Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 88

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 88

  “Nhược thiên nhược long, nhược nam nhược nữ, nhược thần nhược quỷ, nãi chí lục đạo tội khổ chúng sanh, văn nhữ danh giả, kiến nhữ hình giả, luyến mộ nhữ giả, tán thán nhữ giả, thị chư chúng sanh ư vô thượng đạo tất bất thoái chuyển, thường sanh nhân thiên cụ thọ diệu lạc, nhân quả tương thục, ngộ Phật thọ ký.”

  (Những hàng Trời, Rồng, hoặc Quỉ, cho đến chúng sanh mắc phải tội khổ trong sáu đường nếu kẻ nào nghe danh hiệu của ông, thấy hình tượng của ông, hay mến tưởng đến ông cùng khen ngợi ông. Thời những chúng sanh ấy đều ở nơi đạo vô thượng chánh giác quyết chẳng còn thối chuyển, thường được sanh vào cõi người, cõi trời hưởng đủ sự vui vi diệu, khi nhơn quả sắp thành thục liền được Phật thọ ký cho.)

  Đoạn này là đức Thế Tôn khen ngợi Bồ Tát Quán Thế Âm. Bồ Tát Quán Âm thật sự có nhân duyên rất lớn với thế gian này của chúng ta. Thế gian này bao gồm cả mười pháp giới Ta Bà, phạm vi rất lớn. Chúng sanh trong mười pháp giới, nhất là chúng sanh tội khổ trong lục đạo. Đức Thế Tôn trong “Kinh Vô Lượng Thọ” đã nói cho chúng ta biết, khi chúng ta gặp phải tai nạn lớn, chỉ cần nhất tâm xưng niệm Bồ Tát Quán Thế Âm liền có thể thoát khỏi tai nạn. Lời nói này chúng ta mới nghe qua, thấy hình như là mê tín. Thực ra nó thật sự là có căn cứ lý luận. Điều quan trọng nhất ở trong đây là nhất tâm xưng niệm, thì mới có thể hóa giải được tai nạn. Tai nạn được hình thành như thế nào? Là do hiện tượng của những sóng niệm ác và tập khí ác hiện ra. Khi nhất tâm xưng niệm, thì tâm này của bạn là thanh tịnh, bình đẳng. Bạn phát ra cái sóng này nó sẽ quấy nhiễu với sóng lên xuống bất định đó. Nếu như lực sóng này của bạn mạnh, bạn quấy nhiễu nó, nó không thể quấy nhiễu bạn. Thanh tịnh, bình đẳng sẽ san bằng sóng tập khí ác và niệm ác, vậy là hiện tượng tai nạn được hóa giải rồi, đạo lý là ở chỗ này. Hiện nay nhà khoa học cũng hiểu được đạo lý này, nhưng nói không được rõ ràng như thế này. Họ phát hiện cả thế giới, thời trước đây nói còn có vật chất, nhưng theo cách nói hiện nay thì vật chất là hoàn toàn không tồn tại. Hiện tượng vật chất là do hiện tượng sóng tạo thành. Cho nên sóng nhất tâm xưng niệm này là tốt nhất. Nhất tâm chính là nhất chân pháp giới, là chân tâm. Toàn bộ tất cả sóng động là vọng tâm. Chúng ta dùng chân tâm để hóa giải vọng tâm, thì tai nạn được tiêu trừ. Hiện tướng mà nhất chân hiện ra là nhất chân pháp giới của chư Phật Bồ Tát, là rất yên định, hòa bình, tốt lành, an lạc. Chúng ta phải thể hội thật kỹ đạo lý này. Sau đó chúng ta mới khẳng định phương pháp trong kinh điển đức Phật dạy chúng ta. Chúng ta biết làm như vậy là thật sự có hiệu quả. Làm vậy là được chư Phật Bồ Tát gia trì. Người thế gian chúng ta gọi là Phật Bồ Tát phù hộ. Bản thân bạn không thể được nhất tâm, thì Phật Bồ Tát không thể gia trì được. Bản thân bạn niệm được nhất tâm, liền cảm ứng đạo giao với chư Phật Như Lai, đạo lý nó là như vậy. Cho nên trong Phật pháp thật sự là không có mê tín. Chỗ này nói “Văn danh kiến hình” (Nghe danh hiệu, thấy hình tượng) Đây là duyên. “Luyến mộ tán thán” (Mến tưởng, khen ngợi) Luyến mộ là học tập theo Phật Bồ Tát. Tán thán là khen ngợi tán dương chư Phật Bồ Tát, là giới thiệu Phật Bồ Tát cho đại chúng, chúng ta gọi là hoằng pháp lợi sinh. Khen ngợi là hoằng pháp lợi sinh. Luyến mộ là y giáo tu hành. Từ đó cho thấy, người như vậy chắc chắn là có thiện căn phước đức. Nghe danh hiệu, thấy hình ảnh là nhân duyên. Họ là có đầy đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên. Cho nên người như vậy thì “Ư vô thượng đạo tất bất thối chuyển” (Ở nơi đạo vô thượng chánh giác quyết chẳng còn thối chuyển.) Đây là nói quả báo của họ. “Thường sanh nhân thiên cụ thọ diệu lạc” (Thường được sanh vào cõi người, cõi trời hưởng đủ sự vui vi diệu.) Đây là người vẫn chưa có phát tâm cầu thoát khỏi lục đạo, mười pháp giới, vẫn chưa có phát tâm. Họ hưởng sự vui vi diệu ở cõi trời, cõi người trong lục đạo, chắc chắn không đọa ba ác đạo, cũng sẽ không sinh vào trong cõi A Tu La. Tuy sinh vào cõi A Tu La là hưởng thụ, hưởng vui, nhưng mà tạo nghiệp. Họ hưởng hết phước báo rồi chắc chắn bị đọa lạc. Trong cõi trời người thì nhất định gặp được bạn lành, gặp được thầy tốt, làm tăng thượng duyên cho họ. Người có thiện căn, phước đức gặp được thiện tri thức họ đều có thể sinh niềm tin, có thể hiểu, có thể y giáo phụng hành, đây là nhân thù thắng. “Nhân quả tương thục” (Nhân quả sắp chín muồi) Đây là người thật sự giác ngộ rồi. Giác ngộ thì không nên hưởng phước báo lâu dài ở cõi trời, cõi người. Một khi hưởng phước thì không có chuyện không tạo nghiệp, là vô tình sẽ tạo nghiệp. Cho nên họ có thể xả bỏ phước báo của mình, chuyên tu Tịnh Độ. Thế là “Ngộ Phật thọ ký” (Liền được Phật thọ ký cho) Chúng ta biết ở trong thời đại này, lời này cũng là do chư Phật Như Lai nói: “Mạt pháp thời kỳ, duy hữu Tịnh Độ thành tựu” (Thời kỳ Mạt Pháp chỉ có tu pháp môn Tịnh Độ là thành tựu). Quan trọng nhất của Tịnh Độ là tâm thanh tịnh. Hôm qua chúng tôi ở trên máy bay, tin tức trang nhất của báo, do báo tiếng Anh đưa tin, kinh tế của Singapore suy thoái, dự đoán đến mùa xuân năm tới, còn khó khăn hơn hiện nay. Chính phủ nhắc nhở nhân dân phải chuẩn bị tâm lý. Nói như vậy chúng tôi đã từng nghe nói rất lâu rồi. Tai nạn trong thế gian ngày càng nhiều, ngày càng cấp bách. Chúng ta phải xử lý như thế nào? Trước đây thầy Lý nói, phương pháp duy nhất là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, câu nói này của thầy là lời chỉ dạy chân thật. Cầu sanh Tịnh Độ cần phải buông xả vạn duyên. Cho nên ngày nay việc xây dựng làng Di Đà và niệm Phật đường là nhân duyên lớn. Không những là hiếm có trong thời đại này hiện nay, mà trong vô lượng kiếp cũng hiếm có một lần nhân duyên như vậy, chúng ta phải biết. Chúng tôi đi qua các nơi ở hải ngoại, nơi nào cũng cầu chúng tôi, pháp sư, xin thầy thường trụ ở nơi đây, thầy ở đây giảng kinh độ chúng con. Bạn phải biết, như thế là phá hoại đạo tràng này. Một đạo tràng thù thắng là có thể cứu vãn cả thế giới. Khi phá hoại đạo tràng này thì cả thế giới sẽ gặp tai ương. Đạo tràng này giống như đài truyền hình, đài phát sóng vậy. Ở đây nó đang phát ra sóng tư tưởng bình tĩnh, sinh ra sức mạnh rất lớn. Bạn phân nhóm người này ra thành bốn năm nhóm nhỏ, phân chia ra, thì lực của đạo tràng sẽ rất yếu ớt, không thể làm việc được, không giúp ích được gì cho tai nạn cả. Cho nên quý vị hiểu rõ đạo lý này, chúng ta cần phải tập trung người niệm Phật trên toàn thế giới lại với nhau, thì sẽ sinh ra sức mạnh rất lớn. Nhưng người thế gian đều là dùng tình cảm. Thầy ở Singapore, không ở chỗ của con. Tại sao không đến làm ở chỗ của con? Do nhân duyên. Mỗi cái đều có nhân duyên, chứ không phải yêu thương riêng một nơi nào, đâu có loại đạo lý này? Nơi nào có duyên, thì làm ở nơi đó. Người thế gian đều làm theo tình cảm, đều vì mình, làm ở chỗ của con, tốt nhất là làm trong nhà con, cái vòng lẫn quẩn nhỏ như vậy, ở quốc gia này của con vẫn không được, ở tỉnh này của con, thành phố này của con, tốt nhất là ở nhà con. Vậy thì sao có thể ra khỏi tam giới được? Sao có thể thoát khỏi luân hồi được? Tâm lượng quá nhỏ. Nhất định phải biết đạo lý này. Chúng tôi cảm thấy những người đó nhiệt tình, rất đáng yêu. Chúng tôi cũng rất cảm kích, nhưng nhất định không được mắc lừa, tuyệt đối không được nghe theo họ. Chúng ta lấy sự ổn định, hòa bình của tất cả chúng sanh và cả thế giới làm mục tiêu, cái lớn có thể chứa đựng cái nhỏ, nhưng cái nhỏ không thể chứa đựng cái lớn được. Xem tiếp đoạn kinh văn này dưới đây:

  “Nhữ kim cụ đại từ bi lân mẫn chúng sanh, cập thiên long bát bộ, thính ngô tuyên thuyết Địa Tạng Bồ Tát bất tư nghị lợi ích chi sự.”

  (Nay ông sẵn lòng từ bi lớn thương xót các loài chúng sanh và tám bộ chúng Trời, Rồng, v.v… mà muốn nghe ta nói những sự lợi ích chẳng thể nghĩ bàn của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát.)

  Ở trong phẩm kinh này, đây là Bồ Tát Quán Thế Âm thay chúng ta đứng ra khải thỉnh. Lòng từ bi của Bồ Tát Quán Âm không có khác gì so với Bồ Tát Địa Tạng, các Ngài đều thương xót chúng sanh khổ nạn. Nếu tám bộ chúng Trời, Rồng không nghe kinh, không nghe thuyết pháp cũng tạo tội nghiệp. Bên dưới đây là Ngài chỉ dạy Bồ Tát Quán Âm, nhưng thực ra cũng chính là chỉ dạy đại chúng tham dự pháp hội. Chữ “thính” là lắng nghe. “Ngô” là Thế Tôn tự xưng. Đang tuyên dương những sự lợi ích chẳng thể nghĩ bàn của ngài Địa Tạng.

  “Nhữ đương đế thính, ngô kim thuyết chi! Quán Thế Âm ngôn: “Duy nhiên Thế Tôn nguyện nhạo dục văn”

  (Ông nên lóng nghe cho kỹ, nay ta sẽ nói đó! ‘Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát bạch rằng: ‘Vâng! Bạch đức Thế-Tôn con xin ưa muốn nghe.’)

  Mấy câu này không cần giải thích nữa. Sau đó là Thế Tôn tuyên dương cho đại chúng chúng ta.

  “Phật cáo Quán Thế Âm Bồ Tát.”

  (Đức Phật bảo Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát)

  Bồ Tát Quán Thế Âm là đại biểu của mọi người chúng ta.

  “Vị lai hiện tại chư thế giới trung, hữu thiên nhân thọ thiên phước tận, hữu ngũ suy tướng hiện, hoặc hữu đọa ư ác đạo chi giả.”

  (‘Trong các thế giới về thuở hiện tại nay và vị lai sau, có vị trời nào, hưởng phước trời đã mãn, năm tướng suy hao hiện ra nơi thân, hoặc có kẻ phải đọa lạc vào nơi chốn ác đạo.)

  Đoạn này rất quan trọng, chúng ta cần phải nhớ kỹ. Đây là nói rõ một chân tướng sự thật, là sinh lên cõi trời, khi người cõi trời hưởng hết phước rồi, hưởng hết phước rồi sẽ chết. Đây là nói rõ tuổi thọ của người cõi trời rất dài, nhưng không thể không chết. Tất cả chúng sanh trong lục đạo thảy đều có sinh tử. Hai loại sinh tử đều có đủ là phần đoạn sinh tử và biến dịch sinh tử. Cho dù sinh về cõi trời phi tưởng phi phi tưởng thì vẫn còn sinh tử. Ở trong đây không rốt ráo, nhưng biết bao nhiêu người hy vọng sinh về cõi trời? Cõi trời chưa rốt ráo. Không những phước cõi trời cũng sẽ hưởng hết, người cõi trời có sinh tử, vả lại họ vẫn bị đọa ác đạo. Sau khi tuổi thọ trên cõi trời hết rồi, sẽ đọa ba ác đạo, đây là chân tướng sự thật, chúng ta không thể không biết. Mấy câu phía trước trong chú giải này nói rất hay, chúng ta hãy đọc qua một lược. “Tam giới chư thiên, các thừa túc nghiệp.” (Chư thiên trong Tam Giới đều mang túc nghiệp) Tam Giới là chỉ Dục Giới có sáu tầng trời, Sắc Giới có mười tám tầng trời, Vô Sắc Giới có bốn tầng trời, tổng cộng có hai tám tầng trời. Sao được sinh lên cõi trời? Do nghiệp tu trong đời quá khứ khác nhau. Sinh lên cõi trời đều là tu thiện nghiệp. Trong kinh đức Phật nói cho chúng ta biết là: “Thập thiện nghiệp đạo, tứ vô lượng tâm”, đây là điều kiện để bạn sinh lên cõi trời. Ngày nay chúng ta ở trong đời sống thường ngày đối nhân xử thế có làm được thập thiện  hay không? Quý vị đồng tu, muốn được một chút thành tựu trong Phật pháp thì trong đời này tuyệt đối không được làm những việc tổn người lợi mình, tuyệt đối không được phép làm, tuyệt đối không được có ý nghĩ hại người. Đương nhiên càng không nên làm chuyện tổn hại người khác, không được làm. Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không nói ra lời thô ác, đạo lý làm người cơ bản này chúng ta phải biết, phải làm cho được. Nếu như có thể luôn nghĩ đến lợi ích cho chúng sanh, có thể quên mình vì người nữa thì bạn đã tu tích phước đức rồi. Bạn mới có thể được phước báo nhân thiên. Khởi tâm động niệm vì xã hội, vì nhân dân vì tất cả chúng sanh, thì tiền đồ của bạn sáng sủa. Cho dù không biết vãng sanh Tịnh Độ, nhưng chắc chắn sẽ sinh lên cõi trời hưởng phước. Trong kinh Phật nói thiện ác, tội phước, bạn nhất định phải phân cho thật rõ ràng, thật minh bạch. “Kinh Địa Tạng” cũng rất tường tận, chúng ta nên thường xuyên đọc tụng, thường xuyên tư duy. Chúng ta ở trong đời sống thường ngày khởi tâm động niệm, lời nói việc làm có phạm phải hay không? Trong khi bạn đọc tụng hãy kiểm điểm lại tâm hạnh của mình, đây gọi là thật sự tu hành. Nếu như có phạm phải thì phải thật sự sám hối sửa lỗi, tuyệt đối không được che giấu, không được che đậy. Nếu che đậy thì tội nghiệp của bạn sẽ rất nặng, tội nghiệp của bạn sẽ càng tích nặng thêm. Bạn phải biết sám hối, phải thật sự sửa lỗi, nhất định không nên lợi dụng người khác, việc đó không có lợi ích. Bạn lợi dụng người ta thì đời sau vẫn phải trả nợ cho họ, việc gì phải vậy? Vậy chẳng phải là gây phiền phức cho mình sao? Thọ dụng trong đời sống của mình càng đơn giản càng tốt. Lần này ở Perth tôi có đi tham quan một đạo tràng tu hành của người Tiểu Thừa. Sau khi tôi tham quan xong thấy rất cảm động. Ở trong đây có mười bảy người xuất gia, họ đến từ rất nhiều quốc gia khu vực, họ được tín đồ cúng dường, có một miếng đất, có chín mươi sáu mẫu là rừng cây. Tự mình xây đạo tràng ở trong đó, nhà cửa hoàn toàn là tự mình xây dựng, tự mình thiết kế, tự mình xây, chứ không có thuê công nhân. Xây rất đẹp. Họ có ngôi Phật đường đơn giản, trang nghiêm, và có một thư viện nhỏ, có phòng tắm, phòng tắm rất lớn, từng căn từng căn riêng biệt. Nhà liêu họ ở, hiện nay có hai mươi căn. Cự ly của mỗi căn nhà liêu, đại khái đi bộ khoảng năm phút. Nhà liêu là dạng nhà nhỏ dành cho một người ở. Tôi thấy diện tích đó, có lẽ khoảng bốn mét vuông, không lớn. Nếu như để giường thì khoảng ba chiếc là hết chỗ. Căn nhà nhỏ nhưng rất sạch sẽ, là giống như am tranh vậy, phân tán rải rác trong khu vực này. Họ nói họ hy vọng tương lai đạo tràng này, nhiều nhất chỉ ở hai chục người. Không có nhà bếp. Người Tiểu Thừa không có nhà bếp, không nấu cơm, họ tiếp nhận sự cúng dường từ người khác. Mỗi ngày có cư sĩ mang cơm và thức ăn đến nơi đó để cúng dường họ, không có nhà bếp. Họ mỗi ngày ăn một bữa, ăn một bữa ngọ. Tôi tham quan xong thấy rất cảm động, họ chỉ chuyên tâm hành đạo. Trong thành phố họ có ngôi đạo tràng chi nhánh, có giảng đường, vào thứ sáu mỗi tuần họ phái hai vị pháp sư xuống đó giảng kinh thuyết pháp, mỗi tuần một lần. Thính chúng có khoảng hơn bốn trăm người, đều là tín đồ của họ. Chúng tôi cũng có đồng tu đến hỏi họ, nếu như trời mưa gió không có người đưa cơm đến thì làm thế nào? Họ nói xưa nay chưa từng có chuyện đó. Mấy năm về trước rừng bị cháy, cây cối ở nơi đó của họ cũng bị thiêu rụi hết, nhưng nhà liêu của họ đều không bị sao cả, thật không thể nghĩ bàn. Cho nên thật sự tu đạo sẽ có thần hộ pháp bảo vệ. Chúng tôi nhìn thấy rất cảm động, thật sự nhìn thấy hình ảnh người tu hành, đây chính là nơi tham học của chúng ta. Đoạn kinh văn này nói, người cõi trời khi: “Thọ hưởng hết phước, thì có năm tướng suy hiện ra”. Người cõi trời phước báo lớn hay nhỏ cũng khác nhau. Giống như cõi nhân gian chúng ta vậy. Chúng ta được thân người, mọi người đều có được thân người, đều cư trú trên địa cầu này, nhưng phước báo của mỗi người khác nhau. Chúng tôi đến Úc Châu để tham quan, người Úc Châu có phước báo lớn hơn chúng ta. Chúng ta nhiều người tu hành như thế này, lại chen chúc trong một ngôi lầu nhỏ, giống như lồng chim bồ câu vậy. Nhà liêu của người ta ở, mỗi người ở trong căn phòng rất lớn, rất lớn. Tuy nhà liêu của họ nhỏ, nhưng không gian hoạt động lớn. Từ căn nhà của tôi đây đến căn nhà của bạn đó, muốn đi bộ để đến thăm bạn phải mất năm sáu phút. Đây là nơi sông núi hữu tình, hiện nay chúng ta gọi là từ trường khác nhau, khi bước vào đạo tràng, tâm của bạn liền cảm thấy thanh tịnh, cảm thấy hoan hỷ. Trên núi động vật hoang dã nhiều hơn con người. Nhưng người xuất gia đều có tâm từ bi, động vật hoang dã cũng không hại người, con người có thể giao tiếp được với những động vật hoang dã này. Tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm từ bi thì có thể giao tiếp được, rắn độc thú dữ cũng không làm tổn hại bạn. Bởi vì tâm bạn từ bi, bạn không có tâm độc ác. Nếu trong tâm bạn độc ác sẽ sinh xung đột với nó. Nếu tâm bạn từ bi, yên tĩnh sẽ không sinh xung đột với nó. Người tu hành trong núi sâu ở Trung Quốc cũng rất nhiều. Họ cũng thường hay ở chung với những loài thú dữ như cọp. Những loài thú dữ đó giống như thú cưng nuôi ở nhà vậy, chúng rất biết nghe lời, đạo lý là ở chỗ này. Đây chính là cách mà đức Phật dạy chúng ta làm thế nào chung sống hòa bình với chúng sanh trong lục đạo, là đôi bên tôn trọng lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau. Con người có thể chung sống hòa bình với rắn độc, thú dữ, thì đâu có lý nào không thể chung sống hòa bình với con người được? Cho nên phải luôn luôn soi lại mình, không nên soi người khác. Lỗi lầm do đâu vậy? Lỗi lầm chắc chắn là do ta, người khác không có lỗi lầm, là bạn có thể chung sống được với người ta. Nếu như khởi tâm động niệm bạn nghĩ tôi không có sai, họ đều sai cả, thì bạn sẽ đối lập với người ta, luôn đối đầu, tình kết này vĩnh viễn không thể hóa giải được. Cho nên phải thường xuyên soi lại lỗi lầm của mình, điều chỉnh lại lỗi lầm của mình, đừng yêu cầu người khác thuận theo ta, yêu cầu ta phải làm sao thuận theo mọi người, vậy là bạn đúng rồi. Bồ Tát Phổ Hiền dạy chúng ta: “Hoằng thuận chúng sanh” chứ không có bảo chúng sanh thuận theo ta, không có. Sau đó mới có thể tu tích công đức ở trong tùy hỷ được. Công đức là định tuệ. Định trong “Kinh Di Đà” nói “Nhất tâm bất loạn”, đó là định. Khi định khởi tác dụng chính là tuệ. Định tuệ mới có thể giải quyết được vấn đề. Nếu như phước báo của người cõi trời không phải thật lớn, thì lúc lâm chung hạt giống tập khí ác trong a-lại-da-thức sẽ khởi hiện hành. Khởi hiện hành thì họ sẽ đọa ác đạo. Đây là trong kinh đức Phật thường nói, lúc lâm chung nghiệp lực hiện tiền nghiệp nào mạnh sẽ dẫn đi trước. Ý nghĩ nào mạnh thì sẽ theo ý nghĩ đó mà đi đầu thai. Cho nên lúc sắp mạng chung niệm thiện mạnh thì sinh vào đường thiện, niệm ác mạnh thì đọa vào ác đạo. Chứ không phải do vua Diêm La xử cho bạn đi vào đường nào? Không phải vậy. Là do ý nghĩ của bạn dẫn dắt bạn đi. Ý nghĩ ngu si của bạn mạnh, thì đi vào đường súc sanh. Ý nghĩ tham ái mạnh thì vào đường ngạ quỷ. Ý nghĩ sân hận mạnh thì đi vào địa ngục. Từ đó cho thấy, nếu như cái niệm cuối cùng đó của chúng ta có lực niệm Phật mạnh, vậy liền vãng sanh Tịnh Độ. Bình thường phải bồi dưỡng ý nghĩ này, chứ đến lúc sắp mạng chung sẽ không kịp. Lúc sắp mạng chung có được một niệm đến mười niệm là vãng sanh, không sai, nói trên lý thì được, nhưng trên sự thì rất ít có. Thật sự có mấy người như vậy là nhờ lực thiện vốn có trong đời quá khứ mạnh, do nhất thời mê hoặc tạo tác ác nghiệp, lúc lâm chung có người nhắc nhở, thì căn tánh vốn có đó của họ liền khởi tác dụng, như vậy mới có thể vãng sanh, hoàn toàn không phải do may mắn. Nếu như bạn nghĩ do may mắn mà được vãng sanh là không có đạo lý này. Nhất định phải bồi dưỡng thường ngày, nỗ lực bồi dưỡng, gấp rút bồi dưỡng. Phải biết đây là đại sự nhân duyên trong trăm nghìn muôn kiếp khó được gặp. Hiểu rõ chân tướng sự thật của đạo lý này thì sao bạn không buông xả được? Bạn nhất định sẽ buông xả được. Nếu như bạn nói bạn không buông xả được, là bạn vẫn chưa nhận thức rõ ràng về chân tướng sự thật này, chưa thấu triệt đạo lý. Sau khi thấu triệt rồi chắc chắn sẽ buông xả, chắc chắn không còn dính nhiễm. “Ngũ suy tướng hiện” Năm tướng suy trong kinh có nói, có hai loại; năm tướng suy nhỏ và năm tướng suy lớn. Năm tướng suy nhỏ, thứ nhất là thân thể có mùi hôi. Thân thể người cõi trời thanh tịnh, thân thể có mùi thơm. Có một số đồng tu niệm Phật, hoặc giả lúc đang niệm Phật, hoặc giả lúc đọc kinh, thậm chí là lúc kinh hành, lúc thảo luận Phật pháp, ngửi thấy mùi thơm lạ. Mùi thơm này từ đâu đến vậy? Có thể mùi thơm này bạn chưa từng ngửi thấy bao giờ, bạn cũng không thể miêu tả được, có mùi thơm lạ, thậm chí là mùi thơm rất đậm đặc, có khi kéo dài thời gian đến mấy phút, mọi người đều ngửi thấy. Đại đức xưa nói cho chúng ta biết, chúng ta ở nơi này niệm Phật, tụng kinh, thảo luận Phật pháp, thiên nhân đi ngang qua nơi này, họ nhìn thấy sinh tâm hoan hỷ, họ bèn dừng lại chắp tay, vào lúc này bạn sẽ ngửi thấy mùi thơm. Tình trạng này rất nhiều, rất nhiều người đã từng gặp. Khi năm tướng suy nhỏ hiện tiền, tức là phước báo của họ sắp hết rồi, mùi thơm không còn nữa. Loại thứ hai là trên người thiên nhân đều có ánh sáng, ánh sáng này bị yếu đi. Loại thứ ba là khi tắm rửa bị dính nước ở trên người. Chúng ta tắm rửa, sau khi tắm rửa xong lau chùi thân thể sạch sẽ, nhưng thiên nhân thì không cần, nước không dính lên người. Nước dính lên người, đây là tướng suy nhỏ. Loại thứ tư là ở trong cảnh giới có khởi một tâm niệm tham rất nhỏ, có một chút dính nhiễm. Loại thứ năm là mắt, chúng ta gọi là nháy mắt. Mắt của thiên nhân là thường hay mở, không có nháy mắt. Nếu có hiện tượng nháy mắt, thì đây là tướng suy. Đây là năm tướng suy nhỏ, cho thấy sắp hưởng hết phước báo rồi. Khi hưởng hết phước báo thì năm tướng suy lớn hiện tiền. Năm tướng suy lớn, thứ nhất là quần áo dơ bẩn. Quần áo của người cõi trời cũng không cần phải cắt may, cũng không cần giặt giũ. Quần áo của họ thật sự là không nhiễm mảy bụi, vào lúc này quần áo nhiễm bụi dơ. Thứ hai là người cõi trời đều đội mão, trên mão đều có hoa tươi, hoa bị khô, héo rồi, là tướng suy lớn, vào lúc này họ rất đau khổ. Thứ ba là chảy mồ hôi, khi xuất hiện tình trạng này, cho thấy tuổi thọ của họ sắp hết rồi. Trong kinh nói đại khái không quá bảy ngày, là họ sẽ chết. Loại thứ tư là thân thể có mùi hôi, mùi khó chịu. Loại thứ năm là họ ngồi không yên, đứng ngồi không yên. Khi năm tướng suy nhỏ hiện tiền, nếu như vào lúc này họ có duyên gặp được chư Phật Bồ Tát, gặp được đại thiện tri thức, họ có thể sám hối quy y, y giáo tu học, họ có thể phục hồi được, có thể tăng trưởng phước trời. Hay nói cách khác là tăng trưởng tuổi thọ của họ. Khi năm tướng suy lớn hiện tiền thì không được, chắc chắn bị đọa lạc. Cho nên người cõi trời càng lên cao thì khi đọa lạc sẽ càng khổ. Cõi trời Dục Giới, Sắc Giới, hưởng hết phước cõi trời rồi vẫn có rất nhiều người rơi xuống nhân gian, được thân người. Cõi trời Tứ Thiền, trời Tứ Không, sau khi tuổi thọ hết rồi, phần lớn là bị đọa vào Tam Đồ, hoặc có người đọa vào ác đạo. Điều này người ta thường gọi là: “Trèo cao té nặng” việc này đều có đạo lý ở trong đó. Mời xem đoạn kinh văn này dưới đây:

  “Như thị thiên nhân, nhược nam nhược nữ, đương hiện tướng thời, hoặc kiến Ðịa Tạng Bồ Tát hình tượng, hoặc văn Ðịa Tạng Bồ Tát danh, nhất chiêm nhất lễ, thị chư thiên nhân chuyển tăng thiên phước, thọ đại khoái lạc, vĩnh bất đọa tam ác đạo báo.”

  (Các vị trời đó, hoặc nam hoặc nữ đương lúc tướng suy hao hiện, hoặc thấy hình tượng của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát, hoặc nghe tên Ngài Địa-Tạng Bồ Tát, rồi một lần chiêm ngưỡng một lần đảnh lễ. Thời các vị trời đó càng thêm lớn phước trời, hưởng sự vui sướng rất nhiều, không bao giờ còn phải bị đọa lạc vào ba ác đạo nữa.)

  Việc này phải xem duyên phận. Nếu như duyên phận của họ tốt, nhìn thấy Bồ Tát Địa Tạng, trong lúc năm tướng suy hao của họ hiện ra, nhìn thấy hình ảnh Bồ Tát Địa Tạng, hoặc giả là nghe danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng. Đây là không nhất định phải nhìn thấy đích thân Bồ Tát. Giống như chúng ta hiện nay đắp nặn hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, bạn nhìn thấy tượng, nghe thấy danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng, còn có thể “Nhất chiêm nhất lễ” (Một lần chiêm ngưỡng một lần đảnh lễ). Ở đây nói “Nhất chiêm nhất lễ” chúng ta đừng nên hiểu lầm, là lễ bái Bồ Tát Địa Tạng một lần là được. Đâu có chuyện dễ dàng như vậy được? Chữ “Nhất” là nhất tâm, cái này phải biết, là chân tâm. Dùng tâm chân thành chiêm ngưỡng, đảnh lễ. Trong tâm chân thành là đã có đầy đủ sám hối, lễ kính. Bồ Tát Thiên Thân ở trong “Vãng Sanh Luận” nói năm cương lĩnh tu học, thì trong chiêm lễ là có đầy đủ viên mãn năm cương lĩnh ấy. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư căn cứ theo nguyên tắc này, đã đặt ra thời khóa “Tịnh Tu Tiệp Yếu” cho người mới học chúng ta. Tịnh Tu Tiệp Yếu là dựa theo năm nguyên tắc mà Bồ Tát Thiên Thân nói trong “Vãng Sanh Luận” mà đặt ra. Cho nên có lễ kính, có xưng danh, có sám hối, ở trong đây quan trọng nhất là sám hối. “Thị chư thiên nhân chuyển tăng thiên phước.” (Thời các vị trời đó càng thêm lớn phước trời.) Nghiệp chướng tiêu trừ, thì phước báo hiện tiền ngay. Họ có thể kéo dài thời gian hưởng thụ phước trời. “Vĩnh bất đọa tam ác đạo báo” (Không bao giờ còn phải bị đọa lạc vào ba ác đạo nữa.) Trong chú giải có một câu chuyện, quý vị hãy tự mình xem thì sẽ biết. Từ trong đủ dạng nhân duyên công án tu học của người xưa, chúng ta không những có thể sinh khởi lòng tin, hơn nữa còn có thể nhận ra được chân tướng sự thật, biết phải tu học như thế nào. Đây là nói chiêm lễ sám hối tu phước. Dưới đây nói:

  “Hà huống kiến văn Bồ Tát, dĩ chư hương hoa, y phục, ẩm thực, bảo bối, anh lạc bố thí cúng dường, sở hoạch công đức phước lợi vô lượng vô biên.”

  (Huống chi là những người thấy hình tượng Bồ Tát, nghe danh hiệu Bồ Tát rồi đem các thứ hương hoa, đồ y phục, đồ uống ăn, vật báu, chuỗi ngọc… mà bố thí cúng dường, thời người này đặng vô lượng vô biên công đức phước lợi.)

  Đây là nói phước báo của việc thấy nghe chiêm lễ là rất lớn. Nếu như cộng thêm cúng dường nữa, vậy thì đương nhiên họ sẽ được phước lớn hơn nữa. Trong đây có nêu ra mấy điển hình như: “Hương hoa, đồ y phục, đồ ăn uống.” Bạn phải hiểu được ý nghĩa tượng trưng. “Hương” biểu thị cho niềm tin, biểu thị cho giới định, biểu thị cho ngũ phần pháp thân, chứ hoàn toàn không phải là chúng ta đem một chút hương đốt cúng dường lên trước mặt Phật Bồ Tát là được, đó là hình tượng. Phải biết từ trong hình tượng nhận ra được thực chất, đó mới là hương thật. Cho nên có thể xả bỏ được tham, sân, si tu giới, định, tuệ đây mới đích thực là dùng hương cúng dường Phật. Ý nghĩa mà chúng ta thắp lên nén hương này là ở chỗ này. Xa lìa tham, sân, si, siêng năng tu giới, định, tuệ. “Hoa” biểu thị cho lục độ vạn hạnh. “Y” biểu thị cho nhẫn nhục. Phải biết điều này. “Ẩm thực” biểu thị cho pháp vị. “Bảo bối, anh lạc” biểu thị cho dụng cụ trang nghiêm. Chúng ta thật sự có thể dựa theo những phương pháp này mà tu học, thì phước báo và lợi ích mà bạn nhận được sẽ là vô lượng vô biên. “Vô lượng vô biên” trong chú giải có nói, sau cùng chú giải nói: “Kim hoạch công phước chánh dữ Bát Nhã tương ưng. Cố như hư không vô lượng vô biên.” (Nay nhận được công đức phước lợi, tương ứng với Bát Nhã, cho nên giống như hư không vô lượng vô biên.) Làm sao ương ưng với Bát Nhã? Tức là trong “Kinh Kim Cang” dạy chúng ta: “Bồ Tát dùng không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh không tướng thọ giả tu tích hết thảy thiện pháp”. Tuy tu việc thiện nhỏ, nhưng nhận được lợi ích công đức, phước đức vô lượng vô biên, chính là đạo lý này. Nếu như tu hành mà chấp tướng, dù tu học việc phước báo lớn đi nữa, nhưng phước báo họ nhận được là rất nhỏ. Sự thật này đức Thế Tôn đã nói trong kinh quá nhiều, quá nhiều rồi. Đặc biệt là Kinh Đại Thừa, chúng ta cần thể hội cho thật kỹ. Từ đó cho thấy mở rộng tâm lượng là đề mục quan trọng hàng đầu của người tu học Đại Thừa chúng ta. Nếu như không thể mở rộng tâm lượng, thì thành tựu của chúng ta nói lời thành thật là kém hơn người Tiểu Thừa rất xa. Mặc dù người Tiểu Thừa không thể chứng quả, đây là sự thật, ngay cả sơ quả Tu-đà-hoàn cũng không dễ gì chứng được, cũng rất khó. Nhưng phước báo nhân thiên họ chắc chắn sẽ nhận được. Chúng tôi xem xong hoàn toàn không có hoài nghi, họ tu phước trời. Nếu như có thể đoạn được tám mươi tám phẩm kiến hoặc, mới có thể chứng được quả Tu-đà-hoàn. Nhưng tám mươi tám phẩm kiến hoặc trong Tam Giới là không dễ gì đoạn dứt được. Người Đại Thừa chúng ta, nếu như không buông xả thân tâm thế giới, thì niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Đây là câu thiền cửa miệng mà đường chủ niệm Phật đường thường hay nhắc nhở. Từng giây từng phút nhắc nhở đồng tu niệm Phật luôn: “Thân tâm thế giới, hết thảy buông xả.” Thân tâm thế giới hết thảy buông xả chính là buông xả bốn tướng; ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, là tương ưng với Bát Nhã. Lúc đó thật sự là “Một niệm tương ưng, một niệm Phật. Niệm niệm tương ưng thì niệm niệm Phật.” Vậy là thật sự nắm chắn có phần vãng sanh. Không nắm chắc có phần vãng sanh là do bạn có dính mắc với thế gian. Chỉ cần bạn có mảy may dính mắc thì nó sẽ chướng ngại bạn vãng sanh. Nên cần phải xả cho thật sạch sẽ. Bạn có gì thì nên bố thí, lợi ích chúng sanh, nhu cầu của thân thể mình quá hữu hạn, tiêu tốn không nhiều. Việc gì phải tích chứa quá nhiều những đồ dùng mỗi ngày này, khiến cho thân thể mình tạo tội nghiệp. Cho nên nhất định phải biết bố thí, phải biết đem phước báo của mình ra hưởng chung với tất cả chúng sanh, vậy thì phước báo của bạn lớn rồi, đó là phước báo đích thực. Đoạn văn khen ngợi này của đức Thế Tôn rất dài, đến chỗ này là hết một đoạn. Phía sau là việc chuyển nghiệp ác lúc lâm chung, cũng vô cùng quan trọng. Ngày mai chúng ta giảng tiếp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *