Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 77

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 77 

Xin mời mở bản kinh ra, phần khoa chú quyển hạ trang 23, chúng ta đọc qua kinh văn:

  “Phục thứ Địa Tạng! Nhược vị lai thế trung, hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, ngộ Phật tháp tự, Đại Thừa kinh điển, tân giả bố thí cúng dường, chiêm lễ tán thán, cung kính hiệp chưởng. Nhược ngộ cố giả, hoặc huỷ hoại giả, tu bổ doanh lý, hoặc độc phát tâm, hoặc khuyến đa nhân đồng cộng phát tâm.”

  (Lại vầy nữa, này Địa-Tạng Bồ Tát! Trong đời sau, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp chùa tháp và kinh điển đại thừa, nếu là kinh tháp mới thời bố thí cúng dường, chiêm ngưỡng lễ lạy ngợi khen chắp tay cung kính. Nếu gặp kinh tháp cũ, hoặc hư rách thời sửa sang tu bổ, hoặc riêng mình phát tâm làm, hoặc khuyến người khác cùng đồng phát tâm.)

  Trong đoạn kinh văn này, nửa đoạn trước đã giới thiệu qua rồi, nửa đoạn sau này là nói gặp được kinh tháp cũ, quy mô của chùa tháp cũ là tương đối lớn, không phải người bình thường tự mình có thể gánh vác, tu bổ, khôi phục nổi. Cho nên đức Phật ở chỗ này dạy chúng ta, nếu như bạn có khả năng một mình mình phát tâm, thì tốt, công đức vô cùng thù thắng. Nếu như mình không có khả năng thì nên khuyến khích, kêu gọi mọi người cùng nhau phát tâm, đều là vô lượng công đức. Còn kinh điển sau khi tu bổ, nhất định phải có chỗ đường hoàng để cất giữ. Thời xưa có một số gia đình cất chứa của báu trong nhà, truyền nhau đời đời, chế độ đại gia đình có thể truyền được dài lâu. Gia đình hiện nay, là chế độ gia đình nhỏ, vả lại thường hay di dời, không giống như Trung Quốc trước đây, chọn một nơi chốn để xây dựng nhà cửa, khi vào ở nơi này thật sự là ở đến mấy trăm năm, ở mãi ngôi nhà này. Người hiện nay thường hay dời nhà. Ở nước ngoài cắm một tấm bảng, là có thể bán nhà bất cứ lúc nào. Cho nên việc bảo tồn những đồ cổ xưa này là vô cùng khó khăn. Gặp phải những tình cảnh như vậy chúng ta cần phải có trí tuệ, tốt nhất đưa cho nhà trường bảo quản, hoặc giả đưa cho thư viện của chính phủ bảo quản. Ở Trung Quốc những tự viện tùng lâm lớn, chúng ta biết nó có thể truyền được lâu dài, nơi đây có thể bảo quản được. Giống như tứ đại danh sơn của Trung Quốc, những đạo tràng này bất kể biến đổi như thế nào thì nó cũng có thể truyền mãi được. Nơi này của nó là lầu tàng kinh, có thể cất giữ ở nơi đó. Đây là cất giữ đồ xưa cũ, sau khi tu bổ tốt rồi, thu thập lại cất giữ vào những nơi này. Những kinh sách quan trọng hơn nữa, chúng ta có thể đem nó photocopy, bản photocopy có thể lưu hành rộng rãi, còn bản gốc phải cất giữ nó cho đường hoàng, bản photo phải lưu hành rộng rãi, thậm chí là có thể đem nó lưu vào trong máy vi tính. Lưu vào máy vi tính có hai cách: Một loại là lưu giữ bản gốc, hiện nay dùng kỹ thuật chụp hình, có thể nhìn thấy được bản gốc ở trên máy vi tính, dạng chữ gốc, đây là loại rất có giá trị nghệ thuật. Loại thứ hai là làm bản in mới, làm bản in mới tải lên mạng lưu hành, phương pháp này cũng hay. Nói tóm lại Phật Pháp chú trọng ở lưu hành, không chú trọng ở việc cất giữ. Bạn cất giữ có lợi ích cho ai đâu? Cho nên nhất định phải lưu hành. Công đức của lưu hành vô cùng thù thắng. Ngày nay chúng ta nhìn thấy rất nhiều nơi in kinh, trên thị trường người đời in kinh, phía sau họ ghi: “Sở hữu bản quyền, cấm in sao”, cái này về tình có thể tha thứ được. Nếu như là tứ chúng đệ tử nhà Phật hoặc là đạo tràng mà trên trang bản quyền có in dòng chữ này thì phiền phức lớn rồi. Cả đời bạn tu hành tốt đi nữa, làm nhiều việc công đức đi nữa, bạn vẫn không tránh khỏi bị đọa lạc. Nguyên nhân gì vậy? Bạn chướng ngại cho sự lưu hành Phật Pháp, tội này nặng hơn bất cứ tội nào khác. Bạn làm nhiều việc tốt đi nữa, cũng không thể thắng nổi cái tội lỗi này. Bởi vì mấy chữ này của bạn mà khiến cho pháp thân huệ mạng của biết bao nhiêu người bị đoạn dứt. Cho nên cái lợi hại, được mất này chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải sáng tỏ, làm sao có lợi ích cho xã hội, lợi ích cho đại chúng. Lưu thông là bố thí. Phần trước đã báo cáo qua với quý vị rồi, bố thí tài được giàu có, bố thí pháp được trí tuệ. Bạn không chịu bố thí, chướng ngại bố thí, không những bạn phải bị quả báo nghèo cùng, mà còn phải bị quả báo ngu si nữa. Ngu si thì quá đáng sợ rồi! Người tạo tác những tội nghiệp cực nặng, nguyên nhân căn bản đều là do ngu si. Thời gian thọ báo trong ba ác đạo trong kinh nói là vô số kiếp. Nếu gặp phải tai nạn lớn như vậy đều là do họ không rõ đạo lý này. Bạn thấy một niệm chuyển trở lại rồi, phát tâm bố thí, phát tâm cúng dường được vô lượng phước. Mời xem đoạn kinh văn này dưới đây, trong tiểu chú có một đoạn, chúng ta hãy đọc qua nó một lượt, ở hàng thứ nhất trang hai mươi bốn, bắt đầu xem từ câu thứ hai. “Nhược ngộ hủy tổn phá hoại giả, tức đương tu trị bổ hoàn, kinh doanh liệu lý.” (Nếu gặp những thứ bị hư tổn, hủy hoại thì phải nên sửa chữa tu bổ, sắp xếp sửa sang.) Câu này là để chuyên nói về Kinh Đại Thừa, kinh luận Đại Thừa. “Tích hiền vân:” (Người xưa, đại đức xưa nói) “Hoặc khai bế tương kiệp, trùng đố hủ lạn, hoặc vãn thoát lậu ngoa, chỉ mặc phá liệt, tự bất tu lý, bất khẳng lưu truyền, vị miễn đắc tội pháp bảo, hữu vi Phật chế.” (Hoặc để trong rương tráp, bị sâu mọt ăn mục nát, hoặc làm cho sai sót, giấy mực phai mờ rách nát, tự mình chẳng tu bổ, chẳng chịu lưu truyền, không tránh khỏi mắc tội với pháp bảo, còn trái lại với cấm chế của Phật.) Đây là lời giáo huấn của đại đức xưa. Sách vở để lâu ngày sẽ sinh mối mọt, cho nên trách nhiệm của người cất giữ sách là rất lớn, nhất định phải thường xuyên mở ra, dù không xem cũng phải thường xuyên lật nó ra, để tránh mối mọt. Số sách vở này của Trung Quốc, bởi vì giấy không giống như của người nước ngoài, nên mỗi năm phải phơi sách, để khỏi bị ẩm mốc. Hiện nay khoa học kỹ thuật phát triển có thể không cần phải phơi, phơi rất phiền phức, có thể dùng máy hút ẩm, hoặc thuốc chống ẩm để thay thế, cho nên nói không cần phải phơi sách. Trong thư viện ở nước ngoài, chúng tôi thấy người ta điều chỉnh không khí, khống chế nhiệt độ vô cùng nghiêm ngặt, cho nên sách vở có thể được giữ gìn hoàn hảo lâu dài. Những điểm này chúng ta cần phải nên học tập, đặc biệt là những lầu tàng kinh ở quốc nội Trung Quốc, người phụ trách quản lý sách vở kinh tạng, cần phải đi tham quan, học tập các thiết bị hiện đại hóa của thư viện trường đại học trong và ngoài nước, chúng ta chắc chắn sẽ cần đến. Dùng cách này là hy vọng sách vở có thể giữ gìn được hoàn mỹ, có thể giữ gìn được dài lâu. Số chi phí này của đạo tràng nhất định không được tiết kiệm. Phần trước đã nói qua rồi, kinh tạng là thiện tri thức đích thực của chúng ta. Khi đức Phật không còn tại thế, chỗ mà chúng ta nương tựa để tu hành chứng quả chính là kinh tạng. Mấy câu nói dưới đây rất quan trọng, mà chúng ta thường hay lơ là: “Nhược bất năng tu trị, bất khả thiêu hóa.” (Nếu không thể tu bổ thì cũng không được thiêu đốt.) Có rất nhiều người không hiểu, kinh Phật bị rách rồi, bèn đem đốt đi, làm vậy là tội lỗi. Bạn không tu bổ được, thì phải tìm người chịu phát tâm tu bổ, sự việc này nhất định phải chú ý. Dưới đây Ngài trích dẫn là: “Như ngũ bách vấn vân: Giới luật bất dụng lưu lạc khả thiêu phủ.” (Như năm trăm câu hỏi có nói: Giới Kinh không dùng nữa, rời rạc rồi có thể đốt được không?) Có thể đốt được không? Đây là nói Giới Kinh, không có người xem, không còn tác dụng, cũ rách rồi, có thể đốt được không? Đáp là không được. Không biết có tội, đốt là phạm tội xả đọa. Đây là không biết có tội, đốt vậy là phạm tội xả đọa. “Nhược tri thiêu hữu tội cố thiêu, phạm quyết đoán dữ phương tiện phá tăng đồng.” (Nếu biết đốt là có tội mà cứ làm, là phạm tội Quyết Đoán, giống như tội phá hòa hợp tăng vậy) Phá Tăng là phá hòa hợp Tăng. Tội này là nặng rồi. “Diệc như thiêu phụ mẫu” (Cũng như thiêu cha mẹ) Tạo tội nghiệp này nặng cỡ nào. Ngày nay chúng ta thử nghĩ xem, trong tứ chúng đồng tu có bao nhiêu người tạo tội giống như thế này? Tùy ý phá hủy vứt bỏ kinh tạng, tạo tội nghiệp cực nặng. Đương nhiên có rất nhiều người không biết, họ không biết sẽ bị tội nặng như vậy, họ tạo rồi. Ở đây nói rất rõ ràng, không biết mà tạo thì tội này nhẹ, biết mà tạo thì tội đó là cực nặng. Bạn thấy thiêu cha mẹ, phá hòa hợp Tăng đây là tội ngũ nghịch, đọa địa ngục A Tỳ. Không biết mà phạm, tuy tội không có nặng như vậy, nhưng quả báo vẫn là ở Tam Đồ. Nếu như phạm loại tội này, thì nhất định phải thật sự sám hối. Sám trừ tội nghiệp, phát tâm tu thiện, phát tâm tu bổ chùa tháp, tu bổ lưu thông kinh giáo Đại Thừa, vậy mới là thật sự sám hối. Kinh văn dưới đây, đây là nói quả báo.

  “Như thị đẳng bối tam thập sanh trung, thường vi chư tiểu quốc vương.”

  (Những người đồng phát tâm đây, trong ba mươi đời thường làm vua các nước nhỏ.)

  Đây là nói phát tâm tu bổ chùa tháp, kinh sách cũ xưa. Những người này quả báo họ được là: “Trong ba mươi đời thường làm vua các nước nhỏ.” Vua nước nhỏ chính là trưởng quận huyện hiện nay. Chúng ta thấy thời Ấn Độ xưa đó, với thời đại Xuân Thu, Chiến Quốc, Tam Đại Trung Quốc, trong “Sử Ký” ghi chép, nước lớn là trăm dặm, nước nhỏ là hai ba chục dặm, lãnh thổ của nó chỉ lớn như vậy. Hai ba chục dặm là ngang bằng xã, thị trấn hiện nay. Diện tích một trăm dặm là tương đương với một đô thị. Thời xưa những nước nhỏ này, là một quốc gia. Thời triều Chu có tám trăm chư hầu, là tám trăm nước nhỏ. Tám trăm nước nhỏ này, phân bố ở những nơi nào vậy? Là vùng lưu vực sông Hoàng Hà và Trường Giang. Hiện nay gọi là khu vực Trung Nguyên. Khu vực này chiếm diện tích không quá lớn so với diện tích Trung Quốc hiện nay, là khu vực rất nhỏ, trong đó có tám trăm quốc gia. Chư hầu chính là vua nước nhỏ, tương đương với trưởng quận huyện, trưởng xã thị trấn hiện nay, đây đều là vua nước nhỏ mà trong kinh Phật nói. Có thể thấy xã hội hiện nay người có thể làm trưởng xã thị trấn, hoặc trưởng quận huyện, bất kể là do trung ương bổ nhiệm, hoặc giả là địa phương tuyển chọn, đều là do trong đời quá khứ tu phước, không tu phước họ không thể làm được. Nhưng có chỗ khác nhau là, trước đây trong thời đại đế vương, những chư hầu nhỏ này là cha truyền con nối. Hay nói cách khác nhiệm kỳ của họ là suốt đời. Đời trước chết rồi thì con trai tiếp tục làm tiếp, đó là thật sự có phước báo, phước báo thật sự lớn. Phước báo người hiện nay tu không bằng người xưa. Phước báo nhỏ, tại sao vậy? Nhiệm kỳ có vài ba năm, có thể một nhiệm kỳ là hết rồi, nhiều nhất là kéo dài nhiệm kỳ được một vài lần là hiếm có rồi, chứng tỏ phước của người hiện nay mỏng hơn người xưa nhiều, đều là do tu nhân ở đời trước cả.

  “Đàn việt chi nhân, thường vi Luân Vương hoàn dĩ thiện pháp giáo hóa chư tiểu quốc vương.”

  (Còn vị đàn việt chánh đó thường làm Vua Chuyển Luân, lại dùng pháp lành mà giáo hóa vua các nước nhỏ.)

  “Đàn Việt” là người dẫn dầu làm. Từ đó cho thấy, nếu như làm việc này một mình, thì họ sẽ làm vua nước lớn, còn những người làm chung đó với họ sẽ làm vua nước nhỏ. Tu nhân quả báo ở chỗ này chúng ta phải tư duy cho thật kỹ, bạn mới có thể hiểu rõ. Sau khi hiểu rõ thì mới biết chúng ta cần phải tu phước như thế nào. Phật Pháp vô cùng coi trọng việc tu phước. Không phải người học Phật không tu phước, thế là bạn hoàn toàn sai lầm. Đức Phật dạy chúng ta không nên hưởng phước, phải tu phước, đây là ý của Phật, chúng ta phải hiểu. Nếu có phước báo thì cho tất cả chúng sanh hưởng, không nên hưởng một mình. Tại sao vậy? Bởi vì bản thân chúng ta tập khí phiền não chưa có đoạn dứt, nếu thường hay hưởng phước thì sẽ bị mê hoặc điên đảo, dễ bị đọa lạc. Để ngăn ngừa cái tác dụng phụ này, cho nên đức Phật dạy chúng ta đừng nên hưởng phước. Đức Phật thường hay khen ngợi khổ hạnh. Người khổ hạnh tâm đạo kiên cố, không bị thối chuyển. Tăng khổ hạnh có tu phước, chứ không phải không tu phước. Những phước báo tu được để cho đại chúng hưởng thụ, vậy là bố thí càng lớn hơn nữa. Chúng ta xem thấy đức Tỳ Nô Giá Na Như Lai ở trong “Kinh Hoa Nghiêm”, xem thấy đức Phật A Di Đà ở trong kinh Tịnh Độ, chúng ta thấy y chánh trang nghiêm của thế giới đó, phước báo vô song. Có phải Phật chỉ hưởng thụ cho riêng mình không? Không có. Đức Phật đem phước báo của Ngài chia sẻ cho tất cả mọi người ở mười phương vãng sanh về cõi nước đó của Ngài để cho họ hưởng thụ. Đức Phật A Di Đà cũng như vậy, cho người trong mười phương thế giới vãng sanh về Tây Phương Tịnh Độ để cho họ hưởng thụ, chứ không phải mình hưởng thụ. Vậy chúng ta muốn hỏi, rốt cuộc bản thân Phật A Di Đà có hưởng thụ hay không? Vấn đề này các bạn tự mình suy nghĩ cho thật kỹ. Phật A Di Đà phát nguyện tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh. Bạn phải biết người niệm Phật trong mười phương thế giới có bao nhiêu người, người vãng sanh được bao nhiêu người. Đức Phật A Di Đà thảy đều phải tiếp dẫn. Trong suy nghĩ của chúng tôi, chắc Phật A Di Đà rất bận rộn, đâu có thời gian rãnh? Có thể nói mỗi một phút, mỗi một giây Ngài đều phải đi tiếp dẫn người ta, xưa nay chưa hề gián đoạn bao giờ. Sự việc này người thế gian chúng ta vô phương, không thể làm được! Phật A Di Đà có năng lực, Ngài có thể hóa thân đi, chúng ta không có cách gì hóa thân được. Ngài có thể hóa hiện vô lượng vô biên thân, cùng lúc có thể tiếp dẫn vô lượng vô biên người vãng sanh, Ngài có năng lực này. Chúng ta thử xem đại nguyện mà đức Phật A Di Đà phát ở trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, nguyện nào cũng thành hiện thực, không có nguyện nào là giả dối, đây là pháp tối thượng thừa của học Phật. Những gì trong “Kinh Địa Tạng”  nói phần lớn là chúng sanh nghiệp chướng cực nặng, cho nên trong kinh thường hay nói đến quả báo cõi trời người, thỉnh thoảng mới nhắc đến tương lai nhất định làm Phật. Chúng ta xem đoạn kinh văn dưới đây:

  “Phục thứ Địa Tạng! Vị lai thế trung nhược hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, ư Phật pháp trung sở chủng thiện căn, hoặc bố thí cúng dường, hoặc tu bổ tháp tự, hoặc trang lý kinh điển, nãi chí nhất mao nhất trần, nhất sa nhất trích.”

  (Lại vầy nữa Địa-Tạng Bồ Tát! Trong đời sau, như có người thiện nam kẻ thiện nữ nào ở nơi cội phước lành đã gieo trồng trong Phật pháp, hoặc là bố thí cúng dường, hoặc là tu bổ chùa tháp, hoặc sửa sang kinh điển, cho đến chừng bằng một sợi lông, một mảy bụi, một hột cát, một giọt nước.)

  Đây là tổng kết những gì nói ở phía trước.

“Vị lai thế trung.”

  (Trong đời sau)

  Chính là chỉ chúng ta hiện nay. “Thiện nam tử, thiện nữ nhân” (Kẻ thiện nam, người thiện nữ.) là chỉ người tu phước. “Bố thí, cúng dường”, “tu bổ tháp tự” (tu bổ chùa tháp), “trang lý kinh điển” (sửa sang kinh điển) là những nghiệp thiện mà họ tu, là việc thiện mà họ làm. Những việc thiện này, hiện nay có rất nhiều người không biết, họ lơ là rồi. Ví dụ nói đến in kinh, tạo tượng Phật, thì thế gian này có rất nhiều người giàu có, có địa vị, có thế lực, sau khi nghe xong, họ cười nhạo cho đây là mê tín. Những sự việc này họ một xu cũng không muốn bỏ ra, vả lại còn khuyên can người khác không nên làm việc này, đây là mê tín, anh làm cái này làm gì, nó đâu có lợi ích gì cho con người? Họ đề xướng là gì vậy? Cứu giúp xã hội. Sự nghiệp từ thiện xã hội họ khen ngợi, họ làm rất chăm chỉ, rất nỗ lực, cứu giúp những chúng sanh khổ nạn trong xã hội, cứu giúp chúng sanh bệnh khổ. Hiện nay gọi là nghiệp thiện từ thiện phúc lợi. Bởi vì xã hội đề xướng, chính phủ coi trọng, phần tử tri thức khen ngợi, thế là đệ tử nhà Phật cũng đi theo con đường này, xem việc này là việc chính để thực hiện, và xem nhẹ đối với Phật Pháp, cho rằng chúng ta học Phật, học Phật là phải làm sự nghiệp phúc lợi xã hội, người nào cũng tán dương. Rốt cuộc việc này có đúng hay không? Không thể nói không đúng, cũng không thể nói là đúng hoàn toàn. Nói vậy nghĩa là sao? Sự nghiệp phúc lợi xã hội là phải làm, nhưng phúc lợi của Phật Pháp không có người nào biết. Mọi người thảy đều đi làm sự nghiệp từ thiện thì có thể cứu vãn được xã hội không? Không thể. Xã hội vẫn đi về hướng loạn động. Lợi ích của Phật Pháp là dạy người ta đoạn ác tu thiện, giải quyết vấn đề từ trên căn bản, mục tiêu là khiến cho xã hội này ổn định dài lâu, giúp cho chúng sanh giác ngộ, vứt bỏ phiền não, vứt bỏ dục vọng, mở ra trí tuệ đức năng của tự tánh. Đi từ thiện cứu bệnh khổ cho người ta, nếu như có phương pháp khiến cho người ta không bệnh không khổ, vậy chẳng phải cao siêu hơn bạn đi cứu khổ hay sao? Có phương pháp hay không? Có. Phật Pháp Đại Thừa chính là phương pháp này, nó có thể khiến tất cả chúng sanh không bệnh không khổ. Nền giáo dục Phật Pháp, thông thường dùng hai câu nói để hiển bày tông chỉ là “Phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui.” Sự nghiệp từ thiện là cứu khổ, nhưng vẫn không đạt được vui, nó chỉ là làm mức độ khổ giảm nhẹ một chút mà thôi, không thể nào được vui được. Lạc là phải sau khi giác ngộ rồi họ mới được vui, tâm ý thông suốt, pháp hỷ sung mãn, điều này phải dựa vào Phật Pháp. Ở trong kinh đức Phật nói bố thí cúng dường, tu bổ chùa tháp, ấn tống kinh điển ở trong Tam Bảo, đây là phước báo đứng đầu trong thế gian. Các bạn nói cứu tế từ thiện thì đây là cứu tế từ thiện rốt ráo nhất, viên mãn nhất của thế gian và xuất thế gian, cứu pháp thân huệ mạng của người ta, cứu người ta vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Không chỉ là ba ác đạo, giúp người ta trong một đời có thể thoát khỏi thập pháp giới, làm Phật, làm Bồ Tát. Sự nghiệp từ thiện cứu tế nào trong thế gian có thể sánh với cái này được? Trong lịch sử xưa nay trong và ngoài nước không thiếu những nhà đại từ thiện, họ bỏ ra số tiền của rất lớn cho xã hội để làm công tác cứu tế, nhưng phước báo của họ có hạn, đương thời có người khen ngợi, nhưng sau khi họ qua đời thì người thế gian quên mất, thậm chí là tra trong lịch sử vẫn không tìm thấy, tan theo mây khói. Người làm công tác giáo dục, bạn thấy Phật Thích Ca Mâu Ni, Khổng Lão Phu Tử của Trung Quốc, lúc hai Ngài còn tại thế, chẳng có tiền của, chưa có làm việc bố thí tài. Việc các Ngài làm là bố thí pháp, bố thí vô úy. Nếu như nói là bố thí tài? Thì đó là thể lực và sức lao động của các Ngài. Phật Pháp gọi là bố thí nội tài. Truyền đến ngày nay là đã hơn hai nghìn năm trăm năm, người trong thế gian này nghe nói đến tên của các Ngài đều hoan hỷ, khen ngợi. Nghiệp nhân quả báo thù thắng hiển bày ngay trước mắt chúng ta. Chúng ta phải biết, bố thí tài, người ta có thể đạt được lợi ích là thân được lợi ích, còn bố thí pháp thì người khác được lợi ích là tâm được lợi ích. Tâm được lợi ích thì thân chắc chắn được lợi ích, nhưng thân được lợi ích thì tâm chưa chắc được lợi ích, trong tâm không thể lìa khỏi phiền não, không thể lìa khỏi lo lắng, không thể lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, điều này chắc chắn bố thí tài không thể làm được. Bố thí pháp có thể phá trừ được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, có thể giúp người ta vĩnh viễn thoát khỏi phiền não. Mặc dù thân này nghèo hèn đi nữa họ cũng vui. Nhan Hồi học trò của Khổng Lão Phu Tử là một điển hình. Ông vô cùng nghèo túng, nhưng sống rất hạnh phúc. Ngày nay có một số đồng tu nghe được Phật Pháp tâm ý thông suốt, đạt được sự lợi ích của Phật Pháp rồi, những người này bạn tặng tiền của cho họ, họ không cần, họ không hứng thú với cái này. Họ có thể xả tiền của được, cái họ cần là Phật Pháp, bạn tặng họ một bản kinh sách, tặng họ một cuốn băng đĩa, họ xem là báu vật, họ xem nó là báu vật vô giá. Loại người này giác ngộ rồi, trong Phật Pháp gọi là khai ngộ rồi. Loại người này trong đời này nhất định có thành tựu, hiện tiền lìa khổ được vui. Lìa khổ được vui không phải ở chỗ giàu có, tương lai nhất định có thể vãng sanh bất thối làm Phật. Quý vị thử nghĩ xem, còn loại bố thí cúng dường nào có thể sánh với cái này không? Rất đáng tiếc, thế gian có rất nhiều người không biết. Họ không biết, chúng ta không thể trách họ được, trái lại chúng ta phải tự trách mình. Tại sao họ không biết? Vì không có người nói cho họ thì sao họ có thể biết được? Cho nên quảng đại quần chúng trong xã hội hiện nay sinh ra hiểu lầm về Phật giáo. Lỗi là do ai vậy? Lỗi là ở người xuất gia chúng ta chưa có làm tròn trách nhiệm. Chúng ta có lỗi với đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có lỗi với những vị tổ sư truyền pháp nhiều đời nay, chúng ta chưa có làm tròn trách nhiệm. Xuất gia là làm việc gì vậy? Hoằng pháp lợi sinh, mọi người đều biết, bạn cũng nói được. Bạn đã làm việc hoằng pháp lợi sinh chưa? Cách làm của bạn là như thế nào? Lơ là rồi. Cho nên lỗi lầm là ở chính chúng ta. Không những có lỗi với Phật Tổ, mà chúng ta còn có lỗi với quảng đại chúng sanh, để cho họ sinh ra hiểu lầm, khiến cho họ bỏ lỡ qua cơ duyên tu phước ngay trước mắt. Sau khi hiểu rõ chân tướng sự thật rồi, thì mình phải tu sám hối, phải chăm chỉ nỗ lực tu học, hết lòng hết sức đem Phật Pháp giới thiệu cho quần chúng, giới thiệu cho tất cả chúng sanh, vậy mới là thật sự sám hối, mới có thể tiêu trừ tội nghiệp trước đây của mình. Mời xem đoạn kinh văn dưới đây:

  “Như thị thiện sự đản năng hồi hướng pháp giới, thị nhân công đức bách thiên sanh trung thọ thượng diệu lạc.”

  (Những sự lành như thế không luận nhiều ít, chỉ có thể đem hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sanh, thời công đức của người đó trong trăm nghìn đời thường hưởng thọ sự vui thượng diệu.)

  Đây là nói hồi hướng với không hồi hướng. Nếu như bạn không chịu hồi hướng, thì quả báo của bạn giống như phía trước đã nói là: “Tam thập sanh trung thường vi tiểu quốc vương” (Trong ba mươi đời thường làm vua nước nhỏ.) Trưởng quận huyện, trưởng phường xã, là bạn được quả báo như vậy. Nếu như bạn có thể hồi hướng pháp giới. Ý nghĩa của hồi hướng pháp giới là gì? Phước mà ta đã tu, bản thân ta không nên hưởng thụ, ta sẵn lòng đem phước mà ta đã tu đó cúng dường cho tất cả đại chúng, để cho mọi người hưởng thụ, vậy công đức này là lớn rồi. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói với chúng ta: “Pháp giới tức thị nhất tâm” (Pháp giới tức là nhất tâm) Dùng nhất tâm để tu phước để tu thiện, thì phước thiện này sẽ ngang bằng với hư không pháp giới, là phước thiện rất lớn. “Thượng diệu lạc” là niềm vui lớn Bồ-Đề Niết Bàn trên quả địa Như Lai. Niềm vui này chúng ta không thể nói ra được, dù nói ra cũng không có ai hiểu. Tại sao vậy? Chưa có trải nghiệm qua thì đâu thể biết được? Quả báo cõi trời cõi người không thể sánh bằng, đây là hồi hướng. Cho nên người sáng suốt, người giác ngộ niệm niệm vì chúng sanh, niệm niệm vì Phật Pháp, đây là tâm Bồ-Đề, tâm Bồ Tát. Xem tiếp đoạn kinh văn dưới đây:

  “Như đãn hồi hướng tự gia quyến thuộc, hoặc tự thân lợi ích, như thị chi quả tức tam sanh thọ lạc, xả nhất đắc vạn báo.”

  (Còn như chỉ hồi hướng cho thân quyến trong nhà hoặc tự mình được lợi ích thôi, như thế thời sẽ hưởng quả vui trong ba đời, cứ làm một phần sự lành, thời được hưởng báo tốt một muôn lần trội hơn.)

  Nếu như những việc thiện mà bạn đã tu này, phía trước gọi là bố thí cúng dường, tu bổ chùa tháp, sửa sang những kinh điển sách vở, bạn làm những nghiệp thiện này. Nếu như là chỉ làm vì mình, hoặc giả là làm cho gia đình bạn, thì quả báo sẽ nhỏ. Quả báo là ba đời được thọ lạc, chứ không phải ba mươi đời làm vua nước nhỏ. Đây là nói bạn làm vì bản thân mình và gia đình bạn.

  “Xả nhất đắc vạn báo”

  (Làm được một sự lành, thời hưởng quả báo tốt một muôn lần trội hơn.)

 Đây đều là sự thật, chứ không phải giả, bạn được phước báo ở đời sau. Trong chú giải có trích dẫn mấy câu nói trong “Kinh Ngũ Khổ Chương Cú”, nhắc nhở thật tướng của quyến thuộc trong gia đình bạn là gì. Đoạn văn này ở trang thứ hai mươi tám, đếm ngược đến hàng thứ ba, xem từ chính giữa, trong đây nó có “Tự gia quyến thuộc giả.” (Quyến thuộc của gia đình mình). Đây là giải thích cho bạn biết, thế nào gọi là quyến thuộc của gia đình mình.

  “Ngũ Khổ Chương Cú Kinh vân: ‘Phụ tử, phu phụ, huynh đệ, gia thất, tri thức, nô tỳ.’ (Kinh Ngũ Khổ Chương Cú Kinh nói rằng: ‘Cha con, vợ chồng, anh em, gia thất, tri thức, nô tỳ’)

  Đây là nói về gia, là quyến thuộc của gia đình mình. Đức Phật nói có năm nhân duyên. Nếu như không phải năm loại duyên này, thì chắc chắn không thể trở thành người trong gia đình được, không thể trở thành quyến thuộc trong gia đình được. Trong quyến thuộc có bạn bè. Tri thức chính là bạn bè, là bạn bè tốt của bạn. Năm loại nhân duyên, thứ nhất là “Oán gia”. Tiểu chú nói: “Phụ tử hỗ tương sát hại” (Cha con giết hại lẫn nhau) là oán gia. Thứ hai là “trái chủ” (chủ nợ). “Phụ mẫu tài, tử tán dụng” (Tiền của của cha mẹ con cái phá hại.) Sinh ra đứa con ăn tàn phá hại, cha mẹ làm việc, buôn bán trầy trật rất vất vả mới tạo ra được những sản nghiệp này, đến khi về tay nó mấy ngày là hết sạch, là chủ nợ! Là cha mẹ thiếu nợ họ, họ đến là để đòi nợ. Loại thứ ba là “Thưởng trái” (Đền nợ), trả nợ. Đó chính là cha mẹ là chủ nợ, con cái là đến trả nợ, cho nên con cái họ ở bên ngoài kiếm tiền về để cúng dường cha mẹ, đây là trả nợ. Họ không có tâm hiếu kính gì đối với cha mẹ, không có cung kính đối với cha mẹ, nhưng về mặt thọ dụng vật chất, họ không để cha mẹ thiếu thốn, họ cúng dường rất chu đáo. Trong đây cũng phải coi thiếu nợ nhiều hay ít. Nếu như đời trước con cái thiếu nợ nhiều, thì họ phụng dưỡng cha mẹ sẽ rất nhiều. Nếu như thiếu ít thì cúng dường cho cha mẹ sẽ rất ít. Trong xã hội hiện nay chúng ta đều có thể nhìn thấy. Thứ tư là “bản nguyện”, nương theo nguyện trở lại. Nương theo nguyện trở lại thì ở trong đây có ân đức, chúng ta gọi là báo ơn. Con cái thuộc loại này, họ có tâm hiếu thảo với cha mẹ, có tâm hiếu kính, đây là bản nguyện. Loại thứ năm là “Chân hữu” (Bạn chân thật) Là đạo hữu đồng tham, có cùng chí hướng trong đời quá khứ, đời này là gặp nhau rồi, đây là thiện tri thức chân chánh. Trong phần trước nói tri thức chính là loại nhân duyên này, là đạo hữu đồng tham chân thật. Đây là nói rõ phạm vi bao gồm của quyến thuộc gia đình mình. Nếu như tất cả công đức tu học của chúng ta là mong cho mình được lợi ích, mong người trong gia đình mình được lợi ích, vậy tâm lượng này rất nhỏ, nên quả báo cũng rất hữu hạn, chỉ có thể hưởng quả vui trong ba đời. Đây gọi là làm một sự lành, thời được hưởng báo tốt một muôn lần. Cho nên chúng ta tu học, tu thiện, tu phước, thì tâm lượng nhất định phải lớn, dụng tâm nhất định phải chân thật. Có rất nhiều người, ví dụ những tai nạn lũ lụt ở Trung Quốc Đại Lục, có rất nhiều người nghe tin này, vẫn không chịu phát tâm. Bạn hỏi họ tại sao? Họ nói tiền cứu tế của chúng tôi không biết họ có thật sự nhận được không? Có bị người trung  gian cắt xén bớt không? Họ thường hay có nỗi ưu tư này, khiến cho việc làm thiện bị gián đoạn, bỏ lỡ cơ hội này rồi. Nhất định phải biết, mỗi người đều có nhân quả của họ. Người nào cũng sợ người trung gian cắt xén, thì những người khổ nạn này không có ai cứu tế cả. Cho dù bị cắt xén cũng mặc kệ, chúng ta cũng phải làm. Bản thân bạn không thể tự mình đi bố thí thì cần phải thông qua người thứ ba, không thể không làm. Trong việc bố thí cúng dường thì Phật Pháp là quan trọng hơn. Tại sao vậy? Người hiểu Phật Pháp, người tin nhân quả, chúng ta phó thác cho họ, họ nhất định sẽ làm rất viên mãn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *