Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 33

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

 Tập 33

 Mời mở bản kinh ra, Khoa Chú quyển trung, trang 11. Mời xem kinh văn:

  “ Địa Tạng bạch ngôn: “Nhân Giả, Thiết Vi chi nội hữu như thị đẳng địa ngục kỳ số vô hạn.”

 (Ngài Địa Tạng Bồ-tát nói rằng: ‘Thưa nhơn Giả! Trong dãy núi Thiết Vi có những địa ngục như thế số nhiều vô hạn.)

  Chữ “Như thị” trong “Như thị đẳng” là chỉ địa ngục Vô Gián, địa ngục A Tỳ, và 22 loại địa ngục như đã nói phía trước. Tên gọi của địa ngục quá nhiều rồi. Nguyên nhân gì vậy? Chúng ta có thể tưởng tượng được là do chúng sanh tạo tác tội nghiệp địa ngục của thế gian này quá nhiều rồi. Cho nên ở chỗ này, chúng ta đặc biệt phải hiểu rõ nghiệp nhân quả báo của địa ngục. Quả báo trong kinh điển nói, chúng ta cần hiểu rõ nghiệp nhân của nó. Nói đến nghiệp nhân chúng ta liền hiểu được quả báo tương lai họ gặp phải. Những chuyện này đều là chân tướng sự thật, tuyệt đối không phải Phật Bồ-tát vì giáo hóa chúng sanh mà giả thuyết ra những chuyện này để khuyên chúng sanh đoạn ác tu thiện. Chúng ta nghĩ như vậy, thế là hoàn toàn sai rồi, là trái ngược lại với chân tướng sự thật rồi. Cho nên tóm lại chúng ta phải nhớ kỹ, Phật nói với chúng ta là nguyên lý của vũ trụ nhân sinh, đây là đạo lý căn bản. Đạo lý căn bản trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến” đây là nói đạo lý căn bản. Lại nói với chúng ta rằng: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”. Cho nên trong tâm bạn nghĩ gì thì nó sẽ biến hiện ra cảnh giới ấy. Toàn bộ tất cả tướng cảnh giới, đều không phải chân thật. Tại sao nói không phải chân thật? Vì đang chuyển biến theo từng sát-na. Nó sao có thể là chân thật được? Tuy không chân thật, nhưng nếu bạn mê ở trong cảnh giới này, bạn liền có cảm thọ khổ, lạc, ưu, hỷ, đây là thật chứ không phải giả. Sau khi giác ngộ thì những cảm thọ này đều không còn nữa, họ thật sự sáng tỏ trở lại rồi. Bất kể là nghiệp nhân quả báo có hay không? Có. Nghiệp nhân quả báo vẫn là có, nhưng cảm thọ khổ, lạc, ưu, hỷ không còn nữa. Nhà Phật nói đoạn phiền não là cái ý nghĩa này, không phải không có tướng của phiền não, không phải không có nghiệp của phiền não, chỉ là không có cảm thọ của phiền não, bạn đã quán không rồi. Trong “Tâm Kinh” nói: “Quán tự tại Bồ-tát”. Đó là trí tuệ cao độ. Khi hành sâu Bát nhã ba-la-mật đa. Đây là dùng trí tuệ cao độ, “soi thấy năm uẩn đều không”. Năm uẩn có hay không? Năm uẩn chính là nói thế giới hiện thực của chúng ta. Có hay không? Có. Tuy có, có tức là không. Cho nên trong kinh nói: “Sắc tức là không, không tức là sắc, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc.” Sắc tức là có. Có không tồn tại đồng thời, có không là một sự việc, không  phải hai sự việc. Cho nên nói tướng có thể không. Thọ dụng, có mà không sinh tình chấp, vậy là được đại tự tại rồi. Không phải không có thọ dụng, có thọ dụng. Có thọ dụng tức là nói ở trong đây tuyệt đối không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, không có cái thứ này thì thọ dụng của bạn là tự tại rồi. Nếu như bạn vẫn còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thì ở trong thọ dụng bạn chắc chắn có đủ thứ cảm thọ khổ, lạc, ưu, hỷ. Tạo nghiệp thì đâu có lý nào không thọ quả báo? Chúng ta hiểu rõ những chân tướng sự thật này, từ nay về sau không tạo nghiệp nữa. Cho nên bước vào niệm Phật đường, thân tâm thế giới thảy đều buông xả, một câu Phật hiệu niệm đến cùng, chỉ cầu vãng sanh thế giới Cực lạc. Cổ đức nói rằng: “Chỉ mong thấy Di Đà, lo gì không khai ngộ.” Thế gian và xuất thế gian chỉ có sự việc này là chân thật, còn những thứ khác đều là hư vọng, không đáng để so đo, không đáng đem nó để ở trong tâm. Nếu như để nó ở trong tâm, vẫn so đo như cũ, vậy nghiệp bạn tạo là nghiệp luân hồi. Cái gọi là tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi, vậy thì đủ thứ khổ báo trong lục đạo tam đồ bạn vẫn phải nhận lấy. Sự việc này nói ra chẳng bao giờ hết. Làm người việc gì phải làm những chuyện ngu ngốc này. Đây là điều chúng ta nhất định phải biết.

  Phía dưới Bồ-tát Địa Tạng lại nói cho chúng ta 22 loại địa ngục. Mời xem kinh văn:

  “Cánh hữu Khiếu Hoán địa ngục”.

  (Lại có địa ngục Khiếu Hoán)

   “Khiếu Hoán” là thọ khổ đến cùng cực, kêu réo không ngừng.

  “Bạt thiệt địa ngục, Phẩn Niệu địa ngục, Đồng Tỏa địa ngục, Hỏa Tượng địa ngục, Hỏa Cẩu địa ngục, Hỏa Mã địa ngục, Hỏa Ngưu địa ngục, Hỏa Sơn địa ngục, Hỏa Thạch địa ngục, Hỏa Sàng địa ngục, Hỏa Lương địa ngục, Hỏa Ưng địa ngục, Cự Nha địa ngục, Bác Bì địa ngục, Ẩm Huyết địa ngục, Thiêu Thủ địa ngục, Thiêu Cước địa ngục, Đảo Thích địa ngục, Hỏa Ốc địa ngục, Thiết Ốc địa ngục, Hỏa Lang địa ngục ”

  ( Địa ngục Bạt Thiệt, địa ngục Phẫn Niệu, địa ngục Đồng Tỏa, địa ngục Hỏa Tượng, địa ngục Hỏa Cẩu, địa ngục Hỏa Mã, địa ngục Hỏa Ngưu, địa ngục Hỏa Sơn, địa ngục Hỏa Thạch, địa ngục Hỏa Sàng, địa ngục Hỏa Lương, địa ngục Hỏa Ưng, địa ngục Cự Nha, địa ngục Bác Bì, địa ngục Ẩm Huyết, địa ngục Thiêu Thủ, địa ngục Thiêu Cước, địa ngục Đảo Thích, địa ngục Hỏa Ốc, địa ngục Thiết Ốc, địa ngục Hỏa Lang…)

  Bồ-tát Địa Tạng nói một hơi liền nói ra 22 loại. “Khiếu Hoán địa ngục”, trong “Kinh Trường A Hàm” nói tám địa ngục nóng lớn, thì địa ngục thứ tư, thứ năm đều gọi là địa ngục Khiếu Hoán. Trong Kinh nói với chúng ta, nghiệp nhân nào đọa địa ngục này vậy? Sân hận, tà ác. Người có tâm như vậy, tạo tác đủ thứ ác nghiệp, thì đọa địa ngục này. Lại nói bởi do tập khí tà ác rất nặng, gặp phải một chút xíu duyên nó cũng khởi hiện hành. Cũng chính là hơi có một chút xíu bất như ý, nó liền phát tác ngay, tạo tác đủ thứ tội lỗi ác, vậy là đọa địa ngục lớn Khiếu Hoán.

  “Bạt Thiệt địa ngục, Phẩn Niệu địa ngục” (Địa ngục Bạt Thiệt, địa ngục Phẩn Niệu) đều là do tạo khẩu nghiệp. Khẩu Nghiệp có bốn loại: Nói dối, nói lời thô ác, nói hai lời, nói thêu dệt, tạo loại khẩu nghiệp này thì đọa địa ngục Bạt Thiệt. Địa ngục Phẩn Niệu. Trước đây lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam giảng kinh nhắc đến địa ngục này, Thầy nói rất cảm khái, lúc thầy còn trẻ rất nghĩa hiệp, làm chuyện hào hiệp trượng nghĩa mà chẳng màng gì cả, dù có đọa địa ngục cũng chẳng sao. Cuối cùng về sau khi xem thấy địa ngục Phẫn Niệu, Thầy nói cái này không được, cái này không thể chịu nổi. Phẩn Niệu không phải giống như nước, là giống như nước lửa đun sôi vậy, để cho bạn ở trong đó thọ, cái này rất khó chịu. Thầy nói núi đao, rừng kiếm cũng chẳng sao, Thầy xem thấy địa ngục này thì hãi hùng.

  Địa ngục Đồng Tỏa. Ở trong “Kinh Quán Phật Tam Muội” cũng gọi là địa ngục Hắc Thằng. Trong chú giải của pháp sư Thanh Liên nói rất rõ ràng, đọa vào địa ngục này một ngày một đêm trải qua khổ sở không thể nói hết. Nghiệp nhân này là bởi do chúng sanh ngu si. Chúng sanh này bao gồm cả đệ tử Phật, cũng chính là bao gồm chúng ta ở trong đó. Đem Phật pháp giới thiệu cho người khác, giới thiệu sai ý nghĩa rồi. Cái gọi là pháp thì nói là chẳng phải pháp, chẳng phải pháp nói là pháp. Phạm giới tuy không nặng, mà không biết sám hối, nên đọa vào địa ngục này.

  “Hỏa Tượng địa ngục” ‘Voi Lửa’. Trong Kinh nói đây là Voi Lớn. Hết thảy những động vật này ở trong địa ngục, đều là do tình thức biến hiện ra, mà con voi này toàn thân đều là lửa. Nếu như lúc voi nổi điên lên tấn công người, thì sức mạnh của nó rất lớn, không có cách gì chống đỡ được. Cho nên voi khi nổi điên, nó muốn giết người. Trong Kinh nói đây là nghiệp nhân gì? Là do con người lúc ở thế gian thích uống rượu làm vui, mỗi lần uống đều uống đến say mèm, say rồi thì loạn tánh, tạo tác sát, đạo, dâm vọng có thể hại chúng sanh. Cho nên sau khi chết sẽ đọa vào địa ngục này.

“Hỏa Cẩu địa ngục” ‘Chó Lửa’, phía sau nói “Hỏa Mã, Hỏa Ngưu” ‘Ngựa Lửa, Trâu Lửa’, tình hình cũng rất giống nhau. Nhưng nghiệp nhân khác nhau. Trong Kinh này nói, ở thế gian những loại nghề như nuôi tằm, ươm kén. Nuôi tằm, ươm kén giết hại rất nhiều mạng sống. Cho nên người xuất gia vì muốn nuôi dưỡng tâm từ bi, vậy mới không ăn thịt chúng sanh, không nhẫn tâm ăn thịt chúng sanh. Mặc y phục cũng lại như thế. Nếu như y phục của bạn làm bằng da, thì không có khác gì so với ăn thịt, là mặc y phục từ da của chúng sanh. Sao đành lòng được? Mùa hè mặc y phục tơ lụa. Tơ lụa là do tằm nhả tơ. Bộ y phục này của bạn phải bao nhiêu con tằm bị mất mạng? Bạn mới mặc được bộ y phục này. Cho nên tứ chúng đệ tử xuất gia hay tại gia trong nhà Phật đều không đành lòng. Quần áo vải đã đủ để giữ ấm, tại sao phải dùng tơ lụa? Tại sao phải dùng da và lông chứ? Phật giáo hóa chúng sanh rất thấu tình đạt lý, chứ không phải không nói đạo lý. Người thể chất yếu ớt, người rất sợ lạnh, không mặc áo da thì không ấm được, vậy bèn có khai duyên, người này có thể mặc được. Trong Giới Kinh phần lớn nói, thứ nhất là bị bệnh, thể chất rất suy yếu, ngoài ra là tuổi già, sức đề kháng suy yếu, trên 70 tuổi sức đề kháng suy yếu thì có thể khai duyên, có thể mặc y phục da. Sức khỏe của chúng ta rất khỏe mạnh, rất cường tráng, có sức đề kháng mà mặc những bộ y phục này thì không có khác gì so với ăn thịt. Bình thường tạo những nghiệp nhân này đều cảm thấy rất bình thường, đều không có để ý, đâu có biết rằng sẽ bị quả báo nghiêm trọng đến như vậy? Không đọc kinh thì không biết, khi đọc kinh rồi vậy mới biết. “Hỏa Mã, Hỏa Ngưu” ‘Ngựa Lửa, Trâu Lửa’, cũng là cùng loại với loài này. Loài này toàn thân đều là lửa. Bị nung nấu bởi những con thú lửa này, bị chúng tấn công. Con người ở trong đây, bạn bị chó cắn, bị ngựa đá, bị trâu húc, toàn thân đều là lửa. Thứ chín “Hỏa Sơn” ‘núi lửa’, thứ mười “Hỏa Thạch” ‘đá lửa’. Trong “Kinh Khởi Thế” gọi là địa ngục Chúng Hiệp. Phần trước chúng ta xem thấy Giáp Sơn, là giống với ý nghĩa này. Thứ mười một “Địa ngục Hỏa Sàng”, là giống với địa ngục Thiết Sàng nói ở phần trước, đều là quả báo của dâm dật, quả báo của tà dâm.

  Thứ 12 “Hỏa Lương địa ngục”. Lương chính là rường xà sắt, trụ sắt, để cho người ta ôm ở trên đây, là hoàn toàn giống như hình phạt Bào Lạc, Thiết Trụ mà phần trước chúng ta nói.

  “Hỏa Ưng địa ngục”, là giống như địa ngục Thiết Ưng nói ở phần trước. Mỏ của chim ưng sắt vô cùng sắc bén, chuyên đi mổ lấy mắt của tội nhân, loại này toàn thân cũng đều là lửa. Đời người ở thế gian tuổi thọ rất ngắn ngủi, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, chớ nên cho rằng không có quả báo. Bạn nghĩ như vậy là sai rồi! Khởi tâm động niệm đều cảm thọ quả báo, huống chi lời nói việc làm tạo tác?

   Thứ 14 “Cự Nha địa ngục”. Đây cũng là do ác khẩu chiêu cảm nên quả báo. Bạt Thiệt, Cự Nha đều là quả báo của khẩu nghiệp.

  Thứ 15 “địa ngục Bác Bì”. Cũng có Kinh Điển gọi địa ngục này là Đại Quyện. Lột da ra cuộn lại. Nghiệp nhân này phần lớn là giết hại chúng sanh, lột da của chúng sanh, đoạt mạng của chúng sanh nên cảm thọ quả báo này. Hay nói cách khác chúng ta tạo tác như thế nào thì tương lai sẽ thọ quả báo như thế ấy. Cổ đức thường hay khuyên mọi người: “Điều mình không thích thì đừng làm cho người khác” thường xuyên nghĩ đến câu nói này. Ta không muốn thọ thì tuyệt đối không được gán ép cho chúng sanh. Không những là đối với người, mà đối với tất cả mọi động vật đều không được phép. Những động vật này nói thực ra là không có khác gì so với con người. Do nghiệp chướng của nó nặng, đọa làm thân súc sanh. Chúng ta tốt hơn nó một chút là được thân người. Nếu chúng ta tạo tác tội nghiệp cực nặng thì tương lai cũng biến thành thân súc sanh. Súc sanh đâu có khác gì so với con người? Con người yêu quí mạng sống của mình thì súc sanh cũng yêu quí mạng sống của mình. Người khác giết hại chúng ta, thì chúng ta có tâm oán hận trả thù. Súc sanh cũng vậy, bạn ức hiếp nó, tổn hại nó, nó cũng có tâm oán hận trả thù. Cho nên việc gì phải kết oán thù với chúng sanh? Hiểu rõ đạo lý này sẽ không dám khởi tâm ác, tự nhiên sẽ không dám động niệm ác, không dám tạo nghiệp ác. Nhưng một người ở thế gian từ vô thỉ kiếp đến nay tập khí ác rất nặng, tự mình không có cách gì khống chế được, lại cộng thêm ác duyên ở bên ngoài, từng giây từng phút đang cám dỗ bạn. Bên ngoài cám dỗ, bên trong có phiền não thì sao có thể không tạo nghiệp được? Cho nên Thế Tôn chỉ dạy chúng ta, dùng sức định tuệ hàng phục ma oán, câu nói này vô cùng quan trọng. Tuệ là gì vậy? Đối với nghiệp nhân quả báo thấy rất rõ ràng, rất minh bạch, đây là trí tuệ. Cảnh giới hiện tiền tâm địa thanh tịnh, như như bất động đây là định công. Bạn có định công, bạn có trí tuệ, bạn mới có thể khống chế được tập khí phiền não của mình, không để cho nó phát tác. Chỉ dựa vào khống chế là việc tương đối khó khăn, nhất định phải chuyển đổi ý nghĩ trở lại, cố hết sức tu thiện, chuyển dời sức chú ý, việc này dễ dàng. Một lòng một dạ hướng về đường thiện, thành tựu chúng sanh. Cho nên chúng ta nhất định phải nghĩ, thường xuyên tư duy, cách làm của chư Phật, Bồ-tát là như thế nào? Người ta làm nên tấm gương rất tốt cho chúng ta thấy. Phát tâm học Phật cũng có bi nguyện, muốn rộng độ chúng sanh, cái nguyện này tốt. Xây đạo tràng, dựng pháp tràng độ chúng sanh, là sự nghiệp tốt. Nhưng loại sự nghiệp này nhất định phải có nhân duyên trong ngoài chín mùi. Nếu như duyên không chín mùi, mình đi làm sự nghiệp này, nếu có một mảy may gượng ép, vậy là sai rồi! Phật ở trong kinh nói với chúng ta: “Nếu cúng dường số Thánh nhiều như cát sông Hằng, cũng không bằng kiên trì dũng mãnh cầu chánh giác.” Câu nói này là gì vậy? Duyên độ chúng sanh chưa có chín mùi, thì phải tự độ mình trước. Duyên chín mùi rồi, thì có thể quên mình vì người. Chư Phật Như-lai biểu diễn ra hình ảnh cho chúng ta thấy. Thế giới Tây Phương Cực Lạc, Phật A-Di-Đà ở nơi đó, xây đạo tràng, dựng pháp tràng phổ độ tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới bình đẳng thành Phật, việc này hiếm có. Chư Phật Như-lai mười phương có trí tuệ của Phật A-Di-Đà không? Có bi nguyện của Phật A-Di-Đà không? Có thần thông năng lực của Phật A-Di-Đà không? Đều có. Mỗi một đức Phật đều bình đẳng, Phật Phật đạo đồng. Tại sao tất cả chư Phật không tự mình xây dựng thế giới Cực lạc? Phật A-Di-Đà xây dựng thế giới Cực lạc. Tại sao Phật Thích Ca Mâu Ni không xây dựng thế giới Cực lạc? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không thua kém đức Phật A-Di-Đà, không kém, không kém hơn Ngài. Chúng ta có bao giờ nghĩ, có thấu hiểu được ý nghĩa này không? Tất cả chư Phật Như-lai mười phương đều không xây dựng, vì Phật A-Di-Đà đã xây dựng rồi, tất cả chúng sanh thảy đều đi gần gũi Ngài. Một tức tất cả, tất cả tức một, đây là chân lý, là chân tướng sự thật. Nếu mỗi đức Phật đều lập nên thế giới Cực lạc thì mọi người đánh nhau rồi, đôi bên muốn đấu tranh, nhất định là tự khen mình và chê bai người khác, sẽ xuất hiện cái vấn đề này. Nên đạo tràng chỉ có một cái, tận hư không khắp pháp giới, chỉ có một đạo tràng. Tất cả chư Phật mười phương ba đời đều khuyên bảo tiễn đưa đệ tử của họ về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Việc này có người làm rồi, thì chúng ta không nên làm nữa. Phật thị hiện cho chúng ta thấy, chúng ta ở trong đây phải thể hội cho được. Ở Trung Quốc cổ đại, đạo tràng lớn nhỏ đều xây dựng khắp trong xã hội, xây dựng khắp nơi. Nguyên nhân gì vậy? Do giao thông không phát triển, tu học không thuận tiện. Nhằm đem lại lợi ích cho chúng sanh nơi này, nên xây dựng đạo tràng ở nơi đó, vì không có phương tiện giao thông. Cho nên phải xây dựng đạo tràng ở khắp nơi mới có thể rộng độ chúng sanh. Ngày nay có cần thiết không? Không cần thiết. Cho nên những năm trước, tôi lần đầu tiên đến Bắc Kinh viếng thăm cụ Triệu Phác Sơ. Tôi bèn bàn với cụ, ngày nay nếu xây đạo tràng thì toàn thế giới chỉ cần xây một cái thôi. Tôi kiến nghị với ông cụ như vậy. Mười tông phái đại thừa và tiểu thừa Phật giáo Trung Quốc, mỗi một tông phái xây một đạo tràng, không nên xây cho thật nhiều. Nhân lực, tài lực, vật lực thảy đều tập trung để xây một đạo tràng, thì có thể độ chúng sanh trên toàn thế giới. Ngày nay du lịch vòng quanh trái đất chỉ cần hơn hai ngày. Người muốn học Tịnh Độ thì đến đạo tràng Tịnh Độ để tu học, người muốn học Thiền Tông thì có đạo tràng Thiền Tông để tu học. Tất cả đại đức Thiền Tông trên toàn thế giới đều tụ tập về một nơi này, bạn gần gũi quá thuận tiện rồi, không giống như trước đây rất không thuận tiện. Nhất là hiện nay nói đến chuyện hoằng pháp lợi sinh, chúng ta lợi dụng công cụ khoa học kỹ thuật, lợi dụng truyền hình vệ tinh, lợi dụng mạng internet, có thể truyền hình trực tiếp đến toàn thế giới, mỗi người ở tại nhà, đều có thể tiếp nhận được. Quý vị thử nghĩ, bạn phải xây nhiều đạo tràng như vậy để làm gì? Hao tài tốn của. Tại sao không dồn sức lực lại dùng? Bạn muốn làm lãnh tụ? Được! Chúng tôi sẽ ủng hộ bạn làm lãnh tụ, người nào làm lãnh tụ cũng giống nhau. Toàn bộ chúng tôi đều quỳ lạy, đều ủng hộ bạn, mời bạn đến lãnh đạo. Người làm lãnh đạo phải hy sinh dâng hiến, họ rất vất vả. Chúng ta là người giúp đỡ nên rất thoải mái, không có cảm giác trách nhiệm, hết lòng hết sức ở bên cạnh trợ giúp. Cho nên ở thời đại này, rất nhiều người nói thế giới thu nhỏ. Thế giới giống như một thôn nhỏ. Mỗi thôn một đạo tràng là đủ rồi, hai đạo tràng là quá nhiều. Cho nên nhất định phải biết hiện nay là thời đại như thế nào, và công việc hoằng pháp lợi sinh của chúng ta phải làm như thế nào. Nếu như nguồn nhân lực chúng ta thật sự tập trung được. Ví dụ chúng ta đây là Tịnh Độ tông. Người học Tịnh Độ tông đều có thể tụ tập lại với nhau, mỗi ngày mọi người cùng nhau nghiên cứu thảo luận kinh giáo, trau dồi gọt giũa, chăm chỉ tu học, đang không ngừng nâng cao cảnh giới của mình. Giảng kinh thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh, lợi dụng khoa học kỹ thuật đem việc dạy học này đưa đến từng gia đình của mỗi người, vậy thì thế giới này chỉ cần một đạo tràng là đủ rồi. Nếu sức người phân tán, thì sự việc này chắc chắn không thể làm được. Cần phải tập trung nhân lực, tài lực, vật lực thì sẽ dễ làm. Quên mình vì người, không có mình thì đời này chúng ta mới có thể được độ. Khởi tâm động niệm vì mình, khởi tâm động niệm là đạo tràng của tôi, khởi tâm động niệm là khu vực của tôi, thì bạn vĩnh viễn không thể lìa khỏi lục đạo luân hồi. Tại sao vậy? Chấp trước lục đạo là của tôi, chấp trước địa ngục A Tỳ là của tôi thì sao bạn không đọa địa ngục được? Sao gọi là chấp trước địa ngục A Tỳ? Chấp trước tham sân si mạn, chính là địa ngục A Tỳ, bạn muốn tạo tội nghiệp rồi. Người nào có thể vãng sanh? Xả bỏ thế giới Ta Bà, buông xả tất cả không cần nữa, thì người này mới có thể thoát khỏi được. Hướng về Tịnh Độ thì chắc chắn được sanh Tịnh Độ, đây là đạo lý nhất định, là chân tướng sự thật. Chúng ta đọc “Kinh Địa Tạng” hiểu rõ nỗi khổ sở của tam đồ lục đạo, hiểu khởi tâm động niệm tạo tác ác nghiệp thì họ sẽ thọ quả báo, quả báo này trong kinh nói, thời gian trong mỗi địa ngục đều là vô số kiếp. Lúc chúng ta tạo thì rất dễ dàng, trong thời gian rất ngắn, nhưng tương lai thời gian của quả báo rất dài. Từng câu tôi khuyên nhủ mọi người đó là lời chân thật. Tôi nói với bạn niệm Phật một ngày trong niệm Phật đường, công đức đó là vô lượng vô biên, nghĩa lý ở trong đây rất sâu xa. Nếu đem những đạo lý, sự tướng này giảng rõ ràng, thì một vài năm cũng không có cách gì nói hết được. Phật ở trong kinh thường nói, cho dù chư Phật Như-lai cùng nhau nói, nói đến một kiếp cũng không thể nói hết. Cho nên chúng ta dứt khoát không nên xem thường những cụ bà mỗi ngày đang làm công quả quét dọn, lau bàn ở Cư Sĩ Lâm đó, phước đức của họ, người trên toàn thế giới cũng không có cách gì sánh với họ được. Chúng ta luôn cho mình là đúng, còn khinh thường họ, xem thường họ. Người ta đó là Bồ-tát, là Phật. Nếu các bạn không tin, các bạn đọc thấy ở trong Truyện Ký, Phong Can, Hàn Sơn, Thập Đắc ở chùa Quốc Thanh trước đây, có ai xem trọng họ đâu? Ăn mặc thì rách rưới, điên điên khùng khùng, đi làm những công việc nặng nhọc nhất. Phong Can làm việc ở nhà giã gạo, đổ rác, còn Hàn Sơn, Thập Đắc thì nhóm lửa trong nhà bếp, chẻ củi, nhóm lửa. Ai biết? Phong Can là Phật A-Di-Đà tái lai, Hàn Sơn là Văn Thù, Thập Đắc là Phổ Hiền, là Văn Thù, Phổ Hiền tái lai. Bạn đừng thấy những người lao động chân tay này mà xem thường, có rất nhiều người là Phật, Bồ-tát hóa thân ở trong đó. Làm sao bạn có thể biết được? Phàm phu mắt thường, khinh thường họ, coi khinh họ, là bạn đang tạo tội nghiệp. Bạn đợi lúc nào thấy họ vãng sanh tướng lành hiếm có mới biết. Lời tôi nói trên bục giảng không phải là giả. Sau khi niệm Phật đường này mở ra, chắc chắn là có người đang đứng mà vãng sanh, đang ngồi mà vãng sanh, không bị bệnh, biết trước giờ đi, không phải là người bình thường có thể sánh được. Người ta thật sự là Phật, Bồ-tát. Chúng ta hơi có một chút xíu phước báo nhỏ đã cống cao ngã mạn rồi, luôn cho mình là đúng. Mở “Kinh Địa Tạng” ra, có tội nghiệp nào không tạo? Hiện nay vẫn tiếp tục không ngừng đang tạo, vẫn không biết sửa lỗi, vẫn không biết quay đầu. Niệm Phật một ngày trong niệm Phật đường, đã cảm thấy mệt chịu không nổi. Đó là gì? Nghiệp chướng hiện tiền. Niệm Phật đường đúng là tiêu nghiệp chướng cho bạn. Mấy ngày đầu nghiệp chướng hiện tiền, nếu như bạn nhẫn nại được, có thể dũng mãnh tinh tấn, là nghiệp chướng được hàng phục rồi. Niệm được ba tháng đến nửa năm, thì nghiệp chướng tiêu rồi, bạn liền được trong lành tự tại, thân tâm yên ổn, pháp hỷ sung mãn. Niệm Phật đường chúng ta mở vẫn chưa được mấy ngày, có nhìn thấy được pháp hỷ sung mãn hay không? Có. Cũng không ít. Những người nào vậy? Đều là những cụ bà đó, các cụ pháp hỷ sung mãn. Họ gặp cư sĩ Lý Mộc Nguyên bèn hỏi ông, đến lúc nào mở tiếp? Lý Mộc Nguyên nói mỗi tuần mở một lần. Họ nói ồ! Sao lâu quá vậy! Cho nên bạn hãy nghĩ xem đây là đạo tràng gì? Không phải do con người dựng nên, là Phật, Bồ-tát dựng nên. Nếu chúng ta tự cho mình có công ở nơi này, là do chúng tôi xây dựng, thế thì quá đỗi sai lầm rồi! Là mạo nhận công đức của Phật Bồ-tát cho là của mình. Thế thì nguy hiểm vô cùng! Chúng ta chẳng qua chỉ là làm cu li cho Phật Bồ-tát mà thôi, làm việc vặt mà thôi. Tự mình nhất định phải biết, mình là thân phận gì ở nơi này thì chúng ta mới thật sự được Phật Bồ-tát gia trì, được long thiên hộ pháp ủng hộ. Ủng hộ là hộ đạo tràng, là hộ trì những người niệm Phật này, chúng ta chỉ được thơm lây mà thôi. Nếu nói hộ trì chúng ta, thế là bạn hoàn toàn sai rồi. Chúng ta đâu có trí tuệ lớn như vậy? Đâu có phước báo lớn như vậy? Cho nên đạo tràng được xây dựng là do thiện căn, phước đức, nhân duyên chúng sanh nơi đây chín mùi. Chúng ta là rất may mắn, gặp được cơ hội này, mà được thơm lây một chút. Mỗi câu đều là lời chân thật.

  Thứ 16 “Ẩm Thực địa ngục”. Nghiệp nhân này là do trộm cắp, tà hạnh, hoặc giả là ở trong đạo tràng tự viện, hoặc giả là ở gần đạo tràng tự viện tạo tác ác nghiệp. Ở trong đây cũng bao gồm nói dối. Đây là ở trong 18 địa ngục lớn, có một địa ngục tên là Ẩm Huyết. Huyết này rất khó uống, hôi thối dơ bẩn, là dòng sông máu, người bị đọa lạc vào trong đây.

  Thứ 17, 18 “Thiêu Thủ, Thiêu Cước”. Loại này cũng là thuộc về 8 địa ngục nóng. Trong Kinh nói với chúng ta, nghiệp nhân này là khi con người ở nhân gian giết mổ súc sanh. Lúc bạn ăn thịt chúng sanh, bạn dùng dao chặt tay của nó, chặt chân của nó, sau đó cho nó vào trong nồi hầm nấu, người nước ngoài gọi là quay, nướng. Tương lai bị đọa địa ngục cũng bị quỉ tốt địa ngục quay nướng.

  Thứ 19 Đảo Thích địa ngục. Đây là Đảo Thích. Nghiệp nhân phần lớn là do phản bội. Phản bội là không thuận, sẽ bị đọa địa ngục này. Nghiệp nhân ở trong đây rộng vô cùng. Chống lại cha mẹ, chống lại sư trưởng, cái gọi là nghịch thầy phản đạo, đủ thứ hành vi phản bội, loại ác nghiệp này, phải thọ quả báo của địa ngục này.

  “Hỏa Ốc, Thiết Ốc”. Hai địa ngục này giống nhau, lúc tạo nghiệp nhân nặng hay nhẹ khác nhau. Cho nên hai loại khổ báo của địa ngục này cũng có nặng hay nhẹ không giống nhau. Hỏa Ốc nhẹ, quả báo của Thiết Ốc thì nặng. Thiết Ốc cũng là một biển lửa.

  “Địa ngục Hỏa Lang”. Trong “Kinh Khởi Thế” nói là dùng đủ dạng nghiệp nhân bất thiện. Ở trong đây quan trọng nhất là tâm tham. Loài sói lang tâm tham nặng. Lang sói là một trong những loại thú dữ trong các loài dã thú. Người thế gian thường nói lòng dạ lang sói. Lòng dạ lang sói là ác độc. Chúng ta ở nhân gian nếu tâm này ác độc, dùng mọi thủ đoạn, tham giành lấy tất cả thì quả báo ở trong địa ngục này. Xem tiếp kinh văn dưới đây:

  “Như thị đẳng địa ngục kỳ trung các các phục hữu chư tiểu địa ngục.” (Những địa ngục như thế trong đó mỗi địa ngục lớn lại có những ngục nhỏ.)

  Vô Gián, A Tỳ là địa ngục căn bản, là địa ngục của tội cực nặng. Ngoài Vô Gián, A Tỳ ra, chính là phần trước cái gọi là địa ngục lớn. Trong mỗi địa ngục lớn đó còn có biết bao nhiêu địa ngục nhỏ nữa.

  “Hoặc nhất, hoặc nhị, hoặc tam, hoặc tứ nãi chí bách thiên kỳ trung danh hiệu các các bất đồng.” (Hoặc một, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn, nhẫn đến trăm nghìn, trong số đó danh hiệu chẳng đều đồng nhau.)

  Câu nói này là nêu sơ lược qua thôi, là tỉnh lược bớt rồi, nếu nói tỉ mỉ nói không hết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *