KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 92
Nếu muốn vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Tây Phương Cực Lạc là thế giới gì? Ở trong kinh chúng ta thấy quá rõ ràng, quá minh bạch rồi, là pháp giới của Bồ Tát Phổ Hiền, không phải Bồ Tát phổ thông. Hay nói cách khác, hạnh Bồ Tát phổ thông không thể vãng sanh thế giới Cực Lạc được. Vãng sanh thế giới Cực Lạc phải tu hạnh Phổ Hiền, “Kinh Vô Lượng Thọ” nói rõ ràng như vậy, “Kinh Hoa Nghiêm” cũng nói rõ ràng như vậy. Có lẽ đồng tu muốn hỏi, chúng ta nhìn thấy rất nhiều cụ bà, cụ ông niệm Phật được mấy năm họ thật sự vãng sanh, không giả chút nào cả. Lúc họ lâm chung nói cho người bên cạnh biết, Phật A Di Đà đến tiếp dẫn tôi, tôi đi với Ngài rồi, đây là sự thật không phải giả. Chúng ta muốn hỏi, họ có tu hạnh Bồ Tát Phổ Hiền không? Có. Cái niệm cuối cùng đó là hạnh Phổ Hiền, thế thì chắc chắn được sanh, đạo lý là ở chỗ này. Hạnh Phổ Hiền là gì? Là tâm thanh tịnh và tâm bình đẳng. Tâm thanh tịnh là phổ, tâm bình đẳng là phổ. Tâm của bạn không thanh tịnh, không bình đẳng liền có giới hạn ngay. Có giới hạn là không bình đẳng. Hay nói cách khác bạn vẫn còn phân biệt, vẫn còn chấp trước thì không phải hạnh Phổ Hiền. Chúng ta bố thí cúng dường, chiêm lễ xưng danh hiệu, đây đều là tu hành, là việc mọi người làm thường ngày, nhưng bạn có phân biệt, bạn có chấp trước, thì việc này của bạn là không phải hạnh Phổ Hiền. Xem bạn là hạnh Bồ Tát, chứ không phải là hạnh Bồ Tát Phổ Hiền. Ở trong hạnh Bồ Tát Phổ Hiền không có phân biệt, không có chấp trước. Lìa tất cả phân biệt, chấp trước thì mỗi hành động chiêm ngưỡng lễ bái của chúng ta là hạnh Phổ Hiền, bố thí, cúng dường cũng là hạnh Phổ Hiền, thậm chí là nói chúng ta mặc áo ăn cơm đều là hạnh Phổ Hiền. Rơi vào trong phân biệt, chấp trước thì không phải hạnh Phổ Hiền. Hạnh Phổ Hiền, Ngài tương ưng với pháp giới, Ngài không có giới hạn. Chúng ta thông thường nói công đức này là lớn nhất, là không thể nghĩ bàn. Niệm niệm tương ưng với hư không pháp giới, đây là thuộc về lý nhất tâm. Hễ là người vãng sanh, thì niệm cuối cùng nhất định là không có tất cả phân biệt, chấp trước, họ đi rồi. Một niệm sau cùng vẫn còn phân biệt, chấp trước, thì họ lại rơi trở lại rồi. Nhưng làm sao chúng ta có thể bảo đảm một niệm sau cùng của mình là không có phân biệt, chấp trước? Cái này quá khó quá khó. Cho nên tu hành là điều chỉnh tư tưởng, kiến giải, hành vi sai lầm của chúng ta. Nhất định phải ở trong đời sống thường ngày lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, công phu đắc lực rồi thì mình mới thật sự nắm chắc có phần vãng sanh. Ở trong đời sống thường ngày, bất kể là đời sống vật chất hay đời sống tinh thần, có cũng tốt, không có cũng tốt. Có cũng không phân biệt, không chấp trước, không có cũng không phân biệt, cũng không chấp trước, bạn liền được tự tại. Không có mà muốn đạt được, có rồi lại sợ mất hết, lo được lo mất, như vậy một ngày bạn niệm mười vạn tiếng Phật hiệu, một ngày cúi lạy mười vạn lần thì bạn cũng chưa chắc có thể thoát khỏi lục đạo luân hồi. Nguyên nhân gì vậy? Lục đạo luân hồi là do chấp trước tạo nên. Bạn vẫn còn chấp trước nghiêm trọng như vậy thì sao bạn có thể thoát khỏi được? Thập pháp giới là do phân biệt tạo nên. Chỉ cần có phân biệt, có chấp trước thì bạn sẽ không có cách gì thoát khỏi lục đạo và thập pháp giới được. Những gì bạn tu không phải là hạnh Phổ Hiền. Hạnh Phổ Hiền xin thưa đơn giản với quý vị đồng tu là ngay nơi tất cả pháp mà không sinh tâm phân biệt, chấp trước, thì bất kể bạn tu pháp môn gì cũng là hạnh Phổ Hiền. Vừa mới nói qua rồi, mặc áo ăn cơm cũng là hạnh Phổ Hiền, điều này quan trọng! Quả thật tất cả không phân biệt, không chấp trước, bạn liền chuyển cảnh giới ngay, bạn sẽ không bị cảnh giới chuyển nữa. Trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói với chúng ta năm mươi loại ấm ma, bất kỳ một loại ấm ma nào, cũng không thể ám vào thân bạn được. Bạn muốn hỏi tại sao không ám vào thân của bạn? Bởi vì bạn không có thân, họ ám vào cái gì được? Bạn có thân họ mới có thể ám vào được. Bạn không có thân. Rõ ràng có cái thân này, sao không có thân được? Có tức là không. Bạn có cái thân này, mà bạn không chấp trước thân này là thân, thì không có thân. Tại sao oan gia trái chủ có thể tìm được thân của bạn? Bạn chấp trước cái thứ này là thân của bạn, họ liền tìm được ngay. Bạn không chấp trước nó, thì thật sự họ không thể nhìn thấy bạn, họ không thể tìm thấy bạn. Bởi vì chấp trước cái thân này là ta, họ nhìn thấy rồi, họ tìm được bạn, họ đến báo thù. Nếu bạn không chấp trước cái thứ này là thân thì họ không thể tìm thấy bạn, không có. Đạo lý này phải biết. Yêu ma quỷ quái cỡ nào cũng không thể ám vào bạn được. Thế bạn ở đâu? Tận hư không, khắp pháp giới là mình. Yêu ma quỷ quái cũng không có lìa khỏi hư không pháp giới. Bạn bao dung họ, nhưng họ không thể bao dung bạn. Bất kể họ tác quái như thế nào, đó cũng chỉ là vấn đề rất nhỏ, rất nhỏ. Giống như đau ngứa ở chỗ nào đó trên thân thể này của bạn vậy, gãi một chút là khỏi ngay, không bị tổn hại. Bạn có phân biệt, chấp trước thì phiền phức lớn rồi. Cho nên nói lời chân thật với bạn, con người không bị mắc bệnh. Bệnh từ đâu mà ra? Từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà ra. Con người không bị già yếu. Sao già vậy? Vì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà già. Con người cũng không bị chết. Tại sao bị chết? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên bạn mới chết. Lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì thảy đều không còn. Bạn ở trong hư không pháp giới, có duyên với tất cả chúng sanh, trong kinh nói tùy loại hóa thân, ứng cơ thuyết pháp. Bạn nói tự tại biết bao! Tùy loại hóa thân, hiện tướng tức là vô tướng, không thân tức là có thân, có không là một không phải hai. Thuyết pháp là giúp chúng sanh giác ngộ. Tuy hết lòng hết sức giúp đỡ họ, cũng là dường như có dường như không. Lời đức Phật nói trong “Kinh Kim Cang”: “Độ vô lượng vô biên chúng sanh mà thực không có chúng sanh nào được độ.” Cho nên bạn không thể gây phiền phức cho đức Phật được, vì thực không có chúng sanh nào được độ mà. Bạn muốn phỉ báng đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói cả đời Ngài xưa nay chưa có thuyết pháp một câu nào. Nếu bạn nói Phật thuyết pháp là phỉ báng Phật. Làm sao bạn có thể phê bình Ngài được? Ngài không có nói một câu nào, không có nói một chữ nào. Nói tức là không nói, không nói mà nói, nói với không nói là một không phải hai. Bạn hãy thể hội thật kỹ ý nghĩa này, mới thấy Ngài cao siêu. Chúng ta có nói, người ta bắt được bạn mới phỉ báng bạn. Anh nói sai rồi! Ngài không có nói, thì Ngài sai ở chỗ nào? Có nói thì có sai, không nói thì không có sai. Quý vị thể hội thật kỹ ý nghĩa này. Ngài làm “Làm mà không làm, không làm mà làm”. Ý nghĩa “có không” ở trong đây rất sâu. Sợ quý vị hiểu lầm, nên tôi lại giải thích một cách đơn giản. Có nói là nói cho chúng sanh, không nói là không có nói cho mình. Có làm là làm cho chúng sanh, không làm là không có làm cho mình. Tôi nói như vậy thì bạn sẽ tương đối dễ hiểu. Cho nên chư Phật Bồ Tát, chỉ có vì chúng sanh, vì xã hội, vì nhân dân chứ tuyệt đối không có vì mình. Bạn muốn gây phiền phức cho họ, chắc chắn là không thể được. Tại sao vậy? Họ không có mình. Người này là thật sự giác ngộ rồi. Biết mình sống ở trong mộng, huyễn, bọt, bóng, biết mình sống ở trong từng sát-na, người này là thật sự giác ngộ rồi, cho nên họ mới thảy đều không còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Họ tương ưng với chân tướng sự thật. Ở góc độ tồn tại mà nói, họ tương ưng với từng sát-na. Trên hiện tướng là họ tương ưng với mộng, huyễn, bọt, bóng, họ không còn một mảy may chấp trước nào, không quan tâm được mất. Làm nhiều việc tốt đi nữa, cũng không có việc gì, chỉ là giấc mộng. Nhìn thấy nhiều người làm việc ác cũng chẳng có việc gì, chỉ là giấc mộng. Những gì nhìn thấy ở trong đây là tất cả tạo tác của chúng sanh, là nghiệp. Đây chính là nhân quả không có không. “Muôn pháp đều không, nhân quả không có không.” Phật quan sát chúng sanh tạo nghiệp. Tại sao nói nhân quả không có không? Nhân quả tương tục không có không, nhân quả chuyển biến không có không, nhân sẽ chuyển biến thành quả, quả lại chuyển biến thành nhân kế tiếp, nhân quả tuần hoàn, nhân quả tương tục. Các Ngài nhìn thấy điều này, cho nên mới dạy mọi người, nếu bạn gieo nhân thiện, bạn mới có thể được quả thiện. Đây là dạy cho ai? Cho người chưa có giác ngộ, giúp bạn ở trong lục đạo nhận được quả báo của ba đường thiện, không bị rơi vào ba ác đạo, đây là từ bi. Người thế gian chúng ta gọi là từ bi. Đức Phật có ý nghĩ từ bi này hay không? Không có. Đức Phật nói tôi rất từ bi, đại từ đại bi thì Ngài biến thành chúng sanh rồi, Ngài lại dính tướng rồi, Ngài lại có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước rồi. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước cũng không còn. Ở trong thế gian này của chúng ta có giảng kinh thuyết pháp. Đức Phật nói cho chúng ta biết thế giới Tây Phương Cực Lạc, đức Phật A Di Đà cũng giảng kinh thuyết pháp. Nếu như bạn thật sự về thế giới Tây Phương Cực Lạc, bạn hãy nghe xem, đức Phật A Di Đà giảng kinh gì? Thuyết pháp gì cho bạn? Không có. Nói giảng kinh thuyết pháp là nói với phàm phu chúng ta. Thế giới Tây Phương Cực Lạc có giảng kinh thuyết pháp hay không? Không có. Không nói tức là nói, nói tức là không nói, đó là thật sự nói, bạn là thật sự nghe. Trong kinh nói không sai, sáu trần đều thuyết pháp. Sáu trần thuyết phải không? Không phải, biểu tượng. Bạn thấy sắc, nghe tiếng liền khai ngộ, càng ngộ càng sâu, càng ngộ càng rộng, chẳng có ai nói dài dòng từng câu từng câu với bạn cả, không có. Đâu có phiền phức như vậy! Như thế là nhìn sai lệch thế giới Tây Phương Cực Lạc rồi. Mỗi ngày cúng dường chư Phật mười phương. Trong lúc cúng dường bạn liền ngộ nhập diệu pháp. Thực ra cảnh giới này, trong “Hoa Nghiêm” đã hiển thị quá rõ ràng rồi. Cho nên khi bạn mở “Hoa Nghiêm” ra sẽ thấy vô cùng hoan hỷ. Chỉ cần bạn có thể xem hiểu được ý nghĩa của nó, sẽ vô cùng hoan hỷ, đâu cần phải nói? Chỗ nào cũng là biểu tượng. Biểu tượng chính là thuyết pháp. Tại sao đức Phật không trực tiếp thuyết pháp cho chúng ta? Phải nói ra tên của những vị quỷ thần này, nói ra Vua của các chư thiên này, nói trực tiếp là được rồi. Những vị đó đều là chư Phật Bồ Tát tham dự pháp hội, pháp thân đại sĩ tham dự pháp hội. Tại sao không nói vị Bồ Tát Đẳng Giác này, vị Bồ Tát Pháp Vân Địa kia, tại sao không nói như vậy? Nếu nói như vậy là nói chết cứng rồi. Đức Phật dùng loại tạp thần, dùng vua của chư thiên này làm biểu tượng, là linh hoạt. Khiến bạn nhìn thấy hết thảy vạn vật này, liền biết rằng thảy đều là cảnh giới Hoa Nghiêm. Nhìn thấy cây, là thần cây, nhìn thấy nước, là thần nước, chẳng phải đều là cảnh giới Hoa Nghiêm. Cảnh giới Hoa Nghiêm ở đâu vậy? Sáu căn chúng ta tiếp xúc đều là Hoa Nghiêm. Nhìn thấy tất cả chúng sanh đều là pháp thân đại sĩ, đều là những chúng tạp thần. Nhìn thấy những vị lãnh đạo trong các giai cấp xã hội, đó đều là những chúng vua trời, chúng vua người, cho nên kinh này là nói linh hoạt. Hóa ra “Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm” chính là nói về xã hội của chúng ta, chính là nói về môi trường sống của chúng ta. Mảy bụi cọng lông, hạt cát giọt nước không có gì không phải cảnh giới Hoa Nghiêm. Bạn nói con người sống ở trong đây, sao mà không hạnh phúc được? Sao họ không hoan hỷ được? Hoàn cảnh xung quanh đều là chư Phật Như Lai, đều là pháp thân đại sĩ. Nếu bạn nhận ra được thì nơi đây chính là cảnh giới Hoa Nghiêm. Nếu không nhận ra được thì hãy về thế giới Cực Lạc, về nơi đó để hun đúc. Nhận ra rồi thì tận hư không, khắp pháp giới đều là thế giới Cực Lạc, tận hư không, khắp pháp giới đều là thế giới Hoa Tạng. Chúng ta có thể khế nhập đến cấp độ này bạn mới thật sự cảm cái ơn của đức Phật, mới biết lời đại sư Thiện Đạo nói đó thật là tuyệt diệu, là do “gặp duyên khác nhau”. Chúng ta gặp được duyên quá thù thắng, vô cùng thù thắng. Đúng như lời Bành Tế Thanh nói: Một ngày hiếm có, khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta gặp được rồi. Bạn làm sao mới có thể khế nhập vậy? Bạn phải tu thật. Sau khi hiểu rõ buông xả, thân tâm thế giới tất cả buông xả. Không mong cầu tự tánh liền hiện tiền, bản tánh liền hiện tiền. Có mong cầu, cái niệm tâm mong cầu đó là chướng ngại của tự tánh. Đây là nói rõ chân tướng sự thật, thật sự là mộng, huyễn, bọt, bóng. Chúng ta mỗi ngày đang nằm mộng, tương tục theo từng sát-na. Câu sau cùng của chú giải rất hay, hàng thứ hai trang sáu mươi bảy, bắt đầu xem từ chính giữa. “Cố viết như mộng cần gia, không danh hoặc tuyệt. Hồi quán thế gian giai mộng trung sự. Duy đại giác lãng nhiên, xưng đại mộng giác nhĩ” (Cho nên nói: Trong mộng càng thêm siêng gắng, danh từ rỗng không, dứt bặt các hoặc, nhìn lại thế gian đều là chuyện trong mộng. Chỉ có bậc đại giác rõ biết, nên gọi là sự giác ngộ trong giấc mộng lớn vậy.) Cảnh giới của chư Phật Bồ Tát là đại giác rõ biết. Từ trong giấc mộng lớn tỉnh ngộ trở lại, đây là chư Phật Bồ Tát. Vâng, mời xem đoạn kinh văn dưới đây:
“Cánh năng mỗi nhật niệm Bồ Tát danh thiên biến, chí ư thiên nhật.”
(Nếu người đó lại có thể trong mỗi ngày niệm danh hiệu của Bồ Tát một nghìn biến luôn đến một nghìn ngày.)
Đây là nói tu nhân, thời gian dài hơn nữa. Phía trước từ một ngày đến bảy ngày, sau đó nói hai mươi mốt ngày. Thời gian này dài, “Nghìn ngày”, đây là ba năm. Ba năm không gián đoạn, đủ thấy nghị lực và tâm bền bỉ của họ, ba năm không gián đoạn, tức là mỗi ngày bạn có thời khóa cố định. Tuy thời khóa cố định không nhiều, nhưng không bỏ sót ngày nào cả. Việc này trong kinh gọi là tương tục, phù hợp với yêu cầu tịnh niệm tương tục này. Tới giờ nhất định phải vào thời khóa, niệm danh hiệu Bồ Tát một nghìn tiếng, thời gian cũng không phải rất dài, phải có tâm bền bỉ, ba năm không gián đoạn.
“Thị nhân đương đắc Bồ Tát khiển sở tại thổ địa quỷ thần chung thân vệ hộ”
(Thời người đó sẽ được Bồ Tát sai các vị Quỉ Thần ở tại chỗ đó hộ vệ trọn đời.)
Bồ Tát sai thần hộ pháp bảo vệ bạn. Thật sự mà nói, là bởi vì bản thân bạn tu trì có công phu, nên những vị quỷ thần này kính ngưỡng bạn, Bồ Tát Địa Tạng hoan hỷ, cảm được quỷ thần hộ vệ. Cái này đều thuộc về quả báo, bạn được quỷ thần hộ vệ.
“Hiện thế y thực phong ích, vô chư tật khổ, nãi chí hoạnh sự, bất nhập kỳ môn, hà huống cập thân.”
(Hiện đời món ăn đồ mặc dư dật, không có các thứ bịnh khổ, cho đến các sự tai vạ còn không hề vào đến cửa, huống nữa là đến nơi thân.)
Chúng ta xem đến đoạn kinh văn này, đây là những điều cần thiết trong hoàn cảnh sống hiện nay của chúng ta. Hiện nay thế gian này có tai nạn, tai biến quá nhiều, chúng ta không có cách gì lường trước được, bất kỳ lúc nào ở đâu cũng có thể gặp phải. Chúng ta phải xử trí như thế nào? Trước đây Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam dạy chúng tôi, chỉ có nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Cho nên ở trong tai nạn lớn, bạn vẫn có thể được bình an, đồ ăn đồ mặc của bạn không bị thiếu. Phải tu như thế nào? Phải tu bố thí. Đừng sợ tôi thảy đều bố thí hết rồi, tôi không còn gì để ăn, để mặc thì làm thế nào? Bạn thảy đều bố thí hết rồi, bạn không còn gì để ăn, để mặc, thì Phật Bồ Tát sẽ tặng đồ ăn, đồ mặc cho bạn, bạn phải có niềm tin này. Đến lúc đó Phật Bồ Tát không đưa đến thì làm thế nào? Nghiệp chướng của mình quá nặng. Hãy nghiêm túc nỗ lực nhất tâm niệm Phật, tuyệt đối không oán trời, không trách người, sẽ cảm ứng đạo giao.
“Vô chư tật khổ.”
(Không có các thứ bịnh khổ)
“Tật” là bệnh. Bạn sẽ không bị bệnh tật, bạn sẽ không bị khổ nạn. “Hoạnh sự” là tai họa, thiên tai nhân họa không thể lường trước được, bạn sẽ không gặp phải những việc này, những tai biến này. “Bất nhập kỳ môn, hà huống cập thân.” (Không hề vào đến cửa, huống nữa là đến nơi thân.) “Bất nhập kỳ môn” (Không hề vào đến cửa) Tức là môi trường cư trú của bạn sẽ không xảy ra những chuyện này. Đương nhiên thân của bạn sẽ không gặp phải những sự nguy hại này. Nghĩ đến điểm này, hiện nay bạn niệm Phật, niệm Bồ Tát rất thiết tha, hiện tại thật sự là có thể tiêu nghiệp chướng, tránh khỏi được tất cả tai nạn. Tiêu tai miễn nạn, phương pháp tu học duy nhất là niệm A Di Đà Phật, tốt, niệm Quán Thế Âm Bồ Tát cũng tốt, niệm Địa Tạng vương Bồ Tát cũng tốt, phải nhất tâm xưng niệm. Nhớ kỹ tâm hạnh tương ưng thì cảm ứng mới thù thắng. Nếu như miệng niệm mà tâm không tương ưng, vẫn là đi làm những việc tổn người lợi mình, tổn hại chúng sanh, tổn hại xã hội thì bạn niệm như thế nào cũng là uổng công. Tại sao vậy? Không tương ưng. Nhất định phải nhớ kỹ nguyên tắc mà phần trước trong kinh này đã nói, mỗi ngày xưng niệm một nghìn biến luôn đến một nghìn ngày, cũng không được lìa khỏi cái nguyên tắc này, đó chính là nhất tâm xưng niệm. Ở trong nhất tâm tuyệt đối không có xen tạp, không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước mới gọi là nhất tâm. Hơn nữa bạn phải biết coi việc niệm Phật, niệm danh hiệu Bồ Tát là loại bài tập, học tập tại các buổi thời khóa, và sau khi học rồi, phải biết ứng dụng vào trong đời sống mới có lợi ích. Không thể nói tôi ở trong Phật đường thực hiện thời khóa nhất tâm được một giờ, nửa giờ. Sau khi thực hiện xong, lại đi làm chuyện thị phi nhân ngã, lại đi làm chuyện tham, sân, si, mạn, vậy thì không có lợi ích. Phải duy trì nhất tâm không thay đổi trong một ngày này của bạn. Ta luôn thành tâm, thành ý đối với người, với sự, với vật, luôn lợi ích chúng sanh, lợi ích cho người khác. Đây gọi là chân tu hành, vậy mới gọi là thật sự biết dụng công, họ mới có cảm ứng đạo giao. Tuyệt đối không phải muốn hối lộ Phật Bồ Tát, con hằng ngày niệm theo phương pháp này của Ngài, Ngài phù hộ con thăng quan, phù hộ con phát tài, người đó là oan gia, con mong nó chết mau mau một chút. Bạn khởi lên loại ý nghĩ này là sai rồi, vậy là không đúng. Nhất định tu cái gì? Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi, để đối nhân xử thế. Niệm Phật, là tâm của ta giống Phật, nguyện giống Phật, hạnh giống Phật, dùng vào trong đời sống một ngày này. Sáng sớm ngày mai niệm tiếp, sợ ngày mai quên mất, ngày mai niệm tiếp một biến. Mỗi ngày làm như vậy, làm được ba năm, bạn đã làm quen rồi thì bạn nhất định sẽ mãi mãi làm tiếp, cho nên mới được thiện thần ủng hộ, Phật Bồ Tát hộ niệm.
“Thị nhân tất cánh đắc Bồ Tát ma đảnh thọ ký.”
(Rốt ráo rồi người đó được Ngài Địa-Tạng Bồ Tát xoa đảnh thọ ký cho.)
Đây là được quả báo rốt ráo viên mãn. Bồ Tát ở đây là chỉ Bồ Tát Địa Tạng. Nhất định được Bồ Tát Địa Tạng xoa đảnh thọ ký cho bạn. Nhân bạn tu là chân thật, nên quả báo của bạn đương nhiên sẽ thù thắng. Phật, Bồ Tát sẽ dạy bạn làm thế nào tu nhân chứng quả. Đây là xoa đảnh thọ ký. Xem tiếp đoạn dưới đây, đây là đoạn thứ tư:
“Thành độ sanh chứng quả.” (Nguyện lớn chóng thành) Kinh văn càng về sau càng thù thắng, càng về cuối càng tỏ rõ Phật Bồ Tát từ bi. Chúng ta quan sát thật kỹ, sẽ thấy Phật Bồ Tát hết lòng đắng miệng khuyên bảo chúng ta.
“Phục thứ Quán Thế Âm Bồ Tát! Nhược vị lai thế hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, dục phát quảng đại từ tâm, cứu độ nhất thiết chúng sanh giả, dục tu Vô Thượng Bồ Đề giả, dục xuất ly Tam Giới giả.”
(Lại vầy nữa, này Quán Thế Âm Bồ Tát! Về đời sau, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào muốn phát lòng từ rộng lớn để cứu độ tất cả chúng sanh, muốn tu đạo vô thượng chánh giác, muốn thoát khỏi tam giới.)
Đây là nói điều kiện ra trước, đây là những người nào? Đây là những người rất tài giỏi, là Bồ Tát đích thực. “Thiện nam tử, thiện nữ nhân.” Chữ “Thiện” này, tất nhiên là có đầy đủ tịnh nghiệp tam phước, vậy mới là “thiện”, chứ không phải thiện thông thường. Người thiện trong thế gian, không có tâm lượng lớn như vậy được. Người thiện Nhị Thừa cũng không có cái tâm lượng này. Cho nên đây là thiện của Bồ Tát Đại Thừa. Họ “Phát tâm từ rộng lớn”. Bốn chữ “Tâm từ rộng lớn” này là bao gồm mười một câu trong tịnh nghiệp tam phước. Dưới đây nói ra cụ thể. “Cứu độ nhất thiết chúng sanh” (Cứu độ tất cả chúng sanh) “Tất cả” là tận hư không, khắp pháp giới, chứ không phải hạn định ở một khu vực nào, họ phát tâm lớn như vậy. Trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện nói: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.” “Dục tu vô thượng Bồ-đề” (Muốn tu đạo vô thượng chánh giác.) Trong tứ hoằng thệ nguyện nói: “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. “Dục xuất ly tam giới giả” (Muốn thoát khỏi tam giới” thì “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, bạn mới có thể thoát khỏi tam giới được. Đây là thật sự giác ngộ rồi. Trong chú giải chú rất hay. “Thử thị đại Bồ Tát tâm, tập hạnh Bát Nhã Ba La Mật, cố năng phát khởi độ nhân chi tâm. Nhiên từ bi bổn cụ, tích giả ngã nhân cố phân bỉ thử. Kim tri đồng thể cố phát đẳng tâm” (Đó là tâm của đại Bồ Tát, tập hạnh Bát Nhã Ba La Mật, cho nên có thể sinh khởi tâm độ người. Từ bi vốn đầy đủ, lúc trước còn phân chia ta và người nên còn đối đãi. Nay biết hết thảy đều cùng chung một thể nên khởi tâm bình đẳng) Mấy câu nói này nói rất hay. Chúng ta có phát cái tâm này hay không? Nếu như chưa có phát cái tâm này thì phải mau mau phát. Tuy phát cái tâm này, nhưng ở trong đời sống thường ngày vẫn dường như có dường như không thì tâm này không khẩn thiết, không chân thật. Cho nên trong tu học công phu không đắc lực, trong môi trường sống không thể chuyển cảnh giới được, đều là do chưa có thật sự phát tâm. Cho nên phát tâm nhất định phải chân thật. Tâm chân thật nhất định phải “Trụ trí tuệ chân thật”. Chỗ này nói: “Tập hạnh Bát Nhã ba-la-mật”. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” gọi là “Trụ chân thật tuệ”, thì bạn mới có thể phát khởi được cái tâm này. Cho nên “Từ bi bổn cụ.” (Từ bi vốn đầy đủ). Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, đều vốn đầy đủ trong tự tánh chúng ta, bạn vốn dĩ có đủ, bạn không có khác gì so với tất cả chư Phật Như Lai. Tại sao hiện nay bạn không có cái tâm này? Bởi vì bạn đã dính mắc nhân ngã. Trong “Kinh Kim Cang” nói bốn tướng. Bạn đã dính mắc “tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả”. Trong “Kinh Kim Cang” nói bạn đã dính mắc bốn tướng. Trên thực tế là bạn ở trong cảnh giới đã khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, bạn sai là ở chỗ này. Bạn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, nên bạn phân chia đó đây, phân chia ta người, tâm từ bi của bạn không thể hiện tiền. Không những từ bi không thể hiện tiền mà chân thành cũng không thể hiện tiền, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác thảy đều không thể hiện tiền, tánh đức vốn có không khởi tác dụng. Cái gì khởi tác dụng? Phiền não. Phiền não, vọng tưởng khởi tác dụng. Đời sống của bạn làm sao an lành được? Đương nhiên không an lành. Nếu như trí tuệ, đức năng vốn đầy đủ trong tánh đức của bạn khởi tác dụng, thì đời sống của bạn an lành, bạn sẽ sống đời sống của Phật Bồ Tát. Ở trong các buổi giảng chúng tôi thường nói, bạn sống đời sống trí tuệ cao độ. Người hiện nay gọi là đời sống nghệ thuật cao độ. Thực ra người thế gian nói đời sống nghệ thuật là hữu danh vô thực. Cũng giống như người thế gian nói chân, thiện, mỹ. Chân, thiện, mỹ trong thế gian này là hữu danh vô thực. Chỉ có Phật Bồ Tát mới chân thật, đời sống các Ngài sống là đời sống chân, thiện, mỹ. Cho nên nhất định phải phát cái tâm này, cần phát cái tâm cứu độ tất cả chúng sanh, quên mình vì người. Ở trong Phật pháp chúng ta cúng Phật, cúng Phật có cúng đèn. Đèn là biểu thị cho ý nghĩa này, là đốt cháy mình, chiếu soi người khác. Cúng đèn là lấy ý nghĩa này. Thời xưa đèn vô cùng sáng tỏ, là dùng đèn dầu, dầu từ từ cạn dần, phát ra ánh sáng chiếu soi người khác. Đèn cầy còn sáng hơn nữa. Cho nên nhìn thấy đèn, thì bạn liền biết hy sinh bản thân thành tựu cho người khác. Nếu không thì bạn cúng đèn chẳng phải là vô ích sao! Hương biểu thị cho ngũ phần pháp thân: giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Hương biểu thị cho ý nghĩa này. Cúng nước, nước biểu thị cho thanh tịnh, bình đẳng. Những thứ đồ cúng này đều khiến bạn khi vừa nhìn thấy, bạn liền phải biết mình phải làm như thế nào, là để nhắc nhở mình. Phật, Bồ Tát đâu có cần những thứ này? Chẳng qua là để độ mình, làm tăng thượng duyên được độ cho mình mà thôi. Câu cuối cùng trong chú giải nói ra khỏi tam giới. Chúng ta hãy đọc qua câu này một lần. “Xuất ly Tam Giới giả, tức Viên Giáo Sơ Tín chí Thất Tín, Kiến Tư tiên khử, trường biệt Tam Giới khổ luân dã” (Người thoát ra khỏi Tam Giới là Bồ Tát Viên Giáo Sơ Tín đến Thất Tín, đã đoạn dứt Kiến Tư phiền não, vĩnh viễn xa lìa nỗi khổ luân hồi trong Tam Giới). Đây là nhắc nhở chúng ta. Bồ Tát quả vị sơ tín viên giáo, đã đoạn dứt tám mươi tám phẩm kiến hoặc trong tam giới rồi, là Bồ Tát quả vị sơ tín. Công phu đoạn phiền não của họ giống với sơ quả Tiểu Thừa. Chúng ta mới biết quả vị sơ tín là vào dòng thánh rồi, họ đã vào cảnh giới của thánh nhân rồi, họ không phải phàm phu nữa. Tuy nhiên Bồ Tát quả vị sơ tín chưa có ra khỏi tam giới, họ còn tu hành ở hai cõi trời người ở trong tam giới, chắc chắn không đọa tam đồ. Họ có được sự bảo đảm không đọa tam đồ. Tại sao không đọa tam đồ? Vì không tạo ác nghiệp trong tam đồ, cắt đứt hết nhân của tam đồ rồi. Hay nói cách khác, họ không còn vì mình nữa. Ở trong kiến hoặc tuy nói tám mươi tám phẩm, nhưng quy nạp lại không ngoài năm loại lớn. Thứ nhất là thân kiến, cũng chính là họ không còn chấp trước cái thân này là ta. Vừa mới nói rồi, yêu ma quỷ quái đã không ám vào thân của họ được, họ biết thân không phải là ta. Theo cách nói phương tiện thông thường của chúng ta, thì thân là đồ ta sở hữu. Giống như quần áo vậy, quần áo này là đồ ta sở hữu, quần áo không phải là ta, nên bỏ đi rất dễ dàng. Bỏ đi đồ cũ đổi lấy đồ mới. Họ biết thân không phải là ta, thân là đồ ta sở hữu. Cho nên xả thân thọ thân trong thập pháp giới họ thấy rất dễ dàng, họ không chấp trước. Thân này không còn tốt nữa thì đổi cái khác, là giống như quần áo không thích thì đổi bộ mới vậy, không nhất định phải đợi đến khi mặc cũ rách rồi mới bỏ, mà có thể đổi bất cứ lúc nào. Đây là nói sinh tử rất tự tại, không có mảy may tham dính. Người phàm phu họ mê hoặc, họ cho rằng đây là mình, cho nên rất khó xả bỏ, rất khó buông xả, vì niệm tham, không chịu buông xả. Giống như chúng ta nhìn thấy trẻ con, trẻ con còn rất nhỏ, nó rất tham luyến đối với đồ mà bản thân nó mặc, muốn đổi bộ quần áo mới cho nó, thì nó la khóc um sùm không chịu đổi, là giống y như hình ảnh này vậy. Cho nên sau khi hiểu rõ chân tướng sự thật, thì việc xả thân thọ thân sẽ không khó, không sợ hãi chút nào cả. Cái thân đó của họ càng đổi càng tốt hơn, càng đổi càng trang nghiêm. Nếu như nói còn niệm tham, chấp trước, không chịu xả bỏ, thì thường càng đổi càng tệ hơn. Mất đi thân người rồi, đổi tiếp thân khác là ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục. Đây là do không có buông xả tham, sân, si. Đức Phật dạy chúng ta tu hành, phải thật sự hạ công phu ở những chỗ này, đoạn dứt tâm tham, tâm sân hận. Đoạn dứt tâm tham rồi thì không đọa ngạ quỷ, đoạn dứt tâm sân rồi thì không đọa địa ngục, đoạn dứt tâm si rồi thì không đọa súc sanh, vĩnh viễn rời khỏi ba ác đạo. Xem tiếp đoạn kinh văn dưới đây.
“Thị chư nhân đẳng kiến Địa Tạng hình tượng cập văn danh giả, chí tâm quy y.”
(Những người đó thấy hình tượng và nghe danh hiệu của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát, rồi chí tâm quy y.)
Đây là nói phương pháp tu hành của họ. Trong câu kinh văn này quan trọng nhất là “Chí tâm”. “Quy” là quay về, là quay đầu. “Y” là nương tựa. Thật tâm quay đầu nương theo “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” tu hành, đây gọi là quy y Bồ Tát Địa Tạng. Nếu bạn không chịu nương theo kinh giáo tu hành, như vậy không gọi là quy y được. Bạn chưa có quay đầu, bạn chưa có làm theo. Y là phải làm theo. Những gì trong kinh dạy chúng ta làm thì nhất định phải làm cho được, dạy chúng ta không được phép làm thì tuyệt đối không được làm. Y giáo phụng hành mới được xem là quy y. Phải làm thật tâm, thành ý, vậy bạn chính là chí tâm quy y, công đức này lớn rồi, quá lớn rồi. Quay đầu từ trong tâm. Dưới đây là nêu ra sự tướng.
“Hoặc dĩ hương hoa, y phục, bảo bối, ẩm thực cúng dường chiêm lễ.”
(Hoặc đem hương hoa, y phục, vật báu, đồ ăn uống, v.v… để cúng dường chiêm ngưỡng đảnh lễ.)
Ý nghĩa mà “Hương hoa” biểu thị phải biết rõ. “Hương” là hương giới. Phải trì giới, phải giữ phép tắc. “Hoa” đại biểu cho nhân hạnh. Thông thường ở trong pháp Đại Thừa “Hoa” biểu thị cho lục độ. “Y” biểu thị cho nhẫn nhục. “Bảo bối” là đồ mà người thế gian trân quý, nó đại biểu cho tài vật. “Ẩm thực” là thứ không thể thiếu để nuôi mạng sống. Dùng những thứ này để “Cúng dường, chiêm ngưỡng, đảnh lễ”. Cúng dường trước hình tượng Bồ Tát, đây là việc làm ở trong thiền đường mỗi ngày. Ứng dụng vào trong đời sống, đó chính là cứu độ tất cả chúng sanh. Đặc biệt là đối với tất cả chúng sanh khổ nạn. Chúng ta làm thế nào dùng hương cúng dường họ? Hướng dẫn họ giữ phép tắc, hướng dẫn họ trì giới. Chúng ta dùng hương cúng dường chúng sanh. Làm thế nào dùng hoa cúng dường họ? Hướng dẫn họ bố thí, dạy họ tu nhân thiện mới có thể được quả thiện, hướng dẫn đối nhân xử thế phải có tâm nhẫn nại, phải nhẫn nhục, chính là bố thí cúng dường. Hướng dẫn họ học Phật, quy y Tam Bảo, tiếp nhận lý luận, phương pháp trong Phật pháp để tu hành chính là sự cúng dường vật báu. Khi họ gặp khổ nạn, chúng ta chăm sóc hoàn cảnh đời sống vật chất cho họ là cúng dường ăn uống. Chúng ta phải đem việc làm ở trong thời khóa áp dụng vào trong đời sống, vậy mới gọi là tu hành. Nếu như nói chỉ ở trong tự viện hoặc là chỉ ở trong gia đình của bản thân bạn, mỗi ngày cúng dường Phật, Bồ Tát bằng cách chiêm lễ, xưng danh như vậy, là bạn có thể cứu độ tất cả chúng sanh sao? Bạn có thể chứng được vô thượng Bồ-đề sao? Bạn có thể thoát khỏi tam giới sao? Không thể. Cho nên thời khóa sáng tối mỗi ngày của chúng ta, bất kể là ở trong chánh điện chùa chiềng, hoặc giả là ở Phật đường trong gia đình bạn, bạn phải biết việc làm của thời khóa. Tôi đã nói rất nhiều lần, khóa sáng nhắc nhở mình, sau khi nhắc nhở xong, thì trong ngày này bạn phải làm theo, phải thực hiện, vậy thì nén hương buổi sáng của bạn không có uổng phí. Thắp nén hương này là nhắc bản thân ta trong ngày này đối nhân xử thế phải đúng như pháp. Đúng như pháp chính là trì giới. Cũng phải khuyên người khác giữ phép tắc, giữ quy củ, vậy thì nén hương này của bạn không có uổng phí. Khuyên người ta gieo nhân thiện, đoạn ác tu thiện, đây là cúng hoa, thì hoa này không có cúng vô ích. Cho nên những biểu tượng này đều nhắc nhở mình, mình phải làm, phải khuyên người khác làm. Khóa tối nhằm soi lại, kiểm điểm xem thành tích ta làm ngày nay như thế nào? Ta có làm được hay chưa? Có nghiêm túc làm hay không? Làm thấy mình có thỏa mãn không? Nếu như mình cảm thấy không thỏa mãn, thì phải sám hối, phải sửa lỗi. Ngày mai phải làm tốt hơn hôm nay, vậy gọi là tu hành. Hai thời khóa sáng tối này của bạn được thành tựu công đức chân thật, không phải hình thức. Người hiện nay tu hành, chỉ có hình thức, chứ không có thực tế, cho nên họ không thể thành tựu. Sau cùng:
“Thị thiện nam nữ đẳng sở nguyện tốc thành, vĩnh vô chướng ngại”
(Thời chỗ nguyện cầu của kẻ thiện nam cùng thiện nữ đó mau được thành tựu, không bao giờ bị chướng ngại.)
“Sở nguyện” chính là ba nguyện mà phần trước nói: Nguyện độ chúng sanh, nguyện thành Phật đạo, nguyện thoát khỏi tam giới, lục đạo, đều có thể thành tựu. Đây là điều chúng ta nhất định phải nhớ kỹ, phải biết. Hôm nay thời gian đã hết. chúng ta chỉ giảng đến đây.
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.