Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 81

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 81 

Xin mời mở bản kinh ra, phần khoa chú quyển hạ, trang 39, Chúng ta xem kinh văn:

  “Thế Tôn! Vị lai thế trung cập hiện tại chúng sanh, nhược năng ư sở trụ xứ phương diện, tác như thị cúng dường, đắc như thị lợi ích.”

  (Bạch đức Thế-Tôn! Chúng sanh trong đời sau cùng hiện tại nay, nếu ở nơi phần đất của mình cư trụ mà có thể làm ra sự cúng dường Ngài Địa-Tạng như thế, thời được sự lợi ích như vậy’.)

  Hôm qua giảng đến chỗ này. Đây là nói người dựa theo lời chỉ dạy trong kinh điển tu cúng dường thì họ có thể được chư Phật, thiện thần gia trì và họ thu được lợi ích. Giống như mười loại lợi ích mà phía trước đã nói. Trong mười loại lợi ích thì chín loại phía trước đều là lợi ích thế gian. Loại sau cùng là: “Đa ngộ thánh nhân” (Thường gặp các bậc thánh). Đây là được lợi ích xuất thế gian, và lợi ích này là thù thắng vô cùng. Đây chính là nói phương pháp tu hành thoát khỏi thế gian. Giống như trong kinh luận thường nói, nghe pháp, khai ngộ, tu hành, bố thí, phần trước nói với chúng ta tu phước ở trong Tam Bảo, ở trong kinh đức Phật nói cho chúng ta biết đa ngộ thánh nhân chính là thường gặp thiện tri thức, thường hay gặp được hóa thân của những bậc thánh hiền như Phật, Bồ Tát, La-Hán. Những vị bạn lành này, họ có thể giúp chúng ta xa lìa pháp ác, tăng trưởng pháp thiện, có thể giúp chúng ta khôi phục giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, đây là trong kinh gọi là “Ngũ phần pháp thân”, đây là nhân duyên của thánh hiền. Nếu như chúng ta thường hay gặp được thì đây là sự việc tốt, là dịp may mắn vô cùng trong thế gian và xuất thế gian. Ở chỗ này đức Phật dạy cho chúng ta biết thường hay cúng dường, ở trong cúng dường quan trọng nhất là cúng dường y giáo tu hành. Cúng dường Bồ Tát Địa Tạng, được oai thần của Bồ Tát Địa Tạng gia trì, thì mới có thể có được sự gặp gỡ thù thắng này. “Tác như thị cúng dường, đắc như thị lợi ích.” (Làm ra sự cúng dường Ngài Địa-Tạng như thế, thời được sự lợi ích như vậy’.) Xem tiếp dưới đây, đoạn thứ hai là lợi ích của việc đọc kinh, cúng tượng. Mời xem kinh văn:

  “Phục bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Vị lai thế trung, nhược hữu thiện nam tử thiện nữ nhân.”

 (Vị Kiên Lao Địa Thần lại bạch với đức Phật rằng:

‘Bạch đức Thế-Tôn! Trong đời sau này, như có người thiện nam kẻ thiện nữ nào.)

  Đây là người hay tu, đặc biệt chú ý đến chữ “thiện” ở trong kinh văn nói, đây là chữ mấu chốt.

  “Ư sở trụ xứ, hữu thử kinh điển cập Bồ Tát tượng.”

 (Ở trong chỗ của mình cư trụ mà có kinh điển này cùng hình tượng của đức Địa-Tạng Bồ Tát.)

  “Hữu thử kinh điển” (Có kinh điển này) chính là chỉ bộ kinh này, là “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện”. Trong nhà bạn có bộ kinh điển này, và có cúng dường hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, đây là nhân duyên được phước.

  “Thị nhân cánh năng chuyển độc kinh điển, cúng dường Bồ Tát, ngã thường nhật dạ dĩ bổn thần lực vệ hộ thị nhân, nãi chí thủy hỏa đạo tặc, đại hoạnh tiểu hoạnh, nhất thiết ác sự tất giai tiêu diệt.”

  (Người đó lại có thể đọc tụng kinh điển này và cúng dường hình tượng của Bồ Tát. Thời con dùng thần lực của con thường hộ vệ người đó, cho đến tất cả sự tai họa như nước, lửa, trộm, cướp, nạn lớn, nạn nhỏ, v.v… thảy đều tiêu sạch’.)

 Đây là lời báo cáo của Kiên Lao Địa Thần lên đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài phát tâm hộ pháp. Kiên Lao Địa Thần dùng cách nói hiện nay của chúng ta mà nói là vị thần đất lớn nhất ở trên địa cầu chúng ta, địa vị của Ngài còn cao hơn cả vua Diêm La. Vua Diêm La giống như vị vua của một nước, còn Ngài là vị vua của toàn thế giới, vua Diêm La cũng phải nghe lời Ngài, Ngài là vị thần đất của cõi Diêm Phù Đề. Giống như chúng ta ngày nay gọi là lãnh tụ của toàn thế giới. Phước báo của Ngài rất lớn, quyền lực cũng lớn, uy thế hơn người. Đoạn sau cùng này ở trong kinh văn là đoạn mấu chốt:

“Thị nhân cánh năng chuyển độc kinh điển, cúng dường Bồ Tát.”

(Người đó lại có thể đọc tụng kinh điển này và cúng dường hình tượng của Bồ Tát.)

  Tám chữ này, tám chữ này rất quan trọng. Ngài không có nói là: “Thị nhân năng độc kinh điển” (Người đó có thể đọc kinh điển.) Ngài nói là “Thị nhân chuyển độc kinh điển” (Người đó có thể chuyển đọc kinh điển) Ý nghĩa của chữ chuyển là gì? Mỗi ngày bạn đọc tụng kinh điển, mỗi ngày đọc một trăm lần cũng không có tác dụng. Thiên Lao Địa Thần có phù hộ cho bạn không? Không thể. Nếu như bạn chuyển đọc kinh điển thì sẽ tương ưng với nguyện của Ngài. Quý vị thử nghĩ xem ý nghĩa của chữ chuyển này là gì? Cổ đức thường nói: “Tùy văn nhập quán” đó chính là chuyển. Đọc thấy lời giáo huấn trong kinh văn thì tâm niệm liền chuyển. Cho nên chuyển là y giáo phụng hành, bạn mỗi ngày đọc, mỗi ngày nhớ nghĩ, mỗi ngày làm theo. Chuyển là đem suy nghĩ của chúng ta chuyển trở lại, đem hành vi của chúng ta chuyển trở lại, dựa theo lý luận và giáo huấn của kinh điển. Cho nên chuyển độc kinh điển, chính là cúng dường tu hành đúng như đã dạy, vậy gọi là chuyển, dùng công đức đó cúng dường Bồ Tát. Cho nên cúng dường Bồ Tát không phải ở trên hình thức như; mỗi ngày thắp hương, cúng nước, cúng trái cây cho Ngài, không phải ở những thứ này. Là phải dùng tâm thành kính tu hành, tu hành nghiêm túc để cúng dường, điểm này rất quan trọng. Bạn có tấm lòng thành này thì đương nhiên ở trên hình thức cũng sẽ làm được. Không có thành ý, dù trên hình thức làm được cũng không có tác dụng. Quan trọng nhất là bạn phải có thành ý. Mấu chốt là ở chữ “Chuyển”. Chuyển chính là chuyển phàm thành thánh, chuyển phiền não thành Bồ-đề, chuyển mê thành ngộ, chuyển nhiễm thành tịnh, đều ở chỗ chuyển biến, nên chữ này là chữ mấu chốt. Thật sự có thể dựa theo lời chỉ dạy trong kinh điển chuyển trở lại: “Ngã thường nhật dạ.” (Con thường ngày đêm). Ngã là Kiên Lao Địa thần tự xưng. Địa thần đang ngày đêm:

  “Dĩ bổn thần lực vệ hộ thị nhân, nãi chí thủy hỏa đạo tặc, đại hoạnh tiểu hoạnh, nhất thiết ác sự tất giai tiêu diệt.”

  (Dùng thần lực của con thường hộ vệ người đó, cho đến tất cả sự tai họa như nước, lửa, trộm, cướp, nạn lớn, nạn nhỏ, v.v… thảy đều tiêu sạch’.)

 Những việc ác này là do ác nghiệp của bạn tạo tác trong quá khứ và đời nay chiêu cảm nên, bạn vốn dĩ sẽ gặp phải. Bởi vì bạn có thể y giáo tu hành, cúng dường Bồ Tát Địa Tạng, nên Kiên Lao Địa Thần bảo vệ bạn. Tuy trong số mạng của bạn phải gặp những kiếp nạn này, nhưng cũng đều có thể tránh được. Đoạn này ở trong chú giải có mấy câu quan trọng chúng ta hãy đọc qua một lược. Chúng ta bắt đầu xem từ chính giữa hàng thứ nhất: “Thử kiến địa thần hộ pháp chi tâm” (Do đó thấy tâm hộ pháp của Địa Thần) Trong đoạn kinh văn này chúng ta xem thấy: “Dữ Quang Minh hội thượng phát nguyện hộ kinh đồng. Bỉ vân: Nhược tùy thị kinh điển sở lưu bố xứ, ngã đương tại trung thường tác túc vệ thị dã.” (“Giống như lời phát nguyện trong hội Kim Quang Minh. Ý nghĩa này giống nhau, Ngài nói: Nếu ở những nơi kinh điển này được phổ biến lưu thông, tôi đều thường ở đó bảo vệ kinh điển”.) Đây là nêu ra lời phát nguyện hộ kinh ở trên hội Quang Minh, lời này để ấn chứng cho chỗ này. Kiên Lao địa thần quả thật đã phát cái nguyện này, vả lại không chỉ một lần. Ba hàng sau cùng của chú giải, chúng ta bắt đầu xem từ giữa hàng thứ ba đếm ngược lên, chúng ta cũng đọc qua nó một lần. “Thế hữu bất tín chi nhân, vị thị dụ tấn chi ngữ.” (Trong thế gian có người không tin, cho đây là lời khuyến dụ.) Đây là nói trong thế gian có người không tin, họ cho rằng những lời này của đức Phật Thích Ca Mâu Ni đều là khuyên người ta làm thiện, chứ không phải sự thật. Người có cách nhìn nhận kiểu này rất nhiều, họ cho rằng đức Phật nói về những chuyện nhân quả báo ứng này, làm gì có chuyện này? Còn không phải đều là Phật Thích Ca Mâu Ni khuyên người ta làm thiện hay sao, là lời nói phương tiện mà thôi. Dưới đây nói: “Khỉ bất văn tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương” (Há chẳng nghe câu: Nhà nào tích thiện thì ắt có thừa niềm vui, nhà nào tích bất thiện thì ắt có thừa tai ương.) Lời nói này chẳng phải lời Phật nói, đây là lời của cổ nhân Trung Quốc nói. Lời nói này xuất phát từ “Kinh Dịch”.

 “Hựu bất văn xuất ngôn thiện, thiên lý chi ngoại ứng chi. Xuất ngôn bất thiện, thiên lý chi ngoại vi chi.” (Lại không nghe nói rằng: Nói ra lời lành thì nghìn dặm hưởng ứng, nói ra lời chẳng lành thì nghìn dặm chống đối.) Bạn có từng nghe nói bao giờ chưa? Hai câu này cũng là lời đại đức xưa nói. Có phải sự thật hay không? Là sự thật. Nếu như chúng ta nói lời lành, đặc biệt là thời đại này hiện nay, bạn nói ra lời lành từ trong tâm chân thành, là vì lợi ích xã hội, vì lợi ích chúng sanh chứ không có vì mình, khi nói ra lời này. Hiện nay công cụ thông tin phát triển hơn thời xưa, đặc biệt là ghi hình, ghi âm, sau khi lưu truyền ra người khác nghe thấy sinh tâm hoan hỷ sẽ sinh ra sức cộng hưởng. Người nghe thấy sinh tâm hoan hỷ, không những bản thân hoan hỷ, mà họ còn tự động giới thiệu nó cho bạn bè thân thích, một truyền ra mười, mười truyền ra trăm, thật sự là ngoài nghìn dặm cũng hưởng ứng theo. Chúng ta ở nơi đây tuyên dương lời dạy thiện lành của Thế Tôn, đề xuất, giới thiệu với quảng đại quần chúng trên toàn thế giới, sự phản hồi mà chúng ta nhận được, khiến chúng ta sinh tâm hoan hỷ, trong khoảng thời gian không quá dài, ở trên thế giới này có đến hàng vạn ức người sinh tâm hoan hỷ, vui vẻ tiếp nhận. Chúng tôi không có làm công việc tuyên truyền gì đặc biệt cả, chúng tôi cũng không có tổ chức, chúng tôi cũng không có tốn tiền, không có dùng tiền bạc hay những phương thức khác để thúc đẩy hoạt động, không có. Chỉ là đem lời nói, hành vi lành của Phật pháp xuất phát từ trong tâm chân thành mà khuyên bảo, nói cho mọi người nghe mà thôi. Cũng vậy chúng tôi cũng nhìn thấy được: “Xuất ngôn bất thiện, thiên lý chi ngoại vi chi” (Nói ra lời chẳng lành thì ngoài nghìn dặm sẽ chống đối.) Có một số tà giáo cũng lợi dụng đại chúng để truyền bá, nghe nói cũng có thể hưng thịnh nhất thời. Đúng như lời Ngạn ngữ nói: “Thiệt vàng sợ chi lửa”. Thính chúng nghe lời tà sư nói, rồi họ nghe lời Phật Bồ Tát nói, khi so sánh hai lời này với nhau, họ sẽ biết lấy bỏ. Cho nên hiện nay sự truyền bá Phật pháp càng ngày càng hưng thịnh, sự truyền bá của tà giáo ngày càng khó khăn, nguyên nhân là ở chỗ này. Có thể thấy cổ nhân nói lời này là không có sai. “Ngôn hạnh nãi quân tử chi xu cơ, động thiên địa, cảm quỷ thần, đắc bất kính thả thận hồ.” (Ngôn hạnh là then chốt của người quân tử, nó có thể cảm động trời đất, cảm động quỷ thần, nếu chướng ngại có thể phạm tội bất kính, nên hãy cẩn thận.) Câu sau cùng này là khuyến khích chúng ta. Nói lời hay, cổ đức có câu: “Thế gian hảo ngữ Phật thuyết tận” Nghĩa là nói lời hay trong thế gian đức Phật đã nói hết rồi. Chúng ta nói như thế nào cũng không thể thoát khỏi phạm vi mà đức Phật đã nói được. Thực ra lời Phật nói đều là từ trong tự tánh chúng ta lưu xuất ra, do tánh đức khởi dụng. Trong Kinh Đại Thừa thường nói: “Thập phương tam thế Phật cộng đồng nhất pháp thân” (Phật mười phương ba đời cùng chung một pháp thân) Là từ trong pháp thân lưu xuất ra. Pháp thân của chúng ta với pháp thân của chư Phật Như Lai là một không phải hai. Hay nói cách khác những gì Phật nói chính là bộc lộ ra từ tánh đức của mình. Đúng như câu nói: “Ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm”. Những gì Phật nói là điều lành trong tánh đức của chúng ta, chúng ta cần phải biết rõ, cho nên nó có thể cảm động tất cả chúng sanh, không những có thể cảm động người, mà còn có thể cảm động chúng sanh trong chín pháp giới. Mời xem kinh văn dưới đây:

  “Phật cáo Kiên Lao địa thần: “Nhữ đại thần lực chư thần thiểu cập”

  (Đức Phật bảo Kiên Lao Địa Thần rằng: ‘Thần lực rộng lớn của ông, các thần khác ít ai bằng’.)

  Đây là lời khen ngợi của Thế Tôn đối với địa thần. “Chư thần thiểu cập” (Các thần khác ít ai bằng’). “Chư thần” tất cả là chỉ địa thần. Kiên Lao là vị địa thần lớn nhất trên địa cầu. Các châu cũng có địa thần, mỗi quốc gia cũng có địa thần. Giống như chúng ta thường nói thần núi, thổ địa, thành hoàng, đó là địa thần nhỏ. Thành hoàng là một vị địa thần cấp quận huyện, thổ địa là vị địa thần giống như cấp trưởng làng xã, cho nên địa thần có lớn nhỏ khác nhau, Kiên Lao Địa Thần là lớn nhất. Những vị địa thần khác đương nhiên không bằng Ngài. Trong tiểu chú có nêu ra việc: “Thiện Tài tham vấn địa thần An Trụ”. Thiện Tài Đồng Tử đi tham vấn cũng có tham vấn địa thần. “Thời bách vạn địa thần các phóng quang minh.” (Lúc đó trăm vạn địa thần đều phóng ra ánh sáng sáng tỏ.) Có thể thấy có rất nhiều địa thần. Ở trong nhiều vị địa thần đó thì Kiên Lao địa thần là lớn nhất. Bên dưới đã nói ra:

  “Hà dĩ cố, Diêm Phù thổ địa tất mông nhữ hộ.”

  (Vì cớ sao? Vì đất đai trong cõi Diêm Phù Đề đều nhờ ông hộ trợ.)

  Ông là vị địa thần lớn nhất của cõi Diêm Phù Đề.

  “Nãi chí thảo mộc sa thạch, đạo ma trúc vi, cốc mễ bảo bối, tùng địa nhi hữu, giai nhân nhữ lực.”

  (Cho đến cỏ cây, cát đá, lúa mè, tre lau, gạo thóc, của báu, tất cả những thứ từ đất mà có ra đều nhờ nơi sức thần của ông cả.)

  Những sinh vật ở trên mặt đất này, và vô lượng khoáng vật ở dưới đất hàm chứa. “Bảo bối” là khoáng vật, đều không có rời khỏi đất. Những thứ này đều là do Kiên Lao địa thần quản lý. Ngài có sức mạnh to lớn để hộ trì. Tuy Ngài có thể hộ trì, nhưng mà thân nhân duyên vẫn là do nghiệp lực của chúng sanh. Kiên Lao hộ thần là tăng thượng duyên mà thôi. Cũng giống như lời giáo huấn của chư Phật Như Lai đối với chúng ta vậy, chỉ làm tăng thượng duyên cho chúng ta, còn thân nhân duyên, sở duyên duyên, vô gián duyên, nhất định phải do mình tạo tác. Thân nhân duyên chính là ý nghĩ thiện ác. Nhà khoa học hiện nay họ hiểu, toàn bộ tất cả hiện tượng vật chất, lấy nguyên tố làm nền tảng. Nguyên tố phân tích tiếp nữa, phân tích thành phân tử, nguyên tử, hạt, phân tích đến cuối cùng là giống nhau. Toàn bộ tất cả hiện tượng vật chất trong thế gian là cùng do một thứ tổ hợp nên. Đúng như lời Thế Tôn nói trong “Kinh Kim Cang” là: “Nhất hiệp tướng”. Ý nghĩa của câu nói nhất hiệp tướng này rất sâu. Hiệp là tổ hợp. Là do một loại vật chất tổ hợp thành nguyên tử khác nhau. Nguyên tử lại tổ hợp tiếp thành phân tử khác nhau, phân tử lại tổ hợp tiếp thành nguyên tố khác nhau, cứ phát triển như vậy mà thành ra thế giới. Vô lượng vô biên hình dạng, màu sắc cảnh quang vật chất là do nhất hiệp tướng. Từ hạt tổ hợp thành nguyên tử, nguyên tử tổ hợp thành phân tử, phân tử tổ hợp thành nguyên tố. Sức mạnh nào đang ở đó làm chủ nó vậy? Hiện nay nhà khoa học quan sát là do hóa học. Hóa là biến hóa. Họ cho rằng đây là hiện tượng của vật lý, hóa học. Đây là họ quan sát từ bên ngoài. Ai làm chủ hiện tượng vật lý, hóa học này? Tâm người. Đức Phật nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh.” Nếu như tâm của mỗi người đều thiện, tâm của mỗi người đều tịnh, tâm của mỗi người đều từ bi, đều chân thành thì nó sẽ tổ hợp thành trân bảo. Người thế gian chúng ta gọi là bảy báu. Cát đá cũng sẽ biến thành bảy báu. Làm sao biến đổi? Do tâm người biến đổi. Nếu như tâm chúng ta là tà ác, thì tổ chức bảy báu đó sẽ phân hủy, biến thành cát, biến thành sỏi đá. Nó là một thứ.

  Cho nên tại sao chư Phật Bồ Tát ra đời. Tâm người trong thế gian này lương thiện, thì ngũ cốc được mùa, bảy báu tràn đầy. Khi con người đều tạo tác mười nghiệp ác, chứa đầy tà tri tà kiến thì những thứ bảy báu này đều không còn, ẩn mất. Trong kinh đức Phật thường dùng chữ ẩn mất này để thuyết minh. Không phải ẩn mất, mà phân hóa rồi, biến đổi thành cát, là sỏi đá. Đúng như lời đức Phật nói trong kinh: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”. Lại thường nói: “Cảnh chuyển theo tâm”. Tâm Phật chân thành, tâm Phật chí thiện, tâm Phật đại từ, cho nên cõi nước đức Phật cư trú, chúng ta thấy thế giới Hoa Tạng trong “Kinh Hoa Nghiêm”, trong kinh Vãng Sanh nói thế giới Cực Lạc, ngay cả cây cối, hoa cỏ ở đây cũng đều do đủ thứ trân bảo tạo nên. Không phải giống như cây cỏ ở trong thế gian này của chúng ta. Cây cỏ ở thế giới Tây Phương Cực Lạc là trân bảo. Có phải người bên đó cố ý tạo hay không? Không phải. Là tự nhiên biến hóa, chúng ta phải hiểu được đạo lý này. Y chánh trang nghiêm mọi thứ thọ dụng không lìa tự tâm. Tâm địa chân thành, lương thiện, từ bi là vô cùng vô cùng quan trọng. Chúng ta hy vọng có đời sống hạnh phúc, hy vọng có đời sống tốt đẹp, tu từ đâu vậy? Tu từ trên tâm địa.

  Tôi nghe nói gần đây ở Trung Quốc người niệm Phật rất nhiều, người đọc “Kinh Vô Lượng Thọ” rất nhiều, tôi nghe xong thấy rất hoan hỷ. Trước đây đã từng có người nói, thế kỷ 21 là thế kỷ của người Trung Quốc. Hiện nay nhìn từ trên những hiện tượng này, chúng tôi càng có niềm tin hơn. Người Trung Quốc quay đầu rồi, người Trung Quốc lương thiện, người Trung Quốc có thể học theo Phật. Đức Phật là người thiện đứng đầu trong thế gian và xuất thế gian. Mọi người đều có thể đoạn ác tu thiện, có rất nhiều người nói thế gian này có rất nhiều tai nạn. Tâm thiện, hành vi thiện, trong kinh nói: “Thủy hỏa đạo tặc, đại hoạnh tiểu hoạnh, nhất thiết ác sự tất giai tiêu diệt” (Cho đến tất cả sự tai họa như nước, lửa, trộm, cướp, nạn lớn, nạn nhỏ, v.v… thảy đều tiêu sạch’.) Người Trung Quốc sẽ không bị gặp nạn. Làm sao biết không bị gặp nạn vậy? Trong kinh đức Phật nói. Người Trung Quốc tin lời Phật Bồ Tát dạy, dựa theo lời chỉ dạy của Phật Bồ Tát mà sửa lỗi tu thiện, thì tự nhiên được quả báo tốt. Quốc gia khu vực này được chư Phật hộ niệm, thiện thần ủng hộ, thì sao họ có thể bị nạn được? Có lẽ có người nói, Trung Quốc bị kiếp nạn lũ lụt lần này rất nặng, không sai. Nếu như thử xem năm tới, năm tới nữa, nếu như trên thế giới có xảy ra tai nạn lớn, thì người Trung Quốc bị tai nạn như vậy là rất nhỏ, không phải tai nạn lớn. Chứng tỏ cho thấy người Trung Quốc lương thiện, người Trung Quốc trí tuệ, thiện căn phước đức của người Trung Quốc sâu dày, là hiện tượng đáng mừng. Chúng tôi rất tin tưởng, biết rất rõ Trung Quốc lớn mạnh sẽ mang lại hòa bình vĩnh cửu cho thế giới, sẽ mang lại niềm an vui chân thật cho thế gian. Người nước ngoài có thể hiểu được văn hóa lịch sử Trung Quốc, họ cũng rất tin tưởng.

  Ở trong chú giải có trích dẫn một đoạn trong “Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt.” Tôi sẽ đọc qua một lần, trang bốn mươi mốt của chú giải, đếm ngược hàng thứ sáu, bắt đầu xem câu sau cùng. “Chuẩn Nghiệp Báo Sai Biệt Kinh vân”. Chuẩn tức là căn cứ. Căn cứ lời trong “Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt” nói. Trong kinh văn nói như thế này. “Phục hữu thập nghiệp năng lệnh chúng sanh đắc ngoại ác báo. Nhược hữu chúng sanh ư thập bất thiện nghiệp đa tu tập cố, cảm chư ngoại vật tất bất cụ túc.” (Lại có mười nghiệp có thể khiến cho chúng sanh bị ác báo bên ngoài. Nếu có chúng sanh thường làm những thứ trong số mười nghiệp bất thiện, cảm đến [quả báo] các ngoại vật thảy đều không đầy đủ.) Mấy câu nói này là nói đến mười nghiệp ác. Nếu như tất cả chúng sanh trong khu vực này đều tạo mười nghiệp ác. Mười nghiệp ác mọi người đều rất quen thuộc; Thân tạo sát, đạo, dâm, là sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Miệng nói lời vọng ngữ, nói lưỡi đôi chiều. Lưỡi đôi chiều là bới móc, thị phi. Ác khẩu, ỷ ngữ. Ỷ ngữ là nói lời thêu dệt, lừa dối chúng sanh. Trong ý, trong tâm tràn đầy tham, sân, si, đây là mười nghiệp ác. Người trong khu vực này đều tạo mười nghiệp ác thì họ sẽ cảm thọ quả báo. Giống như nạn nước, nạn lửa, trộm cướp, chiến tranh những nạn lớn nhỏ mà phần trước trong kinh này nói, họ sẽ thường gặp phải tất cả việc ác, tầng suất thiên tai nhân họa xảy ra không ngớt. Do đâu mà có vậy? Do mười nghiệp ác chiêu cảm nên. Ngày nay chúng ta phát tâm học theo đức Phật Thích Ca Mâu Ni, học theo Vô Lượng Thọ Phật, học theo Bồ Tát Địa Tạng, xa lìa mười nghiệp ác. Không những chúng ta không tạo mười nghiệp ác, mà còn quay lại tu mười nghiệp thiện. Tiếp theo xem dưới đây, đây vẫn là kinh văn, bởi vì kinh văn trong đó đã bị lược bớt. “Nhược tu thập thiện nghiệp dữ thượng tương vi.” (Nếu tu mười nghiệp thiện thì trái lại với mười nghiệp ác nói trên) Chúng ta tu thập thiện. Thập thiện là; “Thân” không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, đây là thân thiện. “Khẩu” không nói dối, không nói đôi chiều, không nói lời thô ác, không nói lời thêu dệt, là khẩu thiện. Trong “ý” thì không tham, không sân, không si. Chúng ta xoay trở lại tu mười nghiệp thiện.

  “Thử nhân chúng sanh ác nghiệp xí thạnh. Dĩ trí địa thần bất hộ giảm tổn vạn vật.”

  (Do vì ác nghiệp của chúng sanh quá mạnh, đến nỗi địa thần chẳng hộ vệ, giảm tổn vạn vật)

  Câu này là nói tu mười nghiệp ác, chúng sanh tạo thập ác, địa thần không hộ trì, cho nên tất cả vạn vật bị giảm bớt, đời sống nhân dân bị khổ rồi.

  “Nhược đa tu đức, tăng kỳ uy lực vạn vật gia mỹ.”

  (Nếu tu đức nhiều, sẽ làm tăng oai lực, khiến cho vạn vật thêm tốt tươi.)

Nếu như chúng ta xoay trở lại dứt mười nghiệp ác, tu mười nghiệp thiện, đây là tăng trưởng oai đức của địa thần, địa thần nhìn thấy mọi người tu thiện, Ngài sẽ cảm thấy rất vinh dự, rất vẻ vang, Ngài sẽ sai địa thần thuộc hạ của mình hộ trì chúng sanh, khiến cho vạn vật thêm tốt tươi. Những lời này là do đức Phật nói. Ai có thể tin lời đức Phật nói? Chúng ta có trách nhiệm giới thiệu, tuyên dương cho đại chúng, nhất định phải đem lý này nói cho rõ ràng, sự phải chỉ bày cho minh bạch, thì đại chúng mới sinh khởi niềm tin được. Trước tiên xây dựng niềm tin, hiểu rõ chân tướng sự thật, chúng ta mới thật sự chịu quay đầu, y giáo tu hành, thì lợi ích là vô lượng vô biên. Xem tiếp kinh văn dưới đây:

  “Hựu thường xưng dương Ðịa Tạng Bồ Tát lợi ích chi sự, nhữ chi công đức cập dĩ thần thông, bách thiên bội ư thường phân địa thần.”

  (Nay ông lại tuyên bày những sự lợi ích của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát, thời công đức và thần thông của ông lại càng thêm trăm nghìn lần trội hơn lúc thường)

  Đây là sự khen ngợi của Thế Tôn đối với Kiên Lao địa thần. Ngài có thể khen ngợi tán dương sự tướng lợi ích chúng sanh của Bồ Tát Địa Tạng ngay giữa đại chúng trong pháp hội này. Đây là điều chúng ta đọc thấy trong kinh này. Công đức của lễ kính, xưng dương, khen ngợi cúng dường là vô lượng vô biên. Ở đây đức Phật khen ngợi công đức của Bồ Tát.

  “Cập dĩ thần thông” (Và thần thông của ông). Năng lực của Ngài hộ trì Phật pháp, hộ trì chúng sanh, hộ trì đất đai vạn vật, năng lực này rất lớn. “Bách thiên bội ư thường phân địa thần.” (Lại càng thêm trăm nghìn lần trội hơn lúc thường) Đây là điểm mà các địa thần bình thường không thể sánh bằng. Trong đoạn chú giải này có mấy câu chúng ta đọc qua một lược. “Xưng dương tán thán nãi Phổ Hiền thập nguyện trung đệ nhị môn” (Tán dương, khen ngợi là hạnh nguyện thứ hai trong mười hạnh nguyện Phổ Hiền.) Đại nguyện Phổ Hiền có mười hạnh nguyện: Thứ nhất là “Lễ kính chư Phật”, thứ hai là “Xưng tán Như Lai”. Hôm nay tại nơi đây Ngài tán dương khen ngợi hạnh Phổ Hiền. “Nhất niệm xưng dương vạn đức tự cụ.” (Một niệm tán dương khen ngợi thì muôn đức tự đầy đủ.”. Có rất nhiều người không hiểu được cái hay và lợi ích của sự tán dương, khen ngợi. Nếu như bạn muốn hỏi lợi ích đích thực của giảng kinh thuyết pháp là ở chỗ nào? Có lẽ ngay cả người giảng kinh thuyết pháp cũng rất ít người biết. Lợi ích đích thực là hiển bày tánh đức của mình. Tất cả kinh luận mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói là được lưu xuất ra từ trong tự tánh. Chúng ta đọc tụng, tán dương. Tuyên giảng là tán dương, chính là tán dương tánh đức của mình. Mượn tánh đức của Phật Thích Ca Mâu Ni hiển bày ra để khơi dẫn tánh đức của mình, đây là công đức không thể nghĩ bàn, là lợi ích chân thật, là cái hay đích thực. Một người tu hành không thể minh tâm kiến tánh, nếu như thường xuyên giảng kinh, trải qua thời gian không có gián đoạn, họ nhất định sẽ minh tâm kiến tánh. Tại sao vậy? Hằng ngày ở đây tuyên dương tánh đức, ở trong chúng ta là mỗi ngày đang huân tu, mỗi ngày đang huân tập, nên vô tình tánh đức cũng bộc lộ ra, đạo lý nó là như vậy. Chỉ sợ là bạn không chịu tuyên giảng, bạn thường hay gián đoạn, thế thì vô phương rồi. Nếu như không gián đoạn, hoan hỷ giảng. Hoan hỷ giảng là loại thứ tư “Nhạo thuyết vô ngại biện” trong bốn biện tài vô ngại. Chữ Nhạo đó chính là hoan hỷ giảng. Hoan hỷ giảng cho người khác nghe, thích khuyên người ta đoạn ác tu thiện, thích nhìn thấy người khác được phước, đây là công đức không thể nghĩ bàn của tán dương khen ngợi. Dưới đây nói: “Nhất niệm xưng dương vạn đức tự cụ.” (Một niệm tán dương khen ngợi, muôn đức tự đầy đủ). Hai chữ “Tự cụ” này rất quan trọng. “Cố chư Phật tử phàm lai pháp hội, sơ kiến cửu văn, tuyên lưu Phạn Bối.” (Do đó các Phật tử, khi đến pháp hội kẻ mới học, người tu lâu, nên tuyên lưu Phạn Bối.) Bởi do nguyên nhân này. Phật tử là học trò của đức Phật, phát nguyện học tập theo đức Phật. Khi đến pháp hội, sơ kiến là mới học. Cửu văn là tu lâu ngày. Bất kể là bạn mới học hay là tu lâu ngày, bạn phải có trách nhiệm tuyên lưu Phạn Bối. Tuyên lưu Phạn Bối là giảng kinh thuyết pháp. Khen ngợi lời giáo huấn của Phật Đà. Dưới đây nói: “Kim địa thần bất duy năng chủ Diêm Phù Đề vật.” (Nay địa thần không những chỉ có thể chủ quản vạn vật ở cõi Diêm Phù Đề.) Chủ là chủ quản. Ngài cai quản hết thảy mọi vật ở trên đất trong cõi Diêm Phù Đề, đây là chức vụ của Ngài. “Phục cánh tán dương Địa Tạng lợi ích chi sự.” (Lại còn khen ngợi việc lợi ích của ngài Bồ Tát Địa Tạng.) Việc này hiếm có. Ngài xứng đáng là đệ tử của Phật, Ngài có thể khen ngợi. “Tắc vi hộ pháp địa thần.” (Bèn làm địa thần hộ pháp) Ngài làm tròn chức trách bổn phận địa thần của mình, hơn nữa còn có thể hộ trì Phật pháp, có thể y giáo tu hành. “Kỳ phước nghiệp, tuệ nghiệp tự nhiên thâm quảng, công đức thần thông diệc phả tư nghị” (Nên phước nghiệp và tuệ nghiệp của Ngài tự nhiên sâu rộng, công đức, thần thông cũng không thể nghĩ bàn) Đây là lời tán dương đối với địa thần, trong kinh đức Phật tán dương địa thần, trong chú giải là pháp sư Thanh Liên cũng tán dương địa thần. Ý nghĩa ở trong đây chúng ta nhất định phải hiểu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *