KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 75
Xin mời mở bản kinh ra, phần khoa chú quyển hạ, trang 17.
“Phục thứ Ðịa Tạng! Nhược vị lai thế trung, hữu chư quốc vương cập Bà La Môn đẳng, năng tác như thị bố thí, hoạch phước vô lượng, cánh năng hồi hướng bất vấn đa thiểu, tất cánh thành Phật. Hà huống Thích Phạm Chuyển Luân chi báo.”
(Lại vầy nữa, này Địa-Tạng Bồ Tát! Trong đời sau như có vị Quốc Vương và Bà La Môn, có thể làm những việc bố thí như thế sẽ đặng vô lượng phước lành. Nếu lại có thể đem phước đức đó hồi hướng đạo Bồ Đề, thời không luận là nhiều hay ít, rốt ráo sẽ thành Phật cả, huống gì cả những quả trời Phạm Vương, trời Đế Thích, Vua Chuyển Luân.)
Phần trước chúng tôi đã báo cáo tường tận rồi. Điều quan trọng nhất ở trong đây là tâm lượng. Trong ngạn ngữ của Trung Quốc có nói: “Lượng lớn thì phước lớn.” Tại sao gieo phước nhỏ, bố thí rất ít mà có thể được phước báo lớn như vậy? Đây là điều mà người mới học Phật chúng ta nghe thấy trong kinh nói những lời này thường không tránh khỏi hoài nghi. Sự hoài nghi này đều là do chúng ta dùng tâm ý thế gian để đo lường. Đâu biết rằng sự việc này không phải dùng tâm ý thế gian mà có thể tưởng tượng được. Lý luận ở trong đây là bởi vì xứng tánh. Chỉ cần xứng tánh, cho dù bố thí ít, thật sự giống như là hạt bụi mảy lông đi nữa, chẳng thấm tháp vào đâu, nhưng công đức của họ đều là tận hư không khắp pháp giới. Sự thù thắng của Phật Pháp là ở chỗ này, chỗ khó của Phật Pháp cũng là ở chỗ này. Khó ở chỗ phàm phu thường không thể mở rộng tâm lượng được, lúc nào cũng tâm lượng nhỏ. Tâm lượng nhỏ dù tu bố thí nhiều đi nữa, thì phước báo cũng hữu hạn. Nếu như là tâm lượng lớn, dù tu bố thí cực ít thì phước báo cũng không thể nghĩ bàn, đạo lý này phải thể hội cho thật kỹ. Trong chú giải có mấy câu nói, trang mười bảy đếm ngược đến hàng thứ ba. Bắt đầu xem từ đoạn giữa, tôi đọc cho mọi người nghe. “Nhược bất vị tự cầu nhân thiên phước báo.” (Nếu không vì cầu phước báo nhân thiên cho mình.) Chữ nhược là giả thiết. Giả thiết là chúng ta nhất định không phải vì cầu phước báo nhân thiên cho mình. Mục đích của bố thí là gì? “Tận hồi hướng pháp giới chúng sanh.” (Hồi hướng hết cho chúng sanh trong pháp giới.) Chỉ hy vọng tất cả chúng sanh được phước, tất cả chúng sanh được lợi ích, nhất định không có nghĩ đến mình, thì phước báo bố thí của người này là lớn rồi. “Tắc bất vấn thí chi đa thiểu tất cánh thành Phật.” (Thì chẳng cần hỏi bố thí nhiều hay ít, đều sẽ thành Phật cả.) Dùng bốn chữ tất cánh thành Phật này để miêu tả độ lớn của phước báo của họ. Bởi vì phước báo của thế gian và xuất thế gian không có cái nào lớn hơn thành Phật cả. Nói đến thành Phật là phước báo đã đạt đến rốt ráo viên mãn rồi. Đạo lý này tóm lại chúng ta phải hiểu, sau đó chúng ta sẽ không còn hoài nghi nữa. Sau cùng đức Phật ở chỗ này đã làm một cái tổng kết.
“Thị cố Ðịa Tạng phổ khuyến chúng sanh đương tri thị học.”
(Nầy Địa-Tạng Bồ Tát, vì thế nên khuyến hóa tất cả chúng sanh đều phải học theo như thế.)
Câu này là tổng kết đoạn phía trước. Bởi vì phía trước là nói nguyên nhân, gieo nhân thiện được quả thiện, quả báo thù thắng như vậy có người nào mà không mong cầu? Tại sao chúng sanh cầu không được? Những gì mà chúng sanh tu không đúng như lý, như pháp, cho nên được phước hữu hạn. Nếu tu học đúng như lý như pháp, sẽ được phước vô lượng vô biên. Nhưng lý luận và phương pháp nhất định phải thâm nhập Kinh Tạng. Không đọc kinh, không nghiên cứu giáo lý thì sao có thể hiểu được lý luận này? Bạn làm sao có thể biết được phương pháp này? Cho nên chư Phật Bồ Tát và các tổ sư, đại đức xưa nay thường hay khuyến khích chúng ta: “Không thể không đọc kinh sách” đạo lý là ở chỗ này. Xem tiếp đoạn này dưới đây, thứ hai là “Nam nữ thí phước”. Mời xem kinh văn.
“Phục thứ Địa Tạng.”
(Lại vầy nữa, này Địa Tạng Bồ Tát!)
Đây là lại gọi Ngài Bồ Tát Địa Tạng thêm một lần nữa.
“Vị lai thế trung nhược thiện nam tử thiện nữ nhân, ư Phật pháp trung chủng thiểu thiện căn, mao phát sa trần đẳng hứa, sở thọ phước lợi bất khả vi dụ.”
(Trong đời sau, như có thiện nam kẻ thiện nữ nào ở trong Phật pháp mà gieo trồng chút ít cội phước lành chừng bằng cái lông, sợi tóc, hột cát, mảy bụi, phước lợi của những người đó sẽ hưởng thọ không thể ví dụ thế nào cho được.)
Đoạn kinh văn này cũng thường làm cho đại chúng sinh nghi hoặc. Có rất nhiều người tự cho rằng, mình đã gieo phước tu thiện ở trong cửa Phật rất nhiều rồi. Tại sao không được phước? Trong lịch sử Trung Quốc, người nổi tiếng nhất là Lương Võ Đế. Cả đời Lương Võ Đế tu bố thí, ai có thể sánh bằng? Ông lúc đó dùng quyền lực của mình, dùng uy thế của mình hộ trì Phật Pháp, xây dựng chùa chiền, trong lịch sử ghi là có đến bốn trăm tám mươi ngôi chùa. Bình thường nhà Phật chúng ta thường nói, xây một ngôi tháp, đắp một bức tượng Phật thì phước báo đó là không thể nghĩ bàn. Huống gì ông xây dựng được đến bốn trăm tám mươi ngôi chùa. Vậy chúng ta nghĩ xem ông tạo được bao nhiêu bức tượng Phật? Trong một ngôi chùa, tóm lại không thể nói thờ một bức tượng Phật. Ông tạo bao nhiêu bức tượng Phật, tượng Bồ Tát. Bố thí cúng dường người xuất gia, ông rất ưa thích ủng hộ người xuất gia. Người nào xuất gia, ông nhất định bố thí cúng dường. Trong sách có ghi là đến mấy chục vạn người. Phước báo này bao lớn! Tại sao khi về già, vẫn gặp phải đủ thứ chuyện bất hạnh, dường như không giống với những gì trong kinh này nói. Phước báo chắc chắn là có, nhưng nghiệp lực của ông thì không thể chuyển trở lại được. Đây là nguyên nhân gì vậy? Tâm lượng không lớn, không có trí tuệ. Cái này nhà Phật thường gọi là tu phước mà không tu tuệ. Ông là tu bố thí tài, hình như cũng có bố thí pháp, nhưng tóm lại là thiếu trí tuệ, tâm lượng không đủ lớn. Cho nên khi tổ sư Đạt Ma gặp ông, thấy thái độ của ông. Dùng cách nói hiện nay để nói là rất đáng tự hào. Ông đã tạo rất nhiều việc tốt trong cửa Phật như vậy là rất đáng tự hào, khoe khoang những sự nghiệp mà mình đã làm, mới hỏi tổ sư Đạt Ma, công đức của tôi như vậy có lớn không? Tổ sư Đạt Ma nói với ông: “Hoàn toàn không có công đức.” Lời tổ sư Đạt Ma nói là chân thật. Tại sao hoàn toàn không có công đức? Vì ông có thái độ kiêu mạn, nên không có công đức rồi, đạo lý này phải hiểu. Bố thí thật sự là có công đức, nhưng vừa ngạo mạn là xong ngay, liền mất hết công đức. Kiêu mạn là lửa thiêu cả rừng công đức. Tổ sư Đạt Ma là người rất tuyệt vời, nói chuyện với Lương Võ Đế thấy không hợp căn cơ, Lương Võ Đế không hộ trì Ngài. Cho nên sau khi Ngài rời đi, đến chùa Thiếu Lâm ngồi nhìn vào vách, không có người nào biết. Vị tổ sư như vậy đến Trung Quốc mà không có ai biết, không có ai hộ trì. Chín năm ngồi nhìn vào vách, kể ra quá giỏi, đợi được một người là Huệ Khả và truyền pháp cho. Nếu như năm xưa Lương Võ Đế hộ trì Ngài, thì Thiền Tông đã phát huy rạng rỡ sớm rồi, không đến nỗi phải đợi đến đời thứ sáu là Huệ Năng, phát huy rạng rỡ từ lâu rồi. Không có người biết, đây là do không có tuệ nhãn. Lương Võ Đế không nhận ra người, nên đã bỏ lỡ qua cơ hội gieo phước đức lớn đích thực, không có hộ trì tổ sư Đạt Ma, bỏ lỡ cơ duyên rồi. Mấu chốt là ở khiêm tốn, cung kính, tâm lượng rộng lớn, đây đều là sự biểu hiện của trí tuệ. Cho nên nhìn từ trên thái độ của Lương Võ Đế, ta thấy ông không có trí tuệ, tâm lượng rất nhỏ. Đây là làm rất nhiều việc bố thí mà được phước không lớn, nguyên nhân là ở chỗ này. Trong câu kinh văn này, có một chữ rất then chốt, mọi người phải xem cho rõ ràng, đó là chữ “Thiện”. Hoàn toàn không có nói: “Nhược nam tử, nữ nhân, ư Phật Pháp trung chủng thiểu thiện căn” (Như có kẻ nam người nữ nào ở trong Phật pháp mà gieo trồng chút ít cội phước lành.) mà là “Thiện nam tử, thiện nữ nhân”. Chữ “Thiện” chính là chữ mấu chốt. Tiêu chuẩn của thiện là gì vậy? Tịnh nghiệp tam phước trong “Kinh Phật Quán Vô Lượng Thọ” đã dạy rất rõ ràng. Tiêu chuẩn thiện của thế gian, nhất định phải làm được bốn câu: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự thầy tổ, tâm từ không giết hại, tu mười nghiệp thiện”, người như vậy mới là kẻ thiện nam, người thiện nữ. Cho nên Phật Pháp nói thiện là có tiêu chuẩn đường hoàng. Nếu như chỉ nói kẻ nam, người nữ, mà không có nói chữ thiện, vậy thì người bình thường chúng ta đều có phần cả. Nếu như thêm vào chữ thiện, thì chúng ta hãy suy nghĩ xem mình có hợp với tiêu chuẩn này hay không. Nhưng kinh này là Kinh Đại Thừa, không những là Kinh Đại Thừa, chúng ta hãy quan sát tỉ mỉ từ đầu đến cuối, có thể nói nó là đại kinh Nhất Thừa Liễu Nghĩa. Hay nói cách khác, tiêu chuẩn của thiện còn phải nâng cao nữa. Nâng cao thêm một cấp nữa là thiện Nhị Thừa, chính là Thanh Văn, Duyên Giác. Người Trung Quốc gọi là La Hán, Phật Bích Chi.
“Thọ trì tam quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi.” Đây là thiện Nhị Thừa. Ba câu này chúng ta có làm được hay chưa? Còn phải nâng cao lên nữa, kinh này là Kinh Đại Thừa. Tiêu chuẩn thiện của Đại Thừa còn phải thêm bốn câu: “Phát tâm Bồ-Đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng đại thừa.” Đây là tự lợi. Tự lợi sau đó mới lợi người, đây là Bồ Tát Đại Thừa. Lợi người, vậy mới là khuyến hóa tất cả chúng sanh. Kẻ thiện nam, người thiện nữ là cái tiêu chuẩn này. Hay nói cách khác, mười một câu của tịnh nghiệp tam phước thảy đều làm được, vậy thì còn vấn đề gì nữa chứ? Chúng ta vừa mới nói tâm lượng lớn thì phước lớn. Người ta phát tâm Bồ-Đề, tâm Bồ-Đề là tâm lượng lớn. Tâm Bồ-Đề hoàn toàn không có tâm vì mình, không có tự tư tự lợi. Tự tư tự lợi là mê hoặc, là tâm luân hồi, tâm phàm phu. Niệm niệm luôn nghĩ vì tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, đây là tâm Bồ-Đề. Cho nên người như vậy “gieo một ít cội lành” trong Phật Pháp. Ít đến mức nào vậy? Như “Mao, phát, sa, trần” (cái lông, sợi tóc, hạt cát, mảy bụi.) Lông là sợi lông trên người chúng ta, ví dụ ít. Phát là tóc, một sợi tóc. Một hạt cát, một mảy bụi. Đây là hình dung bạn gieo căn lành ít, ít đến cùng cực rồi. Tuy ít như vậy, nhưng phước mà bạn nhận, lợi ích mà bạn đạt được là không có gì so sánh được, không cách gì nói hết được. Ngay cả đức Phật cũng không thể nói hết được. Cho nên mọi người phải biết Tam Bảo là ruộng phước đứng đầu trong mười pháp giới. Nhưng Phật Pháp truyền đến ngày nay, đã truyền được ba nghìn năm rồi, nên không thể tránh khỏi biến chất. Chúng ta thử xem thế gian này hiện nay, bất kể hàng hóa gì, vừa mới chào hàng là sản phẩm tốt nhất, để quảng bá thương hiệu, qua một vài năm là biến chất rồi, giả mạo cũng nhiều, chắc chắn không bằng lần đầu tiên chào hàng. Phật Pháp đã truyền ba nghìn năm thì sao không biến chất cho được? Là điều khó tránh khỏi. Nhất là vào thời kỳ mạt pháp, đúng như lời trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói, thời đại này của chúng ta: “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”. Trên hình thức là đạo tràng Phật Pháp, nhưng trên thực chất thì chưa chắc. Cho nên nếu bạn muốn gieo phước trong cửa Phật thì phải xem cho rõ ràng, trong đạo tràng này có đạo hay không, có người tu hành chân chánh ở trong đây hay không. Nếu không thì bạn gieo phước là đã gieo sai chỗ rồi, bạn đã nhận sai ruộng phước rồi. Bạn gieo xuống tương lai không được phước, thì bạn đừng trách Phật dạy sai. Đức Phật không có dạy sai, là do bản thân bạn lơ là sơ ý, xem đồ giả mạo cho là đồ thật, cái này phải trách bản thân bạn. Do chính bạn lơ là sơ ý không biết hàng thật, bạn bị mắc lừa, bị thiệt thòi. Nhưng muốn thật sự biết hàng, thì cũng không phải là chuyện đơn giản, bạn phải có trí tuệ, bạn phải có kiến thức. Trí tuệ và kiến thức có được từ đâu vậy? “Đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả” đó chính là “Vì người diễn nói.” Vì người diễn nói có lợi ích rất lớn. Nghĩa là dạy và học cùng nhau phát triển. Không thông qua dạy học, thì việc mở trí tuệ sẽ rất khó khăn. Nếu như bạn thật sự phát tâm dạy học, nhiệt tâm dạy học thì cơ duyên khai mở trí tuệ sẽ nhiều. Nếu bạn không dấng thân vào công tác dạy học, thì cơ hội này sẽ rất ít. Trong khi bạn dạy học, lúc bạn chuẩn bị, lúc bạn sưu tập tài liệu tham khảo, nó thường hay giúp bạn giác ngộ. Nhưng bạn không dạy học, thì bạn sẽ không đi tìm những thứ này. Trong quá trình dạy học, bạn với người tiếp nhận dạy học, bên này hỏi bên kia trả lời, lắng nghe vấn đề họ nêu ra, sẽ thường hay giúp mình giác ngộ. Cho nên ở trong sư đạo thường nói: “Sư tư đạo hiệp”. Nghĩa là thầy dạy học trò, còn học trò thì giúp thầy mở trí tuệ, giúp thầy mở trí tuệ, giúp thầy tăng đức hạnh, tạo nên cơ hội cho thầy, vậy mới gọi là dạy và học cùng nhau phát triển, đôi bên cùng hỗ trợ nhau tiến triển, phải hiểu được đạo lý này. Trong chú giải ở chỗ này có trích dẫn và căn cứ kinh luận, đã nêu ra rất nhiều ví dụ. Mấu chốt ở trong những ví dụ này là phải có tâm chân thành, tâm cung kính, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi, quý vị nhớ kỹ mười chữ này. Dùng loại tâm này để bố thí, cúng dường, tu phước, thì quả báo sẽ giống như trong kinh này nói vậy. Tâm thanh tịnh không có ô nhiễm, tâm bình đẳng không có phân biệt, không có ô nhiễm, không có phân biệt, đây là tâm trùm khắp hư không, lượng trọn khắp pháp giới, cho nên họ sẽ được phước sẽ lớn. Xem tiếp đoạn kinh văn này dưới đây:
“Phục thứ Ðịa Tạng! Vị lai thế trung nhược hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, ngộ Phật hình tượng, Bồ Tát hình tượng, Bích Chi Phật hình tượng, Chuyển Luân Vương hình tượng, bố thí cúng dường đắc vô lượng phước, thường tại nhân thiên thọ thắng diệu lạc.”
(Lại vầy nữa, này Địa-Tạng Bồ Tát! Trong đời sau, như có kẻ thiện nam cùng người thiện nữ nào gặp hình tượng Phật, hình tượng Bồ Tát, hình tượng Bích Chi Phật, hình tượng Vua Chuyển Luân mà bố thí cúng dường, thời đặng vô lượng phước lành, thường sanh ở cõi người, cõi trời hưởng sự vui thù thắng vi diệu.)
“Kinh Địa Tạng” lưu thông rất phổ biến, rất rộng, đại khái đồng tu học Phật đều đã từng đọc qua kinh này. Xem thấy trong kinh nói phước báo của bố thí cúng dường, cho nên rất thích tạo hình tượng Phật Bồ Tát. Tạo tượng được phước báo rất lớn. Trong kinh nói thường sinh vào cõi trời người, vậy là không bị đọa ba đường ác. Đa số người hằng ngày niệm Phật, vẫn phải bị đọa ba ác đạo. Quý vị có thể thử xem trong đoạn tổng kết sau cùng của cuốn “Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao” do pháp sư Quán Đảnh nói. Năm xưa lúc tôi học bộ kinh này, tôi xem thấy chương này thì vô cùng hoài nghi, bèn thỉnh giáo thầy Lý. Tôi nói tôi đọc không hiểu. Ngài nói người học Phật có một trăm loại quả báo. Câu đầu tiên chính là: “Niệm Phật đọa A Tỳ địa ngục”, tôi không hiểu. Niệm Phật phước báo này rất lớn, sao có thể đọa địa ngục A Tỳ chứ? Đây là việc không thể. Thầy Lý nghe tôi hỏi như vậy, thầy bảo chú hỏi rất hay. Vấn đề Chú hỏi này rất quan trọng. Tôi sẽ không trả lời cho chú, đợi đến khi giảng kinh sẽ nói với mọi người. Tại sao họ làm như vậy vẫn bị đọa địa ngục? Nguyên nhân là dùng tâm địa ngục để tu phước, nên vẫn phải đọa địa ngục. Tâm địa ngục là gì? Tham, sân, si. Tại sao họ bố thí, cúng dường hình tượng Phật Bồ Tát? Là nhìn thấy cái lợi ích này quá lớn, là giống như làm ăn buôn bán vậy, đây là một vốn nghìn lời, vậy không làm là không được, là họ dùng cái tâm như vậy, chứ không phải tâm thiện. Kẻ thiện nam, người thiện nữ, họ đã quên mất chữ “thiện” rồi, dùng cái tâm tham, sân, si, dùng cái tâm làm ăn buôn bán ham lợi nhuận. Vậy thì làm sao được? Cư Sĩ Lâm chúng ta, cư sĩ Lý nói với tôi, trước đây Cư Sĩ Lâm có một số vị giám đốc, quản lý đạo tràng này, nhưng họ không hiểu Phật Pháp. Họ quản lý đạo tràng này giống như quản lý công ty kinh doanh vậy. Đạo tràng này mỗi năm phải thu nhập bao nhiêu tiền, số tiền này làm sao làm cho nó sinh lợi tức, làm sao khiến cho nó đẻ ra tiền cho thật nhiều, mục đích là ở chỗ này, chẳng có nghĩ đến làm việc đạo. Cho nên quỹ của đạo tràng này tích lũy được rất nhiều. Khi cư sĩ Lý lên quản lý, ông đem số tiền này tiêu hết toàn bộ, có rất nhiều người khi nhìn thấy, rất không hài lòng. Trong con mắt của họ, thì cư sĩ Lý là đứa con phá hoại. Nhưng nhìn thấy đạo tràng ngày nay hưng vượng như thế này, thì tôi tin rằng họ cũng sẽ dần dần giác ngộ trở lại. Hết thảy cúng dường là để cho bạn làm vào việc đạo. Cư Sĩ Lâm mỗi ngày ba bữa, cúng dường đại chúng miễn phí, ai dám làm? Không ai dám làm cả. Cửa thiện này khi mở ra, về sau sẽ thu xếp như thế nào? Làm gì có nhiều tiền như vậy để cúng dường? Cho nên bạn không có trí tuệ là không được, bạn không có niềm tin bạn sẽ không dám làm. Cư sĩ Lý có trí tuệ, có niềm tin, từ lúc khai trương đến nay chưa hề mua gạo, chưa hề mua rau, chưa hề mua dầu, mọi người biết Cư Sĩ Lâm làm việc tốt như thế này thì hiện nay trên thế giới đây là chỗ đầu tiên, không có chỗ thứ hai. Mỗi ngay ba bữa, quanh năm suốt tháng, không thiếu ngày nào cả. Bất kể bạn có tin Phật hay không, bạn đến nơi này để ăn tiệc tự chọn, bạn đều có ăn cả. Tôi nghe nói còn có người kéo cả nhà đến ăn, cho nên những gia đình ở gần Cư Sĩ Lâm có thể không cần nhóm bếp, nhưng đến nơi này là chỉ ăn chay thôi. Bạn thích ăn chay thì cứ đến, bạn không thể ăn chay vậy thì vô phương rồi. Cho nên có rất nhiều đồng tu tự động tặng gạo, tặng dầu, tặng rau, bạn thấy thức ăn chất cao như núi, ăn không hết. Ăn không hết lại sợ hư mất, nên phải đem tặng cho viện dưỡng lão, cho cô nhi viện, phải đem xe chở đi tặng, ăn không hết. Đồ ăn, ăn rất ngon, tôi đã ăn qua vài lần. Có khi họ muốn làm vài món đặc biệt cho tôi, tôi nói không cần. Thức ăn dưới đó dọn lên, tôi ăn thử xem, ăn thấy rất ngon. Đích thực là bố thí, cúng dường, phước báo này là lớn rồi. Không phải như hầu hết mọi người mỗi ngày cứ tính toán, so đo từng tí, làm vậy thì bạn có thể được bao nhiêu lợi ích? Bố thí, càng bố thí sẽ được càng nhiều. Bạn bố thí tài sẽ được nhiều tài, bố thí pháp sẽ được nhiều pháp. Cho nên cái đạo tràng Cư Sĩ Lâm này, ngày nay mọi người đến nơi đây để tham quan, thấy nó bên đó hưng vượng, con người hưng vượng, nên tài cũng hưng vượng. Tại sao lại hưng vượng như vậy? Do bố thí, gieo phước. Tâm lượng của cư sĩ Lý rộng lớn, ông còn muốn xây dựng làng Di Đà. Người sống ở trong làng Di Đà, chỉ có một điều kiện là niệm Phật. Chỉ cần chịu niệm Phật, chứ không cần điều kiện gì khác, không thu một xu nào cả, nuôi bạn đến già, cúng dường tứ sự, họ đều làm tốt hơn so với chính sách phúc lợi của bất kỳ chính phủ quốc gia nào trên toàn thế giới ngày nay. Quốc gia nào chăm sóc người già cũng không thể sánh bằng Cư Sĩ Lâm được. Dưỡng lão đối với người già, phúc lợi cho người già, là đứng đầu trong thiên hạ. Bạn là người nước ngoài chỉ cần lấy được thẻ lưu trú hợp pháp của Singapore, đệ tử Phật nhất định tuân thủ pháp luật, không được phép làm chuyện phạm pháp, lấy được thẻ lưu trú hợp pháp, thì làng Di Đà cũng nuôi bạn đến già. Bạn sống ở nơi đây thân tâm yên ổn, có thể bảo đảm bạn vãng sanh. Khi ở trong đó thì tương lai bạn chắc chắn thành Phật, nhất định làm Phật, là đạo tràng đứng đầu thế giới. Tối hôm qua ông có nói chuyện với tôi, quyết định lập viện Phật học, có làm đơn xin chính phủ. Ý tưởng của ông là một năm học dự bị, học chính thức ba năm, nghiên cứu sinh ba năm, thời gian giáo dục là bảy năm, học trò vào nơi này là hoàn toàn miễn phí. Việc ăn mặc, chỗ ở, đi lại, đều là do viện Phật học cúng dường, không thu một xu nào cả. Trên thế giới ai dám làm viện Phật học kiểu này? Trường học nào cũng phải thu học phí, cũng phải trả phí sinh hoạt, còn viện Phật học này thảy đều chẳng thu gì cả, là hiếm có đứng đầu thế gian. Đạo tràng như vậy, bạn tu một chút phước ở trong đây, đó là thật sự đã gieo ruộng phước. Cho nên một đạo tràng chúng ta vào quan sát, đầu tiên phải quan sát nó có đạo phong hay không? Nó có học phong hay không? Trong đạo tràng này họ học cái gì? Họ tu cái gì? Có phải chăm chỉ học tập, nghiêm túc tu trì hay không? Nếu như đại chúng trong đạo tràng này là chăm chỉ học tập, nghiêm túc tu trì, thì đây là đạo tràng đúng như pháp. Tu phước ở trong đạo tràng này thì quả báo mới tương ưng với trong kinh nói. Có hoàn toàn tương ưng, tương ưng viên mãn hay không? Chưa chắc. Đó là tại sao? Thử xem có phải bạn là kẻ thiện nam, người thiện nữ không? Ruộng phước không sai, ruộng phước đích thực, nhưng nếu bạn là dùng cái tâm một vốn nghìn lời để vào trong đây gieo phước thì bạn được phước nhỏ, là không tương ưng với lời Phật dạy trong kinh. Bạn nhất định sẽ được phước, nhưng phước không lớn. Nếu như bạn thật sự phát tâm Bồ-Đề, không vì mình, mà vì chúng sanh, vì Phật Pháp thường trụ ở thế gian, tuyệt đối không vì lợi ích của mình, thì phước có được sẽ giống như trong kinh nói vậy. Cho nên gieo phước, điều đầu tiên là ruộng phước đích thực, điều thứ hai là bạn có thiện tâm đích thực thì phước báo này mới là viên mãn. Cho nên sau cùng trong chú giải ở chỗ này Ngài nói: “Dĩ Phật Bồ Tát đẳng giáo nhân xuất khổ, thị chúng sanh kính điền.” (Vì chư Phật, Bồ Tát dạy người ta thoát khổ, vậy đây là ruộng tôn kính của chúng sanh.) Chỗ này Ngài đã nói ruộng kính và ruộng ơn, quý vị đồng tu hãy tự mình xem chú giải. Trong chú giải có mấy câu nói rất quan trọng, tôi đọc qua là được rồi, trang hai mươi, hàng thứ hai, bắt đầu xem hàng thứ hai. “Đại Luận vân”. “Đại Luận” chính là “Đại Trí Độ Luận”, trong “Đại Trí Độ Luận” có đoạn nói: “Tài vi ác tâm nhân duyên.” (Tiền của là nhân duyên của tâm ác). Tại sao vậy? Tiền của thường hay gợi lên tâm tham của con người. Tâm tham là đứng đầu tam độc. Vô lượng vô biên phiền não đều sinh khởi lên từ chỗ này, cho nên tham là nhân duyên của tâm ác. “Thường ưng tự xả” (Phải thường tự xả bỏ). Một người thông minh, có trí tuệ, họ biết sự họa hại của tham. Cho nên họ có thể thường hay xả, có thể buông xả tâm tham. “Hà huống thí đắc đại phước nhi bất bố thí” (Huống gì bố thí được phước lớn mà không bố thí.) Đâu có đạo lý này? Tham là họa hại, bố thí là phước lớn. Bạn bố thí, là xa lìa họa hại, lại được phước lợi thì người có trí tuệ làm sao họ không làm? “Xan vi hung suy tướng, vi chi sanh ưu úy.” (Xan tham là tướng xấu, suy yếu, từ đó sinh ra lo sợ.) Keo kiệt bủn xỉn là bạn có mà không nỡ bố thí, không chịu làm việc tốt, đây là tướng xấu, suy yếu, nó đem lại lo lắng, sợ hãi cho con người. Người có tiền lo sợ tiền của của mình mất hết, mỗi ngày cứ lo được lo mất, hồi hộp lo âu. Tôi thường hay nghe người ta nói, người làm ông chủ lớn trên thương trường, mỗi ngày đến tối không uống thuốc ngủ thì không thể ngủ được. Nguyên nhân gì vậy? Lo lắng quá độ. Vậy chẳng phải là tiền của đã hại họ sao? Uống nhiều thuốc ngủ rồi thì đâu có lý nào không bị ung thư được? Nó sinh ra tác dụng phụ, thật sự là tướng chẳng lành, suy yếu. Lời đức Phật nói không sai. “Tẩy chi dĩ thí thủy, tắc vi sanh phước lợi.” (Rửa nó phải dùng nước bố thí, thì sẽ sinh ra phước lợi) Bài kệ này, trong đây có hai bài kệ. Dùng phương pháp gì để tẩy rửa sạch lo lắng sợ hãi của bạn vậy? Bố thí. Bố thí có thể sinh ra phước lợi lớn cho bạn. “Phước vô lượng”. Tại sao không chịu bố thí? Không chịu bố thí vì không biết lợi ích của việc bố thí, nên họ không chịu bố thí. Biết được cái hay của bố thí, biết được lợi ích của bố thí thì bạn sẽ thích bố thí, thường xuyên làm việc bố thí, hết lòng hết sức bố thí thì phước báo không có cùng tận. Hiện tượng này trong các đoàn thể quý thị thử xem Cư Sĩ Lâm, thử xem Tịnh Tông Học Hội, sự thật này bày ngay trước mắt chúng ta. Về cá nhân thì quý vị có thể nhìn xem cư sĩ Lý Mộc Nguyên, bạn cũng có thể thử xem tôi. Tôi học Phật là học bố thí. Ngày đầu tiên đại sư Chương Gia gặp mặt tôi, đã dạy tôi tu bố thí, và tôi cũng thật sự biết nghe lời. Ông cụ có trí tuệ, nhìn thấy tôi không có phước báo, hơn nữa còn bị đoản mạng, nên thương xót tôi, khuyên tôi tu bố thí. Ngày nay tôi có được chút phước báo như thế này là do trong đời này tu bố thí mà ra, chứ không có liên quan gì với đời quá khứ. Chúng ta hiện nay là sáng tỏ Phật Pháp, hiểu được chút nhân quả, con người này của tôi trong đời quá khứ có lẽ là tu tuệ mà không tu phước. Có một chút trí tuệ, cho nên thầy nói cái gì tôi nghe qua liền hiểu ngay. Đời này là vô cùng gian khổ. Chúng tôi trải qua những tháng ngày gian khổ, ngay cả nằm mơ quý vị cũng không thể nghĩ ra. Hôm qua tại Cư Sĩ Lâm, thầy Vĩnh đến kể cho tôi nghe, thầy đi về Đại Lục viếng thăm, nhìn thấy căn nhà đó của pháp sư Ấn Quang, nhà đóng cửa, tối đến không có đèn, bàn đọc sách, viết chữ tựa vào cửa sổ, để mượn ánh sáng bên ngoài. Thầy nhìn thấy rất cảm động. Ngày nay chúng ta có nhiều thiết bị chiếu sáng như thế này, còn chê bai. Người hiện nay phước báo hưởng thụ vật chất quá lớn rồi. Tôi kể cho thầy nghe, lúc chúng tôi còn nhỏ đi học, lúc học trung học ở Quý Châu, là thời kỳ kháng chiến. Buổi tối ôn bài là thắp đèn dầu, một ngọn đèn cỏ, ánh sáng đó còn nhỏ hơn đèn cầy nhiều. Một ngọn đèn cầy nếu như dùng đèn dầu cỏ để thắp thì phải cần gần năm ngọn đèn cỏ, thắp lên độ sáng đó mới bằng một ngọn đèn cầy. Một ngọn đèn cỏ, thời đó chúng tôi thắp dầu trẩu, độ sáng chỉ bằng một phần năm ngọn đèn cầy, chúng tôi đọc sách là như vậy, các bạn không thể tưởng tượng được. Người hiện nay có phước mà không chịu đọc sách, chúng tôi thời đó nghèo đến mức đó mà vẫn thích đọc sách. Phía sau cũng là một bài kệ trong “Đại Trí Độ Luận”, chúng ta hãy đọc qua nó một chút, là hàng sau cùng trong chú giải. “Đại Luận vân: Nhân tu bố thí giả, danh văn mãn thập phương, trí giả sở ái kính, nhập chúng vô sở úy, mạng chung sanh thiên thượng, cửu tất đắc Niết Bàn.” (Đại Trí Độ Luận nói rằng: Người tu bố thí, danh vang khắp mười phương, luôn được bậc trí kính yêu, vào nơi đông người không sợ hãi, mạng chung sanh về cõi trời, lâu dần ắt được Niết Bàn.) Lời đức Phật nói là chân thật. Đức Phật dạy Bồ Tát cách sống, sáu ba-la-mật chính là cách sống của Bồ Tát. Điều đầu tiên chính là bố thí. Bố thí chính là xả, buông xả, bạn liền được thanh tịnh mát mẻ, tự tại, liền khai trí tuệ. Con người không chịu bố thí, tầm nhìn rất nhỏ, luôn nghĩ lợi cho mình, thì người này làm sao có thể khai trí tuệ được, là điều không thể. Xem tiếp đoạn kinh văn này dưới đây:
“Nhược năng hồi hướng pháp giới, thị nhân phước lợi bất khả vi dụ.”
(Như có thể đem công đức hồi hướng cho cả pháp giới chúng sanh thời phước lợi của người ấy không thể ví dụ thế nào cho được.)
Chúng ta xem lời trong chú giải nói trước. Đoạn chú giải này chỉ có ba hàng. “Đại Luận vân: Phật thuyết nhị chủng thí trung.” (Đại Trí Độ Luận nói rằng: Đức Phật nói trong hai loại bố thí.) Hai loại thí chính là bố thí tài và bố thí pháp. “Pháp thí vi đệ nhất, dĩ tài thí quả báo hữu lượng, pháp thí quả báo vô lượng. Tài thí Dục Giới báo, pháp thí Tam Giới báo, diệc xuất Tam Giới báo.” (Bố thí pháp là đứng đầu, vì quả báo của bố thí tài là có hạn, còn quả báo của bố thí pháp là vô lượng. Bố thí tài được quả báo cõi Dục Giới. Bố thí pháp được quả báo trong Tam Giới, và ra khỏi Tam Giới.) Đây là trước tiên trích dẫn lời trong “Đại Trí Độ Luận nói”. Sau đó lại nói: “Nhược bất cầu danh văn, tài lợi, lực thế.” (Nếu không mong cầu danh tiếng, tài lợi, thế lực.) Bạn bố thí không phải để cầu danh, cũng không phải để cầu tài, cũng không phải để cầu lợi, cũng không phải để mong cầu địa vị quyền lực.) Bạn chẳng mong cầu gì cả. “Đãn vi học Phật đạo” (Chỉ vì học đạo Phật). Đạo Phật là gì? Là trí tuệ chân thật, giải thoát chân thật, chỉ vì đoạn phiền não, chỉ vì đoạn dứt lo âu, được thanh tịnh, tự tại, hạnh phúc, đây là đạo Phật. “Hoằng đại từ bi tâm, độ chúng sanh lão bệnh tử khổ, thị danh thanh tịnh pháp thí.” (Hoằng dương tâm từ bi rộng lớn, độ các thứ khổ sanh, già, bệnh, chết cho chúng sanh, đó gọi là bố thí pháp thanh tịnh.) Vậy là đúng như lý như pháp rồi. Chúng ta dùng tâm thanh tịnh, dùng tâm chẳng mong cầu gì cả, giúp đỡ tất cả chúng sanh, đặc biệt là giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn, đây là bố thí pháp thanh tịnh. Trong bố thí pháp có bố thí tài, chúng ta bỏ tiền bỏ sức là bố thí tài, chủ ý của chúng ta là bố thí pháp, không có mảy may dục vọng mong cầu, không có. Luôn nghĩ đến nỗi khổ của chúng sanh, giúp đỡ tất cả chúng sanh là nghĩa vụ mà chúng ta cần phải làm tròn. Khi giúp đỡ những người nào đó thì nhất định không có tâm thiên lệch, bố thí một cách bình đẳng, thanh tịnh. Cho nên tôi thường hay khuyên các đồng tu, tầm nhìn phải xa rộng. Sự hoằng truyền Phật Pháp lợi ích chúng sanh, ở mức thấp nhất là chúng ta phải lấy chúng sanh trên toàn thế giới làm đối tượng, chứ không phải một khu vực nào đó. Bạn nhất định phải mở rộng tâm lượng. Nếu như chỉ lấy một khu vực, khu vực này tốt, còn khu vực khác thì nghèo cùng lạc hậu thì thế giới này vĩnh viễn không thể hòa bình được. Cho nên cần phải chăm sóc toàn diện, giáo dục toàn diện, nâng cao toàn diện, khiến cho tất cả chúng sanh đều có thể phá mê khai ngộ thì xã hội mới có thể được an định, thế giới mới có thể được hòa bình vĩnh cửu. Tuy tất cả chúng sanh gieo nhân trong đời quá khứ khác nhau, duyên của đời này khác nhau, nhưng giác ngộ là được rồi, đôi bên có thể chăm sóc, hỗ trợ hợp tác lẫn nhau, tránh và xóa bỏ mọi thứ tranh chấp, sẽ tránh được mọi tai hại. “Nhược bất nhĩ giả, vi thị dịch pháp.” (Nếu không như vậy, thì đó là pháp giao dịch trong thương trường) Đây chính là nói bạn không có tâm đại từ bi. Tại sao bạn vào trong cửa Phật bố thí? Nghe trong cửa Phật nói: “Bố thí một được quả báo đến cả vạn.” Thấy thương vụ này dễ làm. Có thương vụ nào bỏ ra một vốn mà được vạn lợi đâu? Hóa ra cửa Phật bố thí một vốn được vạn lợi, nên vội đến bố thí. Có chủ ý này chính là pháp giao dịch nơi chợ búa, là dùng tâm đổi chác, buôn bán, hăng hái cầu lợi, thấy đây là đúng chỗ rồi một vốn được vạn lợi, có thể kiếm được tiền to. Cái tâm này là nhất định sai lầm, không tương ưng. Dưới đây lại nói:
“Phục thứ Bồ Tát, tri chư pháp thực tướng như Niết Bàn bất tận.” (Lại vầy nữa Bồ Tát. Biết thực tướng của các pháp như Niết Bàn chẳng có cùng tận.) Bồ Tát có trí tuệ, sáng tỏ chân tướng của tất cả pháp thế gian và xuất thế gian. Niết Bàn là tiếng Phạn. Ý nghĩa của nó là chẳng sinh chẳng diệt. Chẳng sinh chẳng diệt là thật, chứ không phải giả. Hễ cái gì có sinh có diệt đều là giả, không phải thật. “Phước đức nhập chư pháp thực tướng, cố nhi diệc bất tận.” (Có phước đức vào thực tướng các pháp, vì thế mà cũng không có cùng tận.) Làm sao vào? Tương ưng với thực tướng các pháp. Làm sao tương ưng? Tâm tương ưng. Bạn khởi tâm động niệm lúc bố thí tương ưng với thực tướng các pháp. Hiện tượng của tương ưng là gì? Thanh tịnh không ô nhiễm, thanh tịnh bình đẳng. Tuy làm việc bố thí mà không dính mắc vào bố thí. Bố thí là tướng. “Hễ cái gì có hình tướng đều là hư vọng”. Cho nên bất kể bạn tu bố thí kiểu gì. Nói thực ra tất cả pháp mà Phật Pháp nói đều là bố thí, bố thí đã hàm chứa tất cả Phật Pháp. Đức Phật dạy mọi người không ngoài ba loại lớn là bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy này. Cho nên những gì chúng ta tu học ở trong đời sống thường ngày không ra khỏi ba loại lớn này. Có thể dùng tâm thanh tịnh, tâm chân thành phục vụ tất cả chúng sanh, phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân chính là bố thí. Phải có tâm bố thí, chỉ có phục vụ chứ không mong cầu ích lợi. Cho nên Phật Bồ Tát là người làm công việc giáo dục trí tuệ thiện nguyện, học trò của Phật cũng như vậy, đây là nền giáo dục trí tuệ, nền giáo dục thiện nguyện, cho nên được phước là không thể nghĩ bàn. Đây là thể nhập vào thực tướng các pháp. “Cố phước lợi bất khả vi dụ” (Cho nên phước lợi không thể ví dụ thế nào cho được) Đây là phước báo chân thật, lợi ích chân thật, không có cách gì ví dụ cho được. “Hồi hướng pháp giới”. Hồi hướng chính là phục vụ. Gần đây giảng “Kinh Hoa Nghiêm”, đúng dịp dùng những quỷ vương, thiên vương này này để đại biểu cho Thập Hồi Hướng. Thập Trụ, Thập Hạnh mà trong đại kinh nói là thành tựu trí tuệ năng lực, trí tuệ đức năng của mình. Sau khi trí tuệ đức năng thành tựu rồi, thì phải vì đại chúng phục vụ. Vì đại chúng phục vụ bèn gọi là hồi hướng. Hồi là mình, hướng là người. Đem trí tuệ đức năng của mình cống hiến cho xã hội, cống hiến cho tất cả chúng sanh đây gọi là hồi hướng. Pháp giới là phạm vi. Phạm vi này là quá lớn rồi, không phải một quốc gia, một hành tinh, mà là tận hư không khắp pháp giới. Bạn thấy tâm lượng này bao lớn, cho nên phước đức, lợi ích của họ là vô lượng vô biên, không có khác gì so với trên quả địa chư Phật Như Lai. Đoạn này là nói phước mà bạn có được khi tạo tượng Phật, tạo hình tượng Bồ Tát, tạo tượng Chuyển Luân Thánh Vương.
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.