KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 29
Xin mời xem kinh văn, quyển trung khoa chú.
Phẩm Thứ Năm Danh Hiệu Của Địa Ngục.
“Nhĩ thời, Phổ Hiền Bồ-tát Ma-Ha-Tát bạch Địa Tạng Bồ-tát ngôn: ‘Nhân giả, nguyện vị thiên long tứ chúng cập vị lai hiện tại nhất thiết chúng sanh thuyết Sa-Bà thế giới, cập diêm phù đề tội khổ chúng sanh sở thọ báo xứ, địa ngục danh hiệu cập ác báo đẳng sự. Sử vị lai thế mạt pháp chúng sanh tri thị quả báo.’” (Lúc đó, Ngài Phổ Hiền Bồ-tát thưa cùng Ngài Địa Tạng Bồ-tát rằng: “Thưa Nhơn giả! Xin Ngài vì Trời, Rồng bát bộ và tất cả chúng sanh ở hiện tại cùng vị lai, mà nói danh hiệu của những địa ngục là chỗ thọ báo của những hạng chúng sanh bị tội khổ ở trong cõi Ta-Bà cùng Diêm-Phù-Đề này, và nói những sự về quả báo không lành. Làm cho chúng sanh trong thời mạt pháp sau này biết rõ những quả báo đó.”)
Đến chỗ này là một đoạn. Đoạn này là do Bồ-tát Phổ Hiền thỉnh nói, phần trước đã giới thiệu qua “nghiệp duyên, nghiệp cảm”. Sau hai phẩm này, chúng ta cũng hiểu rõ được chút ít về khổ báo mà tất cả chúng sanh trong thế gian tạo tác ác nghiệp cảm nên. Kinh văn đến chỗ này, Bồ-tát Phổ Hiền đại từ đại bi thay chúng ta thỉnh pháp. Thỉnh cầu Bồ-tát Địa Tạng nói một cách sơ lược về những tội báo không lành này cho chúng ta biết. Không những chúng ta hy vọng hiểu rõ, tức là chúng sanh trong lục đạo của thế giới Ta bà bao gồm chư thiên, bát bộ, quỷ thần ở trong đó nữa. Bởi vì những chúng sanh này tuy hiện tiền là hưởng thụ phước báo, phước báo nhân thiên. Nhưng sau khi hưởng hết phước báo cõi trời rồi thì làm sao đây? Mỗi chúng sanh, hoặc giả nói mỗi người, mạng sống không phải chỉ một giai đoạn này, đây là điều chúng ta nhất định phải biết rõ. Chúng ta có đời quá khứ, quá khứ vô thỉ. Chúng ta còn có đời vị lai, vị lai vô chung. Những năm tháng vô thỉ vô chung này, là không có cách gì tính được. Chúng ta ngày nay nói con số thiên văn, con số thiên văn nếu so với vô thỉ vô chung cũng là chênh lệch rất lớn. Tội nghiệp tích lũy từ vô lượng kiếp đến nay cũng đã vô lượng vô biên rồi. Quả báo của giai đoạn này là do hành nghiệp mà trong vô lượng kiếp chúng ta tạo, loại nghiệp nào gặp được duyên nó mới khởi hiện hành, sự việc nó là như vậy. Người không học Phật họ không hiểu rõ, không sáng tỏ về những chân tướng sự thật này. Phật nói với chúng ta rất rõ ràng, lời Phật nói có đáng tin không? Những gì Phật nói là thật sao? Điểm thù thắng nhất, điểm cao siêu nhất của nền giáo dục Phật pháp, là Phật dạy chúng ta chứng thực. Ngài nói với chúng ta sự việc này, bảo chúng ta hãy tự mình đi chứng minh. Như thế điều này là không phải giả. Phật không hề nói, ta nói là thật thì nhất định là thật, Phật không bao giờ nói như vậy. Sau khi Phật nói rồi, bạn tự mình có thể chứng thực. Dùng phương pháp gì để chứng thực? Điều này Phật có thể dạy bạn, Phật có thể dạy cho bạn phương pháp để bạn tự mình cầu chứng. Lục đạo là thật, thập pháp giới là thật, nhất chân pháp giới cũng là thật, bạn đều có thể chứng thực. Đừng nói tội nghiệp đã tạo trong đời này, mà còn tội nghiệp đã tạo đời đời kiếp kiếp trong quá khứ nữa. Cho nên khi hưởng hết phước cõi trời rồi, bởi do tội nghiệp đã tích lũy trong đời quá khứ, thì đâu có lý nào không đọa lạc? Cảm ứng ở trong thập pháp giới, rốt cuộc là cảm ứng ác nhiều, cũng chính là duyên ác nhiều, duyên thiện ít. Nếu như bạn không tin lời nói này, điều này trái lại cũng không khó chứng thực, bạn hãy tư duy, cân nhắc cho thật kỹ, ở trong đời sống hiện tiền của chúng ta, từ sáng đến tối tất cả những người, sự, vật mà chúng ta gặp phải, đây đều là duyên. Ở trong duyên này là duyên thiện nhiều hay là duyên ác nhiều? Ngoại duyên bên ngoài gợi lên ý nghĩ trong nội tâm chúng ta. Sáu căn chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài, chúng ta khởi tâm động niệm là niệm ác nhiều hay là niệm thiện nhiều? Bạn hãy bình tĩnh mà tư duy, bạn sẽ hiểu rõ ngay. Nếu như từ sáng đến tối, ác niệm của chúng ta nhiều hơn thiện niệm. Bạn đời sau đi về đâu? Thế chẳng phải là đi về ba ác đạo rồi sao? Đâu có cần phải hỏi người khác? Không cần phải hỏi người khác, cũng không cần phải hỏi Phật, Bồ-tát, tự mình biết rất rõ ràng, rất minh bạch. Nếu như chúng ta có thể duy trì được từ sáng đến tối niệm thiện nhiều hơn niệm ác, thì chúng ta mới có phần nắm chắc không bị đọa ba ác đạo. Cái phần nắm chắc này không phải là trọn vẹn mười phần. Tại sao? Lúc sắp lâm chung bạn còn có thể nắm chắc được không? Bình thường có phần nắm chắc, lúc sắp lâm chung không nắm chắc được, thế vẫn phải bị đọa lạc. Có thể thấy sự việc này thật sự là rất khó, không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng lúc bình thường nhất định phải rèn luyện. Tại sao vậy? Bình thường rèn luyện, thì lúc lâm chung sẽ có phần nắm chắc tương đối nhiều. Lúc bình thường không chịu rèn luyện, thì lúc lâm chung có phần nắm chắc ít, đạo lý này phải biết. Cổ đức có ví dụ là: “Luyện binh ngàn ngày, chỉ để dùng trong chốc lát.” Bình thường phải huấn luyện, cuối cùng có thể đánh thắng được hay không vẫn không nhất định? Nhưng nhất định phải rèn luyện, khi đánh nhau mới có khả năng thắng trận. Nếu như bình thường không tập luyện, khi lâm trận nhất định là sẽ bị thất bại thảm hại. Bình thường rèn luyện, chúng tôi ở trong các buổi giảng đã giảng rất nhiều. Nhất là thời gian gần đây, trái đất này, môi trường sống của chúng ta. Trái đất là môi trường sống của chúng ta hiện nay, biến cố khác thường, thiên tai nhân họa tới tấp, mỗi năm số lần một nhiều, mỗi lần một nghiêm trọng hơn. Chúng tôi nghe thấy các nơi đăng tin, thật sự khiến người ta thân tâm đều bất an, sống ở trong sợ hãi. Ngày nay mọi người muốn hỏi, chúng ta đến đâu để tránh nạn? Trên thế giới này không có chỗ nào là an toàn, bạn đi đâu bây giờ? Đến đâu cũng giống nhau cả. Đây là lời của lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nói trước đây, trước lúc vãng sanh một ngày vài ngày, thầy nói với các học trò. Tai nạn đến thì Phật, Bồ-tát, thần tiên cũng không thể cứu nổi. Chỉ có duy nhất một con đường sống, là thật thà niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ, là di ngôn của thầy lúc lâm chung, khuyên nhủ nhóm học trò chúng tôi, không có đường nào để đi, không có nơi nào có thể trốn tránh được. Tai nạn hình thành như thế nào? Do cộng nghiệp của chúng sanh chiêu cảm nên, không biết giác ngộ. Phật nói rất rõ ràng, rất minh bạch, mà không có người nào tin, không có người nào chịu tiếp nhận, cho rằng lời Phật nói là mê tín. Người hiện nay mọi người tin vào khoa học, tin vào căn cứ khoa học. Nếu lỡ khoa học nói sai một câu thì làm thế nào? Bị thiệt hại sẽ không nhỏ. Chúng ta biết, trí tuệ của Phật là có được từ trong Thiền Định, đây không phải là giả. Phật nói cho chúng ta biết, mỗi người đều có trí tuệ này, đều có năng lực này, nhưng bởi do vọng tưởng, chấp trước mà không thể chứng được. Cho nên mục đích mà Phật nói là bảo chúng ta chứng được. Phật nhìn thấy rồi, bạn cũng có năng lực nhìn thấy, Phật sáng tỏ, bạn cũng có năng lực sáng tỏ. Ngày nay tại sao bạn không thể sáng tỏ? Phật nói rồi, bạn có vọng tưởng, có phân biệt, có chấp trước. Chỉ cần đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xả bỏ sạch, xả bỏ thật sạch sẽ, thì mặt mũi chân thật của hư không pháp giới này, bạn chạm mắt liền thấy ngay. Có cần nghe người khác nói không? Đến lúc đó, những gì bạn nhìn thấy, tiếp xúc được là không có khác gì so với những gì chư Phật Như-lai nói. Cho nên ngôn ngữ của Phật là nói lời chân, lời thật, lời như. Nói lời như, nghĩa là sự thật như thế nào thì Ngài bèn nói như thế ấy, tuyệt đối không có tô vẽ thêm, cũng không nói giảm bớt đi chút nào, những gì nói ra hoàn toàn phù hợp với chân tướng sự thật, đây gọi là như ngữ, không có nói dối, không có nói sai sự thật, mỗi câu nói đều là chân thật, thành thật, cho nên chư thiên cũng muốn nghe. Phước báo nhân thiên tuy lớn, cũng muốn nghĩ đến khi hưởng hết phước rồi thì làm thế nào? Nếu họ hiểu rõ đạo lý này, họ có thể tiếp tục không ngừng tu phước, khiến cho phước báo của họ có thể kéo dài, không đến nỗi khi hưởng hết phước rồi bị đọa lạc. Nhưng mà chúng ta biết, đây là lời Phật nói trong kinh, người hưởng hết phước trời rồi bị đọa lạc rất nhiều. Thiên nhân có thể tiếp tục tu phước, không bị đọa lạc rất ít. Nói thực ra giống như nhân gian chúng ta vậy, nhân gian có người thật sự tin Phật pháp, thiện căn sâu dày, có trí tuệ. Tuy họ hưởng phước báo nhân thiên, nhưng vẫn không ngừng tu phước, tích phước, cho nên phước báo của họ có thể hưởng được rất nhiều đời, đời đời kiếp kiếp hưởng phước. Phật ở trong kinh nói với chúng ta, phước báo của bố thí cúng dường. Ví dụ Phật ở trong kinh nói, có người bố thí cúng dường Phật Bích Chi một bát cơm, thì phước mà họ được, là quả báo không bị nghèo khó trong 90 ức kiếp. Cúng dường một bát cơm là việc rất nhỏ, sao lại có thể được phước báo lớn như vậy? Được phước lớn hay nhỏ là ở tâm lượng cúng dường. Nếu như lúc họ cúng dường này là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chân thành thì phước báo sẽ lớn, không có giới hạn rồi. Nhưng quý vị phải nhớ kỹ, 90 ức kiếp nếu sánh với vô lượng kiếp là con số rất nhỏ. Sau 90 ức kiếp lại phải làm thế nào? Có nghĩ đến hay không? Đây là chứng tỏ bố thí tài vật không bằng bố thí pháp. Phước báo của bố thí tài vật không thể sánh với bố thí pháp được. Đây là trong “Phẩm Hạnh Nguyện Bồ-Tát Phổ Hiền Kinh Hoa Nghiêm” nói rất rõ ràng. Bố thí pháp được phước quả thật là vô lượng vô biên. Vì thế kinh Phật không thể không đọc, đạo lý mà Phật nói không thể không thâm nhập nghiên cứu, nó giúp ích quá lớn quá lớn đối với chúng ta. Cho nên thiên nhân cũng muốn hiểu rõ cái chân tướng sự thật này, huống chi chúng ta?
Bồ-tát Phổ Hiền nói rất hay:
“Cập vị lai hiện tại nhất thiết chúng sanh” (Và tất cả chúng sanh ở hiện tại cùng vị lai)
“Hiện tại” là người tham gia pháp hội, những người nghe Phật, nghe Bồ-tát Địa Tạng thuyết pháp lúc đó. “Vị lai” là bao gồm chúng ta ở trong đó. Bồ-tát Phổ Hiền vì chúng ta khải thỉnh, chúng ta ở chỗ này hãy lắng nghe Bồ-tát Địa Tạng báo cáo, vì chúng ta nói ra “Diêm Phù Đề” chính là thế giới này của chúng ta. “Thế giới Ta-Bà” là đại thiên thế giới, Diêm Phù Đề là trái đất này của chúng ta, đây là nơi chúng ta quan tâm nhất.
“Tội khổ chúng sanh” thử xem thế gian chúng ta ngày nay, dân số hơn năm tỉ người, có phải họ đang sống trong tội khổ không? Chúng ta tạo tác là tội, nên thọ nhận là khổ. Bất kể người giàu nghèo hay sang hèn trong thế gian có người nào sống không khổ đâu? Mỗi người có nỗi khổ riêng của mình. Những gì hiện nay tạo tác tội nghiệp thọ nhận, nhà Phật gọi là hoa báo. Sau khi nhận hoa báo rồi còn có quả báo, quả báo ở đời sau. Sau khi bạn chết rồi bạn cảm thọ là quả báo. Quả báo báo nghiêm trọng hơn hoa báo quá nhiều, quá nhiều! Chỗ này nói quả báo.
“Sở thọ báo xứ, địa ngục danh hiệu.” (Danh hiệu của những địa ngục là chỗ thọ báo”
Đây là việc chúng ta rất muốn biết, Bồ-tát Phổ Hiền khải thỉnh, là dựa vào trí tuệ chân thật, đại từ đại bi. Nếu không có trí tuệ, không có tâm đại từ bi thì không thể nêu ra vấn đề này được. Mục đích của khải thỉnh thuyết pháp là hy vọng tất cả chúng sanh sau khi nghe xong có thể hiểu được tình trạng chân thật ở trong địa ngục, toàn là do tự tâm biến hiện, nó giống với nhất chân pháp giới y chánh trang nghiêm của chư Phật Như-lai, cũng là do một niệm sinh ra. Chỗ này chúng ta phải đặc biệt chú ý là “Một niệm”. Một niệm chính là trong “Kinh Hoa Nghiêm” gọi là sát-na tế, là sanh tướng vô minh mà đồng tu các bạn hỏi. Sanh tướng vô minh chính là nhất niệm, chính là sát-na tế. Hiện tướng xảy ra trong một niệm, sau khi sinh ra nó niệm niệm tương tục. Thời gian tương tục dài hay ngắn, chung quy là do nghiệp lực. Cho nên sau khi hiểu rõ đạo lý này rồi, chúng ta mới biết, sức mạnh của sám hối là không thể nghĩ bàn. Mặc dù tạo tác tội nghiệp cực nặng, nhưng nhất niệm sám hối có thể chuyển đổi ý nghĩ trở lại. Quý vị nên biết tất cả ý nghĩ đều là vọng niệm, đem vọng niệm chuyển đổi thành chánh niệm. Sao gọi là chánh niệm? Niệm tương ưng với tánh đức là chánh niệm. Niệm không tương ưng với tánh đức là vọng niệm, tà niệm. Niệm thị phi nhân ngã, niệm tham sân si mạn, đây là tà niệm. Niệm chư Phật Bồ-tát đó là chánh niệm. Đúng như trong kinh Phật thường nói: “Một niệm tương ưng là Phật một niệm, niệm niệm tương ưng là Phật niệm niệm.” Là cao siêu nhất rồi. Nếu như thường niệm bố thí, thường niệm trì giới, thường niệm nhẫn nhục, vậy là thành Bồ-tát rồi. Làm Phật, làm Bồ-tát, làm chúng sanh đều ở trong khoảng một niệm. Một niệm tham không biết chán thì đi vào cõi ngạ quỷ rồi. Quý vị nên biết, tham pháp thế gian đọa vào đường ngạ quỷ, tham Phật pháp cũng đọa vào đường ngạ quỷ. Tại sao vậy? Tâm tham thì đọa ngạ quỷ, chứ không nói đối tượng bạn tham. Nhưng vào đường ngạ quỷ, cũng có phước báo lớn hay nhỏ khác nhau. Tham pháp thế gian sẽ biến thành ngạ quỷ không có phước đức, người tham Phật pháp đọa vào đường ngạ quỷ cũng hưởng phước. Trong kinh nói quỷ nhiều tài vật, quỷ ít tài vật. Người tham Phật pháp là thành quỷ nhiều tài vật, người tham danh vọng lợi dưỡng thế gian là thành quỷ ít tài vật. Cho nên Phật bảo chúng ta đoạn dứt tâm tham, thì duyên đường quỷ bị đoạn dứt rồi. Mặc dù ở trong a-lại-da thức chúng ta có nghiệp nhân của đường quỷ, mà không có duyên. Có nhân không có duyên nên không thể kết thành quả, bạn tạm thời không bị đọa vào đường ngạ quỷ. Sân hận đọa địa ngục, đố kỵ, sân hận đọa địa ngục, bất kể pháp thế gian hay Phật pháp đều rất khổ. Cho nên ở trong địa ngục chỉ có thọ khổ, không có hưởng phước. Đường ngạ quỷ vẫn có người hưởng phước, đường địa ngục không có. Cho nên chúng ta ở trong đời sống thường ngày, đối với người, với sự, với vật không nên động tâm sân hận, không nên khởi tâm đố kỵ. Nhất định nên biết nếu như khởi loại tâm niệm này thì chắc chắn không có lợi ích gì đối với mình. Cảnh giới bên ngoài thường hay khiến cho mình sinh phiền não, khiến cho mình bất như ý, phải luôn nghĩ rằng đây là nghiệp chướng trong số mạng của mình, mình cần phải đón nhận, tự làm tự chịu. Trước đây tạo nhân bất thiện, bây giờ gặp phải quả báo bất thiện, tâm bình tĩnh lại, không oán trời, không trách người, là chúng ta đoạn dứt mất duyên địa ngục rồi. Mặc dù có nhân địa ngục, mà không có duyên địa ngục, nên cũng không thọ quả báo địa ngục. Đây là nói đến tam đồ. Nghiệp nhân của đường súc sanh là ngu si. Sao gọi là ngu si? Không có năng lực biện biệt chân vọng, không có năng lực biện biệt tà chánh, không có năng lực biện biệt thị phi, thường thường nghĩ đảo lộn những chân tướng sự thật này, đây là không có trí tuệ, đây gọi là ngu si. Hiện nay ở thế gian này, hiện tượng ngu si có thể nhìn thấy khắp nơi, điều quan trọng nhất là bản thân mình có ngu si hay không? Người khác ngu si là việc của họ, không có quan hệ gì lớn đối với ta. Bản thân ta ngu si, thì phiền phức đó là lớn rồi. Ngu si đọa đường súc sanh. Làm thế nào có thể tránh khỏi ngu si? Đọc kinh nhiều, nghe pháp nhiều. Ở trong đây duyên của mỗi người khác nhau. Phật ở trong kinh chỉ dạy chúng ta, vừa mở bản kinh “A Nan Vấn Sự Phật Kiết Hung” ra câu đầu tiên, Phật đã dặn dò chúng ta, phải học đạo từ minh sư, dạy chúng ta phải gần gũi thiện tri thức, bạn mới có trí tuệ. Lần này ở trong “Kinh Hoa Nghiêm” cái ý nghĩa này phải lặp lại mấy chục lần, để nhắc nhở mọi người. Ai là thiện tri thức vậy? Phật là thiện tri thức, chúng ta nên học theo Phật. Phật không còn ở đời, nương tựa theo ai? Nương tựa theo kinh điển. Đây là lời Phật dạy: “Nương theo pháp, không nương theo người”. Nhưng bạn phải hiểu được nguyên tắc, kinh luận mà trong cả đời Phật nói ra rất nhiều, bạn chỉ có thể học một loại, bạn không thể học nhiều loại. Cái ý nghĩa này là giống như thầy thuốc, bác sĩ trị bệnh cho bệnh nhân vậy. Bác sĩ chẩn đoán cho bạn, ra mấy vị thuốc cho bạn uống. Uống xong bệnh sẽ khỏi ngay. Tuyệt đối không phải nói, đem tất cả thuốc trong hiệu thuốc đó, thảy đều mua về uống. Bất kể bạn bị bệnh gì, mua toàn bộ về uống, thì chắc chắn là chết chứ không còn nghi ngờ gì cả! Đâu có loại đạo lý này? Tam tạng, 12 bộ kinh, bộ “Đại Tạng Kinh” này là cả đời Phật Thích Ca Mâu Ni nói ra, là giống như trong tiệm thuốc toàn bộ thuốc thảy đều có. Nếu bạn uống hết toàn bộ, thì chắc chắn sẽ bị chết, bạn còn có thể cứu được không? Cho nên quý vị phải biết, thuốc có thể hại người, Phật pháp cũng có thể hại người, hại pháp thân huệ mạng, hại chết người. Tôi năm xưa ở trong hội của thầy Lý có bàn đến vấn đề này với các bạn đồng học. Tôi đã nói như vậy, nhưng các bạn đồng học nghe xong không phục, đi hỏi thầy. Thầy nói, đúng, không sai! Pháp phải khế cơ. Chúng ta chỉ có thể học một môn. Phật ở trong kinh, giảng kinh thuyết pháp đều có người đương cơ, người khải thỉnh. Người đó vừa nghe họ liền khai ngộ ngay. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, Phật nói tất cả kinh không phải nói cho ta, là nói cho rất nhiều người căn tánh khác nhau của thời đó. Ta là thuộc loại căn tánh nào? Ta cần phải chọn loại nào ở trong tất cả kinh đó? Là giống như bác sĩ, họ khám qua tình trạng bệnh của rất nhiều người, và có một núi toa thuốc chất ở chỗ đó. Bây giờ bác sĩ không có ở nhà, bản thân chúng ta bị bệnh, phải làm thế nào? Nhất định phải từ trong những toa thuốc đó của họ, mà quan sát xem loại nào tương đối thích hợp đối với mình. Nếu uống sai, không những không có lợi ích, mà còn bị hại nữa. Đâu thể uống thuốc tùy tiện được? Đến ngày nay thời kỳ mạt pháp, ai là thiện tri thức? Ai có thể lựa chọn pháp môn thay cho chúng ta được? Ai làm con mắt lựa chọn pháp cho tất cả chúng sanh? Không tìm ra được loại người này. Khi chúng ta tiếp xúc thiện tri thức, nói thật sự chúng ta cũng đã đặt ra rất nhiều câu hỏi. Cho nên gần gũi một vị thầy, qua mấy ngày là đổi tâm rồi, chắc còn người cao siêu hơn ông ấy nữa, chưa chắc ông ấy chính xác, suốt cả đời đều là do dự, nghi hoặc thì sao có thể thành tựu được? Thế Tôn đại từ đại bi, biết tình trạng khó khăn của chúng sanh thời kỳ mạt pháp chúng ta sẽ gặp phải, nên Ngài ở trong “Kinh Đại Tập” bèn khai thị rõ ràng cho chúng ta, chỉ dạy chúng ta một nguyên tắc, phương hướng. Ngài nói thời kỳ chánh pháp Giới Luật thành tựu, thời kỳ tượng pháp Thiền Định thành tựu, thời kỳ mạt pháp Tịnh Độ thành tựu, đây là chỉ ra phương châm lớn, phương hướng lớn. Chúng ta ngày nay sống ở thời kỳ mạt pháp, chúng ta tuân thủ lời theo lời chỉ thị của Phật Đà, chuyên tu pháp môn Tịnh Độ, vậy thì không thể sai rồi. Kinh luận của Tịnh Tông ít hơn so với bất kỳ tông phái nào, số lượng kinh sách mà chúng ta y cứ ít. Ít nên dễ thọ trì. Nhưng mà chúng ta biết, bộ kinh đứng đầu của Tịnh Tông là “Kinh Vô Lượng Thọ”. “Kinh Vô Lượng Thọ” Thế Tôn năm xưa còn tại thế đã nhiều lần tuyên giảng, đây là một pháp môn rất đặc biệt. Cả đời Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh xưa nay không có giảng lặp lại bao giờ, chỉ có “Kinh Vô Lượng Thọ” là giảng lặp lại. Căn cứ theo tư liệu được lưu lại hiện nay, có thể chứng minh chí ít Ngài đã giảng qua ba lần, có khả năng còn nhiều hơn nữa. Nhiều lần tuyên giảng, vậy thì pháp môn này là đặc biệt quan trọng rồi. Cho nên kết tập Kinh Tạng cũng phải kết tập nhiều lần, truyền đến Trung Quốc trải qua 12 lần phiên dịch. Vô cùng đáng tiếc những bản dịch này, 12 loại bản dịch này có bảy loại bị thất truyền. Hiện nay bảo lưu lại, ở trong “Đại Tạng Kinh”, chúng ta có thể nhìn thấy năm loại. Nội dung ở trong năm loại bản dịch đại để giống nhau. Nhưng những bộ phận khác nhau này, đều vô cùng quan trọng, giúp chúng ta dứt nghi sanh tín. Cho nên kinh điển, những kinh điển mà Phật thuyết pháp này, mục đích của nó hướng đến chúng ta phải hiểu rõ. Ba Kinh Tịnh Tông, nghĩa thú của ba Kinh không thể không biết. “Kinh Vô Lượng Thọ” là Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu Tây Phương Tịnh Độ cho chúng ta, là sách thuyết minh. Giải thích rõ duyên khởi của thế giới Tây Phương là hình thành như thế nào? Lịch sử của thế giới Tây Phương, cơ sở lý luận và chân tướng sự thật xây dựng nên thế giới Tây Phương của Phật A-Di-Đà, mục đích của Phật A-Di-Đà xây dựng nên cõi Tịnh Độ này và thành tựu của Ngài, là làm một cuộc giới thiệu toàn diện, nói rõ, khiến cho người nghe thấy sinh khởi tâm hướng về, phát nguyện cầu sanh, thì mục đích của Ngài đã đạt được rồi. “Kinh Phật Quán Vô Lượng Thọ” là bổ sung thuyết minh cho “Kinh Vô Lượng Thọ”, ở trong đây có ba điểm quan trọng nhất, ba cái bổ sung.
Cái thứ nhất là bổ sung về lý luận. Trong “Quán Kinh” nói: “Tâm ấy là Phật, tâm ấy làm Phật”, đây là bổ sung trên lý luận.
Cái bổ sung thứ hai là nói rõ tường tận về phẩm vị. “Kinh Vô Lượng Thọ” chỉ nói tam bối, nói rất đơn giản. Trong “Quán Kinh” nói cửu phẩm là nói rất tỉ mỉ.
Loại thứ ba là bổ sung trên phương pháp. “Kinh Vô Lượng Thọ” nói phương pháp chỉ nói: “Phát Bồ đề tâm nhất hướng chuyên niệm”, ngoài ra còn dạy chúng ta tu phước, nói rất đơn giản. Trong “Quán Kinh” nói 16 cách quán là phương pháp. “Quán tưởng niệm Phật, quán tướng niệm Phật, trì danh niệm Phật.” Nói rất tỉ mỉ. Trì danh là cách quán thứ 16, xếp ở cuối cùng. Cuối cùng tức là quan trọng nhất, đây là thông lệ của Phật khi thuyết kinh, vở kịch hay xếp ở cuối cùng, đây là vở kịch cuối cùng, khế hợp với căn cơ của tất cả chúng sanh nhất. Trì danh niệm Phật là pháp quán thứ 16, phổ độ tất cả chúng sanh, thật sự đạt được “Trùm khắp ba hạng căn tánh, thu nhiếp hết lanh lợi hay chậm lụt.” Trên thì độ Bồ-tát đẳng giác, dưới thì độ chúng sanh địa ngục, công đức của danh hiệu không thể nghĩ bàn. Cho nên đây là thuyết minh bổ sung. Tiểu bản “Kinh Phật Thuyết A-Di-Đà”, là hoàn toàn khuyên chúng ta phát nguyện cầu sanh, kinh này không dài, trong đây Thế Tôn đã bốn lần khuyến khích, thật sự là hết lòng đắng miệng. Cho nên chúng ta nhận thức được tính chất của ba Kinh này, ba Kinh là làm việc nhất quán. Hiện nay có một số đồng tu hoài nghi bản Hội Tập, đây là sai lầm. Phật pháp phải xây dựng ở trên niềm tin thanh tịnh, có nghi chính là chướng ngại lớn. Kinh này là giới thiệu, mục đích của giới thiệu là giúp bạn khởi niềm tin phát nguyện, là đã đạt được mục đích rồi. Nếu như không có bản Hội Tập, thì cần phải đọc năm loại bản dịch gốc, rất hay. Có thể đọc được năm loại bản dịch gốc chẳng phải là quá tốt rồi sao? Nếu như bạn cảm thấy năm loại bản dịch gốc quá phiền, quá phức tạp, Đại Đức xưa bèn làm ra cái công việc này cho chúng ta là hội tập. Bản Hội Tập đầu tiên là của cư sĩ Vương Long Thư, bản Hội Tập của cư sĩ Vương Long Thư được thu thập vào trong “Đại Tạng Kinh”. Có thể thu thập vào “Đại Tạng Kinh” tức là được tổ sư đại đức xưa nay công nhận, không có sai lầm mới được thu thập vào. Không giống như hiện nay, có thể tùy tiện đem kinh để vào trong “Tạng”, thời trước đây là không được phép. Trước đây Kinh này được đưa vào Tạng là do Vua phê chuẩn. Vua căn cứ vào cái gì để phê chuẩn vậy? Căn cứ vào sự tiến cử của Cao Tăng Đại Đức đương thời, mọi người họ chấp nhận đồng ý, vậy mới được đưa vào Tạng, chứ không phải là chuyện dễ dàng. Vậy là chứng tỏ Hội Tập không có sai lầm, Hội Tập là cần thiết. Ông Hội Tập có viên mãn hay không, đó là một chuyện khác, đây chính là chứng tỏ có thể Hội Tập. Cũng giống như nếu như chúng ta giới thiệu Tây Phương Tịnh Độ cho người ta, chúng ta không có bản Hội Tập, chúng ta có thể bày ra năm loại bản, trong bản này chọn một đoạn, trong bản kia chọn một đoạn giảng cho mọi người cũng được, không phải không được. Ta chỉ cần giảng nó cho nhất quán, giảng cho thật có hệ thống, khiến cho người ta nghe thật rõ ràng, thật minh bạch, sinh khởi niềm tin, sinh khởi tâm hoan hỷ, thế chẳng phải thành tựu rồi sao? Còn về phương pháp tu hành Tịnh Độ đó là: “Phát tâm Bồ đề, nhất hướng chuyên niệm.” Chúng ta hiểu được đạo lý này, sau đó mới có thể sinh khởi tín tâm đối với bản Hội Tập này, quyết định không có hoài nghi. Hoài nghi là bản thân chúng ta đánh mất cái lợi ích này rồi. Nếu như bạn thật sự có hoài nghi, cũng không có sao cả, thì bạn không đọc bản Hội Tập, thậm chí là không đọc “Kinh Vô Lượng Thọ”. Bạn cứ chuyên nương vào “Kinh A-Di-Đà” tu học, nhất định vãng sanh. Chúng ta có nên phủ định bản Hội Tập, bài xích bản Hội Tập hay không? Chúng ta không có cái gan này. Nếu như người hội tập, đây là giả thiết, nếu như Hạ Liên Cư là Bồ-tát Quan Âm tái lai, Phật A-Di-Đà tái lai, như thế há chẳng phải chúng ta đã tạo tội lỗi lớn rồi sao? Cho nên thái độ của người cầu học, đọc sách, có thể có nghi ngờ nhưng không được phủ định, không được phép đưa ra kết luận. Chúng ta đánh dấu hỏi ở đó, tạm thời không tìm cách chứng thực thì được. Chúng ta từ bỏ pháp môn này, chúng ta vẫn còn “Kinh A-Di-Đà”, vẫn còn “Kinh Phật Quán Vô Lượng Thọ”, không được phép phỉ báng pháp. Rốt cuộc họ là thân phận gì thị hiện ở thế gian này chúng ta không biết. Người dựa theo bản hội tập này tu học, khởi niềm tin từ trong bản hội tập này rất nhiều. Thật sự nó thuận tiện, dễ đọc, dễ hiểu hơn bản dịch gốc, từ chỗ này sinh khởi tín tâm. Từ đó cho thấy nếu phỉ báng, phủ định, người này không phải ngu si thì chắc là có dụng tâm gì khác. Từ đó cho thấy Sư Thừa quan trọng. Ta học với vị thầy nào, thì vị thầy này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với ta. Ta tu học có sai, tương lai không thành tựu thì họ bị đọa địa ngục A Tỳ, cho nên quan hệ của Sư Thừa rất lớn. Thầy tôi chỉ thị cho tôi pháp môn này, người khác nói pháp môn này không đúng, tôi học với ai? Đây là mấu chốt. Có phải bạn phủ định thầy của mình để đổi thầy đi theo học với một vị thầy khác không? Thế cũng được. Hiện nay Sư Thừa không còn nữa rồi! Khó khăn liền xuất hiện. Vào trước đây, loại sự việc này rất ít xảy ra, cả đời tôi theo học với một vị thầy cố định, tôi có niềm tin đối với thầy, thầy chịu trách nhiệm đối với tôi, tôi chỉ nghe lời thầy, niềm tin này không bị dao động. Thời trước đây học trò chưa có khai ngộ là nhất định không được nghe theo lời của người khác. Tại sao vậy? Sợ niềm tin bị dao động. Sau khi khai ngộ rồi, thế thì không quan trọng nữa. Sau khi khai ngộ rồi, bạn có năng lực biện biệt chân vọng, biện biệt tà chánh, biện biệt thị phi. Đến trình độ này thì thầy sẽ để cho bạn đi ra ngoài tham học. Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham vấn, cái gì bạn cũng có thể nghe được, cái gì cũng có thể tiếp xúc được. Bạn không có định lực, không có trí tuệ, không có năng lực biện biệt, thì thầy nhất định sẽ quản lý rất nghiêm, không để cho bạn tiếp xúc, nếu tiếp xúc sẽ làm hỏng bạn. Cho nên người thế nào mới là một học trò tốt? Có thể tiếp nhận lời chỉ dạy của thầy, đây là học trò tốt. Đối với thầy bằng mặt không bằng lòng, thì thầy làm sao dạy được? Cho nên không cho phép bạn nghe nhiều, không cho phép bạn xem thấy nhiều, là để bảo vệ tâm thanh tịnh của bạn, thành tựu giới định tuệ của bạn, chứ không có gì khác. Loại khổ tâm này người làm học trò hiện nay không thể thể hội được. Người tuổi trẻ hiện nay, bị tiêm nhiễm những thứ tà tri tà kiến này. Tôi thường nói hai điều phía trước của tứ hoằng thệ nguyện họ không cần nữa. Bắt đầu học từ đâu vậy? Học rộng nghe nhiều. “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” hai điều phía trước không cần, thì họ làm sao có thể thành tựu được? Những gì học được là tà tri tà kiến, tâm địa bị ô nhiễm, tinh thần bị ô nhiễm, tư tưởng kiến giải bị ô nhiễm. Phật Bồ-tát đến cũng không có cách gì gội rửa cho bạn sạch sẽ được.
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.