KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 54
“Hoặc tại chư tư, biện luận nghiệp quả, thẩm định chi hậu, cứ nghiệp thọ sanh. Vị trắc chi gian, thiên vạn sầu khổ, hà huống đọa ư chư ác thú đẳng.”
(Hoặc ở các ty sở để biện luận về nghiệp quả, khi thẩm định xong thời cứ y theo nghiệp mà thọ lấy quả báo. Trong lúc mà chưa biết chắc ra làm sao đó thời đã nghìn muôn sầu khổ, huống là phải bị đọa vào các ác đạo.)
“Hoặc tại chư tư” (Hoặc ở các ty sở). Tư ở đây là cõi quỉ. Là những cơ quan làm việc ở trong cõi Ngạ Quỉ này, là biện luận ở trong các pháp đình đó. Có người nói họ tạo bao nhiêu tội nghiệp, bản thân họ không thừa nhận, nên ở nơi đó để biện luận. Người thế gian có khi mình tạo tội nghiệp họ quên mất, cũng có người cố ý không thừa nhận. Nhưng ở cõi Âm quỉ thần có ghi chép cả. Ngạn ngữ nói rất hay: “Ngẩng đầu ba thước có thần linh”. Trong kinh Phật nói cho chúng ta biết, con người từ lúc ra đời liền có hai vị thần thường xuyên đi theo bạn, một vị tên là Đồng Sanh, một vị tên là Đồng Danh. Tất cả hạnh nghiệp mà bạn tạo tác, họ đều ghi chép nó lại. Đến lúc sắp mạng chung, gặp vua Diêm La, thì hồ sơ ở chỗ vua Diêm La rất đầy đủ, từng li từng tí trong đời bạn đều không thể chối cãi được, cho nên ở nơi đó biện luận. Sau khi thẩm định xong thì “Cứ y theo nghiệp mà thọ sanh”. Bạn đi đầu thai ở cõi nào, thì phải đi thôi. Trong “Kinh Địa Tạng” nói rất rõ ràng. Vua Diêm La có quyền lực tăng thêm tội cho bạn? Hoặc là miễn xá tội của bạn hay không? Không có quyền lực. Ngài rất công bằng, chánh trực. Dựa theo những gì bạn đã tạo mà phân phát cho bạn. Ngài không có quyền lực tăng thêm tội cho bạn, cũng không có quyền lực miễn xá tội cho bạn. Nếu như Ngài tăng thêm, hoặc miễn xá là bị phạm pháp rồi. Cho nên tiền đồ cả đời của mình, thật sự là do chính mình làm chủ, chứ không phải do họ làm chủ, điều này chúng ta nhất định phải biết. Lúc này người chết phải tiếp nhận những sự phán xử này ở Âm Gian, vẫn chưa có định án, họ rất sầu khổ. “Thiên vạn sầu khổ” (Muôn nghìn sầu khổ) Đây là lúc chưa có định án. Sau khi định án xong, nếu như nói nghiệp ác nặng, vậy thì nhất định phải đến ba ác đạo để thọ sanh. Đi thọ sanh ở ba ác đạo cũng có nghiệp duyên. Tìm cha mẹ ở cõi súc sanh, thì cha mẹ đó trong đời quá khứ có duyên phận với họ. Ở trong cõi Ngạ Quỉ và ở trong cõi địa ngục phần nhiều là hóa sanh. Ở trong cõi Quỉ cũng có thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh. Còn ở trong địa ngục hoàn toàn là hóa sanh. Nếu như không phải hóa sanh, mà là thai sanh hoặc noãn sanh thì nhất định phải tìm cha mẹ. Duyên, Phật đã nói rất rõ ràng, tóm lại không ngoài bốn loại: báo ơn, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Người chưa có giác ngộ đời đời kiếp kiếp phải làm cái việc này. Sau khi giác ngộ rồi, thì sẽ khác. Con người sau khi giác ngộ, đó là trong khoảng một niệm, họ chuyển nghiệp lực thành nguyện lực, chuyển nghiệp báo thành thị hiện. Chư Phật Bồ-tát thị hiện ở thế gian, cần dùng thân gì được độ, Ngài bèn thị hiện thân ấy. Cho nên chuyển cảnh giới, thật sự là trong khoảng một niệm. Một niệm này của chúng ta có thể chuyển lại được hay không? Nói trên lý luận là chắc chắn được. Nói trên sự, vậy thì hoàn toàn xem trình độ giác ngộ của bản thân bạn. Bạn thật sự giác ngộ rồi, thì rất dễ dàng chuyển trở lại được. Làm sao biết chuyển trở lại? Người chuyển trở lại được chắc chắn không có mình. Nếu như vẫn còn ta, thì chắc chắn chưa chuyển trở lại. Bởi vì bạn còn chấp ngã, đây là phàm phu, không phải Phật Bồ-tát. Phật Bồ-tát không có ngã. Nếu dùng tiêu chuẩn của “Kinh Kim Cang” thì quí vị sẽ rất dễ dàng hiểu được, không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả, là bạn chuyển trở lại rồi. Nếu như bạn vẫn còn bốn tướng trên thì bạn chưa có chuyển trở lại. Muốn chuyển như thế nào, nỗ lực chuyển như thế nào cũng không thể chuyển lại được. Bạn muốn hỏi tại sao? Bởi vì bạn có tưởng, bạn có niệm. Tưởng là vọng tưởng, bạn có phân biệt, bạn có chấp trước thì bạn không thể chuyển lại được. Cho nên thật sự muốn chuyển trở lại thì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều buông xả. Khởi tâm động niệm nghĩ đến tất cả chúng sanh, là bạn chuyển trở lại rồi. Cái thân này của chúng ta có được từ cha mẹ, là thân nghiệp báo. Một khi chuyển trở lại thì đây là hóa thân thị hiện, hoàn toàn không có sanh tử, hoàn toàn không có phiền não, hoàn toàn không có nhân ngã thị phi, vậy là bạn thật sự chuyển trở lại rồi. Thật sự chuyển trở lại, thì đời sống, công việc của họ cũng giống như bình thường vậy, không có thay đổi. Nhưng tâm lý thay đổi. Trước đây là vì mình, hoặc là vì gia đình, hoặc là vì đoàn thể của mình. Hiện nay là vì tận hư không khắp pháp giới, thị hiện giống như chư Phật Bồ-tát không hai không khác, đây gọi là siêu phàm nhập thánh, đây gọi là thật sự dứt sanh tử, ra khỏi tam giới, vào cảnh giới của Phật Bồ-tát. Chúng ta học Phật nếu có thể khế nhập cảnh giới này, mới là thành tựu viên mãn. Nếu nói đến phương pháp dụng công, nói thực ra chính là thấy ra, buông xả. Thật sự thấy ra, thật sự buông xả là được rồi. Đoạn kinh văn này, pháp sư Thanh Lương chú giải tương đối phong phú, quý vị có thể tự mình tham khảo. Mời xem kinh văn dưới đây:
“Thị mạng chung nhân vị đắc thọ sanh, tại thất thất nhật nội, niệm niệm chi gian, vọng chư cốt nhục quyến thuộc dữ tạo phước lực cứu bạt.”
(Thần hồn người chết đó khi chưa được thọ sanh, ở trong bốn mươi chín ngày, luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục thân quyến tu tạo phước lành để cứu vớt cho.)
Đây là sự thật, lúc còn sống không biết, sau khi chết rồi gặp phải khổ nạn, vào lúc này không có nơi nương tựa, thật sự là lẻ loi hiu quạnh. Hy vọng duy nhất của họ, là hy vọng người thân quyến thuộc có thể tu phước cho họ, có thể siêu độ họ. Nhưng có rất nhiều người thân quyến thuộc, không hiểu rõ đạo lý này, thuận theo tập tục của thế gian, giống như lời trong kinh phía trước nói, sát sanh cúng tế quỉ thần, cầu tà đạo giúp đỡ. Võng Lưỡng chính là tà đạo. Không những chẳng giúp ích được gì trái lại còn có hại. Đây là do người thế gian không biết, không có người hướng dẫn. Chúng ta nói đến sự đáng thương, nói đến sự thê thảm, thì không gì bằng điều này, còn nghiêm trọng hơn so với thọ khổ nạn cực lớn lúc còn sống ở thế gian, không biết lớn hơn gấp bao nhiêu lần! Trong kinh nói tội phước, đích thực chính là chỉ thập thiện, thập ác. Chúng ta không cần nói quá cao, đừng nói quá huyền bí, chỉ nói rất đơn giản, lấy ngũ giới, thập thiện làm tiêu chuẩn. Phá giới, tạo ác là tội nghiệp vô biên. Trì giới tu phước. Tu phước chính là chăm chỉ làm theo thập thiện nghiệp đạo, đây là gốc rễ chính yếu của việc làm người chúng ta. Cho nên sau khi chết rồi, dựa vào người khác đến giúp đỡ, đó là một ẩn số. Đặc biệt là vào thời đại hiện nay, những thành phần đáng tin cậy ngày càng thấp. Người trong xã hội hiện nay cho rằng đây là mê tín. Chúng ta thử xem người tuổi trẻ thế hệ sau, nếu như không có người cố gắng chỉ dạy họ, thì ai còn có thể tin được? Hay nói cách khác, sau khi chết rồi, gặp phải những chuyện khổ nạn này, bạn mong ai đến giúp đỡ bạn? Không có ai giúp đỡ. Sự thật này, là vấn đề thiết thực của chúng ta, vả lại nghĩ đến nó là sự việc trước mắt, với bản thân chúng ta về mặt thời gian mà nói là rất vô cùng gần gũi. Đức Phật ở chỗ này chỉ dạy chúng ta, nhắc nhở chúng ta, hiện nay khi thân thể còn đang khỏe mạnh, thì nhất định phải chăm chỉ nỗ lực tu học, công đức, phước đức này mình hưởng được trọn vẹn. Đây là cúng thất, là căn cứ của việc cúng thất cho người sau khi chết, đây là căn cứ trong kinh điển.
“Quá thị nhật hậu, tùy nghiệp thọ báo.”
(Qua khỏi bốn mươi chín ngày thời cứ theo nghiệp mà thọ lấy quả báo.)
“Thị nhật” chính là trong bốn mươi chín ngày. Tuyệt đại đa số trong bốn mươi chín ngày đều chuyển thế. Ở đây cũng không biết đi luân hồi về cõi nào? Đại đa số. Cũng có một số ít trong bốn mươi chín ngày chưa có đi đầu thai, có một số ít, thậm chí là vài năm, mấy chục năm cũng vẫn chưa đi đầu thai, đều ở trong trạng thái của Trung Ấm, có. Đây là loại người nào vậy? Là người đặc biệt chấp trước, họ không có đi đầu thai. Người đặc biệt chấp trước thân thể, chúng ta thường gọi là quỉ giữ thây ma, họ không có đi đầu thai, họ không nỡ rời khỏi thân thể của họ. Loại quỉ này phần lớn là gì? Là họ ở trong mồ mã. Ngoài ra là ví dụ người không nỡ từ bỏ nhà cửa của họ, thường thường họ cũng không đi đầu thai, ngôi nhà đó biến thành nhà ma, có loại tình trạng này, nhưng là thiểu số. Đại đa số đều theo nghiệp mà đi thọ báo cả. Người chấp trước tương đối nhẹ tùy nghiệp mà đi thọ báo.
“Nhược thị tội nhân, động kinh thiên bách tuế trung, vô giải thoát nhật.”
(Người chết đó, nếu là kẻ có tội thời trải qua trong nghìn năm không có ngày nào được thoát khỏi.)
Thời gian chúng ta ở cõi người rất ngắn ngủi, rất ít người có thể sống được một trăm tuổi, là rất ít. Trong thời gian ngắn như vậy, những tội nghiệp đã tạo này cũng quá đủ cho bạn thọ rồi. Trong lúc bạn thọ báo: “Thiên bách tuế trung, vô giải thoát nhật.” Bạn phải thọ quả báo này. Đây là nói điều gì vậy? Bạn ở cõi Ngạ Quỉ, bạn ở cõi súc sanh. Thọ báo trong cõi súc sanh, đừng cho rằng tuổi thọ của nó rất ngắn ngủi, súc sanh ngu si, súc sanh chấp trước, cho nên rất khó thoát ra thân hình của nó. Đức Phật ở trong kinh đã từng nói qua, năm xưa có một ổ kiến trong Vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc. Đức Phật nói cho mọi người biết ổ kiến này, trải qua bảy đức Phật nhập diệt rồi, nó vẫn chưa có thoát khỏi thân kiến. Không phải nói tuổi thọ của kiến rất dài, sau khi chết rồi, vẫn đầu thai thành kiến ở trong ổ này. Bởi vì nó chấp trước cái ổ đó là nhà của nó, chấp trước cái thân hình đó chính là nó, sau khi chết rồi vẫn làm kiến. Thông thường chúng ta nói, một đức Phật ra đời là ba đại a-tăng-kỳ-kiếp, bảy đức Phật là hai mươi mốt a-tăng-kỳ-kiếp, nó cũng chưa thể thoát khỏi thân kiến. Bạn nói có nguy hiểm không? Cho nên đây là việc rất đáng sợ! Những việc ngu si khờ dại này, nói lời thành thật, mỗi người chúng ta đều đã từng làm qua, không chỉ làm một lần, không biết là đã làm bao nhiêu lần rồi, vô lượng kiếp đến nay. Hiện nay trong đời này gặp được Phật pháp, đọc được kinh điển, nghe được Phật khai thị, sáng tỏ trở lại rồi. Có phải thật sự sáng tỏ trở lại hay không? Thật sự sáng tỏ thì bắt đầu từ hôm nay nhất định không làm việc khờ dại này nữa. Nếu như vẫn còn tạo mười nghiệp ác, vẫn còn hủy phạm ngũ giới là bạn chưa có sáng tỏ, bạn không phải thật sự sáng tỏ. Người thật sự sáng tỏ sẽ không làm nữa. Trong đời này, phải hạ quyết tâm vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Không những nói thân thể của chúng ta, cái thân này là thân cuối cùng. Đầu thai ở trong lục đạo luân hồi, đây là thân cuối cùng của ta. Còn phải tiến thêm một bước nữa, lập tức chuyển đổi cái thân này thành thân ứng hóa, chuyển nghiệp báo của chúng ta thành thị hiện, bạn học Phật như vậy là thật sự có công phu, thật sự có thành tựu rồi, bạn đạt được lợi ích viên mãn. Tiên sinh Phương Đông Mỹ năm xưa nói: “Học Phật là sự hưởng thụ cao nhất của đời người”. Có lẽ sự hưởng thụ cao nhất của Thầy, vẫn chưa có đạt đến cảnh giới cao như thế này. Thật sự ở trong đời này có thể chuyển phàm thành thánh. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam thường nói thay đổi tâm lý, đem tâm phàm phu, tâm luân hồi của chúng ta chuyển đổi thành tâm Bồ-tát, chuyển đổi thành tâm Phật. Tâm luân hồi chính là mười nghiệp ác, thập thiện, thập ác. Tâm Bồ-tát là thanh tịnh, bình đẳng, giác. Dùng thanh tịnh, bình đẳng, giác hành lục độ ba-la-mật. Quý vị nên biết, thanh tịnh, bình đẳng, giác hành lục độ ba-la-mật chính là thập đại nguyện vương của Bồ-tát Phổ Hiền, đây là sự chuyển đổi lớn. Bên dưới nói:
“Nhược thị ngũ vô gián tội, đọa đại địa ngục, thiên kiếp vạn kiếp vĩnh thọ chúng khổ.”
(Còn nếu là kẻ phạm năm tội vô gián thời phải đọa vào đại địa ngục chịu mãi những sự đau khổ trong nghìn kiếp muôn kiếp.)
Đây là sự thật. Ở xã hội ngày nay, tạo năm tội vô gián rất dễ dàng. Vào thời xưa, người trước đây đều coi trọng giáo dục. Tuy trường học không nhiều, dường như giáo dục không có phát triển như hiện nay, đây là người bình thường nhìn từ khía cạnh hình tướng. Thực ra hình tướng cũng chưa thấy rõ ràng. Người xưa coi trọng giáo dục hơn người hiện đại chúng ta, người không biết chữ cũng coi trọng giáo dục, không giống như hiện nay. Hiện nay nói lời thành thật xây trường học rất nhiều, lập ra rất nhiều đại học, lập ra rất nhiều viện nghiên cứu, mà lơ là giáo dục. Người xưa luôn nghĩ đến tương lai, đều biết có đời sau, cho nên họ đều biết nghĩ cho đời sau, biết tích đức, biết hành thiện. Người hiện nay không biết đạo lý này, người hiện nay tạo tác đều là tự tư tự lợi, chỉ nghĩ đến mình, không nghĩ đến người khác, cho nên tất cả hành vi, tóm lại không ngoài chuyện làm những việc tổn người lợi mình. Đây là tư tưởng của người hiện nay. Nhưng làm tổn hại người có phải thật sự là lợi mình không? Việc lợi mình đó chính là trong kinh đức Phật ví như liếm mật trên lưỡi dao, cho rằng mình đạt được lợi ích, thực ra là mình tạo ra năm tội Vô Gián. Bản thân bạn ngày nay được lợi ích, bạn có thể hưởng thụ được mấy ngày? Bạn có thể hưởng thụ được những gì? Nói thực ra là cũng không được gì cả. Bạn nói bạn có được của cải. Của cải ở đâu? Trên người một xu cũng không có, chỉ là những con số rỗng tuếch, hết sức trừu tượng. Nhà của đất đai của bạn nhiều đi nữa, chỗ bạn đang đứng đó, chiếm diện tích chưa đến một thước. Tối bạn đi ngủ, cũng chẳng qua cái giường là một thước tám mà thôi, bạn được cái gì? Được là vô lượng vô biên tội nghiệp, là bạn được những thứ này. Những tội nghiệp này tương lai là phải thọ quả báo ở địa ngục Ngũ Vô Gián, là bạn đi làm chuyện này. Quý vị thử nghĩ xem đây đâu phải là giáo dục? Đó dứt khoát là tà thuyết, là hầm lửa, là âm mưu. Hiện nay không phải giáo dục, giáo dục hiện nay đã không còn nhìn thấy nữa rồi. Giáo dục thời cổ đại của Trung Quốc là dạy bạn luân lý đạo đức. Bạn hiểu rõ rồi, bạn có thể làm được, sẽ không mất phước báo nhân thiên. Đời sau vẫn có thể hưởng thụ phước báo nhân thiên, nhất định không bị đọa địa ngục, đây là giáo dục. Giáo dục của nhà Phật còn thù thắng hơn nữa, giúp bạn thoát khỏi lục đạo, thoát khỏi luân hồi, giúp bạn làm Phật, làm Bồ-tát. Làm Phật, làm Bồ-tát là khôi phục tánh đức viên mãn của mình. Không gian sống của chúng ta là tận hư không khắp pháp giới. Hư không pháp giới là chính mình, bạn là thật sự đạt được rồi. Nếu bạn chưa giác ngộ thì một tí một tẹo cũng không thể đạt được. Nếu như bạn thật sự giác ngộ thì tận hư không khắp pháp giới, bạn hoàn toàn đạt được rồi, như thế làm sao giống nhau được? Mời xem kinh văn dưới đây:
“Phục thứ trưởng giả, như thị tội nghiệp chúng sanh mệnh chung chi hậu, quyến thuộc cốt nhục vi tu doanh trai tư trợ nghiệp đạo. Vị trai thực cánh, cập doanh trai chi thứ, mễ cam thái diệp bất khí ư địa, nãi chí chư thực vị hiến Phật Tăng, vật đắc tiên thực.”
(Lại vầy nữa, này ông Trưởng Giả! Sau khi những chúng sanh gây phạm tội nghiệp như thế mạng chung, hàng cốt nhục thân quyến có làm chay để giúp thêm phước lành cho người chết đó.
Thời khi sắm sửa chưa rồi, cùng trong lúc đương làm chớ có đem nước gạo, lá rau v.v… đổ vãi ra nơi đất, cho đến các thứ đồ ăn chưa dưng cúng cho Phật cùng Tăng thời chẳng được ăn.)
Đây là nói rõ người thân quyến thuộc, tu phước cho người chết, đã nêu ra một ví dụ. Ở trong ví dụ này, quý vị nhất định phải biết tinh thần của nó ở trong đó. Tại sao họ lại được phước? Đều ở hai chữ “Thành kính”. Khi không có tâm thành kính, dù làm theo phương pháp này vẫn không thể được phước. Chỉ có chí thành cung kính, chứ không có gì khác, Tâm thành kính là tánh đức, tâm thành kính là chánh giác. Cho nên quý vị phải biết, không thành kính đó là tướng mê hoặc, đó là nghiệp chướng. Thành kính là giác ngộ, thành kính là tánh đức bộc lộ ra, thành kính là Bát nhã phóng quang. Ở đây nêu ra một ví dụ, là ví dụ “doanh trai”. “Doanh” là tổ chức, là chế tạo, tức là bạn đang làm tiệc chay. Đây là trong cửa Phật chúng ta thông thường gọi là cúng ngọ. Cúng bữa trưa đó gọi là doanh trai. Doanh trai bạn phải chú ý đến: “Vị trai thực cánh, cập doanh trai chi thứ.” (Thời khi sắm sửa chưa rồi, cùng trong lúc đương làm.) Là khi bạn đang làm những món chay, và cơm chay này phải có tâm cung kính. “Mễ cam thái diệp bất khí ư địa” (Chớ có đem nước gạo, lá rau v.v… đổ vãi ra nơi đất) Đây là kính trọng đồ vật. Mễ cam là gì? Là nước vo gạo. Cơm chay này của ta là để cúng chay, cúng dường chư Phật, cúng dường quỉ thần, đối với các Ngài có tấm lòng tôn kính như vậy. Khi việc làm chay này của chúng ta chưa làm xong, thì nước vo gạo cũng không được đổ tùy tiện, không được đổ vãi ra nơi đất. Chân thành cung kính đến mức độ này. Nhất định phải đợi đến khi sự việc này làm viên mãn rồi, thì mới xử lý số rác này. Nước vo gạo, lá rau đều là đồ bỏ đi, không dùng đến. Đây là điểm mà người làm đồ chay hiện nay rất ít người biết. Lá rau nhặt ra không dùng lập tức liền vứt bỏ. Huống chi là nước vo gạo?
“Nãi chí chư thực vị hiến Phật Tăng, vật đắc tiên thực.”
(Cho đến các thứ đồ ăn chưa dưng cúng cho Phật cùng Tăng thời chẳng được ăn.)
“Tiên thực” là gì? Nếm thử mùi vị. Ở trong nhà bếp, bạn nấu ăn thường hay nếm mùi vị. Đó là gì? Sau khi bạn ăn rồi mới cúng Phật, là đại bất kính. Đây là hầu hết mọi người thường hay phạm mà không biết, không ý thức, không được phép. Điểm này người Trung Quốc không bằng người nước ngoài, những người đầu bếp nước ngoài tuyệt đối không có nếm thức ăn. Tại sao vậy? Nó không có vị, họ nếm cái gì? Thức ăn ở nước ngoài lạt và không có vị, không có vị. Đồ gia vị là đựng trong chiếc lọ nhỏ bày ngay trước mắt, bạn tự mình nêm nếm, cho nên nó không có vị. Bạn ra nước ngoài để ăn đồ ăn, nó đều là đồ luộc cả, không có mùi vị gì. Nhưng mà những đồ gia vị đó, đều bày ngay trước mắt, bạn tự mình nêm nếm, làm vậy rất có đạo lý. Khẩu vị của mỗi người khác nhau, nếu họ nêm nếm mùi vị xong, thì bạn bị họ chi phối. Tôi tự mình nêm nếm là bản thân tôi có chủ quyền, tôi thích ăn vị đậm đà một chút, hoặc là nhạt một chút, tôi có chủ quyền. Người ta làm sẵn cho bạn rồi, bạn không còn chỗ nào để lựa chọn, đành phải ngoan ngoãn nghe theo sự an bày của họ. Cho nên điều này tôi cảm thấy nước ngoài hay, nước ngoài hay hơn Trung Quốc. Thức ăn họ nấu ra là do luộc chín, dầu và muối thảy đều không có. Ở Trung Quốc trước đây trong việc cúng tế, cũng là là như vậy, cũng là không nêm nếm. Đây là tâm cung kính đích thực. Chú trọng về mặt ẩm thực, thì cần phải biết đạo lý này.
“Như hữu vi thực cập bất tinh cần, thị mạng chung nhân liễu bất đắc lực”
(Nếu như ăn trái phép và không được tinh sạch kỹ lưỡng, thời người chết đó trọn không được mảy phước nào cả.)
Những thứ cúng dường này của bạn họ không được một mảy may phước nào cả. “Vi thực” là gì? Là chưa có cúng dường Phật Tăng, bạn đã ăn trước rồi, bạn đem thức ăn thừa của bạn cho người khác. Đừng nói đối với Phật Bồ-tát mà đối với quỉ thần, đối với người cũng không cung kính. Hoặc là “Bất tinh cần” (không được tinh sạch) Tức là bạn không nghiêm túc làm việc này, không có thành ý, không có tâm cung kính làm việc này. Nên người chết này cũng không được lợi ích, không nhận được sự giúp đỡ của bạn. Nếu như chúng ta là cúng Phật, khi cúng ngọ cúng Phật, nếu như có vi phạm, như thế thật sự có có tội với Phật Bồ-tát. Nhưng Phật Bồ-tát đại từ đại bi, tuyệt đối sẽ không trách bạn. Phật Bồ-tát không trách bạn, nhưng thần hộ pháp chán ghét bạn. Thần hộ pháp là phàm phu, họ không phải là Phật Bồ-tát, nên người gây phiền phức đều là thần hộ pháp. Bạn làm rất đúng như pháp, rất cung kính, thì thần hộ pháp cũng cung kính với bạn. Bạn làm không đúng như pháp thì thần hộ pháp cũng sẽ ghét bỏ bạn, cho nên đạo lý này nhất định phải biết. Chúng ta thường ngày không phải lúc giảng kinh, quý vị cũng phải thấu tình đạt lý, nhìn thấy người khác làm vậy cũng đừng nói, nói sẽ có lỗi với họ. Ai chịu tin bạn chứ? Người thế gian đều làm như vậy cả mà, họ cảm thấy họ không có làm sai. Nếu bạn nói họ, họ sẽ nói bạn là nhiều chuyện. Việc gì chúng ta phải gây xích mích với họ? Giảng kinh, là đức Phật nói ở trong kinh, họ nghe vậy thì không có gì để nói, là do Phật nói chứ không phải tôi nói, tôi không có kiếm chuyện với anh, là Phật dạy chúng ta làm như vậy. Cho nên chúng ta đọc kinh, nghe kinh phải giác ngộ, phải biết mình cần phải cải tiến như thế nào. Cải tiến chính là tu hành, là điều chỉnh hành vi sai lầm của chúng ta. Bên dưới nói:
“Như tinh cần hộ tịnh” (Nếu có thể kỹ lưỡng giữ gìn tinh sạch)
Chúng ta làm một cách chân thành cung kính, làm chay đúng như lý như pháp. Nói thực ra làm chay, ăn uống mỗi ngày chính là làm chay. Ý nghĩa đích thực của chữ “Trai” là ăn một bữa giữa ngày. Chúng ta hiện nay mỗi ngày ăn ba bữa, ba bữa chưa đủ buổi tối còn phải ăn khuya nữa, còn phải ăn mấy bữa điểm tâm, một ngày ăn bảy tám lần. Nói thực ra là hơi quá. Nhưng chịu thật thà niệm Phật, thì thần hộ pháp cũng sẽ tha thứ cho bạn, họ mắt nhắm, mắt mở, nếu bạn chịu niệm Phật thì thôi, tốt rồi. Nếu như không chịu niệm Phật nữa thì thần hộ pháp phải chỉnh bạn. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ đạo lý này. Tu hành đúng như lý như pháp, thật sự là chư Phật hộ niệm, long thiên tôn kính bạn. Cho nên tinh cần hộ tịnh.
“Phụng hiến Phật Tăng” (đem dưng cúng cho Phật cùng Tăng)
Chữ “Tăng” ở chỗ này quý vị phải nhớ kỹ, không phải chuyên chỉ cho người xuất gia. Ngài là nói nghĩa rộng. Tăng là chúng hòa hợp. Đệ tử của đức Phật bất kể là tại gia hay xuất gia, bốn người cộng tu với nhau, tuân thủ lục hòa kính, đây bèn gọi là tăng chúng, gọi là tăng đoàn. Hầu hết mọi người hiện nay khi nhìn thấy chữ Tăng, đều cho là người xuất gia, ý nghĩa là bị sai lệch rồi. Tức là đối với người xuất gia thì tôn trọng, còn đối với người tại gia thì không tôn trọng, chúng ta sai rồi. Có một số người tại gia thật sự là tu lục hòa kính, vậy mà chúng ta lại lơ là. Người xuất gia chưa chắc là tu lục hòa kính. Cách hành xử của chúng ta là điên đảo rồi. Cho nên chữ Tăng ở chỗ này, phải khẳng định chính là chỉ tăng đoàn hòa hợp, bất kể là tại gia hay xuất gia. Người thật sự phát tâm tu hành, người rõ lý, họ là Tăng thật sự. Những cách xưng hô trong nhà Phật này, chúng ta phải biết rõ ràng. Đối với thân phận người xuất gia, chỉ có Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni, Sa Di, Sa Di Ni, đây là người xuất gia. Còn lại xưng là pháp sư, hay hòa thượng, xưng là a-xà-lê, trong đó đều không có phân chia xuất gia hay tại gia gì cả. Người tại gia cũng xưng là hòa thượng. Ý nghĩa của chữ hòa thượng là gì? Chữ hòa thượng là dịch âm tiếng Phạn. Ý nghĩa của nó là thân giáo sư. Tức là ngày nay chúng ta gọi là thầy giáo. Thầy trực tiếp dạy ta, Ấn Độ xưa xưng là hòa thượng. Người không phải trực tiếp dạy ta. Giống như chúng ta ở trong trường học vậy, đi học ở trong một ngôi trường, thì thầy giáo rất nhiều, có một số thầy cô dạy ta, có một số thầy cô không có dạy ta. Họ là thầy cô trong trường chúng ta, rất nhiều, nhưng không dạy ta. Chúng ta cũng quen gọi là thầy. Ở trong Phật pháp, người không có dạy chúng ta, xưng là a-xà-lê, xưng là pháp sư. Người trực tiếp hướng dẫn chúng ta xưng là hòa thượng. Hoà thượng quan hệ với chúng ta vô cùng mật thiết. Thông thường hầu hết trụ trì các Tự Viện xưng là hòa thượng. Là giống như hiệu trưởng trong trường học vậy. Tuy hiệu trưởng không có dạy lớp của bạn, nhưng vẫn là trực tiếp dạy bạn. Bởi vì họ chủ trì chính sách giáo dục, sắp xếp chương trình, họ mời những vị thầy giáo đó là đại biểu cho họ đến dạy bạn. Trên thực tế họ là thân giáo sư, họ phải chịu trách nhiệm dạy học. Những vị thầy dạy trên lớp, chỉ là người chấp hành mà thôi. Ở trong Phật pháp cũng có thể gọi chung là A-xà-lê. Ở trong a-xà-lê có người dạy ta, có người không có dạy ta. Cho nên tại gia hay xuất gia, già trẻ nam nữ đều có thể xưng là hòa thượng. Pháp sư cũng là tên thường gọi, tại gia hay xuất gia cũng có thể xưng hô được. Thuật ngữ trong kinh Phật, chữ sa-môn cũng là tên thường gọi, tại gia hay xuất gia đều có thể xưng hô được. Nhưng trong thói quen của người Trung Quốc hiện nay, những danh từ này đều để xưng người xuất gia, thực ra là cách gọi chung. Những việc này chúng ta đều phải biết.
“Tinh cần hộ tịnh, phụng hiến Phật Tăng, thị mạng chung nhân thất phần hoạch nhất”
(Nếu có thể kỹ lưỡng giữ gìn tinh sạch đem dưng cúng cho Phật cùng Tăng, thời trong bảy phần công đức người chết hưởng được một phần.)
Bảy phần công đức họ được một phần. Nếu như chúng ta làm không đúng như pháp, thì một phần cũng không nhận được. Cho nên nhất định phải nuôi dưỡng loại tâm thành kính mỗi ngày. Chúng ta không chỉ là đối với Phật Bồ-tát, đối với những người tu hành, mà đối với tất cả chúng sanh cũng phải tu tâm thành kính, chúng ta đứng ra làm sự việc này, thì hiệu lực công đức sẽ rất lớn.
“Thị cố trưởng giả, Diêm Phù chúng sanh nhược năng vị kỳ phụ mẫu, nãi chí quyến thuộc, mạng chung chi hậu, thiết trai cúng dường, chí tâm cần khẩn, như thị chi nhân, tồn vong hoạch lợi.”
(Nầy ông Trưởng Giả! Vì thế nên những chúng sanh trong cõi Diêm Phù, sau khi cha mẹ hay người thân quyến chết, nếu có thể làm chay cúng dường, chí tâm cầu khẩn thời những người như thế, kẻ còn lẫn người mất đều đặng lợi ích cả’.)
Lợi ích mà người còn sống được là sáu phần bảy, còn người chết được một phần bảy. Lý và sự chúng ta cần phải hiểu rõ. Về sự, Bồ-tát ở chỗ này chỉ nêu ra một việc này. Phương pháp tu phước cho người chết rất nhiều, rất nhiều, không sao kể xiết. Chỗ này chúng ta tổng kết một cái cương lĩnh quan trọng chính là thành kính. Bất kể tu loại phước nào? Đều phải “Tinh cần hộ tịnh” (Kỹ lưỡng gìn giữ cho tinh sạch) Bốn chữ này vô cùng quan trọng. Tinh là thuần khiết chứ không xen tạp. Tịnh là nói trong sạch không ô nhiễm. Cho nên dùng tiền phải dùng tịnh tài. Thật sự là tiền của mình xứng đáng có được, thì chúng ta bố thí mới có công đức, mới có hiệu quả. Nếu như là tiền của bất nghĩa, nghĩa là lấy của người khác làm đẹp cho ta, vậy là không được. Đây là bất tịnh, là không thanh tịnh, không phải tịnh tài. Bạn dùng loại tiền của này để tu phước thì không được phước. Cho nên phải hiểu cho thật rõ ràng, minh bạch.
“Thuyết thị ngữ thời, Đao Lợi thiên cung, hữu thiên vạn ức na-do-tha Diêm Phù quỉ thần, tất phát vô lượng Bồ-tát chi tâm.”
(Lúc Ngài Ðịa-Tạng nói lời này, tại cung trời Ðao Lợi có số nghìn muôn ức na-do-tha Quỉ Thần cõi Diêm-Phù-Ðề, đều phát tâm Bồ-Ðề vô lượng.)
Bồ-tát Địa Tạng và Bồ-tát Phổ Quảng tu phước báo lớn. Lớn ở chỗ nào vậy? Một người hỏi một người đáp như vậy, thì đại chúng tham dự pháp hội sau khi nghe được, có nhiều chúng sanh phát tâm Bồ đề như vậy, công đức là ở chỗ này. Cho nên phần trước nói thỉnh Tăng chuyển kinh. Ý nghĩa của chữ Tăng ở chỗ này mọi người biết, không nhất định là người xuất gia, người tại gia cũng được. Thỉnh những vị pháp sư này giảng kinh, hoặc là người tại gia, hoặc là người xuất gia đều được. Thông thường trong thói quen của chúng ta người tại gia giảng kinh nhất định phải thọ giới Bồ-tát, mới phù hợp với lời Phật nói trong kinh. Không phải là người Bạch Y thuyết pháp. Bạch Y là người chưa có thọ giới. Thọ giới Bồ-tát họ mới có thể đắp Mạn Y, đây là không phải Bạch Y. Chưa thọ giới Bồ-tát thì không được phép đắp Mạn Y. Hiện nay có rất nhiều nơi, nói thọ Ngũ Giới là có thể đắp Mạn Y, vậy là sai lầm, tuyệt đối không được phép. Thọ giới Bồ-tát mới được đắp y, mới là Tăng đoàn, mới được xem là Tăng chúng. Thọ giới Bồ-tát, bạn thăng tòa giảng kinh, bạn mới không bị người ta phê bình. Đây nhất định phải thọ giới Bồ-tát mới được đắp y, điều này chúng ta phải nhớ kỹ. Thọ Ngũ Giới tuyệt đối không có y. Nhưng mặc áo tràng thì không có sao cả. Áo tràng là lễ phục của chúng ta thời xưa, người nào cũng có thể mặc được. Bạn chưa có thọ quy y cũng có thể mặc được, đây là trang phục cổ. Đây là lễ phục trước đây của người có ăn học mặc, vào thời triều Hán, là lễ phục của thời triều Hán. Người tại gia phần lớn là có thêu hoa văn, người xuất gai thì không có hoa văn, màu trơn. Khác biệt là ở chỗ này.
“Đại Biện trưởng giả, tác lễ nhi thoái.”
(Ông Trưởng Giả Ðại-Biện vui mừng vâng lời dạy, làm lễ mà lui ra.) Chúng ta cũng làm lễ mà lui ra.
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.