KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 97
Xin mời mở bản kinh ra, phần Khoa Chú, quyển Hạ trang 82, đếm ngược đến hàng thứ hai:
“Dục tu Vô Thượng Bồ Ðề giả
Nãi chí xuất ly tam giới khổ,
Thị nhân ký phát đại bi tâm,
Tiên đương chiêm lễ Đại Sĩ tượng,
Nhất thiết chư nguyện tốc thành tựu,
Vĩnh vô nghiệp chướng năng già chỉ.”
(Bồ-đề vô thượng muốn tu hành,
Mong ra ba cõi khỏi tử sinh,
Người này đã phát lòng bi lớn
Trước nên chiêm lễ Đại Sĩ hình.
Bao nhiêu mong ước sớm viên thành
Nghiệp chướng chẳng hề ngăn chướng đặng)
Đoạn này có tựa là “Tụng thành tựu độ sanh”. “Dục tu Vô Thượng Bồ Ðề giả” (Bồ-đề vô thượng muốn tu hành) Đây là Bồ Tát phát tâm. “Vô thượng Bồ-đề” chính là vô thượng chánh đẳng chánh giác. “Xuất ly Tam Giới khổ” (Thoát khỏi nỗi khổ trong Tam Giới). Người Tiểu Thừa cũng làm được. Trong Phật pháp đều gọi họ là người thật sự giác ngộ. Nỗi khổ trong tam giới thật sự mà nói là khổ không thể tả. Người thật sự giác ngộ nhất định sẽ muốn vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi trong tam giới. Tam giới chính là lục đạo. Tam giới là chỉ Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới. Từ trong kinh Phật nói về Tứ Thiền, chúng ta có thể hiểu được. Đỉnh trời của một đơn vị thế giới là cõi sơ thiền, đỉnh trời của tiểu thiên thế giới là cõi nhị thiền, đỉnh trời của trung thiên thế giới là cõi tam thiền, đỉnh trời của đại thiên thế giới là cõi tứ thiền. Cho nên bạn mới hiểu được nói tam giới hay nói lục đạo ý nghĩa đều giống nhau. Khu vực giáo hóa của một vị Phật là một đại thiên thế giới. Quý vị phải hiểu chỉ có một cõi trời Tứ Thiền, và có đến một nghìn cõi trời Tam Thiền. Những gì trong kinh giáo nói chúng ta phải biết đại thể. “Dục tu vô thượng Bồ-đề.” (Bồ-đề vô thượng muốn tu hành) Không những là thoát khỏi lục đạo, mà còn thoát khỏi thập pháp giới. Mong cầu Phật quả cứu cánh viên mãn, đây là người có chí nguyện tầm nhìn rộng lớn. Thoát khỏi tam giới đây là người có tầm nhìn tương đối nhỏ, nhưng cũng là vô cùng vô cùng hiếm có rồi. Người này đã phát tâm đại bi, phải làm thế nào để thỏa mãn nguyện của họ? “Tiên dương chiêm lễ Đại Sĩ tượng” (Trước nên chiêm lễ Đại Sĩ hình.) Đây tức là trước tiên phải thành tựu chính mình. Ý nghĩa của “Chiêm lễ” phần trước đã nói rất nhiều rồi, nên chỗ này không cần lặp lại nữa. Quan trọng nhất là phải y giáo tu hành. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói hộ pháp, hộ trì chánh pháp. Dựa theo tiêu chuẩn trong “Kinh Hoa Nghiêm” để nói thì hiện nay hiếm có người hộ pháp. Pháp là gì? Pháp là giáo, lý, hành, quả. Phải hộ bốn loại pháp này cho viên mãn, thế mới gọi là hộ pháp chân chánh, mới là tiêu chuẩn mà đức Phật nói. Chúng ta nói hộ trì đạo tràng, hộ trì pháp sư nào đó, là không được. Cái đó nếu so với tiêu chuẩn của đức Phật, vậy là không phải hộ pháp. Cho nên lời đức Phật nói trong kinh, nhất định phải có sự thấu hiểu tương đối, sau đó mới biết làm như thế nào mới là đúng như pháp. “Giáo” mà đức Phật dạy chúng ta, giáo có bốn loại; giáo, lý, hành, quả. Chúng ta phải tu như thế nào? Phải Tín, giải, hành, chứng. Chúng ta đối với giáo phải tin. Phải tin lời chỉ dạy của đức Phật. Lý phải giải (hiểu). Hành phải tu. Quả phải chứng. Cho nên bản thân chúng ta phải làm được tín, giải, hành, chứng. Hai câu sau cùng: “Nhất thiết chư nguyện tốc thành tựu, vĩnh vô nghiệp chướng năng già chỉ.” (Bao nhiêu mong ước sớm viên thành, Nghiệp chướng chẳng hề ngăn chướng đặng.) Hai câu này là nói sau khi mình thành tựu, phải giáo hóa tất cả chúng sanh. Chư Phật Như Lai thị hiện trong pháp giới chúng sanh, cũng thường hay thị hiện có nghiệp chướng. Quý vị phải biết nghiệp chướng đó là thị hiện, đều là phương pháp giáo hóa, là nghi thức dạy học của các Ngài, chứ không phải thật. Khiến cho kẻ phàm phu chúng ta cảnh giác sâu sắc sự đáng sợ của nhân quả. Bậc thánh nhân thế gian như Khổng Lão Phu Tử, chúng ta đọc ở trong “Truyện Ký” thấy (Khổng Tử bị đói ở nước Trần). Ngài cũng bị đói. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đã từng bị quả báo ăn lúa mạch của ngựa. Gặp phải lúc mất mùa đói khát, đi bát không có người cúng dường. Đây là hiển thị điều gì? Hiển thị nhân quả. Cho dù thành Phật, thành thánh cũng không có cách gì chuyển đổi nhân quả được. Trước đây đại sư Bá Trượng nói rất hay. “Bậc đại tu hành, không mờ nhân quả”. Không phải không có nhân quả. Không mờ là sao? Đối với nhân quả biết rất rõ ràng, rất minh bạch. Cho nên lúc thọ báo họ rất sẵn lòng đón nhận, biết cái mà ta nhận hiện nay do nhân ta tạo trong quá khứ là gì, nên hiện nay phải gặp quả báo này, biết rất rõ ràng, minh bạch. Không giống như người thế gian, người thế gian khi gặp phải quả báo, tất cả khổ nạn họ không biết, không hiểu là do nguyên nhân gì. Cho rằng là do người khác gây ra cho mình, họ oán trời trách người, nên lúc thọ báo vẫn tạo tội nghiệp, cứ như vậy nhân quả tuần hoàn, nên họ mỗi lúc một tệ hơn, bị đọa lạc xuống. Người sáng suốt, khi họ thọ quả báo họ không bị đọa lạc, họ dần dần nâng cao cảnh giới lên, vậy là khác nhau rồi. Họ thật sự hiểu được: “Giọt nước hạt cơm đều do tiền định”. Tức là gặp phải người khác phá hoại chúng ta, tổn hại chúng ta, là do trong đời quá khứ chúng ta đã làm tổn hại họ, ngày nay họ đến làm tổn hại ta, đây là báo ứng, ta biết rõ, ta đón nhận, tiếp nhận một cách rất vui vẻ, không có một chút oán hận nào, vậy là nút thắt này được tháo gỡ rồi, lần sau gặp mặt lại là hết chuyện rồi, đây mới là cách giải quyết vấn đề. Tuyệt đối không được dùng tâm báo thù, để giải quyết vấn đề. Quý vị phải biết như thế là không thể giải quyết được. Trả thù, bạn giết họ, bạn diệt cả tộc của họ, thì đời sau họ cũng diệt cả tộc của bạn giống như vậy, nhân quả tuần hoàn, càng diễn biến càng tàn khốc. Hay nói cách khác càng đọa lạc càng sâu, vậy thì đâu phải là cách giải quyết vấn đề? Cách giải quyết vấn đề đích thực là thoát gỡ nút thắt, tháo gỡ nút thắt oan khuất này ra. Tất cả mọi quả báo bất thiện đều phải đón nhận, bạn mới có thể hóa giải được, vậy thì trên đường Bồ-đề bất kể là mình tu hành hay hoằng pháp lợi sinh đều không có chướng ngại. Chư Phật Bồ Tát thị hiện đủ dạng hình tướng này đều là khiến cho chúng ta giác ngộ, để cho chúng ta hiểu rõ, cũng là chỉ dạy chúng ta cần phải làm như thế nào. Nói thực ra đây chính là sống. Đức Phật dạy chúng ta sống, dạy cho chúng ta cách làm người xử thế. “Chiêm lễ Đại Sĩ tượng” (Chiêm lễ Đại Sĩ hình) Ở trong đây quan trọng nhất là “Hiếu kính”. Hiếu kính phải mở rộng đến đâu? Mở rộng đến với tất cả người ác, tất cả oan gia, đều phải dùng tâm hiếu kính. Nguyện thứ nhất của Bồ Tát Phổ Hiền dạy chúng ta: “Lễ kính chư Phật”. Kính chính là hiếu kính. Tuyệt đối không có phân biệt, không có thứ bậc, vậy là bạn thật sự đang tu hành, thật sự đang chuyển nghiệp. Nghiệp chuyển rồi, thì quả báo sẽ chuyển. Xem tiếp đoạn này dưới đây:
“Hữu nhân phát tâm niệm kinh điển,
Dục độ quần mê siêu bỉ ngạn,
Tuy lập thị nguyện bất tư nghị.
Toàn độc toàn vong đa phế thất,
Tư nhân hữu nghiệp chướng hoặc cố,
Ư Ðại Thừa kinh bất năng ký.”
(Có kẻ phát tâm tụng kinh sách
Muốn độ chúng sanh khỏi khổ ách
Dầu lập nguyện lớn chẳng nghĩ bàn
Đọc rồi quên rồi luôn sót mất.
Người này nghiệp chướng nó làm mê
Học đại thừa kinh khó mọi bề)
Đoạn thứ tư nói về việc cầu trí tuệ, đoạn này tương đối dài một chút. Trước tiên nói tại sao bạn không có trí tuệ? Là do bạn có nghiệp chướng trong đời quá khứ, nó chướng ngại trí tuệ của bạn. Tuy gặp được Phật pháp, gặp được bạn lành, bạn hiểu rõ rồi, bạn phát tâm, phát tâm rất tốt, phát tâm nghiên cứu giáo lý, học kinh, mục đích là giúp tất cả chúng sanh khai ngộ, giúp tất cả chúng sanh lìa khổ, đây là tâm Bồ-đề rộng lớn. Thông thường nói, nếu bạn thật sự phát tâm nguyện rộng lớn này thì nhất định sẽ được chư Phật hộ niệm, đây là sự thật. Tuy được chư Phật hộ niệm, nhưng trí tuệ chúng ta vẫn không khai mở như thường, đây là do mình có nghiệp chướng. Chư Phật Như Lai không có cách gì tiêu nghiệp chướng của chúng ta được, vô phương, đạo lý này mọi người nhất định phải biết. Không phải Phật Bồ Tát không phù hộ bạn, không quan tâm bạn, Phật Bồ Tát thật sự phù hộ, thật sự quan tâm, nhưng bản thân bạn tạo nghiệp chướng, nên Phật Bồ Tát đối với điều này đành phải chịu. Nghiệp chướng nhất định phải tự mình tiêu. Phật Bồ Tát nói cho bạn biết phương pháp, nói cho bạn biết những đạo lý này, đó là những gì trong kinh điển này nói. Hiểu rõ lý rồi, ta tin lời giáo huấn của Phật, hiểu rõ lý rồi. Dạy cho chúng ta phương pháp ta phải làm theo, như thế gọi là tu hành, bạn mới có thể tiêu nghiệp chướng được. Tiêu nghiệp chướng phương pháp căn bản nhất, có hiệu quả nhất chính là “Hiếu”. Cho nên “Kinh Địa Tạng” cũng là bộ kinh căn bản, đạo lý là ở chỗ này. Chúng ta có thể hiếu thảo cha mẹ, hiếu thuận tất cả chúng sanh. Tôn kính cha mẹ, tôn kính tất cả chúng sanh thì nghiệp chướng gì cũng được tiêu trừ cả. Thật sự có tâm hiếu kính, mà vẫn còn tạo tội nghiệp sao? Vẫn còn dùng ác ý đối xử tất cả chúng sanh sao? Là không thể. Đó là thật sự đoạn dứt tất cả ác, tu tất cả thiện. Cho nên bạn mới biết hiếu kính là căn bản. Tại sao đức Phật ở trong kinh này nhiều lần dạy chúng ta: “Tiên đương chiêm lễ Đại Sĩ hình” (Trước nên chiêm lễ Đại Sĩ hình) đạo lý là ở chỗ này. Sở dĩ bạn có nguyện rất tốt, Phật Bồ Tát cũng quan tâm bạn, nhưng bạn đọc kinh bạn vẫn đọc rồi liền quên. Cho dù nghe nhiều cũng không thể khai ngộ, người này có nghiệp chướng, mê hoặc, cho nên không thể đọc tụng, ghi nhớ kinh Đại Thừa được. Dưới đây dạy chúng ta phương pháp:
“Cúng dường Ðịa Tạng dĩ hương hoa,
Y phục, ẩm thực chư ngoạn cụ.”
( Y phục, uống ăn, các ngọa cụ,
Cúng dường Địa-Tạng với hương hoa.)
Trong phần văn trường hàng phía trước đã nói rồi, dạy cho chúng ta phương pháp tu hành. Cúng dường, quý vị thử nghĩ xem, nếu như không có hiếu kính, thì làm sao có thể cúng dường được? Mười nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, nguyện sau lấy nguyện trước làm nền tảng. Giống như chúng ta xây nhà, nguyện thứ nhất là tầng lầu đầu tiên, nguyện thứ hai là tầng thứ hai. Bạn không xây tốt tầng thứ nhất, thì làm sao bạn xây tầng thứ hai được? Xây xong tầng thứ hai mới có thể xây tầng thứ ba, là cùng một đạo lý mà. Cho nên phía sau đều là xây dựng trên cơ sở của phía trước. Sau đó mới biết pháp môn Địa Tạng, là nền móng tu hành của Bồ Tát. Quán Âm là từ bi. Từ bi là phát xuất từ trong Địa Tạng. Nếu bạn không có hiếu kính, thì làm sao có từ bi từ được? Từ bi mà không có hiếu kính là từ bi giả, chắc chắn họ có ý đồ, có mục đích. Nói một người không hiếu thảo cha mẹ, mà đi hiếu thảo với người khác, đâu có loại đạo lý này? Vậy là không hợp lý. Không có lễ kính, thì làm gì có khen ngợi được? Không có lễ kính mà khen ngợi, chúng ta biết đó là hư ngụy, giả dối, không phải thật. Không có lễ kính mà cúng dường, đó là bợ đỡ, nịnh nọt. Cho nên hiếu kính là nền tảng. Nếu chúng ta muốn có thành tựu đích thực trong pháp thế gian và Phật pháp, thì phải bắt tay từ chỗ này. Làm sao có thể thật sự làm được hiếu kính đây? Lý luận trong kinh điển phải thấu triệt, bạn mới sáng tỏ hiếu kính là tánh đức, là cơ sở trong tánh đức. Bộ kinh này là khai mở, hiển bày tánh đức của chúng ta. Cho nên từ hạnh nguyện Phổ Hiền, có lễ kính, có xưng tán, sau đó mới có cúng dường. Cúng dường Bồ Tát dùng: “Hương hoa, y phục, ăn uống, các ngọa cụ”. Những ý nghĩa tượng trưng này phần trước cũng nói qua rồi. Trong thời đại hiện nay của chúng ta, thật sự là thời có nhiều tai nạn. Không những chúng sanh nghiệp chướng sâu nặng, mà nghiệp chướng của mình cũng sâu nặng giống như vậy. Chúng ta cần phải nghĩ đến làm sao giúp đỡ chính mình, làm sao giúp đỡ người khác. Suy nghĩ mình tu học thuận tiện như thế nào, thì cũng phải làm cho người khác thuận tiện như vậy. Nên biết Phật pháp không có pháp cố định. Trong kinh thường hay chỉ dạy chúng ta nguyên tắc, tùy loại hóa thân, tùy cơ thuyết pháp. Chữ “Tùy” nghĩa là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Bạn không thuận, không tùy, không những không độ được chúng sanh, mà cũng không thể độ được mình. Tại sao không thể độ chính mình? Không thể tùy chính là chấp trước, chính là phân biệt, chấp trước. Không đột phá được tâm chấp trước thì không thể ra khỏi lục đạo, đạo lý này chúng ta phải biết. Cho nên phải biết tùy thuận. Trong thế gian thật sự có rất nhiều chướng duyên, yêu ma quỷ quái, ma chướng, có loại hữu hình, có loại vô hình. Loại vô hình là quỷ thần. Loại hữu hình chính là hết thảy người, sự, vật. Ma chướng hình thành như thế nào? Đều là do vô lượng kiếp từ trước đến nay mình tạo tác ác nghiệp. Ác nghiệp sẽ tạo thành chướng ngại. Thiện nghiệp cũng sẽ tạo thành chướng ngại. Thiện nghiệp là ái duyên. Chúng tôi thường hay nghe thấy đồng tu nói, đức Phật dạy chúng ta phải xả, phải buông xả. Tôi thì không thể buông xả con cháu được. Đó là gì? Ái duyên. Không thể buông xả oán hận, oan gia đối đầu được, không thể buông xả ý nghĩ báo thù, ái duyên cũng không buông xả được thì đều biến thành chướng ngại cả. Đây là nghiệp mà trước kia đến nay đã tạo. Chúng ta tự mình phải hiểu, phải sáng tỏ, phải giác ngộ. Làm thế nào mới thật sự giác ngộ đây? Biết “Hễ những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Trong “Kinh Kim Cang” nói rất hay; Ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả đều là giả, đều không thể được. Cho nên nếu như bạn có trí tuệ Bát Nhã, biết muôn pháp đều không, biết nhân quả không có không, biết tất cả pháp hữu vi là mộng, huyễn, bọt, bóng, thì tâm bạn thanh tịnh ngay. Đứng trước tất cả pháp không lấy không bỏ, thì ma sẽ không khởi tác dụng với bạn, không thể làm chướng ngại bạn được. Lúc này đúng như lời trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói, bạn có thể chuyển cảnh giới, không bị cảnh giới chuyển nữa. “Nhược năng chuyển cảnh, tắc đồng Như Lai” (Nếu chuyển được cảnh, thì giống Như Lai.) Vậy mới thật sự vĩnh viễn thoát khỏi ma não hại. Có thể thấy vĩnh viễn thoát khỏi ma não hại, không phải tìm nơi nào để trốn tránh, là không thể trốn tránh được. Vĩnh viễn thoát khỏi ma não hại là phải thấy rõ chân tướng sự thật, toàn là giả mà, thảy đều không, là mộng cả. Cho dù là loại ma bên ngoài vô hình này cũng không thể bám vào đâu được. Tại sao không bám được? Bạn không có chỗ bám. Bạn có chỗ bám họ mới bám được, bạn không có chỗ bám, đạo lý này chúng ta phải hiểu. Bạn có ngã thì bạn sẽ bị hại. Vô ngã thì ai bị hại? Vô ngã thì không có bị hại. Tại sao tất cả chúng sanh phải bị những chướng ngại này? Vì có ngã. Oan gia đối đầu muốn trả thù, anh ở đó, tôi tìm ra anh rồi, tôi đến trả thù anh. Nếu như bạn không có, không có “Ngã” rồi, dù họ có tìm cũng không thể tìm ra. Trước đây lúc lão hòa thượng Đạo Nguyên truyền giới, có kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện, Ngài kể thời xưa có một vị thiền sư nọ, tên gì tôi tự nhiên quên mất. Công phu thiền định rất tốt. Sau khi nhập định thì tâm cảnh đều không. Khi tuổi thọ của Ngài đã hết, vua Diêm La phái hai tên tiểu quỷ đến bắt Ngài. Bởi vì Ngài nhập định, tâm cảnh đều không nên hai tên tiểu quỷ không tìm thấy. Mới hỏi người ta, ông ta đi đâu rồi? Ngài vẫn ngồi ở chỗ đó, mà họ không tìm thấy. Bởi vì trong định nên tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thảy đều không còn. Có người nói cho tiểu quỷ biết, vật Ngài thích nhất là chiếc bát của Ngài, nên tiểu quỷ mới biết. Bèn gỏ vào bát của Ngài, vừa gõ vào Ngài liền xuất định, họ lập tức bắt Ngài đi ngay. Đây chính là nếu bạn còn mảy may chấp trước thì bạn sẽ bị người ta bắt được. Cho nên hễ có yêu thích là đều có phiền phức. Hay nói cách khác bạn không thể qua mắt được tiểu quỷ, họ có thể bắt được bạn bất cứ lúc nào. Đây chính là chưa có buông xả triệt để. Chúng ta phải biết, đức Phật dạy chúng ta ngay cả Phật pháp cũng không phải thật. Trong “Kinh Kim Cang” nói rất hay: “Pháp còn phải xả huống chi phi pháp”. Phật pháp cũng không được phép chấp trước, đạo lý này phải biết. Huống chi pháp thế gian. Pháp thế gian và xuất thế gian đều không để ở trong tâm. Ta dùng nó, ta không chấp trước nó, ta dùng nó ta cũng không có phân biệt nó, khiến cho tâm vĩnh viễn thanh tịnh. Bố thí cúng dường như vậy mới là thật sự được phước. Phước vô lượng vô biên, phước này xứng tánh. Nếu như vẫn còn phân biệt, chấp trước thì phước này không phải xứng tánh. Trong kinh gọi là phước báo hữu lậu, biến thành phước báo hữu lậu trong tam giới. Tu học, các bạn đồng tu suy nghĩ xem, nếu không phải cùng nhau nghiên cứu mỗi ngày, cùng nhau thảo luận mỗi ngày, huân tập mỗi ngày, tập khí nghiệp chướng của chúng ta rất nặng, vừa quay đầu là mê ngay. Cho nên đạo tràng thời xưa rất hay, hay ở chỗ huân tập trường kỳ, là hay ở chỗ này. Mỗi ngày giảng kinh, thời gian giảng kinh dài. Hiện nay chúng ta là mỗi ngày giảng kinh hai giờ đồng hồ, nếu so với người xưa là giảm một nửa rồi. Nếu như dựa theo tiêu chuẩn của đức Phật, trong “Kinh Nhân Vương” nói “Nhị thời giảng kinh” là nói mọi người cùng nhau học tập, nghiên cứu, thảo luận, hạ công phu ở trên giáo, lý, hành, quả. Nhị thời là tám giờ đồng hồ hiện nay. Kinh Phật giảng là tính theo giờ Ấn Độ xưa, ngày đêm một ngày chia thành sáu thời; ngày ba thời, đêm ba thời. Cho nên nhị thời, một thời của nó bằng với bốn giờ đồng hồ hiện nay của chúng ta. Nhị thời tức là tám giờ đồng hồ. Cho nên thời đại đó của đức Phật, những người đó tu hành với đức Phật Thích Ca Mâu Ni làm sao họ không chứng quả được? Một ngày tám giờ đồng hồ thảo luận kinh giáo, thì họ còn công phu khởi vọng tưởng gì được nữa? Ngày nay chúng ta biến nó còn có một phần tư, là hai giờ đồng hồ. Nói thực ra là không đủ, mức thấp nhất là phải được bốn giờ đồng hồ. Mỗi ngày có bốn giờ đồng hồ nghiêm túc nghiên cứu thảo luận, chí ít phải có bốn giờ đồng hồ niệm Phật, đây là nói mức thấp nhất không thể thấp hơn. Tu hành chúng ta hiện nay hiểu rõ rồi, chỉ có pháp môn niệm Phật là có thể tin cậy được. Những pháp môn khác trên lý mà nói là bình đẳng, không có khác biệt, nói trên sự thì rất khó, không dễ. Hay nói cách khác, không phải căn tánh của chúng ta, nghiệp chướng của chúng ta quá nặng. Chỉ có niệm Phật đới nghiệp vãng sanh thì chúng ta có thể làm được. Sự việc này chỉ cần làm thật, thì không có người nào không thành tựu. Tối hôm kia tôi đến dùng cơm tại tiệm Hồng Các, nghe nói hiện nay việc buôn bán của họ rất ảm đạm, tôi đến thăm họ xem, hiện nay rất ảm đạm. Nhìn thấy ở nơi đó có một đĩa CD, là nói về người tử tù vãng sanh, chúng tôi có mang mấy đĩa về. Nói với hội trưởng Lý. Hội trưởng Lý nói ông có biết về chuyện này. Người tử tù này sau khi đi rồi, việc hậu sự cũng là do ông Lý lo liệu. Tôi hỏi ông Lý có phải là ông giảng không? Ông nói không phải ông giảng. Có một vị cư sĩ họ Tô giảng. Nghe nói cư sĩ Tô, hiện nay cũng quay đầu chuyên tâm niệm Phật, vì tận mắt nhìn thấy sự thật. Cho nên cư sĩ Lý đã độ không ít người ở trong tù thật sự vãng sanh. Cư sĩ Tô với người này rất quen biết nhau, ông chăm sóc ông ấy, căn dặn ông ta ba chuyện; thứ nhất là lúc anh bị hành hình, anh phải lớn tiếng niệm Phật, ông nói được! Tôi làm được. Điều thứ hai là lúc anh đi, anh phải có tướng lành, không được chảy máu từ bảy lỗ trên thân, đó là bị xử treo cổ. Ông nói được! Tôi cũng đồng ý. Thứ ba anh phải lưu lại một chút Xá Lợi cho chúng tôi thấy để làm chứng minh. Ông nói được! Tôi đồng ý tất cả. Cuối cùng sau khi ông chết rồi, quả nhiên là như vậy. Sau khi xử treo cổ, thấy sắc tướng rất tốt, rất bình thường, là hoàn toàn khác với người bị tử hình thông thường. Lúc đem thiêu thật sự là có Xá Lợi. Cho nên có đồng tu hỏi, có phải ông ta tự biết không? Không phải. Do nguyện hạnh. Ông có nguyện lực này mới có thể làm được. Ngay cả một người tử tù cũng có được tướng lành như vậy, ông là thật sự vãng sanh. Cái niệm cuối cùng đó của ông là đi theo tiếng niệm A Di Đà Phật, không giả chút nào cả. Ngày nào bị xử tử? Cũng biết trước giờ đi. Đi trong tiếng niệm Phật. Trong kinh nói sau cùng đó là một câu Phật hiệu, nên chắc chắn vãng sanh. Lúc còn sống tạo tội nghiệp ra sao, làm việc sai như thế nào, nếu trước lúc chết bạn thật sự có thể hối cải, sám hối vãng sanh, trong kinh Phật có ví dụ. “Kinh Phật Quán Vô Lượng Thọ” nói vua A Xà Thế tạo tội ngũ nghịch, lâm chung sám hối. Đức Phật trong “Kinh A Xà Thế Vương” nói cho chúng ta biết, ông vãng sanh là thượng phẩm trung sanh. Chúng tôi đọc xong cũng thấy vô cùng kinh ngạc, tạo tội nghiệp nặng như vậy, tội nghiệp A Tỳ địa ngục, chúng ta nghĩ ông vãng sanh có lẽ ở mức hạ phẩm, vãng sanh ba phẩm hạ, chúng ta cảm thấy như vậy là rất bình thường, không biết ông là thượng phẩm trung sanh. Cho nên sức mạnh của sám hối là không thể nghĩ bàn. Đây là gặp được thiện tri thức đích thực hướng dẫn cho ông, khiến thiện căn, phước đức trong đời quá khứ của ông hiện tiền. Sau khi nghe xong liền sinh khởi tâm sám hối thật sự, đây cũng là điểm chúng ta cần phải học tập. Cho nên nếu bạn thật sự tu thì sẽ thật sự có cảm ứng. Đây là chúng ta nói đến cúng dường, nó phải được sinh khởi lên từ trong tâm hiếu kính. Đồ cúng đều là tượng trưng.
“Dĩ tịnh thủy an Đại Sĩ Tiền,
Nhất nhật nhất dạ cầu phục chi.”
(Dùng chén nước trong bày trước tượng,
Cách một ngày đêm bưng lấy uống.)
Phần trước đã giảng qua rồi, đây là cầu cảm ứng. “Tịnh thủy” là do oai thần của Bồ Tát gia trì. Bạn cúng lên một ngày một đêm, bạn tu học nghiêm túc đúng như pháp, vậy mới có thể được cảm ứng. Dưới đây còn có hai đoạn.
“Phát ân trọng tâm, thận ngũ tân,
Tửu nhục tà dâm cập vọng ngữ,
Tam thất nhật nội vật sát hại
Chí tâm tư niệm Đại Sĩ danh”
(Sanh lòng ân trọng cữ ngũ tân
Rượu thịt, tà dâm cùng dối luống.
Trong hăm mốt ngày chớ sát sanh,
Chuyên lòng tưởng niệm Thượng Nhơn danh)
Đây là nói bạn chuyên tu, đây là hẹn ngày cầu chứng. Pháp này phải tu tam thất là hai mươi mốt ngày. Hai mươi mốt ngày này phải phát tâm ân trọng. Tu học trong khoảng thời gian này phải cữ ngũ tân. Ngũ tân trong chú giải phía trước có nói rồi, nên ở đây tỉnh lược bớt. Chỗ này trích dẫn lời trong “Kinh Lăng Nghiêm”, nói cho chúng ta biết tại sao phải cữ ngũ tân. Câu sau cùng hàng thứ nhất trong chú giải: “Lăng Nghiêm vân: “Thục thực phát dâm, sanh đạm tăng khuể” (Kinh Lăng Nghiêm dạy rằng: Nếu ăn [ngũ tân] chín thì sanh lòng dâm, ăn sống thì tăng thêm sân giận) Đây là lời giáo giới của đức Phật đối với người mới học. Tại sao vậy? Ăn những thứ này sẽ sinh ra chướng ngại đối với sinh lý, đạo lý nó là như vậy. Chúng ta muốn giảm bớt chướng ngại, vì vậy đối với việc ăn uống không thể không lựa chọn. Nhưng phải biết năm xưa lúc Thế Tôn còn tại thế là đi bát. Khi đi bát người ta cho cái gì thì ăn cái nấy, hoàn toàn không có phân biệt, chấp trước. Khi bạn đi bát những người cúng dường này cũng chưa chắc là có học Phật, cũng chưa chắc là hiểu được Phật pháp, cho nên cho cái gì thì ăn cái nấy. Nhưng trong khi thật sự tu pháp thì chúng ta không thể không lưu ý. Người thế gian hiện nay nói đến ăn uống, chỉ biết chú trọng đến vệ sinh. Sinh là sinh lý. Cữ ngũ tân là bảo vệ sinh lý. Không những là sinh lý mà còn có tính tình nữa. Người biết chú trọng bảo vệ sinh lý, bảo vệ tính tình không nhiều. Người chú trọng vệ sinh thì rất nhiều, rất phổ biến, còn biết bảo vệ tính tình của mình thì rất ít. Tính chất của ngũ tân không tốt, nó ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta. Ăn chín thức ăn này, nó kích thích hormone tăng trưởng, dẫn đến động dục, đây là ăn chín. Khi ăn sống thì dẽ dẫn đến chứng can hỏa, sinh nóng giận, đạo lý là ở chỗ này. Tại sao đức Phật nói không được ăn năm thứ này, đạo lý là ở chỗ này. Chúng ta xem thấy “Hoa Nghiêm”, trong “Hoa Nghiêm” nói với chúng ta: “Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, vậy năm thứ này có phải có ngại hay không? Năm thứ này cũng không có ngại. Do công phu của bản thân bạn không đủ, công phu của bạn chưa tới nên nó mới sinh ra chướng ngại đối với bạn. Nếu bạn thật sự có định công, thì nó không có chướng ngại đối với bạn. Đây là điều cần phải hiểu rõ, phải cữ ngũ tân. Dưới đây là “Tửu nhục” (Rượu thịt) đây là đồ tanh, tanh hôi. Đây là nói rõ ăn chay. “Tà dâm cập vọng ngữ” (Tà dâm cùng dối luống) Câu này chính là nói thập thiện nghiệp. Nhất định phải đoạn dứt mười nghiệp ác, tu mười nghiệp thiện. Bạn trong tam thất hai mươi mốt ngày này, đây là trì giới niệm Phật. Ở đây là niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng. Hay nói cách khác, hiện nay gọi là nhập thất Địa Tạng. Kỳ hạn của thất Địa Tạng là ba thất, ba thất là hai mươi mốt ngày, chuyên trì danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng. Chữ mấu chốt ở đây là “Chí tâm tư niệm”, không phải niệm bằng miệng. Tâm phải chân thành đến cực điểm. Niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng, danh hiệu tương ưng với đức, là bạn niệm tương ưng rồi. Niệm danh hiệu liền nghĩ đến đức hạnh, chứ không phải niệm suông câu danh hiệu này, là nghĩ đến hành nghi của Bồ Tát Địa Tạng, lòng từ bi của Bồ Tát Địa Tạng, lời giáo huấn của Bồ Tát Địa Tạng, bạn liền nghĩ đến điều này. Nghe danh, bạn có thể nghĩ đến nhắc nhở bản thân mình, thấy tướng cũng có thể nghĩ đến, chúng ta liền nghĩ đến y giáo phụng hành, vậy gọi là tương ưng. Cổ đức nói: “Một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật.” Bạn phải niệm cho tương ưng. Nếu như chỉ niệm danh hiệu Bồ Tát, mà vẫn cứ khởi vọng tưởng, vẫn cứ tạo tội nghiệp như cũ, vậy thì niệm làm gì? Hàn Sơn, Thập Đắc trước đây cười nhạo những pháp sư ở chùa Quốc Thanh, niệm Phật “Gào rát cổ họng cũng vô ích”. Nguyên nhân gì? Không tương ưng. Niệm phải tương ưng. Từ trong danh, danh nhất định phải nghĩ đến giáo, lý, hành, quả, đây là chánh niệm. Cho nên từ trong niệm câu danh hiệu này, là đã đầy đủ tín, giải, hành, chứng. Bạn nói công đức này lớn cỡ nào. Nếu như niệm câu danh hiệu này mà không có liên quan gì với tín, giải, hành, chứng, thì đó chính là “Gào rát cổ họng cũng vô ích.” Bất kể tu học pháp môn nào, cũng phải luôn hiểu rõ nguyên lý này.
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.