Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 101

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 101

Xin mời mở bản kinh ra, phần khoa chú quyển hạ, trang 96, hàng thứ nhất kinh văn:

    “Lâm đọa thú trung, hoặc chí môn thủ, thị chư chúng sanh nhược năng niệm đắc nhất Phật danh, nhất Bồ Tát danh, nhất cú nhất kệ Ðại Thừa kinh điển. Thị chư chúng sanh, nhữ dĩ thần lực phương tiện cứu bạt, ư thị nhân sở, hiện vô biên thân vi toái địa ngục, khiển lịnh sanh thiên thọ thắng diệu lạc.”

  (Đến khi bị đọa vào ác đạo vừa bước đến cửa địa ngục, những chúng sanh đó nếu có thể niệm đặng danh hiệu của một đức Phật, hay danh hiệu của một vị Bồ Tát, cùng một câu kệ kinh điển đại thừa. Ông nên dùng thần lực của ông tìm phương chước cứu vớt các chúng sanh đó, ông nên hiện thân ra trước kẻ đó, phá tan địa ngục làm cho họ được sanh lên cõi trời hưởng những sự vui vi diệu thù thắng’)

  Đoạn này là nói thời kỳ Mạt Pháp, đại chúng cõi trời người tạo tác tội nghiệp, phải bị đọa vào trong ác đạo. Thời tiết nhân duyên tốt nhất để Bồ Tát cứu hộ chúng sanh là lúc trước khi họ vẫn chưa có bị đọa lạc. Cũng chính là nói lúc lâm chung khi họ vẫn chưa có dứt hơi thở, đầu óc còn tỉnh táo, cứu vớt vào lúc này là thích hợp nhất. Chúng ta xem thấy trong Kinh Vãng Sanh, người tạo tác tội nghiệp cực nặng, lúc lâm chung sám hối cũng có thể vãng sanh. Có một số người nghe nói như vậy, trong tâm thấy rất bất bình, dường như họ cả đời cũng không có làm việc gì sai, cả đời niệm Phật lâm chung vẫn không thể vãng sanh. Còn người tạo tác tội nghiệp, tội nghiệp đầy mình, lúc lâm chung niệm mấy câu Phật hiệu là có thể vãng sanh, vậy hình như là quá không công bằng, đây là kiến giải của phàm phu. Trên thực tế họ không hiểu rõ đạo lý này, đạo lý là gì? Cảnh giới là đang biến đổi theo tâm trên từng sát-na. Phàm phu chúng ta thật sự là lơ là sơ ý nên không quan sát được. Người có định công rất sâu họ nhìn thấy rất rõ ràng. Cảnh giới trước mắt kể cả thân tướng của chúng ta đây đều là đang biến đổi theo từng sát-na. Hơn nữa sự biến đổi này là rất lớn. Biến đổi rất lớn là đang chuyển theo tâm. Trong tâm sinh lên sự thay đổi lớn, thì thân tướng và môi trường sống cũng xảy ra biến đổi rất lớn. Chúng ta không nhận ra được, là do khởi tâm động niệm của chúng ta thay đổi quá nhỏ, không có xảy ra sự biến đổi gì quá lớn. Cho nên sự thay đổi trong cảnh giới cũng có biên độ nhỏ, chúng ta rất khó nhận ra được. Lúc sắp mạng chung, bản thân họ biết mình cả đời tạo tội nghiệp sâu nặng, lúc này hồi tâm chuyển ý, nhất tâm niệm Phật, sự thay đổi này là vô cùng lớn, nên cảnh giới cũng chuyển đổi với biên độ lớn, đạo lý là ở chỗ này. Người tạo tác tội nghiệp chuyển được, tại sao chúng ta không chuyển được? Chúng ta cũng có thể chuyển được như vậy. Họ chịu chuyển, nhưng chúng ta không chịu chuyển, vậy thì vô phương rồi! Trong đây tuyệt đối không có nói là công bằng hay là không công bằng, không có cái ý này, đây đều là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của phàm tình, chứ không phải chân tướng sự thật. Cho nên hiểu rõ đạo lý này, sáng tỏ chân tướng sự thật thì việc chuyển phàm thành thánh là chỉ trong khoảng một niệm. Chuyển địa ngục thành thế giới Cực Lạc cũng ở trong khoảng một niệm. Vấn đề là một niệm này của bạn có phải thật sự quay đầu triệt để hay không? Mấu chốt là ở chỗ này. Cho nên lời đại sư Thiện Đạo nói không sai: “Tất cả phải làm từ trong tâm chân thật”. Tâm bạn chân thật thì chuyển biến sạch sẽ, gọn gàng, chuyển biến nhanh chóng. Bạn cứ mãi không phải dùng chân tâm, vậy thì khó rồi, Phật Bồ Tát cũng không thể giúp gì được. Cho nên ở đây nói:

  “Lâm đọa thú trung” (Đến khi bị đọa vào ác đạo) “Thú” là ác thú. “Hoặc chí môn thủ” (Vừa bước đến cửa địa ngục.) Bước đến cửa của ác đạo rồi, vẫn chưa bước vào. Bước vào thì phiền phức, không dễ gì chuyển được. Chưa bước vào lúc này là cơ hội tốt nhất.

  “Thị chư chúng sanh, nhược năng niệm đắc nhất Phật danh, nhất Bồ Tát danh, nhất cú nhất kệ, Đại Thừa kinh điển.”

  (Những chúng sanh đó nếu có thể niệm đặng danh hiệu của một đức Phật, hay danh hiệu của một vị Bồ Tát, cùng một câu kệ kinh điển đại thừa.)

  Niệm vào lúc này phải nhớ kỹ phần trước nói: “Chí tâm xưng niệm” mới có hiệu quả, mới chuyển cảnh giới lại được. Nếu như không phải chí tâm xưng niệm thì không dễ gì chuyển được. Tâm của người sắp mạng chung thật sự là khẩn thiết hơn người bình thường. Đây là thời khắc quan trọng cấp bách, tâm đó của họ chuyển rồi, tâm đó chân thành, cho nên chuyển đổi sẽ dễ dàng, nhanh chóng. Câu này là thiện căn phước đức của chúng sanh này, họ có thể niệm, vậy là họ có thiện căn, có phước đức. Chúng ta nói giống như chí tâm xưng niệm hoặc là nhất tâm xưng niệm mà phần trước nói, nhất tâm là thiện căn, xưng niệm là phước đức. Câu phía sau, đây là đức Phật căn dặn Bồ Tát: “Nhữ dĩ thần lực phương tiện cứu bạt.” (Ông nên dùng thần lực của ông tìm phương chước cứu vớt các chúng sanh đó.) Đây là nhân duyên. Bạn thấy ba điều kiện thiện căn, phước đức, nhân duyên đầy đủ rồi, họ có thể lìa họa được phước.

 “Ư thị nhân sở, hiện vô biên thân.”

 (Ông nên hiện thân ra trước kẻ đó.)

  Đây là Bồ Tát hiện thân, hiện thân đến thuyết pháp cho họ, khuyên bảo họ. Họ được Bồ Tát khuyên bảo, nhờ chuyển đổi tâm niệm nên tướng cảnh giới địa ngục liền biến mất. Lìa khỏi địa ngục họ liền có thể sinh vào cõi thiện. Nếu như có thể niệm Phật thì chắc chắn vãng sanh Tịnh Độ.

 “Khiển lịnh sanh thiên”

  (Làm cho họ được sanh lên cõi trời)

   Những sự việc này trong “Tịnh Độ Thánh Hiền Lục” có ghi chép, Trương Thiện Hòa triều Đường là một điển hình rất hay. Trương Thiện Hòa lúc lâm chung, tướng địa ngục hiện ra. Đây là người rất may mắn gặp được một người xuất gia, đúng lúc ông ta kêu cứu mạng thì người xuất gia bước vào thăm ông, biết tình hình như vậy, bèn thắp một nén hương cầm đưa cho ông, bảo ông hãy mau mau niệm Phật A Di Đà cầu sanh Tịnh Độ. Ông niệm chưa được mấy tiếng, ông nói không còn thấy người đầu trâu nữa. Ông làm nghề đồ tể giết trâu, nhìn thấy rất nhiều người đầu trâu đến đòi ông đền mạng, đây là tướng địa ngục hiện ra. Niệm được mấy tiếng thì không còn thấy người đầu trâu nữa, tiếp theo đó nhìn thấy Phật A Di Đà đến tiếp dẫn ông. Có thể thấy một niệm tâm đó của ông là chân thành, có thể cứu mạng. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, thì có thể đoạn trừ được tâm nghi hoặc. Xem tiếp đoạn kinh văn dưới đây, kệ tụng:

 “Nhĩ thời Thế Tôn, nhi thuyết kệ ngôn:

   Hiện tại vị lai thiên nhân chúng,

   Ngô kim ân cần phó chúc nhữ,

   Dĩ đại thần thông phương tiện độ,

   Vật lịnh đọa tại chư ác thú.”

   (Bấy giờ đức Thế-Tôn liền nói kệ rằng:

    Đời nay đời sau chúng Thiên, Nhơn
    Nay ta ân cần dặn bảo ông;
   Dùng đại thần thông quyền độ họ,
   Đừng cho ác đạo đọa vào trong.)

    Phần trước Thế Tôn đã nhiều lần giao phó, ở chỗ này lại dùng kệ tụng để lặp lại. Chúng ta thấy đức Phật quan tâm, yêu thương chúng sanh khổ nạn trong lục rất đạo tỉ mỉ chu đáo. Nếu chúng ta không đọc “Kinh Địa Tạng”, sẽ không biết đức Phật từ bi yêu thương chúng ta như thế nào. Sau khi đọc rồi mới biết đức Phật quan tâm chúng ta còn hơn cả cha mẹ, thật sự là niệm niệm không quên. Trước khi nhập Bát Niết Bàn vẫn đem sự việc này giao phó cho Bồ Tát Địa Tạng. Bồ Tát Địa Tạng làm thế nào độ thoát, đều ghi rõ ở trong bộ kinh này. Lý luận, phương pháp, quả báo đều nói rất rõ ràng, rất minh bạch.

  “Nhĩ thời Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát! Hồ quỵ hiệp chưởng bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Duy nguyện Thế Tôn bất dĩ vi lự.”

  (Bấy giờ Ngài Địa-Tạng đại Bồ Tát quỳ gối chắp tay bạch cùng Đức Phật rằng: ‘Bạch đức Thế-Tôn! Cúi xin đức Thế-Tôn chớ lo”)

  Đây là Bồ Tát Địa Tạng, Ngài cũng rất thành kính tiếp nhận lời giao phó của Thế Tôn. Thời kỳ Mạt Pháp, mãi cho đến trước khi đức Phật Di Lặc ra đời, sứ mệnh độ hóa chúng sanh là do Ngài gánh vác.

  “Vị lai thế trung, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, ư Phật pháp trung nhất niệm cung kính, ngã diệc bách thiên phương tiện độ thoát thị nhân, ư sanh tử trung tốc đắc giải thoát.”

  (Trong đời sau, nếu có người thiện nam cùng kẻ nữ nào, đối với trong Phật-pháp có một niệm cung kính, con cũng dùng trăm nghìn phương tiện độ thoát người đó, làm cho mau đặng giải thoát trong đường sanh tử.)

  Trong đoạn này quan trọng nhất là: “Nhất niệm cung kính” (Có một niệm cung kính). Chúng ta chú trọng hai chữ “Nhất niệm” này. Hai chữ này là rất khó làm được. Hầu hết mọi người đều có ý nghĩ tạp loạn, cho nên sức cảm ứng sẽ rất yếu ớt. Nếu như được nhất niệm, nhất niệm là chuyên tâm, chuyên nhất, chính là “Tịnh niệm tiếp nối nhau” mà trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói. Nhất niệm là tịnh niệm, không có nghi hoặc, không có xen tạp. Còn nói: “Nhất niệm cung kính” chính là chí tâm cung kính, chân tâm cung kính. “Ư Phật pháp trung”. (Đối với trong Phật pháp). Chữ “Phật pháp” ở đây là nghĩa rộng, không phải là nghĩa hẹp. Có rất nhiều người không có học Phật, thậm chí là tín ngưỡng những tôn giáo khác, thì chữ “Phật pháp trung” được giải thích là trong pháp giác ngộ. Họ hiểu rõ, học giác ngộ rồi. Hiểu rõ cái gì? Hiểu rõ quả báo thiện ác là ở ngay trước mắt, hiểu rõ đạo lý này, đây chính là ở “trong Phật pháp”. Cho nên không nhất định họ là người học Phật, chỉ cần họ giác ngộ. Phật pháp là pháp giác ngộ. Chỉ cần họ giác ngộ, dùng nhất niệm chân thành cầu cứu, sám hối, cầu cứu thì Bồ Tát Địa Tạng cũng nhất định sẽ giúp đỡ họ. “Bách thiên phương tiện” (Trăm nghìn phương tiện) chính là tùy loại hóa thân. Cần dùng thân phận gì để giúp đỡ họ, thì Bồ Tát liền thị hiện thân phận đó. Bồ Tát thị hiện ở trong các tôn giáo, trong Đại Kinh chúng ta thấy có rất nhiều. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” thị hiện thân Bà-la-môn, thị hiện thân ngoại đạo. Đây đều là những người mà chúng ta hiện nay gọi là lãnh tụ tôn giáo, giáo sĩ truyền giáo trong tôn giáo. Cần dùng loại thân phận này xuất hiện thì Phật, Bồ Tát liền thị hiện loại thân này, khuyên bảo họ đoạn ác tu thiện, khuyên bảo họ quay đầu là bờ. Trong kinh này quý vị xem thấy, phần trước có nói: “Khiển lệnh sanh thiên, thọ thắng diệu lạc.” (Làm cho họ được sanh lên cõi trời hưởng những sự vui vi diệu thù thắng.) Tại sao không nói: “Khiển lệnh vãng sanh, bất thoái tác Phật?” (Làm cho họ vãng sanh, không thoái chuyển làm Phật?). Tại sao không nói câu này? Đây là chứng tỏ người sám hối, người cầu cứu này chưa chắc tin Phật. Nếu như họ tin Phật, thì Bồ Tát nhất định khuyên họ vãng sanh thế giới Cực Lạc. Họ là tin Cơ Đốc Giáo, tin Thiên Chúa Giáo thì làm thế nào? Khuyên họ sanh thiên. Bạn mới thấy được ý nghĩa của kinh này rộng biết bao! Phổ độ tất cả chúng sanh. Chúng sanh tạo tác tội nghiệp trong lục đạo, nói thực ra chúng sanh lục đạo, người gặp được Phật pháp, học Phật thì ít, người chưa có gặp được Phật pháp, tạo tác tội nghiệp đọa tam đồ thì nhiều. Vậy lẽ nào người trước đây chưa có từng nghe Phật pháp, thì không cứu họ, đâu có loại đạo lý này? Là không có đạo lý này. Cho nên chúng ta thấy trong “Kinh Địa Tạng” thường hay nói giúp họ sanh thiên. Người không học Phật đều tin là có thiên đường. Hầu như mục tiêu cuối cùng của tất cả tôn giáo đều là muốn sanh lên trời, chúng ta phải hiểu được ý nghĩa này. Tâm lượng cần mở rộng, không được phép nói là họ không tin Phật giáo, thì chúng ta bèn đối lập với họ, vậy là sai rồi, hoàn toàn sai rồi. Phật độ chúng sanh là phổ độ tất cả chúng sanh. Chúng ta phát nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.” Nguyện này là viên mãn. Tuyệt đối không được nói người tín ngưỡng những tôn giáo khác là ngoại lệ, ta không độ họ, đâu có loại đạo lý này? Vậy là không tương ưng với bản nguyện của bạn rồi. Cho nên tâm lượng nhất định phải mở rộng. Chúng sanh đối với chúng ta có phân biệt, có chấp trước, chúng ta đối với tất cả chúng sanh không có phân biệt, không có chấp trước, nhất định là dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi hết lòng hết sức giúp đỡ họ. Giúp đỡ họ phải chú ý, nếu họ không hiểu Phật pháp, không nhận thức được Phật pháp, thậm chí là có hiểu lầm về Phật pháp, thì tuyệt đối không khuyên họ học Phật, phải hiểu đạo lý này. Họ tin Cơ Đốc Giáo thì nhất định khuyên họ quay về thân cận Thượng Đế. Chúng tôi nói vậy có sai không? Không sai. Thượng đế của họ, chúng ta thấy từ lý luận và phương pháp tu học trong kinh điển của họ, thì cõi đó có lẽ là trời Đao Lợi. Nếu họ thật sự sanh về cõi trời Đao Lợi rồi, Thiên Chủ cõi trời Đao Lợi thường hay lễ thỉnh Phật, Bồ Tát thuyết pháp tại cung trời. Cho nên nhân duyên học Phật của họ đời này chưa chín muồi, khi sanh về cõi trời thì chín muồi thôi. Đời này duyên chưa chín muồi thì đời sau, đời sau chưa chín muồi thì đời sau nữa, đời đời kiếp kiếp nhất định giúp họ lìa khỏi khổ nạn. Bố thí ơn đức, là có duyên với Phật, cho nên phải hiểu đạo lý này. Bạn dùng thái độ này và phương tiện thiện xảo tiếp dẫn chúng sanh, giáo hóa chúng sanh thì tất cả chúng sanh đều vui vẻ. Nhất là hiện nay mọi người đề ra đa nguyên văn hóa, chúng ta phải hiểu được ý nghĩa này. Đối với bất kỳ dân tộc, bất kỳ tôn giáo, bất kỳ học phái nào, chúng ta đều phải chân thành cung kính. Noi theo Bồ Tát Phổ Hiền lễ kính, khen ngợi, cúng dường, đây là để kết duyên với họ. Đến khi mình tương lai thành Phật, thì những chúng sanh có duyên này chắc chắn được độ. Trước khi chưa có thành đạo thì kết pháp duyên trước. Duyên nên kết cho rộng, nhất định không có phân biệt, chấp trước. Họ có một niệm tâm cung kính, là có thể tiếp nhận lời lành khuyên bảo của người khác. Nếu như không có một niệm tâm cung kính, bạn dùng lời lành khuyên bảo họ cũng không tiếp nhận, đạo lý là ở chỗ này. Chỉ cần họ có một niệm cung kính, họ hiểu rõ giác ngộ thì có thể khuyên họ đoạn ác tu thiện. Kinh văn dưới đây nói:

 “Hà huống văn chư thiện sự niệm niệm tu hành, tự nhiên ư Vô Thượng Đạo vĩnh bất thoái chuyển.”

  (Huống nữa là nghe các việc lành rồi luôn luôn tu hành, tự nhiên ở nơi đạo vô thượng không bao giờ còn thối chuyển’.)

  Phần trước là đã có tâm giác ngộ rồi, thật tâm quay đầu, Bồ Tát đều giúp đỡ.

  “Hà huống văn chư thiện sự niệm niệm tu hành”

  (Huống nữa là nghe các việc lành rồi luôn luôn tu hành.)

   Đoạn này là nói người học Phật, hạng người phía trước nói chưa chắc là người học Phật, còn chỗ này là người học Phật. Chỗ đáng quý của người học Phật là luôn luôn tu hành, trong mỗi niệm đều đang điều chỉnh hành vi sai lầm của mình. Trước khi chưa có chứng đạo, tiêu chuẩn chứng đạo của Phật pháp là minh tâm kiến tánh. Trong Đại Kinh thường nói: “Phá một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh” hoặc giả là nói “Chứng một phần pháp thân”. Trong “Hoa Nghiêm” Bồ Tát sơ trụ viên giáo trở lên, đây gọi là chứng quả. Trước thời điểm này đều có lỗi lầm, sau khi kiến tánh có thể nói là hết lỗi lầm. Tại sao vậy? Dùng chân tâm. Còn trước thời điểm này đều là dùng vọng tâm. Tướng Tông nói chúng ta dùng tâm gì vậy? Tám thức, năm mươi mốt tâm sở, chúng ta là dùng tâm này. Dùng loại tâm này thì đâu có lý nào không có lỗi lầm? Những chúng sanh nào dùng loại tâm này? Thập pháp giới. Trong thập pháp giới đều là dùng tám thức, năm mươi mốt tâm sở. Quý vị đọc trong “Bách Pháp Minh Môn Luận” đến phần Dị Sanh Tánh. Thập pháp giới là Dị Sanh Tánh. Nhất chân pháp giới là Đồng Sanh Tánh. Đồng là giống như Phật. Phật dùng chân tâm, Bồ Tát sơ trụ dùng chân tâm là giống như Phật nên gọi là Đồng Sanh Tánh. Trong thập pháp giới, dùng tám thức, năm mươi mốt tâm sở là khác với Phật, cho nên gọi là Dị Sanh Tánh. Đâu có lý nào không có lỗi lầm? Hiểu rõ đạo lý này, thì chúng ta mỗi ngày phải soi lại, phải kiểm điểm để tìm ra lỗi lầm của mình. Chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều có lỗi lầm. Bạn có thể tìm ra được lỗi lầm của mình, phát hiện lỗi lầm của mình, trong Phật pháp nói người này giác ngộ, khai ngộ rồi. Khai ngộ là được giải thích như vậy. Giác ngộ được lỗi lầm của mình, đem lỗi lỗi điều chỉnh trở lại, vậy gọi là tu hành, niệm niệm tu hành, hằng ngày sửa lỗi, hằng ngày tự tu. Một người nếu như thật sự có thể phát tâm khắc phục tập khí phiền não của mình, một ngày không cần nhiều, một ngày sửa một lỗi lầm, sửa mỗi ngày, không ngừng sửa thì ba năm bạn sẽ siêu phàm nhập thánh, bạn không phải phàm phu nữa, đến lúc đó bạn là Bồ Tát thật, chứ không phải Bồ Tát giả. Bồ Tát khác với phàm phu ở chỗ phàm phu mê, không biết mình có lỗi lầm, nên đương nhiên họ không thể sửa lỗi. Bồ Tát khác với phàm phu, Bồ Tát biết mình có lỗi lầm, nên hằng ngày sửa lỗi, mãi mãi đang sửa lỗi không có ngày dừng. Đến lúc nào mình không còn lỗi lầm nữa vậy? Viên mãn thành Phật. Bồ Tát đẳng giác vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, nên vẫn còn lỗi lầm. Cho nên chúng ta biết cùng là Bồ Tát đẳng giác như nhau, các ngài cũng không bình đẳng, mỗi người phạm lỗi làm khác nhau, đương nhiên lỗi ở Bồ Tát đẳng giác là vô cùng vô cùng nhẹ, chúng ta không cách gì nhận ra được, nhưng đức Phật có thể nhận ra được, các ngài tự mình cũng có thể nhận ra được. Những vị Bồ Tát thấp hơn họ chắc chắn không thể nhìn thấy lỗi. Cho nên đến thành Phật thì mới bình đẳng, Phật Phật đạo đồng, tập khí phiền não đoạn hết rồi, đến lúc này là hoàn toàn giống nhau. Dụng ý quan trọng nhất khi nói những lời này, là nhắc nhở bản thân chúng ta, nhất định phải biết mình có lỗi lầm, nhất định phải soi lại, nhất định phải sửa lỗi, thì chúng ta trên đường Bồ-đề mới có thể dũng mãnh tinh tấn mà không bị thoái chuyển.

  “Thuyết thị ngữ thời, hội trung hữu nhất Bồ Tát danh Hư Không Tạng.”

  (Lúc Ngài Địa-Tạng Bồ Tát bạch lời nói trên đó vừa xong, trong pháp hội có một vị Bồ Tát tên là Hư Không Tạng bạch cùng đức Phật rằng:)

  “Bồ Tát Hư Không Tạng” cũng là vị mà đồng tu học Phật đều có thể quen biết. Pháp sư Thanh Liên ở trong chú giải đã nói rõ một cách đơn giản cho chúng ta biết. Chúng ta xem hàng thứ nhất của chú giải, bắt đầu xem từ câu thứ ba: “Thử kinh thỉ Văn Thù phát vấn, vị phi đại trí mạc thức Địa Tạng đoan nghê” (Kinh này được bắt đầu bằng ngài Văn Thù nêu câu hỏi, nghĩa là chẳng phải bậc đại trí thì không thể nào thấu hiểu được manh mối của ngài Địa Tạng.)

  Câu đầu tiên mở đầu kinh này là ai nói vậy? Dụng ý này cũng rất sâu. “Chung Không Tạng thâu khoa” (Kết thúc bằng Ngài Không Tạng tổng kết) Kinh này đến cuối cùng, do ai đứng ra tổng kết? Thâu khoa hiện nay chúng ta gọi là tổng kết. “Dĩ phi thái hư an mẫn đại sĩ hóa tích, nãi nhiếp hữu quy không, toàn giả tức không ý dã” (Chẳng phải là hư không thì sao có thể xóa hết dấu tích thị hiện hóa độ của Đại Sĩ, lại còn có ý nhiếp Hữu về Không, hết thảy đều là giả tức là không vậy.) Ý nghĩa này là rất sâu xa. Chữ thái hư và chữ không nói ở đây đều là nói chân như bản tánh. Hay nói cách khác đến cuối cùng thảy đều tiêu quy tự tánh, ý nghĩa này rất sâu. Sau đó nói “Nhi Không Tạng vấn phước lợi giả, nãi tùng không đàm hữu, toàn không tức giả ý dã, không giả bất nhị, đương thể tức trung, viên dung diệu hạnh, đồng quy mật tạng. Cố chung hồ Hư Không Tạng giả” (Nhưng phước lợi mà ngài Hư Không Tạng hỏi đó, là từ Không mà nói đến Có, mang ý nghĩa toàn thể Không chính là Giả vậy. Không và Giả chẳng hai, bản thể của nó chính là Trung, viên dung diệu hạnh, cùng quy vào kho chứa bí mật. Vì thế, kinh được kết thúc bằng ngài Hư Không Tạng) Vậy là đem ý nghĩa ngài Bồ Tát Hư Không Tạng làm kết thúc cho toàn kinh nói ra cho chúng ta rồi. Cũng chính là bình thường gọi là hết thảy tiêu quy tự tánh, vậy mới là thật sự viên mãn. Chú giải dưới đây quý vị tự mình có thể xem, giới thiệu nguồn gốc Bồ Tát Hư Không Tạng.

  “Bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Ngã tự chí Đao Lợi ,văn ư Như Lai tán thán Địa Tạng Bồ Tát oai thần thế lực bất khả tư nghị.”

  (Bạch đức Thế-Tôn! Từ khi con đến cung trời Đao Lợi này nghe đức Như Lai ngợi khen oai thần thế lực không thể nghĩ bàn của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát.)

  Bồ Tát tự mình tường thuật. Thế Tôn mở pháp hội này tại cung trời Đao Lợi, Bồ Tát biết, lập tức liền đến tham gia pháp hội này. Ở trong pháp hội không ngừng nghe Thế Tôn khen ngợi oai đức thần lực, đủ thứ công đức độ hóa chúng sanh của Bồ Tát Địa Tạng đều là không thể nghĩ bàn.

  “Vị lai thế trung, nhược hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, nãi chí nhất thiết thiên long văn thử kinh điển, cập Địa Tạng danh tự, hoặc chiêm lễ hình tượng đắc kỷ chủng phước lợi.”

  (Trong đời sau, hoặc có người thiện nam cùng thiện nữ nào, cho đến tất cả hàng Trời, Rồng v.v… nghe kinh điền này và nghe danh tự của Địa-Tạng Bồ Tát, cùng với chiêm lễ hình tượng Địa-Tạng Bồ Tát, thời những kẻ ấy được bao nhiêu điều phước lợi?)

  Công đức của Bồ Tát Địa Tạng đã là thù thắng như vậy, không những Phật Thích Ca Mâu Ni khen ngợi. Ở trong kinh này đức Phật đã nói rất rõ ràng, rất minh bạch, cho dù tất cả chư Phật Như Lai mười phương cùng khen ngợi, khen ngợi một kiếp cũng không hết. Bởi vì công đức của Bồ Tát là xứng tánh. Tánh đức không có bờ mé, cho nên không thể khen ngợi hết được. Bồ Tát Hư Không Tạng ở chỗ này vẫn là thay mặt chúng ta thỉnh pháp. Những việc này đâu phải Ngài không biết, Ngài cũng là Bồ Tát đẳng giác. Đặc biệt là vì “Trong đời vị lai”. “Đời vị lai” là bao gồm chúng ta ở trong đó, Ngài thay mặt chúng ta thưa thỉnh. Vậy là có thể thấy sự quan tâm và yêu thương của Bồ Tát đối với chúng ta.

  “Nhược hữu thiện nam tử thiện nữ nhân”

  (Hoặc có người thiện nam cùng thiện nữ nào.)

  Phía trước nói một niệm tâm thiện. Không những là người, ngoài con người ra còn có chúng sanh lục đạo, “Nhất thiết thiên” (Hết thảy trời) Thiên là chư thiên. “Long” (Rồng) đây là đại biểu cho những vị thiên thần hộ pháp. “Long” cũng đại biểu cho đường súc sanh. Tuy không có nói ba ác đạo, dùng long để đại biểu. Thiên long tức là năm đường khác cũng bao gồm ở trong đó, là hết thảy chúng sanh trong lục đạo.

  “Văn thử kinh điển, cập Địa Tạng danh tự.”

  (Nghe kinh điền này và nghe danh tự của Địa-Tạng Bồ Tát.)

  Là đức hiệu của Bồ Tát Địa Tạng, hoặc giả là chiêm lễ hình tượng, được bao nhiêu phước và lợi ích? Trong chú giải nói với chúng ta. Chúng ta cũng đọc qua nó một lược. “Chuẩn, địa trì” (Dựa theo lời Bồ Tát Địa Trì). Lời Bồ Tát Địa Trì nói: “Phước tức bố thí, trì giới, nhẫn nhục. Y thiền, y tinh tấn tu hành thí giới tứ vô lượng đẳng, thị danh phước phần” (Phước chính là bố thí, trì giới, nhẫn nhục. Nương vào Thiền, nương vào Tinh Tấn để tu hành bố thí, trì giới, tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) v.v… thì gọi là phước phần.) Đây là nói tu phước. Phàm phu lục đạo chưa có kiến tánh, tuy trong tự tánh có đầy đủ vô lượng công đức, nhưng nó không khởi tác dụng, không thể hiện tiền, nên phước báo của phàm phu lục đạo đều phải dựa vào tự mình tu mới có. Tu những việc gì là phước? Chỗ này đã nêu ra cho chúng ta rồi. Đây là lục độ của Bồ Tát. Lục độ ngoài độ Bát Nhã ra, thì năm độ còn lại thảy là tu phước cả. Bát Nhã là tu tuệ. Khi thành Phật chúng ta tán thán Phật là “Nhị túc tôn”. Nhị là phước và tuệ. Túc là viên mãn. Hai loại này viên mãn. Phật là người có phước và tuệ viên mãn nhất, cho nên Phật là người tôn quý nhất. Học Phật sao có thể không tu phước được? Không có phước báo mình tu hành sẽ có chướng ngại. Ăn mặc không đủ thì tu đạo sẽ rất khó khăn. Không có phước báo thì bạn không có cách gì độ chúng sanh được. Đức Phật dạy chúng ta độ chúng sanh, khi kết duyên với chúng sanh, tiếp xúc với tất cả chúng sanh, lấy việc nào làm trước tiên vậy? Bố thí. Bạn không tặng cho họ một chút lễ vật để kết thiện duyên với họ thì bạn sẽ rất khó độ họ, cho nên bố thí là vô cùng quan trọng, nhất là bố thí tài. Tiếp xúc với tất cả chúng sanh việc đầu tiên là bố thí tài, họ có thể sinh tâm hoan hỷ, tiếp theo đó là bố thí pháp, bố thí vô úy. Họ đã có ấn tượng tốt đối với bạn, biết bạn đối với họ là thiện tâm, là thành ý thì họ mới chịu tiếp nhận sự giáo huấn của bạn, tiếp nhận sự khuyên bảo của bạn, cho nên phước là vô cùng quan trọng. Dưới đây lại nói: “Cái thiện danh phước lợi” (Vì vậy, thiện gọi là phước lợi) Lợi là lợi ích. Thiện chính là lợi ích chân thật. “Cảm báo điềm du.” (Cảm báo yên vui) Ý nghĩa này chính là bạn cảm được quả báo rất vừa lòng như ý. Hiện nay người này họ đã đọc kinh, nghe danh hiệu, chiêm ngưỡng hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, thì nhất định họ sẽ có chỗ được, nhưng không biết là được bao nhiêu loại phước lợi, phước lợi lớn cỡ nào, thế là Bồ Tát bèn thay mặt chúng ta thỉnh giáo đức Thế Tôn. Hai câu dưới đây của chú giải là nói từ trên lý, chúng ta phải hiểu. “Tu tri phước lợi do tâm, tâm năng tạo phước.” (Nên biết phước lợi do tâm, tâm có thể tạo phước) Hai câu này rất quan trọng, bạn nhất định phải tin. Lần này Cư Sĩ Lâm, cư sĩ Lý Mộc Nguyên phát tâm muốn xây dựng làng Di Đà, muốn lập viện Phật học, hơn nữa là hoàn toàn không thu phí. Ai dám làm? Làng Di Đà hiện nay ông đã có bản vẽ, tương lai trong đó có thể ở hơn một nghìn người, một nghìn người mỗi ngày phải ăn cơm, không thu phí thì tiền ở đâu ra? Ai cũng không dám phát cái tâm này, nhưng ông dám. Ông dựa vào cái gì? Ông hiểu đạo lý này: “Phước do tâm, tâm năng tạo phước.” Ông dựa vào cái này. Đây là điều mà hầu hết mọi người tuy có đọc kinh Phật, có đọc mấy câu này vẫn không thể tin, nhưng cư sĩ Lý Mộc Nguyên tin. Cho nên hai chữ “tin Phật” này là rất khó thực hiện. Ông thật sự tin. Tin liền có cảm ứng, cảm ứng không thể nghĩ bàn. Có một lần ông nói với tôi, ở Singapore có rất nhiều viện dưỡng lão. Viện dưỡng lão đó là viện cứu tế, cứu giúp người già cô đơn, đói khổ không nơi nương tựa, viện dưỡng lão nhận nuôi dưỡng họ. Viện dưỡng lão còn có người phát tâm đến chăm sóc cho người già, những người niệm Phật này của chúng ta trái lại không có phước báo, vẫn không bằng viện dưỡng lão, vậy là nói không thông rồi! Lời này của ông nói rất hay. Người thật sự phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, chắc chắn có người cúng dường. Người không cúng dường thì thiên thần sẽ đến cúng dường. Tại sao vậy? Người không biết nơi đây là phước báo lớn, ruộng phước lớn, nhưng thiên nhân họ biết. Chúng ta đọc thấy trong sách cổ, triều Đường có luật sư Đạo Tuyên ở núi Chung Nam trì giới rất nghiêm, lão pháp sư ngày ăn một bữa ngọ, mỗi ngày ăn một bữa, ai đến cúng dường cho Ngài vậy? Thiên nhân đến cúng dường, mỗi ngày dâng cho Ngài một bát cơm, đó là người giữ giới thanh tịnh. Ngày nay niệm Phật đường nhiều người như vậy, tuy không thể nói là mỗi người đều vãng sanh, chỉ cần có một vài người như vậy. Một vài người vãng sanh đi làm Phật thì mọi người được thơm lây. Phật, Bồ Tát, thiên long thiện thần đến cúng dường, tóm lại không thể nói các ngài chỉ cúng dường cho một vài người này, còn không quan tâm đến người khác, không có đạo lý này, mọi người đều thơm lây. Chắc chắn có chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần chăm sóc, cư sĩ Lý Mộc Nguyên tin điều đó, cho nên ông mới có gan dám làm. Tương lai viện Phật học, viện Phật học có lẽ cũng không thu học phí, không những không thu học phí, mà việc ăn mặc, chỗ ở đi lại còn phải cúng dường, cũng là đạo lý này. Bồi dưỡng những pháp sư trẻ tuổi này hoằng pháp lợi sinh, tiếp nối huệ mạng Phật. Đương nhiên những người này cũng sẽ được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ giống như vậy. Chỉ cần bạn phát tâm chân thành đi làm, thì chắc chắn có thể làm thành tựu được, đạo lý là ở chỗ này. Hai câu nói dưới đây đó là lý, là lý rất sâu. “Tâm thượng bất khả đắc” (Tâm còn không thể được). Trong “Kinh Kim Cang” nói ba tâm đều không thể được, thì phước lợi ở chỗ nào? Đây là nói lý. Nói rõ tuy được phước lợi, nhưng không chấp trước phước lợi thì phước lợi này mới là chân thật. Dưới đây là lời khải thỉnh:

  “Duy nguyện Thế Tôn vị vị lai hiện tại nhất thiết chúng đẳng lược nhi thuyết chi”.

  (Cúi mong đức Thế-Tôn vì tất cả hàng chúng sanh ở hiện tại và vị lai mà nói lược việc ấy cho’.)

  Không cầu đức Phật nói tỉ mỉ, chỉ nói đại khái cho chúng ta là được rồi. Ngài cũng vô cùng lo nghĩ cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni, không dám làm cho đức Phật quá mệt mỏi. Bởi vì lúc này đức Phật Thích Ca Mâu Ni tuổi tác đã rất cao rồi. Sau khi từ cung trời Đao Lợi trở về, chúng ta biết đức Phật giảng “Kinh Đại Niết Bàn” một ngày một đêm, thì đức Phật nhập diệt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *