KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 79
Xin mời mở bản kinh ra, phần khoa chú quyển hạ, trang 32. Mời xem kinh văn:
“Thị Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, ư chư Bồ Tát thệ nguyện thâm trọng. Thế Tôn! Thị Ðịa Tạng Bồ Tát ư Diêm Phù Ðề hữu đại nhân duyên, như Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Di Lặc, diệc hóa bách thiên thân hình độ ư lục đạo, kỳ nguyện thượng hữu tất cánh.”
(Ngài Địa-Tạng Bồ Tát đây so với các vị Bồ Tát chỗ thệ nguyện rất là sâu rộng. Bạch đức Thế-Tôn! Ngài Địa-Tạng Bồ Tát đây có nhơn duyên lớn với chúng sanh trong Diêm Phù Đề. Như Ngài Văn Thù, Ngài Phổ Hiền, Ngài Quan Âm, Ngài Di Lặc cũng hóa hiện trăm nghìn thân hình để độ chúng sanh trong sáu đường, nhưng chỗ phát nguyện của các Ngài còn có lúc hoàn mãn.)
Đoạn kinh văn này, là so sánh cho chúng ta thấy, chứng tỏ Bồ Tát Địa Tạng có duyên phận đặc biệt với thế gian này của chúng ta. Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Di Lặc, cũng có duyên phận rất sâu với thế gian chúng ta, chẳng hề kém hơn Bồ Tát Địa Tạng. Ở đây là so sánh thệ nguyện. Cho nên nói những Bồ Tát khác độ hóa chúng sanh trong sáu đường, cái nguyện đó còn có lúc kết thúc, chỉ có nguyện của Bồ Tát Địa Tạng phát là không có kết thúc. “Địa ngục chẳng không, thề không thành Phật”, Nguyện này đích thực rõ ràng là sâu nặng hơn so với nguyện của những Bồ Tát khác. Chúng ta biết như ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Di Lặc đều là cổ Phật tái lai, các Ngài thị hiện thân phận Bồ Tát, độ hóa chúng sanh ở trong lục đạo. Trong kinh đức Phật có nói, Bồ Tát Văn Thù trong quá khứ đã từng làm Long Chủng Tôn Vương Phật, vậy là chứng tỏ trong kiếp lâu xa về trước các Ngài đã thành Phật rồi, hiện nay ở thế gian này là để giúp Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hóa chúng sanh. Đúng như câu “Một Phật ra đời thì nghìn Phật ủng hộ.” ý nghĩa nó là như vậy, chúng ta phải hiểu. Xem tiếp kinh văn dưới đây:
“Thị Ðịa Tạng Bồ Tát, giáo hóa lục đạo nhất thiết chúng sanh, sở phát thệ nguyện kiếp số, như thiên bách ức Hằng hà sa”.
(Ngài Địa-Tạng Bồ Tát đây phát thệ nguyện giáo hóa tất cả chúng sanh trong sáu đường trải đến kiếp số như số cát trong trăm nghìn ức sông Hằng.)
Đây là nói rõ Bồ Tát Địa Tạng, dùng thân phận Bồ Tát để giúp đỡ tất cả chúng sanh, trải qua số kiếp không cách gì tính được. Bồ Tát đời đời kiếp kiếp, đều phát lời thệ nguyện sâu nặng này. Chúng ta xem thấy ở trong hội này, xem thấy ở trong phẩm Tựa, đại chúng tham dự pháp hội là chư Phật Như Lai mười phương. Phần trước đã từng báo cáo qua với quý vị, chư Phật Như Lai này đều là học trò của Bồ Tát Địa Tạng. Số học trò thành Phật đã là không thể nghĩ bàn rồi, mà thầy vẫn là dùng thân phận Bồ Tát đang giúp đỡ tất cả chúng sanh, đây là điểm chúng ta cần phải học tập. Tích lũy công đức, giáo hóa chúng sanh không cần quan tâm đến danh vị của mình, không quan tâm đến lợi ích cá nhân. Bồ Tát Địa Tạng giống như là lấy việc này hiển thị rõ ràng hoàn toàn cho chúng ta thấy, dạy chúng ta cần phải học tập như thế nào. Có lẽ có đồng tu muốn hỏi, trong “Phẩm Phổ Môn” có nói: “Cần dùng thân Phật mà được độ, thì Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ hiện thân Phật để thuyết pháp.” Bồ Tát Địa Tạng có thể hiện thân Phật để thuyết pháp không? Đương nhiên là có thể. Nếu như Bồ Tát Địa Tạng gặp được chúng sanh loại này, cần dùng thân Phật mà được độ thì đương nhiên Ngài cũng hiện thân Phật để thuyết pháp. Lý và sự này chúng ta cần phải nhận thức cho thật viên dung, không được lệch về một bên. Từ đó cho thấy chư Phật Bồ Tát giáo hóa chúng sanh, lúc nào cũng linh động, tùy cơ ứng biến, tuyệt đối không cứng nhắc, vô cùng linh hoạt, cho nên mới có thể khiến tất cả chúng sanh khai ngộ, khiến tất cả chúng sanh được lợi ích chân thật. Mời xem đoạn kinh văn dưới đây:
“Thế Tôn! Ngã quán vị lai cập hiện tại chúng sanh, ư sở trú xứ ư Nam phương thanh khiết chi địa, dĩ thổ thạch trúc mộc, tác kỳ khám thất, thị trung năng tố họa, nãi chí kim ngân đồng thiết. Tác Ðịa Tạng hình tượng, thiêu hương cúng dường, chiêm lễ tán thán.”
(Bạch đức Thế-Tôn! Con xem xét chúng sanh ở hiện tại nay và về vị lai sau, nơi chỗ sạch sẽ ở phương nam trong cuộc đất của mình ở, dùng đất đá tre gỗ mà dựng cất cái khám cái thất.
Trong đó có thể họa vẽ, cho đến dùng vàng, bạc, đồng, sắt đúc nắn hình tượng Địa-Tạng Bồ Tát, đốt hương cúng dường, chiêm lễ ngợi khen.)
Đoạn kinh văn này là nói ra người có thể cúng dường tu phước, đặc biệt là chỉ ra “vị lai”. “Vị lai” chính là chỉ thời đại này của chúng ta hiện nay. Hiện tại chúng sanh ở trong đây có hai cách giảng: Cách thứ nhất là số đại chúng tham gia tại cung trời Đao Lợi lúc Thế Tôn giảng kinh thuyết pháp, là hiện tại chúng sanh. Ý nghĩa thứ hai là vị lai hiện tại. Thời gian của vị lai là quá dài quá dài. Dựa theo sự tích Bồ Tát Địa Tạng giáo hóa chúng sanh mà nói, từ sau khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ, mãi cho đến khi Bồ Tát Di Lặc hạ sanh đều là thuộc về đời vị lai cả. Vị lai, hiện tại chúng sanh đó là chỉ các thời đại, các vùng chỉ cần chúng ta gặp được bộ “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” này, chỉ cần nghe thấy pháp môn này, thì chúng ta đều thuộc về những chúng sanh mà trong câu này nói. Hay nói cách khác chính là Ngài nói đến chúng ta.
Cần phải tu như thế nào? Ngay nơi mình cư trú. “Nam phương thanh khiết chi địa” (Nơi chỗ sạch sẽ ở phương nam.) Có phải nhất định phải chọn hướng nam trong bốn hướng đông, tây, nam, bắc không? Chúng ta phải hiểu. Nếu như kiến trúc ngôi nhà này của họ, là quay mặt hướng bắc là rất tốt rồi, phương hướng đó là chính xác rồi. Nếu như kiến trúc ngôi nhà của họ quay mặt về hướng nam, vậy thì hướng nam là cửa chính của họ. Bạn thử nghĩ có phải là thờ Bồ Tát Địa Tạng ở cửa chính không? Chắc chắn không phải. Nhất định là giống như pháp tượng trưng trong “Kinh Hoa Nghiêm”. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” Thiện Tài Đồng Tử năm mươi ba lần tham vấn đều là hướng về phương nam. “Nam” không phải chỉ phương hướng. Nam là chỉ hướng của trí tuệ. Hễ hướng nào có thiện tri thức cư trú, đều gọi là hướng nam. Chúng ta hiểu rõ ý nghĩa này, vậy thì cái này dễ giảng rồi. Hễ hướng nào thờ Bồ Tát Địa Tạng thì gọi là hướng nam, quý vị nhất định phải hiểu đạo lý này. Trong nhà của mình có phòng riêng thờ Phật, hoặc không có phòng riêng thờ Phật thì thờ ở phòng khách trong nhà bạn, nhưng nhất định phải thờ ở hướng thượng trong nhà. Căn phòng này hướng nào được xem là hướng thượng vậy? Vị trí căn nhà này của họ có thể chỉ có một cửa và có thể có rất nhiều cửa. Bất kể bước vào nhà từ cửa nào, vị trí đầu tiên họ nhìn thấy, vị trí này chính là hướng thượng. Giống như phòng học này hiện nay của chúng ta vậy, vị trí chúng tôi ngồi đây là hướng thượng. Ở đây chỉ có hai cửa, khi bước vào chúng ta nhìn thấy đầu tiên, còn một cửa khác, giống như hướng này cũng gọi là hướng thượng, khi bước vào cũng có thể nhìn thấy. Giống như vị trí cư sĩ Hứa ngồi đó là không được xem là hướng thượng, vị trí pháp sư Khoan Dung ngồi không phải là hướng thượng, khi người ta bước vào bạn không nhìn thấy. Hướng thượng chúng ta phải chú ý đến, hướng thượng là chỗ cung kính nhất, thờ Bồ Tát Địa Tạng ở chỗ này chính là hướng Nam, không nhất định phải tìm vị trí đông, tây, nam, bắc, phải hiểu rõ đạo lý này. Hướng Nam là tượng trưng cho sáng suốt, tượng trưng cho trí tuệ. “Thanh khiết chi địa” (Nơi chỗ sạch sẽ) câu này rất quan trọng, chỗ thờ Phật nhất định phải sạch sẽ. Ấn Quang Đại Sư đã từng nói, có một số người thờ tượng Phật ở trong nhà của mình, thờ tượng Phật ở trong phòng ngủ, bèn thỉnh giáo Ấn Quang Đại Sư xem có đúng như pháp hay không? Đại Sư trả lời: “Nơi chỗ thờ hình tượng Tam Bảo, là giống như đại hùng bảo điện vậy.” Phải sinh khởi tâm cung kính ở chỗ này, cho nên thông thường ở trong phòng ngủ thì không thờ tượng Phật. Trường hợp nào được thờ tượng Phật trong phòng ngủ? Trong lúc bệnh nặng, lúc cầu vãng sanh, vào lúc này thì không có cấm kỵ gì cả, mọi lúc, mọi nơi trong mỗi niệm đều không lìa khỏi Phật thì được! Vậy thì có thể thờ tượng Phật. Loại thứ hai là tuy không có bị bệnh, mà tâm cầu vãng sanh rất tha thiết, hy vọng được vãng sanh sớm, hy vọng được gặp Phật sớm. Tuyệt đối không được dùng tâm giải đãi, kiêu mạn để thờ cúng, phải cực kỳ tôn trọng. Giống như con cái trông ngóng cha mẹ vậy, dùng tâm cực kỳ thành kính, hiếu kính thì được, điểm này nhất định phải biết. Chứ không phải nói thờ cúng tượng Phật để Phật Bồ Tát phù hộ, căn nhà của tôi có yêu ma quỷ quái, thờ cúng hình tượng Phật Bồ Tát để trừ tà, hoặc là xem nó như tác phẩm nghệ thuật để thưởng thức, vậy là mắc tội lỗi rồi, thế thì tuyệt đối không được phép. Cho nên hễ “Nơi nào có hình tượng Tam Bảo, thì nơi đó giống như đại hùng bảo điện”. Lời khai thị này của Ấn Quang Đại Sư rất có đạo lý, chúng ta cần phải y giáo phụng hành. Dưới đây nói: “Tác kham”. (Làm khám thờ). “Kham” là căn nhà nhỏ để thờ cúng tượng Phật. Làm khám thờ dùng đất, dùng đá, dùng tre, dùng gỗ đều được. Người Trung Quốc hiện nay không quá coi trọng về việc làm khám thất, nhưng người Nhật Bản rất coi trọng. Người Nhật Bản bất kể là tượng Phật lớn hay nhỏ đều nhất định là có khám thất. Khi họ lễ bái, họ mở cửa khám thất nhỏ ra, sau khi lễ bái xong họ đóng cửa lại, làm vậy rất có đạo lý. Nói thật ra người Nhật Bản học được từ thời đại Tùy Đường họ bảo tồn mãi cho đến ngày nay, họ không có thay đổi. Cho nên tinh thần này của người Nhật Bản đáng để chúng ta noi theo, là không dễ dàng thay đổi lời dạy của cổ thánh tiên hiền. “Thị trung năng tố họa, nãi chí kim ngân đồng thiết, tác Ðịa Tạng hình tượng.” (Trong đó có thể họa vẽ, cho đến dùng vàng, bạc, đồng, sắt đúc nắn hình tượng Địa-Tạng Bồ Tát.) Trong khám thất thờ cúng hình tượng Bồ Tát. Hình tượng vẽ cũng được, tượng Bồ Tát đúc nắn cũng được, bất kể là dùng chất liệu gì. Bên dưới có nêu ra mấy ví dụ, vàng, bạc, đồng, sắt là kim loại. Dùng gỗ điêu khắc cũng được, đắp nặn bằng đất cũng được, đều được cả. Bạn có thể thờ cúng: “Thiêu hương cúng dường, chiêm lễ tán thán.” (Đốt hương cúng dường, chiêm lễ ngợi khen.) Ý nghĩa của việc thờ cúng hình tượng Bồ Tát Địa Tạng là ở chỗ nào? Điều này nhất định phải biết. Thứ nhất là khiến cho chúng ta sinh khởi tâm lễ kính. Bồ Tát Phổ Hiền dạy chúng ta phương pháp tu hành, mười cương lĩnh tu hành, thứ nhất là “Lễ kính chư Phật.” Nhìn thấy hình tượng Phật Bồ Tát, liền sinh khởi lên tâm lễ kính. Chúng ta phải đem tâm lễ kính Phật Bồ Tát dùng vào trong đời sống thường ngày, đối với tất cả mọi người cũng lễ kính như vậy, đối với mọi việc cũng lễ kính như vậy. Kính sự chính là hết lòng phụ trách, hết lòng hết sức làm viên mãn việc này, vậy là lễ kính đối với mọi việc. Đối với vật cũng lại như thế. Giống như bàn ghế chúng ta cũng phải lễ kính đối với nó, chứ không phải lễ lạy nó, là sắp xếp nó cho thật ngay ngắn, lau chùi thật sạch sẽ, đây là lễ kính. Nếu như để không ngay ngắn, lại để bụi dơ bẩn bám trên đó, không có lau chùi, vậy là bất kính. Cho nên đối với người, với sự, với vật chỉ có một tâm chân thành cung kính. Đây là ý nghĩa thứ nhất của cúng dường hình tượng Phật Bồ Tát, chúng ta thật sự được thọ dụng.
Ý nghĩa thứ hai là “Nhìn thấy thánh hiền muốn học theo cho bằng”. Phật Bồ Tát cũng là từ phàm phu mà tu thành. Họ ngày nay thành Bồ Tát, thành Phật rồi, tại sao ta vẫn còn là phàm phu? Cho nên ta cần phải noi theo Bồ Tát, học tập theo Bồ Tát. Chúng ta ở trong đời này cũng phải làm Phật, làm Bồ Tát, kích thích ý chí hướng thượng của mình, đây là ý nghĩa thứ hai.
Ý nghĩa thứ ba là nhìn thấy hình tượng Phật Bồ Tát, liền nghĩ đến lời giáo huấn của Phật, Bồ Tát. Nhìn thấy hình tượng Bồ Tát Địa Tạng liền nghĩ đến lời giáo huấn mà Thế Tôn đã dạy trong “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện”. Chúng ta phải ghi nhớ cho thật kỹ, phải hiểu sâu nghĩa thú, y giáo phụng hành. Cho nên cúng dường hình tượng Phật Bồ Tát là có ba loại ý nghĩa này ở trong đó, chứ không phải là mê tín. Hầu hết người bên ngoài nói chúng ta thờ cúng hình tượng Phật Bồ Tát, là lễ bái ngẫu tượng, sai rồi! Họ hoàn toàn hiểu lầm rồi. Từ đó cho thấy ý nghĩa nhà Phật cúng dường hình tượng Phật Bồ Tát là rất sâu rất rộng. Quy nạp lại nó là giáo dục, không có rời khỏi giáo dục. Huống gì ở trong đây còn có ý nghĩa biết ơn báo ơn cội nguồn nữa. Chúng ta làm đệ tử của đức Phật, bất kể là tại gia hay xuất gia, khi gặp một số người có nghi hoặc, chúng ta cần phải nói rõ cho họ biết, để họ hiểu rõ lợi ích và ưu điểm đích thực của cúng dường hình tượng Phật Bồ Tát. Lợi ích này là lợi ích sát sườn, lợi ích ngay trước mắt, chứ đâu phải là mê tín? “Chiêm lễ, tán thán” (Chiêm lễ khen ngợi.) Tán thán tức là nói rõ, diễn thuyết cho người ta. Mình y giáo phụng hành là tán thán. Diễn thuyết cho người ta cũng là tán thán. Mời xem kinh văn dưới đây:
“Thị nhân cư xứ tức đắc thập chủng lợi ích.”
(Thời chỗ người đó ở được mười điều lợi ích.)
Dưới đây là nói mười điều lợi ích.
“Hà đẳng vi thập? Nhất giả thổ địa phong nhưỡng, nhị giả gia trạch vĩnh an, tam giả tiên vong sanh thiên, tứ giả hiện tồn ích thọ, ngũ giả sở cầu toại ý, lục giả vô thủy hỏa tai, thất giả hư hao tịch trừ, bát giả đỗ tuyệt ác mộng, cửu giả xuất nhập thần hộ, thập giả đa ngộ thánh nhân.”
(Những gì là mười điều?
Một là đất cát tốt mầu,
Hai là nhà cửa an ổn mãi mãi,
Ba là người đã chết được sanh lên cõi trời,
Bốn là những người hiện còn hưởng sự lợi ích,
Năm là cầu chi cũng toại ý cả,
Sáu là không có tai họa về nước và lửa,
Bảy là trừ sạch việc hư hao,
Tám là dứt hẳn ác mộng,
Chín là khi ra lúc vào có thần theo hộ vệ,
Mười là thường gặp bực Thánh Nhơn.)
Mười loại lợi ích này, chính là lợi ích của việc cúng dường hình tượng Phật Bồ Tát. Có người nào không muốn đạt được chứ? Nhưng quý vị nhất định phải nhớ kỹ ba ý nghĩa cúng dường tượng Phật như vừa mới nói. Nếu như bạn không hiểu, thì không thể đạt được mười loại lợi ích này, dù bạn thờ cúng hình tượng Phật Bồ Tát, nói thực ra là mê tín, làm sao bạn có thể đạt được lợi ích như trong kinh nói? Đây là bạn thờ cúng không đúng như pháp, không đúng như lý, bạn chỉ thờ cúng trên hình thức, chứ không có thực chất. Đây là bạn có thể đạt được lợi ích hay không, bạn được lợi ích nhiều hay ít đều ở cách dùng tâm của bạn. Nếu tâm hạnh của bạn tương ưng với lời chỉ dạy của Phật, bạn liền được lợi ích. Mức độ tương ưng càng cao thì bạn được lợi ích sẽ càng lớn. Làm sao tương ưng? Tóm lại không ngoài ba chữ: “Tín, nguyện, hạnh” này. Đối với lời giáo huấn của Phật Bồ Tát chúng ta có thể tin, có thể hiểu, có thể phát nguyện, có thể phụng hành. Trong bộ kinh điển này khi nhìn về mặt văn tự thấy dường như là không sâu lắm, giống như là những mẫu chuyện, nhưng mà lý rất sâu, rất rộng. Lần này chúng tôi báo cáo, giới thiệu với quý vị, bởi do sự hạn chế về thời gian, nên không thể giảng kỹ được, chỉ giảng sơ lược mà thôi. Nếu như tương lai có nhân duyên, tôi sẽ sẵn lòng giảng nó tỉ mỉ lại một lần nữa. Nhất là chú giải của pháp sư Thanh Liên, Ngài trích dẫn căn cứ kinh điển, đưa ra nhiều bằng chứng, khiến cho nội dung chú giải vô cùng phong phú. Bạn tin được, hiểu được, có thể phát nguyện, có thể thực hành liền được lợi ích này. Lợi ích thì vô biên, nhưng quy nạp lại thành mười loại; cái đầu tiên là “Thổ địa phong nhưỡng.” (Đất đai màu mỡ.) Thứ hai là “Gia trạch vĩnh an.” (Nhà cửa an ổn mãi mãi). Hai câu này người hiện nay gọi là phong thủy, phong thủy tốt. Tại sao bạn có thể có được phong thủy tốt như vậy? Do tâm tốt. Đúng là cảnh chuyển theo tâm. Việc gì bạn phải đi xem phong thủy? Không cần thiết. Chỉ cần bạn giữ tâm tốt, nói lời lành, làm việc tốt, làm người tốt. Tâm thiện, hạnh thiện thì hoàn cảnh cư trú, môi trường sống tự nhiên sẽ chuyển thành tốt. Môi trường sống của chúng ta và môi trường tự nhiên chính là phong thủy mà người đời thường nói. Nhà Phật thường nói: Ngày nào cũng là ngày tốt, giờ nào cũng là giờ tốt, nơi nào cũng là nơi tốt. Nơi nào là nói môi trường, đâu có nơi nào là không tốt? Nơi Phật Bồ Tát cư trú thảy đều tốt, không có nơi nào không tốt. Đạo lý này trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói là: “Nếu chuyển được cảnh, thì đồng với Như Lai.” Như Lai chính là giờ nào cũng là giờ tốt, ngày nào cũng là ngày tốt, chỗ nào cũng là chỗ tốt. Tại sao vậy? Như Lai có thể chuyển được cảnh giới, phàm phu không thể chuyển được cảnh giới, trái lại còn bị cảnh giới chuyển, nên phiền phức lớn rồi. Bạn muốn cầu ngày tốt, giờ tốt, chỗ tốt thì tìm cầu ở nơi nào? Cả đời cũng không thể gặp được, tìm khắp nơi cũng tìm không ra. Tìm đến nơi có sông núi hữu tình, hay quá, rất tốt, xây căn nhà ở nơi này để ở, đâu biết rằng bên cạnh đó có yêu ma quỷ quái, có rất nhiều thú dữ, khiến cho bạn ở không yên. Vậy là do nguyên nhân gì? Tâm tà, tâm mê, nên bạn không thể chuyển cảnh giới được, bạn sẽ bị cảnh giới chuyển. Bị cảnh giới chuyển là phàm phu, người có thể chuyển được cảnh giới là thánh nhân. Thế nào gọi là thánh nhân? Phần trước chúng tôi cũng đã giải thích rồi, mọi người đừng quên, thánh nhân là người sáng tỏ lý và sự, chúng ta gọi họ là thánh nhân, ở Ấn Độ xưng là Phật, Bồ Tát. Phật Bồ Tát là người sáng tỏ chân tướng vũ trụ nhân sinh, họ thấy rõ chân tướng. Ở Trung Quốc người nào sáng tỏ chân tướng vũ trụ nhân sinh, họ bèn xưng là thánh nhân. Cho nên mười loại lợi ích này, thứ nhất là chuyển được đất đai rồi. Chúng ta thử xem môi trường cư trú của chúng ta hiện nay, môi trường lớn như địa cầu. Địa cầu hiện nay biến thành tình trạng gì vậy? Hầu như hiện nay mỗi người đều biết, sinh thái tự nhiên bị phá hoại rồi. Những năm gần đây mỗi năm đều xảy ra tai biến quá nhiều, số lần mỗi năm một nhiều hơn, phạm vi mỗi lần một rộng lớn hơn, mỗi lần một nghiêm trọng hơn, vậy làm sao chịu nổi! Sinh thái tự nhiên trên địa cầu tại sao bị phá hoại như vậy? Do tư tưởng, hành vi của con người đi trái ngược lại với tánh đức. Người thế gian không biết, cho rằng những tai họa tự nhiên này không có liên quan gì với nhân loại chúng ta, không liên quan gì với tư tưởng, hành vi của nhân loại, là sai rồi! Đức Phật biết rất rõ ràng. Trong kinh thường nói: “Y báo chuyển theo chánh báo”, địa cầu là y báo, chánh báo là tâm người. Tâm người thiện, thì đất đai màu mỡ, nhà cửa bình yên. Tâm người bất thiện thì tai nạn chồng chất. Tai nạn do con người tạo là chiến tranh. Tai họa tự nhiên hiện nay càng ngày càng nhiều, nạn lũ lụt, hỏa hoạn, động đất, hiện nay còn có sự biến đổi khí hậu, thậm chí là tầng ozone bảo vệ địa cầu cũng bị thủng rồi. Gần đây trên báo có đăng những tin tức này, hiện nay lỗ thủng tầng ozone ngày càng nghiêm trọng, diện tích ban đầu không quá lớn, nghe nói hiện nay phạm vi diện tích lớn gần bằng nước Mỹ rồi, cái này phiền phức rồi. Tầng ozone bảo vệ địa cầu, nó hấp thu tia cực tím chiếu từ mặt trời. Nếu như không có sự bảo vệ của tầng ozone, tia cực tím của mặt trời chiếu trực tiếp đến địa cầu, thì có lẽ hai phần ba động vật và thực vật trên địa cầu không thể sinh tồn, cho nên tác dụng của tầng ozone là rất lớn. Các nhà khoa học họ nghiên cứu, nếu như muốn khôi phục tầng ozone lại như nguyên trạng chí ít phải đến mấy trăm năm, đây là nhà khoa học căn cứ theo con số để thống kê. Chúng ta biết nhưng không cần thiết, chỉ cần tâm người hướng thiện. Tại sao tầng ozone bị phá hoại? Do tâm người, đây là nhân tố đứng đầu. Nếu như bạn nói là do trên địa cầu xả ra những thứ khí thải ô nhiễm này, vậy thì phải ô nhiễm toàn diện. Mỗi quốc gia khu vực đều xả khí thải, thì tại sao nó chỉ chạy đến Nam cực? Lẽ nào cả thế giới xả khí thải, nó tập trung toàn bộ chạy đến Nam cực. Làm gì có chuyện này? Do tâm người. Hiện nay là sinh thái tự nhiên bị phá hoại càng ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ tai họa do con người gây nên cũng ngày càng rõ rệt. Cho nên mười loại lợi ích này làm sao có thể đạt được? Trong kinh đức Phật nói cho chúng ta biết: “Trong nghiệp chung vẫn có nghiệp riêng”, đây là cho chúng ta một chút hy vọng, trong nghiệp chung vẫn có nghiệp riêng, nghĩa là ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, không tu thì không đắc. Nếu như chúng ta thật sự có tu, được! Chúng ta vẫn có thể đạt được lợi ích này. Vấn đề là bạn có chịu thật tu hay không? Không hiểu phương pháp, không chịu nghiêm túc làm, thì bạn không thể chuyển nổi. Bạn hiểu rõ lý luận, biết được phương pháp, lại chịu nghiêm túc làm, thì sẽ chuyển rất nhanh, tướng mạo có thể chuyển, thể chất có thể chuyển, môi trường bạn cư trú cũng có thể chuyển, môi trường nhỏ cư trú có thể chuyển, môi trường lớn cũng có thể chuyển. Ngày nay chúng ta nhìn thấy toàn thế giới bị tai nạn. Đạo tràng Cư Sĩ Lâm này đối với cả thế giới mà nói có công hiến hay không? Có cống hiến cực lớn. Người thế gian không thừa nhận, họ nói chúng ta tụng kinh, niệm mấy tiếng Phật hiệu ở nơi này thì có cống hiến gì chứ? Họ không thừa nhận. Nhưng chư Phật Bồ Tát thừa nhận, thiên long quỷ thần thừa nhận. Lý luận này chúng tôi đã báo cáo với quý vị rất nhiều lần ở trong các buổi giảng rồi. Dùng cách nói của các nhà khoa học là do sự quấy nhiễu lẫn nhau của sóng. Chúng ta biết tất cả mọi vật chất đều có hiện tượng của sóng. Nguyên tử đơn giản nhất, nguyên tử khinh khí là đơn thuần nhất, gồm một nhân và một điện tử. Điện tử chuyển động vây quanh hạt nhân. Nó giống cái gì? Tướng động. Đã có chuyển động, thì nó sẽ sinh ra sóng. Sóng cũng có thể chia thành ba loại lớn là: Sóng ánh sáng, sóng âm thanh, sóng chấn động, đều có thể gọi là sóng điện từ, nó có hiện tượng của sóng. Hiện tượng sóng bình thường thì sinh thái sẽ cân bằng. Nếu như hiện tượng sóng không bình thường, sóng không bình thường quấy nhiễu bình thường. Sinh thái tự nhiên của địa cầu là bình thường, nhưng sóng tâm người không bình thường, thế là ảnh hưởng đến sóng của địa cầu, ảnh hưởng đến sóng của tất cả mọi vật chất, đạo lý là ở chỗ này. Hiện nay cái sóng niệm Phật này của chúng ta là sóng thù thắng nhất, là sóng bình thường nhất, sóng này chân thành có thể tập hợp cùng với sóng tâm từ bi của chư Phật Như Lai, khiến cho sức này thêm lớn mạnh, có thể làm dịu bớt lại sóng không bình thường tham, sân, si mạn, tà, ác của người thế gian, có thể làm cho nó giảm bớt lại, vậy là giảm bớt lại tai nạn, đạo lý là ở chỗ này. Ngày nay nhà khoa học họ nghiên cứu nghiêng lệch về sóng vật chất, đã lơ là đi sóng tư tưởng khởi tâm động niệm của tâm lý, họ lơ là rồi. Không biết rằng sóng tư tưởng có thể làm thay đổi sóng trên vật lý. Đây là nhà Phật gọi là cảnh chuyển theo tâm. Đức Phật lại từng nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh.” Bạn mới biết sóng tư tưởng là chủ tể của tất cả mọi sự mọi vật. Sóng niệm Phật của chúng ta ngày nay rất tốt. Tôi nghe các đồng tu nói với tôi, có rất nhiều người nước ngoài ở ngoại quốc nghe thấy tiếng Phật hiệu niệm Phật, họ rất hoan hỷ. Sau khi họ nghe thấy, họ nói cái âm nhạc này, họ xem nó như âm nhạc để nghe. Họ nói âm nhạc này có thể khiến cho tâm chúng tôi rất bình tĩnh. Âm nhạc này từ đâu mà có vậy? Họ hỏi chúng tôi để xin băng ghi âm, đây là một minh chứng rất hay. Sóng tư tưởng này có thể làm dịu lại sóng vọng tưởng của họ, có thể hòa hoãn, bình ổn lại sóng tư tưởng vọng tưởng của tất cả chúng sanh, bạn có thể chuyển đổi được sóng trên vật lý, cho nên mới có đất đai màu mỡ, nhà cửa mãi mãi được yên ổn. Trước đây có người đã từng hỏi tôi. Họ hỏi tôi có biết xem phong thủy hay không? Tôi nói, sao anh nghĩ đến việc hỏi tôi? Họ nói, Hòa Thượng thì đều phải biết xem phong thủy. Tại sao vậy? Những tùng lâm tự viện này ở Trung Quốc đều được xây dựng ở chỗ có phong thủy tốt nhất. Cho nên họ cho rằng những vị Hòa Thượng này đều biết xem phong thủy. Sau khi nghe xong tôi chỉ mỉm cười nói với họ, không phải hòa thượng biết xem phong thủy. Hòa thượng hoàn toàn không biết xem phong thủy, mà tâm hòa thượng tốt, hạnh tốt, là người tốt. Người tốt ở nơi đó, dù phong thủy không tốt cũng sẽ tự nhiên biến thành tốt cả, sự việc nó là như vậy. Phong thủy chuyển theo tâm người, chứ không phải người chuyển theo phong thủy, không có đạo lý này. Cho nên nhà xem phong thủy đã từng nói: “Đất phước người phước ở, người phước ở đất phước.” Đất phước, phong thủy tốt, bạn là người không có phước báo, người phước mỏng, bạn sống ở nơi đó, không được mấy ngày liền đột tử, vô phước mà! Nói lời này cũng rất có đạo lý, quan trọng nhất bạn phải tu phước. Bạn có thể tu phước thì mọi thứ đều chuyển trở lại được, cho nên mười loại lợi ích này chính là chứng minh tâm chuyển cảnh giới. Bạn thử nghĩ xem, bạn có thể học cách giữ tâm của Bồ Tát Địa Tạng, học sự phát nguyện của Bồ Tát Địa Tạng. Bồ Tát Địa Tạng giữ tâm gì vậy? Tâm hiếu kính. Dùng tâm hiếu kính cha mẹ, hiếu dưỡng tất cả chúng sanh trong pháp giới, vậy là ngoài sức tưởng tượng! Dùng tâm phụng sự thầy tổ, phụng sự tất cả chúng sanh trong pháp giới, để giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn, tận kiếp bờ mé vị lai vĩnh viễn không gián đoạn, cho nên nói là: “Địa ngục chẳng không, thề không thành Phật.” Loại tâm hạnh, phát nguyện rộng lớn này là vĩ đại biết bao! Cho nên cảnh giới của Ngài chuyển đổi hết. Chúng ta có thể nắm vững yếu lĩnh tu học trong bộ kinh này, tu hành đúng như lý như pháp, thì mười loại lợi ích này đương nhiên sẽ hiện tiền, đâu có lý nào không thành hiện thực được? Nếu như bạn không hiểu lý luận, không hiểu phương pháp, xem thấy kinh văn này, bạn cũng dựa theo cách thức này để làm, nhưng không giống, không phải là sự việc như vậy. Vẽ một bức hình Bồ Tát Địa Tạng, đắp nặn hình tượng Bồ Tát Địa Tạng thờ cúng tại nhà, là bạn đã đạt được rồi, không có chuyện đó. Nhất định phải rõ lý, phải hiểu được phương pháp, làm thế nào chuyển đổi bản thân. Mình trước đây phạm đủ thứ sai lầm, sai lầm trên tư tưởng, sai lầm trên kiến giải, sai lầm trên hành vi, đem từng sự việc điều chỉnh nó trở lại, cho nên phải hạ công phu từ trên tâm lý. Trên tâm lý khỏe mạnh, trên vật lý, thân thể của chúng ta là thuộc về vật chất, trên vật lý là bình thường, liền phục hồi sinh thái tự nhiên. Sinh thái tự nhiên, chính là sinh thái khỏe mạnh nhất. Cho nên đọc đoạn kinh văn này, nhất định phải hiểu rõ đạo lý lớn này, sau đó mới biết lời trong kinh Phật nói mỗi câu đều chân thật, không có câu nào là hư vọng cả.
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.