KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 38
Phần trước nói qua khỏi tội khổ trong ba mươi kiếp, chỗ này nói 100 lần sanh về cõi trời thứ 33. Cõi trời thứ 33 là trời Đao Lợi, hưởng thiên phước, không đọa ba ác đạo. Đây là phước của đắp nặn hình tượng Bồ-tát. Sau đó họ vẫn còn dư phước.
“Giả như thiên phước tận cố.” (Ví dầu ngày kia phước trời đã hết)
Hưởng phước trên trời hưởng hết rồi, một trăm lần, một trăm lần này phước hưởng hết rồi, họ vẫn còn dư phước. Dư phước này:
“Hạ sanh nhân gian, do vi quốc vương bất thất đại lợi” (Sanh xuống nhơn gian, cũng vẫn làm vị Quốc Vương, không hề mất sự lợi lớn.)
Đến nhân gian vẫn hưởng phước báo nhân thiên. Nhân gian phước báo lớn nhất, vào thời cổ đại là làm đế vương. Ngày nay hầu hết mọi người không chịu nghiên cứu sâu cái lý ở trong đó, mê vào dân chủ, mọi người tán thán dân chủ, trào lưu hiện nay là như vậy. Nếu chúng ta phản đối dân chủ thế thì nguy to! Thực ra người thật sự có học vấn, họ đem đế chế thời cổ đại làm một cuộc so sánh thật tỉ mỉ với chế độ dân chủ hiện nay, thấy cái thời đế chế đó có nhiều điều hay, lợi ích của chế độ dân chủ không bằng đế chế. Nếu như quý vị đọc lịch sử cho thật kỹ, quan sát thật kỹ, quân chủ dĩ nhiên có chỗ bị lỗi. Trong dân chủ chẳng lẽ không có lỗi lầm sao? Mỗi cái đều có lợi hại. Nếu bạn dùng đầu óc cho thật bình tĩnh để tư duy, quan sát, thế gian này muốn tìm một loại chế độ chỉ có lợi mà không có hại, là không thể tìm được, là không thể. Một chế độ tốt đi nữa, Nho Gia nói rất hay: Người cầm quyền còn sống thì chủ trương chính trị của họ được tôn lên, khi họ mất thì nền chính trị đó cũng mất theo. Tóm lại là do con người làm nên. Nhà Phật nói: Người có thể hoằng đạo, chứ không có chuyện đạo hoằng người. Phật pháp thật sự là cứu cánh viên mãn. Nhưng muốn hoằng dương Phật đạo cũng phải dựa vào con người. Nếu như người này không có đức hạnh, họ hoằng đạo thì đạo này biến chất ngay. Bản thân đạo không có lỗi lầm, vào trong tay họ liền biến thành có lỗi lầm. Những đạo lý này nhất định không được nói là bảo sao nghe vậy, chúng ta nghe người ta nói phải tư duy cho thật kỹ. Vào thời cổ đại, tôi vô cùng yêu thích chế độ thời xưa, điểm này cũng được ảnh hưởng từ tiên sinh Phương Đông Mỹ, tiên sinh Phương khâm phục nhất là “Chu Lễ”, thầy trước sau tổng cộng nói với tôi đến mười mấy lần. Thầy nói “Chu Lễ” là hiến pháp tốt nhất xưa nay trong và ngoài nước trên toàn thế giới. “Chu Lễ” là do Chu Công đặt ra. Con cháu đời sau của triều Chu, nếu như hoàn toàn căn cứ theo phương pháp này mà làm thì không bị mất nước, chế độ quá hoàn mỹ. Thầy Phương nói những lời này, mục đích là hy vọng tôi đi đọc bộ sách này. Nhưng bộ sách này tôi chỉ lật qua một lượt, sau khi lật qua mấy trang tôi không có đọc. Ở trong Tam Lễ, tôi chỉ đọc “Lễ Ký”, còn “Chu Lễ” và “Nghi Lễ” tôi cũng chưa có đọc. Bởi vì về sau học Phật rồi, không còn hứng thú với chính trị nữa. Những điều trong “Lễ Ký” nói có rất nhiều điểm có quan hệ với giới luật của chúng ta, đây là chỗ đáng để tham khảo. Đến đầu năm Dân Quốc tiên sinh Tôn Trung Sơn nghĩ ra cách thức này thì cũng rất hay, nhưng vô cùng đáng tiếc là không có người có thể tiếp tục nó, đem nó phát huy rạng rỡ, đây là điều vô cùng đáng tiếc. Tiên sinh Tôn đọc sách rất nhiều, đích thực là học rộng nghe nhiều, Ông có trình độ rất sâu đối với nền quốc học Trung Quốc, đối với những tri thức của Phương Tây ông cũng vô cùng phong phú, sở dĩ Ông nghĩ ra phương pháp này là chọn lấy ưu điểm của quân chủ với dân chủ, tránh đi chỗ thiếu sót của hai loại này. Lý tưởng của ông là như vậy, phát minh ra chủ nghĩa Tam Dân, hiến pháp Ngũ Quyền, một đảng chuyên chính. Trong ý tưởng của ông không phải chính trị đa đảng, là một đảng chuyên chính. Một đảng này hình thành như thế nào? Là thay thế cho một gia tộc đế vương thời xưa. Thời xưa đế vương thống trị quốc gia, họ là một gia tộc thống trị. Chúng ta hiện nay dùng một đảng, đem người có trí tuệ, người có tài năng trong cả nước tập trung lại với nhau, chúng ta ra thống trị quốc gia, một đảng chuyên chính, đây chính là có ưu điểm của quân chủ, chọn ưu điểm của nó. Ông dùng hiến pháp Ngũ Quyền, dùng cái này đạt đến mục tiêu chính thể lập hiến, đây là chọn lấy ưu điểm của Dân Chủ. Ý tưởng của ông nghĩ rất hay, nhưng đáng tiếc sau khi ông cụ chết rồi, đâu có ai hiểu được chủ nghĩa Tam Dân? Tôi thường hay than tiếc cho ông. Là ý tưởng hay! Nguyên nhân căn bản của Ông, nói thực ra cả đời ông bôn ba khó nhọc. Sau khi lật đổ Mãn Thanh, không được mấy năm Ông đã qua đời, tuổi thọ của Ông quá ngắn. Nếu như ông có thể sống thêm 20 năm, thì sức ảnh hưởng đó sẽ rất lớn. Vả lại điều quan trọng nhất suy cho cùng vẫn là ở giáo dục. Cổ thánh tiên vương xưa xây dựng nên một chính quyền, có thể kéo dài mấy trăm năm, nhân tố cho sự thành công của họ ở chỗ nào vậy? Ở giáo dục. Chính quyền triều Hán là do Hán Cao Tổ lập nên. Nhưng đến đời thứ hai Hán Vũ Đế bèn lập nên chính sách giáo dục quốc gia. Sau khi chính sách giáo dục này của ông xây dựng nên, tuy Trung Quốc trong hai ngàn năm thay đổi triều đại, chính quyền đổi dời, nhưng tông chỉ giáo dục trước sau không thay đổi. Điều này rất tuyệt diệu! Sau khi Hán Vũ Đế đặt ra mãi cho đến thời Mãn Thanh cũng không có thay đổi, điều này cũng thật không thể nghĩ bàn. Quý vị suy nghĩ xem, tông chỉ giáo dục này nếu không phải rất hay, thì tại sao đế vương đời sau không thay đổi nó? Nền giáo dục này là nền giáo dục luân lý đạo đức, tôn sùng Khổng Mạnh, lấy tư tưởng Khổng Mạnh làm xu hướng chính cho giáo dục Trung Quốc, lại phối hợp với bách gia chư tử nữa, lấy Nho Gia làm chủ. Cho nên giáo dục là dạy cái gì? Dạy luân thường. Hay nói cách khác, dạy bạn hiểu được quan hệ giữa người với người, cái này thành công rồi. Biết quan hệ vợ chồng, quan hệ cha con, quan hệ anh em, quan hệ giữa người lãnh đạo với người bị lãnh đạo, tức là quan hệ vua tôi, bạn bè, bạn mới có thể làm một con người hoàn mỹ, mới biết cách làm người. Sau đó lại dạy bạn quan hệ giữa con người với tất cả vạn vật. Dùng cách nói hiện nay để nói, bạn mới biết tôn trọng sinh thái tự nhiên, bảo vệ sinh thái tự nhiên, khiến cho hoàn cảnh sống của chúng ta càng tốt đẹp hơn. Cuối cùng dạy cho bạn quan hệ giữa con người với trời đất quỷ thần. Đây là tông chỉ, phương châm giáo dục của Trung Quốc hai ngàn năm nay. Cho nên giữa con người với nhau có tình cảm sâu dày, có đạo nghĩa. Hiện nay nếu như nền giáo dục này không dạy nữa, vứt bỏ hết rồi, đem chủ nghĩa vị lợi của Phương Tây về, điều này thật nguy hiểm! Thiên hạ chỉ có đại loạn, không thể có thái bình. Tại sao vậy? Mỗi người đều tranh lợi vậy có nguy hiểm không? Tranh danh đoạt lợi. Không tiếc bất kỳ thủ đoạn nào thì thế gian này còn có cuộc sống thái bình sao? Ngày nay Phương Tây đã cảm nhận được sự xung kích rất lớn, gặp phải khó khăn rất lớn. Họ hiện nay đang tư duy, đang nghiên cứu tri thức của Trung Quốc. Nước Mỹ hầu như mỗi một đại học, đều có trung tâm Hán Học, họ đang nghiêm túc nghiên cứu những tri thức truyền thống cổ xưa của Trung Quốc, nghiên cứu tri thức cổ xưa của Ấn Độ, hy vọng từ trong đây tìm được những nguyên tắc và lý luận có thể cứu vãn xã hội hiện nay. Nếu như hiện nay bạn hiểu được một chút rất thô sơ về những tri thức này, bạn đến những trường đại học này của nước ngoài để diễn giảng thì sẽ vô cùng được hoan nghênh. Tôi biết rất cạn cợt, chỉ một chút ngoài da, nhưng tôi ở trong những trường học này của nước ngoài chỉ nói qua đôi điều cũng vô cùng được hoan nghênh, họ nghe cảm thấy rất hiếm lạ, nghe được những điều chưa từng nghe. Nói Trung Quốc vẫn còn những điều hay như vậy, đáng tiếc là không có người đi giới thiệu. Đoạn kinh văn này pháp sư Thanh Liên ở trong chú giải nêu ra cho chúng ta mấy điều tư liệu tham khảo rất quan trọng. Ở trong đây quan trọng nhất khi đắp nặn tượng Phật phải dùng tâm cung kính, phải dùng tịnh tài, tịnh vật biểu thị cho sự thành kính, cung kính thì mới có thể sinh ra cảm ứng đạo giao. Vẽ tranh, bạn thử xem người thời xưa, người hiện nay đã rất ít rồi, vẽ bức hình Phật này, trước khi vẽ hình Phật nhất định phải tắm rửa thân mình, tay chân sạch sẽ, và mặc vào bộ y phục sạch sẽ. Có khả năng thì nhất định phải đổi bộ y phục mới, không có khả năng thì y phục nhất định phải giặt cho thật sạch sẽ, biểu thị cung kính. Giấy viết dùng tuyệt đối không làm vào những việc khác, viết dùng vẽ hình Phật là để vẽ hình Phật, tuyệt đối không được đem đi viết những thứ khác, chỉ chuyên dùng cũng là biểu thị cho lòng cung kính. Tài vật, tiền tài cần dùng đến đều là tịnh tài, là tiền của ở trong bổn phận của mình xứng đáng có được, tuyệt đối không dùng tiền của không trong sạch. Không trong sạch nghĩa là ta không xứng đáng có được, không phải tiền của ta. Ta dùng phương pháp khác để lừa gạt mà có, hoặc giả là uy hiếp, ép buộc họ không thể không đưa đến, loại tiền của này gọi là tiền của không trong sạch. Dùng tâm thanh tịnh, tài vật thanh tịnh để tạo tượng. Chỗ này ở trang 32, quý vị hiện nay có cuốn sách này, trang 32 của chú giải, đếm ngược đến hàng thứ hai, câu sau cùng, tôi đọc cho bạn nghe.
“Hựu bất hứa tạo bán thân tượng, thiện tướng bất khởi, đọa lạc sanh tử.” (Lại không cho phép tạo tượng bán thân, vì không thể sinh ra tướng lành, mà đọa lạc sinh tử)
Hy vọng mọi người phải chú trọng câu này, hiện nay có rất nhiều nơi, thờ cúng tượng Phật bán thân, tượng Bồ-tát bán thân, còn có nơi chỉ thờ đầu của Phật, Bồ-tát, thờ cúng ở nơi đó là tạo tội nghiệp. Quả báo này nhất định là ở địa ngục. Thờ cúng tượng Phật bán thân thì đã là mang tội nghiệp không nhẹ rồi, đọa lạc sinh tử, không có công đức. Cho nên vẽ hình ảnh Bồ-tát, cũng phải vẽ cho hoàn chỉnh, cũng phải vẽ hình toàn thân, không được phép vẽ hình bán thân. Bất kể là tượng ngồi, hay là tượng đứng cũng phải toàn thân, điều này phải đặc biệt chú ý. Chúng ta tạo hình người thì có thể tạo hình bán thân không có vấn đề gì, chứ hình Phật, Bồ-tát thì tuyệt đối không nên, hình người có thể tạo hình bán thân. Bạn nói có hình người nào chỉ tạo một cái đầu chứ không có gì khác, điều này ở trong phong tục tập quán của chúng ta gọi là điều chẳng lành, đầu bị người ta chặt xuống! Đâu có thể làm như vậy được? Đây là điều không nên. Ngài ở chỗ này có một câu như vậy, đặc biệt nhắc nhở quý vị đồng tu. Ở trong chú giải Ngài trích dẫn một đoạn trong “Kinh Công đức Tạo Tượng”. “Nếu người lúc lâm chung” ở hàng thứ hai trang 33, câu cuối cùng của hàng thứ hai, “Kinh công đức tạo tượng nói rằng: ‘Nếu người lúc lâm chung, thốt lên lời nói tạo tượng, thậm chí tạo tượng nhỏ như hạt lúa mạch’” Đây là lúa đại mạch. Tức là tạo tượng, nói tượng đó rất nhỏ, lớn bằng hạt lúa đại mạch vậy, đây là rất nhỏ rồi. “Có thể trừ được tội trong tám mươi ức kiếp ba đời, được mười một công đức”. Tạo tượng nhỏ như hạt lúa, cũng được công đức lớn như vậy, huống chi là tạo tượng Phật, tượng Bồ-tát lớn? Đạo lý này chúng ta phải hiểu. Có lẽ hiện nay có một số người xem thấy lời nói này, đều tranh nhau tạo tượng Phật lớn, tranh nhau tạo tượng Bồ-tát lớn. Họ tạo cái tượng này có thể được công đức lớn như vậy hay không? Thử xem phía trước, nếu như là tiền của không trong sạch, thì không có được công đức này. Cho nên tạo tượng, nhất định phải cân nhắc khả năng của mình. Miễn cưỡng gom góp cho thật nhiều tiền của không trong sạch, thì việc tạo tượng này là không đúng như pháp. Cho nên tạo tượng là mọi người đều có thể tạo, và công đức đạt được mọi người đều khác nhau. Khác nhau là gì? Bạn phát tâm tạo tượng, khởi tâm của bạn, vì sao động ý nghĩ muốn tạo tượng này, động cơ của bạn là gì? Nếu như tôn tượng này thật sự là để cho tất cả chúng sanh gieo trồng thiện căn, gợi cho đại chúng suy nghĩ về hiếu thì công đức này là rất lớn. Nếu như cái động cơ này là để trang nghiêm đạo tràng này của tôi, chứng tỏ đạo tràng của tôi thù thắng hơn của người khác, ở trong đây có tâm cao thấp. Nhà Phật nói tâm cao thấp, hơi giống như thi đua vậy, thì cái tâm này là không tốt, tâm này là tâm háo thắng. Mặc dù tâm háo thắng có công đức rất lớn, tương lai rơi vào cõi nào vậy? Cõi Tu-La. Cõi Tu-La, trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói cho chúng ta biết, phước báo lớn nhất là A-Tu-La cõi trời, kế đến là A-Tu-La cõi người, kế đến nữa là A-Tu-La cõi súc sanh, A-Tu-La cõi ngạ quỷ, bốn cõi này đều có A-Tu-La. Chỉ có ở trong địa ngục không có A-Tu-La. Cho nên A-Tu-La ở cõi nào thì xưng hô theo cõi đó. Vì thế trong kinh Phật thường nói Ngũ Thú. Ngũ Thú không nói A-Tu-La, A-Tu-La ở cõi nào thì tính họ ở cõi đó. Nói lục đạo là chỉ riêng cho A-Tu-La cõi trời. Có thể thấy trong kinh Phật thường nói: “Nhân địa không thật sẽ chiêu cảm quả báo không ngay. Phát tâm ban đầu của chúng ta là gì? Tại sao phải làm như vậy? Cho nên thật sự tạo tượng là để làm rạng rỡ Phật pháp, lợi ích chúng sanh thì công đức này là lớn rồi. Ngài bên dưới nói 11 loại công đức đều liệt kê ra ở chỗ này, mỗi loại công đức đều có nghiệp nhân của nó, đều có nhân duyên của nó, nhất định phải tương ưng với nhân duyên. Duyên tương ưng, có nhân ắt có duyên, sau đó mới có quả báo.
Thứ nhất là đời đời mắt trong sáng. Tại sao mắt trong sáng? Thường hay nhìn hình ảnh Phật Bồ-tát, nên được quả báo này. Cho nên sau khi chúng ta hiểu rõ đạo lý này rồi. Ở nhà, các cư sĩ ở nhà, trong nhà bạn bố trí phòng khách, không nên treo những bức tranh màu mè không có ý nghĩa, cũng đừng nên tìm những bức tranh chữ của danh nhân, đều là những thứ nhiễu loạn tâm tính. Nên treo cái gì? Hình ảnh Phật Bồ-tát. Bốn phía trong phòng khách đều có thể treo được, bất kể ngồi ở chỗ nào bạn cũng có thể nhìn thấy ảnh Phật. Tốt! Nhất tâm niệm Phật. Nếu như là chuyên tu Tịnh Độ, nói lời thành thật, chọn một bức hình Phật, bốn phía đều treo ảnh Phật giống nhau. Giống như niệm Phật đường của Cư Sĩ Lâm Chúng ta hiện nay, toàn bộ đều là treo hình ảnh của Phật A-Di-Đà, dường như là treo đến hơn 100 bức, một hai trăm bức, tôi nhìn thấy rồi. Bất kể bạn quay đầu về hướng nào, cũng là nhìn thấy Phật A-Di-Đà, ở trong đây tu hành thì mắt nhất định là đời đời nhạy bén, được quả báo mắt trong sáng. Các bạn thử nghĩ có phải là đạo lý này hay không?
Thứ hai là nơi sinh ra không có việc ác. Quả báo mà chúng ta nhận trong đời này là do nhân đời trước chúng ta tạo. Trong đời này chúng ta tu nhân thù thắng thì đời sau, đời sau nữa nhất định sẽ sanh đến môi trường rất tốt, không nhìn thấy những hình ảnh ác, và cũng không nghe thấy âm thanh ác này, đây là phước báo.
Thứ ba, thường sanh vào nhà quyền quý. Quý là gia đình tôn quý. Gia đình tôn quý không nhất định là giàu sang, không nhất định là giàu có. Có đức hạnh, đây là tôn quý. Bạn sanh vào gia đình này, thì cha mẹ, tổ tiên trong nhà này đều tích đức, thích thiện tích đức, bạn sanh vào trong gia đình này. Đây là gì? Cảm ứng đạo giao. Mình tâm hạnh thiện thì nhất định thiện tương ưng với thiện. Tuy Phật ở trong kinh nói, cha mẹ với con cái có bốn loại duyên: Báo ơn, báo oán, đòi nợ, trả nợ, đây là nguyên tắc. Trong đời quá khứ kết duyên này quá nhiều, quá nhiều rồi. Hay nói cách khác, cái duyên có thể làm cha mẹ, làm con cái này rất nhiều, rốt cuộc chọn cái nào để làm cha mẹ? Việc này có quan hệ với tập tánh thiện hay ác. Nếu như thường hay nhìn tượng Phật, thường hay xưng danh hiệu Phật, họ chọn cái duyên này nhất định là thiện duyên.
Thứ tư, thân có màu sắc vàng óng. Đây là hình dung thân tướng đẹp. Sáu căn đầy đủ không có khiếm khuyết, thân tướng đẹp.
Thứ năm, có nhiều đồ vật quý báu. Đây là nói phú quý. Đời sống của bạn đầy đủ sung túc. Nếu như đời sống không đầy đủ sung túc thì không thể có những đồ vật quý báu này. Phạm vi mà trong đồ vật quý báu nói cũng vô cùng vô cùng rộng. Gia đình mến đức mến thiện tuyệt đối không sưu tầm những đồ vật quý lạ, hiếm có mà người bình thường thế gian xem đó là quý báu. Gia đình có đức hạnh, có học vấn sưu tầm sách vở, họ hưởng thụ ở trong đây. Như hiện nay thì việc này đã thuận tiện nhiều rồi, hiện nay kỹ thuật in ấn thuận tiện. Thời trước đây gia đình nào có thể sưu tầm được một bộ “Đại Tạng Kinh” đâu? Là việc không thể. Kinh điển vào thời xưa, cho dù đến đầu năm Dân Quốc, vẫn là in ấn bằng bản khắc gỗ. In ấn không phải bằng mực in, mà bằng khói của hạt thông, có lẽ các bạn đều chưa từng nhìn thấy, là khói của hạt thông. Hiện nay phòng khắc kinh Kim Lăng đã dùng mực in, chứ không phải dùng khói hạt thông nữa. Sách thời xưa, sách đó khi tay sờ vào thì trên tay giống như dính phấn, dính bột phấn đen vậy. Dùng khói hạt tùng chà, quét lên từng tờ từng tờ, in thành một cuốn sách. Nếu giống như bản “Kinh Địa Tạng” này thì e rằng một người phải mất thời gian đến một ngày. In từng tờ từng tờ, sau đó mới đóng sách, rồi cắt nó ngay ngắn, rất khó khăn. Cho nên giá trị của cuốn sách là rất cao, không phải gia đình giàu sang thì không mua nổi, số lượng lại rất ít. Hiện nay thuận tiện rồi, chế bản chụp hình, có thể in ấn lưu thông số lượng lớn. Vào đầu năm Dân Quốc, thời đó tôi biết quê hương chúng tôi, giống như tỉnh An Huy, một tỉnh này nghe nói chỉ có hai bộ “Đại Tạng Kinh”, và còn một bộ là không hoàn chỉnh, hai bộ hoàn chỉnh, và một bộ không hoàn chỉnh, rất khó khăn. Người bình thường nếu muốn đọc kinh, phải đến lầu tàng kinh trong chùa để mượn, mượn nhưng không được đem ra ngoài, chỉ có thể ở trong lầu tàng kinh, lầu tàng kinh giống như thư viện vậy. Mượn ra bạn cần thì chép, tự mình chép tay. Sau khi chép xong thì trả lại, tạng kinh không được đem ra khỏi cửa. Hiện nay kỹ thuật in ấn phát triển, chữ thu nhỏ rồi, cho nên một bộ “Đại Tạng Kinh”, gọi là “Long Tạng”, chúng ta hiện nay in ra 160 quyển, giá thành rất rẻ, trong gia đình mình có thể cất giữ, là của báu! Tuy bộ “Tứ Khố Toàn Thư” là quá lớn, nhưng bản “Tứ Khố Tập Yếu” thì thuận tiện hơn nhiều, vào thời xưa chỉ có đế vương mới có thể thu thập bảo tồn, mới có thể hưởng thụ. Còn hiện nay trong dân gian chúng ta cũng có thể rồi. Đài Loan in lại “Tứ Khố Tập Yếu”, một bộ giá năm mươi vạn đồng Đài Loan, giá thành tương đối rẻ, số lượng 500 quyển sách đóng bìa cứng, tương đương với ba bốn bộ “Đại Tạng Kinh”, là vật báu! Cái này là đáng sưu tầm, mình có thể thọ dụng, có thể giáo dục thế hệ sau. Cho nên đồ quý giá phong phú, là không phải ở những thứ đồ cổ bằng ngọc, cái thứ đó không có gì thật sự lợi ích. Thật sự lợi ích là những kinh sách này, lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền.
Thứ sáu, sinh trong nhà hiền thiện. Phía trước nói thường sinh trong gia đình quyền quý, là chú trọng ở chữ “Thường”. Quả báo này của họ không chỉ một đời, lợi ích công đức kéo dài rất nhiều đời. Giống như phía trước nói 100 lần sinh lên cõi trời Đao Lợi.
Thức sáu, sinh trong gia đình hiền thiện. Khác với phía trước là phước báo, đương nhiên là họ mỗi đời kém hơn một chút. Nếu như họ đời đời kiếp kiếp chịu tu, thì phước báo đó kéo dài vĩnh viễn không dứt, nhất định phải dựa vào tu đức, sanh vào gia đình hiền thiện.
Thứ bảy, sinh ra được làm vua. Đây là hưởng thụ phú quý của nhân gian.
Thứ tám, làm vua Kim Luân.
Thứ chín, sanh vào cõi Phạm Thiên.
Cấp bậc là càng ngày càng cao, hoàn toàn xem bạn tu phước lớn hay nhỏ. Tu phước lớn hay nhỏ, không liên quan đến tạo tượng lớn hay nhỏ, phải hiểu cái đạo lý này. Là ở tâm bạn tu phước lớn hay nhỏ. Tâm lượng bạn lớn dù tạo tượng nhỏ thì công đức cũng lớn. Tâm lượng của bạn nhỏ, dù tạo tượng lớn bạn được phước cũng nhỏ. Cho nên không ở chỗ tượng lớn hay nhỏ, mà ở chỗ tâm của bạn lớn hay nhỏ, là ở chỗ tâm địa của bạn nhiễm hay tịnh, nhất định phải hiểu đạo lý này. Ở trong Phật pháp thật sự là pháp bình đẳng. Nếu như nói là tôi tạo tượng lớn thì phước sẽ lớn, tượng nhỏ thì phước sẽ nhỏ, như thế thì chỉ có người có tiền có thế mới có thể tu phước lớn được, người nghèo khó thì không thể tu phước báo rồi, cái này không bình đẳng. Ở trong Phật pháp là bình đẳng, người nghèo khó có khi tu phước còn lớn hơn gấp nhiều lần so với người giàu có, là ở tâm thanh tịnh, phải hiểu đạo lý này.
Thứ mười, không đọa ác đạo.
Thứ mười một, đời sau vẫn còn kính trọng Tam Bảo. Điều này rất quan trọng. Mười câu phía trước đều là nói đến quả báo, một điều phía sau này là nhân. Đây là ở trong Phật pháp nói quả, mà không bỏ sót nhân. Nói nhân nhất định phải nói đến quả báo, cách nói này mới viên mãn. Đời sau vẫn còn kính trọng Tam Bảo, có thể thấy phước đức này của họ vẫn còn dài lâu, không phải trong một đời là hưởng hết. Hiện nay chúng ta quan sát thế gian, người hiện nay có phước báo, nhưng bạn quan sát tỉ mỉ, phước báo của họ gần như hưởng hết rất nhanh. Tuổi thọ một đời vẫn chưa hết, mà phước báo của họ hết rồi. Ở nước ngoài chúng ta nhìn thấy rất nhiều công ty sập tiệm, phá sản, tuổi của họ cũng không lớn lắm. Đây chính là lúc hưởng phước mà không biết tu phước. Thật sự người thế gian có thể kéo dài phước báo đến hai đời, ba đời là rất ít. Hiện nay là bản thân mình một đời có thể hưởng phước cả đời, loại người này đã ít thấy rồi, thường thường thời gian hưởng phước đều rất ngắn. Lúc hưởng phước, không biết tu phước, lúc hưởng phước, không biết làm lợi ích cho chúng sanh xã hội, cho nên thời gian hưởng phước báo của họ rất ngắn ngủi, điều này là rất quan trọng. Lúc hưởng phước nhất định phải biết tu phước, phải biết phước này từ đâu mà có. Phật nói ở trong kinh, có thể nói hoàn toàn là nói đến cảnh giới của phàm phu. Tiền tài, có người nào không cầu tiền tài đâu? Không những trong tâm cầu tiền tài, mà tham mê tiền tài, vậy là sai rồi! Không biết giàu có là từ bố thí tài mà ra. Thật sự hiểu rõ đạo lý này, khi có tiền của thì toàn tâm toàn lực bố thí, bố thí vô điều kiện, hoàn toàn không cần suy nghĩ hiệu quả của bố thí, không cần suy nghĩ đến chuyện này. Ta bố thí là làm việc tốt, đi cứu người, đương nhiên chúng ta không phải trực tiếp đi cứu độ, nhất định là có một số người giúp đỡ, chúng ta giao cho người khác đi làm chuyện này. Nếu như người ta đem số tiền của này đi làm vào chuyện khác, hoặc giả tự mình lấy để hưởng thụ, đó là quả báo của họ, không liên quan đến ta. Tâm ta phát ra là thuần chánh, phước ta được là viên mãn. Nếu như bạn còn suy nghĩ là tiền cứu trợ e rằng bị người ta ăn hết, nên không dám làm. Hay nói cách khác, duyên tu phước của bạn bị đoạn mất rồi. Tu phước nhất định được phước, nếu nghi ngờ suy nghĩ quá nhiều thì thường sẽ đoạn mất duyên tu phước của bạn, biến thành người không có phước. Trong tâm thường hay suy nghĩ, thường hay nghĩ đến những chuyện được mất này, thì tương lai cảm được quả báo là ngu si, không có trí tuệ. Cho nên chúng ta dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm từ bi để tu phước. Đương nhiên người ủy thác tu phước này ta cũng phải quan sát. Nếu như không lựa chọn, không quan sát, đó là lỗi của mình, không có tội mà có lỗi. Người được ủy thác này có thể tin cậy được, rất ổn thỏa, thì phước báo của bạn sẽ viên mãn. Người được ủy thác này không ổn thỏa, thì bạn vẫn có phước báo, nhưng phước báo của bạn không viên mãn mà thôi, không phải không có phước. Nhân quả ở trong đây rất phức tạp, không phải có thể nói rõ ràng dễ dàng như vậy được. Quý vị cần học nhiều, kinh điển phải đọc nhiều, tư duy nhiều, dần dần từng bước bạn sẽ khai ngộ, bạn sẽ sáng tỏ, biết mình phải tu phước như thế nào, để cho mình đời đời kiếp kiếp thật sự có thể có được hạnh phúc mỹ mãn, đời sống vật chất không thiếu thốn, không thiếu thốn chính là phước báo, không cần quá nhiều, thông minh trí tuệ, khỏe mạnh trường thọ, đời sâu có thể có được hoàn cảnh sống tốt hơn. Hoàn cảnh sống cứu cánh viên mãn đích thực, đó là thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta hiểu rõ rồi, biết rồi thì trong đời này nhất định phải toàn tâm toàn lực đi tranh thủ làm chuyện này, tranh thủ về thế giới Tây Phương Cực Lạc, những chuyện khác đều có thể buông xả, đều có thể từ bỏ. Trong đời này chúng ta tu học, nhân duyên, quả báo mới thật sự đạt đến viên mãn.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến chỗ này.
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.