KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 32
Mời xem kinh văn dưới đây:
“Phục hữu địa ngục danh viết Tứ Giác, phục hữu địa ngục danh viết Phi Đao, phục hữu địa ngục danh viết Hỏa Tiễn, phục hữu địa ngục danh viết Giáp Sơn, phục hữu địa ngục danh viết Thông Thương, phục hữu địa ngục danh viết Thiết Xa, phục hữu địa ngục danh viết Thiết Sàng, phục hữu địa ngục danh viết Thiết Ngưu, phục hữu địa ngục danh viết Thiết Y, phục hữu địa ngục danh viết Thiên Nhẫn, phục hữu địa ngục danh viết Thiết Lư, phục hữu địa ngục danh viết Dương Đồng, phục hữu địa ngục danh viết Bão Trụ, phục hữu địa ngục danh viết Lưu Hỏa, phục hữu địa ngục danh viết Canh Thiệt, phục hữu địa ngục danh viết Tỏa Thủ, phục hữu địa ngục danh viết Thiêu Cước, phục hữu địa ngục danh viết Đạm Nhãn, phục hữu địa ngục danh viết Thiết Hoàn, phục hữu địa ngục danh viết Tranh Luận, phục hữu địa ngục danh viết Thiết Thù, phục hữu địa ngục danh viết Đa Sân.” (Lại có địa ngục tên là Tứ Giác, lại có địa ngục tên là Phi Đao, Lại có địa ngục tên là Hỏa Tiễn, lại có địa ngục tên là Giáp Sơn, lại có địa ngục tên là Thông Thương, lại có địa ngục tên là Thiết Xa, lại có địa ngục tên là Thiết Sàng, lại có địa ngục tên là Thiết Ngưu, lại có địa ngục tên là Thiết Y, lại có địa ngục tên là Thiên Nhẫn, lại có địa ngục tên là Thiết Lư, lại có địa ngục tên là Dương Đồng, lại có địa ngục tên là Bảo Trụ, lại có địa ngục tên là Lưu Hỏa, lại có địa ngục tên là Canh Thiệt, lại có địa ngục tên là Tỏa Thủ, lại có địa ngục tên là Thiêu Cước, lại có địa ngục tên là Đạm Nhãn, lại có địa ngục tên là Thiết Hoàn, lại có địa ngục tên là Tranh Luận, lại có địa ngục tên là Thiết Thù, lại có địa ngục tên là Đa Sân.)
Bồ-tát Địa Tạng nói tên của địa ngục, đã nói cho chúng ta biết hai mươi hai loại, là nói sơ lược. Nếu như nói tường tận, nói tỉ mỉ thì nói không hết. Ngài nói “Lại có”, tức là nói rõ những địa ngục phụ thuộc của địa ngục A Tỳ và địa ngục Vô Gián, rất nhiều chủng loại, chỉ nói sơ lược mà thôi.
Thứ nhất nói địa ngục “Tứ Giác”. Trong “Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ” nói, nói rõ nghiệp nhân quả báo của địa ngục này. Ngài nói có người thật sự không phải là người tu hành. Ở Trung Quốc nói Sa Môn là từ chuyên dùng để gọi người xuất gia. Nhưng ở Ấn Độ Xưa thì không phải. Ấn Độ xưa thì tại gia hay xuất gia đều gọi là Sa Môn. Cho nên xưng là Sa Môn thì không nhất định là người xuất gia. Định nghĩa của từ Sa Môn gọi là cần tức. Nghĩa là siêng tu giới định tuệ, dập tắt tham sân si, người này bèn xưng là Sa Môn. Cho nên tại gia hay xuất gia đều có thể xưng được. Nhưng sau khi Phật pháp truyền đến Trung Quốc thì từ Sa Môn biến thành từ chuyên dùng để gọi cho người xuất gia. Người tại gia không xưng là Sa Môn. Họ không phải người xuất gia, tự mình xưng là người xuất gia, thì tội này là nặng rồi, đây là giả mạo người xuất gia. Điều này chúng ta thật sự phải đề cao cảnh giác cao độ. Chúng ta ngày nay xuất gia rồi, có phải là người xuất gia thật hay không? Chúng ta ngày nay đã thọ giới rồi, có phải là đã thọ giới thật hay không? Chưa có. Điểm này nếu như chúng ta tự xưng là Tỳ Kheo, thì tội lỗi là nặng rồi, phạm tội nghiệp cực nặng. Đại sư Ngẫu Ích triều Minh, đây là người rất tuyệt vời trong các Tổ sư Tịnh Tông. Đại Sư Ngẫu Ích là hạng người nào? Không có ai biết. Nhưng Ấn Quang Đại Sư chúng ta biết, Ngài là Bồ-tát Đại Thế Chí hóa thân tái lai. Lời tán thán của Ấn Quang Đại Sư đối với “Kinh Di Đà Yếu Giải”. “Yếu Giải” do Đại Sư Ngẫu Ích biên soạn. Ngài nói “Kinh Di Đà Yếu Giải”, cho dù là cổ Phật tái lai làm thêm một bản chú giải nữa cho “Kinh Di Đà”, thì cũng không thể hơn cuốn này được, là khen ngợi đến cực điểm rồi. Năm xưa tôi ở nơi này, pháp sư Diễn Bồi đã từng hỏi tôi, thầy nói lời nói này của Ấn Quang Đại Sư có phải là nói hơi quá không? Sao có thể tán thán như vậy được? Tôi chân thành nói với thầy rằng, tôi nói không quá đâu. Tôi đã đọc qua “Yếu Giải”, cũng đã giảng qua “Yếu Giải” mấy lần, quả thật vô cùng hiếm có. Tôi khẳng định cách nói của Ấn Quang Đại Sư. Đại sư Ngẫu Ích là ai? Nếu như không phải là Phật A-Di-Đà tái lai, thì nhất định cũng là hạng như Bồ-tát Quan Thế Âm, là Phật, Bồ-tát tái lai. Ngài đến thị hiện, thị hiện ở thời kỳ Mạt Pháp, thị hiện người xuất gia, đã thọ giới rồi. Ngài hiểu giới luật, Ngài nghiên cứu giới luật, lúc đó cũng có người gọi Ngài là Luật Sư. Ngài đã nói cho chúng ta một câu kết luận rằng, Trung Quốc từ Nam Tống trở về sau, là không có Tỳ Kheo nữa. Chúng ta muốn thọ giới, trong Giới Kinh nói về giới Tỳ Kheo, ít nhất phải có năm vị Tỳ Kheo đích thực truyền giới, thì bạn mới có thể đắc giới. Nam Tống trở về sau là không có Tỳ Kheo rồi, vậy chúng ta đắc giới từ đâu đây? Cho nên sau khi Ngẫu Ích đại sư tự thọ giới xong, Ngài bèn xả giới ngay trước Phật Bồ-tát, không có đắc được. Ở trước hình ảnh Phật Bồ-tát cầu thọ giới Sa Di. Cho nên cả đời Ngài, tự xưng là Sa Di Bồ-tát giới, đây là thân phận của Ngài. Cho nên khí phách của Ngẫu Ích Đại Sư đã thị hiện làm tấm gương cho chúng ta, chúng ta phải biết học tập. Học trò của Ngài, đồ đệ của Ngài là pháp sư Thành Thời. Sau khi Ngẫu Ích đại sư viên tịch, tất cả những trước tác của Ngài là do pháp sư Thành Thời đem nó chỉnh lý, khắc bản in lưu thông. Đây là đại công trình của Ngẫu Ích đại sư. Thầy đã dùng Sa Di để tự xưng, nên học trò không dám xưng là Sa Di. Ngài Thành Thời xưng là xuất gia Ưu Bà Tắc, Thành Thời tự xưng là xuất gia Ưu Bà Tắc, đây là danh phù hợp với thực, đây không phải phạm lỗi. Thân phận của chúng ta ngày nay là gì? Thật sự làm được xuất gia Ưu Bà Tắc là đã khá lắm rồi. Có thể tu tốt ngũ giới, thập thiện, vậy chúng ta thật sự là đệ tử của Di Đà rồi. Cư sĩ tại gia tu ngũ giới thập thiện, chúng ta cũng là tu ngũ giới thập thiện. Chúng ta là thân phận xuất gia tu ngũ giới thập thiện. Địa vị đích thực của chúng ta là xuất gia Ưu Bà Tắc. Phải hiểu được. Ở trong “Kinh Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo” nói thời kỳ Mạt Pháp không có Tỳ Kheo truyền giới nữa. Nếu bạn thật sự muốn cầu giới, từ đâu đắc giới? Đắc giới từ trên Luân Tướng, chiêm sát luân tướng. Cho nên Ngẫu Ích đại sư là dùng chiêm sát luân tướng để cầu Bồ-tát giới và Sa Di giới. Người xưa cẩn thận như vậy, nghiêm khắc như vậy là có đạo lý. Đến đầu năm Dân Quốc, đại sư Hoằng Nhất, vị này mọi người vô cùng tôn kính. Ngài là tu Tịnh Độ, cũng rất có nghiên cứu về giới luật. Ngài có một số buổi diễn giảng tại Viện Phật Học Mân Nam, được sưu tập vào trong “Hoằng Nhất Đại Sư Diễn Giảng Lục”, quý vị có thể xem được. Ngài khuyên nhủ người xuất gia chúng ta, không thể không đi thọ giới, thọ hình thức. Nhưng tự mình nhất định phải biết, chắc chắn không thể đắc giới. Tại sao phải thọ cái hình thức này vậy? Để tránh người thế gian hiềm nghi nói bạn chưa thọ giới. Trên hình thức chúng ta có đi thọ giới, nhưng tự mình phải biết rõ là chưa có đắc giới. Không phải thọ giới Tỳ Kheo rồi thì đã thành Tỳ Kheo, thọ giới Bồ-tát rồi thì đã thành Bồ-tát. Đâu có chuyện đơn giản như vậy được? Cho nên ở trong Lục Tức của Tông Thiên Thai, chúng ta là Tỳ Kheo gì? Là Tỳ Kheo danh tự, hữu danh vô thực, phải biết mình là thân phận này. Đại sư Hoằng Nhất cả đời mình cũng tự xưng là xuất gia Ưu Bà Tắc, danh xứng với thực, vậy là đúng rồi. Mình chưa có đắc giới, mình chưa có trì giới mà tự xưng là Tỳ Kheo vậy là vọng ngữ, là đại vọng ngữ, vậy thì có thể có phần ở “địa ngục Tứ Giác” rồi. Còn một nghiệp nhân khác nữa, đây là chúng ta nói nghiệp duyên, đó là xem nghe ca múa. Người thế gian gọi là nơi vui chơi giải trí, nơi ăn chơi. Tuy chúng ta không đến nơi đó, người xuất gia Trung Quốc có cái hay là, người xuất gia mặc bộ y phục này, nếu bạn vào rạp hát để xem kịch, người ta sẽ mắng bạn, bản thân bạn cũng rất ngại đi. Hòa thượng người xuất gia Nhật Bản, lúc họ đi bạn không thể nhận ra được, họ mặc Âu phục, đi giày Tây. Áo Cà Sa để ở đâu vậy? Để ở trong túi Âu phục. Áo Cà Sa của họ lớn chỉ có ba tấc, khi làm Phật sự, thì lấy ra choàng lên cổ, khi không dùng đến thì cuộn lại, cho vào trong túi áo, đi giày da bạn không thể nhận ra họ. Khi họ đến những nơi đó người ta không thể nhìn ra được. Chúng ta thì không được, chúng ta vừa bước vào nơi đó, thì mọi người đều không còn xem ca múa nữa, mà nhìn bạn. Sao thầy lại đến chỗ này? Cho nên y phục này không được sửa đổi, có tác dụng rất lớn. Ở Đài Loan đã từng có một dạo có người đề xướng phải sửa đổi trang phục này. Rất may là có một số lão hòa thượng kiên trì tuyệt đối không được sửa đổi. Bạn không đi xem, nhưng trong tiết mục truyền hình có rất nhiều. Hiện nay ở trong rất nhiều đạo tràng có truyền hình, đây cũng là chuyện phiền phức. Bạn nhìn thấy những chương trình ca múa biểu diễn này, nếu như bạn không khéo quan sát, sinh tâm dính mắc tham ái cũng bị đọa địa ngục này. Người khéo quan sát, họ nhìn như thế nào vậy? Mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương như điện chớp, càng đề cao cảnh giác hơn nữa. Từ trên hình ảnh này thể hội được, thì có thể quan sát toàn bộ cõi nhân sinh, toàn bộ vũ trụ là một vở kịch, là giả, không phải thật, đây là khéo quan sát, bạn ở trong đây sẽ có chỗ ngộ. Không khéo quan sát, sẽ sinh tâm dính mắc, tham ái, thế thì phiền phức lớn rồi! Địa ngục Tứ Giác, trong Kinh nói với chúng ta, xung quanh là tường sắt bao bọc. Sắt đều nung cháy đỏ rực, địa ngục là một biển lửa. Lửa là phun ra từ trong bốn góc địa ngục, người ở trong đó bị lửa thiêu, bị lửa nung nấu. Địa ngục đó giống như cái nồi lớn vậy, đã cháy đỏ rực mà còn phun lửa nữa, ngày đêm không có gián đoạn. Ở trong chú giải của đại sư Thanh Liên, Ngài nêu ra lời trong “Lập Thế A Tỳ Đàm Luận” nói. Ngoài ra còn có một loại nghiệp nhân nữa là, trong đời quá khứ ở cõi người, có khi tự mình làm, có khi bảo người khác sát sinh. Chúng ta thông thường nói dùng dao để chặt, để bằm. Những súc sanh này bạn chặt, bằm tay, chân, đầu của nó, tạo loại tội nghiệp này, cũng phải bị thọ báo ở trong địa ngục Tứ Giác. Ví dụ giết gà, giết gà này rồi, đã chết rồi, sau đó đi chặt thân nó ra, nó có đau khổ không? Thần thức chưa có lìa khỏi, vẫn là có cảm giác. Nếu như gặp phải loại quỷ giữ tử thi. Sao gọi là quỷ giữ tử thi? Là chấp trước kiên cố đối với thân phận này của họ, không chịu rời đi, thì phiền phức đó là lớn rồi! Sau khi nấu chín rồi, khi bạn ăn nó, nó cũng cảm thấy đau khổ. Đó là loại chúng sanh chấp trước kiên cố, không chịu xả bỏ thân của nó. Sao nó không ôm hận được? Tội nghiệp bạn tạo nặng cỡ nào? Những sự việc này, nói thực ra đức Phật không nhẫn tâm nói, tuyệt đối không phải hù dọa người. Chỉ có người thiện căn sâu dày, nghe lời đức Phật dạy có thể tin được, mới thật sự chọn ăn chay, trong đời này tuyệt đối không ăn thịt chúng sanh, tuyệt đối không giết hại chúng sanh. Những gì trước đây làm, nay nghiêm túc sám hối, biết sai rồi! Siêng tu phước tuệ hồi hướng cho những oan gia trái chủ này. Hy vọng ta thành Phật đạo, thì những oan gia trái chủ này cũng cùng thành Phật đạo với ta. Phải phát chân tâm, chân nguyện, chân tu hành, thì những oan gia trái chủ này, mới không gây chuyện với bạn nữa, sẽ không gây chướng ngại cho bạn. Tại sao vậy? Bạn thành tựu, họ được thơm lay. Nếu họ chướng ngại bạn, thế thì họ tự hại chính mình. Nếu như việc chúng ta làm là giả, không phải thật, thì những oan gia trái chủ này, tuyệt đối sẽ không tha thứ cho bạn. Trừ khi là không nắm được cơ hội, nếu nắm được cơ hội thì họ nhất định sẽ đến báo thù.
Thứ hai “Địa ngục Phi Đao” chính là địa ngục Đao Luân, bốn phía đều là núi đao, trên không còn có bánh xe đao. Đao Luân không phải một cái, mà vô lượng vô biên giống như mưa vậy, từ trên không rơi xuống. Người ở trong địa ngục này, thật sự là bị thịt nát xương tan. Nghiệp nhân này chính là trong đời quá khứ ở trong cõi người sát sanh bừa bãi, đều là quả báo của nghiệp sát. Bạn giết hại rất nhiều chúng sanh, bạn phải ở trong đây thọ cái quả báo này.
Thứ ba “Địa ngục Hỏa Tiễn”. Tiễn là cung tên của thời xưa. Cung tên là mang theo lửa, mũi tên này từng chiếc từng chiếc bắn vào tội nhân. Trong Kinh nói một ngày một đêm sáu trăm ức lần chết đi sống lại. Thọ hình phạt trong địa ngục, nếu như vừa thọ liền chết ngay, thế thì tốt! Đó là niềm vui lớn. Chết xong liền rời khỏi địa ngục ngay. Họ không thể chết, sau khi chết xong, ở trong địa ngục gió vừa thổi qua họ lại sống trở lại, sống dậy thọ tiếp. Cho nên ở trong địa ngục thật sự là muốn sống không được, muốn chết không xong, phải thọ cái tội báo này. Trong Kinh giáo nói nghiệp nhân của họ, là lúc còn ở thế gian ngu si, tham dục nặng vô cùng, họ bất hiếu với cha mẹ, bất kính với sư trưởng, không vâng theo lời chỉ dạy thiện, giết hại tất cả chúng sanh, cho nên bị quả báo này.
Thứ tư “Địa ngục Giáp Sơn”. Đây là người đi vào giữa hai quả núi, quả núi khép lại, núi kẹp, thọ loại hình phạt này. Cũng có Kinh gọi là địa ngục Chúng Hiệp. Là rất nhiều núi khép lại với nhau. Trong Kinh nói, tội nhân trong địa ngục sợ những con quỉ tốt đầu trâu mặt ngựa này cầm những cây gậy nanh sói, rượt đuổi những tội nhân này, tội nhân sợ hãi chạy vào trong núi để lẫn trốn, vừa chạy vào trong núi thì núi này bèn khép lại, không để thoát một người nào cả. Hai quả núi khép lại, khi người bị kẹp ở trong đó, trong Kinh miêu tả xương thịt bầy nhầy, máu chảy thành sông. Chúng ta thấy cái quả báo này, phải liền nghĩ đến nghiệp nhân này. Họ đã tạo là nghiệp nhân gì? Nghiệp nhân này vô cùng phức tạp, đủ thứ ác nghiệp chiêu cảm nên quả báo như thế này. Con người không những ở trong một đời, mà trong vô lượng kiếp ác nghiệp đã tạo quá nhiều quá nhiều rồi, cho nên đọa vào địa ngục là quả báo chung. Tất cả tội nghiệp này của bạn thảy đều phải ở trong đây thọ báo cho đến hết. Nói theo lý thì lìa khỏi địa ngục đó là người tốt, nghiệp chướng đều tiêu hết rồi. Không sai nghiệp chướng là hết rồi, mà tập khí vẫn còn, phiền phức là ở chỗ này! Tập khí vẫn còn. Nếu như bên trong còn tập khí phiền não, bên ngoài không chịu nổi sự cám dỗ của ác duyên ngũ dục lục trần, thì phiền phức lớn rồi, lại bắt đầu tạo rồi. Ra khỏi rồi vẫn tiếp tục không ngừng tạo. Bạn nói vậy thì nguy hiểm cỡ nào? Nhân quả tuần hoàn, không bao giờ dứt.
“Địa ngục Thông Thương”, cũng gọi là địa ngục Kiếm Diệp. “Thương” là đao thương của thời xưa. Nghiệp nhân vẫn là sát sanh. Trong sát sanh bao gồm tất cả chiến tranh ở trong đó nữa, đặc biệt là ở trong chiến tranh giết người một cách bừa bãi, mặc tình giết hại tất cả chúng sanh, tạo ra nghiệp báo.
“Địa ngục Thiết Xa”, trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói: “Tư báo kết vào hơi thở thì thành xe lửa.” Cũng gọi là địa ngục Hỏa Xa. Xe là xe bằng sắt, toàn xe được nung đỏ, tội nhân là phải dùng sợi gân của chính họ, rút gân của mình ra, để làm dây kéo chiếc xe này. Phía sau có những con quỉ tốt thúc giục bạn, rượt đuổi bạn. Trong “Kinh Hiền Ngu” có nói, Phật Thích Ca Mâu Ni ở trong đời quá khứ đã từng đọa qua địa ngục này. Mấy người kéo chiếc xe sắt này, khi nhìn thấy trong đó có một người bị rút gân thì vô cùng đáng thương, vô cùng đau khổ, nên đức Phật Thích Ca Mâu Ni vào lúc đó đã phát tâm từ bi, yêu cầu quỉ tốt, tôi có thể rút thêm một sợi gân tặng cho người ấy không? Quỉ tốt nhìn thấy hình ảnh này của Phật Thích Ca Mâu Ni, bèn dùng gậy nanh sói, đập chết Ngài. Đập chết liền siêu sanh ngay, liền ra khỏi địa ngục. Ở trong địa ngục động một niệm tâm thiện liền thoát khỏi ngay. Khi khởi một niệm tâm thiện đó, quỉ tốt nhìn thấy căm ghét bạn, nên dùng gậy đập bạn chết, bạn liền thoát khỏi địa ngục rồi. Cho nên chúng ta phải hiểu được đạo lý này. Chúng ta người niệm Phật A-Di-Đà, từng tâm từng niệm tương ưng với Phật, nếu có người đánh chết chúng ta liền được siêu sanh ngay, đánh chết liền về thế giới Cực Lạc, thoát khỏi lục đạo luân hồi. Sao bạn có thể oán hận họ chứ? Còn không kịp cảm ơn nữa là. Đây là thật, không phải giả. Niệm niệm tương ưng với Tây Phương Tịnh Độ, niệm niệm tương ưng với các việc thiện. Thế giới Tây Phương Cực Lạc, là nơi các bậc thượng thiện tụ tập, niệm niệm tâm địa thuần thiện, không có một mảy may ác ý thì chúng ta vãng sanh mới có phần nắm chắc thật sự, một chút cũng không hoài nghi. Tâm thiện, lời nói thiện, hành vi thiện, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thì đâu có lý nào không vãng sanh? Người như vậy không sanh Tịnh Độ, thì còn người nào có thể sanh Tịnh Độ nữa? Cho nên chúng ta phải giành được phần chắc chắn nhất định về Tây Phương Tịnh Độ, cách làm này của bạn là không sai. Đối với tất cả người, sự, vật trong thế gian đều vui vẻ, đều cảm ơn, không có một mảy may oán hận, không có mảy may thù địch, như vậy là tốt.
Thứ bảy “Địa ngục Thiết Sàng”. Chiếc giường này cũng là dùng lửa nung đỏ lên. Người bị thọ hình phạt bảo họ nằm lên giường, giống như chúng ta hiện nay gọi là nung trên tấm sắt, còn nghiêm trọng hơn cả nung trên tấm sắt nữa. Nung trên tấm sắt, cái tấm sắt đó không có nung đỏ, còn đây là nung đỏ rồi. Đức Phật nói ở trong Kinh, loại hình phạt này phần lớn là do tà dâm, là quả báo của dâm dật.
Thứ tám là “Địa ngục Thiết Ngưu” trong kinh văn phần sau sẽ nói đến.
Thứ chín là “Thiết Y”, là y phục dệt bằng sắt, cũng là nung thật đỏ lên cho tội nhân mặc. Tội nhân mặc Thiết Y vào thì toàn thân đều bị cháy rụi. Trong Kinh nói cho chúng ta biết, loại nghiệp nhân này là họ trong đời quá khứ ở cõi người, dùng roi đánh đập tổn hại chúng sanh hữu tình, tạo nên quả báo này. Ngoài ra là xuất gia phá giới, hưởng thụ y phục do tín đồ có tín tâm cúng dường, nên phải bị quả báo này. Cổ đức có hai câu nói nói rất hay: “Nay thấy Cà Sa rời khỏi thân, tương lai sẽ bị áo sắt trói thân.” Chính là nói về quả báo của địa ngục này. Cho nên dưới chiếc áo cà sa mà mất thân người, chúng ta khoác chiếc áo cà sa đi tạo tác tội nghiệp. Cà sa là ký hiệu của Phật pháp. Khoác lên chiếc áo cà sa thì trách nhiệm sứ mệnh là tiếp nối huệ mạng Phật, hoằng pháp lợi sinh. Chúng ta nhận được ký hiệu của Phật, mà không đi làm công việc này, đây chính là dưới chiếc áo cà sa mất thân người, tương lai ở trong địa ngục thọ quả báo của địa ngục Thiết Y.
Thứ mười là “Thiên Nhẫn”. Nhẫn là lưỡi dao, lưỡi dao sắc bén. Trong “Kinh Quán Phật Tam Muội” nói, đây là những chúng sanh không vâng theo lời chỉ dạy của thầy, phản thầy nghịch đạo, không biết ơn đức, trộm cắp, hãm hại thầy giáo, làm nhục trêu chọc thầy giáo, thậm chí là phỉ báng, đánh đập giết hại, tạo loại ác nghiệp này, sẽ đọa vào địa ngục Thiên Nhẫn. Ngoài nghiệp nhân này ra, hoặc giả là Sa Môn, Bà La Môn làm chuyện phi pháp, làm những việc không đúng như pháp, không biết xấu hổ, dùng tâm ác phá hoại Tam Bảo. Giống như phá hoại đạo tràng, phá hoại tượng Phật, phá hoại tháp miếu, đoạt lấy pháp vật, giết hại cha mẹ, anh em, chị em thân thuộc. Người tạo những tội nghiệp này, khi mạng chung đều đọa vào địa ngục này. Thiên Nhẫn, ở trong lưỡi dao đều phát ra lửa. Đao Nhẫn giống như địa ngục Đao Luân ở phía trước vậy, từ trên không rơi xuống giống như mưa vậy, người này cũng là bị thịt nát xương tan.
Thứ mười một “Địa ngục Thiết Lư”, thứ mười hai “Địa ngục Dương Đồng”. Dương Đồng là tội báo của khẩu nghiệp, và quả báo của ăn uống, đây là thuộc về khẩu nghiệp. Dương Đồng ác khẩu. Đây là đồng được nấu chảy ra cho tội nhân uống. Nước đồng sau khi đổ vào miệng, thì lục phủ ngũ tạng đều cháy rụi hết.
Thứ mười ba “Địa ngục Bão Trụ”. Đây chính là bào lạc. Cây cột, cột sắt, đốt cho thật đỏ lên sau đó bảo tội nhân ôm cột. Phật ở trong Kinh nói, đây cũng là do chúng sanh ngu si trong thế gian nhiễm ái tà dâm, nên đọa vào địa ngục này. Địa ngục này là vô cùng vô cùng tàn khốc. Đầu năm Dân Quốc cư sĩ Chương Thái Viêm, từng làm phán quan ở Đông Nhạc Đại Đế, ông đọc kinh cảm thấy địa ngục Bão Trụ quá tàn khốc, đã từng thỉnh cầu Đông Nhạc Đại Đế, có thể hủy bỏ cái hình phạt này được không? Đông Nhạc Đại Đế bèn sai hai Tiểu Quỉ, dẫn ông để đích thân ông đến hiện trường xem, trở về sẽ nói tiếp. Tiểu Quỉ dắt ông đến địa ngục này, ông không nhìn thấy gì cả, thế là mới chợt ngộ ra, mới biết đây là do nghiệp lực của mình biến hiện ra. Bạn không có nghiệp lực này thì bạn không thể nhìn thấy, mới biết là tự làm tự chịu, chứ không phải do vua Diêm La lập ra hình phạt này cho tội nhân thọ nhận. Cho nên vua Diêm La cũng vô phương. Cảnh giới địa ngục là do tự mình biến hiện ra, do nghiệp lực hiện ra, chứ không có quan hệ gì với những quỉ vương này. Những kẻ đầu trâu mặt ngựa trong địa ngục này, những con quỉ tốt này từ đâu mà có vậy? Cũng là do nghiệp lực của mình biến hiện ra. Là giống như một người nằm mộng vậy, cảnh giới nó là như vậy, cho nên ông mới hiểu ra đạo lý này. Cảnh giới của địa ngục, trong kinh phần trước nói rất rõ ràng, chỉ có hai hạng người có thể nhìn thấy, một là người thọ tội, thứ hai là Bồ-tát, vào trong địa ngục để độ chúng sanh. Bồ-tát có loại định lực này, có loại công phu này có thể đột phá cảnh giới này, họ có thể nhìn thấy được. Nếu như không phải hai loại người này, dù địa ngục ở trước mặt bạn bạn cũng không thể nhìn thấy được. Đây là quả báo của tà dâm. Trong kinh nói một ngày một đêm chín trăm ức lần chết đi sống lại. Sống chết thật sự ở trong từng sát-na.
“Địa ngục Lưu Hỏa”. Ở trong “Tam Pháp Độ Luận” gọi nó là địa ngục Đại Khốc. Trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói: “Trong hai tướng mùi vị của quả báo, thì tướng thứ hai là phun ra khí, lửa mạnh tung bay, cháy rụi xương tủy.” Đoạn này trong “Kinh Lăng Nghiêm” cũng là nói địa ngục Lưu Hỏa. Trong địa ngục này khắp nơi đều là lửa thiêu đốt ngùn ngụt, không có đường thoát thân. Quỉ tốt ở trong đây không có một mảy may tâm từ bi nào, rượt đuổi ở phía sau, không có cách gì trốn được. Cho nên tình trạng khốn khổ khó mà miêu tả nổi.
“Địa ngục Canh Thiệt”, thứ 15 là địa ngục Canh Thiệt. Đây là do tạo khẩu nghiệp; nói dối, nói hai lời, nói lời thô ác, nói thêu dệt. Người tạo loại khẩu nghiệp này, gọi là địa ngục Kéo Lưỡi, sau khi kéo lưỡi ra còn dùng lưỡi cày để cày. Có lẽ chúng ta nghĩ rằng, lưỡi nhỏ như vậy, lưỡi cày lớn như vậy làm sao cày được? Địa ngục là hóa thân. Địa ngục lớn bao nhiêu thì thân hình của họ cũng lớn bấy nhiêu. Cho nên khổ báo này chúng ta không thể nào có thể tư duy tưởng tượng ra được.
“Địa ngục Tỏa Thủ”, ở trong “Tam Pháp Độ Luận” gọi là địa ngục Hoạt (Sống). Trong địa ngục này, những quỉ tốt trong địa ngục đó cầm dao, rìu những loại vũ khí sắc bén này chặt đầu tội nhân, mổ thân thể tội nhân ra. Nghiệp nhân này chúng ta rất dễ dàng tưởng tượng ra được. Là quả báo của sát sanh, sát sanh ăn thịt. Hình ảnh bạn giết hại chúng sanh như thế nào, đến địa ngục này quỉ tốt sẽ đối xử với bạn giống y như vậy. Nghiệp nhân quả báo không mảy may sai chạy.
“Địa ngục Thiêu Cước” cũng gọi là địa ngục Nhiệt Khôi. Tro bạn nhìn thấy giống như tro, thực ra trong đó là lửa, đều là đang thiêu cháy. Tội nhân đi qua chỗ này, thì bàn chân, đầu gối, chân đều cháy khét. Tội nghiệp này cũng có rất nhiều loại. Loại thứ nhất là trước đây ở cõi người, đem chúng sanh hữu tình, chúng sanh có mạng sống cho vào trong lửa thiêu, cho vào trong than nóng hoặc giả ở trong cát nóng để nung nấu là làm những việc này. Hiện nay chúng ta nhìn thấy, có một số người đi du lịch dạo chơi, đến những vùng có suối nước nóng, núi lửa, nhiệt độ của nước và cát đều rất cao. Mọi người hay làm gì? Luộc trứng gà. Vài ba phút thì trứng luộc chín rồi. Ở trong trứng đều có mạng sống. Hiện nay có một số loại trứng không phải là trứng có trống. Nhưng trước đây, trứng thảy đều là có mạng sống. Giết hại chúng sanh, bạn sẽ gặp phải quả báo này. Trong cái quả báo này còn bao gồm, trong nghiệp nhân này bao gồm cả tà dâm, bao gồm cả phá giới, đều là phải bị cái nghiệp báo này.
Thứ 18 “Đạm Nhãn”. Đây là trong Kinh này nói có rất nhiều nghiệp nhân bất thiện biến hiện ra loại quả báo này. Bạn thấy ở trong địa ngục có những con chim sắt, chim ưng sắt chuyên mổ mắt tội nhân ăn, bạn không cách gì phòng bị được, cướp đoạt mất hai mắt của tội nhân. Sau khi cướp đoạt xong, gió thổi qua, họ lại sống trở lại, mắt lại mọc trở lại, chim đó lại đến ăn mắt bạn tiếp. Phật ở trong Kinh nói nghiệp báo này có quan hệ với nghiệp uống rượu. Thích uống rượu, thích ăn thịt phải gặp quả báo như thế này.
“Thiết Hoàn” Đói thì nuốt viên sắt, khát uống nước đồng đun sôi, đói ăn viên sắt, những quả báo này đều là có quan hệ với chuyện ăn uống vô độ.
Thứ 21 “Thiết Phu”. Trong “Kinh Trường A Hàm” nói, ở trong địa ngục này, người thọ tội sợ hãi bối rối, không có cửa trốn thoát. Nguyên nhân gì tạo thành vậy? Do liên lụy đến oan gia chủ nợ nhiều đời trước, tuy oan gia chủ nợ không có hiện tiền, mà tự nhiên biến hiện ra cảnh giới này. Cảnh giới này có thể có hay không? Chúng tôi nghĩ là có. Khi chúng ta tạo tác tội nghiệp rất nặng, tuy oan gia trái chủ không có tìm đến, nhưng tối nằm mộng, mộng thấy những oan gia trái chủ này tìm đến, sợ toát cả mồ hôi, kinh hoàng khiếp vía. Cảnh giới trong mộng đó chẳng phải là do mình biến hiện ra sao? Trong mộng có thể biến ra những cảnh giới này, sau khi chết rồi ở địa ngục, địa ngục cũng giống như trong mộng vậy. Cho nên cảnh giới này là rất có thể xảy ra. “Phu” chính là chiếc rìu, là cùng ý nghĩa với chiếc rìu. Phần lớn thuộc về khẩu nghiệp. Người xưa nói: Búa rìu ở trong miệng, nên giết người cũng từ lời nói ác độc ấy. Gây chuyện lôi thôi, bới móc thị phi, phỉ báng đối với người thiện, khen ngợi đối với người ác, thì phải thọ cái quả báo này. Thiết Phu, cái rìu lớn này, nặng hơn nhiều so với dao thông thường. Cái rìu này cũng đều là lửa. Tất cả những loại vũ khí bằng sắt, bằng đồng trong địa ngục này đều không thể lìa khỏi lửa, cả một biển lửa, họ phải đọa lạc vào địa ngục để thọ báo.
Thứ 20 “Tranh Luận”, thứ 22 “Đa Sân”, hai tính chất này tương tự nhau, có thể hợp chung lại giảng. Cho nên phía sau, chúng tôi không có dựa theo thứ tự của nó. Ở trong chú giải của đại sư Thanh Liên cũng nói “Tranh Luận, Đa Sân” tuy là hai địa ngục, nhưng nghiệp nhân của nó là một. Tranh Luận bắt nguồn từ tham dục, đố kỵ. Bởi do tâm tham, bởi do tâm đố kỵ, cho nên tạo nghiệp sân hận, chiêu cảm nên quả báo như vậy. Bạn thích tranh luận, đọa vào trong địa ngục sẽ tranh luận không ngừng nghỉ. Cuộc sống này rất khổ! Đa sân, sân hận không ngừng nghỉ, đọa vào loại địa ngục này. Trong “Tam Pháp Độ Luận” nói: “Lại do tội ác, nên tay tự nhiên sinh vuốt sắt, sắc bén như dao, hình giống như nửa mặt trăng. Ai nấy sinh ý oán kết, anh bức bách tôi, nay tôi bức bách anh, vì thế sinh tâm sân hận, vồ chụp xâu xé nhau.” Đây là giải thích rõ, tội báo không phải đến từ bên ngoài, mà quả thật là do nghiệp lực của mình biến hiện ra. Tay của tội nhân, tự nhiên biến thành dao bén, ở trong đây tự mình giết chính mình, không phải người khác đến giết hại bạn, không phải do người khác đến trả thù bạn. Trong chú giải của đại sư Thanh Liên, đã làm một cái tổng kết cho chúng ta, tổng kết hay vô cùng: “Nên biết tất cả các pháp đều là hư dối”. Trong “Kinh Kim Cang” nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng.” Địa ngục Vô Gián, A Tỳ cũng không ngoại lệ. Nhưng người bị đọa vào trong đó họ không giác ngộ, họ cho hư vọng là thật. Là giống như chúng ta ở thế gian hiện nay vậy. Cho nên bạn phải biết, địa ngục phàm cái gì có hình tướng đều là hư vọng. Chúng ta hiện nay thế nào? Chúng ta hiện nay cũng là phàm cái gì có tướng đều là hư vọng. “Một khi không thì tất cả đều không, một khi vọng thì tất cả đều vọng, một khi chân thì tất cả đều chân”, không có đối lập, nếu như bạn có đối lập, thế là sai rồi! Nói vọng thì tất cả đều là hư vọng, nói chân thì tất cả đều là chân thật, vậy là đúng rồi, vậy là không trái lại nhân quả, không đi ngược lại chân tướng sự thật. Từ đó cho thấy, tuy là cảnh giới hư huyễn không thật, giống như đời người hư huyễn không thật hiện nay của chúng ta. Chúng ta ở trong đây thật sự là có cảm thọ khổ, vui, lo, mừng không? Địa ngục là nơi khổ cùng cực. Bạn vào trong đó có phải thọ hay không? Phải thọ. Chỉ có hạng người thật sự hiểu rõ tình trạng chân thật của lục đạo, thập pháp giới họ mới không thọ. Họ ở trong lục đạo, thập pháp giới, họ không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, đó gọi là siêu phàm nhập thánh. Chưa đến cảnh giới này thì bạn phải thọ. Hay nói cách khác, bạn cho rằng vẫn có ta, có người thì lục đạo luân hồi bạn phải thọ. Đến khi nào bạn không còn ta, không còn người. Trong “Kinh Kim Cang” nói bốn tướng không rồi: “Không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả.” Bạn là Bồ-tát rồi, lúc đó bạn ở trong địa ngục A Tỳ, địa ngục Vô Gián bạn không thọ, không thọ cái khổ này. Bạn là Bồ-tát, có thể vào địa ngục Vô Gián để thị hiện, để độ hóa chúng sanh. Giống như Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện ở trong địa ngục Hỏa Xa vậy. Người thọ tội, khi con người thọ đau khổ cùng cực, họ không thể hồi tâm chuyển ý được, họ niệm niệm đều là đang khổ, họ không thể nghĩ đến chuyện khác. Bồ-tát thị hiện ở nơi đó, ta rút thêm một sợi gân tặng cho họ, để giảm bớt đau khổ cho họ, là đánh thức chúng sanh địa ngục. Ngài vẫn có thể quên mình vì người, chúng sanh địa ngục có cái niệm như vậy, họ liền thoát ra rồi. Có một niệm tâm thiện liền thoát khỏi địa ngục, thọ khổ của họ liền giảm nhẹ ngay, và thời gian thọ khổ được rút ngắn, một niệm tâm thiện. Tâm thiện yếu ớt đi nữa cũng có lợi ích lớn đối với họ. Cho nên Bồ-tát ở trong địa ngục làm đủ dạng thị hiện như vậy. Ở trong đó không có dạy bảo, dạy bảo họ không có thời gian để nghe, họ cũng không có tâm trạng để nghe. Cho nên chỉ có thị hiện những hình ảnh như vậy để họ nhìn thấy xong giác ngộ. Chư Phật, Bồ-tát ở tất cả nơi chốn của chúng sanh hữu tình, địa ngục cũng là một trong những nơi chốn. Cách thức, phương pháp giúp đỡ chúng sanh mỗi nơi mỗi khác. Chúng ta phải hiểu cái đạo lý này. Cho nên Bồ-tát chỉ dạy đại chúng, chúng ta nhất định phải xa lìa tất cả tranh đấu, phải thật sự làm được không tranh với người, không cầu gì ở đời. Tại sao vậy? Thân tâm thế giới đều không thể được, bạn tranh cái gì? Bạn cầu cái gì? Thật sự làm được vô tranh, vô cầu, thì tâm chúng ta định rồi, tâm thanh tịnh rồi, vậy mới có thể đạt được lợi ích thù thắng chân thật của Phật pháp.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết rồi. Chúng ta chỉ giảng đến chỗ này.
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.