cõi này, chúng ta đến Tây Phương Cực Lạc thế giới phải mất bao lâu? Thời gian quả thật hết sức ngắn ngủi, tạm bợ, tốc độ quá nhanh, trong một cái khảy ngón tay! Dẫu là Liệt Ứng Thân, thời gian cũng rất ngắn ngủi. Đến thế giới Cực Lạc, bèn chứng pháp giới bình đẳng; từ Đại Kinh, chúng ta đã có được sự thật này.
Tiếp đó, chúng ta hãy xem lời Liên Trì đại sư lão nhân gia nói: “Kim vị tùy cơ sở kiến giả, thử kinh Phật thân vô định, tiền nghĩa lý trung dĩ biện, huống kinh văn đản ngôn A Di Đà Phật hiện tại kỳ tiền” (Nay nói là tùy theo căn cơ mà thấy [thân Phật sai khác]. Thân Phật trong kinh này không nhất định, điều này đã được biện định trong phần nghĩa lý trên đây, huống chi kinh văn chỉ nói A Di Đà Phật hiện trước mặt [người sắp vãng sanh]), trọn chẳng nói là Báo Thân hay Ứng Thân của A Di Đà Phật, chỉ nói A Di Đà Phật hiện ra trước mặt người ấy. Pháp sư Việt Khê nói là ba mươi hai tướng và tám mươi thứ hảo, đó là Liệt Ứng Thân, giống như thân tướng do Thích Ca Mâu Ni Phật đã hiện trong thế gian này. Chúng ta căn cơ hèn kém, Ngài liền thị hiện Liệt Ứng Thân, [đó là] “liệt cơ tự kiến” (do căn cơ của chúng sanh kém cỏi, bèn tự thấy [thân Phật là Liệt Ứng Thân]). Nói thật thà, chúng ta niệm Phật vãng sanh, đại khái thấy hình tượng Phật đều là thân này. Ngài Việt Khê nói có lý, vì sao? Nếu Báo Thân của Phật hiện tiền, chúng ta chẳng trông thấy! “Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di, cám mục trừng thanh tứ đại hải”, làm sao chúng ta có thể trông thấy được? Chẳng thấy nổi! Do đó, đức Phật nhất định phải hiện một tướng, tuy là thân to lớn, cũng chẳng
thể quá lớn, quá lớn thì chúng ta chẳng thấy rõ, sẽ chẳng thấy được!
Ví như chúng ta là thân người, kiến chắc chắn chẳng thấy vẻ mặt chúng ta, vì sao? Nó quá nhỏ. Phật muốn độ kiến, cũng phải hiện thân kiến, to hơn nó một hai lần thì nó mới thấy; quá lớn, nó sẽ chẳng thấy. Vì thế, đến tiếp dẫn chúng ta, ắt phải là thân ba mươi hai tướng, tám mươi thứ hảo, [tức là] kim thân trượng sáu, thân tướng to gấp đôi, gấp ba người bình phàm đến tiếp dẫn, đó là hợp lý. Nhưng phải biết: A Di Đà Phật tiếp dẫn chúng sanh trong chín pháp giới. Bồ Tát vãng sanh mà A Di Đà Phật hiện thân tướng [trượng sáu] này, thân tướng của Bồ Tát to như vậy, thân tướng của Phật nhỏ chừng ấy, chẳng tương xứng! Do đó, Phật nhất định phải hiện đại thân.
Mười phương vô lượng vô biên các cõi Phật, chẳng có một vị Phật nào không khuyên chúng sanh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Hằng ngày đều có Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, lục đạo phàm phu cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, nên Phật hiện thân cũng là tương ứng căn cơ. Đáng nên dùng thân gì để tiếp dẫn, đức Phật tự nhiên hiện thân tướng ấy. Ứng cơ thị hiện là chuyện hợp lý! Nhưng chư vị phải ghi nhớ, tuyệt đối chẳng phải chỉ có một Liệt Ứng Thân ba mươi hai tướng, tám mươi thứ hảo. Nếu nghĩ như vậy (tức là nghĩ chỉ có một Liệt Ứng Thân thị hiện), sai mất rồi! Đối với thế giới Sa Bà, đối với người trên địa cầu niệm Phật vãng sanh, [hiểu như vậy] thì rất chánh xác!
(Sao) Đại Bổn Pháp Tạng nguyện vân: “Ngã tác Phật thời, giả linh thập phương chúng sanh, giai tác Duyên Giác, Thanh Văn, giai tọa Thiền nhất tâm, dục kế ngã niên thọ kỷ thiên ức vạn kiếp, vô năng tri giả”, khởi diệc thường sở kiến thân chi vô lượng hồ?
(鈔)大本法藏願云:我作佛時,假令十方眾生,皆作緣覺聲聞,皆坐禪一心,欲計我年壽幾千億萬劫,無能知者,豈亦常所見身之無量乎。
(Sao: Trong kinh Đại Bổn, ngài Pháp Tạng nguyện rằng: “Khi ta thành Phật, giả sử mười phương chúng sanh đều là Duyên Giác, Thanh Văn, đều tọa Thiền nhất tâm, muốn tính xem ta thọ mấy ngàn ức vạn kiếp đều chẳng thể biết”, há chẳng phải là cái thân thường thấy cũng là thọ vô lượng ư?)
Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ. Ở đây, trích dẫn bốn mươi tám nguyện nhằm chứng minh “A Di Đà Phật thọ vô lượng” xác thực là vô lượng thọ. Dẫu trong phần trên có nói là hữu lượng, nhưng trời lẫn người đều chẳng tính được, chẳng có cách nào tính toán.
(Sao) Thị cố, nhập diệt Song Lâm, hoặc kiến Linh Sơn vị tán, Xá Na thiên trượng, hoặc kiến trượng lục kim thân, Phật bổn bất di, cơ tự dị cố. Tắc vị bỉ Phật thọ mạng, tức vô lượng chi vô lượng, diệc hà bất khả?
(鈔)是故入滅雙林,或見靈山未散,舍那千丈,或見丈六金身,佛本不移,機自異故。則謂彼佛壽命,即無量之無量,亦何不可。
(Sao: Do vậy, nhập diệt chốn Song Lâm, hoặc thấy hội Linh Sơn chưa giải tán, thân Lô Xá Na Phật cao ngàn trượng, hoặc thấy thân vàng trượng sáu, Phật vốn chẳng dời, do căn cơ mà thấy sai khác. Do vậy, nói thọ mạng của đức Phật ấy chính là vô lượng của vô lượng thì cũng chẳng có gì là không được!)
Đoạn này viện dẫn Thích Ca Mâu Ni Phật làm tỷ dụ, Ngài nhập diệt tại Song Lâm.
(Diễn) Thị cố hạ, dẫn Thích Ca lệ Di Đà, nhập diệt Song Lâm, nãi Ứng Thân, bị phàm tiểu cơ. Cơ tân ký tận, ứng hỏa tắc vong.
(演)是故下,引釋迦例彌陀,入滅雙林,乃應身,被凡小機,機薪既盡,應火則亡。
(Diễn: Từ chữ “do vậy” trở đi, dẫn Phật Thích Ca để suy diễn Phật Di Đà. Nhập diệt tại Song Lâm là Ứng Thân nhằm độ hàng phàm phu tiểu cơ. Củi cơ duyên đã hết, lửa ứng hóa bèn tắt).
Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện trong thế gian, giáng sanh tại vương cung, ba mươi tuổi thị hiện thành đạo, thuyết pháp bốn mươi chín năm, bảy mươi chín tuổi “nhập diệt Song Lâm”, [tức là] nhập diệt trong rừng cây [Sa La] Song Thụ. Đấy là Ứng Thân của Thích Ca Mâu Ni Phật. Ứng Thân có tác dụng gì? Giáo hóa phàm phu, giáo hóa Tiểu Thừa. Đối tượng giáo học đã hết, đức Phật bèn ra đi. Nói thật ra, Ứng Thân của Phật thọ mạng dài ngắn tự tại, chẳng giống như chúng ta. Thọ mạng của chúng ta là nghiệp báo, mong kéo dài chẳng thể kéo dài, muốn rút ngắn cũng chẳng thể rút ngắn, thân nghiệp báo mà! Có người sống không nổi, bèn tự sát, tự sát có giải quyết vấn đề hay chăng? Chẳng giải quyết được! Tự sát còn khổ sở, còn đáng sợ hơn là sống sót! Vì sao? Thọ mạng của quý vị chưa hết, quý vị đoạn dứt nó, phàm là kẻ tự sát đều phải tìm kẻ chết thay, chẳng tìm kẻ thế thân, người ấy chẳng có cách nào đi luân hồi, chẳng có cách nào đầu thai, mới biết đó thật sự là khổ sở!
Chư Phật, Bồ Tát nương theo nguyện trở lại, nên thọ mạng dài ngắn tự tại. Các Ngài muốn trụ trong thế gian này một trăm năm, hai trăm năm, thậm chí trụ một ngàn năm, hai ngàn năm, đều làm được! Vì sao các Ngài chẳng thường trụ trong thế gian? Nói thật thà, thường trụ trong thế gian chẳng có tác dụng, chẳng thể độ chúng sanh. Chúng sanh thấy Thích Ca Mâu Ni Phật đã sống ba ngàn năm, chúng con làm sao có thể sánh bằng Ngài? Chẳng sánh bằng thì chúng con chẳng có cách nào học theo Ngài! Vì thế, để dạy bảo chúng ta, đức Phật nhất định phải thị hiện hoàn toàn giống như chúng ta, sau đó mới bảo: “Ta có thể thành tựu, quý vị cũng có thể thành tựu!” Chúng ta nghe nói gật đầu, có thể tin tưởng, có thể tiếp nhận.
Những chúng sanh hữu duyên đều đắc độ, thân thể Ngài lưu lại thế gian vô dụng, đó là “cơ tân ký tận” (củi cơ duyên đã hết), cơ (機) là cơ duyên, tức là học trò. Các học trò có thể giáo hóa chẳng còn, đều đã thành tựu, “ứng hỏa tắc vong” (lửa ứng hóa bèn tắt), lửa cần có củi đốt, củi chẳng còn nữa, đương nhiên lửa cũng tắt, đó là đạo lý nhất định. Học trò chẳng có, thầy cũng chẳng có. Có học trò thì mới có thầy. Chẳng có học trò thì thầy cũng chẳng còn! Đó là nói đến Ứng Thân.
(Diễn) Linh Sơn vị tán, nãi Báo Thân, bị Bồ Tát cơ. Cơ ký thường thời, Phật diệc thường tại.
(演)靈山未散,乃報身,被菩薩機,機既常時,佛亦常在。
(Diễn: Hội Linh Sơn chưa giải tán là nói về Báo Thân nhằm độ Bồ Tát. Căn cơ đã thường tồn tại, đức Phật cũng thường tồn tại).
Đời Tùy, Trí Giả đại sư thuộc tông Thiên Thai đọc kinh Pháp Hoa, đọc đến phẩm Dược Vương Bồ Tát, lão nhân gia nhập Định. Trong Định, Ngài tới núi Linh Thứu, Thích Ca Mâu Ni Phật còn đang giảng kinh Pháp Hoa tại đó. Ngài ngồi nghe một buổi, trở về xuất Định, bảo mọi người: “Hội Linh Sơn nay vẫn chưa giải tán!” Ngài Trí Giả cách Thích Ca Mâu Ni Phật hơn một ngàn năm, Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh Pháp Hoa tại núi Linh Thứu vẫn chưa giải tán, Trí Giả đại sư đích thân trông thấy. Không chỉ là vào thời Trí Giả đại sư hội ấy chưa giải tán, mà thưa cùng chư vị, hiện thời cũng chẳng giải tán! Rất đáng tiếc, quý vị đến Ấn Độ lên núi bái Phật, thấy núi Linh Thứu, chẳng thấy Thích Ca Mâu Ni Phật, mà cũng chẳng thấy Ngài đang giảng kinh Pháp Hoa tại đó. Hội ấy thật sự chưa tan. Điều này cũng chứng tỏ hết thảy các pháp bất sanh bất diệt, tùy thuộc quý vị có duyên phận hay không!
Nói theo Lý, người nào chẳng có duyên phận? Ai nấy đều có! Ai nấy đều có, cớ sao hiện tại chẳng có? Hiện thời, duyên của quý vị tạm thời gián đoạn, vì sao gián đoạn? Do quý vị có hai thứ chướng hoặc ba thứ chướng, có vọng tưởng, chấp trước, nên quý vị chẳng thấy. Lìa khỏi hết thảy vọng tưởng, chấp trước, sẽ trông thấy. Chư vị nghĩ xem, muốn học kinh, muốn đọc kinh, cần gì phải phiền phức như vậy? Hễ tâm địa thanh tịnh, thứ gì cũng đều hiện thành, chẳng cần phải kiếm chuyện phiền phức ấy! Do đó, Phật pháp cầu ở nơi đâu? Cầu trong tự tánh! Chẳng phải là ở ngoài tâm, cầu pháp ngoài tâm là ngoại đạo. Vì thế, chính mình học Phật mà học thành ngoại đạo, vẫn chẳng biết, oan uổng quá! Phật pháp phải học từ trong tự tánh.
Trí Giả đại sư là Bồ Tát, nên Ngài có thể trông thấy. Nay chúng ta chẳng thấy, chúng ta chẳng phải là Bồ Tát. Nhưng chư vị phải nhớ, nếu quý vị thật sự phát Bồ Đề tâm, nhất tâm chuyên niệm, quý vị là Bồ Tát. Đáng tiếc là hằng ngày niệm kinh, kinh đã dạy như thế, trong các buổi giảng chúng tôi cũng hằng ngày lớn tiếng kêu gào như vậy, quý vị chẳng thể phát cái tâm Bồ Đề! Đó là vì chẳng chịu một mực chuyên niệm, khi niệm Phật vẫn còn xen tạp! Trong Tây Phương Xác Chỉ, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát đã bảo: “Pháp môn này kỵ nhất là xen tạp”. Chúng ta khăng khăng muốn xen tạp, làm cách nào đây? Cứ ngỡ chính mình thông minh, tự cho là đúng, lầm lỡ chính mình!
(Diễn) Xá Na thiên trượng, nãi Bồ Đề tràng sở hiện Báo Thân.
(演)舍那千丈,乃菩提場所現報身。
(Diễn: Lô Xá Na Phật thân cao ngàn trượng, chính là Báo Thân hiện nơi Bồ Đề đạo tràng).
Đây là Lô Xá Na Phật, là cảnh giới trong kinh Hoa Nghiêm. Tỳ Lô Giá Na là Pháp Thân Như Lai, Lô Xá Na là Báo Thân Như Lai, Thiên Bách Ức Hóa Thân là Thích Ca Như Lai, ba thân là một nhưng là
ba, tuy là ba mà một, kinh Hoa Nghiêm nói như vậy.
(Diễn) Trượng lục kim thân nãi Lộc Dã Uyển sở hiện Ứng Thân, nhị thỉ đồng thời, song thùy lưỡng tướng dã.
(演)丈六金身乃鹿野苑所現應身,二始同時,雙垂兩相也。
(Diễn: Thân vàng trượng sáu chính là Ứng Thân đã hiện tại Lộc Dã Uyển, hai thân ấy cùng đồng thời khởi đầu, rủ lòng thị hiện hai tướng).
Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành đạo, bộ kinh được giảng đầu tiên là kinh Hoa Nghiêm. Giảng kinh Hoa Nghiêm bèn hiện thân tướng cao lớn ngàn trượng. Thân tướng ấy thị hiện trong Định, phàm phu và Tiểu Thừa đều chẳng thấy. Trong mười bốn ngày giảng Hoa Nghiêm, thính chúng là bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ, đó là khởi đầu. Sau khi đức Phật giảng xong Hoa Nghiêm, xuất Định, tại Lộc Dã Uyển độ năm vị tỳ-kheo bèn giảng kinh A Hàm; đó là Ứng Thân, tức thân cao một trượng sáu, phàm phu và Tiểu Thừa trông thấy thân ấy. “Nhị thỉ đồng thời”: Nhị Thỉ (二始: hai thứ khởi đầu), một là trong Định giảng Hoa Nghiêm, hai là xuất Định, ở Lộc Dã Uyển, giảng kinh A Hàm cho năm vị tỳ-kheo. “Song thùy lưỡng tướng” nghĩa là đồng thời hiện hai loại thân tướng khác nhau. Năm vị tỳ-kheo tại Lộc Dã Uyển thấy Ứng Thân, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong Định thấy Báo Thân, tức là Lô Xá Na Phật cao ngàn trượng.
(Diễn) Phật bổn bất di, cơ tự dị giả.
(演)佛本不移,機自異者。
(Diễn: Phật vốn chẳng đổi dời, do căn cơ mà tự thấy khác biệt).
Phật chẳng phải là hữu tâm hiện tướng, Phật chẳng phải là cố ý. Hễ đức Phật hữu tâm, hữu ý, sẽ là phàm phu. Phàm phu sở dĩ chẳng giống Phật, Bồ Tát là do hữu tâm, hữu ý, có cách nghĩ, có cách nhìn. Mỗi người có cách nghĩ và cách nhìn của riêng họ, chư Phật, Bồ Tát chẳng có cách nghĩ, mà cũng chẳng có cách nhìn của riêng mình. Vì thế, tâm các Ngài thanh tịnh, chẳng sanh một niệm. Hiện tướng là tự nhiên hiện, chẳng phải là cố ý hiện. Chúng sanh có cảm, Phật bèn có ứng, tự nhiên hiện thân, cảm ứng đạo giao. Dùng gì để cảm? Dùng tâm để cảm. Tùy thuộc vào mức độ của tâm thanh tịnh và chân thành trong tâm quý vị, tùy thuộc mức độ nguyện lực và công đức sâu hay cạn, dùng những điều ấy để cảm, Phật tự nhiên ứng hiện. Mỗi người chúng ta tâm địa thanh tịnh, tâm địa chân thành, tâm địa cung kính, chân thành, công đức sâu hay cạn khác nhau, nên Phật ứng hiện tướng cũng khác nhau, đạo lý ở ngay chỗ này. Tiếp đó, sách viết mấy câu rất thú vị:
(Diễn) Pháp Thân khởi dụng, như không cốc truyền thanh.
(演)法身起用,如空谷傳聲。
(Diễn: Pháp Thân khởi tác dụng, như hang trống dội lại tiếng vọng).
“Không cốc” là sơn cốc (hang núi). Chúng ta ở trong hang núi hét to một tiếng, ngay lập tức có tiếng vọng. Âm thanh của quý vị dài, tiếng vọng sẽ dài. Âm thanh ngắn, tiếng vọng sẽ ngắn. Tiếng vọng tương ứng với âm thanh mà quý vị đã hét. Sánh ví Pháp Thân như hang trống, chúng ta ở đó hú dài, tức là cảm, tiếng vọng là ứng. Chúng ta có tâm, tiếng vọng vô tâm, vô tâm mới là thật sự bình đẳng. Tuy mọi người thấy hình tướng khác nhau, nhưng nói theo phía Phật thì bình đẳng. Phật trọn chẳng hữu ý hiện [thân tướng nào]. Hữu ý sẽ là bất bình đẳng. Nói thật thà, chúng ta xử sự, đãi người, tiếp vật, hữu tâm sẽ chẳng bình đẳng, vô tâm bèn bình đẳng. Chúng ta hãy nên học tập điều này. Hôm nay đã hết thời gian rồi!
[1] Câu này hơi khó hiểu, nên chúng tôi mạn phép ghi thêm như sau: Hòa Thượng có ý nói, nếu nói đến Báo Thân và Ứng Thân thì mới có khái niệm thọ lượng, vì chúng còn thuộc trong vòng ngôn ngữ và suy lường. Nếu nói về Pháp Thân thì không thể nào nói đến thọ hay chẳng thọ, vì nói kiểu nào cũng rơi vào đối đãi nhị biên; bởi lẽ, Pháp Thân là Lý Thể, là Chân Như. Lý Thể Chân Như đã vượt ngoài suy lường, ngôn ngữ.
[2] Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ Ký (do ngài Đàm Vô Kiệt dịch sang chữ Hán) và Phật Thuyết Như Huyễn Tam Ma Địa Vô Lượng Ấn Pháp Môn (do ngài Thi Hộ dịch).